Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 15: Xa Hội An

24/03/201420:21(Xem: 7908)
Phần 15: Xa Hội An
blank

Phần 15: Xa Hội An
HT Thích Như Điển

M

ỗi khúc quanh trong cuộc đời của mỗi người đều có lý do và giá trị thực tiễn của nó. Có thể điều ấy đối với mình là đúng; nhưng với kẻ khác là sai. Hoặc ngược lại đối với mình hoàn toàn sai, còn người kia lại đúng. Thật sự ra đúng và sai trong cuộc đời nầy chỉ là sự đối đãi mà thôi. Vì không có cái gì tuyệt đối cả và cũng chẳng có ai trong chúng ta là hiện thân của chân lý; nên phải như thế nầy hay như thế kia là tùy thuộc vào nhân duyên lúc ấy vậy.

Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự ra đi. Có người ra đi không bao giở trở lại. Có người ra đi vì bị áp lực nầy hay áp lực khác; khiến cho họ không thể tự giải quyết được và nhiều người cũng đã tìm đến cách quyên sinh; hoặc cởi áo nhà tu, trả lại cho chùa, thế là xong chuyện. Bởi lẽ cuộc đời vẫn còn tiếp diễn; cho nên những cái gì là thường của nhân thế, nó cứ thế mà biến hóa vô cùng. Ví dụ như đa phần người xuất gia, khi muốn đi tu đều do sự tự nguyện, thì bây giờ, sau khi sống với Đạo 10 năm, 20 năm hay 30 năm đi nữa, nếu có vấn đề gì đó xảy ra đối với cá nhân kia, thì chính đương sự phải tự giải quyết và không ai có thể xen vào đó để lãnh phần trách nhiệm cả. Dĩ nhiên không nhất thiết chỉ là chuyện tình cảm lem nhem, mà là áp lực của Thầy trò, của bổn đạo, của công việc, của tư tưởng v.v… Ngày xưa những quyết định như thế thường âm thầm xảy ra; vì vấn đề thông tin còn hạn chế. Ngược lại ngày


nay khi khoa học về thông tin tiến bộ, việc gì đó mới xảy ra tại đây thì khắp năm châu bốn bể đã biết rồi. Do vậy dư luận cũng sẽ là một áp lực lớn, đôi khi chỉ có tính cách một chiều, khiến ai đó tự chống đỡ không nổi nữa, thì đành phải thúc thủ mà thôi. Kể ra các vị Thầy lớn hay xa hơn nữa là Giáo Hội vẫn chưa xử lý đúng mức về vai trò của mình trong việc tư vấn cũng như giúp đỡ cho những người sa cơ lỡ bước như vậy, mà đa phần đâu phải do họ muốn. Tất cả chỉ vì bị hoàn cảnh bức bách mà thôi. Cuối cùng rồi ai có khả năng vươn lên, người ấy sống còn; nếu chẳng may bị hụt hẫng giữa đường đời, người ấy tự đi vào ngõ cụt.

Cái học bao giờ nó cũng giúp cho lý trí quyết định một cách sáng suốt; nhưng nhiều lúc cái học nó cũng chẳng giúp được gì cho ta, nếu cái đức của ta còn quá mỏng, mà nghiệp của ta còn dày, thì sự quyết định ấy nghiêng về nghiệp chứ không thể nghiêng về phía bên đức được. Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người đã bỏ áo nhà tu và đã tìm cách khuyên bảo đủ điều; nhưng cuối cùng rồi cũng không mạnh bằng cái ước muốn của người ấy. Điều nầy quan trọng vô cùng. Dấu hiệu của sự thặng dư không quan trọng, mà điều quan trọng là người ta chủ tâm làm sao cho có sự thặng dư kia. Ở đây tâm thức cũng vậy, ta làm chủ tâm; chứ ta không thể để tâm của mình bị động và khiến mình làm gì thì làm. Cái ta bây giờ là cái ta đại thể; chứ không còn là cái ta của tiểu ngã nữa.

Trong kinh Dịch có câu: cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu. Nghĩa là cái gì đến đường cùng sẽ được thay đổi, khi thay đổi rồi, lại thông suốt. Khi đã được thông suốt rồi, ắt sẽ được lâu bền. Cuối cùng rồi cũng sẽ được lặp đi lặp lại như vậy. Do vậy mới gọi là Đời. Đời là một khoảng thời gian vô tận và không gian vô cùng, với bao nhiêu thiên biến vạn hóa được lặp đi lặp lại như vậy.

Trường hợp của tôi xa Hội An có lẽ vì tự thấy mình không đủ khả năng để chứng kiến những gì đang xảy ra nơi chùa Viên Giác; nên vào một buổi sáng, sau thời công phu khuya của mùa Thu năm 1969, tôi y áo vào phòng Thầy xin đi Sàigòn để tiếp tục việc tu và việc học. Lần nầy Thầy chỉ im lặng và Thầy vào phòng ngủ lấy mấy ngàn đồng tặng cho người Đệ tử đi tha phương cầu học đấy thôi. Đây không phải là một hình phạt, mà cũng không phải là một phần thưởng. Vì lẽ sự ra đi nầy do tôi chọn lựa.

blank

Chùa Hưng Long tại Sài Gòn (ảnh chụp năm 2012)

Hành trang của tuổi học trò chẳng có gì ngoài mấy quyển kinh và sách vở của nhà trường. Tôi ra Đà Nẵng lấy máy bay đi Sàigòn và tự đón xe Lam về chùa Hưng Long ở số 298 đường Minh Mạng thuở ấy. Thật ra trước đó tôi đã nhờ Hòa Thượng Thích Bảo Lạc xin cho tôi trú ngụ tại chùa Hưng Long để đi học rồi; nên tôi mới mạnh dạn như vậy. Sau khi đến chùa, tôi được Hòa Thượng Thích Pháp Ý trụ trì chùa nầy sắp đặt cho chỗ ăn, chỗ ở và cho biết một vài việc cần thiết phải làm tại chùa trong khi ở tại đây. Mới vào Sàigòn cái gì thấy cũng lạ. Lạ từ đèn đỏ, đèn xanh cho đến những sinh hoạt tấp nập hằng ngày trong khu phố nầy.

Chùa Hưng Long vốn là chùa cổ, có thể sánh vai với chùa Bửu Đà và chùa Ấn Quang. Đây là những ngôi chùa do chư tôn đức từ Quảng Nam vào Sàigòn khai sơn từ hơn 100 năm nay. Do vậy cách kiến trúc cũng theo xưa và đặc biệt tuy chùa nằm trung tâm giữa Ngã Sáu và Ngã Bảy Sàigòn nhưng vẫn còn dùng nuớc giếng và cầu tiêu nhà tắm chung nhau; nhưng là loại cầu tiêu hầm. Có lẽ thành phố Sàigòn phát triển sau sự có mặt của ngôi chùa nầy; nên quý Hòa Thượng trụ trì thuở trước không muốn chùa bị đô thị hóa; nên vẫn giữ theo cách xưa như vậy. Bên cạnh chánh điện, hậu Tổ, phòng tiếp khách, nhà trù và một dãy nhà Tăng được xây cao lên 3 tầng. Chính ở ngôi nhà nầy tôi được ở, được ăn, được tu học cho đến ngày 22 tháng 2 năm 1972 thì lên đường sang Nhật Bản du học.

Tại chùa lúc ấy ngoài hai vị chánh phó trụ trì là anh em ruột ra còn có các Thầy lớn như Thầy Quảng Cầm, Thầy Thông Cổ, Thầy Minh Nghiêm và một Đại Chúng độ 20 Thầy. Dưới bếp thì có Bà Ngoại Năm. Tuy già cả; nhưng cả chúng ai cũng thương bà. Đa phần giữ nguyên bà lo bếp núc cho chùa, họ chỉ biết có vị Sư trụ trì, còn Tăng chúng thì họ không quan tâm đến; nhưng ngoại Năm là một biệt lệ. Tăng chúng dầu có đi học về trễ, vẫn còn phần cơm để lại như thường, nếu Thầy ấy hay Chú ấy có dặn dò ngoại trước khi đi học.

Nguyên tắc căn bản của chùa nầy là mỗi ngày phải tụng hai thời kinh sáng chiều hoặc là sáng tối. Thời kinh sáng bắt buộc tất cả mọi người trong chùa đều phải có mặt; riêng thời kinh tối hay chiều, Tăng chúng trong chùa có quyền chọn một trong hai thời kia. Nếu Thầy ấy hay Chú ấy có thi Tú Tài I hay Tú Tài II thì chỉ còn tụng một thời thôi. Đó là thời kinh Lăng Nghiêm buổi sáng và một trong 2 thời còn lại, có thể nghỉ để ôn bài. Nếu ai mỗi ngày chỉ tụng kinh có một thời, thì chỉ dùng cơm được một bữa, nếu ai tụng hai thời thì dùng hai bữa cơm trưa, tối đầy đủ. Nếu chẳng tụng thời nào thì bị úp chén cả ngày đó. Đây là một hình phạt tượng trưng và hầu như không bị phạt quỳ hương hay những hình thức khác như các chùa tại miền Trung. Đặc biệt Hòa Thượng trụ trì lúc nào Ngài cũng hiện diện đầy đủ trong hai thời công phu sáng và tối. Đây chính là tấm gương sáng cho tôi soi suốt cả một dặm đường dài khi hành đạo tại ngoại quốc hơn 40 năm nay.

Hòa Thượng lớn tuổi; nhưng lúc nào Ngài cũng tinh tấn dậy sớm, làm vệ sinh cá nhân xong mới bấm chuông báo thức cho Đại Chúng cả 3 tầng lầu. Thế mà Chúng vẫn im phắng phắc. Hòa Thượng cầm một cây chổi lông gà đi từ tầng 3 xuống tầng 2 rồi tầng 1, đến từng giường và từng phòng lấy chổi lông gà gõ lên mùng và nói rằng: các ông tu hành gì mà chểnh mảng vậy, đã đến giờ công phu rồi“. Thế là cả 3 tầng lầu đều trở nên sinh động, ai lo phần nấy, y áo chỉnh tề để lên chánh điện làm lễ buổi sáng. Chùa chiền tại Việt Nam có một thông lệ là dậy quá sớm. Có lẽ bị ảnh hưởng về thời tiết cũng nên. Nếu tụng trễ, mặt trời lên nhanh, nóng nực. Do vậy mà chùa nào cũng 4 giờ sáng đã dộng chuông u minh rồi và độ 4 giờ 30 là khởi đầu cho buổi công phu sáng. Sau đó là một khoảng thời gian trống độ 1 tiếng đồng hồ hơn, dùng để chấp tác hay học bài. Sau buổi điểm tâm là mỗi người mỗi việc. Ai đi học buổi sáng thì chuẩn bị lên đường; ai đi học buổi chiều thì làm công việc trực nhật của mình vào buổi sáng.

Ở chùa nầy hầu như ngày nào cũng có đám cúng. Do vậy Tăng chúng sống tương đối đầy đủ cho cái ăn, cái mặc, không cực khổ như miền Trung và đặc biệt là trái cây. Nếu ai đó có hỏi tôi là: Thầy thích cái gì ở miền Nam nầy ? thì tôi không ngại ngùng để trả lời rằng: „trái cây“. Trái cây miền Nam đủ loại. Loại nào cũng có, ngon tuyệt vời. Nào cam, nào bưởi, nào mận, nào chôm chôm. Những thứ nầy ở miền Trung chỉ có những người nào bị bệnh mới được dùng. Vì trái cây hiếm quý, đắt đỏ. Vả lại giao thông chỉ có đường hàng không, còn tàu lửa và xe hơi, hầu như không thông dụng. Sở dĩ như vậy vì những con đường thuộc miền quê Trung Việt không có an ninh.

Tiện đây tôi cũng xin mở ngoặc để ghi lại mấy dòng cho đời sau biết là tại sao tôi không ăn giá và không dùng sầu riêng. Sầu riêng đối với nhiều người là món ăn tuyệt vời đấy chứ! Nhưng riêng tôi không dùng được, vì mùi sầu riêng tôi chịu không nổi. Sở dĩ chịu không nổi vì miền Trung không có loại trái cây nầy. Chỉ đơn giản thế thôi và tôi không ăn nó từ xưa đến tận bây giờ. Riêng giá thì có liên quan đến đậu xanh và đây là lý do. Nguyên là chùa Phước Lâm tại Hội An, thuở tôi còn ở đó cứ tối 14 hay tối 30 là cô Năm hay chị Sắc thường nấu chè đậu xanh để cúng lễ Sám Hối. Sau khi cúng xong, chúng Điệu của chúng tôi được dùng những chén chè nầy; nhưng ác hại thay trong những chén chè ngọt lịm đường phèn ấy, thỉnh thoảng lại bị một vài hạt đậu xanh còn sống, sót lại; khi cắn trúng những hạt đậu nầy, nó có một mùi hôi kinh khủng. Từ đó tôi không ăn chè đậu xanh và cũng không ăn giá luôn. Vì lẽ mùi của giá sống cũng tương tự như mùi của hạt đậu xanh hôi, tôi nghĩ vậy. Tuy tôi không dùng hai loại nầy; nhưng trong chùa thì tự do, tôi không cấm, mà còn khuyên Tăng Chúng dùng nữa. Vì đó chỉ là lý do riêng của mình, làm sao cấm họ được.

Sau khi đã ổn định chỗ ở rồi, tôi hỏi thăm quý Thầy lớn hơn đang ở chùa là nên chọn trường nào để đi học. Cuối cùng tôi chọn trường Cộng Hòa ở Vườn Chuối; nơi Giáo sư Phạm Văn Vận làm Hiệu Trưởng để học đệ nhị tại đây niên khóa 1969-1970.

Tôi từ miền Trung vô Sàigòn mọi cái gì cũng lạ lẫm. Từ cái đi, cái học, cái tu và nhất là đời sống văn minh của Sàigòn khác xa miền Trung thuở ấy rất nhiều. Bạn Đạo chưa quen được bao nhiêu người, trong khi bạn Đời lại chẳng có ai. Tôi làm quen với một người tên là Phạm Nam Hải, đặc biệt anh nầy vẽ rất đẹp, đang học Ban A, cùng lớp đệ nhị buổi chiều với tôi, tôi làm quen với Hải chỉ đơn thuần vì quyển tập vạn vật của Hải vẽ quá đẹp. Thế rồi Hải rủ tôi đến nhà thăm trong những dịp cuối tuần và từ đó, trong chỉ một năm học thôi, mà tôi quen cả gia đình Hải cho đến ngày hôm nay, tính ra cũng đã 45 năm rồi.

Nhà Hải ở đường Trần Quang Diệu, gần đường Trương Minh Giảng. Muốn đi đến nhà Hải, từ Ngã Sáu lấy xe Lam đi hướng chợ Trương Minh Giảng là có thể đến được nhà của Hải. Tuy nhà xây trong hẻm; nhưng nhà có 3 tầng. Tầng trên dùng để thờ Phật và là nơi Hải có bàn học tại đó; bên cạnh là phòng của chị Nguyệt. Tầng dưới là phòng của ông bà Phạm Nam Vân, ba má của Hải ở cùng với các em Hải. Tầng dưới cùng là phòng khách và chỗ nghỉ của bà Cụ cùng cô Năm. Đây là một đại gia đình đang sống chung với nhau thuộc tam đại đồng đường rất hạnh phúc. Gia đình của ông bà cũng từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, kể cho đến năm 1969 thì cũng chỉ mới 15 năm mà cơ ngơi đã khá vững vàng rồi. Ông đi làm cho tòa báo Chính Luận và trong lúc tôi đến học bài chung cùng Hải để thi Tú Tài I năm 1970 thì không thấy anh Sơn đâu; nhưng sau nầy ngược lại Sơn cùng gia đình của anh có liên lạc với tôi rất chặt chẽ.

Ở Đời hay Đạo gì cũng vậy, có nhiều điều mình nghĩ như vậy; nhưng nó đâu có xảy ra như vậy. Có nhiều điều mình không nghĩ và không mong đợi; nhưng nó vẫn đến như thường. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm nói: „Trùng trùng duyên khởi, trùng trùng biến hiện“ là vậy.

blank

Vào Sài Gòn hơi trễ; nhưng lục cá nguyệt đầu năm đệ II tôi được xếp hạng 4 trên 60 học sinh.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sơn anh của Hải, vốn là phi công đã bay ra đảo Guam và gặp vợ tại đó. Sơn có viết thư qua Nhật hỏi tôi về tin tức của gia đình. Lúc ấy gia đình của anh Sơn không có ai chạy tỵ nạn cả; ngoài anh và cô Hiền, vợ anh. Thế là chúng tôi có liên lạc với nhau từ dạo ấy. Khi đến Mỹ, tôi gởi tặng cho anh Sơn và cô Hiền mấy cây rau răm và mấy cọng rau húng của tôi trồng tại Nhật; giống nầy có xuất xứ từ Việt Nam; năm 1974 tôi đã mang qua trồng tại chùa Bổn Lập (Honryuji) ở Hachioji gần Tokyo. Mãi cho đến năm 1977 khi tôi qua Đức, vẫn còn liên lạc với gia đình nầy và đây cũng là cái duyên để tôi đến Mỹ lần đầu tiên tại Gainesville thuộc Tiểu bang Florida Hoa Kỳ vào năm 1979. Kể từ đó gia đình anh Phạm Nam Sơn đã quy y với tôi, tôi cho Pháp danh là Thị Phước và Đỗ Ngọc Hiền pháp danh Thị Hạnh. Rồi họ thay đổi chỗ ở như White Plains gần New York hay North Corolina; nơi đâu tôi cũng đã có liên lạc và có đến chỗ họ ở trong nhiều lần. Đặc biệt anh chị phát nguyện ăn chay trường từ lâu và con cái thì đã thành tài. Ngoài ra anh chị cũng như những người em đang hộ trì Tam Bảo một cách đắc lực trong các công việc hoằng pháp, in kinh ấn tống, đúc tượng, làm chùa v.v... đây là những công đức, mà nguyên nhân xa, chính là nhờ Phạm Nam Hải, người bạn học năm 1969-1970 thuở nào tại trường Cộng Hòa mà có được.

Thuở ấy dạy lý hóa cho chúng tôi là Giáo sư Chu Bá Tước. Ông nầy dạy rất hay và tôi cũng không ngờ là năm 1986 đã gặp lại gia đình Thầy tại chùa Phước Huệ ở Miami. Thế rồi từ đó lại có liên lạc với Thầy và Cô cùng gia đình cho đến ngày hôm nay. Cách đây chừng 10 năm khi Thầy và Cô dời về vùng Houston nắng ấm, tôi lại có dịp gặp gia đình Thầy tại chùa Tịnh Luật của Thầy Tịnh Trí. Thế là Thầy và Cô đã quy y Tam Bảo với tôi, tôi cho Thầy pháp danh là Thiện Phẩm và Cô với pháp danh là Thiện Tịnh. Đây thật là nhân duyên. Nếu không có cái duyên học trường Trung Học Cộng Hòa của Giáo sư Phạm Văn Vận năm ấy, thì cũng đã không có cái duyên làm Thầy ngoài đời và Đệ tử trong Đạo nầy. Cho nên những gì Đức Phật dạy đã không sai một mảy may nào là vậy.

Ngày xưa dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nếu những thanh niên dưới 18 tuổi đi thi không đậu Tú Tài thì phải nhập ngũ; ngoại trừ những người con trai một trong gia đình; hoặc những người bị bệnh tật di truyền. Do vậy các thanh niên thuở ấy phải chăm học lắm, mới đỗ đạt trong những kỳ thi nầy. Tất cả họ đều phải đặt hết sức lực và sự cố gắng cho chuyện học hành thi cử. Tôi và Hải đã học chung với nhau và khảo bài với nhau để xem thử việc học bài của mình đã đến đâu rồi. Bỗng nhiên có một việc xảy ra cũng vui vui, xin ghi lại nơi đây để làm kỷ niệm. Nguyên là có một cậu học sinh thật là đẹp trai tên là Thạch Quân C. vào một chiều đã đến chùa Hưng Long muốn gặp tôi và cho tôi biết số ký danh cũng như sẽ thi tại trường Kiến Thiết. C. bảo: „có gì nhờ chú giúp đỡ, vì cùng vần; nên ngồi gần nhau. Rủi bị trượt sẽ bị đi lính; còn chú thì có giấy hoãn dịch Tôn Giáo“ và tôi đã thực hiện trong tinh thần của Bồ Tát hạnh nầy. Chính năm đó Phạm Nam Hải và Thạch Quân C. đều đậu, cả hai nhà đều mừng và tặng cho tôi một cây viết cũng như đãi một lần ăn đặc biệt ở tiệm cơm chay Bồ Đề Duyên tại Chợ Lớn thuở nào. Mới đây từ Hà Nội, Thạch Quân C, có liên lạc với tôi. Hiện tại anh ta đang làm việc tại một cơ quan xuất nhập cảng đồ gốm, chắc cũng sắp về hưu rồi.
blank

Giấy hoãn dịch vì lý do tôn giáo

Vì trường Trung Học Cộng Hòa của ông Phạm Văn Vận thuở ấy không có lớp Đệ Nhất Ban A; nên tôi và Hải đổi qua trường Trung Học Văn Học ở đường Phan Thanh Giản. Hải học buổi sáng và tôi học buổi chiều. Tại trường nầy có nhiều điều đặc biệt.

Điều đặc biệt đầu tiên là bà Nga vợ ông Giáo sư Trần Bích Lan làm Hiệu Trưởng; nhưng người ta biết và nói về ông Trần Bích Lan nhiều hơn là bà Nga. Ông Trần Bích Lan tức nhà thơ Nguyên Sa thuở ấy dạy triết cho chúng tôi. Ông có một cái tật là vào lớp vẫn đội mũ; học trò chưa hỏi tại sao thì ông bảo rằng: bệnh cao máu không thể đi đầu trần được, mặc dầu ở trong lớp học và tiếp đến ông ta hỏi liền chúng tôi khi mới lần đầu tiên vào lớp là:

- Các anh chị học triết. Vậy triết là gì vậy ?

Cả lớp chưa có ai giơ tay thì Thầy tự trả lời rằng:

- Triết là những gì người ta chẳng hiểu khi nói ra. Ấy gọi là triết học.

Cả lớp ồ lên thật lớn và Thầy bảo im ngay. Nói vậy không đúng sao mà cười.

Kỷ niệm cả năm học triết với Thầy Trần Bích Lan nào Tam Đoạn Luận rồi Nhị Nguyên Luận... chúng tôi chẳng còn nhớ gì nhiều; ngoại trừ cái ấn tượng lúc ban đầu kia.

Vì là Ban A nên chúng tôi phải học bài tủ, và phải học thuộc lòng. Do vậy các Ban khác gọi chúng tôi là ban „gạo“. Gạo ở đây có nghĩa là gạo bài. Học vạn vật, chúng tôi phải học thuộc lòng như tụng kinh Lăng Nghiêm, vậy mới mong đỗ đạt.

Đặc biệt thứ hai là chúng tôi học trực tiếp với Giáo sư Đỗ Danh Tẩm. Ông ta là một nhà vạn vật học danh tiếng đương thời, vừa là Thầy giáo vừa là tác giả cuốn sách vạn vật đệ nhất mà chúng tôi đang học thuở bấy giờ. Thầy người nhỏ thó, ăn nói nhỏ nhẹ, đeo kính cận. Cả lớp ai cũng mến cái phong vị của Thầy. Thật ra làm Thầy của lũ học trò Trung Học không có dễ. Nếu thính chúng yên lặng ngồi nghe thì tốt. Nếu không, chúng sẽ tìm mọi cách để tẩy chay.

Điều đặc biệt thứ ba trong năm học cuối cùng của bậc Trung Học nầy là tôi có 3 người bạn thân. Đó là Ngô Lương Kim, Hiếu và Phúc. Cả 3 người nầy đã là những Dược sĩ nổi tiếng đương thời và họ cũng là người sắp về hưu nay mai và những Dược phòng tại Sàigòn, Long Hải, Cần Thơ sẽ do con cái của họ đảm trách.

Ngô Lương Kim thuở ấy chưa là Phật Tử thuần thành; nhưng sau nầy tôi được biết con của Kim cũng đã xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Từ tại Tu Viện Thường Chiếu. Còn hai vợ chồng cũng đang lo con đường tu niệm khi tuổi về già; hoặc xuất gia hoặc tại gia khi không còn làm việc nữa. Thật ra cuộc đời nầy mấy ai biết được chữ „ngờ“ là vậy. Từ kinh nghiệm bản thân cho đến ngoài xã hội; trong Đạo lẫn ngoài Đời tôi hay quán hai chữ „như thị“ là vậy. Nghĩa là cái gì đến cứ để cho nó đến, cái gì đi hãy để cho nó ra đi. Không bận tâm, không vướng mắc. Đây là hạnh xả ly mà ai trong chúng ta cũng cần lưu tâm đến để thực hành.

Ngày ấy thi Tú Tài I chỉ một lần; còn thi Tú Tài II được 2 lần và mỗi lần cách nhau trong một tháng. Nghĩa là thi Tú Tài II kỳ đầu xảy ra trước kỳ thi Tú Tài I nửa tháng và nếu ai đó thi rớt kỳ I của kỳ Tú Tài II thì sẽ được thi lại kỳ II sau một tháng của kỳ I và sau nửa tháng của kỳ thi Tú Tài I. Như vậy đây là cơ hội để cho những sĩ tử có cơ duyên làm lại cuộc đời. Nếu không thì cổng quân trường đang chờ đợi họ. Được biết năm ấy có Phạm Nam Hải và Thạch Quân C. đều rớt Tú Tài II nên phải ghi tên nhập ngũ và từ đó chúng tôi chẳng có cơ hội gặp lại nhau.

Thi Tú Tài II kỳ một, tôi thi tại trường Kỳ Đồng và xem bảng kết quả tại trường Gia Long. Khi đi thi cũng như khi xem kết quả, Hòa Thượng trụ trì hối tôi là tại sao không đi xem bảng? Tôi trả lời rằng: Con nghĩ là con đủ điểm để đậu thì đâu có cần đi xem bảng làm gì! Thế nhưng thấy người đi, mình cũng đi. Khi đến trước Trường Nữ Trung Học Gia Long xem bảng dò từ vần A đến vần C, có một khoảng trống không có vần C, tôi cũng đâm lo; nhưng cuối cùng rồi tên mình vẫn nằm đó. Thế là buông xả được không biết bao nhiêu là gánh nặng trên hai vai với Đạo Đời hai ngã. Trong khi những thí sinh xem không thấy tên mình thì tiu nghỉu và chờ kỳ thi đợt II trong một tháng nữa.

Về lại chùa Hưng Long, tôi báo tin vui cho Hòa Thượng Pháp Ý và tiếp đó đạp xe đạp lên báo tin cho Hòa Thượng Bảo Lạc ở Lưu Học Xá Huyền Trang; nằm ở Hương Lộ 14 Phú Thọ, gần Trường Đua. Thuở ấy chùa không có số điện thoại, mặc dầu Sàigòn là một thành phố văn minh nhất nước; nên sự liên lạc có phần chậm trễ. Hình như Sư Phụ của tôi cũng nghe tin qua người khác, chứ không phải chính thức từ tôi báo về.

Trong thời gian ở Sàigòn từ năm 1969 đến đầu năm 1972, tôi hay lui tới chùa Ấn Quang ở 243 đường Sư Vạn Hạnh, Chợ Lớn, để xem phòng phát hành kinh sách. Đến Phật Học Viện Huệ Nghiêm ở gần nơi Hòa Đồng Tôn Giáo để thăm cơ sở của Giáo Hội đã một thời đào tạo không biết bao nhiêu vị Thầy danh tiếng qua sự giáo dưỡng của Hòa Thượng Thích Bửu Huệ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm và Hòa Thượng Thích Thanh Từ; trong đó có Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, là Sư huynh của tôi, đã xuất gia tại chùa Tỉnh Hội Quảng Nam với Thầy tôi vào cuối năm 1963 và sau đó Thầy tôi gởi Thầy Tâm Thanh vào Phật Học Viện Huệ Nghiêm tu học và Thầy là một trong những người trở thành giảng sư đầu tiên của Viện nầy.

Hòa Thượng Thích Như Tín, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và quý Thầy khác như Thầy Ngộ Hạnh, Thầy Quảng Hạo v.v... thuộc chúng Huyền Trang của Phật Học Viện Huệ Nghiêm vừa học Phật học và vừa học thế học, sau khi tốt nghiệp tại đây, quý Thầy chúng Huyền Trang được sự đỡ đầu của Hòa Thượng Thích Huyền Quang nên quý Thầy đã lập nên Lưu Học Xá Huyền Trang để tiếp tục đi dạy học tại các trường Bồ Đề và một số quý Thầy khác tiếp tục học lên Đại Học như Thầy Thiện Trí, Thầy Bảo Lạc v.v...

Nơi đây tôi cũng đã lui tới nhiều lần và lần nầy đến báo tin cho Hòa Thượng Bảo Lạc vui cũng như nhờ Thầy giới thiệu với Thầy Lâm Như Tạng, đang du học ở Nhật, mà trước đây cũng là Tăng Sĩ cũ của Phật Học Viện Huệ Nghiêm. Thầy Bảo Lạc nhận lời ngay và trong thời gian một tháng giữa năm 1971, tôi đã nhận được thư phúc đáp của Thầy Như Tạng gởi từ Nhật Bản về chùa Hưng Long tại Sàigòn. Lòng mừng khấp khởi. Vì lẽ con đường tương lai đã rộng mở.

Ngay lúc ấy có hai việc để làm. Việc thứ nhất là ghi tên ở Đại Học Khoa học và tôi muốn theo Ban A tiếp tục nên chọn học Chứng Chỉ SPCN; nếu trong trường hợp giấy tờ đi du học chưa được, thì theo học phân khoa nầy. Khi ghi tên thuở ấy, tôi thấy có cả Ngô Lương Kim, Hiếu và Phúc là bạn học cũ năm nào của trường Văn Học cũng ghi tên ở bàn ghi danh kế cận. Thật ra trước đó tôi đã viết một thư bằng tiếng Pháp gởi sang chùa Buddhistisches Haus ở Frohonau Berlin để xin Visa vào Đức du học cũng như xin ở chùa nầy và họ cũng đã trả lời lại một thư bằng tiếng Pháp là chùa không có khả năng tài chánh. Thật ra tôi cũng đã đến Nha Du Học để xin đi Đức; nhưng tuổi cao hơn bình thường, vì lẽ tôi tốn đến gần 3 năm đi học nghề trước khi đi xuất gia; cho nên tốt nghiệp Tú Tài II ở vào tuổi 22 là tuổi không nằm trong quy định của Bộ. Từ đó tôi mới dò thử qua con đường Tôn Giáo; nhưng cuối cùng vẫn không được chấp nhận.

Bên phía Việt Nam Cộng Hòa thì phải có Tú Tài II của Bộ Giáo Dục; một phiếu lý lịch số 3 không phạm pháp và một giấy bảo lãnh của người có khả năng cung cấp tài chánh suốt trong thời kỳ du học tại Nhật; mặc dầu tôi đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Nam là Hòa Thượng Thích Trí Giác và Sư Phụ của tôi bảo đảm cho học bổng mỗi tháng độ 30 đến 50 US$; nhưng chính quyền họ không chịu. Cuối cùng tôi đã nhờ đến ông Dân Biểu Lý Trường Trân, Dân biểu đối lập ở Hạ Nghị Viện, vốn là anh ruột của Sư Phụ tôi, đứng ra làm giấy bảo lãnh tài chánh nầy.

blank

Giấy bảo lãnh tài chánh của ông Dân Biểu Lý Trường Trân

Phần Giáo Hội, phải có giấy chứng nhận học Đạo và việc nầy Phật Học Viện Huệ Nghiêm đã chứng nhận với chữ ký của Hòa Thượng Thích Minh Châu vốn là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lúc bấy giờ. Chừng ấy giấy tờ vẫn chưa đủ, tôi phải đến chùa Ấn Quang để xin Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Thiện Hoa làm giấy miễn ký quỹ hồi hương cũng như giấy giới thiệu của Giáo Hội. Tất cả những giấy tờ nầy ngày nay tôi vẫn còn giữ.

Hòa Thượng Viện Trưởng hỏi tôi rằng:

- Tôi nghe nói ở Nhật hoa Anh Đào đẹp lắm phải không?

- Bạch Thầy, con đi du học xong rồi con sẽ về.

Thầy nhìn tôi cười và bảo hãy xuống văn phòng để Hòa Thượng Thích Huyền Quang làm giấy chứng nhận để gởi lên Bộ Giáo Dục và Bộ Nội Vụ.

Câu trả lời của tôi không biết có đúng ý của Hòa Thượng không; nhưng đến năm 1973 thì Hòa Thượng đã viên tịch trong khi tôi ở Nhật. Với tuổi đời chưa đến 60, là một vị Viện Trưởng có đức tu và đức nhiếp hóa đồ chúng cho đến nay, chưa có người nào sánh kịp.

Câu trả lời của tôi cho đến nay vẫn còn chưa thực hiện được là chưa về nước để phục vụ cho Giáo Hội, mặc dầu cái học căn bản ở Đại Học cũng đã xong. Nhiều lúc nghĩ vậy, mà không phải vậy. Có nhiều việc đã nằm trong tầm tay thực sự; nhưng cuối cùng rồi đâu cũng chẳng vào đâu cả.

blank

Giấy xin miễn lệ phí của Hòa Thượng Thích Huyền Quang,

Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN gửi Bộ Tài Chánh.

Còn một điều nữa cũng khá quan trọng; đó là vấn đề thọ giới Tỳ Kheo của tôi. Sư Phụ tôi biết rằng: Trước sau gì tôi cũng xa quê; nên Người khuyên rằng năm 1970 từ Sàigòn nên về Đà Nẵng để thọ giới đàn Vĩnh Gia năm ấy; nhưng tôi lấy cớ là đang thi Tú Tài I rất bận. Cuối cùng cơ hội ấy đã qua đi; mãi cho đến năm 1971, Tu Viện Quảng Đức tại Thủ Đức của Hòa Thượng Thích Quảng Liên có tổ chức Đại Giới Đàn, tôi mới có cơ hội làm đơn để cầu xin thọ Đại Giới.
blank
Chứng điệp thọ giới Tỳ kheo năm 1971

Khoảng tháng 11 năm 1971 tôi đến Tu Viện Quảng Đức ở Thủ Đức. Lúc ấy Hòa Thượng Thích Quảng Liên còn làm Hiệu Trưởng trường Bồ Đề Sàigòn (Nguyễn Văn Khuê cũ). Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn. Hòa Thượng Thích Trí Thủ làm Đàn Đầu Hòa Thượng, Hòa Thượng Thích Hành Trụ làm Tuyên luật sư và các vị Danh Tăng tại Sàigòn, Gia Định nằm trong Hội Đồng Thập Sư trong đó có Hòa Thượng Thích Thiền Định làm Tôn Chứng. Giới tử quy tụ cả trên 300 Tăng Ni và đến đây để xin thọ các giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa, Sa Di và Sa Di Ni.

Ngày nay Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam đều căn cứ theo Luật Tứ Phần để truyền trao giới pháp. Nghĩa là một giới đàn đúng nghĩa phải có Tam Sư và Thất Chứng. Đó là Đàn Đầu Hòa Thượng, Yết Ma và Giáo Thọ A Xà Lê. Còn 7 vị kia làm Tôn chứng sư. Trên thực tế một giới đàn như thế ngày nay không còn tồn tại ở Nhật Bản nữa. Vì đa phần chư Tăng Nhật Bản chỉ thọ Bồ Tát Giới, chứ không thọ Tỳ Kheo. Trong khi đó các giới đàn ở các xứ Phật Giáo Nam Tông lại tổ chức khác hơn các xứ theo Bắc Tông.

Cách đây 10 năm tôi có dịch một tác phẩm tên là: „Nghiên Cứu Giáo Đoàn Phật Giáo Thời Nguyên Thủy“ từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và tiếng Đức; trong đó tác giả của sách nầy đã nghiên cứu cách thọ giới ngày xưa rất tường tận và chia ra ít nhất là 10 kiểu thọ giới khác nhau như:

1) Tự thệ thọ giới. Đó là trường hợp của Đức Phật. Do Ngài tự làm sáng giới thể và giới tánh; nên Ngài đã thành Phật, không ai truyền giới tướng Tỳ Kheo cho Ngài cả.

2) Thiện Lai Tỳ Khiêu. Tức là những vị đã đầy đủ giới đức trang nghiêm, khi gặp Đức Phật, Ngài chỉ cần nói như vậy thì tóc trên đầu các Ngài rụng xuống và trở thành tướng của một vị Tỳ Kheo.

3) Quy y Tam Bảo để trở thành Tỳ Kheo. Có những vị trí tuệ tuyệt vời. Chỉ cần nói: Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng, tự nhiên trở thành bản thể thanh tịnh của một vị Tỳ Kheo.

4) Tam Sư Thất Chứng. Như trường hợp ở trên đã rõ.

5) Tam Sư Ngũ Chứng. Nghĩa là cần 5 vị Tôn chứng sư là đủ.

6) Tam Sư Nhị Chứng. Đó là 3 vị Đàn Đầu Hòa Thượng, Yết Ma và Giáo Thọ và 2 vị Tôn chứng Tăng Già. Trong luật dạy rằng: Ở những nơi biên địa, không đủ chư Tăng, có thể cho thọ Tỳ Kheo với Tam Sư Nhị Chứng.

7) Thọ Phương Trượng. Nghĩa là một Thầy một trò. Vì việc gấp rút phải đi xa hay chiến tranh; giữa Thầy trò có thể truyền giới Tỳ Kheo cho nhau. Nếu vị Thầy thấy người học trò, Đệ tử ấy nên lãnh giới pháp của Phật để hành trì.

8)... 9)... 10)....

Nghĩa là có nhiều cách khác nhau để trở thành hình tướng của một vị Tỳ Kheo. Sau lễ thọ Tỳ Kheo thì phải thọ Bồ Tát giới xuất gia và sau đó có nhiều vị thọ „tấn hương“ trên đầu để cúng dường chư Phật và chư vị Bồ Tát. Phần tôi sau phần khảo hạch kinh, luật, luận đã được Hội Đồng chấm điểm cho điểm cao nên đề nghị được đại diện các giới tử để tác bạch xin lễ trong Đại Giới ấy. Chỉ riêng việc „tấn hương“ cúng dường tôi không thọ nhận. Vì lẽ tôi đang chuẩn bị thi Tú Tài II, cũng như sắp đi học xa, sợ „tấn hương“ xong không biết có gì trục trặc xảy ra cho đầu óc của mình không; nên tôi xin phép Hội Đồng khảo thí được miễn khâu nầy. Vì vậy ngày nay một số quý Phật Tử có thể thấy trên đầu của chư Tăng, Ni tại sao có vị lại có 3 dấu chấm tàn nhang, mà có vị lại chẳng có. Ngày nay thì ít còn giới đàn nào làm lễ „tấn hương“ nầy nữa; nhất là ở ngoại quốc nầy, nếu có chuyện gì xảy ra thì Bộ Y Tế họ cho rằng: mình tự hủy hoại thân thể, đâu có ai biết rằng đây là hình thức cúng dường chư Phật đã có từ ngàn xưa như trong kinh Pháp Hoa phẩm thứ 23 về Ngài Dược Vương và Ngài Dược Thượng Bồ Tát đã thiêu thân cúng dường rồi.

Ngày xưa người Đệ tử ít tự nguyện xin đi thọ giới, nhất là thọ giới Tỳ Kheo. Vì tự nghĩ rằng mình còn nhỏ, chờ cho khi nào kinh, luật, luận vững vàng rồi mới thọ. Cho nên Thầy Bổn Sư bảo năm lần bảy lượt, lúc ấy mới chịu nghe theo. Chẳng bằng với bây giờ, Tăng Ni ở ngoại quốc nầy mới vào chùa đôi ba năm, việc hành Điệu chưa xong, đã xin phép Thầy Bổn Sư cho đi thọ giới lớn; nếu ở đâu đó có tổ chức giới đàn.

Trên nguyên tắc một Tỳ Kheo tuổi phải đủ 20 mới được lãnh thọ giới; nhưng cũng có nhiều trường hợp không cần đủ như vậy. Ví dụ trường hợp ông Tô Đà Di mới 8 tuổi, Phật đã cho thọ giới Tỳ Kheo. Khi ông đến trước Phật, quỳ lạy đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi, Phật dạy ngồi và hỏi:

- Ông từ đâu đến ?

- Bạch Thế Tôn! Ba cõi chẳng đâu là nhà của con cả.

Chỉ một câu trả lời như thế thôi, so ra người già 80 tuổi chắc gì đã liễu ngộ. Do vậy Đức Phật đã cho ông làm Tỳ Kheo ngay.

Trường hợp khác, nếu có đứa bé nào đó khi sinh ra đã được ở trong chùa và xuất gia tu học đến 18 tuổi, bước sang 19 tuổi, mặc dầu tuổi chưa đủ 20 vẫn được thọ giới Tỳ Kheo. Lý do là Đồng Tử nầy đã ở chùa từ nhỏ. Mỗi năm được tính thêm một tháng. Mười tám năm được tính cộng thêm 18 tháng tuổi nữa; tức gần đủ 20 tuổi. Những người như thế vẫn được thọ giới. Hoặc giả những người thông minh trí tuệ được thọ „Tam Đàn Cụ Túc“ cùng một lúc. Tức là buổi sáng thọ giới Sa Di, buổi chiều thọ giới Tỳ Kheo và buổi tối thọ giới Bồ Tát.

Tất cả những quy luật nầy đều do Phật chế. Ngay cả vị Tổ cũng không ai được quyền chế ra luật nầy và ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ngày nay, Ngài cũng đã không làm việc đó. Ngày xưa chư Tổ tại Trung Hoa và Việt Nam có chế ra như: Thiền Môn Quy Củ, Bách Trượng Thanh Quy, hay những điều lệ cho Tăng Chúng; nhưng tuyệt nhiên giới và luật thì không. Chúng ta nên lưu ý về vấn đề nầy.

Thọ giới Tỳ Kheo xong, có chứng điệp thọ giới đem nộp lên Tổng Vụ Tăng Sự tại chùa Ấn Quang để được chứng nhận. Phía bên Việt Nam cả Đạo lẫn Đời xem như giấy tờ tạm xong, còn chờ giấy bên Nhật gởi về, khi ấy mới chính thức nộp đơn xin đi du học tại Bộ Giáo Dục được.

Từ Nhật, Thầy Như Tạng đã liên lạc được với ông Ký giả Akiyama Testsu và nhờ ông ta làm giấy bảo lãnh cho tôi những việc, trong khi tôi du học tại Nhật về mọi hành vi liên quan đến luật pháp và tài chánh. Thật sự ra, đây là một đòi hỏi quá đáng cho tất cả sinh viên Việt Nam du học tại Nhật thuở bấy giờ. Trong khi đó phía Việt Nam thuở ấy ông Ngô Khắc Tỉnh làm Bộ Trưởng Giáo Dục, ông ta khuyến khích và chấp nhận một cách dễ dàng cho những sinh viên muốn đi du học ở Nhật khi đã đầy đủ giấy tờ.

Ơn nầy tôi luôn nhớ. Vì nếu không có Thầy Như Tạng chạy cho hai giấy nầy thì tôi khó mà có cơ hội sang Nhật được. Giấy thứ hai, Thầy Như Tạng nhờ Thầy Minh Tâm đến Thiền Sư Sogen Omori ở Shibuya chứng nhận dùm. Thuở ấy Hòa Thượng Minh Tâm có qua lại quen biết với Thiền Sư nầy; nên tôi đã nhận được giấy bảo trợ ngay. Ngài lúc ấy làm Viện Trưởng Viện Đại Học Phật Giáo Hanazono thuộc Lâm Tế Tông tại Kyoto. Một người võ sĩ đạo và đồng thời là một Tăng Sĩ Thiền Sư rất có quyền thế với các chính khách Nhật Bản lúc đương thời.

blank

Giấy bảo trợ của ông Akiyama từ Nhật gửi về

Từng tá giấy tờ ấy tôi phải chạy về Đà Nẵng để xin phiếu lý lịch số 3, chạy vô Sàigòn để làm những giấy tờ cần thiết. Rồi liên lạc qua Tokyo bằng thư từ với Thầy Như Tạng để hỏi thăm hồ sơ đã đến đâu rồi. Tất bật chỉ một mình. Thế rồi một ngày đẹp trời cuối năm 1971, tôi đã có tên đi xuất ngoại được đăng tải ở Bộ Nội Vụ gần Bưu Điện Trung Ương Sàigòn. Nỗi mừng vui nào tả hết được khi trong tay đã có Passport xanh lá cây của Việt Nam Cộng Hòa cấp. Thế là tôi tức tốc để làm những chuyện còn lại như: lo vé máy bay, về thăm quê, báo tin cho bạn bè, từ giã những người thân v.v...

Xa Hội An trong tẻ nhạt; bây giờ trở lại Hội An đã là ông Tú và nay mai xa quê hương đất nước để đi du học Nhật Bản. Chỉ chừng ấy thôi, tôi thấy cũng đã không cô phụ bởi chính mình, mà cũng chẳng biết rằng những khó nhọc gì còn chờ đợi mình trong tương lai nữa.

Lần nầy tôi về lại Hội An đã có y áo Tỳ Kheo để đảnh lễ Sư Phụ và tạ ân Thầy. Đồng thời cũng cảm ơn Thầy đã giới thiệu với ông Lý Trường Trân, Dân Biểu Hạ Nghị Viện làm giấy bảo lãnh; cho nên Bộ Nội Vụ mới cho đi một cách dễ dàng như vậy. Kế tiếp là vấn đề tài chánh. Tôi thưa Thầy như chỉ để mà thưa. Vì biết rằng kinh tế của chùa lúc ấy chẳng có gì cả, chỉ ngoài khoai bắp thường nhật. Thầy lặng lẽ bảo rằng: Hãy vào lại Sàigòn đi; trước ngày lên đường Thầy sẽ vào và tài chánh nếu kẹt, chạy qua hỏi Tâm Thanh chạy giúp cho. Ngoài ra tôi cũng đảnh lễ tạ ơn Thầy đã có liên hệ với ông Tô Văn Tám; người có con gái là Tô Ngọc Yến đang du học tại Nhật thuở ấy, giới thiệu cho ông Ký giả Akiyama. Nếu không, tôi đã chẳng có cơ hội nầy. Sợi dây thân tình chỉ là một giấy bảo lãnh, mà vào tháng 11 năm 2012 nầy sau hơn 40 năm ông bà Akiyama vẫn đến thăm tôi, khi tôi và Phái đoàn Phật Tử 85 người đến từ 14 quốc gia tại Âu Mỹ để tham dự lễ Khánh thành Chùa Việt Nam của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền tại tỉnh Kanagawaken, gần Tokyo vừa qua. Đúng là tình người muôn thuở !

Lúc ấy tôi đi đến các chùa Tổ như Phước Lâm, Chúc Thánh, Vạn Đức để đảnh lễ tạ ơn cũng như đến chùa Long Tuyền, Tỉnh Hội, Bảo Thắng để báo tin mừng. Đồng thời nhân cơ hội nầy tôi cũng về thăm quê; nơi còn cha già ở lại đó để chăm sóc nhà cửa và vườn tược; trong khi các anh chị tôi và các cháu đã dời ra gần Đà Nẵng ở tạm trong những căn nhà mới cất thật chật chội vô cùng.

Người đi thì bao giờ cũng vui, vì đã có mục đích. Còn kẻ ở lại, vì nhiều lý do khác nhau, họ phải tồn tại nơi chôn nhau cắt rún ấy. Mới trông như là những điều nghịch lý; nhưng đó là một bức tranh tương tức của cuộc đời. Vì cái nầy sinh thì cái kia sinh. Cái nầy diệt thì cái kia sẽ diệt. Dòng đời là một sự biến ảo lạ lùng, không ai biết được rồi ngày mai sẽ ra sao. Chỉ có thể biết rằng trong hiện tại ta phải làm gì để ngày mai như thế nào, thì điều ấy có thể.

Tôi trở vào Sàigòn trong niềm vui và chỉ còn mấy tháng nữa sẽ đi; nhưng cũng ghi danh đi học Nhật ngữ tại Trung tâm Triều Dương Nhật Ngữ cho một khóa đàm thoại vở lòng để làm vốn liếng trước khi bước sang xứ sương mù tuyết phủ vào Đông và hoa Anh Đào sẽ nở rộ vào mùa Xuân ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567