Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 54: Phẩm Biện Đại-Thừa 4

07/07/201511:21(Xem: 13858)
Quyển 54: Phẩm Biện Đại-Thừa 4

Tập 02
Quyển 54
Phẩm Biện Đại-Thừa 4

Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí

 

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ bậc thứ năm là Cực nan thắng, phải xa lìa mười pháp. Những gì là mười? Một là phải xa lìa nhà ở, hai là phải xa lìa Bí-sô-ni, ba là phải xa lìa nhà keo kiệt, bốn là phải xa lìa chúng hội tranh cãi, năm là phải xa lìa sự khen mình chê người, sáu là phải xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện, bảy là phải xa lìa sự tăng thượng kiêu mạn ngạo nghễ, tám là phải xa lìa sự điên đảo, chín là phải xa lìa sự do dự, mười là phải xa lìa tham, sân, si.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ bậc thứ năm là Cực nan thắng, phải thường xa lìa mười pháp như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ bậc thứ sáu là Hiện tiền, phải viên mãn sáu pháp. Những gì là sáu? Một là phải viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa, hai là phải viên mãn tịnh giới Ba-la-mật-đa, ba là phải viên mãn an nhẫn Ba-la-mật-đa, bốn là phải viên mãn tinh tấn Ba-la-mật-đa, năm là phải viên mãn tịnh lự Ba-la-mật-đa, sáu là phải viên mãn Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Lại phải xa lìa sáu pháp. Những gì là sáu? Một là phải xa lìa tâm Thanh-văn, hai là phải xa lìa tâm Độc-giác, ba là phải xa lìa tâm nhiệt não, bốn là thấy kẻ hành khất đến tâm chẳng bực bội lo lắng, năm là bỏ vật sở hữu tâm không lo buồn hối tiếc, sáu là đối với kẻ đến cầu xin, hoàn toàn chẳng kiêu ngạo dối gạt.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ bậc thứ sáu là Hiện tiền, phải viên mãn sáu pháp như vậy và phải xa lìa sáu pháp như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ ở bậc thứ bảy là Viễn hành, phải xa lìa hai mươi pháp. Những gì là hai mươi? Một là phải xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp cái biết, chấp cái thấy, hai là phải xa lìa chấp đoạn, ba là phải xa lìa chấp thường, bốn là phải xa lìa chấp tướng, năm là phải xa lìa chấp nhơn kiến, sáu là phải xa lìa chấp danh sắc, bảy là phải xa lìa chấp uẩn, tám là phải xa lìa chấp xứ, chín là phải xa lìa chấp giới, mười là phải xa lìa chấp Thánh đế, mười một là phải xa lìa chấp duyên khởi, mười hai là phải xa lìa chấp trụ trước ba cõi, mười ba là phải xa lìa chấp tất cả pháp, mười bốn là phải xa lìa chấp như lý và chẳng như lý của tất cả pháp, mười lăm là phải xa lìa kiến chấp nương vào Phật, mười sáu là phải xa lìa kiến chấp nương vào Pháp, mười bảy là phải xa lìa kiến chấp nương vào Tăng, mười tám là phải xa lìa kiến chấp nương vào giới, mười chín là phải xa lìa sự sợ hãi pháp không, hai mươi là phải xa lìa sự trái chống tánh không. Lại phải viên mãn hai mươi pháp. Những gì là hai mươi? Một là phải viên mãn sự thông đạt cái không, hai là phải chứng đắc sự viên mãn vô tướng, ba là phải viên mãn sự hiểu biết vô nguyện, bốn là phải viên mãn ba luân thanh tịnh, năm là phải viên mãn tâm bi mẫn hữu tình và đối với hữu tình không có sự chấp trước, sáu là phải viên mãn cái thấy bình đẳng về tất cả các pháp và ở trong đó không có sự chấp trước, bảy là phải viên mãn cái thấy bình đẳng về tất cả hữu tình và ở trong đó không có sự chấp trước, tám là phải viên mãn sự thông đạt lý thú chơn thật và ở trong đó không có sự chấp trước, chín là phải viên mãn cái trí Vô-sanh-nhẫn, mười là phải viên mãn cái thuyết tất cả pháp đều qui lý nhất tướng, mười một là phải viên mãn sự diệt trừ phân biệt, mười hai là phải viên mãn sự xa lìa các tưởng, mười ba là phải viên mãn sự xa lìa các kiến chấp, mười bốn là phải viên mãn sự xa lìa phiền não, mười lăm là phải viên mãn sự Sa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na (chỉ quán), mười sáu là phải viên mãn sự điều phục tâm tánh, mười bảy là phải viên mãn sự tịch tịnh tâm tánh, mười tám là phải viên mãn tánh vô ngại trí, mười chín là phải viên mãn sự không ái nhiễm, hai mươi là phải viên mãn sự tùy theo ý muốn đến các cõi Phật, tự hiện thân trong chúng hội của Phật.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ bậc thứ bảy là Viễn hành, phải xa lìa hai mươi pháp như vậy và phải viên mãn hai mươi pháp như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ ở bậc thứ tám là Bất động, phải viên mãn bốn pháp. Những gì là bốn? Một là phải viên mãn sự ngộ nhập tâm hạnh của tất cả hữu tình, hai là phải viên mãn các thần thông du hý, ba là phải viên mãn cái thấy các cõi Phật, và như cái thấy ấy mà tự trang nghiêm các cõi Phật, bốn là phải viên mãn sự cúng dường, thừa sự chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai, quán sát như thật.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ ở bậc thứ tám là Bất động, phải viên mãn bốn pháp như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ ở bậc thứ chín là Thiện tuệ, phải viên mãn bốn pháp. Những gì là bốn? Một là phải viên mãn vế cái trí căn cơ thắng, liệt của các hữu tình, hai là phải viên mãn sự nghiêm tịnh cõi Phật, ba là phải viên mãn đẳng trì như huyễn, thường nhập vào các định, bốn là phải viên mãn sự tùy theo  thiện căn thuần thục của các hữu tình mà nhập vào các cõi, tự hiện hóa sanh.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ ở bậc thứ chín là Thiện tuệ, phải viên mãn bốn pháp như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ ở bậc thứ mười là Pháp vân, phải viên mãn mười hai pháp. Những gì là mười hai? Một là phải viên mãn đại nguyện nhiếp thọ vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều được viên mãn, hai là phải viên mãn cái trí biết âm thanh của các loài khác nhau như là chư thiên, long, dược xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn, phi nhơn v.v... ba là phải viên mãn trí biện thuyết vô ngại, bốn là phải viên mãn sự nhập thai hoàn hảo, năm là phải viên mãn sự đản sanh hoàn hảo, sáu là phải viên mãn gia tộc hoàn hảo, bảy là phải viên mãn chủng tánh hoàn hảo, tám là phải viên mãn quyến thuộc hoàn hảo, chín là phải viên mãn sanh thân hoàn hảo, mười là phải viên mãn xuất gia hoàn hảo, mười một là là phải viên mãn trang nghiêm cây Bồ-đề hoàn hảo, mười hai là là phải viên mãn sự hoàn thành tất cả công đức hoàn hảo.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi trụ ở bậc thứ mười là Pháp vân, phải viên mãn mười hai pháp như vậy. Thiện Hiện! Nên biết đã viên mãn bậc thứ mười là Pháp vân, đại Bồ-tát cùng các Như Lai phát ra lời nói không khác.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp ý lạc thù thắng thạnh tịnh?

Phật dạy: Thiện Hiện: Nếu đại Bồ-tát lấy tâm tương ưng trí nhất thiết trí, tu tập tất cả thiện căn, thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp ý lạc thanh tịnh thù thắng.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp của tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát lấy tâm tương ưng trí nhất thiết trí dẫn phát bốn thứ vô lượng: Từ, bi, hỷ, xả, thì đó là của đại Bồ-tát tu sửa nghiệp tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp bố thí?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với tất cả hữu tình không có phân biệt mà hành bố thí, thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp bố thí.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp thân cận thiện hữu?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát thấy các thiện hữu khuyến hóa hữu tình, khiến họ tu tập trí nhất thiết trí, liền thân cận cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, thăm hỏi, thọ lãnh chánh pháp, ngày đêm vâng lời, phụng sự, tâm không lười mỏi, thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp thân cận thiện hữu.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp cầu pháp?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát lấy tâm tương ưng trí nhất thiết trí, cần cầu Chánh pháp Vô Thượng của Như Lai, chẳng rơi vào các bậc Thanh-văn, Độc-giác,  thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp cầu pháp.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp thường ưa xuất gia?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát tất, ở tất cả nơi chốn sanh ra, thường chán sự tạp nhạp ồn ào của lao ngục gia cư, thường ưa vui với Phật Pháp, thanh tịnh xuất gia, không gì có thể ngăn trở, thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp thường ưa xuất gia.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp ưa mến thân Phật?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát chỉ thoáng thấy hình tượng Phật rồi cho đến khi chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, hoàn toàn chẳng xả tác ý nghĩ nhớ đến Phật, thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp ưa mến thân Phật.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp triển khai giáo pháp?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khi Phật còn tại thế và sau khi nhập Niết-bàn, vì các hữu tình truyền khai giáo pháp, lúc đầu khoảng giữa và sau đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh trong sạch, đó là khế kinh, ứng tụng, ký biệt, phúng tụng, tự thuyết, duyên khởi, thí dụ, bổn sự, bổn sanh, phương quảng, hy pháp, luận nghĩa, thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp triển khai giáo pháp.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp phá bỏ kiêu mạn?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát thường giữ sự khiêm tốn, cung kính điều phục tâm kiêu mạn, do đó chẳng sanh vào giòng họ hạ tiện, thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp phá bỏ kiêu mạn.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp ngôn ngữ chắc thật thường hằng?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát nói ra tương xứng với sự hiểu biết, lời nói và việc làm hợp nhau, thì đó là đại Bồ-tát tu sửa nghiệp ngôn ngữ chắc thật thường hằng.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát giữ cấm giới thanh tịnh?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát chẳng khởi tác ý Thanh-văn, Độc-giác và các việc khác về phá giới, chướng ngại, giác ngộ, thì đó là đại Bồ-tát giữ cấm giới thanh tịnh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tri ân báo ân?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát, khi tu hành Bồ-tát hạnh, đối với việc được một ơn nhỏ còn chẳng quên báo đáp, huống là đối với ân huệ lớn mà chẳng báo đền, thì đó là đại Bồ-tát tri ân báo ân.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát trụ sức an nhẫn?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát dù có các hữu tình đến xúc phạm, hủy nhục, nhưng đối với họ không có tâm tức giận, làm hại, thì đó là đại Bồ-tát trụ sức an nhẫn.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát thọ hoan hỷ thù thắng?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát việc giáo hóa hữu tình đã được thành thục, thân tâm vui vẻ, hưởng niềm hoan hỷ thù thắng, thì đó là đại Bồ-tát thọ hoan hỷ thù thắng.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát chẳng bỏ hữu tình?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát cứu độ hữu tình, tâm hằng chẳng bỏ, thì đó là đại Bồ-tát chẳng bỏ hữu tình.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát hằng khởi đại bi?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát, khi tu hành Bồ-tát hạnh, khởi lên ý nghĩ thế này: Ta vì nhiêu ích tất cả hữu tình, giả sử trải qua vô lượng vô số trăm ngàn kiếp, ở trong đại địa ngục chịu các khổ kịch liệt, hoặc thiêu hoặc nấu, hoặc chém hoặc chặt, hoặc đâm hoặc treo, hoặc xay hoặc giã, chịu vô lượng sự khổ như vậy. Cho đến vì muốn khiến họ nương nơi Phật thừa mà nhập Niết-bàn, thế giới của tất cả hữu tình như vậy mà hết, nhưng tâm đại bi chưa từng mệt mỏi chán nản, thì đó là đại Bồ-tát hằng khởi đại bi.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát đối với các Sư trưởng đem tâm kính tín, thăm hỏi, phụng sự, cúng dường tưởng như phụng sự Phật?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vì cầu quả vị giác ngộ cao tột, cung thuận Sư trưởng, không để tâm đến điều gì khác, thì đó là đại Bồ-tát đối với các bậc Sư trưởng lấy tâm kính tín, thăm hỏi phụng sự, cúng dường tưởng như phụng sự Phật.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát cần cầu tu tập Ba-la-mật-đa?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với các Ba-la-mật-đa chuyên tâm cầu học, xa lìa các việc khác, thì đó là đại Bồ-tát cần cầu tu tập Ba-la-mật-đa.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát cần cầu đa văn, thường không chán nản, không cho là đủ, đối pháp được nghe chẳng đắm vào văn tự?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát phát khởi sự siêng năng tinh tấn, nghĩ rằng: Đối với Chánh pháp của Phật ở cõi này hoặc chư Phật Thế Tôn ở mười phương thế giới đã nói, ta đều nghe, tu tập đọc tụng, thọ trì, nhưng đối với những giáo pháp ấy,  chẳng đắm trước văn tự, thì đó là đại Bồ-tát cần cầu đa văn, thường không chán nản, không cho là đủ, đối với pháp đã nghe, chẳng đắm trước văn tự.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát lấy tâm vô nhiễm thường hành pháp thí, tuy mở rộng giáo hóa nhưng chẳng tự cao?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vì các hữu tình tuyên thuyết chánh pháp còn chẳng tự duy trì thiện căn này hồi hướng quả Giác ngộ, huống là cầu việc khác, tuy hóa đạo nhiều mà chẳng tự thị, thì đó là đại Bồ-tát lấy tâm vô nhiễm thường hành pháp thí, tuy mở rộng giáo hóa nhưng chẳng tự cao.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát vì nghiêm tịnh cõi nước, trồng các căn lành, tuy để hồi hướng nhưng chẳng tự đề cao?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát dõng mãnh tinh tấn tu các căn lành, vì muốn trang nghiêm các cõi Phật thanh tịnh và làm thanh tịnh tâm của mình và người, tuy làm việc như vậy mà chẳng tự cao, thì đó là đại Bồ-tát vì nghiêm tịnh cõi nước, trồng các căn lành, tuy là để hồi hướng mà chẳng tự đề cao.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát vì giáo hóa hữu tình, tuy chẳng chán nản mệt mỏi với sanh tử vô biên, nhưng chẳng tự cao?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vì muốn thành thục tất cả hữu tình, trồng các căn lành, nghiêm tịnh cõi Phật, cho đến khi chưa được viên mãn trí nhất thiết trí, tuy chịu sự cần khổ của vô biên sanh tử, nhưng không chán nản mỏi mệt, cũng chẳng tự cao, thì đó là đại Bồ-tát vì giáo hóa hữu tình, tuy chẳng mệt mỏi chán nản với vô biên sanh tử, nhưng chẳng tự cao.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tuy trụ tàm quí nhưng không đắm trước?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát chuyên cầu quả vị giác ngộ cao tột, đối với ý nghĩ Thanh-văn, Độc-giác đầy đủ tàm quí, hoàn toàn chẳng móng khởi, nhưng ở trong đó, cũng không đắm trước, thì đó là đại Bồ-tát, tuy trụ tàm quí nhưng không đắm trước.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát trụ nơi thanh vắng thường chẳng rời bỏ?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vì cầu quả vị giác ngộ cao tột, vượt lên các bậc Thanh-văn, Độc-giác v.v... thường chẳng rời bỏ nơi thanh vắng, thì đó là đại Bồ-tát trụ nơi thanh vắng thường chẳng rời bỏ.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát thiểu dục?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với quả vị Giác ngộ còn chẳng tự mong cầu, huống là muốn tiếng khen lợi dưỡng v.v… của thế gian, thì đó là đại Bồ-tát thiểu dục.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát hỷ túc?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát chỉ vì chứng đắc trí nhất thiết trí, nên đối với các việc khác không đắm trước, thì đó là đại Bồ-tát hỷ túc.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát thường chẳng rời bỏ công đức đầu đà?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát thường đối với pháp thâm diệu, khởi lên sự kiên nhẫn, quán sát kỹ lưỡng, thì đó là đại Bồ-tát, thường chẳng rời bỏ công đức đầu đà.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát đối với các học xứ chưa từng xả bỏ?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với giới đã học, giữ vững chẳng sai lệch, nhưng ở trong đó, thường chẳng chấp tướng, thì đó là đại Bồ-tát đối với các học xứ chưa từng xả bỏ.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát đối với các dục lạc sanh nhàm chán sâu sắc, xa lìa?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với dục lạc ngọt ngào hấp dẫn, chẳng khởi dục tâm, thì đó là đại Bồ-tát, đối với các dục lạc sanh nhàm chán sâu sắc, xa lìa.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát thường hay phát khởi tâm tịch diệt vốn có?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đạt được tất cả pháp nhưng không hề khởi tác, thì đó là đại Bồ-tát thường hay phát khởi tâm tịch diệt vốn có.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát bỏ các sở hữu?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với pháp nội ngoại, không hề chấp thủ, thì đó là đại Bồ-tát bỏ các sở hữu.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát tâm chẳng ngưng trệ chìm đắm?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với các thức đã trụ chưa từng khởi tâm, thì đó là đại Bồ-tát tâm chẳng ngưng trệ chìm đắm.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát, đối với các vật sở hữu, không tham luyến đoái hoài?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với tất cả vật, không có sự tư duy, thì đó là đại Bồ-tát đối với các sở hữu không có sự tham luyến đoái hoài.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát xa lìa nhà ở?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát ý chí muốn đi đến các cõi Phật, tùy theo nơi sanh ra, thường ưa xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thọ trì bình bát, khoác ba pháp y, hiện làm Sa-môn, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa nhà ở.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa Bí-sô-ni?

Thiện Hiện! Nếu là đại Bồ-tát, thường phải xa lìa Bí-sô-ni, chẳng cùng ở chung dù trong khoảnh khắc, đối với họ cũng lại chẳng khởi dị tâm, thì đó là lý do của đại Bồ-tát phải xa lìa Bí-sô-ni.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa nhà keo kiệt?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ: Ta nên ở trong đêm dài tăm tối, làm việc lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, khiến các hữu tình này do phước lực của họ mà cảm được nhà thí chủ tốt đẹp, cho nên ta ở trong đó, chẳng nên tham lam, tật đố, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa nhà keo kiệt.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chúng hội tranh chấp giận dữ?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ thế này: Nếu ở trong chúng hội, mà trong chúng đó, hoặc có Thanh-văn, Độc-giác, nói thừa ấy là tương ưng với pháp yếu, khiến ta thối thất tâm Đại Bồ-đề, vì thế nhất định phải xa lìa chúng hội; lại khởi lên ý nghĩ thế này: Các kẻ tranh chấp giận dữ có thể khiến hữu tình phát khởi sân hại, tạo tác đủ các loại nghiệp ác bất thiện, việc ấy còn trái với đường thiện, huống là đại Bồ-đề, vì thế nhất định phải xa lìa sự tranh chấp giận dữ, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chúng hội tranh chấp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa việc tự khen mình chê người?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với pháp nội, ngoại, đều không thấy có, nên xa lìa việc khen mình chê người, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa việc tự khen mình chê người.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ thế này: Mười pháp ác này, còn trở ngại đường thiện, Nhị-thừa, Thánh-đạo, huống là vị đại Giác ngộ, cho nên phải xa lìa, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa sự ngạo mạn tăng thượng?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát chẳng thấy có pháp có thể khởi ngạo mạn, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa sự ngạo mạn tăng thượng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa điên đảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán việc điên đảo hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa điên đảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa do dự?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán việc do dự hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát nên xa lìa do dự.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa tham, sân, si?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát hoàn toàn chẳng thấy có việc tham, sân, si, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa tham, sân, si.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sáu phép Ba-la-mật-đa?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát viên mãn sáu phép Ba-la-mật-đa, vượt lên các bậc Thanh-văn và Độc-giác, lại trụ sáu phép Ba-la-mật-đa này, Phật và Nhị-thừa có khả năng vượt qua năm thứ bờ biển sở tri. Những gì là năm? Một là quá khứ, hai là vị lai, ba là hiện tại, bốn là vô vi, năm là bất khả thuyết, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải viên mãn sáu phép Ba-la-mật-đa.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa tâm Thanh-văn?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm của các Thanh-văn chẳng phải thứ tâm chứng đạo đại Giác ngộ Vô thượng, cho nên phải xa lìa, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa tâm Thanh-văn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa tâm Độc-giác?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm của các Độc-giác nhất định chẳng có khả năng chứng đắc trí nhất thiết trí, cho nên ta nay phải xa lìa nó, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa tâm Độc-giác.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa tâm nhiệt não?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm sợ hãi sanh tử nhiệt não, chẳng phải là tâm chứng đắc đạo Giác ngộ cao tột, cho nên phải xa lìa, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa tâm nhiệt não.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát thấy kẻ ăn xin đến, tâm chẳng nhàm chán lo lắng?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm nhàm chán lo lắng này đối với đại Bồ-đề, chẳng có khả năng chứng đạo, nên ta nay nhất định phải xa lìa, thì đó là lý do đại Bồ-tát thấy kẻ ăn xin đến, tâm chẳng nhàm chán lo lắng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát bỏ các vật sở hữu không có tâm hối tiếc?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm hối tiếc này đối với việc chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, nhất định là chướng ngại nên ta phải bỏ, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải bỏ các vật sở hữu, không có tâm hối tiếc.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát đối với người đến cầu xin, hoàn toàn chẳng kiêu mạn, dối gạt?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm kiêu mạn dối gạt này, nhất định chẳng phải là đạo Giác ngộ cao tột. Vì sao? Vì đại Bồ-tát khi mới phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, có phát lời thề rằng: Hễ ta có vật gì đều cho người đến xin, tùy theo ý muốn, không làm lơ, nhưng tại sao bây giờ lại kiêu ngạo, dối gạt họ, thì đó là lý do đại Bồ-tát đối với người đến xin, hoàn toàn chẳng kiêu ngạo dối gạt.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp cái biết, chấp cái thấy?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán ngã, hữu tình cho đến cái biết, cái thấy, rốt ráo chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp cái biết, cái thấy.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp đoạn?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán nghĩa rốt ráo của tất cả pháp là bất sanh, vô đoạn, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp đoạn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp thường?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của tất cả pháp là vô thường, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp thường.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa tướng tưởng?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh tạp nhiễm chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa tướng tưởng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp về nhân v.v...?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát hoàn toàn chẳng thấy có các tánh thấy, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp về nhân v.v...

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp danh sắc?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của danh sắc hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa các danh sắc.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp uẩn?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của năm uẩn hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp uẩn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp xứ?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của mười hai xứ hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp xứ.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp giới?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của mười tám giới v.v... hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp giới.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp đế?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của các đế hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp đế.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp duyên khởi?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của các duyên khởi, chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp duyên khởi.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp sự trụ trước tam giới?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của tam giới hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp sự trụ trước tam giới.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp tất cả pháp?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của các pháp đều như hư không, hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa chấp sự như lý, bất như lý đối với tất cả pháp?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tánh của các pháp hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, và tánh của các pháp không có sự như lý hoặc bất như lý, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa chấp sự như lý, bất như lý của tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Phật?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát biết sự kiến chấp nương vào Phật, chẳng được thấy Phật, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Phật.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Pháp?

 Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đạt được chơn pháp tánh là chẳng thể thấy được, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Pháp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Tăng?

 Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát biết chúng hòa hợp là vô tướng, vô vi chẳng thể thấy được, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Tăng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp nương vào giới?

 Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát biết tánh tội phước hoàn toàn chẳng có, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải xa lìa kiến chấp nương vào giới.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa sự sợ hãi pháp không?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán các pháp không đều không có tự tánh, đối tượng của sự sợ hãi rốt ráo chẳng có, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải xa lìa sự sợ hãi pháp không.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải xa lìa tánh chống trái cái không?

 Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát quán tự tánh của tất cả pháp đều không, cái chẳng phải không cùng cái không có sự chống trái, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải xa lìa tánh chống trái cái không.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự thông đạt cái không?

 Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đạt tự tướng của tất cả pháp đều là không, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự thông đạt cái không.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự chứng đắc vô tướng?

 Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát chẳng tư duy tất cả tướng, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự chứng đắc vô tướng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự hiểu biết về vô nguyện?

 Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với pháp của ba cõi, tâm không có chỗ trụ, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự hiểu biết về vô nguyện.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn ba luân thanh tịnh?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát thanh tịnh hoàn toàn mười thiện nghiệp đạo, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn ba luân thanh tịnh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn lòng bi mẫn hữu tình và đối với hữu tình không có sự chấp trước?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đã chứng đắc đại bi và nghiêm tịnh cõi nước, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải viên mãn lòng bi mẫn hữu tình và đối với hữu tình không có sự chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả pháp và ở trong đó không có sự chấp trước?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với tất cả pháp, chẳng tăng, chẳng giảm và đối với trong ấy không thủ, không trụ, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả pháp và ở trong đó không có sự chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả hữu tình và trong đó không có sự chấp trước?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với các hữu tình chẳng tăng, chẳng giảm và đối với trong đó không thủ, không trụ, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả hữu tình và ở trong đó không có sự chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự thông đạt lý thú chơn thật và ở trong đó không có sự chấp trước?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với lý thú chơn thật của tất cả pháp, tuy như thật thông đạt nhưng không có đối tượng thông đạt và ở trong đó không thủ, không trụ, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự thông đạt lý thú chơn thật và ở trong đó không có sự chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn trí Vô-sanh-nhẫn?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát chịu đựng sự không sanh, không diệt, không có sự tạo tác của tất cả pháp và biết danh sắc rốt ráo chẳng sanh, thì đó là lý do đại Bồ-tát phải viên mãn trí Vô-sanh-nhẫn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn thuyết tất cả pháp đều qui về lý nhất tướng?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với tất cả pháp hành, không hai tướng, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn thuyết tất cả pháp đều qui về lý nhất tướng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự diệt trừ phân biệt?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với tất cả pháp, chẳng khởi sự phân biệt, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự diệt trừ phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự xa lìa các tưởng?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát xa lìa tất cả tưởng lớn nhỏ vô lượng, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự xa lìa các tưởng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự xa lìa các kiến chấp?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát xa lìa tất cả kiến chấp của Thanh-văn, Độc-giác v.v... thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự xa lìa các kiến chấp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự xa lìa phiền não?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát xả bỏ sự tương tục của tất cả tập khí phiền não hữu lậu, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự xa lìa phiền não.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn bậc Sa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn bậc Sa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự điều phục tâm tánh?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với pháp của ba cõi, chẳng ưa, chẳng động, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự điều phục tâm tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự tịch tịnh tâm tánh?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát khéo nhiếp sáu căn, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự tịch tịnh tâm tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn tánh vô ngại trí?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát tu hành chắng đắc Phật nhãn, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn tánh vô ngại trí.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự không ái nhiễm?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đối với ngoại lục xứ, có khả năng khéo xả bỏ, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự không ái nhiễm.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự tùy theo ý muốn đến các cõi Phật, tự hiện thân trong chúng hội của Phật?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát tu hành thần thông thù thắng, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn, thỉnh chuyển pháp luân, làm lợi ích tất cả, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự tùy theo ý muốn đến các cõi Phật, tự hiện thân trong chúng hội của Phật.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự ngộ nhập tâm hành của tất cả hữu tình?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát dùng trí nhất tâm, biết khắp như thật tâm và tâm sở của tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự ngộ nhập tâm hành của tất cả hữu tình.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn các thần thông du hý?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát dùng các thứ thần thông tự tại dạo chơi, để được thấy Phật, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cũng lại chẳng sanh ý tưởng về sự dạo chơi cõi Phật, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn các thần thông du hý.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn cái thấy các cõi Phật và như cái thấy ấy, mà tự trang nghiêm các cõi Phật?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ ở một cõi Phật mà có khả năng thấy vô biên các cõi Phật trong mười phương, cũng có khả năng thị hiện nhưng chẳng từng sanh ý tưởng về cõi Phật, lại vì thành thục các hữu tình, nên hiện ở trong thế giới ba lần ngàn, ở ngôi Chuyển luân vương mà tự trang nghiêm, cũng có khả năng xả bỏ mà không có sự chấp trước, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn cái thấy các cõi Phật, và như cái thấy ấy mà tự trang nghiêm các cõi Phật.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự cúng dường, thừa sự chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai, như thật quan sát?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vì muốn lợi ích cho các hữu tình, nên đối với nghĩa thú của pháp, như thật phân biệt, như vậy gọi là dùng pháp cúng dường, thừa sự chư Phật, lại phải quan sát kỹ pháp thân chư Phật, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự cúng dường, thừa sự chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai, như thật quan sát.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự hiểu biết về cái trí thắng, liệt của căn cơ các hữu tình?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát an trú mười lực Phật, biết rõ như thật, các căn thắng liệt của tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự hiểu biết về cái trí thắng, liệt của căn cơ các hữu tình.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự nghiêm tịnh cõi Phật?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, nghiêm tịnh tâm hành tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự nghiêm tịnh cõi Phật.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn đẳng trì như huyễn, thường nhập vào các định?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát trụ đẳng trì này, tuy có khả năng hoàn thành tất cả sự nghiệp mà tâm chẳng động, lại tu đẳng trì đến thành thục cùng tột, chẳng khởi gia hạnh mà luôn luôn hiện tiền, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn đẳng trì như huyễn, thường nhập vào các định.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự tùy theo thiện căn thuần thục của các hữu tình để nhập vào các cõi, tự hiện hóa sanh?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vì muốn thành thục thiện căn thù thắng của các loài hữu tình, tùy theo điều kiện thuận tiện của họ nên nhập vào các cõi mà thị hiện thọ sanh, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát tùy theo căn cơ thành thục của các hữu tình, nhập vào các cõi tự hiện hóa sanh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn đại nguyện nhiếp thọ vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều viên mãn?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vì đã tu đầy đủ sáu phép Ba-la-mật-đa hết sức viên mãn rồi, nên hoặc vì nghiêm tịnh các cõi Phật, hoặc vì thành thục các loại hữu tình, tùy sở nguyện của tâm, đều được viên mãn, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn đại nguyện nhiếp thọ vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều viên mãn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn trí hiểu biết âm thanh, tùy theo các loài khác nhau như chư thiên, rồng, Dược xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn v.v...?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát tu tập sự hiểu biết vô ngại về ngôn từ thù thắng, biết rõ sự sai biệt về âm thanh ngôn ngữ của hữu tình, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn trí hiểu biết âm thanh, tùy theo các loài khác nhau như chư thiên, rồng, Dược xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn v.v... khác nhau.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn trí biện thuyết vô ngại?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát tu tập sự hiểu biết vô ngại, biện tài thù thắng, vì các hữu tình thường thuyết không dừng nghỉ, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn trí biện thuyết vô ngại.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự nhập thai hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát tuy đối với tất cả chỗ sanh ra, sự thật là thường hóa sanh, nhưng vì lợi ích hữu tình nên hiện nhập thai tạng, ở trong đó, đầy đủ các việc thù thắng, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn việc nhập vào thai hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sự đản sanh hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vào khi xuất thai, thị hiện các việc thù thắng hy hữu, khiến các hữu tình thấy đều hoan hỷ, được lợi lạc lớn, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự đản sanh hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn gia tộc hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát hoặc sanh vào nhà thuộc dòng họ lớn Sát-đế-lợi, hoặc sanh vào nhà thuộc dòng họ lớn Bà-la-môn, việc nương vào cha mẹ để ra đời không thể chê trách, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn gia tộc hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn chủng tánh hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát thường hội nhập trong chủng tánh các đại Bồ-tát ở quá khứ mà sanh ra, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn chủng tánh hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn quyến thuộc hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát thường lấy vô lượng vô số Bồ-tát làm quyến thuộc, chẳng phải là các loại hỗn tạp tầm thường, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn quyến thuộc hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn sanh thân hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vào lúc sơ sinh, thân thể hoàn hảo, tất cả tướng tốt, phóng hào quang lớn, chiếu khắp vô biên thế giới chư Phật, cũng khiến thế giới ấy, sáu thứ biến động, hữu tình gặp được đều được lợi ích, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sanh thân hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn xuất gia hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát vào lúc xuất gia, vô lượng vô số trời, rồng, Dược xoa, nhơn phi nhơn v.v… đi theo hai bên, đi đến đạo tràng, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, thọ trì bình bát, hướng dẫn vô lượng vô số hữu tình, khiến nương vào ba thừa mà hướng đến viên tịch, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn việc xuất gia hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn việc trang nghiêm cây Bồ-đề hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát có thiện căn thù thắng, nguyện lực rộng lớn, đều được cây Bồ-đề đẹp đẽ như thế này: Dùng ngọc quí phệ lưu ly làm thân, vàng ròng làm gốc, cành, lá, hoa, quả đều dùng loại bảy báu hảo hạng làm thành; cây này cao rộng phủ khắp cõi Phật trong thế giới ba lần ngàn, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp vô số thế giới chư Phật trong mười phương, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn sự trang nghiêm cây Bồ-đề hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát phải viên mãn tất cả công đức hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát đầy đủ tư lương trí tuệ thù thắng, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, thì đó là lý do mà đại Bồ-tát phải viên mãn tất cả công đức hoàn hảo.

 

Quyển thứ 54

Hết

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]