Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 05: Tình Bạn Tốt Đẹp

02/11/201816:57(Xem: 5298)
Chương 05: Tình Bạn Tốt Đẹp

 

LỜI PHẬT DẠY

VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG

CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI

HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI

 

The Buddha’s Teachings on Social

and Communal Harmony

An Anthology of Discourses from the Pāli Canon

 

by

BHIKKHU BODHI

Wisdom Publications 2016

Việt dịch:

Nguyên Nhật Trần Như Mai

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC


Chương V. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP – Giới thiệu. 143

V. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP. 146

1. ĐỨC TÁNH CỦA MỘT NGƯỜI BẠN ĐÍCH THỰC.. 146

(1) Bảy đức tánh. 146

(2) Bảy đức tánh khác. 147

         2. BỐN LOẠI BẠN TỐT……………………………………………………………………  147

3. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.. 148

4. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP TRONG ĐỜI SỐNG XUẤT GIA.. 149

(1) Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda. 149

(2) Khi một Tỷ-kheo có những bạn tốt 150



 

  

 

Bhikkhu_Bodhi (4)

 



V.  TÌNH  BẠN  TỐT  ĐẸP

 

  

GIỚI  THIỆU

 

 

Cộng đồng vững mạnh tùy thuộc vào mối quan hệ cá nhân giữa các thành viên, và tình bạn là mối quan hệ cơ bản nhất giữa con người, ngoài quan hệ gia đình. Trong chương V, khi chúng ta chuyển từ việc rèn luyện cá nhân, vốn là trọng tâm của các chương trước, đến việc thiết lập mối quan hệ giữa người và người, đương nhiên là chúng ta bắt đầu bằng tình bạn. Đức Phật nhấn mạnh đặc biệt đến việc chọn bạn, mà Ngài thấy là có ảnh hưởng sâu đậm đến việc phát triển cá nhân, cũng như việc xây dựng một cộng đồng hòa hợp và có đạo đức vững vàng. Tình bạn tốt đẹp là cần thiết không những chỉ vì nó có lợi cho chúng ta trong lúc gặp khó khăn, làm thỏa mãn bản năng xã hội của chúng ta, mà lại còn mở rộng lãnh vực quan tâm của chúng ta đến người khác ngoài bản thân mình.

Tình bạn quan trọng vì tình bạn tốt đẹp gieo trong lòng chúng ta một ý thức thận trọng , đó là khả năng phân biệt tốt xấu, đúng sai, và lựa chọn những gì  đáng tôn kính hơn là những  tiện ích nhất thời. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng tất cả những đức tính tốt khác được phát triển từ tình bạn tốt đẹp, và bài kinh Mangala Sutta ( Kinh Điềm Lành Tối Thượng - Kinh Tập Nipata) ), trong đó kể ra ba mươi hai điềm lành, bắt đầu bằng ‘ Tránh xa kẻ xấu ác và kết bạn với người trí.’(1)

 

Tôi bắt đầu Chương V bằng hai bài kinh ngắn – Kinh Văn V, 1 (1)-(2) – trong đó liệt kê những phẩm chất của tình bạn tốt đẹp. Bài kinh đầu có tính cách tổng quát, bài thứ hai đặc biệt hơn dành cho đời sống xuất gia. Kinh VănV, 2 tiếp tục theo cùng một con đường, nhưng phân tích phẩm chất của một người bạn đích thực với nhiều chi tiết hơn, phân biệt bốn kiểu ‘ bạn tử tế ’ và liệt kê những đức tính của mỗi kiểu bạn ấy. Kinh Văn V, 3 được trích từ một bài kinh Đức Phật dạy cho một cư sĩ  tên là Byagghapajja, người đã hỏi Đức Phật về các pháp ‘ đưa đến an vui hạnh phúc trong đời này và đời sau.’ Đức Phật trả lời bằng cách giải thích bốn nguồn lợi lạc cho một cư sĩ tại gia trong đời sống hiện tại : nỗ lực cá nhân, bảo vệ tài sản của mình, tình bạn tốt đẹp và một nếp sống quân bình. Rồi Ngài dạy tiếp với bốn nguồn lợi lạc trong các kiếp sống tương lai: tín tâm, đức hạnh, bố thí và trí tuệ. Người cư sĩ được khuyên nên kết bạn với những người thúc đẩy họ sống đúng với bốn đức tánh ấy. Như vậy, trong lúc nguồn lợi lạc thứ nhất, thứ hai và thứ tư được đưa vào mục đích đem lại an vui trong hiện tại, bảo đảm điều kiện kinh tế cho người cư sĩ, thì tình bạn tốt đẹp có mục đích thiết lập sự cam kết dấn thân vào những giá trị đưa đến an vui hạnh phúc về tâm linh. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng trong lúc tình bạn tốt đẹp được liệt kê vào những yếu tố thuộc về an vui trong hiện tại, khi quan sát kỹ nó thật sự phục vụ như một động cơ cho việc phát triển tâm linh, và như vậy trở thành chiếc cầu nối liền các lợi lạc trong hiện tại với an vui hạnh phúc lâu dài trong các đời sau.

 

Đời sống xuất gia trong giai đoạn Phật giáo Nguyên Thủy đôi lúc tưởng chừng như là một cuộc phiêu lưu đơn độc trong đó hành giả vĩnh viễn “ độc cư, xa lánh cuộc đời, tinh cần, nhiệt tâm và cương quyết. ”(2)Quả thật là đã có những bài kinh truyền đạt ấn tượng đó. Ví dụ, trong  Kinh Tập Nipāta, hàng loạt các câu kệ của bài kinh Khaggavisāna đã ra mệnh lệnh cho hành giả nhiệt tâm hãy từ bỏ đám đông và ‘lang thang du hành đơn độc như sừng con tê giác’(eko care khaggavisānakappo ). Nếu tách riêng ra, các bài kệ ấy có thể xem như là chấp nhận một kiểu sống xuất gia hoàn toàn biệt lập, trong đó tất cả mọi bạn đồng hành cần phải tránh xa. Tuy nhiên, trong thực tế, kiểu sống ngược lại mới là khuôn mẫu nổi bật.  Đức Phật đã thành lập một cộng đồng nam nữ tu sĩ phát nguyện tu tập trọn vẹn theo lời dạy của Ngài, cũng  như Ngài đã khuyên các cư sĩ nên kết giao với bạn tốt, Ngài cũng hướng dẫn các tu sĩ tìm bạn đồng hành và người hướng dẫn tốt trong đời sống tâm linh. Ngài dạy rằng cũng giống như bình minh là cảnh tượng dẫn đường cho mặt trời mọc, tình bạn tốt đẹp là người dẫn đường để hành giả phát tâm theo Bát Thánh Đạo, ‘  là một pháp rất hữu ích cho việc phát tâm theo Bát Thánh Đạo ’; và Ngài nói thêm rằng, không có yếu tố nào khác có thề dễ dàng đưa đến Bát Thánh Đạo  bằng tình bạn tốt đẹp. (3)

 

Trong phần này, tôi đã đưa vào hai bài kinh nhấn mạnh đến vai trò của tình bạn tốt đẹp trong đời sống xuất gia. Kinh Văn V, 4 (1), khi Tôn giả Ananda đến gặp Đức Phật và tuyên bố rằng tình bạn tốt đẹp là ‘ một nửa của đời sống xuất gia’, Đức Phật trước tiên ngăn cản ý tưởng đó củaTôn giả, rồi sửa chữa lại lời tuyên bố ấy bằng cách nói rằng tình bạn tốt đẹp là ‘ toàn bộ đời sống xuất gia .’ Và trong Kinh Văn V, 4 (2) , Ngài giải thích cho Tỷ-kheo Meghiya bốn cách trong đó việc kết giao với bạn tốt có thể đem lại kết quả giúp làm chin muồi các yếu tố đưa đến giải thoát. Luận Tạng cũng chỉ rõ bằng cách nào tình bạn tốt đẹp phát triển trong mối quan hệ giữa một vị giới sư với các học trò , và giữa một đạo sư với đệ tử của mình. Kinh Mahāvagga mô tả với những chi tiết sống động bằng cách nào vị đạo sư và các đệ tử hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống phạm hạnh; tuy nhiên, trong tuyển tập này, tôi chỉ giới hạn việc tuyển chọn trong một số kinh mà thôi. (4)

 

 

 

 

 Bhikkhu_Bodhi (3)

 

 

 

V. TÌNH  BẠN  TỐT  ĐẸP

 

 

 

 

1. ĐỨC TÁNH CỦA MỘT NGƯỜI BẠN ĐÍCH THỰC

 

 

(1) Bảy đức tánh

 

“ Này các Tỷ-kheo, hành giả nên kết bạn với người sở hữu bảy đức tánh này. Thế nào là bảy? (1) Người ấy cho những gì khó cho. (2) Làm những gì khó làm. (3) Nhẫn nhục những gì khó chịu đựng. (4) Tiết lộ những bí mật của mình cho bạn biết. (5) Che dấu những bí mật của bạn. (6) Không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn. (7) Không khinh chê khi bạn bị khánh tận. Hành giả nên kết bạn với người sở hữu bảy đức tánh này.”

 

                   Người cho những gì khó cho,

                   Và làm những gì khó làm.

                   Tha thứ khi bạn nói lời thô bạo,

                   Và nhẫn nhục những gì khó chịu đựng.

 

                   Người tiết lộ bí mật của mình,

                   Nhưng biết giữ bí mật của bạn.

                   Người không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn,

                   Không khinh chê bạn khi bạn bị khánh tận.

 

                   Người có những đức tánh ấy,

                   Chính là người bạn tốt .

                   Người nào muốn kết bạn,

                   Nên thân cận hạng người này.

 

 

                             ( Tăng Chi BK III, CH VII, (IV):35, tr 322- 323 )

 

                  

 

 

(2)  Bảy đức tánh khác          

 

“ Này các Tỷ-kheo, hành giả nên kết bạn với một Tỷ-kheo đồng tu có được bảy đức tánh này; hành giả nên thân cận và giao thiệp với vị ấy, dù cho bị xua đuổi. Thế nào là bảy ? (1) Vị ấy vui tính và dễ chịu; (2) vị ấy được kính trọng; (3) và được ngưỡng mộ; (4) vị ấy là một nhà thuyết pháp; (5) vị ấy nhẫn nhục khi bị nói xấu ; (6) vị ấy thuyết giảng sâu sắc; (7) vị ấy không thúc đẩy bạn làm những gì sai trái.”

 

                   Vị ấy thân thiện, được kính trọng, được ngưỡng mộ,

                   Là ngưởi thuyết pháp và kiên nhẫn

                   Nhẫn nhục khi bị nói xấu;                

                   Vị  ấy thuyết pháp sâu sắc,

                   Không thúc đẩy bạn làm điều sai trái .

 

                   Vị Tỷ-kheo có những đức tánh này,

                   Chính là người bạn tốt,

                   Bao dung và từ ái.

                   Người nào muốn kết bạn,

                   Nên thân cận vị này

                   Dù có bị xua đuổi.

                  

 

                   ( Tăng Chi BK III, CH VII, (IV):36, tr 323- 324 )

 

 

2. BỐN LOẠI  BẠN TỐT

 

[ Đức Phật nói với một thanh niên tên là Sīgalaka ( Thi-ca-la-việt) :] “ Này thanh niên, có bốn loại bạn tốt như thế này: người bạn thường giúp đỡ mình; người bạn biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mình; người bạn chỉ cho mình biết những điều thiện lành; và người bạn biết đồng cảm với mình.

 

“ Có bốn trường hợp có thể biết một người bạn tốt thường giúp đỡ mình. Người ấy bảo vệ bạn khi bạn vô ý bất cẩn; người ấy bảo vệ tài sản bạn khi bạn vô ý bất cẩn; người ấy là nơi nương tựa của bạn khi bạn sợ hãi; và khi bạn có nhu cầu  cần thiết, người ấy giúp bạn gấp hai lần những gì bạn yêu cầu.

 

“Có bốn trường hợp có thể biết một người bạn tốt thường chia sẻ niềm vui nỗi buồn với bạn. Người ấy tiết lộ bí mật của mình cho bạn biết; người ấy giữ kín bí mật của bạn; người ấy không bỏ rơi bạn khi bạn gặp khó khăn; và thậm chí người ấy có thể hy sinh mạng sống vì bạn.

“Có bốn trường hợp có thể biết một người bạn chỉ cho mình biết những điều thiện lành. Người ấy ngăn cản bạn làm điều ác; thúc đẩy bạn làm điều thiện; cho bạn biết những điều bạn chưa nghe; chỉ cho bạn con đường tái sanh lên cõi Thiên.

 

“Có bốn trường hợp có thể biết một người bạn đồng cảm với mình. Người ấy không vui trước nỗi bất hạnh của bạn; người ấy hoan hỷ khi bạn được may mắn; người ấy ngăn chận những ai nói xấu bạn; và khuyến khích những ai ca ngợi bạn.”

 

                             ( Trường BK II, Kinh số 31, tr 538- 540 )

 

 

3. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

 

 

“ Thế nào là tình bạn tốt đẹp ? Ở đây, trong bất cứ thôn làng hay thị trấn nào mà gia chủ cư ngụ, ông ấy kết bạn với các gia chủ khác hay con cái của họ, dù trẻ hay già, những người có đạo đức chân chính, có đức tin đúng đắn, có giới hạnh, biết bố thí, và có trí tuệ ; người gia chủ nói chuyện và tham gia những cuộc thảo luận với họ. Người ấy bắt chước làm theo những gì họ đã thành tựu về đức tin; người ấy bắt chước làm theo những gì họ đã thành tựu về giới hạnh; người ấy bắt chước làm theo những gì họ đã thành tựu về bố thí; và người ấy bắt chước làm theo những gì họ đã thành tựu về trí tuệ.

 

 Như vậy gọi là tình bạn tốt đẹp.”   

  

                                    ( Tăng Chi BK III, Ch. VI, (IV):54,  tr 663 )

 

 

 

4. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP TRONG ĐỜI SỐNG XUẤT GIA

 

(1) Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda

Rồi tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn:

          -  Bạch Thế Tôn, đây là một nửa của đời sống phạm hạnh, đó là, tình bạn tốt đẹp, tình bạn đồng hành tốt đẹp, tình bạn đồng chí hướng tốt đẹp.

          - Không phải như vậy, Ānanda! Không phải như vậy, Ānanda! Đây là toàn bộ đời sống phạm hạnh, đó là, tình bạn tốt đẹp, tình bạn đồng hành tốt đẹp, tình bạn đồng chí hướng tốt đẹp. Khi một tỷ-kheo có một người bạn tốt, một người đồng hành tốt, một người đồng chí hướng tốt, thì điều được mong đợi là vị ấy sẽ phát triển và tu tập Bát Thánh Đạo.

          - Và này Ānanda, một tỷ-kheo có một người bạn tốt, một người đồng hành tốt, một người đồng chí hướng tốt, làm thế nào vị ấy  phát triển và tu tập Bát Thánh Đạo? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo tu tập Chánh tri kiến, đặt trên nền tảng viễn ly, ly tham, và đoạn diệt, đạt kết quả  giải thoát rốt ráo. Vị ấy tu tập Chánh tư duy…Chánh ngữ…Chánh nghiệp…Chánh mạng…Chánh tinh tấn…Chánh niệm…Chánh định, đặt trên nền tảng viễn ly, ly tham, và đoạn diệt, đạt kết quả giải thoát rốt ráo. Này Ānanda, bằng cách này, một tỷ-kheo có một người bạn tốt, một người đồng hành tốt, một người đồng chí hướng tốt, vị ấy phát triển và tu tập Bát Thánh Đạo.

          - Này Ānanda, cũng bằng pháp môn sau đây, có thể hiểu được làm thế nào toàn bộ đời sống phạm hạnh là tình bạn tốt đẹp, tình bạn đồng hành tốt đẹp, tình bạn  đồng chí hướng tốt đẹp: này Ānanda, bằng cách nương tựa vào ta như một người bạn tốt đẹp,  chúng sinh phải chịu sự chi phối của sanh sẽ được giải thoát khỏi sanh; chúng sinh phải phải chịu sự chi phối của già sẽ được giải thoát khỏi già; chúng sinh phải phải chịu sự chi phối của  chết  sẽ được giải thoát khỏi chết ; chúng sinh phải phải chịu sự chi phối của sầu bi, than van, đau đớn, thất vọng và tuyệt vọng sẽ được giải thoát khỏi sầu bi, than van, đau đớn, thất vọng và tuyệt vọng. Bằng pháp môn này, này Ānanda, có thể hiểu  toàn bộ đời sống phạm hạnh là tình bạn tốt đẹp, tình bạn đồng hành tốt đẹp, tình bạn đồng chí hướng tốt đẹp .”

                   ( Tương Ưng BK.V- Phẩm Vô Minh:( 2.II), tr 10-12 )

 

( 2) Khi một Tỷ-kheo có nhữngbạn tốt

 

“ Này Meghiya, khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, có năm pháp đưa đến thuần thục. Thế nào là năm ? (1) Ở đây, Này Meghiya, Tỷ kheo có những người bạn tốt, bạn đồng hành tốt, bạn  đồng chí hướng tốt. Khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ nhất đưa đến thuần thục.(2) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có giới hạnh, sống biết chế ngự trong giới luật Pātimokha  (Ba-la-đề-mộc-xoa ) (5),  đầy đủ chánh hạnh uy nghi, thấy được sự  nguy hại trong những lỗi lầm nhỏ nhặt. Đã chấp nhận  rèn luyện theo đúng luật, vị ấy tu học theo đúng các học pháp. Khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ hai đưa đến thuần thục. (3) Lại nữa, một Tỷ-kheo vui lòng lắng nghe, không thấy trở ngại hay khó khăn, các pháp thoại về nếp sống khổ hạnh đưa đến mở rộng tâm thức. Khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ ba đưa đến thuần thục.(4) Lại nữa, một Tỷ-kheo đã khởi tâm tinh tấn từ bỏ các pháp bất thiện và thành tựu các thiện pháp; vị ấy mạnh mẽ, cương quyết trong thực hành, không từ bỏ nhiệm vụ tu tập các thiện pháp.  Khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ tư đưa đến thuần thục.(5) Lại nữa, một Tỷ-kheo có trí tuệ, thành tựu trí tuệ để thấy được sự sanh diệt của các pháp cao thượng và thâm sâu đưa đến đoạn tận hoàn toàn mọi khổ đau. Khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ năm đưa đến thuần thục.

 

“ Này Meghiya, khi  một Tỷ kheo có những người bạn tốt, bạn đồng hành tốt, bạn đồng chí hướng tốt, thì điều được mong đợi là vị ấy sẽ trở thành một Tỷ-kheo có giới hạnh, sống biết chế ngự trong giới luật Pātimokha; vị ấy vui lòng lắng nghe, không thấy trở ngại hay khó khăn, các pháp thoại về nếp sống khổ hạnh đưa đến mở rộng tâm thức; vị ấy khởi tâm tinh tấn từ bỏ các pháp bất thiện và thành tựu các thiện pháp; vị ấy có trí tuệ, thành tựu trí tuệ để thấy được sự sanh diệt của các pháp cao thượng và thâm sâu đưa đến đoạn tận hoàn toàn mọi khổ đau.”

  

                             (Tăng Chi BK IV, Ch.IX (III):3, tr. 72-74 )




Bhikkhu_Bodhi (2)Bhikkhu_Bodhi (1)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567