Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Phẩm Chất Của Chánh Niệm

31/03/201518:07(Xem: 10102)
Chương 5: Phẩm Chất Của Chánh Niệm

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM


Từ CHÁNH NIỆM

Đến GIÁC NGỘ

CẨM NANG CỦA NGƯỜI TU THIỀN




Nguyên tác
MINDFULNESS, BLISS,
AND BEYOND
A MEDITATOR’S HANDBOOK

AJAHN BRAHM

Nguyên Nhật Trần Như Mai
dịch


—  5  —

Phẩm Chất Của Chánh Niệm

 

Chánh niệm là một trong những năng lực tâm linh giúp tạo được thành công trong hành thiền. Nếu bạn không hiểu trọn vẹn và thực hành đầy đủ, bạn có thể phí phạm nhiều thời giờ trong hành thiền.

 

Thành Lập Người Gác Cổng

Chánh niệm không chỉ là tỉnh giác, tỉnh thức, hay hoàn toàn nhận biết những gì đang xảy ra chung quanh bạn. Chánh niệm còn hướng sự nhận biết đến những đề mục đặc biệt, nhớ lại những lời chỉ dẫn, và khởi sự đáp ứng. Trong một ví dụ Đức Phật đã sử dụng, chánh niệm được xem như một người gác cổng (Tăng Ch. BK VII, 63).

Hãy tưởng tượng bạn là một đại phú gia có người gác cổng canh gác toà lâu đài của bạn. Một tối kia, trước khi đi đến chùa để hành thiền, bạn bảo người gác cổng phải tỉnh giác đối với kẻ trộm. Khi bạn trở về, lòng từ bi của bạn bỗng nhiên biến mất khi bạn thấy nhà mình đã bị kẻ trộm vơ vét. Bạn hét vào vào mặt người gác cổng:” Có phải ta đã bảo ngươi là phải tỉnh giác đối với kẻ trộm?”. Người gác cổng cãi lại: “Nhưng tôi đã tỉnh giác. Tôi chú ý đến bọn trộm khi chúng phá cổng xông vào, và tôi đã theo dõi chúng thật kỹ khi chúng đi ra với cái tivi màn hình phẳng và hệ thống âm thanh hiện đại của ông. Tôi đã theo dõi chúng rất chăm chú khi chúng đi vào nhà nhiều lần, và tâm tôi không hề xao lãng khi quan sát chúng mang đi tất cả món bàn ghế cổ và nữ trang vô giá của ông”.

Bạn có vui lòng với lời giải thích như thế về tỉnh giác? Một người gác cổng có trí tuệ biết rằng tỉnh giác không chỉ là chú ý đơn thuần. Một người gác cổng có trí tuệ phải nhớ kỹ lời chỉ dẫn và thực hành rất tinh chuyên. Nếu anh ta thấy một tên trộm đang tìm cách phá cửa đi vào, anh ta phải chận nó lại hay gọi cảnh sát ngay.

Cũng vậy, một hành giả có trí tuệ phải làm nhiều hơn là chỉ đơn thuần chú ý về bất cứ những gì khởi lên và tan biến trong tâm. Một hành giả có trí tuệ phải nhớ kỹ những lời chỉ dẫn và tinh tấn thực hành. Thí dụ, Đức Phật đã giảng dạy về “chánh tinh tấn”, con đường thứ sáu trong Bát Chánh Đạo. Khi một hành giả trí tuệ thực tập chánh niệm, quan sát thấy có một bất thiện pháp bắt đầu muốn xâm nhập vào tâm, người ấy liền cố gắng ngăn chặn nó. Và khi pháp bất thiện ấy đã lọt vào tâm rồi, người ấy cố gắng đuổi nó đi. Những pháp bất thiện như ham muốn tình dục hay sân hận cũng giống như những tên trộm hay những những tên nghệ sĩ giả hiệu dùng lời đường mật để dụ dỗ bạn, chúng là những người muốn cướp sự an bình, trí tuệ và hạnh phúc của bạn. Có hai phương diện của chánh niệm: đó là sự tỉnh giác và nhớ rõ những lời chỉ dẫn.

Trong các bài Kinh Phật, từ Pali ‘sati’ dùng để chỉ cả sự tỉnh giác lẫn ghi nhớ. Một người giữ vững chánh niệm cũng là người có trí nhớ tốt. Nếu chúng ta hoàn toàn chú tâm đến những gì chúng ta làm, sự tỉnh giác này sẽ tạo nên một dấu ấn trong ký ức của chúng ta. Việc ấy trở nên dễ nhớ. Thí dụ, giả sử bạn suýt bị một tai nạn xe hơi trầm trọng. Bởi vì sự nguy hiểm, mức độ tỉnh giác của bạn bỗng nhiên hết sức nhạy bén. Và cũng bởi vì mức độ tỉnh giác rất cao, bạn nhớ rất rõ biến cố ấy. Khi bạn đi ngủ tối hôm đó, có lẽ bạn không thể nào quên được chuyện ấy. Điều này chứng tỏ sự liên hệ giữa tỉnh giác và ký ức. Bạn càng chú tâm đến những gì bạn đang làm, bạn càng nhớ rõ việc ấy. Một lần nữa, hai sự kiện đi đôi với nhau: tỉnh giác và ký ức.

Nếu chúng ta có những người gác cổng đã phát triển tỉnh giác, họ sẽ chú ý đến những lời chỉ dẫn họ đã nhận được. Nếu họ hoàn toàn chú tâm đến những lời chỉ dẫn, họ sẽ có thể ghi nhớ và thực hành một cách tinh tấn. Vì vậy chúng ta phải đưa ra những lời chỉ dẫn rõ ràng cho chính mình, hoàn toàn chú tâm đến chúng, rồi chúng ta sẽ nhớ những gì chúng ta định làm. Công việc của vị thầy cũng là đưa ra những lời chỉ dẫn rõ ràng để giúp chúng ta hướng dẫn tâm ta. Khi việc rèn luyện tâm trong thiền tập được thực hiện có phương pháp và mỗi giai đoạn được xác định kỹ lưỡng, thì những người gác cổng của chúng ta nhận được sự chỉ dẫn rõ ràng họ cần có.

 

Chỉ Dẫn Người Gác Cổng

 

Vào lúc bắt đầu hành thiền, xin nhớ rằng có một người gác cổng bên trong bạn - một  tính năng có thể nhận biết những gì đang xảy ra và ghi nhớ lời chỉ dẫn. Hãy nói với người gác cổng đó đại khái như “bây giờ là lúc tỉnh giác về giây phút hiện tại”. Hãy nói câu này với người gác cổng ba lần. Nếu bạn lặp lại điều gì, bạn rất dễ nhớ điều ấy. Có lẽ khi bạn còn đi học, bạn đã không thể nhớ được cách viết một chữ nào đó, bạn đã phải viết nó ra 100 lần. Sau đó bạn không bao giờ quên chữ ấy, bởi vì khi bạn lặp lại điều gì, bạn cần phải nỗ lực nhiều hơn, và sự tỉnh giác trở nên mạnh hơn. Những việc gì dễ làm thường không đòi hỏi nhiều tỉnh giác. Vì vậy hãy làm khó với chính mình bằng các lặp lại lời chỉ dẫn: “Ta sẽ tỉnh giác về phút giây hiện tại. Ta sẽ tỉnh giác về phút giây hiện tại. Ta sẽ tỉnh giác về phút giây hiện tại”.

Đối với người gác cổng, giống như bất cứ người giúp việc hay công nhân nào, bạn không cần phải cứ một vài giây lại đưa ra lời chỉ dẫn. Chỉ cần đưa lời chỉ dẫn ba lần lúc mới bắt đầu, rồi để người các cổng thi hành nhiệm vụ. Hãy tin rằng người gác cổng biết rõ công việc của họ.

Hãy đưa ra lời chỉ dẫn với người gác cổng cũng giống như bạn chỉ dẫn một người tài xế taxi. Bạn chỉ cần nói rõ bạn muốn đi đâu, rồi bạn có thể ngồi ngả lưng, thoải mái và vui hưởng chuyến đi của bạn. Bạn tin rằng người tài xế biết cách đi đến nơi đó. Nhưng hãy tưởng tượng nếu bạn cứ tiếp tục một vài phút lại nói với người tài xế: “Đi chậm lai... đi nhanh hơn... quẹo trái chỗ này...bây giờ hạ ga xuống số ba...hãy nhìn vào kính chiếu hậu... cứ chạy phía bên phải”. Sau khi lái xe được vài trăm thước người tài xế taxi sẽ ném bạn ra khỏi xe. Vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên khi những hành giả cứ tiếp tục một vài giây lại đưa ra lời chỉ dẫn cho người gác cổng của họ, tâm họ sẽ nổi loạn và từ chối không chịu hợp tác.

Hãy để tâm tiến hành công việc tỉnh giác về phút giây hiện tại. Đừng có tiếp tục can thiệp vào công việc của nó. Hãy đưa lời chỉ dẫn cho tâm thật rõ ràng rồi buông thư và theo dõi. Nếu bạn thiết lập chánh niệm theo cách này, bạn sẽ thấy rằng tâm sẽ làm theo lời chỉ dẫn của bạn. Thỉnh thoảng nó vẫn có thể phạm lỗi lầm, nhưng lời chỉ dẫn bạn đã đưa ra sẽ bảo đảm rằng ngay khi tâm bạn bắt đầu chạy lăng xăng vào quá khứ hay tương lai, chánh niệm sẽ nhớ lại để trở về với giây phút hiện tại. Đối với bạn, một kẻ bàng quan, việc này giống như cái gì xảy ra một cách tự động. Bạn chỉ cần nhìn ngưòi gác cổng làm việc mà không cần phải đưa thêm lời chỉ dẫn nào nữa. Điều này nghĩa là bạn biết tâm và làm việc với bản chất của tâm.

Tôi khuyến khích bạn chơi đùa với tâm để biết được những năng lực của nó. Trong khóa thiền ẩn cư đầu tiên của tôi, tôi được báo cho biết là không cần phải vặn đồng hồ báo thức để thức dậy vào buổi sáng. Thay vào đó, vị thầy hướng dẫn bảo chúng tôi  hãy tự nói với chính mình trước khi đi ngủ, “Ta sẽ dậy lúc năm giờ kém năm”. Và điều này thật hữu hiệu. Tôi đã không cần cứ phải nhìn đồng hồ để xem thử đã đến năm giờ kém năm phút chưa, và khi tôi thức dậy, tôi nhìn vào đồng hồ và thấy nó chỉ năm giờ kém năm phút, hơn kém một hai phút thôi. Thật đáng kinh ngạc khi biết tâm đã hoạt động như thế nào. Tôi không biết nó đã ghi nhớ như thế nào, nhưng nó đã nhớ thật sự. Vì vậy hãy cố gắng lập chương trình cho tâm của bạn: “Bây giờ là lúc theo dõi giây phút hiện tại. Chỉ biết hiện tại. Chỉ biết hiện tại”, bạn chỉ cần làm như vậy. Rồi bạn có thể để mặc cho tâm làm công việc của nó.

Cũng quan trọng không kém là bạn phải chỉ dẫn rõ ràng cho người gác cổng biết ai được phép cho vào và ai không được. Nếu chỉ đưa ra danh sách khách mời thì chưa đủ. Nếu người gác cổng không có danh sách những ai bị cấm vào, nó có thể nhầm lẫn.

 

Người Gác Cổng Ở Giai Đoạn Một

Trong giai đoạn đầu tiên của tiến trình hành thiền là tỉnh giác về giây phút hiện tại, danh sách khách mời – nghĩa là ai được phép vào - gồm bất cứ những gì đang xảy ra ngay bây giờ. Đó có thể là tiếng chim kêu. Có thể là âm thanh của một chiếc xe tải đàng xa. Có thể là tiếng gió thổi. Có thể là tiếng người nào ho hay tiếng ai đập vào cửa. Không có gì quan trọng. Nếu việc đó xảy ra lúc này, thì đó là người khách của sự tỉnh giác về phút giây hiện tại. Có thể là hơi thở. Có thể là định tướng. Có thể là tầng thiền. Tất cả đều là thành phần của giây phút hiện tại. Vì thế hãy biết rõ ai được phép vào tâm bạn, và hãy đón các vị khách của bạn.

Bạn cũng phải biết rõ ai không được phép vào. Ai là những kẻ phá rào của sự tỉnh giác về giây phút hiện tại? Những kẻ thù ấy gồm bất cứ một ý niệm, một tri giác, một quan điểm nào về quá khứ hay tương lai. Nghĩa là, bất cứ ý nghĩ nào hướng về chuyện đã qua hay chuyện sắp tới. Điều quan trọng là bạn phải biết những kẻ phá rào ấy và phải nói về chúng thật rõ ràng khi bạn chỉ dẫn người gác cổng. Hãy nói với chính mình khi bạn bắt đầu hành thiền, “Ta sẽ tỉnh giác về giây phút hiện tại, và ta sẽ không nghĩ đến quá khứ hay tương lai”. Hãy chỉ dẫn cho người gác cổng biết những nguy hiểm cũng như những mục tiêu cần đạt đến, giúp cho sự tỉnh giác làm tròn nhiệm vụ của nó. Khi một kẻ phá rào xuất hiện, sự tỉnh giác sẽ biết, “đây không phải là việc mà ta có nhiệm vụ phải làm”. Lúc ấy sự tỉnh giác sẽ loại bỏ ý tưởng hay tri giác về quá khứ hay tương lai.

 

Người Gác Cổng Ở Giai Đoạn Hai

Trong giai đoạn hai của sự tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại, mục tiêu là sự im lặng, và kẻ phá rào là những tiếng nói nội tâm. Vì thế bạn hãy nói với chính mình thật rõ vào giai đoạn đầu rằng, “Ta sẽ  tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại và loại bỏ tất cả những tiếng nói nội tâm”. Lặp lại câu này hai lần nữa. Bằng cách ấy, bạn thiết lập sự tỉnh thức. Bạn giúp cho buổi thiền tập của bạn có khả năng thành công bởi vì bạn đã chỉ dẫn người gác cổng thật rõ ràng.

 

Người Gác Cổng Ở Giai Đoạn Ba

Trong giai đoạn ba, tỉnh giác im lặng về hơi thở trong phút giây hiện tại, người khách duy nhất được mời trong giai đoạn này là hơi thở trong giây phút hiện tại. Ai là kẻ phá rào? Đó là tất cả những gì không phải là hơi thở, bao gồm âm thanh bên ngoài, cảm giác trong cơ thể, hay ý nghĩ về bữa ăn trưa hay bữa ăn tối hay bất cứ cái gì khác. Mọi cái không phải là hơi thở đều là kẻ phá rào. Vì thế bạn phải tự nói với mình ba lần: “Ta sẽ tỉnh giác im lặng về hơi thở trong phút giây hiện tại và loại bỏ tất cả những tri giác và ý tuởng khác”. Một lần nữa, sau khi đã nói với tâm thật rõ ràng những gì nó có nhiệm vụ phải làm và những gì không được làm, bạn có thể để tâm tiến hành công việc của nó. Bạn chỉ cần theo dõi. Ngoại trừ hơi thở, khi một ý tưởng khởi lên, chẳng hạn như nghe âm thanh của máy cắt cỏ bên ngoài, tâm biết ngay là nó không có nhiệm vụ làm việc ấy, nó liền tự động bỏ qua. Đây là rèn luyện tâm tỉnh thức. Khi tâm được rèn luyện thật kỹ lưỡng, thì theo dõi tâm quả thật thích thú. Khi tâm đã được chỉ dẫn rõ ràng, nó nhớ những gì phải làm, nó biết những gì nó đang làm, và việc hành thiền trở nên êm xuôi nhẹ nhàng, có vẻ như không cần nỗ lực nào.

Tuy nhiên, việc hành thiền không phải hoàn toàn không cần nỗ lực. Bạn có bỏ công sức nỗ lực, nhưng phải đúng thời điểm, khi nó tỏ ra hữu hiệu. Cũng giống như trồng cây. Có những lúc bạn bỏ công sức và có lúc bạn để mặc mọi việc tiến triến tự nhiên. Bạn gieo hạt giống, tưới nước, bón phân. Nhưng phần lớn thời gian khi bạn trồng cây, công việc của bạn chỉ là canh chừng nó, để bảo đảm không có gì can thiệp vào tiến trình ấy. Hạt giống đã được chỉ dẫn, nó chỉ cần cơ may để phát triển. Cũng vậy, đừng tiếp tục can thiệp vào công việc của tâm. Đừng tiếp tục thúc đẩy nó và bảo nó làm việc, bởi vì nếu bạn làm thế, chỉ một lúc sau nó sẽ nổi loạn. Tâm sẽ nói:”Hãy để yên tôi. Xem kìa, tôi đang cố gắng làm công việc của tôi. Hãy đi khuất mắt tôi”. Và nếu bạn không nhanh chóng để mặc tâm một mình, buổi hành thiền của bạn coi như chấm dứt.

 

Người Gác Cổng Ở Giai Đoạn Bốn

Trong giai đoạn bốn của thiền tập – hoàn toàn duy trì sự chú tâm vào hơi thở - bạn bảo người gác cổng phải tỉnh giác về hơi thở trọn vẹn trong mỗi phút giây và không cho phép việc gì khác xâm nhập vào sự nhận biết đang tiến triển êm đềm liên tục: “Ta sẽ tỉnh giác về toàn bộ hơi thở một cách liên tục, và sẽ không quan tâm đến việc gì khác ngoài hơi thở”. Bằng cách chỉ dẫn cho người gác cổng thật cẩn thận và rõ ràng, bạn giúp cho sự tỉnh giác có cơ may thành công. Bạn chỉ cần nói với chính mình lời chỉ dẫn ba lần vào lúc bắt đầu giai đoạn thiền tập và sau đó chỉ theo dõi xem những gì sẽ xảy ra.

Nếu bạn đã nói lời chỉ dẫn ấy với mình và sau vài ba phút bạn thấy tâm đang bị xao lãng khỏi mục tiêu, như vậy có thể vì hai lý do. Hoặc là bạn đã không chỉ dẫn mình thật cẩn thận hay sự tỉnh giác của bạn rất yếu. Nếu sự tỉnh giác của bạn rất yếu, thì cứ mỗi vài ba phút bạn nên lặp lại lời chỉ dẫn. Không cần phải lặp lại lời chỉ dẫn mỗi mười hay mười lăm giây. Lặp lại lời chỉ dẫn quá nhiều sẽ quấy rầy thiền tập, như vậy sẽ không bao giờ giúp cho thiền tập thành công và thay vào đó sẽ làm khởi lên bất an và tuyệt vọng.

Nếu bạn nói lời chỉ dẫn với mình thật cẩn thận, bạn sẽ nhớ chúng. Mỗi giai đoạn qua đi, chánh niệm của bạn sẽ sâu sắc hơn. Bạn sẽ để ý là chánh niệm bắt đầu với một lãnh vực rộng lớn để rong chơi – đó là phút giây hiện tại. Rồi khu vực cho phép chánh niệm rong chơi dần dần thu hẹp. chánh niệm tập trung vào sự im lặng trong giây phút hiện tại, loại bỏ suy nghĩ nội tâm. Rồi thay vì chỉ im lặng trong giây phút hiện tại, mọi việc khác đều bị loại bỏ trừ sự im lặng tỉnh giác về hơi thở trong phút giây hiện tại. Rồi tất cả đều bị loại bỏ ngoại trừ sự chú tâm hoàn toàn vào hơi thở, từ lúc mới bắt đầu thở vào cho đến lúc chấm dứt hơi thở vào, từ lúc mới bắt đầu hơi thở ra cho đến lúc chấm dứt hơi thở ra. Trong mỗi giai đoạn kế tiếp nhau, chánh niệm giảm tầm hoạt động để tăng thêm sức mạnh.

 

Định (Samādhi) - Nhất Tâm Tĩnh Lặng

 

Trong giai đoạn ba, tỉnh giác về hơi thở, bạn chỉ cần chú ý một phần của mỗi hơi thở vào và một phần của mỗi hơi thở ra. Một khi bạn đã chú ý đến một phần của hơi thở vào, thì tâm của bạn có thể đi rong chơi đâu đó, nhưng nó phải trở về “nhà” lại đúng lúc để bắt kịp hơi thở ra kế tiếp. Một khi tâm đã thấy hơi thở ra, thì nó có thể lại rong chơi đâu đó và theo dõi những việc khác, cho đến khi nó phải trở về nhà để bắt kịp hơi thở vào. Chánh niệm vẫn còn những chỗ khác để rong chơi. Nó được cột với hơi thở, nhưng bằng một sợi dây dẫn dắt dài. Nhưng trong giai đoạn bốn, hoàn toàn tỉnh giác về hơi thở, bạn cần phải hoàn toàn khóa chặt chánh niệm vào hơi thở và không được xao lãng đi chỗ khác. Giai đoạn bốn này thật quan trọng trong thiền tập bởi vì lúc này bạn mới hoàn toàn nắm chặt đối tượng thiền tập lần đầu tiên. Chánh niệm được giới hạn vào một điểm hiện hữu nhỏ bé – đó là hơi thở trong lúc này. Bạn đang tập trung chánh niệm vào một chỗ thay vì cho phép nó đi rong mọi chỗ. Khi chánh niệm được tập trung nó trở nên mạnh mẽ hơn. Cũng giống như dùng một cái kính hiển vi để châm lửa - bạn tập trung tất cả năng lượng vào một điểm. Nhất tâm tĩnh lặng có khả năng duy trì chánh niệm vào một đối tượng được gọi là Định (Samādhi). Không cần gọi nó là “tập trung tư tưởng”, bởi vì từ ‘tập trung tư tưởng’ chưa diễn tả được ý nghĩa quan trọng của Định.

Định là sự nhất tâm tĩnh lặng có khả năng duy trì sự chú ý vào một đối tượng, và việc này không phải là điều ít xảy ra. Lấy thí dụ, một nhà phẫu thuật đang thực hiện một cuộc giải phẫu. Nhiều nhà phẫu thuật cho tôi biết đôi lúc họ trải qua nhiều giờ trong một cuộc giải phẫu. Họ đứng suốt buổi, nhưng họ không cảm thấy mệt mỏi bởi vì họ phải duy trì sự chú ý vào đầu mũi dao giải phẫu. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ, một thoáng thiếu im lặng chú tâm, bệnh nhân của họ có thể chết. Những nhà phẫu thuật đã phát triển một hình thái của ĐịnhHọ không cảm thấy chân đau nhức chút nào, bởi vì tất cả sự chú ý của họ tập trung vào đầu mũi dao. Các nhà phẫu thuật đạt được mức độ Định này là vì công việc bắt buộc họ phải như vậy. Chỉ có một việc trên đời khiến họ quan tâm – đó là phần việc của cuộc giải phẫu đang xảy ra ngay bây giờ. Thí dụ này cho chúng ta một thông điệp quan trọng về Định: Nếu quả thật nó quan trọng, thì bạn có thể làm được.

Đánh Thức Năng Lượng

Một yếu tố khác rất cần cho chánh niệm là năng lượng. Bạn cần năng lượng ở mỗi giai đoạn, và năng lượng đó được đánh thức bằng cách dồn hết tất cả tâm trí vào việc bạn đang làm. Đừng giữ lại bất cứ cái gì cho lần sau. Một trong những lỗi mà nhiều người thường mắc phải - nhất là đối với năng lượng tinh thần – là nghĩ rằng, “Nếu ta dồn hết năng lượng vào lúc này, thì ta không còn gì cho lần sau”. Điều này không đúng đối với hoạt động của tâm. Bạn càng bỏ nhiều năng lượng vào lúc này, bạn càng có nhiều năng lượng hơn cho lần sau.

Có một kho năng lượng tinh thần vô giới hạn, và nếu bạn bỏ ra thật nhiều năng lượng vào những gì bạn đang làm ngay lúc này, bạn sẽ thấy rằng trong lần tiếp theo, năm phút sau, hay một giờ sau bạn thật sự thức tỉnh và cảnh giác. Đó là lý do tại sao thầy của tôi là Ngài Ajahn Chah thường nói rằng bất cứ bạn đang làm việc gì, hãy để hết tâm trí vào việc ấy. Rồi bạn sẽ tích lũy được năng lượng. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ. “Ồ, ta không thật sự cần phải bỏ năng lượng vào lúc này”, thì bạn sẽ trở nên uể oải lờ đờ và không thấy thích thú bất cứ cái gì trên đời.

Khi ăn, hãy để năng lượng vào từng miếng ăn chánh niệm. Hãy xem bạn có thể chú ý đến bao nhiêu điều trong khi ăn. Rồi bạn sẽ thưởng thức bữa ăn nhiều hơn! Kẻ phá rào cho bữa ăn trong chánh niệm là sự suy nghĩ về những việc khác. Đôi lúc thậm chí bạn không biết bạn đang bỏ gì vào miệng nữa. Không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều người mắc bệnh tiêu hóa! Dù bạn đang làm gì đi nữa, hãy biết rõ việc mình đang làm, và rồi bạn sẽ đánh thức được năng lượng.

 

Bật Đèn Lên

Trong khi bạn tích lũy năng lượng chánh niệm và nó trở nên sắc bén hơn, bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang bước ra khỏi một thế giới vốn rất lờ mờ u ám. Khi bạn càng lúc càng thấy tỉnh giác hơn, cũng giống như có ai vừa bật đèn trong phòng, hay mặt trời đã mọc, và đang chiếu sáng khắp nơi. Bạn thấy rõ hơn những gì xung quanh bạn. Cũng giống như soi sáng ánh đèn sân khấu vào thực tại, và bạn bắt đầu thấy vẻ đẹp tinh tế của các màu sắc, những hình thể vui mắt và những kết cấu sâu sắc. Tất cả hiện ra thật xinh đẹp tuyệt vời. Khi chánh niệm đã vững mạnh, không những nó sẽ phát sinh tuệ giác mà lại còn đem lại hỷ lạc nữa.

Khi bạn đã phát triển được chánh niệm vững mạnh, cũng giống như bạn bước ra một khu vườn xinh đẹp trong ánh nắng rực rỡ. Nó khơi nguồn năng lượng và cảm hứng cho bạn. Đã đạt được chánh niệm cao độ, với tâm sáng ngời như vậy, nếu bạn tập trung chú ý vào một phần nhỏ của thế giới, bạn sẽ thấy thật sâu sắc bản chất của sự vật. Kinh nghiệm về sự chú tâm tỉnh giác sáng ngời thật là tuyệt diệu và đầy kinh ngạc! Bạn thấy được vẻ đẹp và chân lý nhiều hơn bạn có thể tưởng tượng.

Vì vậy, phát triển chánh niệm cũng giống như bật ngọn đèn tâm. Khi bạn duy trì chánh niệm vào một đối tượng thay vì thả tâm rong chơi khắp nơi, thì tâm tích lũy được năng lượng của chính nó. Bạn bắt đầu thấy được sự vật một cách sâu sắc và tuyệt diệu.

 

Tích Lũy Sức Mạnh Của Tuệ Giác

Chánh niệm đầy uy lực sẽ tích lũy sức mạnh của tuệ giác. Chỉ cần lấy bất cứ một đối tượng nào, chẳng hạn như một ngọn lá trên bụi cây và duy trì sự chú tâm của bạn vào ngọn lá đó. Hãy để chánh niệm an tịnh cho đến khi bạn thấy không chỉ là một ngọn lá xanh mà toàn thể thế giới. Lúc đó bạn hiểu được sức mạnh của chánh niệm. Khi bạn có thể duy trì chánh niệm vào một đối tượng, bạn sẽ thấy nó soi sáng và hé lộ vẻ đẹp trong đối tượng đó. Thật là hấp dẫn khi bạn có thể thấy được biết bao nhiêu điều, bao nhiêu chi tiết, màu sắc và kết cấu trong một ngọn lá nhỏ bé! Đây là lúc chánh niệm nhập cuộc vui đùa với đối tượng của nó, soi rọi những tuệ giác mới mẻ vào bản chất của ngọn lá. Nhưng nếu bạn bắt đầu tự hỏi bạn sẽ ăn gì tối nay, bạn sẽ không còn thấy được ngọn lá một cách sâu sắc. Hoặc bạn bắt đầu cảm thấy uể oải, hay bắt đầu lo nghĩ, “Có phải thiên hạ đang nhìn mình không? Họ có nghĩ rằng mình có vẻ lạ lùng không?” – thì sức mạnh huyền bí của sự chú tâm bền vững sẽ bị tan vỡ. Tuy nhiên, nếu bạn có thể duy trì sự chú tâm vào một đối tượng, bạn sẽ kinh ngạc trước những gì bạn thấy được.

Nếu bạn phát triển được sự nhất tâm tĩnh lặng, nghĩa là khả năng duy trì chánh niệm vào một đối tượng trong một thời gian dài, bạn sẽ đạt được khả năng nhìn sâu vào sự vật với tuệ giác và thấy thật sâu sắc bản chất của sự vật. Nếu bạn muốn khám phá những chân lý sâu xa của hiện hữu, mà không phải do những tín điều trong sách vở hay do các vị thầy giảng dạy, thì đây là cách bạn sẽ tìm ra chân lý. Đây là phương cách làm thế nào để đạt được những kinh nghiệm giác ngộ. Bạn phát triển chánh niệm cao độ và hướng nó vào nguồn trí tuệ phong phú và hấp dẫn – nhất là hướng về tâm. Nếu bạn có thể duy trì sự chú ý vào tâm của bạn và lặn sâu vào trong đó, bạn sẽ tìm thấy một kho ngọc ngà châu báu vô giá mà chúng ta gọi là tuệ giác thâm sâu.

Đến đây tôi xin tóm tắt lại, đây là con đường của chánh niệm: thật sự nó là gì, làm thế nào để phát triển chánh niệm, và đặc biệt là làm thế nào để thiết lập chánh niệm vào mỗi giai đoạn hành thiền của bạn. Hãy chỉ dẫn người gác cổng của bạn thật rõ ràng để chánh niệm biết phải làm gì. Sau đó chỉ ngồi dựa lưng theo dõi tâm làm công việc của nó. Đó là tất cả những gì bạn cần phải làm.

 

Nhìn Lại Những Mức Độ Chánh Niệm Khác Nhau

Một trong những điều tuyệt diệu của thiền định là khi bạn phát triển chánh niệm, bạn khám phá nó có nhiều mức độ khác nhau. Bạn nhận ra rằng mức độ chánh niệm bình thường của bạn quá lờ mờ và không ích lợi gì cho trí tuệ; độ sắc bén của nó rất ít hay chẳng có chút sức mạnh nào. Khi bạn đạt được tiến bộ trong thiền tập, chánh niệm của bạn trở nên sắc bén hơn và mạnh mẽ hơn. Điều này có nghĩa là bạn có thể duy trì sự chú ý vào những lãnh vực rất tinh tế, và chánh niệm rất sáng tỏ. Và khi bạn vào sâu trong thiền định, chánh niệm trở nên vững mạnh hơn, nhanh nhạy hơn và sắc bén hơn.

Đôi lúc xảy ra sự kiện là hành giả đánh mất đối tượng tỉnh giác. Nếu hơi thở là đối tượng, bạn đánh mất hơi thở. Điều này xảy ra là do hơi thở đã trở nên thật nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng chánh niệm vẫn còn quá thô sơ. Nó đã không thể nào bắt kịp với sự phát triển của hơi thở. Khi điều này xảy ra, bạn phải trở lại với giai đoạn trước đó. Việc này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là trong giai đoạn bốn, lúc bạn hoàn toàn duy trì sự chú tâm vào hơi thở.

Đôi lúc hơi thở biến mất và định tướng hiện ra, nhưng bạn không thể duy trì được định tướng ấy. Đây là vì phẩm chất của chánh niệm cần thiết để duy trì định tướng phải thật hết sức tinh tế, và bạn chưa xây dựng được chánh niệm ở mức độ mạnh mẽ ấy. Vì thế bạn phải trở về giai đoạn trước khi định tướng xuất hiện. Hãy trở về với sự tỉnh giác về hơi thở tuyệt đẹp, vốn là một đối tượng thô sơ hơn so với định tướng, và để cho chánh niệm phát triển sức mạnh từ đó. Khi chánh niệm của bạn đã phát triển đầy đủ ở giai đoạn năm, nó có sức mạnh để có thể tiếp nhận một đối tượng tinh tế hơn là định tướng. Bạn sẽ thấy khi chánh niệm trở nên sắc bén hơn và mạnh mẽ hơn, nó có thể duy trì sự chú tâm vào những đối tượng vi tế nhất. Nhưng trước tiên bạn phải học cách làm thế nào duy trì sự chú tâm vào những đối tượng thiền tập thô sơ hơn. Vào mỗi giai đoạn kế tiếp nhau, chánh niệm đạt phẩm chất cao hơn, nhanh nhạy hơn và sắc bén hơn giai đoại trước đó rất nhiều. Chánh niệm cần có để giữ vững định tướng cũng giống như kỹ năng cần có của một nhà phẫu thuật thần kinh, trong lúc chánh niệm cần có để giữ vững hơi thở trong giai đoạn ba giống như kỹ năng cần có để lột vỏ khoai tây. Nếu bạn tiến thẳng từ người lột vỏ khoai tây đến nhà phẫu thuật thần kinh, thì bạn sẽ làm rối tung mọi thứ. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp bạn tiến quá nhanh từ theo dõi hơi thở đến định tướng. Bạn sẽ đánh mất định tướng.

Cùng với sự phát triển, bạn sẽ cảm nghiệm được chánh niệm bất động, là chánh niệm hoàn toàn hướng vào một đối tượng - rất rõ ràng, rất sắc bén. Đức Phật dạy rằng điều này đạt đến cao điểm ở Tứ thiền. Đó là đỉnh cao của chánh niệm, là lúc bạn cảm nhận được sự xả ly hoàn toàn. Bạn hoàn toàn tỉnh táo và bất động. Đó là mức độ mạnh mẽ nhất mà chánh niệm có thể đạt được. Khi bạn đã cảm nghiệm được mức độ chánh niệm như vậy, bạn sẽ tự biết thật buồn cười khi nghĩ rằng bạn có thể đạt được giác ngộ mà không cần nhập định. Không có chánh niệm cao độ như vậy, bạn không thể nào đạt được tuệ giác thâm sâu. Vì vậy bạn bắt đầu nhận thức từ kinh nghiệm của chính mình thế nào là chánh niệm và mức độ chánh niệm bạn cần có để đạt đến giác ngộ.

Như bạn đã hiểu, chánh niệm trong đời sống hằng ngày là một việc, và chánh niệm trong thiền định thâm sâu là một việc khác. Chánh niệm có nhiều cường độ, mức tinh tế, và mức sâu xa khác nhau. Cũng giống như có nhiều loại dao khác nhau – dao cùn và dao bén, dao gọt khoai và dao giải phẫu – chánh niệm cũng vậy.

Vì vậy hãy phát triển một mức độ chánh niệm mạnh mẽ và sắc bén để bạn có thể dùng đào sâu vào bản chất của tâm bạn và mở ra những kho báu tuyệt đẹp về Vô Thường (anicca), Khổ (dukkha) và Vô Ngã (anattā).

Tôi nói đây là những kho báu tuyệt đẹp, một số người sẽ phản đối: Làm sao Khổ lại là kho báu được? Làm thế nào Vô Thường và Vô Ngã là kho báu được? Những người đó muốn điều gì có vẻ kỳ diệu và cao xa như cái đẹp, sự siêu việt, ý thức về vũ trụ hay bản thể của vạn vật. Nhưng đó là lý do tại sao họ không thể tìm được kho báu đích thực. Họ không biết họ đang tìm kiếm cái gì.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]