Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

41. Hạ thứ 33, 34, 35 tại Jetavana (năm -557/ -555)

02/03/201421:24(Xem: 17572)
41. Hạ thứ 33, 34, 35 tại Jetavana (năm -557/ -555)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


13- Hạ thứ 33, 34, 35 tại Jetavana (năm -557/ -555)

Theo chúng tôi nghĩ thì trong khoảng 4 năm, từ hạ thứ 32 đến hạ thứ 35, đức Phật chú trọng đến việc thuyết giảng kinh Đại Bát-Nhã Ba-La-Mật (Mahà Prajna Paramità sutra) nói về Tánh Không của các pháp và pháp môn Quán Bát-Nhã. Tất cả nội dung kinh Đại Bát-Nhã gồm 16 hội, tức 16 thời pháp của đức Phật, tại 4 nơi là núi Griddhakùta (Linh Thứu), tinh xá Jetavana (vườn Cấp Cô Độc), cung trời Paranimmitavàsavatti (Tha Hóa Tự Tại) và tinh xá Venuvana (Trúc Lâm).

Từ hội thứ nhất đến hội thứ 6, đức Phật chỉ dạy cách tu tập pháp Quán Bát-nhã, tức quán thấy năm uẩn (ấm) đều không.

Từ hội thứ 7 đến hội thứ 10, đức Phật nói về những công đức thù thắng, trang nghiêm, không thể nghĩ bàn của pháp tu Quán Bát-nhã, vì đây là pháp môn Nhất Thiết Pháp Thậm Thâm Vi Diệu Lý Thú Bát Nhã Thanh Tịnh đưa người tu đến Nhất Thiết Chủng Trí và Thanh Tịnh Giải Thoát.

Từ hội thứ 11 đến hội thứ 16, đức Phật giảng về 6 pháp Ba-la-mậtcủa Bồ tát là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ Bát-nhã.

Toàn thể nội dung kinh Đại Bát-Nhã Ba-La-Mật (Mahà Prajna Paramità sutra) được đúc kết một cách hết sức ngắn gọn và trong sáng thành kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh(Prajna Paramità Hrdaya sutra).

Phật nói kinh Đại Bát Nhã Ba-la-mật

Sau nhiều thời pháp về Đại Bát-nhã, một hôm, trong mùa an cư, đức Phật tóm lược như sau :

Này các thầy, pháp môn tu Quán Bát-nhã rất thậm thâm vi diệu, công đức không thể nghĩ bàn. Chính nhờ thực hành thâm sâu pháp môn này mà Bồ tát Quán Tự Tại (Quán Thế Âm, Avalokitesvara) chứng thực được 5 uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức đều là không, nhờ đó Bồ tát đã vượt qua tất cả mọi khổ nạn.

“Này Sàriputta (Xá Lợi Phất), các vị khất sĩ cũng nên thực hành pháp Quán Bát-nhã như thế. Các thầy nên quán sắc thân là không vì sắc thân là vô thường, các thầy cũng nên quán cảm giác (thọ), suy tư nghĩ tưởng (tưởng), biến chuyển của thân tâm (hành), tri giác (thức) do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và bộ óc đều là không, vì đều là vô thường, duyên hợp, không tự tánh.

“Này Sàriputta, một khi chứng được thật tướng của 5 uẩn đều là không, là các thầy đã chứng được vô ngã, do đó trở nên hoàn toàn thanh tịnh giải thoát, không còn sanh tử luân hồi nữa. Đó quả thật là một pháp môn vi diệu không thể nghĩ bàn. Tất cả chư Phật trong ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai, đều nhờ tu pháp môn này mà chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Trong một thời pháp khác của đức Phật tại giảng đường Lộc Mẫu (Migàra matu) trong tinh xá Đông Viên (Pubbàràma), Thượng tọa Ànanda nêu thắc mắc :

Bạch Thế Tôn, theo con hiểu, Quán Bát-nhã là quán 5 uẩn đều không, mà hể 5 uẩn đều không, tức là ngã không, thì 18 giới cũng không và tất cả muôn sự muôn vật đều không.

Quán Bát-nhã có nghĩa là quán tánh không của các pháp. Ví dụ như quán sắc uẩn là không, có nghĩa là suy nghĩ để biết rõ sắc thân là vô thường, do duyên hợp nên không có tự tánh (tự tánh là không).

“Bạch Thế Tôn, nhưng con còn chưa hiểu "chứng được thật tướng của 5 uẩn là không" là như thế nào ? Xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy.

Đức Phật đáp :

Lành thay, này Ànanda, Như Lai sẽ vì ông mà giảng rõ cho cả pháp hội cùng nghe để hiểu thế nào là Quán và An-trú (chứng) Tánh Không[1].

“Ví như trong giảng đường Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, vàng bạc như trong xóm làng, thời phải quán những vật ấy là không. Nhưng có cái không phải không, là sự hiện diện của chúng tăng ni, vậy phải quán chúng tăng ni là có. Nói cho rõ hơn thì ý tưởng về xóm làng thì không, nhưng ý tưởng về người thì có. Đó là an trú tánh không một cách chân thật, không điên đảo.

“Tiến lên một bậc, vị nào muốn an trú nhiều trong tánh không, vị ấy không nên suy niệm đến ý tưởng về xóm làng, cũng không nên suy niệm đến ý tưởng về người, mà nên thường suy niệm đến ý tưởng thuần nhất về rừng vắng. Vị ấy quán trong tâm thức mình, thấy ý tưởng về xóm làng, về người là không, nhưng có cái không phải không, đó là ý tưởng về rừng vắng. Vị ấy biết rằng các phiền não do ý tưởng về xóm làng và người hiện không có trong tâm mình, nhưng các phiền não do ý tưởng về rừng vắng thì hiện có. Cái gì hiện có trong tâm, vị ấy quán là có; cái gì hiện không có trong tâm, vị ấy quán là không. Đó là an trú tánh không một cách chân thật, không điên đảo.

“Tiếp tục tiến thêm một bậc nữa, vị nào muốn an trú nhiều hơn trong tánh không, vị ấy không nên suy niệm đến ý tưởng về xóm làng, về người, về rừng vắng, mà nên thường suy niệm đến ý tưởng thuần nhất về đất. Vị ấy quán trong tâm thức mình, biết rằng các phiền não do ý tưởng về xóm làng, về người, về rừng vắng thì không, nhưng các phiền não do ý tưởng về đất thì có; nếu không có các phiền não do ý tưởng về đất thì vị ấy biết là không. Đó là an trú tánh không một cách chân thật, không điên đảo.

"Cứ như thế, thiền giả sẽ lần lượt vượt qua các thiền chứng về sắc giới từ sơ thiền đến tứ thiền, và các thiền chứng về vô sắc giới từ không vô biên xứ đến phi tưởng phi phi tưởng. Thực chứng đến đâu, thiền giả tự quán tâm mình liền biết. Đến khi trong tâm thiền giả hoàn toàn thanh tịnh, không còn một mảy may phiền não vi tế nào về 5 uẩn, không còn bao giờ khởi suy niệm đến ý tưởng về sắc thân, về cảm giác, về tư tưởng, về biến chuyển, về ý thức là thiền giả đã thực chứng 5 uẩn là không, tức chứng vô ngã.

Nghe đến đây toàn thể thính chúng rất hoan hỉ, phấn khởi, biết rằng Quán Bát-Nhã tức Quán Tánh Không của năm uẩn. Quán sắc uẩn là không, không phải là tuy thấy mình có thân mà cứ tự cho mình không thân bằng cách tự kỷ ám thị. Quán sắc uẩn là không, là suy nghiệm để biết thân vô thường, duyên hợp tạm có, không có tự tánh. Chứng sắc uẩn là không, là không còn khởi ý tưởng về sắc thân nữa, do đó không còn phiền não do ý tưởng về sắc thân gây ra nữa. Đối với bốn uẩn kia cũng thế.



[1]Xem Trung Bộ 121 và 122: kinh Tiểu Không và kinh Đại Không (Culla Sunnata và Mahà Sunnata); Trung A Hàm: kinh 190.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]