Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

24. Thời thơ ấu ở Duy Xuyên

14/04/201412:22(Xem: 9216)
24. Thời thơ ấu ở Duy Xuyên
blank


Thời thơ ấu ở Duy Xuyên

blank"Ai bắn viên pháo đó?" Năm 13 tuổi, trên những chiếc ghế đá bên bờ sông Hàn, bao nhiêu lần tôi đã nhìn xuống đáy sông sâu và hỏi như thế. Có lần tôi đã tính tìm về làng cũ, không phải chỉ để viếng thăm mà để tìm những mảnh pháo còn ghim đâu đó chung quanh vườn. Tôi muốn biết ai đã làm ra nó.

Làng Mã Châu của tôi là một ngôi làng nổi tiếng về nghề nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa. Những ngày còn nhỏ, tôi thích đứng xem người lớn nuôi tằm. Nhìn những con tằm nhỏ li ti, bám vào những chiếc lá dâu xanh, nhả những sợi tơ trắng mong manh, cho đến khi trở thành những con nhộng cuộn tròn trong cái kén. Qua đó, tôi cảm nhận sự kỳ diệu của một quá trình sinh diệt khôn cùng của vạn vật.

Cách làng tôi ba cây số về hướng đông là bản doanh của một đơn vị thuộc sư đoàn Thanh Long, quân đội Nam Hàn. Ngoại trừ các vị Tuyên úy Phật Giáo thỉnh thoảng ghé thăm


những ngôi chùa gần quận lỵ, lính Nam Hàn thường đóng chặt trong căn cứ, rất ít ra ngoài và cũng không tham gia các cuộc hành quân mở đường vào mỗi buổi sáng như lính Cộng Hòa. Mỗi khi bị pháo kích, họ bắn trả lại nhiều lần hơn nên du kích cũng ngại, ít khi quấy nhiễu họ. Khi cần ra chợ, lính Nam Hàn di chuyển trong những quân xa có gắn đại liên không khác gì ra trận.

Cách làng tôi hơn một cây số về phía Bắc là quận lỵ Duy Xuyên, do một đại đội địa phương quân và các đơn vị nghĩa quân của các xã gần quận trấn giữ. Đây là khu vực an ninh nhất của quận, có ngôi trường trung học đệ nhất cấp sân rộng trồng đầy hoa phượng đỏ, có chợ quận đông đúc và vài cửa tiệm tạp hóa dọc đường từ quận lên nhà thờ Trà Kiệu. Quận Duy Xuyên còn được một căn cứ pháo binh Hòn Bằng nằm trên núi gần nhà thờ Trà Kiệu yểm trợ, đêm đêm bắn lên những trái hỏa châu soi sáng khu vực chung quanh quận lỵ.

Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ không đóng gần làng tôi nhưng trên đường hành quân thường dừng lại ở Duy Xuyên. Có lần nguyên cả tiểu đội ghé vào nhà tôi. Cha tôi ra dấu mời họ vào nhà nhưng họ từ chối, và chỉ cởi áo nằm phơi nắng ngoài sân. Bọn trẻ chúng tôi hiếu kỳ đứng chung quanh nhìn, cảm tưởng như họ đến từ một hành tinh nào xa xôi lắm. Có khi họ tập trung bọn trẻ chúng tôi lại, phân phát kẹo bánh và dạy vài câu tiếng Anh, trong lúc các bác sĩ, y tá lo khám bịnh và phát thuốc. Một thoáng suy tư chợt đến với tôi “những người Mỹ này từ đâu đến và tại sao họ lại đến đây?" Thế nhưng ở tuổi lên mười, những suy nghĩ như thế đến nhanh và ra đi cũng rất nhanh như tiếng trống tan trường.

Cách làng tôi 3 cây số về phía tây nam là một nhánh rẽ của sông Thu Bồn, chảy về hướng Cửa Đại. Sông Thu đẹp tuyệt vời, bao nhiêu thơ văn đã chảy ra từ dòng sông đó. Ban ngày dòng sông trong như một dải lụa, chảy êm đềm dưới bóng tre xanh; nhưng ban đêm là khu vực hoạt động của các đơn vị du kích xã, chủ lực huyện của quân đội Mặt Trận Giải Phóng. Thỉnh thoảng, du kích từ bên kia sông bắt loa kêu gọi, nhiều khi còn nhắc đúng cả tên họ của anh em, bà con họ đang đóng ngoài quận lỵ, sớm “bỏ súng quay về với nhân dân”.

Hẳn nhiên, bên phía quận cũng lập tức đáp lại bằng những lời kêu gọi “những ai đang lầm đường lạc lối sớm trở về với chính nghĩa quốc gia”, được phát từ một giàn loa khuếch âm có công suất mạnh hơn nhiều lần. Tôi làm quen với những nhóm chữ “dân tộc”, “chính nghĩa”, “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”, “cộng sản”, “quốc gia”rất sớm, không phải từ những bài học lịch sử ở trường nhưng phần lớn qua những buổi phát thanh tuyên truyền của hai bên.

Trong vòng tròn có đường kính mười lăm kilomét chìm trong không khí chiến tranh thường trực đó, làng tôi nằm ngay ở giữa. Đánh nhau trực tiếp không nhiều nhưng nã pháo qua lại thì rất thường xuyên. Sau khi bắc loa chửi nhau một hồi, hai bên thường kết luận bằng dăm ba quả pháo. Nếu chẳng may một viên pháo không điều chỉnh chính xác để bắn được đến đích, sẽ dừng lại ở làng tôi, dăm ba người chết, vài người bị thương và nhiều căn nhà bị cháy. Cuộc chiến tương tàn tính bằng máu xương của bao triệu người Việt Nam đã diễn ra nhiều khi không khác gì một trò chơi trẻ con như thế đó.

Và đêm 21 tháng Giêng năm 1968, do cố tình hay sơ ý, do điều chỉnh cự ly quá dài hay quá ngắn, do nòng súng nâng quá cao hay hạ xuống quá thấp, một viên pháo đã dừng lại trên nóc nhà tôi. Trong các bên đại diện cho chiến tranh trên quê hương tôi, phải có một bên đã bắn ra viên pháo đó. Quân đội Nam Hàn bắn lên? Bên sông bắn qua? Ngoài quận bắn vào? Trên núi bắn xuống? Dù sao, viên pháo vô tri đã xuyên thủng mái nhà tranh và rơi xuống cạnh giường ngủ của cha con tôi.

Chiều trước đó, một chiều cuối năm trong căn nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên, gần cuối bữa cơm đạm bạc như mọi ngày, cha tôi dừng đũa nhìn tôi và nói: " Ăn Tết xong, con xuống Viên Giác ở với thầy ăn học". Tôi "dạ" đáp lời. Thật sự tôi không hiểu cha tôi nói như vậy có ý gì. Chiến tranh tuy đã lan rộng đến những vùng chung quanh, tiếng đại bác vọng về, màu hỏa châu soi sáng dọc bờ sông; nhưng làng tôi cho đến đêm tháng Chạp 1968 vẫn còn tương đối thanh bình. Tại sao tôi phải bỏ đi? Tại sao đang sống bình an với gia đình, tôi lại phải xuống chùa Viên Giác, mãi tận Hội An, để ăn học?

Tôi biết cha tôi là đệ tử thầy Viên Giác. Pháp danh của cha là Như Hồng. Ông rất kính trọng bổn sư và đã vài lần đưa tôi đến thỉnh an thầy. Thầy Viên Giác, như chúng tôi thường cung kính gọi, có pháp hiệu là Thích Long Trí, cũng rất thương tôi. Thầy là Đặc Ủy Thanh Niên của Tỉnh Giáo Hội và thường tổ chức các buổi văn nghệ khắp các nơi trong tỉnh. Khi còn nhỏ tôi thích hát và, so với nhiều bạn cùng đội, tôi hát khá hay. Năm mười tuổi, tôi và một số huynh trưởng Gia Đình Phật Tử xã Xuyên Châu, được thầy Long Trí chọn vào ban văn nghệ trực thuộc Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam và Đặc Ủy Thanh Niên của tỉnh giáo hội Quảng Nam. Với các anh chị trưởng đó là một vinh dự hiếm hoi, nhưng với tôi đó lại là một niềm vui, vì tôi có dịp bước ra khỏi ốc đảo cô đơn của mình để theo thầy đi nhiều nơi trong tỉnh. Những đêm văn nghệ lửa trại thường không có sân khấu, và để mọi người thấy mặt, thầy bảo tôi đứng trên ghế mà hát.

Thế nhưng, dù thân thiết bao nhiêu đi nữa, dù gần gũi bao nhiêu với đội, với đoàn, việc xuống ở luôn với thầy ăn học như cha tôi dặn dò, là điều trong trí óc thơ ngây của tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cha tôi thì sao? Căn nhà thân yêu, ngôi trường xinh xinh và dòng sông nhỏ của tôi thì sao? Tuy thắc mắc trong lòng nhưng tôi vẫn dạ khi cha tôi dặn dò. Như một thói quen, tôi vẫn "dạ" nhiều lần trong những đêm khuya, khi cha tôi ru tôi ngủ bằng những câu chuyện buồn nhiều hơn vui của đời ông. Cha tôi không giải thích lý do tôi phải ra đi và tôi cũng chẳng hỏi gì thêm. Nhưng buổi sáng hôm sau tôi mới biết ra rằng bữa cơm tối hôm qua là bữa cơm cuối cùng của cha con tôi trong căn nhà nhỏ ở Duy Xuyên. Lời dặn dò của cha tôi trở thành lời trăn trối của ông khi một viên đại pháo rớt vào căn nhà tranh của chúng tôi.

Viên pháo nổ tung tuổi thơ tôi thành nghìn mảnh vụn, chặt đứt đi của tôi một tàn cây che mát cuối cùng, chỗ dựa thiêng liêng duy nhất mà tôi có trên thế gian này. Tôi thức dậy sau tiếng nổ với một chiếc áo rách tươm và thân hình đầy máu. Không phải máu của tôi nhưng là máu của cha tôi. Cha tôi ra đi không kịp nói với tôi thêm một lời nào khác ngoài những dặn dò sau buổi cơm chiều vừa qua. Tôi áp ngực để nghe nhịp tim, vẫn còn đập nhưng vô cùng yếu ớt của ông.

Cha tôi ra đi giữa lúc tuổi đời tôi còn quá nhỏ, câu chuyện tình giữa mẹ và cha đã vĩnh viễn dở dang. Giọng hát bội Nam Ai buồn não nuột của ông đã tắt. Ông đến một nơi, tôi không chắc là đâu nhưng có một điều tôi tin, ở đó sẽ không có chiến tranh, không bom đạn, hận thù, nghèo đói, bịnh tật, những độc dược đã tàn phá gia đình tôi, và bao nhiêu thế kỷ hủy hoại đến mức tận cùng sinh lực của đất nước tôi.

Bao nhiêu năm qua, mỗi khi nghĩ về lời dặn dò của cha, tôi cảm nhận được trong đó sự kỳ diệu của tình người. Cha tôi phải ra đi nhưng đã tìm một nơi ông yên lòng nhất để gửi gắm tôi. Mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi giờ, mỗi sát-na mà tôi đang sống, cha tôi, qua hình ảnh một cơn gió nhẹ, một áng mây trên nền trời xanh, luôn ở gần tôi, che chở cho tôi trong những cơn hoạn nạn, vực tôi đứng dậy sau những lần vấp ngã.

Viên pháo nổ tung ở một thời gian tôi đang quá cần một mái ấm gia đình, một người cha để khuyên răn dạy dỗ, một ngôi trường để học. Viên pháo nổ tung trong lúc cánh cửa tâm hồn tôi vừa hé mở ra để đón nhận những kiến thức mới lạ, để học hỏi và suy tư tích cực về cuộc đời thay vì phải đón nhận cảnh điêu linh tang tóc.

Từ thuở chào đời, tôi đã là một đứa bé bất hạnh. Mẹ và anh chị tôi đều mất rất sớm. Trí nhớ của tôi còn quá non để giữ lại hình ảnh mẹ. Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có đến một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn là tuyệt đối.

Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những bụi hoa vạn thọ.

Tôi không biết gì nhiều về mẹ ngoài những chuyện do cha tôi kể lại, tôi không biết gì nhiều về Nghi Hạ, nơi cha mẹ tôi gặp nhau, tôi không biết gì nhiều về Quế Sơn, tôi không biết gì nhiều về mảnh đất miền núi cao của quê hương Quảng Nam nghèo khổ của tôi, mảnh đất đã từng chôn khúc nhau tôi. Cha tôi kể lại rằng ở đó có hàng tre, cha tôi gọi là hàng tre Nghi Hạ. Dưới bóng mát của hàng tre ấy ông và Mẹ Quảng Nam đã gặp nhau, yêu nhau và cưới nhau. Họ cùng nhau dựng lên căn nhà tranh, đúc lò ươm tơ, đóng khung dệt lụa và xây một tình yêu chân thành, mộc mạc bên nhau.

Đêm tân hôn của họ trong thời buổi tản cư không có rượu nồng, pháo đỏ, không nhẫn cưới và vắng đi cả những lời chúc tụng của cha mẹ, của bà con thân thuộc. Họ chúc nhau bằng ly nước nấu từ lá vối. Tôi chưa bao giờ được uống một ly nước vối nhưng nghe bà con nói nhà nghèo thường uống nước vối thay cho nước chè xanh, nước vối hơi chua và hơi chát. Dù sao, ở đó, trong một đêm huyền diệu của đất trời, những giọt máu của họ đã hòa vào nhau thành một, đã quyện vào nhau thành một, đã đan chặt lấy nhau, đã ôm ấp nhau để tái tạo nên tôi, tái tạo nên một kiếp con người.

Cha tôi kể rằng ở đó có rừng sim tím. Không biết ông có thường hái tặng mẹ khi mùa hoa sim nở? Một người có tâm hồn đầy thơ như cha tôi thế nào mà chẳng có. Thế nào ông chẳng hái một bó hoa sim cắm lên chiếc lọ bằng đất trên đường đi làm về và nhẹ nhàng đặt lên chiếc bàn bằng gỗ mít của mẹ. Thế nào ông chẳng có khi dắt mẹ đi dạo trên đồi sim trong những buổi chiều tà khi mặt trời rực đỏ dưới chân dải Trường Sơn hùng vĩ, cùng nhau thêu dệt ước mơ và niềm hy vọng ở đứa con sắp chào đời của họ.

Tôi được sinh ra và lớn lên trong nỗi ưu tư về cuộc đời và về thân phận của mình. Tôi biết băn khoăn, thắc mắc ngay từ thuở chỉ vừa lên năm, bảy tuổi. Tại sao tôi chỉ có một mình? Tại sao mọi người đều lần lượt bỏ tôi đi? Nếu mai mốt ba tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với ai? Lớn lên tôi sẽ làm gì? Tại sao đất nước tôi lại có chiến tranh? Những người du kích bên kia sông là ai? Và ở đó, những buổi chiều vàng bên ngôi mộ nhỏ của mẹ, tôi để lòng tuôn chảy những suy tư, giằn vặt đang bắt đầu đè xuống trên đôi vai nhỏ bé của mình. Từ khi còn rất nhỏ tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ là những ngày đầy biến cố. Tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa Mã Châu, phải chăng thôn làng nhỏ bé này sẽ không đủ lớn để chứa hết những buồn đau, u uất của tôi?

Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuỗi ngày ưu tư và chờ đợi một điều gì sắp đến.

Vài hôm sau, với vài chiếc áo cũ gói trong chiếc khăn lụa của mẹ để lại, tôi theo đoàn người lánh nạn đi về thành phố. Khi chiếc xe già nua dừng lại bên chân cầu Vĩnh Điện, nhìn rặng tre soi bóng bên sông Thu Bồn, tôi nhớ cha tôi, nhớ căn nhà thân yêu sau trận Mậu Thân chỉ còn là một đống tro tàn. 

Tôi chẳng phải là nhà văn hay nhà thơ có những sáng tác đều tay nhưng tôi cũng đã tập viết để ghi lại những cảnh khổ đau chịu đựng mà tôi đã gặp trong chiến tranh và trong những ngày hòa bình khốn khổ sau 1975. Thế nhưng sẽ không bao giờ tôi có thể viết hết về cuộc sống của chính mình, một đứa bé 13 tuổi không gia đình, không cha mẹ, lạc lõng giữa một thành phố lớn.

Đà Nẵng của những ngày tôi ở đó là thành phố chiến tranh, hỗn loạn, với những doanh trại, bãi tắm được gọi bằng tiếng Mỹ, China Beach, TienSa Camp, Monkey Mountain. Đường phố đầy người chạy loạn từ Huế, từ các quận miền núi đổ về, sống lăn lóc, đói khát dọc bến xe chợ Cồn, chợ Vườn Hoa. Cách thành phố không xa là bãi rác Hòa Cầm rộng mênh mông. Nơi đó, mỗi buổi sáng, hàng trăm đứa bé ở tuổi tôi bám theo những chiếc xe đổ rác Mỹ để nhặt những miếng thịt thừa, những lon bơ bỏ dở và ngay cả từng chiếc bao ny-lông dơ dáy. Tôi may mắn hơn vì khi đêm xuống còn có một trại cây ở trên đường Hùng Vương để về ngủ, những đứa khác phải ngủ bên hè các rạp hát chợ Cồn, Trưng Vương, Lido.

Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh là những con ruồi, con nhặng chứ không phải những búp măng non của đất nước như chúng ta thường đọc trong sách vở. Chúng tôi đều thất học. Tôi chỉ mới học xong lớp bảy, tuy thế, vẫn là thằng có học nhất trong đám trẻ mồ côi. Bọn chúng tôi có đứa sống bằng nghề đánh giày trên bến xe, có đứa bán cà-rem dọc phố, và có đứa đi trộm cắp và móc túi trong chợ. Tôi sống không lâu nhưng khi nhớ lại tuổi thơ mình, tôi vẫn cảm thấy xót xa, thường tự hỏi những nhánh sông chảy ngược ngày xưa đó bây giờ đang ở đâu.

Đà Nẵng những ngày tôi ở, có những chiếc chiến xa nặng nề, những khẩu đại pháo nòng dài được cất lên từ chiếc tàu lớn neo ngoài cửa biển Sơn Chà và từ đó đi vào cuộc chiến; tiếng gầm thét của những đoàn phi cơ chiến đấu đang đáp xuống phi trường quân sự ngoài ngã ba Duy Tân; tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng chọc ghẹo, ok, hello, goodbye của những người lính Mỹ trắng, Mỹ đen ôm gọn trong tay những cô gái Việt Nam ốm yếu xanh xao vào tuổi chị tôi, vọng lại từ những hộp đêm dọc bờ sông Bạch Đằng. Ở tuổi 13, tôi cũng đã biết hổ thẹn, biết xót xa tủi nhục cho số phận làm một người Việt Nam, có quê hương mà như mất quê hương. Trên những bến xe đò, hai bên hè phố, đâu đâu cũng thấy ăn mày, đâu đâu cũng có người chạy giặc, đâu đâu cũng có tật nguyền thương tích chiến tranh. Tôi thường tự hỏi, tại sao lại là Đà Nẵng? Tại sao là Việt Nam quê hương tôi mà lại không phải một nơi nào khác?

Và như thế, thời niên thiếu của tôi chìm đắm trong chiến tranh và thù hận.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]