Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 19: Trở lại chùa xưa

24/03/201420:30(Xem: 9287)
Phần 19: Trở lại chùa xưa
blank
Phần 19: Trở lại chùa xưa

HT Thich Như Điển

Đ

ến nước Nhật có nhiều điều để xem. Ở nước Nhật có nhiều điều để nói. Đi khỏi nước Nhật có nhiều điều để tiếc thương và trở lại nước Nhật cũng là một đề tài lớn, mà tôi sẽ viết tất cả trong chương cuối nầy để xếp lại một cuộc đời sinh viên Tăng Sĩ tại xứ người, trước khi sang xứ Đức để học hành và làm việc.

Ở đâu quen đó. Đây là chuyện bình thường. Ngay như người từ Mỹ đi du lịch qua Úc, họ khen nước Úc đẹp; nhưng họ bảo: tuy vậy nhưng tôi phải trở lại quê tôi. Nói cho cùng, tất cả chúng ta đều là những người tỵ nạn trên quả địa cầu nầy. Bởi vì do cái chấp thường hằng nên chúng ta cho rằng: đây là quê ta, đó là quê người, mà ta và người, người và ta cũng chỉ là những cánh chim bạt gió, những loại cây chùm gởi, qua lại trong vũ trụ nầy mà thôi.

Chiếc máy bay Air Vietnam đưa tôi trở lại Tokyo trong mùa hè năm 1974 ấy; không biết bây giờ nó đã ra sao rồi, sau gần 40 năm thăm thẳm của thời gian? nhưng tôi thì vẫn còn đây. Vẫn còn sáng suốt để viết những gì mình còn nhớ. Rủi một mai đây chẳng nhớ lại được một điều gì thì quả là điều đáng tiếc biết bao nhiêu !?

Trở lại chùa xưa để tiếp tục học cho hết năm thứ 2 Đại Học. Hai năm đầu nầy học những môn chung chung và qua năm


thứ 3 sẽ chọn môn chuyên khoa của mình muốn học và năm thứ 3 cũng sẽ là năm chuẩn bị cho luận văn ra trường. Nếu có lơ đễnh trong chuyện học thì cũng chỉ được phép trong hai năm đầu. Còn hai năm sau là học rốt ráo để ra trường. Ở Nhật và ở Mỹ chế độ học và thi vào Đại Học rất khó; nhưng khi đã đậu được vào rồi, sinh viên cứ thế đóng học phí, thi cử và tính năm để ra trường; không như ở Đức và một vài nước Âu Châu khác. Họ không thi vào Đại Học, chỉ ghi danh và học đến khi nào muốn thi ra trường thì thi. Cho nên có nhiều sinh viên ở Đức học ở Đại Học đến 20 Semester vẫn chưa tốt nghiệp. Lý do hầu như Đại Học nào ở Đức cũng không thu học phí; nếu có, chỉ là tiền bút mực giấy tờ thôi. So ra học phí Đại Học của Nhật và của Mỹ thì khủng khiếp lắm.

Chế độ Tiểu Học của Mỹ và của Nhật 6 năm và Trung Học 6 năm nữa. Cộng chung thành 12 năm. Thế nhưng ở Đức đến 13 năm. Gần đây họ mới rút ngắn Trung Học và Tiểu Học còn lại 12 năm; nhưng trước đây 5 năm nước Đức vẫn theo chế độ giáo dục cũ. Ở Hoa Kỳ và ở Nhật sinh viên học 4 năm ở Đại Học, 2 năm ở Cao Học và 3 đến 5 năm là ra trường Tiến Sĩ. Trong khi đó Cử Nhân ở Đức 5 năm và thuở xưa họ không có chương trình Cao Học. Tốt nghiệp 5 năm Đại Học Đức cộng với 13 năm Trung & Tiểu Học. Cuối cùng vẫn 18 năm để có bằng Cao Học; giống như các nước khác. Gần đây chương trình Đại Học của Đức cũng đã mở thêm các khoa Cử Nhân 4 năm, Cao Học 2 năm và Tiến Sĩ từ 3 đến 5 năm.

Thầy Minh Tuấn giấy tờ đã xong, tôi đi ngoại giao với Thầy Yamada, Viện chủ chùa Kim Cang Viện (Kongoin) chùa cũng nằm gần chùa Honryuji nơi tôi ở mấy năm nay. Tiện nhất là cùng nằm trên một con đường Ueno của thành phố Hachioji nầy. Thuở ấy nếu tôi xin Thầy Oikawa để Thầy Minh Tuấn về đây ở chung cũng được; nhưng tôi sợ ở ba, bốn người Việt Nam chung một chùa Nhật thì bao giờ mình mới giỏi tiếng Nhật được. Thế là tôi quyết định đi tìm chùa cho Thầy ấy ở.

Thầy Yamada hay đi Việt Nam thường xuyên. Do vậy giới thiệu một Thầy Việt Nam vào ở chùa của Thầy ấy, không có gì trở ngại, mà Thầy ấy còn vô cùng hoan hỷ nữa. Khi Thầy Minh Tuấn đến đây, Thầy ấy cũng chẳng hiểu tiếng Nhật nào; chỉ nhìn cách nói và hành động ra dấu là có thể thấu triệt được người đối diện mình muốn nói gì. Một hôm Thầy Yamada nói bằng tiếng Nhật, có ý bảo Thầy Minh Tuấn đi lau giùm chiếc xe hơi; nên đưa chìa khóa xe cho Thầy ấy. Thầy Minh Tuấn nghe không hiểu cho nên vào phòng thay áo quần thật đẹp vào garage lùi xe và đứng chờ Thầy Yamada ra. Thầy Yamada sau một hồi làm công chuyện trên chánh điện bước ra thấy Thầy Minh Tuấn đang đứng đó với bộ dáng chờ đợi trong bộ đồ đẹp, chuẩn bị đi. Lúc ấy Thầy Yamada chẳng biết nói cách gì khác hơn là lấy mấy xô nước và đồ lau xe ra để đó. Lúc nầy Thầy Minh Tuấn mới hiểu ý và đi thay đồ để rửa xe.

Thật ra ngôn ngữ không đơn giản. Khi học và thực hành mỗi ngôn ngữ muốn cho giỏi trong các phương diện như: đọc, nghe, viết và nói ít nhất phải tốn vài năm. Có khi còn phải lâu hơn như thế nữa. Nơi đây thử định nghĩa như thế nào là một người nói giỏi ngôn ngữ? Theo tôi, một người giỏi ngôn ngữ là người ấy khi đàm thoại với người địa phương lúc nào họ cười mình cười, lúc nào họ vui mình vui, lúc nào họ sầu não, mình cảm thông cho họ. Thế là giỏi. Ngược lại, một người ngoại quốc nói ngoại ngữ không thông như: phát âm không đúng, văn phạm không rành; không phải chuyện cười mà mình cười, hay ngược lại. Đồng thời không nắm hết được ý chính của người đối diện nói, thì xem như hỏng cả đầu đến đuôi. Vấn đề quan trọng ở đây là ý chính của câu chuyện. Nếu nghe một câu chuyện mà không nắm rõ ý chính người ta muốn nói gì thì việc học ngoại ngữ ấy cần phải xét lại.

Năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba và cả năm thứ tư giờ Nhật ngữ của tôi cũng xem như là quốc ngữ trong phân khoa nầy, tôi chọn ông Thầy Okata. Mỗi lần học, ông ta biểu tôi đem tờ báo Yomiuri ra đọc phần „Thiên Nhơn Thinh Ngữ“ cho ông nghe và ông ta bảo tôi phân tích vấn đề. Đây là tiêu đề của tờ báo. Nó cũng giống như Thư Tòa Soạn của báo chí Việt Nam mình. Thôi thì đủ chuyện của thiên hạ sự. Đôi khi có đoạn nói về chính trị đương thời, lắm khi lại chen vào đó một câu chuyện cổ tích, hay những điển tích và thành ngữ khó hiểu. Chỗ nào tôi không rành, tôi dừng lại đó và chờ cho ông ta giải thích. Được một cái hay là chỉ một mình tôi học với ông; nên ông tha hồ hỏi chuyện tôi và tôi cũng tha hồ nói chuyện với ông ta. Nhờ vậy tiếng Nhật của tôi giỏi. Khi ông cho tôi đọc như vậy ý ông cũng muốn khảo hạch tôi có rành những phát âm chữ Hán không. Nếu không rành và không thuộc mặt chữ thì không thể đọc được. Chữ Hán và tiếng Nhật có cái khác biệt với tiếng Anh, tiếng Pháp cũng như tiếng Đức là: Nếu không thuộc mặt chữ thì không đọc được. Còn các ngôn ngữ kia, mặc dầu ý nghĩa không biết nhưng cũng có thể đọc được như thường. Cuối cùng ông phê cho tôi mấy chữ là: „Thiên tài của ngôn ngữ học“. Thực ra đây cũng chỉ là việc thường thôi! Nhưng là một niềm vui. Vì có người học trò nào mà chẳng thích việc nầy!

Muốn học và đọc cũng như nói, nghe, viết thông thạo tiếng Nhật phải biết 4 loại chữ: loại chữ thứ nhất là chữ Roma. Đó là cách viết theo mẫu tự La Tinh a, b, c để dành cho người ngoại quốc học tiếng Nhật lúc ban đầu. Ngày xưa tiếng Nhật cũng dùng hoàn toàn bằng chữ Hán như Việt Nam chúng ta; nhưng đến thế kỷ thứ 13, Ngài Kukai (Không Hải) Đại Sư vốn là vị sáng Tổ của Chơn Ngôn Tông đã thiết lập một loại chữ Hiragana để đọc và viết những chữ Hán đơn âm. Ví dụ như „ie“ là cái nhà; nhưng nếu viết chữ „Gia“ nầy đứng chung với một chữ Hán ở phía sau hay phía trước, nó trở thành danh từ và chỉ cần ghép âm là đọc được. Ví dụ như: Katei (gia đình), Kazoku (gia tộc), Kagu (gia cụ) v.v... Người Việt Nam mình lanh lẹ nên thấy âm nào na ná cứ ghép đại vào đọc cũng đúng như thường. Ví dụ như chữ „lịch“ đọc là „reiki“, ghép vào với chữ „sử“ đọc là „si“. Vậy Reikisi tức là lịch sử. Bất cứ chữ nào khởi đầu bằng chữ Hán đều có thể ứng dụng được việc nầy cả. Độ đúng chừng 60 đến 70 phần trăm. Dĩ nhiên là có rất nhiều chữ ngoại lệ. Mặc dầu Đạo Phật Nhật Bản ngày hôm nay đã bị thế tục hóa rất nhiều; nhưng công sức tạo ra ngôn ngữ cho người Nhật sử dụng ngày hôm nay, không phải bị lệ thuộc Trung Quốc nhiều thì phải nói đến công đức của Ngài Không Hải vậy. Đi xa hơn nữa: Trà Đạo, Thơ Đạo, Kiếm Đạo, Hoa Đạo v.v... đều có sự đóng góp tích cực của Phật Giáo từ thời buổi xa xưa kia.

Chữ Katakana sau thời kỳ Minh Trị Duy Tân (1868) mới thành hình. Vì lẽ chữ nầy chỉ để dùng đọc tên tuổi của các địa phương hay nhân vật ngoại quốc và rất ít thông dụng trong tiếng Nhật hằng ngày. Ngày xưa người Trung Hoa cũng phiên âm chữ Pháp Montesquie thành Mạnh Đức Tư Kiêu, đố ai đọc mà hiểu được. Ngày nay người Nhật tiến bộ hơn, họ dùng tiếng Katakana phiên âm na ná danh từ chính để đọc. Cũng tạm thôi, vì nghe quen mới hiểu; chứ mới nghe thì khó vô cùng.

Sau 3 tháng tôi trở lại Nhật đã nhận được tin vui từ Thầy Bảo Lạc báo tin là hồ sơ thị thực vào Nhật đã xong. Lúc ấy tôi vừa đi học và cũng vừa tìm hiểu thêm những chùa viện chung quanh phố Ueno thì được Thầy Oikawa cho biết là nên đến Shinso-in (Tín Tùng Viện) cách đấy chừng một cây số về hướng Bắc để hỏi thử xem. Cuối cùng rồi cũng đã có kết quả tốt là hai ông bà chủ chùa rất hoan hỷ để đón nhận người anh ruột của tôi vào ở chùa nầy. Chùa nầy theo phái Thiền Tào Động. Chắc là Hòa Thượng Bảo Lạc ở đây sẽ thích hợp hơn.

Mùa Đông năm đó 1974-1975 Thầy ấy không đo được cái lạnh của Đông Kinh như thế nào; nên Thầy đã mặc áo Nhựt Bình lam mỏng đi dưới mưa tuyết, kết quả là chảy máu cam. Nhưng Thầy rất vui. Đây là lần đầu tiên Thầy Bảo Lạc thử sức với cái lạnh của Đông Kinh thuở ấy và những ngày tháng đầu tiên kia Thầy mỗi ngày nhận được cả hằng tá lá thư của học trò Trung Học từ Việt Nam gởi sang. Chỉ bóc thư và đọc không cũng tốn rất nhiều thì giờ; nhưng thuở ấy là một niềm vui. Nếu bây giờ có tình trạng nầy, chắc ai cũng chẳng mong đợi làm gì. Vì thì giờ đâu để đọc. Những ngày tiếp theo, Thầy đi học Nhật ngữ và sau đó thi đậu vào Đại Học Komazawa học về Phân khoa Xã Hội Học còn Thầy Minh Tuấn thì vào học tại Đại Học Takaozan (Cao Dã Sơn) của Tông Chơn Ngôn.

Để chuẩn bị vào năm thứ 3 của Đại Học (1975-1976) tôi chọn môn Anh ngữ giáo dục làm chuyên ngành. Đây là một thử thách lớn. Vì lẽ ở Việt Nam tôi chọn Pháp văn làm sinh ngữ một, học 7 năm tại Trung Học; còn Anh văn sinh ngữ 2; chỉ học có 3 năm Trung Học đệ nhị cấp ở Việt Nam và hai năm Đại Học nầy, đâu có thấm thía gì. Thế mà cả gan thật. Khi chọn môn nầy có cái vui là được đi thực tập giờ dạy Anh văn tại các lớp Trung Học đệ nhị cấp của trường. Học sinh Nhật thấy tôi mặc áo Nhựt Bình của Tu sĩ, ban đầu họ chẳng biết là gì. Nhưng sau dần dần chúng cũng quen đi. Mới đầu nói tiếng Nhật; nhưng sau đó dùng toàn Anh văn để giảng bài. Chúng phục lắm; nhưng chúng đâu có biết rằng: tất cả đều có giáo trình của trường đã soạn sẵn hết. Cứ học thuộc lòng trước đó là ngày hôm sau lên bục giảng, giảng bài được rồi. Đây là chỗ „thủ“ của mấy Thầy Cô giáo mà. Ngay như làm toán cũng đã có đáp số trước rồi nữa. Có lẽ Bộ Giáo Dục sợ các Thầy Cô giáo không rành toán, sẽ đáp số sai. Nếu dạy như vậy thì học sinh khi thi sẽ không đậu. Đây là điều cấm kỵ vậy. Kể ra làm nghề gì nó cũng có những nguyên tắc và những điều khó nói của nghề ấy. Miễn rằng nghề kia không phụ bạc lương tâm và khả năng của mình là được rồi.

Nhờ có học trước, trước khi lên giảng bài thực tập Anh văn cho lớp mà tiếng Anh tôi tự tin hơn. Đúng là đâu phải làm Thầy là giỏi, mà làm Thầy chính là học hỏi để mình trở thành ông Thầy có kinh nghiệm nhiều hơn khi đứng lớp hoặc lúc vào đời.

Đầu năm 1975 tình hình chiến sự miền Nam Việt Nam gia tăng dữ dội, mặc dầu Hiệp định Paris đã ký kết vào đầu năm 1973 là các phe đều phải ngưng chiến để tái lập hòa bình cho hai miền của quê hương đất nước. Thế nhưng mỗi ngày xem truyền hình thấy những mũi tên đỏ từ từ lấn chiếm và tràn xuống từ phương Bắc hết Quảng Trị đến Huế, rồi Đà Nẵng, Kontum, Nha Trang, Ban Mê Thuột v.v... lúc ấy tôi chẳng biết làm gì hơn là cầu nguyện. Báo chí Nhật đưa tin hằng ngày, hằng giờ, khiến cho tôi phải lo lắng; nhưng không biết phải tính như thế nào đây? Vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi đang học năm thứ 3 tại Đại Học Teikyo, Hachioji thì có điện thoại từ chùa Honryuji gọi vào văn phòng trường báo tin cho tôi biết là Sàigòn đã thất thủ. Lúc ấy học trong trường nầy chỉ có 3 người Việt Nam đó là: tôi, Ký và Nguyễn Thị Kim Cúc. Cả 3 đều học 3 phân khoa khác nhau; nhưng hôm đó tự dưng gặp nhau trong thang máy của Thư Viện trường. Câu hỏi của cô Cúc là: Bây giờ mình phải làm gì đây? Ký bảo: Chắc phải mang Passport lên Tòa Đại Sứ Việt Nam để gia hạn. Thế là chúng tôi bỏ học cả ngày hôm đó để đi làm giấy tờ.

Khi đến Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở nhà gare Yoyogi thì thấy cả hằng mấy trăm sinh viên đang đứng sắp hàng tại đó. Lúc bấy giờ tâm sự của ai cũng giống nhau và cũng chẳng biết tính như thế nào đây. Người muốn bỏ Nhật đi Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Người muốn đi Pháp; nhưng thuở ấy những sinh viên học chưa ra trường như tôi còn rất nhiều; nên họ quyết ở lại Nhật học cho xong Đại Học rồi cái gì đến nó sẽ đến. Có người lo xa, sợ Nhật bắt mình trả lại Việt Nam như thời kỳ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh thì cũng khốn. Nhưng cũng có nhiều ý kiến góp vào là: Thời đó đã xa rồi; cho nên cũng tạm yên tâm.

Cuối cùng rồi chúng tôi cũng được Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa đóng lên Passport có giá trị cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1980; nghĩa là 5 năm nữa. Trong 5 năm ấy có không biết bao nhiêu là vật đổi sao dời. Trong khi đó Tổ chức Beiheito (Việt Nam Hòa Bình Thống Nhất Hội) đã bắt đầu lộ diện, mang cờ đỏ sao vàng vào tiếp thu Tòa Đại Sứ. Bức tranh vân cẩu đã hiện nguyên hình. Cuộc đời bao giờ cũng có hai mặt tốt và xấu, được và thua. Những kẻ bỏ lỡ cơ hội, giờ đây lo khăn gói lên đường để tìm một phương trời khác ẩn nhẫn nuôi thân, chờ thời. Còn những người cơ hội chủ nghĩa nhảy ra múa may quay cuồng để lập nên những thành tích mới.

Một điều phải nói ngay và nói thẳng là xin cảm ơn đất nước Việt Nam, xin cảm ơn Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa thuở ấy đặt tại Tokyo. Nếu không có con dấu gia hạn Passport 5 năm kia thì chúng tôi không có cơ hội đi ra ngoại quốc tiếp tục và chúng tôi cũng không có pháp lý để ở lại Nhật nữa; nhưng nhờ là lúc đó chính quyền cộng sản Việt Nam chưa lập bang giao liền với Nhật Bản nên đa phần người Nhật thả nổi đời sống của anh em sinh viên chúng tôi. Cũng may là mỗi năm ra Sở Ngoại Kiều, họ đều tiếp tục đóng dấu gia hạn cư trú vào Passport của Việt Nam Cộng Hòa, mặc dầu chính quyền nầy không còn pháp lý nữa sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trong khi đó tại Đức và Âu Châu cũng như Mỹ và Úc các chính phủ đã có chính sách tỵ nạn rõ ràng; nên các anh em sinh viên có thể tạm trú rồi sau nầy làm đơn xin tỵ nạn, họ cấp thẻ tỵ nạn. Cuối cùng đủ năm tháng làm đơn xin vào quốc tịch của nước đó. Mãi cho đến nay (2012) có nhiều sinh viên ở trước năm 1975 tại Nhật; nhưng vẫn chưa vào quốc tịch Nhật; chỉ giữ lại tư cách thường trú nhân và mỗi lần muốn đi ra ngoại quốc họ phải xin Visa rất khó khăn, đồng thời phải xin tái nhập quốc vào nước Nhật nữa.

Ở Đời hay Đạo gì cũng vậy, trong cái rủi lại có cái may; trong cái may đã hàm chứa cái rủi trong ấy rồi. Do vậy ông bà ta thường hay nói rằng: „Đâu có ai giàu ba họ và đâu có ai khó ba đời“ là nằm trong ý nghĩa nầy vậy. Phương hướng thì có Đông, Tây, Nam, Bắc. Khí hậu thì có Xuân, Hạ, Thu, Đông và con người có lúc vinh, lúc nhục, lúc giàu, lúc nghèo, lúc khổ đau, lúc hạnh phúc… ấy cũng là những việc bình thường thôi. Điều quan trọng là chúng ta có đủ can đảm và ẩn nhẫn để vượt qua hay không; đó mới là điều đáng nói vậy.

Những người học tại Nhật lúc ấy sau nầy sang Pháp như: Lê Tùng Phương, Nguyễn Chánh Lý, Huê, Lê Vinh, Sơn, Ký v.v… họ đều thành công và đa số có mặt trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức thuộc chùa Khánh Anh và họ hỗ trợ cho Hòa Thượng Minh Tâm từ đó đến nay cũng đã gần 40 năm rồi. Những người qua Mỹ như: Anh Phụng, Trần Phước Anh, Nguyễn Quang Dục và một số lớn cư ngụ tại California cũng thành công vượt bực. Một số qua Canada để định cư như: Phong, Hoàng v.v… cũng không kém những người đi Hoa Kỳ là mấy. Ở Đức chỉ có tôi, cô Thu Cromme, cô Hồ Thy Kiều và hình như không còn ai nữa. Riêng ở Úc thì có Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Thầy An Thiên và một số anh em sinh viên khác cũng đã chọn đất lành nầy mà tạo dựng cho mình và tương lai của con cái mình có một chỗ đứng thật vững vàng. Điều nầy rất đáng tán dương. Chỉ có một điều hơi tiếc là đi đâu cũng nghe than phiền rằng: Người Việt Nam chẳng đoàn kết. Điều ấy hẳn đúng. Tôi bây giờ phải nghĩ lại rằng: „May mà người Việt Nam không đoàn kết đó. Nếu đoàn kết lại hết thì thế giới nầy sẽ mệt. Vì người Việt Nam mình quá giỏi“.

Ở Đức, Bộ Giáo Dục làm thống kê cho biết là: Sau khi đậu Trung Học có 15 phần trăm người Thổ Nhĩ Kỳ ghi tên vào Đại Học. Người Đức có 60 phần trăm; còn con em Việt Nam mình tuy số ít nhưng chiếm 65 phần trăm. Như vậy người Việt Nam cũng đáng ghi vào sổ kỷ lục của thế giới rồi. Từ những người Hoa, người Pháp, người Nhật họ đến chiếm đất đai và quê hương của mình. Điều đầu tiên là họ chia ra để trị. Nếu để chung một khối làm sao họ bẻ gãy được sức mạnh nầy. Họ phân hóa, phân tán bằng nhiều hình thức khác nhau như: Lợi dụng, mua chuộc, nói xấu, ly gián v.v… khiến cho những người vì lợi dưỡng có thể tin ngay điều kia là đúng. Cuối cùng rồi chỉ người mình bôi mặt đá nhau thôi. Tôi rất xấu hổ về điều nầy. Cho nên chọn giải pháp yên lặng, không phê bình, không chỉ trích, không lên mặt dạy đời ai cho tâm mình an ổn để còn làm những việc khác nữa và điều quan trọng là „để xem con tạo xoay vần đến đâu“ nữa. Dại gì mình bị mắc mưu. Mưu ấy có thể vì ganh tị, đố kỵ, bè phái, chủ nghĩa v.v… Tất cả đều là chữ „giả danh“ hết. Có gì đó mà phải bận tân. Một cây củi thật lớn, không ai làm gì được, phải chẻ ra từng thanh củi nhỏ mới đem chụm lửa được. Đây là cái khôn ngoan của con người đối với thực vật và động vật. Không lẽ giữa con người và con người, ta cũng đối xử với nhau như thế chăng? Điều ấy hẳn vô lý. Bao nhiêu năm ở Nhật và ở Đức tôi đã học được điều nầy và sẽ ứng dụng cho đời mình, cho đến khi nào nắp quan tài đậy lại.

Mỗi người trong chúng ta chỉ sống một giai đoạn ngắn trong hành trình sinh tử nầy rồi cũng phải ra đi thôi. Tại sao chúng ta lại sát phạt nhau để làm gì ? Nếu chúng ta biết rằng: mình giỏi thì người khác cũng giỏi hơn mình, hay bằng mình, thay vì đố kỵ nhau; nên tìm cách học hỏi lẫn nhau và xây dựng một trường học, một Tôn Giáo, một xã hội, một cộng đồng lớn mạnh có phải ích lợi hơn nhiều không ? Nếu ai trong chúng ta cũng nghĩ được như vậy thì chúng ta là những người phàm đang học làm hạnh Thánh. Nếu không được như thế chắc các vị Thánh Nhơn trên đời nầy cũng sẽ buồn lắm vậy.

Những ngày cuối năm 1975 sang đầu năm 1976 tôi rất bận rộn cho việc chuẩn bị chọn đề tài để viết luận văn ra trường. Đề tài tôi chọn lúc ấy là: Meiji ni Okeru Nihon no Eigo Kyoiku (Giáo dục Anh ngữ dưới thời kỳ Minh Trị). Khi đọc sách và nghiên cứu về đề tài nầy, tôi mới thấy ông vua Minh Trị là một ông vua rất tuyệt vời. Người đã thấy cái sai của dân tộc Nhật, chọn cái mới cho quê hương mình. Đầu tiên là bỏ tiền đầu tư cho con em Nhật Bản sang các nước Âu Mỹ tân tiến để du học. Sau khi tốt nghiệp thành tài về nước, họ đã phục vụ cho quê hương của họ một cách tích cực như ngày hôm nay. Ví dụ như về giáo dục họ học theo Đức; ngoại giao theo Anh; văn học theo Pháp, kỹ nghệ theo Mỹ v.v… Tất cả đều vì một mục đích chung là xây dựng quê hương Nhật Bản cho phú cường.

Luận văn của tôi thuở ấy viết bằng tiếng Nhật và kết quả là „tối ưu“ trong bao nhiêu luận văn khác. Cả luận văn gần 200 trang viết tay, ông Thầy chỉ sửa lại có mấy chục lỗi nhỏ. Bản chính viết tay nầy, cho đến nay tôi vẫn còn giữ để làm kỷ niệm. Còn bản chép tay sạch sẽ thì đã nộp cho Thầy chấm điểm và Thầy đã để lại Thư Viện trường Đại Học Teikyo. Năm 2008 khi có dịp về lại thăm Đại Học nầy, luận văn của tôi được một vài trường Đại Học trong nước Nhật như Đại Học Iwaki Tandai cho in ra phổ biến cho sinh viên trong những bài giảng của các giáo sư. Đây là một niềm vui. Vì dẫu sao đi nữa, tôi cũng chỉ là một người ngoại quốc ở xứ nầy, mà khả năng Nhật ngữ và Anh ngữ như vậy, mình cảm thấy không thẹn với lòng khi dốc tâm vào ngành giáo dục.

Thế mà sau nầy khi ra làm việc Đạo chẳng ứng dụng với cái nghề dạy học là mấy. Đây là cái nghề cao cả mà tôi đã có ý chọn từ đầu, khi bước chân vào Đại Học. Tuy vậy tinh thần của học đường, tinh thần tự tin, tự trọng và trách nhiệm của người Nhật tôi vẫn lồng vào để giới thiệu trong các buổi giảng cho các Tăng Ni sinh viên hay các Phật Tử đó đây trên khắp thế giới để họ có thể chọn ra một phần nào áp dụng vào trong cuộc sống, thì quý hóa biết là dường bao.

Đại Học ở Nhật thường khai giảng vào tháng tư; giữa đó là nghỉ hè, nghỉ thu, nghỉ Tết và kết thúc Semester mùa Đông thường là tháng một hay tháng hai dương lịch. Trên thực tế một năm học 2 Semester; nhưng mỗi Semester trừ đi tính lại còn độ 3 tháng là cùng. Cái học ở Đại Học không giống như Trung Học. Đa phần theo chủ nghĩa tự do. Thầy giảng cứ giảng, sinh viên nghe hay không là chuyện riêng của mỗi người. Có nhiều sinh viên cả năm trời chỉ thấy xuất hiện có mấy buổi, rồi nghỉ luôn. Có thể cái học đối với họ không hứng thú mấy. Cuối năm 1976 cũng là năm chuẩn bị ra trường. Thầy trò vui vẻ tổ chức hết tiệc nầy đến tiệc nọ. Trường Đại Học Teikyo thuở đó có tổ chức đi Hakonei thật là vui. Phong cảnh vào mùa Thu ở Nhật đẹp tuyệt vời, ít có nơi nào trên thế giới được như vậy. Rồi đây mỗi người sẽ đi mỗi ngã. Có người sẽ đi dạy học, có người sẽ thi vào ngành công chức và có người dự định học lên cao hơn.

Riêng tôi chọn học tiếp lên Cao Học, vì lẽ học 4 năm ở Đại Học giáo dục đủ rồi. Đây cũng là thời điểm báo ân cho Thầy trụ trì. Vì lẽ ở chùa Honryuji theo phái Nhật Liên Tông mà không đi học Đại Học nầy ở bậc Cao Học thì xem đâu có được. Tôi chỉ đoán ý của Thầy Oikawa thôi! Dĩ nhiên là tôi không có ý muốn trở thành Tăng Sĩ thực thụ của họ. Nếu muốn, cũng có thể được; nhưng điều ấy không xảy đến với tôi. Vì tôi hiểu rằng: Tương lai của tôi ở nơi khác, chứ không phải ở chốn nầy. Tôi thấy rằng: Làm người xuất gia mà còn vướng bận gia đình thì đâu còn gọi là xuất gia nữa; mặc dầu đời sống vật chất của họ rất đầy đủ; nhưng để làm gì? thì đó là câu hỏi mà mình cần phải trả lời dứt khoát với chính mình. Lúc ấy tôi và bà vợ Thầy trụ trì Oikawa có nhiều mẩu đối thoại vui vui. Xin viết lại đây để làm kỷ niệm.

- Ồ! Tôi thấy mấy Thầy Việt Nam đẹp trai, học giỏi mà không lấy vợ uổng quá !

- Đi tu gì mà còn có vợ con kỳ quá vậy ?

Bà tiếp:

- Kể ra mấy ông mới kỳ chứ. Còn có gia đình mới là chuyện bình thường.

Những câu chuyện như thế thường xảy ra trong chùa nầy; nhưng tôi là khách Tăng cho nên không vượt qua khỏi giới hạn của mình, rồi dừng ngay tại đó. Dĩ nhiên là không có kết luận.

Tôi nhận được mẫu đơn ghi danh thi vào Cao Học của Đại Học Risso phân khoa Phật Học. Tôi điền tất cả và lúc ấy tôi lấy tiếng Hán làm sinh ngữ chính và tiếng Pháp làm sinh ngữ phụ. Kể ra tôi cũng bạo gan thật. Vì lẽ chữ Hán theo kinh điển xưa cũng đâu có dễ. Nhưng bài thi vào Cao Học năm ấy cũng hên là họ cho chấm câu về 5 thời giáo hóa của Đức Phật, theo cách phân định của Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư. Còn tiếng Pháp tôi không ngại, đã vượt qua một cách tự nhiên. Đầu năm 1977 chuẩn bị đi lãnh bằng tốt nghiệp và cũng lo thi vào Cao Học Đại Học Phật Giáo Risso nên cũng rất bận rộn. Đại Học nầy có các Hòa Thượng đi trước đã học và tốt nghiệp như: Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Chơn Thành. Ngài Thánh Nghiêm người Đài Loan cũng đã tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học nầy vào năm 1975. Sau đó Ngài về lại Đài Loan rồi đi Mỹ và cuối cùng Ngài về Đài Loan để lập nên phái Pháp Cổ Sơn tại đó (xem thêm Thánh Nghiêm tự truyện).


blank

Thành tích của 4 năm học tại Đại học Teikyo

Có một lần vào năm 1973 khi Thầy Trí Quảng còn ở Nhật, tôi nhớ mãi điều nầy, Thầy ấy và tôi vừa lên con dốc thật cao để đến nhà ông Quảng Phụng. Thầy Trí Quảng có đố tôi rằng: Đố Thầy Như Điển con đường dốc tiếng Nhật gọi là gì? Thuở đó tôi bí. Nếu tiếng Nhật tôi thuở ấy giỏi và đáp trúng thì đã có thưởng của Thầy rồi. Lúc về nhà dở tự điển ra tra mới biết là „Sakamichi“ tức là „con đường ngược, con đường dốc“. Khi Thầy còn du học tại Nhật, Thầy là người thanh thản nhất trong việc tu cũng như việc học. Thuở ấy có Sư Bà Vĩnh Bửu lo cho Thầy học phí. Còn bây giờ thì đã có nhiều người lo. Cho hay mỗi người trong chúng ta có một phước báu khác nhau như vậy. Nếu có duyên, Hòa Thượng Thích Trí Quảng đọc được những dòng chữ nầy thì Thầy sẽ nhớ lại „Con đường ngược dốc“ lúc lên nhà Đạo Hữu Quảng Phụng cách đây hơn 40 năm về trước.

Nói chung, chúng tôi chư Tăng Ni đi du học Nhật Bản từ thời xa xưa như: Hòa Thượng Thích Thiện Ân, Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, Hòa Thượng Thích Tâm Giác, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Thiền Định, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Hòa Thượng Thích Trí Hiền, Ni Sư Thích Nữ Như Chánh v.v... (những vị nầy đã viên tịch) ; rồi đến Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Trí Tâm, Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Hòa Thượng Thích Trí Đức, Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Chơn Minh, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, Hòa Thượng Thích Nguyên Đạt, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, chúng tôi, Thầy An Thiên, Thầy Minh Tuấn v.v... chẳng có vị nào làm cho Giáo Hội phải phiền lòng cả, mà tất cả chúng tôi đã đem hết sức mình ra để phụng sự cho Đạo ở trong cũng như ngoài nước, được nhiều thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Tất cả đều do công bồi dưỡng của Giáo Hội cho nhân tài Phật Giáo và nhờ nước Nhật mà chúng tôi mới được như vậy.

blank


Bằng tốt nghiệp Đại Học Teikyo

Chỉ có 4 vị chính thức ra đời. Đó là Thầy Quảng Minh, Thầy Nguyên Hồng, Thầy Long Nguyệt và Thầy Như Tạng.; nhưng với học vị Cao Học hay Tiến Sĩ của những vị nầy cũng đã giúp cho chính họ hay gia đình họ và xa hơn là cho Đạo trên nhiều phương diện phát triển Đạo Phật khác nhau như: Xuất bản sách báo, làm tự điển, dạy ngoại ngữ, dạy Phật học cho quần chúng v.v... Dĩ nhiên con đường của Đạo Phật nó không dừng ở đó mà vẫn được tiếp nối với thế hệ sau nầy như Thầy Nguyên Tâm, Thầy Giác Dũng cũng đã tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học tại quê hương xứ mặt trời mọc nầy và họ sẽ là những người tiếp tục cho tương lai Phật Giáo nói chung.

Lễ tốt nghiệp Đại Học của tôi chỉ có bà Akiyama đi dự. Ông bà là người bảo lãnh cho tôi. Lúc ấy ông ta đang làm việc tại Indonésia nên không có mặt. Tôi yêu cầu bà mặc Kimono trong ngày vui nầy. Tôi đã cùng với mấy ngàn sinh viên của nhiều phân khoa khác nhau của Đại Học Teikyo vào đầu năm 1977 ấy vẫn còn lưu giữ mãi lại kỷ niệm nầy nơi tâm mình.

Sau khi lãnh bằng tốt nghiệp xong vào một buổi sáng mai, tuyết bên ngoài vẫn còn rơi, thế mà người đưa thư hỏa tốc đã đến. Thầy trụ trì ký nhận thư và Thầy ấy reo lên: Thầy Như Điển đã „hợp cách“ rồi! Hợp cách là tiếng Hán-Nhật. Có nghĩa là người đã thi đậu cái gì đó. Riêng tôi thì đậu vào Cao Học Phật Giáo của Đại Học Risso ở Gotanda.

Học phí năm đó Thầy Oikawa cho trọn vẹn để tôi đóng cho trường. Tôi có một tháng để đi nghỉ, thăm viếng bạn bè và để chuẩn bị cho học kỳ mới. Vì là năm đầu cho nên các nghiên cứu sinh làm quen với Thầy giáo để chọn môn học và nghe thuyết trình tổng quát cũng như chuẩn bị cho đề tài viết tiểu luận của mình. Tôi học ở đây một thời gian tự nhiên thấy không khí trong chùa thuở ấy khó chịu vô cùng; nên tôi muốn đi xa một chuyến để buông bỏ tất cả những phiền muộn của cuộc đời và của sự nghiên cứu tại Đại Học nầy. Dĩ nhiên là Thầy trụ trì và phu nhân không vui mấy; nhưng ý tôi đã quyết; nên ông bà đã chấp nhận cho sự ra đi của tôi.

blank

Giấy chứng nhận hợp cách vào Cao Học Đại Học Risso

Bác sĩ Văn Công Trâm vốn là bạn học cũ từ Tiểu Học và sau nầy khi đến Đức; Bác sĩ Trâm quy y với tôi, tôi cho pháp danh là Thị Minh. Nếu không có Trâm làm giấy bảo lãnh và nếu không có Passport đóng dấu 5 năm thuở ấy thì tôi khó mà nhận được Visa vào nước Đức. Đúng là phước báu tôi có; nên mọi việc đều thuận chiều và ngày 22 tháng 4 năm 1977 chiếc máy bay Lufthansa đã mang tôi từ Haneda Tokyo đến Ancarachi rồi Hamburg, để từ đó đến nay (2012) hơn 35 năm rồi tôi có cơ duyên với Phật Tử Việt Nam tại Đức và phần còn lại của đời mình từ 1977 về sau nầy sẽ được viết nối tiếp bởi một cuốn sách khác.

Dẫu sao đi nữa với tôi, việc đầu tiên là tôi phải tạ ơn Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy Tổ, Huynh Đệ, bạn bè. Vì không có những ân tình sâu dầy trong nhiều đời nhiều kiếp nầy thì tôi đã không hiện hữu được trên cõi đời nầy để có cơ hội báo đền những ân sâu nghĩa trọng ấy. Đặc biệt với những người Đệ Tử xuất gia và tại gia của tôi cũng thế. Chính họ là cái nhân tố để tôi tiến thân và tôi cũng đã học hỏi được từ họ rất nhiều. Có nhiều bài học mà ta không thể dùng bằng lời nói để thể hiện; chỉ cần nhìn vào đó, ta có thể học hỏi suốt cuộc đời cũng chưa hết nữa.

Cũng xin cảm ơn hai người đàn bà đặc biệt. Đó là Cô Bốn tại chùa Viên Giác ở Hội An và bà vợ Thầy trụ trì Oikawa chùa Honryuji ở Hachioji thuở nào. Nếu không có những sự kiện ngang trái tại chùa Viên Giác Hội An thuở nào thì tôi đã không có lý do và cơ hội để đi Sàigòn. Nếu không đi Sàigòn thì việc xuất dương ra ngoại quốc để học hành, chỉ là việc mơ tưởng. Nếu tôi không về lại Việt Nam năm 1974 để thăm quê hương thì đã không có một số sự kiện kéo dài tiếp theo sau đó và nếu Bà Oikawa là người Đàn Bà Nhật như tôi mong đợi thì tôi đã không có cơ hội để đi Đức và ở luôn tại đó cho đến ngày nay. Tất cả đoạn văn nầy đều mang chữ „nếu“ đi đầu; nhưng tất cả những chữ „nếu“ ấy đã cho tôi một cơ hội tiến thân vượt bực. Vì nhờ họ và những nhân duyên thuận nghịch chồng chéo lên nhau mà tôi đã thành công và vượt lên tất cả. Điều nầy rất đúng với những gì mà Đức Phật đã dạy trong „luận Bảo Vương Tam Muội“.

Giờ đây ngồi nghĩ lại việc đời và việc tu học. Ở tuổi 65 nầy đã trải qua gần 50 năm xuất gia học đạo, tôi mới thấy pháp duyên sanh của Đức Phật thuyết cho hàng Đệ Tử là tuyệt vời. Vì cái nầy có cho nên cái kia có. Cái nầy không cho nên cái kia không. Tất cả đều phụ thuộc vào nhau và tồn tại cũng như thay đổi với nhau, không một cái gì sống độc lập cả. Do vậy ta phải cảm ơn mọi người và mọi loài, nếu không có ta cũng là một khoảng trống thiếu ý nghĩa trong cuộc sống bình thường nầy.

Trên trời, dưới đất, bốn phía chung quanh tôi đều là ân nghĩa. Tôi không trách móc ai; ngược lại tôi phải cảm ơn họ. Vì nếu không có họ thì sự hiện hữu của mình trên cõi đời nầy đâu có giá trị gì. Nhờ tất cả mà mình được trưởng thành, được sống trong sự hiểu biết, có tình thương đồng loại bên mình, có được sự hiểu biết và nhận định rõ ràng để tiến tu đạo nghiệp. Trong tâm tôi giờ đây rất thanh thản vì đã làm được những gì mình muốn làm, đã viết được những gì mình muốn viết, đã nói được những gì mình muốn nói và cũng đã nghe được những gì mình muốn nghe và đoạn hồi ký nầy viết chung với Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Phương Trượng chùa Pháp Bảo Sydney Úc Châu đã khép lại một quãng đời thơ ấu và thanh niên của riêng tôi, trong khi tôi vẫn còn minh mẫn.

Tuổi đời sẽ chồng chất, ngày tháng sẽ qua đi; chẳng biết rồi mai đây sẽ còn chi nữa; nhưng những trang giấy trắng mực xanh nầy là bằng chứng hiện hữu của mình tại núi đồi Đa Bảo vùng Blue Mountains Úc Châu nầy đã cưu mang Thầy trò chúng tôi suốt trong 10 năm qua. Xin vô vàn đa tạ.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]