Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 14

03/02/201521:26(Xem: 8478)
Phần 14

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 14)

 

Pháp Sư Tịnh Không

Loại thứ hai là “Chuyển nghiệp sám”.Đó là loại người thông minh, họ có thể chuyển biến. Việc này rất vi diệu, hiệu quả thù thắng. Tức là đem tư tưởng ý niệm của bạn chuyển đổi lại từ phàm thành thánh. Cách chuyển thế nào? Chúng ta cũng đã có mấy lần nói đến. Từ trước đến nay, chúng ta chẳng phải khởi tâm động niệm đều vì chính mình, vì lợi ích, danh vọng, lợi dưỡng của chính mình, chấp trước kiên cố, tuy nhiên hiện tại biết nghe Phật pháp, đã thấu hiểu, quan niệm ý nghĩ dần dần thay đổi, từ nay về sau không còn vì chính mình nữa mà mỗi niệm vì chúng sanh, vì Phật pháp, nghĩ như vậy và làm cũng như vậy. Lời nói việc làm đều vì xã hội, vì chúng sanh, đây chính là chuyển phàm thành thánh. Hiệu quả vô cùng to lớn. Vốn dĩ chúng ta ngày ngày tạo ra ác nghiệp đều vì tự tư tự lợi, vì hại người lợi mình, tương lai ắt đọa đường ác. Hiện tại ý niệm vừa chuyển, quyết định không vào ác đạo nên cái duyên ác đạo tham sân si đã cắt, phải quấy nhân ngã không còn nữa. Trong Tứ Thư nói: “Hy sinh phụng hiến, xả mình vì người”, khi vừa chuyển đổi, không chỉ chuyển ba đường, mà còn chuyển sáu cõi, trực tiếp tiến vào con đường thánh nhân, siêu phàm nhập thánh. Đây là loại sám pháp chuyển đổi.

Loại thứ ba là “Tiêu trừ tội nghiệp”, diệt nghiệp mới là cứu cánh. Tội nghiệp đã tạo từ vô lượng kiếp, kinh Phật có nêu một thí dụ, giống như gian phòng tối, bên trong tối đen, chúng ta chỉ đốt lên một ngọn đèn thì liền chiếu sáng. Bóng tối mất ngay. Chúng ta có thể dùng bóng tối thí dụ cho tội nghiệp, đèn thí dụ cho trí tuệ. Định có thể phục nghiệp, huệ có thể phá nghiệp. Do đây có thể biết tu học của chúng ta nương giới sanh định, do định khai huệ. Cho nên trì giới, các vị phải biết nếu không thể được định thì việc trì giới đó là phước báu hữu lậu của thế gian, không thể chuyển nghiệp, không thể diệt tội, thậm chí phục tội cũng không phục được. Giới phải được định thì giới có công đức, còn giới không được định thì giới này là phước đức, không phải công đức. Trì giới được định có phước đức, có công đức có thể thoát sanh tử, ra khỏi ba cõi. Nếu chỉ có phước đức thì không thể.

Vì sao trì giới như vậy không thể thành tựu được công đức? Vẫn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chính mình trì giới rất nghiêm, rất thanh tịnh hiếm thấy, mọi người đều tán thán, thế nhưng họ vẫn có phiền não. Xem thấy người này phá giới, người kia không giữ giới, họ còn có những phân biệt, liền khiến công đức trì giới của họ bị mất hết. Do đó làm sao có thể được định? Lục tổ Đại sư Huệ Năng nói trong Đàn Kinh rất hay: “Người chân chính tu hành sẽ không thấy lỗi thế gian”, người thế gian phạm rất nhiều lỗi lầm, nếu còn không thấy chẳng phải đã biến thành mất trí? Thấy như không thấy, quyết không để trong lòng. Người tu hành luôn sáng suốt hơn người không tu hành, thấy như không thấy, không để trong lòng, đó gọi là không thấy lỗi thế gian. Đại sư còn nói: “Nếu thấy lỗi của người, xem đó là lỗi ở mình”. Bạn thấy lỗi lầm của người khác, bạn để trong lòng, dính ở trên miệng, thường hay nói lỗi lầm này, đại sư cho đó là lỗi lầm nơi bạn.

Thời xưa có câu: “Bên phải lên cao, bên trái xuống thấp”, chúng ta lên giảng đài cũng phải đi từ bên phải mà lên, xuống thì từ phía bên trái. Lại nói “Người lỗi ta không lỗi, ta lỗi tự có lỗi”, họ làm không phải, ta không thể giống như họ. Chính mình giới luật nghiêm hơn mà còn phê bình, xem thường, nói lỗi lầm của người khác thì chính mình liền có lỗi lầm. Ở đây Lục tổ nhắc nhở chúng ta tu hành thành tựu công đức phải chân thật sám trừ nghiệp chướng. Lịch sử thời đại nhà Đường, tổ sư sáng lập luật tông Trung Quốc, Luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam, không ai sánh bằng, không chỉ người thời đó tôn kính, tán thán ngài mà mãi đến ngày hôm nay, nhắc đến Luật Sư Đạo Tuyên, không ai không khởi tâm cung kính. Ngài trì giới rất tinh nghiêm thanh tịnh, cảm được thiên nhân cúng dường. Mỗi ngày ngài ăn một bữa, thiên nhân đưa cơm đến cúng dường. Ngài không cần phải đi khất thực. Phước báu rất lớn.

Một hôm, đại sư Khuy Cơ đi ngang núi Chung Nam, vốn ngưỡng mộ Luật Sư Đạo Tuyên, ông thuận tiện ghé thăm. Luật Sư Đạo Tuyên nghe đại sư Khuy Cơ đến thăm, liền nghĩ đến cần phải hiển lộ một chút để đại sư Khuy Cơ thấy, bởi vì nghe nói đại sư Khuy Cơ rất kém trong việc giữ giới. Ông sanh ra trong một gia đình giàu có, chú của ông là Uý Trì Kính Đức, đại tướng của Đường Thái Tông. Vốn sanh ra từ hào môn quý tộc, đến khi xuất gia gọi là Tam Xa Hòa Thượng. Nguồn gốc của cái tên “Tam Xa” là do trước đó, Đại sư Huyền Trang tìm ông và khuyên ông xuất gia. Ông đưa ra ba điều kiện hưởng thụ với Đại sư. Thứ nhất, ông thích đọc sách, muốn mang theo một xe sách đi xuất gia. Thứ hai, hưởng thụ vật chất, muốn mang theo một xe vàng ròng. Thứ ba, phải có mỹ nữ hầu hạ, muốn mang theo một xe mỹ nữ. Đại sư Huyền Trang đều đáp ứng tất cả. Cho nên người ta gọi ông là Tam Xa hòa thượng, việc trì giới của ông không được nghiêm khắc. Cho nên Luật Sư Đạo Tuyên cho rằng Đại sư Khuy Cơ học vấn tốt, có biện tài, thế nhưng giới luật thì không được. Vậy hôm nay phải biểu diễn một chút để ông ấy xem.

Buổi trưa thiên nhân thường đưa cơm đến cúng dường, việc này rất hiếm lạ. Đại sư Khuy Cơ lên ngồi trên núi, đến giữa trưa ngày hôm đó thiên nhân không đưa cơm cúng dường đến. Luật sư Đạo Tuyên rất thất vọng, vốn dĩ muốn biểu diễn một chút để cảm hoá Khuy Cơ, không ngờ thiên nhân thất tín lại không đến, không còn cách nào, buổi chiều Đại sư Khuy Cơ đành xuống núi. Đến buổi trưa hôm sau, thiên nhân đưa cơm cúng dường đến, Luật Sư Đạo Tuyên liền trách cứ: “Vì sao hôm qua ông không đến?” Vị thiên nhân trả lời: “Hôm qua Bồ tát Đại thừa ở trên núi, cả núi đều có thần hộ pháp bảo hộ, tôi không đến được”. Luật sư Đạo Tuyên nghe rồi liền toát mồ hôi, hổ thẹn đến cùng tột, mới biết được cái ý niệm của chính mình là sai lầm, chính mình có tội nghiệp.

Câu chuyện này là một minh chứng cho lời nói của Đại sư Huệ Năng, chúng ta xem thấy người khác có lỗi lầm, thế nhưng họ thật có lỗi lầm hay không? Không hề thấy. Người khác thấy Đại sư Khuy Cơ khuyết điểm, lỗi lầm cả người. Thế nhưng thiên nhân thấy ông không phải như vậy. Bạn tu giới luật Tiểu thừa nghiêm như vậy, thiên nhân tôn kính bạn, thế nhưng còn cách xa so với Bồ Tát Đại thừa. Thiên nhân ngày ngày đưa đồ cúng dường đến bạn, nhưng tiếp cận Bồ tát thì không thể được vì có thần hộ pháp ngăn trở. Những lý cùng sự này, chúng ta phải tường tận, phải thấu suốt. Tội nhất định có thể tiêu trừ, thế nhưng phải sám hối như thế nào? Đại đức xưa dạy, chúng ta khởi tâm động niệm tạo tác tội nghiệp có hai loại, một loại gọi là “giá tội”, một loại gọi là “tánh tội”. Giá là phòng chỉ, phòng phạm, thân không có tội, nó chỉ phòng ngừa bạn tạo tội nghiệp. Loại giới điều này, nếu bạn phạm thì gọi là giá giới, vẫn còn nhẹ. Tánh tội thì cho dù Phật có chế định giới luật hay không, bạn tạo tác thì nhất định phạm tội. Lấy ngũ giới để nói, sát sanh là tánh tội. Bạn chưa thọ năm giới thì bạn vẫn có tội. Không thể nói chưa thọ giới thì sát sanh không có tội. Tương tự, không thể nói: “Tôi không hiểu pháp luật, không biết rằng giết người sẽ bị tử hình cho nên tôi giết người xem như không có tội”. Dâm dục là tánh tội, trộm cắp, vọng ngữ lừa gạt chúng sanh cũng là tánh tội, cho dù bạn giữ giới hay không giữ giới.

Bản thân chính là tội, trong năm giới, uống rượu là giá tội, uống rượu không có tội nhưng vì sao Phật lại liệt nó vào trọng giới? Vì sợ bạn uống rượu say sẽ phạm các giới trước, tạo tác những ác nghiệp khác, cho nên rượu là phòng phạm. Nếu bạn phạm vào giới rượu là giá giới, đó không phải là tánh giới. Năm xưa khi tôi cầu học ở Đài Trung, Lý lão sư giảng Lễ ký cho chúng tôi nghe. Lễ Ký do tôi thỉnh chứ thật sự lão sư không muốn giảng, vì sao? Vì không ai chịu học, không có người học thì giảng để làm gì. Tôi đã rất thành khẩn cầu thỉnh nhiều lần, ông mới giảng cho tôi nghe mấy thiên. Giảng đến Lễ Ký đương nhiên phải nhắc đến người chú giải Trịnh Khang Thành, Trịnh Huyền. Khi nói đến câu chuyện của Trịnh Huyền, người Trung Quốc thường nói “uống rượu ba trăm ly”. Ba trăm ly có một điển tích, chính là câu chuyện của Trịnh Khang Thành.

Trịnh Khang Thành là đại Nho triều Hán, con người thông minh tuyệt đỉnh, thế nhưng tập khí không đoạn được. Khi lên lớp dạy học trò, ông có thói quen thưởng thức âm nhạc. Thời đó không có máy hát nhưng trong nhà ông luôn có một đội nhạc, ca kỹ đều là con gái. Mỗi khi ông lên lớp, những cô gái ở phía sau xướng ca khảy đàn. Một mặt thưởng thức, một mặt dạy cho mọi người. Thầy giáo của ông để ý thấy những gì thầy giáo dạy trong ba năm, Trịnh Khang Thành hoàn toàn lĩnh hội được hết. Vì là phàm phu, không phải thánh nhân, thầy giáo của ông không tránh khỏi tâm đố kỵ. Biết đứa học trò này tương lai nhất định vượt qua mình, thầy giáo bèn tìm biện pháp hãm hại ông. Khi Trịnh Khang Thành bái biệt trở về nhà, thầy giáo dẫn theo mấy chục học trò đến đình Thập Lý Trường để đưa tiễn. Mỗi học trò kính Trịnh Khang Thành ba ly rượu. Thầy giáo muốn chuốc ông say để dễ bề hãm hại. Nào ngờ Trịnh Khang Thành sau khi uống xong ba trăm ly, một lễ tiết nhỏ cũng không thất. Ông có tửu lượng khá lớn. Năm xưa Lý lão sư giảng đến đoạn này, ông nói: “Nếu mỗi người chúng ta đều có tửu lượng này thì Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ không cần đưa ra giới điều cấm uống rượu”. Sau khi Thịnh Khang Thành rời khỏi, thầy giáo của ông còn mướn một sát thủ hãm hại ông trên đường. Ông vốn thông minh đoán trước sự việc nên liền vào đường tắt mà đi.

Đây là câu chuyện có thật trong lịch sử. Thầy giáo cũng đố kỵ học trò, thế mới biết cuộc đời gian nan, không dễ dàng gì. Cho nên giá tội cùng tánh tội, chúng ta nhất định phải thông hiểu. Giá tội chính là pháp sám hối, y theo phương pháp sám hối Phật dạy, bạch chúng, tuyên bố với mọi người rằng ta đã làm những việc sai lầm nào, những gì Phật răn dạy mà ta chưa thể tuân thủ, đã phạm. Nếu như đã phạm tánh tội thì sám hối bao gồm sự sám và lý sám, tương đối phiền phức hơn, cần phải chân thật phát tâm sám hối từ chính nội tâm mình, nguyện về sau không làm nữa, cầu Phật Bồ tát gia hộ, cầu điềm lạ, cầu cảm ứng. Những phương pháp sám hối này trong kinh luận nói rất nhiều.

Vào năm cuối triều nhà Minh, Đại sư Ngẫu Ích đã y theo “Triêm sát sám pháp”, cũng là y theo pháp môn Địa Tạng, tu Triêm Sát Pháp. Phương pháp này rất có hiệu quả. Trong Địa Tạng ba kinh có một bộ chính là pháp sám hối “Triêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo kinh”, có dạy phương pháp sám hối. Đại sư Ngẫu Ích cả đời dùng phương pháp này để tu sám hối, việc này đáng được chúng ta học tập. Thế nhưng trong giá tội có rất nhiều khai mở mà chúng ta cần phải hiểu. Cho nên giới luật linh động hoạt bát, không khô cứng.

Khi tôi ở Hoa Kỳ, có một đồng tu học Phật, nhưng chồng cô và người nhà của cô không học Phật. Sau khi học Phật, cô phát tâm ăn chay, người nhà liền khó chịu. Cũng vậy, một lần tôi ở Miami, người chồng của một vị đồng tu liền đến hỏi tôi về thức ăn chay, nếu không dùng gia vị hành tỏi sẽ rất khó ăn, ông hỏi tôi có nghiêm cấm dùng hành tỏi không? Không nghiêm cấm, bạn có thể dùng, dùng một chút hành tỏi còn tốt hơn nhiều so với ăn thịt. Chúng ta khuyên họ không ăn thịt, nhưng vẫn có thể ăn một ít hành tỏi, không đáng gì, đó là khai duyên. Nếu ngay đến những phối liệu này cũng không cho phép họ dùng thì họ sẽ không ăn chay, mỗi ngày vẫn ăn thịt chúng sanh. Ở chỗ này chúng ta nên cân nhắc, miễn sao họ không tạo trọng tội thì cái tội nhẹ kia có thể thông qua đặc biệt đối với giới tại gia. Nhưng với giới xuất gia, nhà Phật nhất định không cho phép, vì sao? Sợ người ta hiềm khích, đàm tiếu rằng vị hòa thượng đó không giữ giới, vẫn còn ăn hành tỏi. Phật ngăn cấm ngũ tân vì ăn nhiều sẽ có lỗi lầm. Cũng giống như rượu, nó thuộc về giá tội. Rượu uống say mới có lỗi lầm. Rất nhiều người khi uống rượu say thì ngủ một giấc thật dài, họ không phạm lỗi lầm nhưng cũng có không ít người, rượu uống say thì khởi tửu phong, từ đó mới có lỗi lầm.

Nhà Phật không có định pháp, không phải là nhất định. Trong gia vị có những thứ này cũng giống như những hương liệu thì không khởi tác dụng gì. Có người xào rau phối một ít rượu, bạn có ăn cũng không thể say, không gọi là phá giới. Ngày trước tôi ở thư viện Từ Quang Đài Trung, trong đó có một vị cư sĩ Lưu, hiện tại nghe nói ông đã xuất gia, người Sơn Đông thích ăn củ hành, mỗi bữa cơm nếu không có vài củ hành thì ông không nuốt được. Trong nhà bếp nấu cơm là một bà cụ cũng là một lão cư sĩ rất thuần thành. Ngày ngày bà mắng ông phá giới, thế nhưng mỗi ngày nấu mì cho lão sư Lý, Lý lão sư là người Sơn Đông thích ăn mì, bà lại nêm một chút rượu. Cư sĩ Lưu ngày ngày mắng ông phá giới vì trong mì có rượu. Chúng tôi ở cạnh thường xem thấy chuyện cười này. Kỳ thực hai bên đều không có lỗi. Ăn vài củ hành không khởi tác dụng gì, mì nêm một ít rượu cũng không khởi tác dụng gì, đều xem là gia vị. Tuy nhiên trong tự viện thường sợ hiềm nghi, còn đạo tràng cư sĩ thì không việc gì. Thực ra, những sai phạm nhỏ nhặt này không cần xem là nghiêm trọng, trong khi cái nghiêm trọng chân thật thì lại quên mất. Cái nghiêm trọng chân thật là gì?

Bạn xem Sa Di Luật Nghi, giới Sa Di mang tiền theo mình là phạm đại giới. Mỗi ngày trên người chúng ta đều mang cổ phiếu, cái đại giới này bạn không để ý trong khi cái nhỏ nhặt kia bạn lại tô vẽ ra, chẳng phải là điên đảo sao? Vì sao Phật bảo người xuất gia không nên mang theo tiền? Đó là phòng ngừa tâm tham, tiền càng nhiều thì tâm tham càng nặng, càng nhiều thì càng khó xả. Cho nên Phật cấm người xuất gia cầm tiền trong tay, trên tay không được cầm vàng bạc tiền của vật báu, nếu phạm đều thuộc về giá giới. Chúng ta nhất định phải hiểu. Đó là ngừa quấy dứt ác, một loại quyền nghi thiết lập. Thế Tôn khổ tâm dạy học nơi nơi đều vì chúng ta làm ra rất nhiều công việc phòng phạm như vậy.

Có hai phương pháp sám hối, nếu ở sự sám, chúng ta tu Đại bi sám, Lương Hoàng Sám, Từ Bi Thủy sám, y theo sám nghi dạy mà chân thật làm mới có tác dụng. Không nên chỉ đọc qua một lần. Nếu có thể y theo Định khai Huệ thì đó là tu tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh sanh trí tuệ, thấu hiểu chân tướng của những tội nghiệp. Kinh Phật nói “Vạn pháp đều không, vạn pháp do duyên sanh, phàm hễ là pháp duyên sanh thì ngay thể đều là không, không thể có được”. Vậy chúng ta tạo tác chủng chủng tội nghiệp là duyên sanh, đã là pháp duyên sanh đương nhiên ngay thể đều là không, đó là đạo lý nhất định. Bạn hiểu được đạo lý này, khế nhập không tánh thì cái tội liền diệt. Chỗ khế nhập như vậy chúng ta thường gọi là chứng đắc. Thế nhưng, nếu chưa chứng được cảnh giới này thì bạn vạn lần không nên nghĩ tội nghiệp là không. Bạn có ăn cơm không? Có, một cái có thì tất cả đều có, một không tất cả không. Nếu bạn quả nhiên có thể vào được cảnh giới tất cả không, tội nghiệp của bạn liền tiêu trừ, vào cảnh giới của kinh Kim Cang: “Nhất thiết pháp hữu vi, pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán”. “Quán” tức là huệ, vào được cảnh giới như kinh phía trước đã nói “Tam tâm bất khả đắc, duyên khởi tánh không”, đây là then chốt, bạn chân thật được giải thoát, không những siêu việt sáu cõi mà còn siêu việt cả mười pháp giới, đó là lý sám.

Từ trên sự mà sám hối là phục phiền não, phục tội nghiệp, làm cho tội nghiệp không khởi hiện hành, còn trên lý sám hối là nhổ sạch tận gốc tội nghiệp, chân thật chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn, đó mới là pháp sám hối cứu cánh. Sám hối phải bắt đầu từ đâu? Kinh Phật dạy chúng ta mười phương pháp, Phật nói “Có mười sự việc là thuận theo sanh tử”, cũng chính là nói, nếu như bạn có mười sự việc này thì bạn nhất định phải sanh tử luân hồi, không thể thoát khỏi tam giới sáu cõi. Nhưng ngoài ra có mười sự việc có thể làm cho bạn siêu việt luân hồi, siêu việt mười pháp giới. Trước tiên chúng ta phải sám trừ mười loại tâm lý tùy thuận chúng sanh sai lầm.

Điều thứ nhất là “Vọng kế nhân ngã, khởi ư thân kiến”, vọng là hư vọng, kế là chấp trước. Bạn chấp trước hư vọng, cho cái thân thể mình là ta, chấp trước thân thể của người khác là người, từ đó sanh khởi ngã chấp nghiêm trọng. Phật đem vấn đề này xếp vào điều thứ nhất, gọi là thân kiến. Chúng ta trong kiến tư phiền não năm loại lớn thì loại thứ nhất là thân kiến, “Thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến”. Năm loại lớn vừa nêu là kiến giải sai lầm, đầu tiên chính là thân kiến. Thân kiến do đâu mà có? Do không hiểu rõ chân tướng sự thật, trong chân tướng sự thật khởi lên hiểu lầm, đem thân của mình thành chính ta, rồi khởi thị phi nhân ngã, điên đảo vọng tưởng, căn bản của luân hồi. Sáu cõi luân hồi do đâu mà có? Chính do những việc này mà ra, cho nên thiện ác trong Phật pháp nói “vì chính mình là ác, vì người khác là thiện”, cứ theo tiêu chuẩn đó mà định. Vì chính mình là tăng thêm ngã kiến, tăng thêm ngã chấp, những thứ này rất phiền phức. Khi không vì ta nữa mà vì chúng sanh thì ngã chấp dần dần tan nhạt, không còn chấp trước thân này là ta, trạng thái hân hoan vui vẻ, an vui tự tại. Vì chúng sanh, vì xã hội, không luận chúng ta ở nghề nghiệp nào đều chân thật hy sinh phụng hiến. Thực tế mà nói, trong hy sinh phụng hiến còn có ngã chấp, ai hy sinh? ta hy sinh; ai phụng hiến? ta phụng hiến, còn chưa quên được cái “ta”. Hy sinh phụng hiến đều không có, pháp vốn như vậy, trong tự nhiên ta có cách làm như vậy, cho nên phải quên mất cái ta mới được.

Loại thứ hai, bên trong có phiền não, bên ngoài có mê hoặc. Phiền não là thị phi nhân ngã, tham sân si mạn vô lượng vô biên. Mê hoặc bên ngoài, có người mê hoặc, có việc mê hoặc, có vật mê hoặc, xã hội ngày nay, mỗi bước đều là hầm hố hoặc hầm lửa, được mấy người có thể thuận buồm xuôi gió vượt qua con đường hiểm này. Nếu bạn không có trí tuệ chân thật thì sẽ dễ dàng bị dụ, cái tạo tác ác nghiệp này rất nặng, nhất định tăng thêm vô minh, tăng thêm phiền não, cũng là tăng thêm nghiệp sanh tử luân hồi, do đó phải nên sám hối.

Thứ ba “nội ngoại duyên thảy đều đầy đủ”, bên trong có phiền não, bên ngoài có ác duyên. Chúng ta làm thiện phải ngay cả trong ý niệm. Chính mình không thể tu thiện, thấy người khác tu thiện lại còn khó chịu, đố kỵ, nghĩ cách phá hoại, cản trở, không ngại tạo ra tội nghiệp cực trọng, do đó chúng ta nhất định phải biết sám hối. Giả như chúng ta gặp phải tình huống này, cũng không nên bị cảnh giới bên ngoài dao động. Tuyệt đối không nên cho rằng, đã làm những việc tốt mà còn gặp phải nhiều khổ nạn, bên cạnh đó lại nghe những lời xúi bẩy của những kẻ tiêu cực cho rằng làm người tốt thường bị gạt, từ đó không dám giữ tâm tốt, không dám làm việc tốt nữa. Như vậy là hỏng. Kẻ xúi bẩy chính là ma, không phải Phật, vậy chẳng phải bạn đi theo ma để học sao? Chúng ta học với Phật, khi cảnh ma hiện tiền, chúng ta mới có thể trải qua khảo nghiệm, quyết không lo sợ, quyết không thoái lui, gặp muôn vàn khó khăn, phải biết được đó là dịp giúp cho chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, là việc tốt, không phải việc xấu.

Kinh Kim Cang, Phật có nói một đoạn “Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì đọc tụng thử kinh”, “thử kinh” ám chỉ kinh Kim Cang. Người thọ trì y theo giáo huấn của kinh Kim Cang là người tốt, thế nhưng bị người ta khinh rẻ, nhục mạ, Phật nói “Con người đó đời trước tội nghiệp phải đọa ác đạo, nếu không thọ trì kinh Kim Cang, không học Phật thì tương lai sẽ lại đọa đường ác”. Hiện tại học Phật, chăm chỉ cố gắng còn bị người khinh rẻ, chà đạp, tội nghiệp của người này hiện tại trả hết, tương lai sẽ không đọa ác đạo nữa. Không những không đọa ác đạo mà còn được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Chúng ta nghe Phật nói những lời này, trong lòng cảm thấy được an ủi. Lời Phật nói luôn chân thật, cho nên người học Phật chúng ta có gặp phải nghịch duyên thì cũng phải thản nhiên, nỗ lực kiểm điểm. Người khác hủy báng chúng ta, chúng ta phải cố gắng nghĩ xem có đúng hay không? Nếu có thì phải mau sửa đổi, nếu không có thì cố gắng khích lệ, “có thì sửa đổi, không thì khích lệ”. Quyết không nên trách người khác, không nên khởi một niệm tâm sân hận, tâm báo thù để lại bị đọa lạc. Chúng ta vẫn có tâm cung kính cảm ân đối với họ, họ tiêu tai diệt tội thay ta, họ là đại ân nhân của ta, làm sao ta không cảm kích. Việc tu học của ta vẫn là mỗi niệm hồi hướng, cầu phước cho họ, đó là cách Phật dạy bảo chúng ta phải làm.

(Còn tiếp ...)

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG

Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]