Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vũ Trụ Quan và Phật Giáo

03/12/201509:40(Xem: 27007)
Vũ Trụ Quan và Phật Giáo
Phat Giao va Vu tru Quan_Le Huy Tru

Phật Giáo và Vũ Trụ Quan

Lê Huy Trứ, MSEE

tle8464953@aol.com

trule9@Gmail.com

 

December 2, 2015



Mục Lục

Lời Nói Đầu. 5

1.     Tâm này đây chảy một dòng thôi 7

2.     Sống trong an tâm tự tại 11

3.     Như không mà Có, mà Có cũng Như Không. 38

4.     Thuở ban đầu ấy. 41

5.     Hiện Hữu là gì?. 49

6.     Thực tại là gì?. 53

7.     Tiểu Bộ Kinh, Bāhiya Sutta. 57

8.     Vũ Trụ vạn pháp trong lỗ chân lông. 65

9.     Vũ Trụ và Nhân Sinh. 73

10.       Vũ trụ quan. 74

11.       Vũ Trụ chỉ là một khái niệm của ý thức. 81

12.       Tâm Phật, Trí Đạo. 98

13.       Đức Phật qua cái nhìn của các khoa học gia và những vĩ nhân nổi tiếng. 107

14.       Các Bồ Tát không lịch sử phỏng vấn Đức Phật 114

15.       Như Thị Viên Giác. 124

16.       Lý Như Huyễn. 125

17.       Hạt Lân Hư Trần. 132

18.       Tương quan giữa Nguyên Tử và Chủng Tử. 138

19.       Một Nguyên Tử trong Tiểu Vũ Trụ. 142

20.       Thần thông của khoa học. 158

21.       Tương đối luận. 163

22.       Bản lai khoa học của Phật Giáo. 165

23.       Bản lai thiên văn của Phật Giáo. 173

24.       Đức Thế Tôn đã thấy vi trùng. 178

25.       Đức Phỗ Hiền, Nhà Thiên Văn Vũ Trụ. 182

26.       Nhà Vũ Trụ và Vật Lý, Đức Quan Thế Âm.. 187

27.       Cổ nhân phương Đông đã thấy những tiềm Nguyên Tử. 190

28.       Tạng Quang Minh. 195

29.       Đốt thân thể cúng dường chư Phật 202

30.       Phật Giáo chứng minh Khoa Học. 210

31.       Tương đồng và Tương phản giữa Phật Giáo và Khoa Học. 215

32.       Phật Giáo hợp nhất với Khoa Học. 225

33.       Ngũ Uẩn Giai Không. 232

34.       Chiếu Kiến Vũ Trụ Giai Không. 237

35.       Tuyệt đẹp của cái Chết 244

36.       Cái Chết tuyệt vời của Đức Thế Tôn. 258

37.       Tự mình thắp đuốc mà đi 273

38.       Đại dụng trong bàn tay. 280

Phần Phụ Lục. 283

Tài Liệu Tham Khảo. 303

 


Table of Figures

 

Figure 1 Vòng Như Không. 6

Figure 2 Nhạn về tha. 8

Figure 3 Mây đầu sông thắm tóc người cuối sông. 9

Figure 4 Pine, Plum and Cranes, 1759, by Shen Quan (1682—1760) Hanging scroll, ink and colour on silk. The Palace Museum, Beijing. 10

Figure 5 Huệ Khả và Đạt Ma Sư Tổ. 21

Figure 6 Bùi Giáng qua nét vẻ của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh. 25

Figure 7 Georges Lemaître,Photo courtesy of AIP Emilio Segr Visual Archives, Dorothy Davis Locanthi Collection. 45

Figure 8 Đức Phật và Bāhiya. 58

Figure 9 Một di tích của Phật Giáo. 62

Figure 10 Phật A Di Đà. 64

Figure 11 Sự trùng hợp ngẫu nghiên đầy lý thú giữa vũ trụ và cơ thể con người 74

Figure 12 Bồ Tát Long Thụ cùng với 84 vị Ma Ha Tất Đạt 79

Figure 13 Tagore & Einstein tại Đức năm 1930. 108

Figure 14 Lã Động Tân. 127

Figure 15 Bát Tiên Quá Hải 128

Figure 16 Lướt Sóng trong biển ý thức của vũ trụ. 135

Figure 17 Nguyên tử Hydrogen chỉ có 1 proton và 1 electron. 140

Figure 18 Nguyên tử Helium có 2 proton, 2 neutron và 2 electron. 140

Figure 19 Hạt Proton trong nhân nguyên tử cấu tạo bởi 2 quark up +1 quark down. 141

Figure 20 Size của Atom, Nucleus, Proton (Neutron), Quark and Electron. 141

Figure 21 Nguyên tử Uranium 235. 142

Figure 22 Biểu đồ phản ứng phân hạch Uranium 235 Trong biểu đồ, hạt nhân U235 bị phân rã thành U236, Kripton và Barium.. 142

Figure 23 Image credit: Jerry Lodriguss, 2009, of http://www.astropix.com/ 144

Figure 24 Ở trong một nguyên tử. 144

Figure 25 Lượng tử trong cơ thể chúng sinh, J. Roche at Ohio University. 145

Figure 26 Những gì tạo ra Dave, Ed Uthman, MD.. 146

Figure 27 Siêu hình ảnh, Superb Wallpapers, via http://www.desktoplemming.com/ 147

Figure 28 Lịch sử của một atom,  Lawrence Berkeley National Lab / UC Berkeley / US Dept. of Energy. 148

Figure 29 Đàn hồi vì nhiệt độ, Gauss Centre for Supercomputing (GCS) / Sabine Höfler-Thierfeldt 149

Figure 30 Những phản ứng nguyên tử, Pearson Education, Inc., 2011. 150

Figure 31 Tái tổng hợp trước và sau khi nhiệt độ nguội dần,  James N. Imamura of University of Oregon. 150

Figure 32 Ngôi sao đầu tiên, NASA/JPL-Caltech. 151

Figure 33 Định tinh khổng lồ, NASA, ESA, and F. Paresce, R. O’Connell, and the WFC3 Committee. 151

Figure 34 Nguyên tử mất âm điện tử, Nicolle Rager Fuller / NSF. 152

Figure 35 X-ray: NASA/CXC/Caltech/S.Kulkarni et al.; Optical: NASA/STScI/UIUC/Y.H.Chu & R.Williams et al.; IR: NASA/JPL-Caltech/R.Gehrz et al 152

Figure 36 Tony Hallas of http://www.astrophoto.com/ 153

Figure 37 Image credit: NASA.. 153

Figure 38 Image credit: 2009, Zappa, via http://macroworlds.com/ 154

Figure 39 Image credit: Anna of http://mtkilimonjaro.blogspot.com/ 154

Figure 40 Những món ăn khoái khẩu. 155

Figure 41  Tế bào máu, Mohamed Zakzouk. 155

Figure 42 Nguyên tử thay đổi liên tục trong cơ thể chúng ta, Youngester of http://technicalstudies.youngester.com/ 158

Figure 43  Giáo Sư Richard P. Feynman. 161

Figure 44 ESO / the Visible MultiObject Spectrograph (VIMOS) at the VLT. 162

Figure 45 Trái đất quay chung quanh Mặt Trời 175

Figure 46 Vũ Trụ với xum la vạn tượng. 176

Figure 47 Big bang dưới con mắt của Phật Nhãn. 178

Figure 48 Phổ Hiền Fugen, jap. Darstellung aus dem Shokoku-ji in Kyoto (Edo-Periode) 182

Figure 49 Quan Âm Bồ Tát 187

Figure 50 Ma Ni châu vương. 198

Figure 51 Kim cương bất hoại: xác của một nhà sư ở trong bức tượng Phật qua X-ray. 209

Figure 52 Tất cả do Tâm tạo. 220

Figure 53 Albert Einstein (1879-1955) viết về Phật Giáo. 228

Figure 54 Sơ Đồ Ngũ Uẩn, Pháp Minh Hoa dựa vào bài Ngũ Uẩn của Lê Sỹ Minh Tùng. 236

Figure 55 Trái Đất với những vệ tinh nhân tạo quay chung quanh như mô hình nguyên tử. 238

Figure 56 Stephen Hawking,  lý thuyết gia lừng danh về vật lý của Anh Quốc. 240

Figure 57 Đức Phật tịch diệt (tranh Nhật Bản, thế kỷ XVI) 258

Figure 58 Di tích A Tì Đạt Ma bằng tiếng Phạn (Ấn Độ, thế kỷ thứ II) 274

Figure 59 Kinh Đại Bát Niết Bàn bằng tiếng Hán, triều đại nhà Tùy (581-618) 275

Figure 60 Đàn gãy tai trâu. 277

Figure 61 Bồ Tát Einstein. 279

 

 


Lời Nói Đầu

Đức Phật lịch sử tuyên bố trên internet rằng: "Như Lai không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Như Lai mà thôi. Những gì người trí chấp nhận, Như Lai chấp nhận."

Sư Triệu Châu mang bát gậy dạo khắp các tùng lâm và tự khuyên mình như sau:

七歲童兒勝我者、我即問伊。百歲老翁不及我者、我即教他。Trẻ con bảy tuổi hơn ta thì ta hỏi nó, ông già trăm tuổi chẳng bằng ta thì ta dạy va." 

Muốn khảo sát vũ trụ hiện hữu thì trước nhất phải biết rõ chính mình, hiểu rõ người, chúng sinh, và vạn vật rồi mới có thể nghiên cứu tới vũ trụ quan.  Thế nên, điều thực tiển trước nhất cho nhân sinh là quay trở về chính mình để biết mình là ai, từ đâu tới, đang làm gì và sẽ đi đâu?  Đây là những thao thức nan giải của nhân sinh từ lòng tham sanh húy tử, hay đúng ra từ tập quán Tham Sân Si mà ra, tuy những thắc mắc vấn nạn này hình như nan giải nhưng không phải là không có câu trả lời thích đáng và phương cách giải quyết hữu hiệu.  Muốn tìm ra giải pháp giải thoát, chúng ta phải có đầu óc cởi mở, tiến bộ, biết loại trừ vô minh che lấp sự thật của vạn hữu bằng cách xử dụng phương pháp thực tiển của khoa học lẫn tâm sinh lý học cùng với hiện tượng luận, thật tướng luận, duyên khởi luận, và đạo pháp chứng nghiệm tâm lý và siêu hình học của Đức Phật Thích Ca. 

Tôi thường hay nói và luôn luôn nói, triết lý Phật Giáo mà tôi trình bày chỉ là một phương tiện nhân sinh quan, ai biết đọc tiếng Việt đều có thể đọc chứ không nhất thiết phải là Phật Tử.  Tuy nhiên, đọc mà hiểu hay không hiểu, hiểu cách khác, hiểu cao hơn nữa, đồng ý hay không đồng ý thì cũng chẳng liên quan lẫn nhằm nhò gì đến tôi.  Vì tôi cũng như bạn cùng là khách quá giang, nhờ người chèo đò Phật Pháp độ qua sông để tới ‘bờ bên tê’ (bờ bên kia) chỉ một lần thôi khi bạn đã qua ‘bờ bên tê’ (bờ bên kia) rồi thì không có chuyện trở lại ‘bờ bên tê’ (bờ bên kia) nữa.   Trang Tử nói: “Bên này” cũng là “Bên kia.” “Bên kia” cũng là “Bên này.” Cốt tuỷ đích thực của đạo là khi “bên này,” “bên kia” không còn mâu thuẫn nữa.  Chỉ cái cốt tuỷ này, như một cái trục, là tâm điểm của vòng tròn và trả lời mọi thay đổi không ngừng. Nó không phải khối vuông để phân biệt bên này, bên kia mà hình cầu, không bờ bến.  Không phải hình học phẳng 2 chiều, ngang dọc, nhưng mà hình cầu cong 4 chiều, không gian lẫn thời gian.

 

 

 

 

                                                       

 

Figure 1 Vòng Như Không

 

Tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đạo của Vật Lý (The Tao of Physics,) Vật Lý Gia Fritjof Capra hỏi một nhà hiền triết Ấn Độ rằng nếu ông theo học Đạo với Ngài thì ông có phải từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu khoa học không? Nhà hiền triết trả lời một cách đơn giản: "Trước hết ông phải là con người thật sự, trước khi là một nhà chuyên môn."  Có nghĩa, điều tiên quyết là phải thành nhân trước khi thành thân trong bất cứ lãnh vực chuyên môn nào ngay cả học Đạo.  Giáo lý nhà Phật bao gồm cả tinh thần tâm linh và những phương pháp khoa học thực tiễn nhất để giúp nhân loại lẫn cá nhân tìm lại được sự an lạc, hạnh phúc và tự do trong cuộc đời lẫn trên thế giới bằng cách hợp thông hài hòa với vũ trụ mà trong đó, yếu tố chấp ngã, tham sân si không phải là động lực chỉ đạo chi phối con người nữa.

 

Theo Thiền Sư Nguyệt Khê (kiến tánh tịch năm 1965 tại Hồng Kông): Triết lý vũ trụ gồm 4 lớp khác biệt: Duy vật, duy tâm, tâm vật hợp một và phi tâm phi vật. Lý luận kiến lập của bài này chỉ có thể diễn đạt đến cảnh giới "Tâm vật hợp một," đối với cảnh giới "phi tâm phi vật" chẳng thể diễn đạt bằng lời nói văn tự, cần phải y theo phương pháp tu trì mới có thể tự nghiệm chứng.  Hòa Thượng Duy Lực nói, “Nếu muốn đạt đến cảnh giới phi tâm phi vật, nhất định phải đích thân tu chứng mới được.” Cái phi tâm vật này đã được kinh Phật diễn tả và tôi đã tư nghị trong sách Vô Tự Kinh; kiến được kinh không chữ là giác ngộ phi tâm phi vật.

Trong bài Ý Nghĩa Cái Chết Theo Quan Điểm Phật Giáo, phần Quan điểm chung của Phật Giáo về sự sống và cái chết, Hoang Phong viết: ‘Sự Thật’ [the Truth, thực tại] do Đấng Giác Ngộ nêu lên liên quan đến thế giới vật chất và cả phi vật chất, bao hàm tất cả mọi lãnh vực hiểu biết của con người từ khoa học, triết học cho đến đạo đức và cả sự vận hành sâu kín của tâm thức nơi mỗi cá thể.  Nếu suy xét thật kỹ thì chúng ta cũng sẽ thấy rằng tuy "Sự Thật" [thực tại] đó liên quan đến bản chất của toàn thể vũ trụ, thế nhưng Đấng Giác Ngộ mà người ta còn gọi là Đức Phật, chỉ nhấn mạnh đến những khía cạnh thật thiết thực là những khổ đau mà con người tự gây ra cho mình và các phương pháp giúp họ tự giải thoát khỏi những khổ đau đó.  Nếu nhìn hai khía cạnh ấy của Đạo Pháp qua nhãn quan của con người thuộc thời đại chúng ta ngày nay thì sẽ thấy rằng cả hai khía cạnh đều thuộc vào lãnh vực "tâm lý học" (psychology) với ý nghĩa thật bao quát của ngành học này.  Nếu nhìn theo một góc cạnh thu hẹp và thực dụng hơn nữa thì đấy là một ngành y học gọi là "tâm lý trị liệu" (psychotherapy,) nếu nhìn theo một góc cạnh mở rộng và sâu sắc hơn thì đấy là một sự khám phá kỳ diệu thuộc lãnh vực tâm linh (spiritual exploration.) Thế nhưng mặc dù sự khám phá thuộc lãnh vực tâm linh ấy có siêu việt đến đâu đi nữa thì Phật Giáo nhất định cũng không phải là một tôn giáo mang tính cách thần bí diệu kỳ (a mystical mysticism.)  Niết Bàn hay cứu cánh tối thượng của việc tu tập trong Phật Giáo không có gì huyền bí nhưng chỉ đơn thuần là một thể dạng tâm thức đang hiển hiện trong trí của mỗi chúng ta, tất nhiên là với điều kiện thể dạng tâm thần ấy đã loại bỏ được cảm tính kiêu căng của cái Ngã và những thứ xúc cảm, ‘nhất tâm bấn loạn,’ phát sinh từ cái tôi ấy. 

Đạo Pháp (Dharma) do Đức Phật thuyết giảng không phải là những lời mặc khải của thần linh, cũng không nhất thiết là những lời giáo huấn đạo đức của một đại hiền nhân mà đúng hơn là một khám phá viên diệu của một Đấng Giác Ngộ về ‘Sự Thật’ (the truth, chân lý) của vũ trụ.

Đạo Giác Ngộ thành tựu là do biết tận dụng và kích thích sự phát triển tột cùng của Trí Tuệ và Tâm Thức để đạt tới Chân Lý.  Từ thực tại đó mà nhân sinh có thể giải thích vũ trụ, thế giới, con người, chúng sanh và những hiện tượng huyền bí, kỳ diệu của cuộc sống trong thế gian nầy.  Vũ trụ là ta; Ta là vũ trụ.  Vô lượng vật là một; một là vô lượng!  Vũ trụ sống động, phức tạp như chúng sinh nhưng nếu chúng ta có thể hài hòa hợp nhất với vũ trụ, thì vũ trụ sẽ cho ta vô lượng pháp.  Nên hiểu, cái ranh giới giữa vô minh và giác ngộ, giữa tỉnh và điên, giữa lư hỏa thuần thanh và tẩu hỏa nhập ma chỉ như là một sợi tóc, khó thể minh giác được bởi nhục nhãn.  

Nguyện cúng dường kinh tạng thơ hoa

 Trải tam thế mộng một tòa sắc hương

 Kiếp sau làm chim trong sương

 Về bay hóa độ mười phương trời vàng

(Phạm Thiên Thư)

Tôi đã khả lậu, và cố mạo muội tư nghị cái bất khả tư nghì thay vì im lặng tư nghi.  Tôi cũng xin cúng dường thập phương, hồi hướng công đức của bài này cho tất cả chúng sinh.

1.   Tâm này đây chảy một dòng thôi

 

Tâm này đây chảy một dòng thôi.  Trên đầu mây bay, dưới bến sông thẫm, hành giả ấy xuống tóc để lại cuối sông.  Gió Đông hiu hắt bên Sông, hành giả một khi quá giang không quay lại.  Giả từ thế gian vô thường, tự mình thắp đuốt trí tuệ đi vào hang núi nơi bờ bên kia để nhập niết bàn, không còn nuối tiếc, cố ngoái lại mong tìm ra người chèo đò lẫn con thuyền Bát Nhã đã đưa mình sang ngang để mong đáo bĩ ngạn.

 

Nước đi từ thủa bao giờ

Dòng xuôi người đứng trên bờ ngó xuôi

Chừng đâu dưới bến hoa tươi

Buộc thuyền xưa đã có người ngó sông

(Động Hoa Vàng, Phạm Thiên Thư)

*

Mượn chỉ đưa diều lên khỏi gió

Buông thuyền lúc khách đã sang sông

(Vô Danh)

*

Sóng về xóa dấu chân không,

Bỗng dưng thuyền đã bên dòng chân như.

(Sakya T.Th)

 

Trong khoảng khắc đó, hành giả giác ngộ được ý ‘Mười con nhạn trắng về tha, Như Lai sở trụ trên tà áo nâu.’

                                                                                                                    

Figure 2 Nhạn về tha

Vì khi,

...Sông [Tâm] này chảy một dòng thôi

Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông

Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân

Vào hang núi nhập niết bàn

Tinh anh nở đóa hoa vàng cửa khe

Sư lên chót đỉnh rừng thiền

Trong tim chợt thắp một viền tà dương

Ngón tay nở nụ đào hương

Cầm nghiêng tịnh độ một phương diệu vời

Lên non ngắt đóa hoa này

Soi nghiêng đáy suối bóng ai nhạt nhòa

Nom hoài chẳng rõ là ta

Tắm xong khoác áo hát ca về làng

Mai sau thí chủ nào nghe

Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh

Trần gian chào cõi mộng này

Sông Ngân tìm một bến ngoài hóa duyên...

 

(Động Hoa Vàng, Phạm Thiên Thư)

 

 

Figure 3 Mây đầu sông thắm tóc người cuối sông

 

Ngựa xưa qua ải sương này

Còn nghe nhạn lạc kêu hoài bãi sông

Nước xuôi gờn gợn mây hồng

Tiếng ca lạnh thấu hoàng hôn giục đò

 

(Động Hoa Vàng, Phạm Thiên Thư)

 

Phạm Thiên Thư đã mở ra một trang sử mới cho nền văn học Phật Giáo Việt Nam trong việc thi hóa kinh Phật và mang giáo nghĩa giải thoát vào thi ca dân tộc.  Mỗi khi nghe lời thơ Đạo Ca, ngâm Đoạn trường vô thanh và đọc Kinh Ngọc, Kinh Thơ, Kinh Hiền... của thi sĩ họ Phạm, người ta như thể không còn phân biệt nổi biên giới giữa Đạo và Đời mà dường như bị hút vào một dòng sinh lực không gian vô tận dung hòa mọi tư tưởng nhân sinh.  Phải chăng, đó là nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam đã hơn một lần chói sáng qua triều đại Lý, Trần...? (Trích lời giới thiệu của Thượng tọa Thích Tâm Giác trong Hội hoa đàm – NXB Văn nghệ 2006)

 

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc thuật lại qua tâm sự với thi sĩ: Phạm Thiên Thư nói, ông thi hóa Kinh Kim Cang trong 4 ngày, 10 bài Đạo Ca ông chỉ viết trong 2 ngày, tập trường thi Động Hoa Vàng cũng chỉ 7 ngày liền động bút là xong…

 

Rồi Hành Giả sẽ tìm một bến Ngân Hà trong vũ trụ để mà hóa duyên đẹp như chuyện Tống Biệt của Tản Đà: Nước chảy huê trôi, Cái hạc bay lên vút tận trời! Trời đất từ đây xa cách mãi. Cửa động, Đầu non, Đường lối cũ, Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi... (Tản Đà tùng văn, 1972.)  Quá tuyệt vời! Vừa lãng mạn vừa bi tráng vừa trí dũng như Dịch Thuỷ Ca: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn, Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn (易水歌 風蕭蕭兮,易水寒, 壯士一去兮,不復還。) Hay, Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh.

 

 

Figure 4 Pine, Plum and Cranes, 1759, by Shen Quan (1682—1760) Hanging scroll, ink and colour on silk. The Palace Museum, Beijing

Như ngòi bút còn phóng túng của Thi Sĩ và Tu Sĩ Phạm Thiên Thư: 

"Mùa xuân mặc lá trên ngàn

Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư

Động Nam Hoa có Thiền sư

Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn."

(Phạm Thiên Thư)

 

Nhà thơ Phạm Thiên Thư từng là một tu sĩ Phật giáo từ năm 1964 – 1973 với pháp danh Thích Tuệ Không. Trong 9 năm ở chùa, ông đã tiếp cận tư tưởng nhà Phật và kinh Phật đã thấm đẫm trong các sáng tác của ông. Có thể nói, giữa đạo và đời đã hòa trộn vào vị tu sĩ - nhà thơ Phạm Thiên Thư. Chính vì đạo và đời cùng tồn tại trong một con người nên nhà thơ đã hoàn tục để tiếp tục tu tại gia cho đến hôm nay.  Ở tuổi thất thập cổ lai hy dường như nhà thơ Phạm Thiên Thư đang “hoàn đồng.” Ông hồn nhiên trong nụ cười, trong suy nghĩ và cách nói chuyện.  Mọi việc từng trải qua trong đời, Phạm Thiên Thư nhớ nhớ quên quên. Nếu có người quen nào ngồi nhắc lại, ông sẽ “à, à nhớ rồi!” Trong cuộc sống, những cái hữu hình như thân thể lẫn những điều vô hình như trí nhớ rồi cũng thành hư không. Nhà thơ Phạm Thiên Thư vẫn tu thiền giữa chốn lao xao, trong quán cà phê Hoa Vàng của mình ở cư xá Bắc Hải, Sài Gòn, lòng ông nhẹ nhàng như câu thơ: Mây đã qua cầu. (Nhà thơ Phạm Thiên Thư "Thi hóa" kinh Phật, Lâm Diêu Ca)

 

Mặc kệ ý tác giả! Tôi chỉ kệ tâm ý tôi, mùa xuân mặc kệ lá trên ngàn.  Mùa thu mặc kệ bướm vàng tương tư. Chỉ có Ta ở động Nam Hoa mặc kệ kinh đổi rượu Tâm Hư uống càn.

Tôi thấy bầu trời xanh

Và những đám mây trắng

Trời sáng chúc lành

Đêm tối thiêng liêng

Và tôi tự nghĩ

Thế giới đẹp tuyệt vời

(Lê Huy Trứ dịch)

*

I see skies of blue,

 And clouds of white.

 The bright blessed day,

 The dark sacred night.

 And I think to myself,

 What a wonderful world.

 

(What A Wonderful World, Louis Amstrong)

Trong Đạo Phật và Khoa Học, Phần giới thiệu, Giáo Sư B. Alan Wallace, học giả Phật Giáo Tây Tạng nói, “Trong số nhiều lĩnh vực có tương giao thi vị giữa Đạo Phật và khoa học, hiển nhiên không có điều gì cốt lõi hơn vấn đề bản chất của tâm và khả năng chuyển hóa tâm theo hướng tích cực.”

Như vậy "Chơn tâm" là đầu nguồn của mọi vấn đề, cũng là cái cuối cùng của vòng đi và đến trong toàn bộ triết thuyết Đạo Phật gồm cả Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan.  Chơn Tâm bao gồm tất cả Pháp Thế gian và Xuất Thế gian. (Phật Học Phổ Thông VI-VII, trang 138-139, Thích Thiện Hoa)

2.   Sống trong an tâm tự tại

Phật Giáo Thiền Tông chủ trương bất khả tư nghị, ngôn từ không bao giờ nói lên được thực tại cuối cùng. Trang Tử nói, “nếu có ai hỏi về Đạo và có ai trả lời, thì người này không hiểu người kia.”  Thế nhưng kinh nghiệm Thiền có thể trao truyền từ thầy qua trò và thực tế nó đã xảy ra qua bao nhiêu thế kỷ bằng nhiều phương thức khác nhau. Thiền được mô tả bằng bốn câu kệ như sau của Dr. Suzuki:

Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự,

Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật.

*

Hay như những bài thơ dưới đây của các Thiền Sư Việt Nam:

 

Giáo Ngoại

 

 Giáo ngoại nên biệt truyền,

 Lâu xa Phật Tổ sâu.

 Nếu người cầu phân biệt,

 Ánh nắng tìm khói mây.

 

 (Giáo ngoại khả biệt truyền,

 Hy di Tổ Phật uyên.

 Nhược nhân dục biện đích,

 Dương diệm mích cầu yên.)

 

Thiền Sư Minh Trí (? - 1196)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

 

BÌNH: Chữ là chữ, và Thiền là Thiền. Chữ không thể chở được cái không chữ, cho nên Thiền được truyền ngoài kinh điển. Bạn có thể đưa hiện thực vào chữ không [không]? Dù vậy bạn vẫn cần tới [phương tiện] kinh điển, bởi vì bạn cần ngón tay chỉ vào mặt trăng.  Hệt như bạn nghe tiếng chim hót, và bạn tìm cách ghi lại tất cả tiếng hót vào trong chữ, bạn biết ngay là có nhiều thứ [âm thanh] bị bỏ rơi ngoài chữ nghĩa. Khi bạn đi bộ trong rừng, và nghe tiếng chim hót chung quanh, bạn có cảm nhận rằng bạn đang nghe tâm bạn đang vang vọng [không]?  (Bản dịch HT Thanh Từ)

 

Thiền Sư Việt Nam, Hương Hải đã trả lời ‘vô ý, vô tâm’ cho những câu hỏi ‘vô duyên’ trong đoản luận trên:

 

Swallow Flying

 

Nhạn bay trên không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không ý để dấu

Nước không tâm lưu bóng.

*

(Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.)

 

Hương Hải

(Bản dịch HT Thanh Từ)

*

Si Độn

 

Thu về mát mẻ thích trong lòng,

Tám đấu tài cao hát thong dong.

Cửa thiền những thẹn người si độn,

Biết lấy câu gì để truyền tâm.

*

(Thu lai lương khí sảng hung khâm,

Bát đấu tài cao đối nguyệt ngâm.

Kham tiếu thiền gia si độn khách,

Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm?)

 

Thiền Sư Tịnh Giới (? - 1207)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

 

Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của hiện tại... Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hoá Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.”  Đa số chúng ta trưởng thành tự tìm hiểu về Đạo Phật cũng vì những nhân duyên tình cờ của những lời kinh kệ đó từ cha mẹ, ông bà mà ra.  Ta thấy nhạc của Trịnh Công Sơn bàng bạc ý thiền với những: Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi trở về cát bụi. Ôi cát bụi tuyệt vời!  Cuộc trần gian một kiếp rong chơi… Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tuỵ. Không có đâu em này không có cái chết đầu tiên. Trăm năm ở trọ ngàn năm, con cá ở trọ trong khe nước hiền. Tôi vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội. Tôi là ai mà yêu quá đời này?  Và như chính nhạc sĩ thừa nhận là cảm hứng bài hát “Sóng về đâu" từ câu kệ Gaté, gate paragaté.

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói tiếp, “Từ mỗi cái ăn, uống, đi đứng nằm ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi, đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hàng ngày.”   Chúng ta nên hiểu là cơ thể ngũ uẩn của chúng ta được cấu tạo với khả năng độc diễn (serial) – làm một việc một lúc chứ không có thể làm nhiều việc một lúc (multi-tasks.)  Đang làm việc này mà tâm ý mơ mộng chuyện khác vẫn là quá trình nối tiếp (serial processing.)  Tóm lại, tâm thức trôi theo một chiều, từ cái suy nghĩ này tới cái suy nghĩ khác không bao giờ ngừng chảy.  Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn nói, ‘Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi, đó cũng là Thiền,’ hình như có nghĩa là cố tình hay cố ý để cho tâm viên ý mã, đầu óc đầy tưởng tượng sáng tạo cũng là thiền?

 

Theo Thi Sĩ Phạm Thiên Thư: Thiền là xóa bỏ cái tôi, xóa bỏ cái ngã, xóa bỏ sự chiếm hữu. Thơ thiền nói lên những vẻ đẹp của sự tự do. Vẻ đẹp trong thơ thiền không khơi gợi lên tư tưởng chiếm hữu. Nó chỉ gợi lên vẻ đẹp của cuộc sống cần phải được nâng niu và bảo vệ.

 

Thiền là đời sống hàng ngày, là tâm bình thường như Mã Tổ nói.  Các Tổ chú tâm đến bản thân tĩnh tịnh, tỉnh giác ngay trong những công việc hàng ngày.  Quán niệm tâm thức và luôn giữ được tịnh tâm trong từng khoảng khắc dù trong lúc đang làm bất cứ điều gì cũng sẻ đột nhiên kiến tính đi đến giác ngộ lúc nhân duyên viên mãn.

 

Sống đời sống giản dị hàng ngày với một bản tính hồn nhiên chất phác mộc mạc.  Thoạt nghe qua thật rõ ràng và đơn giản như nhiều điều dạy khác trong Thiền nhưng thực ra đây là một công việc luyện tập tâm thân ý rất khó khăn.  Tìm lại sự hồn nhiên chân thực của bản lai diện mục phải trải một quá trình tập luyện thử thách với một công phu tu luyện tâm linh đầy trí tuệ vững chải.  Thiền là tái luyện tập, tái xử dụng luồn tam muội chân khí thiên nhiên lãng quên ở trong mọi chúng ta.

 

Khác với kẻ phàm phu sống hàng ngày cho chính mình với bản tính trời sanh cố hửu ‘nhân chi sơ tính bổn thiện hay bổn ác.’  Theo tôi hiểu, sống đời sống tự tại cho mình là không sống trong tính bổn thiện lẫn bổn ác mà chỉ thở để sống, còn thở còn sống.  Sống cho mình còn chưa biết sống làm sao; làm sao có thể bao đồng sống cho người khác?

 

Quán chiếu được sự vô thường như hơi thở đó, Sơ Tổ Trúc Lâm có làm bài kệ:

 

“Thân như hơi thở ra vào mũi

Đời giống mây trôi đỉnh núi xa

Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng

Đâu phải tầm thường qua một xuân.”

*

Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ 3 sau Tây Lịch, được biết như là vị khai tổ của Phật Giáo Việt Nam, quán niệm hơi thở:

Thở

 

Hơi thở ra, hơi thở vào tự hiểu,

Hơi thở ra, hơi thở vào tự biết.

Đương lúc ấy là hiểu, về sau là biết.

Hiểu là hiểu hơi thở dài ngắn.

Biết là biết hơi thở sinh diệt thô tế chậm nhanh.

 

Khương Tăng Hội

(Bản dịch TT Trí Siêu, Lê Mạnh Thát)

 

Còn thở là còn sống cho mình, còn những chuyện thế gian làm tới đâu hay tới đó, không có chuyện gì có thể làm xong được cả, không thể làm sớm nghĩ sớm, không làm xong kiếp này thì kiếp tới làm tiếp, không nên nuối tiếc bận tâm dù ngày mai mình sẽ ra đi như những người du hành trong vũ trụ (time travellers.)  Cái tuyệt diệu là không có sự việc gì trên đời này phải hoàn toàn làm xong cả.  Chúng ta không thăm viếng thế gian này để làm xong những công việc tạm bợ đó.  Sống với chính mình là sống vô ngã, sống ngay trong cái vô thuỷ vô chung, vô sanh vô diệt của Phật Pháp.  Còn thở còn sống, hết thở hết sống.  Sống hay không sống rồi thì nó cũng qua đi.

 

Quán chiếu như vậy để biết rõ trên thế gian này không có chuyện gì có thể làm xong được cả, không có cái gì để làm xong và cũng không có cái gì phải làm xong.  Làm xong rồi thì còn gì nữa để làm?

 

Ngoại trừ, tự thân Giác Ngộ và chứng đạt Niết Bàn và như Đức Thế Tôn đã từng tuyên bố:

 

“Việc sinh tử đã hết,

Phạm hạnh đã lập thành.

Điều đáng làm, làm xong,

Không còn tái sanh nữa.”

 

Phải chăng sống ở trên đời được gói ghém toàn bộ trong tinh thần Đạo Thiền Trúc Lâm của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và đã được quy tụ trong bài kệ:

 

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

 

Tạm dịch:

 

Sống ở trên đời theo với hoàn cảnh mà vui với đạo

Đói thì ăn, mệt thì ngủ

Của báu sẵn trong nhà khỏi tìm kiếm

Đứng trước cảnh vật mà vô tâm thì không phải hỏi Thiền là gì.

(Trần Nhân Tông)

 

Trong bài Tìm hiểu bài thơ thiền của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Hà Thúc Minh viết:  “Duyên,” tiếng Phạn gọi là Pratyaya, Pali gọi là Paccaya, có nghĩa là điều kiện. Sách Trung luận ghi, “chúng duyên hợp” (các điều kiện hội đủ.) “Tuỳ duyên” tiếng Phạn gọi là Yatha-Pratyaya, nghĩa là thuận theo với biến đổi của hoàn cảnh (điều kiện.) Sách Đại Thừa Khởi Tín Luận giải thích “Chân Như ” có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất, cũng giống như Duy Thức Luận, Chân Như là chân lý tối cao. Trên đời này không thể có cái gì tồn tại độc lập tự nó được, mọi thứ đều do duyên khởi mà thành, cho nên tất cả là “không.” Nghĩa thứ hai, ngoài chân lý tối cao ra, Chân Như còn là biểu hiện của tâm, vừa ở trạng thái tịnh vừa ở trạng thái động, động-tịnh như một (động-tịnh nhất như,) cho nên gọi là Tâm Chân Như. Chân Như vừa có tính khách thể vừa có tính chủ thể. Nói cách khác, Chân Như vừa bất biến vừa tuỳ duyên. Cho nên Trần Nhân Tông vừa theo với đời (tuỳ duyên) nhưng không bị đời lôi cuốn (bất biến.)

 

“Sống ở trên đời theo với hoàn cảnh mà vui với đạo” là thuận dòng đời mà an nhiên với đạo thay vì tu hành là đi ngược dòng đời.

 

“Đói thì ăn, mệt thì ngủ,” mới vội nghe qua tưởng chừng quá dễ nhưng thực ra người đời lao vào cảnh bon chen vì miếng cơm manh áo cho nên ăn không ngon, hay đói vì không được ăn, mệt không được ngủ hay ngủ không yên giấc là chuyện thường tình. Mấy ai đã thực hiện được điều tưởng chừng quá dễ dàng đó?

 

Như đã thấy, Phật Pháp không có gì huyền bí, phức tạp cả. Thế nhưng, chân ý của hai chữ “bình thường” coi vậy mà không dễ nắm. Cần phải học hỏi (tu) mới giác ngộ (chứng) được cái chân lý bình thường, giản dị đó.

 

Chỉ vị phân minh cực,

Phiên lệnh sở đắc trì.

Tảo tri đăng thị hỏa,

Phạn thục dĩ đa thì.

只 為  分  明  極

翻 令  所  得  遲

早 知  燈  是  火

飯 熟  已  多  時

(Muốn phân chia rành rẽ,

Thu lượm mới chậm rì

Nếu biết đèn là lửa*,

Cơm đã chín từ khuya.)

 

*Ý nói lửa của cái đèn mình cầm trong tay để đi kiếm lửa cũng đã là lửa rồi. Việc gì tìm kiếm đâu xa nữa cho mất thời giờ (cơm chín đã lâu.)

 

Tương tự, “Của báu sẵn trong nhà khỏi tìm kiếm.” Đàn Kinh ghi, “An tâm, kiến tính thành Phật.” Thiền Tông cho rằng Phật Tánh có sẵn nơi con người cho nên không cần tìm ở đâu xa.  Sách Truyền Tâm Pháp Yếu ghi, “Tổ sư Tây lai trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, bất tại ngôn thuyết” (Đạt Ma Tổ Sư từ bên Tây đến, chỉ thẳng cho con người rằng Phật Tính tại tâm chứ không phảỉ ở lời nói.)

 

“Đối cảnh vô tâm” đó là ý nghĩa từ Kinh Kim Cương, “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Không sở trụ thì kỳ tâm sẻ sinh ra.) Lục tổ Huệ Năng sở dĩ giác ngộ là do câu này.

Ngoại cảnh thay đổi không bận tâm; ngược lại với ‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?’ Trong bài Buổi chiều nắng Hạ đọc thơ Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện viết: Tôi không thể làm việc phê bình thơ; tôi chỉ muốn cho Thơ của Tuệ Sỹ tự hiện diện từ chính nơi tự tánh của Thi Ca, không cần sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp của một cái gì khác bên ngoài, như chính Tuệ Sỹ đã tự nói trong hai câu đầu một bài thơ chữ Hán do Tuệ Sỹ làm:

 

Tự tâm tự cảnh tự thành chương

Tự đối bi hoan diệc tự thưởng

(Tác Thi Sự)

 

và Thi Sĩ Vân Nguyên đã dịch:

 

Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất

Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức

 

hay dịch sát nghĩa:

 

Từ lòng mình, tự cảnh vật, tự thành chương cú,

Tự đối mặt với những buồn vui rồi tự mình thưởng thức.

 

Thay vì "chương cú" như Vân Nguyên đã dịch sát nghĩa, tôi [Phạm Công Thiện] muốn dịch thoát trùng khơi là "chương khúc"... Nhưng Vân Nguyên đã tài tình chuyển là "Thơ Tự Xuất."

 

“Đứng trước cảnh vật mà vô tâm thì không phải hỏi Thiền là gì.”  Ngộ được những điều này rồi thì cần gì hỏi tới cái phương tiện Thiền nữa?

 

Đối với Phật Giáo, không có gì có một bản chất thực ngã; tất cả chỉ tồn tại trong cái giả danh.  Những giả danh tướng chỉ là một tập họp của những yếu tố tâm, sinh lý sanh ra và tiêu diệt từng phút, từng sátna qua nhiều kiếp sống quay cuồng trong luân hồi sinh tử.  Trái với những gì Bà La Môn khẳng định rằng là cái tự ngã (linh hồn, soul) được hiểu như là một thực thể vĩnh viễn bất diệt (immortal.)  Phật giáo nói rằng cái tự ngã không tồn tại bất cứ nơi đâu, vì không có ngã và không có gì thuộc về ngã (ngã sở.)  Hiểu tới trình độ này thì hiểu được thực danh:  Không sống, không chết!

 

Những câu chuyện Thiền: Trước khi học Thiền thì núi là núi, sông là sông; trong lúc học Thiền thì núi hết là núi, sông hết là sông; nhưng sau khi giác ngộ thì núi lại là núi, sông lại là sông.  Trước khi học Phật tôi không biết Phật Giáo là cái chi chi; trong khi học Phật tôi biết tất cả cái chi chi của Phật Giáo; sau khi học Phật tôi không biết cái chi chi là Phật Giáo.  Hay, nước biết non Lô sông Triết Giang; khi chưa đến đó luống mơ màn; đến rồi chỉ thấy không gì cả; nước biết non Lô sông Triết Giang.  Vậy thiền là gì?  Thiền là thiền!  Thiền quán theo tỷ lệ ngược từ 100 năm, 36500 ngày - mỗi năm, mỗi tuần, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi sátna đều là thiền nhưng sau khi chết thì có thể không cần thiền nữa.  Mục đích của thiền là an cái tâm viên ý mã trước, còn giác ngộ tự nó giác ngộ không nên bận tâm thái quá mà động tâm.  Dòng tâm thức trôi qua từng sát na, Thiền là bắt kịp cái “khoảng khắc nhất niệm, pensée instantanée” đó.

 

Như Thiền Sư Nhật Ryokan không hề là một xuất gia ẩn sĩ. Ông hay rời am xuống làng để chơi đùa với trẻ con, thăm bạn, uống saké với nông dân.  Ông không bao giờ thuyết pháp vì ông là hiện thân của pháp, hiện pháp lạc trú, luôn hò hẹn với hiện tại.  Ông đã  nhập thế với pháp một cách hồn nhiên, tự tại không băn khoăn tương tự như Bùi Giáng, 'Cuồng Bồ tát,' lẫn 'thi sĩ kỳ dị' ngao du tự tại ngày tháng, tỉnh điên dù không ít lần hoài nghi về cái tôi giữa cuộc đời.  Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nói, "Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng.  Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng.  Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng.  Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà thật khó vậy!"  Sống điên tự nhiên như Bùi Giáng khó cho chúng ta sống hơn Bùi Giáng sống tự nhiên điên. 

 

Hỏi người, người ở quê đâu ?

Hỏi tôi, tôi chẳng biết tôi chốn nào?

(Bùi Giáng)

 

Dù chỉ yêu ngọn nến sắp tàn, biết mình bạc tóc vì trong rừng khuya bên bếp lạnh đợi gió sang canh cũng là tinh thần Thiền sống hết mình với từng sátna của hiện tại.

 

Ai biết mình tóc trắng

Vì yêu ngọn nến tàn

Rừng khuya bên bếp lạnh

Ngồi đợi gió sang canh

 

*

... Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại, bốn vách tường ủ rũ

Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn ...

(Thượng Tọa Tuệ Sỹ)

Lương Y Võ Hà viết, “Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm.  Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.” (Ngồi Thiền để nâng cao hiệu quả công tác và tăng cường sức khỏe, Võ Hà)

‘Sư Ông’ Làng Mai, Thích Nhất Hạnh viết, “Ngồi thiền trước hết là để không phải làm gì hết và để được buông thư.  Khi nắm vững nghệ thuật theo dõi hơi thở và mỉm cười thì càng ngồi thiền càng thấy thích thú.  Rồi, nhờ năng lượng của niệm và định, ta sẽ bắt đầu quán chiếu sâu sắc vào thân thể, tâm thức và hoàn cảnh. Khi thấy mọi sự, mọi việc một cách rõ ràng, ta có thể tránh được rất nhiều lầm lỗi. Ta sẽ có cơ hội làm những việc nên làm, để đem lại an lạc, hạnh phúc cho ta và những người ta thương. Đó là lợi ích của ngồi thiền.” (Ngồi Thiền, Thích Nhất Hạnh)  Nói thì dễ nhưng làm sao ‘ta thiền mà đem lại an lạc, hạnh phúc cho ta và những người ta thương’ thì có vẻ hơi trừu tượng, xa vời.

Thơ hay thiền là phải sống với từng sát na trong hiện tại.  Lý Bạch ngủ say giật mình thức dậy hỏi bâng quơ: Tá vấn thử hà nhật? (Hôm nay là hôm nào nhỉ?) Thi sĩ ghiền rượu đã đánh mất thời gian giữa lòng cuộc sống, chỉ muốn say không muốn tỉnh. Thơ Lý Bạch vì thế mang âm hưởng diệu dụng của cái KHÔNG...tỉnh, mà bút pháp của họ Lý đạt đến chỗ tâm vô lượng xả rượu.   

 

Trong Thơ thiền - Thiền tính trong thơ và sự ngộ nhận, Nguyên Cẩn so sánh, “Hệt như khi đọc Kinh Kim Cang, người ta có cảm giác Phật nói tới đâu phủ nhận tới đó, không còn một câu một chữ nào để bám víu, [sở trụ.]  Như Lý Bạch hát ca, ngâm xong bài thơ nào, xé luôn bài thơ đó (Khúc tận dĩ vong tình.)  Ném bút đi, quên hết mới thành thi sĩ.  Ngâm xong, mình quên hết, không thơ, không lời, không tâm không cảnh, không người, không ta, không cả cái không.” Rồi thì say nhảy ùm xuống sông ôm trăng mà chết đuối.  Lý Bạch chỉ là một tên thi sĩ cuồng vô tích sự, hửu nghề nhưng thất nghiệp, chả thấy thơ say này giúp được gì cho mình cho người.  Không hiểu sao có người lại phong cho một tên nghiện rượu là thánh thơ lại còn hồ đồ ví thơ Lý Bạch đầy thiền tính như Kinh Kim Cang?

 

Theo Thích Phước An, thi sĩ và tu sĩ Phạm Thiên Thư đã có lúc bị giằng co giữa cái đẹp vô hạn và hữu hạn của thơ và đạo, thật ra thơ và đạo như cam với táo không thể trộn lẫn được, nhưng “dường như cái đẹp nào cũng cần thiết cả, vì nếu chúng ta không thấy được cái đẹp trong cõi thế hữu hạn này thì sẽ chẳng bao giờ ta thấy được giá trị của cái đẹp thiên thu vĩnh cửu cả.”  Nhưng cũng vì tu đạo ‘đôi tây’ nghĩa là đôi ngã riêng tây (tư,) như vậy mà Phạm Thiên Thư không tu được, phải hoàn tục.  Có thể ngay lúc đầu, trong gian đoạn lịch sử đó, thi sĩ khoát áo tu sĩ không phải là lý do thật sự muốn đi tu?

 

Chúng ta hơi lạc qua chủ đề khác, lạm bàn về thơ thiền, và thiền tính trong thơ cũng chỉ là

Đi vào giữa cuộc thi phi

Nửa tam bành với nửa nghi vấn về

(Bùi Giáng)

 

Để rồi cuối cùng cũng chỉ là

Que diêm que lửa que lời

Cõi trăm năm cũng một lời ba que

(Bùi Giáng)

 

Thôi thì, hãy từ bi, hài hòa mà lượng tình tha thứ cho nhau vì ngôn ngữ giới hạn nói cho cùng thì ý lực vẫn bất tòng tâm thức trước những điều bất khả tư nghì của bản lai diện mục.

 

Trần gian trên đất dưới trời

Một lời là một không lời nói ra

(Bùi Giáng)

 

Thiền gốc từ Phật Giáo, thiền được thực tập phổ thông trên thế giới không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng.  Thiền chú tâm tính hồn nhiên chân thực tương tự như Lão Giáo, đó là ý thức của tự tính để tự nhận thức rằng, giác ngộ chỉ là tái ngộ với quá trình sẵn có từ nguyên thủy.  Trả lời câu hỏi về Phật Tính này, có thiền sư nói, ‘như cỡi trâu tìm trâu,’  hay ‘trong nhà có báu thôi tìm kiếm.’  Thú thật, tôi cũng lập lại những gì tôi học lóm được như con két chứ cũng chưa biết thiền là cái chi chi nữa nhưng dù có chi chi thì cũng chi chi với thiền một chuyến thử xem.  Bạn cứ thử trước rồi tôi sẽ thử sau.

 

Như thị ngã văn, tôi đọc được trên sách vỡ: Thường thiền sư nói rất ít vì thiền không lắm lời.  Lắm lời thì động tâm khó trở thành Thiền Sư? Thầy dùng ngôn từ chỉ để hướng dẫn trò từ bỏ tư duy trừu tượng mà quay về thực tại cụ thể.  Như vậy, từ trước đến nay chúng ta luôn tư duy trừu tượng kém thực tế? Tuy nhiên, lời giải cho công án này đòi hỏi một thời gian lâu dài của một sự tập trung cao độ, nó dẫn đến tri kiến chứng ngộ bất ngờ lúc nhân duyên đã chín muồi.  Một vị thiền sư kinh nghiệm sẽ biết bao giờ thì môn đệ mình sắp sửa đốn ngộ để xuất chiêu ‘ám toán,’ đánh một hèo hay hét một tiếng như một cú sốc bất thần để ‘đánh ngã’ thiền sinh tiêu diêu cõi Satori.  Cái sốc nhanh nhất là múa kiếm giữa trận tiền; một là sống để kiến tánh hay tiêu diêu cực lạc cũng kiến tánh luôn.

 

Không Một Lời

 

Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,

Biến hóa linh thông bày tướng báu.

Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,

Hóa thân ứng hiện đâu tính được.

Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,

Xem ra nào thấy có tướng gì.

*

Thế gian không có vật để sánh,

Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.

Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,

Không có một lời cho thỏa đáng.

*

(Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,

Biến hóa linh thông hiện bảo tướng,

Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,

Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.

Tuy nhiên sung tắc biến hư không,

Quan lai bất kiến như hữu tướng.

*

Thế gian vô vật khả tỷ huống,

Trường hiện linh quang, minh lãng lãng.

Thường thời diễn thuyết bất tư nghì,

Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.)

 

Thiền Sư Việt Nam Nguyện Học (? - 1174)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

 

Theo sách thiền luận Phật Giáo: Tông Tào Động chủ trương tiệm ngộ, tránh những cú sốc của Lâm Tế và nhắm đến sự chính chắn tâm linh của thiền sinh.  Họ chủ trương tọa thiền và làm công việc thường thức hàng ngày là hai dạng của thiền định.

 

Cả Tông Tào Động và Lâm Tế đều chú trọng phép tọa thiền, đòi hỏi áp dụng nhiều giờ mỗi ngày trong các thiền viện. Ngồi và thở theo đúng cách là điều đầu tiên mà thiền sinh phải học trong phép thiền định quán này. Trong Tào Động Tông xem đó là phương tiện đưa đến sự chín muồi nội tâm và sự phát triển hướng đến kinh nghiệm Satori.  Còn Lâm Tế Tông thì tọa thiền nhằm chuẩn bị một tâm thức trực giác cho công án.  Hơn thế nữa, tọa thiền được xem là chứng thực của Phật Tính, trong đó thân và tâm đã biến thành một thể hợp nhất, Tâm Khí Thần đạt tới lư hoả thuần thanh.  

 

Đạt Ma diện bích tham thiền. Nhị Tổ Huệ Khả cứ đứng mãi trong tuyết. Tự chặt rụng cánh tay mình và nói:  Tâm đệ tử hãy còn bất an. Xin thầy giúp cho được yên.

 

Đạt Ma mới bảo: Được, đem cái tâm đến đây cho ta. Ta sẽ vì ngươi giúp cho nó được yên.

 

Nhị Tổ Huệ Khả trả lời:  Thưa đã cố tìm khắp mọi nơi nhưng chẳng thấy cái tâm của mình ở đâu cả.

 

Đạt Ma đáp:  Như thế ta đã làm cho tâm ngươi yên xong rồi đấy.

 

Huệ Khả đã dùng Tâm đi tìm Tâm.

 

 

Figure 5 Huệ Khả và Đạt Ma Sư Tổ

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:  Tổ sư Đạt Ma chín năm trời quay vào vách tọa thiền. Lúc đã về già, ông mới từ bên Thiên Trúc xa xôi đến Trung Quốc để tìm người có đủ căn cơ mà truyền đạo pháp. Có lúc, Thần Quang, sau này sẽ là Nhị Tổ Huệ Khả, đứng chờ trong tuyết mà Đạt Ma vẫn không thèm quay lại. Cho đến khi người học trò kiên quyết đi tìm lẽ đạo đến nổi tự chặt cả tay mình thì ông mới chịu quay lại đối đáp về cái Tâm.

 

Câu trả lời của Nhị Tổ nguyên văn: Mịch tâm liễu, bất khẳ đắc. Dịch thử: “Đã tìm cái Tâm xong, nhưng hoàn toàn không lấy được”. “Liễu bất...” ở đây có nghĩa là “rồi mà không...”, “rốt cục không...”. Thâu lượm một chữ “liễu” này, Thần Quang đã tinh tiến để đủ sức thấy được sự an tâm, điều mà từ  bao lâu nay, ông vẫn chờ đợi. Các bậc tiền bối ở nước ta đã có người giải thích như vậy.

 

Ngoài ra “bất khả đắc” dịch “không lấy được” hàm ý “không nắm bắt được với tính cách một đối tượng”. Cái gọi là Tâm, khi ở tư thế chủ thể thì tác động, rồi chính nó lại máy động để thử trở thành cái nó muốn là, cho nên không thể nào coi như một khách thể để nắm bắt. Cho nên phải nói rằng đặc tính “không thể nắm bắt được” (bất khả đắc) chẳng qua là bản chất của Tâm mà thôi. Cụm từ này về sau sẽ được Phật giáo Đại Thừa cô đọng lại trong một chữ thôi, đó là chữ “Không,” nó đồng nghĩa với “phi thực thể,” “vô tự tính” và được xem như là thực tướng của “chân như.”

 

Nhị Tổ bộc bạch: “Tâm đệ tử chưa yên” và ông “muốn Tâm được yên,” đi cầu sự an tâm. Đạt Ma mới đòi đưa cho mình xem “Cái Tâm chưa được yên” đó.  Dĩ nhiên đào đâu ra một cái Tâm như thế. Có lẽ lúc đó phải là lúc phải nỗ lực “làm yên” “cái Tâm chưa được yên” đó.

 

Thế nhưng việc “thử làm sao cho Tâm mình yên” tự thể đã “làm cho Tâm mình bất an” chứ không có gì khác. Nỗ lực “đừng làm động Tâm” ngược lại đã là nguyên nhân “động cái Tâm”. Nói cách khác, nó giống như dùng máu để rửa vết máu. Cho dù vệt máu trước có sạch nhưng vẫn bị ố vì vệt máu sau.

 

Tuy hãy còn có thể giải quyết bằng cách nhắm vào mục đích nào đó, đề ra một lý tưởng, rồi tìm cách thực hiện lý tưởng đó. Ấy là một phương sách có tính cách lý tưởng chủ nghĩa, nhưng nó lại đi ngược với con đường tu hành của nhà Phật. Muốn có “an tâm,” muốn có “bất động tâm,” muốn có “vô tâm” ư? Tất cả tự thể là những lầm lẫn. Chỉ đến khi nói lên được câu: “Đã cố tìm khắp mọi nơi nhưng chẳng thấy cái tâm của mình ở đâu cả,” Nhị Tổ mới tự nhiên đạt đến cảnh địa của sự vô tâm chân thực hay đạt cái đạo gọi là “bất nghĩ chi đạo” (không mô phỏng, không nhắm tới mà thành tựu.)  Lúc ấy, cả đại sư lẫn nhị tổ đều có cùng một tâm cảnh “diệu tâm” hay “tâm vô tâm” như nhau.  Không còn cần ngôn ngữ hay văn tự để thuyết minh, tâm của cả hai đã hợp thành một. Đồng kính tương đối, trung tâm vô ảnh tượng (Đặt hai cái kính đối xứng với nhau, ở giữa sẽ không có hình ảnh). Câu nói cuối cùng của đại sư (Ta đã làm cho tâm ngươi yên xong rồi đấy!) có nghĩa là: “Tâm cảnh ấy đấy!” Đúng nó rồi!” và chứng minh được việc các thầy thiền đã “dĩ tâm truyền tâm” cho học trò như thế nào.

 

Một vị tăng đến thưa với Sư Triệu Châu,“Con mới tới thiền viện, xin thầy chỉ giáo cho con.” Triệu Châu hỏi, “Ăn cơm chưa?” Tăng đáp, “Dạ ăn rồi.” Triệu Châu nói, “Thì rửa bát đi.”  Bát-đa-la chỉ vật chứa đựng. Nay nói chung chỉ thực khí như chén bát. Nguyên văn tiếng Phạn là patra.  Vị tăng này dùng thân đi kiếm thân.

 

Triệu Châu Tòng Thẩm (zh. zhàozhōu cóngshěn/ chao-chou ts'ung-shen 趙州從諗, ja. jōshū jūshin) 778-897 là một vị Thiền Sư Trung Quốc.  Cuộc đời Triệu Châu cho thấy điều mà các Thiền Sư hay nhấn mạnh rằng, kiến tính chỉ là bước đầu của việc tu học thiền.  Triệu Châu đã kiến tính từ năm 18 tuổi nhưng sau đó còn học Thiền 40 năm với Sư Nam Tuyền.

 

Mầu nhiệm thay, bí ẩn thay Bồ Đề Đạt Ma tùy tâm mà dụng tâm và Triệu Châu tùy thân mà dụng thân để truyền cái đạo bất khả thuyết.  Tâm nào để điểm tâm, tâm đâu để mà an tâm?  Ta đi kiếm củi, ta đi múc nước. Nấu cơm, ăn rồi rửa bát. Đói thì ăn, mệt thì nghỉ, khỏe thì thiền.  Lúc không còn phân biệt tâm thân, hành giả an nhiên tự tại trong dòng đời, ngược xuôi không xa rời tự tánh, dạo chơi các cõi mà vẫn ở trong chánh định.

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:  Mỗi buổi sáng, ở đạo tràng thường dọn cháo. Ý ông thầy hỏi học trò : Ngươi đã ăn uống xong xuôi chưa? Khi người học trò chân thực trả lời là ăn đã xong, ông thầy dạy phải đem bát ăn mà rửa sạch đi.

Công án chỉ ngắn có chừng đó. Thế nhưng nó chan chứa thiền vị, múc mãi không hết đấy. Trước lòng cầu đạo của người học trò mới nhập môn, câu hỏi của ông thầy giống như mũi tên bắn ra. Tựa như con sư tử khi vồ lấy một chú thỏ nhỏ phải dốc toàn lực, người tu thiền dù đứng trước bất kỳ câu hỏi nào của kẻ nhập môn, cũng không thể coi nhẹ. Thường họ phải tận lực, đem toàn thân toàn linh ra để trả lời để có một tác dụng toàn thể. Thiền phong của thiền sư Triệu Châu là “khẩu thần bì thượng phóng quang” (phóng ánh sáng từ trên da thịt môi miệng,) ông không đem hèo gậy đánh đập hay quát tháo dữ dội như các vị tôn sư khác mà chỉ dùng lời lẽ trong sáng, trong đó có thiền vị uyển chuyển và thiền cơ bén nhọn, vừa nói lên được sự thật vừa để người ta tự do tìm hiểu. Cho nên người đời mới phê bình ông có cái lưỡi không xương. 

Chuông và chum hình thức từa tựa nhưng thực tế khác nhau xa. Kết hợp nó ngay là nguy lắm. Tuy nhiên kết luận ở đây không có mục đích đánh giá khách quan xem sự hiểu biết của người học trò này là đúng hay sai, mà chỉ là lời nhắc nhỡ chúng ta, những người đọc công án rằng chớ nên xem công án là vấn đề đặt ra cho người xưa mà phải xem nó như vấn đề hiện tại trước mắt (chỉ kim, tức kim.) Như vậy, nhận thức đúng đắn hay sai lầm (chân ngụy) của chính chúng ta mới là điều cần chú ý. 

Công án muốn nói Phật pháp vốn đã có trong những chuyện cơm nước bình thường mỗi ngày (nhật thường trà phạn sự.) Do đó, nhà thiền chủ trương việc ăn cơm, rửa bát tức là sinh hoạt hàng ngày của mình đã có đạo trong ấy rồi. Mã Tổ cũng từng dạy, “Bình thường tâm thị đạo.”

Chuyện khác, có người đến hỏi thiền sư Triệu Châu: Kẻ đã ngộ rồi thì còn phải làm gì?

Sư mới trả lời: Người như thế cần tu tập nhiều hơn nữa!

Tăng hỏi:  Như thầy mà còn phải tu hành sao?

Triệu Châu đáp:  Trước y khiết phạn (Ăn cơm mặc áo)

Tăng mới bảo: Ăn cơm mặc áo là chuyện thường tình. Thế thì cách tu hành mà thầy dạy là gì cơ ạ?

Trước anh học trò đần độn đến mức này, Triệu Châu bắt buộc phải nói: Này nhà ngươi. Xem thử mỗi ngày ta làm những gì nào?

Theo Dôgen (Tăng Đạo Nguyên,) đó là “Bản chứng diệu tu.” Đó cũng là “Uy nghi tức phật pháp. Tác pháp thị tôn chỉ.”

Thiền sư Lâm Tế thì nói: Chỉ cần sống bình thường vô sự, đi ỉa đi đái, mặc áo ăn cơm, khi mệt nằm nghỉ.  Kẻ ngu ngốc sẽ cười ta nhưng người trí cho ta là hiểu biết.

Lại kể thêm chuyện có ông tăng giới luật đến hỏi đạo Thiền Sư Đại Châu:  Thầy tu thiền có dùng công phu không?

- Thưa có ạ!

- Những công phu nào?

- Khi đói, tôi ăn. Khi mệt, tôi ngủ.

- Những chuyện đó ai mà chẳng làm. Như vậy có thể nói công phu của thầy với của chúng tôi cũng chỉ là một thứ thôi.

- Người thường, dù có ăn cơm, thực ra chưa chắc đã ăn. Lý do là khi đang ăn, họ lo lắng nghĩ ngợi lung tung. Ngủ cũng vậy. Mãi tính trăm mưu ngàn kế, hết mộng đến mị. Do đó, làm sao có thể giống y cách ăn, cách ngủ của tôi được.

Sách có chữ “Tri Kiến Giải.” Đó là phương pháp đúng đắn để đọc công án.  Nếu chỉ dùng cái đầu (tri) để có thể nói “Hiểu rồi!” thì chân lý chưa đến với mình (thể đắc.) Kết cuộc, nếu muốn cùng nó hòa nhập làm một, phải có cái “kiến giải chân chính” bởi vì bên cạnh nó còn có một kiến giải khác nhưng sai lệch gọi là “tà kiến” nữa. 

Chuyên tâm vào “sinh hoạt thiền” hay “vô sự thiền” mà không cần tu hành gì khác sẽ đưa đến cảnh “gọi chuông là chum.” Ấy là cái khó. Nói là nói vậy chứ rời ra khỏi chuyện bình thường ăn cơm mặc áo, chẳng thấy Thiền đạo Phật pháp nằm ở đâu cả.

Theo Wikipedia, Cơ duyên ngộ đạo của Sư được ghi trong Triệu Châu Chân Tế Thiền sư ngữ lục (zh. 趙州真際禪師語錄): 師問南泉、如何是道。泉云、平常心是道。師云、還可趣向不。泉云、擬即乖。師云、不擬爭知是道。泉云、道不屬知不知。知是妄覺、不知是無記。若真達不疑之道、猶如太虗、廓然蕩豁、豈可強是非也。師於言下頓悟玄旨、心如朗月。

 

Sư Triệu Châu hỏi Thiền Sư Nam Tuyền: "Thế nào là Đạo?"

Nam Tuyền đáp: "Tâm bình thường là Đạo".

Sư hỏi: "Có thể hướng đến được không?"

Nam Tuyền đáp: "Nghĩ tìm đến là trái."

Sư lại hỏi: "Chẳng nghĩ suy thì làm sao biết Đạo?"

Nam Tuyền đáp: "Đạo chẳng thuộc về hiểu biết hay không hiểu biết. Biết là vọng giác (khái niệm), không biết là vô ký (vô minh).  Nếu thật đạt Đạo thì không còn nghi ngờ, [Đạo] như hư không thênh thang rộng rãi, đâu thể cưỡng nói là phải là quấy."

 

Sư nhân nghe lời này lập tức ngộ được huyền chỉ, tâm sư sáng như trăng tròn.

 

Sư ngộ đạo, sau đi thụ giới tại Tung Nhạc. Thụ giới xong, Sư lại đến Nam Tuyền và lưu lại đây 40 năm. Có nhiều pháp thoại giữa Sư Triệu Châu và Sư Nam Tuyền được ghi lại trong thời gian này.

 

Hòa Thượng Tế Điên nửa thực nửa hư là hình ảnh sống động của một người đạt đạo, thanh thản vân du đây đó, tùy duyên hóa độ chúng sanh:

 

Người bảo Ngài điên, Ngài chẳng điên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Hóa độ chúng sanh phiền não dứt

Đường trần thanh thản bước thần tiên.

 

Việt Nam cũng có một Bồ Tát điên, đó là Bùi Giáng:

 

Ông điên từ bữa hôm qua

Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm

Thanh thiên về dự hội đàm

Thành thân thiên hạ muôn vàn mai sau

Ông điên từ một lần đầu

Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau

Tuyệt mù biển cạn sông sâu

Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ

(Ông điên)

 

'Ông Điên' Bùi Giáng đã tự viết về mình như sau: "Nó điên? Vâng nhưng điên một cách vui vẻ.  Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy."

 

Nỗi buồn nỗi khổ đời xưa

Nỗi sung sướng đến móc mưa bất ngờ

Đời xưa đất đá đều đờ đẫn điên

Đời này đất đá cằn khô

Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng

Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời

Điên rồi rốt cuộc hỡi ôi

Cũng đành chấm dứt lìa đời hết điên

(Dzách)

 

 

Figure 6 Bùi Giáng qua nét vẻ của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh

 

Hình ảnh của Bùi Giáng, đứng trong dòng đời trôi chảy trên vỉa đường Sài Gòn sau 1975, có thể được diễn tả qua ý bài hát ‘Mùa Đông của anh’ của Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh:  Ông chỉ là một người điên trong vườn hoa trần thế.  Ông chỉ là người say bên đường mà ta nhìn thấy.  Ta đi đi, người điên không biết nhớ và người say không biết buồn.

 

Tiên hay Điên? Phải chăng Điên là một cách hành Thiền của Bùi Giáng? Và Điên cũng là cách né tránh đối diện với thực tại, thực tại thời chiến tranh Việt Nam, trước và sau 1975 và thời hậu chiến sau 1975? Ta không thấy Bùi Giáng bày tỏ bất cứ chính kiến nào về thực tại đó trong thơ văn của ông.  Thực tại, ông ta điên thật sự?

 

Hoài Nam Tử nói:  Cứ theo trật tự tự nhiên, cứ trôi theo dòng của Đạo.  Cách hành động này được triết lý Lão Giáo gọi là vô vi, một từ có nguyên nghĩa là không làm gì và được.

 

Joseph Needham dịch là không có hành động gì ngược lại với tự nhiên. Ông cho rằng dịch như thế mới đúng và trích lời Trang Tử: Vô vi không có nghĩa không làm gì và câm lặng.  Tất cả đều phải làm, làm cái thiên nhiên làm, làm cho thiên nhiên vui lòng.

Sách của Trang Tử chứa đầy chủ trương của Lão Giáo, coi nhẹ vai trò của lý luận và thảo luận: Con chó sủa hay chưa phải là con chó tốt; người nói hay chưa chắc là người hiền. Hay, một khi biện luận là chỉ thấy được phiến diện. Cái biết lớn nhất cũng chưa chắc biết, cái lý luận chẳng làm cho con người minh triết hơn. Chân nhân quyết định chống lại hai phương pháp đó.

Theo tôi, con chó không biết sủa chắc chắn là con chó ăn hại; người nói dỡ chắc chắn là người kém tài.  Cho nên, thà biện luận để trí thức học hỏi và nghe thấy được một chút phiến diện còn hơn là im lặng để làm con người hoàn hảo không không bao giờ sai lầm, chưa bao giờ ngu xuẫn lần nào.  Những cái biết trí tuệ và lý luận minh triết trên của cổ nhân chỉ áp dụng cho thánh nhân, bồ tát với nhau chứ không giải thích được cho phàm phu.  Còn với phàm phu thì càng sủa lớn càng biện luận hay càng thành công lớn, được nhiều người tôn phục, nể sợ.  Có thể vì vậy mà hơn mấy trăm năm nay chúng ta không thấy một triết gia mới nào xuất hiện trên thế giới vì không ai ví dụ như Trang Tử ngày xưa:  Con ‘chó tốt’ con ‘người hiền’ không liên quan gì đến ‘nói hay’ ‘sủa hay’ cả.  Chỉ có Trang Tử ‘hay sủa, hay nói.’

Sư Triệu Châu thượng đường dạy chúng (Ngũ Đăng Hội Nguyên, tiết Triệu Châu Tòng Thẩm Thiền sư):「金佛不度爐,木佛不度火,泥佛不度水。真佛內裡坐,菩提涅槃,真如佛性,盡是貼體衣服,亦名煩惱。實際理地甚麼處著。一心不生,萬法無咎。汝但究理,坐看三二十年,若不會,截取老僧頭去。夢幻空華,徒勞把捉。心若不異,萬法一如。既不從外得,更拘執作麼?如羊相似,亂拾物安向口裡。老僧見藥山和尚道:『有人問著,但教合取狗口。』老僧亦教合取狗口。取我是垢,不取我是淨。一似獵狗專欲得物喫。佛法在甚麼處?千人萬人盡是覓佛漢子。於中覓一箇道人,無若與空王為弟子。莫教心病最難醫。未有世界,早有此性。世界壞時,此性不壞。一從見老僧後,更不是別人,祇是箇主人公。這箇更向外覓作麼?正恁麼時,莫轉頭換腦。若轉頭換腦,即失卻也。」僧問:「承師有言,世界壞時,此性不壞。如何是此性?」師曰:「四大五陰。」曰:「此猶是壞底,如何是此性?」師曰:「四大五陰。」

Việt dịch: Phật vàng không qua được lò đúc, Phật gỗ không qua được lửa, Phật đất không qua được nước, Chân Phật ngồi bên trong. Bồ-đề Niết-bàn, Chân như Phật tính đều là y phục đắp vào thân, cũng gọi là phiền não, làm sao tìm được lý địa chân thật đây? Nhất tâm bất sinh, vạn pháp không lỗi. Ngươi cứ nghiên cứu lý này, ngồi quán xét hai ba mươi năm, nếu chẳng hội thì hãy chặt đầu Lão tăng.  Mộng huyễn, không hoa, nắm giữ chúng chỉ chuốc nhọc.  Nếu không dị biệt tâm thì vạn phát nhất như.  Đã chẳng từ ngoài được thì câu chấp làm gì? Giống y như con dê, thứ gì cũng mót vét đưa vào mồm nhai. Lão tăng đây thấy Hoà thượng Dược Sơn nói: "Nếu có người hỏi, ta chỉ nói là ‘ngậm miệng chó.’ Lão tăng cũng dạy ‘ngậm miệng chó.’ Chấp ngã thì nhơ, không chấp ngã thì sạch, giống như con chó săn luôn tìm kiếm vật để ăn. Phật pháp chỗ nào? Ngàn người muôn người đều là kẻ tìm Phật, mà tìm một đạo nhân trong những người ấy cũng không có. Nếu làm đệ tử của Không vương thì chớ nói tâm bệnh khó trị. Khi chưa có thế giới tính này đã có, khi thế giới hoại tính này chẳng hoại. Xem Lão tăng đây! Ta sau cũng chẳng khác, và đó chính là ông chủ nhân. Cái đó ngay đây, hướng ngoài tìm cái gì? Khi ấy chớ quay đầu đi và moi óc. Nếu quay đầu đi và moi óc thì đánh mất ngay."

“Công án này của ngài Triệu Châu chỉ có thể khai ngộ cho những ai đã từng thấy nghe tỏ rõ vọng tưởng, đã từng - như kinh Bát Nhã dạy - thấy như thực tướng của ngũ uẩn và sinh diệt của ngũ uẩn… Công án có tác dụng theo cách mà ngài D.T.Suzuki nói: Bảo rằng quá trình giác ngộ là đốn nghĩa là có một cú nhảy vọt (…). Cú nhảy vọt về mặt luận lý là tiến trình lý luận thông thường khựng lại một cách đột ngột (…). Tiến trình này gián đoạn đột ngột, và đồng thời bất khả tư nghì; đó là kiến tánh.”  (Vô Niệm, dịch giả Thuần Bạch).

Con Chó Giết Chết Triệu Châu: Thiền sư Sùng Sơn và nhiều môn sinh khác đã từng được mời đến nhà của một thiền sinh tại miền quê êm ả thanh bình.  Chủ nhà có một con chó lớn, hầu như nó thường nhìn ra ngoài cửa, vẫy đuôi mừng hoặc sủa bất cứ lúc nào nếu có ai đó đến gần nhà. Vào buổi tối, sau khi dùng bữa xong, mọi người nghỉ ngơi quanh lò sưởi, con chó đến ngồi bên cạnh ngài Sùng Sơn.  Sư vuốt ve con chó và nói: Ta có một câu hỏi cho con mà tất cả các thiền sinh không thể trả lời được: Đức Phật nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nhưng khi có người hỏi con chó có Phật tánh không, thì Đại Thiền Sư Triệu Châu nói: 'Không!' Vì vậy, ta hỏi con, con có Phật tánh không?  Con chó cất tiếng sủa:"Gâu! Gâu! Gâu!" Sùng Sơn nói: Con tốt hơn so với Thiền sư Triệu Châu.  (Trích Muốn Tỏ Ngộ Là Một Sai Lầm Lớn, Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị Anh ngữ, Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt, Con Chó Giết Chết Triệu Châu)

Tuy nhiên, theo tài liệu khác của Thiền Sư Trung Hoa tập 1, có một vị tăng đến hỏi Thiền Sư Triệu Châu: “Bạch Hòa thượng, con chó có Phật tánh hay không?” Thiền Sư Triệu Châu trả lời: “Có.” Vị Tăng hỏi: “Tại sao con chó có Phật tánh mà lại chui vào đãy da như thế?” Thiền Sư Triệu Châu nói: “Vì biết mà cố phạm.”   

Khi nào công án chưa trở thành vấn đề của chính mình, kết cục nó chỉ là chuyện học đòi bắt chước nghi án của người khác.  Tự ý thức được vấn đề một cách nghiêm chỉnh mới là chuyện trọng đại cho chính mình. Tiền nhân nói, “Kẻ đại nghi ắt sẽ đại ngộ” là vì cớ ấy.

Nhân đây, nói về một chữ Vô (không) của thiền sư Triệu Châu, nếu đọc trong Triệu Châu Lục, rõ ràng là thiền sư đã trả lời “không” (Vô) để đối lại với “có” (Hữu) mà thôi.

Nguyên điển chép thế này: Có người học thiền hỏi: Con chó cũng có Phật tính chứ?

Sư đáp: Không đâu.

Người học thiền: Trên từ chư Phật dưới tới con kiến, ai ai cũng có Phật tính, cớ sao con chó lại không? 

Sư: Vì nó [cũng như chúng sinh, THL] còn vướng cái nghiệp (những vọng tưởng phiền não như tích, dục, tăng, ái.)

Chữ Vô về sau của Triệu Châu (Triệu Châu Vô tự) thành ra không phải là cái Vô đối ứng với Hữu (hữu-vô-vô hay tương-đối-vô) như trong câu chuyện trên. Cắt mất phần sau lời đối đáp của nguyên điển, trong công án, nó được hiểu là cái Vô tuyệt đối (tuyệt-đối-vô.) Công án này có mục đích giúp cho bản thân người tu hành thể nghiệm được “cái Vô của phương Đông.”  Nó không phải là cái Vô của đời Đường, thời đại Triệu Châu, mà là cái Vô của đời Tống đến sau, tức thời đại Ngũ Tổ Pháp Diễn!  Chính vào khoảng thời gian đó, hình thức gọi là “công án thiền” (khán thoại thiền) mới được thành lập vững vàng, cho nên công án về sau còn được gọi là những “ám hiệu mật lệnh” dưới trướng Ngũ Tổ. (Trong 48 Tắc Trong Vô Môn Quan, bản của tham học tì khưu Di Diễn Tôn Thiệu, Tắc số 1: Con chó của Triệu Châu [Triệu Châu Cẩu Tử.] 趙州狗子)

Những điều tam sao thất nghĩa trên cho thấy Thiền Sư Sùng Sơn cũng có lẽ, hơi có vẻ, hơi sùng sùng ý đấy?  Thế nào đi nữa thì cũng tội nghiệp cho kiếp làm chó cứ bị con người luôn đổ tiếng oan là biết mà vẫn cố phạm làm chó.  Thật ra làm chó còn có nghĩa hơn nhiều người.  Mà mấy ông thiền sư này chắc đã làm chó mấy đời rồi, biết chó có những vọng tưởng phiền não như tích, dục, tăng, ái, mới trả lời được dùm cho chó?

Cẩu tử Phật tính,

Toàn đề chính lệnh.

Tài thiệp hữu vô,

Táng thân thất mệnh.

狗 子 佛 性

全 提 正 令

才 涉 有 無

喪 身 失 命

(Phật tính của chó,

Đề tài chính đáng.

Mới bàn có, không,

Đã toi thân mạng)

Chuyện Thiền ngụ ngôn, Tắc số 2: Chồn hoang của Bách Trượng (Bách Trượng dã hồ), Truyện có chép trong Bách Trượng Ngữ Lục và Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 3, chương Bách Trượng Đại Trí,  百丈野狐

Bản tắc: Cứ mỗi khi hòa thượng Bách Trượng (Tức Bách Trượng Hoài Hải [720?749? – 814,] thiền sư đời Đường, người nhận pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất (709-788,) đã đặt ra Bách Trượng Thanh Qui để qui định hình thức sinh hoạt của thiền viện. Ngoài ra có để lại Bách Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục và Bách Trượng Sơn Đại Trí Thiền sư Ngữ Lục. Truyện về ông chép trong Toàn Đường Văn, Tổ Đường Tập, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên,) thuyết pháp, thường có một lão già đi sau tăng chúng đến nghe. Khi các thiền sinh rút lui, lão cũng bước ra theo. Thế rồi một hôm, lão bỗng không lui mà nán lại giảng đường. 

Lúc đó, Bách Trượng mới hỏi: 

-Người đứng trước mặt ta, ông là ai vậy?

Lão già thưa:  Tôi không phải loài người. Thời xa xưa, thời Phật Ca Diếp (Tiếng Pali là Kassapa Buddha, Phật đứng hàng thứ sáu trong bảy vị cổ Phật. Thời Phật Ca Diếp ý nói đã lâu lắm, trước khi Phật Thích Ca còn chưa ra đời theo kinh Trường A Hàm,) tôi đã trụ trì ở núi này. Một hôm, đệ tử có người hỏi rằng người tu hành đạo Phật đến chỗ cao diệu vẫn còn có thể sa vào vòng nhân quả (Phạn ngữ là hetu-phala. Lý nhân quả ứng báo thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả,) khổ đau hay không. Tôi mới trả lời là không, người như thế không sa vào vòng nhân quả. Vì nói vậy mà suốt một thời gian dài tôi sa vào súc sinh đạo, bị đọa làm thân chồn hoang, cho đến nay đã trải qua năm trăm kiếp. Vậy xin thầy ban cho tôi một câu trả lời đúng để tôi có thể thoát ra khỏi kiếp chồn.

Nói xong, lão đặt lại câu hỏi cho Bách Trượng:  Thế thì người tu hành đạo Phật đến chỗ cao diệu vẫn còn có thể sa vào vòng nhân quả khổ đau hay sao?

Hòa thượng mới trả lời:  Không mê muội nhân quả. 

Lúc đó, lão già chợt đại ngộ, vái lạy hòa thượng Bách Trượng và nói:  Như thế thì tôi đã thoát được kiếp chồn.  Xác của tôi bỏ lại nằm ở sau núi. Xin thầy hãy lấy lễ chư tăng mà chôn cất cho.

Bình xướng, Vô Môn nói rằng: Bảo là “Không sa vào vòng nhân quả” thì bị đọa làm chồn hoang, còn nói “Không mê muội nhân quả” lại thoát được kiếp chồn hay sao? Nếu có con mắt thứ ba  (Nguyên văn “nhất chích nhãn” [một con mắt] giúp ta nhìn thấy chân lý. Con mắt thứ ba ngoài hai nhục nhãn [của người trần mắt thịt,]  Có thể hiểu như trực giác,) mà nhìn thấu suốt điểm quan trọng này thì mới biết lão già ở trong núi Bách Trượng kia đã được sống sung sướng thảnh thơi suốt ngàn vạn năm chứ có gì đâu.

Hòa thượng bèn lệnh cho tăng giữ chức duy na (người giữ kỷ cương. Đây chỉ nhân vật có nhiệm vụ trông coi chư tăng trong chùa,) thông tin (nguyên văn “bạch chùy cáo chúng” tức dùng chày đánh vào mõ lớn để thông tin,) cho chúng tăng tụ họp, báo rằng sau giờ cơm trưa sẽ làm lễ chôn cất một tăng sĩ vừa mới mất.   Mọi người ngạc nhiên xôn xao: “Chúng ta mạnh khỏe như thế này, ở Niết Bàn Đường (còn gọi là Diên Thọ Đường, nới tăng sĩ có bệnh đến chữa trị, nghỉ ngơi,) chẳng ai nằm bệnh cả, sao lại bảo thế?” Cơm nước xong, hòa thượng hướng dẫn mọi người ra một cái hang đá phía sau núi, dùng trượng khều ra được xác chết một con chồn hoang. Bèn hỏa táng ngay. Đến chiều, hòa thượng Bách Trượng tề chỉnh uy nghi bước lên bục giảng, thuật lại mọi sự xảy ra trong ngày cho chúng tăng.

Đại đệ tử là Hoàng Bá (tức Hoàng Bá Hy Vận.  Không rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông là một đại thiền sư đời Đường, đã nhận pháp tự của Bách Trượng Hoài Hải.  Có để lại ngữ lục “Truyền Tâm Pháp Yếu.” Tiểu truyện của ông thấy chép trong Tổ Đường Lục, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Tống Cao Tăng Truyện,) nhân đó mới hỏi: Ngày xưa, lão già vì trả lời sai một câu hỏi mà bị đọa làm thân chồn hoang suốt năm trăm kiếp, nếu lão ta trả lời đúng thì liệu lão sẽ trở thành gì ạ?

-Ngươi tới đây. Ta sẽ vì lão già trả lời cho!

Hoàng Bá bèn tiến sát đến bên Bách Trượng, bất thần đưa tay tát vào mặt thầy, để chứng tỏ mình hiểu thế nào là cái tâm vô phân biệt.  Hay có thể ông ta biết thầy mình đã thấy xác chồn từ trước nhưng tự bịa ra cái chuyện phương tiện ngụ ngôn này để truyền pháp?

Hòa thượng bèn vỗ tay cười, nói: Ta tưởng râu của lão Hồ màu đỏ.  Chẳng dè ở đây lại có lão Hồ râu đỏ thật! 

Hồ còn là dân tộc vùng Trung Á.  Người Trung Hoa ám chỉ Phật hay Sư Tổ Đạt Ma, đều là người ngoại quốc man di, rợ Hồ, quỷ tóc đỏ.  Câu nói, “Tương vị hồ tu xích cánh hữu xích tu hồ” trong nguyên văn là một thành ngữ có ý khen ngợi, “Chỉ có người đồng điệu, tri kỷ mới hiểu nhau.”

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin: Chắc hòa thượng Bách Trượng khi dạo núi đã tìm thấy xác chồn hoang. Từ đó ông mới dựng nên “kịch bản” này. Có thể gọi lão già trong cái xác chồn hoang là một “một hòa thượng Bách Trượng đời trước” (tiền Bách Trượng) mà chuyện về ông ấy có thật không thì không thành vấn đề. Bởi vì vừa mới đạt đến chỗ “bất lạc nhân quả” (kẻ đã ngộ đạo rồi không rơi vào sự chi phối của luật nhân quả), nhà tu hành lại sa xuống cái hố sai lầm của “sự giác ngộ về cái gọi là bình đẳng (đản không)” vì đinh ninh mình là nhân vật cao cường nhất trong núi. Đó mới là vấn đề của ông ta. Ý nghĩa của thiền kiểu chồn hoang (dã hồ thiền) là thế đấy!

Con người ta vừa mới thoát ra sự ràng buộc của cái tâm “phân biệt” và thu nhận vào lòng thế giới vô cùng rộng lớn của “bình đẳng”, không nhiều thời ít, có lúc say sưa vì cái tâm cảnh mình vừa tiếp thu được nên có khuynh hướng trở thành một “ma vương gây trở ngại cho việc tu thiền” (thiền thiên ma).Ngay cả thiền sư Hakuin (Đại thiền sư Nhật Bản phái Lâm Tế sống vào giữa thời Edo, Hakuin Eikaku [Bạch Ẩn, Huệ Hạc, 1685-1768] là một tăng sĩ du hành, có công phục hưng môn phái của mình. Giỏi về thiền họa và để lại nhiều trước tác,) năm 24 tuổi, khi giác ngộ được về chữ Vô cũng có thái độ ngạo mạn về trình độ của mình. Đến khi gặp Shôju Rôjin (Chính Thụ Lão Nhân) chỉ bảo, mới phản tỉnh về sự sai lầm đó.

Theo lời bình của hòa thượng Vô Môn, không thể giải thích “bất lạc nhân quả” là sai hay “bất muội nhân quả” là đúng được. Dùng “con mắt thứ ba” mà hiểu thì mới thấy ông Bách Trượng đời trước đã sống năm trăm kiếp hạnh phúc trong thân xác chồn hoang của mình.  Vì một lời“bất lạc”, mắc phải sai lầm thành chồn hoang. Nhưng trả lời “bất muội” để thoát kiếp chồn lại là cái sai lầm thứ hai. Chồn mà cứ vui sống kiếp chồn, không thèm thuồng chi khác là đáng gọi là Phật rồi. Người mà không thỏa mãn sống làm người, luôn luôn đi tìm những gì đâu đâu thì đáng gọi là chồn vậy. 

Thành ra ở chỗ nào cũng là trong vòng nhân quả, lúc nào cũng phải theo luật nhân quả. Bậc đại tu hành không phải tìm kiếm gì ở bên ngoài. Như Suzuki Daisetsu (dùng chữ “trửu quăng” (khoanh cùi chỏ) có chép trong thiên Tập Nhi sách Luận Ngữ) nói phải “tự khoành tay mình làm chỗ gối đầu cho mình”, vui với cái mình có. Ở trong sự “bình đẳng” (chân không vô tướng) phải có sự “dị biệt”[*] (chân không diệu hữu). Cái “bình đẳng sai lầm” (ác bình đẳng) do không biết có sự dị biệt ấy gọi là “thiền kiểu chồn hoang” (dã hồ thiền) vậy.  (* Lời dịch giả, Tôkyô ngày 24 tháng 2 năm 2009, Nguyễn Nam Trân, tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng thiết nghĩ cái tâm không phân biệt cần dẹp bỏ và sự dị biệt lúc nào cũng tàng ẩn trong bình đẳng là hai khái niệm thuộc hai phạm trù khác nhau.)

Tương tự, có một nữ Phật Tử hỏi Thiền Sư Sùng Sơn: Người nữ có thể tu thành Phật được không?  Sư Sùng Sơn trả lời: Không! 

Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên ghi, có một bà già đến hỏi Thiền Sư Triệu Châu:

-    Bạch Hòa thượng, con thấy thân người nữ khổ quá, bị chướng ngại khó tu, xin Hòa Thượng chỉ cho con cách tu làm sao để kiếp sau con thành thân nam”.

 Hòa thượng nói: Không cần phải đợi đến kiếp sau, đến trước chánh điện tôi sẽ chuyển cho bà.

 Khi bà già đã đứng trước chánh điện, Thiền Sư Triệu Châu đánh ba tiếng chuông rồi nói:

-     Nếu bà muốn chuyển thành thân nam, bà phải nghe lời tôi, phát nguyện lực như thế này: ‘Con phát nguyện cho tất cả mọi người đều sanh lên cõi trời, còn con thì trầm luân dưới hỏa ngục.’

Bà già sợ hãi, cho rằng lời phát nguyện này không liên quan gì đến việc bà muốn chuyển sang thân nam để dễ tu hành. Hòa thượng lúc này mới khai thị:

-        Đó mới chính là chuyển thân nam.

Trần Thái Tông (1218 - 1277) đã giải thích vấn đề phân biệt nam nữ này trong Phổ Thuyết Sắc Thân, tựa đề Gấp Tu: Nhược thị tác gia cụ nhãn, trực tu tảo cấp hồi quan. Phiên thân khiêu xuất tử sinh khòa; đàn chỉ liệt khai ân ái võng. Túng nhĩ nam, túng nhĩ nữ tổng thị kham tu; nhậm cừ trí nhậm cừ ngu tận giai hữu phận. Nhược vị đạt Phật tâm tổ ý, thả tiên bằng trì giới niệm kinh; cập Phật diệc phi, Tổ diệc phi tắc giới hà trì kinh hà niệm.  

Cư huyễn sắc diệc danh chân sắc, xử phàm thân dã thị pháp thân; phá lục tặc vi lục thần thông, du bát khổ tác bát tự tại. Tuy ngôn nhậm ma nhi nhân nhân ký nhập giá sắc thân lý, khứ dã thị nan nan.

Hòa Thượng Thanh Từ dịch: Nếu người tác gia đủ mắt, cần phải sớm gấp hồi quang, chuyển thân nhảy khỏi vòng sanh tử, khoảng khảy tay cắt đứt lưới ái ân. Dù là nam hay nữ thảy đều tu được; dẫu rằng trí hay ngu trọn đều có phần. Nếu chưa đạt được Phật tâm, Tổ ý, hãy trước nương trì giới tụng kinh.  Đến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, thì giới gì trì, kinh nào tụng.

Nơi sắc huyễn cũng là chân sắc, ở thân phàm cũng là thân Phật. Phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ (Tám khổ là: sanh ,lão ,bệnh, tử, cầu chẳng được, thương yêu chia lìa, oán thù chung hội, thân năm ấm hưng thịnh,) thành tám tự tại (Tám tự tại: Một thân hiện nhiều thân như số vi trần - Thân nhiều như vi trần ở khắp các cõi Phật - Thân lớn của Phật đến các thế giới - Phật hiện vô số thân - sáu căn hỗ dụng - Phật đạt tất cả pháp vẫn như không được - Phật thuyết pháp tự tại.) Tuy nói thế ấy, mà mỗi người vào trong sắc thân rồi, bỏ đó thật khó thay!

Trong Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm, tựa đề Sách Tấn (Encouraging,) Trần Thái Tông giảng tiếp:  Hoặc có người vùi đầu trong ăn uống, qua mất một đời. Hoặc có người trên đường tu hành lầm lẫn, mà không thức tỉnh. Đâu biết, tánh giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát Nhã người người đầy đủ. Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân tại gia xuất gia. Chẳng cuộc người tăng kẻ tục, chỉ cốt nhận được bản tâm. Vốn không có nam nữ, đâu cần chấp tướng. Người chưa rõ dối chia tam giáo, liễu được rồi đồng ngộ nhất tâm. Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được kiến tánh thành Phật.

Hoặc hữu mai đầu khiết phạn nhi không quá nhất sinh; hoặc hữu thác lộ tu hành nhi bất tỉnh giá ý. Khởi thức Bồ Đề giác tính cá cá viên thành; tranh tri bát nhã thiện căn nhân nhân cụ túc. Mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hưu biệt tại gia xuất gia. Bất câu tăng tục nhi chỉ yếu biện tâm, bản vô nam nữ hà tu trước tướng. Vị minh nhân vọng phân tam giáo, liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm: Nhược năng phản chiếu hồi quang, giai đắc kiến tánh thành Phật.

Lên cỏi trời hay đọa địa ngục mắc mớ gì tới đực hay cái?  Có thể trò chơi tôn giáo do những người nam đặt ra để chạy trốn người nữ cho nên họ không muốn người nữ chạy theo chơi cùng, níu kéo, quậy phá?  Nếu không có người oan gia nữ thì người nam cần gì xuất gia tu hành?  Hình như theo sư Tàu và sư Đại Hàn lẫn những tôn giáo khác thì tên nam nào cũng đại trượng phu, cao thượng hơn người nữ?  Vô minh, khổ đau đâu kỳ thị nam nữ?

Nữ lưu anh kiệt cũng đầy trí tuệ,

Đôi mày là phượng cất cao

Đôi môi chín ửng khoé đào rừng mơ

Tiếng nàng vỡ bạc thành thơ

Tụng dòng kinh tuệ trên tờ khói mây

*

 Ta về rũ áo mây trôi

Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

Rằng xưa có [] từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

 *

Em từ rửa mặt chân như

Nghiêng soi hạt nước mời hư không về

Thâu hương hiện kính bồ đề

Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi

*

Cành sen lá chĩu sương trong

Áo ni xám vạt trời hong buồn về

Tay nào nghiêng nón thơ che

Tay nào lần chuỗi bồ đề xanh xao

*

Nến khuya lửa hắt hiu vàng

Trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa

Ý nào hóa hiện ngàn hoa

Chữ nào cẩn nguyệt trên tà áo ni

*

Ni về khép cửa chùa tu

Sớm mai mở cổng quét thu vườn hồng

Thu vương ngọn chổi đôi bông

Thoảng dâng hương lạ bướm vòng cánh duyên

*

Dỗ non suối giọng thầm thì

Độ tam thế mộng xá gì vóc hoa

Ni cô hiện giữa ta bà

Búp tay hồng ngọc nâng tà áo trăng

*

Khơi trầm thơm tụng kinh hiền

Máu xuân mạch lạnh trong miền xương da

Vườn chùa có nụ hàm ca

Sương khuya: pháp bảo trăng tà: vô môn

*

Chuông ngân chiều lặng trầm tư

Tiếng lơi đẫm hạt thiên thư bềnh bồng

Điệu về tay giấu chùm bông

Gót chân đất phật trổ hồng hằng sa

*

Bóng trăng tịch mặc hiên nhà

Thành đàn nẩy hạt tỳ bà quyện hương

Gió thu từ độ tha phương

Về trên hốc gỗ bên đường lặng im

 

(Động Hoa Vàng, Phạm Thiên Thư)

Thiền Sư Y Sơn ( ? - 1213 ) luận về Bình Đẳng:  Các ngươi nên biết, Như Lai thành đẳng Chánh Giác, đối tất cả nghĩa không còn chỗ nào quán sát, đối với pháp bình đẳng không có nghi hoặc, không tâm không tướng, không đi không dừng, không lường không ngằn, xa lìa hai bên, trụ ở trung đạo, vượt ngoài tất cả văn tự.  [Ngoài tính nam nữ, âm dương. Bất nhất bất nhị.  THL]

Hòa Thượng Thanh Từ bình luận: Nhiều thập niên về trước, tôi hỏi bổn sư của tôi là Thầy Tịch Chiếu về giới của Thiền gia. Vị sư già này trả lời rằng chỉ có một giới cần giữ trong tâm: hãy thấy tánh bình đẳng của vạn pháp, [vạn vật. THL]

Đại Đức Thích Khế Định hỏi:  “Câu chuyện này tưởng như rất đơn giản, nhưng quý Phật Tử thử ngẫm nghĩ lại, [bình đẳng] đại trượng phu là gì?”  Đại Đức Thích Khế Định đã giảng giải và định nghĩa về chữ đại trượng phu này nhưng tôi cảm thấy không hoàn toàn đúng như bình đẳng lý.  Theo tôi, đại trượng phu chỉ dành riêng để gọi người nam nhân chỉ đúng một nữa như đa số điều muốn tưởng là như vậy.  Đại trượng phu là người có tiên kiến, tham vọng lớn, người dám làm đại sự phi thường vì việc lớn bất chấp phương tiện không nhất thiết nam nữ - Hai Bà Trưng là đại trượng phu, Bà Triệu, Võ Tắc Thiên là đại trượng phu và rất nhiều nam nhân lịch sử đại trượng phu, anh hùng hào kiệt, không kể hết.  Tôi và bạn cũng có thể là đại trượng phu trong tâm tưởng. 

Còn những người có một tâm hồn bao dung,  cao thượng, có nguyện lực lớn mạnh, muốn cho tất cả mọi người đều được sung sướng, an ổn còn mình sẵn sàng gánh chịu những nỗi đau khổ của chúng sinh không hẳn là bật đại trượng phu mà chỉ là bật đại giác ngộ, đại từ bi hay đại thánh nhân.  Những vị thánh nhân nầy không được phân hạng là đại trượng phu như người Trung Hoa định nghĩa, đó là Vô độc bất trượng phu.  Những bật đại giác ngộ như Phật, chư Bồ tát và các bật hiền triết thánh nhân không bao giờ làm được những điều ‘độc ác’ phi thường đó.  

Đã là Phật, là Bồ Tát thì đâu còn phân biệt nam nữ, hay đại trượng phu nữa.  Nhất là trong thời đại văn minh của y khoa học hiện đại thì chuyễn nữ thành nam, nam thành nữ, bán nữ bán nam có khó khăn gì, chỉ cần có tiền là mua được như ý.  Mà tôi không hiểu nổi là muốn chuyển nữ qua nam có gì bảo đãm là đở khổ hơn hay dễ  tu giác ngộ hơn?  Trên đời này thiếu gì những thằng đực còn ngu đần kém trí tuệ, hèn hạ hơn mấy con cái?  Hơn nữa, đâu có phải bất cứ thằng nam nào cũng ngu xuẩn muốn tâm nguyện, thật lòng làm ‘đại trượng phu Tàu’ theo điều kiện của Thiền Sư Triệu Châu, ‘Chịu phát nguyện cho tất cả mọi người đều sanh lên cõi trời, còn mình thì trầm luân dưới hỏa ngục.’ Nói thì ai cũng nói được nhưng mấy ai làm được? Thay vì, đa số chúng nó điều cầu ngược lại.  Khi nghèo khổ khó khăn thì đa số đều cầu trời cầu Phật cho con trúng số độc đắc để con giúp đở anh em, bà con và cô bác.”  Điều cầu xin của quân tử khôn là: Cầu trời cầu Phật cho con trúng số để con hưởng trước đã.  Còn giúp người sẽ tính sau vì nó không ở trong điều kiện của cầu khẩn là phải giúp bất cứ ai sau khi được trúng số độc đắc.

Trong Chỉ Nguyệt Lục có ghi, một hôm bà Yêm Ma La Nữ đến hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, “Chúng sanh biết sân là khổ, biết phiền não là khổ, biết con đường luân hồi sinh tử là khổ, mà sao vẫn đi vào?” Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: “Biết, nhưng cái biết đó còn rất yếu.”  Rất yếu?  Tức là vì nghiệp lực yếu nên bị những lượn sóng của dòng tâm thức lôi kéo đọa đày vào cỏi luân hồi.  Những lượn sóng nghịch duyên khổ đau đó, nếu quý Phật tử chiếu kiến vào mới thấy tuy nghịch duyên khốn khổ thật, nhưng bản chất nó vô thường, không tự tánh. Cái gì thấy được bản chất vô thường, không tự tánh đó? Hiểu được và sống được với nó tự dưng mình [có mãnh lực, THL] vượt thoát ra được nghịch duyên đó. (Trong bài Hãy luôn quán niệm về cái chết trong cuộc sống đời thường, Đại Đức Thích Khế Định giảng Tại Chùa Phật Đạo (Đức) năm 2009)

Thiền Sư Sùng Sơn thế danh là Lý Đức Nhân sanh ngày 04 Tháng 7 năm 1927, tại làng Sun-Cheon, phía Bắc thủ phủ Bình Nhưỡng, bây giờ là Bắc Triều Tiên. Cha ông là một kỹ sư Công Chánh, và mẹ là người nội trợ đãm đang. Cả hai sùng đạo Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão (Presbyterians.)  Dĩ nhiên, thuở nhỏ ông cũng sùng đạo Tin Lành nhưng vì hoàn cảnh lịch sử của Đại Hàn thời đó và nhân duyên nghiệp quả đưa ông đến với Phật Pháp và trở thành thiền sư nổi danh.

Muốn Tỏ Ngộ Là Một Sai Lầm Lớn, Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị về Sự Sai Lầm của Lục Tổ:  Những năm trước đây, lúc còn sanh tiền, Thiền sư Sùng Sơn và một số môn sinh của ông đã đến thăm Trung Quốc, chiêm bái những ngôi chùa danh tiếng và những thánh tích gắn liền với lịch sử Thiền Tông nước này. Họ gặp các tu sĩ Phật giáo và những vị thầy dạy Thiền, tất cả chào đón đoàn một cách nồng nhiệt.

Nơi đầu tiên đoàn đến viếng là chùa Lục Tháp (Liu Rông,) tại Quảng Châu, và kế là một ngôi chùa Lâm Tế có gần 1400 tuổi. Thiền sư Sùng Sơn và các môn sinh của ông đã được tham dự một “tua” du lịch, qua những ngôi chùa cổ và các đại tháp bởi vị trú trì hướng dẫn. Đó là Đại sư Sul Bong, người đã giới thiệu các kiến trúc khác nhau và một số dự án được sửa chữa phục hồi vì đã bị đập phá bởi Hồng Vệ Binh đưa đến tổn thất lịch sử và suy đồi văn hóa Trung Hoa trong cuộc Cách mạng Văn hóa và Trăm Hoa Đua Nỡ cuồng tín của Cộng Sản Tàu.  Cuối cùng, họ đến hội trường Lục Tổ, đoàn rất vinh dự được tới đây vì nó tạo nên một ấn tượng thật sâu sắc.

Họ đã thảo luận bên trong hội trường, trên tường có treo lên bài thơ nổi tiếng của đức Lục tổ viết bằng chữ Hán trong một cái khung gỗ. Với tất cả những môn sinh của các trường phái Thiền, bài thơ này có tầm quan trọng rất lớn trong việc thành lập truyền thống Thiền Tông tại Trung Quốc.  Nhưng đối với các nhà sư Trung Hoa, đặc biệt bài thơ này được coi như một sự tôn kính thiêng liêng, nói về bản thể tuyệt đối của Tổ Sư Thiền.

Khi thầy trú trì chùa Liu Rong, Thiền sư Sùng Sơn và những môn sinh của mình nhìn vào bài thơ treo trên tường tại hội trường Lục Tổ, Sùng Sơn nói:

–Với bài thơ này, Lư Cư Sĩ Huệ Năng đã được công nhận và trở thành vị Tổ Sư Thiền đời thứ 6. Nhưng có một sai lầm trong bài thơ này. Bạn là người trú trì ngôi chùa, bạn có nhìn thấy sai lầm của đức Lục Tổ không?

Thật là một cú sốc bất ngờ, thầy trụ trì chỉ tay vào bài thơ hỏi: “Sai lầm của đức Lục tổ ư? Tôi không thể tưởng tượng  nỗi... Vào dòng nào?”

–Không, không, Sùng Sơn trả lời: "Không phải các dòng chữ này —  các dòng kệ đều chính xác.  Các mẫu tự đều chính xác.  Nhưng ý nghĩa bài kệ này là một sai lầm lớn. Nếu nói “Xưa nay không một vật," tức đã là một sai lầm lớn.  Bởi vì nếu bạn thực sự tin rằng “Xưa nay không một vật" tức là “Bản thể không có gì,” thậm chí không thể viết hoặc nói. Như vậy đã tạo ra một cái gì rồi. Đó là sai lầm đầu tiên.

Ngoài ra, đức Lục Tổ đã tạo ra ba hạt bụi — Thứ nhất, bụi “Xưa nay không một vật.” Thứ hai, bụi "Bồ Đề” và Thứ ba, bụi “gương sáng chẳng phải đài." Vì vậy, làm thế nào ngài có thể nói, trong dòng kệ cuối cùng, "Chỗ nào còn dính bụi?" Đã có nhiều, rất nhiều bụi trong bài thơ này. Thật là mâu thuẫn! Vì vậy, toàn bộ bài thơ này là một sai lầm lớn". Sau đó, Thiền sư Sùng Sơn nhìn vào thầy trú trì, người có đôi mắt vẫn mở rộng tỏ vẻ ngạc nhiên, Thiền sư hỏi:

–Làm thế nào bạn có thể chỉnh sửa lại bài thơ này.

Thầy trụ trì trả lời:

–Vâng, khi Lục tổ đã viết "Xưa nay không một vật," tức là ngài đã đề cập đến cụm từ trong Kinh Kim Cang: Tất cả hình tướng đều hư dối, không thật; Nếu bạn thấy các pháp sanh khởi cũng như là hoại diệt, bạn có thể thấy được chân tánh (Như lai)." Đó là những gì Lục Tổ muốn tỏ bày.

Thiền sư Sùng Sơn nói:

–Vâng, đó là nguyên tắc của Tánh Không. Thầy thủ tọa Thần Tú đã viết về "Sắc tức là không; Không tức là sắc.” Bài ​​thơ của Lục Tổ cho thấy "không Sắc, không Không." Nói cách khác, thầy thủ tọa bị dính mắc với sự vô thường của ngôn từ hiện tượng, trong khi Lục Tổ bị dính mắc với tánh Không. Tất cả đều có ý nghĩa — Tuệ giác. Tuy nhiên, Chân thật ngữ là Sắc tức Sắc; Không tức Không. Bạn có thể đánh ngã bài thơ của Lục Tổ từ quan điểm bất nhị của "Sắc tức Sắc, Không tức Không” được chăng?

Sư trụ trì nói:

 –Ồ, trên thực tế, mở miệng đã là một sai lầm rồi!

Thiền sư hỏi:

–Vậy thì làm thế nào bạn có thể mở miệng ngay cả khi nói điều đó?

Thầy trụ trì lấy hai bàn tay bịt miệng mình lại rồi nói:

–Ồ, vâng! Tôi đã tạo ra một sai lầm!

(Muốn Tỏ Ngộ Là Một Sai Lầm Lớn, Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị, Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt, Sự Sai Lầm của Lục Tổ)

Trên Thư Viện Hoa Sen website, Trong ý kiến bạn đọc, có những tư nghị rất hấp dẫn và đầy thú vị:

Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn): Lắng nghe những nói năng trong tâm (tâm ngôn), thầm ngộ được ý căn (chủ thể của tâm ngôn vọng tưởng), thì Chân tâm (tức Tâm thấy biết-vô ngôn vô niệm) hiện tiền. "Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác" (Kinh Viên Giác)

Bài kệ của Lục Tổ mang nội hàm “vô tướng, vô niệm, vô trụ” trong Pháp Bảo Đàn Kinh; cũng là nội hàm “không, vô tướng, vô tác” trong kinh Phật. Nói theo ngôn từ của kinh Lăng Nghiêm là: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền”-(Sinh diệt đều diệt, tịch diệt hiện tiền).

Bill: Ông này vui nè. Lục tổ phá Thần Tú, còn ổng phá Lục tổ.

Lê Huy Trứ: Lục tổ phá Thần Tú, Thiền sư Sùng Sơn, hậu bối, phá Lục Tổ nhưng lại lọt vào vòng Thần Tú – vì có 3 giọt bụi nên phải thường lau chùi cho đến khi bụi là bụi, gương là gương.  Bụi không là gương, gương không là bụi thì cũng là không sai, không đúng. Không bất nhất lẫn bất nhị.  Thật ra, Lục Tổ ‘Không’ để lại ‘Không’ hạt bụi nào vì Ngài ‘Không’ viết bài thơ đó.  Tôi suy đoán, Lục Tổ đã tiên đoán trước sẽ có kẽ hậu sinh muốn làm khả úy như gàn tăng Sùng Sơn muốn phá Tổ nên Ngài nhờ người khác viết dùm, nhờ họ để bụi kệ trên tường. 

Bật thánh nhân giác ngộ có phong thái phi thường đó. Họ không làm mà không phải không làm. Vô vi nhi vô bất vi! Tương tự như ý của Bùi Giáng viết về Thiền Sư Tuệ Sỹ trong ‘Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ,’ “Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói tất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe. Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng phi giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả (par manque de justice interne).”

Lục Tổ đã không làm gì ngược với tự nhiên. Khi không làm những gì ngược với tự nhiên hay nói như Needham: đừng ngược đường đi của sự vật thì người ta hòa hợp với đạo và hành động mang lại thành quả.  Lời Lão Tử, “Khó và Dễ cùng thành, Cao và Thấp cùng chiều, Giọng và Tiếng cùng họa, Trước và Sau cùng theo.”  Đó là ý nghĩa câu nói xem ra bí hiểm của Lão Tử: “không làm mà không có gì là không làm (vô vi nhi vô bất vi)."  Cặp đối cực âm dương không phải chỉ là nguyên lý nền tảng của toàn bộ văn hóa Trung Hoa.  Khổng Giáo có tính suy luận, nam tính, hoạt động và tỏ lộ.  Lão Giáo ngược lại nhấn mạnh tính chất trực giác, nữ tính, huyền vi và mềm mỏng của âm nhu.  Lão Tử nói, “Đừng biết rằng mình biết, đó là hay” và “Thánh nhân làm mà không hành động, dạy mà không dùng lời.”  Lão Giáo cho rằng khi trở lại tính âm, tính mềm yếu của tự tính con người thì dễ sống một cuộc đời hòa hợp với Đạo hơn.  Cứu cánh đó được Trang Tử nói rõ nhất khi mô tả về một thiên đường Lão Giáo: “Trước khi sự hỗn loạn xảy ra, người thời xưa có một sự yên tĩnh, sự yên tĩnh của toàn thế giới.  Thời đó Âm và Dương còn hòa hợp và tĩnh lặng; sự tĩnh lặng và vận động điều hòa nhau, không chướng ngại; bốn mùa đúng giờ giấc, tuyệt không một vật xảy ra không đúng thời, tuyệt không sinh linh nào chết trước thời hạn. Thời đó con người có đủ khả năng hiểu biết mọi việc nhưng họ không hề sử dụng đến khả năng đó.  Đó là điều mà ta gọi là ‘nhất thể tuyệt đối.’ Thời đó không có hành động gì cả, tất cả chỉ là sự biểu hiện liên tục của tính hồn nhiên.”  Đó là thời của không vô minh, khi đã có đủ khả năng hiểu biết mọi việc thì cần sử dụng đến khả năng gì nữa để hiểu biết mọi việc?   Khi đã là Phật thì cần pháp gì nữa để thành Phật.

3.   Như không mà Có, mà Có cũng Như Không

 

Tôi xin Phật Giáo hóa lời của Krauss: Vũ trụ từ đâu ra? Trước đó là gì? Và cuối cùng, tại sao thà Có còn hơn Không? Không phải có thể Có từ Không ra, Có sẽ luôn luôn từ Không mà Có. “Where did the universe come from? What was there before it? What will the future bring? And finally, why is there something rather than nothing? Not only can something arise from nothing, something will always arise from nothing.” (A Universe from Nothing: Why There Is Something Rather than Nothing, Atria Books, physicist Lawrence Krauss.)

 

Tâm là Lòng Như Không cũng Như Có; Lòng là Tâm Như Có cũng Như Không.  Lòng là Tâm hình như đâu cũng Như Không có.  Tâm là Lòng hình như đâu cũng Như có Không.  Giác rồi thì chợt bừng lên như lửa sáng.  Ngộ rồi thì là một tiếng sét hư không.

 

(Phỏng theo bản nhạc Tình Có Như Không của Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh: Tình là tình nhiều khi không mà có.  Tình là tình nhiều lúc có như không...Tình là tình nhiều nơi đâu cũng có. Tình là tình dù có cũng như không...Rồi thì chợt bừng lên như lửa nóng.  Rồi thì là một tiếng sét thinh không...)

 

Sư lên chót đỉnh rừng thiền

Trong tim chợt thắp một rừng tà dương."

(Phạm Thiên Thư)

 

William James nói: Tâm thức thông thường, tỉnh táo của chúng ta, tâm thức suy luận như chúng ta gọi tên, chỉ là một dạng đặc biệt của tâm thức, trong lúc xung quanh đó, chỉ cách một tấm màn mỏng, [vô minh, THL] có nhiều dạng của tâm thức hoàn toàn khác đang sẵn sàng [tư duy. THL]

 

Quá trình tri giác là một quá trình duyên sanh giữa vật thể (trần,) hệ thống giác quan (căn) và ý thức (thức.)  Nhân duyên sanh là do những nguyên nhân (nhân) và những điều kiện duyên khỡi (conditions,) hoàn cảnh (sở tại.) Thiếu một nguyên nhân hay một điều kiện trên, kết quả tri giác sẽ hoàn toàn khác biệt đi.  Ý thức (mind) gắn liền với thân thể (body) và giác quan nên những giới hạn của giác quan cũng là những giới hạn của ý thức.  Như đã nói, chúng ta diễn dịch thế giới vũ trụ bằng một loại ngôn ngữ lấy thân thể vô thường làm chuẩn để tứ cú nhị nguyên. Ngay cả cái tôi cũng là một ký ức. Tất cả các tế bào trong thân thể chúng sinh lẫn con người đều thay đổi mới từng phút, tất cả đều đã “luân hồi tái sanh,” không còn có thân thể của tôi tháng trước.  Tâm thức con người trôi theo một chiều với những ý tưởng chợt đến rồi vụt đi, vô thường thay đổi từng sátna.  Nói chung, màu sắc, âm thanh, hương, vị, cảm, xúc, ý thức … đều là những quy trình tri giác do hệ thống giác quan và tâm trí thực thi từ những quá trình tiến hóa của lượng tử mà ra.  Chúng chỉ có thực, có ý nghĩa từ sự diễn dịch của hệ thống ngũ uẩn của riêng mỗi cá nhân.  Thế giới như chúng ta thấy là một quá trình diễn dịch, hay là một quá trình tưởng tượng của ý thức về sự vật và sự việc chứ không phải chính là sự vật hay sự việc ấy.   Chúng ta sống trong tưởng tượng của ngũ uẩn của chính mỗi cá nhân mà đã là tưởng tượng thì chỉ tương đối hoặc hoàn toàn là ảo tưởng chứ không hẳn là thực tại.  Trí tưởng tượng là món quà sáng tạo tuyệt vời của nhân sinh.  Tất cả văn minh kiến thức khoa học cũng từ tưởng tượng mà tạo thành, mà hiện hửu trên đời.  Tất cả từ Tâm tưởng!

 

Có thể các chiều tưởng tượng của dạng ý thức này không hẳn là những chiều trong thuyết đặc biệt tương đối [hẹp] (Special Theory of Relativity) của Einstein, trong đó các chuyển động tương đối với vận tốc không thay đổi nhưng điều nổi bật là nhờ tưởng tượng của khoa học đã đưa chúng ta đến gần một khái niệm về không gian và thời gian tương đối gần giống với những khái niệm của Phật Giáo.  Trong thiền định thì hành giả đạt tới một điểm mà sự khác biệt giữa người quan sát hoàn toàn tiêu tan, nơi đó chủ thể và khách thể thống nhất làm một trong một toàn thể bất khả phân.  Dường như họ đã đạt được một dạng ý thức phi thường, trong đó họ chuyển hóa được thế giới ba chiều và chứng thực được một thực tại bốn chiều, hay chiều cao hơn. Thế nên, Sri Aurobindo mới nói về một “thay đổi tinh tế, nó cho phép thấy bộ mặt trong dạng thức của một chiều thứ tư.” Stephen Hawing còn nói đến không gian thứ 11st.

 

Lý thuyết về sự cong của không thời gian được gọi là Thuyết Tương Đối Tổng Quát [Suy Rộng] (General Theory of Relativity) của Einstein trong đó bao gồm các chuyển động không đều và ảnh hưởng của trọng trường (gravity.) Thuyết Tương Đối Tổng Quát khá phức tạp nhưng thuyết này đã giúp các khoa học gia tiên đoán chính xác về nguồn gốc vũ trụ và cho phép các khoa học gia tính ngược thời gian trở lại thời điểm của Big Bang.  Thuyết tương đối Tổng Quát đã thay đổi hoàn toàn quan niệm nguồn gốc của vũ trụ.  Một vũ trụ tĩnh có thể tồn tại mãi mãi hoặc có thể được tạo ra với hình dạng hiện nay của nó tại một thời điểm nào đó trong quá khứ.  Khoa học gia suy luận, nếu bây giờ các thiên hà đang rời xa nhau với tốc độ rất nhanh, điều đó có nghĩa là trong quá khứ chúng đã từng rất gần nhau.  Họ kết luận, khoảng 14.7 tỷ năm trước đây, những thiên hà này đã từng gom lại với nhau với một độ nén rất vĩ đại đến độ bất động.  Trạng thái nén đặc thành một khối vi trần này được một linh mục Công Giáo tên là Georges Lemaitre, người đầu tiên nghiên cứu về nguồn gốc của vụ trụ gọi là “nguyên tử nguyên thủy” mà ngày nay chúng ta gọi là big bang.  Bây giờ, thuyết tương đối không còn đúng tại thời điểm vụ nổ lớn vì không tương hợp được với lý thuyết lượng tử, một tư tưởng cách mạng khoa học vào thời điểm đầu thế kỷ 20th  bắt đầu từ Max Plank, 1900 ở Berlin khám phá ra rằng bức xạ phát ra từ các vật thể nóng đỏ có thể được giải thích nếu ánh sáng chỉ có thể được phát ra hoặc bị hấp thụ theo những lượng rời rạc được gọi là các lượng tử (quanta.)  Đây là một trời suy luận, tìm tòi, nghiên cứu, tính toán, thử nghiệm của khoa học, chúng ta hãy tạm chấp nhận nguồn gốc của vũ trụ khởi đầu là tương đối ‘như vậy’ đi cho đến khi khoa học tìm ra những lý thuyết tương đối mới lạ hơn như lịch sử đã luôn luôn tương đối chứng minh và tương đối lập đi, lập lại là khoa học luôn luôn tương đối đổi ý.  Khoa học còn đổi ý là còn sáng tạo; khoa học cố chấp không đổi ý nữa là khoa học đã đi vào ngõ chết.

 

Ngược lại, Phật Giáo không chấp nhận có điểm khởi đầu nguyên thủy của vũ trụ mà quan niệm vũ trụ vô thủy vô chung.  Khác với khoa học, quan niệm này của Phật Giáo chưa cần phải xét lại hay đổi ý thường xuyên như khoa học.  Thuyết Tương Đối trong Phật Giáo tổng quát viên diệu hơn với quan niệm mọi sự vật trên thế gian chỉ là như điện như ảo, tương đối, tạm bợ, vô thường và luôn biến đổi.  Tự nó đã đổi ý, đổi dạng, thay hình trong sátna. Điều này có nghĩa là, hình sắc và tính chất của vạn vật luôn luôn biến đổi tùy theo nhân duyên, cảnh giới trong đó sự vật thể hiện. Trong Phật Giáo và Vũ Trụ, Giáo Sư Trần Chung Ngọc viết: Nói một cách giản dị, thì tương đối có nghĩa là “thấy vậy mà không phải vậy” bởi lẽ tùy theo quan điểm và vị thế quan sát của mỗi người (hệ thống qui chiếu riêng), hình sắc và tính chất của một vật có thể khác nhau. Ngoài ra, tính tương đối trong Phật Giáo còn thấy rõ trong luật “vô thường.” Tính tương đối trong Phật Giáo không có gì là lạ, vì “Vạn pháp duy tâm tạo” mà tâm của mỗi người mỗi khác, mỗi người có một nghiệp riêng và sống trong một cảnh giới riêng [cho nên tạo ra nghiệp quả nhân duyên riêng biệt.  Tương tự như Pháp vô vi. THL]  Trong khi đó, thuyết Tương Đối Đặc Biệt (Hẹp) mô tả sự thể hiện khác nhau của các thực thể vật chất tùy theo quan điểm của quan sát viên (đúng ra là tùy theo trạng thái di chuyển tương đối giữa các quan sát viên) nhưng đồng thời thuyết này cũng định nghĩa sự bất biến (không thay đổi) hay tính tuyệt đối của các thực thể vật chất. [Tương tự như Pháp hửu vi. THL]

 

Astrophysicist George F. R. Ellis cho biết là nhiều nhà thiên văn học đã dấu diếm là họ đã chọn mẫu vũ trụ căn cứ trên quan điểm và vị thế quan sát của mỗi người (hệ thống qui chiếu riêng, Frames of Reference) đều này chứng tỏ là kết quả quan sát và kết luận sẽ tương đối khác nhau tuy không dễ gì chứng minh là họ không đúng.  Nhà Vật Lý Học Robert Gentry, Nobel laureate Dr. Hannes Alfvén, Giáo Sư Geoffrey Burbidge, Dr. Halton Arp, và nhà thiên văn nổi tiếng của Anh Quốc Sir Fred Hoyle cũng đồng ý với nhận xét ‘người mù sờ voi’ này với vài khẻ hở đầy nghi vấn trong thuyết big bang.

 

Tuy nhiên, trong khuôn khổ hệ thống qui chiếu của khoa học thì hai kết quả của hai thuyết tương đối trên lại hoàn toàn phù hợp với nhau, nghĩa là trong sự tương đối thay đổi có sự không tuyệt đối đổi thay.  Đây chính là một điểm sâu sắc trong thuyết tương đối hẹp của Einstein.  Dĩ nhiên, quan niệm về cái “một tuyệt đối, nhất thể, bất nhị” trong Phật Giáo hiển nhiên là thâm diệu, viên giác, không bị giới hạn, phân biệt nhị nguyên như cái tuyệt đối tương đối của khoa học.

 

Trong thuyết Tương Đối, tất cả những kết quả này đều có thể chứng minh bằng toán học, và đặt song song với một số quan niệm trong Phật Giáo để chúng ta có thể quán chiếu dễ dàng.  Đối với một quan sát viên đứng yên thì: Kích thước của một vật đang di chuyển sẽ càng thu nhỏ hay ngắn lại nếu vận tốc di chuyển của vật đó càng tăng, và vật đó sẽ biến mất dưới con mắt của quan sát viên khi vận tốc đạt tới vận tốc của ánh sáng trong chân không. Trong Phật Giáo, quan niệm mang núi Tu Di đặt trên đầu một sợi lông mà núi không hề thu nhỏ lại cũng như đầu sợi lông không cần phải nở rộng ra không phải hoàn toàn là một quan niệm hoang đường, không tưởng, nếu chúng ta ý thức được rõ tính tương đối du hành của không gian lượng tử.  Đó cũng là ý nghĩa trong kinh: không tăng không giảm, không thêm không bớt, và sắc bất thị không, không bất thị sắc.  Khoa học mới khám phá ra tổng số của energy của tất cả vật chất trong vũ trụ triệt tiêu với con số zero.  Nhưng chỉ những khoa học gia nào có đọc một chút về Phật Giáo mới biết con số zero (0) đó không phải là 0 mà là Ɵ (Không, emptiness.)  Thông minh hơn nữa, họ còn biết cân đo kích thước và trọng lượng của vũ trụ hiện hữu nhưng họ đã đo kết quả sai vì họ vẫn chưa ngộ được chữ Không trong Đạo Phật.

 

In the article, What's the Total Energy In the Universe? by Natalie Wolchover: “Considering the amount of energy packed in the nucleus of a single uranium atom, or the energy that has been continuously radiating from the sun for billions of years, or the fact that there are 1080 particles in the observable universe, it seems that the total energy in the universe must be an inconceivably vast quantity. But it's not; it's probably zero.

 

Light, matter and antimatter are what physicists call "positive energy." And yes, there's a lot of it (though no one is sure quite how much). Most physicists think, however, that there is an equal amount of "negative energy" stored in the gravitational attraction that exists between all the positive-energy particles. The positive exactly balances the negative, so, ultimately, there is no energy in the universe at all.”

 

4.   Thuở ban đầu ấy

 

Thuở ban đầu khó quên ấy được Thiền Sư Chân Nguyên diễn tả trong sách Thiền Tông Bản Hạnh.

Thuở xưa trời đất chưa sanh

Cha mẹ chưa có thật mình Chân Không

Chẳng có tướng mạo hình dung

Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư.

Thiền Sư Chân Nguyên họ Nguyễn tên Nghiêm, tự là Đình Lân, người làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1647, nhân đọc sự tích Thiền Sư Huyền Quang dòng Trúc Lâm Yên Tử, ngài thấy " cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, nữa mình là học trò. " Câu này tác động mãnh liệt vào nội tâm của Nguyễn Nghiêm nên ông quyết dứt bỏ tất cả và đi xuất gia năm 19 tuổi.

Khoa học gia không bao giờ ngừng tìm tòi, nghiên cứu, khám phá để thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi của chúng sinh.  Với kiến thức thông thái, trí tưởng tượng phong phú cùng tính tò mò luôn tìm tòi những điều mới lạ lẫn thích thú khám phá và phát minh không ngừng của những khối óc thông minh vĩ đại này mà nhân loại mới có những tiện nghi văn minh ngày hôm nay.  Khoa học không những đáp ứng được những văn minh vật chất nhưng cũng giúp ích rất nhiều trên phương diện tâm lý của nhân loại.  Không phải khoa học phủ nhận hay không chú trọng đến vấn đề tâm linh huyền bí nhưng vì những điều này không logic và khó có thể chứng minh được theo tinh thần khoa học.  Trên phương diện khoa học huyền bí Phật Giáo là giải đáp ổn thỏa cho nhu cầu chúng sinh. 

 

Các định lý mới đây do Steven Hawking và Roger Penrose chứng minh cho thấy rằng vũ trụ phải có điểm bắt đầu, nhưng họ cũng thú nhận là vũ trụ không cho biết nhiều thông tin về bản chất của sự khởi đầu đó.  Hay nói trắng ra là Steven Hawking và Roger Penrose không biết gì hơn thay vì vũ trụ không cho họ biết về nó.  Họ nói: vũ trụ bắt đầu bằng một vụ nổ lớn từ một điểm mà ở đó toàn bộ vũ trụ và tất cả mọi thứ trong đó bị nén vào một điểm có mật độ vô hạn. Tại điểm này, thuyết tương đối tổng quát của Einstein không còn đúng, do đó, không thể dùng nó để tiên đoán vũ trụ bắt đầu như thế nào.  Những nhận xét này không có gì mới lạ, ai cũng biết rồi.  Điểm sai lầm đầy sân si (ignorance and Aversion) của Penrose và Hawking bắt nguồn từ mớ kiến thức tập tục và suy luận vô minh của khoa học nhưng không biết sao những lý luận dựa trên thuần lý thuyết của họ lại được đa số công nhận là định lý.  Đa số định lý khoa học nhân văn luôn thay đổi, nay đúng mai sai.  Họ chứng minh thuyết tương đối tổng quát của Einstein là không đúng căn cứ trên căn bản sai lầm của nhất thể tuyệt đối.  Dùng cái thuyết tương đối đi tìm cái lý tuyệt đối là điều sân si, kém trí tuệ như đi tìm sừng thỏ, lông rùa, mò trăng đáy nước.  Cái ‘thuở ban đầu ấy’ là cái gì trước khi big bang đã được tôn giáo và nhiều người tranh luận với một rừng sách vở không phải là đề tài mới lạ.  Khoa học cho đó là câu hỏi là vô nghĩa; Phật Giáo gọi là vô sanh vô diệt, vô thủy vô chung.  Không thể nghĩ bàn qua giới hạn ngôn ngữ nhưng phải qua tuệ nhãn của giác ngộ.

 

Penrose và Hawking vì không thể biết gì hơn ngoài cái kiến thức khoa học lý thuyết đầy đầu óc toán học thông thái với nhiều sáng kiến tưởng tượng nên họ đổ thừa cho thuyết tương đối của Einstein là sai vì họ ‘không thể dùng nó để tiên đoán vũ trụ bắt đầu như thế nào.’  Đi tìm ‘cái điểm ban đầu ấy’ không ra rồi đổ thừa Einstein sai lầm là ngạo mạn (arrogant) với những tiền nhân.  Nên nhớ những khoa học gia tiền bối đã dùng thuyết tương đối của Einstein để chứng minh thuyết big bang chứ Einstein không phải là cha đẻ của thuyết big bang. 

 

Cái công án này không có gì phức tạp để mà bàn luận với một rừng sách vỡ từ trước đến nay nhưng chỉ cần một niệm trí tuệ là kiến giác.  Đơn giản, cái bài luận Phật Giáo và khoa học này cũng không cần phải dài giòng văn tự hơn 304 trang [169,958 words, 617,569 characters (no spaces,) 786,652 characters (with spaces,) 3448 paragraphs and 12,236 lines] mà chỉ ngắn gọn trong ‘một niệm trí tuệ’ là thông suốt cả vũ trụ quan.  Như Thi Sĩ Phạm Thiên Thư ‘đơn giản’ trong Động Hoa Vàng, ‘Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi!’

 

Tuy nhiên, con người không muốn chấp nhận sự suy nghĩ đơn giản như vậy.  Vậy thì là cái vụ nỗ lớn hay Big Bang này nguyên thủy từ đâu ra?  Cái gì nổ, ai nổ? Câu hỏi vừa đặt ra là đã không đúng rồi vì danh từ Big Bang không có cha đẻ chính thức. Tất cả bắt đầu vào năm 1917 khi Einstein, từ thuyết tương đối tổng quát, khai triển một mô hình vũ trụ kín, bất động vì phi thời gian. Năm 1924, Alexandre Friedmann, một người Nga, đề xuất mô hình vũ trụ đang bành trướng và xác định rằng thuyết tương đối thừa nhận cả hai giả thuyết trên.  Tôi xin gọi chủ thuyết vũ trụ vừa co vừa giản (vừa giản nở vừa thu hẹp, close and open) là thuyết ba phải.  Phật Giáo gọi là lý trung đạo.  Thoạt nghe qua thì ba phải thật nhưng thực tại, theo tôi, nó là như vậy vì tôi cảm thấy nó như vậy.  Bất khả tư nghị!

 

Chúng ta hãy cứ tạm chấp nhận, cha đẻ của Thuyết Big Bang là Linh Mục Công Giáo và nhà thiên văn người Bỉ, (Georges Lemaître, [1894-1966,] Belgian cosmologist, Catholic priest, and father of the Big Bang theory.)  Theo tài liệu tin tức, năm 1931 có một tu viện trưởng người Bỉ là Georges Lemaitre ‘tưởng tượng’ rằng vũ trụ hình thành từ một hạt duy nhất tức từ sự nổ bừng của một nguyên tử nguyên thủy.  Lý luận của Lemaitre vừa có tính cách lượng tử vừa có tính cách nhiệt động lực [tam muội chân hỏa:] nếu người ta tính đến entropi (nói chung không có trật tự) thì trạng thái ban đầu của vũ trụ phải là một trạng thái trật tự tối đa khi vũ trụ bị thu hẹp thành một phần tử duy nhất.  

 

Câu văn, Linh Mục Công Giáo và nhà thiên văn người Bỉ, Georges Lemaître, ‘tưởng tượng?’  Cái thuật chuyện này cho biết người viết lẫn khoa học vẫn còn rất vô minh.  Tôi không tin Georges Lemaitre ‘tưởng tượng’ mà Ngài đã giác ngộ và chiếu kiến được vũ trụ giai không.

 

Quan niệm Big Bang vừa từ đó xuất hiện. Nhưng danh từ Big Bang chỉ ra đời vào năm 1950 sau khi nó được một trong các người công kích nó xử dụng trong một buổi phát thanh trên radio Anh quốc, nhà thiên văn Fred Hoyle.  Sau đó là một rừng sách vở, toán học của những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đã chứng minh thêm về thuyết big bang này như là một định lý, gần như chân lý.  Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh là khoa học luôn luôn đổi mới và các khoa học gia luôn luôn thay đổi định lý dù định lý được định nghĩa như là luôn luôn xãy ra như thị tri kiến.  Định lý là chân lý không bao giờ sai nhưng định nghĩa của định lý thì luôn luôn thay đổi cho nên nó luôn luôn đúng, chỉ thỉnh thoảng sai vì chính thượng đế còn chơi xúc xắc, cầu mong vào may rũi nữa, huống hồ gì con người chúng ta.  Tóm lại, định lý là chân lý được tuyệt đối xây dựng lên để mà tương đối triệt hạ xuống.  Phật Giáo hóa một tí, định lý là chân lý không viên tròn mà méo mó qua ngũ uẩn vô minh, ngu muội của những người mù sờ chân lý.  Theo Bát Nhã Tâm Kinh: Méo mó không là méo mó. Cho nên, nó là méo mó!  Càng bóp càng méo. Càng mó càng méo. Đó là chân lý rốt ráo!

 

Năm 1965, hai nhà thiên văn Arno Penzias và Robert Wilson tình cờ khám phá ra một tia vũ trụ đến từ các vì sao. Hiện tượng này khẳng định giả thuyết Big Bang, và đã cám dỗ lẫn khuyến khích hàng trăm nhà vũ trụ luận tạo ra những giả thuyết mới.  Đề tài tranh cãi chính của họ vẫn là lực hấp dẫn, cơ sở của thuyết tương đối vẫn còn chõi lại một cách mạnh mẽ thuyết lượng tử.  Các lý thuyết gia đã tìm cách hòa giải.  Sự suy luận của họ dầu đẹp đẽ hợp lý đến đâu cũng chỉ là giả thuyết không thể kiểm chứng được như trong các máy gia tốc hạt nhân hiện nay.

 

Các quan sát và trắc nghiệm gần đây đã đánh đổ nhiều mô hình vũ trụ hiện hành. Nhưng vấn đề tuổi vũ trụ và khối lượng vật chất bị mất trong vụ nổ Big Bang vẫn là những đề tài tranh luận sôi nổi giữa các khoa học gia.

 

Patrick Petitjean, nhà thiên văn học tại Viện thiên văn vật lý Paris nói: "Các mô hình vũ trụ bắt đầu rạn nứt khắp mọi chỗ. Chúng tôi không còn biết rõ mình đang ở đâu." Oliver Lefèbre, nhà thiên văn học của Đài thiên văn Paris-Meudon tiếp lời: "Dần dần các quan sát điều chỉnh lại các mô hình. Chúng tôi chứng kiến sự cáo chung của thời kỳ người ta có thể đề ra những lý thuyết đầy hoang đường mà không bị một quan sát nào hạn chế." Sự thực thì sau hơn 3 năm khi kính thiên văn không gian Hubble được sửa chữa và từ khi sử dụng kiếng thiên văn Keck có đường kính 10 mét ở Hawaii thì các lý thuyết vũ trụ dần dần bị lay chuyển, báo trước giai đoạn hình thành các mô hình vũ trụ mới. 

 

Con người như con cá sống vì nước, dựa vào thuyết big bang như là một giải đáp cho những khoắc khoải của tâm tư, chúng ta từ đâu phọt ra đây chứ chưa hoàn toàn thỏa mãn, vẫn bâng khoâng là mình đang làm cái quái gì ở đây và lo lắng chết đi về đâu?  Nhân loại luôn xây nhà trên cát như dã tràng xe cát biển Đông, nếu một ngày nào đó khoa học chứng minh thuyết big bang sai lầm thì chúng ta cũng cùng nhau sụp đỗ rồi lại cùng nhau đi tìm một cái phao cứu mạng khác để bám trụ vào mà tạm sống trong hy vọng.

 

Trong năm 2003, Nhà Vật Lý Robert Gentry đề nghị một thay thế hấp dẫn cho lý thuyết căn bản big bang, một giải đáp thay thế rằng cũng như những bằng chứng liệt kê ở trên.  Tiến Sĩ Gentry tuyên bố là mẫu hình cổ điển big bang được tìm trên một mô hình sai lầm của mẫu hình của Friedmann-lemaitre về bành trướng không-thời gian, ông ta cho rằng nó không phù hợp với những dữ kiện thực nghiệm.  Thay vì ông chọn để làm tiêu chuẩn cho hình mẫu của ông ta trên mô hình không-thời gian của Einstein rằng ông ta tuyên bố là ‘thiên văn thông thái Rosetta.’  Gentry đã từng xuất bản vài bài phát biểu về những gì ông ta cho rằng rất là nghiêm trọng trong sai lầm của thuyết big bang cổ điển.  Những khoa học gia nổi danh khác như Nobel laureate Dr. Hannes Alfvén, Professor Geoffrey Burbidge, Dr. Halton Arp, and the renowned British astronomer Sir Fred Hoyle cũng đồng ý với những nhận định về thuyết big bang xưa này trên đài phát thanh BBC, 1950.

 

In 2003, Physicist Robert Gentry proposed an attractive alternative to the standard theory, an alternative which also accounts for the evidences listed above. Dr. Gentry claims that the standard Big Bang model is founded upon a faulty paradigm (the Friedmann-lemaitre expanding-spacetime paradigm) which he claims is inconsistent with the empirical data. He chooses instead to base his model on Einstein's static-spacetime paradigm which he claims is the "genuine cosmic Rosetta." Gentry has published several papers outlining what he considers to be serious flaws in the standard Big Bang model.  Other high-profile dissenters include Nobel laureate Dr. Hannes Alfvén, Professor Geoffrey Burbidge, Dr. Halton Arp, and the renowned British astronomer Sir Fred Hoyle, who is accredited with first coining the term "the Big Bang" during a BBC radio broadcast in 1950. (How Special Relativity Works, Section 2 Special Relativity, John Zavisa)

 

 

 

Figure 7 Georges Lemaître,Photo courtesy of AIP Emilio Segr Visual Archives, Dorothy Davis Locanthi Collection

 

Cho đến bây giờ dù văn minh vượt bực, khoa học gia ngay cả như Stephen Hawking người được xem là nhà khoa học thông thái nổi tiếng trên thế giới vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ nguồn gốc của vũ trụ; hiển nhiên vì nó nằm ngoài phạm vi của khoa học nhân văn.  Người ta nói, Hawking có thể nhìn tới 11 chiều không gian, tôi chưa nhìn thấy được một chiều nào cả nhưng theo tôi suy đoán thì vũ trụ có tới 23 chiều, không biết Đức Thế Tôn thấy tới mấy chiều?  Trong 7 tỉ người hiện nay, số người thấy được trên 4 chiều chỉ đếm được trên ngón tay.  Thấy được trên 4 chiều là đã dùng trên 6% của não bộ, có được ngũ thông rồi trên đường xuyên qua vật chất để du hành trong vũ trụ.  Những tư nghị trong bài này đôi khi có vẻ khoa học giả tưởng lẫn huyền bí tâm linh, đòi hỏi chút đầu óc tưởng tượng và nên để tâm trí rong chơi nơi những cõi ta bà, mong gõ cửa Chân Như thì mới thấy được thực tại thấp thoáng.  Các nhà khoa học có thể không hài lòng, chứ không phải không đồng ý, với những nhận định trên vì đa số họ không có đọc kinh Phật cứ vọng ngoại đi tìm cái vô sanh không có khởi đầu, cái nhất điểm vô thủy vô chung, cái vô lượng nhân quả và duyên khởi lịch sử đó.

 

Triết lý Đạo Phật không sở trụ vào những lý thuyết khoa học trên nên không cần những cái phao cứu mạng mới để bám víu.  Những tư nghi, tư nghị của khoa học chung quanh thuyết big bang về lý nhất thể (singularity,)  Hư Không, big bang trong từng sátna, nhiều thế giới, nhiều vũ trụ ảo, vũ trụ vô sanh không bùng nổ mà co dãn đã được tôi đề cập, diễn tả ngay cả chứng minh bằng toán học trong bài Vô Tự Kinh và Logic of Quantum Negation mà tôi đã viết trước đây trên internet tưởng không cần phải nhắc lại ở đây. 

 

Nhà khoa học vĩ đại Stephen Hawking đã vô tình gần như ngộ được cái lý đó nhưng rồi ông ta bị lý trí và kiến thức vô minh che đi trí tuệ, trong cuốn Vũ trụ trong vỏ hạt, trang 80, Hawking viết vũ trụ nhiều lịch sử: “Vì vũ trụ cứ gieo xúc xắc hoài để xem cái gì sẽ xảy ra nên vũ trụ không có một lịch sử duy nhất như người ta có thể nghĩ. Thay vào đó, vũ trụ có tất cả các lịch sử khả dĩ, mỗi một lịch sử có một xác xuất của riêng nó. Vũ trụ có thể có một thứ giống như vật chất được gọi là “năng lượng chân không” (vacuum energy,) năng lượng chân không hiện diện ngay cả trong không gian trống rỗng. Từ phương trình nổi tiếng của Einstein, E=mc2, năng lượng chân không này có một khối lượng [tam muội chân hoả].” 

 

Theo tôi nghĩ ‘ở rìa của vũ trụ,’ bên bờ biên giới, hay ngoài chân không này còn có vũ trụ khác mà ngày nay khoa học đã nói đến nhiều vũ trụ (multiverses) với vô lượng lịch sử.  Những giải thích nhị nguyên dài dòng trên về chủ thể quan sát và vật thể bị quan sát ‘để có một vũ trụ giống như chúng ta đang quan sát’ được Phật Giáo diễn tả ngắn gọn là ‘vạn vật từ tâm tạo.’ Chúng ta muốn quan sát một vũ trụ ảo giống như chúng ta muốn thấy nó như vậy – như thị tri kiến theo ý tâm tạo ra - chứ không phải thực tại như vậy.  Tôi xin định nghĩa:  Lịch sử là méo mó; méo mó là lịch sử.  Đó là lịch sử thực tại.

 

Thi Sĩ cuồng Bùi Giáng định nghĩa thực tại lịch sử,

 

"Sử lịch sai trang

Chạy quàng

Là lịch sử…"

(Lá Hoa Cồn - Bùi Giáng)

 

Sau đây là những nhận định của các trí thức khác về vũ trụ tương tự như đã được diễn tả trong kinh Phật hay chứng thấy được trong thiền định, yoga, khí công mà tôi bị nó ám ảnh trong tâm cho đến khi tình cờ vì nhân duyên tìm ra được những tài liệu tri kỷ, tri bỉ này trên internet.  Thật ra tôi không bao giờ đi tìm nó nhưng nó tìm đến tôi để bắt tôi san sẻ cùng với những người có thiện duyên với Phật Pháp.

 

Thuyết nỗ lớn (big bang) - những sai lầm phổ thông

 

Có rất nhiều sai lầm bao quanh thuyết big bang.  Cho thí dụ, chúng ta có khuynh hướng tưởng tượng một bùng nổ cực lớn.  Những chuyên gia tuy nhiên nói rằng không có vụ bùng nổ;  đã có một giãn nở kéo dài liên tục.  Thay vì tưởng tượng một quả bong bóng xì hơi, tưởng tượng một quả bong bóng phồng hơi: một điểm cực vi của bong bóng nở rộng ra bằng kích thước của vũ trụ hiện nay của chúng ta.

 

Một điều sai lầm khác rằng là chúng ta có khuynh hướng tưởng tượng điểm nhất thể như là một trái banh lữa nhỏ xuất hiện đâu đó trong không gian.  Thể theo những nhà chuyên môn, tuy nhiên, không gian đã không hiện hữu trước big bang. Trỡ lại những thập niên 60, 70 lúc mà con người lần đầu tiên dạo bướt trên mặt trăng, 3 nhà thiên văn vật lý hóa siêu hình học (astrophysicists) Steven Hawking, George Ellis, and Roger Penrose chú tâm đến thuyết tương đối ám chỉ đến thời gian. Trong 1968 và 1970, họ phát hành những nghiên cứu mà trong đó họ khoáng đại thuyết tương đối phổ thông suy rộng của Einstein gồm cả đo lường của thời gian và không gian.  Theo tính toán của họ, thời gian và không gian đã có điểm giới hạn bắt đầu nối tiếp với nguyên thủy của vật chất và năng lượng.  Nhất thể đã không xuất hiện trong không gian; thay vì không gian bắt đầu tận trong nhất thể.  Trước điểm nhất thể, không có hiện hữu, không không gian, thời gian, vật chất, hay năng lượng – là không, zero.  Vậy thì cái nhất thể đó và trong cái gì mà nhất nguyên xuất hiện nếu không trong không gian?  Chúng ta không biết được.  Chúng ta không biết được nó từ đâu đến, tại sao nó ở đây, hay ngay cả nó ở đâu.  Tất cả mà chúng ta thật sự biết được rằng chúng ta ở trong của nó và tại một lúc nó lẫn chúng ta đã không hiện hữu.

 

Tôi xin dùng triết lý Phật Giáo giải thích những công án khoa học ở trên, vũ trụ giản (dản) nở như thế nào đã được diễn tả trong bài này rồi qua phương pháp thiền định.  Nếu chúng ta chấp nhận thuyết big bang như là một điểm mốc của vũ trụ hiện hữu thì trước cái nhất thể tuyệt đối đó là hư không, chân như, trống rổng,  emptiness chứ không hoàn toàn Nothing (zero.)  Điểm nhất thể là tri kiến phật, lòng Bồ đề vô sanh vô diệt, vô thỉ vô chung mà khoa học không bao giờ đạt tới và thấy được bằng nhục nhãn và dụng cụ đo lường của khoa học.  Muốn kiến được cái bản lai diện mục của nhất nguyên phải bùng nổ đại ngộ mới mở được Phật Nhãn thấy nó như huyễn như mộng, như điện như ảo.  Cái tri kiến phật, tâm bồ đề, điểm nhất nguyên, bất nhị đó nó không ở trong ta, không ở ngoài ta nhưng chúng ta lẫn vũ trụ ở trong nó.

 

Big Bang Theory - Common Misconceptions

 

There are many misconceptions surrounding the Big Bang theory. For example, we tend to imagine a giant explosion. Experts however say that there was no explosion; there was (and continues to be) an expansion. Rather than imagining a balloon popping and releasing its contents, imagine a balloon expanding: an infinitesimally small balloon expanding to the size of our current universe.

 

Another misconception is that we tend to image the singularity as a little fireball appearing somewhere in space. According to the many experts however, space didn't exist prior to the Big Bang. Back in the late '60s and early '70s, when men first walked upon the moon, "three British astrophysicists, Steven Hawking, George Ellis, and Roger Penrose turned their attention to the Theory of Relativity and its implications regarding our notions of time. In 1968 and 1970, they published papers in which they extended Einstein's Theory of General Relativity to include measurements of time and space. According to their calculations, time and space had a finite beginning that corresponded to the origin of matter and energy." The singularity didn't appear in space; rather, space began inside of the singularity. Prior to the singularity, nothing existed, not space, time, matter, or energy - nothing. So where and in what did the singularity appear if not in space? We don't know. We don't know where it came from, why it's here, or even where it is. All we really know is that we are inside of it and at one time it didn't exist and neither did we.

 

Thuyết Big Bang - Tiền đề

 

Thuyết nổ lớn của vũ trụ là một nỗ lực để giải thích cái gì đã xảy ra tại điểm bắt đầu của vũ trụ chúng ta.  Những khám phá trong thiên văn học và vật lý đã cho thấy ngoài nghi ngờ hợp lý rằng vũ trụ của chúng ta trên thực tế đã có điểm khởi đầu (vũ trụ có thủy có chung.)  Không có gì trước cái thời điểm đó; trong thời gian và sau khi đó thì có vạn vật – vũ trụ của chúng ta.  Thuyết big bang là một nổ lực để giải thích cái gì đã xảy trong lúc và sau thời điểm đó.

 

Theo những bàn luận dưới đây thì khoa học và đa số chúng ta vẫn còn tư nghị nhị nguyên chưa dứt khoát giữa tiền và hậu big bang.  Vũ trụ Có từ Không mà Có!  Đạo Phật giải thích những thắc mắc này rất rỏ ràng và hợp lý. 

 

Big Bang Theory - The Premise

 

The Big Bang theory is an effort to explain what happened at the very beginning of our universe. Discoveries in astronomy and physics have shown beyond a reasonable doubt that our universe did in fact have a beginning.  Prior to that moment there was nothing; during and after that moment there was something: our universe. The big bang theory is an effort to explain what happened during and after that moment.

 

Big Bang Theory - Evidence for the Theory

 

 What are the major evidences which support the Big Bang theory?  Cái gì là bằng chứng cụ thể để củng cố thuyết big bang?

 

• First of all, we are reasonably certain that the universe had a beginning.

 

Trước hết, chúng ta lý luận khẳng định rằng vũ trụ có điểm khởi đầu nhưng bất khả tư nghì về điểm khởi đầu của khởi đầu.  Vũ trụ từ Không ra Có được tạo ra bởi Tâm.  Tâm là Tri Kiến Phật, Lòng Bồ Đề là Nhất Nguyên hay bất nhị.  Tâm tuy là ‘cái’ sáng tạo nhưng ‘nó’ không phải là thượng đế.  Tâm tạo ra sinh trụ hoại diệt của vũ trụ mà khoa học công nhận luật vũ trụ đó.  Hay nói rõ hơn Tâm là vũ trụ và Tâm tự tạo ra vũ trụ.

 

• Second, galaxies appear to be moving away from us at speeds proportional to their distance. This is called "Hubble's Law," named after Edwin Hubble (1889-1953) who discovered this phenomenon in 1929. This observation supports the expansion of the universe and suggests that the universe was once compacted.

 

Điều thứ hai, Những thiên hà thấy hình như rời xa chúng ta với một tốc độ tương đương với khoảng cách của chúng nó.  Cái này gọi là hiệu ứng doppler tương đối (Relativistic Doppler Effect,) hay  "Hubble's Law," được đặt tên của Edwin Hubble (1889-1953) người khám phá cái hiện tượng này 1929.   Cái quan sát này hỗ trợ sự giản nở của vũ trụ và đề nghị rằng vũ trụ đã có một thời dồn ép lại không có trống không.  Như tôi đã trình bày cái giản nở trong từng sána của vũ trụ từ vĩ cho đến vi, từ vi đến vĩ hay chi tiếc hơn là vũ trụ bị hút bởi chân không (tương tự như black hole) rồi giản ra từ một vũ trụ khác liên miên bất tuyệt với những bướt tiệm ngộ (big bang nhỏ) cho đến những đốn ngộ (bùng nổ lớn.)

 

• Third, if the universe was initially very, very hot as the Big Bang suggests, we should be able to find some remnant of this heat. In 1965, Radioastronomers Arno Penzias and Robert Wilson discovered a 2.725 degree Kelvin (-454.765 degree Fahrenheit, -270.425 degree Celsius) Cosmic Microwave Background radiation (CMB) which pervades the observable universe. This is thought to be the remnant which scientists were looking for. Penzias and Wilson shared in the 1978 Nobel Prize for Physics for their discovery.

 

Thứ 3, nếu vũ trụ ban đầu đã rất, rất nóng như big bang khởi xướng, chúng ta có thể tìm

ra vài tàn tích của nhiệt.  Trong 1965, Radioastronomers Arno Penzias và Robert Wilson khám phá rằng 2.725 degree Kelvin (-454.765 degree Fahrenheit, -270.425 degree Celsius) Cosmic Microwave Background radiation (CMB) xâm nhập vũ trụ quan.  Đây là những tư tưởng vị lai rằng tàn dư mà các khoa học gia đã tìm kiếm.  Penzias and Wilson cùng chia nhau giải Nobel 1978 về vật lý cho những khám phá của chung của họ.

 

• Finally, the abundance of the "light elements" Hydrogen and Helium found in the observable universe are thought to support the Big Bang model of origins.

 

Cuối cùng, sự phong phú của ‘phân tử ánh sáng’ Hydrogen và Helium đã tìm thấy trong vũ trụ quan là những tư duy yểm trợ cho đồ án nguyên thủy của big bang.  Phật Giáo gọi những hoa đốm này như điện như ảo.

5.   Hiện Hữu là gì?

 

Trong cuốn giáo thuyết về linh hồn của Phật Giáo, Soul theory of the Buddhist, Giáo Sư Stcherbatsky, ghi nhận rằng, "Khi Đức Phật gọi chủ thuyết về một cái ngã thường hằng là một "chủ thuyết cuồng si," rõ ràng là Ngài đang chống lại một chủ thuyết đã được thành lập.  Bất cứ khi nào trong các bài giảng của Ngài, Ngài đều nói về vô ngã hoặc thân kiến - chấp vào xác thân hiện hữu - (Satkàyadrsti)" (When Buddha calls the doctrine of an eternal self "a doctrine of fools" it is clear that he is fighting against an established doctrine. Whenever in his sermons he comes to speak about Soullessness or Wrong personalism).

 

Trong tác phẩm Quan điểm cơ bản của Phật Giáo, The Basic Conception of Buddhism, Giáo Sư V. Bhattacharya, sau quá trình nghiên cứu về học thuyết Vô Ngã (Non-self,) đã kết luận rằng, "... Qua nhiều cách khác nhau, sự hiện hữu về một cái ngã vĩnh hằng (hay àtman,) như được công nhận bởi những hệ thống triết học khác, đã bị Đức Phật khước từ một cách hoàn toàn bằng cách đoạn trừ chính cái căn rễ của tham ái, nơi mà cái ngã vĩnh hằng ngự trị" (Thus and in various other ways, the existence of a permanent Self or àtman, as accepted in other systems, was utterly denied by The Buddha, thereby pulling down the very foundation of desire where it can rest.)

 

Descartes chủ trương trong vũ trụ chỉ có hai bản chất: một là hình tướng (étendues) hai là ý thức tư duy (pensentes) Là; giữa vũ trụ quan có hai miền duy lý; hình tướng thuộc về không gian và thời gian và miền thứ hai là ý thức thuộc tinh thần và vật thể. Giữa hai miền này không thể gặp nhau.  Do đó, phát sinh tư duy hoài nghi chìm vào tư duy hiện hữu.  Hiện hữu của chỉ định ‘tôi’ chắc chắn khi tư duy đến ‘pensé/think’ giữa hữu thể và vật thể. Vậy tôi là một hiện vật có ý thức (consciousness) rõ ràng thời đó là chân lý minh bạch, ‘Je pense donc je suis’ Vì sao? –Do từ hiện hữu đi đôi với ý thức.  Jean-Paul Sartre lại nhìn khác hơn về hiện hữu tư duy; ông cho rằng thực thể hữu hạn không thể là một vật thể duy nhất vừa là khác nhau theo cùng một quan điểm. Theo những triết gia đi trước; thì hữu thể là bắt nguồn từ hai nguyên lý ‘bất khả phân ly’ mà tạo nên hữu thể hiện hữu/ être, existence là yếu tính, là một xác định cho nó là cái này mà không phải cái kia. (Thấy gì trong tác phẩm Hiện Hữu và Hư Không của Jean-Paul Sartre, Võ Công Liêm)

 

Trong bài Ý niệm về Hiện hữu, Thích Tâm Thiện viết, “Sự hữu (bhàva) hay hiện hữu (process of becoming) chỉ có thể được cảm nhận khi nào nó xuất hiện như là một đối tượng trước một chủ thể; nghĩa là nó xuất hiện trong sự phân biệt và tương quan giữa chủ thể nhận thức (pudgala) và đối tượng được nhận thức (dharma.)  Nếu không như thế, sẽ không có bất kỳ một sự hữu nào hình thành và tồn tại bởi một tên gọi hay làm đối cho nhận thức. Dẫu rằng, trong thế giới của sự vật hiện tượng, tâm (lý) không phải là vật (lý;) bởi lẽ, tâm vốn thoát ly mọi ảnh tượng của vật, nhưng đối với sự vật hiện tượng hay mỗi hiện hữu, nó không thể hiện hành mà không có tâm; vật và tâm thực chất là hai mặt của một sự hữu. Và đây là tiến trình hiện hữu mà các hệ thống triết học thường gọi là mối quan hệ giữa tổng thể phổ quát (universal) và đơn vị đặc thù (particular,) hay giữa thực thể và thuộc tính của nó (substance - attribute) v.v... Từ những chi tiết trên, cho thấy rằng sẽ không có một sự hữu nào, dù là ý niệm hay vật chất, có thể hiện hành một cách độc lập phân ly; mà trái lại, chân lý của nó (sự hữu) là bất khả phân ly; nếu không như thế, mọi cơ cấu triết học và tôn giáo của nhân loại sẽ như lâu đài xây trên bãi cát. Tất cả các danh từ như duy vật, duy tâm, duy linh, duy thực v.v... sẽ không có ý nghĩa nếu nó chỉ được hiểu như là chính nó - tức là duy vật thì không duy tâm và ngược lại.”

 

Những câu hỏi như: "Thế giới có vĩnh hằng hay không, hoặc vừa vĩnh hằng và vừa không vĩnh hằng? ... Đức Như Lai có tồn tại sau khi nhập diệt hay không, hoặc vừa tồn tại hoặc vừa không tồn tại ?" (Whether the world is eternal, or not, or both, or neither ?... Whether The Tathagàta exists after death, or does not, or both, or neither ?...) đều là vấn nạn của luận lý, thuộc hệ tư tưởng nhị nguyên (dualism,) và cố nhiên, sẽ không bao giờ kết thúc, đó những câu hỏi lơ lửng.

 

Trong kinh Tương Ưng (Samyutta - Nikàya) ghi lại một giai thoại rằng: Một thời vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) yết kiến Tỳ Kheo Ni Khemà tại Teranavathu, giữa thành Sàvatthi và Sàketa, ông đã đặt bốn câu hỏi như sau :

 

1- Như Lai có tồn tại sau khi chết?

 2- Như Lai không tồn tại sau khi chết?

 3- Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?

 4- Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

 

Tỳ Kheo Ni Khemà trả lời, "Thế Tôn không trả lời bốn câu hỏi trên." Sau đó, đích thân vua Pasenadi yết kiến Đức Thế Tôn và đặt lại bốn câu hỏi trên, Thế Tôn im lặng.

 

Trong một dịp khác, Tôn Giả Mahàkotthika (Đại-kiều-thi-na) lại hỏi Trưởng lão Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Trưởng lão trả lời rằng, Thế Tôn không trả lời bốn câu hỏi trên là vì nếu trả lời là rơi vào chấp thủ sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Do đó, Thế Tôn đã im lặng.

 

Rồi lại một dịp khác, Trưởng Lão Sàriputta đặt lại bốn câu hỏi trên với tôn giả Mahakotthika, và Tôn Giả trả lời rằng, Thế Tôn không trả lời và việc đó được giải thích như sau:

 

- Những vấn nạn như thế chỉ có đối với người chưa đoạn trừ tham ái và chấp thủ đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

 - Những vấn nạn như thế chỉ có đối với người chưa đoạn trừ ái lạc Hữu, ái lạc Thủ, ái lạc Ái.

 

Cùng với trường hợp trên, một dịp khác, Ngoại Đạo Sĩ Vacchagotta (Bà-sa-cù-đa) đã đặt mười vấn nạn siêu hình với Thế Tôn rằng: Thế giới là thường? Vô thường? Là hữu biên? Là vô biên? Sinh mạng thân thể là một hay là khác? Vừa là một vừa là khác? Như Lai có tồn tại sau khi chết? Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết? Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

 

Thế Tôn đã không trả lời mười vấn nạn này và cắt nghĩa rằng, “Vì Như Lai quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, hay có sắc không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc.”  Tương tự như vậy đối với thọ, tưởng, hành và thức.

 

Thích Tâm Thiện viết: “Thông qua các vấn nạn trên và lời dạy của Đức Thế Tôn, rõ ràng sự im lặng của Ngài đã biểu thị một thế giới tâm xả ly và vô niệm, tức là không còn chấp thủ về sự hiện hữu của các pháp (năm uẩn) hay hiện tượng giới là hữu hay phi hữu, là thường hay đoạn, là sinh hay diệt, là một hay khác. Những vấn nạn về hữu, vô, sinh, diệt, thường, đoạn, khứ, lai - thực chất chúng là hiện thân của tư duy hữu ngã; và như thế, lấy cái hữu hay vô để hỏi về cái đã siêu việt hữu, vô - tức thế giới nhị nguyên (the world of dualism) thì không thể được.  Điều đó như cá dưới nước lại đặt vấn nạn hồ nghi về sự sống trên đất liền.

 

Từ đây, rõ ràng là khi con người đặt vấn nạn về các vấn đề siêu hình, thực chất không phải họ muốn vươn lên một tầm cao của thực tại, mà là do bị kẹt vào thân kiến hay ngã kiến của chính cái xác thân của họ đang đầy ắp dục vọng muốn tìm kiếm một sự thường hằng, một linh hồn bất tử.  Sự khát vọng thống thiết đó một mặt muốn tìm kiếm chân lý và hạnh phúc vĩnh hằng; mặt khác do bị thiêu đốt bởi dục vọng và bởi chính sự lang thang đi tìm cái chân lý hão huyền nên không thể đi vào thực tại - một thực tại đang vận hành bất tuyệt ngay trong đương niệm hiện tiền. Điều trớ trêu đó xuất hiện và vây bủa con người chỉ vì họ đang đuổi bắt cái bóng mờ ảo ảnh của một cái ngã - linh hồn không thật.  Nó chính là "hồn ma ái dục" lúc ẩn, lúc hiện trong bóng đêm của trần thế mông lung, ảo vọng.” (Trích Vấn đề cơ bản của triết học, Thích Tâm Thiện)

 

Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ,) Đức Phật dạy, "Tùy thuộc vào dầu và tim đèn mà ngọn lửa của đèn bùng cháy; nó không phải sinh ra từ trong cái này cũng không phải từ trong cái khác, và cũng không có một (nguyên động lực) nào trong chính nó; hiện tượng giới cũng vậy, nó không hề có cái gì (thường tại) trong chính nó. Tất cả hiện hữu là không thực có; chúng là giả danh; chỉ có Niết Bàn là chân lý tuyệt đối. (Depending on the oil and wick does the light of the lamp burn; it is neither in the one, nor in the other, nor anything in itself; phenomena are, likewise, nothing in themselves. All-things are unreal; they are deceptions; Nibhàna is the only truth)." (Majjh. N. III, P. 145 Dialogue, 140)

 

Duyên khởi hiện hữu là tiền đề để đi vào Tánh Không. Dưới đôi mắt tuệ giác của Đức Phật, mọi hiện hữu không thể được xem là có hay không; mà hiện hữu là hiện hữu của Duyên khởi (pacticcasamuppàda hay original dependence.)  Đây cũng chính là ý nghĩa Duyên khởi được triển khai trong Trung Quán Luận bởi ngài Nàgàrjuna:

 

"Bất sanh diệc bất diệt

Bất nhất diệc bất dị

Bất thường diệc bất đoạn

Bất khứ diệc bất lai."

Nghĩa :

"Không phải sinh cũng không phải diệt

Không phải một cũng không phải khác

Không phải thường cũng không phải đoạn

Không phải đi cũng không phải đến."

 

Luận chứng về Duyên khởi hiện hữu của ngài Nàgàrjuna dựa vào bốn luận cứ - có, không, cũng có cũng không và chẳng phải có, cũng chẳng phải không. Luận cứ này được diễn đạt như sau:

 

Chúng nhân duyên sinh pháp

Ngã thuyết tức thị không

Diệc vi thị giả danh

Diệc thị Trung đạo nghĩa.

 

Nghĩa:

 

 

Các pháp do nhân duyên sinh khởi

Nên tôi nói là không thật có

Có, cũng chỉ là giả danh thôi

Đó cũng là ý nghĩa Trung đạo.

 

Đồng thời, bên cạnh bốn luận cứ này, ngài Nàgàrjuna, qua Trung Quán (Madhyamika) đã đặc biệt nhấn mạnh đến con đường truyền giáo của Đức Phật, đó là con đường dung hòa giữa Tục Đế (Samuriti-satya) và Chân Đế (Paramartha-satya) hay còn gọi là Trung Đạo (Majjhimà-patipadà.)

 

Tất cả những công án ở trên thật ra Đức Thế Tôn đã giảng giải rất ràng rọt cho những thiện trí thức và các môn đệ của Ngài trong 45 năm rồi chỉ có những kẻ ngoại đạo, chưa học Phật, mới u mê chất vấn Ngài với những câu hỏi vô minh như vậy thôi.  Đức Thế Tôn im lặng (noble silence) cũng vì lẽ đó.  Ngài đã chứng minh cái Không của Vô Ngã qua thái độ im lặng.  Im lặng cũng là một cách trả lời.

 

Không gian hiện hữu tương quan mật thiết với thời gian thực tại, không thể tách lập riêng biệt. Khi hiểu được thực tính của thực tại thì quán triệt được thực tính của hiện hữu. Tư duy con người đã gắn kết thực tại với sự sống hiện hữu. Thực tại được nhìn nhận qua sự tồn tại và hoại diệt của hiện hữu. Thực tại là sự hiện hữu từ đó cái Ngã và vạn vật được tạo ra.  Thực tại là dòng chảy cuốn tôi đi, nhưng tôi là dòng chảy đó; thực tại là ngọn lửa tam muội thiêu đốt tôi, nhưng tôi chính là tạng quang minh ấy."  Vấn đề mấu chốt là khái niệm triết học bất khả phân giữa thực tại của thời gian và bản chất tồn tại của không gian.

 

Trên đây chỉ là những phát họa khái quát của sự hiện hữu (có, existence.)  Hiển nhiên, bản chất của hiện hữu là lý duyên khởi.  Hiện hữu vốn là giáo lý đặc thù của Phật Giáo và đã xuyên thông qua cả hai hệ thống Nam Tông và Bắc Tạng; được xem như là tiền đề để tìm hiểu mối tương quan thực tại giữa Tứ Diệu Đế và 12 Nhân Duyên.  Hiện hữu không khác thực tại; Thực tại không khác hiện hữu.  Hiện hữu trong không gian, vô thường trong thời gian.  Đó là, vô ngã tướng của thực tại.

6.   Thực tại là gì?

 

Theo Phật Giáo, tâm tư duy (Tâm phan, như vệ tinh quả đất, định tinh mặt trời, và vô lượng thiên hà) có thể sinh ra trong không gian thời gian, nhưng linh ảnh tâm (Lòng Bồ Đề, vũ trụ) vượt thời gian không gian.  Như đã nói ở trên, trong Thuyết Tương Đối Tổng Quát Suy Rộng của Einstein, không-thời gian và vũ trụ không tồn tại độc lập với nhau.  Govinda cũng nói, “Linh ảnh nằm trong một không gian nhiều chiều hơn và vì thế nó phi thời gian.” Không-thời gian của vật lý tương đối cũng là một không gian phi thời gian, có chiều cao hơn, trong đó mọi phản ứng đều liên hệ với nhau, nhưng mối tương quan không có tính nhân quả.  Sự tương tác các hạt (particles) chỉ có thể lý giải trong khái niệm nguyên nhân- kết quả ghi trên biểu đồ không gian - thời gian và được đọc theo nguyên tắc chỉ định, thí dụ từ dưới lên trên, từ trái qua phải.  Nhưng một khi những dữ kiện này được quan niệm trong một cấu trúc bốn chiều, không có một hướng thời gian nhất định, thì không có cái trước, cái sau và vì thế không có nguyên nhân và hậu quả (nhân quả) để tư nghị.

 

Trong các bài thuyết giảng Upanishad: Nơi có nhị nguyên, là nơi có một cái thấy một cái khác; một cái ngửi một cái khác, một cái nếm vị một cái khác… Nhưng nơi mà tất cả đã trở về tự tính của nó, thì cái gì thấy và cái gì bị thấy? Cái gì ngửi và cái gì bị ngửi? Cái gì nếm và cái gì bị nếm?  Cái gì cảm nhận? Tất cả từ tâm tưởng, lời của Heraclitus: “Cái lạnh sẽ nóng dần lên, cái nóng nguội đi, cái ướt khô dần, cái khô thành ướt.”  Sách Bích Nham Lục nói, “Tất cả càn khôn đại địa chỉ là cái chính mình. Lạnh thì khắp trời đất lạnh. Nóng thì khắp trời đất nóng…” 

 

Trang Tử nói: Mối liên hệ của tôi với thân và các phần tử của thân đã tan biến. Giác quan của tôi đã bị dẹp bỏ. Tôi cứ để cho thân tâm đi ngao du, tôi thành một với cái đại khối xuyên suốt. Tôi gọi nó là an tọa và quên mọi chuyện. Đó là sự nắm bắt cuối cùng sự nhất thể mọi sự. Theo trình bày của các nhà đạo học thì ta đạt tới nó trong dạng một tâm thức, trong đó cá thể con người đã tan vào một nhất thể vô phân biệt bỏ lại đằng sau thế giới của cảm thọ và nội dung của “vật thể.”

 

Trong Đạo của Vật Lý, Fritjof Capra viết: Trong khoa học, khi nghiên cứu những mô hình của vật lý hạ nguyên tử, được thấy chúng luôn luôn phát biểu bằng nhiều cách khác nhau, dẫn đến một kiến giải duy nhất: đó là các thành phần vật chất và những hiện tượng tham gia, tất cả đều nằm trong một mối liên hệ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau; chúng không thể được xem là đơn vị độc lập, mà là thành phần bất khả phân của một cái toàn thể.  Trước hết tôi xin trở lại sự phân biệt giữa cơ cấu toán học của một lý thuyết và cách lý giải bằng ngôn từ của nó. Cơ cấu toán học của thuyết lượng tử đã được nhiều thí nghiệm khẳng định và được thừa nhận là nhất quán và chính xác để mô tả tất cả các hiện tượng nguyên tử. Thế nhưng cách lý giải bằng ‘ngôn từ ngữ’ của nó, tức là ý nghĩa triết học của thuyết lượng tử lại chưa có một cơ sở vững chắc. Thực tế là nhà vật lý suốt hơn bốn mươi năm qua chưa đưa ra được một mô hình triết lý rõ rệt về nó.  Chúng chỉ là sự lý tưởng hóa; trên thực tiển thì chúng có ích, nhưng không có ý nghĩa đích thực.

 

Tất nhiên nền vật lý hiện đại làm việc trong khuôn khổ hoàn toàn khác và không thể đi xa như thế trong việc chứng thực tính nhất thể của mọi sự. Nhưng trong vật lý nguyên tử, nó đã đi một bước dài về hướng của thế giới quan phương Đông.

 

Trong vật lý lượng tử, Niels Bohr nói, “Các hạt vật chất độc lập chỉ có trong sự trừu tượng, tính chất của chúng chỉ có thể định nghĩa và quan sát trong tương tác với các hệ thống khác.” Những câu sau đây của David Bohm, một trong những người chống lại trường phái Copenhagen, khẳng định hùng hồn thực tế này: Ta phải tiến đến khái niệm của một cái toàn thể bất khả phân, nó phủ nhận ý niệm cổ điển chuyên nghiệp phân tích thế giới ra những thành phần độc lập và cách ly… Ta quá bảo vệ quan điểm cũ về những hạt cơ bản, cho nó là thực tại đích thực của thế giới, và mọi hệ thống chỉ là dạng hình khác nhau chứa đựng những hạt đó.  Đúng hơn, thực tại cơ bản là mối liên hệ lượng tử, không cách ly được của một cái toàn thể, và những thành phần tương đối độc lập chỉ là những dạng đặc biệt nằm trong thể chung đó.

 

Thực tại, chân không, có thể hiểu đại khái, Tạng Luận tư nghị về triết lý, nhân sinh quan và xum la vạn tượng trong vũ trụ.  Chi tiếc hơn, Tạng Luận đưa ra các cách luận giải và phân tích các hiện tượng trên phương diện vũ trụ học, triết học, siêu hình học, tâm lý học, nhận thức học, v.v... nhằm giúp chúng ta có chút khái niệm về bản chất của vũ trụ và con người.  Tóm lại, chủ đích của Tạng Luận là mang lại cho chúng ta một trí tuệ  hiểu biết, sâu sắc, tinh khiết, và cao siêu nhất vượt lên trên những sự nhận thức vô minh bị chi phối bởi bản năng phàm tục, giới hạn vận hành quy ước và nhị nguyên của tâm thức.  

 

Trong Sự Phát Triển Của Đại Thừa, Tiết IV A Lại Da Duyên Khởi Luận, “Thuyết Thật Tướng của hai ngài Mã Minh và Long Thọ, thể hiện nghĩa Chân Không của Như Lai Tạng.  Qua đến thời đại Pháp Tướng Học, hai ngài Vô Trước và Thế Thân, lại thuyết minh Như Lai Tạng bằng nghĩa [thực tại] chân như diệu hữu.

 

Từ trước, hàng Tiểu Thừa chỉ thành lập có sáu thức là: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý Thức. Song sáu thức là những tâm lý sanh diệt, vô thường. Như năm thức trước chỉ do sự kích thích của ngoại giới mà tả tượng vào nội tâm. Chúng không có những tác dụng tinh thần như: so sánh, suy luận hoặc truy niệm cảnh quá khứ. Có đủ những tác dụng ấy và chiếm được địa vị trọng yếu, duy có thức thứ sáu mà thôi. Nhưng ý thức cũng là một thứ tâm lý có gián đoạn một chiều (serial,) niệm trước đã qua, niệm sau mới đến chứ không phải nhiều niệm đến cùng một lúc. Cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi ngũ uẩn với tương quan một chiều; chúng ta chỉ có khả năng thực thi một chiều chứ không có thể

xử lý đa dạng và khi chúng ta chết rồi thì ý thức đó cũng tiêu tan?  Nếu không tiêu tan,  thế thì cái gì duy trì nghiệp lực làm cho nó không gián đoạn sau khi chúng ta chết?  Ta thấy nhiều người giảng thuyết về vấn đề này rồi.  Nghe để là nghe như vậy thôi chứ ‘thực tại’ có biết, có thấy voi ở đâu mà mò.

 

Lý do trên là nguyên nhân thành lập ra A Lại Da Thức của phái Đại Thừa. A Lại Da có nghĩa: Hàm Tàng Thức hoặc Chủng Tử Thức, là một tâm thể chứa đựng tất cả chủng tử của vạn hữu, làm cội gốc duy trì và mở mang ra hiện tượng giới, có đủ ngàn hình muôn trạng bao la. Sáng lập ra thuyết A Lại Da Duyên Khởi là giáo phái Pháp Tướng, cũng gọi giáo phái Duy Thức. Ngoài sáu thức của Tiểu Thừa, phái nầy lập thêm hai thức nữa: Mạt Na (Màna) thứ bảy, và A Lại Da (Alaya) thứ tám. Mạt Na có nghĩa: Chấp ngã, một tâm lý lầm nhận cái ta (ngã) là thực tại có thật.

 

Theo nhà Duy Thức, nếu nói Chân Như làm duyên khởi cho vạn hữu, là không hợp lý. Bởi Chân Như thì bình đẳng đồng nhất, mà vạn hữu thì muôn hình sai biệt. Vậy căn nguyên phát khởi các hiện tượng muôn vàn sai biệt ấy, tất phải do muôn vàn chủng tử sai biệt. Nơi chứa đựng các chủng lượng tử nầy là thức A Lại Da, và A Lại Da làm nhân duyên phát khởi các pháp, nên gọi là A Lại Da Duyên Khởi. Chính thức A Lại Da nầy cũng do nhân duyên mà thành. Từ vô số kiếp đến giờ, do nghiệp nhân lành dữ huân tập, nó vẫn luôn luôn sanh khởi không gián đoạn, chứa đựng tất cả mọi chủng tử và có khả năng vô hạn để phát hiện ra hữu tình giới và khí thế giới. A Lại Da có hai: Chúng sanh A Lại Da Thức và Như Lai A Lại Da Thức. A Lại Da của chúng sanh có tính ‘cách biệt.’ A Lại Da của Như Lai có tính ‘cách đồng.’  A Lại Da của chúng sanh vô thủy hữu chung. A Lại Da của Như Lai vô thủy vô chung.  A Lại Da của chúng-sanh thuộc Biến Kế Chấp Tánh. A Lại Da của Như Lai thuộc Viên Thành Thật Tánh.

 

Duy Thức Tông lập ra ba tánh: Biến Kế Chấp, Y Tha Khởi và Viên Thành Thật. Y Tha Khởi là các pháp do nhân duyên sanh khởi, đứng địa vị trung tâm. Trên Y Tha Khởi mà lầm nhận có không, đoạn thường, sanh diệt, quay cuồng theo hiện tượng là Biến Kế Chấp. Trên Y Tha Khởi mà tiêu diệt những quan niệm ấy, là Viên Thành Thật. Trong A Lại Da Thức của chúng ta chứa đủ chủng tử mê và ngộ.

 

Tóm lại, thuyết A Lại Da Duyên Khởi đứng về mặt diệu hữu mà thuyết minh Như Lai Tạng. Thể tướng A Lại Da nầy làm nhân duyên cho nhau sanh khởi vô cùng; trong vô thường ẩn lý chân thường, trong sanh diệt ẩn lý phi sanh diệt, mê cùng ngộ chỉ bởi nơi người mà thôi. Cho nên lời văn trong bài tựa Kinh Lăng Già nói, “Tâm không rời thức, hằng niết bàn nơi sự diệt sanh; thức chẳng lìa tâm, uổng sống chất trong vòng thường trụ” là chỉ cho ý nghĩa nầy vậy.

 

Theo truyền thống thì Tạng Luận bắt đầu được hình thành từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế và Ma Ha Ca Diếp đã lập lại trước khi kết thúc Đại Hội kết tập Đạo Pháp lần thứ nhất, thế nhưng nếu căn cứ vào văn phong, và các cách lập luận thì Tạng Luận chỉ có thể được trước tác rất muộn về sau này mà thôi. Điều này thật hiển nhiên và cũng đã được chứng minh trên thực tế: các bài bình giải trong Tạng Luận là do nhiều vị đại sư trước tác, và các Tạng Luận do các học phái khác nhau đưa ra cũng không hoàn toàn thống nhất.  Đây là chuyện lịch sử, điều may mắn cho chúng sinh là nhờ tiền nhân đã cố sức duy trì, nhờ vào văn minh của khoa học hiện đại và nhất là nhờ internet với sự đóng góp tích cực của nhân loại trên thế giới mà chúng ta có được những tài liệu Phật Pháp quý giá để tham khảo, học hỏi, và tư nghị nhưng dù có học từ nhiều kiếp cũng không học hết nỗi.

 

Trong Đạo của Vật Lý của Fritjof Capra, Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách viết trong phần Lời Người Dịch: Đặc trưng của nền vật lý hiện đại trong thế kỷ 20th là sự tìm kiếm nguồn gốc khởi thủy của vật chất, cố tìm ra những "hạt cơ bản" cuối cùng tạo nên nguyên tử. Thế nhưng, khi đến cánh cửa cuối cùng mở ra để thấy bộ mặt thật của vật chất, nhà vật lý phát hiện vật chất hình như không phải do những hạt cứng chắc tạo thành nữa, mà nó chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác. Vì thế mà vật chất mang những tính chất hầu như đối nghịch nhau, nó vừa liên tục vừa phi liên tục, vừa hữu hiện vừa phi hữu hiện, dạng xuất hiện của nó tùy theo cách quan sát của con người.  Những tính chất lạ lùng đó đưa ngành vật lý vào thẳng cửa ngõ của triết học: nền vật lý hiện đại vừa thống nhất và lý giải nhiều khái niệm cơ bản của triết học, vừa đề ra những câu hỏi lớn của loài người mà các nhà đạo học từ xưa tổng kết. Và kỳ lạ thay, những phát hiện hiện nay của nền vật lý hiện đại không khác bao nhiêu so với những kết luận của các thánh nhân ngày xưa. (Cuốn sách là bản dịch Việt Ngữ của "The Tao of Physics" [Đạo của vật lý] của tác giả Fritjof Capra, bản in lần thứ ba, do Flamingo xuất bản năm 1982, dịch giả Nguyễn Tường Bách.)

 

Trong Thế Giới Quan Phật Giáo, Cư Sĩ Truyền Bình diễn tả rất trung thực, “Phật giáo thật ra không có thế giới quan, bởi vì đã nói thế giới là không có thật, chỉ là do chúng sinh vọng tưởng, thì làm gì có thế giới quan. Vậy nói thế giới quan là nói theo vọng tưởng của chúng sinh, mục đích là để phá chấp thật chứ không phải để mô tả chân lý. Nói “thế giới quan Phật giáo” tức là đã nói không hoàn toàn đúng sự thật, không đúng thực tướng của vấn đề, vì “động niệm tức quai” (动念即乖 có động niệm, tức khởi lên ý tưởng thì không còn đúng với thực tế nữa.)  Cũng giống như Phật Giáo thường nói : phàm cái gì có thể dùng lời nói, ngôn ngữ để diễn tả thì đều không có nghĩa thật.”

 

Tính chất và sự hiện hữu của tất cả vật thể trong vũ trụ xuất phát từ những phản ứng (reactions) và mối tương quan của nhân duyên mà ra. Tự nó không có gì cả, từ không ra có rồi từ có trở về không.  Cho nên, nếu chúng ta hiểu rõ thực tại: Nhân lẫn Pháp đều như huyễn, vô tự tánh, vô sắc tướng thì không còn bị quay cuồng mê chấp theo xum la vạn tượng.  Lúc đó, tâm thức sẽ bình yên, an tịnh; phiền não sẽ được tiêu diệt đưa đến giải thoát khỏi khổ đau; rồi từ đó lần lần sẽ sanh ra giác ngộ.  Vậy thực tại từ mê đến ngộ thực ra rất đơn giản chỉ là sự thay đổi quan niệm của tâm ý thức.

 

Do đó, mục đích đầu tiên trong truyền thống Phật Giáo là điều chỉnh lại đầu óc cho đúng với mục đích thực tại, bằng cách thiền quán và tĩnh lặng. Từ Sanskrit của thiền quán là Samadhi, có nghĩa sự thăng bằng tâm linh. Nó nói đến trạng thái, trong đó con người chứng thực được sự nhất thể với vũ trụ: Khi giác ngộ và hội nhập cái biết và thấy của Phật (Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật tri kiến,) thể nhập được tâm thanh tịnh thì Bồ Tát chứng được tâm bất nhị của Pháp Giới và chữ Không của vũ trụ, đạt ngộ tri kiến Phật viên mãn.

 

Thực tại là một rừng 84000 kinh điển và sách vỡ thảo luận của khoa học hiện đại, tóm lại họ đã nhất trí về những gì Phật Giáo đã định nghĩa từ ngàn xưa đó là: Vô thường (impermanent,) thay đổi (uncertainty,) vô sở (non-locality,) vô trụ (no-space,) tính linh (virtual intelligent,)...với những lối giải thích logic khoa học, dể hiểu và thích hợp hơn cho kiến thức và suy tư của chúng ta bây giờ.

 

Dễ hiểu, thích hợp hơn chứ chưa chắc là đúng với thực tại, theo tôi dùng kiến thức tích lũy dựa trên dụng cụ đo lường của ngũ uẩn để khám phá thực tại và dùng ngôn ngữ diễn tả thực tại là đã sai rồi.  Càng nói càng sai, càng sai càng viết, càng viết càng sai.  Dĩ nhiên, độc giả và những khán thính giả càng nghe, càng đọc, càng thấy, càng không biết thực tại là cái quái gì nữa vì nó cứ ‘sai trang, chạy quàng.’

 

Vì bản thể là một thực tại tuyệt đối, nên thực tại tuyệt đối luôn luôn là bất khả thuyết, nhưng ngay bản chất giới hạn của ngôn ngữ biểu tượng cũng là bất khả thuyết, cho nên có một sự tương ứng giữa tiến trình biểu tượng và tiến trình bản thể thực tại, chúng không những không đánh mất tinh thể của ngôn ngữ, mà còn mang lại cho ngôn ngữ một giá trị như là một con đường đi đến tuyệt đối của bản thể qua giả danh.  Có nghĩa là nói nghĩa như vậy chứ không phải nghĩa như vậy.  Nghe như vậy chứ không phải âm thanh như vậy.  Thấy như vậy chứ không phải giống như vậy.  Như vậy, cho nên thấy như vậy dường như thực tại là như vậy!  Đó là như thị tri kiến thực tại.

 

Cho nên, theo tôi, thực tại là không phải con khỉ khô gì cả; Con khỉ khô gì cả không phải là thực tại.  Đó là thực tại!

7.   Tiểu Bộ Kinh, Bāhiya Sutta

 

Nên biết, được nghe Đức Phật đích thân thuyết pháp là một nhân duyên hy hữu, một công đức vô lượng, và may mắn hãn hữu trong đời.  Những lời chúng ta nghe kể lại ở đây hay được thuyết pháp từ những người kém trí tuệ và đạo đức cho dù có lập lại chính xác từng lời từng chữ từ kim khẫu của Đức Thế Tôn vẫn không có đủ hấp lực, mãnh lực và công lực sư tử hống để giác ngộ nổi cho người nghe.  Tuy nhiên, khi đọc, nghe được những lời vàng ngọc của Đức Thế Tôn dù qua bất cứ một phương tiện nào cũng như là những hạt nhân giác ngộ được cấy vào trong ý thức của chúng ta chờ nhân duyên chín muồi để đơm hoa kết quả Phật tánh.  Qua kinh nghiệm riêng tư, một là dừng lại ở đây đừng đọc tiếp nữa hay nếu vẫn còn bản tính hiếu kỳ đọc tiếp thì những triết lý Phật Đà này nó sẽ thấm nhuần vào tâm thức của quý vị không dễ dàng gọt rửa vì khi mà trí tuệ đã mở mang rồi thì khó mà trở lại vô minh.  Nếu không muốn đánh mất bóng tối vô minh thì đừng tìm đến gần ánh sáng quang minh của trí tuệ.  Nếu không muốn ‘diệt’ tham sân si thì đừng đi tìm vô ngã.  Nếu không muốn an tâm kiến tánh thì đừng đi tìm giác ngộ giải, thoát luân hồi khổ đau.  Không muốn biết nhân sinh quan, và vũ trụ quan thì đừng học hỏi kiến thức từ khoa học, và khai mở trí tuệ từ Phật Pháp.  Nếu không muốn biết Không thì đừng đi tìm Có.  Nếu không muốn biết bất nhị thì đừng tìm hiểu nhị nguyên.  Nếu không muốn vô thường thì đừng đi tìm hữu thường.  Nếu không muốn tri kiến Phật thì đừng tu học Phật.  Còn nếu vẫn cố chấp tìm hiểu thì sẽ bị qua bờ bên kia lúc nào không hay biết.  Mà khi đã qua bờ bên kia rồi thì không thể trở lại bờ bên kia vì không có bờ bên kia để trở lại.

 

Một trong những tiêu biểu tuyệt vời là bài kinh trong Tiểu Bộ Kinh, Bāhiya Sutta:  Lúc ấy, đức Phật rời khỏi tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) đi trì bình khất thực tại Xá Vệ (Sāvatthi) thì có một vị Bà La Môn đã già, tên là Bāhiya Dāraciriva, đi tìm kiếm Đức Thế Tôn để hỏi pháp.  Khi ấy, đức Phật đang ôm bát đi vào giữa các xóm nhà thì Bāhiya Dāraciriva đến gần bên, cúi đầu xuống chân ngài cầu pháp.

 

 

Figure 8 Đức Phật và Bāhiya

 

Đức Phật đã từ chối lần thứ hai, lần thứ ba, viện cớ đang trì bình khất thực nhưng sau đó, ngài đã thuyết ngắn gọn tinh yếu của giáo lý thoát khổ như sau:

 

“Vậy này Bāhiya! Ông cần phải học tập như sau: Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri.

 

Như vậy, này Bāhiya! Nếu trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri – thì không có ông ở trong ấy, ông không là chỗ ấy.  Do vậy, này Bāhiya! Ông không là đời này, ông không là đời sau, ông không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.”  Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bāhiya Dāruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.  

 

Dĩ nhiên, sau khi thuyết pháp cho Bāhiya, Đức Phật bướt đi vài bướt và ngài đã bảo các đệ tử của mình chuẩn bị trỡ lại để an táng cho Dāruciriya vì ông ta ngay sau khi được nghe Pháp mà giác ngộ thì bị một con bò điên húc chết.  Đức Thế Tôn đã biết trước là Dāruciriya phải bướt qua cửa tử để thoát ra ngoài vòng luân hồi.  Cho nên khi ông ta ra đường gặp Phật cầu Pháp, Đức Thế Tôn từ chối 3 lần cho đến khi ông ta cầu khẩn vì đời vô thường, sống chết khôn lường không biết mình lẫn Phật có còn sống đến ngày mai để được nghe pháp lẫn truyền pháp cho nên nhất tâm phải cầu Pháp ngay lúc gặp Phật.

 

Cái chết của Dāruciriya đúng với linh tính lẫn ý nguyện của ông ta khi cầu khẩn 3 lần xin Phật cho Pháp vì sợ rằng cả Phật lẫn ông ta có thể tịch diệt không biết lúc nào để có dịp khác được cho pháp và nhận pháp.  Có thể Dāruciriya đã tới số hay đôi khi ra ngõ gặp Phật cũng không phải hoàn toàn may mắn, được phúc thọ như chúng ta mong ước?

 

Tôi xin mạo muội vọng ngôn diễn giải thêm, Đức Phật còn có ẩn ý: ‘trong cái thọ mạng tưởng, sẽ chỉ là cái thọ mạng tưởng’ thì khi ông bị bò ‘bạng’ không có ông sở trong ấy, ông không trụ chỗ ấy.  Ông không chết đời này, ông không chết đời sau, ông không chết đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau sau khi bị bò điên ‘chẹt’ chết.  Con bò vì điên ‘trong cái thọ húc tưởng, sẻ chỉ là cái thọ húc’ vì khi nó húc không có nó ở trong ấy, nó không là chỗ ấy.  Nó không húc chết ai đời này, nó không húc chết ai đời sau, nó không húc chết ai chặng giữa.  Nó chỉ là phương tiện như con bè đưa ông ta qua bờ tử, tới bến giải thoát, đoạn tận khổ đau. Không có người bị húc, kẻ húc; không có kẻ giết, người bị giết.  Nó không còn có tính chất nội tại nữa, mà có thể thay đổi bởi tương giác giữa chủ thể và vật thể. Tất cả chẳng qua cũng vì nghiệp quả và nhân duyên, đến đi, xãy ra như thị tri kiến vậy thôi.  Ngược lại, ông không sống đời này, ông không sống đời sau, ông không sống đời chặng giữa cho nên những điều trên trong cái thọ mạng tưởng, sẽ không có cái thọ mạng tưởng vì ông không bị bò ‘bạng’ không có ông sở sống trong ấy, ông không sống trụ chỗ ấy. 

 

Nói theo lập trường Đệ Nhất Nghĩa Đế của Bồ Tát Long Thụ thì: chủ quan, khách quan, quan hệ, nhận thức, tất cả đều chỉ là “không” mà thôi.  Lập trường của chính Long Thụ quyết không nhất định ở thuyết không. Chính cái không cũng là không rồi, vậy thì lại trở về cái thế giới vũ trụ giả danh (Prajnapti) để diệu hữu hóa nó.  Trong Trung Luận đã có một bài tụng nói rõ ý ấy, “Các pháp do nhân duyên sinh, tôi nói: đó là không, cũng gọi là giả danh, mà cũng là nghĩa “Trung Đạo.” Nghĩa là giữa khoảng KHÔNG và HỮU triển khai một thế giới thực tướng Trung Đạo. (Chương Ba, Đại Thừa Phật Giáo Đến Thời Đại Long Thụ - Tiết Thứ 3: Phật Giáo Quan Và Long Thụ, Thích Quảng Độ)

 

Một bài tụng trong Trung Luận để thuyết minh cái “không đi” trong thuyết Bát Bất ở trên:

 

“Đi rồi, không có đi. Chưa đi, cũng không có cái đi. Ngoài cái đi rồi và chưa đi. Thì khi đi cũng không có cái đi!”

 

Tôi xin phóng tác lại để cho hợp với chủ đề trên:

 

“Chết rồi, không có Chết. Chưa Chết, cũng không có cái Chết. Ngoài cái Chết rồi và chưa Chết. Thì khi Chết cũng không có cái Chết!”

 

“Sống rồi, không có Sống. Chưa Sống, cũng không có cái Sống. Ngoài cái Sống rồi và chưa Sống. Thì khi Sống cũng không có cái Sống!”

 

“Đau khổ rồi, không có Khổ đau nữa. Còn chưa Đau khổ, không có biết Khổ đau. Ngoài cái Đau khổ rồi và chưa Khổ đau thì khi Đau khổ cũng như chưa Khổ đau vậy!”

 

Không có bản ngã của người, ta và vật ở trong ấy, không có vật thể lẫn chủ thể, khi một cảm thọ đau khổ thì chỉ là một cảm thọ đau khổ chứ không có cái gọi là “tôi đau khổ” ở trong đó.  Nếu có người hỏi tôi:  Anh có đau khổ không?  Tôi sẽ trả lời: Cơ thể ngũ uẩn của tôi cảm thấy khổ đau. Thay vì trả lời:  Tôi ‘có’ (to have) đau khổ.  Tương tự: Are you suffering?  My body is.  Trong phim Ma Trận (Matrix,) Hollywood và người Mỹ đã biết nguyên lý này từ lâu.  Cho nên, trong thời đại văn minh điện tử này không còn nhiều cách biệt giữa ý tưởng của Đông lẫn Tây.  Không còn phân biệt Đông Tây Nam Bắc trên quan niệm sống như hồi xưa nữa.

Trở lại vấn đề trên, nếu trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái tri thức, sẽ chỉ là cái thức tri – thì không có Ta (Ngã) ở trong ấy, Ta không là chỗ ấy.  Không có bản ngã của Ta ở trong ấy, ví dụ khi một cảm thọ đau thì chỉ là một cảm thọ đau chứ không có cái gọi là “tôi đau” ở trong đó. Do vậy, này Ngã! Ta không là đời này, Ta không là đời sau, Ta không là đời chặng giữa của đời này và đời sau, lẫn đời này và đời trước.

Giống như dòng tâm thức không đến không đi trong Phật Giáo, thuyết tương đối nói rằng sự trôi của thời gian, với một quá khứ đã qua và một tương lai còn chưa tới, chỉ là ảo giác, vì tương lai, quá khứ và hiện tại tất cả phụ thuộc vào chuyển động tương đối của ý thức. Thời gian không trôi, nó đơn giản chỉ tồn tại, cô đọng, và cuộn lại ở đó mà thôi.

Giác ngộ được thực tại như vậy thì sẽ đoạn tận khổ đau. Vậy này Ngã! Ta cần phải học tập như sau: Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái xúc giác, sẽ chỉ là cái xúc giác. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri.

 

Không có bản ngã thực tại của Ta ở trong ấy để mà Tôi thấy, Tôi nghe, Tôi thọ, Tôi xúc, Tôi thức mà nhục thể của Tôi tưởng như là Tôi thấy thực, tưởng như là Tôi nghe thực, tưởng như là Tôi thọ thực, tưởng như là Tôi xúc thực, tưởng như là Tôi thức thực.

 

Dùng Tứ Đoạn Luận: Tất cả đều thật tại; không thật tại; cả hai thật tại và cả không thật tại; không phải không thật tại cũng không phải thật tại.

 

Câu luận giải dưới đây nêu lên bản chất của một hiện tượng bằng cách dựa vào phép tứ đoạn luận đã nói lên một sự quán thấy không nhất thiết biệt đãi hay thiên vị sở trụ vào một nơi chốn nào cả (Trung Quán) - tức là vượt lên trên cả hai vị thế đối nghịch nhị nguyên.  Trung Quán Luận Tụng của Long Thụ khá khúc chiết và cô đọng, không phải dễ hiểu và nhất là dịch thuật ra những ngôn ngữ khác.

 

Trong Tập Trung Quán Luận Tụng (Madhyamaka-karikas) là tập luận giải chủ yếu và độc đáo nhất của Long Thụ. Trong tập luận này, có một câu (tiết 15.8) có thể xem là tiêu biểu nhất phản ảnh học thuyết Trung Quán được Học Giả và Triết Gia Phật Giáo Guy Bugault dịch:

 

"Tout est bien comme il semble, rien comme il semble. À la fois comme il semble et non comme il semble. Ni l'un ni l'autre. Tel est l'enseignement progressif (anuśāsana) des Bouddha." (Stances du Milieu par excellence, Guy Bugault, Gallimard, Paris, 2002)

 

Tôi liều lĩnh dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Huế: Tất cả là tốt giống như rứa, không phải giống như rứa.  Có lần giống như rứa và không giống như rứa. Không phải như ri cũng không phải như rứa.  Đó là thuyết tuần tự nhi tiến của Phật.

 

Câu tiết 15.8 trên của Tập Trung Quán Luận Tụng được Guy Bugault dịch sang tiếng Pháp khá văn chương và triết lý tuy nhiên câu dịch dưới đây của Thiền Sư và Triết Gia Phật Giáo Stephen Batchelor dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Anh đơn giản và dễ hiểu hơn:

 

"Everything is real, not real; both real and not real; neither not real nor real: this is the teaching of the Buddha." (Verses from the Center, Stephen Batchelor, Sarpham College, 2000)

 

Tôi xin dịch sát nghĩa như sau: Tất cả đều thật; không thật; cả hai thật và cả không thật; không phải không thật cũng không phải thật:  đây là lối dạy của Phật.

 

Hay, tất cả đều thật; đều láo; cả hai thật và láo cả hai; không phải láo cũng không phải thật:  đây là lối dạy kỳ cục của Phật.

 

Mong những lời diễn giải từ những bài thuyết pháp đơn giản của Đức Phật và luận lý tư nghị của Luận Sư Long Thụ trên đây làm cho tâm của Ta được giác ngộ, giải thoát khỏi các lậu hoặc và không có chấp thủ nữa.

 

Đại để như thuyết thực tại (realism,) thuyết thật tướng là một lối lý luận nói rõ thực thể của vũ trụ.  Thực tại thuộc về trực quan tính và tâm linh giới, không thể dùng ngôn ngữ con người mà diễn tả thực tại được.  Phật Giáo gọi là bất khả tư nghì, không thể bàn luận.  Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng những tỷ dụ tương tợ để hình dung nó.

 

Trước mắt chúng ta, xưa nay các đối tượng trong vũ trụ vẫn hiện bày ngàn hình muôn trạng, xum la vạn tượng, vậy tại sao ngài Long Thọ dùng thuyết “bát bất:” bất sanh bất diệt, bất thường bất đoạn, bất nhất bất dị, bất lai bất khứ để phủ nhận vũ trụ vạn vật?

 

Bởi theo quan niệm của thế gian thì các pháp có sanh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có lại, có đi; quan niệm nầy thuộc về lối mê chấp, vô minh, sở trụ trên giả tướng.   Để phá quan niệm ấy và chỉ rõ Thật Tướng Trung Đạo, ngài Long Thọ dùng tám thứ không là: không sanh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không lại, không đi. Thế thì sự phủ nhận trên, chỉ có tính cách bác phá quan niệm chấp tướng, chớ không phải thật phủ nhận các tướng, bởi hằng sa muôn pháp là diệu thể bồ đề.  Đây là lối dùng Không môn đi vào Thật Tướng.

 

Trung Quán Luận nói:

 

Các pháp nhân duyên sanh

Ta nói tức là không

Đó chính là Giả Danh

Cũng là nghĩa Trung Đạo.

 

Bài kệ nầy thuyết minh: bởi các pháp do nhân duyên sanh ra, nên nó là không, giả, và chính là Trung Đạo Thật tướng. Để hiểu nghĩa nầy rõ ràng hơn, ta hãy quay sang phân tích kỷ càng về đạo lý “Bát bất.”

 

Trong Sự Phát Triển Của Đại Thừa, Tiết II Chư Pháp Thật Tướng Luận: Các pháp đã do nhân duyên hòa hợp mà sanh, nên chỉ là giả huyễn chớ không phải thật có; nếu quả thật có, tất ưng không đợi nhân duyên mới sanh. Vì nghĩa không phải thật sanh, nên gọi là “bất sanh.” Khi thế lực nhân duyên suy tàn, tất cả các pháp phải diệt; nhưng trước kia đã không sanh, thì nay đâu thật có diệt, vì thế nên gọi là “bất diệt.” Các pháp do nhân duyên mà có sanh trưởng đổi thay nên gọi là “bất thường.” Vạn hữu trước có sau không gọi là đoạn, nay đã không thật có, nên cũng chẳng có chi là đoạn. Đây là nghĩa “bất đoạn.” Các pháp sanh khởi trước sau chẳng giống nhau, như mộng với thực không phải là một, đó là nghĩa “bất nhất.” Nhưng nếu quả mộng với thực không phải là một, thì mộng không ưng sanh thực, mà phải sanh cái khác; nay vẫn thấy sanh thực, nên gọi là “bất dị.” Vạn hữu đã như huyễn, thì sự đến đi dường như trong mộng không có thiết thật, nên gọi là “bất lai, bất khứ.”

 

Đại Trí Độ Luận nói, “Trong Phật Pháp có nhị đế, là thế đế và đệ nhất nghĩa đế. Vì thế đế nên Như Lai nói có chúng sanh, vì đệ nhất nghĩa đế nên lại bảo chúng sanh không thật có.” Trung Quán Luận cũng nói, “Chư Phật y theo nhị đế mà thuyết pháp cho chúng sanh, đó là thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế. Nếu người nào không biết mà phân biệt nhị đế, tất không thể hiểu nghĩa chân thật của đạo pháp nhiệm mầu.” Căn cứ hai đoạn trên, ta thấy thế đế hay đệ nhất nghĩa đế đều là pháp giả lập để đối trị bệnh mê muội của chúng sanh, nếu chấp một trong hai phương diện thì không làm sao hiểu được Phật Pháp. Như thân thể của chúng ta là do nghiệp quả cùng ngũ uẩn lẫn nhân duyên hợp thành, nếu bảo đó là thật có hay thật không, đều là quan niệm trên mê chấp. Cho nên chư Phật không rời các pháp mà nói thật tướng, không động thật tướng mà lập các pháp. Vì thế, nhị đế tuy hai mà chẳng phải hai, chỉ vì phàm phu lầm diệu hữu là vọng hữu, Nhị thừa mê chân không làm thiên không, nên mới dùng phương tiện để đối trị vậy thôi.

 

Như trên, hai đạo lý bát bất và nhị đế là tư tưởng căn bản của Chư Pháp Thật Tướng Luận. Thật tướng nầy, như trước đã nói, chỉ cùng thí dụ tương tợ để ngộ nhập, tuyệt không thể dùng lời nói cùng ngôn ngữ văn tự miêu tả được. Cho nên, Duy Thức Tông gọi là “Phế thuyên đàm chỉ;” Tam Luận Tông gọi là “Ngôn vong lự tuyệt;” Thiên Thai Tông gọi là “Bách phi câu khiển, tứ cú giai ly;” Thiền Tông gọi là “ Bất lập văn tự;” Hoa Nghiêm Tông gọi là “Quả phần bất khả thuyết;” Chân Ngôn Tông gọi là “Xuất quá ngôn ngữ đạo;” Tịnh Độ Tông gọi là “Bất khả xưng, bất khả thuyết, bất khả tư nghị.” Đó là, Thật Tướng của Vô Tướng. 

 

Trong Sự Phát Triển Của Đại Thừa, Tiết III Các Luận Sư Thuộc Hệ Thống Thật Tướng Luận: Cuối thế kỷ thứ V, cũng ở Nam Ấn, có Luận Sư Thanh Biện (Bhàvaviveka – Tình Biện,) tạo ra bộ Chưởng Trân Luận và Bát Nhã Đăng Luận.  Luận sư cố dung hòa Không Thuyết của Long Thọ với Duy Thức Học, và đề xướng tục đế là pháp nhân duyên thể không, Chân Đế là pháp tánh thường trú.  Thế là thuyết Vô Tướng Giai Không của Bồ Tát Long Thọ đến giai đoạn nầy đã có hơi chuyển biến.  Đối với thuyết Y Tha Khởi của Duy Thức thuộc Hữu Tông, luận sư giải thích là nhân duyên không pháp.  Lý luận nầy đã gây thành cuộc tranh biện rất hấp dẫn, bất phân thắng bại của hai Tông Không và Hữu Tông.

Figure 9 Một di tích của Phật Giáo

 

Theo tôi, ngũ uẩn (thấy, nghe, thọ, xúc, thức) được dùng trong phạm vi hạn hẹp của nhân chủng và sinh học chứ không thể áp dụng hoàn toàn và hữu hiệu cho vạn vật, súc vật và nhất là vũ trụ học.  Khi muốn học hỏi, nghiên cứu vũ trụ và vạn vật, thay vì dùng ngũ uẩn để so sánh và phân tích, tốt hơn là nên đơn giản hóa ra hai loại đó là Danh và Sắc cho dễ hiểu.  Sắc (vật chất, nhục thể, form, matter) là sắc thân vật lý, và Danh (linh hồn, tâm lý, psyche, mind, consciousness, awareness) được gọi chung là của phần tâm và tâm sở gồm có thọ, tưởng, hành và thức.  Khi nói đến vũ trụ và vạn vật thì không có cái ngã, cái tôi vị kỷ ngay cả nhân loại cũng quá nhỏ bé để có thể tìm thấy dễ dàng trong vũ trụ vô biên, để mà đáng tư nghị.

Các nhà vật lý nguyên tử hiện đại cũng rất kinh ngạc và thán phục về khả năng trí tuệ của tri kiến Phật thấy được hạt nhân mà Đức Phật đã nói trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, "Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc."  Đoạn kinh này đã được nhà bác học Niels Bohr (1885-1962, giải Nobel vật lý) làm sáng tỏ vì ánh sáng không là Hạt (particle) và cũng chẳng là Sóng (wave) mà nó vừa là Hạt vừa là Sóng, cả hai thứ bổ túc cho nhau, nó vừa Có vừa Không, vô sở vô trụ.

Tuy nhiên, muốn thấy rõ (tuệ,) biết rõ (tri) cái ngũ uẩn/danh-sắc này như thế nào thì ta phải trì hiểu chính xác và rốt ráo ngữ nghĩa của câu ‘Chiếu kiến ngũ uẩn giai không’ trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.  Vì khi soi chiếu thâm sâu và thấy thâm diệu được 5 uẩn nầy đều là không thì sẽ ‘độ nhất thiết khổ ách,’ chấm dứt tất cả mọi khổ ách cho chúng sinh, nhất là con người.

 

Tương tự như Bāhiya Sutta trên, trong chủ đề Ngũ Uẩn Giai Không, Minh Đức Triều Tâm Ảnh viết: “Từ bài kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Quán-Tự-Tại Bồ-Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Bài Bát Nhã Tâm Kinh quan trọng nhất là ở đoạn kinh văn ấy; còn phần còn lại chỉ là sự phủ định triệt để của tánh không, phá bỏ mọi chế định ước lệ của các phạm trù khái niệm.  Đầu tiên là Quán Tự Tại Bồ Tát mà ai cũng hiểu là Bồ Tát Quán Tự Tại (tên gọi khác của Bồ Tát Quán Thế Âm,) nhưng tôi và vài học giả lại hiểu khác.  Bồ Tát, chữ Nam phạn là Bodhisatta; satta là hữu tình, là chúng sanh; bodhi là giác hay trí tuệ.  Vậy có thể có hai nghĩa, một, chúng sanh có trí tuệ, hai, là hữu tình giác! Nếu dịch là giác hữu tình lại mang nghĩa khác, là giác ngộ cho chúng sanh.  Quán là nhìn ngắm, soi chiếu, quán chiếu. Tự tại là ở ngay bây giờ đây, thân tâm của mình đây. Vậy, nghĩa cả nhóm từ “Quán tự tại bồ tát” có nghĩa là: Chúng sanh có trí tuệ, soi chiếu trọn vẹn thân tâm của mình ngay bây giờ đây.”   

 

Đây là điểm rất đặc thù giữa Phật Giáo và các tôn giáo khác.  Đạo Phật đòi hỏi ta phải nghi, thấy, hiểu, biết trước khi thực hành quán tự tại.  Ngược lại các tôn giáo khác bắt buộc phải tin tưởng, nghe theo và cấm nghi ngờ trước rồi sẽ thấy, hiểu và biết sau.  Mà ‘thấy, hiểu, biết’ trước hay sau cái gì?  Theo Phật Giáo, điều kiện tiên quyết để có thể ‘chiếu kiến ngũ uẩn giai không’ là giác ngộ, hết vô minh, chứ không thể tin tưởng mù quáng vào kinh điển mà kiến được.  Cho dù có tin, đọc và tụng câu ‘chiếu kiến ngũ uẩn giai không,’ cả ngàn lần cũng không thể nào ‘thấy, hiểu và biết sau’ được.  Điều này cho biết dù khoa học trong tương lai có thể cho chúng ta thấy được ‘chiếu kiến ngũ uẩn giai không’ thì chúng ta cũng không thể ‘độ nhất thiết khổ ách’ được.  Đức Thế Tôn dạy chúng ta 84000 pháp môn giải thoát vấn nạn này rồi, không có con đường tắt nào ngắn hơn nữa.

 

Quán Tự Tại Bồ Tát là Quán Thế Âm Bồ Tát và cũng là Tự Tánh, hay Bản Lai Diện Mục sẵn có của chúng ta.  Tự Tánh tức là Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát tức là tự quán Tâm Phật Bất Sinh, kiến lại chính mặt mũi nguyên ủy, Bản Lai Diện Mục, Phật Tánh của mình. Đơn giản, Bồ Tát là chúng sinh; chúng sanh là Bồ Tát!

 

Tương tự, A Di Đà không phải là ai xa lạ, chính là bản tâm của mỗi người.  Danh từ phiên âm A Di Đà (zh. 阿彌陀) có gốc từ hai chữ trong tiếng Phạn là amitābha và amitāyus.  Amitābha dịch nghĩa là vô lượng quang – ánh sáng vô lượng, amitāyus có nghĩa là vô lượng thọ – thọ mệnh vô lượng.  Cũng như các chư Phật và những Bồ Tát khác, A Di Đà được thế gian hình tượng hóa thành vị Phật của thế giới Tây Phương Cực Lạc, nơi chỉ có vui mà không có khổ.  A Di Đà chính là bản Tâm, bản Tâm chính là A Di Đà.  Tâm là Phật, Phật là Tâm!

 

 

Figure 10 Phật A Di Đà

 

Một vị Phật và mỗi vị Bồ Tát được những học giả tiền nhân hệ thống hóa rất khoa học như là những toa thuốc, những tên thuốc, vị thuốc với 84,000 phương cách trị liệu để chữa trị tâm bệnh của mỗi cá nhân, tùy lúc tùy thời, tùy nơi tùy chốn, tùy duyên tùy phận để mà bắt mạch, kê thuốc và dạy cách dùng thuốc.

 

Khảo sát tiếp theo là ‘hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa,’ trong Ngũ Uẩn Giai Không, Minh Đức Triều Tâm Ảnh viết: "Hành là thực hành, còn chữ thâm, nguyên văn chữ phạn là gaṃbhirā có nghĩa là sâu thẳm, sâu xa; vậy gaṃbhirā paññāpāramitā (pāḷi) là thực hành trí tuệ sâu mầu của bờ kia.  Vậy cả đoạn, như sau: Chúng sanh có trí tuệ, quán chiếu thân tâm ngay bây giờ đây, lúc sử dụng trí tuệ Phật sâu mầu của bờ kia, soi thấy năm uẩn đều là không nên chấm dứt (vượt qua) tất thảy mọi khổ ách.  Đến đây, vấn đề tụ lại nơi ‘năm uẩn đều là không.’"

 

Hành thâm (Gaṃbhirā, Hindi word गंभीर) có nhiều người dịch là thực hành thâm sâu (depth.) Ý tuy gần đúng như vậy nhưng không phải hoàn toàn đúng ý như vậy.  Theo tôi, cái mấu chốt là biết sử dụng và thực hành viên diệu trí tuệ Phật đầy thâm sâu nhiệm mầu của bờ kia mới kiến được cái bản lai diện mục của ‘ngũ uẩn giai không.’  Muốn chiếu kiến ngũ uẫn giai không thì phải giác ngộ, kiến tánh thành Phật và vượt qua bờ bên kia trước đã.  ‘GATE GATE PARA GATE PARASAM GATE BODHI SVAHA!’ "Going, going, going on beyond, always going on beyond, always becoming Buddha."  

 

Lúc đó sẽ “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh.” Hoa khai kiến Phật tức là Minh Tâm Kiến Tánh và Ngộ Vô Sanh nghĩa là không còn sinh không còn diệt tức là chứng được Vô Sanh pháp nhẫn.  Đó mới chính là mục đích của trước mong thành Phật, sau cứu độ chúng sinh!

 

From Wikipedia, the free encyclopedia, In Mahayana Buddhism, bodhisattva is the Sanskrit term for a being with bodhi (enlightenment.)  A bodhisattva is anyone who, motivated by great compassion, has generated bodhicitta, which is a spontaneous wish to attain buddhahood for the benefit of all sentient beings. A bodhisattva is one of the four sublime states a human can achieve in life (the others being an arhat, buddha or pratyekabuddha.)

8.   Vũ Trụ vạn pháp trong lỗ chân lông

 

 

 

Theo quan điểm của nhiều tác giả thì tư tưởng Phật Giáo đã đạt đỉnh cao trong phái Hoa Nghiêm, tư tưởng đó đặt nền tảng trong kinh cùng tên.  Kinh này được xem là trung tâm của giáo lý Đại Thừa và được thiền sư, Giáo Sư Suzuki tán tụng bằng nhiều lời nhiệt thành sau đây: Tông Hoa Nghiêm thực sự là tổng kết tất cả tư tưởng Phật Giáo, cảm thọ Phật Giáo và chứng nghiệm Phật Giáo.  Theo Dr. Suzuki, chưa có kinh sách tôn giáo nào trên thế giới đạt gần được tính siêu việt về mặt chủ trương, chiều sâu của cảm thọ và trình bày trác tuyệt như bộ kinh này.  Nó là suối nguồn bất tận của mọi đời sống, không một đầu óc mở mang của bất tôn giáo nào khi đã tìm đến nó, về lại mà còn khao khát hay chỉ thỏa mãn một phần.

 

Trích lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm ở đầu mỗi cuốn trong bộ Kinh Hoa Nghiêm do Thích Trí Tịnh dịch, “Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh Đại Thừa, là vua trong các Kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện Pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.”

 

Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách chú thích: Tư tưởng Hoa Nghiêm quan niệm tất cả từ Một mà ra và mọi hiện tượng chẳng qua là dạng xuất hiện của cái Một đó. Đó là các hiện tượng của pháp giới, chúng xuất hiện đồng thời. Dạng tĩnh của thực tại là Không (Lý,) dạng động là Sự.  Lý và Sự tương tác qua lại mà sinh ra vạn vật.

 

Hoa Nghiêm Tông xem mọi sự trong thế gian được bao gồm vào bốn loại (Tứ pháp giới) và sáu dạng xuất hiện (Lục tướng.)  Tứ pháp giới: Sự pháp giới, Lý pháp giới, Lý sự vô ngại pháp giới, Sự sự vô ngại pháp giới. Lục tướng là sáu mối liên hệ giữa cái toàn thể và cái riêng biệt trên ba mặt Thể Tướng Dụng: tổng tướng, biệt tướng, đồng tướng, dị tướng, thành tướng, hoại tướng.

 

Theo Wikipedia, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (zh. 大方廣佛華嚴經, sa. buddhāvataṃsaka-mahāvaipulyasūtra, ja. daihō kōbutsu kegonkyō,) thường được gọi tắt là Kinh Hoa Nghiêm (sa. avataṃsakasūtra hoặc gaṇḍavyūha) là một bộ Kinh Đại Thừa, lập giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm Tông.  Kinh nhấn mạnh đến tính "vô ngại" của mọi hiện tượng và chủ trương rằng tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật. Quan điểm này của Đại Thừa hay được Thiền tông nhấn mạnh và vì thế, kinh này cũng thường được tông này nhắc đến.

 

Hòa Thượng Thích Đức Niệm viết tiếp, “Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với tâm là một, vạn vật đồng nhất thể....trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả."

 

Trong ‘Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử,’ Nguyên tác: The Universe in a Single Atom của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Dịch Việt: Làng Đậu Võ Quang Nhân, Lời Mở Đầu của Giáo Sư Tiến Sĩ. B. Alan Wallace viết tựa giới thiệu:  “Mặc dù được xem như là một tôn giáo, thì Phật Giáo vẫn là một trong các truyền thống tri kiến vĩ đại nhất của thế giới, được dựa trên cơ sở về trải nghiệm và lập luận hơn là việc tin tưởng không điều kiện vào thần quyền. Trong nhiều thế kỷ, đạo Phật đã đối thoại với các truyền thống khác ở châu Á như là Ấn Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo, đó là các truyền thống vốn có các luận điểm riêng về thực tại. Nhưng đến kỷ nguyên mới này, thì sự thống trị lại thuộc về khoa học hiện đại vốn là một hệ thống truy cứu và tri kiến về thế giới tự nhiên một cách có lập luận, cho nên nếu muốn duy trì vị thế sẵn có như là một truyền thống thực nghiệm và tập luận truy cứu nghiêm cẩn, thì Phật Giáo phải đối mặt với khoa học.

 

Đây chính là điều mà Đức Dalai Lama (Đạt Lai Lạt Ma) thực hiện qua tác phẩm Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử.  Trong khi quyển sách mở ra với lời tự thuật cá nhân về việc sớm chạm trán với khoa học, tức là việc Ngài tiến hành thảo luận về mối quan hệ giữa Phật Giáo với vật lý hiện đại cũng như là với vũ trụ học, sinh học, các khoa học về tư tưởng, và đạo đức, thì chúng ta tìm thấy được ở Ngài một tâm trí sáng chói trong công việc khi vật lộn với hầu hết các nan đề thúc bách mà loài người đang đối mặt ngày nay.”

 

Khoa học vật lý bây giờ đã thấy vũ trụ là một mạng lưới (web) với những liên quan vật chất và tâm linh (virtual intelligence) rối răm chằng chịt (entanglement, mess) mà các phần tử chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với cái toàn thể.  Thế giới vũ trụ quan này của vật lý nguyên tử được một Lạt MaTantra là Lama Anagarika Govinda tóm tắt rất hay như sau:

 

Người Phật tử không tin có sẵn một thế giới bên ngoài độc lập và hiện hữu tách biệt mà anh ta tự gắn mình vào những năng lực của thế giới đó.  Đối với anh ta, thế giới bên ngoài và thế giới bên trong chỉ là hai mặt của một mạng lưới duy nhất, trong đó những sợi chỉ của các năng lực, của các biến cố, của các dạng tâm thức, của các dạng vật thể, chúng được dệt chằng chịt thành một mạng lưới không sao gỡ nổi, gồm vô số những mối liên hệ tác động lẫn nhau.

 

Theo David Bohm:  Thuyết Tương Đối quan trọng hơn nữa, cơ học nguyên lượng [quantum mechanics] là một ngành của vật lý có đối tượng khảo sát là sự di chuyển của những lượng nhất định [quanta] của vật chất trong thế giới vi mô, thí dụ như điện tử hoặc các hạt nhỏ căn bản khác.  Cũng cần phải nói thêm là các hạt nhỏ này khi thì thể hiện dưới dạng vật chất riêng biệt.  Khi thì thể hiện dưới dạng sóng (wave) truyền liên tục.  Những hạt nhỏ này có cùng lúc hai tính chất, hạt (particle) và sóng đưa đến đề nghị rằng người ta không thể phân tích thế giới thành những phần riêng biệt và độc lập.  Hơn nữa mỗi phần có vẻ như bằng cách nào đó liên hệ tới mọi phần khác: chứa đựng lẫn nhau hoặc bao hàm nhau.  

 

Tác giả cuốn The Tao of Physics, Fritjof Capra viết: Thuyết nguyên lượng bắt buộc chúng ta phải quan niệm vũ trụ như là một mạng liên hệ phức tạp giữa các phần của một tổng thể chứ không phải là một tập hợp các vật thể riêng biệt. Mọi hạt nhỏ đều bao gồm các hạt khác một cách tự hợp, và theo nghĩa này, có thể nói chúng chứa đựng lẫn nhau. Trong thuyết này, điểm cần nhấn mạnh là sự tương tác (interaction) hay tương thông (interpenetration) của mọi hạt nhỏ.

 

Cố Giáo Sư Trần Chung Ngọc viết: “Nếu chúng ta quen thuộc với kinh điển Phật Giáo, nhất là Kinh Hoa Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy rằng những quan niệm của Bohm và Capra đã chậm mất hơn 25 thế kỷ.  Hơn nữa, Bohm và Capra chỉ thấy được tính tương thông trong thế giới các hạt vật chất nhỏ nhoi, một phạm vi vô cùng nhỏ của vật lý và vũ trụ, chứ chưa thấy được tính tương thông trong bốn Pháp Giới như trong Phật Giáo: tương thông trong thế giới các “nguyên lý” (Lý Vô Ngại Pháp Giới,) thế giới các “vật” (Sự Vô Ngại Pháp Giới,) và tương thông giữa các “nguyên lý và vật” (Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới) và “giữa các vật” (Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới.)  Trên đây tôi không có ý định so sánh một số quan niệm trong bộ môn vật lý hiện đại (modern physics) với một số quan niệm trong Phật Giáo mà một số tác giả Tây phương như Fritjof Capra, Gary Zukav, Michael Talbot v.v... đã cho là có sự tương đồng trong những tác phẩm Đạo Của Vật Lý (The Tao of Physics,) Điệu Vũ Của Các Thầy Vật-Lý (The Dancing of Wu-Li Masters,) và Huyền Nhiệm học và Vật-Lý Hiện Đại (Mysticism and the New Physics) của họ.  Tôi cũng không có ý định dùng khoa học để “chứng minh lời Kinh xưa” như một vị “Thích Tử” đã viết trước đây.  Tôi nghĩ rằng Kinh Phật chỉ có thể chứng nghiệm vào bản thân chứ không thể chứng minh cho người khác được. Chứng minh là tự buộc mình vào trong “trò chơi” của một số quy luật. Người ta có thể mượn khoa học để làm sáng tỏ trên một phương diện nào đó một số quan niệm trong Phật Giáo, nhưng cách hiểu thuần trí thức này nếu không dùng được thì quả là vô ích, vì trong Phật Giáo, hiểu có nghĩa là hội nhập giáo lý Phật Giáo trong đời sống hàng ngày.  Vì sự hiểu biết của tôi về Phật Giáo cũng như về Khoa Học đều rất giới hạn, nên tôi xin tự hạn trong chủ đề ‘Tính Chất Tương Đối Của Mọi Sự Vật Trong Phật Giáo và Trong Khoa Học.’ ”

 

Kinh Hoa Nghiêm là một trong những bộ kinh xuất sắc của các thiên tài tôn giáo Ấn Độ được các nhà luận sư Trung Hoa và Nhật phiên dịch và lý giải và kết quả là sự hiện diện của triết lý Hoa Nghiêm tại Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản, theo Suzuki là “đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo, tư  tưởng đã được phát triển tại miền Viễn Đông trong hai ngàn năm trở lại đây.”

 

Nội dung trung tâm của Hoa Nghiêm là sự nhất thể và mối quan hệ nội tại của mọi sự và mọi biến cố, một quan niệm không chỉ là cốt tuỷ của thế giới quan phương Đông mà còn là một trong những yếu tố chủ chốt của thế giới quan ngành vật lý hiện đại. Do đó người ta sẽ thấy Kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh tông giáo cổ này, cống hiến những mối tương đồng nổi bật nhất với các mô hình và lý thuyết của vật lý hiện đại.

 

Mẫu chuyện Thiền: Hạt cải chứa núi Tu Di.  Lý Bột là thứ sử tỉnh Giang Châu, triều nhà Đường bên Tàu. Có lần ông hỏi đạo với Thiền sư Trí Thường, rằng: Trong kinh Phật có nói : ‘Núi Tu-di chứa hạt cải, hay cải đựng núi Tu-di,’ con thấy câu kinh này khó hiểu và kỳ bí quá ! Hạt cải bé tí làm sao có thể chứa đựng được núi Tu Di to lớn thế kia? Đúng là nói quá, không hiểu được lẽ thường, phải chăng là lừa dối người đời?  

 

Thiền sư Trí Thường nghe hỏi vậy thì mỉm cười, từ tốn hỏi lại Lý Bột: Ta nghe người ta nói ông đọc hơn cả vạn quyển sách, việc ấy có thiệt không ?

Đương nhiên rồi ! Đương nhiên rồi ! Con đọc hơn cả vạn quyển sách ấy chứ - Lý Bột được một phen đắc ý.

Vậy chứ cả vạn quyển sách ông đọc bây giờ để ở đâu?

Lý Bột đưa tay chỉ vào đầu mình nói: Để trong này!

Thiền sư Trí Thường chậm rãi nói:

Kỳ lạ thật ! Ta xem cái đầu của ông chỉ lớn hơn trái dừa chút xíu thôi, vậy mà sao có thể chứa đựng được cả vạn quyển sách? Vậy có phải ông cũng lừa dối thiên hạ chăng?

Lý Bột nghe vậy, trong đầu như có tiếng nổ lớn, ngay đó ông hoát nhiên đại ngộ.

 

Tất cả các pháp, có khi được nói đến trên mặt hiện tượng (sự,) có khi được giải thích từ mặt bản thể (lý.)  Cần phải biết rằng, mọi việc trong vũ trụ nhân sinh, trong sự đều có lý, trong lý đều có sự.  Núi Tu Di mà chứa hạt cải, thì đó là sự; hạt cải mà chứa đựng núi Tu Di, đó là lý.  Những ai có khả năng thông hiểu rõ ràng lý – sự vô ngại, thì người đó hiểu rõ mọi pháp viên dung.  Nếu vũ trụ là ảo thì đặt vũ trụ trong một hạt vi phân tiềm nguyên tử (subatomic particle) có gì là hoang tưởng và khi hạt vi phân tiềm nguyên tử là ảo thì đặt hạt ảo và vũ trụ, đại dụng, trong bàn tay có gì là vọng ngôn, nói không thật? Tuy khoa học biết đo lường lượng tử nhưng tiếc rằng khoa học đã cố gắng cân đo vũ trụ nhưng chưa biết nguyên lý cân đo vũ trụ theo kiểu trí tuệ này thay vì khoa học dùng kiến thức toán học suy nghiệm kích thước và sức nặng của vũ trụ vĩ mô mà vẫn không đo lường chính xác được.

 

Thật vậy, một lỗ chân lông chứa cả vũ trụ đầy sum la vạn tượng của Pháp, tánh, căn nghiệp, thanh tịnh, ...Chúng ta hãy đọc đoạn sau đây trong Phẩm Nhập Pháp Giới, lời của nữ nhân Thích Ca Cù Ba giảng một pháp môn giải thoát cho Thiện Tài Đồng Tử:

 

"Này Thiện Nam Tử!.. Ta quán thân của Bồ Tát, nơi mỗi lỗ chân lông, mỗi niệm thấy vô lượng vô biên thế giới rộng lớn, những sự an trụ, trang nghiêm, hình trạng, những núi, đất, mây, danh hiệu, Phật xuất thế, những đạo tràng, chúng hội, diễn thuyết những khế kinh, những sự quán đãnh, các thừa, những phương tiện, những thanh tịnh.

 

Lại mỗi niệm nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thường thấy vô biên phật hải, những sự ngồi đạo tràng, những thần biến, thuyết pháp, thuyết kinh hằng không gián đoạn.

 

Lại nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thấy vô biên chúng sanh hải: những trụ xứ, hình mạo, tác nghiệp, căn tánh...."

 

Ngay cả Xá Lợi Phất, đệ tử đệ nhất thông thái của Phật, cũng chưa hiểu nổi lẫn ngộ tới chân lý ở dưới đây thì mong gì hiểu được cái chân lý tối thượng ở trên.

 

Sau khi cùng các sư huynh đệ tới nhà thăm bệnh Duy Ma Cật và nghe giảng kinh, Xá Lợi Phất hồ nghi chất vấn Duy Ma Cật: “Cư sĩ, thật là việc chưa từng có! Như cái thất nhỏ này mà có thể chứa đựng các tòa sư tử cao rộng! Ở thành Tỳ-da-ly lại không có chi trở ngại. Lại các thôn xóm thành ấp trong cõi Diêm-phù-đề cùng các cung điện của chư thiên, long vương, quỷ thần trong bốn cõi thiên hạ cũng không bị sự dồn ép chật chội.”

 

Duy Ma Cật trả lời: “Dạ, thưa ngài Xá Lợi Phất! Chư Phật và chư Bồ Tát có một pháp môn giải thoát gọi là ‘không thể nghĩ bàn!’ Thì ra còn có một phương thuốc “pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn,” thứ tám vạn bốn ngàn lẽ một này mà Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc ‘mới tìm ra,’ của chư Phật và chư Bồ Tát mà bây giờ mới có phương tiện để truyền thông trên internet sau 2600 năm, chưa ai để ý tới.

 

Đại Ca Diếp hiểu khá hơn Xá Lợi Phất: Nếu những ai tin và hiểu pháp môn giải thoát Bất khả tư nghị này, thì tất cả chúng ma không làm gì được mình!”

 

Duy Ma Cật khiêm nhường thưa với ngài Ca Diếp:  Dĩ nhiên rồi, chẳng những chúng ma không làm gì được mình mà còn trở thành “thị giả” của mình nữa.  Tuy nhiên, Nhân giả, trong vô lượng vô số thế giới mười phương, những người làm Ma Vương, đa số là những Bồ Tát trụ ở phép giải thoát Không thể nghĩ bàn. Vì dùng sức phương tiện để giáo hóa chúng sinh nên các ngài hiện làm Ma Vương để thử thách chúng sinh.

 

Duy Ma Cật giải thích tiếp, “Nếu một vị Bồ Tát trụ ở pháp môn giải thoát gọi là không thể nghĩ bàn ấy, thì có thể đem núi Tu Di cao lớn mà đặt vào trong một hạt cải, nhưng không có bên nào thêm hoặc bên nào bớt. Tướng trạng núi chúa Tu Di vẫn y nguyên như cũ.”  Tôi xin giải thích thêm, ‘pháp môn giải thoát gọi là không thể nghĩ bàn ấy’ chính là pháp môn như thị.  Và ‘đem núi Tu Di cao lớn mà đặt vào trong một hạt cải, nhưng không có bên nào thêm hoặc bên nào bớt’ có nghĩa là Núi Tu Di không cần phải biến dạng, co nhỏ lại hơn hạt cải hay hạt cải không phải nở ra lớn hơn núi Tu Di để sở để trụ, trong ngoài.  Tư tưởng này sẽ được trình bày và giải thích rất logic và khoa học trong bài này.  Thí dụ, hiện tượng Nhật Thực, Nguyệt Thực, mặt trăng nuốt mặt trời to lớn hơn mình.  Hay như ngày xưa những nhà ảo thuật An Nam ta biễu diễn dẫn trâu chui qua ống tre cho Vua Bão Đại xem ở Ngọ Môn Quan, Huế.    Dĩ nhiên, những nhà ảo thuật thần thông này chỉ làm mờ thêm con mắt vô minh của vua quan, khâm sứ Tây, quan khách và dân chúng trong lúc làm ảo thuật đó chứ không mị mắt kẽ trí tuệ được.  

 

Núi Tu Di là tên của một ngọn núi trong truyền thuyết thần thoại cổ Ấn Độ, còn gọi là Tu Di Lâu, Mạn Đà La. Theo quan niệm Phật Giáo, núi Tu Di là vua của các ngọn núi, là trung tâm của thế giới, là vũ trụ quan của Phật Giáo.  Theo Wikipedia, Mạn-đà-la (dịch âm theo tiếng Trung: 曼陀羅; gốc tiếng Phạn: 梵語:मण्डल maṇḍala, मंड "tinh túy" + ल "chứa đựng") là một hình vẻ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Trong tiếng Phạn, mandala có nghĩa là một trung tâm (la) đã được tách riêng ra hay được trang điểm (mand). Có thể coi Mạn-đà-la là một đồ hình vũ trụ thu nhỏ. "Mandala" dịch nghĩa theo chữ Hán là "luân viên cụ túc" (輪圓具足), nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Theo ý nghĩa thực tiễn thì Mạn đà la là đàn tràng để hành giả bày các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện... Các tín đồ Ấn giáo, Phật giáo, sử dụng Mạn Đà La như một pháp khí tạo linh ảnh, còn đối với các tín đồ Đại Thừa, Kim Cương Thừa thì Mạn Đà La là một mô hình về vũ trụ hoàn hảo, trong đó có một hay nhiều vị thần ngự trị.

 

Trong Không thể nghĩ bàn (Bất khả tư nghì,) Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích: Núi Tu Di tướng trạng cao to cỡ nào thì cũng chỉ là một “pháp,” hạt cải tướng trạng nhỏ bé thế nào thì cũng là một “pháp”… mà  “chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt, bất tăng bất giảm… Nên Tu Di và hạt cải cũng đều là không. Thực tướng vô tướng, cái núi kia, cái hạt cải nọ chẳng qua là chút “diệu hữu” bày ra cho đẹp cuộc đời thôi. Không thấy cái đẹp đó thì thật đáng tiếc, mà bám chấp lấy cái tướng giả hợp đó cũng thật đáng tiếc. Nó diệu hữu đó mà vốn là chân không.  Nó chân không đó mà…. vốn là diệu hữu.  Sắc tức thị không/ Không tức thị sắc.  Thấy được vậy là Bồ Tát có được pháp môn giải thoát bất khả tư nghì.  Lý đã vô ngại thì Sự vô ngại.  Sự đã vô ngại thì Lý cũng vô ngại. Lý lý Sự sự đều vô ngại thì “tâm vô quái ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đão mộng tưởng…”

 

Bồ Tát trụ ở Phép giải thoát không thể nghĩ bàn có thể biến tất cả âm thanh trong thế giới mười phương thành tiếng của Phật, diễn ra những tiếng vô thường, khổ, không, vô ngã.  Một tiếng chuông, tiếng mõ, một tiếng chim kêu, tiếng ngói vỡ, lá trúc reo, tiếng sóng vỗ, độc thủ vỗ tay, một tiếng sư tử rống,… đã nói lên tất cả các pháp Phật.

 

Thế cho nên, khi Đức Phật thành đạo đã nói:  Như Lai thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn Tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới cho nên ta mới được tự tại vô ngại.  Như Lai ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới.  Thân Như Lai bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy." (Phỏng theo Kinh Lăng Nghiêm, PHPT khóa VI, VII trang 132-133)

 

Đoạn trên với phép tắc thần thông huyền bí hơi khó hiểu và không dễ gì tưởng tượng nổi. Nhưng thật ra Đức Phật muốn nói về cái bản thể của Chơn Tâm có những đặc điểm mầu nhiệm như thế đó.   Con người vì vô minh mà đã từ bỏ bản thể mầu nhiệm ấy, để đi vào vòng luân hồi, sanh tử khổ đau.  Con người tu hành đạt được đạo quả thì sẽ trở về với Chơn Tâm thường trụ, bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới vì có thân "tự tại, vô ngại" không có gì ngăn cản, vướng mắc.  Tâm thức hòa vào viên dung với hư không. Vì không có thân xác nên không bị kiềm hãm gò bó trong thân xác hay nói theo Duy Thức là "cái túi- A Lại Da Thức" đã bị phá vỡ và tâm thức rộng khắp theo cùng hư không trong cảnh Đại Viên Cảnh Trí. Tâm thức là tạng minh quang tam muội cùng đốt trong vũ trụ với vô lượng minh quang khác, ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp lại làm nhất thể quang tạng. Và tại sao lại là, "trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ," hay "trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân?"  Điều nầy trong kinh điển có câu "bất khả tư nghì" hay "không thể nghĩ bàn" nhưng ở vào thời đại hiện nay với những kỹ thuật chúng ta có thể dễ hiểu một phần nào: vũ trụ ở trong TV, trong cái phòng gia đình tụ họp (family room) hàng ngày xem TV hay coi phim ảnh về Trái Đất, Thái Dương Hệ, dải Ngân Hà; rồi cảnh vũ trụ với nhiều hình dáng các Thiên Hà khác được TV hay ciné thu hình cho hình xa dần, xa nhiều và nhiều nữa... Như chúng ta, chúng sinh của Thái Dương Hệ, đang ngồi bên ngoài giống như chư Phật đang dùng Phật nhãn quan sát toàn cảnh trong các cõi khác vậy.  Và khi, trên màn ảnh chiếu các Thiên Hà ấy được thu tóm lại trong một bong bóng hình cầu và bóng cầu đó nhỏ dần, nhỏ dần thành một chấm điểm rồi biến mất trên màn ảnh, điều ấy giống như Đức Phật thu nhỏ đi toàn thể thế giới cùng mình đi vào "ngồi trong hạt bụi vi trần" với đầy đủ các cõi nước, và trong đó Đức Phật đang hành đạo: "Chuyển đại pháp luân." Tại sao như thế? Vì Đức Phật đã được "thân tự tại vô ngại" hòa cùng hư không vô tận, cho nên "không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận." Đó là sự mầu nhiệm hay sự thành đạt của người tu hành đạt được đạo Vô Thượng Bồ Đề."  Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy."  Những điều này càng dể chứng minh hơn trong vòng vài năm nữa khi mà quantum 3-D holographic TV, quantum computer được tung ra thị trường chúng ta sẽ ở trong những trò chơi games đó, như thật, chứ không phải ở ngoài quan sát nữa.

 

Đông Phương nhìn vận hành và biến dịch là tự tính nội tại của mọi vật.  Trương Tái nói về trời, “Tất cả vật quay tròn, chúng đều có lực tự nhiên nội tại, sự vận hành của chúng không phải từ bên ngoài tác động vào” và trong Kinh Dịch ta đọc thấy, “Nguyên lý của tự nhiên không xem lực nằm ngoài vật, mà chúng biểu hiện sự hòa hợp của sự vận động nội tại của chúng.” 

 

Thế giới hạ nguyên tử trong thế kỷ 20th  đã phát hiện tính chất động nội tại của vật chất. Cho thấy, thành phần của nguyên tử, các hạt, đều là những cơ cấu động; chúng không hiện hữu như những đơn vị độc lập, mà là phần tử không tách rời của một thể thống nhất, với nhiều mối phản ứng tương quan.  Kết quả, vật lý hiện đại dường như đã xác định lời nói của nhà đạo học Trung Hoa Trương Tái: Khi đã rõ, cái Không to lớn chứa đầy Khí, Thì ai nấy đều biết, không có cái “không có gì.”

 

Tôi có thể bị giam trong một vỏ hạt

Và tự coi mình là vua của không gian vô tận...

Shakespeare, Hamlet, hồi 2, cảnh 2

 

Nguyên văn:

 

“I could be bounded in a nutshell

And count myself a king of infinitive space...”

 

Tương tự như những tư nghị ở trên, cuốn sách Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ (The Universe in a Nutshell,) viết bởi Stephen Hawking về chủ đề vật lý lý thuyết. Sách giải thích nhiều vấn đề liên quan tới các nghiên cứu của các giáo sư toán học Lucas trong quá khứ, tỉ như Thuyết không đầy đủ của Gödel và màng P (một phần của thuyết siêu dây trong vật lý lượng tử.)  Hawking cũng mô tả về lịch sử hình thành và các nguyên lý của vật lý hiện đại.  Ông dẫn dắt người đọc đến những sự kiện xảy ra đằng sau những most intellectual tales khi ông cố gắng "kết hợp thuyết tương đối rộng của Einstein và các ý tưởng của Richard Feynman về đa lịch sử thành một thuyết thống nhất hoàn chỉnh mô tả mọi thứ xảy ra trong vũ trụ."

 

Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ là tác phẩm đoạt Giải Aventis dành cho sách khoa học năm 2002 và đã bán được hơn 10 triệu ấn bản trên thế giới. Nó thường được xem là phần tiếp theo của tác phẩm nổi tiếng Lược Sử Thời Gian (A Brief History of Time) được ấn hành năm 1988.

 

Theo tôi, tất cả 84000 cuốn kinh Phật Giáo (chỉ về số lượng tượng trưng) là vua của tất cả các kinh điển, hay diễn tã một cách khác: không có cuốn kinh Phật Giáo nào là vua của cuốn kinh Phật Giáo nào cả.  Tất cả Phật Pháp kinh điển như những toa thuốc tuy bất đồng cân lượng và loại thuốc những chỉ chữa đồng một bệnh đau khổ từ gốc vô minh mà ra.  Thực ra, Đạo Phật không chủ trương chữa triệu chứng đau khổ mà chữa tận gốc bệnh vô minh.  Vì chúng sinh tuy đồng bản tính của bệnh vô minh nhưng căn tính đau khổ thì bất đồng cho nên mới có cái Pharmacy với 84000 loại thuốc trụ sinh, cùng với cách dùng lẫn những phương thuốc nặng nhẹ, để trị liệu cho chúng sinh bất kể vua dân, sang hèn, ngu dốt hay trí thức mà tùy vào căn tính và bệnh tâm lý của mỗi cá nhân để gia giảm phân lượng.

 

Đôi lời trên đã tóm tắt phần nào những tinh túy thâm diệu của kinh điển Đại Thừa và đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm. Theo tôi, cái mấu chốt của sự đời là ở tâm vọng động sinh ra sum la vạn tượng chứ tâm chơn thì vô sinh không có sinh ra để mà nghị luận.  Cho nên tâm động sinh ra vạn vật là một tuyệt đại nhân duyên, đại may mắn cho chúng sinh trong vũ trụ.  Chỉ có cái đau khổ là cần giải thoát dù rằng cố tình chữa cái ngọn của vô minh là thậm đại vô minh nhưng con người muốn chữa ngọn, giữ gốc tham sân si cho vui khổ với đời như cố lấy ‘vi hạt Ngã chứa núi Vô minh.’

Tôi xin tóm lược đơn giản cho dễ hiểu hơn: Khỏi cần phải lo lấy hạt Ngã cực vi để chứa đựng vũ trụ cực đại vì vũ trụ vô minh đã sẵn có trong hạt Ngã phàm phu.  Cái Ngã giãn nở lớn tới vô cực, bao trùm mười phương hư không vô tận chỉ cần nổi cơn sân là thấy ngay.  Cho nên, không cần phải quan tâm là thiên thượng thiên hạ có đặt lọt nổi vào trong cái duy ngã độc tôn hay không.  Ngày nào, chúng ta quán được hạt lượng tử Ngã, hạt Ngã Hư Trần cực vi đó, vừa ở trong vũ trụ vô minh và cũng vừa có thể ngồi trong hạt bụi Ngã vô vi đó để chuyển đại pháp luân thần thông mà không bị ngăn ngại thì sẽ quán được vũ trụ giai không, hết vô minh mà độ nhất thiết khổ ách không cần thiết nữa khi đã giác ngộ.

9.   Vũ Trụ và Nhân Sinh

Đức Phật đã nói đến tánh không của tâm thức mà chúng ta thường hiểu qua từ ngữ ‘tâm không,’ chính vì bổn tánh ‘hư không’ đó mà chúng sanh khi thành Phật mới nương ‘Hư Vô’ để có thân giãn ra vô cực bao trùm hư không vô tận hoặc có thân thu nhỏ xuống cực vi để ngồi trong hạt lượng tử Lân Hư Trần mà chuyển đại pháp luân.

Khoa học ngày nay đã tình cờ tìm ra những cấu trúc và hình thể trong cơ thể của chúng ta rất là tương tự như kiến trúc và hình thể giống hệt như những vật thể và cấu trúc của thiên hà trong vũ trụ xa Thái Dương Hệ cả tỷ năm ánh sáng. Tiền nhân đã nói về tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ (càn khôn) này từ lâu.  Cho nên hướng vào nội tâm, quán tự tại, là có thể thấy cả vũ trụ trong ta không cần phải chế ra phi thuyền du hành trong không gian để tìm kiếm đâu xa.  Đã tự có của báu vô tận trong đời còn mong ngoại cầu gì nữa?

 

“Inside our body, we can find structures and features that look strikingly like celestial bodies - millions of light years away.

The universe is just as alive and complex as we are that when we can harmonize with the universe and when you're clear about what it is you want the universe will provide abundantly for us. We're made of the same stuff as the rest of the universe, and this just shows how close we resemble the cosmos”

 

Khoa học cũng cho chúng ta thấy được những tương đồng giữa cơ thể (tế bào não, cấu tạo của những tế bào trong cơ thể, vân thể của con ngươi) của chúng ta với những hình dạng cấu trúc của vũ trụ.  Hay nói một cách khác, từ hơn 2600 năm về trước, Đức Thế Tôn đã thấy qua thiền định và ngộ ra những gì mà khoa học hiện đại với đầy công phu, nghiên cứu, thí nghiệm, đo đạt, và tái khám phá ra.  Phật Giáo diễn tã những đại công phu với thành quả khám phá vĩ đại của khoa học qua 5 chữ ngắn gọn:  Tất cả từ tâm tạo!

 

 

 

 

Figure 11 Sự trùng hợp ngẫu nghiên đầy lý thú giữa vũ trụ và cơ thể con người

 

Như ngài Huyền Sa Sư Bị thường nói: Tam thiên đại thiên thế giới là một phổ nhãn của Sa-môn.” Phổ là khắp, Nhãn là con mắt tức là con mắt thấy khắp nơi.

10.                   Vũ trụ quan

 

Tuy vũ trụ quan thấp thoáng đó đây trong kinh điển của Đại Thừa nhưng Đức Thế Tôn chưa ‘trực tiếp’ giải thích mạch lạc cho chúng sinh những luận lý huyền diệu của vũ trụ này vì có thể nó không cần thiết cho nhân sinh mà chỉ cần thiết cho các bật Bồ Tát muốn độ chúng sinh bằng cách ‘quán tự tại’ để chỉ thấy tới ‘kiến ngũ uẩn giai không’ mà ‘độ nhất thiết khổ ách?’  Cho nên, Đức Thế Tôn im lặng không trả lời trực tiếp những vấn đề này 2600 năm về trước.  Những điều bất khả lậu đó chỉ dùng để đàm luận suông vì nó bất khả tư nghị bởi ngôn ngữ, cố tranh cãi cũng chỉ vọng ngôn vô ích không đi đến đâu.  Ngược lại, khi đạt được giác ngộ, kiến được những điều này rồi thì cũng không có gì để mà tư nghi (nổi nghi ngờ riêng tư) để hỏi nữa. 

 

Tổ Mã Minh (Asvaghosa,) luận sư Đại Thừa ấn Độ, sống giữa thế kỷ 1st , 2nd  Công Nguyên nói: Nếu vọng tâm sinh khởi, thì các [vũ trụ, THL] pháp đều sinh khởi; Vọng tâm diệt đi thì các pháp [vũ trụ] đều diệt.

 

Tương tự, nhà Bác Học Stephen Hawking cho rằng có sự sáng tạo [hiện tượng, THL] nhưng không có ai sáng tạo [chủ thể] cả.  Phật Giáo có cùng một quan niệm tương tự ‘không có sáng tạo chủ thể và sáng tạo đối tượng’ của vũ trụ quan và vạn vật.  Tuy Phật Giáo phủ nhận đấng sáng tạo tuyệt đối nhưng công nhận tất cả tương đối từ Tâm tạo.  Ngoài thuyết nhân quả và lý duyên khởi của vũ trụ còn có thêm thuyết Vô Ngã, vô vi lượng tử, rất khó hiểu để tư nghị cho những ai mới học Phật cũng như những ai đang và đã học Phật nhưng chưa hiểu rõ Phật Pháp.  Triết Lý Như Thị của vũ trụ quan này rất khó hiểu cho nhiều người nhưng nó đã bắt đầu được công nhận và hoan nghênh bởi Đông lẫn Tây Phương qua nhịp cầu triết lý và khoa học luận lý đưa duyên.  

 

Trong Chân Không Diệu Hữu, cố Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách viết, “Chân không Diệu hữu là một chìa khóa để hiểu nhận thức luận về bản thể và hiện tượng của Phật Giáo. Vì mọi hiện tượng xuất phát từ “Không” nên nó không có một bản chất trường tồn và riêng biệt, đó là thuyết Vô Ngã. Chỉ có Ngũ Uẩn đang vận hành [trong vũ trụ,] không có người vận hành chúng.”

 

Hawking chứng minh vũ trụ xuất phát từ cái “Không,” ông bác bỏ sự cần thiết của một Thượng Đế nhưng chắc chắn cái “Không” mà ông ta hiểu không phải là cái Không trí tuệ của Phật Giáo.  Hơn nữa, Hawking không phải là người đầu tiên trong lịch sử đã ‘bác bỏ sự cần thiết của một Thượng Đế’ nhân tạo.

 

Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách viết tiếp:  “Là một nhà vật lý, ông [Hawking] khó có thể biết hơn [những điều mà Phật Giáo đã biết hơn ông, và trước ông ta cả 25 thế kỷ. THL] Thế nhưng lại đến phiên ta kinh ngạc về khoa học vật lý. Dù [những khoa học gia] tự hạn chế mình trong lĩnh vực vật chất, vật lý [ngày nay] đã đi đến tận cùng biên giới của vật chất, gõ cửa ngành bản thể học và gần như chạm đến “chân lý tuyệt đối” của đạo Phật. Vị trí của Hawking làm ta nghĩ đến Luận Sư Long Thọ, cả hai vị đều cho rằng “Không” là nguồn gốc của muôn vật, nhưng cả hai đến từ hai chân trời khác nhau.  Phật và các vị Tổ Phật Giáo biết “Không” là gì bằng trực quan nhưng không miêu tả nhận biết của mình.  Tính Không thuộc về một lĩnh vực mà ngôn ngữ không diễn bày được. Cũng như thế trong vật lý lượng tử, người ta thấy ngôn ngữ và cách suy luận thông thường không còn thích hợp. Giữa Phật Giáo và khoa học, sự trùng hợp rất lớn mà sự khác biệt cũng rất lớn.” 

 

Long Thọ Bồ Tát, (zh. 龍樹; sa. nāgārjuna) vị Tổ thứ 14th  của Thiền Tông Ấn Độ có viết cả một bộ sách Trung Quán Luận để giảng giải chữ Không này.  Nhưng cách diễn giải của ngài Long Thọ với lý luận rất trừu tượng nên khó hình dung bởi vì thời đó khoa học chưa được phát triển như bây giờ và có thể cái thông thái của tiền nhân thời đó khác xa với kiến thức văn minh của đa số chúng ta bây giờ.  Chẳng hạn, Ngài đã nói rằng, “Tâm như hư không vô sở hữu!” (Tâm như trống không không có chủ,) đến bây giờ cũng ít ai hiểu nổi là cái chi chi dù có cả rừng sách vở, và nhiều người thuyết giảng về Tâm, Hư Không, Vô Ngã này.  Theo cái nhìn Phật Giáo thì hạt quark hay neutrino (không thể độc lập tồn tại mà phải dựa vào nhân duyên, nghiệp quả, cause & effect and causal conditions) và hạt electron (không thể xác định dứt khoát, bất định xứ, không sở, non-locality) chỉ là hoa đốm trong hư không, không có thật, chỉ vì nhất niệm vô minh mà thấy có nhân duyên kết hợp để xuất hiện nguyên tử vật chất và từ đó cấu thành ngân hà, tinh tú, sơn hà đại địa, xum la vạn vật, con người, chúng sinh khác.  Đó chỉ là cảm giác đồng bộ của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chứ thực ra không có gì cả. Vì vậy mới có câu tổng kết trong tác phẩm Thành Duy Thức Luận mà ngài Huyền Trang đã dịch từ tác phẩm của ngài Hộ Pháp (Dharmapàla,) “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức!”  Vì không thấy và hiểu được chân lý này nên con người sống trong hiện tượng giam hãm (confinement) vĩnh viễn không bao giờ tách rời ra được mê muội.  Phật Giáo gọi hiện tượng giam hãm đó là Tâm cố chấp hay còn gọi là Trước Tưởng sau khi đã khởi nhất niệm vô minh. Vì nhất niệm vô minh nên mới thấy có lượng tử và vũ trụ vạn vật.  Điều này đã được giải thích tường tận qua bài giảng Thập Nhị Nhân Duyên của Phật Giáo.  Đức Phật thấy rằng tất cả sơn hà đại địa, vạn vật, con người đều chỉ là nhân duyên kết hợp có điều kiện từ cái không trống rỗng, cái hư không vô sở hữu không phải là thật tại tuyệt đối. Chỉ có cái bản tâm bất nhị, bất biến, bất sinh bất diệt, vô ngã, vô lượng, tuyệt đối vô phân biệt, không mâu thuẫn mới đích thực là Bồ Đề Tâm, tất cả chúng sinh đều có chung một tâm đó. Vì thế Ngài nói rằng: tất cả chúng sinh đều là Phật đã thành (chứ không phải sẽ thành) bởi vì cái bản tâm đó đã sẵn có trước khi vũ trụ được thành lập chỉ cần buông bỏ cái tâm nhỏ hẹp, mê muội, chấp trước (không phải là mình thật) để hòa nhập vào cái tâm vô lượng quang, vô lượng thọ của A Di Đà, cái đó còn gọi là Niết Bàn (涅槃, sa. nirvāṇa) tức là bất sinh bất diệt hay là không còn sinh diệt (diệt tận 滅盡).  Kinh Phật còn nói rằng Tâm là vô lượng vô biên không bị hạn chế bởi không gian, thời gian vì vậy nên Tâm có khả năng tự giải thoát bằng cách phá vỡ hiện tượng giam hãm.  Hay thực ra, Tâm vô sở vô trụ.

 

Tâm Không vượt không gian lẫn thời gian.  Năng lượng vô biên của Tâm đi xuyên qua vật chất, nó còn dư sức tách rời các hạt quarks và Neutrinos của vật chất khiến vật chất biến mất, trở lại với cái Không vốn là Tâm như hư không vô sở hữu.  Tu hành theo Phật Đà ngộ đạo là ngộ cái quái dị không hình dung đó.  “Tâm như hư không vô sở hữu” chính là thực tướng vô tướng của vũ trụ vạn vật đó vậy. 

 

Einstein viết thư cho gia đình Besso, nói rằng dù Besso chết trước ông ta điều đó không quan trọng. “Đối với những Vật Lý Gia như chúng ta tin sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là ảo tưởng, dù một lần thuyết phục.  Sau Einstein là Richard Feynman người đã tìm ra phương thức hữu hiệu để giải thích quantum mechanics được biết qua ‘Tổng Cộng trên Lịch sử’ (Sum over Histories) trong vũ trụ là con số không (zero.)”  Theo tôi, đại khái tất cả vi mô, vĩ mô luôn cả thời gian lẫn energy tổng cọng triệt tiêu bằng con số Không.

 

“Einstein wrote a letter to Besso's family, saying that although Besso had preceded him in death it was of no consequence, "...for us physicists believe the separation between past, present, and future is only an illusion, although a convincing one." Einstein was followed in history by the colorful and brilliant Richard Feynman. Feynman developed the most effective and explanatory interpretation of quantum mechanics that had yet been developed, known today as Sum over Histories.  For example, for a particle moving from point A to B we imagine the particle traveling every possible path, curved paths, oscillating paths, squiggly paths, even backward in time and forward in time paths. Each path has an amplitude, and when summed the vast majority of all these amplitudes add up to zero.”

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14th  đương thời, đã tìm ra giải pháp bằng cách dùng Vật Lý Lượng Tử (Quantum Physics,) Cơ Học Lượng Tử (Quantum Mechanics,) Thiên Văn (cosmology,) Ý Thức (Consciousness,) và Di Truyền Học (genetics,) để khám phá ra những chủ đề tương quan về tánh Không của Phật Giáo với khoa học. (The Universe in a Single Atom is a book by Tenzin Gyatso, the 14th Dalai Lama and published in 2006 by Broadway Books. In this book Dalai Lama engages in several scientific areas. He explores the topics of quantum physics, cosmology, consciousness and genetics in relation to Buddhism.)

 

Tôi xin bổ túc về những so sánh ở trên của cố Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách, thứ nhất, ‘Sự trùng hợp rất lớn mà sự khác biệt cũng rất lớn’ là 2600 năm giữa trí tuệ quang minh Phật Giáo và kiến thức khoa học hiện đại và khoảng cách khác biệt này còn có thể sâu rộng và kéo dài thêm theo thời gian.  Thứ đến là kiến thức của nhà Bác Học Stephen Hawking không thể so sánh được với trí tuệ của Luận Sư Long Thụ hay trên bất cứ lãnh vực nào.  So sánh như vậy cũng như là so sánh đám lá kiến thức trong tay với rừng lá trí tuệ trên núi thẵm hay như ánh sáng của đom đóm trên ngọn đồi với Thái Sơn Bắc Đẩu hay một cây đuốc khoa học gia với Quang Minh Tam Muội Bồ Tát.  Nên nhớ Hawking chỉ là một nhà bác học, khoa học lý thuyết thuần túy nổi tiếng hiện đại của Anh Quốc chứ chưa phải là nhất thế giới hay nhất thế kỷ.  Những khám phá ‘trên trời’ không biết đâu mà kiểm chứng của Hawking chỉ hấp dẫn tạm thời trên lý thuyết nhưng chưa thực tiển và lợi ích cho nhân loại.  Hawking hay thay đổi ý với những khám phá khoa học của mình vì như đa số các khoa học gia khác, ông ta bị vọng tâm lừa dối tưởng lúc nào cũng có thể tắm trong cùng một dòng sông.  Tôi đồng ý là khoa học ‘đã đi đến tận cùng biên giới của vật chất, gõ cửa ngành bản thể học và gần như chạm đến “chân lý tuyệt đối” của đạo Phật.’ Nhưng nếu muốn gõ cửa Không (vô môn quan của Phật Giáo) thì phải hiểu ý nghĩa của Bát Bất, phải vượt ra ngoài vòng nhị nguyên mới ngộ được Chân Không Diệu Hữu của Vũ Trụ Quan.

 

Theo nhận xét của những học giả Tây Phương thì Ngài Long Thụ (Long Thọ Nàgàrjuna) quả là một nhà tư tưởng, lý thuyết gia, đại triết gia về logic học và triết học siêu hình, đã mở ra cho Phật Giáo một kỷ nguyên mới.  Chúng ta cũng cần nhấn mạnh ngay đến một điều vô cùng chủ yếu là Long Thụ không hề sáng chế thêm bất cứ một khái niệm mới mẻ nào bên ngoài Giáo Huấn (Anuśāsana, the Bengali word অনুশাসন) của Đức Phật, mà chỉ đào sâu, triển khai và giải thích thêm một số các khía cạnh vô cùng sâu sắc và khúc triết trong Giáo Huấn của Ngài mà thôi. Thật vậy, dù Giáo Huấn của Đức Phật luôn thiết thực, ngắn gọn và dễ hiểu nhằm phù hợp với những con người thuộc thời đại của Ngài, thế nhưng bên trong luôn hàm chứa những khái niệm khoa học, triết học, tâm lý học với những chiều sâu khiến nhiều học giả, triết gia và khoa học gia Tây Phương ngày nay phải kinh ngạc lẫn thán phục.   Những nhận định tương tự về Phật Giáo đã được nhiều học giả Tây Phương và các bật thiện tri thức công nhận và nói đến như là một khẳng định đầy tự tin về tinh thần triết lý đầy trí tuệ, logic và khoa học của Phật Giáo qua vài dẫn chứng kiêm nhường ở trên đây.

 

Theo sử sách ghi lại, Ngài Long Thọ (Long Thụ, Nàgàrjuna) là người xứ Tỳ Đạt Bà (Vidharbha, có chỗ gọi Bối Liệp Nhĩ - Berar) ở Nam Ấn, thuộc dòng Bà La Môn, ra đời vào khoảng 700 năm sau Phật diệt độ. Ngài có biệt danh Long Mãnh hoặc Long Thắng, bẩm tánh kỳ ngộ, trí huệ sâu xa, xem nghe một lần là nhớ tất cả, không cần phải hỏi lại. Lúc thiếu thời, ngài đã [là một học giả và khoa học gia] tinh thông các Kinh Điển Phệ Đà, cùng những môn thiên văn, địa lý, y học, toán số và nhiều học thuật khác. Nhưng các môn học đó không làm cho tự tâm được thỏa mãn, nên ngài quyết chí xuất gia tìm đạo lý cao siêu trong Phật Giáo. Lúc đầu ngài học về giáo lý Tiểu Thừa, sau lại nghiên cứu sang Phật Giáo Đại Thừa. Tương truyền rằng sau khi xuất gia, trong vòng ba tháng ngài đã đọc hết ba pháp tạng, muốn tìm kinh khác mà không được. Nhân khi du hành đến Tuyết Sơn, ngài gặp một vị tỳ khưu truyền dạy cho các Kinh Điển Đại Thừa. Thầy của ngài, tục gọi Tuyết Sơn Lão Tỳ Khưu, chính là Tôn Giả La Hầu La Bạt Đà La (cùng với đệ tử ngài Đề Bà tên đồng mà người khác.) Khi đã thông hiểu giáo lý thâm huyền, vì chí nguyện hoằng pháp, ngài đi du hóa các nơi, dùng tài biện luận hàng phục ngoại đạo, và lập thành hệ thống Đại Thừa Phật Học. Địa điểm hoạt động của ngài có rất nhiều nơi, những chỗ trung tâm truyền bá là nước Kiều Tát La (Kosala.) Vị quốc vương ở bản xứ vì mến đức độ của ngài, nên phát tâm quy y Phật Giáo và kiến tạo một đại tịnh xá ở Hắc Long Sơn (Bhràmaragiti) để cho ngài trụ trì. Tương truyền ngài đã dùng thần thông đi xuống long cung, trong ba tháng đọc thuộc hết lược bản Kinh Hoa Nghiêm, gồm mười vạn bài kệ.  Sau Long Thọ Bồ Tát lại đến thiết tháp ở Nam Thiên Trúc, được Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát truyền thọ cho Kinh Đại Nhựt, nên tinh thông cả Trì Minh Tạng. Vì thế người đời gọi ngài là bậc xướng đạo cả hai giáo pháp Hiển và Mật. Về công trình hoằng dương Phật Pháp, ngài được xem như Đức Thích Ca tái hiện.

 

Trên lãnh vực trứ thuật, Long Thọ Bồ Tát đã soạn ra nhiều bộ luận. Tựu trung các bộ như: Trung Quán Luận, Đại Trí Độ Luận, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận... là được lưu hành hơn cả. Giáo nghĩa của ngài đề xướng tuy nhiều, nhưng hiển trứ hơn cả là thuyết Bát Bất Trung Đạo và thuyết Vãng Sanh.  Ngài Long Thụ đưa ra một học thuyết gọi là Madhymaka, có nghĩa là "Con Đường ở Giữa," Hán dịch rất chính xác là Trung Quán (Zhōng-guān/中觀), chữ quán có nghĩa là sự quán thấy.  Trong Chương I, Quán Nhân Duyên, Bát Bất Trung Đạo là: bất sanh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị, bất lai, bất khứ.  Trung Đạo đây không phải ý nghĩa trung gian giữa sự có không, sanh diệt, đoạn thường, mà là ý nghĩa vượt ra ngoài vòng tương đối sai biệt, khẳng định cực đoan để hiển lộ thể Chân Không Diệu Hữu.

 

Còn thuyết Vãng Sanh, như nơi phẩm Dị Hành trong luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa, Long Thọ Bồ Tát đã nói, “Từ địa vị phàm phu cho đến ngôi vị Vô Thượng Chánh Giác có hai đường lối tu tập - Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo. Nan Hành Đạo là dụng công khắc khổ tu trì chẳng tiếc thân mạng, ngày đêm tinh tấn, mà được bất thối chuyển. Dị Hành Đạo là dùng phương tiện niệm danh hiệu chư Phật, mà được bất thối chuyển mau lẹ dễ dàng. Nan Hành Đạo  thuộc về tự lực; Dị Hành Đạo kiêm cả tự lực và tha lực.” Trong Dị Hành Đạo, ngài lại thiên trọng về phần niệm thánh hiệu Phật A Di Đà. Hai lập thuyết do ngài đề xướng, đã ứng hợp với lời huyền ký của Đức Phật trong Kinh Lăng Già:

 

“Sau xứ Nam Thiên Trúc.

Có danh đức Tỳ khưu.

Tôn hiệu là Long Thọ.

Hay phá hữu, vô tông.

Tuyên dương pháp Đại Thừa.

Trong thế gian hiển ngã.

Được Sơ hoan hỷ địa.

Sanh về cõi Cực Lạc.”

 

(http://niemphat.net/Luan/phathoctinhyeu/thien1_12.htm)

 

 

 

 

Figure 12 Bồ Tát Long Thụ cùng với 84 vị Ma Ha Tất Đạt

 

 

Hình Trên, Bồ Tát Long Thụ cùng với 84 vị Maha Tất Đạt (Mahasiddha, là những người tu hành có những khả năng phi thường và siêu phàm.)  Bồ Tát Long Thụ luôn được biểu trưng bởi một nhà sư trung niên tức là một người tu hành còn trẻ mà đã đắc đạo, và cũng là nhân vật duy nhất sau Đức Phật được biểu trưng với một cái bướu trí tuệ trên đỉnh đầu. Trong các buổi thuyết giảng Đức Đạt Lai Lạt Ma thường cho biết Long Thụ là một nhà sư Phật Giáo quan trọng thứ hai sau Đức Phật.

 

Long Thụ là vị luận sư, đầu tiên sử dụng tiếng Phạn trong các trước tác vô cùng phong phú của ông, đã diễn đạt hoàn toàn mới mẽ với những luận lý rất sâu sắc về giáo huấn của Đức Phật.  Đối với Đại Thừa Phật Giáo Long Thụ là người mang sứ mạng hoằng Pháp do Đức Phật giao phó với mục đích giải thích những gì thật thâm sâu trong giáo huấn của Ngài, nhằm thích ứng với những sự đòi hỏi của một thế giới tân tiến hơn. Tư tưởng của Long Thụ là một tư tưởng mới giúp duy trì ngọn đuốc Đạo Pháp hầu soi đường cho những chúng sinh hơn 700 năm sau thời đại của Đức Phật. Thế nhưng cũng thật đại nhân duyên hết sức lạ lùng dường như ngọn đuốc ấy vẫn không ngừng rực sáng, soi đường cho cả chúng ta hôm nay và sẽ được tiếp tục ‘truyền đăng tục diệm’ soi sáng nhân loại trong tương lai.

 

“Tương truyền ngài [Long Thụ] đã dùng thần thông đi xuống long cung, trong ba tháng đọc thuộc hết lược bản kinh Hoa Nghiêm, gồm mười vạn bài kệ.” Bây giờ chúng ta thần thông hơn Ngài, chỉ cần 2 giây là download Kinh Hoa Nghiêm từ Google khỏi phải lặn xuống Long Cung học kinh 3 tháng cho mệt xác.  Đọc kinh không hiểu thì email hay phone hỏi Phật online.

 

Trong Chính Định Vương Kinh (Samadhiraja Sutra) có một câu như sau: Hiện hữu và phi hiện hữu là hai thái cực. Tinh khiết và ô nhiễm cũng là hai thái cực.  Sau khi đã vượt thoát cả hai thái cực ấy, thì một người thông thái (khôn ngoan/trí tuệ) cũng không dừng lại với vị thế ở giữa.  Thật hết sức rõ ràng ý nghĩa chủ yếu của Trung Quán không phải là cách chọn một quan điểm dung hòa hay một vị thế "ở giữa" hầu tránh khỏi các hình thức cực đoan, bởi vì chính cái vị thế "tìm cách đứng ở giữa" đó tự nó cũng là một hình thức [trung] cực đoan.

 

Một trong những nhận thức quan trọng nhất của Lão Giáo về đặc tính chủ yếu của thiên nhiên là sự biến thiên và thay đổi.  Một câu nói của Trang Tử cho thấy rõ tầm quan trọng then chốt của sự biến đổi đã được nhận thức khi quan sát thế giới sinh cơ.

 

Trong sự sinh, trưởng thành, biến đổi và tiêu diệt mọi vật thì trong mỗi mầm mống, mỗi tính chất đều có dạng quả hình thích hợp với nhân duyên của nó. Qua đó ta thấy sự sinh trụ hoại diệt từng bước của dạng hình đó, thấy dòng chảy liên tục của sự biến dịch trong ý thức.

 

Trong mọi biến dịch, Lão Giáo thấy đó là hiện thân của sự tác động hai cực âm dương và như thế họ tin rằng trong mọi cặp mâu thuẫn hai đối cực tương tác lên nhau một cách năng động.  Tư duy phương Tây bây giờ đã chấp nhận tính nhất thể này của mọi cặp đối lập.  

 

Từ cái nhìn, mọi vận hành của Đạo là một sự tương tác liên tục giữa các cặp mâu thuẫn, Lão Giáo rút ra hai qui tắc cơ bản cho thái độ con người. Muốn đạt cái gì thì người ta phải bắt đầu với cái ngược lại.  Đây là nghề ruột của người Trung Hoa thiện chiến về Dương Đông Kích Tây, nói một đường làm một nẻo.  Tôi xin  so sánh với thuyết “em chả” thèm ăn chả của phái nữ Việt Nam.  Hay, theo tình thì tình chạy, chạy tình thì tình theo.  Mỹ gọi là play hard to get!  Cảnh cáo, không nên áp dụng nguyên tắc này trong lúc make love not war trừ khi muốn giữ nó.

 

Lão Tử nói: Hòng muốn thu rút đó lại, Là sắp mở rộng đó ra.  Hòng muốn làm yếu đó, Là sắp làm đó mạnh lên. Hòng muốn vứt bỏ đó, Là sắp làm hưng khởi đó. Hòng muốn cướp đoạt đó, Là sắp ban thêm cho đó, ấy gọi là ánh sáng huyền vi.  Ngược lại khi muốn giữ điều gì, ta nên để cho cái ngược lại được tồn tại: Cái gì cong thì lại ngay; Cái gì sâu thì lại đầy; Cái gì cũ thì lại mới.  Đây là chiến lược chiến thuật nhập thế gian trên chính trường, sa trường, thương trường lẫn tình trường, trị quốc an dân bình thiên hạ thay vì xuất thế như chủ trương của Đạo Lão.

 

Tôi xin giải thích thêm về cái công án nhị nguyên này theo quan niệm Phật Giáo Đại Thừa, bật trí tuệ giác ngộ quán tâm ý không sở trụ vào bờ bên này hoặc bờ bên kia hay ở giữa dòng.  Đó là ý nghĩa của câu:  Ưng vô sở trụ!  Dòng tâm thức trôi nổi không bờ không bến từ vô lượng kiếp, thay đổi vô thường (uncertainty and impermanent) trong từng sátna, không sở tại (non-locality.) Chúng ta không bao giờ bơi lội trong cùng một dòng sông.  Hay đúng hơn, dòng tâm thức vô thỉ vô chung, không sanh không diệt, không đến không đi, không trôi chảy, không phải là một dòng sông với bến bờ sở tại. Vì không bến không bờ cho nên không có cái giữa dòng để quán thấy.  Bát Bất Quán Thấy ứng dụng cho cả nhân sinh lẫn vũ trụ. Ý nghĩa của Bát Bất vượt ra ngoài vòng nhị nguyên, hiển lộ vũ trụ quan.

11.                   Vũ Trụ chỉ là một khái niệm của ý thức

 

Trong thuyết ‘khổn tiên thằng’ (sợi dây tiên, string theory) đoán thời gian trước big bang, thuyết sợi dây tiên đề nghị rằng big bang không phải là khởi đầu của vũ trụ nhưng đơn giản là chuổi nhân quả của vô lượng kiếp, Gabriele Veneziano mô tả:

 

Có phải big bang thật là thời gian bắt đầu? hay có phải vũ trụ có trước đó rồi? Câu hỏi dường như gần như phỉ báng chỉ trong thập niên trước.  Hầu hết những nhà thiên văn vẫn quả quyết đơn giản rằng nó vô nghĩa - với quan niệm thời gian trước big bang đã như là hỏi đường đi về hướng Bắc của Bắc Cực vậy.  Nhưng đâu có phải hầu hết những khoa học gia điều nói kém tinh thần khoa học như vậy?  Nghi vấn, học hỏi, tìm tòi, chứng minh là tinh thần của khoa học không có chuyện cả vú lấp miệng em.  Câu hỏi đó nếu khoa học chưa giải thích được thì những khoa học gia lương thiện, hầu hết, điều trả lời: don’t know!  Đó là, tinh thần trung thực của những nhà khoa học.  Khoa học gia không phải là tiên thánh hay thần biết hết mọi chuyện (know it all) trong vũ trụ.  Nhưng những phát triển trong vật lý lý thuyết học, đặc biệt sự nổi tiếng của thuyết dây đã thay đổi lối suy nghĩ của mọi người.  Trước big bang trở thành tiền đồn mới nhất của thiên văn học.

 

Cá tính đổi mới được coi là những gì có thể xảy ra trước big bang là cái khám phá mới nhất của quả lắc đong đưa qua lại cả ngàn năm.  Trong một dạng này hay khác, cái vấn nạn của cốt lỏi ban đầu đã được ca nhà triết gia và thần học tham gia tư nghị gần như trong mọi văn hóa.  Đó là một chuổi đầy lo lắng và ám ảnh, một gói ghém nổi danh trong một bức tranh 1897 bởi họa sĩ Paul Gauguin: Chúng ta từ đâu tới đây?  Chúng ta là cái gì đây?  Chúng ta đang đi về đâu? Những mảnh đời này miêu tả như là vòng sinh, sống và chết – là nguyên thủy, căn cước (ngã) và số phận của riêng mỗi cá nhân – mối quan tâm của những người này là sự quan hệ với những vũ trụ.  Chúng ta có thể tìm về nguồn cội qua nhiều thế hệ, qua tới những tổ tiên thú vật của chúng ta, cho đến dạng sớm nhất của sự sống, đến những phân tử tổng hợp trong vũ trụ nguyên thủy, đến những năng lượng vô hình tích lũy trong không gian trước đó.  Có phải gia phả của chúng ta trở về trước là vô lượng? hay những nguồn gốc chấm dứt? Vũ trụ này sẽ truờng tồn vĩnh viễn như chúng ta?

String Theory Predicts a Time Before the Big Bang, String theory suggests that the big bang was not the origin of the universe but simply the outcome of a preexisting state by Gabriele Veneziano: Was the big bang really the beginning of time? or did the universe exist before then? Such a question seemed almost blasphemous only a decade ago. Most cosmologists insisted that it simply made no sense—that to contemplate a time before the big bang was like asking for directions to a place north of the North Pole. But developments in theoretical physics, especially the rise of string theory, have changed their perspective. The pre-bang universe has become the latest frontier of cosmology.

The new willingness to consider what might have happened before the bang is the latest swing of an intellectual pendulum that has rocked back and forth for millennia. In one form or another, the issue of the ultimate beginning has engaged philosophers and theologians in nearly every culture. It is entwined with a grand set of concerns, one famously encapsulated in an 1897 painting by Paul Gauguin: D'ou venons-nous? Que sommes-nous? Ou allons-nous? “Where do we come from? What are we? Where are we going?” The piece depicts the cycle of birth, life and death—origin, identity and destiny for each individual—and these personal concerns connect directly to cosmic ones. We can trace our lineage back through the generations, back through our animal ancestors, to early forms of life and protolife, to the elements synthesized in the primordial universe, to the amorphous energy deposited in space before that. Does our family tree extend forever backward? Or do its roots terminate? Is the cosmos as impermanent as we are?

Câu hỏi vẫn là: Vũ trụ là cái gì?  Một số khoa học gia nói vũ trụ có thể chỉ là một toàn đồ ký (hologram,) một computer program, vũ trụ lỗ đen (blackhole,) một khối óc khổng lồ (giant brain,) và có thể là những bọt bong bóng.  Khi mà những bong bóng âm hợp với bong bóng dương, rung động (vibrate) tạo ra những vũ trụ mới, hay những bong bóng này đẩy xa nhau nếu cùng cực âm hay dương.  Theo luật vật lý, khác tính thì hấp dẫn nhau (attract;) cùng tính thì đẩy xa nhau ra (repulse.) Không hiểu sao các nguyên tắc vật lý đó nó không được luôn luôn đúng cho con người hiện nay nữa?

Con người vẫn chưa tìm ra được câu giải đáp khả tín để có thể hoàn toàn thỏa mãn những câu hỏi từ ngàn xưa: Tôi từ đâu tới, làm cái quái gì ở đây và rồi sẽ đi về đâu?  Nghe có vẻ đầy triết lý cãi lương nhưng tôi xin dùng phương tiện Phật Đà để trả lời theo sự hiểu biết nông cạn đầy ngu muội của mình:  Tôi là Ta, là Ngã.  Nhĩ là Ngã, Ngã là nhĩ.  Ngộ là Nị, Nị là Ngộ.  Ngộ Nị ái lẫn nhau trở thành Ta. Mà Ta là Như Lai – không đến không đi, không làm cái trò khỉ gì bây giờ cả chỉ quán niệm hơi thở nhẹ nhàng ra vô trong lúc đắm sâu vào thiền định; hay hổn hển như chó tháng bảy trong lúc rượng đực, rượng cái lúc thèm khát, say đắm ái dục; hay thở hào hển, nổi cơn tam bành lục tặc trong lúc sân khi bị người khác xúc phạm đến cái Ngã. 

Vũ trụ đang giãn nở từ thế giới cực lớn trở lại thế giới cực nhỏ.  Đặc trưng của vật lý thế kỷ 20th  là đi càng ngày càng sâu vào một thế giới của kính hiển vi, của nguyên tử, của hạt nhân và các hạt hạ tạo thành nhân.  Sự tìm hiểu thế giới vi mô này được thúc đẩy bởi một câu hỏi căn bản: Vật chất được cấu tạo như thế nào?  Nhờ phương pháp thực nghiệm hiện đại với kỹ thuật tối tân mà vật lý gia mới tìm hiểu ra được cấu trúc của nguyên tử và nhận ra rằng, nó gồm có nhân và electron.  Sau đó người ta ghi nhận nhân gồm có những hạt nucleon, đó là proton và neutron.  Trong hai thập niên vừa qua người ta đi thêm một bước và bắt đầu tìm hiểu cấu trúc của nucleon, thành phần của nhân nguyên tử, chúng xem ra không phải là những hạt cuối cùng mà lại là từ những đơn vị khác cấu thành.  Những bước đầu tìm hiểu nguyên tử này đã dẫn đến những thay đổi căn bản về cách nhìn của con người về vật chất.  Bước thứ hai đi sâu vào nhân nguyên tử và thành phần của nó, kéo theo một sự thay đổi không kém phần quan trọng. Trong thế giới hạt nhân này phải đo lường những loại kích thước nguyên tử và những hạt trong nhân này, vì bị giam trong không gian quá bé, cũng vận động với vận tốc nhanh đến nỗi chỉ có thể dùng thuyết tương đối đặc biệt để mô tả chúng. Tính chất và tương tác của hạt hạ nguyên tử chỉ có thể dùng thuyết lượng tử và thuyết tương đối mà nắm được chúng và những điều này buộc khoa học gia có một sự thay đổi về quan niệm vật chất là gì. (Đạo của Vật Lý, Fritjiof Capra)

Phật Giáo và những thánh nhân Đông Phương đã biết về sự dung thông không gian - thời gian trên một bình diện vĩ mô lẫn vi mô cũng như nhà vật lý nhìn hành tinh và hạt hạ nguyên tử.   Đức Phật dạy: Mọi pháp hữu vi đều vô thường.  Pháp là từ ngữ mô tả biến cố, hành động và sau đó mới nói thật tại.  Phật Giáo xem tiến trình tương quan vận động là chủ yếu của thế giới vũ trụ.  

Điều đặc biệt của thuyết tương đối là nó thống nhất những khái niệm căn bản mà ngày trước chúng hoàn toàn độc lập với nhau. Một trong những thí dụ quan trọng nhất là coi khối lượng và năng lượng như nhau, điều này được phát biểu bằng công thức toán học nổi tiếng của Einstein E = mc2. Và muốn hiểu ý nghĩa sâu sắc của mối liên hệ giữa năng lượng và vật chất thì trước hết chúng ta phải xét ý nghĩa của năng lượng và khối lượng.  Năng lượng (energy) là một trong những khái niệm quan trọng nhất để mô tả các hiện tượng tự nhiên.  Như trong đời sống hàng ngày ta nói, một vật thể chứa năng lượng khi nó có thể thực hiện một công xuất.  Năng lượng này có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Còn vật chất (matter) là một khối lượng có tỷ trọng. 

Đối với Phật Giáo, không có thế giới khách quan nên Phật Giáo không có kiến lập chân lý. Cái mà chúng ta gọi là thế giới khách quan chỉ là thế giới trong tâm niệm của chúng sinh, do chúng sinh có cùng cộng nghiệp nên họ có cấu tạo giác quan (lục căn) giống nhau và thấy các đối tượng bên ngoài (lục trần) giống nhau, nên phát sinh lục thức tương tự nhau, cảm nhận giống nhau đó gọi là khách quan.  Khoa học thế kỷ thứ 20th đã bắt đầu hiểu được điều này, một số nhà khoa học hàng đầu thế giới đã hiểu rằng ý thức, tâm niệm, có góp phần tạo ra vật thể. Trước hết là nhà khoa học Niels Bohr, ông nói rằng, “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật.)  Rõ ràng hơn, các hạt quarks, electrons chỉ là những hạt ảo, nếu tách riêng, cô lập thì chúng không tồn tại.  Eugene Wigner, giải Nobel Vật Lý năm 1963 cũng nói, “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality.” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại.)

Phật Giáo gọi vũ trụ là Phật Tánh, Tâm Bồ Đề hay Tri Kiến Phật.  Vũ trụ toàn là chân không (emptiness) với hơn 70% là dark energy và 25% matters, còn lại 5% là những vật thể mà chúng ta có thể biết được nhờ có ánh sáng rọi tới. Vũ trụ là không; không là vũ trụ.  Cách đây 16 thế kỷ, nhà Triết Học Phật Giáo Vô Trước đã nói rằng vũ trụ chỉ là một khái niệm.

Đức Phật thuyết:  "Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt, xấu, phải chẳng v..v...Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không, khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy" (Kinh Lăng Nghiêm khóa VI, VII trang 121.)   Và trong một đoạn sau đó Đức Phật lại kể rõ hơn:  "Này ông Phú Lâu Na, thế giới, chúng sanh và nghiệp quả ba món tương tục này đều ở trong chơn tâm, vì vô minh vọng động sanh ra "năng phân biệt" và "sở phân biệt" tương đới, nên vọng thấy có sơn hà đại địa, thế giới và chúng sanh, rồi tiếp tục sanh hóa, vô cùng hư vọng" (Trang 127, PHPT khóa VI, VII).

Những điều nầy cho chúng ta có thể hiểu rằng: Hư không là căn bản của tất cả, nó vô sanh tức không bị diệt. Hư không bao la không biên tế (không biên giới, vô biên). Trong hư không viên dung tứ đại (đất, lửa. gió, nước); kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, 6 giác quan: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý); và thức tâm (của mọi chúng sanh). Tánh của bảy đại nầy đều là chơn tâm. Nhưng vì vô minh, nên thức tâm của mọi chúng sanh đã phát khởi vọng tâm và có tâm phân biệt: năng sở, bỉ thử...Vì thế thức tâm đã mượn tứ đại kết hợp thành thân xác và kiến đại để tạo thành các giác quan và thấy, nghe, hay, biết. Từ đó mọi chúng sanh thành hình; các cái có hình tướng, sanh diệt là thế giới, và cái khoảng trống ở giữa không có hình tướng và yên tịnh là hư không.  Đó là các giai đoạn thành hình thế giới, hư không và chúng sanh. (Nhập Thế Gian, Nguyên Thảo)

Phật biết rằng thế giới là vọng tưởng, không có thật.  Kinh điển gọi đó là thế lưu bố tưởng, tức là tưởng tượng đã được lưu truyền phổ biến rộng rãi ở thế gian.  Nhưng khi nói vũ trụ quan Phật giáo là nói cách diễn giải, mô tả của Phật Giáo về thế giới tâm niệm của loài người, mà đã là tâm niệm thì tất nhiên không phải là chân lý vĩnh cửu. Đó là khái niệm cộng nghiệp chủ quan của 7 tỉ người hiện nay trên thế giới, họ cảm nhận thế giới đại thể là giống nhau, nhưng nếu đi vào chi tiết cũng không phải hoàn toàn giống nhau, vì vậy mà có bất đồng, mâu thuẫn, xung đột, tư nghi không lúc nào chấm dứt.

Phật Pháp từ lâu đã nói rằng không gian, thời gian, số lượng, cả ba cái đó đều chỉ là khái niệm trong tâm tưởng, là biểu kiến chứ không phải sự thật, không phải chân lý. Phật pháp cũng nói rằng các pháp không có tự tính.

《華嚴經》所云:“心如工畫師,畫種種五陰。一切世界中,無法而不造。”而“一切法無自性” Hoa Nghiêm Kinh sở vân, “Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ ấm. Nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo” nhi “Nhất thiết pháp vô tự tính.” Kinh Hoa Nghiêm nói, “Tâm như nghệ nhân vẻ hình tượng, vẻ ra đủ loại ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), tất cả sự vật trong thế giới, không vật gì không làm được” vậy “Tất cả các pháp đều không có tự tính.”

Trong cuốn “Đạo Phật và Đời Sống Hiện Đại (Budhism and Present Life,) Tiến sĩ K. Sri Dhammananda đã viết về Nguyên Tử như sau:

“Sau khi nghiên cứu tận tường, những quan niệm về Nguyên tử của thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Chẳng có Vật gì cả như trước đây người ta cho là có bởi vì Vật chất chỉ là Năng lượng. Rồi quan niệm về Năng lượng dần dần biến đi khiến các khoa học gia không biết gọi Nguyên tử là gì? Bây giờ họ đi đến kết luận là Nguyên tử chỉ là một quan niệm; và nói rộng ra, cả thế giới này cũng chỉ là một quan niệm. Càng đi sâu vào việc nghiên cứu cấu tạo của Nguyên tử, các khoa học gia càng tin rằng kết luận nói trên rất đúng.

Các bộ luận Duy Thức và Trung Quán mô tả rất nhiều về thế giới, cả vật chất lẫn tinh thần đều chỉ là tâm thức, bản chất chỉ là không.  Tuy nhiên cách lý luận trong các bộ kinh là rất trừu tượng, khó nắm bắt dễ dàng.

Phật Giáo từ lâu đã nói rằng vũ trụ, vạn pháp chỉ là ảo, do tâm tạo.  Chính vì bản chất là ảo, không phải thật, nên Phật Giáo có thuyết vô sinh hay còn gọi là vô sinh pháp nhẫn 无生法忍  là trạng thái không có sinh diệt, đó cũng là cứu cánh niết bàn hay bản tâm của mọi chúng sinh, là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Nhân quả cũng không có thật, chỉ có trong vọng tưởng mới có nhân quả. Chúng ta thử xem phẩm thứ 20 quán nhân quả. Phẩm này có 24 bài kệ nhưng chúng ta chỉ cần xem hai bài mở đầu và bài kết thúc của phẩm quán nhân quả.

若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp

而有果生者 Nhi hữu quả sinh giả

和合中已有 Hòa hợp trung dĩ hữu

何須和合生 Hà tu hòa hợp sinh

若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp

是中無果者 Thị trung vô quả giả

云何從眾緣 Vân hà tòng chúng duyên

和合而果生 Hòa hợp nhi quả sinh

 

Tóm lại :

 

是故果不從 Thị cố quả bất tòng

緣合不合生 Duyên hợp bất hợp sinh

若無有果者 Nhược vô hữu quả giả

何處有合法 Hà xứ hữu hợp pháp ?

Nếu các duyên (điều kiện) hòa hợp để sinh ra kết quả thì trong sự hòa hợp đó đã có sẵn kết quả thì đâu phải do hòa hợp mà sinh ra. Nếu các duyên hòa hợp mà lại không có kết quả thì cũng không đúng vì các duyên hòa hợp thực tế có cho ra kết quả, tức là có một hiệu ứng mới.

Kết luận, kết quả không phải do duyên hợp hay bất hợp mà sinh ra. Mà nếu không có kết quả thì sự hòa hợp biến đi đâu ?

Lý luận này rất trừu tượng khó hiểu. Cần phải có ví dụ thích hợp mới hiểu được. Chẳng hạn nguyên tử vật chất hình thành do hai hoặc ba loại hạt là proton, neutron và electron như các hình vẻ bên trên đã chỉ rõ, xin lặp lại :

Trong sự kết hợp thành nguyên tử hydrogen này, proton vẫn là proton , electron thì vẫn là electron, đâu phải do sự kết hợp mới phát sinh. Điều khó hiểu chính là ở chỗ này. Như Heisenberg đã nói ở trên, nguyên tử không phải là vật mới phát sinh, nguyên tử không có thật, nguyên tử hydrogen vẫn chỉ là hạt proton làm hạt nhân và hạt electron quay chung quanh, chứ chẳng phải cái gì khác (đó là ý nghĩa câu trong hòa hợp đã có sẵn) đâu phải do hòa hợp mà sinh ra. Mặt khác nếu nói các duyên kết hợp mà không sanh ra kết quả gì, chẳng hạn một hạt proton kết hợp với một hạt electron mà không sinh ra nguyên tử hydrogen thì cũng không đúng thực tế. Để thấy rõ hơn nữa, hãy xem một thí dụ khác là nước, H2O, do sự hòa hợp giữa hai nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy. Trong kết quả này thì H2 vẫn là H2, O vẫn là O chứ chẳng phải cái gì khác, nhưng cảm nhận của con người thì rất khác, nước là một chất khác hẳn hai loại khí kia, đây phải là một sự tưởng tượng đồng bộ của cả lục thức chứ không phải chỉ là tưởng tượng suông của ý thức, nghĩa là cả mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, có tác dụng giải khát, sinh hóa, tăng trưởng của cơ thể. Kết quả này không phải chỉ do sự hòa hợp, bởi vì nếu không có chủ thể nhận thức, phân biệt thì không có gì khác nhau. Như vậy sự khác nhau phải là do có người phân biệt, tưởng tượng chứ không phải chỉ là do sự hòa hợp. Đây là một vấn đề rất lớn trong nhận thức luận. Einstein đã từng đưa ra thách thức: “Nếu không có ai nhìn mặt trăng thì mặt trăng không tồn tại hay sao ?” Long Thọ ắt trả lời rằng: đúng vậy, nếu không có người phân biệt thì mặt trăng chỉ là một cấu trúc ảo, làm bằng quark, electron chứ không có thật, bản chất nó là không. 

Như vậy kết luận, kết quả hay hiện tượng xảy ra không phải là do duyên hợp hay không hợp, nếu không có kết quả thì sự kết hợp đâu có tác dụng gì, nhưng thực tế là có tác dụng, chẳng hạn sự kết hợp của một hạt proton và một hạt electron thì có kết quả là nguyên tử hydrogen. Nhưng kết quả này không phải do hòa hợp mà là do tưởng tượng.

Đó là ý nghĩa của ba bài kệ về quán nhân quả ở trên. Ở đây cần phải phân tích thêm tại sao bài kệ thứ ba nói kết quả không phải sinh ra do duyên hợp hay không hợp (Thị cố quả bất tòng, Duyên hợp bất hợp sinh). Đây là một điểm rất quan trọng mà khoa học thế kỷ 20 mới phát giác, phải cần có người khảo sát hoặc thiết bị thăm dò để nhận thức, phân biệt vật, tưởng tượng ra thì vật mới hiện hữu. Đây chính là điều mà nhà vật lý học và khoa học máy tính Von Neumann nói “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật.) Đây cũng chính là thế giới quan cơ bản của Phật giáo, tâm chính là nguồn gốc và động lực của tất cả các pháp. Nhân cũng là tâm mà quả cũng là tâm. Tại sao như vậy ? Vì quark và electron chỉ là hạt ảo, các cấu trúc nhân duyên của nguyên tử, của vật chất đều là cấu trúc ảo. Dưới tác dụng của chánh biến tri, các cấu trúc ảo hình thành lục căn, lục trần, 12 giới này tương tác với nhau theo từng cặp phát sinh ra lục thức, 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức) này chính là điều kiện căn bản để vũ trụ vạn vật hình thành. Trong quá trình hình thành vũ trụ, lại phát sinh thêm 2 giới nữa là mạt-na và a-lại-da. Mạt-na là thức chấp ngã của chúng sinh, phân biệt chúng sinh này với chúng sinh khác. A-lại-da là kho chứa tất cả mọi dữ liệu phát sinh trong quá trình hình thành tam giới của tất cả chúng sinh. A-lại-da cũng chính là tâm bất nhị, là nguồn gốc chung của tam giới.

Vì tất cả chỉ là ảo hóa nên Phật Giáo (Bát Nhã Tâm Kinh) mới nói ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) giai không, khổ tập diệt đạo cho tới cứu cánh niết bàn đều không phải thật. Giác ngộ tam giới duy tâm, tất cả chỉ là ảo hóa thì tất nhiên giải thoát tất cả mọi khổ nạn (độ nhất thiết khổ ách) vì tất cả mọi cảnh giới, mọi hiện tượng đều chỉ là nằm mơ giữa ban ngày.

Tuy nhiên, Long Thọ Bồ Tát không phủ nhận cuộc sống thế gian dù biết đó là ảo, nên mới có Trung Quán Luận, chỉ ra con đường ở giữa. Không quá chấp trước cảnh mộng huyễn của thế gian để chuốc lấy phiền não, cũng không thiên chấp ở tánh không, bởi tất cả mọi diệu dụng đều nằm ở chỗ ảo hóa. Mọi người có thể tự do tự tại sống cuộc sống của mình, đừng có quá cố chấp cũng không có cái gì phải bỏ.

Ngày nay không phải chỉ có Phật Giáo nói vạn pháp duy thức. Một số nhà khoa học cũng nói và viết sách trình bày sự việc rất là cụ thể với vạn pháp duy thức của Phật Giáo.  Hai trong những người đó là Craig Hogan và David Bohm.

Tạp chí Scientific American số tháng 2/2012 có đăng bài viết “Is Space Digital?” (phải chăng vũ trụ là thông tin số hóa?) của Michael Moyer về một thí nghiệm đang được tiến hành ở Chicago bởi Craig Hogan (Giám đốc Trung tâm Vật lý thiên văn và các hạt cơ bản, Phòng thí nghiệm gia tốc Quốc gia Fermi, GS Đại học Chicago, Illinois ) nhằm đo tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise,) nó biểu hiện mối liên quan sâu xa giữa thông tin, vật chất và thời-không.  Nếu tồn tại tiếng ồn toàn ảnh thì theo Craig Hogan, vũ trụ của chúng ta là số (digital) và chúng ta có một hình mẫu (paradigm ) mới cho vũ trụ quan của thế kỷ 21th. Vũ trụ không liên tục mà là gián đoạn bao gồm  những bit thông tin. Vũ trụ 3D phát sinh (emerge) từ những bit thông tin chứa trên một mặt phẳng 2D.

Thông tin về vũ trụ ba chiều có thể được ghi lại trong mặt phẳng hai chiều bằng phương pháp toàn ảnh (hologram). Kỹ thuật này gọi là holography (phương pháp toàn ảnh). Chữ holography có gốc từ tiếng Hy lạp holos whole ( toàn thể ) + graphe writing (ghi ảnh). Đây là một phương pháp chụp ảnh hiện đại. Holography được sáng chế năm 1948 bởi nhà vật lý Dennis Gabor (1900-1979),  nhờ thành tích này ông được nhận giải Nobel năm 1971.

Nguyên lý toàn ảnh đưa đến một triết học sâu sắc của David Bohm quan niệm rằng thực tại mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày chỉ là một loại ảo tưởng giống như một bức tranh toàn ảnh (hologram.)  Dường như thực tại có hai mức: một mức ở sâu hơn gọi là mức tiềm ẩn (cuộn lại) /implicate (enfolded) và một mức gọi là mức tường minh (mở ra) /explicate (unfolded.)  Một film toàn ảnh (hologram) và hình ảnh nó tạo ra trên màn hình là ví dụ của hai mức tiềm ẩn và tường minh. Cuộn film thuộc mức tiềm ẩn vì hình ảnh được mã hóa trong các dạng giao thoa chứa trong film còn hình ảnh chiếu ra thuộc mức tường minh vì các giao thoa mã hóa được mở ra (unfolded.)

Theo David Bohm, sóng và hạt đều bị cuộn lại trong một thực thể lượng tử, chỉ có quá trình tương tác mới bộc lộ tường minh một khía cạnh nào đó, còn khía cạnh kia vẫn nằm tiềm ẩn. Vì danh từ toàn ảnh (holographic) có tính tĩnh tại (static) nên để mô tả những quá trình động (dynamic) cuộn lại và mở ra liên tục của thực tại nên David Bohm đưa ra danh từ toàn ảnh động (holomovement.)

Bohm quan niệm rằng mọi vật trong vũ trụ đều là những phần tử của một continuum . Bohm cho rằng phân biệt thế giới sống (living) và không sống (nonliving) là điều vô nghĩa.

Vì mỗi phần của một bức toàn ảnh (hologram) đều chứa thông tin của toàn ảnh cho nên mỗi bộ phận của vũ trụ đều chứa thông tin của toàn vũ trụ. Điều đó có nghĩa là nếu biết cách tiếp cận thì chúng ta có thể tìm thấy thiên hà Tiên nữ (Andromeda) trong móng ngón tay bàn tay trái. Bài thơ của William Blake (thi sĩ Anh 1757-1827) sau đây diễn tả cùng một ý.

To see a World in a Grain of Sand,

And a Heaven in a Wild Flower.

Hold Infinity in the palm of your hand,

And Eternity in an hour.

 

Dịch nghĩa:

Để  thấy Vũ trụ trong một Hạt cát,

Và  Bầu trời  trong một Đóa hoa Rừng.

Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn,

Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.

(Cao Chi- Vũ trụ toàn ảnh: một kỷ nguyên khoa học mới? và Vũ trụ là số?)

Cái liên tục (continuum) mà Bohm đề cập chính là Tâm như hư không vô sở hữu mà Long Thọ nói. Đó không phải là thời-không, vì thời-không cũng cấu tạo bằng lượng tử tức rời rạc, chỉ có Tâm bất nhị mới là liên tục, không có gián đoạn, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian hay số lượng, không có vấn đề tồn tại hay không tồn tại, vì nó là tuyệt đối, không có nhị nguyên đối đãi. Tâm là bất khả tư nghị, tất cả mọi lượng tử rời rạc đều liên thông trong tâm ấy, thậm chí vô lượng lượng tử cũng chỉ là một, mà không phải là một, nên mới tạm gọi là bất nhị. Ngôn ngữ không thể diễn tả được thực tế đó, điều này đã được trình bày trong Kinh Kim Cang, nếu cố dùng ngôn ngữ để diễn tả thì sẽ như sau “Thế giới tức phi thế giới thị danh thế giới” (Thế giới tức không phải thế giới gọi là thế giới) diễn tả như vậy thì lý trí không thể hiểu được vì nó phi lý. Nhưng phi lý cũng tức là có lý. Bát nhã Tâm kinh đã nói rõ ràng : Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. (Sắc là vật chất hữu hình, Không là trống rỗng không có gì cả)

Trong kinh điển Phật giáo thì vạn pháp duy thức, hay nói cách khác, vũ trụ vạn vật chỉ là ý thức, là thông tin (Information Technology,) là số (digital) đã được khẳng định gần 2000 năm trước, khi ngài Thế Thân (zh. 世親,  sa. Vasubandhu  316-396 CN) đưa ra hai bộ luận : Duy thức nhị thập luận và Duy thức tam thập tụng khẳng định rằng thế giới chỉ là thức, là thông tin, bởi vì bản chất của thức là thông tin. Nhưng ngày xưa ít có ai hiểu được tư tưởng này, hoặc chỉ hiểu lờ mờ không rõ ràng, ngay cả việc xác định thức chính là thông tin cũng không được bàn luận tới. Mãi tới cuối thế kỷ 20 khi con người phát minh ra computer, ngành công nghệ thông tin, internet phát triển mạnh mẽ, mới có người vỡ lẽ ra thức chính là thông tin (Information Technology [IT].)  Trong giới Phật tử, hầu như không ai không nghe câu “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức,” thế nhưng có hiểu, có tin hay không lại là chuyện khác.

Chính vì thế giới chỉ là thông tin (Information Technology, IT) chứ không có thực thể, không có thực chất, nên người làm chủ được thông tin thì sẽ có thần thông hay công năng đặc dị, có thể làm được những điều mà quần chúng cho là phép tắc thần tiên. Khoa học kỹ thuật cũng là một dạng làm chủ tri thức, làm chủ thông tin. Nhưng khoa học kỹ thuật dùng tri thức để sản xuất ra vật dụng, máy móc thiết bị và sử dụng máy móc thiết bị đó để sản xuất ra vật phẩm ngày càng nhiều và tinh vi, cũng tạo được công năng thần kỳ, chẳng hạn Quantum computer, điện thoại di động, 3-D Printer, teleportation.  Còn người có thần thông hay đặc dị công năng thì dùng sức mạnh tâm linh để điều khiển vật chất như ý muốn không phải dùng phương tiện khoa học.

Bộ Thành Duy Thức Luận 成唯識論 của đại sư Huyền Trang đã dịch và tổng hợp từ nhiều tác phẩm về duy thức học của các luận sư Ấn Độ mà cơ bản là Duy Thức Tam Thập Tụng (zh. 唯識三十頌, sa. triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā) là một trước tác của Thế Thân (sa. Vasubandhu, zh. 世親), trong đó tổng kết mô tả của Phật Giáo về thế giới là “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (tam giới : dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đều chỉ là tâm niệm, tất cả các pháp đều chỉ là tâm thức.)

Trung Quán Luận, gọi đầy đủ theo tên Phạn Văn là Căn Bản Trung Luận Tụng (sa. mūlamadhyamakakārikā)  của Long Thọ Bồ Tát (zh. 龍樹; sa. nāgārjuna) mô tả tả thế giới chỉ là Không, không có gì cả, thế giới chỉ là Tâm như hư không vô sở hữu (thế giới tuy có hiện tượng nhưng đó chỉ là ảo hóa, không có thật.)

Trong một tác phẩm của Thế Thân 世親Vasubandhu (316-396CN), Tổ thứ 21st  của Thiền tông Ấn Độ, sống vào thế kỷ thứ IV Công Nguyên, Duy Thức Tam Thập Tụng 唯識三十頌 sa.triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā là 30 bài tụng hiển bày ý nghĩa duy thức. Theo Duy Thức Tam Thập Tụng, Nội Dung Và Ứng Dụng, Posted on 03/09/2015, Truyền Bình viết: 30 bài Duy Thức tụng hiển bày nền tảng của vũ trụ vạn vật là thức, thức cũng tức là thông tin (information technology [IT]) nên có thể nói vũ trụ vạn vật cũng là thông tin, là số (the universe is digital, 1 and 0.) 

Ngài Thế Thân không có chú giải tác phẩm này của mình, sau khi ông tịch diệt, có nhiều người chú giải, trong số đó, đáng chú ý là chú giải của An Huệ 安慧 sa. Sthiramati (510-570CN) hiện vẫn còn bản Phạn ngữ.  Duy Thức Tam Thập Tụng đã được đại sư Huyền Trang 玄奘 (602-664CN) biên dịch và đưa vào trong bộ Thành Duy Thức Luận 成唯識論. Trước Huyền Trang, Chân Đế 真諦 (Parāmartha 499 -569) cũng có dịch tác phẩm này ra Hán văn.  Năm 1922, Sylvain Lévi tìm thấy bản tiếng Phạn (Sanskrit) tại Nepal.

Ngài Thế Thân (Vasubandhu) là một tỳ kheo từ Gandhara một trong những người sáng lập trường phái triết lý Phật Giáo Duy Thức Học (Yogacara school of Buddhist philosophy.) Ngài Thế Thân là một trong hầu hết những biểu tượng ảnh hưởng trong toàn thể lịch sử của Phật Giáo.

Theo Wikipedia, Thế Thân (zh. shìqīn 世親, ja. seshin, sa. vasubandhu, bo. dbyig gnyen དབྱིག་གཉེན་), ~316-396, cũng được dịch là Thiên Thân (zh. 天親), gọi theo Hán âm là Bà-tu-bàn-đầu (zh. 婆修盤頭), Bà-tẩu-bàn-đậu (zh. 婆藪槃豆), là một Luận sư xuất sắc của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin) và Duy thức tông (sa. vijñānavādin), được xem là Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ. Người ta cho rằng Sư sinh tại Peshāwar (địa danh ngày nay), sống tại Kashmir và chết tại A-du-đà (ayodhyā). Sư vừa là em vừa là đệ tử của Vô Trước (sa. asaṅga), người sáng lập phái Duy thức. Vô Trước là người đã khuyến dụ Thế Thân theo Đại thừa.

Có nhiều giả thuyết về con người Thế Thân, trong đó Erich Frauwallner – một nhà Phật học người Đức – cho rằng có hai người tên Thế Thân, một là luận sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ, là người soạn A-tì-đạt-ma-câu-xá luận nổi danh của phái này. Người kia là em của Vô Trước, đã soạn bộ Duy thức nhị thập luận. Thuyết này đã bị Lê Mạnh Thát biện bác trong tác phẩm Triết học Thế Thân (The Philosophy of Vasubandhu). Bộ Duy thức nhị thập luận này là sự tổng kết quan điểm của Duy thức tông, được dịch ra chữ Hán và Tây Tạng. Sư cũng là tác giả của Duy thức tam thập tụng, luận giải quan điểm của Duy thức tông, cũng như tác giả của nhiều bài luận về các tác phẩm của Vô Trước và về giáo lí Đại thừa như Thập địa, Kim cương kinh, Diệu pháp liên hoa kinh, A-di-đà kinh (sa. sukhāvatī-vyūha).

Giáo sư, tiến sĩ, sử gia, thiền sư Lê Mạnh Thát, pháp danh là Thượng tọa Thích Trí Siêu sinh ngày 15 tháng 4 năm 1944 tại Làng Cu Hoan, Xã Hải Thiện, Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.  Giáo Sư Lê Mạnh Thát được biết nhiều bởi những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử Việt Nam.  Một số các phát hiện mới của ông về lịch sử Việt Nam gây chấn động giới nghiên cứu sử. 

Thượng tọa Thích Trí Siêu và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là những lãnh tụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam bắt giữ, giam cầm và bị tuyên án tử hình vào tháng 9 năm 1988 vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.” Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tục danh Phạm Văn Thương sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943 tại Paksé, Lào, quê tại Quảng Bình, Việt Nam, là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam Xã hội Chủ Nghĩa hiện nay.

Theo Sự Phát Triển Của Đại Thừa, Ngài Thế Thân (Vasubandhu Bà-Tu-Bàn-Đầu) sanh cùng mẹ khác cha sau Vô Trước luận sư độ hai mươi năm. Thế Thân Bồ-Tát là một bậc thông minh tài tuấn. Ngài xuất-gia theo Hữu-bộ, đến xứ Ca-Thất-Di-La học giáo nghĩa Đại-Tỳ-Bà-Sa, rồi trở về bản quốc là nước Kiền-Đà-La thuộc miền Bắc-Ấn, soạn ra bộ Câu-Xá-Luận. Lúc đầu ngài hết sức hoằng dương giáo lý Tiểu-thừa, bài bác Đại-thừa. Sau nhờ anh là Vô-Trước điểm hóa, ngài được khai ngộ, trở lại tuyên dương Đại-thừa Phật-giáo. Trước sau ngài trứ tác tất cả 500 bộ luận Tiểu-thừa và 500 bộ luận Đại-thừa. Căn cứ theo những bộ đã dịch sang chữ Hán, ta có thể chia tư tưởng học thuật của ngài thành năm thời kỳ: Tiểu-thừa Hữu-bộ, Đại-thừa Duy-thức, Kim-Cang-Bát-Nhã, Pháp-Hoa, Niết-Bàn và Tha-Lực-Tịnh-Độ.

Sau các đại học giả: Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, ta có thể nói Thế Thân luận sư là một ngôi sao sáng chói nhất trên nền trời Phật Học ở Ấn Độ thời bấy giờ. Những đặc sắc của ngài cũng đi song song với Bồ Tát Long Thọ. Nếu Bồ Tát Long Thọ là bậc hưng long Đại Thừa Phật Giáo ở thời đầu, thì ngài là bậc trung hưng giáo pháp nầy ở thời giữa. Bồ Tát Long Thọ hoằng truyền Phật Giáo ở Nam Ấn, ngài thạnh truyền chánh pháp ở Bắc Ấn. Bồ Tát Long Thọ kế thừa hệ thống giáo lý của Đại Chúng Bộ, ngài kế thừa hệ thống tông nghĩa của Thượng Tọa Bộ. Bồ Tát Long Thọ xương minh tư tưởng Chư Pháp Thật Tướng thuộc lập thuyết “Không,” ngài đề xướng tư tưởng A-lại-da-duyên-khởi thuộc lập thuyết “Hữu.” Bồ Tát Long Thọ vang danh là Thiên bộ luận chủ, ngài cũng nổi danh là Thiên bộ luận sư.  Qua thời gian du hóa đó đây, cuối cùng Thế Thân luận sư trở về nhập diệt tại nước A Du Đà, hưởng thọ 80 tuổi.

Cư Sĩ Truyền Bình viết tiếp: Nội dung tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng là luận vạn pháp là do thức biến hiện, chia thức năng biến và sở biến thành ba nhóm: dị thục (thức thứ tám), tư lượng (thức thứ bảy), liễu biệt cảnh (tiền ngũ thức và ý thức.)  Kế đó nói về nhị thủ tức cặp phạm trù mâu thuẫn, nêu một đại biểu là cặp thiện-ác (tốt-xấu.)  Tiếp theo, giải thích hoạt động của thức dựa vào ba tính chất: biến kế sở chấp (vọng tưởng,) y tha khởi (dựa vào vật khác) và viên thành thật (tạo ra vật như thật,) đó là cách mà thế giới xuất hiện. Cuối cùng trình bày mật ý của Phật rằng tất cả các pháp đều không có tự tính và đi đến kết luận rằng thức không phải chỉ là thuộc tính của chúng sinh, mà thực tế là thực trụ duy thức, nghĩa là thức chính là nền tảng của vũ trụ vạn vật, là chân như bất sinh bất diệt. Giác ngộ như thế sẽ đưa đến an lạc giải thoát, là đại mâu ni tức là đại tịch nhiên, cảnh giới vô lậu không thể nghĩ bàn, đó mới là chân thiện không còn đối đãi.

Tương tự, Ngài Vô Trước (Asanga,) – một triết gia Phật Giáo, đồng sáng lập tông phái Duy Thức, đã triển khai lý thuyết Duy Thức này.  Căn cứ theo tài liệu kinh điển Nguyên thủy cho rằng thế giới chỉ là một khái niệm, một tư tưởng, một ý kiến.  Để chứng minh lý thuyết này, Ngài Vô Trước đã định nghĩa Nguyên Tử, và định nghĩa của Ngài từ 16 thế kỷ trước, khoảng vào thế kỷ thứ 4th  sau Công Nguyên, đã qua vẫn còn giá trị cho nhân sinh đến ngày nay.

Theo Sự Phát Triển Của Đại Thừa: Sau Phật diệt độ 900 năm, có hai bậc đại học giả Phật-giáo ra đời. Đó là Ngài Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu, Bà-Tu-Bàn-Đầu.)  Sanh quán của hai ngài ở tại thành Bá-Lộ-Sa (Purasapura), thuộc nước Kiền-Đà-La miền Bắc-Ấn. Hai ngài nguyên dòng dõi Bà-La-Môn, thân phụ là Kiều-Thi-Ca (Kausika), thân mẫu là Tỷ-Lân-Trì (Virinci). Vô-Trước có ba anh em, ngài là anh cả, Thế-Thân là em lớn, Tỷ-Lân-Trì-Tử (Virincivaisa) là em út. Cả ba anh em đều xuất-gia đầu Phật. Ban sơ ngài Vô-Trước tin theo đạo Bà-La-Môn, sau bỏ Bà-La-Môn đi xuất-gia, học tập đạo pháp Tiểu Thừa thuộc Hữu Bộ. Nhưng vì không mãn nguyện với giáo lý ấy, ngài lại chuyển sang nghiên cứu Kinh Điển Đại Thừa. Tương truyền, ngài đã dùng sức thần thông lên cung trời Đẩu Suất (Tusita) để nghe BồTát Di Lặc (Maitreya) giảng về pháp Đại-thừa. Sau khi đó, ngài lại thỉnh Bồ-Tát giáng xuống hạ giới, ngự tại một giảng đường thuộc nước A-Du-Đà (Ayodhyà) miền Trung-Ấn. Trong khoảng thời gian bốn tháng, cứ về đêm thì ngài nghe Bồ-Tát thuyết pháp, ban ngày lại đem những điều đã nghe được tuyên giảng cho đại chúng. Và cũng trong vòng bốn tháng. Bồ Tát Di Lặc đã nói xong năm bộ đại luận: Du-Già-Sư-Địa-Luận, Đại-Thừa-Trang-Nghiêm-Kinh-Luận, Thập-Địa-Kinh-Luận, Trung-Biên-Phân-Biệt-Luận, Kim-Cang-Bát-Nhã-Luận.

Ngài Vô Trước cũng có nhiều trứ tác riêng, gây thành hệ thống Pháp-Tướng Duy-thức-học. Nơi trung tâm hoằng pháp của ngài là hai nước A-Du-Đà và Ma-Kiệt-Đà. Ngài thọ được 75 tuổi.  Theo Wikipedia, Vô Trước (zh. 無著; sa. asaṅga, nghĩa là "không bị ô nhiễm, vướng mắc"), cũng được dịch âm là A-tăng-già (zh. 阿僧伽), khoảng thế kỷ 4, là một Đại luận sư của Phật giáo Ấn Độ, người sáng lập Duy Thức Tông (sa. vijñānavādin). Sư khước từ quan điểm của Long Thụ (sa. nāgārjuna) về tính Không tuyệt đối và thiết lập giáo pháp của mình dưới ảnh hưởng của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin). Tương truyền Sư được Bồ Tát Di-lặc trực tiếp giáo hoá. Có một số luận sư cho rằng Di Lặc này là một nhân vật lịch sử với tên Maitreyanatha (sa. Maitreyanātha.)  Theo Bà-tẩu-bàn-đậu pháp sư truyện (zh. 婆藪槃豆法師傳, tức là Thế Thân truyện) của Chân Đế (sa. paramārtha), Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn và là người anh cả, Thế Thân (sa. vasubhandu) là người em kế và người em út có tên Tỉ-lân-trì-bạt-bà (zh. 比鄰持跋婆, sa. viriñcivatsa). Cả ba anh em đều tu học giáo pháp của Thuyết nhất thiết hữu bộ. 

Tâm Không với khả năng sáng tạo vô tận.  Tính Không của đạo học phương Đông dễ dàng được so sánh với trường lượng tử của vật lý hạ nguyên tử là cơ bản tạo ra vũ trụ vạn vật.  Cũng như trường lượng tử, Không có thể sản sinh thiên hình xum la vạn trạng sắc thể,  Tính Không giữ vững, đưa chúng ra và có khi thu hồi chúng lại – có không, không có. 

Như bài thơ Hữu Không của Thiền sư Từ Đạo Hạnh:

“Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.”

 

Phan Kế Bính phóng dịch:


“Có thì có tự may may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông,
Ai hay không có, có không là gì!”

Trong các bài thuyết giảng (Upanishad) ta nghe: Trong tĩnh lặng, hãy cầu khẩn Nó.  Nó là tất cả, suối nguồn xuất phát. Nó là tất cả, nơi chốn trở về.  Nó là tất cả, trong đó ta thở.

Trong Đạo của Vật Lý, Capra viết: Mọi dạng hình của tính Không huyền bí đó cũng như các hạt nhân, chúng không tĩnh lặng và bền vững, mà luôn luôn động và biến dịch; chúng sinh thành và hoại diệt trong một trò nhảy múa không nghỉ của vận hành và năng lượng. Cũng như thế giới hạ nguyên tử của nhà vật lý, thế giới sắc thể của Đông Phương đạo học là một thế giới của lang thang luân hồi, gồm liên tục những sống chết nối tiếp nhau. Là sắc thể vô thường của Không, sự vật của thế gian này không hề có tự tính căn bản gì cả. Điều này được nêu rõ đặc  biệt trong triết lý Phật giáo, lý thuyết này phủ nhận sự hiện hữu của một chất liệu vật chất; và nhấn mạnh rằng, hình dung về một cái Ta (ngã) bất biến, cái ta đó là kẻ thu lượm những kinh nghiệm khác nhau, hình dung đó chỉ là ảo giác. Phật giáo hay so sánh ảo giác về một tự thể vật chất và một cái ngã cá thể như những đợt sóng, trong đó sự vận động lên xuống của những hạt nước làm ta nghĩ rằng có một khối nước di chuyển trên bề mặt, đi từ chỗ này đến chỗ kia. Thật thú vị khi thấy rằng nhà vật lý cũng dùng ẩn dụ tương tự để nói về ảo giác tưởng rằng có một chất liệu do hạt di chuyển sinh ra. Hermann Weyl viết như sau: Theo lý thuyết trường của vật chất thì một hạt khối lượng - như một electron chẳng hạn - chỉ là một phạm vi nhỏ của điện trường, trong đó đại lượng trường mang một trị số cực cao, xem như năng lượng rất lớn của trường tập trung vào một không gian rất nhỏ. Một điểm nút năng luợng như thế, nó không hề tách biệt với trường bọc xung quanh, lan rộng ra ngoài xuyên qua không gian trống rỗng cũng như một đợt sóng lan ra trên mặt hồ. Cho nên  cái tưởng như là chất liệu duy nhất mà electron luôn luôn được cấu tạo nên, cái đó không hề có.  Trong triết học Trung Hoa, ý niệm về trường không những được hàm chứa trong Không và vô sắc mà cả trong khái niệm Khí luân lưu từ các huyệt đạo trong cơ thể. Khái niệm này đóng một vai trò quan trọng trong từng trường phái của khoa học tự nhiên Trung Hoa và trong trường phái Tân Khổng Giáo.

Nguyên tử (Paranamu) được hiểu như không có Thực thể (Nissarira). Nhưng các nhà thông thái lại xác định bản chất của Nguyên tử qua việc phân tách Trọng khối của Vật thể. Tất nhiên Ngài Vô Trước không chú ý đến khoa Vật lý, Ngài chỉ nói về Siêu hình và Triết học. Điều quan tâm của Ngài là bày tỏ rằng thế giới mà mọi người cho là Vật chất thực ra không có thật mà chỉ là một khái niệm.

Theo Albert Einstein, “khi được phân tích đến cùng, vũ trụ chẳng còn được gọi là vật chất mà chỉ là những âm ba rung chuyển, hay những làn sóng.”

Gần đây, quan niệm của Ngài Vô Trước đã được triển khai trong cuốn “Khuôn Mẫu Toàn Ký” (The Holographic Paradigm) của Ken Weiber, và cuốn “Pháp Giới Như Huyễn” (The Holographic Universe) của Michael Talbot.  Michael Talbot cho rằng vũ trụ như huyễn (The Hollographic Universe), và Ken Welber chủ trương rằng vạn vật trong vũ trụ chỉ là những ảnh tượng (The Hollographic Paragdigm.)  Cả hai đều cùng đồng quan điểm với Phật Giáo là vũ trụ vạn vật đều là như huyễn, như ảo.

Bộ mặt thật của những hạt ảo này đã được John Ellis trong thuyết tơ trời (STT) khám phá và định nghĩa như sau:

“Trước đây, những hạt cơ bản tức là những điểm cực nhỏ không tạo thành được cấu trúc, thật ra chỉ là những bụng sóng vi tế như của cây đàn đang rung, di chuyển trong không trung .. Ta biết rằng khi ta gẫy một dây đàn thì nó sẽ rung theo những tần số khác nhau. Vậy ta có thể hình dung các loại hạt cơ bản trên dây tương ứng với các bụng sóng khác nhau của dây đàn đã rung được truyền đi, giống  với các “nốt nhạc” khác nhau cùng được gẫy trên một dây đàn …”

Trước đây, với cơ học lượng tử, hạt được quan niệm là một điểm thì khi chuyển động trong không gian, nó vạch thành đường thẳng mà ta có thể gọi là “đường trời” (World line). Đến nay thuyết STT, hạt được giải thích là bụng sóng, thì ta có thể tưởng tượng đường đi của nó tựa như cái đơm (lasso) chập chờn trong không gian mà ta gọi là giãi “buồm trời” (World sheet) niệm, một tư tưởng, một ý kiến.

Cũng như Ngài Vô Trước đã nói, Albert Einstein cho rằng Vật Chất chỉ là Năng Lượng qua công thức E = mc2 .  Ông là người hiểu rõ thực tại của các Lượng Tử (Hạt Ảo) nên ông đã quan niệm rằng chúng chỉ là những âm ba rung động, hay những làn sóng. 

Albert Einstein cũng cho rằng vũ trụ khi được phân tách đến cùng chẳng có gì là vật chất [sắc là không] mà chỉ còn lại những rung động (Vibrations,) hay những Làn sóng (Waves.)

Sau đó, một số đệ tử của ông đã nêu lên thuyết Siêu Tơ Trời (Superstring) cho rằng xuống đến bình diện những Hạt Hạ Nguyên Tử (Subatomic particles hay Hạt Ảo,) những phân tử chỉ là những bọt sóng, những nốt nhạc rung lên của cung đàn.

Nhờ khái niệm trường lượng tử nên vật lý hiện đại tìm ra được một câu trả lời bất ngờ cho câu hỏi chưa được trả lời xưa, liệu vật chất do những hạt nguyên tử bất phân cấu thành hay từ một thể liên tục sinh ra? Trường là một thể có mặt cùng lúc khắp nơi trong không gian, thế nhưng ở khía cạnh hạt của nó có một cơ cấu hạt phi liên tục. Hai khái niệm tưởng chừng như mâu thuẫn đó được thống nhất với nhau và được xem như hai khía cạnh của một thực tại duy nhất. Như mọi lần khác trong thuyết tương đối, sự thống nhất này cũng thực hiện theo cách động: hai khía này của vật chất chuyển hóa lẫn nhau liên tục không nghỉ.  Phật Giáo diễn tả tính nhất thể động giữa Không và Sắc, Sắc do Không tạo ra. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Cái gì là Sắc, cái đó là Không. Cái gì là Không, cái đó là Sắc.

Lama Govinda nói: Mối liên hệ giữa Sắc và Không không thể được xem là hai tình trạng loại bỏ lẫn nhau, mà chỉ là hai khía cạnh của một thực tại duy nhất, nó cùng hiện hữu và liên tục kết nối với nhau.

Điều này cũng giống như trong một loạt phim Star Trek, nhà viết truyện phim đã nêu lên giả thuyết về Vô Tuyến Truyền Vật (viễn tải lượng tữ, tàn hình, teletransportation) như sau: Một phi hành gia đứng vào một vòng  tròn và bấm vào một cái máy giống như cái cell phone, thân hình của họ tan biến thành vô vàn vô số những điểm sáng ti vi (lượng tử.)  Sang đến phi thuyền hay đến một địa điểm đã định, những điểm sáng đó lại dần dần chắp lại thành hình của họ như cũ.  Điều này đang được khoa học nghiên cứu và đã áp dụng vào trong Information Technology/memory nhưng chưa áp dụng được cho du hành vượt thời gian trong vũ trụ.

Trong bài Viễn Tải Lượng Tử, Lý Thuyết Và Thực Nghiệm, Cư Sĩ Truyền Bình kết luận, “Viễn tải lượng tử là một phương thức di chuyển hữu hiệu trong không gian vũ trụ. Đó cũng chính là một phương thức di chuyển tâm linh mà chúng sinh trong Tam Giới áp dụng để đầu thai tái sinh hoặc hóa sinh trong bất cứ cõi giới nào, tại bất cứ hành tinh và hệ mặt trời nào. Khoa học còn rất lâu mới thực hiện được viễn tải lượng tử con người và đồ vật, nhưng một số nhà đặc dị công năng đã thực hiện được. Trong thế kỷ 21 con người đã thấy được khá rõ con đường hợp nhất giữa khoa học và tâm linh, đó tất yếu sẽ là cứu cánh cho tất cả mọi vấn đề của nhân loại hiện nay.”  (Duy Lực Thiền, Posted on 18/08/2015, https://duylucthien.wordpress.com/2015/08/18/vien-tai-luong-tu-ly-thuyet-va-thuc-nghiem/)

Theo Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ Điển. Phật Quang Đại Từ Điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.) Tam giới bao gồm:

1. Dục giới (欲 界; s, p: kāmaloka, kāmadhātu, bo. `dod khams འདོད་ཁམས་, `dod pa`i khams འདོད་པའི་ཁམས་), có Ái dục về giới tính và những ái dục khác.

  • Trong dục giới có những loại hữu tình sau:

Địa ngục (zh. 地獄; naraka)

Ngạ quỷ (zh. 餓鬼, sa. preta)

Súc sinh (畜生, sa. paśu)

Loài người (人世, sa. nāra)

A-tu-la (阿修羅; asura)

Sáu cõi Thiên ở cõi dục (lục dục thiên 六欲天):

Tứ thiên vương (zh. 四天王, sa. cāturmahārājika);

Đao lợi (忉利) hay Tam thập tam thiên (三十三天, sa. trayastriṃśa);

Dạ-ma (夜摩, sa. yāmadeva) hoặc Tu-dạ-ma thiên (須夜摩天, sa. suyāma);

Đâu-suất thiên (兜率天, sa. tuṣita);

Hoá lạc thiên (化樂天, sa. nirmāṇarati);

Tha hoá tự tại thiên (他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti);

2. Sắc giới (zh. 色界, sa. rūpaloka, rūpadhātu, bo. gzugs khams གཟུགས་ཁམས་): các vị ở đây thuộc nam tính nhưng đã chấm dứt mọi dục tính, ăn uống, nhưng còn có khoái lạc. Đây là thế giới của các thiên nhân trong cõi Thiền (sa. dhyāna). Hành giả tu tập thiền định có thể tái sinh trong cõi sắc. Sắc giới gồm bốn cõi, mỗi cõi lại được chia làm nhiều cõi thiên khác nhau:

  • Sơ thiền thiên (zh. 初禪天) với ba cõi thiên sau:

Phạm thân thiên (zh. 梵身天, sa. brahmakāyika);

Phạm phụ thiên (zh. 梵輔天, sa. brahmapurohita);

Đại phạm thiên (大梵天, sa. mahābrahmā).

Có hệ thống ghi thêm cõi thiên thứ tư của Sơ thiền thiên là Phạm chúng thiên (zh. 梵眾天, sa. brahmaparśadya).

  • Nhị thiền thiên (二禪天) với ba cõi sau:

Thiểu quang thiên (少光天, sa. parīttābha);

Vô lượng quang thiên (無量光天, sa. apramāṇābha);

Cực quang tịnh thiên (極光淨天, sa. abhāsvara, cựu dịch là Quang âm thiên 光音天).

  • Tam thiền thiên (三禪天) bao gồm:

Thiểu tịnh thiên (少淨天, sa. parīttaśubha);

Vô lượng tịnh thiên (無量淨天, sa. apramāṇaśubha);

Biến tịnh thiên (遍淨天, sa. śubhakṛtsna).

  • Tứ thiền thiên (四禪天) gồm có:

Vô vân thiên (無雲天, sa. anabhraka);

Phúc sinh thiên (福生天, sa. puṇyaprasava);

Quảng quả thiên (廣果天, sa. bṛhatphala);

Vô tưởng thiên (無想天, sa. asāṃjñika);

Vô phiền thiên (無煩 天, sa. avṛha);

Vô nhiệt thiên (無熱 天, sa. atapa);

Thiện kiến thiên (善見天, sa. sudarśana);

Sắc cứu kính thiên (色究竟天, sa. akaniṣṭha);

Hoà âm thiên (和音天, sa. aghaniṣṭha);

Đại tự tại thiên (大自在天, sa. mahāmaheśvara).

Có sách xếp Vô tưởng thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Sắc cứu kính thiên, Hoà âm thiên dưới tên Tịnh phạm thiên (淨梵天), không thuộc về Tứ thiền thiên.

3. Vô sắc giới (無色界, sa. arūpaloka, arūpadhātu, bo. gzugs med khams གཟུགས་མེད་ཁམས་, gzugs med kyi khams གཟུགས་མེད་ཀྱི་ཁམས་): thế giới này được tạo dựng thuần tuý bằng tâm thức và gồm Bốn xứ (sa. arūpasamādhi). Vô sắc giới gồm:

Không vô biên xứ (zh. 空無邊處, sa. ākāśanantyāyatana);

Thức vô biên xứ (zh. 識無邊處, sa. vijñānanantyāyatana);

Vô sở hữu xứ (zh. 無所有處, sa. ākiṃcanyāyatana);

Phi tưởng phi phi tưởng xứ (zh. 非想非非想處, sa. naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana)

Hành giả tu học Tứ thiền bát định có thể tái sinh vào bốn xứ này.

 

Trong cuốn “The Tao of  Physics” (Đạo củaVật Lý), trang 181, Fritjiof Capra đã viết rằng những đám mây khinh khí xoay tròn cô đọng thành những ngôi sao trong khi những đám mây khác phóng ra những vật thể quay tròn hình trôn ốc và cô đọng lại thành những hành tinh chạy chung quanh các ngôi sao.  Kinh Phật cũng dạy rằng những phong luân khi xoay tròn đã tạo nên sơn hà đại địa (xin xem bài Quang Minh).

Trước đây người ta cứ tưởng nguyên tử (atom) là đơn vị cuối cùng cấu tạo vật chất.  Rồi gần đây, Murray Gell-Mann lại cả quyết rằng Quarks (hạt ảo) là những viên gạch cuối cùng cấu tạo vật chất.

Nhưng Nguyên Lượng Cơ Học đã chứng minh rằng xuống đến lãnh vực hạt ảo, các phân tử (Particle) vừa là Hạt (Particle/Matter) khi được quan sát vừa là Sóng (Wave/Mind) khi không quan sát.  Nhưng Phật Giáo giải thích hiện tượng này một cách cao siêu hơn – thấy nó Sắc Không như vậy vì không có người quan sát lẫn vật quan sát.  Thực tại Như thị tri kiến.  Phật Giáo đã biết rằng chúng ta không bao giờ tìm cầu được thực tại cuối cùng của sự vật vì những sự vật mà ta thấy chỉ là những ‘tổng tướng ảnh tượng’ (ảo ảnh) được kết hợp bởi vô vàn vô số những lượng tử cực vi, nó xuất hiện trong biên giới giữa Vật (Matter) và Tâm (Mind.)

Điều này cho biết, các khoa học gia có tìm cầu đến vô lượng kiếp cũng không thể khám phá ra được những lượng tự nguyên thủy xây dựng vũ trụ vì những cái vô danh, vô tự này nó vô thỉ vô chung, vô sanh vô diệt bất khả tư nghị.  Càng đi sâu vào thế giới lượng tử (Hạt tử, Hạt ảo), chúng ta càng thấy chúng xuất hiện kỳ kỳ quái quái mà Albert Einstein gọi là “Spooky action at a distance,” sinh sinh diệt diệt, hư hư thực thực chẳng khác gì những tác động ma quái nhìn từ xa, chập chờn hiện ra như điện, biến mất như ảnh trong khỏanh khắc.  Thế giới lượng tử là thế giới của ảo ảnh, của huyền bí, không nắm bắt được – mà kinh Phật gọi là Chân Không Diệu Hữu mà trong đó tất cả cái Có do ở cái Không mà ra và cái Không lại từ cái Có mà thành.

Kinh Đại Bát Niết Bàn, trong đó Phật dạy chẳng có Niết Bàn gì hết. Nguyên văn, “Có là nói Niết Bàn thiệt chẳng có, chứ Phật vì thế gian mà nói có. Như người đời thiệt không có con mà nói là có con, thiệt không đạo mà nói có đạo.” (Quyển 1, Phẩm Phạm Hạnh, trang 647)

Trong bài nói về “Ngũ Thời Thuyết Pháp” của Phật, Phật nói “Có,” “Không” là tùy thời gian và không gian, và từ hoàn cảnh lẫn tùy căn tính của mỗi chúng sinh mà nói. Đạo Phật là đạo bất biến, bất biến mà tùy duyên cũng như nước tùy duyên để trở thành thể lỏng, thể hơi, và thể đặc rồi ngược lại từ đặc tính thành thể lõng rồi thì thể hơi. Khi chúng sinh cố ngoan cố chấp “Có” dữ quá, Phật phải nói “Không,” và ngược lại, khi chúng sinh cố quyết tâm chấp “Không” cũng dữ quá, Phật phải nói “Có,” Ngài nói “Có,” “Không” là để đối trị cái bịnh chấp trước quá nặng của chúng sinh và hàng Nhị thừa, “Phàm phu chấp có, Nhị Thừa muội Không!”  Cũng như lương y, tâm lý gia, khi thấy bệnh nhân bị lên cơn sốt ái dục thì cho phương cách giải nhiệt dục cấp thời hay lúc bệnh nhân bị lạnh cãm dục thì cho vào ngồi trong lò lửa kích thích dục vậy.   Có nghĩa là khi chúng sinh cố ngoan cố chấp “Có dục” dữ quá, Phật phải nói “Không dục,” và ngược lại, khi chúng sinh cố quyết tâm chấp “Không dục” cũng dữ quá, Phật phải nói “Có dục.” Cái này gọi là muốn cái này cho cái khác, cầu bất đắc khổ dục vì Không ưa của nào bị Có của đó.

Nếu biết dùng trí tuệ Phật để phân tích bản tính của tâm thức (mind) gồm có những thành phần gì, từ đâu có thì có thể nắm bắt được, kiểm soát được và nhất là hệ thống hoá được những hạt ảo quái đãn này.  Cho nên, Phật Giáo tuy có nhiều sắc thái khoa học và trí tuệ vẫn tiềm tàng nhiều huyền bí và mầu nhiệm chưa được dễ dàng giải thích thích hợp. Bởi những bí ẩn và huyền diệu đó không thể nghĩ bàn, khiến những đầu óc phàm phu tầm thường không thể hiểu được.  Cái tuyệt vời của đạo Phật là nếu chưa hiểu Pháp điển thì không nên vội vã tin tưởng một cái mù quáng mà phải tự tìm hiểu rồi kiểm chứng và thực nghiệm trước khi tự tin rồi thì tu tập nếu có duyên phận với Phật Pháp.

12.                   Tâm Phật, Trí Đạo

 

Vũ trụ có tất cả đều chúng ta mong muốn vì tất cả ở trong vũ trụ nếu ta biết yêu cầu thì sẽ được.  Nếu chúng ta ngộ được “Lấy núi Tu Di bỏ vào trong hạt cải, lấy nước bốn biển đổ vào chân lông” trong Kinh Duy Ma, phẩm Bất Tư Nghì hay “Trong mỗi nguyên tử từ các giới của vũ trụ, có tồn tại một biển khổng lồ các hệ thống thế giới” trong Kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm của Phật Giáo Đại Thừa thì chúng ta có thể thâu tóm gọn vũ trụ trong túi càn khôn.  Khi thấy được vũ trụ ở trong một siêu nguyên tử và thâu được nó trong túi càn khôn thì chúng ta đã ở ngoài vòng cương toả của cỏi ta bà, ngoài những vũ trụ (multiverses, multi-universes) ngoài tâm và ngoài cả Tri Kiến Phật.

 

Chữ ‘ngoài tâm’ mà tôi dùng ở đây khác nghĩa với “Tâm không ở trong ta, không ở ngoài ta mà ta ở trong tâm” như đã diễn tã trong bài Lòng Bồ Đề mà tôi đã viết trước đây. ‘Ngoài tâm’ này còn thâm diệu hơn nữa, đó là khi mà chúng ta không ở trong tâm, không ở trong tri kiến phật thì sẽ quán được nhiều vũ trụ (tâm trí hay tri kiến phật) thâu nhỏ lại như một hạ nguyên tử trong túi càn khôn. 

 

Trùng hợp ngẫu nhiên, trong Tắc số 34: Trí không phải là đạo (Trí bất thị đạo.) Thoại này có chép trong Nam Tuyền Ngữ Lục và Tổ Đường Lục quyển 16, chương nói về Nam Tuyền.   智不是道

 

Bản tắc:  Hòa Thượng Nam Tuyền nói rằng:  Tâm không phải là Phật, trí không phải là đạo.

 

Bình Xướng:

 

Vô Môn nói rằng: Cái ông Nam Tuyền này, vì già nua lẩm cẩm thành ra hết còn biết hổ thẹn hay sao chứ? Tưởng mở cái mồm thối hoăng ra tán được một câu gì, té ra chỉ làm cho người ta thấy cái sỉ nhục trong nhà mình.  (Ý Vô Môn: Chỉ muốn nói là nhà tu thiền đã bày tỏ bản lãnh của mình chứ không hẳn có ý miệt thị.) Nói là nói vậy chứ cái bọn biết mình chịu ơn Nam Tuyền không được mấy ai đâu!  

 

Bèn có bài tụng:

Thiên tinh nhật đầu[*] xuất,

Vũ hạ địa thượng thấp.

Tận tình đô thuyết liễu,

Chỉ khủng tín bất cập[**].

天 睛 日 頭 出

雨 下 地 上 濕

盡 情 都 說 了

只 恐 信 不 及

(Trời quang mặt nhật lộ,

Mưa xuống đất đượm nhuần.

Giãi bày, lòng đã cạn,

Chỉ sợ người phân vân.)

 

[*] Nhật: mặt trời. “Đầu” là tiếng trợ từ.  [**] Tín bất cập, phản nghĩa của “Tín đắc cập”.

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:  Thông thường, phải nói Tâm, ấy là Phật, trí, ấy là đạo. Trí hiểu ở đây là trí tuệ, bát nhã. Thế nhưng Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện đã phủ định cả hai. Và đó là trọng điểm của công án. 

 

Mã Tổ dạy “Tức tâm tức Phật” và cùng lúc, “Bình thường tâm thị đạo.”  Nam Tuyền muốn răn dạy học trò chớ hiểu lầm về lời dạy này nên mới phát ngôn như thế. Cả hai câu nói của Mã Tổ vốn được truyền tụng sâu rộng như hai thiền ngữ có giá trị cao. Đạt được tâm cảnh thấy trong nội dung câu nói là một điều hết sức hay, tuy nhiên, phần đông mọi người đều chỉ bắt chước lặp đi lặp lại lời nói của bậc đại sư mà không chịu thực hành gì cả vì hiểu lầm rằng: “cứ để y nguyên như thế này là tốt.” Do đó, câu nói của Nam Tuyền cảnh giác họ về thái độ đó. Thiền sư Nyoe (Như Hội) ở chùa Tôji (Đông Tự, Kyôto) có lần nói, “Tâm không phải là Phật. Trí không phải là đạo. Kiếm mất đã lâu rồi. Còn khắc dấu thuyền sao?” Người đi thuyền để rơi mất kiếm dưới nước, nghĩ rằng nếu đánh dấu ngay trên mạn thuyền thì sau có thể tìm lại kiếm dễ dàng. Nào ngờ thuyền cứ tiếp tục trôi đi chứ nào đứng một chỗ...”. Và ông dặn chớ có bao giờ nhầm lẫn như người đi thuyền. 

 

Tóm lại, phải chăng công án có thể được giải thích theo cách sau đây:  Lão Sư Suzuki Daisetsu (Linh Mộc Đại Chuyết, 1870-1966) có đưa ra cách hiểu “tức phi” bằng mệnh đề “A tức phi A thị danh A” (A là phi A, do đó có tên là A. “Tâm” cũng như “trí” không là một khẳng định đơn thuần, nó là một khẳng định qua trung gian của phủ định.  Do đó, “tâm” không phải là “Phật Tâm” đối với “chúng sinh tâm,” và “trí” không phải là “phân biệt trí” so với “vô phân biệt trí.” Tâm tâm bất dị (Phật tâm và chúng sinh tâm vốn không khác nhau.) Phân biệt và vô phân biệt cùng có trong một hơi thở (nhất tức.) Nhưng không chỉ có tư trưởng như thế mà đủ, còn phải đem công án ra thể nghiệm lấy mới được.

 

Tương tự như trong Logic of Quantum Negation, Tru Huy Le, MSEE, August 10th, 2014, “A không phải là A, cho nên nó là A.”  “This white paper research attempts to make a graspable of the ‘logic of negation’ in the Diamond Sutra with the logical and mathematical proof of perspectives. This ‘logic’ is also called the “logic of not.”  It is stated in a propositional form, “A is not A, therefore it is A.”  Since this formulation is contradictory paradoxical nonsense in light of Aristotelian’s logic.

 

My best example of Diamond Sutra’s Logic of Negation, using ‘the Other Side’ of river bank famous Zen story that I’ve mathematically proved below is “the other side (A)  is not the other side (A.)  Therefore, it is the other side (A.)

 

Consequently, in order to properly grasp this concept, the ordinary people must not only shift their perspective from the dualistic, egoistic stance to a non-dualistic, emptiness of emptiness but also detach and not cling to non-egoistic self stance.”

 

Trong truyện Hòa Thượng Nam Tuyền, nhân có tăng đến hỏi:  Thầy còn pháp nào chưa truyền cho người đời không?

 

Bèn trả lời:  Có chứ!

 

Lúc đó, tăng lại tiếp:  Dám hỏi pháp đó là pháp nào?

 

Nam Tuyền đáp:  Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật*

 

* Vật ám chỉ chúng sinh chứ không phải đồ vật. Theo Đại Tạng Kinh 9 – 465 hạ, vật hay chúng sinh ý nói những “kẻ có thể mê lầm.”

 

 Dạy pháp này cho kẽ vô minh, ngu muội chỉ hại họ lẫn hại mình.  Cho nên có bài kệ:

 

Đinh ninh* tổn quân đức,

Vô ngôn chân hữu công.

Nhiệm tùng thương hải biến,

Chung bất vị quân thông.

叮 嚀 損 君 德

無 言 真 有 功

任 從 滄 海 變

終 不 為 君 通

(Tận tụy giảng hao đức,

Im lời mới có công.

Mai dù đời dâu biển**,

Cũng đéo mách cho ông!)

 

*Đinh ninh tức làm gì với cả tấm lòng. Ở đây ý nói tận tụy rao giảng. Câu “Đinh ninh tổn quân đức” có trong Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 19, lược từ Đàm Châu Đạo Ngô Chân Hòa Thượng Ngữ Yếu (xem Vạn Tập Tạng 118-405 thượng).  **Thương hải biến vi tang điền (đời bể dâu, thay đổi lớn.)

 

Những bài thơ dưới đây của những thiền sư Việt Nam, tổ tiên của chúng ta, đã phản ảnh chân lý của Phật Giáo.  Tôi đã cố tình sắp xếp cho thuận dòng, thuận ý như ‘sông này đây chảy một dòng thôi, từ đầu tới cuối chờ người cuối sông.’

 

Be wise

 

Wise persons don’t realize the Way.

Those who realize the Way are all foolish.

Be a guest, lay straight, stretch your legs,

don’t mind what truth and untruth are.

 

Tinh Khong (? – 1170)

*

Người trí không ngộ đạo,

 Ngộ đạo tức kẻ ngu.

 Khách nằm thẳng duỗi chân,

 Nào biết ngụy và chơn.

*

 (Trí nhân vô ngộ đạo,

 Ngộ đạo tức ngu nhân.

 Thân cước cao ngọa khách,

 Hề thức ngụy kiêm chân.)

 

Thiền Sư Tịnh Không (? - 1170)

(Bản dịch Hòa Thượng Thanh Từ)

*

Người trí ngộ không Đạo,

 Kẻ ngu không Đạo ngộ.

 Lữ khách tạm nghỉ chân,

 Lo chi giả với thật.

 

(Lê Huy Trứ, phóng dịch)

*

Illusions

 

All things in this world of illusion are all illusions.

Meditating in this world of illusion is all illusion.

Don’t cling to both kinds of illusions; thus you destroy all illusions.

 

Hien Quang (? – 1221)

*

Pháp huyễn đều là huyễn,

Tu huyễn đều là huyễn,

Hai huyễn đều chẳng nhận,

Tức là trừ các huyễn.

*

(Huyễn pháp giai thị huyễn,

Huyễn tu giai thị huyễn,

Nhị huyễn giai bất tức,

Tức thị trừ chư huyễn.)

 

Thiền Sư Hiện Quang (? - 1221)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

*

Pháp huyễn

Thiền huyễn

Nhị huyễn

Không huyễn

*

Huyễn Pháp

 Huyễn Thiền

 Huyễn Nhị

 Huyễn Không

 

(Lê Huy Trứ, phóng dịch)

 

*

Huyễn

 

Xưa nay không xứ sở

 Xứ sở là chân tông,

 Chân tông như thế huyễn

 Huyễn có là không không.

*

 (Bản lai vô xứ sở

 Xứ sở thị chân tông

 Chân tông như thị huyễn

 Huyễn hữu tức không không.)

 

Trưởng Lão Định Hương (? - 1051)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

*

Illusory

 

Originally there is no place [for the six senses dwelling].

Any place is true dharma.

True dharma is thus illusory.

Illusory existence is not nothing.

 

Định Hương (? - 1051)

*

Vô sở

Vô trụ

Như huyễn

Như Không

 

(Lê Huy Trứ, phóng dịch)

*  

All Phenomena

 

All phenomena are unborn.

All phenomena are undying.

If you see that constantly,

all Buddhas are before your eyes constantly.

 

Tran Nhan Tong (1258 – 1308)

*

Vạn Pháp

 

 Tất cả pháp chẳng sanh

 Tất cả pháp chẳng diệt

 Nếu hay hiểu như thế

 Chư Phật thường hiện tiền.

*

 (Nhất thiết pháp bất sanh

 Nhất thiết pháp bất diệt

 Nhược năng như thị giải

 Chư Phật thường hiện tiền .)

 

Sơ Tổ Phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông (1258 - 1308)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

*

Bất Sanh

Bất Diệt

Kiến Tánh

Thành Phật

 

(Lê Huy Trứ, phóng dịch)

*

Nothing Attainable

All things are formless,

unborn, undying.

Thus there is nothing attainable.

Thus truly the Buddha spoke.

 

Hai Quynh (1728 – 1811)

*

Vô Sở Đắc

 

 Các pháp không tướng

 Chẳng sanh chẳng diệt

 Bởi không chỗ được

 Là thật Phật nói.

*

 (Chư pháp không tướng

 Bất sanh bất diệt

 Dĩ vô sở đắc

 Thị chân Phật thuyết.)

 

Nói xong, Sư ngồi yên lặng thị tịch.

 

Thiền Sư Hải Quýnh hiệu Từ Phong (1728 - 1811)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

*

 

Tâm Ấn (mind seal) của chư Phật, [cũng như vũ trụ, THL,] không có lừa dối, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, không đi không lại, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn; vốn không có chỗ sanh, cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa, mà chẳng phải chẳng xa lìa. Vì đối với vọng duyên mà giả lập tên ấy thôi. (Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi (Vinitaruci) (? - 594) - Bản dịch HT Thanh Từ)

 

The Mind Seal: The mind seal of Buddhas is unfeigned, encompassing the universe, neither deficient nor excessive, neither going nor coming, neither gaining nor losing, neither one nor difference, neither infinite nor finite, having nowhere to arise or vanish, and neither far apart nor close by. It is grudgingly named like that, just only for comparison with unreal circumstances. (Vinitaruci [? – 594])

 

Pháp tức là tánh, Phật tức là tâm. Tánh nào chẳng phải là pháp? Tâm nào chẳng phải là Phật? Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp. Pháp vốn chẳng phải pháp, pháp tức là tâm. Tâm vốn chẳng phải tâm, tâm tức là Phật.  (Thiền Sư Pháp Loa [1284 – 1330,] Bản dịch HT Thanh Từ)

 

Reality is the essence; Buddha is the mind. What essence is not reality? What mind is not Buddha? Mind is Buddha; Mind is reality. Originally, reality is not reality; reality is just mind. Originally, mind is not mind; mind is just Buddha. (Phap Loa [1284 – 1330])

Muốn cần thấy Phật cứ nhận nơi chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê không tự biết có Phật, chớ Phật đâu có làm mê chúng sanh.

 

Thiền Sư Hương Hải (1628 - 1715) thuyết:  Ngộ được tự tánh của mình thì chúng sanh là Phật, mê tự tánh của mình thì Phật là chúng sanh. Giữ được tự tánh của mình bình đẳng thì chúng sanh là Phật, để tự tánh mình gian hiểm thì Phật là chúng sanh. Tâm ta sẵn có Phật, còn tìm Phật nơi nào?

 

Nên kinh nói: “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt.”

 

Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là bồ-đề. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau giác là Phật. Niệm trước chấp cảnh là phiền não, niệm sau ly cảnh là bồ-đề.

 

Thạnh Suy

 

Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,

Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,

Thạnh suy như cỏ hạt sương Đông.

 

(Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.)

 

Thiền Sư Vạn Hạnh (? - 1018)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

*

The Rise and Decline

Human body is like a lightning flash, appearing then disappearing.

All trees bloom in the spring, then decay in the autumn.

Live accordingly with the rise and decline, and have no fear.

The rise and decline – just like a drop of dew on a blade of grass.

 

Vạn Hạnh (? - 1018)

 

Cuối cùng là lời nhắn đầy tiên tri của Thiền Sư Pháp Loa (1284 - 1330) cho hậu duệ sau 40 năm tha hương:

 

Lời Nhắn

 

Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi

Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

*

(Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian

Trân trọng chư nhơn hưu tá vấn

Na biên phong nguyệt cánh man khoan.)

 

Thiền Sư Pháp Loa (1284 - 1330)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

*

Message

 

The ten thousand attachments are cut; this one body is at ease.

Living over forty years, I see life is just a long dream.

My message to all is that don’t ask anymore.

The other side is the infinity – with moon and winds.

 

Pháp Loa (1284 - 1330)

*

Thiền Sư Liễu Quán tặng những cụ sẽ, đang và đã trên ‘7 bó’ trên đường về nhà:

 

Về Nhà

 

 Hơn bảy mươi năm ở cõi này,

 Không không sắc sắc thảy dung thông

 Hôm nay nguyện mãn về quê cũ

 Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông.

*

 (Thất thập dư niên thế giới trung

 Không không sắc sắc diệc dung thông

 Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

 Hà tất bôn man vấn tổ tông.)

 

Thiền Sư Liễu Quán (? - 1743)

(Bản dịch HT Thanh Từ)

 

Đời là một giấc mộng dài dù thức hay tỉnh chẳng khác biệt.  Nên cảm thấy rằng mình đang tái sinh trong từng khoảnh khắc từng hơi thở mỗi buổi sáng thức dậy sau giấc mộng dài.  Rồi thì, hãy quan sát xem mình thực sự là ai trong số gần hàng 7 tỷ người, nay sở mai trụ, trong vũ trụ.  Hãy quán niệm thở vào và thở ra dịu dàng, quan sát vận hành của tâm.  Phóng tác nhạc: ‘Tâm là tánh tưởng như không mà như có.  Tánh là Tâm tưởng như có mà như không.  Rồi Tâm chợt bùng lên như lửa cháy.  Tánh là một tiếng thét hư vô.’

13.                   Đức Phật qua cái nhìn của các khoa học gia và những vĩ nhân nổi tiếng

 

Nhân cách vĩ đại của Đức Phật:

 

Đức Phật là hiện thân của tất cả các đức hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong thành quả của suốt 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển tất cả những lời nói của Ngài thành hành động; không nơi nào Ngài buông thả cái yếu đuối của con người hay dục vọng thấp hèn. Luân lý, đạo đức căn bản của đức Phật là toàn hảo nhất mà thế giới chưa bao giờ biết đến. [Giáo sư Max Miller, Học giả người Đức]

 

Không một lời thô bạo nào được thấy thốt ra từ nơi Đức Phật trong cơn tức giận, chưa từng có một lời thô bạo được thấy trên môi đức Phật kể cả trong lúc tình cờ. [Tiến Sĩ S. Radhakrishnan]

 

Điều đáng chú ý nhất nơi đức Phật là sự kết hợp gần như độc nhất của một đầu óc khoa học trầm tĩnh và thiện cảm sâu xa của lòng từ tâm. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về đức Phật, vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân loại. [Moni Bagghee, Đức Phật Của Chúng Ta]

 

Các bạn thấy rõ Ngài là một nhân vật đơn giản, chân thành, đơn độc, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải là thần kỳ, tôi cảm thấy có một Người, đó là Ngài. Ngài đã gửi bức thông điệp cho nhân loại hoàn vũ. Có nhiều tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi tương đồng với thông điệp của Ngài, tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống, theo Ngài dạy: là do lòng ích kỷ. Lòng ích kỷ có ba dạng: - Một là tham vọng thỏa mãn cảm giác; - Hai là tham vọng muốn bất tử; - Ba là tham vọng thành công và trần tục. Con người trước khi có thể trở nên thanh tịnh, người đó phải ngưng sống theo giác quan hoặc cho riêng chính mình.

 

Rồi con người đó mới trở thành một bậc đại nhân. Đức Phật, qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, năm trăm năm trước Chúa Christ, đã dạy con người đức tính vị tha. Trong một số chiều hướng Ngài rất gần gũi với chúng ta hơn, và đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Đức Phật cũng tỏ ra sáng suốt hơn Chúa Christ trong sự quan tâm phục vụ con người và ít mơ hồ đối với vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh. [H.G. Wells]

 

Tôi càng ngày càng cảm thấy đức Thích Ca Mâu Ni gần gủi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài, Ngài là Đường lối, là Chân lý và là Lẽ sống. [Giám mục Milman].

 

Trí tuệ siêu việt của Đức Phật

 

Bài thơ phổ nhạc của Tagore (do chính ông phổ nhạc) bắt đầu bằng câu: "Vạn tuế đức Thế Tôn đã thành công loại bỏ lỗi lầm đen tối (của mọi người".)  Giáo sư Krishna Kripalani tác giả bộ tiểu sử bằng Anh Ngữ được xem là xác thực nhất của Tagore viết là Tagore vô cùng kiêu ngạo, suốt đời ông chưa hề quỳ lạy một người hay hình tượng nào, vậy mà khi đến Bồ đề đạo tràng Buddha Gaya, thấy bức tượng của Thích Ca, ông sụp xuống lạy đãnh lễ. Cũng chính Tagore đã viết về mình: "Tôi là một đệ tử của Đức Phật, quy y vì trí tuệ của Ngài. Thế nhưng mỗi khi tôi đến những nơi có xá lợi của Ngài, tôi vô cùng xúc động vì cảm thấy được gần gũi Ngài" (Trích trong sách Samalochana, 1888).  Khi xa hình tượng đức Phật, không còn bồi hồi xúc động, nhà thơ và triết gia trở lại với lý trí thuần túy, viết trong sách Buddha & Buddhism (Đức Phật và Đạo Phật 1927): "Đạo Phật là sức mạnh tinh thần đầu tiên trong lịch sử loài người đã liên kết được bao nhiêu nòi giống xa cách nhau bằng muôn nghìn sông núi, bằng tiếng nói và phong tục, bằng nếp chênh lệch giữa trình độ văn minh.  Sức mạnh liên kết này không phải là mối giao liên thương mãi, không phải là thành trì đế quốc, hay là điều hiếu kỳ khoa học, lại càng không phải là nổi khát vọng tìm đất mới để di cư. Sức mạnh liên kết này thuần túy là tinh thần cố gắng bất vụ lợi giúp con người đạt tới cứu cánh tận cùng của mình ("Tagore: Buddha & Buddhism đã dẫn).

 

 

Figure 13 Tagore & Einstein tại Đức năm 1930

 

Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đỡ của Thượng đế hay thánh thần nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của kiến thức, vì không có trí tuệ thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được.  [Giáo Sư Eliot, "Phật giáo và Ấn Độ giáo"]

 

Đức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người". Kiến thức của Ngài rất rõ ràng và độc lập không liên can gì đến thần thoại và hoang đường. Tuy nhiên, nơi đây lại còn cho thấy một hình thức vững vàng, tự nó biểu lộ được một cách rõ ràng và hiển nhiên để cho con người có thể theo Ngài. Vì lý do đó, đức Phật không đòi hỏi phải tin nhưng hứa hẹn kiến thức. [George Grimm, Giáo Lý của đức Phật]

 

Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đức Phật khuyến dụ, khẩn cầu và kêu gọi con người không nên làm hại một sanh mạng, không nên dâng lời cầu nguyện, lời ca tụng, hay hy sinh (sanh mạng) cho các Thần linh. Với tất cả tài hùng biện trong sự thuyết giảng của Ngài, đấng Vô Thượng Sư có lần hùng hồn tuyên bố là Thần linh, nói cho đúng, cũng cần đến sự giải thoát cho chính họ. [Giáo Sư Rhys Dadis]

 

Dường như người thanh niên bất diệt, hiền lành, ngồi khoanh chân trên hoa sen thanh tịnh với bàn tay phải dơ lên như khuyên nhủ như trả lời: "Nếu con muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, con hãy luyện tập trí tuệ và từ bi". [Anatole France]

 

Nếu một vấn đề nào đó cần được đề ra, vấn đề đó phải được giải quyết trong hài hòa và dân chủ theo đường lối dạy bảo của đức Phật. [Tổng thống Nehru]

 

Cống hiến của Đức Phật với nhân loại:

 

Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông diệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông diệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp). [Tổng thống Ấn Độ Nehru]

 

Trên quả địa cầu này, Ngài đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cữu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ cho riêng Ấn độ mà cho cả nhân loại. Đức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ.  [Albert Schweizer, một nhà lãnh đạo triết học Tây Phương]

 

Sự thanh tịnh của tâm linh và lòng thương yêu tất cả sinh vật đã được dạy dỗ bởi đức Phật. Ngài không nói đến tội lỗi mà chỉ nói đến vô minh và điên cuồng có thể chữa khỏi bởi giác ngộ và lòng thiện cảm. [Tiến Sĩ Radhakrisnan, Đức Phật Cồ Đàm]

 

Đức Phật không phải là của riêng người Phật Tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của Ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều các tư tưởng hay của Ngài. [Một học giả Hồi Giáo]

 

Khi chúng ta đọc những bài thuyết giảng của đức Phật, chúng ta cảm kích bởi tinh thần hợp lý của Ngài. Con đường đạo đức của Ngài ngay trong quan điểm đầu tiên là một quan điểm thuần lý. Ngài cố gắng quét sạch tất cả những màng nhện giăng mắc làm ảnh hưởng đến cái nhìn và định mệnh của nhân loại. [Tiến Sĩ S.Radhakrisnan, Đức Phật Cồ Đàm]

 

Đức Phật là người cha nhìn thấy đàn con đang vui chơi trong ngọn lửa thế tục nguy hiểm, Ngài dùng mọi phương tiện để cứu các con ra khỏi ngôi nhà lửa và hướng dẫn chúng đến nơi an lạc của Niết bàn. [Giáo sư Lakshimi Narasu, Tinh Hoa Của Phật Giáo]

 

 

Giáo pháp của Đức Phật:

 

Đọc một chút về Phật Giáo là đã biết rằng hai ngàn năm trăm trước đây, người Phật Tử đã hiểu rõ xa hơn và đã được thừa nhận về những vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta. Họ đã nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và đã tìm thấy câu trả lời. [Tiến Sĩ Graham Howe]

 

Phật Giáo chưa bao giờ ép ai theo dù dưới hình thức nào - hoặc ép buộc ý tưởng và niềm tin đối với người không thích, hoặc bằng bất cứ một sự tâng bốc nào, bằng lừa gạt hay ve vãn, hầu đoạt được thắng lợi để gia nhập vào quan điểm riêng tư của mình. Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ thi đua để dành người quy nạp vào Đạo như nơi chợ búa. [Tiến sĩ G. P. Malasekara]

 

Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình. Nhờ đến sức mạnh và tiền bạc hay cả đến sự chinh phục để tác động mọi người vào đạo thì sao? Đức Phật chỉ rõ một con đường giải thoát duy nhất để cho cá nhân tự quyết định nếu muốn theo tôn giáo này. [Giáo Sư Lakshmi Nasaru, Tinh Hoa của Phật giáo]

 

Không thể cho rằng Phật Giáo bị suy yếu, ngay hiện tại, vì Phật giáo bắt nguồn trên những nguyên tắc cố định chưa bao giờ bị sửa đổi.  [Gertrude Garatt]

 

Mặc dù người ta có thể được thu hút từ nguyên thủy bởi sự khoáng đạt của tôn giáo này nhưng người ta chỉ có thể tán dương giá trị thực sự của Phật giáo khi người ta phán xét kết quả tạo ra của tôn giáo này thông qua đời sống của chính mình từ ngày này qua ngày khác. [Tiến Sĩ Edward Conze, Một học Giả Phật giáo Tây Phương]

 

Phật Giáo là một tôn giáo tự giác, ít lễ nghi. Một hành động được thực thi với chính sự suy tư thì tự nó đã điều kiện hóa để không còn là một nghi lễ. Phật giáo nhìn bề ngoài có vẻ nhiều nghi lễ nhưng thực ra không phải như vậy. [Tiến sĩ W.F.Jayasuriya, Tâm lý và Triết lý Phật giáo]

 

Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt, Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó. [Giáo sư Rhys Davids]

 

Trên những giải đất mênh mông của thế giới, vận mệnh nhân loại vẫn còn tồn tại. Rất có thể trong sự tiếp xúc với khoa học Tây phương và cảm hứng bởi tinh thần lịch sử, giáo lý căn bản của Đức Cồ Đàm được phục hưng và thuần khiết, có thể chiếm một vị trí phần lớn trong hướng đi của vận mệnh nhân loại. [H.G.Well]

 

Lý thuyết của Phật pháp vẫn đứng vững ngày nay không bị ảnh hưởng bởi tiến trình của thời gian và sự tăng trưởng kiến thức, vẫn giữ nguyên như lúc ban đầu bầy tỏ. Dù cho kiến thức khoa học tăng tiến đến thế nào trên chân trời trí óc của con người, trong phạm vi Giáo Pháp (Dhamma) cũng vẫn có chỗ để thừa nhận và đồng hóa các khám phá xa hơn nữa. Về phương diện thu hút của lý thuyết nầy không dựa vào các khái niệm giới hạn của các tư tưởng sơ khai, về phương diện khả năng cũng không bị lệ thuộc vào những phủ định của tư tưởng. [Francis Story, Phật giáo, Một Tôn Giáo Thế Giới]

 

Phật giáo là một phương thức làm sao để đạt được lợi lạc cao nhất từ cuộc sống. Phật Giáo là một tôn giáo của trí tuệ mà ở đấy kiến thức và thông minh chiếm ưu thế. Đức Phật không thuyết giảng để thâu nạp tín đồ mà là để soi sáng người nghe. [Một Văn Hào Tây Phương]

Ngoài ra, còn rất nhiều nhà trí thức nổi tiếng trên thế giới đã hết lời ca ngợi Phật Giáo nói chung và đức Phật nói riêng qua vài tác phẩm kiêm nhượng dưới đây:

1. Vận mệnh nhân loại: Trên những giải đất mênh mông của thế giới, vận mệnh của nhân loại vẫn còn tồn tại.  Rất có thể trong sự tiếp xúc với khoa học Tây phương và được cảm hứng bởi tinh thần lịch sử, giáo lý căn bản của đức Cồ Đàm được phục hưng thuần khiết có thể chiếm một vị trí lớn trong chiều hướng của vận mệnh nhân loại.” –  H. G. Well (trang 95).

Nguyên văn, “Human destiny: Over great areas of the world is still survives.  It is possible that in contact with Western science, and inspired by the spirit of history, the originated teaching of Gotama revived and purified, may yet play a large part in the direction of human destiny.” – H.G.Well (trang 94).

2.  Khoa học chấm dứt chỗ Phật Giáo bắt đầu:  Khoa học không thể đua ra sự đoan chắc.  Nhưng Phật Giáo có thể đáp ứng sự thách đố của Nguyên tử nên kiến thức siêu phàm của Phật Giáo bắt đầu ở chỗ kết thúc của khoa học.  Đó là một điều rõ ràng cho những ai nghiên cứu Phật Giáo.  Vì vậy, nhờ Thiền định Phật Giáo, nhũng Phần tử cấu tạo Nguyên tủ đã được nhìn và cảm thấy…” – Egerton C. Baptist, “Supreme Science of the Buddha,” (trang 117).

Nguyên văn, “Buddhism begins where science ends:  Science can give no assurance herein. But Buddhism can meet the Atomic Challenge, because the supramundante knowledge of Buddhism begins where science leaves off.  And this is clear enough to anyone who has made a study of Buddhism.  For, through Buddhism Meditation, the atomic constituents making up matter have been see and felt…” – Egerton C. Baptist, “Supreme Science of the Buddha” (trang 116).

3. Phật Giáo và khoa học hiện đại:  Tôi đã thường nói, và tôi sẽ nói mãi, nói nữa giữa Phật Giáo và Khoa học hiện đại có quan hệ tinh thần khắn khít” – Sir Edwin Arnold (trang 115).

Nguyên văn, “Buddhism and modern science:  I often said, and I shall say again and again, that between Buddhism and modern science there exists a close intellectual bond.” – Sir Edwin Arnold (trang 115).

4. Văn hóa thế giới: Phật Giáo đã mang lại sự tiến bộ cho thế giới văn minh và văn hóa chính đáng nhiều hơn là bất cứ ảnh hưởng nào khác trong lịch sử của nhân loại. – H.G. Well (trang 99).

Nguyên văn, “World Culture:  Buddhism has done more for the advance of world civilization and true culture than any other influence in the chronicles of mankind” – H.G. Wells (trang 98).

5.  “Tôn giáo của con người:  Phật Giáo sẽ trường tồn như mặt trời và mặt trăng và loài người hiện hữu trên mặt đất; do đó, Phật Giáo là tôn giáo của con người, của nhân loại, cũng như của tất cả.” – Bandaranaike, Cựu Thủ Tướng Tích Lan (trang 65).

Nguyên văn, “Religion of Man:  Buddhism will last as long as the sun and moon the human race exists upon the earth, for its religion of man, of humanity as a whole.” – Bandaranaike, Former Prime Minister of Sri Lanka (trang 65).

6. “Dharma (Giáo pháp) là Quy luật: Tất cả lời dạy của đức Phật có thể tóm tắt trong một quy luật (Pháp).  Quy luật này là lẽ thật, không những hiện hữu trong tâm con người mà còn tồn tại trong vũ trụ. Tất cả trong vũ trụ đều là sự hiển lộ của Pháp (Dharma).  Quy luật  của thiên nhiên mà các khoa học gia hiện đại đã khám phá đều là biểu hiệu của Pháp.

Khi mặt trăng mọc và lặn là vì Pháp.  Pháp là qui luật của vũ trụ khiến mọi vật tác động theo những đường lối đã được khoa Vật lý, Hóa học, Động vật học, Thực vật học, và Thiên văn học nghiên cứu.  Pháp hiện hữu trong vũ trụ cũng như trong tâm con người.  Nếu con người sống đúng với Pháp, thì sẽ thoát khỏi khổ đau và đạt đến Niết bàn.” – Thượng tọa Mahinda (trang 81).

Nguyên văn, “Dharma is the Law: All the teachings of the Buddha can be summed in one word: ‘Dharma’.  This law is righteouness, exists not only in a man’s heart but it exists in the universe also.  All the universe is an embodiment of reveleation of Dharma.  The law of nature which modern science have discovered are revelations of  Dharma.

If the Moon rises and sets, it is because of Dharma, for Dharma is that law residing in the universe that makes matter act in the ways studied in physics, chemistry, zoology, botany and astromy.  Dharma exists in the universe just as Dharma exists in the heart of man.  If man will live by Dharma, he will escape misery and attain Nibbana.” – Ven A. Mahinda (trang 80).

7. “Sự ngược đãi: Trong những tôn giáo vĩ đại của lịch sử, tôi thích Phật Giáo, nhất là những dạng thức thưở ban đầu, vì tôn giáo này có ít yếu tố ngược đãi nhất.” – Bertrand Russell (trang 81).

Nguyên văn, “Persecution: Of the great religion of history, I prefer Buddhism, especially in its nearest forms, because it has the smallest element of persecution.” – Bertrand Russell (trang 80).

8. “Đạo Phật Và Khoa Học,”Tác giả: nhiều người viết – biên tập: B. Alan Wallace, NXB: Columbia University 2003, ISBN: 0-231-12334-5, Việt dịch: Kan – Phần mở đầu, Xóa Đi Ngăn Cách, B. Alan Wallace viết: 

Một tác phẩm bàn về đạo Phật và khoa học được ấn hành dựa trên tiền giả định là hai chủ thể này có thể được đề cập một cách tương xứng, đồng thời mối tương giao giữa một bên là đạo pháp và sự hành trì đạo Phật với một bên là lí thuyết khoa học và phương pháp suy luận sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Tuy vậy vẫn có nhiều bất đồng từ ngoại cảnh với tiền giả định trên, nên tôi sẽ mở đầu tác phẩm này bằng cách trình bày vài quan điểm phản đối việc ghép đôi đạo Phật với khoa học cùng hồi đáp của tôi cho vấn đề này. Quan điểm đầu tiên cho rằng tôn giáo tách biệt với khoa học, chủ điểm của đôi bên phần lớn loại trừ nhau vì thế có rất ít nếu không muốn nói là chẳng có gì để hai bên có thể bàn luận cả. Tôi sẽ đáp lại khẳng định trên bằng cách, trước hết là phân tích xem đạo Phật có phải là một tôn giáo hiểu theo khái niệm của phương Tây cho từ này hay không, sau đó tôi sẽ trình bày một số yếu tố trong đạo Phật đáng được coi là có tính khoa học. Kế đến tôi sẽ phân biệt giữa bản thân cái khoa học kiểu độc đoán với cái giáo điều trừu tượng thuộc duy vật luận khoa học, mà người ta vẫn hay lẫn lộn giữa hai yếu tố này. Tiếp theo tôi đề cập đến phê bình của những người khởi xướng thuyết hậu hiện đại cho là đạo Phật và khoa học mang vốn văn hóa riêng biệt nên căn bản không thể so sánh hai thực thể này. Sau cùng, tôi sẽ trình bày đề nghị cho cách tiếp cận có tính đối thoại trong nghiên cứu đạo Phật cũng như khoa học giúp làm phong phú thêm mỗi bên, đồng thời từ từ mở rộng hiểu biết của chúng ta cả trên phương diện chủ thể lẫn khách thể của giới tự nhiên.

Tóm lại, tôi xin trích lời nói của cố Giáo Sư Trần Chung Ngọc:  “Fritjof Capra xuất bản cuốn Đạo của Vật Lý (The Tao of Physics.) Cuốn này tức thời nổi tiếng, cả hai giới khoa học và bình dân đều tán thưởng cuốn sách này. Phản ứng trên thật ra cũng dễ hiểu, vì có thể nói đây là lần đầu tiên một vật-lý-gia đã viết một cách bình dân dễ hiểu để đưa ra và so sánh khá nhiều những sự giống nhau giữa những quan niệm mới của khoa vật- lý-học các hạt nhỏ và triết lý tôn giáo Đông Phương, đặc biệt nhất là Đạo Phật.  Sau đó Gary Zukav xuất bản cuốn Điệu Vũ Của Các Thầy Vật-Lý (The Dancing of Wu-Li Masters,) và Michael Talbot, cuốn Huyền Nhiệm học và Vật-Lý Mới (Mysticism and the New Physics.)  Hai cuốn này viết theo đường hướng giống như của Capra nhưng không có gì đặc biệt hơn, và cũng không nổi tiếng bằng cuốn The Tao of Physics.

Có một điểm chung trong cả ba cuốn sách nêu trên: muốn giải  thích một số hiện tượng trong ngành Vật- Lý các hạt nhỏ ở mức năng lượng cao (high energy particle physics), các khoa học gia phải nhờ vào những quan niệm xa xưa của các tôn giáo Đông Phương, nhất là Đạo Phật. Nói cách khác, triết lý Phật-Giáo đã giúp các khoa học gia giải quyết được một số khó khăn trong ngành vật- lý mới. Trong khi đó, gần đây, một số phật-tử, có lẽ có mặc cảm trước những hào quang tiến bộ của khoa học vật chất, lại theo con đường ngược lại, tìm cách dùng khoa học để "chứng minh" một số quan niệm trong Phật Giáo, cho rằng như vậy là để làm tăng uy tín của Phật Giáo. Tôi cho rằng đấy là một hành động ngược chiều.” (Những Đặc Tính Khoa Học Trong Phật Giáo, Trần Chung Ngọc)

14.                   Các Bồ Tát không lịch sử phỏng vấn Đức Phật

 

Trong những chương trên, tôi đã đưa ra vài nhân chứng lịch sử nổi danh nói về Đức Phật qua những gì họ tự học hỏi được qua kinh điển hay những tư nghị trên học đường, báo chí, thông tin.  Chương này trích trong Kinh Viên Giác đã được kể lại và giảng giải của các bật thiện tri thức với tầm nhìn quan trọng hơn vì từ kim khẩu của Đức Thế Tôn.  Ngài đã trả lời trực tiếp cho những câu hỏi của các Bồ Tát không lịch sử, các bật Bồ Tát này không ở trên cỏi nhân sinh này, nhưng họ ở trong những cõi khác mà mắt phàm nhân không thấy được.  Đức Phật và các Bồ Tát đã teleportation vào trong Viên Giác để nói viên giác.  Kinh này không phải đơn giản dễ hiểu cho đa số chúng ta tuy nhiên tôi xin tóm lược và trích giảng thêm với cố gắng đơn giản nhất.  Kinh Viên Giác này miêu tả thực tại liên quan tới bồ tát đạo và vũ trụ quan trong khi đó Kinh Hoa Nghiêm diễn tả vũ trụ theo khuynh hướng trừu tượng vi mô lẫn vĩ mô rất ích lợi cho những công trình nghiên cứu và khám khá của khoa học hiện đại.

Bàn về vạn vật vũ trụ như huyễn như mộng, trong chương II, Kinh Viên Giác, Bồ Tát Phổ Hiền thưa hỏi Phật: Vì nghe Phật nói thân tâm đều huyễn hết nên sanh nghi, “Phật nói thân huyễn tâm huyễn thì ai tu? Nếu không tu thì cam chịu ở mãi trong sanh tử sao? ” Bởi vì có nhiều người nghĩ thân huyễn, tâm huyễn, cảnh huyễn, vũ trụ ảo huyễn, thiện ác huyễn, nhân quả huyễn, và nhân duyên cũng đều huyễn, vậy thì cho tất cả là huyễn tuốt luôn chớ tu làm chi cho mệt xác.  Sở dĩ chúng ta ngày đêm cầu vì còn tưởng thấy đây là sanh tử kia là Niết Bàn, đây là phiền não kia là Bồ Đề.  Vậy nếu tất cả vũ trụ là hư huyễn thì chúng ta cầu làm chi nữa?  Câu trả lời: Thật đúng như vậy nếu ngộ được như vậy.  Tuy nhiên những bật giác ngộ, chư Bồ Tát không hỏi câu hỏi vô minh đó. Vì Bồ Tát và Phật nhìn thực tại qua ngũ nhãn quang minh trong khi đó phàm phu nhìn vạn vật vũ trụ qua con mắt ngũ uẩn và tâm vô minh.  Đối với bậc thượng căn đốn ngộ, bằng trực giác Bát Nhã, các Ngài nhận ra các pháp đều huyễn, tức thì lìa huyễn mà không kinh qua thứ lớp tu tập. Lìa các pháp huyễn nhưng không sanh tâm trên nó, ngay đó là giác chứ không theo cấp bậc (Tri huyễn tức ly bất tác phương tiện, Ly huyễn tức giác diệc vô tiệm thứ.) Khi biết rõ ràng các pháp mà nội tâm vẫn bất động, đây là cái Biết của tự tánh. Biết huyễn tức lìa huyễn, lìa huyễn là liền Giác.

Mấy ý nghĩ khi đọc "Thơ Tù," Bài Tu đạo, trang 77, làm trong tù của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Thi Vũ viết: Với văn phong hồn nhiên, giản dị, nhưng hàm dưỡng trọn vẹn yếu tính đương xứ tiện thị  - Yathā-bhûtam -  trong kinh văn Bát Nhã.  Đọc như nghe một hiền nhân chuyện vãn vui cười, song nghĩ sâu thêm, khác chi một bài kệ truyền pháp :

Bao năm học đạo với tu trì

Tính lại ngày nay biết được gì ?

Được có một điều "không gì được"

Biết cùng cái lý "chẳng biết chi !"

Đi đứng nằm ngồi thường không khác

Uống ăn ngủ nghỉ vẫn như ri

Ma nghe nhếch mép cười mai mỉa

"Thế thì tu đạo để làm chi ?"

Tôi cười khì: "Để như ri !"

(Hòa Thượng Thích Quảng Độ)

Chỉ khi nào hành giả "Để như ri !" ở trong trạng thái vô tâm hoặc trong Như Huyễn tam muội, mới hoàn toàn quán triệt lý Như Huyễn. Chính Như Huyễn tam muội là phương tiện thù thắng để hành giả trực nhận bản tâm.  Do đó, tu là phải khéo ở trong Huyễn mà nhận ra Như, từ đó phát khởi đại nguyện Như huyễn, vận dụng thân tâm Như huyễn, thi thiết mọi phương tiện Như huyễn, độ tận chúng sanh Như huyễn. Và cuối cùng, thành Phật Như huyễn, an trú trong Niết bàn Như huyễn. Tiến thêm một bước, hành giả nên tự hỏi rằng: Thân tâm cảnh đều là pháp huyễn, vậy các pháp huyễn này lấy gì làm chỗ sở quy?”  Mà thế gian đã huyễn mộng thì Niết Bàn thật có được sao?  Chỗ sở quy ấy là bản tâm chân thật bất sanh bất diệt của bản lai diện mục.  Bản tâm ấy là tự thể của mọi huyễn thân, huyễn tâm và huyễn cảnh, nên các pháp tuy huyễn mà vẫn ở trong Như tánh. 

Đối với chúng sanh căn cơ bậc trung và hạ, Đức Phật từ bi lập bày phương tiện tiệm thứ, phá hết lớp này đến lớp khác cho đến tận cùng gốc rễ chấp trước của chúng sanh: Sáu căn là huyễn, sáu trần là huyễn, thức tâm phân biệt cũng là huyễn nên phải xa lìa: đây là giai đoạn thứ nhất. Đến cái tâm biết về sự xa lìa này vẫn là huyễn, cũng phải xa lìa: đây là giai đoạn thứ hai. Giai đoạn thứ ba, Phật gọi là lìa cái xa lìa huyễn, tức niệm vi tế về cái tâm xa lìa này, cũng còn là huyễn, do vậy cũng phải buông sạch. Các huyễn diệt hết, hành giả bặt hết vọng niệm, từ thô đến tế, nhưng không rơi vào trạng thái ngoan không, mà cái liễu liễu thường tri” rõ ràng hiện bày, như mây tan trăng hiện. Lúc này, hành giả an nhiên tự tại trong dòng đời, làm ngược làm xuôi không xa rời tự tánh, dạo chơi các cõi mà vẫn ở trong chánh định.

Đức Phật dạy chúng ta nên tu tập chánh định như huyễn: Giả sử khi chúng ta ngồi thiền tâm phan duyên theo cảnh này cảnh nọ, chúng ta biết cảnh đang duyên theo là huyễn hóa nên tâm không chạy theo cảnh, và tâm được an định, đó gọi là chánh định như huyễn. Tất cả chúng sanh và mọi vật huyễn hóa đều sanh từ Viên Giác Diệu Tâm Như Lai. Ví như hoa đốm trong hư không, từ hư không mà có, hoa đốm tuy diệt mà tánh hư không không hoại. Tâm huyễn của chúng sanh lại y nơi pháp huyễn mà diệt. Pháp huyễn tâm huyễn diệt hết thì tánh giác bất động. Y pháp huyễn mà nói giác cũng gọi là huyễn nữa. Nếu nói “có giác” vẫn chưa lìa huyễn, còn nói “không giác” cũng lại như thế. Cho nên pháp huyễn (có và không) diệt hết gọi là bất động...  Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời sau phải xa lìa tất cả cảnh giới huyễn hóa hư vọng. Do chấp trụ chặt vào cái tâm không chịu buông xả, tâm ấy là huyễn cũng phải xa lìa, lìa cái lìa huyễn cũng lại xa lìa, được không chỗ lìa tức là trừ các huyễn.  Lấy huyễn tu huyễn; các huyễn tuy hết mà chẳng rơi vào đoạn diệt. Vì vậy đức Phật dạy ngay niệm xa lìa huyễn cũng phải buông luôn... Ngài Phổ Hiền yêu cầu Phật dạy pháp tu theo thứ lớp, đức Phật trả lời không có thứ lớp, biết các pháp huyễn hóa tức là lìa pháp huyễn hóa, lìa pháp huyễn hóa thì tánh giác hiện tiền. Đây là một lối đốn ngộ đốn tu, khác với tiệm ngộ, tiệm tu, và Ngài kết luận Bồ Tát và chúng sanh đời sau y đây mà tu thì hằng lìa các pháp huyễn. Chúng ta thấy từ đức Phật đến Bồ Tát và chúng sanh đời sau nếu muốn tánh Viên Giác hiện tiền thì không có gì hơn là biết rõ cái hư giả mộng huyễn, khi biết rõ nó thì không bị nó chi phối.

Trong Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Pháp sư Thánh Nghiêm - Thích Tâm Trí dịch: “Trên thực tế, Phật Giáo Đại Thừa chỉ có một hệ là hệ Tịnh Tâm Duyên Khởi, nhân đấy đại sư Thái Hư mới chia làm ba hệ, ấy là căn cứ vào quá trình cải tiến qua ba thời kỳ của Đại Thừa.

1. Không huệ tông gồm có ba luận.

2. Duy thức tông gồm có Duy thức và Giới Luật.

3. Chân Như tông gồm có Thiền Na, Thiên đài, Hiền thủ, Chân Như, Tịnh Độ.

 

Đến năm 1940, đại sư Thái Hư lại đem ba hệ trên đổi thành:

 

1. Pháp Tánh Không Huệ Tông, lấy pháp không Bát Nhã làm tông.

2. Pháp Tướng Duy Thức Tông, lấy Pháp tướng Duy thức làm căn bản.

3. Pháp Giới Viên Giác Tông, bao quát cả hai tông là Pháp tánh về Pháp tướng, lấy hết thảy các pháp làm giới, vì rằng không có một pháp nào là không siêu việt. Hoa Nghiêm (HiềnThủ,) Pháp Hoa (Thiên Đài,) Tịnh Độ, Chân Như v.v... không có pháp nào là không đi vào phạm vi của tông thứ ba này. Nói như thế là đứng trên lập trường Phật pháp bản nguyên chỉ có một “vị,” từ đó khai mở “pháp giới Viên Giác Tông” lấy đó làm viên dung cho tất cả Phật pháp.”  (Chương IX, Phật Giáo Đại Thừa Hệ Long Thọ  Và Kinh Điển Của Hệ Này Về Sau, Tiết 1: Bồ Tát Long Thọ)

Trong chương III, Kinh Viên Giác, Phật khen Bồ Tát Phổ Nhãn (thấy khắp nơi) vì đại chúng và chúng sanh đời sau cầu xin Phật tạm lập phương tiện tu hành để nhập tánh Viên Giác. Phật dạy: Bốn duyên (tứ đại) giả hợp tạm có sáu căn. Sáu căn bốn đại trong ngoài hợp thành tạm có duyên khí tích tụ ở trong, in tuồng như có tướng năng duyên, giả gọi là tâm.  Tâm hư vọng này nếu không có (duyên) sáu trần ắt không có.  Bốn đại phân tán (thân hoại, căn mất) sáu trần cũng không còn. (Ý) căn ở trong duyên theo sáu trần mỗi thứ phân tán.  Rốt cuộc không còn cái tâm phan duyên có thể thấy.  Xét về thân rồi, đức Phật dạy chúng ta xét về tâm.  Nếu thân tứ đại phân tán tức là thân tứ đại chết, sáu căn hoại và hình ảnh (sáu trần) bên ngoài không có, thì lúc đó chúng ta cũng không tìm ra cái tâm hay duyên. Như vậy cái tâm hay duyên là cái hư giả do sáu căn và sáu trần hợp lại mà có.  Đức Phật mới nói tập khí tích tụ ở trong, giống như tướng năng duyên và hình bóng mà mình thấy ở ngoài rơi vào tâm thức, hai cái đó duyên với nhau giả gọi là tâm.  Rõ ràng, thân tâm (vọng tâm) đều không thật.  Tôi xin thêm vào, tập khí này không phải chỉ có nghĩa là thói quen mà cũng là chân khí nội lực dày công tu luyện tụ tại đan điền.  Phật bảo chúng ta phải chánh tư duy, quán sát kỹ điều này cho thấy rõ lẽ thật, đó là chỗ tu hành.  Huyễn thân của các chúng sanh kia diệt, nên huyễn tâm cũng diệt, vì huyễn tâm diệt nên huyễn trần cũng diệt, vì huyễn trần diệt nên cái huyễn diệt cũng diệt, cái huyễn diệt diệt nhưng cái phi huyễn (tánh Viên giác) không diệt. Thí như lau gương, bụi nhơ hết thì ánh sáng hiện. Này thiện nam, nên biết thân tâm đều là huyễn hóa nhơ bẩn, tướng nhơ bẩn đó hằng diệt thì (tánh Viên giác) thanh tịnh khắp mười phương.  ‘Thí như lau gương, bụi nhơ hết thì ánh sáng hiện’ này thì tương tự như bài kệ của Thần Tú mà Phật chỉ dùng để dạy cho lớp học Bồ Tát 101 nhập môn lúc bây giờ chứ chưa phải lớp cao học bổ túc cho những Giáo Sư Đại Học như Huệ Năng, gương viên giác tự nó chiếu sáng minh quang tam muội có bụi nào bám được mà phải năng lau chùi?  Phật giảng tiếp: Ví như hạt châu Ma Ni trong trẻo, tùy theo mỗi phương chiếu hiện ra năm màu. Những người ngu muội thấy hạt châu Ma Ni có năm sắc thật.  Này thiện nam, tánh Viên Giác thanh tịnh tùy theo thân tâm mỗi chủng loại mà ứng hiện.  Kẻ ngu nói tánh Viên Giác thanh tịnh thật có như vậy, tự tướng thân tâm cũng lại như thế. Vì thế mà không xa lìa các thứ huyễn hóa, cho nên ta nói thân tâm là huyễn cấu (chúng sanh.) Ngược lại, lìa huyễn cấu gọi là Bồ Tát. Khi huyễn cấu hết thì pháp đối trị huyễn cấu cũng trừ, thì không còn pháp đối trị huyễn cấu và cái tên gọi huyễn cấu.  Đức Phật dạy cho chúng ta thấy rõ sau khi buông được tất cả bóng dáng hư giả của thân tâm, thì tánh Viên Giác thanh tịnh hiển hiện khắp cả mười phương, lúc bấy giờ tạm gọi là thành Phật.  Đức Phật tuần tự chỉ cho chúng ta thấy, khi tâm thể thanh tịnh thì sáu căn sáu trần sáu thức đều được thanh tịnh và trần thức cũng thanh tịnh tự nhiên.  Kinh Duy Ma Cật cũng có câu, “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh.” Tùy theo tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật được thanh tịnh, vũ trụ cũng thanh tịnh.  Vì các pháp thế gian kia thanh tịnh cho nên các pháp xuất thế gian như thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng pháp của Phật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều thanh tịnh, như vậy cho đến tám muôn bốn ngàn Đà La Ni môn đều thanh tịnh.  Tóm lại, tu hành phải tịnh tâm như chúng sinh, vạn vật, thế giới vũ trụ tự nhiên đã thanh tịnh.  Phật giảng chi tiếc: Một thế giới thanh tịnh cho nên nhiều thế giới thanh tịnh, vì nhiều thế giới thanh tịnh, như thế cho đến cùng tận hư không trùm khắp ba đời tất cả đều thanh tịnh bình đẳng bất động. Này thiện nam, hư không bình đẳng bất động, như thế, nên biết tánh giác bình đẳng bất động, vì bốn đại bình đẳng bất động, nên biết tánh Viên Giác bình đẳng bất động, như thế cho đến tám muôn bốn ngàn pháp môn Đà La Ni đều bình đẳng bất động nên biết tánh Viên Giác cũng bình đẳng bất động.  Cũng vậy, tâm Chân Như của tất cả chúng sanh đều đồng một thể, vì không có ranh giới nên nói chư Phật đạo đồng, chỗ chứng thì như nhau mà mỗi Phật đều riêng nên nói hằng hà sa số chư Phật. Cũng thế, một chúng sanh thanh tịnh cả thế giới cũng thanh tịnh, nhưng chưa được thanh tịnh lắm, nếu tất cả chúng sanh đều thanh tịnh thì cả thế giới này hoàn toàn thanh tịnh.  Phật dạy chỗ này để cho chúng ta thấy thêm một tầng nữa, khi thành tựu tánh Viên Giác thì không còn bị pháp trói buộc, không cầu pháp giải thoát, không chán sanh tử cũng không ưa Niết Bàn v.v... Nghĩa là không còn kẹt hai bên, tâm luôn luôn bất động nên gọi là hằng thanh tịnh.  Mới biết chúng sanh xưa nay đã thành Phật, sanh tử Niết-bàn in như giấc mộng đêm qua. Vì như giấc mộng đêm qua nên biết sanh tử và Niết Bàn không sanh không diệt, không đến không đi. Chỗ chứng không được không mất, không thủ không xả. Người năng chứng không tác không chỉ, không nhậm không diệt.  Trong cái chứng ấy không năng không sở, rốt ráo không pháp chứng cũng không có người chứng, vì tánh tất cả pháp bình đẳng không hoại.  Khi rõ thân như huyễn rồi thì thấy thế giới của chư Phật cũng như hoa đốm trong hư không, thấy ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều bình đẳng. Chủ yếu của Phật dạy trong chương này là khi thấy rõ thân tâm không thật thì tâm mới bất động. Đối với không gian là mười phương thế giới và thời gian là ba đời đều không thật thì tâm hằng thanh tịnh. Nếu tu được như vậy tức là đi đúng đường của Phật dạy.  Đây là lời kết thúc của đức Phật, nếu Bồ Tát mới phát tâm, chúng sanh đời sau tu hành như lời Phật dạy trên thì sẽ tới chỗ cứu cánh và không còn mê muội.

Trong chương IV, Kinh Viên Giác, Bồ Tát Kim Cang Tạng Thưa Hỏi: Bạch Thế Tôn, nếu chúng sanh vốn đã thành Phật vì sao lại có tất cả vô minh? Nếu chúng sanh sẵn có vô minh, do nhân duyên gì Như Lai lại nói xưa nay đã thành Phật? Mười phương chúng sanh đã thành Phật đạo sao lại khởi vô minh? Vậy tất cả Như Lai chừng nào khởi sanh phiền não lại? Cúi mong đức Thế Tôn nhủ lòng đại từ bi vì các vị Bồ Tát mở bày cái kho bí mật này và vì tất cả chúng sanh đời sau được nghe kinh pháp liễu nghĩa như thế mà hằng đoạn được nghi ngờ.

Đức Phật trả lời câu, “Phật thành Phật chừng nào lại khởi vô minh?”  Thành Phật rồi thì hết vô minh, chứ biết chừng nào trở lại vô minh?  Không lẽ thành Phật rồi mà vẫn còn mơ trần cảnh? Cũng như hoa đốm khi diệt trong hư không, không thể nói khi nào sanh lại hoa đốm nữa. Vì hư không vốn không có hoa đốm nên chẳng khởi diệt. Hư không đâu có sanh ra hoa đốm, vì vô minh nên thấy có hoa đốm khởi diệt.  Cũng thế, nếu vô minh hết thì hiện tượng sanh diệt cũng hết, không thể nói chừng nào hoa đốm khởi.  Bây giờ tu là để gạn lọc vô minh, vô minh hết thì tánh Viên Giác hiển bày là thành Phật, chứ không thể nói bao giờ lại khởi phiền não. Vì sao? Vì thành Phật là vĩnh viễn sống với tánh Viên Giác thì đâu có mê lầm mà khởi phiền não. Khi đã mài dủa cắt thành kim cương nguyên chất rồi thì trải qua thời gian vô cùng kim cương vẫn luôn luôn là kim cương. Tánh Viên Giác cũng vậy, khi hết vô minh rồi thì tánh Viên Giác không bao giờ trở lại vô minh.  Hình như lối trả lời này mâu thuẩn với ‘chúng sanh xưa nay đã thành Phật ở trên vì vậy mới có câu hỏi bất hủ, “Phật thành Phật chừng nào lại khởi vô minh?”  Câu hỏi tưởng như ngây thơ ngớ ngẫn của chúng sinh chính là câu hỏi khó giải đáp cho chư Bồ Tát cũng như nếu đã bỏ được tứ đổ tường, tứ khoái lạc rồi thì chừng nào lại hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, trai gái được?

Tôi tạm giải thích, chư Phật muốn trở lại trần thế để cứu độ chúng sinh thì trước nhất phải vô minh như chúng sinh cũng như một bác sĩ tâm thần muốn biết và chữa bệnh điên thì phải điên trước đã.  Vậy thì nếu trước đó Bác Sĩ đã điên, nay tỉnh thì chừng nào Bác Sĩ mới lại khởi cơn điên?  Ngay bây giờ! Vì Tâm Diệu Viên Giác của tất cả Như Lai vốn không có Bồ Đề và Niết Bàn, cũng không có thành Phật và chẳng thành Phật, không có vọng luân hồi và phi luân hồi.

Này thiện nam tín nữ, tất cả thế giới trước sau sanh diệt, trước sau có không, tụ tán khởi dừng, niệm niệm tiếp nối tuần hoàn qua lại, mọi thứ thủ xả đều là luân hồi.  Chưa ra khỏi luân hồi mà muốn biện tánh Viên Giác, thì tánh Viên Giác đồng với lưu chuyển, nếu ra khỏi luân hồi thì không có lẽ đó.  Muốn biết tánh Viên Giác đó đừng đem tâm luân hồi mà suy nghĩ về Viên Giác. Trong Kinh Pháp Hoa, Phật nói, “Giả sử có trăm ngàn muôn triệu ức người trí tuệ như Xá Lợi Phất gom lại để suy nghĩ về trí tuệ Phật, cũng không được một phần trăm một phần ngàn nữa.” Nghĩa là nếu đem trí tuệ mà suy nghĩ –suy nghĩ là cái sanh diệt luân hồi– để biện tánh Viên Giác của Phật là cái không động, không luân hồi sanh diệt làm sao mà được? Đó là cái lỗi lầm lớn của chúng sanh, đang ở trong vòng lưu chuyển mà muốn biết cái ngoài vòng lưu chuyển thì làm sao biết được? Cũng thế, nếu còn ở trong mê mà muốn nói chuyện giác ngộ thì không bao giờ nói được, cũng như người đang ở trong mộng mà muốn nói chuyện thức thì không nói được.  Muốn nói chuyện thức là phải thức mới nói được. 

Trong chương V, Kinh Viên Giác, Bồ Tát Di Lạc Thưa Hỏi: Bồ-tát Di-lặc (Maitreya) là ngài Từ Thị. Từ Thị là lòng đại bi. Vì Ngài khởi lòng đại bi độ khắp chúng sanh nên hỏi các phương tiện tường tận để Phật dạy kỹ lưỡng cho mọi người đều có thể tu được. Chủ yếu của đoạn này là Bồ-tát Di Lặc hỏi về cội gốc luân hồi. Trong bốn câu hỏi của Ngài nêu ở trên, câu hỏi thứ nhất là then chốt rất quan trọng, liên hệ đến sự tu hành của chúng ta.

1- Làm sao đoạn được cội gốc luân hồi.

2- Luân hồi có bao nhiêu chủng tánh.

3- Tu đạo Bồ-đề của Phật có mấy hạng người.

4- Những hàng Bồ-tát đi vào trong cõi trần lao lập bao nhiêu thứ phương

tiện để độ chúng sanh.

Câu hỏi thứ 4 không liên hệ với chúng ta mà hỏi chuyện Bồ Tát trở lại trần lao độ sanh. Chúng ta bây giờ chưa phải Bồ Tát, chỉ là người bị nghiệp lôi vào trần lao chớ không phải trở lại trần lao vì hạnh nguyện.  Tuy nhiên câu hỏi cuối này liên quan đến câu hỏi, “Phật thành Phật chừng nào lại khởi vô minh?” ở trên.  Hiểu bốn câu hỏi đó, chúng ta mới hiểu câu trả lời của Đức Phật.

Đức Phật nói: Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến giờ do ân ái tham dục mà có sanh tử luân hồi. Chữ ái ở đây đức Phật chỉ nghĩa ái mạng – ái ngã – cái ái này nặng nhất. Ái ngã tức là yêu mình, bởi yêu mình nên bỏ thân này muốn tạo thân khác, bởi yêu mình mới có những tham dục khác. Vì nhân ái ngã rồi có dục phát sinh, vậy dục trợ phát cho tánh ái. Thế nên ái dục là gốc sanh tử luân hồi tiếp nối không dứt. Chỗ này trong kinh Tạp A Hàm Đức Phật dùng một ví dụ thật rõ nói về tánh ái, ái còn thì sinh mạng còn, ái hết thì sinh mạng hết.  Đức Phật phân tích: Dục nhân ái mà có, dục từ ái mà sanh ra, ái là yêu mến, bởi yêu mến cho nên có dục.

Trong Kinh Pháp Cú đức Phật có dạy: Đốn cây mà không đào gốc thì tược nhánh nảy sanh hoài, ái dục không trừ dứt thì khổ não vẫn theo ta mãi. Do dục giúp phát sanh tánh ái rồi tiếp nối sanh tử. Thân này vừa mất thì muốn có thân khác, dục giúp cho tánh ái mạnh đưa chúng ta tới chỗ thọ sanh, nó dẫn đi mãi trong vòng sanh tử luân hồi.  Ngài trả lời có năm chủng tánh. Sở dĩ có 5 chủng tánh là do gốc tham dục là vô minh làm sung mãn thêm, nên năm chủng tánh có sai khác. Thế nên đức Phật dạy chúng sanh muốn thoát khỏi luân hồi thì phải dứt hết tham dục và trừ tâm khát ái, chớ bỏ cái này lại thích cái kia cũng chưa thoát khỏi vòng luân hồi.   Ngoài ra còn hai chướng: Một là lý chướng làm ngại chánh tri kiến, chỉ cho vô minh, vô minh là gốc làm chúng ta không thấy đúng như thật tại.  Hai là sự chướng khiến tiếp nối sanh tử là phiền não, chỉ cho cái chướng do ngũ dục ở thế gian, vì có nó nên trở ngại sự thoát ly sanh tử.

Không nên nghe đức Phật nói có thân ở thế gian này là do ái làm gốc để hiểu lầm và thắc mắc “Những vị Bồ-tát có thân để độ chúng sanh ở cõi này cũng do ái dục nữa sao?”  Ở đây Phật giải thích thêm, những vị Bồ Tát thị hiện giáo hóa chúng sanh ở thế gian không phải gốc từ nơi ái dục, mà do lòng từ bi các Ngài muốn độ chúng sanh bỏ khát ái, các Ngài mới tạm mượn ái dục mà vào trong sanh tử.   Câu hỏi nếu chúng ta muốn đặt ra là sau khi ‘các Ngài mới tạm mượn ái dục mà vào trong sanh tử’ thì lúc nào các Ngài mới ngộ biết được cái tâm nguyện từ bi của các ngài để thi hành nhiệm vụ từ bi cứu độ mà chúng sinh mong như hạn hán cầu mưa đó?

Trong Chương VI, Kinh Viên Giác, Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ thưa hỏi Phật: Về Như Lai về thứ lớp tu chứng sai biệt.  Phật trả lời: Tánh Viên giác “phi tánh tánh hữu” tùy theo các tánh mà khởi, không thủ không chứng. Trong tướng chân thật không có Bồ Tát và chúng sanh. Vì cớ sao? Vì Bồ Tát và chúng sanh đều là tướng huyễn hóa. Khi tướng huyễn hóa diệt rồi thì không có người chứng và quả được chứng. Thí như con mắt không tự thấy con mắt. Tánh tự bình đẳng không cần người làm bình đẳng.  Giảng: “Phi tánh tánh hữu” ý tương tự với bài kệ Đức Phật truyền pháp cho tôn giả Ma Ha Ca Diếp “Pháp bản pháp vô pháp”(Pháp pháp bản vô pháp, Vô pháp pháp diệc pháp, Kim phó vô pháp thời, Pháp pháp hà tằng pháp,) trong Sử 33, Vị Tổ Ấn Hoa.  Còn chiếu còn giác đều còn chướng ngại, thế nên Bồ Tát thường giác mà chẳng trụ, năng chiếu và sở chiếu đồng thời vắng lặng.

Bản tắc:  Xưa Đức Thế Tôn, biểu âm của tiếng Phạn Bhagavat, chỉ bậc tôn quí trên đời. Một trong mười cách gọi Thích Ca (Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.   Trong một pháp hội trên núi Linh Thứu, cầm lấy một nhánh hoa rồi chìa ra trước mặt mọi người. Không thấy ai phản ứng gì cả, chỉ có tôn giả Ca Diếp (biểu âm của tiếng Phạn Makhakasyapa [Ma Kha Ca Diếp,] lược thành Ca Diếp. Một trong mười đại đệ tử của Thích Ca. Tiểu sử có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 1,)  mặt rạng rỡ, miệng mỉm cười.

Đức Thế Tôn mới nói rằng:  Ta có nhiều pháp môn vi diệu như Chính Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thực Tướng Vô Tướng.  Chính Pháp Nhãn Tạng tức là con mắt Phật nhìn được chân lý chính đáng đang tàng ẩn thâm sâu, là cái bất khả tư nghì, bất khả đắc. Niết Bàn Diệu Tâm là tấm lòng liễu ngộ về nguyên lý bất sinh bất diệt, bởi vì không thể giảng nghĩa được nên mới gọi là diệu tâm. Còn Thực Tướng Vô Tướng có nghĩa là thực tướng với vô tướng vốn giống nhau mà thôi...Bằng phương pháp bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền. Chữ dùng thấy trong bài tựa của Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập, nói về cách truyền giáo của Đạt Ma khi sang Đông độ. Lại nữa, trong sách Tổ Đình Sự Uyển có nói rằng lúc đầu các tổ truyền pháp thường sử dụng ba tạng kinh lớn, đến Đạt Ma Tổ Sư thì mới có tâm ấn đơn truyền, phá chấp hiển tông.  Điều đó thường được gọi là giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật, trao cả cho Ma Kha Ca Diếp. Ý Đức Thế Tôn: Ta nhờ ngươi đấy, Ca Diếp nhé!

Trong bài tụng:

Niêm khởi hoa lai,

Vĩ ba dĩ lộ.

Ca Diếp phá nhan,

Nhân thiên võng thố.

拈 起  花  來

尾 巴  已  露

迦 葉  破  顏

人 天  罔  措

(Vừa nhấc hoa lên,

Đuôi thầy đã ló.

Ca Diếp mỉm cười,

Mọi người lớ ngớ.)

Tắc số 6: Phật chìa nhánh hoa (Thế Tôn Niêm Hoa.)  Sau đây là một truyện trích trừ một ngụy kinh (kinh giả mạo) của Trung Quốc tên gọi Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh, trong Niêm Hoa Phẩm đệ nhị.   世尊拈花.

Bình xướng, Vô Môn nói rằng:  Cái lão Cồ Đàm (Gotama, tức Thích Ca) mặt vàng (nguyên văn “hoàng diện Cồ Đàm,” thân Phật lấp lánh vàng nên mặt màu vàng. Có thuyết khác cho rằng vì Phật sinh ở Kapilavastu (thành Hoàng Sắc) nên mới có tên gọi như thế.  Để ý ở Trung Quốc còn có những lối gọi tên Phật khác như Hoàng Lão, Hoàng Diện Lão Tử, Hoàng Đầu. Sở dĩ như thế vì họ xem Thích Ca cũng như Lão Tử,) thật là bàng nhược vô nhân.  Cứ như kiểu đó thì lão coi bên cạnh mình chẳng có ai cả, và xem bát phương đại chúng hiền lành như thể đám nô lệ (nguyên văn “yếm lương vi tiện.” Theo Tư Trị Thông Giám, quyển 23 nói về sự kiện trong tháng 2 năm Thiên Phúc thứ 8, câu này nguyên nghĩa là “mua con cái lương dân để làm nô tì”.)  Thuyết rằng mình còn để dành cái pháp “vị hiển chân thực” mà chìa nhành hoa là mượn đầu dê để nấu cháo đấy. Tưởng cao siêu lắm, hóa ra chỉ có chừng nớ. May lúc đó còn có Ca Diếp mỉm miệng cười. Nếu Ca Diếp không cười thì cái Chính Pháp Nhãn Tạng làm cách nào mà truyền cho ai được. Còn nhỡ đại chúng tất cả đều cười thì lại hỏng chuyện mất! Ông Thích Ca ơi, lúc đó đem Chính Pháp Nhãn Tạng truyền người nào bây giờ! Nếu bảo Chính Pháp Nhãn Tạng có thể truyền cho là ông đã đánh lừa lũ dân quê chất phác. Còn ngược lại, nếu bảo pháp ấy không thể đem truyền cho được, thế thì tại sao ông có thể chọn một mình Ca Diếp làm người thừa kế?

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:  Truyện Thích Ca Mâu Ni trên ngọn Linh Thứu chìa một nhánh hoa ra trước thiên thượng địa hạ tám vạn bốn nghìn đại chúng trở thành công án nổi tiếng nói về nguồn gốc của Thiền Tông. Vì “tứ thập cửu niên, vị hiển chân thực” cho nên hôm đó Phật sẽ giảng về cái pháp mà bốn mươi chín năm giảng đạo chưa hề thực sự bộc lộ. Trước đại chúng đang nóng lòng chờ đợi ngày hôm đó, Thích Ca chỉ chìa ra trước mặt họ một cành hoa sen (kim-ba-la-hoa) do một cư sĩ tên Đại Phạm Thiên Vương cúng dường. Hình thức của lối biểu hiện này cũng giống như nhất-chỉ-đầu-thiền (thiền một ngón tay) của Thiên Long và Câu Chi.  Ở đầu cành hoa đưa lên, Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm...tất cả đều hiển lộ.  Chìa ra cho mọi người nhưng tất cả đều im lặng, chỉ có Ca Diếp mỉm cười tiếp nhận.  “Duy Phật tả Phật,” chỉ có Phật hiện ra trước Phật, như hình ảnh thấy giữa hai mặt kính đối diện.  Trong hoàn cảnh ấy, lần đầu tiên đại pháp mới được nối tiếp bằng sự truyền thụ từ thầy sang trò.  Lúc đó, không cần có chữ viết (bất lập văn tự) và pháp được bàn giao ngoài hình thức dạy dỗ (giáo ngoại biệt truyền) bằng cách “dĩ tâm truyền tâm” nghĩa là lấy sự đồng cảm giữa tâm hồn làm căn bản. Và như thế, Thích Ca đã trông cậy vào Ca Diếp để nối tiếp con đường mình đi.  Từ đó, những kẻ có ấn khả của thiền đều truyền nó cho đệ tử của mình bằng cách giúp người đó đạt được cùng một tâm cảnh như mình.

Thiền xưng là Phật Tâm Tông, Phật Giáo Tổng Phủ hay cốt lõi của Đạo Phật. Cái phật tâm ấy được truyền từ Thích Ca đến Ca Diếp, từ Ca Diếp đến A Nan. Người thừa kế tứ thất bên Tây Thiên là Đạt Ma chính là tổ sư đời thứ 28 theo cách tính tứ thất hay 4 lần 7. Ngài cũng là tổ thứ nhất của Đông Độ, và từ đó truyền xuống Huệ Khả, Huệ Khả xuống Tăng Xán...theo cách tính 2 lần 3 hay nhị lục để có sáu vị (lục tổ) mà người thứ sáu là Huệ Năng Thiền Sư. Như thế, thiền từ đó đã Trung Quốc hóa.  

Ngày nay các nhà nghiên cứu chỉ tìm tòi Phật pháp của Thích Ca qua những kinh điển nguyên thủy. Và nếu so sánh với giáo lý cơ sở của Thích Ca thì ta thấy rằng Thiền tông đã thay hình đổi dạng rất nhiều. Dù trong Phật Giáo Đại Thừa có “phi Phật thuyết” hay không, phải làm cách nào để nhìn thấy cách truyền thụ gọi là “nhân pháp” nghĩa là giữa người với người, tâm với tâm, Phật với Phật, mà khỏi cần dùng đến kinh điển. Thiền quả có phát triển và biến dạng trong dòng lịch sử lâu dài đấy, thế nhưng, xuyên qua suốt dòng lịch sử, Đạo Phật chính là cái đạo truyền từ người này đến người nọ mà Thích Ca đã diễn đạt bằng “con mắt nhìn được chân lý chính đáng” (Chính Pháp Nhãn Tạng) và “tấm lòng liễu ngộ về nguyên lý bất sinh bất diệt” (Niết Bàn Diệu Tâm.)

Trong Chương VII, Kinh Viên Giác, Bồ Tát Oai Đức Tự Tại hỏi rằng: Muốn thể nhập tánh Viên Giác có bao nhiêu thứ phương tiện và thứ lớp như thế nào?  Đức Phật trả lời: Tánh Viên Giác Vô Thượng nhiệm mầu trùm khắp mười phương sanh ra Như Lai và tất cả pháp đồng thể bình đẳng, đối với sự tu hành thật không có hai, song phương tiện tùy thuận thì vô lượng, gom hết trở về theo tánh sai biệt.

Samatha, chữ Phạn, Trung Hoa dịch là Chỉ. Phương tiện đầu là tu chỉ, phương tiện tu chỉ trong kinh Viên Giác khác hơn phương tiện tu chỉ quán của Tông Thiên Thai.  Chúng ta tu thì có khi dùng chỉ, có khi dùng quán. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói chỉ và quán đồng thời, Chỉ là định và Quán là tuệ, hai cái không rời nhau. Ngay khi vọng tưởng khởi chúng ta biết và buông, đó là có chỉ và quán; biết vọng tưởng là Quán, buông không theo và vọng tưởng lặng xuống là Chỉ, ấy là định tuệ đồng tu chớ không chia ra hai thứ.  Tóm lại phải nhận ngay nơi mình có tánh giác, tánh giác đó đối với thân này, ý niệm vọng tưởng này, cảnh giới hiện giờ này đều không chướng ngại được nó. Lúc đó thân tâm này cũng như bọt nổi không có gì quan trọng. Nhận được như vậy và sống mãi chỗ đó, được lặng lẽ khinh an thì đó là cảnh giới Thiền Na.

Phật dạy có ba giai đoạn:

1- Giác ngộ mình có tánh tịnh Viên giác, tức là tánh giác sẵn tròn đầy bên

trong.

2- Phải biết thức tâm hay thức tình này là phiền động.

3- Được cái tịch tĩnh khinh an nên tâm các đức Như Lai đều ở trong đó hiện

bày.

Phật khẳng định: Này thiện nam, giả sử có người tu theo Thánh Đạo, giáo hóa trăm ngàn muôn ức người thành tựu quả A La Hán, Bích Chi Phật, chỉ phá được sự chướng mà chưa phá được lý chướng.  Không bằng người chỉ nghe pháp môn Viên Giác vô ngại này trong khoảng sátna mà tùy thuận tu tập.  Người nghe pháp môn này thâm nhập tu được thì vượt cả sự và lý chướng cho nên quí hơn.  Tóm lại, ba pháp môn Chỉ, Quán và Thiền là pháp tu căn bản của chư Phật.  Phương tiện đưa đến quả vị Phật và Bồ Tát mà các Ngài ứng dụng tu, không ngoài ba pháp môn Chỉ, Quán và Thiền. Căn cứ trên sự chứng ngộ thì Phật khác, Bồ Tát khác, nhưng phương tiện tiến tu thì đồng. Các ngài đều y theo ba pháp tu này mà được thành tựu đạo quả.

Trong Chương VIII, Kinh Viên Giác, Bồ Tát Biện Âm thưa hỏi Phật: Ở đây Bồ-tát Biện Âm nêu lên câu hỏi như Phật dạy ở trước, pháp môn đó rất là ít có tức là pháp môn chỉ, quán, thiền, với ba phương tiện đó muốn bước vào cửa Viên Giác thì có bao nhiêu pháp tu tập?  Phật trả lời: Tất cả Viên Giác thanh tịnh Như Lai vốn không tu tập và người tu tập. Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời sau y nơi chưa giác dùng sức huyễn mà tu tập. Khi ấy mới có hai mươi lăm thứ thanh tịnh định luân.

Tóm lại:  “Quí vị thấy đức Phật trị hết tất cả bệnh cho chúng ta, thật là một bậc Đại y vương. Nào là bệnh chấp ngã, ái ngã, ái pháp, ái sư… chúng ta phải dẹp hết những bệnh đó thì mới mong vào được biển Viên Giác thanh tịnh, nếu không thì chúng ta trôi lăn mãi trong vòng luân hồi. Ngài chỉ rất rõ người tu mà còn kẹt trong bốn tướng, dù vi tế cũng không thành tựu đạo Bồ Đề, tâm còn niệm yêu ghét là còn mê muội không vào được tánh Viên Giác. Muốn vào cảnh giới giác ngộ thì phải bỏ những bệnh tham, sân, si, ái ngã, ái pháp… mới thành tựu đạo Bồ Đề.  Phật lại dạy: Sở dĩ chúng ta có yêu ghét là do chấp thân này thật, nếu chúng ta thấy rõ thân này không thật có thì yêu ghét không từ đâu mà sanh.  Người hiểu được lý vô ngã và áp dụng tu hành thì tiến vào biển Viên Giác không khó. Thêm nữa, chúng ta tìm thầy học đạo đừng để rơi vào tà kiến và khi gặp thầy học đạo cũng đừng sanh tâm yêu ghét, nếu có yêu ghét thì chướng ngại trên đường tu.  Bỏ yêu ghét ở thế gian mà sanh yêu ghét ở trong đạo cũng là bệnh.  Hiểu cho thật kỹ tu hành mới tiến được, hiểu không thật kỹ thì vừa mới hết bệnh này lại sanh bệnh khác. Người tu dùng pháp của Phật dạy cũng như người bệnh dùng thuốc vậy, biết bệnh biết thuốc thì hết bệnh, nếu không thì lầm lẫn có hại.” (Trích Kinh Viên Giác Giảng Giải, tác giả không biết tên?)  Các bậc Thánh Nhân, tuy mang thân huyễn mà tâm vẫn ở trong Như, vì thấu rõ lý Sắc - Không.  Bằng tâm Thiền, các Ngài nhìn toàn thể sự vật bằng cái thấy như thị, không xâm phạm đến bản vị của các pháp mà vẫn hiểu một cách tột cùng bản chất của chúng. Đức Phật gọi đó là Phật Tri Kiến - Cái thấy biết Phật.  Có cái thấy biết này, các Ngài khởi phát diệu dụng không thể nghĩ bàn. Chính là Chân Không sinh Diệu Hữu. Chân Không là tâm thể, Diệu Hữu là tâm dụng. Nhờ Diệu Hữu, các Ngài có vô số phương tiện quyền xảo để giáo hóa chúng sanh.  Các Ngài dọc ngang tung hoành, làm ngược làm xuôi, đôi lúc có những hành động ngôn ngữ vượt bình thường mà người đời không đoán định nổi.  Kẽ phàm phu muốn hiểu vũ trụ tâm thì phải phá vô minh để tri kiến Phật.  Như đã nói ở phần mở đầu, chúng ta là vũ trụ, vũ trụ là chúng ta là Tri Kiến Phật.  Muốn hiểu khoa học vật lý, tâm linh học, nhân sinh quan và vũ trụ quan thì ngoài kiến thức phải phát triễn thêm trí tuệ Phật Đà.  Lúc đó chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng, cõi giới của mình là cõi phàm - Thánh đồng cư, như cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà.  Không phải tìm Niết Bàn ở một nơi nào xa lạ, mà chỉ ngay hiện tại bây giờ và ở đây.

15.                   Như Thị Viên Giác

 

Theo thiển ý, Quan sát và Nghe với trạng thái “như thị” nghĩa là không có vật thể thuyết và thấy lẫn chủ thể thấy và thuyết, nhưng lại có cái hiểu biết và tri kiến chiếu diệu hư minh để thể hội chỗ yếu lý, yếu chỉ của ý ngữ kinh. Cái nghe đó chính là văn thành tựu và tri kiến tựu. Phải nghe thấy (quang âm) trong trạng thái như thị mới khế hợp với pháp như thị, là pháp vượt thoát tất cả mọi khái niệm thấy một cách tục đế ngôn ngữ của nhân sinh, nghe âm thanh một cách tục đế của tất cả tư lự phân biệt. Pháp đó chính là pháp phi tánh, là viên diệu pháp, là trung đạo pháp, đệ nhất nghĩa đế, không thể dùng tình thức tục đế để nói tôi hiểu biết, tôi nghe thấy. Pháp như thị đó, chính là pháp thành tựu phi tánh pháp.  Nhị thị tri kiến; như thị ngã văn, và như thị thính ngôn.  Tui thấy như rứa, tôi đọc như dậy, và như thế ngộ nghe.

 

Chú thích:

 

Theo Wikipedia, “Kinh ghi lại những gì chính đức Phật giảng dạy. Khởi đầu bộ kinh ta hay nghe câu "Tôi nghe như vầy…" (Như thị ngã văn 如是我聞, sa. evaṃ śrute mayā). Câu này tương truyền xuất phát từ A Nan Đà, một đệ tử của Phật. A Nan Đà là người có trí nhớ phi thường, đã thuật lại những lời Phật nói trong buổi Kết tập lần thứ nhất ngay sau khi Phật diệt độ.”  Nhưng Chữ Evaṃ mayāśrutaṃ, Tạng ngữ tương đương འདི་སྐད་བདག་གིས་ཐོས་པ་དུས་གཅིག་ན།. Có  śrutaṃ: Quá khứ  phân từ, thể cách, còn công năng của ngã mayā nó làm cụ cách; dịch sát theo Phạn ngữ phải là: “Tôi được nghe (là) như vậy”; Ta cũng có thể dịch sát câu này từ Phạn sang Hán văn như sau: “Bị ngã sở văn giả (thị) như thị 被我 所聞者(是)如是” . Động từ “là” (Thị是, as) được tĩnh lược.  Hay chúng ta cũng có thể sử dụng cách dịch phổ thông hiện này là: Như Thị Ngã Văn 如是我聞: Tôi nghe như vậy, tôi nghe như thế v.v.. dịch như vậy mới khả dĩ chính xác và chấp nhận được. Tuy nhiên, chữ “như vầy” của tiếng Việt dịch từ tiếng Trung Hoa không lột tả được hết ý nghĩa phong phú của chữ Hán “như thị.”

Kinh Như Lai Viên Giác Trực Chỉ Đề Cương, Chương VI, Tánh Viên Giác Vốn Là Phi Tánh, Pháp Sư Thích Từ Thông viết, Phật dạy: Thanh tịnh Tuệ! Ông cũng lại hỏi Như Lai về pháp tu hành tiệm tiến sai biệt! Này, Thanh Tịnh Tuệ! VIÊN GIÁC TỰ TÁNH vốn là PHI TÁNH, tùy thuận các tánh hư vọng đối đãi mà Như Lai khai thị, thực lý thì không có gì để chứng đắc, cũng không có gì để nắm lấy. Bởi vì ở trong thật tướng không có Bồ Tát và chúng sanh. Bởi vì Bồ Tát và chúng sanh đều là huyễn hóa. Huyễn hóa diệt, không còn ai là người chứng đắc. Ví như con mắt không tự thấy con mắt, vì tánh của nó tự bình đẳng, không có chủ thể bình đẳng can dự vào. Chúng sanh mê mờ điên đão, chưa có thể diệt trừ huyễn hóa, đối với kẻ diệt người chưa, dựa trên công dụng hư vọng đó mà giả định ra có sai biệt! Nếu tùy thuận cảnh giới tịch diệt VIÊN GIÁC NHƯ LAI thì không có đối tượng tịch diệt và người chứng nhập tịch diệt. (http://www.phathoc.net/thu-vien/kinh/bac-truyen/5A5401_kinh_nhu_lai_vien_giac_truc_chi_de_cuong/p6.aspx)

Trong Kinh  Viên Giác luận giảng, lời nói đầu, Thích Thông Huệ viết: VIÊN GIÁC là một bản kinh chỉ dạy pháp môn viên đốn liễu nghĩa của Đại Thừa. Trọng tâm, Phật chỉ thẳng tâm Viên Giác sẵn đủ bình đẳng giữa Phật và chúng sanh. Vì lẽ đó, kinh này được xem là “con mắt thanh tịnh của mười hai bộ kinh” (Thập nhị bộ kinh thanh tịnh nhãn mục). Rất nhiều văn đoạn, Đức Phật dùng phương cách tác động thẳng, nếu khéo lãnh hội thâm ý lời Phật dạy là hành giả hiểu được pháp môn viên đốn của Thiền Tông.

Đức Phật giảng trạch vô minh thay vì giảng tánh Viên Giác trước vì khi nói đến tánh Viên Giác mà không nói đến vô minh thì phàm phu không hiểu. Do vô minh làm mờ tánh giác, nếu muốn tánh giác hiển hiện viên mãn thì trước phải đoạn trừ vô minh. Vì vậy, phải hiểu rõ nguồn gốc là trạch vô minh trước để phá trừ dẹp được vô minh rồi thì căn tánh giác sẽ hiện tiền. 

Tánh Viên Giác được gọi là tổng trì (Đà La Ni [Dhàrani] là chữ Phạn, Trung Hoa dịch là tổng trì, tổng trì là gồm hết tất cả, Viên là tròn, Giác là sáng, là biết,) bởi nó bao gồm hết thảy bản khởi nhân địa của tất cả chư Phật.  Tất cả chư Phật đều đã y theo tánh Viên Giác đoạn trừ vô minh để ‘trở thành’ (trở lại) Phật Đạo.  Viên Giác Tổng Trì là pháp môn gồm hết tất cả pháp môn. Từ tánh Viên Giác đó lưu xuất ra tất cả pháp thanh tịnh Chân như, Bồ Đề, Niết Bàn và Ba La Mật để giáo hóa Bồ Tát...

Kinh Pháp Hoa có nói: Chư Phật xuất hiện ở đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Đức Phật thuyết Kinh Viên Giác này, cũng nhằm mục đích khai thị hội chúng và chúng sanh đời mạt trực nhận và hằng sống với Phật Tri Kiến (Viên Giác) của chính mình.

Các vị Bồ Tát trong chúng hội Viên Giác, vì thương tưởng đến chúng sanh thời mạt pháp, đã thỉnh cầu Đức Phật giả lập phương tiện tiệm thứ, giúp chúng sanh từng bước tu hành từ thấp đến cao, để mọi căn cơ đều được lợi lạc. Vì chúng sanh đa bệnh, trình độ không đồng, phước nghiệp sai khác, nên Phật theo lời thỉnh cầu đó đã từ bi rộng nói nhiều phương tiện tu hành, chỉ bày cặn kẽ những bệnh cần trừ diệt [ngay cả cái chết.] Nếu ai phát khởi lòng tin và làm theo lời Phật dạy, thì sớm muộn cũng viên thành đạo quả [vượt qua luân hồi sanh tử.] (Thiền Thất Viên Giác, NhaTrang - Khánh Hòa, Mùa an cư năm Canh Thìn 2000, Thích Thông Huệ, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội – 2006)

Chúng ta thường thấy trong những kinh điển Đại Thừa, Đức Phật có nói quyền nói thật, nói đốn nói tiệm hay nói cao thấp, xa gần tất cả đồng quy về một mục đích duy nhất là làm sao cho mọi thính giả hiểu rằng mỗi người đều có Tâm Viên Giác (Tâm Phật) bình đẳng cùng chư Phật không khác.  Các Ngài đã nhận ra, sống tự tại cùng với nó nên các Ngài là Phật - Bối trần hiệp giác.  Chúng ta tuy sẵn có nhưng do chạy theo trần cảnh mà quên tánh giác - Bối giác hiệp trần - nên còn mãi chịu đau khổ trầm luân trong sinh tử. 

16.                   Lý Như Huyễn

Trong Thiền Là Gi? Chương 2, Như Huyễn, Thích Thông Huệ viết, “Lý Như Huyễn là một quan niệm về nhân sinh và vũ trụ độc đáo của nhà Phật. Trong thiền định sâu xa, Đức Phật thấy rõ tất cả  các pháp đều là những hiện tượng không thật có, vì chúng do nhiều duyên tụ hội lại mà thành.  Bản chất của chúng là không, vì chúng không có tự thể. Như vậy, nhìn trên hiện tượng (SẮC) là duyên hợp tạm có, nhưng bản thể lại là KHÔNG. Nói khác đi, SẮC là biểu tướng của KHÔNG, KHÔNG là bản chất của SẮC.  Đây là tinh thần Bát Nhã, mà chỉ những người ở trong Như Huyễn Tam Muội, tức trong chánh định quán triệt lý Như Huyễn, mới thẩm thấu được.”  Như huyễn là một chủ đề quan trọng của Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Viên Giác, hiểu được lý như huyễn là hiểu được vũ trụ, nhân sinh quan và khoa học thực tại. 

Lý Như Huyễn trong Kinh Viên Giác rất thâm diệu, không thể chỉ vận dụng kiến thức tư duy mà hiểu thấu.  Phải nhờ công phu thiền tập, quán chiếu nghiệp quả duyên sinh, vô thường và tự tánh Không của thân tâm cảnh, dần dần trí tuệ phát triển mới có thể hội được đôi phần như huyển.  Kinh Hoa Nghiêm cũng nói đến sự sinh khởi và hoại diệt huyễn mộng của pháp giới. Sự giả huyễn này là vô cùng vô tận, sinh sinh hóa hóa trùng trùng duyên khởi.  Tương tự, Kinh Kim Cang nói: mọi pháp hữu vi đều là mộng huyễn, là bóng bọt, là sương mù điện chớp, hư ảo.  

Vạn pháp đều không, chỉ có nhân quả chẳng không, đây là chân tướng của vũ trụ nhân sanh.  Đức Phật dùng 4 câu kệ dưới đây để giải đáp vấn đề, nói rõ đạo lý như huyễn tại sao như vậy:

Nhất thiết hữu vi pháp, (Tất cả pháp hữu vi,)

Như mộng huyễn bào ảnh, (Như mộng huyễn, bọt, ảnh,)

Như lộ diệc như điển, (Như sương cũng như chớp,)

Ưng tác như thị quán (Nên quán sát như vậy.)

 

Trong bài "Lạc Đường" của Tú Xương cũng có câu:  Giấc mộng Nam Kha khéo chập chờn.  Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, có câu: Tiếng sen khẽ động giấc hòe. Trong "Bích câu kỳ ngộ" cũng có câu:  Đèn thông khêu cạn, giấc hòe chưa an.  Cổ thi có câu:  Trăm năm một giấc kê vàng.  "Kê vàng" cũng gọi là gạo "hoàng lương," một thứ ngũ cốc nhỏ như cát, màu vàng thường dùng nuôi chim hoàng yến. Nhà nghèo bên Tàu ngày xưa dùng kê để ăn thay gạo.  Trong "Đoạn trường tân thanh" có câu:  Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai.   "Giấc Nam Kha, Giấc hòe, Giấc mộng kê vàng hay Giấc hoàng lương" đều do điển tích trên.  Có nghĩa sự phú quý, vinh hoa, gia đình chẳng khác nào một giấc mộng.  Con người phải trải qua thăng trầm đau khổ trong cuộc đời, mới hiểu ra rằng nhân thế đổi thay, vô thường chẳng qua chỉ là một giấc mộng dài.

 

Tương tự trong Nam Kha ký thuật của Lý Công Tá đời nhà Đường có kể truyện Thuần Vu Phần nằm mộng thấy chàng đến nước Hòe An. Thuần được vua Hòe An cho vào bái yết. Thấy Thuần tướng mạo khôi vĩ nên gả công chúa, cho làm phò mã và đưa ra quận Nam Kha làm quan Thái thú, cai trị cả một vùng to lớn.   Đương lúc vợ chồng Thuần sống một cuộc vương giả, cực kỳ sung sướng thì bỗng có giặc kéo đến vây quận Nam Kha. Thuần đem quân chống cự. Giặc đông mạnh, Thuần thua chạy. Quân giặc vây thành đánh phá. Công chúa nước Hòe An, vợ của Vu Phần chết trong đám loạn quân. Thuần Vu Phần đem tàn quân về kinh đô tâu lại vua cha. Nhà vua nghi kỵ Thuần đã đầu hàng giặc, nên tước hết phẩm hàm, đuổi về làm thường dân. Thuần oan ức vừa tủi nhục, khóc lóc bi thương... Vừa lúc ấy thì Thuần chợt tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây hòe, trên đầu một nhành cây hòe chĩa về phía nam. Cạnh Thuần lại có một ổ kiến lớn. Bầy kiến kéo hàng đàn hàng lũ trèo lên cây hòe.  Cuộc đời chỉ là một giấc mộng thì ra Thuần làm phò mã kiến trên cây Hòe? 

 

Trong tác phẩm "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu: 

 

Giấc Nam Kha khéo bất bình,

Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.

Tôi xin phụ họa:

Giấc Hòe ‘Ant’ kiến bất đắc

Tỉnh cơn mơ dậy, thấy mình kiến không.

 

Trang Tử Nam Hoa kinh kể chuyện Trang Tử nằm mộng thấy mình hóa bướm, khi tỉnh dậy không biết “Chu là bướm hay bướm là Chu.”  Hay như trong, hồn bướm mơ tiên:  riêng tôi không biết làm bướm sướng hay làm tiên sướng hơn vì tôi không phải là bướm, chưa phải là tiên nên không biết bướm tiên sướng như thế nào?  Tốt nhất là ‘kiếp sau xin chớ làm người; làm cây thông đứng giữa trời mà reo.’ (Nguyễn Công Trứ)

 

Trong điển tích Mộng Kê Vàng, Lã Động Tân là người huyện Vĩnh Nhạc, Bồ Châu triều Đường, họ Lã tên Phẩm, tự là Động Tân. Cha của ông là Lã Nhượng – Thứ Sử  Hải Châu. Lã Động Tân sinh vào ngày 14 tháng 4 năm 14 Trinh Nguyên, hiệu là Thuần Dương Tử.

 

Truyền thuyết kể rằng khi Lã Động Tân giáng sinh, mùi hương tỏa khắp phòng, âm nhạc thiên đường vang khắp không trung, lại có một con hạc trắng từ trên trời hạ xuống, bay vào trong màn trướng rồi biến mất.

 

Vào những năm Hội Xương nhà Đường, Lã Động Tân vâng mệnh phụ mẫu đến Trường An dự thi. Một ngày nọ, khi đang uống rượu, ông gặp một vị đạo sĩ nhận là Vân Phòng tiên sinh, ngụ tại Hạc Lĩnh, núi Chung Nam. Ông ngỏ ý muốn nhận Lã Động Tân làm đồ đệ, nhưng Lã Động Tân đã từ chối.

 

 

 

Figure 14 Lã Động Tân

 

Tuy nhiên, Vân Phòng và Lã Động Tân ở cùng một phòng trọ. Khi Vân Phòng đang rang hạt kê, Lã Động Tân đột nhiên ngủ mê mệt. Ông mơ thấy mình đỗ làm Trạng Nguyên, nhậm một chức quan lớn ở triều đình, và cưới hai người con gái của một gia đình giàu có. Trong giấc mơ ấy, ông có nhiều thê thiếp, người hầu và con cháu.

 

Khoảng 40 năm sau, ông trở thành Thừa Tướng, đãm nhiệm chức vụ quan trọng bậc nhất trong 10 năm. Tuy nhiên, ông đã vô ý phạm phải trọng tội, buộc phải lìa vợ xa con, lưu lạc nơi núi rừng hoang dã, khốn khổ tiều tụy. Khi đang cưỡi ngựa giữa cơn gió tuyết, ông thở dài cảm thán thì bất chợt tỉnh giấc. Vân Phòng lúc đó ngồi cạnh nồi kê đang rang, cười và đọc hai câu thơ:

 

Hoàng lương do vị tục

Nhất mộng đáo hoa tư

 

Nghĩa là:

 

Nồi kê còn chưa chín

Giấc mộng đã mơ xong

 

 

 

 

 

Figure 15 Bát Tiên Quá Hải

 

Lã Động Tân thất kinh, hỏi: “Tiên sinh có biết giấc mộng của tôi có nghĩa gì không?” Vân Phòng đáp: “Giấc mộng vừa rồi của ngươi, thăng trầm muôn vẻ, vinh nhục đa đoan. Năm mươi năm không là gì hết, chỉ trong nháy mắt. Do vậy, được mất trong cuộc sống ngắn ngủi này không có nghĩa lý gì cả. Con người phải trải qua thăng trầm trong cuộc đời, mới hiểu ra rằng nhân thế chẳng qua chỉ là một giấc mộng dài mà thôi.” Lã Động Tân cảm ngộ, nhận ra rằng giấc mộng trên là một điểm hóa.

 

Sau đó Lã Động Tân đi theo Vân Phòng lên Hạc Lĩnh núi Chung Nam, nơi Vân Phòng dạy ông toàn bộ bí quyết tu Đạo thực sự.  Truyền thuyết kể rằng Lã Động Tân sau đó lúc ẩn lúc hiện nơi thế gian trong hơn 400 năm, thường vui chơi ở vùng sông núi Hồ Bắc, Hồ Nam, đặc biệt vùng gần sông Dương Tử và sông Hoài.  Trong những năm Chính Hòa đời Tống Huy Tông, Lã Động Tân được tôn là “Hảo Đạo Chân nhân” và là một vị tiên trong Bát Tiên.

 

Thiền sư Thanh Đàm Minh Chánh nói:

 

Công danh cái thế màn sương sớm

Phú quý kinh nhân giấc mộng dài.

Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật

Công phu luống uổng một đời ai.

 

 

Thiền sư Quách Ấn:

 

Đêm khuya nhập tịch hồn vô mị

Thời thính không đình lạc diệp thanh

 

Dịch nghĩa:

 

Đêm khuya khi nhập tịch, hồn không còn mộng mị gì nữa

Bỗng nghe giữa sân vắng tiếng lá bay.

 

 “Hồn vô mị” (hồn không mộng mị) trong ý thơ này có thể hiểu là thoát ly khỏi những ảo ảnh thế tục. Khi đó, mộng chính là sự vô minh. Chiếc lá rụng giữa sân vắng mà có âm thanh, thì âm thanh ấy phải chăng được thẩm thấu bởi tuệ giác sinh ra trong cõi “vô mị” của thiền sư.

 

Tri thế tri mộng vô sở cầu

Vô sở cầu tâm phổ không tịch

Hoàn tự mộng trung tùy mộng cảnh

Thành tựu hà sa mộng công đức

 

Dịch nghĩa:

 

Biết cuộc đời như mộng thì không còn cầu mong điều gì

Lòng không cầu mong thì được thanh tịnh

Ở trong mộng thì theo cảnh mộng

Công đức thành tựu được (trong mộng) cũng chỉ là mộng huyễn mà thôi.

 

Vương An Thạch là một nhà Nho lỗi lạc thời Tống và cũng là một cư sĩ thông tuệ Phật học. 

 

Thiền sư Từ Đạo Hạnh có bài kệ soi sáng ý nghĩa này:

 

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không.

 

tạm dịch:

 

Chấp có, thảy đều có

Chấp không, tất cả không

Có - Không, trăng đáy nước

Chớ chấp Có cùng Không.

 

Nếu cho mọi pháp là thật thì chúng đều thật có; nếu chấp tất cả đều không, thì chúng sẽ thật không - cả 2 Có Không điều cực đoan.  Chấp thường và chấp đoạn, đều không hội được liễu nghĩa thượng thừa.  Phật Giáo phủ nhận cả chấp thường lẫn chấp đoạn mà theo con đường Trung Đạo.

 

Các pháp không thật có, nhưng tự tánh các pháp là không, nên tuy huyễn mà vẫn thường ở trong Như Tánh. Như là thể của Huyễn, Huyễn là dụng của Như. Như là thể tánh bất động, không bao giờ thay đổi; Huyễn là tùy duyên mà hình tướng đổi thay. Chúng ta từ Như đến đây, mang thân huyễn mộng này, rồi khi chết đi lại trở về Như.  Nhưng không phải đợi lúc hình tướng tan hoại mới trở về Như, mà ngay khi còn thân huyễn, nó đã là Như rồi vì Huyễn không bao giờ rời Như.  Trong Như có Huyễn, trong Huyễn có Như. Thế giới vũ trụ, kể cả con người đều là giả huyễn, là hư vọng thì lục căn, lục trần, lục thức cũng là hư huyễn, là ảo ảnh, là phù du mà thôi. “Vạn pháp Giai Không, duyên sanh Như huyễn!

Vũ trụ vạn pháp là vô thủy vô chung, nhưng luôn thể hiện chân lý: Tất cả vật (sắc,) Có Không hợp tan tùy duyên nghiệp. Sự hữu (Sắc) là giả tướng, biểu tướng; sự vô (Không) là tự thể, bản chất.  Cả hai như hình với bóng không dễ tách rời nhau, cũng như giữa tâm và cảnh, giữa chủ thể và vật thể, đều bất khả phân ly.  Thuyết Big Bang giải thích sự thành lập của vũ trụ hiện tượng.  Khoa học cũng tính ra được chừng 5 tỷ năm nữa là vũ trụ sẽ tận diệt.  Trong giáo lý nhà Phật, vũ trụ không chỉ trải qua một chu kỳ thành - trụ - hoại - diệt, mà đã đang và sẽ tiếp diễn vô lượng chu kỳ như thế, không có khởi đầu cũng không có kết thúc, tiền tiền vô thủy, hậu hậu vô chung.  Thế giới hiện tượng là hữu vi duyên khởi, sanh sanh diệt diệt tương duyên tương tác.  Không pháp nào trong vũ trụ lại đứng yên, mà luôn luôn chuyển động đổi mới, vô thường. Ngay cả phần vĩ mô nhất là toàn bộ vũ trụ, cũng thay đổi mỗi ngày.  Hình thái của vũ trụ, mà một số nhà Vật Lý Học đã phác họa trong những công trình thực nghiệm và tư duy, rất tương tự như trong những cảnh giới mô tả một cách tuyệt vời trong Kinh Hoa Nghiêm. Chứng tỏ, vũ trụ cũng chỉ là huyễn mộng, holographic universe, dù là tiểu vũ trụ vi mô của hạt Neutrino hay đại vũ trụ vĩ mô của Thiên Hà. 

Biết được như vậy, Ta sẽ vượt qua mọi chướng duyên nơi thân tâm và cảnh, không điều gì không biết, không việc gì không làm để tròn bản tâm nguyện tự lợi lợi tha.

Sau đây là bài kệ của Thiền Sư Vạn Hạnh:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

     Tạm dịch:

               Thân như bóng chớp có hoàn không

               Cỏ xuân tươi tốt thu héo nồng

               Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi

               Thịnh suy như cỏ giọt sương đông.

Thân như sấm sét ‘phát như lôi dã,’ Nhất tức bất hồi thiên thu vĩnh biệt,’ còn thở biết còn sống.  Tương tự, vạn vật bên ngoài cũng vô thường trong từng sátna, ngay cả các pháp luôn thay đổi chuyển dịch.

Biết cuộc đời là mộng huyễn, không phải để chúng ta cam phận, chán chường, bi quan chấp nhận khổ đau; càng không phải để chúng ta thất chí buông trôi giữa dòng đời. Chúng ta ý thức mình đang hiện hữu nơi cảnh giới này cùng mọi người, là do nghiệp thức cộng trụ kết hợp với biệt nghiệp của từng người từ vô lượng kiếp.  Biệt nghiệp thì không ai giống ai, nên số phận mỗi người mỗi khác; nhưng cộng nghiệp người không khác nên sống chung một môi trường, chịu chung một hoàn cảnh thiên tai dịch họa... Và rồi, dù chánh báo hay y báo, dù biệt nghiệp hay cộng nghiệp, tất cả đều là huyễn, rồi nó cũng qua đi. 

Lý Như Huyễn của Phật Giáo là một vũ khí lợi hại, quét tận gốc rễ mọi tham đắm chấp trước của con người về thân, tâm và cảnh.  Một thiền sinh sau giờ tọa thiền, bạch cùng sư phụ, “Hôm nay con thấy rỗng rang tự tại.” Vị thiền sư trả lời, “Rồi nó sẽ qua đi!” Ngày kế, trò lại trình Thầy, “Hôm nay con lại thấy nặng nề mệt mỏi.” Thầy bảo, “Rồi nó sẽ qua đi!” Tôi xin thêm một tí cho hợp thời: Thưa Thầy, con bắt đầu thấy mình càng ngày càng già thêm.  Sư trả lời: Rồi nó sẽ qua đi!  Thưa Thầy, con bắt thấy mình càng ngày càng gần tới cái chết.  Sư trả lời: Rồi nó sẽ qua đi! 

Thiền sư đang khai thị chân lý cho thiền sinh: Tất cả các pháp, dù pháp thế gian hay xuất thế gian, cũng đều qua đi, như dòng sông luôn luôn trôi chảy không dừng.  Vì thấy rõ các pháp là huyễn, không có gì vĩnh viễn thường trụ, nên chúng ta chấp nhận một cách tự nhiên là thân không có thể trẽ trung mạnh khỏe mãi mãi, không già, không chết, và nhất là không mong ước nào vạn sự như ý.  Bằng tinh thần tự lực đương đầu với mọi đau khổ lẫn chế ngự bất an, ta sẽ nổ lực làm việc, tích cực sống, vì mình, vì nhân sinh.   “Nhất thiết pháp không,” do bản thể các pháp vốn không, nên chúng dung thông vô ngại. Phàm phu do tâm chấp trước các pháp là thật có, nên thấy chúng ngăn ngại rối răm lẫn nhau, đặc biệt đối với các vật thể rắn: thân người không thể đi xuyên qua vật chất.  Đức Phật dạy, do tâm chấp trước kiên cố nên các pháp biểu hiện thành chất rắn, do tâm sân hận nên sanh có lửa, do tâm tham ái nên có nước, do tâm dao động nên sanh ra gió. Tâm bên trong như thế nào thì biểu hiện các pháp bên ngoài thế ấy. Đối với các bậc ngộ đạo, lậu hoặc đã dứt, đã đạt lý tánh tuyệt đối, các vị có thể tùy ý thi triển thần thông, đặc dị công năng, vì các pháp không còn ngăn ngại lẫn nhau. Đây là tư tưởng vút cao trong Kinh Hoa Nghiêm: Sự-sự vô ngại hay Pháp giới dung thông. Tư tưởng này làm sáng tỏ thêm Lý Như Huyễn, vì các pháp như huyễn nên thật sự không có ranh giới chướng ngại, không có rối lượng tử (quantum entanglement.)   Điều đó có nghĩa là, khi thấu rõ tự tánh các pháp đều không, tất cả đều như huyễn, cái ngã tiêu dung, thì tự nhiên ta thể  nhập vào quỹ đạo của chư Phật và Bồ Tát. Lúc ấy:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

Cả người lễ (năng) và chư Phật (sở) tánh đều không, khi ấy sự tương cảm tương ứng thật không thể nghĩ bàn! (Phỏng theo Thiền Là Gi? Chương 2, Như Huyễn, Thích Thông Huệ)  

17.                   Hạt Lân Hư Trần

 

Về kiếp trụ của các thế giới, Kinh Văn Phật Giáo viết vi trần và kiếp trụ với những số lượng ước tính vĩ đại tương tự như khoa học nói về nguyên tử trong vũ trụ:

"Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Nên biết thế giới hải có thế giới hải vi trần số kiếp trụ, hoặc có A Tăng Kỳ kiếp trụ, hoặc có vô lượng kiếp trụ, hoặc có vô biên kiếp trụ, hoặc có vô đẳng kiếp trụ, hoặc có bất khả sổ kiếp trụ, hoặc có bất khả xưng kiếp trụ, hoặc có bất khả tư kiếp trụ, hoặc có bất khả lượng kiếp trụ, hoặc có bất khả thuyết kiếp trụ, ..có vi trần số kiếp trụ như vậy." 

Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2: Trong mỗi mỗi vi trần, Quang minh đều đầy đủ.

Phật đã nói đủ những con số cực lớn và những con số cực nhỏ, nhỏ đến độ mô tả Hạt (Particle/Matter) và Sóng (Wave/Mind). Ví dụ mà Phật gọi là Cực Vi (hạt ảo) chỉ bằng 10 trừ lũy thừa 33 cm, 10-33 cm, tức 1/1000 tỉ tỉ của một cm.

Năm 1980, Vật Lý Gia Murray GEll_mann quan niệm rằng Dương Điện Tử (Proton) và Trung Hòa Tử (Neutron) nằm trong Lõi của Nguyên tử lại được cấu tạo bằng những Hạt Tử nhỏ hơn mà ông đặt tên là Quark (Cực vi, Hạt ảo.)  Độ lớn của nó chỉ bằng 10-33 cm, hay 1/1000 tỉ tỉ hạt Nhân.

Tháng 3 năm 1995, các Vật Lý Gia đã tìm được Quark Đỉnh (Top Quark) bằng cách bắn vỡ những Dương Điện Tử và Phản Dương Điện Tử (Antiproton) khiến chúng tiêu diệt lẫn nhau và phát sinh năng lượng, trong đó có nhiều Hạt Tử và Quark Đỉnh.

Trên hơn 20 năm qua, Geoffrey và Fritjof Capra đã áp dụng thuyết Boostrap (Đại Ủng) để khám phá ra chiều sâu của thế giới hạt nhân.  Khoảng năm 1960 dến 1970, Salam và Weiberg lập ra thuyết Đại Tổng Hợp (Grand Unification Theory – GUT.)  Thuyết này là bước đầu của Nguyên Lượng Cơ Học (Quantum mechanices) mà sau 50 năm nghiên cứu, các khoa học gia mới biết liên kết Lực Yếu (weak force) và Điện Từ Lực với nhau.  P.A.M. Dirac (1902-1970) viết về thuyết Phản Vật Chất (Antimatter) và Chân Không Sinh Diệt (Vacuum Polarization.)  Thuyết Phản Vật Chất là một khám phá quan trọng của Nguyên Lượng Điện Động Học (Electrodynamics – QED.)

Chân Không Sinh Diệt là một hiện tượng phân cực một phần hay toàn phần của Dương Điện và Âm Điện trong một hạt Nguyên Tử, Phân Tử (Molecule) hay hệ thống hoá học.

Trong vũ trụ cũng có những hiện tượng tương tự. Đức Phật đã dạy rằng, “Hư Không hay Chân Không không phải là Ngoan Không (nghĩa là chẳng có gì cả) mà khắp nơi, khắp xứ, chỗ nào cũng có đủ loại quang minh cùng những loài chúng sinh cư ngụ.”

Trong Chân Không có Tĩnh Động, Sinh Diệt, Sắc Không, Tạo Dựng và Hủy Hoại.  Ngày nay, các Khoa học gia đã khám phá trong Chân Không có Vật Thể (Matter) và Phản Vật Thể (Antimatter,) có Quarks và Phản Quarks (Antiquarks,) có Positron đối nghịch với Electron.  Họ cũng khám phá rằng Vật Thể và Phản Vật thể triệt tiêu lẫn nhau.

Khoa học ngày nay cũng đã khám phá ra trên 200 Phân Tử (Particles) trong vũ trụ mà cách đây trên 2,500 năm, các trường phái ngoại đạo gọi là “vi trần,” và luận cứ rằng những “vi trần” này nhảy múa rối loạn xạ (quantum entanglement) để tình cờ hay ngẫu nhiên nhờ nhân duyên tạo thành những chúng sinh thấp như những con sâu kèn, và những chúng sinh cao như khỉ và loài người.  Luận cứ này đã bị Phật bác bỏ.

Khoa học ngày nay cũng đã khám phá ra rằng dòng họ Quark như Hadron có cùng độ Quay Tự Nội (Intergrated Spins) có thể trao đổi cho nhau được. Sau việc khám phá ra Nguyên Tử và những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử, rồi đến những hạt tử quá nhỏ nhiệm như Neutrino, Quark, Baryon, Meson, Hadron, Hyperon v.v… các khoa học gia rất phấn khởi vì tin rằng họ đã gần xé toang cái màn bí ẩn của vũ trụ để phanh phui ra những bí mật, những then chốt cấu tạo vũ trụ vạn vật này.  Nhưng khốn nỗi, càng đi sâu vào cái lâu đài vọng tưởng của Cực Vi (Hạt Ảo,) họ càng thấy thất vọng vì những lượng tử căn bản này không phải là Vật, mà chỉ là những ảo ảnh, những bào ảnh “như điện như ảnh” được nói đến trong kinh điển Phật Giáo từ lâu.

Theo thuyết lượng tử thì thật ra không có hạt cơ bản.  Các hạt Quark, Lepton, Gluon chỉ được các nhà Vật Lý Học sử dụng để diễn tả các bình diện của vật chất tương ứng với bốn lực cơ bản hiện nay, biết rằng đa số các hạt đều có phản hạt (antiparticle.)  Những rối lượng tử (quantum entanglement) này đã được mô tả trong cuốn sách “Khuôn Mẫu Toàn Ký” của Ken Weiber và “Vũ Trụ Như Huyễn” của Michael Talbot.  Trong các kinh Đại thừa, Kinh Lăng Nghiêm, Địa Tạng, và nhất là Hoa Nghiêm, đã nói rất nhiều về những quang minh lượng tử này; và cho rằng quang minh thường xoay vần theo hình trôn ốc, và khi quay chậm lại tạo thành sơn hà, đại địa, và chúng sinh.  Mà những sum la vạn tượng trong thế giới của chúng ta chẳng khác gì cái vẻ muôn màu, muôn sắc của “Vạn Hoa Kính.” Thấy được, nhưng không nắm bắt được. Cách đây trên 25 thế kỷ, Phật đã nói rõ về việc cấu tạo vũ trụ bằng quang minh.  Bây giờ khoa học mới tìm hiểu về quang minh, về sự hình thành của vũ trụ từ quang minh đúng như lời Phật đã dạy.  Đơn giản, quang minh chính là Tâm Bồ Đề là Tri Kiến Phật.

Nhà bác học Niels Bohr (1885-1962, giải Nobel vật lý) thấm nhuần Phật Pháp và đã làm sáng tỏ ý nghĩa của Kinh Bát Nhã Tâm Kinh: "Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc."  Ông đã khám phá ánh sáng không là Hạt (particle) và cũng chẳng là Sóng (wave) mà nó là Hạt khi được quan sát và vừa là Sóng khi không bị quan sát, cả hai thứ bổ túc cho nhau, nó vừa Có vừa Không.

 

Nếu Hạt Sóng là yếu tố căn bản của ánh sáng thì các khoa học gia thời đó xác nhận rằng thành phần nhỏ nhất của vật chất là hạt nhân. Cho mãi đến cuối thế kỷ thứ XIX các nhà vật lý nguyên tử đã tìm được và khẳng định rằng thành phần cuối cùng của vật chất là Nguyên Tử và đặt tên mới bằng tiếng Hy Lạp (Atom) có nghĩa là không thể chia cắt được nữa. Danh từ mới này thật ra đã có từ thời Phật Thích Ca. Ở Ấn Độ, thời Phật, danh từ Paramãnu có nghĩa tương đương với nguyên tử. Một hạt bụi rất nhỏ mà ta thấy bay vởn vơ trong làn ánh sáng được gọi là Ratharenu. Một Ratharenu phân làm 36 Tajjaris. Một Tajjaris chia làm 36 Anus và một Anus chia làm 36 Paramãnus (nguyên tử,) như vậy thì trong hạt bụi nhỏ có 46656 nguyên tử. 

 

Đến đầu thế kỷ XX, các nhà bác học bảo nguyên tử (atom) chưa phải là nhỏ nhất, nó được cấu tạo bằng những hạt nhỏ hơn: electron, proton, neutron . . . Giữa thập niên 60, các nhà bác học lại tìm ra thêm những Phản Hạt của electron, proton, neutron... người ta gọi những hạt này là hạt cơ bản (elementary particle.) Tới thập niên 70, khoa học tiến bộ hơn, có những máy gia tốc năng lượng rất lớn, họ đã tìm ra Hạt Quarks, 3 hạt quarks mới bằng một hạt cơ bản.   Cho nên những tài liệu được viết trước đây mà các tác giả gọi là Atom rồi đã được dịch ra là Nguyên Tử nên hiểu là hạt Quark được xem là nhỏ nhất mới tìm ra thời bây giờ cho đến 2015 khi khoa học gia tìm ra mass của Neutrino còn nhỏ hơn Quartz.  Tôi đề nghị, chữ ‘nguyên tử’ nên được ám chỉ hay định nghĩa lại là nguyên tố vi mô nhỏ nhất mà con người biết được đương thời.  Nguyên tử nhỏ nhất bây giờ là Neutrino thay vì Atom cho đến khi các khoa học gia tìm là nguyên tử mới nhỏ hơn Neutrino như họ đã và đang tìm kiếm.  Trong lúc viết về hạt Quark mà tôi tưởng là hạt nhỏ nhất bây giờ thì 2 nhà bác học Nhật và Gia Nã Đại đã mới tìm ra khối lượng (mass) của Neutrino được báo chí đang tải 10/6/2015.  Neutrino còn nhỏ hơn Quark mà họ mới tìm ra.

Figure 16 Lướt Sóng trong biển ý thức của vũ trụ

 

Theo hình ảnh của Surfing on an ocean of universal consciousness trên đây thì Quark (nhỏ hơn 10-18 m) là vật nhỏ bé nhất tuy nhiên Neutrino có thể là hạt nhỏ hơn, có thể đo lường, cho đến khi khoa học có thể tìm ra và đo được điểm (hạt) khác nhỏ hơn Neutrino.  Nếu một vật có khối lượng thì nó có thể phân chia ra nhỏ hơn cho nên không có cái khối (mass) tuyệt đối nhỏ nhất bất khả phân (nhất điểm, singularity) mà cái gần như tương đối nhỏ nhất đối với con người.  Những điều mà tôi phân tích này có liên quan mật thiết đến vô ngã và những trình bày dưới đây có liên hệ tới luật nhân quả và lý nhân duyên của vũ trụ thể theo quan niệm của Phật Giáo.  Hiểu biết được những triết lý này là một bướt gần tới quán tự tại ngũ uẩn giai không. Mà có độ nhất thiết khổ ách không thì không bảo đãm.

 

Trước đó, những khoa học gia đã có chút khái niệm về Neutrio nhưng cho đến năm 1956, sau khi thí nghiệm, Frederick Reines and Clydes đã đưa bằng chứng và kết luận của hạt Neutrino tuy nhiên cho đến 2015, Takaaki Kajita của Japan and Arthur McDonald của Canada đã được giải Nobel vật lý bởi đã chứng minh là Neutrino có mass; 50,000 lần nhỏ hơn một electron. (The neutrino has a Q charge of null and it is 50,000 times smaller than an electron. STOCKHOLM (AP) — Takaaki Kajita of Japan and Arthur McDonald of Canada won the Nobel Prize in physics on Tuesday, October 6, 2015 for discovering that tiny particles called neutrinos change identities as they whiz through the universe, proving that they have mass. Nobel Prize for missing piece in neutrino mass puzzle.)

 

Neutrino ở mọi nơi trong vũ trụ, nhưng chúng ta không thể thấy được nó hoặc cảm được nó và có thể hầu như stop được nó.  Nó chảy xuyên qua thân thể chúng ta bởi hàng tỷ tỷ qua từng giây đồng hồ, xuyên qua những khoảng trống giữa nguyên tử của cơ thể chúng ta với không đụng chạm.  Những hạt ma quái này được cấu tạo trong phong phú trong lúc big bang, và những ngôi sao như mặt trời được hình thành (bơm ra) thật nhiều lần.  Trong tất cả những phong phú của nó, neutrino có thể là hạt đầy bí ẩn nhất trong vũ trụ.

Qua nhiều thập niên, những vật lý gia tưởng neutrinos không trọng lượng (không có kilô gì,) và họ đã sốc trong năm 1998 khi khám phá rằng những hạt thật có rất nhỏ, nhưng không zero (không không,) khối lượng.  Khối lượng chính xác có như thế nào thì vẫn chưa biết.  Câu hỏi lớn hơn, tuy nhiên, là tại sao chúng lại có khối lượng.

Câu hỏi thoạt nghe đầy ngớ ngẩn của những nhà tư tưởng gia:  Tại sao chúng sống trong vũ trụ đầy vật chất thay vì phản vật chất?  Tôi xin Phật Giáo hóa câu hỏi trên:  Tại sao chúng ta sống trong vũ trụ đầy cái có thay vì không cái không?  Nếu chúng ta sống trong vũ trụ đầy cái không không thì làm gì kiến ngộ được cái có cho rắc rối sự đời?

Sau đây là câu giải thích của những người mù sờ voi: Cuối cùng, những nhà vật lý nghĩ neutrinos có thể giải quyết một điều bí mật lớn hơn về phản vật chất - tại sao vũ trụ không được tạo ra từ phản vật chất thay vì vật chất?  Tại sao vũ trụ không tạo ra từ không thay vì có?  Câu hỏi đầy vô minh này đã được kinh điển Phật Giáo đề cập từ hơn 2600 năm về trước - Vạn vật từ không mà có!  Để hiểu tại sao nó rối răm, xem như những gì các nhà vật lý đang tin tưởng đã xảy ra ngay lúc sau khi big bang: những khối lượng đầy phong phú của vật chất và phản vật chất vừa được tạo thành đến với nhau và tiêu diệt lẫn nhau.  Cái phần vật chất nhỏ nhất còn lại sau khi tất cả những thứ nầy bị hủy diệt tạo nên thiên hà, tinh tú và hành tinh, xum la vạn tượng, chúng ta có ngày hôm nay.

Cái lối giải thích của những khoa học gia, tư tuởng gia mù sờ voi ngày hôm nay mâu thuẩn với lối giải thích đầy toán học ngày hôm qua: tổng cọng của vật chất và phản vật chất trong vũ trụ là zero (không.)  Vậy thì có cái gì sót lại sau khi vật chất và phản vật chất triệt tiêu ngoại trừ Không?  Kinh Phật đã giải thích cái rối răm này qua vài chữ vô sanh, vô diệt, không tăng không giảm, không có, không không.  Sắc tất thị không, không tức thị sắc.  Có không không có!  Điều này cho biết khoa học còn lâu mới theo kịp Phật Giáo trừ khi họ biết áp dụng phương trình Phật Pháp vào trong khoa học để tìm hiểu về vũ trụ. 

From the article: 3 science ideas you’ll be hearing more about in 2016, By Dominic Basulto November 10 at 8:05 AM, “Neutrinos are everywhere in the universe, but we cannot see them or feel them and can almost never stop them. They stream through our bodies by the trillions every second, flitting through the spaces between our atoms with nary a collision. These ghostly particles were created in abundance during the big bang, and stars like the sun pump out more all the time. Yet for all their plenitude, neutrinos may be the most mysterious particles in the cosmos.
 
For decades physicists thought neutrinos weighed nothing, and they were shocked in 1998 to discover that the particles do have very small, but nonzero, masses. Exactly how much mass they have is still unknown. The larger question, however, is why they have mass at all.

The question of why we live in a universe made of matter and not antimatter?

Ultimately, physicists think neutrinos could resolve an even larger mystery about antimatter—why isn’t the universe made of it rather than matter? To understand why this is puzzling, consider what physicists currently believe happened just after the big bang: copious amounts of the matter and antimatter that had just been created came together and destroyed each other. The small amount of matter left over after all these annihilations is what makes up the galaxies, stars and planets we have today.” (https://www.washingtonpost.com/news/innovations/wp/2015/11/10/3-science-ideas-youll-be-hearing-more-about-in-2016/)

Neutrino có thể truyền tin (teletransport) về quá khứ, làm lu mờ ranh giới quá khứ và hiện tại có thể thay đổi luật nhân quả căn bản của vũ trụ (the fundamental principle of cause and effect.)  Ngoài ra, khoa học còn khám phá hạt lý thuyết (theoretical particles) tachyons với khối lượng ảo (imaginary mass) cũng có thể vượt không gian và thời gian ngược hẳn lại thuyết tương đối đặc biệt của Einstein là vật chất không thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng.  Raymond Y. Chiao is professor of physics at the University of California, Berkeley. He said: Briefly, tachyons are theoretically postulated particles that travel faster than light and have 'imaginary' masses. (Scientific American’s Editor note: imaginary mass is a bizarre theoretical concept that comes from taking the square root of a negative number; in this case, it roughly means that a particle's mass is only physically meaningful at speeds greater than light.)  Đây chỉ là một bướt khởi đầu của giấc mộng du hành trong không-thời gian của nhân loại.  Bướt tham sân si kế tiếp khi khoa học có thể đi về quá khứ và tương lai thì con người có thể thay đổi lịch sử theo ý mình. Chúng ta sẽ là đấng sáng tạo là thượng đế trong vũ trụ.  Những lý thuyết giả tưởng này không có gì mới lạ đối với đạo học Đông Phương 3000 năm về trước.  Cái khác biệt của đạo học và khoa học là đạo đã tới được những điều mà khoa học nhân văn cho là huyền bí, giả tưởng nhưng muốn đạt được những thần thông quảng đại đó thì phải vô ngã, diệt tham sân si và giác ngộ.  Ngược lại khoa học còn lâu đạt được giấc mộng du hành vượt không gian và thời gian vì khoa học vẫn muốn thỏa mãn tham vọng và vô minh của con người.  Đó là thâm ý đầy trí tuệ mà Einstein đã ngụ ý:  Vật chất vô minh, chấp ngã, không thể di chuyển nhanh hơn tốc độ của ánh sáng.  Tuy nhiên, quang minh vượt không-thời gian, quang minh là Như Lai không đến không đi (nhất điểm, nhất thể, bất nhị) cho nên không có khoảng cách (không gian) lẫn thời gian.

 

Kinh Phật có một danh từ tương đương với hạt Neutrino hay bất cứ điểm hạt nào nhỏ nhất trong tương lai mà không cần phân biệt, đổi thay định nghĩa với nhiều tên mới cho thích hợp với những khám phá mới như khoa học.  Khoa học hay thay đổi ý và thường đã phá những khám khá củ là sai lầm như thường thấy trong lịch sử khoa học.  Đó là hạt Lân Hư Trần; có nghĩa là ‘bà con gần’ của Hư Không, tượng trưng cho hạt nhỏ nhất trong trần thế.  Theo tôi, điều này cho biết những tìm kiếm của khoa học chỉ là tương đối chính xác tạm thời dựa trên luận lý, kỷ thuật và toán học hiện tại.  Trong khi đó, Phật Giáo cũng có những phân tích lẫn những phương cách trình bày rất là khoa học lẫn toán học để ám chỉ những con số tượng trưng, số vô lượng cho đến vô cực để mô tả về cỏi Ta Bà và vũ trụ.  Tuy nhiên, trên phương diện trí tuệ Phật, tâm linh tính, và diệu chân lý của Phật Giáo thì khoa học, cho đến bây giờ, vẫn chưa hoàn toàn hiểu tới để mà theo kịp Phật Giáo. 

 

18.                   Tương quan giữa Nguyên Tử và Chủng Tử

 

Trước khi tiếp tục thảo luận chi tiếc về Phật Giáo và khoa học tưởng cũng nên có một chút khái niệm tương quan giữa nguyên tử của khoa học và các chủng tử (sa. bīja) của Phật Giáo, tức là các hạt mầm của Nghiệp (sa. karma, pi. kamma) được chứa đựng trong cơ sở A Lại Da Thức theo quan niệm của Duy Thức Tông do hai Đại Sư Vô Trước (zh. 無著, sa. asaṅga) và người em là Thế Thân (zh. 世親, sa. vasubandhu) sáng lập.

Thấy được một chủng nguyên tử trong cơ thể của mình trong vũ trụ giúp chúng ta ngộ rằng:

1. Gia hạnh (sa. prayoga): Hành giả (Bồ Tát) nhận ra rằng không có gì ngoài Tâm;

2. Kiến (sa. darśana): Hành giả dựa trên giáo pháp đích thật, đạt Như thật tri kiến, bước vào Thập địa (sa. daśabhūmi). Hành giả thống nhất khách quan chủ quan là một. Trong giai đoạn này, hành giả loại trừ Phiền não (sa. kleśa).

3. Tu tập (sa. bhāvanā): Hành giả tu tập và vượt qua Bồ Tát thập địa;

4. Vô học, cấp thành tựu Thánh quả: Hành giả diệt tận phiền não, chấm dứt Luân Hồi. Bồ Tát đã chứng đạt Pháp Thân (sa. dharmakāya).

Theo Wikipedia, Duy Thức Tông (zh. 唯識宗, sa. vijñaptimātravādin, yogācārin, cittamātravādin) là một trong hai trường phái chính của Phật Giáo Đại Thừa do hai Đại Sư Vô Trước (zh. 無著, sa. asaṅga) và người em là Thế Thân (zh. 世親, sa. vasubandhu) sáng lập. Tương truyền rằng, chính Ứng Thân (Tam thân) của Bồ Tát Di Lặc (zh. 彌勒, sa. maitreya) khởi xướng trường phái này ở thế kỷ thứ 4 Công Nguyên.  Tên Phạn Ngữ khác của Duy Thức Tông là Du Già Hành Tông (sa. yogācārin), vì lý do là đệ tử phái này rất chú trọng việc hành trì Du Già (sa. yoga), quán tưởng thiền định để phát huy hạnh nguyện của một Bồ Tát.

Tâm điểm của trường phái này là tất cả mọi hiện tượng con người cảm nhận được đều là "duy thức" (sa. Vijñāptimātratā,) chỉ là thức (tâm;) mọi hiện tượng đều là cảm nhận của thức, không có chủ thể lẫn đối tượng độc lập, ngoài thức đang cảm nhận thì không có gì là thật. Như thế, "thế giới" [vũ trụ] bên ngoài thuần tuý chỉ là thức vì cả khách quan lẫn chủ quan đều không có thật. Sự cảm nhận chỉ là quá trình của một tưởng tượng, một ảnh ảo của một khách quan bị tưởng lầm là có thật. Quá trình này được giải thích bằng khái niệm A Lại Da Thức (zh. 阿賴耶識, sa. ālayavijñāna). Ngoài những quan điểm trên, khái niệm Tam Thân Phật (zh. 三身, sa. trikāya) cũng được Duy thức tông giải thích trọn vẹn. Đại diện xuất sắc của Duy thức tông, ngoài các nhà sáng lập nói trên, là An Huệ (zh. 安慧, sa. sthiramati), Hộ Pháp (zh. 護法, sa. dharmapāla) – hai luận sư đã tạo thêm hai nhánh khác nhau trong Duy Thức Tông – và Trần-na (zh. 陳那, sa. dignāga), Pháp Xứng (zh. 法稱, sa. dharmakīrti, xem Thập đại luận sư).

A Lại Da Thức (zh. 阿賴耶識, sa. ālayavijñāna, bo. kun gzhi rnam par shes pa ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་) là thuật ngữ phiên âm, dịch ý là Tạng Thức (zh. 藏識). Là một khái niệm quan trọng của Duy Thức Tông (sa. vijñānavāda), một trong hai nhánh chính của Phật Giáo Đại Thừa (sa. mahāyāna). Trong trường phái này, thuyết về A Lại Da Thức nói về 8 thức là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức, A Lại Da Thức.  A Lại Da Thức thức được xem là thức căn bản của mọi hiện tượng, nên còn gọi là Hàm Tàng Thức. Thức này chứa đựng mọi sư trải nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần.

 

Khái niệm A Lại Da Thức là cơ sở của Duy Thức Tông, qua đó người ta giải thích sự hiện hữu của nhân sinh và của cái Ta. Các tư tưởng có tính riêng tư đó tác động trong mối liên hệ với Vô Minh (sa. avidyā) và Ngã Chấp (sa. ātmagrāha) làm cho mỗi người tưởng rằng có một cái Ta đứng sau mọi hành động của mình. Tư tưởng đó lại gây tiếp các chủng tử của nghiệp, và nghiệp lại tiếp tục tạo tác. Vòng lẩn quẩn này chỉ được đối trị bằng quan điểm cho rằng, không hề có một thế giới độc lập ngoài Tâm. Theo đó thế giới chỉ là phản ánh của A Lại Da Thức, con người chỉ thấy bóng dáng của chính tâm thức nó.  A Lại Da Thức thường được xem như là thật tại cuối cùng, có khi được gọi là Chân Như (sa. tathatā). Theo một quan điểm Phật Giáo khác thì A Lại Da Thức chỉ là nơi tập hợp của mọi nghiệp xưa cũ (Pháp Tướng Tông.)

 

Thế giới vũ trụ bên ngoài được Duy Thức Tông giải thích như sau: Các chủng tử (sa. bīja) của quá khứ theo đó mang sẵn những hạt mầm của Nghiệp (sa. karma, pi. kamma) được chứa đựng trong A Lại Da Thức và đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành hiện tượng tâm thức.  Các chủng tử đó chín muồi theo tác động của Nghiệp (sa. Karma,) chúng tác động qua lại lẫn nhau làm con người thấy một ảnh ảo mà tưởng nó là có thật. A Lại Da thức được so sánh với một dòng nước chảy, [dòng tâm thức,] luôn luôn mới mẻ và liên tục, tiếp tục sinh hoạt động sau khi chết và sự liên tục của nó chính là cơ sở của sự tái sinh. Những cảm nhận của con người, vì bị "ô nhiễm" nên chúng phát sinh ra một ấn tượng về cái "Ta." Ấn tượng về cái "Ta" là một sai lầm từ căn bản, vì thật ra chỉ có "sự cảm nhận" chứ không có "người cảm nhận." Và cũng vì vô minh mà cho rằng có tự ngã nên con người bám víu vào đó để chịu Khổ. Duy Thức Tông dựa vào thuyết dưới đây – được gọi là thuyết Tam Tự Tính (sa. trisvabhāva) – để giải thích sự cảm nhận, nhận thức ngoại cảnh. Tam tự tính là:

  • Biến kế sở chấp tính (zh. 遍計所執性, sa. parikalpita-svabhāva), còn được gọi là huyễn giác (zh. 幻覺) hay thác giác (zh. 錯覺): Tất cả những hiện hữu đều là kết quả của trí tưởng tượng (huyễn giác,) do chấp trước, cho rằng sự vật trước mắt là có thật, là độc lập;
  • Y tha khởi tính (zh. 依他起性, sa. paratantra-svabhāva,) nghĩa là dựa vào cái khác mà sinh ra: Tất cả pháp hữu vi đều do Nhân Duyên mà phát sinh, lệ thuộc vào nhau, không có tự tính (sa. asvabhāva);
  • Viên thành thật tính (zh. 圓成實性, sa. pariniṣpanna) Tâm vốn thanh tịnh, là Chân như (sa. tathatā), Như Lai tạng (sa. tathāgata-garbha), là tính Không (sa. śūnyatā).

 

Khoa học đã chứng minh: Thế giới vật chất do nhiều nguyên tử của khoảng hơn 100 nguyên tố mà người ta tìm thấy trên địa cầu và trong vũ trụ cấu thành. Nguyên tử có hạt nhân ở trung tâm và đám mây electron chuyển động bên ngoài. Hạt nhân nguyên tử cấu tạo bằng một hoặc hai loại hạt là proton và neutron. Ví dụ nguyên tử đơn giản nhất là hydrogen, hạt nhân hydrogen chỉ có một hạt proton. Còn hạt nhân nguyên tử của helium thì có 2 proton và 2 neutron. Hạt proton lại được cấu tạo bằng 2 hạt quark up + 1 hạt quark down. Hạt neutron thì cấu tạo bằng 1 hạt quark up + 2 hạt quark down. Đó là mô tả nguyên tử vật chất của vật lý học hiện đại.

Figure 17 Nguyên tử Hydrogen chỉ có 1 proton và 1 electron

 

 

Figure 18 Nguyên tử Helium có 2 proton, 2 neutron và 2 electron

Figure 19 Hạt Proton trong nhân nguyên tử cấu tạo bởi 2 quark up +1 quark down

 

Figure 20 Size của Atom, Nucleus, Proton (Neutron), Quark and Electron

Nguyên tử vật chất thật ra là trống rỗng, hạt quark và hạt electron không thể độc lập tồn tại, chúng chỉ nương tựa vào nhau mà tồn tại dưới hình thức nguyên tử. Nguyên tử gồm có hạt nhân ở trung tâm và các hạt electron xoay chung quanh. Nhân nguyên tử chỉ có kích thước bằng 1/10.000 (một phần mười ngàn) đường kính nguyên tử. Đường kính của một nguyên tử, chẳng hạn carbon, là 0,5nm (nanomét, 1nm = một phần tỉ mét) Mà nhân nguyên tử lại được cấu tạo bởi những hạt proton và neutron, các hạt này có kích thước 0,00000001 nm (một phần trăm triệu nanomét). Như vậy hạt proton nhỏ hơn nguyên tử 50 triệu lần.  Kích thước của hạt quark còn cực kỳ nhỏ hơn nữa. Để hình dung, ta lấy nguyên tử carbon vốn đã rất nhỏ (0,5 nm -nano mét,), phóng đại bằng kích thước quả địa cầu (phóng đại cỡ 24 triệu tỉ tức 24×1015 lần) thì thấy hạt quark có kích thước chưa tới 5 ly (mm). Mô tả rõ ràng như vậy để thấy rằng nguyên tử là hoàn toàn trống rỗng, vật chất làm nên nguyên tử là các hạt quark và electron cũng không phải là thực thể vì chúng không thể độc lập tồn tại.

Một hạt quark riêng lẻ không tồn tại, phải có 3 hạt quark hợp lại mới thành hạt proton hoặc hạt neutron. Còn hạt electron thì không thể đứng yên một chỗ, nó luôn chuyển động không ngừng và không thể cùng lúc xác định động lượng (bằng cách đo xung lượng của hạt electron khi nó va chạm với hạt proton do người làm thí nghiệm bắn vào) và vị trí của nó theo nguyên lý bất định (Uncertainty) do Heisenberg tìm ra. Ý nghĩa của nguyên lý bất định Heisenberg là người ta không thể nắm bắt, xác định được hạt electron một cách dứt khoát. Theo cái nhìn Phật giáo thì hạt quark (không thể độc lập tồn tại) và hạt electron (không thể xác định chắc chắn, uncertainty) chỉ là hoa đốm trong hư không, không có thật, chỉ vì nhất niệm vô minh mà thấy có nhân duyên kết hợp để xuất hiện nguyên tử vật chất và từ đó cấu thành ngân hà, tinh tú, sơn hà đại địa, vạn vật, con người, đó chỉ là cảm giác đồng bộ của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chứ thực ra không có gì cả. Vì vậy mới có câu tổng kết trong tác phẩm Thành Duy Thức Luận mà ngài Huyền Trang đã dịch từ tác phẩm của ngài Hộ Pháp (Dharmapàla), “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.” Cho nên, “Tâm như hư không vô sở hữu” chính là thực tướng vô tướng của vũ trụ vạn vật vậy.

Khoa học ngày nay có thể phá vỡ được hạt nhân của nguyên tử Uranium 235 để tạo thành 3 nguyên tử khác là Uranium 236, Barium và Kripton,

Figure 21 Nguyên tử Uranium 235

Figure 22 Biểu đồ phản ứng phân hạch Uranium 235 Trong biểu đồ, hạt nhân U235 bị phân rã thành U236, Kripton và Barium

nhưng khoa học không có khả năng phá vỡ được hạt proton hoặc hạt neutron vì phải cần tới một năng lượng vô hạn, họ gọi hiện tượng các hạt quark bị giam giữ trong hạt proton hoặc neutron là hiện tượng giam hãm (confinement) vĩnh viễn không bao giờ tách rời ra được. Còn Phật giáo gọi hiện tượng giam hãm đó là Tâm cố chấp hay còn gọi là trước tưởng sau khi đã khởi nhất niệm vô minh nên mới thấy có nguyên tử và vũ trụ vạn vật.

19.                   Một Nguyên Tử trong Tiểu Vũ Trụ

 

Lời Đức Phật dạy, "Bên trong thân xác bằng một sải tay mang đầy giác cảm này, Như Lai xem đấy cũng chẳng khác gì như toàn thế giới [vũ trụ, THL] sự hình thành của thế giới [vũ trụ] và cả con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới [vũ trụ.]"  (Kinh Tăng Nhất A Hàm)

 

Vũ trụ có phải là một nguyên tử?  Câu trả lời hay nhất trên Yahoo! Answer:  Nếu bạn có thể tìm ra cái trung tâm của vũ trụ thì sự liên hệ có thể tạo thành.  Một nguyên tử có nhiều khoảng hư không (emptiness) trong đó vật thể (sắc) không tồn tại rất giống như vũ trụ và trọng trường.   Phản ứng giữa vật thể (sắc, particle) trong nguyên tử tạo ra một năng lực cao độ, mạnh như vũ trụ (E = mc2)  Quan sát vật lý lượng tử rồi bạn sẽ thấy vũ trụ và nguyên tử thật giống nhau trên bất cứ phương diện nào.

 

Is the universe an atom?  Yahoo Best answer: If you can find the center of the universe then a relationship can be made. An atom has more space in which matter does not exist much like our univierse. within the atom there are forces in which there is an attraction of matter, much like the universe and gravity. Interactions between matter in the atom yield very high energy, much like the universe.  Look at quantum physics and you will see how the universe and an atom are in fact alike in many ways!

 

Theo khoa học, vật chất cấu tạo bởi những nguyên tử, và nguyên tử thì không có màu sắc nào cả. Cũng vậy, nguyên tử thì không có mùi nào cả. Mùi hương chỉ là kết quả của sự xúc chạm của các nguyên tử với mũi và hệ thần kinh của chúng ta diễn dịch ra thành mùi hương, chứ các nguyên tử làm gì có mùi hương?  Nếu vậy thì tôi xin suy ra nguyên tử cũng không có vị để nếm thử là nó cay, đắng, ngọt hay bùi. Có ai đã ăn nguyên tử lần nào chưa?  Tôi không nói ăn bom nguyên tử.  Nguyên tử có tạo ra âm thanh, có nói được không?  Những cái mà khoa học tưởng Không ở trên vì họ chưa chứng minh được chứ Kỳ Na Giáo hơn 2000 năm trước đã nói: Nguyên tử có sắc, mùi, vị và theo tôi có thể có âm thanh lẫn tánh linh. 

 

Theo thi sĩ Bùi Giáng thì: “Trong linh hồn một bông hoa, Hình như có cõi người ta đàng hoàng.”  Đó chính là tinh thần Hoa Nghiêm. Ông lý luận rằng “Bên cạnh những cuồng điên đẫm máu có những trận man mác thơ mộng tót vời. Đó là điều không thể giải thích, đó là những khoảng lưu không bạch xứ mở ra cho bất tư nghì tồn lý đi về, đó là chỗ trì ngự của tinh thần, cái chốn nghiêm mật để Hoa Nghiêm Kinh chan rưới hồng ân cho mọi bàn chân đi bước phiêu bồng ngoài vùng cương toả, chốn nghiêm mật tót vời và siêu đẳng..."  Cõi bờ con mắt Hoa Nghiêm, Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng.

 

Khoa học ngày nay chỉ ý thức, quan sát hình sắc của nguyên tử chứ chưa biết ngửi, nếm và nói chuyện với chúng sinh nguyên tử.  Ví như chuyện Tú Uyên chiêm ngưỡng bức tranh Tố Nữ trong Bích Câu kỳ ngộ (chữ Hán: 碧溝奇遇, Cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu) là truyện Nôm của Việt Nam, dài 678 câu thơ lục bát, kể về sự tích một người học trò tên là Trần Tú Uyên gặp nàng Giáng Kiều ở đất Bích Câu (Bích Câu có nghĩa là ngòi biếc, nay thuộc thành phố Hà Nội.)  Đều đó không có nghĩa khoa học ‘hồn bướm mơ tiên’ mà tiên Giáng Kiều không bao giờ hiện ra.  Khoa học chưa mơ tiên đến điên cuồng như Tú Uyên mơ Giáng Kiều.  Không ai biết được Tú Uyên mơ Giáng Kiều có khác gì giấc mộng Nam Kha của Thuần Vu Phần không? Descartes nói, “Tôi tư duy vậy tôi hiện hữu.”  Nếu tôi không tư duy vậy tôi không hiện hữu?   Nếu tôi mơ ăn nguyên tử thì chắc có ngày nguyên tử sẽ cho tôi ăn nguyên tử.

 

Trong An Atom in the Universe, Posted by Ethan on March 6, 2013:

 

 

Figure 23 Image credit: Jerry Lodriguss, 2009, of http://www.astropix.com/

 

Có những danh từ khoa học rất khó mà dịch cho chính xác, cho nên tôi xin cố gắng tạm phỏng dịch những tài liệu dưới đây càng đơn giản, càng dễ hiểu cho tất cả những độc giả với kiến thức phổ thông lẫn căn trí bất đồng, nếu có thể, để cùng nhau thông cảm và tư nghị.

 

“The atoms come into my brain, dance a dance, and then go out – there are always new atoms, but always doing the same dance, remembering what the dance was yesterday.” –Richard Feynman

 

Figure 24 Ở trong một nguyên tử

 

Tôi xin tạm dịch, Richard Feynman nói: Những chủng nguyên tử luôn luôn trôi đến trong não, khiêu điệu vũ, và rồi ra đi – nơi luôn luôn có tân nguyên tử, nhưng luôn luôn nhãy cùng điệu vũ, nhớ những gì của điệu nhãy hôm qua. Đây là một ví dụ về dịch sát ngữ chứ thú thật tôi ngu muội không hiểu ý ông ta nói gì chỉ phỏng đoán na ná, hình như nó tương tự như tâm khỉ đột nhảy đầm với ý ngựa bà hay có cái quái gì đó nhãy múa, ra vào trong tiềm thức của bộ não ông ta, để lại một dấu tích lịch sử đầy quái gở?  Ông ta có thể không hành thiền mà đạt được tâm thiền, hay ông ta điên vì đã thấy được nguyên tử trong thế giới vi trần?  

 

Hình như, sự khác biệt giữa người giác ngộ và một người bình thường [vô minh] giống như sự khác biệt giữa một người bình thường [vô minh] và một người điên khùng. 

 

Chúng ta biết âm thanh là sóng có tần số nhất định, tần số đó thay đổi theo âm thanh cao thấp.  Và theo khái niệm hiện đại của nguyên tử thì hạt cơ bản chẳng qua cũng chỉ là sóng có tần số tỉ lệ với năng lượng của chúng. Theo thuyết lượng tử thì quả như thật là mỗi hạt cơ bản ca bài hương ca vô tận của nó và sinh ra những cơ cấu năng lượng với những tiết điệu (những hạt giả) trong dạng hình cô đọng và tinh tế.

 

Hình tượng của về vũ điệu vũ trụ này được diễn tả sâu sắc và đẹp đẽ nhất trong Ấn Độ Giáo với hình ảnh tưởng tượng của thần Shiva nhảy múa.  Một trong những hiện thân của Shiva là vị hoàng đế vũ công. Trong niềm tin của Ấn Độ Giáo thì tất cả đời sống chỉ là một phần trong tiến trình tuần hoàn của sinh thành và hoại diệt, của tử vong và tái sinh, và điệu nhảy của Shiva biểu diễn tiết điệu vô cùng này của sống chết, nó tiếp diễn trong vô tận đại kiếp. Theo lời của Anada Coomaraswamy: “Trong đêm tối của Brahman thì thế giới tự nhiên bất động và không thể nhảy múa, cho đến ngày Shiva muốn, từ báo thân của mình, ngài đứng dậy và gửi cho vật chất đang im lìm những sóng nhảy múa hầm hập gồm toàn âm thanh thức tỉnh và xem kìa! Vật chất sống dậy, nhảy múa và biến thành hào quang nằm quanh Ngài. Trong lúc nhảy múa Ngài giữ vững tính thiên hình vạn trạng của hiện tượng. Vẫn tiếp tục nhảy múa, theo thời gian, Ngài dùng lửa hủy diệt mọi sắc danh và tạo lại sự tĩnh lặng...Hình ảnh rõ nhất của hoạt động thượng đế, mà bất cứ nghệ thuất hay tôn giáo nào muốn ca tụng. Đây là thi ca mà cũng chính là khoa học.” Vũ điệu của Shiva chính là vũ trụ với những cấu trúc đang xen kẽ vào nhau đang nhảy múa với nguồn năng lượng xuyên chảy qua vô cùng tận.

 

Dưới đây là bạn, một con người, là đại vũ trụ của những chủng nguyên tử tự chúng nó sắp xếp trong đơn giản monomers, gắn bó với nhau trong tế bào thô của những vi tế bào của bạn.  Bạn là sưu tập của 75 tỷ tỷ sưu tầm của những tế bào rất đặc biệt, được sắp xếp trên đường cấu tạo ra bạn qua những hình ảnh dưới đây.

(Here you are, a human being, a grand Universe of atoms that have organized themselves into simple monomers, assembled together into giant macromolecules, which in turn comprise the organelles that make up your cells. And here you are, a collection of around 75 trillion specialized cells, organized in such a way as to make up you.)

 

Figure 25 Lượng tử trong cơ thể chúng sinh, J. Roche at Ohio University

Nhưng khi nhìn cái bản thống kê này thì bạn vẫn chỉ là những nguyên tử (số lượng là 1028 ) không gì khác hơn là những nguyên tử tạo thành.  Nếu chúng ta nhìn kỷ cái thí dụ dưới đây thì oxygen và hodrogen trong thân thể của Dave và ngay cả tất cả chúng ta chiếm đến gần 80% của cơ thể chúng ta, đó là nước (H2O) là sự sống. 

(But at your core, you are still just atoms. A mind-bogglingly large number of atoms — some 1028 of them — but atoms nonetheless.)

 

Figure 26 Những gì tạo ra Dave, Ed Uthman, MD

Có hai thứ - giữa bạn và hạt nguyên tử - hình như rất khó để tưởng tượng trong đầu nhưng số lượng nguyên tử ~1028 trong bạn tương đương với số lượng vật chất 1057 atoms tạo nên toàn thể Thái Dương Hệ. Cho nên một hạt nguyên tử trong cơ thể bạn tương đương với toàn thể bạn trong Thái Dương Hệ.  Rất bé nhỏ, gần như không thấy được bởi dụng cụ đo đạt của ngũ uẩn; cho cái ‘vi vi’ duy ngã để chấp, để sở, để trụ, để độc tôn trong thiên thượng thiên hạ.

(Those two things — you and an atom — may seem so different in scale and size that it’s hard to wrap your head around. Here’s a fun way to think about atoms: if you broke down a human being into all the atoms that make you up, there are about as many atoms that make up you (~1028) as there are “a-human’s-worth-of-atoms” to make up the entire Solar System!)

 

Figure 27 Siêu hình ảnh, Superb Wallpapers, via http://www.desktoplemming.com/

All the matter in the Solar System, all summed together, contains about 1057 atoms, or 1028 human-beings-worth of atoms. So an atom, compared to you, is as tiny as you are in comparison to the entire Solar System, combined.

Nhưng đó chỉ là khái niệm, mỗi chủng hạt nguyên tử của 1028 atoms trong cơ thể bạn có một lịch sử riêng với nhân quả và duyên nghiệp từ lúc vũ trụ mới bắt đầu sinh.  Mỗi hạt chủng tử đó có cái nguyên ủy nhân duyên của nó và hôm nay tôi sẽ mang đến bạn câu chuyện về nguồn gốc của chỉ một chủng tử trong số 1028  chủng nguyên tử của cơ thể bạn trong vũ trụ vô biên.

(But that’s just for perspective. The 1028 atoms that are existing-as-you-right-now each have their own story stretching back to the very birth of the Universe. Each one has its own story, and so today I bring you the story of just one atom in the Universe.)

 

Figure 28 Lịch sử của một atom,  Lawrence Berkeley National Lab / UC Berkeley / US Dept. of Energy

 

Ngày xữa ngày xưa, ở nơi một nơi thật xa trong quá khứ - cở 13.7 tỷ năm về trước – khi mà chưa có những nguyên tử.  Chưa có vũ trụ, Thái Dương Hệ, Trái Đất và lũ người bám trên mặt đất như những ký sinh trùng đầy tham sân si, ái ố rồi còn than khổ than đau, mong giác ngộ giải thoát. 

 

Đúng vậy, chỉ có toàn năng lượng (pure energy) nhưng quá nóng và quá đặt như một khối nhất thể, không có chổ trống không (non-emptiness) để có được một hạt nguyên tử.  Thử tưởng tượng tất cả vật chất trong toàn vũ trụ chừng 1091 particles nén chặt cứng lại chỉ bằng một ngôi sao lớn. (The whole Universe, compressed into a volume of space that one large star takes up.)

(There was a time in the distant past — some 13.7 billion years ago — when there were no atoms. Yes, the energy was all there, but it was far too hot and too dense to have even a single atom. Imagine all the matter in the entire Universe, some 1091 particles, in a volume of space about equal to that of a single, giant star.)

Lúc đó, khi mà quá nóng để có được những nguyên tử đừng nói tới chuyện không gian thời gian hay nhân quả lẫn duyên khởi vô lượng – không nhân, không quả.  Nhưng tiền vũ trụ không ở trong trạng thái vô thỉ vô chung, vô sanh, vô diệt đó lâu: Nó có thể vì cực nóng cực đặc rồi thì giản ra co lại rất nhanh chóng bất thường.  Sau khi gần một sátna, quarks and gluons nén lại trong trạng thái tĩnh protons và neutrons, là nền tảng của tất cả các nguyên tử (atomic nuclei.) 

Thì ra, Tâm được tạo ra từ sự đàn hồi bởi nhiệt độ thay đổi bất thường?  Từ đó vô minh xuất hiện rồi thì Tâm sống động?  Rồi chừng vài triệu năm nay, sau hơn 13.7 tỷ năm, mới có cái của nợ nhân sinh với đầy vô minh sau khi những con khũng long ngu xuẩn bị diệt chủng? 

(Yes, back then it was too hot to have any atoms at all. But the Universe didn’t stay that way for long: it may have been incredibly hot and dense, but it was expanding and cooling incredibly rapidly back then. After less than a second, the quarks and gluons had condensed into stable protons and neutrons, the building blocks of all atomic nuclei.)

 

Figure 29 Đàn hồi vì nhiệt độ, Gauss Centre for Supercomputing (GCS) / Sabine Höfler-Thierfeldt

Hạch nhân (nguyên tử, atom) chúng ta đang nghĩ đến (nhất tâm niệm) bắt đầu từ trung hòa tử (neutron.) Dương điện tử (Protons) cố liên hệ với nó để tạo ra deuterium nhưng vũ trụ lúc đó quá nóng để tạo ra điều kiện đó và mỗi lần nó kết quả heavy hydrogen, nó bị đẩy bung ra nhanh hơn nanosecond sau đó.

(The atom we’re thinking of started out as a neutron. Protons tried to fuse with it to create deuterium, but the Universe was too hot for that to happen, and each time it formed deuterium, it was blasted apart less than a nanosecond later.)

Sau chừng 3 phút, vài neutrons tan rã trong protons nhưng vẫn tồn tại và cuối cùng vũ trụ đủ nguội với phương cách thiết hợp nguyên tử.  Neutron mau chóng lập thành deuterium, rồi thì Helium-3 và cuối cùng là một deuteron khác trở thành Helium-4 nucleus được tìm thấy.  Duy chỉ chừng 8% của atoms trong vũ trụ trờ thành Helium-4  như cái này; 92% khác đã thuần protons, cũng được biết như là Hydrogen nuclei.

(After about three minutes, a few of the neutrons had decayed into protons, but this one remained, and finally the Universe had cooled enough so that nuclear fusion could proceed. The neutron quickly formed deuterium, then Helium-3, and finally found another deuteron to become a Helium-4 nucleus. Only about 8% of the atoms in the Universe became Helium-4 like this one; the other 92% were just plain old protons, also known as Hydrogen nuclei.)

 

Figure 30 Những phản ứng nguyên tử, Pearson Education, Inc., 2011

Phải mất đến 380,000 năm cho vũ trụ đủ nguội để trở thành trung hòa tử và cho 2 âm điện tử giao hợp với cái hạt nhân này.  Vũ trụ được xem như nó co khi nguội, giản nhanh chóng với số lượng còn lại 100% ionized cho đến khi nhiệt độ hạ xuống chỉ chừng vài ngàn độ, với chừng đó thời gian.

(It took another 380,000 years for the Universe to cool enough for this to become a neutral atom, and for two electrons to join this nucleus. The Universe — despite its rapid expansion and cooling — remains 100% ionized until the temperature drops to just a few thousands of degrees, which simply takes that much time.)

 

Figure 31 Tái tổng hợp trước và sau khi nhiệt độ nguội dần,  James N. Imamura of University of Oregon

Kế đến cở hơn trăm triệu năm, cái atom này tự tìm thấy nó bắt kịp trong lực hút của trọng trường của vũ trụ, bắt đầu với cấu tạo của những hành tinh và thiên hà.  Nhưng đại đa số lớn của atoms – hơn 95% - đã là không phải phần tử chính xác của thế hệ thứ nhất của những ngôi sao.

(Over the next hundred-million years or so, this atom found itself caught up in the gravitational pull of the Universe, which began to form stars and galaxies. But the vast majority of atoms — more than 95% — weren’t a part of the first generation of stars, and neither was this one in particular.)

Thay vì, khi mà những ngôi sao đầu tiên được thành lập, chúng đá âm điện tử ra khỏi atoms chung quanh chúng, tạo nên ions một lần nữa.

(Instead, when the first stars formed, they kicked the electrons out of the atoms that surrounded them, creating ions once again.)

 

Figure 32 Ngôi sao đầu tiên, NASA/JPL-Caltech

Chỉ là may mắn duy nhất đó là cái hạt atom này mà chúng ta theo dỏi nằm trong đám mây molecular đặc, bao bọc bởi chất phóng xạ này.  Sau khi hơn một tỷ năm trong cái sưu tập của trung hòa tử, nó cuối cùng tự tìm thấy nó bị lôi kéo bởi hấp lực của trọng trường đến trở thành hành tinh to lớn.

(It was only by luck that this atom we’re following wound up in a dense molecular cloud, shielded from this radiation. After more than a billion years in this collection of neutral atoms, it finally found itself pulled in by gravitational attraction to what would become a giant star.)

 

Figure 33 Định tinh khổng lồ, NASA, ESA, and F. Paresce, R. O’Connell, and the WFC3 Committee

Cái hạt nhân nguyên tử này mất âm điện tử của nó và rơi đến trung điểm của ngôi sao, nơi nó dừng nghĩ cả nhiều triệu năm, như hydrogen nuclei hòa hợp trong helium nuclei khác như cái nguyên tử miêu tã này.  Khi mà cái vòng này cạn hết hydrogen năng lượng, helium fusion lúc ban đầu, và những nguyên tử trong nó dung hợp với những cái khác để trở thành một carbon nucleus.

(This atom lost its electrons and fell to the core of the star, where it lay dormant for millions of years, as hydrogen nuclei fused into other helium nuclei just like this one. When the core ran out of hydrogen fuel, helium fusion began, and our atom fused with two others to become a carbon nucleus!)

 

Figure 34 Nguyên tử mất âm điện tử, Nicolle Rager Fuller / NSF

Trong lúc những nguyên tử khác ngay cả gần hơn trung tâm của những hành tinh xa hơn, carbon đã lìa xa cái nguyên tử đặc thù này.  Khi mà cái vòng của ngôi sao sụp đổ và hành tinh đi đến siêu tân tinh (supernova,) cái nguyên tử của chúng ta sẽ bị thổi bay vào interstellar medium (không gian liên sao dạng trung?) nơi nó sở trụ cả nhiều tỷ năm. Cái không gian liên sao dạng trung (ngân hà) này đã được Phật Giáo diễn tã với con số rất chính xác gọi là Vô Biên ~= 101.13 x 1033  hành tinh?

(While other atoms even closer to the center of the star fused further, carbon was as far as this particular atom went. When the core of the star collapsed and the star went supernova, our atom was blown out into the interstellar medium, where it resided for billions of years.)

 

Figure 35 X-ray: NASA/CXC/Caltech/S.Kulkarni et al.; Optical: NASA/STScI/UIUC/Y.H.Chu & R.Williams et al.; IR: NASA/JPL-Caltech/R.Gehrz et al

Trong khi cả nhiều tỷ hành tinh khác phải trải qua sinh trụ hoại diệt, thì cái nguyên tử carbon vẫn tồn tại trong thiên hà (interstellar space,) ngay cả nhận thêm 6 âm điện tử để trở thành trung hòa tử.  Nó tự tìm đường vào trong tập thể trọng trường của trung hòa khí, và nguội, rồi thì bị hút vào một cái trọng trường nhiểu loạn khác, như những nhóm sao được cấu tạo một lần nữa.  Đây có thể là vòng luân hồi sinh trụ hoại diệt đầu tiên?

(While billions of other stars went through the life-and-death cycle, this carbon atom remained in interstellar space, eventually picking up six electrons to become neutral. It found its way into a gravitational collection of neutral gas, and cooled, eventually getting sucked in to another gravitational perturbation, as star-formation happened all over again.)

 

Figure 36 Tony Hallas of http://www.astrophoto.com/

Lần này, hạt nguyên tử đã không tự tìm đường đi vào trong trọng tâm của hệ thống hành tinh nhưng thay vì những đỉa bụi vây quanh nó.  Rồi theo thời gian, cái đỉa này phân ly vào trong những vẫn thạch (planetoids) và những vẫn bụi (planetesimals,) và cái hạt nguyên tử này tự tìm đường sở trụ vào một trong hai cái trên.  Cái ưng sở trụ đầu tiên?

(This time, the atom didn’t find its way into the central star of its system, but rather into the dusty disk that surrounded it. Over time, the disk separated into planetoids and planetesimals, and this atom found itself aboard one of those.)

 

 

Figure 37 Image credit: NASA

Trước nó nối kết với 4 nguyên tử hydrogen, trở thành methane, và đi xuyên qua nhiều triệu lần của những phản ứng hóa học trong nhiều lần.  Nguồn gốc của ngũ uẩn?

(It first joined together with four hydrogen atoms, becoming methane, and went through millions of different chemical reactions over time.)

 

Figure 38 Image credit: 2009, Zappa, via http://macroworlds.com/

Sau khi đời sống nẩy mầm trên trái đất, nó trở thành một phần của DNA vi khuẩn, rồi thì bức tường của tế bào cây, và cuối cùng trở thành một phần của vạn vật phức tạp mà tự nó tìm đường vào cái bao tử của bạn, bị cơ thể đào thải, rồi lại tìm đường chui lại vào cái bao tử của bạn từ lổ miệng.

(After life took hold on Earth, it became a part of a bacterium’s DNA, then a part of a plant’s cell wall, and eventually became part of a complex organism that would find itself consumed by you.)

 

Figure 39 Image credit: Anna of http://mtkilimonjaro.blogspot.com/

Figure 40 Những món ăn khoái khẩu

Nguyên tử bây giờ là tế bào máu đỏ của bạn, nơi đó nó bám trụ cho tổng cọng 120 ngày, cho đến lúc cái tế bào đó bị hủy diệt và được thay thế bởi những cái tế bào mới khác.

(The atom is currently in a red blood cell of yours, where it will remain for a total of about 120 days, until the cell is destroyed and replaced by a different one.)

 

Figure 41  Tế bào máu, Mohamed Zakzouk

Dù tế bào và tất cả tế bào trong cơ thể bạn bị hủy diệt và thay thế vì luật sinh trụ hoại diệt.  Bạn vẫn tưởng là bạn và nguyên tử chỉ đơn giản thay thế với những nhiệm vụ khác, bất kể là nó sở trụ hay vô sở vô trụ, ra vào trong thân thể bạn.  Những nguyên tố này đều thay đổi vô thường, được thay thế liên tục bởi những tế bào mới mà bạn không thể nhận thấy được. 

Đọc tới đây, hy vọng bạn đã kiến được ra tâm ý của “Dòng tâm thức luôn luôn đổi mới, nhãy cùng một điệu vũ, luôn luôn đến và đi trong tâm trí để lại ký ức của điệu nhãy hôm qua” lẫn cái giác ngộ của Richard Feynman khi ông ta nói, “The atoms come into my brain, dance a dance, and then go out – there are always new atoms, but always doing the same dance, remembering what the dance was yesterday.” The great physicist, Nobel Prize, Richard Feynman (of QED, Los Alamos, space shuttle, strip clubs and bongo drum fame.)

 

Tương tự như vũ điệu của Shiva không những biểu diễn sự tuần hoàn sinh diệt của vũ trụ mà cũng là nhịp điệu hàng ngày của sống chết, đối với đạo học Ấn Độ thì nhịp điệu đó là cơ sở của mọi hiện hữu. Đồng thời Shiva nhắc nhở chúng ta hiện tượng muôn vẻ đó trong thế gian chỉ là do ảnh - nó không cơ bản, nó  chỉ là ảo giác và liên tục biến đổi. Ngài tạo ra nó rồi hủy diệt nó trong dòng nhảy múa bất tận của mình, như Heinrich Zimmer mô tả: Vũ điệu ào ạt và cao quý của Ngài gia tăng thêm cho sự ảo giác về vũ trụ. Tay chân quay cuồng và cơ thể uốn lượn của Ngài kích thích sự sinh thành và hoại diệt liên tục của vũ trụ, trong đó cái tử cân bằng với cái sinh và sự hủy diệt luôn luôn chấm dứt sự sinh thành.

 

Tương tự, trong phần mở đầu trong Đạo của Vật Lý (The Tao of Physics by Frifjof Capra, Shambhala Boulder, l-1975,)  Vật Lý Gia Capra đã thú nhận ‘khi viết Đạo của Vật Lý, thậm chí tôi có cảm giác những gì được viết là thông qua tôi, chứ không phải do tôi viết ra.’  Thật trùng hợp ngẫu nghiên đầy lý thú, tôi đã nói và viết về những điều bất khả lậu này qua kinh nghiệm bản thân từ những bài viết về Phật Giáo trước khi đọc lời thú nhận của Vật Lý Gia Capra trong Đạo của Vật Lý dù cuốn sách này đã viết ra từ lâu trước khi những bài tôi viết trong năm 2013.  Ngay cả bài Phật Giáo và Vũ Trụ Quan này tôi không đủ trí tuệ để viết nổi; tôi chỉ là thư ký của Tâm phi vật chất và của các bật thiện tri thức.  Frifjof Capra mô tả kinh nghiệm ‘đột ngộ’ của ông như sau:

 

Five years ago, I had a beautiful experience which set me on a road that has led to the writing of this book. I was sitting by the ocean one late summer afternoon, watching the waves rolling in and feeling the rhythm of my breathing, when I suddenly became aware of my whole environment as being engaged in a gigantic cosmic dance. Being a physicist, I knew that the sand, rocks, water and air around me were made of vibrating molecules and atoms, and that these consisted of particles which interacted with one another by creating and destroying other particles. I knew also that the Earth’s atmosphere was continually bombarded by showers of ‘cosmic rays’, particles of high energy undergoing multiple collisions as they penetrated the air.  All this was familiar to me from my research in high-energy physics, but until that moment I had only experienced it through graphs, diagrams and mathematical theories. As I sat on that beach my former experiences came to life; I ‘saw’ cascades of energy coming down from outer space,

in which particles were created and destroyed in rhythmic pulses; I ‘saw’ the atoms of the elements and those of my body participating in this cosmic dance of energy; I felt its rhythm and I ‘heard’ its sound, and at that moment I knew that this was the Dance of Shiva, the Lord of Dancers worshipped by the Hindus.

 

Cuốn sách Đạo của Vật Lý này đã được Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách dịch ra tiếng Việt nhưng đoản văn trên đây, tôi xin dịch lại từ nguyên văn cho có vẻ sát nghĩa hơn:

 

Năm năm trước, tôi có một kinh nghiệm tuyệt vời đã đưa đường dẫn lối cho tôi viết tác phẩm này.  Tôi đang ngồi gần đại dương trong một buổi chiều tà của mùa hạ, nhìn những cuộn sóng vổ vào và cảm thấy nhịp điệu của hơi thở mình, lúc đó tôi bổng nhiên nhận thức tất cả chung quanh tôi như đang tham dự trong một vũ điệu của vũ trụ bao la.  Là một nhà vật lý, tôi biết cát, đá, nước và không khí quanh mình đều được cấu tạo bằng phân tử và nguyên tử, và những vật này chứa đựng những hạt, nó phản ứng nội tại tạo ra và hủy diệt những hạt khác.  Tôi cũng đã biết rằng bầu khí quyển của trái đất liên tục bị oanh tạc bởi những đám mưa phóng xạ của vũ trụ, ‘cosmic rays,’ những phân tử này với năng lượng cao trải qua nhiều va chạm khi chúng rớt xuyên qua bầu không khí. Những thứ này, quá quen thuộc với tôi lúc tôi nghiên cứu các tối năng lượng vật lý, nhưng đến bây giờ trong thời gian đó tôi chỉ có kinh nghiệm trên đồ thị, sơ đồ và toán học lý thuyết.  Lúc tôi ngồi trên bãi biển đó, kinh nghiệm xưa sống lại; tôi "thấy" nguồn năng lượng tràn xuống như thác đổ từ thượng tầng khí quyển, trong đó nhiều hạt được tạo thành và bị hủy diệt trong một cường độ nhịp nhàng; tôi "thấy" những nguyên tố của các nguyên tử đó và ngay cả trong thân tôi tham gia vào vũ điệu năng lượng này của vũ trụ; tôi cảm nhận được nhịp độ của nó và nghe được âm thanh của nó, và ngay lúc đó, tôi đã biết đó là điệu vũ của Shiva, vị thần vũ sư, (mê nhãy đầm, ưa đi trên điệu nhạc,) được Ấn Độ Giáo tôn thờ. (Đạo của Vật Lý, Bề Mặt, Frifjof Capra, Lê Huy Trứ dịch)

 

Nguồn gốc của Đạo của Vật Lý xuất phát từ trong một thể nghiệm mạnh mẽ mà tôi [Frifjof Capra] trải qua trong mùa hè năm 1969 trên bãi biển ở Santa Cruz, được mô tả trong lời nói đầu của sách này.  Một năm sau, tôi rời California để tiếp tục việc nghiên cứu ở Imperial CollegeLondon, và trước khi tôi đi ghép một tấm hình - Shiva nhảy múa, ngự trị trên các hạt đang va chạm trong buồng đo - để minh họa chứng nghiệm của tôi về sự nhảy múa vũ trụ trên bãi biển. Hình ảnh đẹp tuyệt này đối với tôi là biểu tượng của sự song hành giữa vật  lý và đạo học mà tôi vừa bắt đầu khám phá. Một ngày nọ, cuối thu năm 1970, khi ngồi trong nhà gần Imperial College và nhìn bức tranh, bỗng nhiên tôi có một nhận thức rất rõ ràng. Tôi biết với một sự chắc chắn tuyệt đối  rằng sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông ngày nào đó sẽ trở thành nhận thức chung; và tôi cũng cảm thấy mình đang ở vị trí tốt nhất để phát hiện ra những sự tương đồng này một cách nhất quán và để viết một cuốn sách về chúng. (Đạo của Vật Lý, Tương Lai của Nền Vật Lý Mới, Lời cuối cho bản in lần thứ ba, Hình Ảnh, Tác Giả Frifjof Capra, Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách dịch)

Mặt dù tế bào – và tất cả tế bào trong cơ thể Ta - sẽ bị hủy diệt và thay thế, Ta sẽ vẫn là Ta, và nguyên tử sẽ đơn giản thi hành nhiệm vụ khác, dù ở trong hay ngoài cơ thể Ta.  Những nguyên tử tạm thời ở trong Ta, và có thể bị thay thế - mà Ta không thể nhận biết được - bởi một tế bào cùng loại.

(Although the cell — and all cells in your body — will be destroyed and replaced, you will remain the same person you are, and the atom will simply take on a different function, whether in your body or out of it. The atoms in your body are temporary, and can all be replaced — unnoticed by you — by another of the same type.)

 

Figure 42 Nguyên tử thay đổi liên tục trong cơ thể chúng ta, Youngester of http://technicalstudies.youngester.com/

Và mỗi nhân nguyên chủng tử của 1028 atoms trong nhục thân bạn có một câu chuyện lịch sử rất đặc thù của duyên nghiệp từ vô lượng trụ kiếp, trước cả khi con người hiện diện trên địa cầu như hạt hạch nhân đã được miêu tả ở trên đây.  Tương tự như ý của Freynman, tôi là vũ trụ của vô cực nguyên tử, bất khả tư nghi, và là một nguyên tử trong vũ trụ.  Tương tự, vũ trụ trong lỗ chân lông; tam thiên đại thế giới, đại ngã trong tiểu ngã hay tiểu ngã trong đại ngã hay tất cả là một, một là tất cả. 

(And each of the 1028 atoms in your body has a story as spectacular and unique as this one! As Feynman famously said, “I / a Universe of atoms / an atom in the Universe.”)

http://physicsbuzz.physicscentral.com/2010/06/universe-of-atoms-atom-in-universe.html

20.                   Thần thông của khoa học

Rạng Ngời

 Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên,

 Thần thông các tướng biến hiện tiền.

 Hữu vi vô vi từ đây có,

 Thế giới hà sa không thể lường.

 Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không,

 Mỗi mỗi xem ra chẳng tướng hình.

 Muôn đời ngàn đời nào sánh được,

 Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời.

*

 (Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch

 Thần thông biến hóa hiện chư tướng

 Hữu vi vô vi tùng thử xuất

 Hà sa thế giới bất khả lượng.

 Tuy nhiên biến mãn hư không giới

 Nhất nhất quan lai một hình trạng.

 Thiên cổ vạn cổ nan tỷ huống

 Giới giới xứ xứ thường lãng lãng.)

 

Thiền Sư Cứu Chỉ (circa 11th  century)

(Bản dịch HT Thanh Từ )

*

Being Luminous: After realizing that your body and mind are originally serene, you will see the supernatural powers manisfesting in front of you.  From there emerge all the conditioned and the unconditioned; countless worlds appear -- immeasurably. Though revealed fully in space, all phenomena are really formless. All your old days, however ancient, can not compare with today. Being luminious, always – at any place, anywhere. (Cứu Chỉ [circa 11th  century])

Qua những khái điểm đầy thiền tính lẫn những khám phá không ngừng của khoa học trên đây đã làm cho đa số chúng ta tin tưởng khoa học chẳng hạn như Neutrinos là chìa khóa để tìm hiểu về vũ trụ hiện hữu.  (Neutrinos are the key to understanding the known universe.)  Understanding the human genome can lead to new treatments for diseases, y khoa sẽ tìm ra phương cách để chữa lành ung thư.  Những khám phá mới nhất của y khoa cho thấy những tế bào cancers là những tế bào trường sinh bất tử (immortals) nhưng y khoa chưa chịu chấp nhận là những tế bào này không thể tiêu diệt được.  Điều này chứng tỏ thượng đế thật khốn nạn (the creator is a bastard.)  Đây là những tế bào chúng ta cần để thành tiên, trường sanh bất tử.   Chúng ta sợ hải, tuyệt vọng khi những tế bào này xuất hiện trong thân thể rồi mong tìm cách tiêu diệt nó thay vì biết ứng dụng nó cho cái ích lợi, vị kỷ của con người.  Dĩ nhiên, khoa học còn lâu mới biết giải quyết cái vấn nạn này.  Diệt được Lão, Bệnh Tử chỉ còn Sanh, ăn rồi chỉ biết dục, thì tương lai nhân loại sẽ như thế nào?

(Exploring ancient DNA can help to explain the origins of humans.)  Khám phá ra DNA tối cổ có thể giúp giải thích nguồn gốc của con người.  Trên lý thuyết, khoa học ngày nay có thể thay đổi DNA làm cho chúng ta trở thành siêu nhân, khỏe mạnh, xinh đẹp, sống lâu trẽ mải không già.   Trong tương lai, 3-D printing có thể sẽ copy bất cứ vật chất kể cả con người.  Chúng ta có thể cloning để có nhiều cái Ta thay thế lúc cần thay vì chế tạo ra người máy (robots,) có thể cấy những siêu chip điện tử vào trong não bộ để giúp cho chúng ta hết đau hết khổ, thông thái, trí tuệ, giác ngộ trong vòng một phút, có thể cho ta luôn cả lục thần thông, chúng ta có thể nói chuyện với tổ tiên, chư Phật trong quá khứ lẫn cháu chắc trong tương lai...Những điều này khoa học có thể sẽ thực hiện được trong một tương lai rất gần nếu không bị xã hội, luật lệ, đạo đức, luân lý và nhất là tôn giáo tìm cách kiểm soát lẫn viện cớ để ngăn chận những công trình nghiên cứu và những tìm kiếm lẫn khám phá quá mau chóng của những khoa học gia.  Những điều chúng ta thảo luận ở đây chỉ là ấu trĩ đối với thế hệ của thế kỷ 22nd  trong tương lai. 

Vậy thì theo Phật Giáo nếu cơ thể chúng ta là nhân quả của những chủng tử lịch sử trong vô lượng kiếp thì cái nhân duyên tình cờ gì tạo ra chúng ta và vạn vật bây giờ?   Câu trả lời hay nhất trong kinh Phật đó là từ một niệm mà ra. “Tất cả do tâm tạo! Tâm tạo ra vũ trụ, vạn vật!” Chuyện gì xãy ra nếu không có Tâm?

Sự vật, biến cố và cảm nhận chính là sự sáng tạo của tâm, chúng xuất phát từ một dạng ý thức đặc biệt rồi lại tan đi một khi tâm đó biến đổi.  Ấn Độ Giáo quả quyết rằng tất cả sắc thể và cấu trúc quanh ta đều được hình thành bởi một tâm thức đang chịu sự tác động của ảo giác và khuynh hướng cho chúng một tầm quan trọng sâu xa chính là ảo giác căn bản của con người. Phật giáo gọi sự ảo giác này là vô minh và xem đó là một dạng của tâm ô  nhiễm, tâm phan duyên.  Tổ Mã Minh nói: Khi không nhận rõ sự nhất thể (Chân Như) thì vô minh và phân biệt liền hiện, và tất cả mọi dạng của tâm ô nhiễm liền phát…Tất cả mọi hiện tượng trong thế gian đều do vô minh vọng tâm của chúng sinh mà tồn tại, nên tất cả các pháp đều không có thật thể.

Đó cũng là quan niệm luôn luôn được nêu lên của Duy Thức Tông Phật giáo, trong đó mọi sắc thể mà ta cảm nhận chỉ là thức; là phản chiếu, hay bóng dáng của tâm: Vô số sự vật xuất phát từ tâm, do trí phân biệt qui định…Người ta xem sự vật này là thế gian bên ngoài… Mọi điều xuất hiện bên ngoài không hề hiện hữu thật có, đó chỉ là tâm hiện ra muôn ngàn sai khác; thành thân thành vật sở hữu và mọi thứ - tất cả những thứ đó, ta nói, không gì khác hơn là thức.

Bài thơ nổi tiếng của Freynman dưới đây đã văng vẵng lời kinh, diển tã hầu hết những gì Phật Giáo đã nói trong kinh điển về tâm thức, lý nhân duyên, nhân quả, vô minh, vũ trụ lẫn nhân sinh quan.  Tôi không dám tự tiện dịch thuật vì sợ làm sai lạc ý thơ.

A journalist would express such a find in terms of implications-this might help lead to a cure for cancer. But the underlying beauty is in the idea of the thing. A scientific appreciation for the concept itself leads to a far more enticing conclusion; the molecules in your brain are constantly being replaced. You have memories from years ago, and yet the molecules in your brain are new. Such an idea tugs at the nature of consciousness. If our body is made up of different parts then it was years ago, what makes us who we are?

There are the rushing waves
mountains of molecules
each stupidly minding its own business
trillions apart
yet forming white surf in unison.

Ages on ages
before any eyes could see
year after year
thunderously pounding the shore as now.
For whom, for what?
On a dead planet
with no life to entertain.

Never at rest
tortured by energy
wasted prodigiously by the sun
poured into space
A mite makes the sea roar.

Deep in the sea
all molecules repeat
the patterns of one another
till complex new ones are formed.
They make others like themselves
and a new dance starts.

Growing in size and complexity
living things
masses of atoms
DNA, protein
dancing a pattern ever more intricate.

Out of the cradle
onto dry land
here it is
standing:
atoms with consciousness;
matter with curiosity.

Stands at the sea,
wonders at wondering: I
a universe of atoms
an atom in the universe.

Richard P. Feynman
(1918-1988)

Figure 43  Giáo Sư Richard P. Feynman

 

"The atoms come into my brain, dance a dance, and then go out - there are always new atoms, but always doing the same dance, remembering what the dance was yesterday." --Feynman, from What do you care what other people think? (1988), Posted by Flash Modin at 6/21/2010 12:18:00 PM  

 

Theo khoa học ngày nay, thoạt kỳ thủy, có một “cái trứng vũ trụ” (cosmic egg) vô cùng nóng hổi.  Cách đây khoảng 13.7 tỉ năm, đột nhiên nổ tung (big bang theory) sinh ra các giải Ngân Hà và tỉ tỉ tinh tú.

 

- Cách đây khoảng 5 tỉ năm, thái dương hệ ra đời.

- Cách đây khoảng hơn 600 triệu năm, các sinh vật li ti dưới biển bắt đầu xuất hiện.

- Cách đây 450 triệu năm, có cỏ cây.

- Cách đây khoảng 405 triệu năm, bắt đầu có sinh vật.

- Các loài phi trùng có cách đây khoảng 400 triệu năm.

Thủy tổ loài người – các loại nhân hầu – xuất hiện cách đây khoảng 40 triệu năm.

- Vật có nhân dạng (hominids) xuất hiện cách đây khoảng 20 triệu năm.

- Homo sapiens xuất hiện cách đây 150.000 năm.

- Con người “Modern man” có khoảng cách đây 50000 năm.

 

Con người thật sự có chút đầu óc tương đối biết suy nghĩ trong vòng khoảng 4000 năm nay.  Trước đó thì ăn lông ở lỗ chẳng khác các loài thú vật khác.   Có thể trong thời gian đó con người chỉ biết sợ hải, biết đau nhưng chưa biết khổ là gì vì trí não họ chưa được phát triển như sau này.

 

Từ nhân loại cho đến bạn rồi một tế bào và một chủng lượng tử trong cơ thể của bạn.   Câu chuyện vũ trụ ở trong mổi hạt nguyên tử trong cơ thể bạn, mỗi một tế bào.  Sau 13.7 tỷ năm, trong 10,000,000,000,000,000,000,000,000,000 năm của nó do nhân duyên kết hợp thành bạn dù là lúc đó con người chưa hiện hữu trên trái đất, trong cỏi Ta Bà, nhưng cái Ta, cái ngã đã có trước từ chừng 10 tỷ năm được gọi là Bạn ở đây.  Vũ trụ trong mổi tế bào của bạn và chắc chắn là bạn ở trong vũ trụ trong luân hồi sinh lão bệnh tử của vũ trụ trước khi cả con người lẫn chúng sinh nhẹ gót đào dạo trên trần thế.  Hay nói cách khác những vật chất tạo ra bạn với cả một trời ký ức (history memory, nhân quả) còn già vô lượng hơn cả nhân loại.  Đó là thực tại: Ta là vũ trụ, vũ trụ là ta, là Tri Kiến Phật.

(The story of the Universe is inside every atom in your body, each and every one. And after 13.7 billion years, 10,000,000,000,000,000,000,000,000,000 of them have come together, and that’s you. The Universe is inside of you, as surely as you’re inside the Universe. You, a Universe of atoms, an atom in this Universe.)

 

 

Figure 44 ESO / the Visible MultiObject Spectrograph (VIMOS) at the VLT

https://endgametime.wordpress.com/the-awakening-quantum-mechanics-of-the-human-brain-and-consciousness/

21.                   Tương đối luận

 

Một chiếc đồng hồ đang di chuyển sẽ chạy chậm dần nếu vận tốc di chuyển nhanh dần, và dường như hoàn toàn ngưng lại không chạy nữa, dưới con mắt của một quan sát viên ở vị trí đứng yên, khi vận tốc di chuyển của nó đạt tới vận tốc của ánh sáng trong chân không. Enstein đã so sánh rất dí dõm: Nếu bạn bị ngồi trên bếp lữa thì dù chỉ một phút vẫn dài như thiên thu nhưng nếu bạn đang kề cận bên người đẹp mà mình yêu mê thì 3 giờ cũng thấy mau.  Đó là thuyết tương đối.  Hay dể hiểu hơn một tí: Nếu bạn đang uống nước sắp chết đuối mà tôi bảo bạn, cứ thong thả từ từ mà uống nước, chờ thêm một phút nữa rồi hãy trồi lên nhắc nhở tôi cứu bạn.  Bây giờ để tôi hút xong điếu thuốc đã rồi tôi sẽ cứu bạn thì một phút của bạn nó dài cở nào?  Còn nếu tôi bảo bạn, đừng có vội, chờ một phút nữa chờ tôi hút xong điếu thuốc rồi tôi sẽ cho bạn tiêu diêu Cực Lạc, chầu Tổ, chầu Phật, thì một phút đó của bạn nó ngắn ngủi cở nào?  Ngắn dài tùy bạn muốn sống mau hay muốn chết chậm.  Một tác giả thế kỷ 19th tên là Charles Lamb viết, “không có gì làm tôi bối rối hơn thời gian và không gian, bởi vì tôi chưa bao giờ nghĩ về nó.” Trong Phật Giáo có quan niệm sống trong hiện tại, bây giờ và ở đây.  Không có gì làm tôi bối rối hơn là sống trong hiện tại, tôi chỉ nghĩ sống cho riêng tôi và có thể gắng sống với người, nhưng tôi chưa bao giờ biết sống như thế nào.   Sống như thế nào, nói cho cùng thì, "Rồi tôi cũng phải xa tôi, Đời tài hoa cũng xa xôi ven trời." (Bùi Giáng)

 

Chỉ còn lại sự ngưng đọng thời gian trong Phật Giáo hiển nhiên liên hệ tới sự ngưng đọng tương đối của thời gian, nhất là khi tâm thức của hành giả đi vào Đại Định lúc đó không gian cuộn thời gian, không còn quá khứ, hiện tại lẫn vị lai.  Vì tính vượt không thời gian trên mà hai hiện tượng xảy ra tại hai thời điểm khác nhau trong một hệ thống qui chiếu có thể xảy ra cùng lúc trong một hệ thống đối đãi khác.  Có nghĩa là chúng ta vẫn có thể nghe thấy được Đức Phật lịch sử thuyết Pháp và Tam Thế chư Phật cũng đang thuyết Pháp ở nhiều nơi khác bất cứ lúc nào như video hay online courses: cung trời Đâu Suất, Núi Linh Thứu, Hội Long Hoa, trên internet, TV, Radio, v.v… Thật ra cũng không cần thiết để nghe Phật thuyết pháp, chúng ta chỉ download software Giác Ngộ trong 2 giây (seconds) là biết giác ngộ là gì khỏi phải tu hành lâu lắc.  Mấy điều lý thuyết tương đối trên là để cho chúng ta quán chiếu, không dễ thực nghiệm được trong thế kỷ này nhất là trong đời sống hàng ngày.  Muốn thấy các hiện tượng trên, thì vận tốc di chuyển của chúng ta phải cao tới mức sấp sỉ vận tốc của ánh sáng trong chân không, nghĩa là khoảng 300 ngàn cây số trong một giây đồng hồ (300000km/sec hay 18600 miles/sec) để bắt kịp những tín hiệu đó, những điều kiện này khoa học đã chấp nhận trên lý thuyết nhưng chưa thực hiện được.   Tuy nhiên, Phật Giáo đã biết rất tự nhiên: ý nghĩ và tâm thức còn nhanh hơn là vận tốc truyền đi của ánh sáng và còn biết dùng nhất niệm quang minh để du hành tới các cõi cao hơn (higher dimensions) nơi mà thân tứ đại cấu tạo bởi ngũ uẩn không thể vượt xuyên qua được.  Khoa học hướng ngoại đi tìm, Bật Đạo học hướng nội, cũng đi tìm.  Kẽ thiền sư tiệm ngộ hơn một chút không hướng nội ngoại mà để tự ý thức đi tới, đi qua, đi khỏi một cách tư nhiên, không mong không cầu.  Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là viên diệu rốt ráo.  Thực tại của chân lý là ‘Nó là’ như vậy, chưa bao giờ đến đi mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông gọi là: Trong nhà [đã sẳn] có báu thôi tìm kiếm.  Huệ Năng không ngờ mình đã sẳn có tự tánh. Đó là phương pháp du hành của chư Phật và các bật Bồ Tát.

 

Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Phần lớn đều nói rằng thời gian trôi qua. Thực tế thì nó đứng một chỗ.  Hình dung về một sự trôi chảy, người ta có thể gọi nó là thời gian, nhưng đó là một hình dung sai lầm, vì ta chỉ tưởng thấy thời gian trôi chảy, ta không thể nhận thấy rằng nó đang đứng tại chỗ.”  Chúng ta không nhận thấy rằng thời gian trôi chảy nhưng biết rồi nó cũng qua đi với những biến đổi chung quanh ta mà dư âm là quá khứ chỉ trong tâm thức.

 

Isaac Newton đã cho chúng ta mô hình toán học đầu tiên về thời gian và không gian trong cuốn Các nguyên lý toán học (Principia Mathematica,) xuất bản năm 1687.  Cũng như Stephen Hawking, Newton từng giữ ghế giáo sư toán học Lucasian tại trường đại học Cambridge, Anh Quốc, trong mô hình của Newton, thời gian và không gian là nền tản cho các sự kiện xảy ra và thời gian có thể tách rời không gian không làm ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong đó.  Theo Newton: Bản lai thời gian được xem là vĩnh cửu theo nghĩa nó đã tồn tại, và nó sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng ngược lại, phần lớn mọi người sùng bái tôn giáo thời đó đều nghĩ rằng vũ trụ với trạng thái gần giống hiện tại được sáng tạo cách đây 6 ngàn năm.  Điều này làm các nhà triết học tư tưởng người Đức như Immanuel Kant thắc mắc: Nếu thực sự vũ trụ được sáng tạo tại một thời điểm thì tại sao lại phải đợi một khoảng thời gian vô tận trước đó? Mặt khác, nếu vũ trụ tồn tại mãi mãi thì tại sao những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai lại không xảy ra trong quá khứ, ngụ ý lịch sử đã kết thúc? Đặc biệt là, tại sao vũ trụ lại không đạt đến trạng thái cân bằng nhiệt trong đó mọi vật đều có cùng nhiệt độ?  Kant gọi vấn đề này là một “sự tự mâu thuẫn của lý tính thuần túy” (antinomy of pure reason,) bởi vì dường như đó là một mâu thuẫn luận lý (logic,) không có giải đáp.  Nhưng nó chỉ là một mâu thuẫn trong bối cảnh của mô hình toán học của Newton, trong đó thời gian là một đường thẳng, độc lập với các sự kiện xảy ra trong vũ trụ.  Sau Newton, thuyết tương đối của Einstein – lý thuyết phù hợp với rất nhiều thực nghiệm – cho thấy rằng thời gian và không gian liên hệ chặt chẽ với nhau.  Người ta không thể bẻ cong không gian mà không ảnh hưởng đến thời gian. Do đó, thời gian có một hình dáng, thời gian tướng, vi tướng?  Điều này theo tôi hiểu thì không gian thời gian khi đã hiện hữu thì không thể tách rời.  Đó là lý do ngày nay khoa học gia gọi là space-time (thời-không) dù không gian có trước thời gian trong khoảng khắc sau big bang.  Thuyết tương đối tổng quát (suy rộng) đã kết hợp chiều thời gian với ba chiều của không gian để tạo thành cái gọi là không thời gian (spacetime.) Lý thuyết này giải thích hiệu ứng hấp dẫn là sự phân bố của vật chất và năng lượng trong vũ trụ làm cong và biến dạng không thời gian do đó không thời gian không phẳng. Các vật thể trong không thời gian cố gắng chuyển động theo các đường thẳng, nhưng vì không thời gian bị cong nên các quĩ đạo của chúng bị cong theo. Các vật thể chuyển động như thể chúng bị ảnh hưởng bởi trường hấp dẫn. Một cách hình dung thô thiển, không thời gian giống như một tấm

lưới vũ trụ (web) mà Phật Giáo gọi là lưới Đế Châu.  Khi ta đặt một viên bi lớn tượng trưng cho mặt trời lên tấm lưới đó. Trọng lượng của viên bi sẽ kéo tấm lưới và làm cho nó bị cong gần mặt trời. Nếu bây giờ ta lăn các viên bi nhỏ lên tấm lưới đó thì chúng sẽ không lăn thẳng qua chỗ viên bi lớn mà thay vào đó chúng sẽ di chuyển xung quanh nó, giống như các hành tinh chuyển động xung quanh mặt trời.  Sự hình dung đó không hoàn toàn đúng bởi vì chỉ một phần hai chiều của không gian bị bẻ cong, và thời gian không bị biến đổi giống như trong lý thuyết của Newton. Trong thuyết tương đối tổng quát, lý thuyết phù hợp với rất nhiều thực nghiệm, thời gian và không gian gắn liền với nhau. Người ta không thể làm cong không gian mà không làm biến đổi thời gian.  Do đó thời gian có một hình dáng.  Bằng cách làm cong không gian và thời gian, thuyết tương đối đã biến chúng từ khung nền thụ động mà trong đó các sự kiện xảy ra thành tác nhân năng động tham gia vào các sự kiện đó.  Trong lý thuyết của Newton thời gian tồn tại độc lập với tất cả mọi sự vật khác, ta có thể hỏi: Chúa đã làm gì trước khi sáng tạo ra vũ trụ?  Thánh Augustine, nhà tư tưởng thế kỷ thứ 5th  cho rằng thời gian không tồn tại trước khi thế giới ra đời, Ngài trả lời rằng: Ta không nên nói đùa về điều đó, nếu có ai trót dại cả gan hỏi như vậy thì ông trả lời, “Ngài đã chuẩn bị địa ngục cho những kẻ quá tò mò.”  Tuy nhiên, đó là một câu hỏi nghiêm túc mà con người có kiến thức với đầu óc khoa học, dám tư duy đã suy nghĩ trong nhiều thế kỷ. Theo thánh Augustin, trước khi Chúa tạo thiên đường và trái đất, Ngài không làm gì cả. Cái ý tưởng ‘Ngài không làm gì cả’ này rất gần với các tư tưởng hiện đại. (Vũ trụ trong vỏ hạt, Stephen Hawking, trang 35) 

 

Năm 1930, trong một bữa tiệc, khi nâng ly chúc tụng Albert Einstein, cha đẻ của thuyết Tương Đối, đại văn hào George Bernard Shaw đã phát biểu một câu rất ý nhị như sau:

 

"Niềm tin vào Thượng Đế giải thích được mọi sự trong vũ trụ vật chất, do đó chẳng giải thích gì cả... Tôn giáo (độc Thần) bao giờ cũng đúng. Tôn giáo giải đáp mọi vấn đề và như vậy hủy bỏ mọi vấn đề trong vũ trụ... Khoa học đối ngược hẳn lại. Khoa học bao giờ cũng sai. Khoa học không bao giờ giải đáp một vấn đề mà không tạo ra thêm mười vấn đề."

 

Belief in God explains everything about the material universe, therefore it explains nothing...Religion is always right, Religion solves every problem and thereby abolishes problems from the universe.... Science is the very opposite. Science is always wrong. It never solves a problem without raising ten more problems. (George Bernard Shaw in a toast to Einstein at a black-tie banquet in 1930)

22.                   Bản lai khoa học của Phật Giáo

 

D.T.Suzuki viết: Ý niệm cơ bản của Hoa Nghiêm là nắm bắt về trụ động mà tính chất của nó là luôn luôn biến hoại, trong dòng của vận động, đó là đời sống.

 

Thực tại được xem là thực thể của vũ trụ, là nguồn gốc của xum la muôn hình vạn trạng sự vật và biến cố tự nhiên.  Ấn Độ Giáo gọi nó là “Brahman,” và Lão Giáo gọi là “Đạo” (con đường.)  Những khái niệm then chốt của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo lấy từ triết học Ấn Độ tính vận động. Từ “Brahman” xuất phát từ gốc Sanskrit Brih và nói về một thực tại sinh động, luôn luôn vận động.  Theo S.Radhakrishnan, từ Brahman có nghĩa là lớn mạnh và đầu mối của đời sống, vận hành và tiến triển. Các bài thuyết giảng (Upanishad) gọi Brahman là vô sắc, bất tử, vận hành và gắn cho nó một sự vận động tự thân, mặc dù nó đứng trên mọi sắc thể. 

 

Gọi gì đi nữa nhưng tất cả đều đồng ý thực tại cao nhất đó vượt trên những khái niệm suy luận của con người và không thể mô tả được bởi ngôn ngữ.   Thần thông Sư Tử Hống có thể ‘đem đến’ thực tại?  Thế nhưng thực tại đó lại không tách rời khỏi những biến hiện thay đổi vô thường của nó. Tự tính của thực tại là luôn luôn hiện thành hàng tỉ xum la sắc hình tượng, chúng luân hồi trong vòng sinh thành và biến hoại (recycle,) chúng chuyển hóa (transformed) từ cái này qua cái khác một cách vô tận trong vũ trụ.  Trong khía cạnh hiện tượng thì nhất thể vũ trụ là động nhưng tiếp cận với tự tính thì nó là tỉnh đó là nền tảng của nền đạo học Đông Phương.

 

Sự nhấn mạnh vận động của dòng chảy tâm thức và thay đổi vô thường là khía cạnh chủ yếu của mọi thế giới quan tâm linh trong các thời đại nhân loại. Trong thời cổ đại Hy Lạp, Heraclitus đã nói rằng mọi sự đều trôi chảy và so sánh thế giới như một ngọn lửa bất diệt. Tại Mexico nhà đạo học Yaqui Don Juan cũng nói về một thế giới thoáng hiện và xác nhận muốn thành minh triết thì tự thân phải là ánh sáng hay dòng chảy.

 

Đơn giản hơn, Lama Anagarika Govinda, người Đức, diễn tả quan niệm vũ trụ quan của Phật Giáo với ngôn ngữ hiện đại.

 

Yếu tố cơ bản của vũ trụ là không gian.  Không gian là tất cả bao gồm nguyên tắc của dung hợp cao hơn.  Không có gì có thể hiện hữu (bhàva, process of becoming) nếu không có không gian... Theo thuyết cổ truyền của Ấn Độ, vũ trụ tự xuất hiện trong 2 sở hửu căn bản:  Như Động và trong đó sự di động lấy đó làm sở trụ, tên là  Không Gian.  Cái danh từ Không Gian này được gọi là Akasa...từ nghĩa gốc kas, ‘phát sáng, chiếu sáng,’  như là một phương tiện di chuyển.  Cái qui tắc của di chuyễn, tuy nhiên, là luồn hỏa xà (Prana, khí,) hơi thở của cuộc sống, sức mạnh vô biên trong vũ trụ.

 

Discussion of Metaphysics / Philosophy of Lama Anagarika Govinda & Tibetan Buddhism. All is One (Akasa, Space) & Dynamic (Prana, Motion):

 

The fundamental element of the cosmos is Space. Space is the all-embracing principle of higher unity. Nothing can exist without Space. .. According to ancient Indian tradition the Universe reveals itself in two fundamental properties: as Motion and as that in which motion takes place, namely Space. This Space is called Akasa ... derived from the root kas, 'to radiate, to shine,' and has therefore the meaning of ether which is conceived as the medium of movement. The principle of movement, however, is Prana, the breath of life, the all-powerful, all-pervading rhythm of the universe, (Lama Anagarika Govinda, 1969)

 

Lama Anagarika Govinda was a German who lived from 1898 - 1986. He spent over 20 years of his life as a member of the Kargyutpa Buddhist Order. Lama Govinda first travelled to Sri Lanka and Burma before studying in monasteries and hermitages in Tibet. During these years he received teachings and inspiration from the Theravada, Mahayana and Vajrayana traditions. He held posts in various Indian universities and held exhibitions of his paintings, several of which he had made together with his wife, Li Gotami when still in Tibet.

 

Kinh sách Phật gọi dòng tâm thức là “Pháp Thân” (thân của mọi hiện hữu) hay “Chân Như” (Cái như rứa) hay khi nói tới vũ trụ, thế giới, thường hay dùng danh từ Pàli, Loka. Danh từ Loka có nhiều nghĩa trong đó có nghĩa là vũ trụ không gian. Cũng nên lưu ý là Đức Phật Thích Ca khi luận về vũ trụ quan đã phải dùng những từ ngữ thông dụng của con người để giải thích cho người. Thí dụ, Phật dùng từ ngữ cõi Trời, loài Trời (Deva, chư Thiên) để chỉ những thế giới trên đó sống những sinh vật cao cấp hơn loài Người, tức là một đời sống hạnh phúc, đầy trí tuệ cao hơn. Đại khái, có ba cấp cõi trời. Cõi trời Dục giới, ở đây, những sinh vật tuy có trình độ hơn loài người, nhưng vẫn còn có lòng dục. Các cõi Trời sắc giới, ở đây, các sinh vật đã gột bỏ hết mọi lòng tham dục cho nên có sắc thân đẹp đẽ. Cuối cùng là các cõi Trời vô sắc giới, ở đây, loài Người không còn có sắc thân nữa mà chỉ có tư tưởng thuần túy (pur esprit.)

 

Tất nhiên, những viễn vọng kính lớn nhất của Thiên Văn Học hiện đại đều không có sức phát hiện ra được các loài Trời sống trên các thế giới ngoài thái dương hệ chúng ta. Nhưng phần lớn, các nhà khoa học thiên văn vật lý hiện nay đều cho rằng trái đất không thể là hành tinh độc nhất có sinh vật (we are not alone in universe,) và loài Người cũng không thể là loài sinh vật thượng đẳng nhất trong vũ trụ vô cùng vô tận này.

 

Con người có thể chỉ là một trong những loài động vật mới thông minh nhất trên mặt đất lẫn trong Thái Dương Hệ.  “We are, in fact, a brand new kind of animal.”  (Wes Nisker: The Evolution Sutra. http://www.ecobuddhism.org/wisdom/interviews/wes_nisker/

 

David Loy viết, “Sự tự sáng tạo của Trái đất cuối cùng đã tiếp tục trong 4.5 tỉ năm.  Hình thức của đời sống sinh học bộc khởi như một đơn bào khoảng 3.8 tỉ năm trước đây. Đời sống đa bào ở tuổi một tỷ năm.  Chủng loại con người ‘cầu trúc hiện đại’ là khoảng một phần tư triệu tuổi.”   (Đạo Phật, Vũ Trụ Học và Tiến Hóa, posted 29/03/2012 19:03:00, David Loy, Chuyển ngữ: Tuệ Uyển)

 

Chúng ta cũng nên hiểu thế nào về khái niệm “địa ngục” theo quan niệm của Phật Giáo.  Tất nhiên, nếu đã có những cõi sống cao thượng hơn cõi người thì cũng có thể có những cõi sống thấp hơn, khổ đau hơn cõi con người. Chúng ta hay nghe nói, một cõi đó gọi là súc vật, cõi sống thấp hơn con người.  Nhưng còn có những cõi khác nữa mà Phật Giáo gọi đó là cõi địa ngục và cõi quỹ đói, khổ đau hơn cõi con người.  Trong kinh Samyutta Nikàya IV (trang 206,) Đức Phật giải thích địa ngục là cõi sống thấp hơn cõi người. Ở đấy, chỉ có toàn là cảnh khổ hơn trần gian.  Còn cõi qũy đói là cõi sống ở đấy sinh vật bị đói rét, nóng khát triền miên. Điều khó khăn đối với những cõi ác đó là chúng sinh muốn trở lại và vươn lên cõi người nhưng không phải dễ dàng. Vì sao? Phật giải thích như sau: “Bởi vì ở đấy không có cuộc sống thiện, cuộc sống chân chính, không làm các điều lành; chúng sanh ở đấy ăn thịt lẫn nhau, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu.” (kinh Samyutta Nikàya V, trang 455.) http://chuaminhthanh.com

 

Đa số chúng ta đều nghe thấy biết những thiên đường trần gian địa ngục chung quanh đời sống hàng ngày của chúng ta.   Nó nhan nhản trước mắt, thay đổi vô thường trong chính tâm thức của chúng ta chứ không đâu xa vời.  Được tiếp xúc với hàng hà vô số chúng sinh ở trong vô lượng cõi, muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình cùng vũ trụ là nỗi mơ ước lớn nhất; là nổi băng khoăng lẫn tâm tư bắt nguồn từ bản tính tò mò cố hữu của con người.

 

Nhà thiên văn học nổi tiếng, bác sĩ Ernest J. Opik viết, “Dù có giả định, chỉ có một trên một triệu hành tinh là có sinh vật, thì cũng có 10.000 triệu hành tinh là có sinh vật ở trong vũ trụ này.  Điều kiện và dạng sống thực là phong phú thay!” (The oscillating universe–Vũ trụ biến động, New York, 1960, trang 144.)

 

Giáo sư Harlow Shapley viết, “Chúng tôi cho rằng, tối thiểu cũng có mười tỷ hành tinh, thích hợp cho sinh vật hữu cơ tương tự như trên trái đất chúng ta (The view from a distant star–nhìn từ một vì sao xa, New York, London 1963, trang 64.)

 

Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật cũng đã nói đến những vô cực số như sau: “Nam mô na do tha, thập na do tha, bách na do tha, thiên na do tha, vạn na do tha, vạn vạn na do tha chư đại bồ tát ma ha tát hay trừ sinh tử trọng tội từ vô lượng kiếp đến nay.” (Trang 98-99).  Hoặc: “Nam mô bách hằng hà sa, nam mô bách ức vô lượng hằng hà sa chư đại bồ tát ma ha tát, hay trừ sinh tử trọng tội từ vô lượng kiếp đến nay”. (Trang 99)

Trong Kinh Pháp Hoa, trang 477, “Lại nghe Kinh Pháp Hoa này tám trăm ngàn muôn ức na do tha, chân ca la, tần bà la, a súc bà các bài kệ,”  Đó là những con số lớn ở Ấn Độ từ nghìn muôn ức sắp lên. Như một chân ca la bằng một nghìn muôn ức.

Kinh Hoa Nghiêm, Quyển 5, Phẩm A tăng kỳ, trang 289-323, Tâm Vương Bồ Tát bạch Phật rằng, “Bạch Thế Tôn! Chư Phật Thế Tôn diễn nói a tăng kỳ, vô lượng, vô biên, vô đẳng, bất khả sổ, bất khả thuyết, bất khả thuyết-bất khả thuyết.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là a tăng kỳ nhẫn đến bất khả thuyết bất khả thuyết?”

Phật bảo Tâm Vương Bồ Tát: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Nay người muốn cho các thế gian nhập vào nghĩa số lượng của Phật đã biết mà hỏi đức Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác.

Thiện nam tử lóng nghe lóng nghe! Khéo suy gẫm, Phật sẽ vì ngươi mà nói.

Tâm Vương Bồ Tát kính vâng thọ giáo.

Phật nói: Này Thiện nam tử! Một trăm lạc xoa (Mười vạn làm một lạc xoa: 100,000 (Phật Học Đại Từ Điển) làm một câu chi. Câu chi lần câu chi làm một a giu đa. A giu đa lần a giu đa làm một na do tha. Na do tha lần na do tha làm một tần bà la. Tần bà la lần tần ba la làm một căn yết la. Căn yết la lần căn yết la làm một a già la. A già la lần a già la làm một tối thắng. Tối thắng lần tối thắng làm một ma bã la. Ma bã la lần ma bã la làm một a bã la. A bã la lần a bã la làm một đa bã la. Đa bã la lần đa bã la làm một giới phần. Giới phần lần giới phần làm một một phổ ma. Phổ ma lần phổ ma làm một nễ ma. Nể ma lần nễ ma làm một a bã câm. A bã câm lần a bã câm làm một di già bà. Di già bà lần di gia bà làm một tỳ lã già. Tỳ lã già lần tỳ lã già làm một tỳ già bà. Tỳ già bà lần tỳ già bà làm một tăng yết lã ma. Tăng yết lã ma lần tăng yết lã ma làm một tỳ tát la. Tỳ tát la lần tỳ tát la làm một tỳ chiêm bà. Tỳ chiêm bà lần tỳ chiêm bà làm một tỳ thạnh già. Tỳ thạnh già lần tỳ thạnh già làm làm một tỳ tố đà. Tỳ tố đà lần tỳ tố đà làm một tỳ bà ha. Tỳ bà ha lần tỳ bà ha làm một tỳ bạc để. Tỳ bạc để lần tỳ bạc để làm một tỳ khư đãm. Tỳ khư đãm lần tỳ khư đãm làm một xứng lượng. Xứng lượng lần xứng lượng làm một nhứt trì. Nhứt trì lần nhứt trì làm một dị lộ. Dị lộ lần dị lộ làm một điên đão. Điên đão lần điên đão làm một tam mạt gia. Tam mạt gia lần tam mạt gia làm một tỳ đỗ la. Tỳ đỗ la lần tỳ đỗ la làm một một hề bã la. Hề bã la lần một hề bã la làm một từ tế. Từ tế lần từ tế làm một châu quảng. Châu quảng lần châu quảng làm một cao xuất. Cao suất lần cao suất làm một tối diệu. Tối diệu lần tối diệu làm một nê la bà. Nê la bà lần nê la bà làm một a lý bà. A lý bà lần  a lý bà làm một nhứt động. Nhứt động lần nhứt động làm một ha lý bồ. Ha lý bồ lần ha lý bồ làm một ha lý tam. Ha lý tam lần ha lý tam làm một hề lỗ già. Hề lỗ già lần hề lỗ già làm một đạt lã bộ đà. Đạt lã bộ đà lần đạt lã bộ đà làm một a lỗ na.  A lỗ na lần a lỗ na làm một ma lỗ đà. Ma lỗ đà lần ma lỗ đà làm một sám mạc đà. Sám mạc đà lần sám mạc đà làm một y lã đà. Y lã đà lần y lã đà làm một ma lỗ ma. Ma lỗ ma lần ma lỗ ma làm một điều phục. Điều phục lần điều phục làm một ly kiêu mạn. Ly kiêu mạn lần ly kiêu mạn làm một bất động. Bất động lần bất động làm một cực lượng. Cực lượng lần cực lượng làm một a mạ đát la. A mạ đát la lần a mạ đát la làm một bột mạ đát la. Bột mạ đát la lần bột mạ đát la làm một già mạ đát la. Già mạ đát la lần già ma đát la làm một na mạ đát laNa mạ đát la lần na mạ đát la làm một hề mạ đát la. Hề mạ đát la lần hề mạ đát la làm một tỳ mạ đát la. Tỳ mả đát la lần tỳ mạ đát la làm một bát la mạ đát la. Bát la mạt đát la lần bát la mạt đát la làm một thi bà mạ đát la. Thi bà mạ đát la lần thi bà mạ đát la làm một ế la. Ế la lần ế la làm một tiết la. Tiết la lần tiết la làm một đế la. Đế la lần đế la làm một kệ la. Lệ la lần kệ la làm một túy bộ la. Túy bộ la lần túy bộ la làm một nê la. Nê la lần nê la làm một kế la. Kế la lần kế la làm một tế la. Tế la lần tế làm một tỳ la. Tỳ la lần tỳ la làm một mế la. Mế la lần mế la làm một ta lã đồ. Ta lã đồ lần ta lã đồ làm một mế lỗ đà. Mế lỗ đà lần mế lỗ đà làm một khế lỗ đà. Khế lỗ đà lần khế lỗ đà làm một ma đỗ la. Ma đỗ la lần ma đỗ la làm một ta mẫu la. Ta mẫu la lần ta mẫu la làm một a dã ta. A dã ta lần a dã ta làm một ca mạ la. Ca mạ la lần ca mạ la làm một ma già bà. Ma già bà lần ma già bà làm một a đát la. A đát la lần a đát la  làm một hê lỗ gia. Hê lỗ gia lần hê lỗ gia làm một tiết lỗ bà. Tiết lỗ bà lần tiết lỗ bà làm một yết la ba. Yết la ba lần yết la ba làm một ha bà bà. Ha bà bà lần ha bà bà làm một tỳ bã la. Tỳ bã la lần tỳ bã la làm một na bã la. Na bã la lần na bã la  làm một ma lã la. Ma lã la lần ma lã la làm một ta bã la. Ta bã la lần ta bã la làm một mế lã lỗ. Mế lã lỗ lần mế lã lỗ làm một giả mạ la. Giả mạ la lần giả mạ la làm một đà mạ la. Đà mạ la lần đà mạ la làm một bát lã mạ đà. Bát lã mạ đà lần bát lã mạ đà làm một tỳ già ma. Tỳ già ma lần tỳ già ma làm một ô ba bạt đa. Ô ba bạt đa lần ô ba bạt đa làm một diễn thuyết. Diễn thuyết lần diễn thuyết làm một vô tận. Vô tận lần vô tận làm một xuất sanh. Xuất sanh lần xuất sanh làm một vô ngã. Vô ngã lần vô ngã làm một a bạn đa. A bạn đa lần a bạn đa làm một thanh liên hoa. Thanh liên hoa lần thanh liên hoa làm một bát đầu ma. Bát đầu ma lần bát đầu ma làm một tăng kỳ. Tăng kỳ lần tăng kỳ làm một thú. Thú lần thú làm một chí. Chí lần chí làm một a tăng kỳ. A tăng kỳ lần a tăng kỳ làm một a tăng kỳ chuyển. A tăng kỳ chuyển lần a tăng kỳ chuyển làm một vô lượng. Vô lượng lần vô lượng làm một vô lượng chuyển. Vô lượng chuyển lần vô lượng chuyển làm một vô biên. Vô biên lần vô biên làm một vô biên chuyển. Vô biên chuyển lần vô chuyển làm một vô đẳng. Vô đẳng lần vô đẳng làm một vô đẳng chuyển. Vô đẳng chuyển lần vô đẳng chuyển làm một bất khả sổ. Bất khả sổ lần bất khả sổ làm một bất khả sổ chuyển. Bất khả sổ chuyển lần bất khả sổ chuyển làm một bất khả xưng. Bất khả xưng lần bất khả xưng làm một bất khả xưng chuyển. Bất khả xưng chuyển lần bất khả xưng chuyển làm một bất khả tư. Bất khả tư lần bất khả tư làm một bất khả tư chuyển. Bất khả tư chuyển lần bất khả tư chuyển làm một bất khả lượng. Bất khả lượng lần bất khả lượng làm một bất khả lượng chuyển. Bất khả lượng chuyển lần bất khả lượng chuyển làm một bất khả thuyết. Bất khả thuyết lần bất khả thuyết làm một bất khả thuyết chuyển. Bất khả thuyết chuyển lần bất khả thuyết chuyển làm một bất khả thuyết bất khả thuyết. Và bất khả thuyết bất khả thuyết lần bất khả thuyết bất khả thuyết làm một bất khả thuyết bất khả thuyết chuyển.”

Tóm lại, Tâm Vương Bồ Tát hỏi Phật thế nào là A tăng kỳ, Na do tha, Hằng hà sa, nghĩa là những con số không đếm được giống như vô cực số () của khoa học ngày nay.  Thật ra không phải vậy, vì trong phẩm A Tăng Kỳ, Kinh Hoa Nghiêm đã chứng tỏ Đức Thế Tôn là một bật đại toán học với con số lũy thừa.

Phật phân tích: Này thiện nam tử!

  • Một trăm Lạc Xoa làm một Câu Chi.
  • Câu Chi lần Câu Chi làm một A-Giu-Đa
  • A-giu-Đa lần A-Giu-Đa làm một Na-Do-Tha
  • Na-Do-Tha lần Na-Do-Tha làm một Tần-Bà-La

và tiếp tục như vậy tất cả là 123 lần, trong đó số 104 là A-Tăng-Kỳ, số 106 là Vô Lượng, số 108 là Vô Biên, số 110 là Vô Đẳng, số 112 là Bất-Khả-Sổ, số 114 là Bất-Khả-Xưng, số 116 là Bất-Khả-Tư, số 118 là Bất-Khả-Lượng, và số 120  là Bất-Khả-Thuyết.

 

Trong Phần II, Mục 5: Phật Giáo và Vũ Trụ Học Quan niệm của Phật Giáo về vũ trụ Cố Giáo Sư Trần Chung Ngọc phân tích: Chúng ta biết rằng khoa học ngày nay dùng ký hiệu lũy thừa để viết những con số cực lớn.  Thí dụ như 1 triệu là con số 1 với 6 con số 0 đằng sau, 1 000 000,  theo ký hiệu điện toán được viết như sau: (10^6) hay 106 và đọc là 10 lũy thừa 6; 1 tỷ gồm có 9 số 0 và được viết là 109 (billion), lớn hơn nữa là 1012 (1 ngàn tỷ hay trillion), 1015 (1 triệu tỷ hay zillion) và khoa học chưa có những danh từ riêng để chỉ những con số lớn hơn.  Tiếng Việt thì chỉ tới số tỷ là cao nhất.

 

Theo Kinh Phật thì 1 Lạc Xoa là 100 ngàn, nghĩa là 105.  Như vậy 1 Câu Chi là 10 triệu, nghĩa là 107; 1 A-Giu-Đa là 100 ngàn tỷ, nghĩa là 1014; 1 Na-Do-Tha là 10 tỷ tỷ tỷ, nghĩa là 1028.   Tiếp tục tính ra ta sẽ thấy 1 A-Tăng-Kỳ là khoảng, nếu chỉ lấy 9 số lẻ,  10 8x1031, nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi hơn 7000 tỷ tỷ tỷ con số 0 ở đằng sau, một con số vô cùng lớn nhưng vẫn có một tên riêng.  Chúng ta có thể suy ra:

Vô Lượng ~= 103 x 1032, Vô Biên ~= 101.13 x 1033,...và Bất-Khả-Thuyết ~= 104.6 x 1036 nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi khoảng hơn 4 tỷ tỷ tỷ tỷ con số 0 đứng đằng sau.

 

Những con số khoa học hiện đại dùng tới có lẽ chỉ vào khoảng 1040 nghĩa là chỉ có 40 con số 0 đứng sau.  Chúng ta thấy ngay rằng, ngay cả về phương diện toán số, Phật giáo đã đi trước khoa học khá xa về sự biểu thị chính xác những con số và đã có quan niệm về những con số vô cùng lớn, lớn ngoài mức tưởng tượng của các khoa học gia hiện đại.

 

Trong Phần II, Mục 5: Phật Giáo và Vũ Trụ Học, Quan niệm của Phật Giáo về vũ trụ, Cố Giáo Sư Trần Chung Ngọc viết như sau: thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất và cũng không phải là trung tâm vũ trụ.  Ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có rất nhiều thế giới khác, và Phật Giáo phân loại các thế giới thành 3 loại: Tiểu Thiên Thế Giới, Trung Thiên Thế Giới, và Đại Thiên Thế Giới.  Danh từ thế giới trong Phật Giáo chỉ một thiên thể (thí dụ như trái đất) hoặc một tập hợp các thiên thể được coi như thuộc một nhóm (thí dụ như thái-duơng-hệ mà trái đất là một hành tinh trong đó.)  Vậy, một ngàn thế giới họp thành một Tiểu Thiên Thế Giới, một ngàn Tiểu Thiên Thế Giới họp thành một Trung Thiên Thế Giới, và một ngàn Trung Thiên Thế Giới họp thành một Đại Thiên Thế Giới.  Vậy, lấy đơn vị là một hệ thống tương tự như hệ thống Thái Dương Hệ và gọi là thế giới thì Tiểu Thiên Thế Giới gồm có khoảng  một ngàn thế giới, Trung Thiên Thế Giới gồm khoảng một triệu thế giới , Đại Thiên Thế Giới gồm khoảng một tỷ thế giới v..v..

 

Tương tự như trên, trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy có một nhận thức về vũ trụ cũng tương tự những phát hiện mới nhất của khoa học thiên văn học hiện đại.

 

Trong cuốn Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) viết “Những mặt trời và những mặt trăng này soi sáng và chiếu xa chừng nào thì giới hạn của vũ trụ ngàn thế giới mở ra xa chừng ấy.” Cuốn sách này cũng chia toàn vũ trụ ra làm ba cấp: cấp vũ trụ thấp nhất gọi là sahassì culanikà loka dhàtu, tức là tiểu thiên thế giới (vũ trụ nhỏ gồm nghìn thế giới). Trong vũ trụ cấp thấp nhất này theo Visuddhimagga cũng có hằng ngàn mặt trời, hằng ngàn mặt trăng v.v… hàng ngàn châu lục có sinh vật ở. (Anguttara Nikaya I, 227, v 59.)

 

Cái mà sách Phật gọi là tiểu thiên thế giới đó, tương ứng với đơn vị thiên văn galaxy (tinh vân.) Một tinh vân bao gồm nhiều hệ mặt trời, có mặt trăng và nhiều hành tinh khác.  Sách Phật khẳng định, trên một số hành tinh đó đã có những chúng sinh ở trên đó.  Vũ Trụ Học và Thiên Văn Học không phủ nhận hay chấp nhận lý thuyết này vì khoa học chưa chứng minh được.  Trong khi đó các vệ tinh được phóng về phía các hành tinh như sao Kim, sao Hỏa đều chưa phát hiện ra dấu hiệu của những sinh vật tuy đã tìm ra những dòng sông ngầm hóa băng, dấu hiệu của sự sống.

 

Cấp vũ trụ thứ hai, mà kinh sách Phật nói tới, là hệ vũ trụ trung bình, gồm có hàng ngàn tiểu vũ trụ (tinh vân) nói trên đây. Hệ vũ trụ này, từ Pali gọi là Dvisahassi Majjhimikà Lokadhatu. Danh từ Trung Hoa gọi là trung thiên thế giới, tương ứng với cái mà thiên văn học hiện đại gọi là một cụm tinh vân (tiếng Anh gọi là cluster.)

 

Phát hiện ra một cụm tinh vân là một hiện tượng tương đối mới trong thiên văn học. Bởi vì ngày trước người ta cho rằng tinh vân tồn tại và vận động như là một đơn vị riêng lẽ, biệt lập, đối với các tinh vân khác. Bấy giờ, người ta biết rằng các tinh vân tồn tại thành cụm, thành hệ, tương tự như hệ mặt trời (gồm có mặt trời, trái đất và các hành tinh) như trên một quy mô hùng vĩ hơn rất nhiều.

 

Theo giáo sư ABC. Lowell, Giám đốc đài thiên văn Anh Jodrell Bank cái gọi là hệ tinh vân địa phương (bao gồm hệ thái dương chúng ta) gồm có hệ Ngân hà, tinh vân Andromedé và khoảng hơn 20 tinh vân khác nữa. Hệ tinh vân địa phương của chúng ta có một mật độ tinh vân không lớn. Theo bác sĩ Lowell, một hệ tinh vân khác là hệ Virgo có ít nhất một ngàn tinh vân, mắt người trông thấy được, và chiếm một không gian hai lần hẹp hơn so với hệ tinh vân địa phương (The individual and the universe–Con người và vũ trụ, Oxford. NXB Đại học 1958, trang 6, 7.)

 

Nhắc lại lời của Lowell, giáo sư Bonnor viết, “Giải Ngân hà là một hệ nhỏ tinh vân, gọi là hệ tinh vân địa phương, bao gồm tất cả những tinh vân cách trái đất khoảng hai triệu năm ánh sáng, và gồm có khoảng 20 tinh vân. Bên ngoài khoảng cách đó chúng ta còn phải bay 10 triệu năm ánh sáng nữa mới gặp một tinh vân khác. Các tinh vân đều có hướng tập hợp thành cụm hoặc hệ. Các tinh vân khác có thể nhỏ hơn hệ tinh vân địa phương, hoặc có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tinh vân.”

(William Bonnor–Mystery of the Expanding Universe–Bí mật của vũ trụ khuếch tán. New York 1964, trang 32)

 

Cấp vũ trụ thứ ba, kinh sách Phật nói tới là Đại thiên thế giới, gồm khoảng 1000 Trung thiên thế giới, có thể tương ứng với khoảng 100 hệ tinh vân của thiên văn học hiện đại. Nhưng thiên văn học hiện đại dừng ở đơn vị hệ tinh vân (Metagalaxie,) có thể bởi lẽ không có kính viễn vọng nào cho phép thấy xa hơn nữa. Vả chăng, các tinh vân càng ở xa chúng ta, lại càng vận động nhanh hơn, nếu chúng có vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng thì sẽ vượt quá tầm quan sát của chúng ta. Vì vậy, thiên văn học hiện đại không dùng danh từ hệ hệ tinh vân (Cluster of cluster,) tương ứng với đơn vị đại thiên thế giới của sách Phật.

Có thể, trong vũ trụ có hàng tỉ giải ngân hà với vô số chư Phật đang giáo hóa chúng sinh tại các nơi chốn đó với con số vô lượng ví như nhiều như số cát sông Hằng không phải là thái quá so sánh sự ước tính của các nhà thiên văn hiện tại.

Năm 1960, giáo sư Drake đã đưa ra một công thức để tính số lượng những hành tinh có nền văn minh trong giải Ngân Hà.  Công thức này được giáo sư Drake trình bày ở kỳ họp hội đồng thiên văn quốc tế năm 1979 tại Montreal, Canada với đề tài Chiến Lược tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. 

Tôi sẽ không bỏ thì giờ để dịch ra những tài liệu dưới đây vì chưa kiểm chứng cái công thức nầy với những phân tích về số lượng bất khả tư nghì trong kinh điển của Phật Giáo về vũ trụ vô biên.  Theo khái luận của riêng tôi thì cái công thức của Giáo Sư Drake này có thể đạt gần tới vô lượng số nhưng không bao giờ đạt được tới số lượng bất khả tư nghì.

From Wikipedia, the free encyclopedia, Drake Equation: The Drake equation is a probabilistic argument used to arrive at an estimate of the number of active, communicative extraterrestrial civilizations in the Milky Way galaxy. The equations sets this number of civilizations, N, in our galaxy for which radio-communication might be possible equal to the mathematical product of (i) the average rate of star formation, R*, in our galaxy, (ii) the fraction of formed stars, fp, that have planets, (iii) the average number of planets per star that has planets, ne, that can potentially support life, (iv) the fraction of those planets, fl, that actually develop life, (v) the fraction of planets bearing life on which intelligent, civilized life, fi, has developed, (vi) the fraction of these civilizations that have developed communications, fc, i.e., technologies that release detectable signs into space, and (vii) the length of time, L, over which such civilizations release detectable signals, for a combined expression of:

 

The equation was written in 1961 by Frank Drake not for purposes of quantifying the number of civilizations, but as a way to stimulate scientific dialogue at a meeting on the search for extraterrestrial intelligence (SETI). The equation summarizes the main concepts which scientists must contemplate when considering the question of other radio-communicative life. Criticism of the Drake equation follows from the fact that several of its terms are conjectural, the net result being that the error associated with any derived value is very large such that the equation cannot be used to draw firm conclusions. A consistent reply to these critiques is that the formalism was intended to stimulate dialogue, indeed, that this was Drake's original intent (and the evidence is clear that it has done so).

Phật giáo phân biệt: Tiểu Kiếp có 16 triệu 8 trăm ngàn năm, Trung Kiếp có 336 triệu năm, và Đại Kiếp có 1 tỷ 344 triệu năm.  Theo khoa học hiện nay thì một ngôi sao (coi như là một thế giới) mà chất lượng (mass) càng nặng thì đời sống của ngôi sao càng ngắn.  Do đó có những ngôi sao chỉ "sống" được từ 1 tới vài tỷ năm và người ta đã tính được rằng một ngôi sao có chất lượng nhẹ hơn những ngôi sao trên khoảng 90 phần trăm thì ngôi sao này có thể sống tới hàng ngàn tỷ năm.  Điều này rất phù hợp với câu kệ trên của Phổ Hiền Bồ Tát, có thế giới chỉ tồn tại một kiếp, có thế giới tồn tại vô số kiếp v...v....

23.                   Bản lai thiên văn của Phật Giáo

 

Trở lại quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo, chúng ta thấy rằng quan niệm này hầu như tương hợp hoàn toàn với những kiến thức ngày nay của những nhà thiên văn (astronomers) hay những nhà vật-lý-học về thiên thể (astrophysicists,) và đã đi trước khoa-học 2600 năm và sẽ còn vượt xa hơn nữa trong tương tai.  Một Tiểu Thiên Thế Giới có thể so sánh với quan niệm hiện đại về một thiên hà (galaxy) gồm có cả triệu ngôi sao và những hành tinh có thể có vô số sinh vật trên đó.  Trong các kinh sách Phật Giáo đã dùng những danh từ đồng nghĩa của Lokadhatu (hệ thống thế giới, vũ trụ) là Cakkavàla. Danh từ nguyên từ (etynologie) của Cakkavàla là bánh xe, hình cầu, vòng tròn.

Nói đến quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo thì chúng ta không thể bỏ qua Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thế Giới Thành Tựu.  Trong phẩm này, Bồ Tát Phổ Hiền tuyên thuyết về 10 đặc tính của các thế giới trong vũ trụ: nhân duyên khởi, chỗ trụ nương, hình trạng, thể tánh, trang nghiêm tánh, thanh tịnh tánh, Phật xuất hiện, kiếp trụ, kiếp chuyển biến sai biệt, và môn vô sai biệt.  Để cho vấn đề tương hợp với khoa học được rõ ràng, sau đây chúng ta nên luận về hai điểm:  sắc trạng và kiếp trụ các thế giới.  Chúng ta hãy xét đoạn kinh văn sau đây:

Trong 10 đặc tính của các thế giới, ta chỉ có thể luận về Hình Trạng của các thế giới trong giải thiên hà, ngân hà.  Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Thế giới hải có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn....hoặc hình như nước xoáy....hoặc hình như hoa ... có vi trần số hình sai khác như vậy."

Rồi trong phẩm tiếp theo, phẩm Hoa Tạng Thế Giới, Phổ Hiền Bồ Tát lại tuyên thuyết: "Chư Phật tử!  Tất cả thế giới chủng đó hình trạng đều khác nhau: hoặc hình núi Tu Di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay chuyển, hoặc hình nước xoáy, hoặc hình trục xe...hoặc hình hoa sen...có vi trần số hình trạng như vậy."  ("Kinh Hoa Nghiêm", Thích Trí Tịnh, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản)

 

Tương tự, các nhà thiên văn có thể quan sát được trong các chòm sao như Letus, Pegasus và Hercules, hình sông là Giải Ngân Hà (Milky Way, M31) hay chòm sao (constellation) Andromeda và nhiều thiên hà khác, hình dạng như hoa là những khối tinh vân trong khoảng không gian liên-thiên-hà có chứa hàng tỷ ngôi sao... Một Trung Thiên Thế Giới có thể so sánh với một chùm thiên hà (galactic cluster) thí dụ như chùm Coma Berenices, và một Đại Thiên Thế Giới có thể so sánh với cái mà Hannes Alfven gọi là siêu thiên hà (metagalaxy) ở  trong Đại Vũng (Big Dipper) của Tiểu Ursa (Minor Ursa) trong đó có ít ra là cả triệu thiên hà.  Cho tới nay, vì những giới hạn tự tại của những dụng cụ quan sát cho nên các khoa học gia chưa thể đi xa hơn trong việc khảo sát vũ trụ.  Nhưng không phải vì những giới hạn kỹ thuật này mà vũ trụ cũng bị giới hạn theo, và nay chúng ta đã hiểu tại sao Đức Phật lại "bỏ ngỏ" quan niệm về vũ trụ hữu hạn hay vô hạn.  Điều này chứng tỏ Đức Phật đã thấy rõ khả năng vô tận của con người, và rằng Phật Pháp không phải là những giáo điều cứng nhắc không bao giờ thay đổi.  Và đây cũng chính là tinh thần khoa học hiện đại, không có gì có thể coi như là vĩnh cửu, bất biến.  Chúng ta không thể tưởng tượng được ở một thời chưa hề có kính thiên văn. Mãi đến thế kỷ XVII, Galileo (1564-1642) mới chế ra kính thiên văn, mà Đức Phật và các vị Bồ Tát đã có những hiểu biết chính xác về vũ trụ như trên. Có lẽ vì khâm phục tri kiến và trí tuệ của chư Phật và các vị Bồ Tát, nhà bác học Vật Lý của thế kỷ XX, Albert Einstein khi nghiên cứu vũ trụ và Phật Giáo đã viết:

"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ (cosmic religion)... Bao gồm cả thiên nhiên vật lý và tinh thần... Phật giáo bao gồm các thứ đó... Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được yêu cầu của nền khoa học tân tiến, tôn giáo đó chính là Phật Giáo.” (The religion of the future will be cosmic religion... cover both the natural and spiritual... Buddhism answers this description... if there is any religion that would cope with the modern scientific needs, it would be Buddhism.)

 

Quan niệm vũ trụ của Phật Giáo Nguyên Thủy cũng đồng quan điểm trên.  Đối với Phật giáo Nguyên Thủy, các hệ thế giới (như hệ mặt trời, vệ tinh, hành tinh, hệ tinh vân v.v…) đều có dạng bánh xe, hình cầu, hoa sen, núi, v.v… Theo thiên văn học hiện đại, một tinh vân như một bánh xe lớn quay xung quanh một tâm điểm hay như kiến trúc của những dạng nguyên tử.  Ở đây, một lần nữa, nhận thức của Phật Giáo không mâu thuẫn với những nhận thức khoa học hiện đại nhất.

 

Bức tranh đại quan về vũ trụ của Phật Giáo Nguyên Thủy, như được ghi lại trong các kinh sách thuộc văn hệ Pàli cũng như những kinh điển khác của Đại Thừa như Kinh Hoa Nghiêm là đúng đắn, phù hợp với Thiên văn học hiện đại.  Làm sao mà Phật Giáo đã biết trước những cái điều mà khoa học bây giờ mới mới hé màn bí mật?  Đơn giản nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của ‘trong nhà có báu thôi tìm kiếm’ thì không có điều gì trong vũ trụ là bí mật cả.

 

Hình dưới, Trái Đất của chúng ta (E) quay xung quanh mặt trời, mặt trời nằm trong một cánh tay ngoài rìa của dải ngân hà.  

 

 

Figure 45 Trái đất quay chung quanh Mặt Trời

 

Figure 46 Vũ Trụ với xum la vạn tượng

 

So sánh với những hình trạng của các chòm sao, giải thiên hà, ngân hà khám phá bởi khoa học ngày nay chúng ta thấy Phật giáo đã mô tả hình trạng của chúng một cách vô cùng chính xác.  Thí dụ như các hình như bánh xe, nước xoáy chúng ta có thể quan sát được trong các chòm sao như Cetus, Pegasus và Hercules, hình sông là giải ngân hà (Milky Way) và nhiều thiên hà khác, hình dạng như hoa là những khối tinh vân trong khoảng không gian liên-thiên-hà (intergalactic clouds of gas) có chứa hàng tỷ ngôi sao v...v... Thật chúng ta không thể tưởng tượng được ở một thời chưa hề có kính thiên văn, dù thô sơ nhất, mà Đức Phật và các Đại Bồ Tát đã có những hiểu biết chính xác về vũ trụ như trên.  Nếu không phải vì đã giác ngộ hoàn toàn, nắm vững cơ cấu huyền bí của vũ trụ, thì làm sao có thể biết được những điều như trên.  Chúng ta cũng nên nhớ là những điều đức Phật và các Bồ Tát chọn để tuyên thuyết cho người đời chẳng qua cũng chỉ là một nắm lá trong tay so với số lá cây trong rừng trí tuệ.  Mà hình như Đức Thế Tôn luôn luôn đúng vì những cái kiến thức và con số đo đạt vĩ đại về vũ trụ trên đây, từ 2600 năm về trước cho đến hiện tại, nó như đám lá trên rừng, không có ý nghĩa và ích lợi gì cho đa số chúng ta trừ một ít thiểu số thánh nhân và khoa học gia hiếu kỳ, rãnh rổi ăn cơm nhà lo chuyện trên trời dưới đất.

 

Vì sao, sách Phật dùng con số ngày như nói Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới (thiên là nghìn) phải chăng, đó là con số quy ước để gợi cái ý “rất nhiều” và sách Phật dùng số nghìn để chúng ta dễ nhớ?  Cũng có thể đó là con số tối đa, bởi vì các hệ tinh vân mà thiên văn học hiện đại biết được từ trước đều chứa dưới một nghìn tinh vân?  Bây giờ họ mới biết được đó là những con số vô cực, bất khả diễn đạt chính xác.  Điều này cho thấy Phật Giáo đã, đang và luôn luôn vượt xa khoa học trên phương diện chính xác của những con số vĩ đại từ 2600 năm về truớc. 

 

Đó là quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo từ 2600 năm về trước.  Nhưng sau đó 22 thế kỷ, vào thế kỷ thế 17, Tây Phương vẫn còn chưa thoát khỏi quan niệm tối tăm về trời tròn đất vuông,  trái đất được coi là trung tâm vũ trụ, và tin rằng mặt trời quay xung quanh trái đất như đã viết trong Thánh Kinh.  Những khám phá mới, xác thực về vũ trụ của các khoa học gia như Copernicus (các hành tinh quay xung quanh mặt trời) và Galileo (trái đất quay xung quanh mặt trời,) vì không phù hợp với thánh kinh, nên đều bị quyền lực tôn giáo thời đó lên án và kết tội là đi ngược lại những điều mặc khải trong thánh kinh. 

 

Trên đây chỉ là vài so sánh tương đối phạm trù, còn xa hơn nữa nơi khoa học dừng lại chính là lúc Phật Giáo vượt qua.  Khoa học chưa bao giờ bắt kịp tâm thức.  Dòng tâm thức trôi một chiều, là trí tuệ (intellect) và ý thức (consciousness,) đôi khi được gọi tắt là tâm kết hợp của tư duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn, và trí tưởng tượng;

 

Duy Tâm là căn cứ vào tâm thức để lý giải trong khi đó khoa học (the Wikipedia: tiếng Latin là scientia, có nghĩa là "kiến thức" hoặc "hiểu biết") là các nỗ lực thực hiện phát minh, và tăng lượng tri thức hiểu biết của con người về cách thức hoạt động của thế giới vật chất xung quanh.  Phật Giáo còn thâm diệu hơn đã biết trí thức vẫn bị giới hạn mà trí tuệ mới là viên giác vượt không-thời gian/

 

Nhược lại, những giải thích logic dựa vào những thành quả khoa học mà người ta phân biệt là duy vật.  Theo quan niệm duy vật cho là vật chất (matter, body) chi phối ý thức (mind,) ý thức là cái có sau vật chất và vật chất quyết định ý thức. Còn quan niệm của Phật Giáo, Duy Thức Luận thì cho rằng chính tâm thức tạo ra thế giới vạn vật, ‘tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức hay nhất thiết duy tâm sở tạo,’ tất cả vũ trụ, thế giới, vạn vật đều do tâm thức biến hiện ra.  Nên lưu ý chúng ta không nên nhầm lẫn nói: vạn vật do ‘tâm thức con người’ biến hiện ra như chúng ta vẫn vọng tưởng.  Tâm không thuộc vào con người! Tuy nhiên, đa số chúng ta thường tưởng và nói như vậy chẳng hạn ‘tâm thức con người có thể điều khiển và tạo ra thế giới vật chất theo phương thức mới.’  Nghe riết rồi quen tai mà hình như nó, như thiệt như rứa?  Đây một đề tài không dễ tranh luận và nó quá rộng lớn để tư nghị trong bài này.  Tuy nhiên, tôi đã đề cập đến chủ đề này trong bài Lòng Bồ Đề, 2015.

 

Trong bài kệ để tuyên lại nghĩa này Bồ Tát Phổ Hiền có giải thích bằng một câu: "Hoặc chỉ một kiếp hoặc vô số, Bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng."  Theo Giáo Sư Trần Chung Ngọc: Chỉ một câu "bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng" cũng đã giải quyết vấn đề "thiên sai vạn biệt" trong vũ trụ.  Thật là đầy đủ, thật là rốt ráo, thật là chính xác. 

 

Dĩ nhiên Phật Giáo Quan về vũ trụ, vi mô và vĩ mô xuyên qua cái nhìn của trí tuệ thiền định khác với cái nhìn logic với đầy chi tiếc và thực tiển như khoa học, tuy có vẻ tương đồng trên phương tiện nhưng mục đích và cứu cánh có thể bất đồng.

 

24.                   Đức Thế Tôn đã thấy vi trùng

 

Figure 47 Big bang dưới con mắt của Phật Nhãn

Các nhà vi trùng học còn kinh ngạc hơn khi biết được, 25 thế kỷ trước, Đức Phật đã thấy những vi sinh vật trong bát nước vừa múc lên từ miệng giếng và Ngài đã chú vãng sinh cho những sinh vật bé nhỏ này trước khi uống:

"Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng." Đức Phật đã nhìn thấy vô vàn, bát vạn tứ thiên những sinh vật nhỏ trong một bát nước.

Trước khi uống nước, các vị tu sĩ thường chú nguyện như sau:

“Phật quán nhất bất thuỷ

Bát vạn tứ thiên trùng

Nhược bất trì thử chú

Như thực chúng sanh nhục”

Xin lưu ý, bát vạn tứ thiên, tám vạn bốn ngàn (84,000) đây chỉ là con số tượng trưng của nhà Phật chứ không phải con số đếm thật.  Ví dụ, 84.000 pháp môn.  Hơn nữa, Đức Phật niệm chú vãng sinh cho những sinh vật bé nhỏ này trước khi uống vào bụng vì ngài muốn cho chúng ta có một ý thức của thế giới vi quan và để chúng ta tránh vô tình sát sinh.  Thật ra, những sinh vật nhỏ bé này và những vi trùng vào trong bụng ta tiêu hóa và đào thải ra chứ khó mà chết được.  Cho nên, không nên quá quan tâm đến chúng nó khi ta ăn và uống chúng nó vào trong bụng ta nhưng nên quan tâm là nó sẽ làm gì hại trong bụng và cho cơ thể của chúng ta.  Khoa học và y học chưa bao giờ giết được vi khuẩn (virus) chỉ có vi khuẩn và vi trùng sát chúng sinh mà thôi.  Cho nên, nên mong những vi sinh vật này niệm chú vãng sinh cho con người thay vì lo vãng sinh cho chúng vi trùng. Tương tự, trong tất cả chúng sinh trên trái đất, nhân sinh là một vi khuẩn của địa cầu.  Thế giới không cần phải niệm chú vãng sinh cho con người mà ngược lại con người nên niệm chú vãng sinh cho thế giới.  Có con người hay không có con người thế giới vẫn tồn tại nhưng không có thế giới thì con người sẽ thế nào?

Tại sao Phật thấy được vi trùng mà chúng ta muốn thấy phải dùng kính hiển vi? Vì Phật đắc tam minh, lục thông và ngũ nhãn.  Tam minh tức là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.

Với Túc mạng minh, Ngài thấy được cuộc sống của Ngài và của chúng sinh đã trải qua nhiều số kiếp, và thấy được cái gốc sanh tử từ trước đến giờ.

Với Thiên nhãn minh, Ngài thấy rõ tại sao người ta sanh làm quỷ đói, và xuống địa ngục?  Ngài thấy chúng sinh tùy nghiệp là nhân dẫn sanh các cõi là quả.  Ngài thấy chúng sanh đi đầu thai ở trong sáu đường y như người đứng ở trên lầu cao nhìn thấy ở dưới đường những người đi dẫn theo nhiều ngả đường.

Nhờ Thiên nhãn minh, Ngài thấy được những vật âm vô cực (nhỏ) và những cái dương vô cực (lớn.)  Ví dụ, Ngài thấy vi trùng trong bát nước, và thấy “Trong bầu trời có vô vàn, vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng.”

Vì chứng được Lậu tận minh nên Ngài dứt được nghiệp Sinh, Tử, Luân hồi.   Ngài biết nhân nghiệp gì tạo ra và khiến chúng sinh phải trôi lăn trong vòng sanh tử.  Ngài đã thấy những lý do khiến chúng ta bị dẫn vào sanh tử, và những lý do gì giúp chúng ta thoát khỏi sanh tử và ngài đã tìm ra giải pháp để thoát ra khỏi sanh tử, luân hồi. 

Từ ngàn xưa, chưa ai chống lại được sanh tử mà Ngài thấy được nguyên nhân của Sinh, Tử, Luân hồi.  Khi thấy được nguyên nhân tạo sanh, tử, Ngài đã tìm những phương pháp để tiêu diệt những nguyên nhân này:  Đó là giải thoát sanh tử.” (Trích trong băng giảng “Hoa Sen Trong Bùn,” mặt A, của Hòa Thượng Thích Thanh Từ).

Về phần hóa sanh và thấp sanh, trong Kinh Lăng Nghiêm, trang 256, Phật đã chia chúng sanh làm 12 loài: Loài sinh từ trứng (Noãn sinh,) loài sinh bằng thai (Thai sinh,) loài sinh ở dưới đất do ẩm ướt như côn trùng (Thấp sinh,) loại bỏ bản chất cũ mà sinh ra hình chất mới như bông lúa hóa sâu, gạo hóa mọt, cỏ mục hóa đom đóm (Hóa sinh,) loài có sắc (hình tướng,) loài không sắc (ma, quỷ, thần, phi nhân, chư thiên,) loài có tưởng (người,) loài không có tưởng (gỗ, đá, kim loại,) loài chẳng phải có sắc, loài chẳng phải không sắc, loài chẳng phải có tưởng, và loài chẳng phải không tưởng.

Trong Kinh Đại Niết Bàn, trang 341-342, Sư Tử Hống Bồ Tát bạch Phật rằng trong bốn loài Noãn, Thai, thấp, Hóa; loài người đều có đủ. Do đấy, trong loài người cũng có Noãn sanh, Thấp sanh; và thuở kiếp sơ, tất cả chúng sanh đều là Hóa sinh.

Nhân tiện, chúng ta cũng nên nói qua về lịch sử tìm thấy vi trùng từ các khoa học gia.

Vào thế kỷ thứ 17, một nhà Sinh vật học người Hòa Lan tên là Aton van Leeuwenhoek  (1632-1723) đã khám phá ra nhiều loại Vi sinh vật (Micro-organism) như: Protozans, microbes (vi trùng), algae, fungi, bacteria, virus và rickettsiae …

Đến hậu bán thế kỷ 19, khoa Siêu Sinh Vật Học ra đời. Nhà Sinh Vật Học kiêm Hóa Học Gia Louis Pasteur (1822-1895) đã xác định vai trò của những Vi Khuẩn (Bacteria) trong việc Gây Men (Fermentation) và gây bệnh.   Pasteur được tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh và được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp Quốc (Academie Francaise) bởi công trình nghiên cứu vĩ đại, đầy lợi ích cho nhân loại.  Khi Ông mất, chính phủ Pháp đã tổ chức quốc táng.   Rồi nhà Vật lý gia người Đức, Bác Sĩ Robert Koch, Nobel Laureate,  đã tìm những phương cách chứng minh rằng những loại vi khuẩn nào gây nên những bệnh tật nào.  Điển hình nhất là vi trùng lao phổi, vi trùng Koch. 

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn biết tách rời những loại vi khuẩn nào có ích lợi để dùng trong lãnh vực y tế, kỹ nghệ, canh nông.  Ví dụ Mốc Rêu (Mold) đã được dùng để chế men (Enzym,) thuốc kháng sinh, và nhất là trụ sinh.  Một số lớn Vi Khuẩn (Bacteria) được dùng trong thương mại để sản xuất Nhũ Toan (Lactic Acid) và chữa bệnh thiếu máu và thiếu chất vôi.

Những chứng liệu dưới đây của Sinh vật học, Khảo cổ học, Nhân chủng học, Địa chất học, và Hải dương học đã chứng minh trí tuệ vượt thời gian của Sư Tử Hống Bồ Tát và của Đức Phật.

Trong lịch trình tiến hóa của sinh vật và thảo mộc trên thế giới, theo tài liệu của những nhà Cổ Nhân Chủng Học (Paleanthropology,) sự sống bắt đầu cách đây 4 tỉ năm, thảo mộc xuất hiện đầu tiên cách đây 425 triệu năm, những loài có vú đầu tiên cách đây 50 triệu năm, và chủng loại Ramapithecus cách đây 12 triệu năm.

Tài liệu thứ hai cho rằng loài vật đã xuất hiện cách đây khoảng một tỉ năm; và những vi sinh vật sống trong bùn, trải qua nhiều thời kỳ tiến hóa, đã ngẫu nhiên trở thành giống người, chim bồ nông, voi, giun đất, và hàng ngàn chủng loại khác nhau mà ta thấy trong thế giới loài vật bây giờ.  Tất cả những loài vật xuất hiện cách đây trên một tỉ năm đã sống trong các đại dương, có lúc nổi lên, có lúc chìm xuống như những vi sinh vật mà chúng ta thường thấy trong nước ngọt hay nước mặn.  Điều này đã chứng tỏ con người từ những loài vi sinh vật và loài vật từ đại dương (H2O) mà ra.  Con người chỉ là một con vật thông minh nhất trên trái đất tự gọi mình là người, còn những loài vật kém thông minh  hơn được con người gọi là súc vật, vi trùng và vô tri giác.

Tài liệu thứ ba cho rằng những vi sinh vật đó thuộc loại Đơn bào (một Tế bào.) Theo những tài liệu khảo cổ, những hóa thạch đầu tiên xuất hiện vào Kỷ nguyên Đột xuất Cambrian (Cambrian Explosion) là thời kỳ các chủng loại khác nhau đã xuất hiện bất ngờ.  Đó là, thời kỳ mà các lớp đá, địa tầng và hóa thạch đã được khám phá, tức là thời kỳ địa chất đầu tiên cách đây 500 triệu năm.

Chỉ trong vòng 20 triệu năm những sinh vật Đơn Bào sống trong các đại dương đã trở nên đa dạng, đột nhiên tạo điều kiện phát sinh những loài vật có thống thuộc với những giống côn trùng, tôm hùm, sứa, hải sâm, cá, và con người …Điều này cho thấy, con người cũng từ đó mà ra và phải qua nhiều chu trình tiến hóa để trở thành con vật biết phân biệt và kỳ thị chủng loại tự xưng là người với cái duy ngã độc tôn.

Tài liệu thứ tư nói rằng trong việc sưu tầm sự sống, các khoa học gia đã khám phá trong lớp địa tầng cổ xuất hiện ở Phần Lan cách đây 3 tỉ 850 triệu năm những hạt khoáng chất do những vi sinh vật (có thể là những loài Đơn bào) tạo nên.  Những vi sinh vật sống dưới đáy đại dương đã để lại những dấu vết thật sự của sự sống.

Tài liệu thứ năm nói rằng một hòn Đá Trời cỡ bằng củ khoai từ trên Sao Hỏa (Mars) rớt xuống Trái đất đã đem theo những vi sinh vật. Điều đó chứng tỏ có sự sống ở trên Sao Hỏa.

 

Qua những tài liệu nói trên, chúng ta nhận thấy rằng các loài Đơn Bào, qua nhiều quá trình tiến hóa, nhất là trong Kỷ Nguyên Đột Xuất Cambrian, đã trở thành những loài đa bào, đa dạng trong đó có loài người.  Tuy nhiên, con người vì quá văn minh nên đã biết chế tạo ra những tiện nghi vật chất để sống an toàn, xa vời thiên nhiên, nên cơ thể không thấy tiến hóa cùng lẫn thích ích với thiên nhiên trong những giai đoạn vài ngàn năm gần đây so với những sinh vật khác trên thế giới.  Dù loài ngưòi đã từ những Đơn Bào tức là những vi sinh vật đã tạo nên qua nhiều quá trình tiến hóa trên thế giới.

Những khám phá trên đây của khoa học đã chứng tỏ Sư Tử Hống Bồ Tát và Đức Phật đã nói đúng từ 2600 năm về trước là loài người cũng đã sinh ra từ những loài Thấp Sinh và Hóa Sinh.  Đức Phật biết những chúng sinh này xuất hiện cách đây khoảng một tỉ năm.  Thấp sinh là loài sinh ở dưới đất do ẩm ướt như côn trùng và vi khuẩn.  Hóa sinh là loài bỏ bản chất cũ mà sinh ra hình chất mới như ‘bông lúa hóa sâu, cỏ mục hóa đom đóm.’  (Đạo Phật Siêu Khoa Học, Chùa Liên Hoa, California, USA ấn hành 1997, Minh Giác Nguyễn Học Tài, Phần 1: Quang Minh)

Đến giữa thế kỷ thứ 20th  cho đến bây giờ, khoa Siêu Sinh Vật Học đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể. Một số Siêu Sinh Vật gây nên nhiều thứ bệnh hiểm nghèo, bất trị đã được nhận diện.  Khoa học có những phương pháp để cô lập chúng và đã được áp dụng khá hữu hiệu nhưng chưa hoàn toàn tiêu diệt hẳn tất cả các bệnh.  

Trong các phòng thí nghiệm tối tân, với những dụng cụ đặc biệt, các nhà sưu tầm và bác học khác đã phát hiện những tác hại khác nhau và ghê gớm không thể diệt được của các Siêu Sinh Vật (Virus.)  Mới đây, 10/2015, họ đã khám phá ra một điều bất ngờ đó là những tế bào phát triển bất thường (cancers) này trường sinh bất tử không thể diệt được.  Có người chửi thề, Thượng đế thật là khốn nạn (God is S.O.B!)

Tôi mong khoa học sớm hiểu ra: Những tế nào này nếu biết cách dùng nó thay vì cố tiêu diệt nó thì nó chính là tiên đơn (thuốc tiên) giúp chúng ta trường sanh bất tử.  Điều vô minh của con người là những cái gì phát triển kỳ lạ trên đời mà ta chưa hiểu được thì đa số chúng ta thường hay có thói quen kết luận vội vã là bất bình thường (abnormal,) là bệnh hoạn (disease.) Trong khi đó những cái mà chúng ta tưởng là bình thường thì nó lại giết ta một cách nhẹ nhàng rất bình thường.  Mà bệnh và tử trước nay vẫn bình thường như luật sinh lão bệnh tử bình thường của vũ trụ.  Trường sinh bất tử cũng là luật vô sanh vô diệt bình thường của vũ trụ.  Vô minh hay kém vô minh thì cũng bình thường tự nhiên của vũ trụ mà thôi.

Tóm lại, khoa học không thể phá vỡ vòng xích sinh-lão-bệnh-tử của vũ trụ dù đó là điều mong muốn và tham vọng nhất trên đời của con người.

25.                   Đức Phỗ Hiền, Nhà Thiên Văn Vũ Trụ

Figure 48 Phổ Hiền Fugen, jap. Darstellung aus dem Shokoku-ji in Kyoto (Edo-Periode)

Phổ Hiền Bồ Tát (dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà, zh. pǔxián 普賢, sa. samantabhadra, ja. fugen, bo. kun tu bzang po ཀུན་ཏུ་བཟང་པོ་). Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ Tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật Giáo Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ Tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca.  Samntabhadra (Phổ Hiền) biểu thị từ tâm và Phật Pháp. Ngài thường sánh đôi với Văn Thù Sư Lợi và cả hai được coi là những cao đồ của Thích Ca Mâu Ni, có lẽ từng là đệ tử thực sự của vị Phật lịch sử.

Khởi đầu phẩm, Trang 227, tập 1, Thế giới thành tựu, Kinh Hoa Nghiêm viết:  "Lúc bấy giờ Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát do thần lực của Phật quán sát tất cả thế giới hải, tất cả chúng sanh hải, tất cả chư Phật hải, tất cả pháp giới hải, tất cả chúng sanh nghiệp hải, tất cả chúng sanh căn dục hải, tất cả chư Phật pháp luân hải, tất cả tam thế hải, tất cả  Như Lai nguyện lực hải, tất cả Như Lai thần biến hải."  Sau đó ở trang 233 có ghi:  "Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát bảo đại chúng rằng: Chư Phật tử! Thế giới hải có mười việc mà chư Phật trong ba thuở quá khứ, hiện tại, vị lai đã nói, hiện nói và sẽ nói. Những gì là mười? Chính là nhơn duyên khởi thế giới hải, chỗ nương trụ của thế giới hải, hình trạng của thế giới hải, thể tánh của thế giới hải, sự trang nghiêm của thế giới hải, sự thanh tịnh của thế giới hải. Phật xuất hiện nơi thế giới hải, kiếp trụ của thế giới hải, kiếp chuyển biến sai biệt của thế giới hải, môn vô sai biệt của thế giới hải."  Và rồi, Phổ Hiền Bồ Tát đã cập giải thích đến từng điểm một của mười điều ấy, trong đó điểm thứ ba "hình trạng của thế giới hải" (trang 240) khiến ta để ý đến. Nói về hình trạng của các thế giới hải, Phổ Hiền Bồ Tát cho biết hình trạng có thể là: Hình vuông, tròn, hoặc chẳng phải tròn vuông, hoặc hình như nước xoáy, hoặc hình như núi, hình như cây, hình như bông, hình như cung điện, hình như chúng sanh, hình như Phật, có thế giới vi trần số hình sai khác như vậy.

 

Khoa học đã tìm thấy các thiên hà (thế giới hải?) hình nước xoáy hoặc khác nhau và ánh sáng của chúng cũng khác nhau, khiến ta liên tưởng đến điểm "sự trang nghiêm của thế giới hải" (Trang 224-225.)  Đó là chưa nói đến "Chỗ nương trụ của thế giới hải" và các điểm khác mà Phổ Hiền Bồ Tát đã đề cập đến.

Hình dạng các Thiên Thể trong Vũ Trụ diễn tả trong Kinh Hoa Nghiêm, Tập 1, Phẩm Hoa Tạng Thế Giới, trang 401 và 410 – 415; Đức Phổ Hiền đã nói:

Chư Phật tử! Tất cả thế giới chủng đó hình dạng đều  khác nhau: Hoặc hình núi Tu Di, hình sông, hình xoay chuyển (trôn ốc,) hình nước xoáy, hình trục xe, hình lễ đàn (bàn thờ,) hình rừng cây, hình lầu các, hình sơn tràng, hình vuông góc, hình hoa sen, hình thai tạng, hình khư lặc ca (cái rỗ), hình thân chúng sinh, hình mây, hình ông Phật, hình viên quang (tròn sáng), hình lưới, hình tam giác, hình bán nguyệt, hình thành quách rộng lớn, hình bảo hoa xoay nở, hình tứ châu, hình tròn, hình như Kim Cang, hình như Ma Ni Bửu, hình chữ vạn, hình như tòa Sư tử v.v… Có vi trần số hình dạng như vậy.”

Mô tả về Thiên Thể trong vũ trụ, Kinh Hoa Nghiêm đã dùng những chữ để diễn tả các thế giới trong vũ trụ như: Cõi, Thế giới, Phật sát,  Phật sát hải, Phật quốc, Phật quốc độ, Thế giới hệ, Thế giới chủng, Thế giới võng, và Thế giới hải (Biển thế giới) có thể cùng một nghĩa nhưng tùy nghi thích ứng với chủ đề trong kinh. Về Thế giới võng, kinh định nghĩa, “Tất cả thế giới đều liên tiếp nhau thành thế giới võng, kiến lập nhiều hình thức sai khác khắp cùng nơi.”  

Trong Đạo Phật Siêu Khoa Học, Minh Giác Nguyễn Học Tài so sánh, “Thế giới hệ, Thế giới chủng, và Thế giới võng cũng là một, và có thể hiểu là Cụm sao (Cluster of stars), Chòm sao (Constellation), Thái dương hệ (Solar system), Chòm Thiên hà (Cluster of galaxies), hay Bức Trường Thành Thiên Hà (The Great Wall of galaxies).”

Có thể vì vậy, Đức Phổ Hiền dùng chữ ‘thế giới’ mà khoa học ngày nay hiểu là World hay Planet (Hành Tinh.) Ở trong Thái Dương Hệ, tất cả những hành tinh và vệ tinh, kể cả mặt trời, đều hình cầu.  Đức Phổ Hiền đã mô tả rất chính xác những hình dạng khác của một số thiên thể (Celestial Bodies) trong vũ trụ.  Đó là những Vi Thiên Thể (Planetesimal) kích thước từ vài m cho đến vài trăm km, như Vẫn Thạch (Meteorites) có đường kính khoảng 2 cm, Sao băng (Meteor,) Sao chổi (Comet,) Tiểu hành tinh (Asteroid) có đường kính từ vài trăm thước đến dặm nghìn cây số, Tinh Tú, Chòm Sao (Constellation), Tinh Vân (Nebula), Sao Đột Sáng (Nova), Thiên Hà (Galaxy), và Chòm Thiên Hà (Cluster of Galaxies.) 

Cho đến nay, các nhà thiên văn và vũ trụ gia đã phát hiện hình dạng của một số thiên thể tương tự như lời mô tả của Đức Phổ Hiền như sau:

Hình sông, hình Xoay chuyển, hình nước xoáy, hình Trục xe, hình Thai tạng, hình Viên quang (Tròn sáng,) hình lưới, hình Ma Ni Bửu (Ngọc quí,) hình Bảo hoa Xoay nở, hình chữ Vạn, hình hoa sen, … Ngoài ra, các nhà thiên văn cũng đã phát hiện một số thiên thể khác như sau: Hình Chim Phượng, hình mắt Mèo, hình cái Nhẫn, hình Cánh Bướm, hình Con Cua, hình Vòng Xuyến, hình Chòm Sao Viên Quang, hình Bầu Dục, Thiên Nhãn, v.v…Ngoài những thiên thể có hình dạng rõ ràng còn có những chòm sao cũng có những hình dạng được tượng hình bằng những con vật trong thần thoại cổ Hy Lạp.

Đức Phổ Hiền không những đã thấy vi trần số hình dạng thiên thể trong vũ trụ mà còn thấy hình dạng của vũ trụ nữa vì ngài đã ở ngoài thân ngũ uẩn lẫn vũ trụ để quán chiếu bản lai diện mục của tiểu vũ trụ và đại vũ trụ. Cư Sĩ Học Giả Nghiêm Xuân Hồng mô tả: “Tất cả những thế giới hải bao la bát ngát ấy chỉ là những tế bào [cells, trong nhục thể. THL] những bộ phận [lượng tử này] kết lại [trông xa] thành những cánh hoa, rồi cánh hoa kết lại thành bông Đại Bửu Liên Hoa, lúc nở ra lúc héo hắt đi [lập loè,] và bông Liên Hoa đó trụ trên cái cọng hoa [đuôi, chuỗi] gọi là Chủng Chủng Quang minh Nhụy Hương Tràng.”  Hình thể tương tự như hình xoáy nước và những hình dạng khác được mô tả ở trên.

Trong Hoa Tạng Thế Giới, Kinh Hoa Nghiêm (trang 377 – 507) đã mô tả, và Nhị Khóa Hiệp Giải (trang 191 – 219) cùng Lăng Kính Đại Thừa (trang 126 – 131) đã nói lại.  Tuy nhiên, Nhị Khóa Hiệp Giải chỉ thuật lại sự mô tả của Kinh Hoa NghiêmLăng Kính Đại Thừa của cụ Nghiêm Xuân Hồng diễn nôm lại một cách ngắn gọn và dễ hiểu hơn nhiều.

Trang 130 – 11, cụ Nghiêm Xuân Hồng diễn nghĩa Hoa Tạng Thế Giới cùng sự Bùng Nổ Lớn (The Big Bang) và sự Co Rút Lớn (The Big Crunch) của vũ trụ như sau: “Hoa Tạng thế giới là một bông Đại Liên Hoa (Hoa Sen Lớn,) và thế giới hải, hoặc Giải Ngân Hà (nói theo sự hiểu biết của người đời nay) chỉ là những bộ phận ti vi của những cánh hoa.

Để có chút khái niệm về hình dạng của vũ trụ theo Kinh Hoa Nghiêm, những giòng sau đây được trích dẫn ở cuốn Lăng Kính Đại Thừa (trang 126 – 127):

“Ngài (Phổ Hiền) nói rõ danh hiệu các cõi, các thế giới, các thế giới chủng, các thế giới hải ở mười phương, cùng hồng danh chư Phật Như Lai ngự trị tại các quốc độ đó. Ngài nói rõ về các cõi hình trạng như thế nào, an lập như thế nào, nương về đâu, trụ về đâu, thành thành hoại hoại xoay vần, tương tự như lá mọc rồi lại rụng. Và Ngài cũng dạy rõ ràng tất cả những thế giới hải bao la bát ngát ấy đều là những tế bào, những bộ phận kết hợp lại thành cánh hoa, rồi cánh hoa hợp lại thành một bông Đại Bảo Liên Hoa, lúc nở ra lúc héo hắt đi và bông Liên Hoa đó trụ trên cái cọng hoa gọi là Chủng Chủng Quang minh Nhụy Hương Tràng.

Trước đó 40 năm chả mấy ai hiểu nổi những kinh điển Đại Thừa được đề cập trên đây đây miêu tả cái gì? Lời kinh nghe như không tưởng, kém hữu lý và mang tính chất mê tín.  Rất nhiều người đã nghe qua và biết được Phật Giáo với 84000 Pháp Môn rất cao siêu lẫn phức tạp và khó hiễu nhưng rất ít người thấy được cá tính khoa học rất đặc thù trong những điển Đại Thừa của Phật Giáo. 

Nhưng dù có biết và thấy được những gì kinh Phật ghi lại cũng không thể thực sự chứng minh được cho đến khi NASA dùng viễn vọng kính (Hubble telescope) để chụp hình những Giải Thiên Hà rồi thì các nhà khoa học và thiên văn suy nghiệm và quan sát hình như những giải thiên hà này nở ra vì các tinh tú càng ngày càng xoay vần, chạy cách xa nhau với một thế vận tốc rất lớn, nên họ đã xác nhận sự hữu lý của thuyết Big Bang, nghĩa là có vụ nổ tung rất lớn khiến các tinh tú bắn tóe ra xa nhau … Nhưng rồi họ lại nhận thấy rằng có những Giải Thiên Hà hình như co lại, vì trong đó các tinh tú càng ngày sáng hơn điều này chứng tỏ vũ trụ co lại vì các tinh tú càng xích lại gần nhau hơn ngược lại với thuyết vũ trụ dãn ra vì những tinh tú rời xa hơn để lại những ánh sáng đỏ mờ, tương tự nguyên tắc doppler effect của âm thanh, từ các tinh tú di chuyễn xa dần …

Rất có thể đây là những chu kỳ dãn nở của vũ trụ hay nở ra hoặc cuốn lại của những cánh hoa tạng thế giới đúng như mô tả trong kinh điển.  Điều này chứng tỏ một cách hùng hồn là lời kinh Phật không mảy may vọng ngôn, hư vọng vì những bậc nói kinh đều là bậc đại giác, có đủ lục thông, ngũ nhãn chứ không phải chỉ có đôi nhục nhãn với mấy chiếc ống nhòm với tầm nhìn giới hạn như các khoa học gia hiện đại.

Lục thông là (1) Thiên nhãn thông, (2) Thần túc thông, (3) Thiên nhĩ thông, (4) Tha tâm thông, (5) Túc mệnh thông, và (6) Lậu tận thông.  Cái gọi là ngũ nhãn (năm mắt) tức là ngoài mắt thịt và thiên nhãn là mắt của chư thiên thấy được gần xa, trên dưới ngang dọc 360 độ và ngày đêm ra còn có mắt trí tuệ (huệ nhãn) là mắt của Thanh Văn, Duyên Giác và A La Hán quán thấy các pháp và chúng sinh để tìm phương tiện giúp họ tu hành thấy rõ 12 nhân duyên và sự luân hồi sinh tử thoát khỏi vòng sống chết luân hồi, không còn bị thân tâm ràng buộc, lìa năm uẩn, vượt ba cõi.  Trong thế gian cũng dùng trí tuệ nhưng với nghĩa trí tuệ thế gian còn chấp ngã còn tuệ nhãn của bậc Thanh Văn, Duyên Giác và A La Hán là vô ngã, không còn chấp trước.  Pháp nhãn (con mắt pháp) của các bậc Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên thì có khả năng thấy được bản tính, tức pháp tính của vạn pháp, thân chứng được một phần pháp thân của Phật.  Còn Phật nhãn bao trùm tất cả đặc dị công năng của bốn loại nhãn kể trên.  Đó chính là toàn bộ trí tuệ, là bản thân "đại viên cảnh trí" (gương trí tuệ lớn) cũng được gọi là đại viên giác hay vô thượng bồ đề.

Ni Liễu Nhiên nói kệ Pháp Thân:

Ngũ uẩn sơn đầu cổ Phật đường,

Tỳ-lô trú dạ phóng hào quang.

Nhược năng ư thử phi đồng dị,

Tức thị Hoa Nghiêm biến thập phương.

Dịch:

Trên đầu núi năm uẩn là ngôi nhà Phật xưa,

Phật Pháp thân đêm ngày hằng phóng hào quang ra sáu cửa.

Nếu người khéo ở nơi đây không khởi tâm phân biệt,

Tức là Hoa nghiêm (Pháp Thân) khắp cả mười phương.

Lục thông, trừ Lậu Tận Thông thì chúng ta đang dùng và thấy nhan nhãn hàng ngày với những văn minh kỷ thuật như smartphones, computers, internet, social media, TV, phương tiện di chuyển, dùng lời nói để viết, X-ray, viễn vọng kiến, kính hiển vi, gởi những tín hiệu trong không gian, dùng ý để sai khiến vật chất đã được khoa học thí nghiệm với kỷ thuật điện tử, thiền và khí công, và còn rất nhiều những chuyện mà 50 năm trước tưởng như là hoang đường chỉ có trong phim ảnh hay mơ uớc và dã tưởng của con người mà bây giờ chỉ là tự nhiên như internet.  Nếu chúng ta thực hành được ngũ thông thì lục thông, lậu tận thông, chỉ còn một bướt ngắn và ngũ nhãn chỉ là thời gian.

Trở lại vấn đề Hoa Tạng Thế Giới, theo định nghĩa của các nhà Thiên Văn Vật Lý, vũ trụ không có hình dạng và không có biên giới.  Họ cắt nghĩa muốn biết hình dạng của một vật, ta phải đứng ngoài vật đó để quan sát. Ví dụ ta đứng trong nhà, ta không thấy được hình dạng của nó. Nhưng đứng ngoài cách xa, ta sẽ thấy hình dạng nó liền và nếu Google satellite thì sẽ thấy hình dạng nó khác hơn.  Kinh Phật gọi là quán tự tại, nhìn vào để chiếu kiến bản tâm.

Theo Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phổ Hiền chẳng những đã thấy hình dạng của vi trần số thế giới (Thiên Thể) mà còn thấy hình dạng của vũ trụ là một Hoa Sen Lớn có những cánh hoa là sự kết hợp của vô vàn, vô số Thiên Hà nhỏ bé như những tế bào vi ti được đặt trên một cái cọng hoa tên là Chủng Chủng Quang Minh Nhụy Hương Tràng.  Dựa vào những miêu tả này, tôi suy ra vũ trụ có dạng hình cầu, chính xác hơn có thể hình bầu dục hay hình giọt nước, có thể tương đối như hình hoa sen với dạng thể tương tự như những hành tinh trong vũ trụ.  Khoa học ngày nay còn có thể đo lường được trọng lượng của vủ trụ hữu cơ.

Ngài Phổ Hiền cũng như Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đều là những vị cổ Phật có đủ ngũ nhãn cho nên các ngài thấy được vi trần số thiên thể và thấy được hình dạng của hằng hà sa số thiên thể trong vũ trụ.  Cho nên, theo tôi nghĩ thì những mô tả về vũ trụ trong kinh điển Phật Giáo ngày xưa có thể các Ngài và các Tổ muốn riêng truyền lại cho chính chúng ta trong thế kỷ 21st này chứ không phải cho nhân loại 45 năm về trước.  Tuy nhiên về tạng quang minh thì có thể các Tổ và các Ngài muốn đặc biệt dành riêng cho những thế hệ tương lai khi mà trí tuệ của đám chắt chít của chúng ta có đầy đủ kiến thức và căn bản trí tuệ của Phật Pháp để du hành vượt thời gian trong vũ trụ.

Tại sao các Ngài ngày xưa thấy được mà chúng ta bây giờ không thấy được? Là vì chúng ta chỉ quan sát sự vật với “đôi mắt thịt với vài chiếc ống nhòm cổ lổ sỉ.”  Muốn được như các Ngài, chúng ta phải tu hành; và khi đắc quả sẽ có đủ ngũ nhãn. Như đã nói ở trên, ta đứng trong nhà, ta không thấy được hình dạng của nó. Nhưng thánh nhân đứng ngoài cách xa, các ngài sẽ thấy hình dạng nó liền và nếu dùng mắt ngũ nhãn Google satellite thì sẽ thấy hình dạng nó khác hơn.  Cho nên, tu hành được ngũ căn thanh tịnh, hổ tương tâm cảnh thì sẽ đạt được thần thông, kiến ngộ được Tri Kiến Phật.

Kinh Pháp Hoa, Phẩm “Pháp sư Công đức” thứ mười chín, trang 431, nói “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân thụ trì Kinh Pháp Hoa, người đó, nhục nhãn thanh tịnh [như lúc cha mẹ mới sinh ra, THL] thấy khắp cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, trong ngoài có những núi, rừng, sông biển, dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi Trời Hữu Đỉnh …”

Ví dụ, kinh Lăng Nghiêm, khi dạy về “Lục căn viên thông,” trang 306, Phật nói, “Ông A Na Luật Đà không mắt mà thấy, ông Bạc Nan Đà Long không tai mà nghe, nàng Cang Đà thần nữ không mũi mà biết mùi hương, ông Kiều Phạm Ba Đề không lưỡi mà biết vị, thần Thuấn Nhã Ca không có thân mà biết xúc …”  Những điều này không khó để chứng minh: Người mù thấy bằng tay, người câm nói bằng tay hay bằng bụng, người điếc nghe bằng môi.  Đó gọi là sáu căn hổ tương, nghĩa là căn nọ hư thì căn kia làm thế.  Tuy nhiên, người không ngửi được nữa và người không nếm được nữa thì nếm ngửi bằng gì?  May mắn cho con người là chúng ta chưa bao giờ nghe thấy 2 trường hợp tịt ngửi, không nếm đặc biệt này.  Con người không ngửi được thơm thúi, không nếm được ngọt bùi đắng cay nóng lạnh chắc là khó kiếm trên thế gian?

Ngài Phổ Hiền và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cũng đã thấy được những điều dưới này cách đây mấy chục thế kỷ.  Để có thêm ý niệm về sự trường cửu và trí tuệ của các Ngài, tôi xin trích dẫn Phẩm “Hóa thành dụ” nói về thọ mạng Như Lai trong Kinh Pháp Hoa, trang 211 như sau:

Phật dạy, “Các tỳ kheo! Từ khi Đức Phật đó (Đại Thông Trí Thắng Như Lai) diệt độ nhẫn đến nay rất là lâu xa, thí như địa chủng trong cõi Tam thiên đại thiên, giả sử có người đem mài làm mực, rồi đi khỏi một nghìn cõi nước ở phương Đông bèn chấm một điểm chừng bằng bụi nhỏ, lại qua một nghìn cõi nước nữa cũng chấm một điểm, cứ như thế lần lượt chấm hết mực mài bằng địa chủng ở trên.” Con số này quá vĩ đại gần như vô cực.

Ngài lại tiếp “Các Tỳ kheo! Những cõi nước [vũ trụ, thế giới, THL] của người đó đi qua hoặc có chấm, hoặc không chấm mực đều nghiền nát cả ra làm bụi, một hột bụi là một kiếp, từ Đức Phật diệt độ đến nay lại lâu hơn số đó vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức A tăng tỳ kiếp.  Ta dùng sức tri kiến của Như Lai xem thuở lâu xa đó dường như hiện ngày nay.”  Con số bất khả tư nghị, không thể tượng hình số học được.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phổ Hiền đã mô tả một số hình dạng thiên thể, và nói rằng Ngài còn thấy vi trần sắc thái của những thiên thể khác nữa. Ngày nay, các nhà thiên văn vật lý đã phát hiện một số thiên thể có hình dạng tương tự như Đức Phổ Hiền đã mô tả.

Có những thiên thể ở cách xa trái đất hàng tỷ quang niên (một quang niên = 5.88 tỉ dặm) mà Ngài đã thấy tinh tường.  Khoa học ngày nay, mặc dầu có những viễn vọng kính tối tân, mới chỉ quan sát được 10% những vật thể trong vũ trụ, còn lại 90% là Chất Tối (Dark matter.) Không quan sát được Chất tối vì nó không phát ra ánh sáng, khoa học chưa biết những dark matter này được cấu tạo bởi những chất gì.  Khoa học không thể định nghĩa hay đặt tên cho những cái mà họ không thấy và biết tới.  90% không gian tối (dark space) này trong vũ trụ có thể được Phật Giáo đơn giản hoá là Không (emptiness, không phải là không có) nhưng không có ánh sáng nhưng có bóng tối.

26.                   Nhà Vũ Trụ và Vật Lý, Đức Quan Thế Âm

 

 

Figure 49 Quan Âm Bồ Tát

 

Quán Thế Âm (Tiếng Phạn: अवलोकितेश्वर nghĩa là "Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian") là một vị Bồ Tát hiện thân lòng từ bi của tất cả chư Phật.  Được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn nữ giới, Quan Thế Âm là một trong những vị Bồ Tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật Giáo Đại Thừa, cũng như được tôn thờ không chính thức trong Phật Giáo Nguyên Thủy.

 

Tên nguyên bản tiếng Phạn của vị Bồ tát này là Avalokiteśvara. Tên tiếng Hán, Quán Thế Âm Bồ Tát (觀世音菩薩) được phiên dịch từ tên tiếng Phạn này, "Avalokiteśvara Bodhisattva."  Bồ tát này thường được mô tả dưới nhiều dạng thân nam hay nữ, và cũng có thể được biết đến với tên gọi đơn giản là Quan Âm.  Nếu tôi nhớ không lầm, Quan Âm Bồ Tát bên Ấn Độ là người nam, bên Đại Hàn là người nữ và Việt Nam ‘chơm chỉa’ chuyện của Đại Hàn chế ra chuyện Quan Âm Thị Kính giả trai làm sư trụ trì. 

 

Namo Avalokiteshvara Bodhisattva là câu niệm hồng danh của ngài Quán Thế Âm Bồ tát.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Quyển 6, trang 389 – 390, trong phần trình bày về pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông, Điều 14, Đức Quán Thế Âm Bồ tát đã nói:

Trong cái Thế giới Tam thiên đại thiên này có trăm ức mặt trời, mặt trăng.”

Tương tự, Đức Phật cũng đã nói rằng “Trong bầu trời có vô vàn, vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng.

Trong kinh Phật thường hay dùng những danh từ như Na do tha, Hằng hà sa, nghĩa là nhiều quá không đếm được; hoặc dùng những con số tượng trưng như 84,000 con vi trùng, hay 84,000 pháp môn …

Thái Dương Hệ là một hệ thống gồm có Mặt Trời ở chính giữa và có 9 Hành Tinh (trong đó có Trái Đất của chúng ta) chạy vòng quanh quĩ đạo của nó. Còn Hành Tinh hệ là những hệ thống mà khoa học mới khám phá gần đây gồm có Sao Mặt Trời ở giữa và những Hành Tinh chạy chung quanh quĩ đạo của nó. Sao Mặt Trời không có nghĩa là Mặt Trời mà là ngôi sao đứng giữa, định tinh. Thí dụ, Sao Pulsar star PSR 1257 + 10 có những Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của nó.

Sau đây chỉ là vài trích dẫn kiêm nhường trong một số bài báo Mỹ tường trình về việc khám phá những Tinh Tú, Thiên Hà, (Galaxy), và Hành Tinh Hệ (Planetery system) ở ngoài giải Ngân Hà (The Milky Way Galaxy) của chúng ta.  Những đề tài này quá phổ thông với cả rừng sách vỡ và tin tức và không thể trình bày hết được trong bài này.

Trước khi triển khai thuyết Tương Đối Tổng Quát (General Relativity,) Einstein nghĩ rằng vũ trụ chỉ có một Thiên Hà (Galaxy) duy nhất là Giải Ngân Hà (The Milky Way Galaxy.) Cho đến năm 1924, nhà Thiên Văn Edwin Hubble, bây giờ được cả thế giới biết đến qua viễn vọng kính không gian Hubble Telescope, chứng minh rằng có hàng tỉ Thiên hà và hàng tỉ tỉ (trillion) Tinh Tú ở ngoài giải Ngân Hà của chúng ta.  Quan Thế Âm chiếu kiến và đã nói đến những điều này ở phần trên, “Trong cái thế giới tam thiên đại thiên này có trăm ức mặt trời, mặt trăng.

Cơ quan Hàng Không Không Gian (NASA) đang tìm kiếm đời sống sinh vật ở ngoài Trái Đất.  Để tìm kiếm đời sống sinh vật ở ngoài Trái Đất, những viễn vọng kính đặt tại miền nam California và Puerto Rico sẽ nghe ngóng 400 tỉ tinh tú ở trong giải Ngân Hà để tìm kiếm dấu vết của những nền văn minh khác lạ.

Nhà Thiên Văn Frank Drake thuộc SETI (Search for Extra Terrestrial Intelligence,) tạm dịch là ‘Tìm kiếm những nền văn minh khác,’ phỏng đoán có chừng 10,000 nền văn minh ở trong Giải Ngân Hà đã cố ý hoặc vô tình gởi tín hiệu đi, và những tín hiệu này đã băng qua Trái Đất.

Drake không chú trọng đến việc nghe ngóng tín hiệu của 200 tỉ Thiên Hà trong vũ trụ bởi vì chúng ở quá xa. Nếu Drake nói đúng và nếu những hành tinh có đời sống sinh vật được đặt trong những khoảng cách bằng nhau thì hành tinh gần nhất chúng ta cũng cách xa chừng 1,000 quang niên.

Gửi một tín hiệu từ Trái Đất và nhận điện đáp phải mất 2,000 năm. Một phi thuyền bay nhanh 10 lần tốc độ của những phi thuyền hiện nay phải mất 40,000 năm mới tới những vì sao chỉ cách Trái đất 10 quang niên.

Phối hợp những sự kiện khoa học với những lý thuyết mới triển khai, Drake làm bản ước lượng những may mắn (chance) giúp chúng ta phát hiện đời sống sinh vật ở một Hành Tinh khác với Trái Đất của chúng ta như sau:

– Tinh tú ở trong Giải Ngân hà: 400 tỉ.

– Tinh tú giống như Mặt trời: 40 tỉ.

– Sao Mặt trời (Sun like star) chạy quanh Hành tinh: 20 tỉ.

– Sao Mặt Trời có những hành tinh giống Trái đất chạy quanh quĩ đạo trong 10 tỉ năm lịch sử của Giải Ngân Hà: 10 tỉ.

– Những nền văn minh gửi tín hiệu băng qua Trái Đất ước lược đời sống sinh vật kéo dài 1,000 triệu năm, và những nền văn minh này gửi tín hiệu trung bình trong 10,000 năm.

Ngoài Thái Dương Hệ, khoa học đã dần dần khám phá ra một số hành tinh hệ, và họ tin rằng còn vô số vô vàn hành tinh hệ ở ngoài giải Thiên Hà đang chờ chúng ta phát hiện.

Nếu tạm lấy Phật Lịch 2,540 làm thời điểm thì các Ngài đã thấy vi trần số thế giới cùng hình dạng của nó trên 25 thế kỷ bằng con mắt trí tuệ của Phật Nhãn.  Chư Phật thấy được sắc dạng của vũ trụ vì các ngài ở ngoài vũ trụ.  Các Ngài không cần đến những phương tiện kém tối tân, kém hiện đại, và không chính xác của khoa học để quan sát thực tại của vũ trụ.

Đức Phổ Hiền cũng dạy, “Có vi trần số hình dạng thế giới như vậy.”

Đức Quán Thế Âm, Đức Phổ Hiền, và Đức Văn Thù Sư Lợi đều là những vị cổ Phật đã xuất hiện cách đây Na do tha, Hằng hà sa, và vô lượng kiếp trước Đức Phật Thích Ca lịch sử.  Đối với các Ngài, không có thời gian và không gian có nghĩa là không có quá khứ, hiện tại và vị lai.  Vũ trụ vô thỉ vô chung thì sự trường tồn của các Ngài cũng vô sanh vô diệt.

Lời dạy của chư Phật và các Bật Bồ Tát đã được khoa học xác nhận qua những phát hiện thường xuyên của vô số Hành Tinh Hệ và Thái Dương Hệ mới lạ. Khoa học cứ tiếp tục tìm kiếm mãi nhưng không bao giờ tìm hết được những thế giới trong kinh Phật vì họ đa số không nhìn thực tại với con mắt trí tuệ như chư Phật.

Như đã nói ở trên, Albert Einstein đã lầm tưởng trong vũ trụ chỉ có độc nhất một Giải Ngân Hà. Thế mà, các chư Phật đã nói trong vũ trụ có vô vàn vô số – hay nói theo nhà Phật – có Na do tha, Hằng hà sa, Bất khả xưng, Bất khả sổ, Bất khả thuyết vi trần số Thái Dương Hệ và Hành Tinh Hệ.  Có thể vì vậy mà Einstein thú nhận: Nhũng gì tôi biết, kinh điển Phật Giáo đã ghi rõ.  Ngày nay, có vài khoa học gia đang ứng dụng triết lý Phật Đà vào trong những công trình nghiên cứu của họ khi cần giải thích thực tại.

Trong quá khứ rất gần đây, Aristole nói rằng tất cả vạn vật trong vũ trụ đều được bốn chất căn bản tạo thành: Đất, Nước, Gió và Lửa. Những chất này hoạt động nhờ hai năng lực: Hấp lực (sau này được biết là attraction hay gravity) khiến đất và nước chìm xuống, và tính phiêu bồng (thăng hoa, bốc hơi, độ rung, vibration) khiến gió lửa lên cao.

Aristole cho rằng người ta có thể chia cắt mãi mãi một vật thành những phần tử nhỏ hơn. Trái lại, người ta Hy Lạp cho rằng Nguyên Tử là lượng tử nhỏ nhất không thể chia cắt hơn nữa được.

Trong bài “Tứ Đại Cực Vi,” trang 52, 53, và Câu Xá luận Cương Yếu, bản dịch của Hòa Thượng Thích Đức Niệm nói rằng, “Vật chất tức là sắc pháp, bổn chất của nó do gì tạo thành? Cái tạo thành vật chất [trong vũ trụ] gọi là cực vi mà trước ngày hoặc ra đời, người ta thường gọi là Lân [Hư] Trần [tương đương với hạ nguyên tử, Neutrino. THL]  Cực vi là đem vật chất phân tích thành những phần tử nhỏ vi tế không còn phân tích được nữa. Nếu đem cực vi phân tích nữa thì thành Không. Trường hợp này, Phật Học gọi là tích không quán tức [là] quán cái không thể tích …”   Những sự kiện trùng hợp trên đây đã chứng tỏ là 2600 năm về trước, Phật Giáo đã khám phá ra những gì khoa học mới tái phám phá ngày nay.

27.                   Cổ nhân phương Đông đã thấy những tiềm Nguyên Tử

Cổ nhân phương Đông không những đã thấy vi tiềm hạt nhỏ nhất trong vũ trụ mà còn biết những điều mà khoa học ngày nay chưa biết để mà tư nghị.  Ngoài màu sắc hình dạng riêng, tính di động với siêu vận tốc trong vũ trụ  của mỗi vi tiềm hạt nhỏ nhất trong vũ trụ (trước gọi là nguyên tử,) cổ nhân còn thấy và biết mỗi nguyên tử có mùi vị riêng, và có hai xúc giác để có thể tạo thành các căn (skandha.)  Thêm nữa, mỗi nguyên tử không những chiếm khoảng thời gian (pradena) mà còn chiếm diện tích của không gian.  Các ngài còn biết bản thể những Nguyên Tử (paramanu) đó tuy là trường tồn nhưng vô thường và thay đổi trong tích tắc khắp cả vũ trụ.  Với cặp mắt ngũ nhãn giác ngộ của các vị tu chứng ở trên núi Hy Mã Lạp Sơn hay dọc theo rặng Hindukush, miền Bắc Ấn Độ, các thánh nhân đã thấy rằng ‘một hạt nhân nguyên tử quá nhỏ, mắt thường không thể thấy được, được gọi là paramanu.  36 paramanu được gọi là 1 anu, 36 anus được gọi là 1 tajjàri, 36 tajjàri được gọi là ratherenu. Như thế 1 paramanu là 1 phần 46,656 ratherenu.’  Tin hay không! Đây là những bằng chứng hùng hồn về trí tuệ cao siêu của cổ nhân.

Theo Kỳ Na Giáo, “Mọi vật trong vũ trụ đều được cấu tạo – trừ linh hồn và không gian – bằng vật thể (pulgala), mà vật thể đó là Nguyên Tử (paramanu.)  Mỗi nguyên tử chiếm khoảng thời gian (pradena.)  Vật đó có thể lớn (Sthula) hay nhỏ (Suksma.)  Dưới trạng thái nhỏ, có vô số hạt nhân kết thành và chiếm diện tích của không gian.  Nguyên tử là thường tồn và được xem như bản thểMỗi nguyên tử có mùi vị riêng, màu sắc riêng, và có hai xúc giác.  Nhưng tính chất này không thường còn, có thể thay đổi.  Hai hay nhiều hạt nhân kết lại có thể thay đổi cường độ thô nhám hay nhẵn thín, và có thể tạo thành các căn (skandha.)  Tóm lại, nguyên tử có thể tạo thành sự di động của chính nó và sự di động này lắm lúc quá nhanh, trong tích tắc khắp cả tam thiên đại thế giới.”

Điểm lý thú trên là “Mọi vật trong vũ trụ đều được cấu tạo bằng vật thể (pulgala), mà vật thể đó là Nguyên Tử (paramanu,)  trừ linh hồn và không gian.”   Theo tôi hiểu, Kỳ Na Giáo có ngụ ý: Vạn vật hợp thành bởi những vi mô (Paramanu) trừ linh hồn và không gian không phải cấu tạo bởi Paramanu. Vậy thì linh hồn, tâm thức và không gian ngay cả thời gian cấu tạo bằng cái gì? Phàm vật thể có sắc tướng như vạn vật hiện hữu trong vũ trụ được cấu tạo bởi những hạt siêu nguyên tử, vi mô, tương tự như Lân Hư Trần nhưng những phi vật chất khác được cấu tạo bởi những cái không thể biết bởi con người để diễn tả được gọi là dark matter ở trong dark space.  Phật Giáo là tôn giáo duy nhất đã diễn tả rất rõ ràng, mạch lạc, gọi những cái vô sắc, vô tướng, vô sanh, vô diệt, vô thủy, vô chung đó là Bồ Đề Tâm, là Phật Tâm, là Tri Kiến Phật và còn dạy cho chúng sinh làm sao kiến tánh để sinh kỳ tâm đó.

Theo Wikipedia, Jaina giáo (tiếng Anh: Jainism), cũng gọi là Kì-na giáo theo âm Hán Việt, là một tôn giáo của Ấn Độ, một tôn giáo có hệ tư tưởng ngoài hệ thống thánh điển Veda, mặc dù trong số những vị mở đường ấy có Rsabha, Agitanàtha và Aritanemi; cả ba đều ở thời cổ đại và được đề cập tới trong kinh Yagur-Veda.

 

Jaina là một trong những tôn giáo lâu đời trên thế giới. Jaina giáo do Mahavir (540 Trước Công Nguyên [TNC] - 468 TCN) sáng lập ra tại Bắc Ấn Độ gần như là cùng thời với Phật Giáo. Triết lý và phương thức thực hành của đạo này dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn. Trong một thời gian dài Jaina là tôn giáo của vương quốc Ấn Độ và được truyền bá rộng rãi ở tiểu lục địa Ấn Độ. Tôn giáo này đã bị suy yếu từ thế kỷ 8th do sự phát khởi và lấn áp mạnh mẽ bằng bạo lực của các tín đồ đi theo đạo Hindu và đạo Hồi.    Jaina bây giờ vẫn là một tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ với 4,2 triệu tín đồ, và có một số nhóm nhỏ di cư đến Bỉ, Canada, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, và Hoa Kỳ.  Jaina có trình độ biết chữ cao nhất trong bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào khác ở Ấn Độ (94,1%,) và các thư viện bản thảo kinh điển của họ được lịch sử công nhận là cổ nhất ở đất nước này.

 

Cũng như Kỳ Na Giáo, Phật Giáo cũng chủ trương bất bạo động và may mắn không bị những tín đồ ngoại đạo cuồng tín sát hại nhiều ở Ấn Độ tuy nhiên Phật Giáo Ấn Độ cũng đã kém phổ thông so với Hindu và Muslim.  Phật Giáo đã được truyền vào Trung Hoa theo con đường tơ lụa (Silk road) và Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Việt Nam.  Đạo Phật đã có một thời được bành trướng rất mạnh mẽ ở Phương Đông qua 2 thiên kỷ và bây giờ đã thấy có ảnh hưởng ngấm ngầm ở Phương Tây.

 

Kỳ Na Giáo là một tôn giáo hơi giống với Phật Giáo nhất nhưng có 2 điểm căn bản khác nhau: Điểm khác biệt thứ nhất, về phương pháp tu hành, Kỳ Na Giáo chuyên tu khổ hạnh, còn Phật Giáo không chủ trương tu khổ hạnh mà là Trung Đạo.  Điểm khác nhau thứ 2 là quan điểm về vũ trụ quan và nhân sinh quan.  Kỳ Na Giáo là hữu thần giáo, còn Phật Giáo là vô thần giáo. 

 

Kỳ Na Giáo chủ trương có Đại Phạm Thiên Vương ( Brahman ) tạo ra vũ trụ và con người, con người chỉ là 1 Tiểu Ngã (Atman ) chiết ra từ Đại Ngã, tu khổ hạnh, khắc kỷ để Tiểu Ngã trở về hợp nhất Với Đại Ngã là Chứng Đạo, vì Kỳ Na Giáo cũng chỉ là 1 nhánh của Ấn Độ Giáo mà thôi. Còn Đạo Phật không chấp nhận lý thuyết ấy, chủ trương không có Đại Phạm Thiên Vương nào tạo ra vũ trụ và con người cả, không có Đại Ngã , cũng không có Tiểu Ngã, mà hoàn toàn là Vô Ngã. 

 

Sau đây là lời chính Phật Thích Ca nói ra trong bài giảng pháp đầu tiên của mình ở Vườn Nai cho 5 người tu khổ hạnh: Có 2 cực đoan mà người muốn chứng quả giải thoát phải từ bỏ là - Một là sống hưởng thọ ngủ dục lạc xa hoa, không thích đáng đến bậc Thánh.  Hai là tự mình làm khổ mình một cách vô ích, khổ hạnh ép xác, không liên quan đến bậc Thánh.  Thoát ly 2 cực đoan ấy, con đường phải đi tới quả giải thoát là Con Đường Trung Đạo mà chính ta đã tìm ra.


Cho nên, Đạo Phật không tin vào thần quyền và không chủ trương tu khổ hạnh mặc dù chính Đức Phật trong lúc tìm đạo đã tu khổ hạnh 6 năm sau đó bị té xỉu ở bên giòng sông Ni Liên Tuyền, tỉnh dậy nhờ bầu sửa của cô gái chăn cừu đem theo để ăn trưa, sau đó ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh hành hạ thể xác vì biết là vô ích. 

Trở lại vấn đề vi mô, trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật gọi tiềm nguyên tử là Lân Hư Trần.  Trong thế kỷ 19th các khoa học gia tưởng nguyên tử là hạt nhỏ nhất trong vũ trụ, nhưng sau đó họ tìm ra Quartz, hạt nhỏ hơn, và bây giờ, 10/2015, được công bố là Neutrino sau khi tìm ra được mass của nó.

Đạo Bà La Môn, kinh Nyaỳa Vărtika, trang 223, có ghi, “Nguyên tử không thể thấy vì nó không được cấu tạo bằng vật thể.” Nguyên tử tự nó có tính linh (virtual intelligence) khi hạt khi ảo cho nên nó không được cấu tạo bằng vật thể?  Vậy thì nó được cấu tạo bởi cái gì?  Khoa học chưa nghĩ tới nhưng Phật Giáo đã giải thích vấn đề này rất rõ ràng: từ Tâm mà ra, từ không ra có. 

Phật Giáo chủ trương nguyên tử thường còn trong tương đối và không thường còn trong tuyệt đối, khi có khi không, như điện như ảo, khi ẩn khi hiện không biết được.  Phật Giáo chỉ đề cập đến nhân và duyên.  Có nhân có duyên, nguyên tử có thể tạo nên bất cứ hình thể nào đó để mắt chúng ta có thể thấy được và đôi khi cực tinh vi không thể thấy được bởi nhục nhãn.   Với ngũ nhãn thông, Đức Phật thấy paramanu là ‘vi thể năng động’ theo nhân duyên, nguyên tử là cội nguồn cấu tạo ra sơn hà vũ trụ vậy. Cho nên, từ một, từ Không, từ tĩnh hóa ra động, ra Có vạn vật và xum la vạn tượng.  Đây chính là mấu chốt của tất cả mọi vấn đề.

Chúng ta không thể thấy được nguyên tử bằng nhục nhãn, cho dầu nó được phóng đại cực lớn bởi một kính hiển vi tối tân.  Song khoa học gia vẫn tìm ra nguyên tử và ghi lại qua những dụng cụ đo lường chẳng hạn như họ có thể chụp được dấu xê dịch của những nguyên tử với một máy chụp hình cực bén nhạy và tinh xảo để có thể so sánh và ví như là một hơi khói lạt vô thường phảng phất sau một luồng gió cuốn cực nhanh.

Chẳng hạn, Nguyên tố (Element) 110 do Trung Tâm Sưu Tầm Nguyên Tử ở miền Nam Đức Quốc khám phá như sau:

“Mỗi lần xuất hiện trong một phần ngàn giây đồng hồ, Nguyên tố 110 lại tan biến đi.  Tuy nhiên, các khoa học gia tin rằng Nguyên tố 110 hiện diện bởi vì nó đã phóng ra một nhân Helium trước khi tan biến.

Tuy rằng cách nhau trên 25 thế kỷ, việc mô tả sự ảnh hiện chớp nhoáng vô thường của Nguyên Tử và Nguyên Tố 110 của khoa học và của Phật Giáo chính xác và trùng hợp một cách bất ngờ đầy hứng thú đối với con người.

Chúng ta hãy nghiên cứu thêm những điều chư Phật và các tôn giáo Đông Phương nói cách đây mấy ngàn năm và đối chứng với những khám phá mới của khoa học.

Kỳ Na Giáo, “Dưới trạng thái nhỏ, có vô số hạt nhân kết thành và chiếm diện tích lớn trong không gian.”

Khoa học ngày nay:  Dưới Nguyên tử có những hạt Vi phân Tiềm Nguyên tử (Subatomic particles) như Quarks và dòng họ (Hadron, Meson và Baryon), Lepton (Electron, Neutrino, muo…), Gluon (Photon, Graviton, Gluon yếu…) có chừng 200 hạt như vậy.

Kỳ Na Giáo, “Mỗi nguyên tử có mùi vị và màu sắc riêng, và có hai xúc giác.  Nhưng tính chất này không thường còn và có thể thay đổi.  Hai hay nhiều hạt nhân kết lại có thể thay đổi cường độ thô hay nhám. Nguyên tử có thể tạo thành sự di động của chính nó, và sự di động này lắm lúc quá nhanh, trong tích tắc đi khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới.”

Khoa học ngày nay:  Theo Nguyên Lượng Sắc Động Học (Quantum Chromo dynamics – QCD,) hạt Quark có ba màu:  Đỏ, xanh lá cây và xanh dương.  Ngoài Quark lại có hạt Đối Quark (hai xúc giác.)  Tất cả những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên tử đều là Hạt ảo, nghĩa là không có Trọng khối, vị trí, luôn luôn ẩn hiện ma quái, thay đổi hình dạng trong từng Sát Na. Người ta chỉ thấy những hạt này trong những phương trình toán học mà thôi.  Hạt Quark (Hadron) và Photon (Quang tử) là những hạt thay đổi hình dạng rất kỳ quái.  Ngoài ra, tất cả những hạt khác cũng thay đổi hình dạng rất lạ lùng.  Hầu như tất cả những hạt đó chỉ xuất hiện trong vòng 1 phần triệu cho đến 40 phần tỉ của một giây đồng hồ.  Có hạt như Tachyon còn nhỏ hơn Siêu Tơ Trời và bay nhanh hơn ánh sáng nữa (Ánh sáng bay 300,000 cây số/giây hay 186,000 dặm/giây.)  Điều này cho thấy Neutrino và Tachyon có thể còn nhỏ hơn Quartz. Cho nên bây giờ khi nói Quartz là hạt vật chất nhỏ nhất thì nó đã không đúng nữa vì năm 2015, Takaaki Kajita và Arthur McDonald được giải Nobel vật lý bởi đã chứng minh là Neutrino có mass, 50,000 lần nhỏ hơn một electron, còn nhỏ hơn Quartz.  Khoa học đo lường được mass (khối lượng) nhưng chưa ‘nếm’ thử được mùi vị của những hạt vi trn này. 

Khoa học không ‘nếm’ được nguyên tử tr Kỳ Na ‘Tử.’  Khoa học gia không bao giờ tưởng tượng nỗi cái thí nghiệm nếm nguyên tử dù có tơ tưởng đến thì họ cũng chưa biết làm sao để nếm nó?  Vậy thì bằng cách nào mà Kỳ Na Giáo ‘ăn’ được nguyên tử để biết nó vị như thế nào?   Nguyên tử nó ở khắp thân thể chúng ta nhưng làm sao dùng dụng cụ ngũ uẩn để ăn uống, sờ mó, hít ngữi, nghe ngóng, nhìn thấy được?   Thói thường của con người là khi quán thấy cái gì ngộ thì ưa nghe cái âm hấp dẫn, sờ cái đẹp mềm mại, ngữi cái thơm nồng nàn và cuối cùng là đớp càn, càng đớp càng ghiền cứ như người ‘quân tử thực bất kỳ vị.’  Ý rằng người quân tử Tàu và Việt ăn bất cứ vị gì, thay vì ‘bất tri kỳ vị,’ cái gì cũng đớp được bất kể thơm hay thúi, ngon hay dở.  Rồi đưa đến kết luận là ngon hay dỡ, thơm hay hôi, ngọt hay bùi, mềm hay cứng, hay hay dở và đẹp hay xấu.

Trong kinh, Đức Phật gọi Hạ Nguyên Tử và những hạt Vi phân Tiềm Nguyên tử bằng những tên khác nhau như: Khích du trần, Mao đầu trần, Vi trần, Cực vi, Cực vi trần, Lân hư trần và Lân-không…

Khích Du Trần là những hạt bụi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi là nắng thủy tinh mà ta thường thấy khi ánh sáng mặt trời chiếu qua khe cửa.  Một hạt khích du trần chỉ bằng 1/200 tiết diện của một sợi tóc.  Mao Đầu Trần là những hạt bụi nhỏ bằng đầu sợi lông.  Trước kia, trong kinh Phật gọi Vi Trần là Nguyên Tử.  Cực vi, Cực vi trần, Lân hư trần và Lân không, theo tôi nghĩ là những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên tử hay những Hạt ảo là những hạt gần Hư Không, nó cũng giống như Epsilon, một điểm hình học không kích thước và có giá trị gần bằng 0 do Newton  phát minh.  Những thí dụ trên đây có thể ví với Quark là hạt nhỏ nhất mà khoa học biết được nhưng ‘Cực vi, Cực vi trần, Lân hư trần và Lân không’ của Phật Giáo không phải xét lại mà khoa học phải luôn xét lại.  Họ tìm ra mass của Neutrino, 10/2015, còn nhỏ hơn cả hạt Quark như họ đã từng lầm tưởng Nguyên Tử (Atom) và những hạt khác nữa là hạt nhỏ nhất trong vũ trụ.

Nếu Phật, Bồ Tát và các vị thánh nhân thấy được Nguyên Tử và những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử thì các Ngài đã thấy được thực tại cuối cùng của sự vật mà các khoa học gia ngày nay gọi là những nền tảng cuối cùng cấu tạo vật chất.

Trong băng giảng Kinh Lăng Nghiêm, cụ Nghiêm Xuân Hồng nói,“Bản thể luận của nhà Phật cho rằng cái thực tại cuối cùng, cái cội nguồn của Pháp Giới này là chính cái Diệu Tâm không hình, không ảnh, nó tương tự như Mặt Trăng đó.”

Áo Nghĩa Thư viết: Kẻ biết thờ phụng cái vô thanh, vô cảm, vô sắc, không biến hại, không mùi, không vị, miên viễn, vô thủy, vô chung, cao hơn cả cái đại ngã, không lay chuyển được, kẻ đó đã được giải thoát, không còn là miếng mồi của thần chết.  Tương tự, Phật Giáo cũng dạy như vậy về pháp giác ngộ, giải thoát vượt trên vũ trụ, nhưng không chủ trương thờ phụng cái vô ngã đó và cái tử chỉ là một trong những dòng chảy của sinh lão bệnh tử chứ không phải là cứu cánh trường sanh bất tử trong đạo Phật.

Theo Phật Giáo, khi nhân duyên chín mùi thì tâm nguyên tử có thể tạo nên bất cứ hình thể nào đó nhưng mắt trần của chúng ta không trông thấy được những chu trình cấu tạo đó.  Đức Phật dùng ngũ nhãn thấy nguyên tử là “vi thể năng động.”  Dĩ nhiên, có gì trong vũ trụ hiện hữu mà không năng động?  Cái vô minh của chúng ta là cứ tưởng nó tỉnh tịnh tĩnh.  Điều nghịch lý này chỉ nói nhỏ cho nhau nghe thôi chứ Phật, các Bổ Tát và chư Tổ nghe được thì các Ngài quở cho đấy.

“Thôi thì thôi để mặc mây trôi, Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan.” Và, “Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng.”  Mây trôi và chim quyên cất tiếng kêu là động hay tĩnh? Vầng trăng sáng là tịnh hay động?  Muốn thấy được chân như tự tánh của chính mình thì phải vượt thoát bờ nhị nguyên, động tĩnh, tỉnh giác để qua bến bất nhị.

Đạo học chú tâm tìm kiếm kinh nghiệm trực tiếp với thực tại, thực tại này không những chỉ xuyên suốt tư duy suy luận mà như tạng quang minh soi sáng cả mọi cảm thọ giác quan.

28.                   Tạng Quang Minh

Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, nhất là Kinh Hoa Nghiêm viết:  Khi Đức Phật phóng quang thì lúc đầu những quang minh chạy theo đường thẳng, rồi dần dần uốn tròn thành hình trôn ốc (wave) mà lập thành Sắc Tướng.  Như vậy, thân căn của chúng sinh và của muôn loài đều được dệt bằng quang minh.  Vì được dệt bằng quang minh nên vạn hữu cũng đều toả ra quang minh.  Điều lý thú bất ngờ nhất đối với tôi, và chắc chắn là ít ai để ý tới, đó là những mô tả rất chi tiếc, logic và khoa học cả hơn 2500 năm về trước trong những kinh điển Phật Giáo của dạng sóng (wave) ánh sáng từ đường thẳng cho đến khi ánh sáng du hành trong vũ trụ cách nơi Phật phóng quang cả chục ngàn dặm ánh sáng sẽ bị bẻ cong trong không gian.  Đây là những khám phá của Einstein về thuyết tương đối của thế kỷ 20th mà cho đến bây giờ cũng không phải ai cũng hoàn toàn hiểu nổi dù là được giải thích nhiều về thuyết tương đối rộng như vậy.  Cho đến bây giờ, ngoại trừ trong sách vở, trong học đường, có mấy ai thật sự thấy được những hình ảnh ‘wave forms’ này nếu không ở trong những phòng thí nghiệm, trong những lãnh vực nghiên cứu chuyên môn đó?  Bằng cách nào mà Đức Phật, các Bồ Tát và chư Tổ có thể thấy được đường đi của tạng quang minh như vậy trong khi thời xa xưa đó các Ngài không có những dụng cụ đo đạt tối tân như bây giờ?

Chương thứ nhất, Kinh Hoa Nghiêm, danh từ quang minh tạng được nhắc đến rất nhiều nhưng dễ gì mà hiểu được ý kinh: “quang minh của chư Phật, tất cả thần biến của chư Phật ba đời đều thấy trong quang minh, các Bồ Tát ấy đã vào tạng pháp giới trí vô phân biệt, đã bước trên đất Phổ Quang Minh của Như Lai, lưới quang minh”…

Theo Tự Điển Phật Quang, quang minh danh hiệu nhân duyên (光明名號因緣) Gọi tắt: Quang hiệu nhân duyên. Chúng sinh lấy danh hiệu Phật A Di Đà làm nhân, lấy quang minh làm duyên thì được sinh về thế giới Cực lạc. Cứ theo vãng sinh lễ tán của ngài Thiện Đạo, nếu chúng sinh nào muốn sinh về Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà, thì nên lấy danh hiệu của đức Phật A Di Đà làm nhân, lấy quang minh của Ngài làm duyên, mới có thể đạt được nguyện vọng vãng sinh. Vì danh hiệu Phật A Di Đà tròn đầy muôn đức, là nhân năng sinh (như cha,) còn quang minh của Ngài chiếu sáng các thế giới trong 10 phương, là duyên sở sinh (như mẹ,) cho nên có năng lực tiếp dẫn chúng sinh đến Tịnh Độ cực lạc. Nhưng danh hiệu và quang minh của Phật A Di Đà chỉ là nhân duyên tha lực bên ngoài, hỗ trợ chúng sinh vãng sinh Tịnh Độ mà thôi; còn lòng tin của chúng sinh mới là [tự lực,] là nhân Niết Bàn chân thực phát từ trong tâm chúng sinh. Như vậy, cần phải có đầy đủ duyên ngoài và nhân trong mới có thể vãng sinh Tịnh Độ.  Hiện nay, kỷ thuật có thể chụp hình hào quang và năng lượng tỏa ra từ trên đầu con người.  Tuy nhiên quang minh tạng không nên hiểu một cách nông cạn như là ánh sáng, nhân duyên, hay các bức xạ tuyến được đề cập dưới đây mà có thể còn nghĩa là không vô minh (minh tâm) hay là những thần thông huyền bí bất khả tư nghị.   Nếu cố chấp tư nghị thì dễ bị lọt vào vòng mê tín dị đoan.

Tương tự chúng ta thường tư nghị về minh tâm, kiến tánh, giác ngộ, vô ngã, vô sở vô trụ nhưng tất cả chỉ là tứ cú tư nghị chứ không thực sự diễn tả được bản lai diện mục của thực tại vì những chủ đề này tương tự như dark matter và dark energy trong vũ trụ mà con người và nhất là khoa học bây giờ chưa thấy biết được để đặt tên để mà lý thuyết tư nghị. 

Trong Phẩm 12, Ánh Sáng Chiếu Khắp, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh:

Này A Nan! Oai thần và quang minh của Phật A Di Đà tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật khác chẳng sánh kịp. Quang minh ấy chiếu khắp hằng sa cõi Phật ở Phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên dưới và bốn phương phụ cũng lại như vậy. Hào quang trên đãnh chiếu xa một hai ba bốn do tuần, hoặc trăm ngàn vạn ức do tuần. Hào quang các đức Phật khác hoặc chiếu đến một hai cõi Phật, hoặc trăm ngàn cõi Phật, chỉ có hào quang đức Phật A Di Đà chiếu khắp vô lượng vô số vô biên cõi Phật. Hào quang chư Phật chiếu ra có xa có gần vì bổn nguyện công đức đời trước cầu đạo có lớn nhỏ không đồng, nên khi thành Phật tự có hạn lượng.

Quang minh đức Phật A Di Đà sáng chói gấp bội trăm ngàn vạn lần ánh sáng nhựt nguyệt, tôn quý trong các ánh sáng, nên Phật Vô Lượng Thọ cũng hiệu là Phật Vô Lượng Quang, Phật Vô Biên Quang, Phật Vô Ngại Quang, Phật Vô Đẳng Quang, Phật Trí Huệ Quang, Phật Thường Chiếu Quang, Phật Thanh Tịnh Quang, Phật Hoan Hỷ Quang, Phật Giải Thoát Quang, Phật An Ổn Quang, Phật Siêu Nhựt Nguyệt Quang, Phật Bất Tư Nghì Quang.

Quang minh ấy chiếu khắp mười phương thế giới, chúng sanh nào gặp được quang minh ấy thì cấu uế tiêu diệt, điều lành phát sanh, thân ý hòa dịu. Nếu ở tam đồ chịu khổ cùng cực thấy được quang minh này liền được dừng khổ, mạng chung được giải thoát. Chúng sanh nào nghe được oai thần công đức quang minh này ngày đêm khen nói chí tâm không nghỉ, tùy theo ý nguyện được sanh về Cực Lạc. (Nguyên Hán bản: Ngài Hạ Liên Cư (hội tập,) Việt dịch: Hòa Thượng Thích Đức Niệm & Cư sĩ Minh Chánh,  Nhà Xuất Bản Tôn Giáo,  Hà Nội - PL. 2553 – DL.2009)

Trong phần Chú giải Vô Lượng Thọ Kinh: 21) Bảo Liên Phật Quang (寶 蓮 佛 光: Hoa sen báu và quang minh của Phật.)  Phẩm này thuật rõ hoa sen báu trong cõi Phật ấy, mỗi hoa có quang sắc vi diệu. Trong mỗi quang minh lại hóa hiện ngàn ức vị Phật. Mỗi vị Phật nói diệu pháp, an lập vô lượng chúng sanh. Các thứ công đức vô tận chẳng thể nghĩ bàn như thế ấy.

Chánh kinh:

又 眾 寶 蓮 華 周 滿 世 界。一 一 寶 華 百 千 億 葉。其 華 光 明,無 量 種 色,青 色 青 光、白 色 白 光,玄 黃 朱 紫,光 色 亦 然。復 有 無 量 妙 寶 百 千 摩 尼,映 飾 珍 奇,明 曜 日 月。彼 蓮 華 量,或 半 由 旬,或 一 二 三 四,乃 至 百 千 由 旬。一 一 華 中 出 三 十 六 百 千 億 光。

Hựu chúng bảo liên hoa châu mãn thế giới. Nhất nhất bảo hoa bách thiên ức diệp. Kỳ hoa quang minh, vô lượng chủng sắc. Thanh sắc, thanh quang, bạch sắc, bạch quang, huyền, hoàng, châu, tử, quang sắc diệc nhiên. Phục hữu vô lượng diệu bảo bách thiên ma-ni, ánh sức trân kỳ, minh diệu nhật nguyệt. Bỉ liên hoa lượng, hoặc bán do-tuần, hoặc nhất, nhị, tam, tứ, nãi chí bách thiên do-tuần, nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang.

Lại nữa, các hoa sen báu mọc trọn khắp thế giới. Mỗi đóa sen báu có trăm ngàn ức cánh. Quang minh của hoa ấy có vô lượng màu: hoa xanh ánh sáng xanh, hoa trắng ánh sáng trắng; [với các màu] huyền, vàng, đỏ, tía, quang và sắc cũng giống như vậy. Lại có vô lượng diệu bảo, trăm ngàn ma-ni chói rực quý lạ, sáng ngời như mặt trời, mặt trăng. Những hoa sen ấy to nửa do-tuần, hoặc một, hai, ba, bốn, cho đến trăm ngàn do-tuần. Mỗi một hoa tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh.

Giải:

Trước hết, kinh nói đến hoa sen báu, sau đó mới thuật Phật hiện từ quang minh của hoa.

Trong phần nói về hoa sen báu, có đến sáu ý:

1. Hoa sen mọc khắp đầy cõi nước.

2. Số lượng cánh hoa sen: Mỗi đóa sen có trăm ngàn ức cánh.

3. Quang sắc vô lượng. Bản thể của hoa chính là quang minh nên kinh chép: “Kỳ hoa quang minh” (Quang minh của những hoa ấy.)  Hoa sen lại có vô lượng màu sắc. Kinh dùng sáu màu khác nhau: Xanh, trắng, huyền, vàng, đỏ tươi, tía để tượng trưng cho vô lượng màu. Hoa sen màu xanh phóng quang minh sắc xanh. Hoa sen màu trắng phóng quang minh sắc trắng. Các hoa sen màu huyền, vàng… cũng đều phóng quang minh cùng màu với màu sắc của hoa nên kinh nói: “Quang sắc diệc nhiên” (Quang và sắc cũng giống như thế.)

4. Hoa sen trang nghiêm bằng diệu bảo. Lại có vô lượng diệu bảo trăm ngàn ma-ni trang nghiêm hoa sen. Các báu ấy đều là thứ hiếm quý nên bảo là “trân kỳ.” Các thứ diệu bảo ấy phóng vô lượng quang. Quang minh có đủ các màu, mỗi màu lại phóng quang, chiếu rực, tô điểm lẫn nhau nên bảo là “ánh sức” (chói rực;) tỏa sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng nên bảo là “minh diệu nhật nguyệt” (sáng ngời hơn mặt trời, mặt trăng.) Quán kinh nói: “Nhất nhất diệp gian, hữu bách ức Ma Ni châu vương, dĩ vi ánh sức. Nhất nhất Ma Ni châu phóng thiên quang minh” (Trong mỗi một cánh hoa có trăm ức Ma Ni châu vương để tô điểm chói ngời. Mỗi một viên Ma Ni châu phóng ra trăm ngàn quang minh.)

Figure 50 Ma Ni châu vương

5. Kích thước của mỗi hoa sen là từ nửa do-tuần cho đến trăm ngàn do-tuần.

6. Hoa sen phóng ra quang minh mầu nhiệm: “Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang” (Mỗi một hoa sen tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang.) Trăm ngàn ức quang chỉ là con số tượng trưng nhằm biểu thị vô lượng.

Chưa hề thấy có ai chú giải tại sao lại có con số 36 này. Có thể, mỗi cõi trong bốn cõi Tịnh Độ đều có chín phẩm nên mới có con số ba mươi sáu, nhằm thể hiện số lượng phẩm vị trong cõi ấy. Mỗi phẩm có trăm ngàn ức đóa sen (dùng con số trăm ngàn ức chỉ để biểu thị một con số rất lớn.) Mỗi đóa sen đều tỏa quang minh tiệp màu với màu hoa sen cho nên có ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh. Mỗi đóa sen gồm đủ những đặc tính của hết thảy các đóa sen khác nên bảo là, “Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang.” (Mỗi một hoa sen phóng ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh.)

Thật ra, nói có ba mươi sáu phẩm cũng là chỉ là nói rất đại lược chứ thật ra có đến vô lượng phẩm nên ta có thể nói là mỗi hoa sen thật ra tỏa ra vô lượng quang minh vậy.

Chánh kinh:

一 一 光 中,出 三 十 六 百 千 億 佛,身 色 紫 金,相 好 殊 特。一 一 諸 佛,又 放 百 千 光 明,普 為 十 方 說 微 妙 法。如 是 諸 佛,各 各 安 立 無 量 眾 生 於 佛 正 道。

Nhất nhất quang trung, xuất tam thập lục bách thiên ức Phật. Thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc. Nhất nhất chư Phật, hựu phóng bách thiên quang minh, phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp. Như thị chư Phật, các các an lập vô lượng chúng sanh ư Phật chánh đạo.

Trong mỗi quang minh xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc. Mỗi một vị Phật lại phóng trăm ngàn quang minh, vì khắp mười phương nói pháp vi diệu. Các vị Phật như thế mỗi vị an lập vô lượng chúng sanh nơi Phật chánh đạo.

Giải:

Đoạn này trần thuật sự kiện trong quang minh hóa hiện chư Phật. Trong đoạn kinh này, có bốn ý chính:

1. Một là số lượng đức Phật hiện ra trong mỗi quang minh, “Nhất nhất quang trung, xuất tam thập lục bách thiên ức Phật.” (Trong mỗi quang minh xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật).

2. Hai là thân tướng chư Phật, “Thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc.” (Thân màu tử kim, tướng hảo thù đặc.) “Tử kim” (紫 金) chính là vàng ròng đã được chùi sáng bóng. “Tướng hảo” của Phật thì như Quán kinh nói, “Vô Lượng Thọ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng. Nhất nhất tướng các hữu bách vạn tứ thiên tùy hình hảo.” (Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng. Mỗi một tướng đều có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo) cho nên bảo là “thù đặc.”

3. Ba là Phật hiện ra trong quang minh cũng lại phóng quang, “Hựu phóng bách thiên quang minh.” (Lại phóng trăm ngàn quang minh.)

4. Bốn là Phật nói diệu pháp, “Phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp.” (Vì khắp mười phương nói pháp vi diệu”.) Những pháp ấy lại có lợi ích thù thắng nên “an lập vô lượng chúng sanh ư Phật chánh đạo.” (an lập vô lượng chúng sanh nơi Phật chánh đạo.)

Những điều như vậy thật đã hiển thị sâu xa pháp giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn. Hoa sen trong cõi Phật sanh từ tâm Phật; hoa sen phóng quang, quang minh lại hiện ra nhiều vị Phật. Phật lại phóng quang, thuyết pháp độ sanh, thật là vô tận. Lại cần phải chú ý là cảnh giới như vậy chẳng những chỉ thị hiện diệu tướng mà thật sự còn có vô biên diệu dụng: Nói pháp vi diệu an lập chúng sanh trong chánh đạo của Phật. Đấy chính là cái lợi chân thật. Vì thế, đoạn kinh này thật sự đã hiển thị trí huệ chân thật, Chân Thật Tế, vô vi Pháp Thân.

Sách Hội Sớ nói, “Tây Phương Tịnh Độ dùng hoa sen để làm Phật sự nên có tên là Liên Hoa Thai Tạng Giới. Tiểu Bổn, Quán kinh đã nói kỹ việc ấy. Nay kinh này (chỉ bản Ngụy dịch của Vô Lượng Thọ kinh) cũng dùng ngay việc ấy để kết lại phần nói về y báo trang nghiêm. Như vậy, trong các thứ trang nghiêm trước đó cũng đều có những việc bất khả tư nghị.” Ý kiến này rất xác đáng; những điều kinh thuật trong những phẩm trước cũng đều hiển thị toàn thể cõi Cực Lạc là pháp giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn. (http://niemphat.net/Luan/chugiai/hoasenbau.htm)

Những lời trong kinh Vô Lượng Thọ ở trên có vẻ vọng ngữ mang sắc thái huyền bí dường như mê tín nhưng ngôn ngữ và con người thời đó khó diễn tả những điều mà hiện tại chúng ta có thể giải thích được một cách đầy lý tính và khoa học hơn.  Đa số kinh điển thời đó có vẻ dài dòng và ngôn ý thường hay lập đi lập lại thay vì chỉ tóm gọn trong vài chữ ‘hiển thị trí huệ chân thật: chỉ thị hiện diệu tướng nói pháp vi diệu an lập chúng sanh trong chánh đạo của Phật.’  Cho nên, toàn bài Đà La Ni trên có thể diễn dịch là:

“Quy mệnh kính lễ Đức Thế Tôn Vô Lượng Thọ Trí Quyết Định Quang Minh

Vương Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chính Giác.

Như vậy: OM! Tất cả hoạt động Tâm Ý đều là Pháp Tính cực thanh tịnh.

Thanh Tịnh như tự tính thắng thượng của Hư Không. Hãy phát khởi Thắng

Nguyện rộng lớn để mau chóng đạt được sự thanh tịnh an lạc của Đại Niết Bàn.”

(Mật Tạng Bộ 2_ No.937 (Tr.85 _ Tr.86,) Phật Nói Kinh Đại Thừa Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai Đà La Ni)

Kinh Phật viết rằng, “Người ta muốn phân tích, tìm cầu một Cực Vi cuối cùng trọn không thể được.  Cái cực vi đó không phải là Vật mà chỉ là ánh biến hiện của quang minh thôi nó biến ảo vô cùng.  Thế mà khi những Cực Vi đó ra ngoài giác quan của chúng ta, khi nào chúng nó tụ hội, giả hợp với nhau, nó biến thành cái mà mình thấy được...”  Cho nên, Quang Minh Vương Như Lai Đà La Ni nên hiểu là được tiền nhân sau này nhân cách hóa như là một trong nhiều vị Phật hộ mạng chúng sinh.  Như là được các lương y phân loại rồi đặt tên cho một thần dược chữa Tâm bệnh hay đúng ra chính là minh tâm vô lượng thọ của chúng sinh.  Dĩ nhiên, lối giải thích này cũng là vọng ngôn vì nó vẫn ở trong tứ cú.  Tốt nhất là im lặng vì nó không thể luận bàn.

Đa số nhiều người không chấp nhận im lặng vì đối với họ im lặng đồng lõa với ngu hèn, thua kém cho nên, tôi xin cố giải thích và thí dụ ngắn gọn là Đức Phật đã thuyết pháp trên TV màu (color) và online cho tất cả chúng sinh trong cỏi Ta Bà và toàn thể cõi Cực Lạc từ vô lượng kiếp.  Phật phóng trăm ngàn quang minh khắp mười phương để nói pháp vi diệu mà ngày nay gọi là vô tuyến truyền hình và truyền thanh hay internet, emails, smart phones.  Quang minh của Phật A Di Đà ‘tối tôn’ đệ nhất, Made in USA, trong khi đó quang minh của chư Phật khác Made in China và bị copy lậu bởi VN cho nên có nhiều độc tố, ‘sáng tệ, le lói?’ chẳng sánh kịp ‘tối tôn đệ nhất’ Made in USA.  ‘Tối tôn đệ nhất’ Made in China có nghĩa là ‘thượng tôn, trên nhất, độc tôn’ hay ‘đệ nhất tối thui ?’ 

Tiếng Việt ngày nay ‘chạy đầy đường’ trên cùng thế giới cho nên có những từ ngữ mới rất ngộ nghĩnh lạ tai.  Nhất là những danh từ lẫn văn phạm xuất cảng từ trong nước, có một số tạm nghe được nhưng đa số danh từ khác thì khó mà chấp nhận so với tiêu chuẩn của văn hóa và văn chương thuở xưa mà Nhật Tiến gọi là Một Thời Vàng Son Chữ Nghĩa, thời của Hà Nội những năm 1950-1954 và VNCH 1950-1975.  Tuy nhiên, đa số bị nghe riết cũng quen tai trâu, bị nhồi sọ hồi nào không hay biết.

Tóm lại, trong phóng xạ của những Tia Vũ Trụ có những quang tử đủ loại như được mô tả ở trên từ kinh Phật mà khoa học hiện đại chưa biết nguồn gốc của nó để nghiên cứu và phân tích được.  Muốn biết bức xạ quang minh và kỷ thuật văn minh của khoa học hiện đại thì xem tiếp dưới đây hay tìm hiểu thêm chi tiếc về những đề tài này trong thư viện, học đường và internet.

Trong Đạo Phật Siêu Khoa Học, Minh Giác Nguyễn Học Tài viết: Kinh Phật chỉ dạy có hai chữ Quang Minh trong vũ trụ nhưng qua những sự nghiên cứu của khoa học, quang minh được chia thành nhiều loại và được xếp thành nhiều hạng chẳng hạng Bức xạ quang minh (Radiation,) Bức Xạ quang tuyến hay Bức Xạ ánh sáng...

Theo định nghĩa, Bức Xạ (Radiation) là việc phát và truyền sóng hay phân tử.  Việc truyền sóng hay phân tử như ánh sáng, âm thanh, nhiệt hoặc những phân tử là do Phóng Xạ Tuyến (Radioactivity) phát ra.   Phóng Xạ Tuyến được định nghĩa là việc phát quang tuyến trực tiếp từ Lõi Nguyên Tử, hay là do hậu quả của một phản ứng Nguyên Tử (Nuclear reation.)  Nói rộng ra, Phóng Xạ Tuyến là việc phát ra những phân tử Alpha, Dương Điện Tử (Proton), Âm Điện Tử (Electron, và Tia Gamma (Gamma Ray.)

Quang minh thiên nhiên: trong vũ trụ có Tia vũ trụ (Cosmic ray,) Tia Gamma, Tia Laser (Natural Laser,) Tia cực tím (Ultraviolet:UV,) Hồng ngoại tuyến (Infrared.) Ngoài ra, vũ trụ còn có Điện Từ (Electromagnetism,) khí Hélium, và Gió Mặt trời (Solar wind) …

Quang minh nhân tạo: tia Laser, Radar, Quang tuyến X, Vi sóng (Microwave,) Siêu âm (Ultra sound,) và Phóng Xạ Tuyến.

Những khám phá mới của Khoa Thiên Văn Vật Lý cho biết rằng có một số tinh tú đã tạo nên những Phóng Xạ Điện Từ dưới dạng những Sóng Vô Tuyến, Sóng Nhẹ, và Quang Tuyến X. Trong những vùng Liên Tinh Tú và trong những khoảng cách giữa những Thiên Hà đầy rẫy những Bức Xạ Điện Từ với những tần số khác nhau.

Ngoài ra, Phóng Xạ Vũ Trụ (Cosmic Radiation) còn có những Quang Tử (Photon) và một số lượng khổng lồ những hạt tử đủ loại mà nguồn gốc của chúng chưa được biết. Phần lớn những hạt tử này là Dương Điện Tử, trong đó có một số có năng lượng cao tột bực, còn cao hơn năng lượng ở trong những Máy Hạt Gia Tốc (Particle Accelerator) mạnh nhất.

Nhà vật lý gia nổi tiếng Fritjof Capra, trong cuốn “The Tao of Physics” (Đạo của Khoa Vật Lý) của ông, trang 219, đã viết, “Trong ngoại tầng không gian, một số lớn Lượng Tử xuất hiện ở tâm điểm của những Tinh Tú trong những cuộc phản ứng liên miên cũng giống như những cuộc phản ứng được thí nghiệm trong các Máy Hạt Gia Tốc. Trong một số Tinh Tú, những cuộc phản ứng bắn (collision) vào nhau đó tạo nên những Phát Xạ Điện Từ rất mạnh dưới dạng những Sóng Vô Tuyến, hay Quang Tuyến X giúp các Vật Lý Gia suy nghiệm, kết luận thêm về vũ trụ.

Vì vậy, ở những khoảng không gian liên tinh tú và những khoảng không gian ở giữa những thiên hà đầy rẫy những phát xạ điện từ với mọi tần số với những quang tử có năng lượng cao. Trong việc phóng xạ của Tia Vũ Trụ, không những có quang tử mà còn có những lượng tử lớn đủ loại mà nguồn gốc của nó khoa học chưa phân tích được.  Tôi nghĩ có thể đó là Tam Muội Chân Hỏa đã được mô tả trong kinh Phật.

Tiến sĩ Peter D. Santina, tác giả cuốn Fundamentals of Buddism, đã nói trong trang 30 và 32 rằng lời kinh xưa đã đề cập đến sự liên hệ giữa Vật Chất và Năng Lượng và không có sự phân chia cơ bản nào giữa Tâm và Vật.  (Nền tảng Đạo Phật, bản dịch của Đại Đức Thích Tâm Quang)  “Similary, the relative of matter and energy is mentioned. There is no radical division between mind and matter.” Peter D. Santina, PhD

Gần đây, Albert Einstein đã khẳng định rằng Vật Chất (Matter) và bình phương của tốc độ ánh sáng tạo ra Năng Lượng (energy) với công thức nổi tiếng E = mc2. Ngày nay, đa số chúng ta đều biết, con người là một vật thể (sắc) của vạn vật được cấu tạo thành từ năng lượng (energy, hỏa quang tam muội.)  Đại khái, ai cũng biết trong người có nhiệt lượng, và nhiệt lượng được gọi là thân nhiệt. Nhiệt lượng là do sự hô hấp khí vũ trụ và thức ăn có calories tạo nên.  Năng lượng được hai cơ quan vi tế và tinh xảo nhất trong các tế bào của con người tạo ra. Cơ quan thứ nhất là Mitochondrion (tạm dịch là Vi Năng Tử,) tức là những nhà máy vi ti phát sinh Năng Lượng và Phân Tử Protein F1-ATPase, hay là cánh quạt máy thiên nhiên và vi ti nhất.

(The most prominent roles of mitochondria are to produce the energy currency of the cell, ATP (i.e., phosphorylation of ADP), through respiration, and to regulate cellular metabolism. The central set of reactions involved in ATP production are collectively known as the citric acid cycle, or the Krebs cycle. Staying with the power plant analogy, power plants provide energy to a large community with each part of the community requiring varying degrees of power; in the same way, mitochondria provide energy to various organs of the body. (http://mitochondrialdiseases.org/mitochondrial-disease/)

Tóm lại, Tạng Quang Minh là con đường đi của ánh sáng, cùng với năng lượng (chân hỏa tam muội, energy) và sắc tướng (mass) là phương tiện thần thông để du hành trong vũ trụ, đi tới những cõi cao hơn (higher dimensions) mà khoa học vật chất, hữu cơ, khó mà có thể thực hiện được trong một tương lai gần tới.  Theo tôi hiễu, Tâm Thức dùng phương tiện này để một niệm là tới tận cùng biên giới của vũ trụ, vượt không gian lẫn thời gian. Tuy nhiên, những điều này không dễ dàng kiến thức tư nghị nếu không có căn bản trí tuệ bổ xung.

29.                   Đốt thân thể cúng dường chư Phật

Sau khi Phật thành đạo 5 năm, di mẫu (dì) của Phật là Mahà Prajàpatì Gautamì cùng với 500 phụ nữ dòng họ Sakya (Thích Ca) đến nơi Đức Phật đang ngụ tại Vaisàli và xin Phật cho phép nữ giới xuất gia, từ bỏ gia đình sống cuộc sống tu sĩ không gia đình trong pháp và luật do đức Phật giảng thuyết. Các vị ấy cầu thỉnh 3 lần và đức Phật cũng 3 lần từ chối. Di mẫu ngài và 500 phụ nữ kia cùng nhau cắt tóc, mặc y vàng, đi đến chỗ Phật lần nữa để xin.  Ananda, vị thị giả thân cận của Phật, ngỏ lời xin giùm cho họ, nhưng 3 lần xin, 3 lần bị từ chối.  Sau đó, Phật chấp nhận họ với điều kiện là nếu phụ nữ thọ trì được 8 nguyên tắc không bao giờ có ngoại lệ sau đây thì có thể thay thế cho lễ truyền giới, và như thế họ mới có thể chứng đạt thánh quả trong nếp sống xuất gia phạm hạnh.  Di mẫu và 500 phụ nữ vui vẻ chấp nhận đề nghị đó và với tâm hoan hỷ như vậy, họ đều được đắc giới. Tuy nhiên, với thân phận mới như thế họ không thể chứng thánh quả ngay lập tức được. Sau đó, khi họ được Tôn giả Nandaka giáo thị vài lần, họ mới thấy tiến bộ lần trong tiến trình giải thoát và chứng thánh; vì ngay cả vị tỳ kheo ni nổi tiếng nhất cũng chỉ chứng được Tu Đà Hoàn trong giai đoạn này.

Có điều mà tôi không hiểu là đi tu vui sướng gì mà đám phụ nữ này rũ nhau năn nĩ được xuất gia tập thể?  Vô lý hơn là họ tu tiến bộ cở nào cũng chứng tới Tu Đà Hoàn là cao nhất, không thể thành Phật được?  Nói theo quan niệm bây giờ thì tất cả các tôn giáo đều kỳ thị đàn bà.  Đạo Ki Tô và những đạo khác đã giải thích rất rõ ràng tại sao và bắt buột người nữ phải vâng lời người nam.  Đạo Phật không giải thích rõ ràng về vấn đề này, chúng ta chỉ biết qua kinh điển là phái nữ chỉ có thể đạt tới Tu Đà Hoàn cho dù có tu tiến bộ cở nào cũng khó đạt được vị quả cao hơn.  Theo tôi, chữ ‘kỳ thị nam nữ’ không phải là ý tốt nhưng ‘phân biệt nam nữ’ có vẻ tương đối dễ nghe hơn dù cả hai cùng có một nghĩa là ‘phân biệt đối xử.’  Ai cũng biết rằng nam nữ sinh ra khác biệt, hay tất cả chúng ta sinh ra ‘độc nhất, đặc thù’ (unique.)  Tất cả chúng sinh đều sinh ra là duy ngã độc tôn.  Mỗi cá nhân của mỗi con người, mỗi chúng sinh kể cả con vật lẫn cây cỏ ngay cả tất cả vạn vật trong vũ trụ đều không một thứ gì tuyệt đối đồng nhất thể cả cho dù có clone hay copy cũng vẫn không giống bản chính gốc.  Vì vậy mà mới có danh sắc, có căn cước (ID,) và có Ngã.  Trở lại công án trên, tất cả các giáo chủ của tôn giáo đều là nam giới cho nên dễ dàng giải thích là chỉ có nam giới mới đạt được trình độ tột cùng của tâm linh và trí tuệ.  Cho đến một ngày nào đó chúng ta có một Đức Thế Tôn nữ giảng đạo giác ngộ thì nhân sinh mới hiểu nỗi cái bất khả tư nghì nầy.  Hay đây là trò chơi thuần lý trí, sáng tạo bởi đàn ông vì bản tính của người nam, dương, là lý tính.  Trong khi đó, người nữ sinh ra với bản chất cảm tính, âm?  Âm không thể thành Dương hay ngược lại?  Âm là Âm; Dương là Dương!  Đó là thực tại, là luật của vũ trụ.

Trong Đạo Phật Siêu Khoa Học, Phần 1: Quang Minh, Minh Giác Nguyễn Học Tài chép: “Trong băng giảng về “Chết,” Sư cô Như Thủy kể rằng sau khi Phật nhập diệt, bà Kiều Đàm di mẫu (dì của Phật) và bà Da Du Đà LA cùng 500 ni tăng đã dùng một thứ lửa gọi là Hỏa Quang Tam Muội để tự thiêu. Sư cô nói thêm rằng trong thế gian này có một số người tự phát ra lửa để đốt cháy thân thể của họ. Ví dụ một bác sĩ đang ngồi làm việc, bỗng trong người ông phát ra một thứ lửa đốt cháy cơ thể của ông ra tro trong khi bàn làm việc, giày dép và quần áo vẫn y nguyên.”

Cái ông bác sĩ này vô cớ, vô tình đốt cháy nhục thân mình cũng không nói làm gì. Nhưng cái chuyện ngụ ngôn bà Da Du Đà LA đã cùng 500 ni tăng ‘tự thiêu tập thể’ thì nó có vẻ thần thoại Ấn Độ quá.  Đọc như vậy nhưng chúng ta không nên điên dại ‘tẩm xăng, châm lửa’ thử nó tại gia (don’t try it at home) mà nó cháy lang qua nhà hàng xóm tạo thêm tội nghiệt.  Hay là 501 ni tăng cùng hóa thân (biến mất) theo Phật về Tây Phương Cực Lạc bằng cách dùng chân hỏa tam muội để đốt cháy cơ thể của họ ra tro bụi trong khi những bồ đoan, giày dép và quần áo của họ vẫn bỏ lại y nguyên?  Điều này khác với tự tử tập thể, hay tẩm xăng tự thiêu chết theo giáo chủ như những kẽ cuồng tín trên đời.  Nếu chúng ta xem phim Star Trek khi thấy những nhân vật trong đó biến mất và hiện ra thì chúng ta sẽ hiểu được cái lý thuyết của energy trong teletransportation, tương tự như ‘cut+paste’ hay ‘copy+paste,’ chúng ta đưa vật thể tới một chiều không gian khác. (Teleportation, or Teletransportation, is the theoretical transfer of matter or energy from one point to another without traversing the physical space between them. It is a common subject of science fiction literature, film, and television.)

Các khoa học gia Nhật Bản loan báo khi nghiên cứu chiều sâu của tế bào, họ đã khám phá ra những cánh quạt máy thiên nhiên ti vi nhất quay với một tốc độ rất mạnh trong mỗi tế bào.  Quan sát trực tiếp sự chuyển động, họ đã nhận thấy một phân tử Protein F1-ATPase hoạt động như một cánh quạt máy với đường kính của nó chỉ bằng một Namometer đang quay trong một cái không gian có đường kính 10 Nanometer.  Tôi xin giải thích đơn giản dễ hiểu hơn, khỏi phải nghiên cứu thí nghiệm mất công.  Tế bào trong cơ thể ta cần thở, điều đó ai cũng từng trải với kinh nghiệm đầy mình, mà thở có nghĩa là hít Oxygen vào thở thán khí ra như cái máy quạt điều hòa không khí.  Để đàm luận cho vui, có thể lửa Tam Muội là từ những vi năng tử phát ra và được những phân tử Protein F1-ATPase, hay những cánh quạt thiên nhiên vi ti trong mổi tế bào đưa tới. Trường hợp những vị đạo sĩ hay những đấng Bồ Tát có hào quang, lửa nội thân là do tu luyện đắc đạo mà thành tựu quang minh tam muội. Trường hợp vị bác sĩ ‘tự thiêu bằng lửa’ trong người phát ra và những người trong cơ thể có lửa là do bẩm sinh mà có từ kiếp trước.  Những người này dùng ‘lửa tam muội’ biến thân như Star Trek chứ không phải đốt cháy thành than bởi lửa thế gian.  Ông bác sĩ, các bật tu luyện có thần thông biết họ làm gì chứ không phải tự thiêu.  Họ dùng thần thông cúng dường tam bảo có nghĩa là về với Phật chứ không phải tự thiêu đốt chết để cúng dường tam bảo như chúng ta vô minh hiểu như vậy khi đọc như vậy trong kinh.  Cho nên, trường hợp của bà Kiều Đàm di mẫu và 500 ni tăng đã ‘tự thiêu bằng hỏa quang tam muội,’ cũng như trường hợp của Mã Minh Bồ Tát đã dùng Long phân tán tam muội tự biến thành một vầng mặt trời sáng chói trước khi tịch diệt là họ đang đằng vân giá vủ từ giả cỏi Ta Bà, tịch diệt chứ không ô hô ai tai chết vì phỏng lữa.  Cho nên đọc vậy, nghe vậy, thấy vậy mà không phải như thị tri kiến, hiểu như vậy mà phải biết dùng một chút trí tuệ, một chút tưởng tượng lẫn luận lý (logic) khoa học hiện tại để giải mật ngôn ngữ ý xưa của tiền nhân.

Theo bản thống kê thì mỗi cá nhân là những nguyên tử với số lượng tương đương là 1028 trong khi đó cơ thể con người ta có cở 100 tỉ tỉ tế bào (100,000,000,000,000, hay 1014), mỗi tế bào có khoảng 100,000 vi năng tử, tức là cơ thể chúng ta có tất cả: 100,000 x 100,000,000,000,000 = 1019, hay 10 triệu tỉ tỉ vi năng tử. Nếu biết số nhiệt lượng của mỗi vi năng tử đem nhân với 10 triệu tỉ tỉ vi năng tử, chúng ta sẽ biết tổng số nhiệt lượng bất khả tư nghị trong mỗi người.  Tuy nhiên, nhiệt lượng trung bình hay thân nhiệt (body temperature) của chúng ta là 97.6o F.  Muốn đốt một cơ thể một con người ra tro phải mất 1,200o F.  Mà muốn ‘phân tán tam muội’ thì phải cần một nhiệt lượng tương tương với nhiệt độ của mặt trời, nóng hơn cả núi lửa, mới về chầu chư Tổ chầu chư Phật và các Bồ Tát được còn dùng nội lực kém hơn thì chỉ có nước đi chầu Diêm Vương.

Hỏa quang tam muội, Phạn ngữ là tejoprabhàsamàdhi, cũng gọi Hỏa quang định, tức một loại thiền định khiến cho thân thể bốc lửa.  Trong Bản Hạnh Tập Kinh tờ 40, "Bấy giờ Đức Như Lai cũng vào hỏa quang tam muội như thế, thân mình bốc ra ngọn lửa lớn" (Như Lai dĩ thời diệc nhập như thị hỏa quang tam muội, thân xuất đại hỏa.)  Tức phẩm Dược Vương Bồ Tát bản sự của kinh Pháp Hoa, chép sự tích Bồ Tát Dược Vương tự đốt mình để phụng sự Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức (Diệu pháp liên hoa kinh tờ 53a.)  Như vậy, Đức Như Lai,  Bồ Tát Dược Vương, bà Kiều Đàm di mẫu cùng 500 ni tăng và vị bác sĩ nói trên đã phải dùng thân nhiệt hay lửa Tam Muội với độ nóng cao hơn 1.200o F nhiều.  Vậy thì làm sao có thể đưa từ một nhiệt độ của cơ thể 97.8 o F tới một độ nóng của mặt trời? (The core of the Sun has a temperature of about 15.6 million Kelvin, about more than 27 million degrees Fahrenheit.) 

Theo Robert Lamb thì tia chớp từ búa thiên lôi, 5 lần nóng hơn mặt trời; một tia sét chứa đựng một năng lực kinh khủng, 30,000o kelvins  = 53,540 degrees Fahrenheit, có thể đưa chúng ta du hành trong vũ trụ, tiêu diêu cực lạc, chầu Tổ, chầu Phật trong sátna.  Như đã nói trên, những công án này chỉ đàm luận cho vui chứ nói ra bây giờ nghe có vẻ huyền bí, phản khoa học, mê tín dị đoan nhưng biết đâu trong một tương lai rất gần, khoa học có thể teleportation như khoa học giả tưởng thì những điều chúng ta hồ nghi đây sẽ trở thành quá hiển nhiên như lên cung trăng, hay lên hỏa tinh ngày nào?  Chẳng hạn, bây giờ chúng ta mới biết, và hiểu được ý của Kinh Hoa Nghiêm khi diễn tả về những hoa tạng, xum la vạn tượng với nhiều màu sắc như con mắt, như hình trục, như xoáy ốc,... trong vủ trụ, vũ trụ trong lỗ chân lông, hay Phật đã nhìn thấy những vi trùng trong nước mà ngày nay khoa học đã chứng minh, trình bày trong thuyết lượng tử, và NASA đang dùng viễn vọng kính vũ trụ cho chúng ta thấy được vũ trụ bằng mắt trần lúc đó mới ngạc nhiên thán phục trí tuệ siêu khoa học, vượt thời gian của Đức Phật.  Cho nên, tốt nhất vì vậy mà im lặng, nên bất khả cải cọ trong những vấn đề nầy, chỉ nên cười mĩm chi để nghe những người mù sờ voi cải nhau ‘cho từ cho bi.’

Is Lightning Hotter than the Sun? May 13, 2010 01:55 PM by  Robert Lamb: What's five times hotter than the sun and capable of sending a DeLorean back to the future?  Yep, the answer is a bolt of lightning, which can reach temperatures of roughly 30,000 kelvins (53,540 degrees Fahrenheit). The sun, on the other hand, is eclipsed in this case — its surface temperature is just 6,000 kelvins (10,340 degrees Fahrenheit). It's one amazing piece of science trivia, but what exactly does it all mean?

First, it's important to realize that the sun's surface is actually its coolest layer. Dive down to its core, and you'd encounter plasma temperatures of about 15 million kelvins (about 27 million degrees Fahrenheit). Things also heat up just above the sun's surface, as its atmosphere exceeds temperatures of 500,000 kelvins (about 900,000 degrees Fahrenheit).

"Power is the rate at which energy is used or transferred," explains University of Washington physics professor Robert H. Holzworth. "So power is energy per second, and the energy per second in lighting can be very high, but it only lasts a really, really, short time, like tens of microseconds. So the total energy isn't like the total energy from the sun, obviously, but the rate the energy dissipates can be very large. It's one of the most powerful natural phenomena on Earth."

Nên biết, vàng nóng chảy ở 1945o F, và khi luyện kim, có một loại sắt nóng chảy ở 1490o F. như vậy, lửa Tam muội không những làm vật nóng chảy, thay hình đổi dạng, mà còn làm vật chất biến thành lượng tử để du hành tận cùng vũ trụ tới các cỏi khác.  Trong những trang kinh xưa đã nói có sự liên hệ giữa Vật chất, vận tốc của Tạng Quang Minh và Năng lượng, lẫn không có sự phân chia cơ bản nào giữa Tâm và Vật. Điều này có nghĩa là Vật chất là Năng lượng mà Einstein ngày nay đã triển khai với công thức E = mc2.  Einstein cũng đã thú nhận: Những gì tôi khám phá kinh Phật đã từng nói đến rồi.

Một số nhà khoa học cũng đã nghiên cứu phương thức vô tuyến vận tải (Télétransport) bằng cách biến đổi một vật thể thành lượng tử rồi truyền chúng qua không gian, tại nơi đến, người ta biến lượng tử trở lại thành vật thể như ban đầu. Khoa học đã thực hiện thành công với photons (hạt ánh sáng) và electron (điện tử) mà ngày nay đã áp dụng phổ biến với các bit thông tin điện tử qua các mạng viễn thông và internet. Nhưng với sinh vật thể thì chưa tìm ra phương cách, bởi phải cần tới một năng lượng vô hạn để biến hoàn toàn một nguyên tử vật chất thành lượng tử, khoa học hiện nay chưa có thể làm được nhưng với quantum technology thì những mơ ước nầy sẽ trở thành sự thật trong một tương lai rất gần đây. Phật Giáo đã biết dùng cái năng lực vô lượng tam muội chân hỏa của Tâm Linh đó từ lâu.

Tôi không hoàn toàn phủ nhận những lý thuyết này, thực tế đây là những mơ ước của con người.  Hy vọng khoa học sẽ thực hiện được trong tương lại rất gần.  Những điều thần thông mơ ước trên đã được chấp nhận trên lý thuyết dã tưởng (fiction) vì khoa học chưa có thể thực hiện được.  Tuy là dã tưởng bây giờ nhưng không phải là không bao giờ xãy ra (impossible.)  Trong vòng 40 năm nay, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều chuyện, đã thấy khoa học khám phá rất nhiều thứ không tưởng để phục vụ nhân loại cho nên tôi cũng mơ ước một ngày nào đó có những chuyện nghe hoang đường thần thoại sẽ thành sự thật như chuyện Đường Minh Hoàng du nguyệt điện vậy.  Nhưng bây giờ thì nên công tâm để phân biệt ngụy kinh hay chân kinh như Phật dạy:

Trên tinh thần khoa học đầy trí tuệ của Phật Giáo: đến để mà thấy, thấy để mà biết, biết để mà tin, tin để mà tự ứng dụng và trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy 4 điều tham chiếu lớn là:

1. Không vội tin dù người đó nói rằng đã nghe lời Phật giảng dạy.

2. Không vội tin dù người đó là một vị Đại Trưởng Lão.

3. Không vội tin dù người đó có nhiều đồ chúng.

4. Không vội tin dù người đó giảng dạy hay.

Trong Đạo Phật và Khoa Học, Tuệ Chiếu viết, “Chỉ tin khi đem những điều được nghe về so sánh và đối chiếu lại với những lời Phật dạy. Nếu đúng thì mới tin. Đây nói lên tinh thần khoa học của Đạo Phật. Đến khi Phật nhập diệt, Vua A Xà Thế có hỏi là khi Phật nhập diệt rồi thì tin vào ai? Ngài A Nan trả lời là đã có Pháp. Chính vì thế sau này có từ Pháp Thân. Pháp đây chính là lời Phật dạy. Nếu chúng ta đi đúng theo con đường của Phật thì chính là con đường giác ngộ và giải thoát.” (http://www.tanhkhong.org/a336/dao-phat-va-khoa-hoc)

Trong Lăng Kính Đại Thừa, cụ Nghiêm Xuân Hồng kể rằng Ngài Mã Minh Bồ Tát lúc thị hiện tịch diệt, Ngài nhập Long Phân Tán Tam Muội, thân bay lên hư không, bay luôn và chói sáng như mặt trời trong một hồi lâu rồi là là đáp xuống mặt đất, ngồi kiết già mà thị tịch.  Cụ Nghiêm Xuân Hồng có sinh vào thời đó hay có đích thân chứng kiến là Ngài Mã Minh Bồ Tát biểu diễn thần thông bay lên bay xuống, bay đi bay lại, bay về rồi ngũm củ tẻo?  Ngài Mã Minh muốn dạy chúng ta bay chơi trước khi thăng thiên?

Ngài Mã-Minh (Asvaghosa): Niên đại xuất thế của Mã Minh Bồ Tát có nhiều thuyết khác nhau. Lại căn cứ nơi luận Thích Ma Ha Diễn thì có đến sáu ngài Mã Minh. Nhưng theo sự nhận xét của phần đông các nhà học Phật thì trước sau chỉ có một Mã Minh Bồ Tát. Và, riêng về thời đại trứ tác, bộ Đại Thừa Khởi Tín đưa ra thuyết ngài xuất thế khoảng sau Phật diệt độ 600 năm, là có phần chính xác hơn hết.

Ngài Mã Minh dòng dõi Bà La Môn, người thành Sa Kỳ Đa (Sakera) thuộc xứ Trung Ấn. Ngài là bậc học vấn uyên bác, biện tài vô ngại, văn chương, thi phú hơn người, thông suốt Phệ Đà cùng những môn học phụ thuộc, rành về các giáo quỹ chân ngôn. Ngài có những biệt danh là: Nan Phục, Nan Phục Hắc, Dõng Mẫu Nhi, Phụ Nhi, Pháp Thiện Hiện, Thể Huệ... Ban sơ ngài học theo ngoại đạo, biện luận thắng tất cả các học giả Phật Giáo tại nước Ma Kiệt Đà. Nhưng sau gặp Đại Đức Hiếp Tôn Giả và Phú Na Sa (Pùrnayasas) ngài bị chiết phục, suy kính hai vị ấy làm bậc thầy.  Khi đã nương về chánh pháp, ngài du hành các miền Trung, Bắc Ấn, đem tài hùng biện chiết phục ngoại đạo, tuyên dương Phật Giáo, thanh danh vang dội khắp nơi. Tương truyền ngài có tài vừa đàn vừa ca, làm cho loài ngựa cảm động chảy nước mắt, kêu lên tiếng bi thương. Và, lúc vua Ca Nị Sắc Ca tiến đánh thành Hoa Thị, đòi một trong hai điều kiện: dâng ngài Mã Minh, hoặc nộp vàng chín ức. Chủ thành không có đủ vàng, đành phải đem ngài Mã Minh ra thay thế. Khi vua được ngài Mã Minh, liền rước về Bắc Ấn để hoằng dương Đại Thừa Phật Giáo. Có thuyết nói, trong thời kỳ kiết tập Kinh Điển lần thứ tư, ngài Mã Minh đã tham gia với phận sự nhuận sắc văn chương.

Về phần trứ thuật, tương truyền ngài có soạn hơn 100 bộ Kinh Luận, nhưng hiện nay chỉ còn mười tác phẩm như sau: Phật Sở Hành Tán, Đại Trang Nghiêm Luận Kinh, Thập Bất Thiện Nghiệp Đạo Kinh, Lục Thú Luân Hồi Kinh, Sự Sư Pháp Ngũ Thập Tụng, Ni Kiền Tử Vấn Vô Ngã Nghĩa Kinh, Đại Tôn Địa Huyền Văn Bản Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bách Ngũ Thập Tán Phật Tụng, và Bản Sanh Mạng Luận. Trong bài tựa quy kính của Đại Trang Nghiêm Luận Kinh, ngài đã viết:

Phú Na, Hiếp Tỷ Khưu

Các học giả Di Chức

Chúng Tát Bà Thất Bà

Bậc Ngưu Vương chánh đạo

Những luận sư như thế

Nay tôi đều kính thuận.

 

Phú Na Sa và Hiếp Tôn Giả là bậc thầy của ngài. Di Chức là dịch âm của danh từ Mahìsàsakà, tức Hóa Tha Bộ. Tát Bà Thất Bà là dịch âm của danh từ Sarvàtivàsda, tức Nhất Thế Hữu Bộ. Ngưu Vương, có học giả cho là dịch âm của danh từ Kaukkutika, tức Kê Dẫn Bộ. Xem thế thì biết sở học của ngài kiêm cả Đại Thừa, Tiểu Thừa. Bài tựa quy kính trên biểu lộ thái độ khoan hòa của một nhà học Phật, biết dung hợp tất cả giáo lý không cuộc hạn tông phái nào, cốt để tìm cầu chỗ hay, gạt bỏ chỗ kém. Có thể cho tư tưởng của ngài Mã Minh như một chiếc cầu nối liền giữa hai lãnh vực Tiểu Thừa, Đại Thừa vậy.  (http://niemphat.net/Luan/phathoctinhyeu/thien1_12.htm)

Chỉ từ một niệm, tâm ý có thể di tản (teleportation) những rối lượng tử (quantum entanglement) với một tốc độ siêu việt (tốc độ không thể nghĩ bàn) vượt xa và nhanh hơn tốc độ của ánh sáng, trong không gian cuộn thời gian (space-time entanglement.) Tốc độ này dường như đồng độ với tốc độ tư duy, nó không bị sự hạn chế của không gian, lẫn thời gian, Nó đi xuyên qua vật chất hay nói đúng ra vật chất đi xuyên qua nó. 

Tóm lại, kinh muốn giảng ý ‘tạng quang minh’ nhưng ngôn ngữ diễn tả và thí dụ dễ bị hiểu lầm là mê tín dị đoan nên không có tính thuyết phục cho lắm.

Chư Phật là gì?

Là tạng quang minh

Là thần thông biến hóa tràn đầy thế gian

 

Nên đổi lại là:

 

Chúng sinh là gì?

Là tạng quang minh

Chúng sinh là vũ trụ

Vũ trụ là chúng sinh.

Tội nghiệp có những người tu Phật vì quá sùng đạo nhưng kém trí tuệ và vô minh cho nên không hiểu thâm ý nghĩa tiến hương cúng dường.  Trên đầu của những người xuất gia theo đạo Phật thường có những vết sẹo tròn, đây là vết tích của việc đốt hương cúng dường chư Phật. Trong Phật giáo lễ này còn được gọi là “Tấn hương” (đốt hương), “Nhiệt đãnh” (Đốt đầu) hay còn gọi là “Đốt Liều.”  Bây giờ, tôi không thấy người nào trọc đầu có những dấu tấn hương này nữa, như là một hình thức nghi lễ tự nguyện hiến dâng cho đạo Pháp, nhất là ở hải ngoại nhưng điều kiện này cũng không cần thiết phải duy trì nữa.   Sư cô Thích Nữ Thanh Hội ở Việt Nam tâm sự, “Ngay từ nhỏ mới xuất gia, nhiều người đã xem việc đốt hương là một hành động cao cả để cúng dường chư Phật. Tuy nhiên chỉ đốt ở cánh tay, cổ… chứ còn đốt trên đầu chỉ diễn ra sau khi thọ Đại giới (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni.)  Việc đốt hương này được những người con Phật xem là hành động thể hiện sự chân thành, quyết tâm tin và theo Phật. Có người còn đốt đi một hoặc hai ngón tay để cúng dường.”   Có người muốn thể hiện sự từ bi với tất cả muôn loài, Sư cô Thích Nữ Tuệ Nhã, thọ giới tại Đại giới đàn Trí Thủ (Nha Trang) chia sẻ: “Khi phát tâm thọ giới Bồ Tát, trong lòng khởi lên tâm nguyện từ bi rộng lớn để cứu độ chúng sanh, báo đền ân đức của Phật, thầy tổ, cha mẹ. Cho nên lúc được đốt hương không có gì gọi là đau đớn, nếu bảo đốt thêm ở đâu trên cơ thể mình tôi cũng đốt được, hy sinh cả thân mạng cũng không có gì lo sợ.”  Đốt ở đây không có nghĩa là đốt thành tro, hủy hoại thân thể mà chỉ làm cho nóng bỏng tượng trưng cho sự quyết tâm.  Thời đại bây giờ, những nghi lễ trên không cần thiết nữa và có thể được xem như là hủ tục và mê tín.  Từ trước tới nay không có chư Phật nào chứng cho cái lòng thành tự thiêu mê muội này cả.

Thờ Phật với quan niệm biểu trưng để nhắc nhở mọi người nhớ lại Tánh Giác của mình chứ không tín ngưỡng mê tín như các tôn giáo khác.  Đức Phật ngồi trên bàn thờ là biểu tượng, không phải là thật, chính Tánh Giác của mình mới là Phật thật.  Thế mà chúng ta quên Tự Tánh đi, tìm Phật ngoài tâm, quên hẳn Phật tánh trong mình. Thiền Sư Tùng Thẩm nói, “Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi ở trong [tâm ta.]” Những hình tượng Phật chúng ta thờ, đều là tướng duyên hợp, đã duyên hợp làm sao không bị duyên tan.  Phật thật đang ngồi lồ lộ nơi thân ta, Phật tại tâm, chúng ta bỏ quên ông Phật thật, chạy theo ông Phật giả. Vì thế Thiền Sư Đơn Hà Thiên Nhiên mới làm việc kỳ quái này: Sư đến chùa Huệ Lâm gặp tiết đại hàn, bèn lên chùa thỉnh tượng Phật gỗ đốt để hơ. Viện chủ Hướng trông thấy quở trách, “Sao đốt tượng Phật của tôi?” Sư lấy gậy bới trong tro nói, “Tôi thiêu để lấy xá lợi.” Viện chủ bảo, “Phật gỗ làm gì có xá lợi?” Sư nói. “Đã không có xá lợi, thỉnh hai vị nữa thiêu.” Viện chủ nghe câu này, tất cả chấp đều tan vỡ.  Người sau nói “Đơn Hà thiêu mộc Phật, Viện chủ lạc mi mao” (Đơn Hà thiêu Phật gỗ, Viện chủ rụng lông mày.)  Hay Nhị Tổ Huệ Khả chẻ tượng Phật, đốn chùa làm củi đốt là những hành động tích cực khó ai theo kịp, không dễ tư nghị bởi những kẻ phàm phu.  Những người này có thể đã đại ngộ, hành vi phi thường hay đã không bình thường với những hành động bất thường?  Do đó, Thiền Tông chỉ thấy Tánh Giác hay Pháp Thân là Phật, chớ không chấp nhận thân tướng tứ đại hòa hợp làm Phật.

Xá lợi là cái tinh ba cô đọng lại sau khi thiêu thân Phật. Thân Phật đã hoại hơn hai ngàn năm rồi, mà xá lợi vẫn còn.  So sánh trong tương đối, thân Phật là giả, xá lợi là thật. Nương cái giả để thấy cái thật mới đúng tinh thần thờ Phật. Chỉ biết cái giả mà không thấy cái thật, tướng giả ấy trở thành vô nghĩa. Vì thế Thiền sư Đơn Hà bảo, “Đã không có xá lợi, thỉnh hai vị nữa thiêu.” Viện chủ liền nhận được ý này.  Nếu thỉnh thêm 2 tượng nữa để thiêu cúng dường thì có thể tìm ra toàn thân xá lợi thật dưới đây?

Figure 51 Kim cương bất hoại: xác của một nhà sư ở trong bức tượng Phật qua X-ray

Câu chuyện về Hỏa Quang Tam Muội hay Long Phân Tán Tam Muội, hay những thứ Tam Muội khác mà Kinh Hoa Nghiêm đã diễn tả thoạt nghe qua như là những điều hư vọng, dễ bị ngộ nhận.  Có thể ý tiền nhân muốn diễn tả về uy lực của quang minh soi sáng khắp nơi trong vũ trụ lẫn thế gian nơi chúng sinh đang sở trụ nhưng ngày xưa không có đầy đủ kiến thức khoa học và ngôn ngữ phong phú như  ngày nay để chứng minh và diễn đạt chính xác ý tưởng của sự kiện.  Ngôn ngữ chú giải từ kinh văn của đa số những diễn giả dễ bị dư luận hiểu lầm là cuồng tín hay hoang đường như vài ví dụ điển hình trên đây đó là Bay, Đốt, tự thiêu, chết theo,...nhưng xem phim Star Trek chúng ta không thấy những điều thông thường tự nhiên như bay, biến mất hiện ra nó hoang đường kinh khủng như là đốt, tự thiêu hay thăng thiên.

Ví dụ, Tì Lô Giá Na là quang minh biến chiếu, là quang minh chu biến khắp cả vũ trụ. Như vậy quang minh của đức Tì Lô Giá Na tức là lửa tam muội rất nóng như lửa mặt trời. Được cho là bất khả xưng, bất khả sổ, bất khả thuyết, bất khả tư nghị.   Điều này cho biết, tiền nhân đã có chút khái niệm khoa học về nhiệt độ vô cùng của quang minh này.  Cho nên đốt thân cúng dường Phật không phải tự thiêu nhưng biến mất, hiện ra như thăng thiên, tàn hình đó là phương tiện di chuyển trong tam giới bằng cách di chuyển, vận tải vô lượng tử dùng máy tam muội chân hỏa, để du hành tới một không gian khác chiều bằng cách phân tán vô lượng lượng tử rồi kết hợp lại trong sátna ở một chiều không gian khác trong tam giới. Từ có tới không, từ vi tới vĩ, từ vô lượng tới hữu lượng và ngược lại chứ không tự đốt chết, cháy thành tro bụi vĩnh viễn.  Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là phải bướt qua cửa tử tới cửa tái sinh.  Điều mà những kẽ vô minh như chúng ta vẫn luôn hoài nghi là sau khi tình nguyện bướt qua cửa tử vong rồi có được tái sinh hay không?  Đa số chúng ta chưa bao giờ chứng kiến tận mắt người trở về từ cỏi chết, kể cho chúng ta những kinh nghiệm của họ. 

Hơn nữa, không có sự khác biệt giữa thế giới vi mô của hạt cơ bản lượng tử và cấu tạo vật chất của vĩ mô.  Cho nên, với đặc dị công năng, nhục thân của tôi không đi xuyên qua vật chất nhưng ‘Tôi’ đi.  Hay vật chất đi xuyên qua nhục thân tôi.  Tôi không đến với vật chất lượng tử nhưng nó đến rồi đi qua nhục thân ngũ uẩn của tôi.  Thâm diệu hơn nữa, Nó là Tôi; Tôi là Nó là Như Lai – không đến không đi.

30.                   Phật Giáo chứng minh Khoa Học

Dùng Phật Giáo để chứng minh Khoa Học hay ngược lại không phải là chuyện dễ dàng đơn giản cho nên khi cố tình thảo luận về những vấn đề này như một số người hay cố gắng so sánh thì chỉ nên xem như là những tư nghị về trí thức, để mở mang thêm kiến thức và trí tuệ, không nên quá khắc khe phủ nhận là vô lý hay không tưởng. Nếu vẫn cố chấp thì nên suy nghiệm về những gì nhà khoa học gia Albert Einstein khẳng định về Phật Giáo và Đức Phật, về một tôn giáo tương lai của vũ trụ, hay những thú nhận của Eisntein về ‘tất cả’ những gì ông ta đã biết và khám phá ra đã được kinh Phật ghi lại từ hơn 25 thế kỷ trước rồi,... Hay vẫn còn ngoan cố chấp thì nên vượt qua cửa tử và rồi tìm gõ cửa vô môn quan của Chân Như để bắt Einstein chứng minh những gì ông đã tuyên bố hay dạy cho ông ta một bài học cải tạo.  Khoa học không chứng minh nỗi Phật Giáo mà ngược lại Phật Giáo đã vượt qua những khám phá muộn màng của khoa học hiện đại 2600 năm về trước.  Khoa học chưa vượt qua được tốc độ của ánh sáng trong khi đó Đức Phật và các thánh nhân Đông Phương đã vượt thời-không hơn 3000 năm về trước.

Cư Sĩ Truyền Bình nói: “Trước hết và quan trọng nhất là Đức Phật đã phát minh ra Tâm.” Nói đúng hơn là Đức Phật khám phá ra bản thể của Tâm.  Tâm còn nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi chủ ý vào một khía cạnh khác biệt.  Đức Phật ‘phát minh’ ra phương pháp phân tích, sắp hạng và nhấn mạnh vào những khía cạnh đặc thù: ví dụ, chú tâm đến giác ngộ thì gọi là Phật tánh (chữ Phật Buddha có nghĩa là giác giả hay người giác ngộ,) chú ý vào khả năng biết khắp cùng vô tận thì gọi là Chánh Biến Tri, nhấn mạnh vào tính bất biến không chuyển động thì gọi là Như Lai (không đến không đi,) ý thức tính không có số lượng thì gọi là Bất nhị, kiến được tính không có thời-không hay thời gian vô cùng và không gian vô tận thì gọi là A Di Đà (vô lượng quang vô lượng thọ), biết được tính không sinh không diệt thì gọi là Niết Bàn...Phật Giáo cung cấp cho người đời một tri kiến hết sức sâu xa, siêu việt khoa học, về thế giới nhằm giúp chúng sinh thoát khổ.  Phật Giáo dạy rằng thế giới là chủ quan, vật chất là chủ quan, là thói quen kiên cố của tâm thức.  Phật Giáo trả lời với Einstein rằng mặt trăng không phải là tồn tại khách quan mặc dù 7 tỉ con người trên địa cầu đều nhìn thấy mặt trăng. Nếu phá bỏ được thói quen kiên cố trong A Lại Da Thức cho rằng mặt trăng có thật, thì nó sẽ không tồn tại. (Phỏng theo ‘Đóng Góp của Phật Giáo cho hạnh phúc nhân loại,’ Cư Sĩ Truyền Bình)

Nhà vật lý học người Mỹ Gardner nói rằng: Trên thế giới chỉ có chừng vài mươi người hiểu được Einstein, kể cả những nhà vật lý nổi danh.  Lại nữa, có một chuyện vui về cuộc đối thoại giữa Einstein và vua hề Charles Chaplin.  Chaplin kể rằng chính là Chaplin đã thừa nhận mình nổi tiếng vì ai cũng hiểu và cười lăn lộn với lối diễn xuất hài hước trong phim câm của mình còn Einstein thừa nhận mình cũng nổi tiếng vì không ai hiểu Einstein nói cái quái gì cả.  Tuy nhiên, Charles Chaplin không may mắn và có nhân duyên để được học và biết về Phật Giáo trong khi đó Einstein có nhiều thiện cảm với Phật Giáo và rất thán phục Đức Phật qua những tìm hiểu về Phật Pháp và triết lý Phật Giáo của tự chính mình.

Trong Chân Không Diệu Hữu, Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách viết, “Những phát hiện của khoa học làm chúng ta kinh ngạc về tri kiến của Phật và các vị Tổ. Các vị đã phát hiện những quy luật của vũ trụ không bằng phép nghiên cứu thực nghiệm mà bằng trực giác trong một dạng tâm thức phi thường của thiền định. Qua thời gian, thực tế cho thấy các phát hiện của khoa học không hề bác bỏ vũ trụ quan Phật giáo mà ngược lại, chúng trùng hợp một cách kỳ lạ. Tuy nhiên chúng ta cần tránh một thái độ, đó là xem khoa học như thước đo đúng sai đối với nhận thức luận Phật giáo. Lý do là Phật giáo chủ yếu nhận thức về hoạt động của tâm, trong lúc khoa học vật lý hay sinh học thiên về vật chất. Tất nhiên Phật giáo xem tâm-vật nằm chung trong một thể thống nhất và mặt khác, khoa học vật lý hiện đại cũng phải thừa nhận vai trò của người quan sát (tức là vai trò của tâm) trong mọi thí nghiệm. Nhưng phải nói phạm vi nhận thức giữa khoa học và Phật Giáo rất khác nhau. Một điều mà ta không quên nữa là Phật Giáo nhận thức thế giới với mục đích thoát khổ, thoát khỏi sự ràng buộc của nó bằng các phương pháp tu dưỡng tâm. Còn nhà vật lý hay sinh học chỉ nhận lại ở sự nhận thức. Vì vậy, khi so sánh Phật giáo và khoa học, tuy có nhiều thú vị và hứng khởi, ta cần biết giới hạn của nó.”

Tóm lại, khi đã vượt được qua bờ bên kia tới cỏi Hư Vô rồi thì những cái thắc mắc vô minh, phàm phu tục tử trên đây không cần thiết nữa, nó đã được lìa bỏ lại ở bờ bên kia từ lâu rồi như cái niệm kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không, biến mất tự lúc nào không biết, sau khi Ngộ Không ngộ Không.

Trong cuốn Lăng Kính Đại Thừa, trang 182, cụ Nghiêm Xuân Hồng đã viết, “Khoa học ngày nay cũng khám phá nhiều những Quang Tuyến Vũ Trụ (Radiation cosmisque.) Khoảng không gian bao la giữa các hành tinh, mà trước kia các khoa học gia tưởng là tuyệt đối trống rỗng, thì nay họ khám phá thấy có rất nhiều quang tuyến vũ trụ. Những quang tuyến này đạt tới những tần số ghê gớm, còn gấp bội tần số của Quang Tuyến Gamma, và thường xuyên oanh tạc bầu khí quyển của Trái Đất, và chắc chắn tạo nên nhiều sự chuyển hóa chưa thể biết được.”

Điểm này chứng minh lời kinh xưa dạy rằng “khắp nơi, khắp xứ, chỗ nào cũng có đầy quang minh. Và cũng đều có thể có những loài chúng sanh cư ngụ.

Càng ngày khoa học càn phát hiện những hành tinh mới có thể có đời sống sinh vật.  Tiến sĩ Geoffrey W. Marcy, nhà Thiên Văn của đại học San Francisco, và  Paul Butler sau tám năm quan sát tại Đài Thiên Văn Lick ở San Jose, USA đã phát hiện hai hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao Mặt Trời.

Nhiệt độ của hai hành tinh này có vẻ ấm áp nên có thể có nước ở thể lỏng, điều kiện cần thiết cho những Tiến Trình Hóa Học (Chemical process) và có thể có đời sống sinh vật ngoại từng không gian. Hai Hành tinh quá cỡ Mặt Trời nay lớn hơn Mộc Tinh (Jupiter) rất nhiều, đang cặp kè với Sao 70 Virginis, ở trong Chòm Sao Xử nữ (Virgo), và Sao 47 Ursae Majoris ở dưới Cán Gáo (The Big Dipper) ở trong Chòm Sao Đại Hùng Tinh (Ursa Major.)  Chúng ở cách xa Trái Đất 35 quang niên. Chúng nhỏ bé và mờ tối trước ánh sáng rực rỡ của hai ngôi sao mẹ, nhưng có Trọng Trường (Gravity) rõ rệt.

Việc khám phá này cùng với việc phát hiện một hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao Pegasus 51 hồi tháng 10-1995 khiến các khoa học gia tăng thêm tin tưởng rằng Thái Dương Hệ độc đáo hơn những Hành Tinh Hệ bình thường khác. Điều này ngụ ý rằng đời sống sinh vật, kể cả đời sống văn minh đã có khắp nơi trong vũ trụ.  Những điều này đã được ghi lại từ 2600 năm trong các kinh điển Phật Giáo.

Tiến sĩ Alan P.Boss, một Lý thuyết Gia Thiên Văn tại Viện Carnegie ở Hoa Thịnh Đốn, nói rằng, “Chúng ta thật sự đang bắt đầu một kỷ nguyên Thiên Văn mới. Chúng ta sẽ tìm thêm nhiều hành tinh khác trong thập niên tới.”  Tiến sĩ William J. Boruchi, Nhà Thiên Văn tại Trung tâm Nghiên cứu Ames ở Mountain View nói, “Đây là sự trở lại lần thứ hai của Marco Polo và Kha Luân Bố: Chúng ta đã tìm thêm những thế giới mới.” Đó là điều chắc chắn rồi nhưng với cái đà chậm như rùa bò của khoa học thì cả ngàn năm nữa cũng chưa tìm ra hành tinh có chúng sinh trừ khi hành tinh nào đó có chúng sinh ‘Marco Polo và Kha Luân Bố aliens,’ có văn minh hơn trái đất tìm đến dạy hay đô hộ chúng ta.

Cơ quan quản trị Hàng Không Không Gian (NASA) loan báo ưu tiên của họ trong vũ trụ là dùng những máy móc tối tân để chụp hình những hành tinh nhỏ như Trái Đất, và quan sát sự phản xạ ánh sáng để tìm bằng chứng đời sống sinh vật của chúng sinh. 

Các khoa học gia đã đi đến kết luận rằng hiện nay trong Giải Ngân Hà phải tồn tại hàng triệu nền văn minh đang độ phát triển rực rỡ.  Năm 1972, tại Hội Nghị Du hành Vũ trụ Quốc tế, các Thiên văn gia cho rằng có khoảng 10,000 nền văn minh ở cách Trái Đất không quá 800 quang niên. Các nhà khoa học cho rằng trong vũ trụ phải có hàng triệu hành tinh có nhiều đặc điểm gần giống với hành tinh Trái Đất của chúng ta, và có thể ở các Hành tinh đó cũng có những sinh vật có trí tuệ …

Sau đây là vũ trụ quan qua trí tuệ của Phật Giáo: Kinh Viên Giác Luận Giảng, Chánh văn và Lược giải,  I- Phần Chứng Tín, Thích Thông Huệ viết,   “...nhập vào thần thông Đại Quang Minh Tạng, Tam Muội Chánh Thọ, là nơi tất cả Đức Như Lai Quang Nghiêm trụ trì.  Đây là ngôn ngữ của Ấn Độ, nghe rất khó hiểu. Thần thông là gì? - Kinh A Hàm mô tả thần thông là đi xuyên vách xuyên đá, thăng thiên độn thổ..., và mọi người thường cũng hiểu như thế. Nhưng ở đây, thần thông diễn tả sự tự tại vô ngại. Đức Phật nhập vào thần thông Đại quang minh tạng, nghĩa là trí huệ lưu xuất từ tự tâm Viên Giác của đức Phật trùm khắp pháp giới. Thần thông và trí huệ lấy Như Lai tạng làm thể, tức lấy tâm Viên Giác làm thể. Cho nên, chữ “tạng” kèm theo có nghĩa là cái kho, từ đó thần thông và trí huệ được lưu xuất. “Tam muội” là chánh định, “chánh thọ” cũng là chánh định. Chánh định của Phật là đại định, tức là đi đứng nằm ngồi đều ở trong định. Chánh định này cũng là nơi quang nghiêm trụ trì của tất cả Như Lai. Quang nghiêm trụ trì là gì?  - “Quang” là hào quang, tượng trưng cho trí huệ; “Nghiêm” là trang nghiêm; “Trụ trì” là an trụ nơi tự tánh Viên Giác để giữ gìn tự tánh đó. Chỉ khi nào có trí huệ mới an trụ và giữ gìn được Viên Giác. Không chỉ riêng Phật Thích Ca mới nhập vào chánh định này, mà cả mười phương chư Phật ba đời cũng đều ở trong định ấy. Điều này nói lên sự bình đẳng của chư Phật, khi đã thành tựu Phật quả.

Nhưng nếu nói chánh định chỉ có ở chư Phật, vậy còn chúng sanh thì sao? - Trong kinh đã nói: “...cũng là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh.” Tất cả chúng sanh đều có cái Quang Minh đó, cái tánh Viên Giác đó, nhưng vì quên và xa rời tánh Viên Giác, nhập vào trần cảnh rồi tạo nghiệp và thọ khổ. Đức Phật đã xác chứng, tánh Viên Giác là bình đẳng giữa chư Phật và chúng sanh, dù chúng sanh luân hồi trong lục đạo thì tự tánh vẫn không bao giờ mất. Chúng ta cần tin tưởng điều này một cách kiên định thì mới vững tiến trên con đường giác ngộ và giải thoát.”

Tôi xin phóng dịch lời kinh xưa ở trên: Khắp nơi, phắp xứ, khắp chổ cũng có sẵn đầy ánh minh tâm, sở trụ bởi chúng sinh.  Hay, Minh Tâm có đầy khắp nơi trong cõi Ta Bà.

Trong cõi Liên Hoa Tạng trang nghiêm với ngôn ngữ cổ xưa, có 20 tầng thế giới, mỗi thế giới là một cõi Phật. Cõi Ta Bà ở về từng thứ 13, gồm có nhiều thế giới nhỏ. Trong mỗi thế giới nhỏ, có ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, có bốn châu: Đông, Thắng thần châu, Tây, Ngưu hóa châu, Nam, Thiệm bộ châu, Bắc, Cu lư châu, và có một núi Tu di: Suméru, có hai vừng Nhựt, Nguyệt.

Ta Bà là một cõi Tam Thiên Đại Thiên thế giới, tức có 1.000.000.000 thế giới nhỏ. Chúa tể toàn cõi Ta Bà thế giới là ngài Thi Khí Đại Phạm Thiên Vương.  

“Trong bầu trời có vô vàn, vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng.” (Lời Phật)

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Quan Thế Âm cũng nói, “Trong thế giới tam thiên đại thiên thế giới này có trăm ức mặt trời trời mặt trăng.”

Rồi trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phổ Hiền lại dạy, “Tất cả các thế giới đó hình dạng khác nhau: Hoặc hình xoáy nước, hình xoắn ốc, hình bán nguyệt, hình trục xe, hình bảo hoa xoay tròn v.v… Thế giới có vi trần số hình dạng như vậy.”

Bây giờ, chúng ta đã có chút khái niệm ở đâu có ánh sáng (trí tuệ) là có thể có sự sống (tri kiến Phật.)  Theo tôi nghĩ thì đa số chúng ta mới được biết thêm là quang minh ‘ngữ như vậy’ sau 2600 năm.  Tuy nhiên thời đó, trước khi khoa học khám phá ra những bứt xạ trên, thì có thể nên hiểu theo nghĩa đen (tượng hình sắc) là ánh sáng hay nghĩa bóng (tượng thanh ý) là minh tâm (tâm sáng và tiếng động, noise.) Có thể tiếng Hán giải thích ý nghĩa này rõ ràng hơn tiếng Việt vì nó từ gốc Hán-Việt. 

Trong liên tiếp mười ngày tập trung ống kính vào một vùng nhỏ hẹp trong bầu trời, Viễn Vọng Kính Hubble đã chụp được những tấm hình đầy đủ chi tiết từ trước đến nay chưa từng có của vô vàn, vô số Thiên Hà (Galaxies) khác nhau ở sâu trong không gian như đang trở lại lúc khởi thủy của thời gian ban đầu.

Nhờ thành quả này chúng ta thấy số lượng các Thiên Hà trong vũ trụ đã gia tăng khủng khiếp tăng đến 50 lần nghĩa là hơn năm lần mà các nhà Thiên Văn trước kia đã ước tính.  Mặt trời là một trong 50 đến 100 tỉ tinh tú trong Giải Ngân Hà.

Tiến sĩ E. Williams, Giám đốc viện Viễn Vọng kính Không Gian ở Baltimore, MD tuyên bố, “Vùng nhỏ hẹp đó sẽ là vùng phải nghiên cứu đặc biệt trong những thập niên tới.”

Vùng nhỏ hẹp trong bầu trời được quan sát chỉ rộng bằng 1/25 của một độ (degree,) hay chiếm một diện tích bằng một hạt cát để trên cánh tay.  Thế mà, các nhà Vũ Trụ Học và Thiên Văn đã phát hiện ở nơi đó có từ 1,500 đến 2,000 Thiên HàCác nhà Thiên Văn không chắc chắn rằng họ đã tiên đoán đúng thời điểm thành lập Thiên Hà khi họ nghĩ rằng thời điểm thành lập Thiên Hà là khi họ nghĩ rằng thời điểm này bắt đầu khi vũ trụ còn rất nhỏ, nhỏ từ 5 đến 10% kích thước của vũ trụ hiện thời.  Nhưng các nhà Thiên Văn rất phấn khởi khi quan sát những tấm hình đa dạng của Thiên Hà.  Có những Thiên Hà hình xoắn và bầu dục quen thuộc, có những Thiên Hà có những hình thể khác nhau, và có những Thiên Hà đường thẳng (Linear), và những Thiên Hà có những hình dạng giống như những Thiên Hà đã phát hiện từ trước.  Một số Thiên Hà khác nữa có thể có những hình dạng giống như hình dạng trong thời kỳ mới thành lập.

Trong một cuộc họp báo, Tiến sĩ E. Williams nói, “Có những Thiên hà lớn, những Thiên hà nhỏ, có những cái đỏ, những cái xanh, có những cái cấu trúc tạm bợ.  Chúng ta chưa từng thấy những Thiên hà này trước khi Viễn Vọng Kính Hubble thấy. Chúng ta chưa biết cái nghĩa lý gì của chúng hết.

Andrew Fruchter, một nhà Thiên Văn tại Viện Viễn Vọng Kính Không Gian nói, “Chúng ta chỉ biết có rất nhiều Thiên Hà trong bầu trời cũng như biết một số tinh tú trong Giải Ngân Hà của chúng ta.”

Tất nhiên, chẳng ai biết đích xác có bao nhiêu Thiên Hà trong Giải Ngân Hà.  Một Thiên văn gia khác nói trong Giải Ngân Hà có thể có 100 tỉ, không phải 50 tỉ tinh tú.  Có những Thiên hà lớn, những Thiên hà nhỏ, và một trong những Cụm sao  (Clumps of Stars) có thể có hàng tỉ tinh tú.  Tuy nhiên, chúng ta biết những khám phá này sẽ thay đổi lối ước tính tinh tú của các nhà Thiên Văn trong vũ trụ.  Dĩ nhiên, không phải muốn nói gì thì nói mà không chứng minh bằng toán học hay logic về những điều trên thì khó có ai tin ngoại trừ họ đã là những nhà khoa học nỗi tiếng với những khám phá lịch sử.

Vùng mà Viễn Vọng Kính Hubble đã chụp được hình những thiên hà mới ở gần cán của Cái Gáo Lớn (The Big Dipper) là một phần của Chòm Sao Đại Hùng Tinh (Ursa Major.)

COBE (Cosmic Background Explorer Satellite, Vệ Tinh Thám Sát Hậu Cảnh Vũ Trụ) được phóng đi cách đây sáu năm để quan sát những phóng xạ quang tuyến (Radiation) còn rớt lại sau vụ Bùng Nổ Lớn (The Big Bang) đã không chụp hình như Viễn Vọng Kính Hubble.  Khoa học đang quán tự tại cố tìm về nguồn gốc của vũ trụ tưởng như là mình đã ở bến kia đang trở về bờ này thay vì qua bờ bên kia. Khoa học đang đi lạc đường hay đúng đường?

Trong Đạo Phật Siêu Khoa Học, Chùa Liên Hoa, California, USA ấn hành 1997, Phần 1: Quang Minh, Minh Giác Nguyễn Học Tài khẳng định, “Những khám phá của khoa học về quang minh thiên nhiên, và việc chế tạo những quang minh nhân tạo đã chứng minh hùng hồn rằng lời kinh xưa đã nói đúng sự thật.”

Thứ nhất, cách đây 50 năm, Albert Einstein nói trong vũ trụ này có độc nhất Giải Ngân Hà.  Mấy thập niên gần đây, các nhà thiên văn vật lý đã khám phá rằng vũ trụ có vô vàn, vô số lượng Thiên Hà (Galaxies.)

Thứ hai, cũng qua những khám phá trong những thập niên gần đây nhất cũng là những khám phá mới nhất của các nhà thiên văn vật lý đã cho thấy vô số vi trần với vô số hình dạng khác nhau của vi trần số Thiên Hà.

Tôi xin tái xác nhận, khoa học đã chậm trể hơn Phật Giáo đến 2600 năm cho nên Einstein đã khẳng định Đạo Phật là đạo của khoa học tương lai.  Những tái khám phá quá muộn màng của khoa học hiện đại không thể chứng minh được Phật Giáo.  Ngược lại, Phật Giáo đã vượt xa khoa học hiện tại.  Triết lý Phật Giáo vượt không gian lẫn thời gian.  Đạo Phật không có quá khứ, hiện tại lẫn vị lai.

Đức Phật dạy, hỡi các tì kheo, rằng: … quá khứ, vị lai, không gian… và cá  thể không gì khác hơn là danh sắc, ngôn từ sử dụng một cách bình thường, chúng chỉ là những thực tại nông cạn.

Tuy cách nhau 25 thế kỷ nhưng những khám khá, quan sát và mô tả của Đức Thế Tôn, chư Bồ tát cùng với các nhà bác học và thiên văn vật lý ngày nay có rất nhiều điểm trùng hợp.  Dù đồng hay bất đồng thì cũng như là một nhân duyên hãn hữu giữa trí tuệ Phật Giáo và kiến thức Khoa Học đầy thú vị trên thế gian.  

31.                   Tương đồng và Tương phản giữa Phật Giáo và Khoa Học

 

Chúng ta thường biết, Phật Giáo rất trí tuệ về tương quan của nhân quả, lý nhân duyên, trống rỗng, vô thường, và vô ngã lẫn tâm thức.  Chúng ta cũng thường lầm tưởng,  Phật Giáo chỉ ‘chuyên môn’ về bệnh khổ đau và chuyên chú trọng đến chữa bệnh tâm thần cho cá nhân nhưng không ‘chuyên nghiệp’ về những vấn đề khác như vũ trụ và khoa học.  Ngược lại, Phật Giáo quan niệm lẫn hiểu biết tường tận những vấn đề này và đã phân tích rõ ràng, rất logic và đầy tinh thần khoa học từ nguồn gốc cho tới ngọn ngành và những nhân duyên tạo ra vũ trụ vạn vật lẫn chúng sinh trong vũ trụ.

 

Phật Giáo biết rõ giới hạn của ngôn ngữ và lối tư duy tuyến tính.  Vật lý hiện đại cũng đều có cùng một khái niệm tương tự như thế khi nhìn các mô hình và  lý thuyết khoa học.   Tất cả cũng chỉ có thể gần đúng với thực tế và không thể chính xác như thực tại. Trong The Tao of Physics, Đạo của Vật Lý, Fritjof Capra, thí dụ:  Trong Ấn Độ giáo thì điệu múa vũ trụ của thần Shiva cũng nói lên hình dung về vật chất giống như nhà vật lý nói về một số mặt của lý thuyết trường trong cơ học lượng tử. Cả vị thần nhảy múa lẫn lý thuyết cơ lý đều là sản phẩm của tâm thức: chúng đều là những mô hình để mô tả những tri kiến trực giác về thực tại của tác những mô hình đó.

 

Chương này chỉ  trình bày sơ lược, tổng quát những tính tương đồng giữa Phật Giáo và khoa học hiện đại trong một số quan niệm về vũ trụ, quantum physics để chứng tỏ rằng Phật Giáo rất chính xác trong một số nhận định với những tư tưởng đã đi trước khoa học nhiều thế kỷ.  Theo Giáo Sư Trần Chung Ngọc: Phật Giáo không phải chỉ có những tương đồng với khoa học trong bộ môn thiên văn như vừa trình bày ở trên, hay với môn Vật lý các hạt nhỏ (particle physics) như đã trình bày trong cuốn The Tao of Physics của Fritjoff Capra, mà còn nhiều tương đồng khác trong các bộ môn như sinh học (bioscience), [sinh hóa học (biochemistry),] vật lý hạt nhân (nuclear physics), triết lý khoa học (philosophy of science), tâm lý học (psychology), phân tâm học hay tâm lý trị liệu (psychotherapy), di truyền học (genetics) v...v..., và nếu khảo sát kỹ thì trong bộ môn nào, tư tưởng Phật Giáo cũng đi trước khoa học khá xa.  Cũng vì vậy mà những bộ óc khai phóng, tiến bộ nhất của nhân loại hiện nay càng ngày càng phải tìm về những chất liệu trong Phật Giáo với hy vọng giải quyết những bí tắc trong việc mở mang kiến thức loài người.  Ngoài ra, cái tinh thần từ bi hỉ xả và bản chất khoan dung của Phật Giáo cũng lần lần đi vào đầu óc của những con người tiến bộ trong thời đại khoa học.

Sau đây là những điểm báo để tìm những tương đồng giữa khoa học và Phật Giáo:

1.  “Theo các nhà khoa học hiện nay, Chân không không phải là trống không, trống rỗng, không có gì cả.  Chân không thực ra là một khoảng trống, không trống rỗng, nhưng trong đó vẫn có những hạt và phản hạt bỗng nhiên xuất hiện rồi tự hủy.”

2.  “Pagels quan niệm về Hữu / Vô của ông như sau,  ‘Cái gì không hiện hữu, Vô Thể hay Chân Không đều là trò chơi bỡn cợt của Đấng Phù Thủy muôn đời.’  Những nhà Vật Lý Học lý thuyết và thực nghiệm ngày nay đang nghiên cứu về Chân Không – điều chẳng có gì cả.  Những cái ấy Vô ấy chứa tất cả cái Hữu.”

3.  Theo Lý thuyết Bổ Sung (Complimentary Theory,) cái Hữu/Vô có thể là Hạt (Particle/Matter) hoặc là Sóng (Wave/Mind.)

4.  Theo Nguyên Tắc Bất Định (Uncertaincy Principle), không thể xác định dứt khoát vấn đề Hạt hay Sóng.

5. Đệ tử của Neil Bohr không ngờ rằng ông đã đề xướng ra Lý Thuyết Bổ Sung sau khi nghiên cứu và áp dụng triết lý của Á Đông.”

Kinh Phật dạy rằng Hư Không (hay là Chân Không) không phải là ngoan không, nghĩa là chẳng có gì cả, mà trong đó có đủ loại quang minh cùng các loài chúng sinh cư ngụ.  Kinh Lăng Nghiêm, trang 221 Phật dạy, “A Nan! Như hột bụi trần gần như Hư Không vì chia mà thành ra hạt bụi gần Hư Không, mà thành lại sắc tướng.”

Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Quán Chúng Sinh, trang 67, kể lại cuộc đối thoại giữa Bồ Tát Văn Thù và Duy Ma Cật, theo đó cái Có là do ở cái Không mà ra. 

1. “Nếu trước đây, với cơ học lượng tử, hạt được quan niệm là một Điểm thì khi chuyển động trong không gian, nó vạch thành đường mà ta có thể gọi là ‘đường trời.’ (World Line).

2.  Theo M. Kaku và J. Trainer, ngoài vấn đề giải thích các hạt cơ bản như các Tơ Trời vi ba là từ thân xác ta cho đến các vì tinh tú đều là hình thức tổ hợp của các Tơ trời…”

1Theo Nguyên Lý Bất Định của Heisenberg, những hạt lượng tử có thể sinh từ Vô Thể… Đó là một lượng tử ảo.  Nó có thể trở thành một lượng tử thật, một hạt thật, nếu hội đủ số năng lượng cần thiết…

2. Ngoài ra, tư tưởng về cấu trúc Hadron với tính cách phi nền tảng, phi cục bộ đã thống nhất vũ trụ khoa học với nhân sinh quan huyền nhiệm của truyền thống đông phương.”

Hiện nay, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết coi ý thức tâm linh huyền nhiệm có thể là cơ lực căn bản thứ năm của vũ trụ (Fifth element.)

Pháp Giới như là một màn Thiên La Địa Võng (lưới trời võng đất,) khi tu hành lọt vào Tàng Thức thì tâm thức của hành giả sẽ dung thông với pháp giới, tức là cái màn lưới Đế Châu của vũ trụ. Tất cả những gì xẩy ra trong vũ trụ, hành giả đều biết hết.  Thí dụ, Bộ lạc Kogi ở Nam Mỹ, tuy sống cách biệt thế giới loài người nhiều ngàn năm mà những gì xẩy ra ở thế giới họ đều biết hết.  Theo những tài liệu này, những vị thành niên của bộ lạc Kogi phải ngồi Thiền trong 7-8 năm trời, cũng như Tổ Tư Đạt Ma đã quay vào vách đá ngồi Thiền, tham thiền diện bích, ròng 9 năm.

Một khi cái tính Không của Phật Giáo có thể xem là sự mô tả thiên nhiên trong vật lý nguyên tử thì hai phát biểu sau đây của nhà vật lý nguyên tử lại có thể xem như sự mô tả về chứng thực của đạo học:

H.P.Stapp nói: Một hạt cơ bản không phải là một đơn vị tồn tại độc lập, có thể phân tích được. Nó không gì hơn là một loạt những mối liên hệ, chúng vươn mình ra ngoài, với tới những vật khác.

W.Heisenberg nói: Theo cách thế này thì thế giới hiện ra như một mạng lưới gồm toàn những tiến trình, trong đó hiện diện rất nhiều cách liên hệ kỳ lạ cứ tạo ra nhau, tác động lẫn nhau và với cách đó mà chúng quyết định cơ cấu của toàn bộ mạng lưới.

Heisenberg viết, “Điều mà ta quan sát được, không phải là thế giới tự nhiên tự nó, mà là thế giới đã bị [ảnh hưởng]câu hỏi của ta tác động lên.” Quan sát viên là người quyết định muốn đo lường điều gì và chính sự tổ chức đo lường này quyết định một phần tính chất của vật được quan sát. Khi phép đo bị thay  đổi, thì tính chất của vật được quan sát cũng thay đổi theo.

Nhà Vật Lý Capra viết: Điều này có thể giải thích trong trường hợp đơn giản nhất của một hạt hạ nguyên tử. Khi quan sát một hạt như thế người ta có thể đo vị trí và xung  lực. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết về định luật quan trọng của thuyết lượng tử đó là định luật bất định của Heisenberg, nó nói rằng ta không bao giờ cùng lúc đo được chính xác hai thái cực này.  Hoặc  chúng ta có thể  xác định được vị trí của hạt và không hề biết gì về xung lực vận tốc, hoặc là ngược lại, hoặc ta chỉ biết không chính xác về hai trị số đó?

Trong vật lý nguyên tử, nhà khoa học không thể đóng một vai trò của một quan sát viên khách quan, không tham dự được, mà họ bị lôi vào trong thế giới bị quan sát và gây ảnh hưởng lên tính chất của vật bị quan sát. Tính chất mà quan sát viên bị đưa vào tiến trình của thí nghiệm được nhà khoa học Jonhn Wheeler xem là nét quan trọng nhất của thuyết lượng tử.  Do đó ông khuyên ta nên thay chữ quan sát viên bằng từ tham dự viên.

Hình ảnh sự vướng víu đan nối này của mạng lưới vũ trụ trong vật lý hiện đại đã được phương Đông sử dụng nhiều nhằm trao truyền kinh nghiệm của họ về thế giới tự nhiên. Trong Ấn Độ Giáo thì Brahman là sợi dây nối kết của tấm lưới vũ trụ, là nguyên nhân cuối cùng của mọi hữu hiện: Trên trời dưới đất, trong khí quyển, tất cả đều dệt, và ngọn gió cũng như hơi thở.  Chỉ mình ngươi biết, cái đó chỉ là một linh hồn duy nhất.

Quan điểm mạng  lưới  vũ trụ cũng đóng  vai  trò trung tâm trong Phật Giáo Tantra (Mật giáo,) một nhánh của Đại Thừa xuất phát từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 3rd  trước Công Nguyên và ngày nay là trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng. Kinh sách trường phái này được gọi là “Tantra,” một từ gốc Sanskrit mang nghĩa “lưới dệt” và ám chỉ sự liên hệ và tương tác của mọi sự vật và biến cố.

Trong Phật Giáo, hình ảnh của một tấm lưới vũ trụ Đế Thiên đóng một vai trò rất quan trọng.  Nội dung trung tâm của Kinh Hoa Nghiêm xem thế giới là một tấm lưới toàn hảo về mối tương quan, trong đó mọi sự vật và biến cố tác động lên nhau, trùng trùng điệp điệp duyên khởi vô tận. Phật Giáo Đại thừa đã tìm nhiều ẩn dụ để diễn bày mối liên hệ nội tại này của vũ trụ, một số đó trùng hợp với quan điểm tương đối của thuyết dung thông (boot-strap theory) của vật lý hiện đại. 

Trong đạo học phương Đông thì mạng lưới vũ trụ đó luôn luôn chứa đựng cả người quan sát và ý thức của nó, và điều đó cũng đúng trong vật lý nguyên tử. Trong bình diện nguyên tử thì vật thể chỉ được hiểu trong mối quan hệ giữa tiến trình chuẩn bị và đo lường. Đoạn cuối của tiến trình này luôn luôn nằm trong ý thức của người quan sát. Sự đo lường là một tiến trình, nó gây trong ý thức ta sự cảm thọ, thí dụ sự thấy một tia sáng chớp hay một vệt đen trên chế bản, và qui luật của vật lý nguyên tử cho ta biết rằng, với một xác suất nào một vật thể hạt nhân sẽ gây nên một cảm thọ nhất định nếu ta chịu tương tác với nó. Heisenberg viết: Khoa học tự nhiên không mô tả và lý giải về tự nhiên đúng như nó - là - như - thế. Đúng hơn, khoa học tự nhiên là một phần của tiến trình tương tác động qua lại giữa tự nhiên và chính chúng ta”.

Như đã kể trên, một số nhà Khoa Học và Vật Lý Gia đã trở về nghiên cứu những tư tưởng huyền diệu của đạo lý Đông Phương nhất là đạo Phật.  Thomas Cleary với cuốn, “Entry into the Inconceivable” (Bước vào Thế Giới không tưởng,) đã bừng tỉnh thoát khỏi cái mê lậu của khoa học bằng cách cổ võ việc ngộ nhập vào thế giới huyền nhiệm của đạo lý Đông Phương.  Ken Welber với “The Hollographic Paradigm” (Mô Hình Ảo Ảnh,) và Michael Talbot với “The Hollographic Universe” (Vũ Trụ Ảo hay Pháp  Giới Như Huyễn,) đã giác ngộ cái lẽ Sắc Không của Đạo Phật.

Trong bài tự thuật, Albert Einstein, cha đẻ của khoa học hiện đại, đã nói rằng ông là một người không tôn giáo, nhưng nếu có tôn giáo thì ông phải là một Phật Tử.

Điển hình nhất là Vật Lý Gia người Mỹ gốc Áo Fritjof Capra đã làm chấn động giới khoa học Tây Phương sau khi ông xuất bản cuốn “The Tao of Physics” (Đạo của Khoa Vật Lý) năm 1974.  Trong đó ông trình bày những sắc thái đặc biệt của Đạo Lão, Đạo Phật, Đạo Thiền.  Trong nhiều năm trời, ông đi diễn thuyết ở nhiều nơi, nêu lên những cái bất quân bình của xã hội Tây Phương như trọng khoa học hơn tôn giáo, và ưa thực nghiệm hơn huyền nhiệm… Trong chương kế chót, Những Mẫu Hình Mới Trong Tư Duy Khoa Học, của Đạo của Vật Lý, Capra đã nói đến nguồn cội tập quán nhị nguyên từ hơn 2000 năm về trước của Tây Phương và những khám phá tương đối của khoa học dùng lý tính dựa trên một căn bản giai đoạn như dã tràng xây cát biển Đông, xây lâu đài trên cát.  Trong khi đó vũ trụ quan của Phật Giáo dựa trên tương quan vững chải vượt không gian lẫn thời gian của lưới Đế Châu để giải thích thực tại của vũ trụ và nhân sinh quan tương tự như cosmos webs mà khoa học hiện đại mới biết đến...Ông kêu gọi giới khoa học và dân chúng Tây Phương cần tìm hiểu những tư tưởng siêu việt và huyền nhiệm của đạo lý Đông Phương vì những đạo lý này có thể làm khuôn mẫu tốt đẹp và thường hằng cho những lý thuyết tuyệt đỉnh nhất của giới Vật Lý Tây Phương.

Jemery W. Hayward hăng hái cổ võ bằng đề tài cuốn sách ông xuất bản năm 1987, “Shifting Worlds, Changing Minds, Where the Sciences and Buddhism Meet” (Chuyển Hoá Thế Giới, Thay Đổi Tư Duy để Khoa Học và Phật Giáo Gặp Nhau.)

Trong lời giới thiệu cuốn “Vật Lý Học và Phật Giáo” của Tiến sĩ Vật Lý Vương Thủ Ích thuộc Đại Học Michigan, Thượng Tọa Thích Viên Lý đã viết:

Khoa học chú tâm vào việc khám phá chân lý để soi sáng ý nghĩa nhân sinh và vũ trụ, đồng thời để tạo ích lợi cho con người.  Phật học nỗ lực truyền thừa chân lý để được nghiệm chứng để mang lại phúc lạc thật sự cho muôn loài.  Một bên là thể nghiệm một bên là tìm cầu.  Lẽ tất nhiên, con đường tìm cầu đến lúc nào đó sẽ trực diện với sự thể nghiệm, chứ không phải sự tìm cầu, mới có thể hội chứng được chân lý…”

Xem như vậy, việc kêu gọi đổi mới tư duy và tìm cầu chân lý trong đạo lý Đông Phương của một số khoa học gia tiền phong Tây Phương đã rất phù hợp với những nhận định của Thượng Tọa Thích Viên Lý.

Bác sĩ Carl Jung (1875 – 1961,) ông Tổ của ngành phân tâm học ca ngợi Phật, "Tôi đã từng chữa trị bệnh đau khổ tâm thần. Nghề chuyên môn này nó đã đưa đẩy tôi trở thành quen thuộc với quan điểm chẩn bệnh và phương pháp chữa trị của một bậc Thầy vĩ đại của nhân loại, Ngài là y vương chuyên môn trị liệu những chuỗi bệnh khổ đau. (My task was to treat psychic suffering and it was this that impelled me to become acquainted with the view and the methods of that Great Teacher of humanity, whose principal theme was the chain of suffering.)

Theo quan điểm Phật giáo, khổ luôn luôn xuất hiện khi ta cố trì giữ dòng chảy của đời sống, sở trụ vào những dạng hình tưởng là chắc thật, nhưng chúng chỉ là ảo giác (maya,) dù những dạng hình tưởng là chắc thật đó có thể là sự vật, biến cố, con người hay tư tưởng...Tương truyền sau khi giác ngộ, Phật đến ngay vườn Benares để truyền giáo pháp cho các bạn đồng hành ngày trước đã tu học với mình. Ngài diễn tả giáo pháp trong bài Tứ Diệu Đế nổi tiếng, bài này chứa đựng nội dung căn bản của giáo lý.  Chúng có nội dung như một bài giảng chẩn bịnh và phân tích một y sĩ: Trước hết, nguyên nhân bị bệnh được xác định, sau đó khẳng định là bệnh đó có thể chữa lành được và cuối cùng là cho toa thuốc và sự hợp tác đầy trí tuệ của người bệnh.

Chân lý thứ nhất chỉ rõ tình trạng làm người là dukkha, đó là sự khổ hay thất vọng. Khổ xuất phát từ việc con người không đủ khả năng để thấy đời sống xung quanh ta vốn tạm bợ, nó chỉ là một giai đoạn quá độ.

Chân lý thứ hai tìm hiểu nguyên nhân cái khổ, đó là tham ái, có nghĩa là chấp chặt, nắm giữ.

Chân lý thứ ba quả quyết rằng khổ và sự thất vọng có thể chấm dứt được. Có thể thoát khỏi vòng luân hồi được, thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp và đạt đến tình trạng hoàn toàn giải thoát niết bàn được.

Chân lý thứ tư là giải pháp của Phật đề ra để chấm dứt khổ, con đường với Bát Chính Đạo để tự chứng thực, dẫn đến Phật quả.

Vì đối với bệnh khổ của chúng sanh, tùy nhân duyên nghiệp quả, tùy bất đồng tâm tánh, Ngài dùng nhiều phương tiện nói pháp khiến cho chúng sanh hết bệnh mê lầm dứt khổ, nên thế gian ví Ngài là Vô Thượng Y Vương,  một vị vua lương y cao tột hay Vô Thượng Pháp Vương, một nhà Pháp Sư Vương cao cả nhất.

 

 

Figure 52 Tất cả do Tâm tạo

 

Theo Phật Giáo, vọng Tâm là nguồn gốc tạo ra tất cả.  Hạt Tâm (particle) động tạo ra một dòng tâm thức (wave) bao gồm những hạt nguyên tử khi được quan sát, và sóng khi không ai quan sát nó, rồi từ vô cực vi mô (Micro) đến vô cực vĩ mô (Macro) tạo ra những hiện tượng xum la và vạn vật trên vũ trụ mà tất cả đều được kết nối và tương tác liên tục, liên hoàn với nhau như những vòng dây xích của 12th nhân duyên hay tấm lưới vũ trụ.  Đây là những điều mà khoa học bây giờ khám phá ra về hạt, sóng và đặc tính linh đầy thông minh cũng như bản lai vô sở, vô trụ của những siêu nguyên tử.  Khoa học và vũ trụ học hiện đại cũng có lối nhìn tương tự như quan niệm của Phật Giáo họ đã công nhận tự tánh của vật chất thay đổi bất thường, liên tục và hiện diện khắp nơi trong vũ trụ.  

 

Trong Khoa Học và Phật Giáo, Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận viết, “ Tính bất biến của trời theo Aristotle và vũ trụ tĩnh của Newton không còn hợp thời nữa. Tất cả đều chuyển động, tất cả đều thay đổi, và tất cả đều là vô thường, từ nguyên tử nhỏ nhất cho tới chúng sinh, các thiên hà, các ngôi sao, và toàn vũ trụ. Bắt nguồn từ một vụ nổ khởi thủy, rồi vũ trụ loãng dần đi.  Bản chất động này được mô tả trong các phương trình của thuyết tương đối. Với lý thuyết Big Bang, vũ trụ có một lịch sử. Nó có một khởi đầu, một quá khứ, một hiện tại và một tương lai. Một ngày nào đó nó sẽ chết trong một lò lửa địa ngục cháy rừng rực hoặc trong sự lạnh lẽo băng giá. Tất cả các cấu trúc của vũ trụ - các hành tinh, sao, thiên hà hay đám thiên hà – cũng đều chuyển động liên tục và tham gia vào một vũ điệu vũ trụ khổng lồ chuyển động quay quanh mình nó, quay quanh các thiên thể khác, rời xa hay sáp lại gần nhau. Chúng cũng có một lịch sử từ vô lượng kiếp: chúng sinh ra, tiến hóa và chết. Các sao tuân theo các chu kỳ sinh tử đo bằng hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm.

 

Vận tốc của trái đất quay trên quỹ đạo, xung quanh mặt trời trong Thái Dương Hệ, khoảng 66600 miles/1 giờ nhanh gấp 1000 lần vận tốc bạn thường lái xe trên xa lộ với tốc độ 66.6 mph.  Nếu bạn ngồi trong xe dù là vừa mắt mắt tham thiền vừa lái xe thì có chắc là bạn có thật tĩnh tọa không?  Bạn đang ngồi yên trong xe với tốc độ 66.6 mph và đang quay chung mặt trời với vận tốc 66600 mph.  Đồng thời trái đất cũng còn đang quay xung quanh trục Nam Bắc với vận tốc quay khoảng 1040 miles/1 giờ.  Như vậy, bạn chỉ là tương đối tĩnh tọa, vì trên thực tế bạn đang xuay cuồng luân vũ trong không gian.  Hoà Thượng Duy Lực nói: Chúng ta quay mà cứ tưởng cái nhà quay.  Hình như cả hai nhà lẫn người điều quay như điển tích phướng động trong chuyện Lục Tổ?  Nhưng khác với tâm động trong truyện phướng động ở trên, đa số chúng ta bây giờ nhờ có kiến thức khoa học biết mình đang quay nhưng không thấy động, như tĩnh.  Đó là ý nghĩa của thực tại: thấy vậy chứ không phải như vậy.

 

Giáo Sư Trần Chung Ngọc nói. “Vì nằm trong Vật Lý học, nếu thuyết Tương Đối trong khoa học chỉ có những áp dụng giới hạn trong thế giới vật chất, thì thuyết Tương Đối trong Phật Giáo có tác dụng mở rộng tâm thức của con người đến vô hạn. Cũng như mọi quan niệm khác trong Phật Giáo, quan niệm tương đối không phải để tranh luận mà để quán chiếu và hội nhập.  Có thể nói, thấy được tính tương đối của mọi sự vật là thấy được tính hòa hợp của mọi sự vật, cùng lúc cũng thấy được tính vô thường và vô ngã của vạn pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, 99% những hành động và ý nghĩ của chúng ta là để phục vụ cho “cái Ta.”  Chính là vì chỉ để phục vụ cho ‘cái Ta’ mà nhiều khi chúng ta gặp phải những điều phiền toái.”

 

Cố Giáo Sư Trần Chung Ngọc viết tiếp, “Tôi còn nhớ, khi còn dạy ở Đại Học Wisconsin, Madison, có một đồng nghiệp người Mỹ muốn tôi theo Ki Tô Giáo nhưng biết tôi là một Phật Tử. Một hôm, anh ta hỏi tôi: Theo Phật Giáo thì được cái gì? Tôi biết là người Ki Tô thường được hứa hẹn nhiều thứ lắm, trong đời này cũng như đời sau. Tôi bèn trả lời: Chẳng được cái gì cả, trái lại tôi mất đi nhiều lắm. Tôi chỉ được những cái còn lại [Nothing! On the contrary I lost a lot. What’s left is what I gain]. Tôi không nghĩ rằng anh ta hiểu, và tôi cũng không giải thích gì thêm.” Giáo Sư Ngọc không thèm giảng nhưng tôi xin bàn thêm:  Giáo Sư Ngọc biết mình mất rất nhiều cái gì phải nên mất và được cái gì còn lại nên được.  Còn cái ông Giáo Sư đồng nghiệp muốn cải đạo người khác: Ông ta không biết ông ta đã bị được cái gì, mất thật nhiều cái gì không nên mất.  He doesn’t know what he’s gotten into and what he shouldn’t lose a lot!  Ông ta không biết cái không biết! He doesn’t know don’t know!

 

"Biết không không biết biết không không

Không không biết biết không không biết"

(Bùi Giáng)

 

Tương tựa như Trịnh Công Sơn nói: Tôi đang tập hành thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và chơ chính bản thân mình."  Nhưng xin thưa, có cái gì cần thiết còn ở lại?

Về Nguyên Tử, Ngài Vô Trước cho rằng Nguyên Tử không có thực thể (The atom should be understood as not having a physical body.) Kỳ Na Giáo quan niệm: nguyên tử không được cấu tạo từ bản thể vật chất.  Phật Giáo xác lập: Mọi vật đều vô thường, mọi vật đều vô ngã, mọi vật đều Không (Sarvam Sùnyam.)

Thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử cũng không là ngoại lệ. Cả ở đó cũng vậy, tất cả đều thay đổi bất thường. Các hạt có thể thay đổi bản chất: một quark, nền tản cơ bản của vật chất, có thể thay đổi sở tại.  Một proton có thể trở thành một neutron kèm theo sự phát ra một positon (phản hạt của electron) và một neutrino, vật chất có thể biến thành năng lượng thuần túy. Chuyển động của một hạt có thể biến thành hạt, hoặc ngược lại thành sóng. Nói cách khác, tính chất của một vật có thể biến thành vật. Nhờ sự mờ nhòe lượng tử của năng lượng, không gian bao quanh chúng ta có một số lượng lớn không thể tưởng tượng nổi các hạt gọi là “ảo,” tồn tại hư ảo và ngắn ngủi. Xuất hiện và biến mất trong các chu kỳ sinh tử vô cùng ngắn, chúng là những bằng chứng rõ ràng nhất của sự vô thường, vô sở vô trụ.

 

J.Robert Oppenheimer dùng Phật Pháp để trả lời tâm tư con người qua những câu hỏi thường thức - chúng ta từ đâu đến, làm gì ở đây, chết sẽ đi về đâu?   Ông ta đưa ra tánh không của một hạt nhân điện tử với bản tính vô sở vô trụ, vô thường, không đi không đến, không thời gian, không không gian để giải đáp những tâm tư đó như sau:

 

Nếu chúng ta hỏi, chẳng hạn, có phải vị trí một hạt nhân điện tử lúc nào cũng giữ nguyên không thay đổi, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải vị trí của một hạt nhân điện tử thay đổi theo thời gian, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải hạt nhân đó đang di động, chúng ta phải trả lời "không."  Đức Phật cũng đã giải đáp như vậy khi có người hỏi tình trạng bản ngã của con người sau khi chết; nhưng những câu trả lời như trên không phải là những câu trả lời quen thuộc theo truyền thống khoa học ở thế kỷ 17 và 18. [J.Robert Oppenheimer]

 

Cái khó khăn của ngành vật lý học là cố công giải mã cái sự thật tự nhiên bằng cách cặp đôi lý thuyết toán học với một khối bằng chứng.  Ngày hôm nay, hầu hết những nhà vũ trụ học nghĩ rằng vũ trụ được cấu tạo từ một sự nổ bùng vĩ đại (big bang) chừng 13.7 tỷ năm về trước và nó tiếp tục bành trướng với một tốc độ gia tăng mải mải.  Vũ trụ được thêu dệt trên một tấm vãi được gọi là không-thời (space-time) như một tấm lưới đế châu của Phật Giáo (Indra Jewel Web) được gọi là tấm lưới của những thiên hà ánh sáng và nhửng chất tối bí mật không thấy được (invisible dark matter) trong vũ trụ.  Những dữ kiện này đã được thí nghiệm, đo đạt, thử nghiệm, chứng minh từ cả nhiều thập niên với một rừng sách mô tả về nguồn gốc của vũ trụ cho đến khi được khoa học trong tương lai chứng minh là lỗi thời.

Người Âu Châu, với đầu óc thực tiển, thiên về vật chất và lý luận khoa học.  Họ đã có một nền văn minh kỷ thuật hiện đại khá cao, đạt được những tiến bộ khoa học đáng kể, và khám phá được những điều lợi ích cho chúng sinh và thế giới rất đáng khích lệ.  Ngược lại, người Á Châu thiên nội tâm, hướng về đạo đức, tâm linh, và huyền nhiệm nhiều hơn.  Những nhận xét và so sánh này chỉ tương đối với thời đại bây giờ chứ không hoàn toàn đúng vì thế giới càng ngày càng ‘bé nhỏ’ nhờ vào văn minh của kỷ thuật truyền hình và thông tin.  Nhu cầu văn minh khoa học và kỷ thuật tỷ lệ nghịch với triết học và tôn giáo thần quyền. 

Trên phương diện tổng quát, huyền nhiệm tâm linh hiểu biết được trong gốc rễ tận cùng của Đạo mà không biết được ngoài cành lá.  Kiến thức lý trí biết cành lá bên ngoài mà không thật thấy được gốc rễ bên trong.  Hay khoa học và y học dựa vào toán học, vật lý học, triệu chứng và thí nghiệm để tìm hiểu hiện tượng bên ngoài của thiên nhiên và sinh lý của con người.  Triết lý và tôn giáo từ nhiều ngàn năm đã dựa vào suy luận và sự huyền nhiệm để liễu tri những bí ẩn bên trong của vũ trụ và tâm linh của chúng sinh.

 

Trong bài ‘Stephen Hawking đã giải quyết bí mật của lỗ đen vũ trụ?’ Bởi Don Lincoln, September 4, 2015, tôi xin tạm dịch, “Theo luật lượng tử cơ học, thông tin không thể bao giờ bị thất thoát, ngay cả khi bị hút vào lỗ đen vũ trụ.  Điều này bởi vì hai tiền đề, quan hệ nhân duyên và ngược lại (từ quả tới nhân.)  Từ sự kiện này, những nghiệp quả có từ những nhân duyên và những cái nhân này có thể hoàn tác (thay đổi, hay không tạo ra nhân duyên cho nó thành quả hiện tại, nhân duyên diệt.) Hawking phát triển cái khái niệm nghiên cứu khoa học này với Malcolm Perry của Cambridge University, Anh Quốc và Andrew Strominger của Harvard University, Hoa Kỳ.   Họ định nộp giấy tờ này trong vòng một tháng hay hơn.  Đó là khi mà cái giá trị thực của đề nghị có thể bắt đầu duyệt xét.”

 

From ‘Has Stephen Hawking solved the mystery of black holes?’ By Don Lincoln, updated 2:44 PM ET, Friday September 4, 2015:

 

“According to the rules of quantum mechanics, information should never be lost, not even if it gets sucked inside the black hole. This is because of two premises: causality and reversibility. Taken together, it means that effects have causes, and those causes can be undone...  Hawking developed this concept in collaboration with Malcolm Perry of Cambridge University and Andrew Strominger of Harvard University. They plan to submit a paper in a month or so. That's when the real evaluation of the proposal can begin.” 

 

Chúng ta có thể thay đổi cái Nhân bằng cách reversed engineering như tôi đã nói trong những chủ đề Phật Giáo (Vô Tự Kinh) về Quả xãy ra trước Nhân hay từ Quả tới Nhân để thay đổi nhân quả hay chấm dứt nghiệp quả tùy tâm.  Tôi mong sẽ sớm được đọc về công trình nghiên cứu này của Hawking, Perry và Strominger.  Tuy nhiên, cái giải pháp đi ngược từ quả để thay đổi cái nhân (du hành về quá khứ) của họ đã được cả rừng sách vỡ tự nghị, và phim ảnh thực hiện từ lâu.  Khoa học chỉ chấp nhận trên lý thuyết, chứ trong vòng 1000 năm tới, con người chưa có khả năng thực hiện được mơ ước này.  Trong lúc đó, những cái tầm thường này, cả Phật Tử và Ấn Độ Giáo đều biết từ lâu.  Đức Phật, bật Bồ Tát, các Tổ, những cao tăng, thánh ni và những thánh nhân không những đã biết mà đã làm được từ hơn 2500 trước.  Nếu tôi là một nhà khoa học nổi danh như Hawking thì tôi có thể thắng nhiều giải Nobel hàng năm một cách dễ dàng bằng cách dịch các kinh Phật rồi nộp luận án để xem kiến thức khoa học duyệt xét và đánh giá trí tuệ Phật Pháp.

 

Trong Big Bang và Vũ Trụ Quan Phật Giáo, Thiền Giang viết, “Theo nhà Phật, toàn thể vũ trụ là một sản phẩm trong tương quan tâm thức mà không khác biệt với tâm thức.  Ngày nay giới khoa học đã biết rằng chủ thể quan sát không thể tách lìa đối tượng quan sát, và tùy theo giai tầng quan sát mà hiện thực mang những bộ mặt khác nhau (thuyết bất định [uncertainty] của Heisenberg.) Biên giới giữa vật chất và năng lực, do đó giữa thân và tâm của mỗi cá nhân không thể phân định rạch rời như người ta tưởng trước đây. Nhưng đối với một vật cực kỳ lớn và có tuổi dài đến hàng tỷ năm thì khoa học chưa thể xác định.  Nhà Phật còn khẳng định là từ vật hữu hình đến vật vô hình, từ vật nhỏ nhất đến vật lớn nhất đều không có tự tính, nghĩa là hằng hằng biến đổi, trạng thái đến sau không đồng nhất với trạng thái đến trước. Khoa học do vì phát sinh từ lý luận của một cái ngã, cái ngã của một nhà khoa học hay của một thế hệ các nhà khoa học, không sao quan niệm nổi trạng thái vô ngã của vạn vật. Tính cách khách quan trong các quan sát khoa học không hoàn toàn khách quan như họ tưởng, chính vì thế cho nên tuy đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho đời sống, khoa học kỹ thuật vẫn còn là và sẽ là một hiểm họa cho nhân loại khi nhà khoa học hay các người sử dụng nó dùng các phát minh cho tham vọng cá nhân hay dân tộc.  Lý thuyết vô ngã của nhà Phật mới là nền tảng đạo đức thật sự cho một xã hội văn minh kỹ thuật trong tương lai.”

 

Vũ trụ quan của nhà Phật với những luận điểm trí tuệ mà khoa học ngày nay đã thán phục dù khoa học chưa có đủ khả năng lẫn điều kiện để chứng tỏ.  Chẳng hạn, ngày nay giới khoa học đã biết rằng chủ thể quan sát không thể tách lìa đối tượng quan sát, và tùy theo giai tầng quan sát mà hiện thực mang những bộ mặt khác nhau (thuyết bất định [uncertainty] của Heisenberg.)  Biên giới giữa vật chất và năng lực, do đó giữa thân thể và ý thức không thể là hai cá thể riêng biệt.  Tuy nhiên, khoa học chưa đủ trí tuệ để biết là không có chủ thể lẫn vật thể để mà đối chiếu vì tất cả do Tâm tạo ra cái đối chiếu nhị nguyên chấp ngã đó.  Tâm không ở trong thân; mà thân ở trong tâm.  Đó là chân lý Nhất Thể bất khả phân, hay còn gọi là bất nhị.  Khó hiểu hơn nữa là tâm là tâm, thân là thân.  Cho nên dù khoa học có hiểu lý lẽ bất khả phân của vũ trụ theo lý luận tứ cú nhị nguyên, nó cũng chưa phải hiều vậy là như vậy.

 

Tóm lại, diễn tả ngắn gọn nhất về sự khác biệt giữa Phật Giáo và Khoa Học là khoa học đã chứng minh vật lý bằng phương pháp nhị nguyên dùng phương tiện đo đạt của ngũ uẩn, rồi cả tin rằng có một vụ “nổ ban đầu” (Big Bang) cách đây khoảng 13.7 tỉ năm sinh ra vũ trụ vật lý (spatial universe.)  Phật Giáo Thiền Giả thấy có một sự “bùng nổ” trong tâm xảy ra trong từng sátna.  Khoa học chỉ thấy được những hậu quả của big bang trong khi đó Phật Giáo thấy được nhân quả lẫn nhân duyên của nhiều vũ trụ.  Phật Giáo thấy được cái hư không của những cỏi hữu hình lẫn vô hình (Spatial and Temporal Universe.)  Trong khi đó khoa học chỉ thấy và biết được phần nào 5% được ánh sáng rọi tới còn 70% dark energy và 25% dark matter thì vẫn chưa hiểu tới.  Khoa học nhìn vũ trụ từ bên trong trong ra ngoài trong khi đó Phật Giáo quán vũ trụ từ bên ngoài vào trong.

 

Không có điểm tương phản hay tương đồng giữa Phật Giáo và Khoa Học vì khoa học ở trong bàn tay thần thông của Phật Pháp.  Tương tự như trong truyện Tây Du Ký, Tề Thiên cân đẫu vân trong lòng bàn tay Phật Tổ.  Tưởng mình có thể nhãy một cái đã tới tận chân trời.  Cái trí khôn, một niệm đại náo thiên cung, với 72 phép biến hóa lừa bịp che mắt thế gian của Tề Thiên Đại Thánh không đủ bản lảnh để thoát khỏi lòng bàn tay vô lượng, vô biên của Đức Thế Tôn.  Tóm lại, khoa học là một trong những bản thể của Phật Giáo.  Khoa học đã luôn luôn ở trong Phật Giáo chứ không phải hai đối đối tượng riêng biệt để mà hợp nhất. 

32.                   Phật Giáo hợp nhất với Khoa Học

 

Theo luận gia Gerald Du Pré, "Trong thế kỷ này, đã có nhiều công cuộc hòa hợp tôn giáo trên thế giới, với mục đích đáng tán thưởng là tìm ra những điểm chung giữa các tôn giáo, và cổ súy tinh thần khoan dung giữa các tôn giáo.  Tuy nhiên, điều này không làm cho tôn giáo sống lại, vì những thứ mà hầu hết những tôn giáo cùng có là lòng tin, giáo điều, thánh kinh và các thần tính, tất cả những thứ này làm cho các tôn giáo đó không tương hợp với khoa học.  Phật giáo (cùng với Lão giáo) là một biệt lệ, vì Phật giáo không phải là một tín giáo, không có giáo điều cứng ngắt, không có thần quyền và không chấp nhận hiệu lực cứu rỗi của bất cứ ai khác.”

 

Tôi không tin rằng chúng ta có thể hợp nhất các tôn giáo.  Điều này chỉ dẫn đến sự lẫn lộn hơn nữa các tôn giáo khác đều phản khoa học không thể hòa hợp với khoa học được.  Gerald Du Pré lý tưởng: “Chúng ta nên cố gắng tranh đấu để hợp nhất Phật Giáo và khoa học, để tạo nên một tôn giáo khoa học cho thế giới hiện đại.  Khoa học Phật Giáo sẽ làm tan biến sự hoang mang, bối rối bằng cách làm sáng tỏ và hợp nhất lý thuyết và phương pháp hành trì Phật Giáo để làm một căn bản giác ngộ vững chắc, hữu hiệu cho người Tây phương.”  Chuyện này có thể không cần thiết nhưng khoa học nên nghiên cứu một chút triết lý Phật Giáo để có thể giải quyết cái mà khoa học phải dừng lại.

 

(During this century, a great deal of work has been done for uniting the religions of the world, with the praiseworthy object of discovering what they have in common, and for promoting tolerance among them.  However, this has not lead to a revival of religion, because what most religions have in common is faith, dogma, divine scriptures and deities, all of which make them incompatible with science.  Buddhism (along with Taoism) is the great exception to this, for it is not a faith, has no dogma or divine authority of its own and does not accept the validity of anyone else's.

I don't believe that we should be trying to unite Buddhism with other religions.  This only leads to confusion.  Instead, we should be striving to unite Buddhism and science, so as to produce a religion of science for our modern world.  Scientific Buddhism will dispel confusion by clarifying and unifying Buddhist practice and theory and making it an effective stepping-stone to enlightenment for Westerners."  ("Scientific Buddhism" by Gerald Du Pré, in "Buddhism and Science", Edited by Buddhadasa P. Kirthisinghe, New Delhi, India, 1984), http://sachhiem.net/TCN/TCNkh/TCNkh08.php

 

Giáo sư thiên văn học nổi tiếng của University of Virginia, Trịnh Xuân Thuận trong buổi nói chuyện tại Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) với chủ đề Phổ biến khoa học vũ trụ sáng qua đã nói, "Phật giáo nhìn vào trong, còn thiên văn nhìn ra ngoài. Khoa học cần trí tuệ phân tích, làm cách chính xác với dụng cụ như kính thiên văn.  Còn Phật giáo dùng trực giác để tìm hiểu sự thật. Như vậy, Phật giáo và khoa học thiên văn có hai lối nhìn khác nhau ... Tuy nhiên, giáo sư Thuận cho hay, giữa Phật giáo và khoa học có nét tương đồng. Ông phân tích, Phật giáo có nói đến sự vô thường, cái gì cũng thay đổi. Đó cũng là đề tài của khoa học thế kỷ 20. Trước kia, người ta tưởng vũ trụ là bất biến, theo quan điểm của Aristotle. Nhưng sau này, khoa học đã chứng minh, vũ trụ thay đổi, và trong vũ trụ, mọi vật đều thay đổi. (http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/giao-su-trinh-xuan-thuan-noi-chuyen-ve-khoa-hoc-vu-tru-2212459.html

 

Theo tôi, tuy ‘Phật giáo và khoa học thiên văn có hai lối nhìn khác nhau’ nhưng cả hai đều cùng nhìn về một mục đích gần như nhau đó là cùng ‘nhìn vào trong.’   Phật Giáo quán tự tại trong khi đó Thiên Văn Học nhìn trở lại nguyên thủy của vũ trụ, big bang. 

 

Phật Giáo dùng trí tuệ và thiền định để quán tự tại, biết được ‘trong nhà có báu thôi tìm kiếm’ trong khi đó khoa học dùng kiến thức để tìm cái không ở ngoài, cho nên suốt đời chạy theo cố bắt cái bóng vô thường, luôn đổi thay. Thật ra, khoa học thiên văn đang tìm và quan sát lại bên trong nhưng vì chúng ta ở trên qủa đất nhìn lên trời lầm tưởng là nhìn ra bên ngoài. 

 

Khoa học luôn luôn thay đổi và xét lại bởi những khám phá mới nhưng Phật Giáo Quan chưa cần phải xét lại từ hơn 2600 năm nay.  Tuy nhiên, Phật Giáo rất trí tuệ, dân chủ, bình đẳng và cởi mở với bản lai luôn thích hợp với thực tại (truth) nếu cần thiết phải thay đổi và xét lại thì sẽ thích ứng.  Cho nên, khoa học gia với kiến thức được trang bị thêm trí tuệ của Phật Giáo hay bật thiện tri thức của Phật Giáo với kiến thức của khoa học gia sẽ tạo ra một ‘tôn giáo khoa học’ để giải thích được rất nhiều vấn đề trên đời có lợi ích cho chúng sinh trên thế giới.  Phật Giáo và Khoa Học, kiến thức và trí tuệ, hổ tương có thể là một đại nhân duyên chưa bao giờ xảy ra cho thế giới.

 

Cũng như nhiều bật thiện tri thức của Tây Phương đã chiêm ngưỡng Phật Giáo, có lẽ nhà bác học Vật Lý Albert Einstein là người viết về Đạo Phật nhiều nhất.  Sau đây là vài tuyên bố đầy ý nghĩa của ông ta về Phật Giáo.

 

“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó cao thâm hơn cái thượng đế nhân tạo và viễn ly những tín điều nhãm nhí và thần học.  Gồm cả thực tại (natural ở đây có nghĩa là truth, genuine, factual, bona fide) lẫn tâm thức, nó nên được dựa trên căn bản tôn giáo hợp lý, thăng hoa (tiến bộ, arise) từ nổi khổ đau (experience, suffering, endure) của tất cả vạn vật (chúng sinh, giống hữu tình lẫn thiên nhiên [natual,] giống vô tình, cây cỏ, sông núi) và tâm linh (trí tuệ, linh hồn, ý thức,) như cái nguyên (meaningful, full of history, ancient) nhất thể.  Đạo Phật là tôn giáo thích hợp cho cái nhu cầu tôn giáo của vũ trụ trong tương lai này. 

 

(The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description. Albert Einstein )

 

Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: “Nếu có một tôn giáo nào thích hợp với các nhu cầu của khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo. Phật Giáo đòi hỏi vô duyệt xét lại giáo điều của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật Giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.  Phật Giáo là gạch nối trí tuệ giữa tôn giáo và khoa học, nó khuyến khích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính mình và trong môi trường sống chung quanh mình. Chân lý Phật Giáo vượt thời gian.”

 

(If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up today with recent scientific finding. Buddhism needs no surrender its view to science, because it embraces science as well as goes beyond science. Buddhism is a bridge between religious and scientific thoughts, that the stimulates man to discover the talent potentialities within himself and his environment. Buddhism is timeless.  Collected famous quotes from Albert Einstein.  http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).

 

Trong 3 thập niên cuối đời mình, Einstein dành thời gian còn lại để nghiên cứu về “Lý thuyết thống nhất giữa lực hấp dẫn và hiện tượng điện quang” (The Theory of unify gravitation and eletro-magnetism.)  Mặc dù bận rộn nghiên cứu và giảng dạy khoa học, nhưng ông Einstein vẫn dành thời gian nhất định để nghiên cứu triết học và tôn giáo, đặc biệt trong đó có Đạo Phật.  

 

Những điều ông nghiên cứu sau này có thể đã lên tới giới hạn của tri thức, không thể đi xa hơn nữa, cho nên ông phải nhờ đến trí tuệ của Phật Giáo để giải quyết một số vấn đề mà khoa học vẫn còn vô minh chưa giải thích được.

 

Theo tài liệu “The World As I See It” (Trần thế khi tôi nhìn thấy Không (No鬠) nhà xb Philosophical Library, New York, 1949) và quyển “Ideas and Opinions” (Những Ý Kiến và Những Quan Điểm, nhà xb Crown, NY, 1945) là hai tuyển tập những bài báo, bài tham luận về tôn giáo và khoa học mà ông Einstein viết từ đầu những năm ba mươi. Đáng chú ý trong tập này là các bài như “Religion and Science” (Tôn giáo và Khoa học), viết từ 1930 ; bài “Science, Philosophy & Religion, A Sumposium” (Khoa học, Triết học và Tôn giáo, một buổi hội thảo) viết năm 1941 ; bài “Religion and Science: Irreconcilable ?” (Tôn giáo và Khoa học: không thể hòa giải được sao ?) viết vào năm 1948.

 

Theo các tài liệu trên thì chính Einstein tự xem mình là một người vô tôn giáo nhưng ông nói, ông sẽ chọn Phật Giáo và tôn giáo nếu cần.  Trong các buổi hội thảo về triết học và tôn giáo, có lúc ông trích dẫn lời của Chúa, rồi có khi ông dẫn lời trong kinh Phật.  Dĩ nhiên, lời ai cũng được miễn là nó hay và thích hợp đúng vào thời điểm và chủ đề để  trích dẫn.  Quan điểm của Einstein về tôn giáo chưa bao giờ nhất quán. Tuy nhiên, với trí tuệ sắc bén và lòng ngưỡng mộ của ông đối với Phật Giáo đã giúp cho ông hiểu đúng và phân biệt chính xác về các tôn giáo khác mà ông đã để tâm nghiên cứu cùng một lúc. Ông vẫn thường nhắc nhở các nhà khoa học nên học hỏi ở các tôn giáo để bổ sung cho những khiếm khuyết của khoa học. Ông nói, “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng.” (Science without religion is lame. Religion without science is blind.)   Không biết Einstein muốn ám chỉ tôn giáo nào?  Chứ đa số tôn giáo điều mù quáng và làm chúng ta đi khập khểng ngoại trừ đạo kiến thức khoa học ‘tự mình thắp đuốt trí tuệ mà đi.’

 

Einstein vì vô ngã nên lịch sự nói như vậy chứ theo tôi ý của ông là: Khoa học không cần đến những tôn giáo mê tín dị đoan, phãn khoa học.  Khoa học không cần cái cặp nạn khập khểng của những tôn giáo này.  Khoa học cần một tôn giáo với trí tuệ trùm vũ trụ để soi sáng mớ kiến thức vô minh của khoa học.

 

 

Figure 53 Albert Einstein (1879-1955) viết về Phật Giáo

 

Các dữ kiện trên cho thấy, Einstein đã nghiên cứu Đạo Phật qua các sách báo viết bởi các học giả Phật học người Âu Mỹ, đáng kể là triết gia người Đức Schopenhauer Arthur (1788-1860,) tiến sĩ người Đức Paul Carus (1852-1919,) viện sĩ hàn lâm người Nga Vasily Vasaliyey (1818-1900)… Họ là những nhà Phật học nổi danh nhưng rất hiếm hoi ở phương Tây thời đó. Nhờ nghiên cứu, tự mình thắp đuốc đi đêm, như vậy mà Einstein cũng như rất nhiều thánh nhân, bồ tát ở trên thế giới đã nhìn thấy lại, quán tự tại, kiến lại cái bản lai diện mục từ muôn kiếp trước của mình.  Họ ngộ ra, đạo Phật là một triết lý cực kỳ cao siêu và triết lý ấy đã tác dụng vào cuộc đời họ như một chân lý thực chứng của chính riêng mình, như một tia sét giữa đêm tối, như tiếng sư tữ hống giữa thâm sơn cùng cốc, như ngọc kim cương cắt ngang màng vô minh, soi sáng đầu óc chậm tiến, lạc hậu, mê tín, cuồng tín và kém văn minh của thời đại.   Họ đã tìm thấy họ!

 

Điều này cho thấy, Einstein cũng như rất nhiều bật thiện tri thức ngày nay chỉ nghiên cứu triết lý Phật Giáo, đi chùa online, ăn chay trên internet, thiền bằng gõ mõ computer, thĩnh kinh bằng bấm chuông‘chuột,’ học từ Phật Google, kho server A Lại Da Thức và databases,... Sau đó đi làm trả nợ đời, ăn no rồi dục mà vẫn hạnh phúc, vẫn có trí tuệ viên mãn như Duy Ma Cật.

Tại sao Albert Einstein và những bậc khoa bảng nổi tiếng trên thế giới đã hết lời xưng tụng, tán thán Phật Giáo nói chung và Đức Phật nói riêng?  Xin mời quí vị đọc một đoạn trích dẫn trong cuốn, “Fundamentals of Buddhism” (Nền Tảng Của Đạo Phật), của tiến sĩ Peter D. Santina, bản dịch của Đại Đức Thích Tâm Quang: “Nói chung tại Âu Châu có thái độ chú ý đến Phật Giáo vì tôn giáo này rất tiến bộ, rất hợp lý, và rất tinh vi.  Cho nên chúng tôi ngạc nhiên khi đến một quốc giao Á Châu lại thấy người dân ở đây coi Phật Giáo như một tôn giáo lỗi thời, không hợp lý và có nhiều liên hệ với mê tín dị đoan.”  Điều này cho thấy những dân tộc chậm tiến này vì mặt cảm tự ty trước những dân tộc văn minh nên vọng ngoại tham cầu vào những tôn giáo lỗi thời của họ.   Có cục vàng của tổ tiên để lại, đang cầm ở trong tay, lại ngu muội vứt bỏ đi cho những dân tộc văn minh trí thức khác lượm về làm phong phú thêm cho nền văn minh lẫn trí tuệ mới của họ.  Trong khi đó lượm về những tín ngưỡng rác rến lỗi thời của Tây Phương.

Người Tây Phương thấy giá trị của Phật Giáo bởi vì Phật Giáo không kết chặt với văn hóa, Phật Giáo không ràng buộc vào một xã hội đặc biệt, vào một chủng tộc nào hay vào một nhóm thiểu sổ nào.  Có những tôn giáo gắn liền với văn hóa, chẳng hạn như Do Thái Giáo, Hindu gắn liền với văn hóa, dân tộc nhưng Phật Giáo lại không.  Cho nên trong lịch sử Phật Giáo ta thấy có Phật tử Ấn, Thái, Trung Hoa, Tích Lan, Miến Điện v.v… và chúng ta có Phật tử Anh, Phật tử Hoa Kỳ, Phật tử Pháp v.v… Đó là lý do mà Phật Giáo không gắn bó với văn hóa và dân tộc mà gắn liền với nhân sinh quan và vũ trụ quan.

Phật Giáo nhập hội dễ dàng từ văn hóa này đến văn hóa khác bởi vì Phật Giáo chú trọng đến việc chuyển hóa nội tâm hơn là ở bên ngoài.  Nếu ta nhìn kỹ cách lý giải của Đức Phật về vấn đề kiến thức, ta thấy phương cách của Ngài tương tự như cách lý giải của khoa học, và điều này đã khiến người Phương Tây hết sức chú ý đến.

Sau đây là những nhận định căn cứ vào kết quả khảo sát tư tưởng, giáo lý Phật Giáo trong sự tiến hóa tư tưởng của nhân loại: Đặc biệt và cao cả, Đức Phật là vị Giáo Chủ tôn giáo duy nhất trên thế gian đưa ra một khẳng định tuyệt đối bình đẳng: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành," nghĩa là về bản chất, Giáo Chủ và tín đồ ngang nhau, không phân biệt giai cấp.   Đặc biệt hơn cả là Đức Phật đã thấy rõ sự vận hành của vạn Pháp (Như Thực tri Kiến) và đã để lại cho hậu thế một giáo lý độc nhất vô nhị.  Đức Phật đã không hề bắt buộc bất cứ ai phải tin vào Phật hay những điều giảng dạy của Phật một cách mù quáng.

Trong Kalama: Có một lần, đức Phật đi ngang qua bộ lạc của người Kalama. Nghe danh tiếng của Phật, người dân của bộ lạc này tìm đến đãnh lễ và hỏi Phật, - Có một số đạo sư khác đi ngang qua đây. Nhưng người nào cũng làm sáng tỏ, và ca tụng quan điểm của chính mình, nhưng lại bài xích, khinh miệt, chê bai, và xuyên tạc quan điểm người khác. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân, "Trong những vị đạo sư này, ai nói sự thật, ai nói dối?"

Đức Thế Tôn trả lời:

- Trong những trường hợp như thế, đương nhiên là các Ông có những nghi ngờ và có những phân vân! Này các ông, các ông đừng tin một điều gì vì phong văn. Đừng tin một điều gì vì nó là tập quán lưu truyền. Đừng tin một điều gì vì được nhiều người nhắc đi nhắc lại. Đừng tin một điều gì vì đó là bút tích của thánh nhân. Đừng tin một điều gì vì đó là thói quen đã có từ lâu. Đừng tin một điều gì do ta tưởng tượng và lại nghĩ rằng do một thần linh nào đó khai thị cho ta. Đừng tin một điều gì vì đó là do các thầy có uy tín dạy. Nhưng này các Ông, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau, "Các việc này là bất thiện; các việc này là đáng chê; các việc này bị các người có tuệ giác chỉ trích; các việc này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau," thời này các ông, hãy từ bỏ chúng! Và ngược lại, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau, "Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc," thời này các ông, hãy cố gắng thực hành để tự đạt đến và an trú trong hạnh phúc! (Niềm Tin Và Kinh Kalama, Nguyễn Duy Nhiên)

Việc chú trọng ngày càng tăng và những giáo lý hấp dẫn của Đạo Phật cùng với khuynh hướng mới của khoa học, triết học, và tâm lý học lúc này lên cao đến tột đỉnh như khoa Vật Lý Nguyên Lượng đã được đề xuất.  Đó là những triển khai cuối cùng của những lý thuyết vật lý đã được thể nghiệm. Rồi chúng ta thấy không những Đức Phật đã tiên đoán những phương pháp phân tích của khoa học mà còn dạy rõ về bản chất của con người và vũ trụ như đã nói trong phần triển khai gần đây của Vật Lý lượng Tử. Cách đây không lâu, một nhà Vật lý học nổi tiếng nhận xét vũ trụ giống như một tâm tưởng vĩ đại.  Điều này  đã được nói trong Kinh Dhammapada (Kinh Pháp Cú): “Tâm dẫn đầu mọi pháp, tâm chủ, tâm tạo tác. ‘Sự liên hệ giữa vật chất và năng lượng cũng đã được nói đến.  Không có sự phân chia cơ bản nào giữa Tâm và Vật.  Tất cả những lời dạy đó đã những tiến bộ mới nhất của khoa học tuần tự khám phá.

Cho nên, điều cho thấy trong học quy (văn cảnh) của Tây Phương, các nhà tâm lý và khoa học tìm thấy một truyền thống Phật Giáo phù hợp với những nguyên tắc căn bản về tư tưởng khoa học của Tây Phương.  Thêm vào đó, họ thấy Phật Giáo rất đặc sắc vì những phát minh của họ thường tương đồng với Phật Giáo.  Họ cũng thấy rằng cho đến nay khoa học không mở con đường nào hay phương pháp nào có thể hoàn tất được việc chuyển hóa nội tâm.  Họ có những phương thức xây dựng, cải tiến các thành phố, xa lộ; nhưng họ không có một hệ  thống nào có thể xây dựng con người tốt hơn được trên phương diện trí tuệ và tâm linh.  Đó là chuyện ngày xưa, bây giờ những thổn thức khao khát này không là vấn đề của Tây Phương nữa sau khi họ khám phá ra triết lý Phật Giáo. Ngược lại, bây giờ đây lại là những vấn nạn của các nước Đông Phương sau khi họ khám phá ra văn minh kỷ thuật của Tây Phương ‘họ không có một hệ  thống nào có thể xây dựng con người tốt hơn’ trên phương diện trí tuệ và văn hóa.  Nói đúng ra họ đánh mất cái viên ngọc minh triết của tổ tiên để lại để chạy theo cái vật chất vô thường đánh mất cái bản thể lẫn nhân tính của chính mình.

Cho nên người Tây Phương quay về với Phật Giáo.  Là một truyền thống lâu đời, Phật Giáo có nhiều khía cạnh gần giống như việc thực hành trong truyền thống khoa học Tây Phương.  Nhưng Phật Giáo vượt qua truyền thống duy vật của Tây Phưong và vượt qua giới hạn của truyền thống khoa hoc.” – Dr. Peter D. Santina, tác giả cuốn Fundamentals of Buddhism (Nền Tảng của Phật Giáo.)

Điểm khác biệt giữa Phật Giáo và Khoa Học là Đức Phật biết về vũ trụ qua thiền định và giác ngộ trong khi đó khoa học tìm hiểu về vũ trụ qua kiến thức học hỏi và luyện tập từ nhiều kiếp trước mà họ không nhận biết ra ‘răng mà như rứa?’  Trong khi đó Đức Thế Tôn biết được bản lai trí tuệ của mình được tích lủy từ vô lượng kiếp qua thiền định và rồi thì giác ngộ mà thấy ra được vì ‘rứa mà như ri!’  Một bên vì còn ‘không minh’ nên không biết ‘như dậy;’ một bên đã minh tâm nên biết được ‘như thế.’  Phật Giáo gọi là như thị tri kiến.  Không có bản ngã của ta và vật thể của vũ trụ ở trong ấy, không có vật thể bị quan sát lẫn chủ thể quan sát.  Khi thấy, chỉ thấy chứ không có cái gọi là “tôi thấy ” ở trong đó. 

Cho nên, nếu trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri – thì không có Ta (Ngã) ở trong ấy, Ta không là chỗ ấy. 

Ngược lại, khoa học: Trong cái thấy, thì tưởng là tôi thấy tận tường; trong cái nghe, thì tưởng là tôi nghe rõ ràng. Trong cái thọ tưởng, thì tưởng là tôi thọ tưởng, phân biệt chính xác. Trong cái thức tri, thì tưởng là tôi tri thức rất đúng đắn – vì khoa học gia có Ta (Ngã) ở trong ấy, có Ta ở chỗ ấy, có Ta ở lúc ấy. 

Theo tôi, tuy Phật Giáo và khoa học có nhiều điểm tương đồng nhưng chúng ta không thể hàm hồ vơ quàng để hoàn toàn đồng hóa Phật Giáo (tâm thức) với khoa học (vật lý) được dù cả hai có thể được xem là vô thần, same difference.  Phật Giáo bị những tôn giáo hữu thần đổ cho là ‘tôn giáo’ của vô thần vì Đức Thế Tôn thấy không có ‘thần nhân’ nào trong vũ trụ để thuyết pháp.  Khoa học được xem là vô thần vì khoa học không thể chứng minh hay khám phá được bất cứ một thần nhân nào để có thể khẳng định là có ‘thần người’ trong vũ trụ.  Điểm tương đồng rất là trí tuệ lẫn trí thức (intellectual) của cả Phật Giáo và khoa học là không phải chỉ nghe hay bị dụ dỗ và hăm dọa bởi những giáo điều kém trí tuệ, phản khoa học rồi thì lo lắng, sợ hải và nhắm mắt tin tưởng nghe theo một mù quán đưa đến tín ngưỡng cuồng tín nhưng phải tư nghi, tư nghị, tự mình tìm hiểu, tự chứng kiến, chứng nghiệm rồi thì tự tin và quyết tâm thực hành với con mắt trí tuệ luôn luôn đầy cảnh giác với tinh thần quyết tâm, vô úy, vô chấp, vô ngã.

 

Chúng ta những người tu học Phật cũng không thể khẳng định là những khoa học gia chưa bao giờ biết về Phật Giáo chưa tu hành bao giờ thì không bao giờ phát triển được trí tuệ để giác ngộ nếu không chịu tu tập đạo.  Đó cũng là những quan niệm rất sai lầm và kém trí tuệ mà chúng ta thường hay nghe giảng trong chùa hay qua những pháp luận.  Chúng ta không thể suy bụng mình ra bụng của những thánh nhân và các Bồ Tát trên khắp thế giới được.  Như Đức Thế Tôn đã chứng minh: Nếu luyện tập tu hành cả hơn mấy chục năm để đi được trên mặt nước qua bờ bên kia không bằng Ngài dùng cái thông minh thực tiển của mình bỏ ra 2 xu trả tiền đò, quá giang qua bờ bên kia. 

 

Tôi đồng ý và tin tưởng, tư duy trí thức trên lý thuyết không bằng một ngày thực hành tu đạo nhưng cả hai chỉ là hai phương tiện của một cứu cánh giác ngộ cùng đều khó khăn như nhau.  Hai phương tiện (vehicles) đó được cấu tạo bởi cùng một chất lượng vô thường của ngũ uẩn giai không.

33.                   Ngũ Uẩn Giai Không

 

Đa số chúng ta điều tưởng mình quá biết hay ít nhất cũng có một lần nghe qua về ngũ uẩn.  Theo Phật Giáo, Ngũ Uẩn gồm sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn là những yếu tố vật chất và tinh thần được kết hợp tạm bợ, vô thường bởi duyên khởi tạo ra chúng sinh kể cả con người.  Tuy nhiên, trong 7 tỉ con người trên thế giới này mấy người thấy, nghe, sờ, ngữi, nếm, và ý thức được thực tướng của ngũ uẩn?

 

Phật Giáo, nhất là trong Kinh Lăng Nghiêm thiên về tu trí tuệ, phân tích và diển tã ngũ uẩn rất mạch lạc, với đầy chi tiết luận lý (logic,) nhưng lại dựa trên dụng cụ thiết kế lổi thời của con người đó là ngũ quan và ý thức: mắt với tính thấy, tai với tính nghe, mũi với tính ngửi, lưỡi với tính nếm, xúc với tính sờ và ý thức (mind) để phân biệt, phân tích và giải thích thực tại qua lăng kính vô minh cùng với bẩm tánh đo lường lệch lạc của ngũ quan, ý thức, ngay cả Mạc Na Thức lẫn A Lại Da Thức.  Thực tại đứng ngoài mọi khái niệm và phân loại nhị nguyên nên Phật Giáo cũng gọi nó là Chân Như mà Tâm Chân Như bất sinh bất diệt bao trùm tất cả các pháp.  Ấn Độ Giáo gọi là Brahman, Lão Giáo gọi là Đạo và Phật Giáo gọi thực tại đó là Pháp Thân.   Tất cả những thuyết pháp chỉ là phương tiện tương đối chứ không phải là chân lý rốt ráo.  Nói ra là đã sai rồi.  Cho nên Đức Phật đã phủ nhận: Trong 49 năm, Như Lai chưa từng nói một chữ.  Phật Giáo gọi đó là bất khả tư nghì.

Ngoài ra trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật còn có thuyết về nguồn gốc của vũ trụ vạn vật như sau, "Chơn tâm này, cũng tức tất cả pháp; tức là tâm; tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhận thức giới cho đến ý thức giới; tức Tứ Đế; tức Thập Nhị Nhân Duyên; tức là Lục Độ; tức là Phật và bốn đức Niết Bàn. Nói tóm lại, Chơn Tâm tức là tất cả Pháp Nhập thế gian [nhập vũ trụ] và Xuất thế gian [ly vũ trụ. THL]"

Ghi chú: Tứ đại, ‘đất, nước, gió, lửa’ chỉ là ngôn ngữ diễn tả tượng hình tương đối của con người hơn 3000 năm ngày xưa trước khi khoa học khám phá ra lượng tử; tìm ra những vật thể mới; đặt danh từ mới và định nghĩa cho thích hợp với ngôn ngữ và văn minh khoa học hiện đại.

Trong Kinh Hoa Nghiêm ở phẩm "Thế giới thành tựu," Đức Phật đã nói đến sự thành hình các thế giới, vũ trụ.  Chúng ta thử lược qua để hiểu Đức Phật sau thời gian tu tập và thành đạo Ngài đã nhận thức như thế nào về vũ trụ và nhân sinh quan hơn 2600 năm về trước; và từ đó chúng ta có thể thấy được giá trị tâm thức của chính chúng ta nếu chúng ta cũng thành được đạo quả như Đức Phật đã thành.

Trong Nhập Thế Gian, vũ trụ quan trong Đạo Phật, Nguyên Thảo tóm lược một cách khái quát những điều mà Đức Phật đã thuyết về giai đoạn "tâm thức" của chúng sanh trước khi bước vào giai đoạn luân hồi:

“Không biết tự thuở nào (vô thỉ) trong vũ trụ bao la, mênh mông, không có biên giới, ngằn mé (vô biên), có 7 yếu tố lớn (7 Đại) hòa lẫn với nhau, cùng khắp (viên dung là Hư không, Đất, Lửa, Gió, Nước, Kiến đại (kiến đại bao gồm cái thấy, nghe, hay, biết và các giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cùng Thức Tâm (tâm của mọi chúng sinh.)

Trong thuở đó, Tâm của mỗi chúng sinh đều có tính chất tự chiếu sáng, yên lặng (tịch tịnh,) không bị cản trở ngăn ngại (vô ngại,) do đó muốn thân mình lớn tràn khắp vũ trụ (đồng nghĩa với hư không) cũng được, mà nhỏ như hạt bụi thật nhỏ (vi trần: Hạt bụi không thể chẻ nhỏ nữa được) cũng được; tức là muốn lớn được lớn, muốn nhỏ được nhỏ nhưng tính chất vẫn không thay đổi và không tâm thức nào cản sự trương lớn của tâm thức nào cả, và cũng không hề lẫn lộn với nhau giống như ánh sáng của những ngọn đèn đặt kế bên nhau ở trong phòng: Cùng chiếu sáng khắp phòng nhưng không lộn lạo với nhau. Chúng cũng không phân biệt, đối xử (đối đãi) với nhau, đó là điều mà Đức Phật gọi là bất nhị (không hai,) tức là không phân biệt ta, người, chúng sanh; không hề phân biệt tốt xấu, thiện ác, lớn nhỏ, cao thấp... mà trong triết học gọi là triết lý nhị nguyên.”

 

Thế rồi, vì do sự không biết (vô minh) của các tâm thức về điều kiện ấy là điều tốt nhất, để rồi các tâm thức đã nảy ra sự phân biệt, đối xử khác nhau, vọng thấy (vọng tâm) thấy có ta, có người, có cái khác; và thấy có thân xác là cần thiết cho nên trong vũ trụ đã biến động lớn lao: Các tâm thức mượn tứ đại ‘đất, lửa, gió, nước’ kết hợp lại tạo thành thân xác (cho nên thân xác được Đức Phật coi là giả tạm, không phải là chính của mình, là vô thường; mà thức tâm mới là thân thật (chân thân, chân tâm), và mượn kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, mắt tai mũi lưỡi thân ý) để làm các giác quan, các thức.

 

"Vô Minh là Avidya (Thuật ngữ) tiếng Phạn là A Vĩ Nễ. Chỉ cái tâm ám độn, không chiếu rọi được rõ ràng sự lý của các pháp. Là tên khác của Si."

 Nhưng trong Kinh Viên Giác, Đức Phật có nói:

"Vậy Vô Minh là gì? Nầy Thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đão làm mê mờ tánh "Viên Giác", như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Điên đão vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp này làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt, theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm của mình." (Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang16) và "Nầy Thiện Nam! Cái "Vô Minh" này không có thực thể (thật vật.) Như người ngủ chiêm bao, thấy các cảnh vật, đến khi thức rồi, thì cảnh vật kia không còn." (Trang 17, Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII)

 

 ‘Thấy, nghe, hay, biết, sáu giác quan kể là một, cùng với hư không và bốn đại thành ra 6 đại, tánh nó viên dung vốn không lay động đồng một thể chơn tâm, không sanh không diệt, thế gian vì mê lầm không biết sanh tâm phân biệt, chấp cho nhân duyên sanh hoặc tự nhiên có đều không đúng cả.’ (Lăng Nghiêm, Phật Giáo Phổ Thông (PHPT) VI, VII trang 110)   Như vậy, Vô Minh chính là sự không hiểu được sự, lý của pháp, cho nên thức tâm từ trong tánh chơn tâm đã có vọng niệm và phân biệt năng sở, bỉ thử nên nó đó là đầu nguồn cho "Thập Nhị Nhân Duyên" để từ đó bắt đầu cho "vòng sanh tử luân hồi."

Đức Phật thuyết tiếp, "Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt, xấu, phải chẳng v..v...Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không, khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy." (Kinh Lăng Nghiêm khóa VI, VII trang 121)  Đức Phật lại kể rõ hơn, "Này ông Phú Lâu Na, thế giới, chúng sanh và nghiệp quả ba món tương tục này đều ở trong chơn tâm, vì vô minh vọng động sanh ra "năng phân biệt" và "sở phân biệt" tương đới, nên vọng thấy có sơn hà đại địa, thế giới và chúng sanh, rồi tiếp tục sanh hóa, vô cùng hư vọng." (Trang 127, PHPT khóa VI, VII)

Như vậy, cái thấy cùng tứ đại, thức tâm đều viên dung, viên mãn (tràn đầy) khắp cả hư không mà trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói về hư không như sau:  Hư không pháp giới tính bình đẳng. (Hoa Nghiêm [HN] 3, trang 342); ‘Hư không cùng khắp vậy.’(HN 3, trang 402); ‘Vì hư không giới không biên tế.’ (HN 3, trang 418); ‘Chư Phật tử! Ví như hư không, tất cả thế giới hoặc thành hoặc hoại, hư không thường chẳng thêm bớt, vì hư không vốn vô sanh.’ (HN 3, trang 423) 

Hư không là căn bản của tất cả, nó vô sanh tức không bị diệt.  Hư Không bao la không biên giới. Trong hư không viên dung tứ đại (đất, lửa. gió, nước;) kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, 6 giác quan: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý;) và thức tâm (của mọi chúng sinh.) Tánh của 7 đại nầy đều là Chân Tâm. Nhưng vì vô minh, nên thức tâm của mọi chúng sanh đã phát khởi vọng tâm và có tâm phân biệt nhị nguyên: năng sở, bỉ thử...Vì thế thức tâm đã mượn tứ đại kết hợp thành thân xác và kiến đại để tạo thành các giác quan và thấy, nghe, hay, biết.  Từ đó mọi chúng sanh thành hình; các cái có hình tướng, sanh diệt là thế giới, và cái khoảng trống ở giữa không có hình tướng và yên tịnh là hư không.  Đó là các giai đoạn thành hình thế giới, hư không và chúng sanh. 

Đại khái, cái kết hợp có hình tướng, hình thể gọi là thế giới, còn khoảng trống giữa các thế giới gọi là hư không và từ đó sự viên dung các đại không còn nữa.  Khi đã có sanh thì tất có diệt, do đó con người và con vật có ‘sanh, lão, bệnh, tử;’ về vật chất thì có ’sanh, trụ, dị, diệt;’ về hiện tượng thì có ‘thành, trụ, hoại, không;’ để rồi vì nhân duyên nghiệp quả lại biến đổi (transform) thành một cái thể khác.  Cái chu kỳ tiến hoá này được hiểu là tái sanh của Phật Giáo.

Riêng về chúng sanh Đức Phật, qua Phật Nhãn, đã nhận thấy; hay qua Trí Huệ sau khi đắc đạo, nhận thức được có sáu đường (lục đạo) luân hồi, tức là có 6 loại chúng sanh: Chúng sanh ở cõi trời (Thiên,) chúng sanh ở cõi của các vị Thần (A Tu La,) chúng sanh cõi làm người (Nhân,) chúng sanh trong cõi loài vật (súc sanh,) chúng sanh trong cõi quỷ đói (ngạ quỷ,) và chúng sanh trong cõi địa ngục.”  Qua đó, Đức Phật cũng trình bày những vấn đề trên lẫn các trời, thần, người, cõi súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục với ngôn ngữ tượng hình tương đối của thời xưa qua những chứng nghiệm, nhận thức chính mình đã đạt được.  Ngài đã giải thích và chỉ cho chúng sinh phương cách để tự đạt được đến mục tiêu ấy. Bởi thế, Ngài chỉ là một Đạo Sư, chứ không tự độc tôn là "Một Đấng Tối Cao" để cho người tôn sùng cúng bái.  Nhân cách khiêm tốn, vô ngã ấy khó tìm được ở bất cứ một giáo chủ hay ở một tôn giáo nào khác.

 

Tóm lại, những ngôn ngữ diễn đạt trên về Phật Giáo, nhân sinh và vũ trụ quan chỉ là tương đối qua lăng kính sai lạc của ngũ uẩn.  Đó là lý do tại sao đa số chúng ta khó quán tự tại để kiến ngũ uẫn giai không, thấy được kiếp nhân sinh như huyễn như mộng.  Muốn biết rõ tại sao thì trước hết hãy xét lại tính hạn chế, cái nhìn méo mó, ý nghĩ sai lạc của các giác quan và ý thức của con người cùng vị trí sở tại và điều kiện ánh sáng trong lúc quan sát thực tại.  Theo những giải thích khoa học trên internet: Các sóng quang phổ đến mắt, vào các tế bào hình nón và hình que trong mắt.  Chính các tế bào hình nón làm cho chúng ta thấy được màu sắc của thế giới chúng ta. Tế bào hình nón có ba loại tạo ra ba màu căn bản của chúng ta là xanh, đỏ và lục. Số lượng và khả năng tiếp nhận quang tử (photon) của tế bào hình nón là có giới hạn, vì thế có những trường hợp mắt ta không thấy được, như tia hồng ngoại, tia tử ngoại. Nhưng mắt thú vật nhìn và thấy khác mắt con người, loài chó chỉ thấy hai màu đen trắng, ong thì có thể nhìn ra tia cực tím (tử ngoại.)  Khoa học có thể suy luận như vậy, dựa vào những dữ kiện đo đạt, nhưng khó có thể khẳng định thực tại nó là như vậy?  Họ không phải chó lẫn ong sao biết được chó ong thấy màu gì, ngữi mùi gì, sờ như thế nào, nếm vị gì, thấy được mấy chiều không gian?  Cũng như hồn bướm mơ tiên, hay Trang Tử mộng Hồ Điệp làm sao biết bướm nghĩ gì, thấy thực tại như thế nào?

 

Đến đây mới chỉ là sự tiếp xúc giữa sóng ánh sáng với các tế bào của mắt, phải có những quang sắc tố tiếp nhận kích thích của ánh sáng để sinh ra các biến đổi hóa học.  Biến đổi hóa học phải đến một lượng nào đó đủ lớn để tạo thành sự dẫn truyền qua dây thần kinh đưa về não.  Chính ở đây màu sắc mới hiện ra với chúng ta. Nói cách khác, các giác quan và não đã diễn dịch thông tin được tạo bằng các phản ứng sinh hóa, điện từ này thành màu sắc.  Kinh Viên Giác nói: “Ví như ngọc báu Ma Ni thanh tịnh, tùy mỗi phương mà ứng hiện ra năm màu. Những người vô minh không biết thì khi nhìn ngọc Ma Ni kia, cho là ngọc Ma Ni có thật năm màu.”  Có thể mỗi người nhìn ra một màu khác tùy theo không gian thời gian, sở tại và duyên phận riêng biệt hay ngọc Ma Ni tùy duyên cho ta thấy tùy màu?

 

Phật Giáo thời đó quan niệm thế giới vật chất do Tứ Đại hình thành như nhiều nhà tư tưởng Ấn Độ đã tuyên bố: đó là yếu tố đất, nước, gió, lửa.  Các yếu tố này là vận động vô thường, nên vạn hữu do chúng làm nên cũng vô thường. Câu hỏi về nguồn gốc của Tứ Đại trước khi có vũ trụ đối với sự thật Duyên khởi do đức Phật phát hiện thì trở nên vô nghĩa và không thể tư nghị.

 

Theo Lý Duyên Khởi, thế giới hiện tượng là do duyên mà sinh, là vô ngã và rỗng không; con người chỉ là tập hợp của năm thủ uẩn, cũng là vô ngã và rỗng không; con người và thế giới vũ trụ cùng hiện hữu mà không thể tách rời nhau.  Đương nhiên rồi làm sao có thể tách rời nhau trong vũ trụ được?  Cái câu kinh này hơi tối nghĩa?  “Tách rời nhau” trong kinh chữ Phạn là gì?  Viễn ly, giải thoát?  Khi hạt (particle, sắc) khi sóng (wave, không)?  Quan niệm này đã được Đức Phật chứng tỏ trong kinh Mahàpunnama (Trung bộ, kinh109) và trong Giới Phân biệt (Dhàtuvibhanga, Trung bộ, kinh 140) rằng: Sắc uẩn gồm có nội sắc là cơ thể vật lý của mỗi cá nhân, ngoại sắc là thế giới vật lý; điều này có nghĩa là vũ trụ tự nó là một phần của cơ thể con người. Thì ra ý kinh ‘không thể tách rời nhau’ là như vậy.

 

 

Figure 54 Sơ Đồ Ngũ Uẩn, Pháp Minh Hoa dựa vào bài Ngũ Uẩn của Lê Sỹ Minh Tùng

Trong bài Ý Nghĩa Cái Chết Theo Quan Điểm Phật Giáo, Hoang Phong kết luận: "Bên trong thân xác bằng một sải tay mang đầy giác cảm này, Như Lai xem đấy cũng chẳng khác gì như toàn thế giới, sự hình thành của thế giới và cả con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới"  (Kinh Tăng Nhất A Hàm, Anguttara Nikaya, ấn bản Colombo, 1929, tr. 218).

Walpola Rahula trong một quyển sách nhỏ nhưng rất nổi tiếng của ông là "L'Enseignement du Bouddha d'après les textes les plus anciens" (Giáo huấn của Đức Phật dựa theo các kinh sách xưa nhất, Ed. du Seuil, 1978, tr. 66-67) cũng có trích dẫn câu này và theo ông thì có nghĩa là Bốn Sự Thật Cao Quý [Four Noble Truth] đều nằm bên trong năm thành phần cấu hợp của ngũ uẩn tạo ra thân xác chúng ta.  Nếu thay các chữ thế giới (loka) bằng chữ khổ đau (dukkha) thì sẽ hiểu được ngay ý thâm diệu của câu này. Thật thế thân xác cấu hợp của chúng ta cũng chỉ là khổ đau, là nguyên nhân sinh ra khổ đau và [may mắn thay] cũng chính là một phương tiện giúp chúng ta loại bỏ khổ đau.

Thế nhưng chúng ta cũng có thể thay chữ loka bằng chữ samsara và câu trên đây sẽ trở thành như sau:  "Bên trong thân xác bằng một sải tay mang đầy giác cảm này, Như Lai xem đấy cũng chẳng khác gì như cả một thế giới luân hồi, sự hình thành của thế giới luân hồi và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới ấy."

Thân xác gồm năm thứ cấu hợp của chúng ta là cả một thế giới cất chứa toàn là khổ đau, một thế giới khổ đau đang xoay vần bất tận, thế nhưng thân xác lại cũng là một phương tiện giúp chúng ta thoát ra khỏi thế giới ấy. Vậy chúng ta hãy hân hoan trả lại thân xác này cho thế giới ấy. (Bures-Sur-Yvette, 05.04.13, Hoang Phong)

Theo ngu ý, Đức Phật phải giảng như thế lúc thuở ban đầu cho những chúng sinh còn chưa phát triển trí tuệ chứ thế giới vũ trụ là thế giới vũ trụ mà khổ đau là khổ đau không có liên quan gì cả.  Chỉ có con người biết khổ đau vì nhớ dai chứ chúng sinh còn lại mau quên chỉ biết đau chứ không biết khổ.

Cái huyền diệu của Phật Pháp là khi mà chúng ta, những kẻ phàm phu, hiểu biết thâm diệu được mối tương quan, sự liên hệ, biết nương theo (align) và dùng (utilize) cái năng lượng (energy,) thấy được ngũ uẩn, và những nguyên tố căn bản tạo ra vật chất trong vũ trụ này thì vũ trụ sẽ cho ta tất cả ngay cả du hí với bệnh, lão lẫn tử vong.  Lúc đó thì câu viết thêm vào chân kinh của tiền nhân Đại Thừa Trung Hoa ‘độ nhất thiết khổ ách’ chỉ là dư thừa, không cần thiết nữa.  Trong khi đó, chúng ta sẽ ở ngoài vòng cương toả của sinh trụ hoại diệt trở thành Kim Cương Bất Hoại lúc đó lục căn, lục trần, lục thức không thể ảnh hưởng hay dính mắt được Tâm.  Cái năng lực tối thượng này, Tâm ta đã sẳn có, không cần phải tu luyện hay hướng ngoại để tìm kiếm hay mong cầu nó đến với mình mà nó đã luôn luôn ‘sống’ (tự tại, exist, be, être) với mình.  Nó như tự tính Như Lai, chưa bao giờ đến, chưa bao giờ đi nhưng vì vô minh nên ta không nhớ cách dùng nó cũng như đã có viên ngọc bảo Mani ở trong túi nhưng không biết lấy ra để soi sáng màng vô minh và để thấy lại lòng Bồ Đề, Phật Tính tự nhiên.   Biết quán tự tại thấy được bản lai diện mục của vũ trụ giai không là chứng đắc Đạo.  Đạo là vũ trụ, vũ trụ là Đạo! 

34.                   Chiếu Kiến Vũ Trụ Giai Không

 

Vũ trụ, vạn vật, nhân sinh được cấu tạo từ những hạ nguyên tử, 99.999999999999 % rổng không và có thể chia cắt ra nhiều hạ nguyên tử cho đến chừng nào không chia chẻ được mới thôi.  Tất cả các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) cũng thế, chúng hiện diện khắp nơi trong vũ trụ, khi thì dạng của hạt khi thì dạng sóng, là nguyên nhân của muôn hình vạn trạng sắc thể của những xum la vạn tượng trong vũ trụ lẫn đại địa vô thường trên thế gian.  Tuy nhiên, tự tánh của nó trong trường cơ bản không có một đặc tính riêng biệt nào (vô ngã tướng.)  Tự tính của trường cơ bản là tĩnh lặng, trống không, vô sắc, bao trùm vũ trụ, là nơi vừa ‘giãn’ vừa ‘co’ trong cái túi càn khôn “thâu giữ” vô lượng vật chất và nguồn gốc hiện hữu của sự sống.  Cái túi Càn Khôn này ví như tấm lưới châu báu của Đế Thích (Indra's jewels web,) trong đó mỗi mắt lưới là một pháp liên hệ chặt chẻ lẫn nhau.  Vũ trụ dường như luôn luôn vận động, chuyển dịch, biến đổi nhưng cái bản chất thực tại duy nhất, cuối cùng của vũ trụ không bao giờ động, luôn luôn tịnh, chỉ có chúng ta động. 

 

Indra's net, also called Indra's jewels or Indra's pearls, Sanskrit Indrajāla, is a metaphor used to illustrate the concepts of Śūnyatā [emptiness, Không], pratītyasamutpāda [dependent origination, nhân duyên], and interpenetration [trùng trùng duyên khởi]in Buddhist philosophy. The metaphor of Indra's net was developed by the Mahayana school in the 3rd century Avatamsaka Sutra and later by the Huayan school between the 6th and 8th centuries.

 

 

Figure 55 Trái Đất với những vệ tinh nhân tạo quay chung quanh như mô hình nguyên tử

 

Muốn chứng đắc những hiện tượng thâm sâu huyền diệu này phải thực hành trí tuệ thâm diệu, quán tự tại để ‘viên giác’ - thấy một cách tuyệt đối, tràng đầy chân thực, giác viên là thấy tròn trịa xuyên qua trái châu 3-chiều không gian, bất cứ ở phương vị nào bằng Phật nhãn.  Trong sátna, tất cả các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) trong cơ thể chúng ta, của trái đất, thái dương hệ rồi thì cả vũ trụ với tự tánh trống không đều bị “hút” về với thực tại duy nhất bởi một siêu hấp lực (super attraction) vô cùng vô tận, cuối cùng của vạn pháp, tức là hư không biến pháp giới hay tánh không diệu dụng. Tuy nhiên, khi có điều kiện duyên khởi làm cho thực tại duy nhất, cuối cùng không thể “hút” chúng nhỏ hơn hạt nguyên tử được nữa, chúng sẽ tương tác tương ứng với nhau, bùng nỗ và dãn ra bởi một phản năng lượng siêu phàm với một độ rung vĩ đại ‘tái cấu tạo’ thực thể và hiện tượng thế gian.  Cái chu kỳ này tiếp diễn liên tục, vô thủy vô chung từ vô lượng kiếp.

 

Chi tiết hơn, khi mà vũ trụ co lại (contract) hay nói một cách khác là bị thâu nhỏ lại như một hạch nhân vì bị hút bởi một lỗ trống (vacuum, emptiness,) từ cái đan điền (rốn) của vũ trụ và cho đến một lúc nào đó nó không thể co nhỏ hơn nữa, hay đúng hơn là gần đạt tới điểm thất thể tuyệt đối, unity, thì sẽ có một lực phản hồi (opposite force) ngược lại còn mãnh liệt, nó giãn ra hay bùng nỗ (như big bang) ra vũ trụ mới (new universe) xuyên qua lỗ trống (wormhole.)  Trong khoảng sátna đó là lúc mà nhị nguyên sinh khởi rồi thì nổ bùng trở thành vô lượng siêu nguyên tử (God particles,) tạo thành tỷ tỷ hành tinh, triệu triệu thiên hà, rồi thì vũ trụ với vô lượng vật hiện hữu.  Động tát đàn hồi (co giãn) này bắt đầu từ cái nhân duyên emptiness mà cái Không đó tạo thành một khoảng trống nhỏ (space) hơn hạt siêu nguyên tử (Higgs boson) nhưng với một nguồn năng lực tối mãnh liệt (infinite energy) có thể hút luôn cả vũ trụ vào trong nó.  Cho đến khi mà sức nén nhỏ nầy càng nén càng tạo ra một phản lực ngược lại thì nó sẽ bùng giãn ra với một năng lực mãnh liệt tương đương cùng với một tốc độ nhanh hơn ánh sáng để tạo ra vũ trụ vô tận.  Những hiện tượng co giãn này có thể phản ứng liên tục trong từng sátna, từ vô lượng.  ‘Một’ (oneness) tạo ra ra tất cả, tất cả là một (unity)!  Một cũng là Không (emptiness.)  Một gần bằng nhất thể (singularity) tuy nhiên không bao giờ đạt tới nhất nguyên mà chỉ trở thành nhị nguyên (dualism) rồi thì vô lượng vật (infinite matters) trong vòng trùng điệp của nhân duyên và nghiệp quả, vô thủy vô chung.  Đây là khoảng khắc chừng vài sátna (moment) được lập đi lập lại không bao giờ dứt của ‘Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không.’

 

Những điều tôi mạo muội trình bày ở trên được tôi mới tình cờ tìm thấy tượng tự như Stephen Hawking nói về sức hút tự sáng tạo từ hư vô: “Bởi vì có một định luật chẳng hạn như sức hút khiến vũ trụ có thể và sẽ tự sáng tạo từ chân không (nothing.)  Ông đã viết trong cuốn sách như sau “Sự sáng tạo do bởi chính nó đã là lý do tại sao có nhiều thứ chứ không phải chỉ có một thứ, tại sao vũ trụ hiện hữu và tại sao chúng ta có mặt,” Và ông viết tiếp, “Không nhất thiết phải van nài Thượng Đế làm chuyện kinh khủng như thế (Big Bang) để cho vũ trụ chuyển động.”  Những sự kiện trên này đã được Đức Thế Tôn giảng dạy và nói đến hơn 2600 năm qua và được ghi chép rõ ràng trong rừng kinh điển của Phật Giáo.

 

According to the standard theory, our universe sprang into existence as "singularity" around 13.7 billion years ago. What is a "singularity" and where does it come from? Well, to be honest, we don't know for sure. Singularities are zones which defy our current understanding of physics. They are thought to exist at the core of "black holes." Black holes are areas of intense gravitational pressure. The pressure is thought to be so intense that finite matter is actually squished into infinite density (a mathematical concept which truly boggles the mind). These zones of infinite density are called "singularities." Our universe is thought to have begun as an infinitesimally small, infinitely hot, infinitely dense, something - a singularity. Where did it come from? We don't know. Why did it appear? We don't know.

 

After its initial appearance, it apparently inflated (the "Big Bang"), expanded and cooled, going from very, very small and very, very hot, to the size and temperature of our current universe. It continues to expand and cool to this day and we are inside of it: incredible creatures living on a unique planet, circling a beautiful star clustered together with several hundred billion other stars in a galaxy soaring through the cosmos, all of which is inside of an expanding universe that began as an infinitesimal singularity which appeared out of nowhere for reasons unknown. This is the Big Bang theory. (http://www.big-bang-theory.com/)

 

Nhà vật lý Stephen Hawking chuyên nghiên cứu về vũ trụ học, thiên văn học, những lỗ đen (black holes,) và lượng tử (cosmology and quantum.)  Ông đã được cả thế giới công nhận và nổi tiếng với cuốn sách nhan đề “Lịch Sử Vắn Tắt về Thời Gian” (A Brief History of Time, 1988) trong đó ông giải thích những cội nguồn của vũ trụ.   Ông tuyên bố xin từ chức vụ Giáo Sư Lucasian cao quý tại Viện Đại Học Cambrigde từ 1979, mà người tiền nhiệm trước đó là Newton.

 

 

Figure 56 Stephen Hawking,  lý thuyết gia lừng danh về vật lý của Anh Quốc

 

Các bậc thiện tri thức nhấn mạnh rằng, khi ở trong thiền định, họ không những ra khỏi một không gian ba chiều bình thường nhờ một năng lực mạnh hơn vượt qua sự cảm nhận thời gian thông thường.  Thay vì tiếp nối của những khoảng thời gian tuyến tính họ chứng một thực tại vô tận, phi thời gian mà lại năng động.  

 

Hãy nghe những thánh nhân chứng thực về cái thực tại vô cùng của họ: Trang Tử của Lão Giáo; Huệ Năng Lục tổ Thiền tông; và D.T.Suzuki, thiền sư Phật Giáo của thời đại bây giờ:

 

Trang Tử:  Hãy quên thời gian đang trôi chảy; hãy quên mọi mâu thuẫn của tư duy. Hãy nghe cái vô cùng réo gọi và hãy đứng tại đó.

 

Huệ Năng:  Cái giây phút hiện tại này là sự tĩnh lặng vô cùng. Mặc dù nó chỉ hiện hữu trong phút giây này, nó không có biên độ và cũng trong đó mà hiện ra cái miên viễn tuyệt diệu.

 

Dr.T.Suzuki:  Trong thế giới tâm linh này không có phân chia thời gian cũng như quá khứ, hiện tại và tương lai, vì các thứ này đã rút lại trong một cái chớp mắt của hiện tại, trong đó đời sống rung động trong ý nghĩa đích thực của nó… Quá khứ và tương lai đã cuốn tròn trong giây phút hiện tại của giác ngộ và cái chớp mắt hiện tại này không hề đứng yên với những gì nó dung chứa, mà vận động tiếp tục không ngừng nghỉ.

 

Dr.T.Suzuki đã phá cái chấp thời-không: Trong thế giới tâm linh này không có phân chia thời gian cũng như quá khứ, hiện tại và tương lai.  Thực tại vượt không gian lẫn thời gian.

Khi vượt được qua thời gian thì cũng vượt lên nhân quả luân hồi. Swami Vivekanada nói:

“Thời gian, không gian và mối liên hệ nhân quả giống như tấm kính ta nhìn xuyên qua nó để thấy cái tuyệt đối… Trong tuyệt đối thì không có thời gian, lẫn không gian, lẫn liên hệ nhân quả.”  Chúng đưa ta vượt lên kinh nghiệm về thời gian và giải thoát ra khỏi những mắt xích của nhân quả, thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp khổ đau.

 

Einstein chứng minh rằng, hình học không hề nằm trong thiên nhiên mà là một cơ cấu do đầu óc con người nghĩ ra.  Ông đã nhận ra rằng, trật tự thời gian cũng tương đối và tùy thuộc nơi quan sát viên.  Tính tương đối của thời gian cũng buộc ta phải từ bỏ khái niệm của một không gian tuyệt đối của Newton. Không gian Newton được xem là thuộc mỗi thời điểm nhất định có một trật tự vật chất nhất định, nhưng bây giờ,  tính đồng thời đã trở thành một khái niệm tương đối, nó tùy thuộc vào tình hình vận động của quan sát viên, thì người ta không còn xác định được một thời điểm nhất định của vũ trụ là thời điểm nào nữa.

 

Thuyết tương đối đã chứng tỏ tất cả mọi đo lường về không gian và thời gian đã mất tính chất tuyệt đối và đòi hỏi từ bỏ khái niệm cổ điển về không gian và thời gian tuyệt đối. Sự quan trọng của phát hiện này được Mendel Sachs nói như sau: Cuộc cách mạng đích thực tới với thuyết của Einstein…, đó là từ bỏ ý niệm xem hệ thống không gian - thời gian là khách quan và là một thực tại riêng biệt. Thay vào đó, thuyết này cho thấy trục của không gian- thời gian chỉ là yếu tố của một ngôn ngữ để quan sát viên mô tả môi trường của mình.  Câu nói này cho thấy tính chất thật của khái niệm không gian - thời gian của vật lý hiện đại, và cũng là khái niệm của đạo học phương Đông khi nói, không gian - thời gian không gì khác hơn là danh sắc, ngôn từ để sử dụng chung. Vì không gian - thời gian bây giờ đã trở thành tên gọi có tính chủ quan, mà một quan sát viên dùng để mô tả hiện tượng thiên nhiên, cho nên mỗi người sẽ mô tả hiện tượng để mình quan sát một cách khác nhau.

 

Khái niệm “không gian - thời gian” này được Herman Minkowski giới thiệu trong bài giảng nổi tiếng năm 1908 với những câu sau đây: Những quan điểm về không gian và thời gian mà tôi xin giới thiệu cùng quí vị, nó xuất phát từ nền tảng của vật lý thực nghiệm, đó chính là ưu thế của chúng. Những quan điểm đó thật là triệt để. Kể từ nay thì khái niệm không gian tự nó và thời gian tự nó đã mờ nhạt, không có thực chất; và sự thống nhất của hai cái đã thành một thực thể độc lập.

 

Henry Margenau định nghĩa hình học, không gian và thời gian như sau: Nhận thức trung tâm của thuyết tương đối là hình học… chỉ là một cấu trúc của óc suy luận. Chỉ khi nào ta thừa nhận điều này thì tâm ta mới có chỗ  cho khái niệm mới của không gian - thời gian, để nắm được những khả năng định nghĩa chúng và để lựa ra cách phát biểu chúng phù hợp với quan sát.

 

Joseph Needham nhận xét về ngành thiên văn Trung Hoa:  Các nhà thiên văn Trung Hoa không cần những dạng hình học để lý giải - những thành phần của vũ trụ sinh cơ tuân thủ đúng tính chất của chúng trong đạo và sự vận động của chúng được diễn tả chủ yếu bằng số học, phi hình tướng.  Do đó mà người Trung Hoa thoát khỏi sự mê say của thiên văn phương Tây với cách nhìn cho vòng tròn là hình tượng hoàn hảo nhất…họ cũng không phải sống trong tù ngục của hình cầu pha lê thời Trung Cổ.  Điều này cho thấy, triết gia và khoa học cổ đại tại phương Đông đã có một cái nhìn cơ bản về thuyết tương đối, cho rằng hình học không hề là phản ánh tính chất của thiên nhiên mà chỉ là sản phẩm của tư duy.

 

Tổ Mã Minh nói: Cần hiểu rõ không gian không gì hơn là một dạng đặc biệt, nó không có tự tính. Không gian chỉ có trong mối liên hệ với dạng ý thức đặc biệt của ta.

 

Phật Giáo có một nhận thức trực giác về tính cách không gian - thời gian của thực tại và đã được trình bày rõ rệt và triệt để trong những kinh điển Phật Giáo.  Kinh Hoa Nghiêm mô tả sinh động về một sự dung thông vô ngại của không gian và thời gian - đây là cách phát biểu toàn hảo về không gian và thời gian - được kinh nhắc tới nhiều lần và nó được xem là đặc trưng của tâm giác ngộ.

 

Dr.T.Suzuki viết: Ý nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm và tư tưởng của nó sẽ khó hiểu nếu ta chưa bao giờ chứng một tình trạng của một sự tan biến hoàn toàn, trong đó không còn có sự phân biệt thân và tâm, giữa chủ thể và khách thể… Ta nhìn quanh và nhận thấy mỗi sự vật đều liên hệ với mọi sự vật khác… không những trong không gian, mà trong thời gian. Thực tế là trong sự chứng thực thanh tịnh không có không gian phi thời gian, không có thời gian phi không gian, chúng dung thông nhau.  Theo tôi, muốn hiểu Kinh Hoa Nghiêm thì phải giác ngộ trước đã mà muốn giác ngộ thì phải đọc Kinh Hoa Nghiêm.

 

Nếu so sánh câu nói này của Suzuki với những lời đã dẫn của Minkowski, ta thấy ngay cả khoa học gia lẫn nhà Phật học đều tương đồng trên quan điểm xây dựng khái niệm không gian - thời gian trên thực nghiệm; một bên dựa trên kiến thức và thí nghiệm khoa học, bên kia thì nhờ chứng thực tâm linh và trí tuệ Phật Pháp.

 

Theo Vũ trụ quan Phật giáo, Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, Trích từ Phật Học Phổ Thông, “Cái ‘có’ và ‘không’ ở đây là ‘có’, ‘không’ tương đối. ‘Có’ là một cái gì, ‘không’ cũng là một cái gì. Còn nói một cách tuyệt đối, thì trong vũ trụ này chưa bao giờ có một cái không hoàn toàn không cả. Cũng như cái có mà ta thường thấy chung quanh ta cũng không phải hoàn toàn, vĩnh viễn có.  ‘Có, không’ đều tương đối, nghĩa là dựa vào nhau mà thành.  Hoặc trong một chỗ này có thì chỗ khác không, hoặc đắp đổi nhau trong thời gian có trước rồi không sau, hay không trước rồi có sau. Khi ấy lấy riêng ra từng pháp mà xét, thì thấy tuần tự có thành, trụ, hoại, không, nhưng xét toàn thể thì phút giây này cũng đồng thởi có thành, có trụ, có hoại, có không cả.  Như thế, để kết luận: không phải cải không xuất hiện trước là có.  Không và có đều có một lần. Và vì thế, cho nên không thể có nguyên nhân đầu tiên của cái có.  Trong hiện tượng giới ta thấy có sanh diệt, có thể có, chúng ta cho là vô thường. Nhưng nếu xét toàn thể vũ trụ, đứng về thật tại giới, thì chẳng có sanh diệt mà vạn hữu là thường trụ.”

 

Thực tại, tất cả từ Không (Năng lượng, energy) ra Có (Sắc, matter); Từ Có ra Không.  Như Einstein đã từng nhận thấy, năng lượng - một thực thể xuất hiện ngay trong khoảng khắc sau khi vũ trụ hiện hữu – và vật chất đồng nhất. Chúng chỉ biểu hiện khác lối.  Trong luận lý đó, năng lượng (không sắc) có thể được biến cải trở thành vật chất (sắc,) và vật chất có thể chuyển đổi thành năng lượng.  Sau đó là những gì xãy ra trong trung tâm của những hành tinh; chúng dùng phản ứng nguyên tử tổng hợp để biến chuyển một phần của chất khí chứa đựng trong nó thành những yếu tố nặng hơn (bắt đầu từ helium và dẫn đến  iron.)  Một luồng năng lực kinh khủng của năng lượng – năng lượng đó duy trì trên trái đất, những hành tinh có sự sống, và tự trong vũ trụ -  như là một sản phẩm được cung cấp.  Không có năng lượng, vũ trụ mà ta biết sẽ ngừng hiện hữu.

 

As Einstein once learned, energy—an entity that emerged just moments after the universe came into existence—and matter are one and the same. They merely manifest in different ways. In that sense, energy can be converted into matter, and matter can be converted into energy. The latter is what happens in the center of stars; they use nuclear fusion to convert a portion of their gas content into heavier elements (starting at helium, and leading to iron). A tremendous amount of sheer energy—energy that goes on to sustain Earth,  other inhabited planets, and the universe itself—is released as a by product. Without energy, the universe as we know it would cease to exist. (Why Scientists Think the Universe is Slowly Dying, Posted By: Jaime Trosperon: August 30, 2015In: News, Physics, http://www.fromquarkstoquasars.com/why-scientists-think-the-universe-is-slowly-dying/)

Trên giả thuyết nếu một khối vật chất khi được nén đến tối đa, tỷ trọng đầu tiên của nó (g/cm3) lên đến vô cực, rồi sau đó giảm dần xuống. Nói rõ hơn, nếu nén các vật thể đến một tỷ trọng cao, nhiệt độ của chúng sẽ tăng một cách kinh khủng. 

Năm 1950, thí nghiệm mẫu của Goerge Gamow chứng minh rằng một nhiệt độ tăng đến vô cực và tỷ trọng ở số 0; chỉ trong một giây đồng hồ, nhiệt độ đó lên đến 15 tỉ độ, và tỷ trọng của nó cũng bằng tỷ trọng của không khí mà chúng ta đang thở.

Một số lượng khác đến từ những khoảng trống mênh mông trong vũ trụ. Ở đây, những Hố đen (Blackhole) bí mật, khi nuốt tinh tú và Binary Stars đã tạo nên những vụ nổ bùng kinh thiên động địa (Cataclysmic explosions,) trong khi những Thiên Hà (Galaxies) đang hoạt động phun ra những luồng hơi khí (gas) và vật thể (matter.)

From Wikipedia, The Universe is all of time and space and its contents. The Universe includes planets, stars, galaxies, the contents of intergalactic space, the smallest subatomic particles, and all matter and energy. The observable universe is about 28 billion parsecs (91 billion light-years) in diameter at the present time. The size of the whole Universe is not known and may be infinite. Observations and the development of physical theories have led to inferences about the composition and evolution of the Universe.

Di chuyễn của những nguyên tử trong không gian mà Cư Sĩ Truyền Bình gọi là là di chuyển vật thể đi xa không giới hạn và không mất nhiều thời gian bằng phương thức liên kết các rối lượng tử (quantum entanglement.)  Liên kết lượng tử là sự kết nối giữa hai hoặc nhiều nguyên tử hoặc hạt cơ bản (elementary particles.) Đặc điểm của liên kết lượng tử là chúng được kết nối bằng một phương thức kỳ lạ mà Albert Einstein gọi là “Spooky action at a distance” (Tác động ma quái từ xa.) Einstein vốn không tin có tác động ma quái này, nhưng thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris, áp dụng bất đẳng thức của John Bell trong tính toán, đã chứng minh bằng toán học một cách thuyết phục rằng tác động này là có thật. Tác động này khiến cho người ta chỉ cần đo đạc một nguyên tử hoặc hạt cơ bản ở gần mình thì nắm được chắc chắn tình trạng của đối tác liên kết của nó (entangled partner) bất kể khoảng cách là bao xa [có thể là 18km; 89 miles (dặm Anh) = 143km; hay 541 quang niên.]  Tương tự như trong những trang kinh xưa đã nói về sự liên hệ giữa vật chất và năng lượng lẫn không có sự phân biệt cơ bản nào giữa Tâm và Vật vượt không-thời.  Tôi nghĩ đây là một chứng minh của quả (effect) xãy trước Nhân (cause) và những gì chúng ta chứng kiến trong cỏi Ta Bà (ráng chịu) này là kinh nghiệm của những quả đã được chính chúng ta sắp xếp trước cho kiếp này.  Như là chúng ta đã mượn tiền ngân hàng từ trước và đã xài hết cho một mục đích nào đó.  Nên bây giờ đang ráng chịu đi cày trả nợ rồi thì than nghèo, than khổ và lầm tưởng là ‘tôi đau.’  Thay vì cái thân nhục thể ngũ uẩn này khổ đau.  Có thể vì vậy mà chúng ta cầu bất đắc khổ vì nợ chưa trả hết nổi thì ráng mà chịu nghèo khổ chứ không có ngân hàng nào cho vay mượn thêm.

Cũng nên biết, ngũ uẩn hay là Ngũ ấm chỉ là năm (pañca) nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm (mind and body) chứ không phải là những yếu tố tạo ra xum la vạn tượng trong vũ trụ.  Vũ trụ ảo (holographic universe) bao gồm ngũ uẩn của con người.   Cho nên phải ‘Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm diệu viên giác Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến vũ trụ giai không’ mới ngoài tâm và ngoài cả Tri Kiến Phật.  Khi đó mới ‘như thị viên giác’ (thấy rốt ráo với phi tánh sáng suốt tròn đầy) được tâm tướng là tâm không; không tâm là tướng tâm!

35.                   Tuyệt đẹp của cái Chết

Tứ Thập Nhị Chương Kinh có thuật chuyện Đức Phật hỏi các thầy Tỳ Kheo:

- Đời người sống bao lâu?

Một thầy đáp:

- Trong vài ngày.

Đức Phật lắc đầu bảo:

- Ông chưa hiểu đạo.

Một vị khác nói:

- Trong khoảng một bữa ăn.

Đức Phật cũng lắc đầu bảo:

- Ông chưa hiểu đạo.

Một vị khác nói:

- Đời người trong hơi thở.

Đức Phật khen vị ấy rằng:

- Hay thay, ông mới là người hiểu đạo.

 

Thật ra thì tất cả các thầy Tỳ Kheo ở trên điều hiểu đạo.  Họ cùng đồng vướng mắc vào thời gian nhưng vì căn trí bất đồng cho nên quan niệm đời người mau chậm khác nhau.  Người thì muốn bám trụ sống lâu hơn như trong một vài ngày, chậm hơn một bữa ăn hay có chút tinh thần khoa học hơn thấy vòng sinh, trụ, hoại, diệt của từng tế bào trong cơ thể xuay vần mau hơn qua từng hơi thở.  Thật ra, đời sống không bao lâu cả.  Y Vân đã diễn tả ý này qua bài hát: Em ơi có bao lâu, 60 mươi năm cuộc đời?  60 mươi năm thoáng qua như là vài ngày, một bữa ăn hay một hơi thở?  Einstein đã giải thích thuyết tương đối bằng cách đưa ra thí dụ: Ngồi trên lò lửa so sánh với ngồi bên người đẹp với thời gian tương đối mau chậm tùy Tâm (ý.)

 

Chúng ta sinh ra trên đời này như là ký một hợp đồng (contract) với Holywood.  Chúng ta may mắn được chọn lọc và có quyền chọn lựa:  một là trở thành tài tử điện ảnh (sinh ra trên đời này, to be) hai là vô danh, vô ngã (không sinh ra, not to be.)  Có điều, đa số chúng ta khi được Holywood mời ký hợp đồng đều quá sung sướng nên vội vả nhắm mắt ký càng mà không đọc kỹ lưỡng những điều kiện rắc rối của bản hợp đồng đó là: Số tiền diễn xuất, đóng vai gì, và bao lâu vì đa số chúng ta không muốn biết cái chuyện vô thường đó cho đến khi đụng chạm với thực tế mới than đau, than khổ.  Số tiền nhiều hay ít cũng như tuổi thọ của mình dài hay ngắn, đóng vai giàu hay nghèo, xấu hay đẹp, kép độc hay đào thương, sướng hay khổ, mà đóng từ đầu đến cuối chuyện phim hay chết ngay tức khắc trong vài phút đầu của vở tuồng?  Ngược lại, Holywood chọn mình làm tài tử vì muốn thấy mình diễn xuất có xuất thần hay không chứ đang đóng phim mà biết chỉ là đóng kịch cho chính mình xem thì làm sao mà đóng hay được?  Đang đóng làm thằng ăn mày, nghèo đói, dân ngu cu đen, xấu xí bị gái chê, vô gia đình mà cứ mơ tưởng tới vở tuồng trước mình làm vua, giàu sang, qúy phái, với 3000 cung nữ xinh đẹp hầu cận đêm ngày thì chắc là đau khổ rồi.  Đa số chúng ta đều muốn đóng vai nào mà khán giả yêu thích, thương cảm, vui buồn với mình chứ không muốn đóng vai kép độc để bị chúng chữi.  Đóng vai gian ác quá xuất thần thì bị chúng ghét mà diễn xuất dở thì bị khán giả chê không đủ ác độc.  Khổ nỗi, đa số hợp đồng của Hollywood đều là vai trò đầy thách thức không dễ gì diễn xuất vừa lòng thiên hạ.  Điều này cho thấy, Ta và cha mẹ, anh chị em, vợ con ta cũng là một hợp đồng dăm ba mươi năm.  Còn nợ còn duyên thì còn ra vào gặp mặt, chán chường mệt nghĩ; hết nợ duyên thì cùng lên ‘thuyền ra cửa biển’ đi chầu Hà Bá.  Bất kể thương hay ghét, muốn hay không, thì kiếp sau những cái Ngã này tự tìm đến với nhau để tằng tịu, lẹo tẹo, hay đòi nợ tiếp, đóng tiếp cuốn phim ‘nợ đời.’  Cho nên đã lỡ dại lấy vợ hay chồng vừa nghèo vừa xấu thì cũng sẽ gặp lại những tài tử này trong kiếp tới tương tự hoặc còn tệ hơn như vậy.  Đúng y chang ý kinh:  Như thị tri kiến!

 

Cũng nên nhận thức, chúng ta sinh ra trong cõi Ta Bà Hollywood này không phải với mục đích là có cuộc sống dễ dàng.  Thực tế, đời sống luôn luôn bất công, (life is always unfair,) không công bằng, cuộc sống luôn luôn đầy thử thách và gian nan trở ngại.  Chúng ta không bao giờ sống đời đáng sống, (never be what we want to be; never do what what we want to do,) không bao giờ làm điều chúng ta muốn làm. Thực tế thật quá phũ phàng!

 

Đa số chúng ta đều hiểu câu kinh Phật, đời sống vô thường như bóng câu cửa sổ, ở trên nhưng nếu biết mình chỉ sống được trong vài ngày, một bữa ăn, một hơi thở thì lúc đó quan niệm sống của chúng ta có thể thay đổi rất khác xa với quan niệm thông thường và lối tư duy hiện tại.

 

Vì biết mình sẽ chết nên nổi chết là sự lo âu sâu kín, lo lắng ray rứt và cái sợ hải lớn nhất của mọi cá nhân tuy nhiên trước khi muốn chết thì phải không muốn sống trước đã.  Nhưng cũng phải biết sống tuyệt đẹp như thế nào trước khi biết chết đẹp tuyệt vời như thế nào.  Sự sống và cái chết cũng chỉ là hai khía cạnh của một hiện tượng, 2 mặt của một đồng tiền, nếu chỉ nhìn vào một khía cạnh thì tất nhiên sẽ khó tránh khỏi thiếu sót lớn lao bởi cái nhìn phiến diện, một chiều.

Tuyệt đẹp của cái Chết! 

Đôi chim nho nhỏ trên cành

Giục nhau đan tổ cỏ xanh bên đường

Nửa đời mây nước du phương

Thiền sư ngắt cỏ cúng dường phật thân

*

Chim ơi chết dưới cội hoa

Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà

Mai ta chết dưới cội đào

Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.

 

(Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Phạm Thiên Thư)

Tuyệt đẹp của cái Sống!  William Wordsworth – một nhà thơ người Anh đã nói :

                 Sự sanh của chúng ta là một giấc ngủ quên lãng.

                 Linh hồn đã mọc lên trong chúng ta,

                  sự sống của chúng ta là những vì sao.

                  Nó được sắp đặt tại một nơi nào đó

                  và đã đến từ một nơi rất xa lạ.

Nhà tư tưởng vĩ đại, một kịch tác gia nổi tiếng của Anh Quốc, William Shakespeare đã dựng lên một quan điểm tiêu biểu về cái chết khi ông công diễn vở Julius Caesar: “Trong tất cả những điều kỳ diệu mà tôi đã từng nghe được, có một điều dường như làm tôi kinh ngạc nhất, đó là việc con người sợ hãi trước cái chết.  Khi cái chết đến, họ cần phải hiểu rằng chết là một điều tất yếu phải xảy ra.” 

Đây là cái chết của tha nhân: Trong bài A Buddhist Reflects On Death (Một Phật tử suy niệm về cái chết,) Hội đồng truyền bá Phật Giáo Đại tịnh xá - Mã Lai Á xuất bản,  Buddhist Maha Vihara – Malaisia, dịch ra Việt ngữ: Phạm Xuân Quang (2010,) Tác giả Vijaya Samarawickrama viết: Trong những câu chuyện đó, tôi thích nhất là câu chuyện kể về Trang Tử (Chuang tzu) - một nhà triết học vĩ đại sống theo học thuyết của Lão Tử (Taoist) vào thế kỷ thứ IV trước CN. Câu chuyện như sau : Khi vợ của Trang Tử chết, những người bạn của ông tìm đến để an ủi đều bị một cú sốc tâm lý gây choáng váng khi họ thấy ông đang ngồi hát bên ngoài túp lều của mình, tay vừa gõ nhịp lên một cái chậu. Lúc đó, Huệ Tử (Hui Tzu, bạn tri kỷ của Trang Tử) đã la lên: “ Ông đã sống với người ta, người ta nuôi con trai cả của ông khôn lớn thành người, đến khi người ta chết, ông không rơi một giọt nước mắt trên thi hài của người quá cố. Như vậy còn chưa đủ xấu xa sao ? Cơ sự đã như thế, lại còn ngồi gõ nhịp lên chậu mà hát.” “Không có gì cả,” Trang Tử đáp, “ Khi bà ấy đã chết rồi, tôi không thể nào giúp cho bà ấy sống lại được. Tuy nhiên, tôi cũng nhớ rằng trước khi được sanh ra, bà ấy đã từng hiện hữu trong một trạng thái không có hình thể như là một điều kiện bản năng hay thậm chí là không thuộc về một loại vật chất nào cả. Vật chất đã kết hợp với tinh thần để làm ra một hình thể giả tạm và cuối cùng bà ấy được sanh ra. Bây giờ, sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần đã thay đổi và bà ấy chết. Sự chết của bà ấy giống như trạng thái thay đổi từ tuần trăng này sang tuần trăng khác, giống như trạng thái luân phiên của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.  Khi bà ấy đang nằm ngủ vĩnh viễn ở đó, nếu tôi khóc lóc và than van thì không khác gì việc tôi tự tố cáo mình là dốt nát trước những qui luật tự nhiên này. Vì vậy tôi đã hát.”

Huệ Tử và những bạn bè của Trang Tử đã quá hấp tấp vội vã trách cứ triết nhân vì họ quá sốc mất khôn.  Họ bị chấn động mạnh vì lần đầu tiên nghe người chồng thản nhiên hát trong đám tang của vợ mình thay vì nghe những tiếng khóc bi ai.  Nếu chịu khó kiên nhẫn bình tâm một tí để nghe Trang Tử hát bài gì rồi trách móc sau thì đâu có chuyện Trang Tử phải cãi chính hay biện hộ cho ‘hành vi ca sĩ’ của ông ta?

Hơn nữa, Trang Tử thích lập dị và đã biểu lộ bản tính kiêu ngạo của mình vậy mà bạn bè không nhận ra để mà bị sốc mạnh hơn.  Đó là, ông ta nhìn thiên thượng thiên hạ bằng cái ngã độc tôn, tất cả điều dốt nát hơn mình mới bị sốc mà chất vấn bắt bẽ mình hát trên xác chưa chôn của vợ mình, ‘tôi tự tố cáo mình là dốt nát trước những qui luật tự nhiên đó.’ Không hiểu thấu qui luật tự nhiên của vũ trụ vạn pháp có thể là ‘ngu muội’ chứ không phải ‘dốt nát hay ngu dốt.’  Đạo Phật dùng chữ ‘ngu muội, hay mê muội’ không chủ ý nguyền rủa con người là lũ ngu dốt, kém thông minh hay kém kiến thức, không học vấn nhưng có nghĩa là Si, chưa tỉnh ngộ.  Chữ ‘Ngu Muội’ trong Phật Giáo mà Đức Thế Tôn đã dùng và được ghi lại trong kinh điển, tràn đầy bao dung, thương cảm hơn là chê khinh.

Trang Tử luôn ngụy biện chứ nếu đọc chuyện Trang Tử ích kỷ giả chết để thử lòng chung thủy của vợ thì có thể ông ta hát vì mục đích khác.  Trang Tử hát trên xác vợ có thể không ‘tự tố cáo là Trang Tử dốt nát trước những qui luật tự nhiên’ nhưng nó lộ cái nguyên hình tự nhiên của Trang Tử.  Chúng ta không phải là Trang Tử để hiểu nổi cái hồn bướm mơ tiên của Trang Tử cũng như Trang Tử đang hát bài gì?  Thời bây giờ không có những ‘đại triết gia’ vô tích sự cho nhân quần xã hội này nữa.

Xin đừng nghĩ  kiếp trước tôi có ân oán gì với Trang Tử hay nếu thấy tôi bình luận về các vĩ nhân trong những bài luận văn Phật Giáo là tôi ganh tỵ hay muốn khoe khoang phân bì với người.  Tôi chỉ muốn ôn cố tri tân, nhìn những quan niệm cũ kỹ với một góc cạnh mới lạ, ngoài vòng cương toả thông thường, out of the box, thay vì nhai lại những gì nhiều người đã lập đi lập lại cùng một ý, một chiều.  Chữ Tôi mà tôi dùng ở đây có nghĩa tương đối; Tôi và tha nhân chỉ là hai khía cạnh của một thực thể chứ không phải tôi là Tôi.  Thực tế, Tôi là Tôi; Tha Nhân là Tha Nhân đó là thực tại, là như thị tri kiến, thấy viết như vậy rồi đọc như vậy chứ không thấy được Tôi như vậy.  Tôi chưa bao giờ thấy tôi.  Bản lai diện mục của tôi không liên quan dính dấp gì tới cái sống lẫn sự chết của bản thân Tôi để mà lo âu sợ hãi cả.

Quan điểm ‘sống ở thác về’ của con người rất phổ biến, người hiểu đạo thản nhiên đối với cái chết và dửng dưng trước thay đổi vô thường (Anicca, Impermanence.)  Kẻ trí dũng, người hiểu đạo lý vũ trụ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng dù biết rằng sự sống nặng tựa Thái Sơn.  Đời sống chúng sinh kể cả kiếp nhân sinh tuy tạm bợ nhưng rất quý giá trên thế gian này cho nên chúng ta phải trân trọng mạng sống của chính mình lẫn của chúng sinh. 

William Shakespeare cũng đã từng nói rằng: Người hèn nhát sẽ trải qua nhiều lần chết,  Người hiệp sĩ không bao giờ nếm thử để biết mùi vị của cái chết và chỉ trải qua một lần chết mà thôi.  Điều này hơi khó hiểu nhưng đa số chúng ta đều chết trong lòng một tí, rất nhiều lần, qua từng hơi thở và có thể chúng ta chỉ sống một lần này nữa mà thôi?  Có thể Shakespeare muốn nói:  Người nhát gan sợ hải cái chết nhiều lần trên đời, người gan dạ chỉ chết một lần thôi, chết trước khi sợ hãi.  Chết trước sợ sau?

Trong vở Hamlet, nhà vua khuyên người cháu trai của mình đang để tang cho cái chết của cha như sau:  “Con nên biết rằng cha của con cũng đã từng mất một người cha,   Người cha đó mất đi, đã làm mất đi cái của ông ấy.  Người còn sống, khi thực hiện bổn phận của mình với tư cách là con cái để đền đáp công ơn của cha mẹ phải biết tự kềm chế bản thân, không nên qui lụy và khóc thân.  Nếu không chịu nghe lời khuyên của ta mà cứ khăng khăng chấp chặt những lời chia buồn và nuối tiếc là bất kính với Chúa.   Đau buồn sầu khổ là điều không đáng với tư cách của một người đàn ông.”  Muốn xứng đáng là tư cách của bật quân tử, đại trượng phu, thì bắt chước Trang Tử hát trên xác cha mình.

Hamlet cũng đã trầm tư về tính vô minh của con người qua những điều đã xảy ra sau cái chết – những điều đó là nguyên nhân dẫn đến sợ hãi tột cùng:  “ Người muốn mang gánh nặng, cứ lẩm bẩm và ướt đẫm mồ hôi vì mệt lã.  Bởi vì sợ hãi điều gì đó sau khi chết, vì chưa tìm được quê hương từ biên giới của quê hương đó.  Không có người lữ hành nào trở lại? Một câu hỏi khó trả lời đã làm cho chúng ta càng thêm sợ hãi.  Những điều đó là sự bất hạnh mà chúng ta đã có.  Rồi thì chúng ta sẽ bay đến những nơi xa lạ nào? ”   Cái không biết, không thấy, không giải thích được trở nên huyền bí rồi tự nhiên tạo nên nỗi ám ảnh kinh hoàng lẫn lo sợ khôn nguôi của con người.  Ngạn ngữ có câu:  Thần hồn nhát thần tính hay nhìn gà hóa cuốc!

Một cách tương tự, Omar Khayyam đã tự hỏi:  “Thật kinh ngạc, có phải nó không?  Vô số những người sống trước chúng ta đã xuyên qua cánh cửa của bóng tối.  Không một người nào quay lại nói cho chúng ta biết về con đường mà họ đã khám phá, con đường mà rồi chúng ta cũng phải đi qua.”  Thật ra cũng có nhiều trường hợp, người chưa tới số sống lại nhưng mấy ai muốn tin những lời họ thuật lại?

Vẫn còn rất nhiều ý nghĩ tốt đẹp về cái chết giống như những quan niệm vừa nêu trên và đã được những nhà tư tưởng lưu lại trong suốt 3000 năm qua.  Tất cả những điều đó đã giúp cho chúng ta hiểu biết về cái chết để chấp nhận nó với trí tuệ và lòng dũng cảm tự nhiên.

Trích từ Tích Truyện Pháp Cú tập 2, bản dịch của Thiền viện Viên Chiếu, phẩm XIII về ‘Cô bé dệt vải.’

“Một hôm, đức Phật đi đến Alavi. Dân chúng Alavi thỉnh Phật thọ trai. Thọ trai xong, Đức Phật dạy một bài pháp ngắn: Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng đời sống của ta mong manh. Cái chết của ta là điều cố nhiên. Chắc chắn ta sẽ chết. Cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Đời sống không cố định, cố định là cái chết. Ai không quán niệm về sự chết, sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và sẽ chết trong sợ hãi kinh hoàng, như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rẫy dường nào. Còn người có quán niệm về sự chết, sẽ không sợ hãi trong giây phút cuối của cuộc đời, và như một người gan dạ thấy rắn từ xa, đã cầm gậy hất nó đi. Vì thế, hãy quán niệm về sự chết.”

Trong Kinh Trung Bộ có ghi: Một thời Đức Phật ở tại xứ Koliya, một hôm Ngài nhập đại định, biết cô gái con người thợ dệt có nhân duyên với mình trong thời quá khứ. Trong pháp hội tại đây ba năm về trước, cô gái này đã được nghe Đức Phật dạy quán niệm về cái chết, về nhà cô thường xuyên quán niệm về những lời dạy đó. Bây giờ, khi Đức Phật quay trở lại, Ngài biết chắc chắn rằng tối nay cô gái sẽ chết, và tuy rằng cô quán niệm sâu sắc về cái chết nhưng vẫn chưa chứng quả nên sẽ tiếp tục rơi vào con đường sanh tử. Do vậy, Đức Phật mở lòng từ bi thương xót đến đó để độ cho cô gái.

 Khi hội chúng đang đông đủ, cô gái bước vào cửa, thành tâm bước đến đãnh lễ Phật.

 Đức Phật hỏi cô:

 -    Con từ đâu đến?

 -    Bạch Thế Tôn, con không biết.

 -    Rồi con sẽ đi về đâu?

 -    Bạch Thế Tôn, con không biết.

 -    Con không biết sao?

 -    Dạ con biết.

 -    Con biết thật không?

 -    Dạ con không biết.

Đại chúng ngồi nghe bốn câu vấn đáp giữa Đức Phật và cô gái, ai cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì, cho rằng cô gái trả lời ngớ ngẩn và có thể nghĩ thầm Đức Phật hỏi những câu lạ lùng.  Đã là Phật có ngũ nhãn mà không biết từ đâu tới, đi về đâu, không biết, thật không.  Đức Phật khen ngợi cô gái sáng trí tuệ, nhờ thường quán niệm về cái chết nên đã hiểu tâm ý Phật.   Ngược lại, Đức Phật thương xót muốn khai thị cho đại chúng còn u minh nên tiếp theo, Ngài nói bài kệ:

“Thế gian này mù quáng

Chẳng mấy người thấy rõ

Như chim thoát khỏi lưới

Rất ít đi thiên giới.”

 

Có nghĩa là vì nghiệp lực yếu nên hay lo lắng, ít ai thấy rõ được dòng sóng tâm thức của mình như những hạt ảo sanh diệt liên tục như điện như ảnh.  Ít ai thấy rõ được hay tự chủ được mình chết rồi sẽ tái sanh về đâu?  Nếu biết quán chiếu ngũ uẩn giai không, hiểu sâu sắc về vô thường, vô ngã, và về luật sống chết thì sẽ được giải thoát ngay trong cuộc đời này.

 

Điều này cho thấy rất rõ ràng trong lịch sử Phật Giáo, cô gái dệt vãi đó trí tuệ còn cao hơn nhiều nam nhân và nhất là chuyện Long Nữ, 8 tuổi, dâng châu đãnh lễ Đức Phật, đối đáp suông sẽ, được Đức Phật mĩm cười vỗ vỗ vào cái chổ ngồi kế ngang mình để mời Long Nữ Phật ngồi làm đa số các nam đệ tử trong đó có Annanda trong lòng ngạc nhiên lẫn đố kỵ.  Ngoại trừ Ma Ha Ca Diếp và Mục Kiều Liên thấy rõ được bản lai diện mục của Long Nữ.  Hai tích xưa trên đây đã chứng minh có những trường hợp rất đặc thù là nữ căn tính vượt hẳn nam căn tính.  Chúng sinh đều có phật tính và đã thành Phật không phân biệt nam nữ.  Tu hành không phải dễ dàng, sự khó khăn thử thách và cám dỗ   không phân biệt bất cả ai trên đời.

Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông trong những ngày cuối của cuộc đời, Quốc Sư Đại Đăng vào thăm hỏi, “Bệ hạ bệnh thế nào?” Vua đáp: “Tứ đại là bệnh, cái này xưa nay sanh tử không can hệ, mà dính kẹt trong bệnh hoạn sao?”  Theo tôi, ý ngài, tứ đại không liên quan gì tới sinh tử, sao hỏi tới bệnh hoạn?

Rồi mấy hôm sau, khi sắp mất, vua Trần Thánh Tông muốn nhờ hai vị Quốc Sư là Phù Vân và Đại Đăng đến nói pháp xuất thế cho Ngài nghe.  Thái Tông bảo, “Đến trong đây bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét thương tích, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ Sư thoái thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu đều là lời thừa, có ích gì đối với cái này.” Nói xong, Ngài  bình thản ra đi, thọ 60 tuổi.  ‘Cái này’ là cái chi chi?  Phật Hoàng đã hiểu được câu kinh ngắn ‘tự mình thắp đuốt mà đi’ đâu cần tới Thánh Tăng dạy pháp ra đi.  Khi mình còn vô minh thì không Phật A Di Đà lẫn thánh tăng nào độ mình về cõi cực lạc được.

Trong bài Niệm về cái Chết, Hòa Thượng Thường Chiếu giảng: Chúng ta thấy khi nhà vua bệnh được quốc sư Đại Đăng đến thăm bệnh, mà Ngài vẫn xác định “Tứ đại bệnh còn cái ấy đâu có bệnh, cái ấy đâu có dính dáng gì trong bệnh hoạn.” Để thấy là nhà vua hằng sống được trong đó, nên mới an nhiên trả lời như vậy. Rồi khi vua cha sắp mất, Trần Thánh Tông nhờ hai vị quốc sư đến trợ niệm giúp vua cha, nhưng vua cha không cần vì Ngài đủ sức làm chủ lấy bản thân, nên nói: “Đến trong đây bớt một mảy tơ thì dường như trên thịt khoét thành thương tích, thêm một mảy tơ như trong mắt có bụi.” Nghĩa là trong đó không cần thêm bớt gì nữa, như vậy là như vậy, thêm hay bớt chỉ là tạo thêm thương tích mà thôi. “Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ Sư thoái thân có phần,” tức là chỗ ba đời chư Phật nhìn nhau không có kẻ hở cho ông dòm vào, cũng là chỗ chư Tổ phải lùi lại, ông làm sao bám. Vì thế hai vị quốc sư có bàn huyền nói diệu gì, thì cũng không dính dáng, chỉ như lời nói bên ngoài, lời dư thừa thôi.  Nói xong rồi thì vua lặng lẽ ra đi.  Đúng là làm chủ trong sanh tử.  

Kinh Ngọc (Qua Suối Mây Hồng, Phạm Thiên Thư)Nguyễn Đăng Thục, Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Văn-Khoa Saigon viết tựa: Ước gì lòng tôi biến thành Kim-Cương để xóa tan biên giới Ta với phi Ta, để liễu ngộ sinh tử, để hết trụ vào Ta, cho cái tâm giải thoát.  Phải chăng đấy là cái Tâm "Ưng vô sở trụ mà sinh" nó đã dẫn dắt Huệ Năng về Tào Khê, nó đã làm cho Thái Tông khoát nhiên tự ngộ vai trò lãnh đạo nhân dân "dĩ thiên hạ tâm vi tâm - dĩ thiên hạ dục vi dục." Vào sinh ra tử suốt cả một đời ngõ hầu thực hiện cái nghĩa vô tâm:

"Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý

Bạch vân xuất tụ bản vô tâm"

 

Không có ý mà làm, với cái tâm không tâm! Thật khó lắm thay! Cao siêu thay!

Làm vua bao nhiêu việc mà Ngài còn rảnh rang tu được, có sức tự chủ trong sanh tử, còn chúng ta thì sao? Việc chúng ta đâu có nhiều hơn ông vua! Chúng ta còn nhiều thời gian lắm, lại đổ thừa công việc bề bộn tu không được, vậy là sao?

Qua tấm gương của vua Trần Thái Tông, nhà vua có chỗ sống chân thật nên khi bỏ thân này không có lo sợ.  Đó là chỗ chúng ta phải luôn học từ Ngài, luôn nhớ để quán chiếu.

Trong kinh Di Giáo, lời dạy sau cùng trước khi Phật nhập Niết Bàn là “Đây là vật tội ác và đáng bỏ, giả gọi là thân, nó chìm đắm trong biển sanh già bệnh chết. Như thế có người trí nào trừ diệt được thân này, như giết bọn giặc cướp mà chẳng vui mừng.” Lời Đức Phật dạy nhắc nhở chúng ta bỏ thân là trừ được giặc, chết là vui chớ không phải buồn. Đó là chỗ chúng ta học suốt đời đến khi nhắm mắt chưa chắc đã xong, nào phải chỉ học vài ba hôm rồi thôi.  Cho nên, phải luôn ghi nhớ để trừ tham luyến về tấm thân này, để ngày ra đi chúng ta được nhẹ nhàng tự tại và biết mình sẽ đi về đâu.  Đó là ý nghĩa của câu: Sống ở, thác về!

Ngay trong sanh tử mở được trí tuệ vô sanh, thấy rõ mình không phải là cái chết này. Khi sống được với tâm bản nhiên rồi, cái chết đến thì chúng ta an ổn.  Chúng ta niệm về cái chết để vượt lên cái chết, mở sáng trí tuệ, không phải niệm về cái chết để mà sợ hãi chán đời.

Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã kiến tánh giữa trận tiền và tự thân chứng về sự vô thường qua những bài thơ dưới đây.  Trần Nhân Tông là con đầu của Trần Thánh Tông.  Ngài là một vị vua anh minh quả cảm, nhiều lần xông pha trận mạc đánh tan quân Nguyên (Mông Cổ,) đội quân bách chiến bách thắng hùng mạnh vào bậc nhất thế giới thời bấy giờ đã hai lần (1258, 1288) xâm lấn nước ta.

Ngài không những là bật minh quân, lãnh đạo đầy uy tín mà còn là một vị tướng tài ba với tâm hồn phóng khoáng đạt đạo.  Nếu đem so sánh những bài thơ Thiền và những chiến công hiển hách của Ngài trong lúc lãnh đạo quân dân chống giặc Mông Cổ xâm lăng, chúng ta có thể nhận thấy sự thống nhất kỳ diệu giữa khí phách của dân tộc và tâm hồn của người Phật Tử trong Ngài.  Có thể Ngài đã là người duy nhất kiến tánh trong lúc múa kiếm giữa trận tiền?

Mạc dù Ngài rất đau lòng:

Nào những kẻ bài binh bố trận,

Đem mình vào cướp ấn Nguyên-Nhung.

Gió mưa thét giọng đùng đùng,

Phơi thân trăm họ, nên công một người.

Khi thất thế, cung rơi tên lạc,

Bãi sa trường, thịt nát máu rơi.

Bơ vơ góc biển, chân trời,

Tấm thân mảnh lá biết vùi vào đâu?

Trời thăm thẳm mưa dầu, gió thét,

Khí âm vân mù mịt trước sau.

Trăm năm xương trắng dãi dầu,

Còn đâu kế tự, còn đâu chưng-thường?

 

(ViệtNam Văn Học Sữ Trích Yếu, Họa Nhiên Nhiêm Toản, Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, Nguyễn Du, trang 98.)

Trong bài Vườn Hoa Phật Giáo,  Hà Thúc Minh viết: “Với tâm hồn đạt đạo, Trần Nhân Tông đã bình thản trước [sự vô thường, THL] mọi cám dỗ vật dục, từ đó yêu ra yêu, ghét ra ghét, sống ra sống, chết ra chết.  Đó là khí phách và tâm hồn của con người [thiện tri thức. THL]”  Trần Nhân Tông cũng là một nhà lãnh đạo anh minh, đã hiểu được nghĩa thịnh suy, luật cương thường của xã tắc nếu không phải như vậy thì làm sao Ngài có thể nhìn con ngựa đá mà phác hoạ ra hai câu thơ đầy khí phách, phản ảnh tâm hồn của một dân tộc bất khả chiến bại trong tinh thần Phật Giáo.  Vừa làm minh quân và vừa làm Phật, sống giữa đạo với giải thoát, giác ngộ và đời đầy quyền uy, danh vọng không phải dễ dàng.  Ngài đã vừa lội ngược dòng lẫn thuận dòng để lèo lái con thuyền xã tắc qua bể nguy nan.  Ngài lại vừa phải lèo lái tâm lòng mình qua bến vô minh, kiến tánh giữa trận tiền trong lúc đốc thúc quân dân liều chết bảo vệ sơn hà xã tắc chống lại quân xâm lăng hiếu sát.

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

 

Trần Trọng Kim dịch là:

 

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng

Bài thơ “Thu cô liêu” của Ngài đã phản ảnh thân chứng về sự vô thường của danh lợi tạm bợ:

Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm

Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm

Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch

Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.

 

(Mạn hững ở Sơn Phòng, Mạn hứng ở Sơn Phòng. Thơ văn Lý - Trần. Đỗ Văn Hỷ dịch)

 

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch

Nhất thanh đề điểu hạ xuân tàn.

 

(Sơn Phòng mạn hứng)

Một Lạt Ma Tây Tạng nói: “Bạn có bao giờ hiểu, thân chứng về sự vô thường hay chưa? Bạn đã thâm nhập nó trong từng ý tưởng, động tác, hơi thở, đến nổi cuộc đời bạn nhờ vậy đổi mới hay chưa?” Nhắc nhở mọi người chúng ta luôn luôn tự kiểm lại mình có thật sự hiểu, thân chứng về sự vô thường chưa? Phải thâm nhập trong từng ý tưởng, động tác, hơi thở, phải đi đứng, nằm ngồi, nói cười luôn nhớ về cái chết, thì cuộc đời chúng ta mới đổi mới được.  Mỗi người phải tự hỏi mình hai câu sau:

1- Tôi có nhớ hay không rằng tôi cùng mọi người, mọi vật đang tiến dần đến cái chết, và vì thế phải đối xử với mọi chúng sanh bằng lòng bi mẫn?

2- Sự hiểu biết về chết và vô thường nơi tôi, có thực đã trở nên bén nhạy, cấp thiết đến độ tôi đang dành mọi giây phút còn lại của đời tôi để theo đuổi sự nghiệp giác ngộ hay không?  

Nếu chúng ta trả lời, “có” cho cả hai câu hỏi ấy, thì chúng ta gần thâm nhập lý vô thường.

Qua hai câu hỏi này có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn hỏi mình, có nhớ là chúng ta đang chết [trong lòng một tí] hay không? Mình và mọi người ai cũng đang chết [trong lòng một tí,] thông cảm cùng hoàn cảnh [một tí] thì phải đối xử với nhau cho tốt đẹp [một tí.] Và sự hiểu biết về cái chết và vô thường, có thật sự cấp thiết đến độ chúng ta dùng tất cả thời gian còn lại của đời mình, để dành cho sự nghiệp giác ngộ hay không? Nếu thật lòng trả lời “có” dù cho cả hai câu hỏi, thì chúng ta mới thực thâm nhập lý vô thường, còn chưa là vẫn chưa thật hiểu vô thường.

Hiện nay, có người học Phật thường nói: “Tôi học “minh tâm kiến tánh”, còn nói “vô thường” là chuyện quá xưa, là chuyện của mấy người sơ cơ mới học.” Sự thật, ở đây người nào trả lời “có” trong hai câu hỏi này, mới thật sự hiểu lý vô thường. Cổ đức có nói, “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật.”  Chúng ta phải luôn nhớ như vậy, bài học này chúng ta phải học suốt đời, thì việc tu hành sẽ tăng tiến, mới đúng là thấy biết sáng suốt.

Như vậy, sau khi quán chiếu sâu sắc sự vô thường và cái chết, tự nhiên quý Phật tử sẽ có một nguyện lực mạnh mẽ hơn ngày xưa nhiều. Sẵn sàng xả thân để làm lợi ích cho tất cả, nhưng với một điều kiện là không chấp thủ.  Đó chính là hạnh nguyện của Bồ Tát.

Trong tất cả sự chấp nhận, chấp nhận về cái chết, sự vô thường là vĩ đại nhất.  Đại sư Liên Hoa Sanh đưa ra năm phương pháp quán niệm về cái chết để đưa hành giả đến con đường giác ngộ và giải thoát.  

1)     Quán niệm càng lúc càng tới gần cái chết

Kinh Pháp cú nói:

 

“Ai sống một trăm năm.

Ác giới, không thiền định

Tốt hơn sống một ngày

Trì giới tu thiền định.”

 

Ngài Lam Lim nói, “Một đời người, một trăm năm, có thể được chia làm hai phần, một nửa tiêu phí vào giấc ngủ, đây là chưa tính việc ngủ ngày, và phần lớn năm mươi năm thức giấc kia trôi đi trong việc tranh cãi, bệnh tật và nhiều hoạt động vô ích khác. Nếu chúng ta gộp lại tất cả thời gian sử dụng trong việc tu tập thì rất là ít. Và sau đó chúng ta phải chết, mặc dù bạn có một thân người toàn hảo.”

2)     Quán niệm giờ chết thì bất định

Trong Kinh Xuất Diệu có kể một câu chuyện: Tôn giả A Nan đi khất thực cùng Đức Phật vào thành Xá Vệ thấy một đám đông bao quanh một vị nghệ sĩ tài ba, ai ai cũng tán thán. Nhưng sau khi khất thực xong đi về, Tôn giả thấy chàng trai này đã chết, rất đỗi ngạc nhiên, Ngài đến bạch Phật, “Điều hôm nay con trông thấy thật quá lạ lùng, chưa bao giờ thấy.”  Đức Phật mới nói rằng, “Mạng sống con người qua nhanh như gió, khó kiềm giữ lại được. Thế thì lời ông vừa nói, có gì đâu mà lạ.”

Rồi Thế Tôn nói kệ:

“Sáng vừa mới thấy

Tối đã mất rồi

Hôm qua mới đó

Giờ đã không còn

Ta đang tuổi trẻ

Không cậy vào đâu

Tuổi trẻ cũng chết

Trai gái vô số.”

 

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có bài kệ:

 

“Nhìn đời như ảo ảnh

Nhìn đời như bọt nước

Ai nhìn đời như thế

Thần chết chẳng làm gì.”

3)     Quán niệm ai rồi cũng phải chết

Con người có thể là giống vật duy nhất trên trần gian biết được tất cả điều phải chết. Quán chiếu điều này để thấy được ai rồi cũng phải chết, có ai thoát được vô thường lẫn cái chết?

4)     Quán niệm ngày mai không bao giờ đến

Tôi luôn tự nhủ lòng ngày mai tôi sẽ tu hành.  Ngày mai rất gần chỉ có 24 giờ.  Nhưng rồi cứ khất hẹn tu hay không thì nó cũng qua đi.  Mà cái sinh già bệnh và chết cũng như là những chu kỳ và triệu chứng báo trước rằng ‘rồi tôi cũng sẽ xa tôi,’ nó không hân hoan thông báo trước lúc nào nó đến hay bịn rịn từ giả lúc nó dứt bỏ ra đi. Cho nên, đến đâu hay đó, làm không xong thì cứ khất cho ngày mai và mong ngày mai không bao giờ đến. 

Trong Kinh Tọa Thiền Tam Muội có bài kệ:

Ngày nay làm việc này

Ngày mai làm việc kia

Tham đắm không thấy khổ

Bất giác giặc chết đến.

Ngày nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, cứ lo tham đắm liên tục, bất chợt cái chết đến, không có phao, không có gì hết.

Lăng xăng lo việc mình

Việc người cũng chẳng yên

Giặc đến không hẹn trước

Lúc đến không trốn thoát.

Việc mình lăng xăng, việc người cũng vậy, cái chết đến lúc nào không hay, không hẹn trước, không trốn thoát gì được.

Như con nai khát nước

Cắm đầu bên suối uống

Thợ săn chẳng thương xót

Chẳng để uống rồi giết.

Con nai khát nước đến bờ suối uống, thợ săn rình sẵn là giết ngay, không để cho nó uống nước xong mới giết.  Cũng vậy khi cái chết đến, nó không nói đợi người đó làm xong việc đó rồi hãy chết, nó không hẹn và không chừa ai cả.

Người ngu cũng như vậy

Siêng năng lo sự nghiệp

Chết đến chẳng hẹn lúc

Ai sẽ bảo hộ ông?

Người mê cứ lo tạo nghiệp này, nghiệp nọ, không lo kết phao, khi chết đến lấy gì bảo hộ. Lúc đó thì đâu có hẹn lại được, là việc này tôi chưa làm xong hãy đợi cho tôi làm xong. Như ngoài đời có nhiều người nói bận nhiều việc, hoặc là còn lo cho mấy con cháu còn nhỏ, nên không có thời gian tu. Khi tuổi thọ hết, vô thường đến không hẹn đợi chờ ai cả, phải theo nó ra đi thôi.

Lòng người mong giàu sang

Hưởng ngũ dục chưa thỏa

Như các hàng vua chúa

Không ai mà khỏi chết.

Tham cầu giàu sang, sống một đời đầy đủ vật chất như vua chúa, quý phái cũng phải chết. 

Bậc tiên trì chú tiễn

Cũng không khỏi chết sống

Voi dữ vô thường đến

Trùng kiến cũng thành đất.

Trong Kinh Pháp cú thí dụ có kể lại câu chuyện, Phật ở tại thành Xá Vệ, trong thành có một vị Bà La Môn đã 80 tuổi rất giàu có. Sau khi nhập đại định, Phật biết ngày hôm nay ông sẽ bị chết.  Phật thương xót muốn độ ông nên đến gặp ông và nói một bài kệ để khai thị:

“Lắm con nhiều của

Người ngu mãi rộn ràng

Ta còn không thật có

Lo gì của và con.”

Nghe xong vị Bà La Môn nói: Bạch Đức Thế Tôn, bài kệ này nghe thì hay lắm, nhưng nói thật con còn đang xây nhà, từ từ thong thả có thời giờ nghĩ lại rồi con sẽ nghe sau. Trong khi đó có nhiều người quá nhiều tuyệt vọng đau khổ trên đời muốn chết phức cho thoát nợ mà không chết được.  Thật ra ai cũng không muốn lên thiên đường hay tiêu diêu cực lạc chỉ có họ không muốn chết mà thôi, chết đau đớn, lìa đời khổ ải lắm?  Tôi chỉ muốn sống để lên thiên đường với 72 nữ đồng trinh đang chờ đón tôi ở trên đó chứ chết rồi làm sao ái dục được nữa?

5)     Quán niệm ta sắp làm gì với đời ta?

Một vị Thiền sư Nhật Bản nói: “Người nào muốn biết người đó giải thoát hay không, thì phải sống giải thoát. Giải thoát 50% thì khi chết chúng ta giải thoát được 50%,” tức là sống thế nào thì chết như thế.  Có nghĩa là muốn chết 50% trong thực tại, chúng ta phải sống 50% trong thực tại chứ không có gì khác.  Hay văn nghệ, thơ thẩn hơn, sống là chết trong lòng một tí.

Ngài Đạt Lai Đạt Ma thứ 14 nói: “Muốn chết tốt đẹp, chúng ta phải sống tốt đẹp.”  Cho nên trong thiền thoại có ghi lại câu chuyện về Thiền Sư Bảo Phước thời Hậu Đường. Trước khi Ngài tịch, các đệ tử than khóc. Một vị nói rằng: “Nếu như tuổi trời đã tận thì sư phụ nên ra đi hay là nên ở lại?” Thiền sư cười bảo: “Thế theo con trong ngay trong giờ phút hiện tại này, ta nên làm gì?” Đệ tử trả lời rằng: “Sống mà sư phụ sống tốt thì chết cũng vậy thôi, tất cả đều tùy duyên.” Thiền sư: “Lời nói trong lòng ta không biết đã bị con nghe trộm từ bao giờ” Nói xong, Ngài cười rồi đi.

Thoạt sinh ra thì đà khóc choé,

Đời có vui sao chẳng cười khì.

(Nguyễn Công Trứ)

 

Đa số trẽ con sanh ra đời mới lọt lòng mẹ đều khóc choé, nhưng chúng ta phải làm thế nào đó để khi khi rời bỏ cuộc đời này, đa số đều khóc thương bịn rịn chỉ mình ta lại cười như nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo. 

 

Hay sống hào hùng; chết ngang tàng như Cao Bá Quát,

 

Ba hồi trống dục,

Đù cha kiếp.

Một nhát dao đưa,

Đéo mẹ đời.

 

Thiền sư Mãn Giác có vẽ thiền hơn:

 

“Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Việc đời cứ trôi mãi

Trên đầu già đến rồi.”

Thiền Sư Pháp Loa khi sắp tịch nói bài kệ:

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng,

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,

Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

Thói thường thì đa số chúng ta thà chết vinh còn hơn sống nhục nhã hay khổ đau tuy nhiên khi thần chết tới viếng thăm thì đa số con người thà chịu sống hèn, đau khổ còn hơn chết hùng.  Vậy mà không hiểu tại sao, dù ít khi dám nghĩ tới hay không muốn biết tới nhưng mỗi lần chợt nghĩ tới, tôi vẫn sợ chết hơn là sợ sống, tôi sợ phải xa những người tôi thương.  Hay có thể vì tôi còn nhiều điều phải làm cho chính tôi, cho gia đình, vợ con, nên chưa muốn chết dù biết rằng sợ hay không sợ chết thì tôi cũng sẽ chết, rồi thì tôi cũng sẽ xa tôi.  Cái chết đến bất ngờ không hẹn trước lúc nào, cách nào, thế nào vì không hiểu rõ, không chấp nhận như vậy và không chinh phục được nó nên tôi sợ hãi?  Hay có thể vì thường đối phó với thất bại khổ đau nên tôi sống thấp thỏm lo âu, lòng không an nhưng vẫn muốn sống để mà phấn đấu với đời? Hay cũng nhờ vậy mà trong lúc tham sanh húy tử đó hình như tôi kiến được trí tuệ vô sanh?  Không có gì thích thú, sung sướng tuyệt diệu bằng ‘rình rập, phục kích’, đợi chờ sợ hãi đến.  Nỗi sợ hãi cũng là một tham muốn, ái sợ rất tự nhiên từ trước đến nay trong tâm lòng tôi. Mà hình như lúc sợ hãi đến, tôi quên sợ hãi chỉ bận tâm đối phó với nó như một phản ứng sinh tồn tự nhiên.  Tôi chưa hẹn hò, đối diện, hay tự tình thường xuyên với thần chết nhưng hình như những lúc gặp gỡ bất đắc dĩ đó tôi vừa bình tĩnh vừa run nên không có thời giờ để mà sợ hãi.  Tôi vừa ngộ ra là mình chưa bao giờ nghĩ đến cái chết vì tôi nghĩ ai đó chết chứ tôi không bao giờ chết.  Tôi không chấp già và không chấp chết cũng như ngày xưa còn thơ ấu, trẽ trung, khỏe mạnh tôi không bao giờ chấp sinh và chấp bệnh.  Nhưng lo sợ bệnh già hay lo âu sống chết hay không lo lắng sinh lão bệnh tử rồi thì nó cũng qua đi.  Thà chết tuyệt diệu tiêu diêu còn hơn đau khổ lo lắng chờ chết.  Dĩ nhiên nếu mình không có ràng buộc, trách nhiệm trên đời nữa thì cái chết có đến thì chắc cũng không đến nổi quá nuối tiếc bi ai.  Con người có chút trách nhiệm không muốn chạy chết cho rãnh nợ lấy thân để gia đình con cái nheo nhóc khổ đau.  Thì ra, tôi sợ sống vô trách nhiệm cho gia đình và sống vô dụng đối với xã hội.  Tôi sợ đau khổ, bệnh tật, nghèo hèn hơn sợ chết.  Đó là điều rất khó xử cho những người có tinh thần trách nhiệm với an ninh thịnh vượng của những người thân thương.  Đây chính là mấu chốt của khổ đau, nổi lo âu thấp thỏm khó giải quyết nhất trên đời của mọi cá nhân.

Trong quyển “Con người siêu việt” Ngài Milarepa có nói, “Vì sợ chết tôi đi vào trong núi, liên tục trầm tư về tính chất bất định của giờ chết.  Bỗng bắt gặp thành trì bất tử vô tận của tâm bản nhiên.  Bây giờ, tất cả nỗi sợ hãi đều tan biến, và trong sanh tử mở cái thấy trí tuệ vô sanh.” 

Ngài Lạt Ma Zopha Rinphoche nói rằng, “Phương thuốc chính yếu để chữa trị các pháp thế gian là thiền định về sự vô thường và cái chết.  Nếu ta không nhớ tưởng về cái chết, ta không nhớ tới pháp.”   Cho dù có nhớ tưởng tới pháp, nhưng nếu không quán tưởng về sự đau khổ của sự sống thì cũng khó thực hành pháp chết tuyệt vời được.  Hơn nữa, đa số thường luống tiếc là chưa sống chưa làm hết mình mà thần chết đã tới đón đi.  Tôi cũng nghĩ tương tự như vậy, chưa làm gì đáng cho đời, chưa sống đáng cho mình thì sống dai trên cõi đời này chỉ là vô dụng cho mình cho người.  Chết sớm rãnh nợ đời.  Rồi thì nó cũng qua đi.

36.                   Cái Chết tuyệt vời của Đức Thế Tôn

Figure 57 Đức Phật tịch diệt (tranh Nhật Bản, thế kỷ XVI)

Trong kinh A Hàm có kể: Khi tuổi Đức Phật đã lớn, một hôm Ngài đi khất thực trong thành Xá Vệ trở về thọ trai xong, sau đó cảm thấy trong người hơi lạnh, nên ra ngoài hương thất ngồi phơi nắng. Ngài vén y để lộ làn da lưng nhăn nheo ra nắng. Tôn Giả A Nan từ xa thấy vậy, mới đến xoa lưng cho Đức Phật, than, “Ôi! Da dẻ của Thế Tôn không còn láng mịn như thuở xưa nữa, lưng đã hơi khòm tới trước rồi.  Ôi! Còn đâu những gì của thời trai tráng.” Phật bảo, “Đúng vậy A Nan! Cái già có sẵn trong cái trẻ, cái chết nằm trong cái sống, thân của Ta rồi đây sẽ hoại diệt, một lúc nào đó không tránh khỏi.” Nhân đó, Đức Phật cũng nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta, Ngài bảo cái già nằm sẵn trong cái trẻ, cái chết nằm sẵn trong cái sống, đừng nghĩ là 70, 80 tuổi mới già.  Phải thường quán kỹ cái chết như vậy, để thấy lẽ thật của thân này, chuẩn bị cho giờ phút cuối của đời mình, để đến lúc đó không hoang mang hoảng hốt, không bất ngờ lại rất bình tỉnh lẫn bình an mà ra đi một cách nhẹ nhàng không nuối tiếc. 

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, chư vị Tỳ Kheo dùng kệ tán:

Thân này như bèo bọt

Mỏng manh có gì vui

Phật được thân kim cang

Còn bị vô thường phá

Thân kim cang chư Phật

Đều về với vô thường

Tan mau như tuyết non

Huống những chúng sanh khác.

Phật được thân kim cang, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp rồi cũng bị vô thường đến tám mươi bốn tuổi nhập Niết Bàn, huống là thân chúng ta.  Quán kỹ thân Phật, rồi quán lại thân chúng ta có được bao nhiêu tướng tốt, đâu có gì là quý. Quán như vậy khi cái chết đến chúng ta không luyến tiếc, dính mắc vào thân này, lúc ra đi sẽ nhẹ nhàng an lạc. Còn dính mắc đi không nỡ, ở không được thì khó chết, vì bị giằn co khó siêu thoát vậy.  Cho nên, học hiểu, quán kỹ để sống đúng lẽ thật, đó là tạo những chiếc phao giải thoát cho mình trước khi vô thường đến là đã biết chuẩn bị và tu hành một tí rồi đó.

Đức Phật biết chắc chắn mình sẽ chết, sanh đã hết, đã thắng được binh ma phiền não, mọi chuyện đã làm xong và đã thoát vòng sanh tử.

Đức Thế Tôn nói kệ:

“Không trên trời giữa biển

Không lánh vào động núi

Không chỗ nào trên đời

Trốn khỏi tay thần chết

Mãi lo nghĩ trước mắt

Cùng những việc sẽ tới

Người làm lòng chẳng yên

Lo già chết theo liền

Biết thế nên tự tĩnh

Như thế sanh đã hết

Tỳ kheo thắng binh ma

Được thoát vòng sanh tử.”

Theo kinh điển, Đức Thế Tôn chết như người bình thường trong khi đó những học trò của Ngài tịch như là thần nhân, thần thông hơn cả Phật Thích Ca?  Tuy có thể như vậy nhưng đa số thì khẩu chứng vô bằng.

Giáo Sư và đại học giả về Phật Giáo, Etienne Lamotte, linh mục Công Giáo người Bỉ, viết về cái chết màn trời chiếu đất tuyệt đẹp của Đức Phật: Tuổi già đã ảnh hưởng, sức khoẻ và năng lực Đức Phật.   Ngài quyết định rời Rajagrha để đến thị trấn Kusinagari thuộc nước Malla. Nửa đường Ngài bị bệnh kiết lị, Ngài dừng ở ngoài thành, trong rừng Upavarta. Ở đó, nằm giữa hai gốc cây, Ngài lần lượt trải qua các trạng thái thiền định và như ngọn đèn cạn dầu, Ngài đã thực sự vào cảnh giới thanh tịnh Niết Bàn tối hậu. Dân Malla tại Kusinagara chủ trì lễ trà tỳ ướp nhục thân Ngài.  Sau khi [hoả tán (?,)]  dân chúng các vùng phụ cận cùng chia nhau xá lợi của Ngài, tôn trí trong các tháp chùa, đền kỷ niệm khắp thế giới để bá tánh đãnh lễ.

Étienne Paul Marie Lamotte (1903–1983) was a Belgian priest and Professor of Greek at the Catholic University of Louvain, but was better known as an Indologist and the greatest authority on Buddhism in the West in his time. He studied under his pioneering compatriot Louis de La Vallée-Poussin and was one of the few scholars familiar with all the main Buddhist languages: Pali, Sanskrit, Chinese and Tibetan. In 1953, he was awarded the Francqui Prize in Human Science.

Trong Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Già, Trí Nguyệt lược dịch, Linh Mục Công Giáo Étienne Paul Marie Lamotte, học giả nổi tiếng về Phật Giáo của Tây Phương viết:  “Trên đây là vài nét phác họa về cuộc đời Đức Phật, chứ không đề cập tới cuộc đời huyền thoại của Phật như hầu hết mọi người đã biết.  Huyền thoại là sự rập khuôn về lịch sử của các Phật quá khứ cũng như Phật tương lai với vài sự khác nhau nhỏ. Theo truyền thống, những sự phi thường, kỳ diệu đánh dấu những sự kiện của đời Ngài từ khi nhập thai đến lúc trà tỳ đã qua đi nhanh chóng trong im lặng để rồi tạo ra một lịch sử có nhiều vòng hào quang hợp lý hơn. Muốn đạt đến sự thật lịch sử mà bỏ đi những yếu tố phi thường, kỳ diệu là không hợp lý. Nhưng lịch sử không thể hoàn toàn dựa vào huyền thoại. Hơn nữa, bản phác thảo của tôi [Etienne Lamotte] không dựa vào quan điểm của Ấn Độ cho rằng tất cả chúng sinh đều xoay vần trong luân hồi vô tận, có khi sanh vào cõi trời, cõi người, tất cả mọi cuộc sống đều liên quan đến những cuộc sống khác, vì vậy không có một lịch sử nào là hoàn chỉnh cả. Bản phác thảo của tôi chỉ riêng đề cập đến cuộc sống cuối cùng trong quỹ đạo luân hồi của Phật Thích Ca, vì vậy có thể bị chống đối mãnh liệt. Kiếp sống cuối cùng này để rồi Ngài thành Phật, nhưng để hoàn thành việc chứng ngộ, Ngài đã tự mình trang bị nhiều trí tuệ, nhiều công đức qua nhiều kiếp sống vô tận trong các loại hình như người, vật hay chư thiên.”

Như tất cả chúng sinh, Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng phải xuyên qua vô lượng kiếp từ vô thủy, đã từng sanh và tái sanh ra trên cõi Ta Bà, cũng mang thân ngũ uẩn giả hợp này. Ngũ uẩn giả tập là bất tịnh, do tham ái và vô minh làm nhiễm ô và trói buộc trong tam giới mà tạo thành. Tuy nhiên, Ngài đã tu hành để trở thành Bồ Tát, Ngài tu tập và phát triển Giới, Định, Huệ, nhắm tới hai mục đích: giải thoát sanh tử và chứng thành Phật quả. Qua thực hành lục Ba La Mật, đặc biệt là Bố Thí Pháp, Ngài đã thành tựu năm phần giải thoát thân đối trị với năm uẩn bất tịnh, vô minh đã tạo ra cái tự ngã sai lầm. Năm phần giải thoát đó gọi là: Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến.  Khác với Đức Phật các Bật Bồ Tát cũng lần hồi thành tựu Lục Độ Ba La Mật, nhưng chưa hoàn toàn chứng ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác như Đức Thế Tôn.

Sau khi giác ngộ, Đức Thích Ca Mâu Ni cũng vẫn là một con người.  Những lượng chủng tử của ngũ uẩn bất tịnh do kết quả của những hành động trong quá khứ vẫn sanh hoại trụ diệt liên tục từng sátna trong nhục thân của Ngài.  Đồng thời, Ngài cũng là một vị thánh nhân và là một vị Phật toàn giác.  Ngài là một thánh nhân vì Ngài đã tận diệt những phiền não bất tịnh, thành tựu những thanh tịnh pháp.  Ngài là chính bậc toàn giác tối thượng. Những đệ tử của Ngài sau này cũng đạt được sự giải thoát tương tự.  Ít ra trong ý nghĩa này, tất cả đều bình đẳng nhau khi đã đạt được giải thoát, không có gì khác biệt.  Tất cả đều giác ngộ như nhau, nhưng trình độ giác ngộ của họ không tương đồng với sự hoàn toàn giác ngộ của chư Phật.  Vì vậy, cũng không nên quá hiểu lầm lời Phật dạy:  ‘Chúng sinh cũng là Phật chưa giác ngộ’ mà vọng tâm kiêu ngạo. 

Đức Thích Ca Mâu Ni thành bậc chánh đẳng toàn giác là nhờ trí tuệ và công đức tích lũy từ vô số kiếp.  Sau khi Ngài giác ngộ, những công đức ấy chuyển thành những công dụng cứu độ chúng sanh của Phật, đặc biệt là từ sự toàn giác và lòng đại từ bi của Ngài. Trí tuệ toàn giác là biết được những đặc tính chung và riêng của vạn vật, tức là tận cùng pháp tánh của vũ trụ; lòng đại từ bi trải rộng đến tất cả chúng sinh khiến cho thoát khỏi luân hồi, khổ đau. Thực ra, nếu 4 sự kiện: sanh, già, bệnh và chết không có, thì đức Phật sẽ không ra đời, nhưng khi sanh, già, bệnh và chết có mặt, thì Phật vì đại nhân duyên tự hiển hiện trong cõi Ta Bà.

Đức Phật đã dùng 45 năm cuối đời để giảng thuyết giáo lý, thành lập tăng đoàn và độ hàng tại gia cư sĩ.  Khi nhân duyên hóa độ đã tạm mãn trong kiếp lịch sử của Ngài, Ngài nhập vô dư Niết Bàn (parinivàna,) tức là Niết Bàn tịch tịnh không còn thân tứ đại ngũ uẩn nữa.  Ngũ uẩn là năm yếu tố đã tạo ra cái tự ngã độc tôn không thật của Ngài, một khi biến mất, thì không còn để lại dấu vết gì, "Khi Như Lai hiện hữu, chư thiên và loài người có thể thấy được, đến cuối đời, khi thân này hoại diệt, chư thiên và loài người sẽ không bao giờ thấy được Ngài nữa. Giống như ngọn đèn trước gió biến mất vào yên lặng, cũng vậy, bậc hiền triết đã giải thoát danh và sắc (hay cũng gọi là năm uẩn bất tịnh) để đi vào cõi yên lặng vĩnh hằng. Những ai chứng được cảnh giới tịch tịnh này, không có gì có thể đo lường được, không có từ ngữ nào diễn tả được, không có trí óc nào có thể tưởng tượng được. Như vậy mọi lý luận đều chấm dứt."  Khi các Đức Phật hay các vị thánh đệ tử của chư Phật chứng nhập Niết Bàn tối hậu, năm phần pháp thân thanh tịnh đã từng là nhân tố thánh thiện của quý Ngài cũng biến mất.  Khi chư Phật viên tịch, những uẩn chất thanh tịnh hoặc không thanh tịnh đã tạo nên nhục thân của các Ngài biến mất không lưu lại dấu vết nào có thể tìm thấy được. Đó là các Thánh xuất thế.  Như trường hợp của Godhika đã chứng được thánh quả A La Hán, Ngài đã ‘tự diệt’ biến giả dạng tướng (transformed) và nhập vào cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh.  Ma Vương, một biểu tượng của độc ác và thâm hiểm cai trị khắp thế giới của tham dục, dùng khói và bóng đen che trùm khắp mười phương để truy lùng tông tích thần thức của Godhika nhưng nó không tìm thấy thần thức của Ngài ở đâu cả bỡi vì vị A La Hán đó đang an trú trong cảnh giới Niết Bàn hoàn toàn vắng lạnh nơi ấy vắng bóng của tham dục nên thức tướng của Ngài không thể tìm thấy được.

Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có kể rằng, trong hội của Thiền Sư Tuệ An, có ông thầy tri sự tuổi cũng khá lớn, đạo hạnh cao minh, giữ gìn giới luật, nhưng hiềm nỗi việc Phật sự bề bộn nên không có thời gian tu nhiều.  Một hôm ông đang ngồi thiền, lính của Diêm Vương hiện lên nói rằng: “Bạch Hòa Thượng, thời hạn của Hòa Thượng hết rồi, xin Ngài đi theo tôi.” Hòa thượng nói rằng: “Ông về tâu với Diêm Vương, việc Phật sự của tôi bề bộn quá, tôi phải lo cho đại chúng nhiều, nên xin gia hạn cho tôi bảy ngày.” Diêm Vương nể tình ông Thầy tri sự nên đồng ý lùi lại bảy ngày. Trong suốt bảy ngày này, ông thầy tri sự tu miên mật, không xen hở một niệm. Hết bảy ngày, quỷ sứ đến tìm ông nhưng không thấy. Ngài ngồi ngay đấy, mà nó tìm không thấy. Thấy chỗ nào? Ngồi đây là thấy cái bóng thôi, chỗ chánh nhân Phật tánh làm sao mà thấy? Ngay chỗ vô niệm ai thấy được? Quỷ sứ tìm suốt bảy ngày không thấy bèn bỏ đi. Ngài ngồi xong cũng tịch luôn. Như vậy là dù cho Diêm Vương có nể, cũng chỉ cho hạn bảy ngày.  Nếu biết mình chỉ sống được 7 ngày, thì mình sẽ làm sao đây?   Tôi có lẽ cũng cố bắt chước vị sư già này ngồi thiền cho tới chết vì đã chết rồi thì quỷ sứ nào còn thấy được mà bắt mình về để chầu Diêm Vương.  Nếu không muốn chết hay quá sợ chết thì chỉ còn cách duy nhất là chết trước khi thần chết tới kiếm mình.  Điều này gọi là chết sớm nghĩ sớm.

Trong Kinh Pháp Cú có ghi lại một lời giảng của Đức Phật như sau:

 

Tesam sampannasilanam

appamadaviharinam

sammadanna vimuttanam

Maro maggam na vindati.

 

Những người đạo hạnh, biết trau dồi sự cảnh giác, để mang lại [cho mình] sự hiểu biết đúng đắn, [thì] Ma Vương (Mara) nào có còn tìm thấy được con đường [mà họ đang bước đi] (Kinh Pháp Cú, Dhammapada, phẩm IV, tiết 57)

Trong Ý Nghĩa Cái Chết Theo Quan Điểm Phật Giáo, Bures-Sur-Yvette, 05.04.13, Hoang Phong viết: Đạo hạnh ở đây có nghĩa là: 1- ăn nói đúng, 2- hành động đúng, 3- sinh sống đúng. Cảnh giác có nghĩa là: 4- cố gắng đúng, 5- chú tâm đúng, 6- tập trung đúng.  Hiểu biết đúng có nghĩa là: 7- suy nghĩ đúng, 8- hiểu biết đúng (về bản chất của chính mình và của mọi hiện tượng trong thế giới.)  Đấy là Con Đường của Tám Điều Đúng Đắn (Bát Chánh Đạo.)  Đối với những người đã bước đi trên Con Đường ấy thì Ma Vương (Mara) tức là Thần Chết sẽ không còn tìm thấy được vết chân của họ nữa.  Dù là họ đang bước thế nhưng bên trong họ tất cả đã đình chỉ và dừng lại, không còn một chút hận thù hay thèm khát nào, tư duy luôn ngay thật và minh bạch, sự quán thấy của họ về những gì hiển hiện trong tâm thức, xảy ra trên thân xác và cả những gì đang biến động chung quanh, lúc nào cũng sắc bén, chính xác và đúng đắn.  Dòng tri thức của họ trở nên tinh khiết, trong sáng và yên lặng, không còn vướng một vết hằn nào của nghiệp.  Đấy là cách giúp họ trở thành một vị A La Hán.

Trong một tiết khác của Kinh Pháp Cú Đức Phật cũng có giảng như sau:

Yatha pubbulakam passe

yatha passe maracikam

evam lokam avekkhantam

maccuraja na passati.

*

Phải nhìn vào thế giới như một bọt bong bóng, như một ảo ảnh.  Nếu một người biết nhìn [thế giới vũ trụ] như thế, Thì Diêm Vương cũng sẽ chẳng trông thấy họ ở đâu cả. (Kinh Pháp Cú, Dhammapada, phẩm XIII, tiết 170.)   

Thôi thì thôi cũng là phù vân, gắng tin như vậy để chơi trò cút bắt, bịt mắt bắt dê, với Diêm Vương vì khi ta hết vô minh sáng mắt thì mới thấy Diêm Vương vô minh, ông ta (thần chết) cũng là người mù sờ voi như chúng ta chứ không có gì khác biệt.  Thấy được cái chết là một phần còn lại của cái sống.  Nữa không chết nữa có sống! Nữa vơi sống, nữa đầy chết! Half empty of what or half full of what?

Đức Phật ít quan tâm đến nhục thân của Ngài mặc dù đó là thân quý tướng có 32 dấu hiệu của một bậc vĩ nhân với vòng ánh sáng rộng bao quanh khoảng một gang tay. Vatkali, đệ tử của Ngài, quá yêu quý và kính trọng đến tướng hảo của Phật mà mất hết thời gian thiền quán, Đức Phật không cho anh ta ở lại trong tăng đoàn nữa và nói, "Đối với bạn, có gì lợi ích trong cái thân bất tịnh này? Người nào thấy được pháp là thấy Như Lai."

Vậy những gì còn lại của một Đức Phật sau khi Ngài chứng Niết Bàn tối hậu? Ngài dạy: Các tỳ kheo không nên quá quan tâm đến một thi hài, một số xá lợi hay di vật.  Ànanda, vị thị giả thân cận của Phật, đã hỏi rằng chúng con phải làm gì đối với nhục thân của Ngài sau khi viên tịch, đức Phật dạy: "Này Ànanda! đừng uổng phí thời gian để đãnh lễ [thờ phụng] nhục thân của ta, phải tự tu tập với tất cả mọi nổ lực và thiền quán vì sự thăng tiến tinh thần để giải thoát.  Này Ànanda, trong những dòng dõi quí tộc, Bà La Môn và các danh gia vọng tộc sẽ có rất nhiều người trí thông minh tín kính Như Lai và họ sẽ lo chu toàn nhục thân của Như Lai."

Giáo Pháp, tức là Dharma, là di sản mà Đức Phật truyền lại cho đệ tử của Ngài, "Hãy coi giáo pháp như là hải đão an toàn và hãy an trú vào giáo pháp, không nên tìm cầu sự an trú nào khác." Nhưng, như chúng ta biết, Đức Phật không những chỉ giảng dạy giáo pháp, mà Ngài còn thành lập giáo hội tăng đoàn, bao gồm 4 chúng đệ tử: tỳ kheo (bhiksu,) tỳ kheo ni (bhiksuni,) Nam cư sĩ, Nam Phật Tử, Cận Sự Nam (upàsakà,) và Nữ Phật Tử, Nữ Cư Sĩ, Cận Sự Nữ (upàsikà.)  Theo Wikipedia, Upāsaka (masculine) or Upāsikā (feminine) are from the Sanskrit and Pāli words for "attendant." This is the title of followers of Buddhism (or, historically, of Gautama Buddha) who are not monks, nuns, or novice monastics in a Buddhist order, and who undertake certain vows.  In modern times they have a connotation of dedicated piety that is best suggested by terms such as "lay devotee" or "devout lay follower."

Tạng thứ 3rd  trong Tam Tạng Kinh là Tạng Luận, còn gọi là A Tỳ Đạt Ma, A Tỳ Đàm, Thắng Pháp, Đối Pháp, Vô Tỉ Pháp, Vi diệu Pháp, ... Tiếng Pali là Abhidhamma, tiếng Phạn là Abhidharma, chữ Abhi có nghĩa là "cao hơn, vượt lên trên, vượt khỏi" và cũng có nghĩa là "cao siêu hay tinh tế;" chữ dhamma/dharma trong trường hợp này không có nghĩa là Đạo Pháp mà chỉ có nghĩa là các "hiện tượng, phenomena, luật pháp của vũ trụ, cosmic law and order." Nên hiểu chữ hiện tượng hay dhamma, dharma trong Phật Giáo mang ý nghĩa rất trừu tượng, có nghĩa là tất cả những gì mà chúng ta có thể cảm nhận được bằng lục giác (ngũ giác và tâm thức,) và những gì xảy ra bên trong tâm thức, kể cả những gì hiện lên trong các giấc mơ và cả các thứ ảo tưởng hay ảo giác.

 

Dharma ([dʱəɾmə]; Sanskrit: धर्म dharma, Pali: धम्म dhamma) is a key concept with multiple meanings in the Indian religions Hinduism, Buddhism, Sikhism and Jainism. There is no single word translation for dharma in western languages.

 

In Hinduism, dharma signifies behaviors that are considered to be in accord with rta, the order that makes life and universe possible, and includes duties, rights, laws, conduct, virtues and ‘‘right way of living.’’ In Buddhism dharma means "cosmic law and order," but is also applied to the teachings of the Buddha.  In Buddhist philosophy, dhamma/dharma is also the term for "phenomena." In Jainism dharma refers to the teachings of the Jinas and the body of doctrine pertaining to the purification and moral transformation of human beings.  For Sikhs, the word dharm means the "path of righteousness."

 

The Classical Sanskrit noun dharma is a derivation from the root dhṛ, which has a meaning of "to hold, maintain, keep." The word "dharma" was already in use in the historical Vedic religion, and its meaning and conceptual scope has evolved over several millennia.  The antonym of dharma is adharma.

Khi một đoàn thể xuất hiện không phải là một hiện tượng tự nhiên, mà nó liên quan đến vấn đề thời gian lịch sử và bối cảnh không gian hình thành của nó. Cũng vậy, tăng đoàn Phật (tăng đoàn thời đó chưa hẳn hoàn toàn là một Tôn Giáo thờ phụng) ra đời giống như các đoàn thể tôn giáo khác của Ấn Độ cho những người xuất gia mà không muốn quá xa lánh cuộc sống xã hội, họ là những du sĩ hoặc khất sĩ rày đây mai đó.  Đức Phật và chúng đệ tử đều nhận thấy rằng tăng đoàn thuộc về lĩnh vực tôn giáo khá phổ biến ở Ấn Độ, nên không ngần ngại gì khi xác nhận những phương pháp tu tập của tăng đoàn có giới hạnh, thiền định và trí tuệ cao hơn. Trong Giáo Pháp và Giới luật của Phật giáo, có một số giáo lý và một số thể chế tương tự như của Ấn Giáo và Bà La Môn Giáo. Ở đây không có ý nói rằng đức Phật và thánh chúng hoàn toàn lấy của người làm của mình.  Đức Phật chỉ thẩm định giá trị thật và tiếp thu một cách có chọn lọc.  

Lúc đó, Phật Giáo vì là một tôn giáo mới thành lập khác với các tín ngưởng của các tôn giáo cổ đại nên phải đương đầu với nhiều sự chống đối chỉ trích của các đạo sĩ Bà La Môn và các tôn giáo khác.  Phật Giáo đã chiến thắng và đứng vững cho đến ngày nay là do tính chất từ bi, trí tuệ, và nhất là bất bạo động với một thái độ cởi mở của hệ thống giáo lý rất khoa học luận lý và phương cách hành trì thực tiển hơn là do tranh luận mình là độc tôn. Đức Phật chỉ giảng thuyết giáo pháp nào mà có thể đưa đến an tịnh, trí tuệ, giác ngộ và dứt trừ tham dục thay vì hơn thua vô ích.  Ngài từ chối bàn luận những vấn đề không liên quan đến giác ngộ giải thoát.  Một đặc tính khác nữa đưa đến sự chứng ngộ giáo pháp là từ chối những tư tưởng cực đoan, cuồng tín.  Đức Phật chỉ trích hai lối sống: quá tham đắm vào lạc thú, ái dục và khổ hạnh ép xác, cả hai đều vô nghĩa và vô dụng cho nhân sinh. Trong giáo lý có những điểm nào không trực tiếp liên quan đến giải thoát, Ngài đưa vào Trung Đạo, tức là giữa hiện thực và hư vô.

Điểm đặc thù, giáo lý Phật Giáo rất viên dung. Những đệ tử của Ngài, ai đã đi vào con đường đưa đến tận diệt ái dục, tham sân si, Ngài không đòi hỏi phải từ bỏ những niềm tin và phương pháp tu tập từ truyền thống cũ.  Dù rõ ràng là có những nghi lễ truyền thống cũ của họ không có hiệu quả, kém thực tế, Phật Giáo cũng không hoàn toàn cấm đoán thay vì để tự họ thắp đuốt trí tuệ mà đi. 

Từ Issipatana (vườn Nai,) đức Thế Tôn chuyển vận Pháp Luân đầu tiên hóa độ năm anh em Kiều Trần Như, Tăng Đoàn đầu tiên xuất hiện tại đây với túc số năm vị. Và thế gian trụ trì Tam Bảo cũng từ đây đầy đủ cả nghĩa và lý.

 

Sau đó Đức Thế Tôn hóa độ chàng thanh niên Yaśa và bạn bè của ông ta như Vīmala (Tỳ Ma La), Subahū (Tu Bà Hầu), Punnại (Phú Lan Na Ca), Gavampati (Già Bà Bạt Đế) và năm mươi vị nữa đều được xuất gia thọ Tỳ Kheo Giới.

 

Tăng Đoàn do Đức Thế Tôn thành lập đến đây đã lên đến 60 vị.

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn mở rộng cuộc hoằng pháp, từ Issipatana, Ngài trở lại Uruvela (Ưu lâu tần loa). Ở đây, Ngài hóa độ ba anh em tôn giả Ca Diếp (Kassapa,) ba vị này đều tuân thủ theo đạo thờ Lửa.

 

Họ cho rằng: “Lửa là bản chất uyên nguyên của vũ trụ. Nó có nguồn gốc từ Brahma (Phạm Thiên.)  Chính lửa là sức sống, không có lửa là không có sự sống. Lửa là ánh sáng, là hơi ấm, là năng lượng làm phát sinh cây cối muôn thú và con người…”

 

Tuy nhiên, sau khi họ nghe Đức Thế Tôn nói pháp thoại, Tôn Giả Ca Diếp trở về làm đệ tử của Đức Thế Tôn, nhưng Ngài đã dạy với Tôn Giả Ca Diếp như sau:

 

“Này Ca Diếp! Ông là bậc kỳ túc có nhiều đệ tử, quốc vương, đại thần, nhân dân đều nương tựa và kính ngưỡng ông.  Nay, ông xin theo ta học đạo, không tránh được lỗi tự khinh, ông nên bàn bạc với các đệ tử của ông thật kỹ.”

 

Bấy giờ, Tôn Giả Ca Diếp hết sức cảm phục lời dạy của Đức Thế Tôn, ông trở về triệu tập chúng đệ tử lại và nói:

 

“Tôi đã tin và hiểu giáo pháp của bậc Đại Sa Môn kia, chỗ chứng đạo của vị ấy là chân chính. Tôi nay muốn quy thú vị Đại Sa môn đó, quý vị nghĩ thế nào?  Các hàng đệ tử cùng đáp: Chúng con cũng muốn quy y theo vị đó.”

 

Bấy giờ Tôn Giả Ca Diếp và các đệ tử lấy tất cả y phục, dụng cụ tế lửa, vứt bỏ xuống sông Neranjana, rồi đi đến Đức Thế Tôn, họ kính lễ Ngài và quỳ xuống tác bạch, “Bạch Đức Thế Tôn! Con và các đệ tử muốn được làm Sa Môn trong Thánh Pháp của Ngài.”

 

Đức Thế Tôn liền chấp nhận và nói, “Hãy tự mình đi đến hạnh phúc, hỡi các Tỳ Kheo!”

 

Lúc bấy giờ, quý vị ấy liền thành tựu giới thể của một vị Tỳ Kheo.  Đến đây Tăng đoàn của Đức Thế Tôn lên đến 560 vị.

 

Sau khi Tôn Giả Ca Diếp và năm trăm đệ tử gia nhập Tăng Đoàn, thì hai người em của Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvelakassapa) là Nan Đề Ca Diếp (Nadikassapa) và Già Da Ca Diếp (Gayakassapa) đang hành đạo ở hạ lưu sông Ni Liên Thuyền (Neranjana,) hai vị này khi nghe Ca Diếp và năm trăm đệ tử quy y theo Đức Thế Tôn, họ rất ngạc nhiên và trách hỏi:  “Đại huynh là bậc kỳ cựu đã 120 tuổi, trí tuệ sâu xa, trong quốc nội ai cũng tôn sùng. Theo chúng tôi nghĩ: Đại huynh đã chứng A La Hán, nay đại huynh lại từ bỏ đạo nghiệp thanh tịnh mà theo vị Sa môn đó, đạo lý của ông ta có hơn chăng?”

 

Ca Diếp trả lời với hai em rằng: “Đạo của Đấng Giác Ngộ là tối ưu, giáo pháp của Ngài là cao hơn hết. Tôi từ xưa đến nay chưa thấy có vị nào đạo lực có thể so sánh bằng Đấng Giác Ngộ.

 

1. Dùng đạo lực thần thông biến hoá để hóa độ.

2. Dùng trí tuệ để biết tâm lượng của kẻ khác mà hóa độ.

3. Biết rõ mọi thứ phiền não, chẩn đoán đúng bệnh và cho thuốc.

 

Khi nghe Ca Diếp trình bày như vậy, hai anh em kia sanh tâm cung kính Đức Thế Tôn và giáo pháp của Ngài, họ quay lưng hỏi các đệ tử: Quý vị nghĩ như thế nào?”

 

Năm trăm vị đệ tử đồng thanh trả lời: “Chúng con nguyện theo giáo huấn của Thầy.”

 

Lúc đó, cả Thầy lẫn trò đều đi đến Đức Thế Tôn xin được làm Sa Môn trong Thánh pháp của Ngài.

 

Đức Thế Tôn liền chấp nhận và gọi họ rằng, “Hãy tự mình đi đến hạnh phúc, hỡi các Tỳ Kheo!”

 

Bấy giờ những vị ấy thành tựu giới thể Tỳ Kheo. Tăng đoàn của Thế Tôn đến đây đã lên đến một 1060 vị.

 

Tại thành phố Rājagaha (Vương Xá) xứ Magādha (Ma Kiệt Đà), Đức Thế Tôn đã giáo hóa hai vị Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallāna (Mục Kiền Liên, hay Mục Kiều Liên.) 

 

Xá Lợi Phất (zh. 舍利弗, sa. śāriputra, pi. sāriputta, cũng được gọi là Xá Lợi Tử, "con trai của bà Xá Lợi (śāri)," là một trong Thập đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni và Mục Kiền Liên (Hán tự: 目犍連) hay gọi tắt là Mục Liên (目連), tiếng Pali: Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, tên latinh hóa: Maudgalyayana, Mahamaudgalyayana hay Mahāmoggallāna) cũng là một trong những đại đồ đệ thân tín nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni.  Mục Kiền Liên Bồ Tát từ thuở nhỏ đã đi cầu đạo giải thoát, ngài nổi tiếng về sự hiếu thảo với mẹ.  

 

Đầu tiên cả hai Tôn Giả Xá Lợi Phất (Sāriputta) và Tôn Giả Mục Kiền Liên (Moggallāna) cùng theo trường phái của Sanjaya, cả 2 tôn giả cùng có tới 500 vị du phương khất sĩ tùy tùng.  Hai vị thánh này đã từng xuất gia với vị Đạo Sĩ Sanjaya, một vị đạo sĩ chủ trương “bất khả tri luận.” Với chủ trương này đã không đáp ứng được nhu cầu tu học của hai tôn giả, nên họ nói,“Pháp do Sanjaya hướng dẫn, pháp ấy không thể diệt tận khổ đau đến chỗ cùng tận hoàn toàn.

 

Một ngày nọ, đang đi trên một con đường trong thành Vương Xá, Xá Lợi Phất gặp Asvajit, một trong năm vị tỳ kheo nhóm Kiều Trần Như được Phật độ tại Benares, và nghe vị này nói lại bài kệ 4 câu tóm tắt giáo lý của Phật như sau, "Các hiện tượng sinh ra từ nhiều nhân duyên và cũng từ nhân duyên mà mất đi, thầy tôi, đấng Đại Sa Môn, thường giảng nói như vậy." Nghe xong, Xá Lợi Phất liền chứng pháp Nhãn Tịnh. Về nhà, Xá Lợi Phất nói lại bài kệ ấy cho Mục Kiền Liên. Nghe xong, Mục Kiền Liên cũng chứng quả Tu Đà Hoàn.  Hai người dẫn 250 du sĩ của Sanjaya cùng đến chỗ Phật cầu xin xuất gia vào tăng đoàn và họ được thọ giới với nghi tắc là ‘Thiện Lai Tỳ Kheo.’ Liền khi đó tâm của 250 vị du sĩ đoạn trừ mọi vô minh cấu nhiễm và chứng A La Hán.  Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sau một thời gian mới chứng A La Hán: Mục Kiền Liên chứng thánh sau khi thọ giới 7 ngày và Xá Lợi Phất chứng thánh sau Mục Kiền Liên một tuần.  Cả hai chứng A La Hán sau 250 vị du sĩ đệ tử của mình.  Điều này cho thấy đi trước chưa hẳn là tới trước nhưng có thể đạt tới cao hơn.  

 

Sách viết rằng: Hôm ấy, tôn giả Sāriputta gặp Đại Đức Assaji đang thực hành pháp khất thực tại thành phố Rājagaha, tôn giả thấy dung mạo, phong thái uy nghi trầm tĩnh nên vui thích liền đến hỏi Đại Đức Assaji rằng, “Thưa Đại Đức! Thầy của Đại Đức là ai? Ngài y vào ai mà xuất gia? Do thực hành pháp nào mà có an lạc?”

 

Đại Đức Assaji trả lời, “Thưa nhân giả! Thầy của tôi là bậc Đại Sa Môn, xuất thân từ dòng họ Thích, Ngài đã xuất gia và thành tựu Phật quả, đó là Thầy của tôi, tôi y vào Ngài mà xuất gia, do thực hành pháp của Ngài dạy mà có an lạc.”

 

Tôn Giả Sāriputta hỏi, “Thầy của Đại Đức sắc diện có đoan chính không? Có lẽ vị ấy đạo lực vượt hẳn Đại Đức?”

 

Đại Đức Assaji trả lời, “Ví như hạt cải so với núi Tu Di, như nước dấu chân trâu so với biển cả, như loài muỗi mòng sánh với loài Kim Suý. Tôi mà so với Đức Giác Ngộ cũng giống như vậy.”

 

Đại đức Assaji nói tiếp, “Thầy của tôi minh triệt pháp ba đời, chứng đắc trí vô ngại, thành tựu hết thảy thiện pháp.”

 

Tôn giả Sāriputta hỏi, “Thầy của Đại đức dạy pháp như thế nào?”

 

Đại Đức Assaji trả lời,  “Đối với Chánh pháp, tôi còn ấu trĩ, mới học tập, còn cạn cợt, đâu đủ khả năng để trình bày rộng rãi được, nay tôi chỉ nói tóm tắt thôi.”

 

Thầy tôi dạy pháp nhân duyên, và chỉ giảng dạy con đường đưa đến giải thoát. Thầy tôi nói pháp trong bài kệ này:

 

“Chư pháp tùng duyên sanh

Chư pháp tùng duyên diệt

Như thị dự diệt sinh

Sa môn thuyết như thị”.

 

Nghĩa là:

 

“Vạn vật từ nơi nhân duyên mà sinh

Vạn vật từ nơi nhân duyên mà diệt

Cả sinh và diệt đều như vậy

Bậc Sa môn dạy như thế.”

 

Tôn giả Sāriputta nghe Đại đức Assaji trình bày bài kệ tóm lược xong, liền thông đạt nghĩa lý và nói với Đại đức Assaji rằng:

 

Bài kệ kia trình bày đúng văn cú thì phải như thế này:

 

“Chư pháp nhân duyên giả

Bỉ pháp tùy duyên diệt

Nhân duyên diệt tức đạo

Đại sư thuyết như thị.”

 

Nghĩa là:

 

Vạn vật sinh khởi từ nhân duyên

Chúng huỷ diệt cũng từ nhân duyên

Nhân duyên vắng mặt chính là Đạo

Bậc Đại sư nói như thế.

 

Bấy giờ tôn giả Sāriputta chiêm nghiệm bài kệ, thấy rõ nghĩa lý, Ngài có cách nhìn thanh tịnh đối với pháp, thấy rõ tướng vắng lặng của các pháp hữu vi, liền cám ơn Đại Đức Assaji và chào từ giã.

 

Sau đó, Tôn Giả Sāriputta gặp Tôn Giả Moggallāna, hai vị bàn bạc với nhau xong và cùng các tỳ kheo khác.  Rồi thì họ xin từ giả Thầy của họ là Sanjaya dẫn theo 250 tỳ kheo trong số 500 tỳ kheo của phái Snajaya cùng lên đường tìm đến Đức Thế Tôn.

 

Từ xa Đức Thế Tôn nhìn thấy họ, Ngài nói:

 

“Gặp được bậc Thánh là vui

Được sống chung lại càng vui thêm

Không gặp những kẻ ngu si

Đó là niềm vui thường tại.”

 

Khi tôn giả Sāriputta và Moggallāna cũng như đồ chúng của họ đến gặp Đức Thế Tôn, họ đãnh lễ và thưa, “Ngày nay chúng con ở trước Đức Thế Tôn, muốn được xuất gia tu tập đạo hạnh trong giáo pháp của Ngài. Kính mong Ngài cho chúng con được xuất gia, được thọ cụ túc giới!”

 

Đức Thế Tôn liền chấp nhận và nói, “Hãy tự mình đi đến hạnh phúc, hỡi các Tỳ Kheo! Ngày nay quý vị đã đến và ở trong giáo pháp của ta, để thực hành phạm hạnh, tận diệt khổ đau.”

 

Đức Thế Tôn nói như vậy xong, quý vị kia đã thành tựu giới thể Tỳ Kheo.  Cùng lúc đó, 250 vị học trò của hai tôn giả cũng xuất gia trong pháp và luật của Thế Tôn.

Tôn Giả Xá Lợi Phất là vị trí tuệ đệ nhất; Tôn Giả Mục Kiền Liên là vị thần thông đệ nhất trong số đệ tử tùy tùng của Phật. Hai vị này được mọi người khen ngợi là hai vị lỗi lạc nhất trong tăng đoàn, có thể nói là hai ‘kiện tướng hộ pháp,’ cánh tay phải và cánh tay trái của Phật trong 45 năm thuyết pháp.

Trên đường hành hóa, Đức Thế Tôn đã hóa độ Phạm Chí Dīghanakkha (Trường Trảo,) một nhà luận nghị rất giỏi theo thuyết Bà La Môn.  Đức Thế Tôn đã dạy cho ông ta phương pháp loại trừ cảm thọ, để thân tâm có được sự an tịnh.

 

Sau đó Phạm Chí Dīghanakha đã xin xuất gia theo pháp và luật của Đức Thế Tôn.

Khi trở về thăm hoàng tộc, Đức Thế Tôn đã giáo hóa Phụ vương, Mẫu hậu, Công chúa và nhiều người trong thân tộc.

 

Ngài đã độ cho Ananda, Nanda, Rahūla, Devadatta, Channa… đều được xuất gia trong Tăng Đoàn của Thế Tôn.

 

Tại Vesāli, rừng Mahāvana, Đức Thế Tôn đã chế định “Bát Kỉnh Pháp,” để mở đầu cho nữ giới xuất gia. Như bà Ma hā Ba Xà Ba Đề, các nữ lưu trong dòng họ Sakya và ngoài xã hội.

 

Đến đây, Tăng đoàn của Thế Tôn đầy đủ cả nam và nữ xuất gia. (Đức Phật Chuyễn Pháp Luân, Thích Thái Hòa)

Những hộ pháp như Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, ... không phải đào tạo từ trứng nước mà có được.  Họ là những nhân tài, thiện tri thức, cao thánh tăng đã từng là sư phụ nay đi tìm thầy để theo học.  Trò tìm thầy mà thầy cũng đi tìm trò có cốt cách.  Họ như những bật trí dũng, vĩ nhân, danh tướng đi tìm chân chúa để phò tá.

Cho nên, bất kỳ nguồn gốc của họ là gì, những vị thần, thánh, trời trong hệ thống Hindu, Vệ Đà, Bà La Môn (Phạm thiên, Tứ thiên vương...) và vô số những thần linh khác (Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn thát bà, A tu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà...), chưa kể các vị Thọ Thần, Thủy Thần và Sơn Thần, ngay cả ma vương tất cả đều có một vị trí trong Phật Giáo và họ đóng một vai trò hộ pháp khá quan trọng trong suốt cuộc đời Đức Phật. 

Điều nghịch lý là họ không thể vừa thừa nhận những vị trời, thần bất tử, vĩnh viễn và mong cầu ân cứu rổi (salvation) lại vừa chấp nhận chân lý giác ngộ (enlightened,) tự mình làm chủ lấy mình của Phật Giáo. Tín ngưỡng thờ phụng tôn sợ độc thần của họ cấm đoán họ suy nghĩ trí tuệ, có dũng lực để tự mình giải thoát khỏi những quyền lực tưởng tượng đó chứ Phật Giáo không bắt họ phải lựa chọn.  Phật Giáo không chủ chương cải đạo vì đạo trí tuệ, tự giác ngộ không thể ban phát mà phải tự mình gặt hái.  Không ai đau sướng dùm cho mình được.  Tóm lại, Phật Giáo không chủ trương phải tin và vâng lời trước, tuyệt đối không được nghi ngờ phạm thượng.  Ngược lại, Phật dạy phải nghi ngờ trước khi tin.  Ngay cả chính tai mình nghe từ kim khẩu của Phật cũng nên nghi ngờ trước đã; nên tự suy nghĩ, chứng nghiệm trước khi thực hành học Phật.  Chúng ta không tu học Phật, hay tôn thờ, ca tụng Phật cho Phật vui lòng, phù hộ mà chúng ta học Phật để mở mang trí tuệ cho chính mình.

Đức Phật cố gắng thuyết phục các tỳ kheo bằng những điểm giáo lý như: "Này các tỳ kheo! có phải các thầy biết và suy nghĩ thế này, những gì chúng ta nói và làm là do tôn kính bậc Đạo sư?

Bạch Thế Tôn, chúng con không nghĩ như vậy.

Các thầy khẳng định điều gì, có phải tự các thầy xác nhận, tự các thầy thấy biết, tự các thầy hiểu?

Bạch Thế Tôn, đúng như vậy."

Tăng Đoàn Phật Giáo mở rộng cho những ai không bị ràng buộc, để tự quyết định và cho những ai không mắc tội phạm hay bị những bệnh truyền nhiễm. Tăng Đoàn không phân biệt đẳng cấp, các tỳ kheo không cần phải phát nguyện theo Phật suốt đời. Phật Giáo không cấm các tỳ kheo hoàn tục nếu không muốn tiếp tục cuộc sống xuất gia phạm hạnh nữa.

Phật từ chối thiết lập hệ thống giai cấp có chức quyền trong tu viện, nên ngài đã không giao tăng đoàn cho bất cứ một vị nào lãnh đạo.  Tuy có quy luật nhưng Đức Thế Tôn không quan niệm hay chủ trương tăng đoàn có quyền lực sanh sát tuyệt đối với Phật Tử.  Tăng Đoàn, theo tinh thần tự giác, tự ngộ, chỉ là như ngọn đuốt lãnh đạo trí tuệ, soi đường, thể theo phương tiện Phật Pháp.  Nhờ vì vậy mà trong lịch sử Phật Giáo suốt trong hơn 2600 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn chúng ta không thấy một vị giáo chủ nào nắm quyền sinh sát làm những điều sai trái, thánh chiến gây chiến tranh, gieo chết chóc cho nhân loại như những tôn giáo khác.

Nhìn thấy Phật càng ngày càng mỏi mòn vì tuổi già, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa,) người anh em chú bác với ngài, muốn thay ngài để lãnh đạo tăng đoàn, nói, "Bạch Thế Tôn, Ngài hãy giao giáo hội cho tôi, tôi có thể lo lắng, chăm sóc, giữ gìn giáo pháp này một cách hoan hỷ." Phật từ chối lời thỉnh cầu mang tính danh lợi đó, và nói, "Ngay cả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên ta còn không giao giáo hội này, huống chi Devadatta là người không đáng tôn kính, là kẻ không cao thượng."  Không lâu trước khi Phật niết bàn, tôn giả Ananda cung kính thưa rằng: Đức Thế Tôn không nên vội ra đi mà không di chúc và chỉ định người thừa kế.  Phật trả lời ngắn gọn, "Này Ananda, giáo hội trông mong gì ở ta?  Đừng bao giờ hy vọng làm chủ hay điều khiển giáo hội, Như Lai không bao giờ chỉ giáo như vậy.  Đã đến giờ Như Lai nhập niết bàn.  Sau khi Như Lai niết bàn, mỗi người các thầy phải là hải đão cho chính mình, là nơi nương tựa cho chính mình, không nên nương tựa kẻ khác.  Như thế các thầy mới có thể đạt giải thoát giác ngộ vô thượng."  Sau khi Phật nhập Niết Bàn, ngoài việc đem hết lòng thành tôn kính đức Phật, các tỳ kheo phải tự mình tiếp tục sự nghiệp và hoằng dương giáo pháp. (Trích dịch từ sách: The world of Buddhism: Buddhist monks and nuns in society and culture, Author:Heinz Bechert; Richard F Gombrich; Facts on File, Inc.)

Cách đây 2600 năm, Đức Phật đã đưa ra thuyết Vô Thường: Vạn Pháp, nghĩa là vũ trụ và mọi sự vật trong đó, thay đổi từng sátna, không có gì có thể gọi là Hằng Hữu, trường tồn trong vũ trụ.  Mọi sự vật, nếu đã do duyên sinh thì cũng do duyên mà diệt, đủ duyên thì sinh thành, hết duyên thì diệt, và thường đều phải trải qua bốn thời kỳ: thành, trụ, hoại, diệt.  Ngày nay, trước những khám phá mới nhất của khoa học, từ thuyết tiến hóa của Darwin cho tới thuyết Big Bang về sự thành hình của vũ trụ, tất cả đều chứng tỏ thuyết duyên khởi của Đức Phật là đúng.

Trong Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Già, Trí Nguyệt lược dịch, Etienne Lamotte viết:  “Giáo lý Duyên Khởi, một quy luật chủ đạo và chi phối sự sanh ra và mất đi của hiện tượng giới, đã thiết lập một tiêu đề lớn cho toàn bộ giáo lý Phật Giáo.  Lý Duyên Khởi này đã được các Đức Phật trong nhiều đời chứng ngộ và thuyết giảng, chứ không phải do chư Phật hay ai đó tạo ra, và dù chư Phật có ra đời hay không, giáo lý này cũng vẫn có mặt vĩnh viễn và bất biến. Ai thấy được lý Duyên khởi là thấy được Pháp, và ai thấy được Pháp là thấy được lý Duyên Khởi. Giáo lý Nhân Quả, sự quan hệ của một chuỗi dài nguyên nhân và kết quả, là một cái gì đó rất khó hiểu. Tương tự như vậy, như chứng đạt sự an tịnh trong thế giới [và vũ trụ] đa phức, không còn chấp trước vào những pháp hữu vi, diệt ham muốn, trừ tham dục, dứt phiền não và chứng niết bàn v.v…đều là những phạm trù rất khó nắm bắt. Lo lắng sự chứng đắc của mình không mang lại kết quả hiện thực nào, Đức Phật do dự thuyết pháp, nhưng, đáp ứng lòng lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Shampati, ngài tới Benares và bắt đầu thuyết pháp chuyển Pháp Luân.”

Theo tinh thần ‘đừng tin những gì Ta nói mà hãy nhìn và hiểu những gì Ta vừa nói vừa làm trước, nếu hợp lý thì nghe theo mà tự thực hành.’ Đức Phật giảng dạy giáo pháp, nhưng không bắt buộc mọi người phải chấp nhận giáo pháp đó qua niềm tin một cách đơn giản, mù quáng.  Rõ ràng là để có thể tiếp nhận giáo lý nhiệm mầu này, mỗi người phải tự chuẩn bị đầy đủ một trình độ trí tuệ tương xứng, nếu chỉ có dựa vào lòng tin suông thì không đủ để mà tự giác ngộ.  Giáo pháp cao siêu này mang tính giải thoát ở mức độ thuyết phục tự nhiên, không hoàn toàn dựa vào tha lực.  Mặc dù toàn thể Đức Phật lịch sử mang đầy tính chất kỳ diệu phi thường, Ngài chưa bao giờ sử dụng thần thông để chứng minh sức thuyết phục của giáo lý. Ngài không đồng ý với những phép tắc thần thông nào mà không có giá trị giáo dục.  Đức Phật không thể dạy tất cả mọi chuyện cho đệ tử và ngài cũng không có ý định như vậy.  Một ngày nọ, khi ngài đang ở tại xứ Kausàmbì trong rừng cây Simsapà, ngài nhặt một nắm lá trong tay và hỏi các tỳ kheo: "Các thầy nghĩ thế nào, số lá trong tay Như Lai nhiều hay lá của tất cả cây trong rừng nhiều?

"Bạch Thế Tôn, số lá trên tay ít hơn so với lá trong rừng."

 

"Cũng vậy, này các tỳ kheo, những gì ta biết như lá trong rừng và những gì ta dạy cho các thầy như lá trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, ta không hành động như các vị đạo sư nắm chặt bàn tay để giữ những điều bí mật riêng, bỡi vì Như Lai đã dạy cho các thầy Tứ Diệu Đế (bốn sự thật.)  Đó là giáo lý có lợi ích; bốn chân lý đó là nguyên lý căn bản của đạo xuất thế; đó là giáo lý đưa đến thoát ly, xả bỏ, đoạn trừ phiền não, an tịnh, thắng trí, toàn giác và niết bàn. Đó là lý do tại sao Như Lai đã giảng dạy như vậy."

Giáo Pháp mà Đức Phật chứng ngộ quá hoàn mỹ đến nỗi không thể nào có sự mâu thuẫn trong đó, là giáo pháp của muôn đời được những Đức Phật giảng dạy bằng nhiều phương tiện khác nhau.  Ngài luôn luôn tự tin là chân lý tự nó có tính thuyết phục cho nên giải thích khẳng định hay phủ định cũng đều rơi vào một trong hai cái nhìn cực đoan của thường kiến và đoạn kiến.  Giáo pháp của Phật chỉ thuần một vị (rasa,) đó là tính chất giải thoát. Mục tiêu và kết quả của giáo pháp ấy là chấm dứt đau khổ ở thế gian.  Ngài thuyết giảng cho tất cả mọi người, không phân biệt dòng họ, giai cấp,chỉ họ phương pháp tu tập để đạt giác ngộ như ngài. Ngài chỉ là ‘Người chỉ đường’ (Màrgàkhyàyin,) mọi người tự chính mình đi mới có thể đạt tới mục đích.

Ý nghĩa của giáo pháp không thể thay đổi, chỉ thay đổi cách diễn đạt. Vì lòng từ bi, đức Phật đã điều chỉnh và thay đổi cách diễn đạt giáo pháp để phù họp với từng đối tượng, ngoại đạo, cư sĩ hay tỳ kheo, vì chân lý không thể giảng cho mọi người cùng một thời gian và cùng thuật ngữ, mà cần phải diễn đạt cẩn thận.  Nếu pháp đó thích họp cho người thông minh lanh lợi có khả năng nhận thức, thì cũng có thể có hại cho những người không đủ thông minh để có thể trong thời gian ngắn hiểu được.  Một số các vị thanh văn có thể hiểu được giáo pháp, nhưng một số khác không hiểu, thậm chí không nghe được tiếng nói của Phật.  Đức Phật là người vô cùng khéo léo trong việc thuyết giảng giáo pháp. Ngài giảng pháp tùy theo căn cơ và trình độ của người nghe cao hay thấp.  Ngài nâng cao các phương tiện thiện xảo lên nhiều cách để đưa chúng sanh đến giải thoát; xuyên qua tính đa dạng và linh động, giáo pháp của ngài thỉnh thoảng gây ra nhiều vấn đề lúng túng cho các nhà chú giải, nhưng tất cả đều được chứng minh bằng lòng từ bi của ngài.  Cũng có khi dường như ngài tự mâu thuẫn. Phàlguna, một người cố chấp vào niềm tin sự hiện hữu của linh hồn và bản ngã, hỏi Phật, "Thế nào là linh hồn có thể sờ mó, cảm giác, ham muốn và hiểu biết được?" Đức Phật trả lời, "Ta không chấp nhận có bất kỳ linh hồn nào có thể sờ mó, cảm giác, ham muốn và hiểu biết." Ngược lại, khi Vatsagotra, một người không bao giờ tin vào sự hiện hữu của một linh hồn, hỏi Phật rằng có thật là cái tự ngã không hiện hữu hay không, Đức Phật từ chối trả lời phủ định "Để không xác nhận giáo lý của các đạo sĩ và Bà La Môn, người ta tin vào thuyết đoạn diệt."  Trong vấn đề như vậy, Đức Phật chọn giải pháp dung hòa hợp lý giữa khẳng định và phủ định, và ngài khuyên bảo các đệ tử cũng hành xử như vậy, "Hãy xem xét những gì không đáng nói, Như Lai đã không nói, những gì đáng nói, Như Lai đã nói rồi."

‘Vạn vật là một, một là vạn vật’ là một hệ thống giáo lý của vũ trụ trong đó những chân lý được thuyết giảng không phải do Đức Phật phát minh, nhưng do đó mà ngài chứng được trí tuệ thanh tịnh và truyền lại cho đệ tử.  Nhục thân (màmsakàya) của Phật có 32 dấu hiệu cao quí của bậc vĩ nhân và có hào quang xung quanh, chư thiên và loài người không bao giờ thấy được nữa và cũng không thiết phải tìm cầu thân tướng như vậy.  Vì đó không phải là pháp thân. Pháp mà Đức Phật giảng, nói theo ẩn dụ, mới thật là thân Phật vì nó đưa chúng sanh đến niết bàn và không hạn cuộc không gian thời gian.  Nếu thỉnh thoảng giáo pháp ấy có hơi tối nghĩa vì do chúng sanh không hiểu rõ chân lý quang minh luôn ngời sáng.  Vì vậy, Đức Thế Tôn không những là bậc quang minh mà còn là người cầm đuốc trí tuệ soi đường đạo lý nữa.  Để tưởng nhớ ngài, các đệ tử ca tụng, "Đúng vậy, Đức Thế Tôn rất đáng được mọi người tôn kính, là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư."

Phải biết vô thường để đạt chân như.  Đạo Phật không bao giờ chủ trương bi quan, yếm thế, mà đạo Phật là đạo của quang minh trí tuệ tự mình thắp đuốc lên mà đi, truyền đăng với chánh pháp Như Lai để tục diệm.

37.                   Tự mình thắp đuốc mà đi

Chúng ta thán phục Phật và các chư vị Bồ Tát đã thấy trước chúng sinh hơn 2500 năm về vũ trụ, vật lý, vi trùng, tâm sinh lý, v.v. nhưng chủ yếu của Đạo Phật là làm cho chúng sinh bớt Khổ Đau, tiến tới An Lạc, Giác Ngộ rồi Giải Thoát.  Điều này cho thấy, Đức Phật là một Dược Sư Vương, một Vua Bác Sĩ đại tài đã dày kinh nghiệm để biết cách chữa bệnh Đau Khổ nan y của con Người với đám lá thuốc trong tay.  Còn cái đám lá kiến thức trụ sinh nặng đô trên rừng đó chỉ bổ ích cho chư Phật và các Bồ Tát cho nên Ngài im lặng vi tiếu (noble silence with smile.)  Nó không hoàn toàn bổ ích, không thiết thực lẫn cần thiết cho đa số phàm phu tục tử còn đầy bệnh vô minh và còn bám trụ nghiện ngập cái bã thuốc phiện, ma túy, tham sân si như đa số chúng sinh trên cỏi Ta Bà này cho nên Ngài mới tuyên bố Như Lai chưa từng nói một chữ.   

Để trả lời cho những thắc mắc lo lắng quan tâm của các đệ tử, Đức Thế Tôn để lại di chúc rất đơn giản dể hiểu: Tự mình thắp đuốc mà đi!  Vì bài kinh nầy quá ngắn, quá dễ hiểu nên không ai để ý, bỏ ngoài tai, không ngờ tới, không hiểu nỗi, không biết mình không biết không biết (They don’t know don’t know) cái vi diệu, cao siêu, thâm thúy, tuyệt vời của ý Phật.  45 năm thuyết Pháp, với cả ngàn bài giảng lịch sử được ghi chép lại trong 84,000 kinh điển chỉ tóm gọn trong vài chữ: Im lặng!  Như Lai không nói một chữ.  Như Lai không chứng đắc gì cả.  Và cuối cùng là: Hãy tự mình thắp đuốc mà đi!  Dĩ nhiên là lúc còn sống, Ngài chưa bao giờ thấy và đọc được 84,000 bộ kinh của Ngài giảng.  Ngài không thấy một chữ (vô tự,) không tụng một câu, không gõ một cái mõ cái chuông nào cả.  Ngài chỉ lim dim vi tiếu (noble smile) với nụ cười từ bi đầy bí ẩn đẹp như nụ cười trong tranh của Mona Lisa.

Tại Hy Lạp, Sokrates nói câu nổi tiếng, “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả,” và tại Trung Hoa, Lão Tử nói, “Biết mà cho là không biết, thì cao.” Tôi xin thưa thốt, “Tôi không biết tôi biết!”

Khi Đức Phật đã lớn tuổi (84 tuổi?) và đau yếu, một hôm, A Nan Đà, người đệ tử thân cận luôn ở bên cạnh Ngài hỏi Ngài như sau:

 “Sau khi Như Lai tịch diệt thì Tăng Đoàn sẽ phải bước theo con đường nào? Xin Như Lai cho biết quyết định của Như Lai ra sao đối với Tăng Đoàn?"

Đức Phật trả lời như sau:

"Này A Nan Đà, Như Lai không còn sống lâu nữa. Vừa lớn tuổi lại đau yếu, Như Lai đã đi đến cuối con đường của mình. Như Lai nay chỉ là một người già... Này A-nan-đà, hãy nương tựa vào chính mình, xem mình là ngọn đuốc soi đường cho mình và cũng là nơi an trú cho chính mình, không nên tìm một nơi nào khác cả [...] Đạo Pháp là ngọn đuốc soi sáng và cũng là nơi an trú cho mình [...] Này A Nan Đà, những ai ngay từ hôm nay và cả về sau này, tức là sau khi Như Lai đã hòa nhập vào niết-bàn, biết xem Đạo Pháp là ngọn đuốc soi đường cho mình và là nơi an trú cho mình, không tìm một nơi an trú nào khác cả, sẽ là những đệ tử xứng đáng của ta, là những ngườì biết giữ một cung cách hành xử đúng đắn." (Đại Bát Niết Bàn Kinh, Mahaparinibbana, DN.16, theo bản dịch của André Migot,1892-1967, trong quyển Le Bouddha, ấn bản Club français du Livre, 1957, 302 tr., đoạn trích dẫn tr.150)

Trong Đại Bát Niết Bàn Kinh cũng có một câu như sau: "Thế nhưng, này A Nan Đà, đối với một số đệ tử của ta thì ý nghĩ sau đây cũng có thể hiện lên trong trí: 'Những lời giảng dạy này là những lời sau cùng của vị Thầy, sau này sẽ không còn ai là Thầy mình nữa' (ý nói vị Thầy không còn nữa, ai muốn làm gì thì tùy ý?) Thế nhưng không được nghĩ như vậy, này A Nan Đà, bởi vì ta đã từng nói lên cho tất cả hiểu rằng sau khi ta không còn nữa, thì Đạo Pháp (Dhamma) và Giới Luật (Vinaya) sẽ thay ta làm Thầy cho mình." (Đại Bát Niết Bàn Kinh/Mahaparinibbana-sutta, DN.16, theo bản dịch của Jeanne Schut).

 

 

Figure 58 Di tích A Tì Đạt Ma bằng tiếng Phạn (Ấn Độ, thế kỷ thứ II)

 

 Ngoài ra cũng còn một chi tiết đáng lưu ý trong Đại Bát Niết Bàn Kinh là Đức Phật có dặn bảo A Nan Đà rằng sau này các giới luật thứ yếu cũng có thể thay đổi được.   

Những lời căn dặn này quả đã nói lên một sự chu đáo của Đức Phật nhằm dự trù các trường hợp cần phải thích ứng giới luật với các bối cảnh xã hội và văn hóa tiến bộ hơn.

Điều này còn chứng tỏ cái trí tuệ thông thái với đầu óc cởi mở tiến bộ vượt không gian và thời gian của Đức Thế Tôn – không có luật lệ nào là bất di bất dịch theo thời gian.  Rules are made to be broken! Những quy tắc được đặt ra để được phá vỡ.  Đức Thế Tôn không muốn độc đoán quyết định những giới luật thứ yếu nào có thể thay đổi được’ và thay đổi như thế nào.  Đức Thế Tôn là bật thầy vĩ đại, Ngài biết các đệ tử của Ngài đã có đủ bản lãnh để hạ san làm thầy chính mình lẫn hướng dẫn dạy dỗ chúng sinh không cần phải náng lại lâu trong trường học Phật Đà nữa.  Ngài cũng biết họ còn bịn rịn không muốn nghĩ đến cái ngày phải chia ly với thầy mình vì vậy không ai dám hỏi đến di chúc của Ngài, dù biết sớm muộn gì rồi cũng có ngày chia ly.  Đức Thế Tôn cũng biết vậy nên  Ngài đã gói ghém ngụ ý đó trong di chúc cuối cùng ‘tự mình đốt đuốc mà đi’ rồi.  Chính mình tự làm chủ lấy mình, làm thầy chính mình, tự quyết định cho mình không cần ỷ lại vào Ngài nữa.  Đức Phật dạy chúng ta làm Phật chứ không dạy chúng ta bám dựa mải mải vào Ngài.  Ngài là một giáo sư vĩ đại dạy các giáo sư tương lai trở thành vĩ đại như Ngài.  Ngài dạy học trò tự gắng học để trở thành thầy chứ không dạy thầy trở thành trò mải mải.  Tu Phật là noi theo gương Phật để thành Phật chứ không cầu khẩn, van xin Phật cứu độ thành Phật.  Đây là điểm đặc thù, độc nhất vô nhị của Phật Giáo đối tất cả các tôn giáo khác. 

 

Thế nhưng trong lúc bối rối và xao động trước tình trạng sức khỏe ngày càng sa sút của Đức Phật, A Nan Đà đã không kịp hỏi Ngài là những giới luật nào được xem là thứ yếu, và cũng vì thế nên Ma Ha Ca Diếp đành phải tuyên bố trước Đại Hội là trong bối cảnh hiện tại phải giữ nguyên tất cả các giới luật. Trước khi bế mạc, Đại Hội chọn lựa và đề cử một số các tỳ kheo uyên bác và có trí nhớ tốt, mỗi người phải học thuộc một phần kinh điển và giới luật vừa được hệ thống hóa, để truyền lại cho các đệ tử trong tăng đoàn của mình.  (Lời Di Huấn Của Đức Phật, và sự tồn vong của Giáo Huấn Phật giáo,

Hoàng Phong, http://thuvienhoasen.org/p21a23510/loi-di-huan-cua-duc-phat-va-su-ton-vong-cua-giao-huan-phat-giao)

 

Tôi xin giải thích thêm một chút, các tỳ kheo uyên bác, có trí nhớ tốt được chọn lựa và phải nhựt tụng lẫn thường đối chứng lẫn nhau để không bị ‘tam tụng thất bổn.’  Làm sau duy trì được những điều này cho đến khi có văn tự là một cố gắng phi phàm, nhất tiền khoáng hậu của tiền nhân.  Nên nhớ, họ không ngờ là sẽ có văn tự để khỏi phải nhựt tụng.  Có thể cũng vì những thói quen đó mà có chuyện tụng kinh rào rào, thuộc lòng nhưng không cần hiểu nghĩa.  Còn thêm cái trò gõ mõ, đánh chuông để cho nhịp nhàng như một ban đại hòa tấu?  Còn thắp hương có nhiều giới luật ‘cần thiết’ thì xin các Thầy và các Ni giảng dùm cho.  Đa số chúng ta chỉ biết thắp hương vái vài ba lạy, hít hà, lảm nhảm khấn cầu tứ phương mà thật sự không hiểu lẫn không cần biết mình đang làm gì?

 

 

 

 

Figure 59 Kinh Đại Bát Niết Bàn bằng tiếng Hán, triều đại nhà Tùy (581-618)

 

Tiến Sĩ Oldenburg, học giả người Đức, đã làm sáng tỏ ý nghĩa ‘Tự mình thắp đuốc mà đi!’ Ông viết: Đức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình.

Phật dạy, “Truyền đăng tục diệm!” nghĩa là mồi đuốc trí huệ của mình vào đuốc trí huệ của Đức Phật để tự soi đường mà đi.  Ý là phải tự tu, tự chứng vì không ai tu dùm cho mình được. Nếu không tự đốt đuốc soi đường, cũng như người mù dựa vào cái đom đóm ngụy tưởng của ngoại đạo mà đi trong ban ngày, tất nhiên chúng ta phải lạc vào ma đạo hay thần đạo.

Giáo Chủ Thiên Thai Tông sáng lập tại núi Thiên Thai bên Tàu, thế kỷ thứ 6th , Trí Giả Đại Sư phân tích chánh pháp và tà đạo như sau:

Có ba thứ ngoại đạo mà bài viết này cũng có thể lọt vào trong một trong 3 thứ đó:

(1) Chánh cống ngoại đạo. Họ không dùng bảng hiệu của Phật Giáo mà tự dùng bảng hiệu của họ. Họ cũng tu Thập Thiện, tu thiền, và cũng được lên Trời.

Cái đạo này ngày nay rất ít thấy, đa số là đạo thờ thần và ma đạo lừa bịp những tín đồ nhẹ dạ, ngu tối. Phật cũng đã dạy người Phật Tử không được ỷ lại vào một đấng Thần Linh nào để ban phước, giáng họa, hay giải thoát cho mình. Nếu không hiểu được những lời Phật dạy thì có nhiều ngộ nhận.

(2) Ngoại đạo dùng bảng hiệu Phật giáo. Nhưng họ tu theo ngoại đạo. Những người này có tội đọa địa ngục.  Nếu gặp chánh pháp, họ có thể trở lại chánh pháp. Cũng như đệ tử của Phật như Mục Kiều Liên, Xá Lợi Phất cũng là lãnh tụ ngoại đạo.

Như Tôn giả A Nan ỷ mình là em Phật nên yên trí sẽ thành Phật dễ dàng. Nào ngờ, sau mấy chục năm trời chỉ mới đắc quả Thanh Văn mà thôi! Tự tu, tự chứng cũng như việc mình nhãy ùm xuống nước mới biết đuợc nước nóng hay lạnh, mặn hay ngọt, ngộp thở uống nước mới biết bơi hay chết đuối. Tuy nhiên, chúng ta không nhớ ra là chúng ta từ nước mà ra, quên mất cái khả năng lúc là bào thai ở trong bụng mẹ, có thể thở và bơi lội như cá (xem phim Mission to Mars.)

(3) Học Phật pháp hành ngoại đạo. Họ không biết là ngoại đạo vì họ thông suốt kinh điển, giảng kinh, thuyết pháp hay lắm! Tín đồ cũng nhiều lắm nên tự cho mình là hay quá rồi! Thông suốt kinh điển Đại Thừa liễu nghĩa là chánh pháp rồi còn chê vào đâu? Nhưng mà họ hiểu lầm cái ý của Phật để dạy cho chúng sanh. Cái đó tội còn nặng hơn ngoại đạo thứ nhì nữa. 

Cái ngoại đạo thứ 3 này rất nguy hiễm cho sứ mệnh hoành dương Phật Pháp, chúng ta đã thấy cái thứ ngoại đạo này nhan nhãn trong thời mạc pháp và nhất là trong các chùa chiền trên thế giới. 

Tôi tự tin bài này không bị lọt vào ngoại đạo thứ 3 vì tôi không ‘hợp lệ’ với những tiêu chuẫn đó.  Tôi không tự nhận là thông suốt kinh điển Đại Thừa liễu nghĩa, không tự treo bảng hiệu riêng, không dùng bản hiệu Phật Giáo.   Tôi không nội không ngoại! Tôi không thể vừa ở trong nội, vừa ở ngoài ngoại.  ‘Tôi’ không viết một chữ, chưa nói một lời như thị.

Đức Phật nói: Tất cả chư Phật đều y nơi tướng giác thanh tịnh hằng chiếu soi để phá trừ vô minh mà được thành Phật.  Quí vị có thấy ý Phật nói có gì khác với lời suy luận y ý bất y ngữ của các Tổ không? Các Tổ cũng nói: "Chúng ta y nơi Phật tánh hay y nơi tánh thanh tịnh sẵn có của chính mình để khởi tu thì sẽ được thành Phật." Như vậy, điểm y cứ ở đây Đức Phật dạy là phải nhận ra được bản tánh Viên Giác của mình. Nhận ra rồi lấy đó làm trụ xứ căn cứ của mình, nương đó mà khởi dụng chiếu soi, dụng chiếu soi đó sẽ phá dẹp vô minh.  Tôi xin góp ý: Chúng ta đã là Phật đi lạc trong vô minh; có cây đuốc báu Viên Giác ở trong túi nhưng không biết thắp sáng rọi tan màng vô minh u tối mà tự tìm đường đi về nhà (trở lại với Phật tính.)  Bây giờ, thì đã có GPS, cell phones, đèn viên giác chiếu rọi đầy đường cứ lái xe phom phom về nhà không cần phải hỏi đường.  Mình tìm về lại nhà mình chứ mình sẽ không được thành mình khi về tới nhà mình.  Trừ khi, mình tỉnh cơn mê tìm đến nhà bồ mình rồi mình mê lú bồ quên đường về nhà mình.  Mình mê say cố tìm về nhà mình, rồi mình tỉnh cơn say mê khi thấy vợ mình đang cầm chủi chà chờ mình bướt vào nhà chúng mình. 

Câu hỏi rất thông thường vẫn là thế nào là vô minh? Ngắn gọn, vô minh vì cố chấp vào ngũ uẩn, vọng tưởng nó là thật là của Ta.  Trong Kinh Viên Giác giảng giải: Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, bị các thứ điên đão (làm mờ tánh Viên giác) như người mê lầm lộn bốn phương, vọng nhận tướng tứ đại là thân mình, chấp cái duyên theo dáng sáu trần là tâm mình. Ví như (người) nhặm mắt thấy hoa đốm trong hư không và mặt trăng thứ hai...  Hư không thật không có hoa đốm, vì người bệnh vọng chấp, do vọng chấp nên chẳng những lầm tự tánh của hư không mà cũng lầm luôn chỗ sanh ra hoa đốm là thật. Do vọng chấp này mà có luân chuyển sanh tử nên gọi là vô minh...cái vô minh này không có thật thể. Như người trong mộng, khi mộng chẳng phải không có (cảnh vật) và đến khi thức dậy rõ ràng (cảnh vật) chẳng có. Như hoa đốm diệt trong hư không, không thể nói có chỗ diệt cố định. Vì cớ sao? Vì không có chỗ sanh. Tất cả chúng sanh ở trong vô sanh mà vọng thấy có sanh diệt, nên nói luân chuyển sanh tử...người tu nhân địa Viên giác Như Lai, biết hoa đốm trong hư không (không thật) liền dứt luân hồi và cũng không có thân tâm chịu sanh tử.  Chẳng phải làm cho nó thành không mà bản tánh nó vốn không...Cái tri giác kia ví như hư không, biết hư không tức là (biết) tướng hoa đốm cũng không và không thể nói không có tánh tri giác. Có, không đều dẹp gọi là tùy thuận tánh Viên Giác thanh tịnh. Vì cớ sao? Vì tánh hư không thường bất động, trong Như Lai tàng không khởi diệt vì không có tri kiến, như pháp giới tánh cứu cánh viên mãn khắp cả mười phương. Đây gọi là nhân địa tu hành (của Như Lai,) Bồ Tát cũng nhân đây mà phát tâm thanh tịnh tu theo Đại Thừa, chúng sanh đời sau y đây mà tu hành thì chẳng rơi vào tà kiến.

Phật nói nhân địa của tất cả chư Phật tu hành đều từ nơi trí tuệ chiếu kiến.  Do dùng trí tuệ giác chiếu nên thấy rõ vô minh, biết nó như hoa đốm trong hư không nên ra khỏi luân hồi sanh tử. Cảnh đời giống như cõi mộng. Mộng du trong vô minh, khi vô minh thì thấy người thật cảnh thật, khi tỉnh thì thấy người không thật cảnh không thật, nên nói tỉnh giấc mộng Nam Kha rồi thì thấy cõi đời chỉ là một giấc mộng phù du.  Mà không mê không tỉnh là Tri Kiến Phật vì ngay cả thấy cảnh không thật cũng vẫn ở trong vòng vô minh.

Kinh Phật và chư tổ không mảy may nói những điều hư vọng như một số người huệ căn còn quá thấp kém nên cho rằng những điều nói trong kinh có vẻ mơ hồ, huyễn hoặc, nếu không nói là bịa đặt không phải từ kim khẩu của Phật.  Chỉ có trí tuệ của chư Tổ, Bồ Tát và của Phật mới nói nổi những điều ‘hư vọng’ cao siêu, huyền diệu khó hiểu đó.  Cho nên, Đức Phật, Bồ Tát và chư Tổ tùy theo căn trí bất đồng của chúng sinh, tùy theo cơ hội thuận tiện và nhân duyên để thuyết pháp cao thấp chứ không phải khi nào cũng đem đàn mà gãy tai trâu.

Figure 60 Đàn gãy tai trâu

Đúng vậy, trước khi học Phật tôi không biết gì về Phật Giáo, lúc đang học Phật tôi biết tất cả về Phật Giáo, sau khi học Phật tôi không biết gì về Phật Giáo.

Kinh còn dạy rằng, “Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Phật.” Nếu chỉ coi vài cuốn kinh và biết sơ qua về Đạo Phật mà đã dám phê bình nọ kia thì thật là “võ đoán.” 

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật đã quở những hạng người nói trên như sau:

“Nguyên lai cái thể tánh của Tạng Như Lai cực diệu, cực minh, tức là Đạo Vô Thượng, không thể suy nghĩ, và cũng là Chánh Tri Kiến, không thể nào bàn đặng; như thế tại sao chúng sanh trong ba cõi lại lấy cái tâm sở tri phàm tiểu của mình mà suy lường cái Đạo Vô Thượng Bồ Đề của Phật …” Rồi vì lòng từ bi, Ngài lại dạy “Chúng sanh như thế thật đáng thương xót!”

Tôi không biết những câu quở nhẹ nhàng trên, thay vì thịnh nộ hăm dọa trừng phạt như chúng ta từng thấy ở những thánh kinh của các tôn giác khác, là của chính Đức Thế Tôn hay từ những kinh điển Đại Thừa?  Tuy nhiên cái quở đầy lòng từ bi như cha khuyên nhủ, thương dạy con cái được ghi lại trong kinh đã nói lên tinh thần độ lượng và cao thượng của Phật Giáo.

Tôi xin tạm kết, Truyền Đăng Tục Diệm ngoài nghĩa là mồi đuốc trí huệ của mình vào đuốc trí huệ của Đức Phật để tự soi đường mà đi.  Theo tôi còn có ý nghĩa là Ta đã ‘truyền quang minh trí tuệ của Như Lai vào các người rồi’ nên tự tin, vứt bỏ cái cặp nạng vô minh, chân cứng đá mềm mà bướt đi như ta đã làm.  Hay nói rõ ràng hơn, chính mình là cây đuốc, ‘tự cháy,’ soi sáng vô minh không cần tìm kiếm đâu xa. 

 

‘Chính mình là cây đuốc’ trong kinh không có nghĩa là phải tự thiêu, dùng lửa đốt thân xác, thành cây đuốc cúng dường tam bão hay để chứng tỏ lòng tin cuồng tín bằng cách mù quáng tế thần.  Cúng dường tam bảo không phải hy sinh hay dâng hiến cái vô minh đó.  Rất tiếc ngay đến bây giờ vẫn có rất nhiều người vẫn mê muội hiểu lầm như vậy.  Đạo Phật là đạo của trí tuệ không bao giờ chấp nhận mê tín cực đoan như vậy.

 

‘Chính mình là cây đuốc’ có nghĩa là trong mình đã có sẵn quang minh sáng như tam muội chân hỏa còn mất công tìm kiếm cây đuốc nào, ở đâu, sáng hơn được mà mồi mà thắp?  Đó cũng là ý nghĩa - chúng sinh đã là Phật từ vô lượng kiếp, khi mà ngộ được điều này rồi, thì có thể tự mình thắp đuốc mà đi không cần dựa vào lửa Như Lai nữa. 

Ngược lại, vọng ngoại tìm kiếm cũng như người mù cố mò mẫm tìm thắp ngọn đuốc ngoại đạo, đi trong ban ngày dưới ánh quang minh của thái dương, sở vào chấp ngã và bám trụ vào cặp nạng vô minh.  Họ thiếu tự tin vì không biết dùng ngọc trí tuệ để minh tâm, và tự chiếu sáng cái bản lai diện mục của chính mình. 

 

Trường hợp Albert Einstein là một thí dụ cụ thể: “Tôi là một người không tôn giáo. Nhưng nếu có Tôn giáo thì Tôi phải là một Phật tử. Vì những gì Tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua Kinh Phật đã nói hết rồi.” 

 

Tôi xin suy bụng của Einstein ra bụng của tôi thay vì suy bụng ta ra bụng người như nhiều người hay suy ra. 

 

Nhà Bác Học Einstein đã đạt được tâm vô ngã và chắc chắn qua suốt cuộc đời cống hiến, hy sinh cho khoa học ông cũng không biết tham sân si là gì vì vậy mà ông ta dễ dàng giác ngộ dù chưa bao giờ tu hành hay hành thiền theo đạo Phật.  Ông tự nhận mình là vô tôn giáo, có cảm tình với đạo Phật nhưng vẫn vô sở vô trụ vào tôn giáo.  Tuy nhiên, ông sẽ chọn làm Phật Tử nếu cần có một tôn giáo.  Ông ta đã rất là kiêm nhường với một tinh thần vô ngã tự sẵn có trong ông ta khi tâm sự ‘những gì Tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua Kinh Phật đã nói hết rồi’ rất tiếc cho chúng ta là ông ta đã không dẫn chứng là những điều gì ông hiểu mà kinh Phật đã nói hết rồi – hay ông đã dẫn chứng rồi, tất cả những gì ông ta hiểu kinh Phật đã nói hết rồi?  Theo tôi suy luận, câu nói trên của Einstein cũng còn có nghĩa: Những gì tôi hiểu biết đã trùng hợp kỳ diệu và thật ngẫu nghiên lạ thường với những gì Đức Phật dạy trong kinh điển từ mấy ngàn năm về trước như một mối nhân duyên kỳ ngộ từ thuở nào.  Ngay cả 6 câu thuyết pháp cuối cùng của Đức Phật Thích Ca:  Tự mình thắp đuốc mà đi!  Tôi đã luôn luôn tự mình thắp đuốc mà đi, tự nhiên như bản tâm của mình, cho dù có biết về Phật Giáo hay không biết về những điều Phật dạy trong kinh điển 2600 năm về trước.  Những kiến thức khoa học của Tôi có được từ trí tuệ của Phật Pháp từ vô lượng kiếp.  Tôi đã thấy tôi.  Tôi đã giác ngộ!

 

Figure 61 Bồ Tát Einstein

 

Tương tự, Đức Thế Tôn tìm được chân lý không phải học tu theo những đấng tu khổ hạnh trong mấy năm đầu đầu tầm đạo.  Ngài đã chứng nghiệm rằng con đường tu ép xác đó chưa hẳn là thực tại rốt ráo và Ngài đã tự tìm lấy con đường (đạo) cho chính mình, và sau là cho chúng sinh bằng cách tự mình thắp đuốc đi đêm.  Vì vậy, trước khi tịnh diệt và viễn ly các đệ tử của mình, Ngài đã chân tâm khẫu truyền cái tuyệt kỷ bí mật rốt ráo cuối cùng của đời mình qua lời trăn trối: Tự mình thắp đuốc mà đi như ta đã từng làm.  Đây cũng là một ý nghĩa rất thâm diệu được nhìn qua lăng kính của trí tuệ bát nhã từ một góc độ đặc biệt.  Có thể vì đa số những đệ tử của Phật và tất cả chúng ta chưa đủ trí tuệ để tự mình thắp đuốc mà đi nên vẫn phải dựa vào Phật vào Pháp cho nên không có nhiều người giác ngộ sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn.  Đến đây mới thấy được câu Pháp 6 chữ: Tự mình thắp đuốc mà đi! của Đức Thế Tôn thật thâm diệu tuyệt vời.  Đây là lời trối trăn tuyệt diệu nhưng đa số chúng ta tuy thường nhắc đến nhưng ít ai quan trọng hóa hay hiểu đó là chân lý tối thượng.  Tụng câu Tự mình thắp đuốc mà đi và nếu mà rốt ráo giác ngộ, trì hành được ý nghĩa đơn giản của 6 chữ này một cách viên diệu thì còn hơn là tụng cả ngàn cuốn kinh Phật.  Trong 45 năm thuyết pháp của Đức Thế Tôn chỉ gói gém trong 6 chữ cuối cùng đó còn trước đó thì Ngài đã tuyên bố:  Như Lai chưa từng nói một chữ...Pháp, ngoại trừ 6 chữ ‘Ta chưa từng nói một chữ!’

 

Kinh Điển Phật Giáo nói, có vô số phương tiện để mà tải Đạo nên tùy cơ ứng biến.

Trang Tử viết: Cần nơm bắt cá, nhưng có cá rồi hãy quên nơm; Cần bẫy bắt thỏ, được thỏ rồi hãy quên bẫy; Cần lời truyền ý, được ý hãy quên lời.  Tại phương Tây, Alfred Korzybski cũng diễn tả ý đó rất công hiệu bằng câu, “Địa đồ không phải là cảnh thật.”

 

Cho nên cái ý Truyền Đăng Tục Diệm cũng là phương tiện nghĩa đen tượng hình chứ không phải là tượng ý của nghĩa bóng.  Tôi không chấp phương tiện y ngữ mà chỉ tùy thời y nghĩa mà theo tôi ý của Đức Thế Tôn còn có nghĩa: Chính ‘mình,’ chính Ta là Như Lai là Quang Minh Tam Muội Chân Hỏa.  Ý trên được tôi diễn tả qua cùng một lăng kính Phật Pháp nhưng ở một góc cạnh không sở tại cho thích hợp với thời đại khoa học và văn minh lẫn ngôn ngữ hiện tại.  Tương tự như hai câu kệ của Thần Tú,  Tâm như đài gương sáng (Tâm như minh cảnh đài) và Huệ Năng, Gương sáng cũng chẳng đài (Minh cảnh diệc phi đài) hợp với Trong nhà có báu thôi tìm kiếm (Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch) trong Cư Trần Lạc Đạo (ở đời vui đạo hay An Cư Lạc Nghiệp,) đó là đạo nghiệp thế gian mà Đức Vua Trần Nhân Tông, Ngài Thần Tú và Ngài Huệ Năng phương tiện đưa ra để đáp ứng với đời sống nhất thời hiện tại.  Đó là chân lý thực tại vượt thời-không, không thể không có trong vũ trụ và nhân sinh.   Ngã Phật Từ Bi!

 

38.                   Đại dụng trong bàn tay

 

Ở Việt Nam, Thiền Sư Khánh Hỷ (1067-1142,) thời nhà Lý, nhìn trong hạt cải và đầu sợi lông cả một càn khôn vũ trụ huy hoàng:

 

Nhật nguyệt nằm trong hạt cải,

Càn khôn náu tại đầu lông.

Hiện ra đại dụng trong lòng bàn tay.

Ai hay phàm thánh, Tây Đông?

 

Nhà thơ huyền bí người Anh, William Blake ca tụng:

 

To see a World in a Grain of Sand.

And a Heaven in a wild flower,

Hold Infinity in the palm of your hand.

And Eternity in an hour.

Dịch nghĩa:

Nhìn thấy thế giới trong hạt cát,

Và thiên đàng trong bông hoa dại.

Nắm vô tận trong lòng bàn tay,

Và vĩnh cửu trong một giờ này.

 

Đại dụng là vô cùng vô tận phi vật chất.  Khánh Hỷ Thiền Sư nói, “Hiện ra đại dụng trong lòng bàn tay,” tình cờ tương tự như ý thơ của Blake, “Nắm vô tận trong lòng bàn tay.”

Trong Phật Thuyết Kinh Đại Thừa Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai Đà La Ni, Phẩm 13, Thọ Mạng Đại Chúng Vô Lượng, Phật dạy:

“Này A Nan ! Đức Phật Vô Lượng Thọ mạng sống trường cửu không thể tính được. Lại có vô số chúng Thanh Văn thần trí thông đạt, năng lực tự tại có thể nắm tất cả thế giới trong bàn tay. Trong hàng đệ tử ta, đại Mục Kiền Liên có thần thông bậc nhất, trong một ngày đêm biết hết số lượng chúng sanh của tất cả tinh cầu trong đại thiên thế giới. Giả sử chúng sanh trong mười phương tất cả đều chứng quả Duyên Giác, mỗi mỗi Duyên Giác thọ vạn ức năm, có thần thông như Mục Kiền Liên, đem hết trí lực suốt đời cũng không tính đếm được, ngàn vạn phần cũng không bằng một số phần Thanh Văn trong Phật hội kia.

Ví như biển lớn sâu rộng vô biên, nếu lấy một sợi tóc chẻ làm trăm phần, tán ra thành bụi, rồi lấy một hột bụi ấy thấm một giọt nước biển, nước nơi bụi tóc ấy so với biển cả chẳng lấy gì nhiều.  Này A Nan! Các vị như Mục Kiền Liên thảy còn biết được số lượng, còn nước nơi bụi tóc so với biển cả không thể tính được. Thọ mạng của Phật và thọ lượng chúng Bồ Tát, Thanh Văn, Thiên, Nhơn ở cõi ấy cũng như vậy, không thể lấy toán số thí dụ mà biết được.”

Nếu bàn tay có thể nắm lấy mọi hữu thể lẫn nắm lấy phi vật chất đại dụng, thì bàn tay cũng có thể buông bỏ mọi cái có thể dụng vì không có một vật gì trường tồn để có thể nắm giữ được mãi mãi.  Đại dụng luôn luôn ẩn hiện trước mắt, trong từng sátna.  Có biết, thấy, đón và bắt được phi vật chất đại dụng này hay không là tùy vào duyên nghiệp, may mắn, và tài trí riêng biệt của mỗi cá nhân.  Đó là Giác Ngộ được cái Ngộ Không, được cái Không Ngộ của Giác Ngộ.  Ngộ Không, Không Ngộ!

 

Có thì muôn sự có,

Không thì tất cả không.

Có, không trăng đáy nước,

Đừng mắc có cùng không.

*

(Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.)

 

Đạo Hạnh

(Bản dịch HT Thanh Từ)

*

Existence and Emptiness

 

Existence – there you see all things existing.

Emptiness – there you see all things empty.

Existence and emptiness are just like the moon underwater.

Don’t cling to existence nor emptiness.

 

Dao Hanh, Vietnamese Zen Master (? – 1115)

 

Tuệ Trung thượng sĩ có bài Mê ngộ bất dị thể hiện sâu sắc tinh thần Bát Nhã:

 

Mê khứ sinh không sắc

Ngộ lai vô sắc không

Sắc không mê ngộ giả

Nhất lý cổ kim đồng

Vọng khởi tam đồ khởi

Chân thông ngũ nhãn thông

Niết Bàn tâm tịch tịch

Sinh tử hải trùng trùng

 

Dịch nghĩa:

 

Lúc mê sinh ra “không” và “sắc”

Khi ngộ không còn “sắc” với “không”

Những điều gọi là sắc, không, mê, ngộ

Xưa nay vẫn chung nhau ở một lẽ

Mê vọng nổi dậy thì ba đường nổi dậy

Cứ chân thông suốt thì năm mắt đều thông suốt,

Tâm niết bàn lặng lẽ

Biển sống chết trùng trùng.

*

Không - Có - Mê -Tỉnh!

 

Mê Ngộ, Ngộ tưởng Ngộ tỉnh Ngộ.

Tỉnh Ngộ, Ngộ tưởng Ngộ mê ngộ,

Không Ngộ, Ngộ tưởng Ngộ có ngộ.

Có Ngộ, Ngộ tưởng Ngộ không ngộ,

 

(Lê Huy Trứ)

 

 


 

Phần Phụ Lục

 

Chú Thích: Đa số những phần dịch thuật trong bài này đã được những học giả khác dịch ra tiếng Việt, được ‘tam sao y bổn’ (copy & paste) của nhiều tác giả VN trên internet, rồi thì bị ‘nguyên hình thất bổn’ không biết đâu là đầu đuôi đâu để mà mò ra nguồn gốc quái lạ của nó.   Rồi càng nguy hiễm hơn, tự có nhiều ngụy tác giả nhận quàng làm sang.  Điều này làm cho những người muốn nghiên cứu chân thực về luận văn lẫn luận án hay lịch sử không biết đâu mà mò vì không có đủ kính chiếu yêu để biết được cái bản lai diên mục - Ai là ngụy bồ tát thật ai là chân yêu quái giả?  Vì internet, không hình không sắc, không sở tại, không trụ phương nào để ngũ uẩn có thể biết và bắt được.  Cho nên, thực tại là cái gì khó mà mò ra được.

 

Tôi xin đề nghị tránh bớt dịch thuật mà nên dùng lẫn du nhập những danh từ mà ta chưa có để làm phong phú thêm và dễ hiểu hơn cho ngôn ngữ nhà như nhân loại vẫn làm.  Mỹ bây giờ có chữ Phỡ, Sàigòn, Việtnam, VC, kim chi, sushi, yoga, ... Không nên bắt chước Tàu cái gì cũng dịch bất chấp ngữ ý:  Cuba thì dịch ra Cu Ba, tên người ta là Pussycola (Pussy Cola by Lana Del Rey) thì lại dịch ra là Hĩm cô la bởi Lan Đéo Rẽ, ‘lambada’ thì dịch ra ‘làm bà đã,’ USA thì dịch là Mỹ Quốc, Hoa Kỳ, France thì gọi là Tây, là Pháp là Phú Lang Sa, Napoleon thì dịch ra Nã Pháo Luân (vì ông này là chuyên nghiệp về đại pháo,) Allan Delon ra A Dễn Tà Lũng ... Không biết Richard (Dick) nên dịch là con gì? Pussy cat nên dịch cái gì?  Việt Nam dịch ra tiếng Mỹ, tiếng Tây là chữ gì?  Tàu dịch ra là Duế Nản?  Mít ta gọi Trung Hoa là Tàu (bự hơn ghe) thay vì bông hoa ở giữa bải ...?

 

Nhất là dịch những danh từ khoa học thì chắc chắc từ sai cho tới trật cả ý lẫn ngữ vì nó như thị tri kiến, bất khả tư nghị trừ khi ngôn ngữ mình đã có những chữ đó và được ứng dụng rất phổ thông. 

 

Hơn nữa theo quan niệm cổ lổ sĩ mà không ai cần và thèm nhớ tới nữa đó là: Văn dĩ tải đạo! Tôi cố gắng, xin cống hiến thêm và mong cải thiện hơn, bằng cách sửa vài chữ đã được dịch ra tiếng Việt, hay mạo muội dịch thuật hay phỏng dịch lại vài dòng nếu cần thiết cho rõ đúng nghĩa.  Mong những cố gắng nhỏ mọn này không phải là mất thì giờ vô ích nhưng nó sẽ tạo nên một tập quán bổ ích lâu dài cho văn hoá vừa dịch vừa thuật và nhất là vẫn giữ được hầu như trung thực với ý kinh, ý thơ hay ý tác giả. Đây là công trình cống hiến của nhiều người và của nhiều thế hệ mà ta đã thấy nó bành trướng nhanh chóng và mãnh liệt trên thế giới internet, xấu lẫn tốt.  Xin tùy nghi tư nghị!

PHẦN 6: NGỮ VỰNG

Trích từ sách Đạo Phật Siêu Khoa Học, Chùa Liên Hoa, California, USA 1997, Minh Giác Nguyễn Học Tài.

 

Mong bản ngữ vựng diễn dịch này giúp quí vị đối chiếu những từ ngôn ngữ tiếng Anh mà Minh Giác Nguyễn Học Tài đã dày công dịch và sưu tập. Minh Giác viết: “Vì chưa có Việt Nam Hàn Lâm Viện nên mỗi người dịch một cách. Nếu tôi dịch sai, hay không sát nghĩa, xin các bậc cao minh chỉ dạy.” 

 

Âm điện tử

Electron

Âm giai khả thính

Audible range

Âm tần

Radiation frequency

Angstrom

Angstrom: 1/10,000,000 của 1 mm.

Ba động quang minh/Làn sóng ánh sáng

Ripples of light

Bắc cực vũ trụ

North celestial sphere

Bảo sinh viện Tinh tú

Galactic nursery

Bản kiến trúc

Plate tectonic

Bán thời năng lượng

Half life energy

Bó dây điện (trong tim để truyền xung điện khiến tim có thể bóp)

Bundle of branches

Bức xạ, phát xạ, phóng xạ

Radiation

Bức xạ vi sóng

Microwave radiation

Cảm quan đặc biệt

Extra Sensory Perception (ESP)

Cầu vũ trụ

Celestial sphere

Cấy trứng

Insemination

Cổ nhân chủng học

Paleoanthropology

Cơ quan Quản Trị Hàng Không Không Gian

National Aeronautics and Space Administration (NASA)

Con thoi (máy Vi tính)

Cursor

Con Sên

Cohlear (ở tai trong)

Cực vi, Hạt ảo

Quarks

Cụm sao

Clum of stars

Chân trước (phôi bào)

Fore limb

Chân sau (phôi bào)

Hind limb

Chất tối

Dark matter

Chỉ số tia cực tím

Ultraviolet Index

Chòm sao

Constellation

Chòm sao Bắc giải, Con cua

Cancer, The Crab constellation

Chòm sao Bầu Dục

Eleptic constellation

Chòm sao Centarus

Centarus constellation

Chòm sao Cây Đàn

Lyra, Lire constellation

Chòm sao Đại Hải Sư

Leo Major constellation

Chòm sao Độc Giác

Unicorn constellation

Chòm sao Hổ Cáp hay Bò Cạp

Scorpius, Scorpion constellation

Chòm sao hình cái Kẹp Bắt Rắn

Serpent holder constellation

Chòm sao hình Lưỡi Liềm

Sickle constellation

Chòm sao Người Đi Cày

Boots, Ploughman constellation

Chòm sao Chó Lớn

Canis major, The large Dog

Chòm sao Tiểu Hải Sư

Canis Minor constellation

Chòm sao Thiên Xứng, Cái Cân

Libra constellation

Chòm Thiên Hà

Cluster of galaxies

Chuyển động Brown

Brownian movement

Chuyển động lệch lạc (tinh tú)

Wooble

Chủng loại đi thẳng

Homo Erectus

Chủng loại gốc rễ của loài khỉ miền nam

Australopithecus Afarensis

Chủng loại hiện tại, đã tiến hóa cách đây 130,000 năm

Homo Sapiens

Chủng loại không phải thủy tổ loài người

Australopithecus Africanus

Chủng loại khôn ngoan biết chế tạo đồ dùng và biết nói

Homo Genus

Chương trình tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái đất

Search for extraterrestrials intelligence (SETI)

Dây thần kinh thu hình

Photo receptor

Dây thần kinh tiếp vị trên mặt Tế bào

Cell surface receptor

Dây nhiễm sắc

Chromosome

Di tử

Gene

Di tử bắt mùi

Smell gene

Di tử cảm thọ

Sensory gene

Di tử hình con nhím

Hedgehog gene

Đài Thiên văn Vô tuyến Quốc gia

National Radio Observatory

Đại Hùng Tinh, cái Gáo Lớn

Ursa Major, the Big Dipper

Đần độn (Chứng)

Mental retardation

Đám mưa rào Tia Gamma

Shower of Gamma ray

Đáp ứng hóa sinh

Bio chemical response

Đáy (Một trong 6 vẻ của Quark)

Bottom

Đe (Ở tai trong)

Anvil, Incus

Đẻ mướn, người cho thuê tử cung

Subrogate

Đẹp (Một trong 6 vẻ của Quark)

Charm

Đĩa bay

Unknown flying object (UFO)

Địa bàn hàng hải

Gyroscope

Đĩa hành tinh

Proto planettry disk

Địa lục thiên hà

Continents of galaxies

Điện cực

Electrode

Điện giải

Electrolyte

Điện não kế

Electroencephalograph

Điện não di chuyển vật chất

Psychokenesis

Điện lượng

Electric charge

Điện từ

Electromagnetism

Điện từ quang phổ

Electromagnetic spectrum

Điện từ trường

Electromagnetic field

Điện từ lực yếu

Electroweak force

Đỉnh (Một trong 6 vẻ của Quark)

Top

Điểm văn (hình vòng tròn)

Kink

Điểm cực nhỏ

Infinitesimal point

Độ dài sóng

Wave length

Đồng hồ hạt tử (trong tế bào)

Molecular clock

Đồng tử, con ngươi

Iris

Đồng vị

Isotope

Độ sáng biểu kiến

Apparent brightness

Đơn vị phóng xạ

Curie

Đơn vị  Thiên văn

Parsec (Psc)

Động điện học

Electrodynamics

Đối Quark, Đối Cực vị, Đối Hạt ảo

Antiquarks

Đối vật thể

Antimatter

Đụng độ, va chạm

Collision

Đường dây điện thoại sinh học

Biological telephone line

Đường hầm thiên hà

Galatic subway

Đường hầm bẻ cong thời gian

Time bending tunnel

Giác mô, giác mạc

Cornea

Gió Mặt trời

Solar wind

Hạt vi phân tiềm nguyên tử

Subatomic particle

Hạch cổ họng

Tonsil

Hành tinh hệ

Planetery system

Hệ thống bắt mùi

Olfactory system

Hình ảnh ba chiều

Hologram

Hình bánh Đô nắt

Doughnut shaped

Hố đen

Black hole

Hỏa tinh

Mars

Hỏa tiễn đối vật thể

Antimatter rocket

Hoán chuyển di tử

Gene mutation

Hư không, chân không, khoảng không

Void

Hư tâm điểm võng mô

Mascular degeneration

Hư thị giác thần kinh

Retina pigmentosa

Huyết thống cá nhân

Individual genology

Huyết thống nhân loại

Human family tree

Một nghìn Parsescs

Kiloparsec

Kim tinh

Venus

Không thời

Space time

Khu phát động não xám

Motor cortex

Khu thính giác bộ não

Auditory cortex

Khuôn mẫu toàn ký

Holographic paradigm

Khuynh độ

Declination

Lạ (một trong 6 vẻ của Quark)

Strange

Lân không

Epsilon

Laser, khuếch đại ánh sáng bằng cách khích động việc truyền bức xạ

Laser: Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation

Lăng Kính trọng trường

Gravitation gravity

Lăng già (Đảo)

Sri Lanka

Lõi, nhân, tâm

Cores

Lỗ sâu trong không gian

Worm hole

Lớp Ozone

Ozone layer

Loại giống cây nấm (lưỡi)

Fungiform

Loại giống lá cây

Foliage

Luật trọng trường

Law of gravity

Lượng tử lực

Particle force

Lượng tử Sắc động học/Sắc động học nguyên lượng

Quantum Chromodynamics (QCD)

Mã số

Code

Mấu chốt

Clue

Mẫu chuẫn

Standard model

Mẫu chuẫn của hạt nhỏ

Standard model of particle

Maser: Khuếch đại vi sóng bằng cách khích động việc truyền bức xạ

Microwave Amplification by Stimulated Emission of Radiation

Máy biến đổi năng lượng (Sinh học)

Transductor

Máy chuyển âm

Speech processor

Máy gia tốc

Accelerator

Máy gia tốc hạt lớn

Particle accelerator

Máy rọi hình ba chiều

Magnetic Resonance Imaging (MRI)

Máy thâu[Kích thích

Receiver[Stimulator

(Nhà) Máy vi ti phát sinh (Vi năng tử) năng lượng (trong tế bào)

 Mitochondria: Microscopic energy factory

Mẹ di tử

Genetic mother

Khoảng cách an toàn trước phóng xạ tuyến

Microteslas

Năm ánh sáng, quang niên

Ligth year

Nam cực vũ trụ

South celestial pole

Năng lượng

Energy

Sao đột sáng

Nova

Nụ mô

Bud of tissue

Nền đều

Uniform background

Niệu đạo

Urethra

Núm bắt mùi (mũi)

Olfactory bulb

Núm điện (truyền xung điện khiến tim co bóp)

S-A node

Ngân Hà (Giải)

The Milk Way Galaxy

Nguyên lượng cơ học

Quantum mechanics

Nhân Helium

Helium neucleus

Nhân Thiên hà M100

M100 Galartic neucleus

Nhà Thiên văn Vật lý

Astrophysicists

Nhiệt hợp hạt nhân

Nuclear fussion

Nhiên liệu nguyên tử

Neuclear fuel

Nhiểu âm

Interference

(Dây) Nhiễm sắc tạo giống

Sex chromosome

Nhọt bọc

Cancerous growth

Nhọt bọc trong thanh quản

Laryngeal papilloma

Phá vỡ hạt nhân

Neuclear fission

Phát sóng não

Brain emission

Phân tử

Particle, molecule, element

Phân tử căn bản

Basic particle

Phân tử Beta

Beta particle

Phân tử hữu cơ

Organic molecule

Phân tử, hạt tử, lượng tử

Particle

Phôi bào

Embryo

Phôi nhân

Pronuclei

Phóng thể

Aliéation (Pháp)

Phóng xạ điện từ

Electromagnetic radiation

Phòng Gia tốc Quốc gia Fermi

Fermi National Accelerator

Phòng thí nghiệm Âu Châu về Vật lý Phân tử

The European Laboratory for Particles Physics

Phòng thí nghiệm Phản lực

Jet Propulsion Laboratory (JPL)

Phi thuyền

Spacecraft

Phi thuyền liên hành tinh

Starship

Linh kiện

(Computer) chip

Proton nhân

Neucleus Proton

Quang phổ

Spectrum

Quang tử

Photon

Số đo phóng xạ

Rad

Radar: phương pháp phát hiện vật thể bằng cách xác định vị trí & tốc độ của nó

Radar: Radio Detecting & Ranging

Rem: Đơn vị đo phóng xạ

Roentgen

Sao Bắc đẩu

Polaris

Sao băng, sao xẹt

Meteor

Sao đôi

Binary stars

Sao mạch

Pulsar

Sao Mặt trời

Sun-like star

Sao Neutron

Neutron star

Sao sáng chói

Quasar

Sao tối nâu

Brown dwarf

1+21 số 0

Sextillion

Siêu âm

Ultra sound

Siêu sao

Supernova

Siêu sao bùng nổ

Supernova explosion

Sơ nhãn, mắt mới thành hình của phôi bào

Early eye

Sơ nhĩ, tai mới thành hình của phôi bào

Early ear

Song nam

The twin, Gemini

Sóng chấn động

Shockwave

Sự biến thiên hằng số điện môi chân không của vũ trụ Friedman

Variation of vacuum of Fried’s universe

Sự bùng cháy

Burst

Sức hấp dẫn vĩ đại

The Great Attractor

Sức đẩy của điện từ

Magnetic sail

Tâm nhĩ

Ventricle

Tâm thất

Atrium

Tạo hình tố

Morphogen

Tế bào hình tóc, phát bào

Hair-like cell

Tế bào vị giác

Taste cell

Tế bào võng mô (võng mạc)

Retina cell

Tỉ tỉ, một ngàn tỉ

Trillion

Tơ trời (Lượng tử)

Super string

Tóc bắt mùi

Hair-like receptor

Bộ di tử

Set of gene

Tia cực tím

Ultraviolet (UV)

Tia Gamma

Gamma ray

Tia năng lượng sóng ngắn

Beam of radio energy

Tia vũ trụ

Cosmic ray

Tín hiệu vi ba

Microwave signal

Tiên tri

Premonition (ESP)

Tiến trình hóa học

Chemical process

Tiến trình điện hóa phức tạp

Complex electro-chemical proccess

Tiểu hành tinh

Asteroid

Tiểu Hùng tinh, cái Môi múc nước

Ursa Minor, the Ladle

Tinh vân

Nebula

Tinh vân Orion

(The) Orion nebula

Thai bào tinh tú

Embryonic star

Thần kinh cảm thọ

Sensory nerve fiber

Thần kinh cột sống (tủy)

Spinal cord

Thị cụ nhân tạo

Articial vision device

Thiên hà

Galaxy

Thiên hà hình bầu dục

Eliptical Galaxy

Thiên hà mẫu

Proto Galaxy

Thiên hà hình trục xe

Cartwheel Galaxy

Thiên hà hình xoắn, xoay chuyển, trôn ốc, xoáy nước

Spiral Galaxy

Thiên thể

Celestial body

Thời gian co dãn

Time dilitation

Thời gian uốn cong

Time bending

Thụ thai không cần giao hợp

Parthenogenesis

Thụ thai không cần tinh trùng

Immaculation conception

Thụ tinh trong ống nghiệm

Test tube, vitra fertilization

Thủy tinh (Hành tinh)

Mercury

Tử cung

Uterus 

Tủy sống và cột sống mới thành hình phôi bào

Spinal and notocord

Tương tác

Interaction

Tuyệt tự, tuyệt giống

Sterile

Thuyết căn bản về bản thể vật chất

Theory of the basic nature of particle

Thuyết đối xứng của vi phân tiềm nguyên tử

Theory of the symetrics of subatomic particle

Thuyết nguyên lượng

Quantum theory

Thuyết tương đối chung của Einstein

The General law of relative of Einstein

Trấy óc trước

Frontal lobe of the brain

Trung hòa tử

Neutron

Trung tâm Standford thiế bị máy gia tốc hạt lớn

Standford Linear Accelerator

Trọng trường hấp lực

Gravity

(Bức) Trường thành thiên hà

The Great Wall of galaxies

Thượng đế không chơi tứ sắc với vũ trụ

God doesn’t play dice with the universe

Vật chất, vật thể, Thể chất

Matter

(Ngành) Vật lý hạt nhỏ

Particle physics

Vẩn thạch

Meteorite

Vật thể thất thoát, Chất tối

Missing mass, Dark matter

Vệ tinh Thám sát Hậu cảnh vũ trụ

Cosmic Background Explorer Satellite (COBE)

Vi sóng

Microwave

Vi phân tiềm nguyên tử

Subatomic particle

Vi thiên thể

Planetsimal

Vô cự số

Infinitesimal

Vòng quay{giờ

Hour circle

Độ Quay Tự Nội

Intergrated Spin

Vụ nổ đão thiên

Catalymic explosion

Vũ trụ Bùng nổ

The Big Bang

Vũ trụ co rút

The Big Crunch

Xuân phân

Vernal equinox

Xung điện

Electrical impulse

Xung động

Impulse

Dưới (Một trong 6 vẻ của Quark)

Down

Xương cuốn (ở tai trong)

Stape

Xử nữ

Virgo

 PHẦN 7: ĐỊNH NGHĨA

Accelerator: Máy gia tốc, ví dụ Phòng thiết bị Máy gia tốc Quốc gia Fermi (Fermi Nationa Laboratory Accelarator), gần Chicago, Illinois. Phòng này đang xây cất một máy Gia tốc khổng lồ. Khi hoàn thành, máy có thể đẩy mạnh thế tốc của hàng tỉ tỉ Dương điện tử trong một giây đồng hồ, và phóng ra những chùm Vật thể và Đối vật thể để chúng va chạm nhau với mục đích tìm thêm những Phân tử mới.

Ngoài ra, các khoa học gia hy vọng khi Máy Siêu dẫn (Super conductor) và Siêu Va chạm (Super collider) được hoàn thành ở Texas, họ sẽ khám phá ra những Hạt tử còn nhỏ nhiệm, vi tế hơn cả Quark nữa.

Tất cả những cố gắng của họ trên những thập niên qua là để tìm kiếm những viên gạch cuối cùng xây dựng vũ trụ.

Age of Aquarium: Thời đại Song Ngư. Thời đại được phổ biến năm 1960 là thời gian chấm dứt giai đọan 500 năm của nến văn minh tàn bạo Tây phương được một số người tin rằng sau đó sẽ đến một thời đại 2,100 năm hòa bình và thịnh vượng.

Albert Einstein (1879-1955): Người Đức gốc Do Thái, thành công dân Mỹ năm 1940. Ông đã nghiên cứu nhiều về tính chất của ánh sáng, Chuyển động Brown và áp dụng vào thuyết Lượng tử với Năng lượng phóng xạ, và phát hiện Quang tử (Photon Photoelectric effect).

Năm 1918, ông hoàn tất Thuyết Tương Đối Chung của thời gian và không gian. Thuyết này đã thai nghén trong ba giai đọan: 1) Thuyết Tương Đối Hẹp(Special Relativity Theory) được công bố năm 1905 là nhờ ở thuyết tương đối của Galileo. Hẹp có nghĩa là chỉ giới hạn cho hai quan sát viên và hai loại chuyển động. (2) Thuyết Tương Đối Chung, được công bố năm 1918. Chung có nghĩa là suy rộng cho nhiều quan sát viên và nhiều loại chuyển động. Phần này căn cứ vào nguyên tắc định rằng tốc độ ánh sáng không thay đổi và bất chấp sự dời chỗ của quan sát viên với hướng truyền đi của ánh sáng. (3) Phần này được công bố năm 1940. Theo thuyết này, Einstein liên kết Trọng trường với Điện từ trường thành một từ trường chung. Thời gian và không gian không thể xác định được một cách tuyệt đối, tất cả những hiện tượng đều liên hệ với nhau

Einstein đã biến đổi Vật lý học bằng cách chứng tỏ rằng không gian và thời gian thực ra chỉ là hai vẻ khác nhau của cùng một môi trường có thể giãn dài, uốn cong, và vặn vẹo hình thái bởi Trọng trường (Einstein transformed physics by showing that space and time are really two aspects of the same thing – a stretchy, bendable, medium warped ane shaped by gravity).

Alinéation: Phóng thể (tiếng Pháp). Nói theo nhà Phật, đó là cái Tâm phàn duyên cứ dong duỗi theo trần cảnh mà không chịu “hồi quang phản chiếu” tâm thức của mình.

Angstrom: Độ dài sóng của Quang tuyến X khi tia Laser có công suất cao bắn vào Xenon. Độ dài này bằng 1/10,000,000 của 1mm, còn được gọi là đơn vị Angstrom, tên của Vật lý gia Thụy Điển Jonas Anders Angstrom (1814-1874).

Antiquark: Đối Quark. Trước hết, xin hiểu chữ Quark, Quark vốn là tiếng Đức do Vật lý gia Murray Gell-Mann thuộc Caltec đặt ra. Theo lý thuyết về Cực vi của ông, Dương điện tử và Trung hòa tử – những Phân tử căn bản trong Lõi của hạt Nguyên tử – lại được cấu tạo bằng những Lượng tử nhỏ nhiệm hơn mà ông đặt tên là Quark (Hạt ảo, Cực vi).

Phàm các Phân tử trong vũ trụ hay đối kháng và tiêu diệt lẫn nhau. Ví dụ Quark lại có Đối Quark, có Vật thể lại có Đối Vật thể.

Khoa học ngày nay đang trở về tìm kiếm những gì mà đạo lý Đông phương đã nói cách đây mấy ngàn năm rồi như Càn Khôn (Âm Dương), Sinh Diệt, Sắc Không. P.A.M Dirac viết Vacuum Polarization để nói lên sự Sinh Diệt của những Hạt tử trong Chân không như Positron đối nghịch với Electron, và Vật thể đối nghịch với Đối Vật thể. Đối nghịch để tiêu diệt.

Australopithecus Afarensis: Chủng loại Lucy, đi thẳng, sống trong gia đình.

Australopithecus Radius: Chủng loại “gốc rễ” của loài khỉ ở miền Nam. Xin xem thêm ở bài “Đi tìm cha mẹ đầu tiên”, Tiểu mục Nhịp cầu đã mất, trang 285.

Basic particle, Elementary particle: Những Phân tử căn bản. Trước kia, ba Phân tử căn bản của một hạt Nguyên tử là Proton, Neutron, và Electron. Gần đây, theo thuyết về Quark của Gell-Mann, những Phân tử căn bản phải là Quark, và dòng họ Hadron. Thật ra, Quark cũng chưa phải là Phân tử căn bản mà Super String, và Tachyon mới là những Hạt tử căn bản của một hạt Nguyên tử. Nghĩa là khoa học càng ngày càng khám phá ra những Hạt tử vô cùng vi tế và nhỏ nhiệm hơn những Hạt tử đã khám phá trong vòng 100 năm qua.

Beta particle: Phóng xạ Beta. Phóng xạ là gì? Một vài nguyên tố (Element) như Uranium không bền vững; khi hư thối, Nguyên tử của nó mất hết Phân tử như Phân tử Alpa và Phân tử Beta thất thoát ra ngoài. Một số gây nên Tia Gamma. Trong cả hai trường hợp, Nguyên tử mất hết Phân tử và gây nên phóng xạ.

Bottom: Đáy, Thuyết của Gell-Mann cho rằng mọi Vật thể được cấu tạo bằng 12 hạt Vi phân tiềm Nguyên tử. Họ đã khám phá ra sáu Quarks có ba màu và sáu vẻ như Lên, Xuống, Đẹp, Kỳ lạ, Đỉnh, và Đáy là một trong sáu vẻ của Quark.

The Big Bang: Vũ trụ Bùng nổ lớn. Theo lý thuyết Vũ trụ Bùng nổ lớn, mọi Thể chất cô đọng thành một Điểm cực nhỏ (Infinitesimal point), có giá trị gần bằng 0, vào khoảng 15 tỉ năm trước đây. Điểm này lớn lên bằng trái cam và bùng nổ. Rồi thời gian, không gian, Thể chất và Năng lượng được thành lập.

The Big Crunch: Vũ trụ Co rút lớn. Tiến sĩ Vật lý Bill Summer tuyên bố “Luật Tương đối của Einstein không hoàn toàn đúng bởi vì tốc độ ánh sáng không cố định,và vũ trụ đang sụp đổ. Sự Co Rút lớn của vũ trụ sẽ xảy ra trong vòng 4 tỉ năm nữa.

Biological telephone line: Đường dây điện thoại sinh học ở trong bộ não. Người ta có trung bình 15 tỉ tỉ đường dây điện thoại sinh học.

Bilianary stars: Sao Đôi mà các khoa học gia gọi là Sao Nhện độc (The Black widow) bởi vì sao nọ tiêu diệt sao kia cũng như nhện cái ăn thịt nhện đực sau khi làm tình. Sao Nhện độc tức là Sao Mạch (Pulsar) quay trung bình mỗi vòng hết một giây đồng hồ. Nhưng Sao mạch PSR 1957-20 ở trong Giải Ngân Hà lại quay đến 600 vòng trong một giây đồng hồ. Sao Nhện độc lợi dụng sức quay của sao bạn để quay nhanh hơn nữa rồi đốt cháy sao bạn luôn.

Boostrap: Nghĩa đen là bị kẹt vào đôi ủng quá nặng nên không bay bổng lên được. Vì vậy, tôi dịch là Trí Phàm Tiểu là trí tuệ của kẻ phàm phu nhỏ bé không hiểu được những cảnh giới siêu xuất và bất khả tư nghì của chư Phật, và không hiểu những bí mật của vũ trụ. Thuyết Boostrap thống nhất Nguyên lượng cơ học với tính cách tương đối của mọi sắc thái của các hạt trong phạm vi nguyên tử học. Thuyết này do Geoffrey Chiu và Fritjof Capra đã xử dụng để khám phá chiều sâu của thế giới hạt nhân.

Brownian movement: Chuyển động Brown. Năm 1905, vài tuần trước khi công bố thuyết Tương Đối Hẹp, Einstein đã tường trình rằng Chuyển động Brown là một chuyển động không đều và bất ngờ của những Phân tử bụi đang bám vào chất lỏng. Chuyển động này được cắt nghĩa là do hiệu quả của những Nguyên tử nước đụng độ với những Phân tử bụi.

Celestial: Thiên thể. Gồm những Vi thiên thể, Hành tinh, Tinh tú, Đá trời, Vẩn thạch, Sao băng, Sao đôi, Thiên hà v.v…

Bundle of branches: Bó dây điện. Tiếp điện từ Núm điện S-A (S-A node) qua Núm điện A-V (A-V node) để trái tim co bóp.

Celestial sphere: Trái Cầu Vũ trụ. Là một trái cầu tưởng tượng vô biên giới có Trái đất ở giữa, Tinh tú, Hành tinh, và những Thiên thể khác được mường tượng xoay vần ở trên mặt Trái cầu này

Charm: Đẹp. Là một trong sáu vẻ đẹp của Quark.

Cosmic ray: Tia vũ trụ. Là những Phân tử có Năng lượng cao từ ngoại tầng không gian tới. Khi vào khí quyển của Trái đất và đụng phải nhân của Nguyên tử khinh khí, Năng lượng của nó tạo nên những Đám mưa rào hạt Vi phân tiềm Nguyên tử (Showers of subatomic particles). Tia vũ trụ chỉ là những Dương điện tử nằm trong Lõi của Nguyên tử khinh khí đến Trái đất từ mọi hướng (Xin xem bài Quang minh, Tiểu mục Tia vũ trụ, trang 304).

Curie: Tên của nhà bác học Marie Curie, tên thật là Marja Sklodowska. Bà là người Pháp gốc Ba lan (1867-1934), được giải thưởng Nobel cùng chồng Pierre Curie nhờ việc khám phá phóng xạ tuyến của Thorium (Th) là thành phần có 13 chất Phóng xạ Đồng vị. Trong đó, thành phần 232 là nguồn gốc của Nguyên tử năng. Ông bà cũng đã khám phá ra thành phần Polonium (Po) và Radium. Polonium  là sản phẩm của thành phần Radium bị tan rã và kết quả của việc oanh tạc chì với Trung hòa tử. Polonium có 27 Phóng xạ Đồng vị, có Trọng khối từ 192 đến 218, và Nguyên tử trọng 84. Radium (ra) là một thành có phóng xạ cao và có 13 Phóng xạ Đồng vị với Trọng khối từ 123 đến 230. Trong đó, Radium 226 có Bán thời (Half life) là 1,622 năm. Bán thời có nghĩa là nó mất hết Phóng xạ và trở nên an toàn trong 1,622 x 2 = 3,244 năm.

Cybernetics: khoa học điều khiển và truyền đạt ở động vật cũng như máy móc. Cybernetics là khoa nối liền Thế giới tự nhiên với Thế giới siêu nhiên. Ngày nay, Cybernetics gắn liền với khoa Phỏng sinh học (Biotique) với Người Máy (Robot), và những bộ óc điện tử cho nên nó có thể giải thích mọi hiện tượng của sự sống.

Khoa học Cybernetics không những đáp ứng tinh thần Phản phục hồi tác (Loop feedback) trong mọi ngành khoa học, kỹ thuật, và nghệ thuật, mà còn mang tất cả tính cách huyền nhiệm của Đạo học Đông phương. Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.

Nói cho dễ hiểu, trong ngành y học ngày nay, khoa học đã chế tạo được chân giả có cảm xúc, biét nóng lạnh, xúc chạm. Cấy Linh kiện để người mù thấy được, dùng điện não để điều khiển Con thoi của máy Vi tính để người hoàn toàn tàn phế nói chuyện được. Trong ngành canh nông, ở Gia Nã Đại, họ đã chế ra Người Máy Cắt Cỏ Dại trong rừng. Máy này biết phân biệt cỏ dại để dọn sạch và chỉ để lại những cây cổ thụ nà những cây non tăng trưởng. Thí dụ có nhiều lắm. Tóm lại, khoa học Cybernetics đã biến người máy thành những vật có tim óc như người. Năm 2,000 trở đi sẽ đến “Thời Đại Người Máy”.

Entropy: Là một sự bất ổn luôn luôn gia tăng theo chiều thời gian từ quá khứ đến tương lai. Ví dụ một quả trứng để trên bàn rớt xuống đất bể thành nhiều mảnh không thể trở lại nguyên vẹn như cũ. Nếu ta đem quay phim và chiếu ngược lại, ta sẽ thấy những mảnh vỏ trứng nhảy lên bàn chắp lại thành quả trứng như cũ. Nhưng điều đó không thực tế và trái luật thứ hai của Nhiệt động học (Thermodynamics).

Gamma ray: Tia Gamma. Tia Gamma cũng giống như tia vũ trụ từ Sao Neutron bắn tới, nhưng chỉ bằng 1% của Tia vũ trụ. Khi vào khí quyển va chạm phải những Nguyên tử khinh khí, Tia Gamma tạo nên những Âm điện tử có Năng lượng cao và những Positron nạp điện.

The Great Accelerator: Là một tập hợp của những vì sao lớn nhất chưa từng thấy mà các Thiên văn gia đặt tên là Địa Lục Thiên Hà (Continents of galaxies), hay Sức Hấp Dẫn Vĩ Đại (The Great Attractor). Cách Trái đất 159 triệu quang niên, cấu trúc vĩ đại này có Trọng trường lôi kéo giải Ngân Hà và hàng triệu các Thiên Hà

Hadron Subatomic particle: Là một hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử căn bản như Dương điện tử và Trung hòa tử, thuộc loại tương tác của Lực mạnh.

Lượng tử do Hạt Quarks tạo nên gồm từ 3 đến 27 hạt hay hơn. Trong một Hadron, mỗi Phân tử vừa là đơn vị vừa là thành phần. Các Hadron cùng dòng họ có thể hoán chuyển lẫn nhau. Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.

Half intergrated Spins: Nửa Vòng Quay Tự Nội. Lượng tử Hadron cùng dòng họ đều có cùng một Vòng Quay Tự Nội.

Helipause: (Rìa Thái Dương Hệ). Là biên giới giữa vùng của Gió Mặt Trời và vùng đón nhận gió từ các Tinh tú thổi đến. Biên giới này ở ngoài xa lắc của các Hành tinh. Các khoa học gia, sau nhiều năm nghiên cứu, đã kết luận rằng những sóng vô tuyến do các làn hơi nạp điện từ Mặt trời truyền đến đã Tương tác với các hơi lạnh từ những vùng Liên Hành tinh ở rìa Thái Dương Hệ. Tóm lại Helipause là Rìa của Thái Dương Hệ.

Homo Erectus: Chủng loại đi thẳng. Những người đầu tiên rời khỏi Phi Châu, di cư sang Trung Hoa, Đông Nam Á Châu (Xin xem thêm bài Đi Tìm Cha Mẹ Đầu Tiên, Tiểu mục Nhân loại Tiến Hóa, trang 284 và Nhịp Cầu Đã Mất, trang 285).

Homo Sapiens: Chủng loại hiện đại. Đã tiến hóa cách đây 130,000 (Xin xem như trên).

Holographic paradigm: (Phương pháp tạo hình ba chiều). Một kỹ thuật tạo hình ba chiều bằng tia sáng Laser và Hiện tượng Giao thoa (Interference).

Kiloparsec: Đơn vị Thiên văn. Bằng 1,000 Parsecs. Một Parsec bằng 206,265 AU (Astronomical Units: Đơn vị Thiên văn). Một AU bằng 93,000,000 dặm. Một parsesc = 206,265 x 93,000,000 dặm, hay 19 nghìn, 182 tỉ, 645 triệu dặm.

Laser: Tia sáng La de. Do mẫu tự ghép lại của danh từ Light Amplification by Stimulated Radiation. Tạm dịch là Khuếc đại ánh sáng bằng cách Khích động việc Truyền Bức xạ

Law of gravity: Luật Trọng Trường. Công thức:

F = g (m1 x m2 )

       r2

Lực F = Hằng số Trọng Trường g nhân với thành số của Trọng Khối của hai vật (m1 và m2,) chia cho khoảng cách r bình phương.

Light year: Năm ánh sáng, hay quang niên. Ánh sáng truyền đi trong chân không với thế tốc 300,000 cậy số/giây, hay 186,000 dặm/giây. Một quang niên bằng 5 tỉ 88 dặm.

Matter: Một đơn vị có Trọng trường (Gravity) và Quán tính (Inertia) khi đứng im cũng như khi chuyển động.

Meteor: Sao Băng, Sao Xẹt, Sao Đổi ngôi. Là một tia sáng xẹt trong bầu trời về đêm khi những Phân tử của bụi Liên hành tinh bay trong Thượng tầng khí quyển của Quả đất. Những Phân tử lớn, khi nổ trong không khí, có thể phát ra Năng lượng mạnh tương đương với một trái bom Nguyên tử nhỏ.

Mega Parsec: Bằng 1,000 Kiloparsecs. Bởi vì các Thiên thể trong vũ trụ ở xa quá nên các khoa học gia phải đặt ra những đơn vị này để chỉ khoảng cách của chúng. Để bớt những con số không, người ta đổi Parsec thành quang niên bằng cách nhân với 3. Ví dụ 1 Parsec = 3.26 quang niên hay 3 x 10 cm (Xin xem thêm ở bài Đức Phật có phải là bậc đại Toán học không? Trang 167).

Microteslas: Đơn vị đo khoảng cách an toàn trước vật có Phóng xạ. Khoảng cách này là 0.2 Microteslas. Một người đứng gần một máy hút bụi hay máy khoan điện phải hứng chịu từ 2 đến 20 Microteslas.

(The) Milky Way: Giải Ngân Hà. Là một tập hợp của những Hành tinh và Thiên hà, gồm có 400 tỉ Sao Mặt trời (Star-like planets), và 10 tỉ Hành tinh giống như những Hành tinh của Thái Dương Hệ. Chiều dài bằng 100,000 quang niên. Chúng ta thấy nó như là một giải ánh sáng chạy dài trên bầu trời về đêm. Giải Ngân Hà có hình như Một Quầy rượu (Bar) túc là hình Bán nguyệt, có một Cánh Xoắn (Spiral arm) ở một đầu. Hình này đã được Đức Phổ Hiền mô tả trong kinh Hoa Nghiêm (Xin xem bài Đức Phổ Hiền có phải là bậc đại Thiên văn Vật Lý không? Trang 179).

Ở Trung tâm Giải Ngân Hà có Cái Dĩa rộng 30,000 Parsec và dầy 400 Parsec, gồm có những Chòm Sao, Tinh tú, buị, và hơi khí tạo thành những hình Cánh Xoắn.

Molecule: Phân tử. Một hợp chất bền vững của một Hạt nhân với những Âm điện tử đưọc liên kết bằng Tĩnh điện và Điện từ lực. Đó là một cấu trúc giản dị của một đơn vị có đặc tính Lý Hóa. Ví dụ Phân tử H2O gồm có Nguyên khinh khí H2 và O (Oxygen: dưỡng khí).

Neil Bohr: (1885-1950) Nhà bác học Đan Mạch cho rằng đối tượng của Vật lý lượng tử không  thể giải thích đồng thời vừa là Hạt vừa là Sóng, vì chúng là hai dạng của một thực tại bổ túc cho nhau (*). Ông cũng viết Complimentary Theory (Nguyên lý Bổ túc).

(*) Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.

North Celestial Pole: Bắc cực Cầu Vũ trụ tưởng tượng, không phải Bắc cực của quả Địa cầu.

Nebula: Tinh vân. Là khối lượng bụi đất và hơi khí sáng chói trong đêm tối khi những khối lượng này thâu hút và phản chiếu những tia quang minh. Ví dụ Tinh vân Orion (The Orion Nebula).

Neuclear Fusion: Nhiệt hợp Hạt nhân. Là một phản ứng của Hạt nhân khi nhiều Nhân phối hợp với nhau tạo thành một khối Nhân lớn, và đồng thời tỏa ra Năng lượng.

Neutron star: Sao Neutron. Các nhà Thiên văn đã phát hiện một ngôi sao bay nhanh chưa từng thấy, để lại một làn ánh sáng có hình dạng cây đàn. Sao Neutron nhỏ bé và đặc bay 2,232,000 dặm/giờ. Sao Neutron là do tàn tích của những vì sao đã mất hết Năng lượng Nguyên tử, băng hà, và nổ tung ra. Các Thiên văn gia đã phát hiện một Sao Neutron có tên là PSR.224 Plus 65.

Nova: Sao Đột sáng. Nova là loại sao được hình htành khi hai ngôi sao lạc quĩ đạo đụng nhau và bùng nổ. Nova cũng là trường hợp của Sao Đôi (Binary stars), khi một trong hai sao này rơi xuống sao kia, bùng nổ lên, và trở nên sáng chói hơn.

Organic Molecule: Phân tử Căn bản. Trước kia, những Phân tử căn bản là Glucose và Protein, bây giờ là DNA.

P.A.M Dira: (1902-1984) Vật lý gia người Anh viết về thuyết Phản Vật chất. Ông khám phá ra Phản hạt hay Hạt đối ứng (Antiparticle) của Electron là Positron. Khoa học từ đó dần dần khám phá ra rằng cứ một hạt lại có một Phản hạt, vì vậy mà có khái niệm về Phản vật chất, rồi suy rộng ra cho thế giới Phản vật chất.

Parsec: Một Parsec bằng 3.258 quang niên hay 1,918 x 10 lũy thừa 13 dặm. Trên Parsec có Kiloparsec (bằng 1,000 Parsecs), và Megaparsec bằng 1,000 Kiloparsecs.

Particle: Phân tử, Lượng tử, Hạt tử, hay Hạt. Không thể khám phá được hình tượng và đời sống hiện hữu của nó, mà chỉ nhận ra trong những phương trình toán học, hay hiệu lực của nó trong những phép tính về Năng lượng. Các khoa học gia đã khám phá ra trên 200 Hạt mà đa số đều là Hạt ảo hay Cực vi. Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc ngọc Pha.

Cách đây 2,500 năm Đức Phật đã bác bỏ giả thuyết của một trường phái ngoại đạo cho rằng những Vi trần (Phân tử) này đã nhảy múa và kết hợp với nhau để tạo thành những chúng sanh.

Planetsimal: Vi thiên thể. Là những thành phần nhỏ bé kết hợp thành những Thiên thể, có đường kính từ vài thước đến vài cây số.

Photon: Quang tử. Lượng tử của ánh sáng có Khối lượng tồn tại cuối cùng bằng Không. một Photon nhiều khi chuyển hóa tách làm hai Lượng tử: Âm điện tử và Positron đôi khi lại chuyển hóa ngược lại thành một Photon(*) (Xin xem bài Quang Minh, Tiểu mục Cây Hồng Ngọc Làm Việc Ra Sao? Trang 310).

(*) Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.

Có bốn lực trong Thiên nhiên: Điện từ lực, Lực mạnh, Hấp lực, và Lực yếu. Những lực này liên kết những Hạt căn bản với nhau để tạo thành Nguyên tử. Mỗi lực đều có Hạt Boson riêng biệt. Boson là những Phân tử căn bản truyền tải lực giữa các Phân tử. Lực mà các hạt Bosons truyền tải Điện từ lực được gọi là Quang tử.

Plate techtonic: Bản kiến trúc (Địa tầng). Là những tiến trình di động và sụp đổ của những lớp vỏ Trái đất. Nó cũng giống như khi ta căng thẳng một sợi dây thun, căng mãi đến khi dây bung mạnh ra. Khi những lớp vỏ của Trái đất di chuyển ngược chiều, đá ở trong lòng đất từ tư biến dạng trôi đi, và bị áp lực dãn dài cho đến khi bị nứt ra.

Năm 1620, nhà Thiên nhiên học Francis Bacon báo cáo rằng bờ biển Đông và Tây của Đại Tây Dương có thể nối lại nhau và ăn khớp với nhau. Ông cho rằng Mỹ Châu đã có lần ở gần Âu Châu và Phi Châu.

Năm 1922, nhà Địa chất học Vật lý Alfred L. Wegeneir cho rằng những địa lục hiện thời là những mảnh bè trôi nổi của những địa lục nguyên thủy này.

Pluto: Diêm Vương Tinh. Hành tinh xa nhất trong Thái Dương Hệ, ở cách Mặt trời 39 đơn vị Thiên văn (39 Astronomical Units, hay 39 AUs). Các khoa học gia tính rằng Rìa Thái Dương Hệ (Helipause) ở cách xa từ 82 đến 13 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Hai phi thuyền Voyagers được phóng đi từ năm 1977. Voyager I đã bay được 52 AUs, và Voyager bay khỏi Mặt trời 40 AUs. Giả thử Rìa Thái Dương Hệ cách Mặt trời 100 AUs, hai phi thuyền này phải bay thêm 15 năm nữa mới đến Rìa Thái Dương Hệ.

Prenomition: Tiên tri, Trực giác. Điềm báo trước, trực giác thấy những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Có người thấy trước trong vài ngày, vài tuần, hay vài tháng. Ví dụ có người nằm mê thấy thân nhân chết, trúng số, hay đi du lịch nơi nào. Đây là một Hiện tượng tâm linh thuộc loại Cảm quan Đặc biệt (Extra Sensory Perception: ESP).

Psychokinesis: Điện não Di chuyển Vật chất: Ví dụ có người nhìn cái thìa hay cái chìa khóa khiến nó cong lại. Ta thường nghe nói ma gây nên tiếng động, đóng mở cửa, đánh đàn v.v… Ma là sương khói làm sao làm được những việc đó được? Kinh nghiệm cho thấy ma cũng có khả năng dùng ma lực của nó để tác động lên Vật chất được.

Pulsar: Sao Mạch. Có một vị Tiến sĩ dịch là Sao Phập Phồng vì ánh sáng của nó cứ phập phồng như mạch đập vậy. Đây là một sao băng đặc, cấu tạo bằng Dương điện tử và Âm điện tử, và là tàn tích của một ngôi sao đã bùng nổ dữ dội gọi là Siêu sao (Super Nova).

Quantum Chromodynamics (QCD): Lượng tử Sắc động học, hay Nguyên lượng Sắc động học. Thuyết này cắt nghĩa đặc tính và cá tính của Quark. Nói một cách khác, thuyết này liên kết Quarks với Lực tích mầu (Color force). Nguyên lượng được căn cứ vào Nguyên lượng cơ học (Quantum mechanics), và Chromo trong Chromodynamics (Sắc động học) giữ vai trò của Sắc lực (Color force) The Ultimate Theory of the Universe, Pram Nguyen.

 Quantium potential: Tiềm Nguyên lượng học. Hiện nay, một số khoa học gia Hoa Kỳ đang nghiên cứu việc truyền tải tín hiệu bằng Phương pháp Toàn ký (Holographic), tức là phương pháp chụp hình ba chiều trong không gian. Phương pháp xử lý tín hiệu này được dựa vào thế Vector, hay còn được gọi là thế Tiềm Nguyên lượng học.

Theo phương pháp này, tín hiệu ánh sáng truyền đi sẽ không bị tán xạ trong môi trường, gần như độc lập với khoảng cách; do đó, sẽ không còn bị khoảng cách làm chậm trễ. Ngọc Quỳnh, trích trong tập Đẳng Hương.

The Quantum Theory: Thuyết về Lượng tử, hay Lượng tử học. Đây là lý thuyết căn bản về Thể chất và Năng lượng cùng việc Tương tác (Interaction) của chúng. Ví dụ:

E = mc2,

E (Năng lượng) = m (khối lượng) x c (Tốc độ ánh sáng bình phương).

Quasar: Sao Sáng chói. Quasar là ngôi sao già nhất, sáng chói nhất, và ở xa nhất trong vũ trụ. Sao Sáng chói ở cách xa Trái đất 14 tỉ quang niên, hay 82 ngàn tỉ dặm. Sao Quasar lớn bằng cả Thái Dương Hệ của chúng ta. Ánh sáng của nó phóng ra bằng ánh sáng của 1,000 Thiên hà, và mỗi Thiên hà có 100 tỉ ngôi sao.

Các Thiên Văn gia cho rằng Sao Sáng chói đã được hình thành gần các Hố đen (Blackholes), và ở trung tâm của các Thiên Hà, Hố đen là những vật lớn đến nổi Trọng trường của nó hút cả ánh sáng nữa.

Các khoa học gia ước tính Sao Sáng chói phải được hình thành cách đây 14 tỉ năm. Sao Sáng chói được phát hiện ngay ở dưới Chòm sao Đại Hùng Tinh (Ursa Major).

Rad: Số đo phóng xạ tương đương với 12 lần rọi Quang tuyến X.

Radar: Do lối ghép mẫu tự của Radio Detecting And Ranging, tức là một phương pháp hay cụng cụ để phát hiện những Vật thể ở xa và xác định vị trí, thế tốc cùng những đặc tính khác của nó bằng cách phân tích những Sóng Vô tuyến có tần số cao từ bề mặt của những Vật thể dội lại (Xin xem thêm bài Quang Minh, tiểu mục Radar, trang 313).

Richard Friedman: Phương trình của P.A.M Dirac nói về sự Tương tác giữa Ánh sáng và Vật thể, và Friedman dùng phương trình riêng giải được. Thí dụ “Sự biến thiên Hằng số Điện môi Chân không của Vũ trụ Friedman” (Variation of vacuum permitivity of Friedman’s universe). Friedman là vua giải phương trình.

Rem: Đơn vị đo số lượng phóng xạ trong không khí hoặc những chất làm hại thân thể người ta. Một Milirem bằng 1/1,000 Rem, và một Microrem bằng 1/1,000,000 Rem.

S-A và A-V Nodes:  Núm điện S-A và A-V. Núm điện S-A nằm ở phía trên Tâm thất, và  Núm điện A-V nàm ở khoảng giữa bốn ngăn tim (hai Tâm thất và hai Tâm nhĩ). Núm điện S-A truyền xung điện xuống núm điện A-V, và Núm điện này truyền tiếp xung điện đến Bó dây điện (bundle of branches) chạy từ Núm điện A-V sang hai bên trái tim làm cho tim co bóp (Xin xem bài Quang Minh, trang 303).

South Celestial Pole: Nam cực Vũ trụ. Xin xem định nghĩa ở vần C.

Spin: Đặc tính quay tự nội của Hạt, tức là những xung động (*) . Có hạt chỉ quay nửa vòng gọi là Nửa Độ Quay Tự Nội (Half Intergrated Spins), hay Spins Bán Nguyên Tự Nội.

(*) Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.

Subatomic Particle: Hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử. Vật lý gia Murray Gell-Mann thuộc Caltec đã khám phá ra rằng Nguyên tử xưa nay được coi là đơn vị nhỏ nhất của một Vật thể lại được cấu tạo bằng những Hạt tử nhỏ nhiệm hơn nữa gọi là những Hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử.

Space tim: Không thời. “Einstein đã biến đổi khoa Vật lý bằng cách chứng minh rằng không gian và thời gian thật ra chỉ là hai vẻ khác nhau của cùng một môi trường, có thể dãn dài, uốn cong, và vặn vẹo hình thái bởi Trọng trường.

Supernova: Siêu Sao. Siêu Sao là một hiện tượng thiên nhiên rất hiếm có. Nó là tàn tích của một ngôi sao vĩ đại – sau khi bùng nổ – đã tạo nên một Thiên thể sáng chói phát ra Năng lượng rất lớn.

Siêu Sao rất quan trọng vì nó giúp các khoa học gia đo được chiều dài của vũ trụ, và nghiên cứu việc tạo tác những thành phần hóa học. Có hai loại Siêu Sao: Một là do sự bùng nổ trong Lõi của một ngôi sao khiến nhiên liệu trong đó cháy hết. Loại thứ hai bị sức ép của Yếu lực nên thụt vô tâm điểm và tan vỡ.

Siêu Sao chiếu sáng được vài tuần rồi trở thành một Sao Neutron, hay một Hố đen. Một Thiên Hà chỉ cấu tạo một Siêu Sao trong vòng 50 năm.

Siêu Sao SN 1989 được phát hiện ở phía Đông của Chòm Sao Hải Sư (Leo), và cách xa Trái đất 800 tỉ quang niên. Một Siêu Sao khác được phát hiện ở giữa Thiên Hà NGC 4948 là một ngôi sao đã cháy sáng và tàn lụi cách đây 65 triệu năm.

Super String: Thuyết Siêu Tơ Trời. Trường phái Tứ quái tuyên bố Thuyết của họ giải thích được tất cả sự vật. Thuyết này phối hợp các Lực mạnh, Lực yếu, Điện từ lực, và Trọng trường trong Vũ trụ. Họ cho rằng giả thuyết về Quarks của nhóm Murray Gell-Mann nói rằng Quarks và họ hàng của nó như Hadron, Meson, và Baryon không phải là những Phân tử căn bản (Elementary element) vì chúng còn bị hạn chế trong phạm vi Nguyên tử. Dưới Quarks còn có những Hạt nhỏ nhiệm và vi tế hơn nữa gọi là Siêu Tơ Trời và Tachyon, và chính những Hạt tử này mới là những Phân tử cơ bản cấu tạo Vật chất.

“Theo John Ellis, Thuyết Siêu Tơ Trời lúc khởi đầu cho rằng các Hạt trước đây coi như là những Hạt cơ bản – nghĩa là những điểm cực nhỏ, không tạo thành cấu trúc – thực ra chỉ là những bụng sóng vi tế như của dây đàn đang rung, di chuyển trong không trung … với thuyết STT (Siêu Tơ Trời), hạt Quarks vẫn còn là đối tượng cần khai triển, nhưng chúng không phải là những Phân tử cơ bản. Độ lớn của nó chỉ bằng 10-33 cm, tức 1/1,000 của một tỉ tỉ hạt nhân … Thuyết STT và thuyết Boostrap (Đại ủng) quan niệm rằng không có hạt nào hay lực nào gọi là cơ bản cả … Việt Nam Siêu cách mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.

Standard Model: Mẫu chuẩn. Ấn định sự hiểu biết mới mẻ về Nguyên tử và cấu trúc của nó. Mẫu chuẩn rất có giá trị giúp chúng ta tập trung mọi sự hiểu biết về tính chất của thời gian, Vật thể, và vũ trụ.

Spectrum: Quang phổ. Là việc phân phối Năng lượng từ một nguồn sáng tỏa ra như một ngọn đèn, và được sắp xếp theo thứ tự của độ dài sóng.

Shower of Gamma Ray: Đám Mưa Rào Tia Gamma. Tia Gamma từ Sao Neutron bắn đi theo đường thẳng vì nạp điện. Khi vào khí quyển và chạm phải những Nguyên tử khinh khí, Tia Gamma tạo nên những Âm điện tử, và Positron nạp điện. Xuống đến đất, những Phân tử này lại chạm phải những Nguyên tử khinh khí khác, tạo thêm nhiều Tia Gamma khác. Rồi những Tia này lại chạm phải những Nguyên tử khinh khí khác nữa và tạo thêm nhiều Âm điện tử …

Việc tái tạo cứ tiếp diễn cho đến khi Đám Mưa Rào Tia Gamma xuống đến mặt đất, và lúc đó có hàng ngàn Âm điện tử và Positron.

Những sự bùng cháy của Tia Gamma có thể là bằng chứng của thời gian Co Dãn(Time dilitation), và có thể do sự đụng độ giữa Hố đen và Sao Neutron (Xin xem thêm bài Quang Minh, Tiểu mục Tia Gamma, trang 305).

Time bending, Time dilitation: Thời gian Uốn cong, hay Thời Gian Co giãn. Vật Lý Gia Gregory Benford thuộc UCI đề nghị tìm kiếm những Đường Hầm Thiên Hà bẻ cong thời gian (Time bending tunnel,) hay những Lổ sâu trong Không gian (Wormhole) khiến một phi hành gia bay trong đó chỉ mất 1-2 giây đồng hồ thay vì mất hàng triệu triệu quang niên nếu bay ở ngoài.

Thời gian Uốn cong , hay Thời gian Co dãn là Chiều thứ tư trong Vũ trụ được coi như là hậu quả của sự đụng độ giữa Hố đen và Sao neutron. Kích thước thời gian này trong các phương trình được tính với Ảo số “Căn -1.″  Xin đọc lại những dòng sau đây:

Einstein đã biến đổi khoa Vật Lý bằng cách chứng minh rằng không gian và thời gian chỉ là hai vẻ khác nhau của cùng một môi trường; có thể dãn dài, uốn cong, và vặn vẹo hình thái bởi Trọng Trường.

Theory of the basic nature of matter: Thuyết về Tính chất căn bản của Vật thể. Thuyết của Gell Mann cho rằng Lõi của một hạt Nguyên tử được cấu tạo bằng ba Phân tử căn bản như Proton, Neutron, và Quarks.

Theory of Symmetries of Subatomic Particle: Thuyết Đối Xứng của những Hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử. Theo Einstein, Vật là bóng gương của Vật khác. “Trong Vật lý học, đối xứng có một ý nghĩa rất chính xác. Một phương trình có tính cách đối xứng khi giá trị của nó vẫn giữ nguyên mặc dầu các Phân tử của nó bị tráo qua đổi lại …” Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.

Top Quark: Quark Đỉnh, hay Cực Vi Đỉnh. Theo Nguyên Lượng Sắc động học (Quantum Chromodynamics – QCD), Quark có ba loại Tích mầu (Color charge): Đỏ, Xanh, và Xanh dương, và còn được chia ra làm sáu vẻ (hay loại như Trên, Dưới, Đẹp, Kỳ lạ, Đỉnh, và Đáy).

Ngày 3-3-1995, Phòng Gia Tốc Quốc Gia Fermi loan báo đã tách rời Quark Đỉnh ra khỏi sáu Quarks nói trên mà họ cho là một trong những viên gạch cuối cùng xây dựng Vật Chất.

Ultrasound hay Ultrasonic Sound: Siêu Âm. Là kỹ thuật dùng Siêu Âm để chữa bệnh trong Y học. Siêu Âm này là âm thanh thuộc những băng tần quá cao – cao đến 20,000 chu kỳ trong một giây đồng hồ – khiến tai người không bắt được.

Ultraviolet: Tia Cực Tím. Thuộc Tầm bức xạ có Độ dài sóng khoảng 4,000 Angtroms (1 Angstrom bằng 1 phần 10 triệu của 1mm).

Vacuum Polarization: Chân không Sinh Diệt, hay Chân không Diệu hữu. Thuyết của P.A.M Dirac (1902-1984). Vật lý học Lượng tử cho biết ba hạt Proton, Phản Proton, và Pion bất thần hiện ra trong Chân không, không phải là Phủ nhận (Negation), hay hư vô hóa (Neantiser). Trong Chân không có vô số các hạt, dù là những Hạt ảo. Phải chăng đó là Hạt chân không? …”.  Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.

Vernal Equinox: Xuân phân. Vòng quay của Mặt trời cắt vòng quay của Xích đạo Vũ trụ nên một khuynh độ bằng 23.5. Khi chạy vòng, Mặt trời tạo nên thởi điểm bốn ngày đầu tiên của bốn mùa trong năm như sau:

Xuân phân (Vernal equinox): 21 tháng 3

Hạ chí (Autumn soltice): 22 tháng 6

Thu phân (Autumn equinox): 23 tháng 9

Đông chí (Winter soltice) 23 tháng 12.

Voids: Khoảng không, Trống rỗng, Hư không, Không có Vật chất.

Wave Function: Hàm số Ảo. Wave không phải là sóng. Hàm số này nằm trong Nguyên lượng Cơ học (Quantum mechanics). Ví dụ không thấy được Neutron, người ta dùng hàm số Ảo này như là một hình thức xác suất, hay là Trị giá của một phương trình toán học. Dùng Hàm số Ảo để thay cho Electron vì không thấy được nó.


 

Tài Liệu Tham Khảo

 

  1. Ngũ Uẩn Giai Không, Minh Đức Triều Tâm Ảnh
  2. Kinh Phật Thuyết A Di Đà, Hoà Thượng Tuyên Hóa lược giải
  3. Ngũ Uẩn Giai Không, Trương Hoàng Minh
  4. Vài Nét Về: Phật Giáo & Khoa Học, Trần Chung Ngọc
  5. Phật Giáo và Vũ Trụ Học, Trần Chung Ngọc
  6. Đạo Phật thấy vũ trụ như thế nào? Minh Chi
  7. Đạo Phật, Vũ Trụ Học và Tiến Hóa, David Loy
  8. 8.               Đạo Phật Siêu Khoa Học, Chùa Liên Hoa, California, USA 1997, Minh Giác Nguyễn Học Tài.
  9. Viễn Tải Lượng Tử, Lý Thuyết Và Thực Nghiệm, Cư Sĩ Truyền Bình
  10. 10.            Không thể nghĩ bàn (Bất khả tư nghì,) BS Đỗ Hồng Ngọc, 8-2015
  11. Sự Phát Triển Của Đại Thừa, tác giả?
  12. Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-Guang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ Điển. Phật Quang Đại Từ Điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
  13. Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
  14. Tứ Đế và quan điểm của Bồ Tát Long Thọ, Đại Lãn (Thích Đức Thắng)
  15. Tánh Không Trong Phật Giáo, Cư Sĩ Truyền Bình
  16. Đức Phật Ai Di Đà là ai?  Cư Sĩ Truyền Bình
  17. The Tao of Physics, Fritjof Capra, 1975, Shambhala Publications, Inc.
  18. Vũ trụ trong vỏ hạt, Stephen Hawking
  19. Chân Không Diệu Hữu, Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách
  20. Kinh Viên Giác Giảng Giải, nhiều dịch giả
  21. Trong Thiền Là Gi? Thích Thông Huệ
  22. Con người giải thoát và con người mộng huyễn như là nguồn cảm hứng lớn trong thơ Thiền Lý-Trần (so sánh với thơ Thiền Đường-Tống), Lê Thị Thanh Tâm
  23. Tại sao là giả, là như huyễn, Nguyễn Thế Đăng
  24.  Nhập Thế Gian, Hay: vũ trụ quan trong đạo Phật, Nguyên Thảo
  25. A Universe from Nothing: Why There Is Something Rather than Nothing, Atria Books, Lawrence Krauss.
  26. Ngũ Uẩn, Lê Sỹ Minh Tùng
  27. Thơ thiền - Thiền tính trong thơ và sự ngộ nhận, Nguyên Cẩn
  28. Steven W. Hawking, George F.R. Ellis, "The Cosmic Black-Body Radiation and the Existence of Singularities in our Universe," Astrophysical Journal, 152, (1968) pp. 25-36.
  29. Steven W. Hawking, Roger Penrose, "The Singularities of Gravitational Collapse and Cosmology," Proceedings of the Royal Society of London, series A, 314 (1970) pp. 529-548.
  30. http://www.big-bang-theory.com/
  31. How Special Relativity Works, John Zavisa
  1. Big Bang và Vũ Trụ Quan Phật Giáo, Thiền Giang
  2. TÂM LINH VÀ KHOA HỌC TRONG PHẬT PHÁP, Hoà thượng Thích Duy Lực
  3. Niềm Tin Và Kinh Kalama, Nguyễn Duy Nhiên
  4.  Ý niệm về Hiện Hữu, Thích Tâm Thiện
  5.  Thiền Uyển Tập Anh, Lê Mạnh Thát
  6. Logic of Quantum Negation, Tru Huy Le, MSEE, August 10th, 2014
  7. Vô Môn Quan, Nishimura Eshin, Nguyễn Nam Trân dịch
  8. Những Lời Dạy Từ Các Thiền Sư Việt Nam Xưa, Teachings From Ancient Vietnamese Zen Masters, Translated and Commented by Nguyên Giác  Phan Tấn Hải, Phap Vuong Monastery, California, 2010

 

 



pdf-icon

Xin độc giả xem file có hình ảnh minh họa đầy đủ:

Phật Giáo và Vũ Trụ Quan_Lê Huy Trứ

***


Ý kiến bạn đọc
10/12/201519:29
Super Administrator
Trong lời nói đầu của bài Phật Giáo và Vũ Trụ Quan, 'Đức Phật lịch sử tuyên bố trên internet' rằng: "Như Lai không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Như Lai mà thôi. Những gì người trí chấp nhận, Như Lai chấp nhận."


Xin hỏi ý của câu này (trên internet)?

Ban Biên tập www.nigioikhatsi.net


Xin Trã Lời để cùng tu học:


Mô Phật!

Nói có sách mách có chứng! Câu này, cũng lượm được trên internet, "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết." Phật nói, Tổ nói?

Tôi xin mượn ‘y ý giải nghĩa’ nhưng diễn tả ‘ly internet’ cho câu hỏi ‘noble’ của qúy vị:

‘Y internet’ giải nghĩa, tam thế Phật oan; ‘ly internet’ nhất tự, tức đồng ma thuyết?
Đại khái, tin vào internet, viết bằng tiếng Việt, mà giải nghĩa thì bán lúa giống; mà không dùng internet thì biết nói với ai trừ chơi với Ma?

Tóm lại, “Như Lai không nói một chữ!’ Vậy thì câu này, Phật đã từng chữ một, nói y chang như vậy bằng tiếng Ấn Độ hay y ý giải dịch ra tiếng Việt? Nhưng, Phật đã nói là không nói một chữ tại sao chúng ta vẫn thắc mắc là Phật có nói là không nói một chữ? Y theo câu tiếng Việt ở trên thì Phật nói đến 6 chữ? Ly kinh lục tự, tức đồng internet thuyết? Đến đây hy vọng chúng ta ngộ được cái “im lặng” (Noble silence) của Đức Thế Tôn.

Như Lai
Nhất tự
Không nói
Nói không
(Lê Huy Trứ)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567