Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vị Trí Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trong Lòng Các Giáo Hội

10/12/201918:29(Xem: 6154)
Vị Trí Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trong Lòng Các Giáo Hội
hoasen-gdptvn

VỊ TRÍ CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
TRONG LÒNG CÁC GIÁO HỘI
Như Hùng
Bài Tham Luận Khóa Hội Thảo Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử miền Quảng Đức,
với chủ đề GIA ĐÌNH PHẬT TỬ GIỮA CÁC GIÁO HỘI tổ chức vào ngày 8-12-2019 tại miền Nam California.



Ngược dòng lịch sử, ngày 14 tháng 8 năm 1938 trong kỳ Đại hội của Tổng Hội An Nam Phật Học tại Huế. Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, một đại trí thức, một cư sĩ nổi tiếng tinh thông Phật học đã phát biểu như sau “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai...” một câu nói bất hủ vượt thời gian, một tuyên ngôn vô cùng giá trị, một thông điệp mang tính từ bi trí tuệ và nhân bản, đã khởi đầu cho sự hình thành và phát triển một tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên Phật Tử, với mục đích cao cả như sau: “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chính. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Sống và làm theo Chánh Pháp, hết lòng phụng sự Đạo Pháp trong tinh thần Bi Trí Dũng.với lý tưởng giải thoát. Tổ chức đó với tên gọi ban đầu là Đoàn Phật học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đó cũng là tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam ngày nay.

Tam Minh Le Dinh Tham-5

Kể từ năm 1975 trong sự ngã nghiêng của đất nước, trong sự khốn cùng điêu linh của Dân tộc, Người Việt Nam đành gạt lệ xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ nước ra đi. Từng lớp người ra đi, trước hay sau, trong đó có rất nhiều người con Phật nói chung, và những huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử nói riêng. Đến được vùng đất mới, định cư hội nhập ở xứ người, Hoa Kỳ vẫn là nơi có số lượng người Việt đông nhất, chùa chiền cũng nhiều nhất.

Hòa Thượng Thích Thiên Ân (1925 - 1980) Ngài được cơ quan Văn Hóa Á Châu của Liên Hiệp Quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Ngài sang Hoa Kỳ vào năm 1966, được mời làm giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học, tại Đại học đường ở Los Angeles, California. Ngài là sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Năm 1976 ngài cho thành lập Gia Đình Phật Tử Long Hoa, được kể như đơn vị Gia Đình Phật Tử đầu tiên tại Hoa Kỳ. Tổ chức Gia Đình Phật Tử, từ đó đến nay mỗi ngày thêm lớn mạnh, nơi nào có người Việt thì nơi đó có chùa, nơi nào có chùa thì nơi đó có Gia Đình Phật Tử. Ngoài việc tiếp nối con đường giác ngộ giải thoát, phát huy lý tưởng cao đẹp của Bi Trí Dũng. Gia Đình Phật Tử còn góp phần trong việc duy trì, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, qua những việc như: mặc áo dài truyền thống trong những sinh hoạt, những bài ca điệu múa của dân tộc, học và nói tiếng Việt. Hướng dẫn thanh thiếu, đồng niên, sống và học tập làm theo chánh pháp, vững tiến trên con đường phụng sự nhân sinh.

Thich-Thien-An-

Hòa Thượng Thích Thiên Ân (1925 - 1980)



Tại Hoa Kỳ ngày nay có khoảng trên 300 ngôi chùa, thiền viện, tu viện, tịnh thất, đạo tràng, nằm rải rác trên 41 tiểu bang, nơi có đông người Việt cư ngụ, và có khoảng trên 1,000 tu sĩ. Về phương diện sinh hoạt Phật sự, có sự hình thành các giáo hội, tông phái, pháp phái, do chư Tôn đức Tăng Ni cùng với quý cư sĩ thành lập, để có tiếng nói chung trong tất cả những sinh hoạt Phật sự, cũng như có sự đồng thuận mạnh mẽ cho quê hương Dân Tộc và Đạo Pháp. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ có khoảng năm Giáo Hội lớn nhỏ, sinh hoạt từ trước đến nay.

1, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, trong bản tuyên bố chung năm 2008 có đoạn: “Giáo Hội PGVNTN cũng như bất cứ một tổ chức Phật Giáo chân chính nào đều là sự kết tinh tâm nguyện và hoài bão của tập thể Tăng Ni, Phật tử chung lòng chung sức xây dựng nên… Nó không thể và không bao giờ là của riêng một cá nhân hay của một nhóm người thiểu số; và vì vậy, cũng không ai hay một nhóm người thiểu số nào có quyền giải tán hay loại bỏ nó”.
2, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, Tôn-chỉ, mục-đích như sau: “đoàn-kết, liên-kết, hòa-hợp và xây-dựng”.
3, Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, “Tôn Chỉ của Tăng Đoàn là phát huy bản thể thanh tịnh và nội lực hòa hợp để phục vụ quần sanh, báo Phật ân đức”.

4, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau khi Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ viên tịch, vào năm 2006 đến nay, thì ngoài những buổi lễ tưởng niệm, Tổng Hội, chỉ còn trên danh xưng, không thấy có sự sinh hoạt cụ thể nào.
5, Giáo Hội Phật Giáo Liên Hữu Mỹ Việt, tiền thân Hội Ái Hữu Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau đổi thành Hội Liên Hữu Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, do Hòa Thượng Thích Thiên Ân thành lập năm 1976. Nay phục hoạt với tôn chỉ: “một tổ chức tôn giáo phi lợi nhuận. Mọi thành viên Tăng già tự nguyện tham gia để thi hành Phật sự tại Hoa Kỳ và quốc tế”.

Bên cạnh đó, còn có rất đông tự viện và một số chư Tôn Đức sinh hoạt độc lập, không nằm trong bất cứ tổ chức giáo hội nào, chỉ đóng vai trò cảm tình viên, hoặc được cung thỉnh vào hàng ngũ chứng minh.

Sự liên hệ giữa các Giáo Hội và tổ chức Gia Đình Phật Tử, nếu phân tích kỷ, chúng ta sẽ thấy có một vài vấn đề cần lưu ý. Thông thường một số chư Tôn Đức đang giữ nhiệm vụ Trụ Trì hay Viện Chủ các tự viện, khi đang sinh hoạt trong các Giáo Hội. Vì để cho số lượng và đơn vị nằm trong Giáo Hội mình tham dự được đông đảo, nên tìm cách lôi cuốn, sai bảo, đơn vị Gia Đình Phật Tử đang sinh hoạt tại chùa của mình trở thành, thành viên của Giáo Hội. Cũng như cho thành lập ban hướng dẫn trung ương, cấp miền và các cấp, quên đi tính đồng bộ và lý tưởng cao cả của tổ chức này, gây ảnh hưởng, xáo trộn đến hệ thống hàng dọc của tổ chức, tạo nên sự bế tắc đổ vỡ và phá hỏng tính kỷ luật của tổ chức, đã có một quá trình hy sinh đóng góp dài lâu cho Đạo Pháp.

Bên cạnh những thành tựu, tổ chức Gia Đình Phật Tử, cũng gặp không ít chướng duyên nghịch cảnh, từ bên trong đến bên ngoài, từ khách quan đến chủ quan. Tự thân tổ chức, cũng có một số những dị biệt, phân hóa từ nơi các anh chị trưởng, do vì bất đồng quan điểm, chưa thật sự “ hiểu và thương” không chịu ngồi lại với nhau, không tạo sự cảm thông cần thiết. Hoặc do vì cảm tình riêng, không được như ý, đã lôi kéo các em, các đơn vị, quên đi tinh thần lục hòa, lý tưởng cao đẹp của tổ chức. Đã góp phần làm cho tổ chức càng ngày càng thêm ngăn cách, chia rẽ, bế tắc và khủng hoảng như hiện nay.

Chư Tôn Đức và các giáo hội, nếu thật sự yêu thương Gia Đình Phật Tử, vẫn mãi là đứa con thương yêu của Phật Giáo, thì nên để cho tổ chức này, sinh hoạt một cách độc lập, tự quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức, và không nằm trong bất cứ giáo hội nào. Chỉ đóng vai trò của một quan sát viên, hỗ trợ những Phật sự. Có như thế chúng ta mới không xé lẻ tổ chức này ra từng mảnh, chia chức phân quyền, làm thành nhóm nhỏ cho các giáo hội. Gia Đình Phật Tử lúc nào và bao giờ ,vẫn mãi là đứa con trung kiên của giáo hội, một đứa con được sinh ra từ trong lòng của giáo hội, được nuôi dưỡng lớn lên bởi giáo hội. Ước mong các giáo hội, xóa bỏ những dị biệt, bất đồng, cùng ngồi lại với nhau trong đạo tình Linh Sơn cốt nhục, thống nhất lại làm một, chỉ duy nhất có một Giáo Hội, như từ trước năm 1975.

Đức Phật thường dạy “bốn chúng cùng tu tập” chư Tôn Đức Tăng Ni, là trưởng tử và trưởng nữ của Đức Thế Tôn, nhưng ở đây lại có một số những tâm lý tồn đọng cần phải thay đổi. Giữa một số chư Tôn đức và Phật tử có sự ngăn cách quá lớn, thiếu sự cảm thông như trong một đại gia đình, khi tiếp xúc với Phật Tử thì có một thái độ quyền uy. Hoặc khi Phật Tử tiếp xúc với một số chư Tôn Đức hay những vị xuất gia, thường tỏ ra khúm núm, rụt rè, sợ sệt, dẫn đến việc chỉ đâu làm đó, sai bảo dạ vậng, tôn thờ quá đáng. Không chịu suy xét những điều đó có phù hợp với chánh pháp hay không?

Đối với đại chúng, phần nghi lễ thì nặng nề rời rạc, quỳ lâu lạy nhiều, kinh tụng chưa thuần tiếng Việt, vẫn còn âm Hán Nôm khó hiểu, hoặc không hiểu lời Phật dạy rõ ràng. Vì có hiểu được lời Phật dạy thì mới vâng giữ và nâng cao giá trị của cuộc sống, tự mình tu tập để đi đến giác ngộ giải thoát. Những buổi lễ hằng tuần, phần nhiều chú trọng vào nghi thức cầu siêu, cầu an, đọc sớ dài dòng, lạy lục, xin xỏ, cầu phước... Đối tượng quần chúng tham dự, phần nhiều không nằm trong hai diện trên, sự tùy thuận quá mức, sẽ mất đi ý nghĩa của khóa lễ cần thiết dành cho đại chúng. Bỏ quên đi phần cốt lõi, chưa tạo ra được bản sắc riêng của Đạo Phật Việt. Chúng ta có một số kinh tụng mang tính đại chúng như: Kinh Phước Đức, Kinh Thương Yêu, Kinh Người Áo Trắng, Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân...Đức Phật là bậc đạo sư, chỉ cho chúng ta con đường để đi đến an lạc giải thoát, chứ không phải là một thượng đế, thần linh, có quyền ban phước giáng họa, và không một ai có đủ năng lực thay đổi nhân quả dù đó là Đức Phật. Chúng ta cần hướng đến việc “tự mình giác ngộ, đem sự giác ngộ đến với kẻ khác, giác ngộ tròn đầy”.

Hơn nữa, hiện tình sinh hoạt của các chùa, số lượng giới trẻ, thế hệ tiếp nối của chúng ta ít tham dự, miễn cưỡng, hoặc không chịu đến chùa, đây là điều đáng báo động, đâu là nguyên nhân, và vì sao lại có tình trạng này? Trước hết là chúng ta chủ quan, không lưu ý, không để tâm, cho rằng việc đi chùa là của những Phật Tử hiểu đạo, trung thành, những vị lớn tuổi, già yếu, bệnh tật mới cần đi chùa để cầu nguyện, cầu xin. Có lẽ vì thế, nên chúng ta thờ ơ, chưa chú trọng đến việc cần phải gieo hạt giống lành, đến với thế hệ tiếp nối ngay từ ban đầu.

Chúng ta chưa tạo sự nối kết, tiếp cận với thế hệ sinh ra và trưởng thành trên xứ người, những thế hệ này phần nhiều không đến chùa do vì: không thích nghi, không thỏa mái, bị ràng buộc, bất đồng ngôn ngữ, thiếu sự hài hòa cảm thông...Hơn nữa có một lý do vô cùng quan trọng, những người đến chùa hầu hết đều là những người già cả, không cùng thế hệ, và có khoảng cách chênh lệch quá lớn. Phần nhiều các em đến chùa không do tự nguyện, gần như bị người lớn bắt buộc, dụ dỗ, đi chùa là để cầu xin Đức Phật, hoặc chỉ đến do vì phải đi theo gia đình, trong những dịp cầu siêu cho người thân. Tóm lại, đến chùa không có gì hấp dẫn giới trẻ, tẻ nhạt, thiếu vắng, nếu tình trạng này kéo dài Phật Giáo rồi sẽ đi về đâu?

Nên chăng, các chùa cần có khóa lễ dành cho tuổi trẻ, thật ý nghĩa và ngắn gọn, chúng ta có thể ngồi thiền khoảng 15 phút, sau đó tụng một thời kinh ngắn bằng tiếng Anh hay Việt như: Kinh Thương Yêu...kế đến là pháp thoại. Nên chọn những đề tài có tính xã hội, thời sự, tâm lý giới trẻ, tình yêu, hôn nhân, “tám con đường (bát chánh đạo) dẫn đến an lạc và hạnh phúc đích thật” theo quan điểm của đạo Phật. Cũng như làm sao để trở thành một người Phật Tử chân chính, sống và hành xử như thế nào để đẹp đạo đẹp đời, và còn rất nhiều đề tài có tính giáo dục cao. Nếu biết áp dụng lời Phật dạy vào đời sống, chắc hẳn mang lại sự lợi lạc thiết thực ngay trong hiện tại.

Sự có mặt của Đạo Phật trong ý nghĩa “giải thoát con người ra khỏi khổ đau tìm đến sự an lạc đích thực” và con đường để hoàn thành sứ mạng cao cả đó, cần phải chú trọng đến Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Nhưng vì chạy theo thị hiếu của số đông, thỏa mãn nhu cầu của quần chúng, tự mình đánh mất đi những giá trị cao quý của đạo Phật. Những khóa tu học ngắn hạn, dài hạn cũng có mở ra, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tu học của quần chúng Phật Tử, hoặc do sự tổ chức quá tốn kém tiền bạc, dành cho một số đối tượng, chưa tạo nên sinh khí mới lạ hấp dẫn cho mọi tầng lớp Phật Tử.

Chúng ta phải thừa nhận một điều, số lượng chùa chiền ở Hoa Kỳ quá nhiều, đến mức dư thừa, chúng ta đang rơi vào tình trạng không người kế thừa. Số lượng tu sĩ thì đông đảo, nhưng chủ yếu chỉ tập trung ở những tiểu bang có đông người Việt cư ngụ. Một số chùa chỉ có một vài vị tu sĩ hướng dẫn, tất cả đều trông chờ vào Phật Tử cúng dường để chi trả nợ nần, chi phí sinh hoạt v.v.. nên tiềm lực tài chánh của Phật Tử dần cạn kiệt, dẫn đến những công tác từ thiện xã hội, không có đủ nguồn tài chánh để thực hiện.

Việc truyền bá chánh pháp, phần nhiều chỉ giới hạn trong cộng đồng người Việt, chưa phát triển đến cộng đồng người bản xứ. Thế hệ Phật Tử thuần thành bây giờ phần nhiều đều đã lớn tuổi, người già nhiều hơn người trẻ, nữ nhiều hơn nam. Chư tổ ngày xưa khi sang Việt Nam truyền bá Đạo Phật, đâu có nhân danh giáo hội, và điều gì cả, thế mà Đạo Phật vẫn phát triển nhanh mạnh đến tận bây giờ.

Những đơn vị Gia Đình Phật Tử hầu như sinh hoạt trực tiếp từ ngôi chùa, vị cố vấn Giáo Hạnh, phần nhiều do vị Viện Chủ hay Trụ Trì đảm nhận, ngoại trừ chính vị đó chỉ định người khác thay thế. Nếu vị ấy nằm trong giáo hội nào, thì mặc nhiên đơn vị ấy trực thuộc vào giáo hội đó, dù muốn hay không. Trừ khi quý ngài cho rằng, không nên lôi kéo hay bắt buộc, tổ chức Gia Đình Phật Tử vào Giáo Hội của mình. Bởi lẽ, vai trò phụng sự cho Đạo Pháp không phải chỉ dành riêng cho hàng tăng sĩ độc quyền, mà là bốn chúng Phật Tử. Tất cả đều có trách nhiệm xiển dương giáo pháp và phục vụ đạo đời thêm tốt đẹp. Có hiểu như thế thì mới thương cho tổ chức Gia Đình Phật Tử, cũng vì lý tưởng, bảo vệ đạo pháp mà các anh chị em của tổ chức đã và đang dấn thân phục vụ không hề biết mỏi mệt.

Từ trước đến nay Gia Đình Phật Tử vẫn là những người con trung kiên và yêu quý của Phật Giáo, chứ không riêng của một Giáo Hội nào. Đó là một tập thể có sự sinh hoạt xuyên suốt, có hệ thống tổ chức và kỷ luật cao, từ trung ương đến địa phương, có một sứ mạng cao cả và thiêng liêng, với một tâm nguyện phụng sự tốt đạo đẹp đời, trong tinh thần Bi Trí Dũng giải thoát của Đạo Phật. Trong tình hình sinh hoạt của Phật Giáo ở Hải Ngoại, tổ chức Gia Đình Phật Tử còn đóng một vai trò quan trọng hơn nữa, đó là duy trì và phát huy nền văn hóa của Dân Tộc, và tiếp tục gìn giữ ngôn ngữ Việt và tiếng Việt trên xứ người.

Tổ chức Gia Đình Phật Tử, phần nào đã thay thế các giáo hội làm tốt công việc hướng dẫn cho giới thanh, thiếu, đồng niên. Nhờ sự tiếp cận và thường xuyên sinh hoạt, nên dễ thích nghi cũng như hiểu rõ, nắm bắt được tâm lý của các em. Vì những lý do trên, chư Tôn Đức không cần thiết và không nên lôi kéo Gia Đình Phật Tử đứng về phía của mình hay của Giáo Hội. Xin hãy bảo bọc và nuôi dưỡng tổ chức này, trong sự từ bi, bao dung, bởi mỗi người mỗi việc, mỗi tập thể đều có một công việc riêng, nhưng tất cả đều nhắm đến việc xiển dương chánh pháp và gìn giữ bản sắc dân tộc. Vậy nên, hãy để cho tổ chức Gia Đình Phật Tử, tự quyết định và sinh hoạt độc lập trong hệ thống tổ chức của riêng họ.

Đối với bản thân của tổ chức Gia Đình Phật Tử, trước hết phải kiện toàn và thống nhất nội bộ, cần có sự hiểu biết thương yêu, xây dựng, hòa hợp, xóa bỏ những bất đồng, dị biệt, ngăn cách, nêu cao tinh thần Bi Trí Dũng, sống trong tinh thần Lục Hòa, hành xử phù hợp với chánh pháp.

Nên chăng, quý thầy cô đang là cố vấn Giáo Hạnh, thành lập hội đồng cố vấn Giáo Hạnh tại Hoa Kỳ và chỉ có mỗi một hội đồng này mà thôi, tránh phân chia chức quyền hội đồng này ra các cấp, trung ương hoặc từng vùng miền. Bởi như thế sẽ rơi vào tâm lý phân biệt chức vụ vùng miền lớn nhỏ, không còn tính xuyên suốt, chỉ nên giữ vai trò phụ trách mà thôi. Ví dụ Thầy cố vấn Giáo Hạnh của một đơn vị nọ, đang giữ một chức vụ cao trong Giáo Hội, từ phẩm vị đến hạ lạp đều cao, tuổi đời tuổi đạo cũng cao, nhưng chỉ là cố vấn Giáo Hạnh cho một đơn vị Gia Đình Phật Tử tại địa phương, hoặc chỉ ở cấp vùng miền. Có những thầy cố vấn Giáo Hạnh, phẩm vị và hạ lạp cũng như chức vụ trong Giáo Hội thấp hơn, hoặc không giữ một chức vụ gì trong bất cứ giáo hội nào, nhưng lại được thỉnh mời vào cấp trung ương của tổ chức Gia Đình Phật Tử.

Ở đây, chúng ta thấy có sự lấn cấn và không hợp lý ngay, vì thế chỉ cần mỗi một hội đồng cố vấn Giáo Hạnh, và hãy để chính quý ngài tùy theo hạ lạp và phẩm vị, tự phân quyền với nhau, tự chọn nhân sự thích hợp cho từng nhiệm vụ mà phân bổ. Nếu chư tôn đức, do vì niên cao lạp trưởng, tuổi già sức yếu, có thể cung thỉnh lên hàng chứng minh, những nhiệm vụ trực tiếp dành cho quý thầy cô trẻ có đạo tâm, có phẩm hạnh, phù hợp với giới trẻ, có khả năng trình độ Anh ngữ, học vị bằng cấp đạo đời đều có, sẽ là những nhân tố thích hợp để đảm nhận vai trò trực tiếp. Tổ chức Gia Đình Phật Tử cứ y theo đó mà phụng hành, nếu có tham dự những buổi sinh hoạt như thế, chỉ với tư cách là quan sát viên mà thôi, không là nhân tố chính cho những quyết định.

Về việc kinh tụng cho Gia Đình Phật Tử, cần nhất là phải hoàn toàn thuần tiếng Việt, chọn những kinh ngắn gọn dễ hiểu, những bài kinh như: Chú Đại Bi, Bát Nhã mang tính triết lý, và nặng về mật giáo, chưa thích hợp với giới trẻ. Buổi lễ phải ý nghĩa, trong sáng, và phải hiểu biết được lời Phật dạy rõ ràng, thì mới theo đó vâng giữ và nâng cao giá trị của cuộc sống và sự sống. Ví dụ như Kinh Thương Yêu, có nhiều bản dịch khác nhau, dưới đây là bản dịch của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, phần tiếng Anh từ nguồn:rongmotamon.net. Chúng ta có thể chọn và so sánh bản nào thuần Việt hơn, lời văn trong sáng thích nghi, phù hợp cho tổ chức thì áp dụng.

Kinh Thương Yêu (song ngữ Anh Việt)

Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.
Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.
Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh.

Discourse on Loving Kindness (Metta Sutra)

He or she who wants to attain peace should practice being upright, humble, and capable of using loving speech. He or she will know how to live simply and happily, with senses calmed, without being covetous and carried away by the emotions of the majority. Let him or her not do anything that will be disapproved of by the wise ones.
(And this is what he or she contemplates:)
May everyone be happy and safe, and may all hearts be filled with joy.
May all beings live in security and in peace – beings who are frail or strong, tall or short, big or small, invisible or visible, near or far away, already born, or yet to be born. May all of them dwell in perfect tranquility.
Let no one do harm to anyone. Let no one put the life of anyone in danger.
Let no one, out of anger or ill will, wish anyone any harm.
Just as a mother loves and protects her only child at the risk of her own life, cultivate boundless love to offer to all living beings in the entire cosmos.
Let our boundless love pervade the whole universe, above, below, and across. Our love will know no obstacles. Our hearts will be absolutely free from hatred and enmity. Whether standing or walking, sitting or lying, as long as we are awake, we should maintain this mindfulness of love in our own heart. This is the noblest way of living.
Free from wrong views, greed, and sensual desires, living in beauty and realizing Perfect Understanding, those who practice boundless love will certainly transcend birth and death.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
[By the firm determination of this truth, may you ever be well.]
Metta Sutta, Sutta Nipata 1.8

“Dầu phải chịu muôn ngàn gian khổ. Con dốc lòng vì đạo hy sinh”. Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng ta vững tiến trên con đường đạo.


Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát

Mùa Lễ Tạ Ơn năm 2019



 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]