Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

39. Hạ thứ 31 tại Jetavana (năm -559)

02/03/201421:21(Xem: 17553)
39. Hạ thứ 31 tại Jetavana (năm -559)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


11- Hạ thứ 31 tại Jetavana (năm -559)

Phật nói kinh Khởi Thế Nhân Bổn[1]

Một hôm đức Phật đang ở tại tinh xá Đông Viên (Pubbàràma), vào buổi chiều, sau khi xả thiền, ngài ra sân đi kinh hành dưới bóng mát của giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatu). Lúc bấy giờ có ông Vàsettha và ông Bhàradvàjà vừa mới xin xuất gia. Thấy Phật, hai ông liền bước đến đi theo sau lưng ngài. Sau khi đi kinh hành vừa đủ, đức Phật quay lại hỏi :

Này Vàsettha, ông sanh trưởng trong gia đình Bà la môn, vì sao ông xin xuất gia theo giáo đoàn khất sĩ? Này Vàsettha, người Bà la môn có chỉ trích ông, phỉ báng ông chăng?

Bạch Thế Tôn, các vị Bà la môn thật có chỉ trích chúng con và phỉ báng chúng con.

Này Vàsettha, các vị Bà la môn đã chỉ trích các ông, phỉ báng các ông như thế nào?

Bạch Thế Tôn, các vị Bà la môn đã nói như sau: "Bà la môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có giai cấp Bà la môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà la môn là thuần túy. Chỉ có Bà la môn mới là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên. Các ngươi đã từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiện - giai cấp các Sa môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, dòng giống thuộc bàn chân. Làm vậy thật là không tốt, làm vậy thật là không phải.

Này Vàsettha, các người Bà la môn thật đã quên quá khứ của họ khi họ nói: “Chỉ có Bà la môn mới là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên”. Này Vàsettha, các nữ Bà la môn, vợ của các Bà la môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, có sanh con, có cho con bú. Sao họ lại nói: “Bà la môn sanh ra từ miệng Phạm thiên”?

Này Vàsettha, có bốn giai cấp: Sát đế lợi, Bà la môn, Phệ xá và Thủ đà. Này Vàsettha, có người Sát đế lợi sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến. Những pháp ấy là bất thiện, không nên hành trì, không xứng Thánh pháp, những pháp ấy là hắc pháp và hắc báo, bị người có trí quở trách. Có một số người Sát đế lợi thực hành những pháp bất thiện ấy. Này Vàsettha, có một số người Bà la môn, có một số người Phệ xá, có một số người Thủ đà cũng thực hành những pháp bất thiện ấy.

Này Vàsettha, có một số người Sát đế lợi chuyên hành các pháp thiện. Này Vàsettha, cũng có một số người Bà la môn, cũng có một số người Phệ xá, cũng có một số người người Thủ đà chuyên hành các pháp thiện.

Này Vàsettha, vì rằng cả hai pháp thiện và bất thiện đều có mặt lẫn lộn trong bốn giai cấp này, nên những Bà la môn nào nói rằng: “Bà la môn là giai cấp tối thượng, các giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có giai cấp Bà la môn là da trắng, giai cấp khác là da đen; chỉ có Bà la môn là thuần túy, các giai cấp phi Bà la môn không phải như vậy; chỉ có Bà la môn là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” Các vị có trí không thể chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Này Vàsettha, vì rằng nếu có ai trong bốn giai cấp là một vị Tỳ kheo, một vị A la hán, các lậu hoặc đã được diệt tận, phạm hạnh đã thành, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt mục đích tối thượng, hữu kiết sử[2]đã diệt, nhờ chánh trí đã được giải thoát, vị ấy sẽ được xem là tối thượng so sánh với cả bốn giai cấp. Này Vàsettha, Pháp, tức là đạo đức và trí tuệ, mới là tối thượng giữa các loài hữu tình, trong đời này và cả đời sau.

Này Vàsettha, các ông, tuy sanh sai biệt, danh sai biệt, tánh sai biệt, gia hệ sai biệt, nhưng đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu có ai hỏi: “Các vị là ai?”, các ông cần trả lời: “Chúng tôi là Sa môn, dưới sự lãnh đạo của đức Thích Ca”. Này Vàsettha, ai có lòng tin Như Lai, lòng tin ấy được an trí, có căn cứ, an trú và chắc chắn, vị ấy có thể nói: “Ta là con chính tông của Thế Tôn, sanh ra từ miệng của Thế Tôn, tức do Pháp sanh, do Pháp tạo ra, là con cháu thừa tự của Pháp.” Vì sao vậy? Này Vàsettha, vì là những chữ đồng nghĩa với Như Lai là Pháp thân, là Phạm thân, là Pháp thể, là Phạm thể.

Này Vàsettha, trước đây rất lâu, có một thế giới chuyển hoại. Trong khi thế giới đó chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sanh qua cõi Àbhassara (Quang Âm thiên, cõi trời cao nhất của nhị thiền). Ở tại đây, nhữnh loại chúng sanh này do ý sanh, tự nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự phồn vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài.

Này Vàsettha, một thời gian rất lâu sau đó thế giới chúng ta đang ở hiện nay (Địa cầu) bắt đầu chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, một số lớn chúng sanh từ Quang Âm thiên thác sanh qua tại đây. Những chúng sanh này do ý sanh, tự nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự phồn vinh và sống như vậy một thời gian khá dài.

Này Vàsettha, lúc bấy giờ, thế giới này (địa cầu) toàn nước đen sẫm, mặt trăng, mặt trời không hiện ra, sao và chòm sao không hiện ra, không có ngày đêm, không có tháng, năm và thời tiết, không có đàn bà đàn ông. Các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi. Này Vàsettha, đối với các loài hữu tình ấy, sau một thời gian rất lâu, đất hiện ra trên mặt nước như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần. Đất này có màu sắc, có hương và có vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ hay thuần túy như tô, vị của đất như mật ong thuần tịnh.

Này Vàsettha, có loài hữu tình có tánh tham nói: “Kìa xem, vật này là gì vậy?”, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Này Vàsettha, các loài hữu tình khác, theo gương hữu tình kia, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các hữu tình kia bắt đầu thưởng thức vị của đất, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ, thời ánh sáng của họ biến mất. Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì tháng, năm và thời tiết hiện ra. Như vậy, này Vàsettha, thế giới này (địa cầu) bắt đầu thành hình cho đến ngày nay.

Này Vàsettha, những hữu tình ấy, thưởng thức vị của đất, lấy đất làm thức ăn trong một thời gian khá lâu, thân của họ trở thành cứng rắn, và sắc đẹp của họ trở thành sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Rồi các hữu tình có sắc đẹp khinh các hữu tình không có sắc đẹp: “Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta.” Do họ kiêu mạn và kiêu ngạo về sắc đẹp, vị của đất biến mất. Khi vị của đất biến mất, họ hội họp lại và kêu than: “Ôi vị ngon! Ôi vị ngon nay không còn nữa!”. Như vậy họ theo văn tự truyền thống của thời xưa mà không biết ý nghĩa của nó.

Này Vàsettha, khi vị đất đã biến mất, thời một loại nấm đất hiện ra. Như hình con rắn, chúng hiện ra như vậy. Loại nấm ấy có sắc, có hương, có vị. Mầu sắc của loại nấm này giống như đề hồ hay thuần túy như tô. Vị của nấm đất như mật ong thuần tịnh. Này Vàsettha, những hữu tình ấy bắt đầu ăn thứ nấm đất này. Họ thưởng thức nấm đất, lấy nấm đất làm thức ăn trong một thời gian khá lâu nên thân của họ trở thành cứng rắn hơn và sắc đẹp của họ lại càng sai khác. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Rồi các hữu tình có sắc đẹp khinh các hữu tình không có sắc đẹp: “Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta”. Do kiêu mạn và kiêu ngạo về sắc đẹp nên nấm đất biến mất. Khi nấm đất biến mất cỏ và cây leo hiện ra như loại cây tre. Loại cây leo này có sắc, có hương, có vị. Màu sắc của loại cây này giống như đề hồ hay thuần túy như tô. Vị của loại cây leo này như mật ong thuần tịnh.

Này Vàsettha, các hữu tình này bắt đầu thưởng thức loại cây leo này, lấy cây leo làm thức ăn trong một thời gian khá lâu. Do đó thân của họ trở thành cứng rắn hơn và sắp đẹp của họ lại càng sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Rồi các hữu tình có sắc đẹp khinh các hữu tình không có sắc đẹp: “Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta.” Do kiêu mạn và kiêu ngạo về sắc đẹp của họ, cỏ và cây leo biến mất. Khi cỏ và cây leo biến mất, họ hội họp lại và kêu than: “Ôi hại thay cho chúng ta, nay cỏ và cây leo của chúng ta đã biến đi!” Như vậy, họ theo văn tự truyền thống của thời xưa mà không biết ý nghĩa của nó.

Này Vàsettha, khi các loại cỏ, cây leo biến mất, thời lúa xuất hiện tại các khoảng đất trống, không có cám, không có vỏ, có mùi thơm và hột trơn nhẵn. Chỗ nào vào buổi chiều họ mang đi để ăn chiều, thời tại chỗ ấy, vào buổi sáng, lúa lại mọc lớn và chín. Chỗ nào vào buổi sáng, họ mang đi để ăn sáng, thời tại chỗ ấy, vào buổi chiều lúa lại mọc lớn và chín, không có gián đoạn. Này Vàsettha, những hữu tình ấy thưởng thức lúa, lấy lúa làm thức ăn trong một thời gian khá lâu. Do đó thân hình của họ trở thành cứng rắn hơn và sắp đẹp của họ lại càng sai biệt. Về phái nữ, nữ tánh xuất hiện; về phái nam, nam tánh xuất hiện. Phái nữ nhìn phái nam hết sức kỹ lưỡng, phái nam nhìn phái nữ hết sức kỹ lưỡng. Vì họ nhìn nhau kỹ lưỡng như vậy nên tình dục khởi lên, ái luyến đối với thân thể bắt đầu. Do sự ái luyến, họ làm các hạnh dâm. Này Vàsettha, lúc bấy giờ những chúng sanh khác thấy họ làm các hạnh dâm như vậy, thì ném bùn, tro, đồ ô uế vào người họ và nói: “Hãy chết đi, đồ ô uế! Hãy chết đi, đồ ô uế! Sao một loài hữu tình lại đối xử với một loài hữu tình khác như vậy?”; như ngày nay, tại một số quốc độ, khi một cô dâu được rước đi, có người ném bùn, tro, phân bò. Như vậy, chúng theo văn tự truyền thống xưa mà không biết ý nghĩa của nó.

Này Vàsettha, lúc bấy giờ việc hành dâm được xem là phi pháp, nay được xem là đúng pháp. Này Vàsettha, lúc bấy giờ các loài hữu tình hành dâm không được phép vào làng hay xã ấp một tháng hay cả hai tháng. Họ bắt đầu làm lều, làm nhà để che dấu những hành động phi pháp của họ. Rồi có loài hữu tình bản tánh biếng nhác tự nghĩ: “Sao ta lại tự làm ta mỏi mệt bằng cách đi tìm lúa buổi chiều cho buổi ăn chiều, buổi sáng cho buổi ăn sáng? Sao ta lại không tìm lúa một lần cho cả buổi ăn chiều và buổi ăn sáng?” Rồi họ tìm lúa một lần cho cả buổi ăn chiều và buổi ăn sáng. Một hữu tình khác đến vị hữu tình này và nói:

Này Bạn, chúng ta hãy đi tìm lúa!

Này Bạn, hồi sáng tôi đã tìm lúa một lần cho cả buổi chiều rồi.

Này Bạn, như vậy là tốt.

Này Vàsettha, vị này noi theo vị hữu tình kia, đi tìm lúa một lần đủ cho cả hai ngày. Rồi một hữu tình khác đến vị hữu tình ấy và nói:

Này Bạn chúng ta hãy đi tìm lúa.

Này Bạn, tôi đã tìm lúa một lần đủ cho cả hai ngày rồi.

Cứ thế họ tranh nhau đi tìm lúa một lần cho cả bốn ngày, tám ngày, ... Họ bắt đầu tích trữ lúa để ăn, và cám bắt đầu bao bọc hột gạo trơn nhẵn và vỏ lúa bao bọc hột lúa; và các cây lúa bị cắt không lớn lên được; và như vậy có sự gián đoạn; và cây lúa mọc lên từng cụm, từng chùm.

Này Vàsettha, các loài hữu tình ấy hội họp nhau lại và than phiền:

Này các Bạn, các ác pháp đã hiện ra giữa các loài hữu tình. Chúng ta trước kia do ý sanh, tự nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang phi hành trên hư không, sống trong sự phồn vinh. Nay vì các ác, bất thiện pháp như ngã mạn, ganh tị, tham lam khởi lên giữa chúng ta, cám bắt đầu bọc hột lúa trơn nhẵn và vỏ lúa bao bọc hột lúa trơn nhẵn; và các cây lúa bị cắt không lớn lên được; và như vậy có sự gián đoạn. Và các cây lúa mọc lên từng cụm, từng chùm. Vậy nay, chúng ta hãy chia lúa và đắp đê làm bờ ruộng.

Rồi họ khởi sự chia lúa, đắp đê, làm ruộng.

Này Vàsettha, có vị hữu tình, bản tánh biếng nhác, gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần của người khác và hưởng dụng phần ấy. Người ta bắt người ấy và nói:

Này, ngươi đã làm ác pháp, gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần không cho của người khác và hưởng dụng phần ấy. Nhà ngươi chớ có làm như vậy nữa.

Thưa bạn, vâng!

Này Vàsettha, lúc đầu người này vâng lời. Nhưng sau đó vẫn tánh nào tật ấy, lại tiếp tục gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần không cho của người khác. Người ta bắt người tham lam trộm cắp này và nói:

Này, ngươi đã làm điều ác, tham lam trộm cắp, gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần không cho của người khác. Ngươi chớ có làm như vậy nữa.

Có người nổi giận đánh đập anh ta bằng tay, bằng đá, bằng gậy. Này Vàsettha, ác pháp bắt đầu như vậy, lấy của không cho xuất hiện, quở trách xuất hiện, sân hận xuất hiện, nói láo xuất hiện, hình phạt đánh đập xuất hiện.

Này Vàsettha, những loài hữu tình ấy hội họp nhau lại và than khóc :

Này các bạn, ác pháp đã khởi lên giữa chúng ta, trong hình thức lấy của không cho, quở trách, sân hận, nói láo, hình phạt. Chúng ta hãy đề cử một người lo việc canh gác để trộm cắp khỏi xảy ra. Chúng ta sẽ dành cho người đó một phần lúa của chúng ta.

Này Vàsettha, rồi các vị hữu tình đề cử một người lo việc canh gác để trộm cắp khỏi xảy ra. Và các vị hữu tình kia chia cho vị này một phần lúa.

Này Vàsettha, người được đại chúng lựa chọn gọi là Mahà-Sammàto. Danh từ này lần đầu tiên được dùng. Này Vàsettha, “Vị chủ ruộng vườn” được gọi là Khattiyà, là danh từ thứ hai được dùng đến. “Làm cho các người khác tôn trọng luật Pháp” được gọi là Ràja(vị vua). Ràja là danh từ thứ ba được dùng đến. Như vậy bắt đầu có giai cấp xã hội giữa loài người. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

Này Vàsettha, một số các vị hữu tình suy nghĩ:

Này các bạn, các ác, bất thiện pháp đã hiện ra giữa chúng ta, như lấy của không cho, khiển trách, sân hận, nói láo, hình phạt, tẩn xuất. Chúng ta hãy loại bỏ các ác, bất thiện pháp.

Rồi các vị ấy tự loại bỏ các ác, bất thiện pháp và được gọi là Bràhmanà(Bà la môn), và danh từ này lần đầu tiên được dùng đến. Những vị nầy dựng lên những chòi bằng lá tại các khu rừng và tu thiền. Đối với họ, than đỏ được dập tắt, khói được tiêu tan, cối và chày rơi ngả nghiên, buổi chiều lo buổi ăn chiều, buổi sáng lo buổi ăn sáng; họ đi vào làng, vào thị xã, vào kinh đô để khất thực. Khi họ xin được đồ ăn rồi, họ lại vào các chòi lá trong các khu rừng để tu thiền. Các người khác thấy vậy, nói như sau: “Này các bạn, có người dựng lên những chòi bằng lá tại các khu rừng và tu thiền trong những chòi bằng lá ấy”. Những người này được gọi là Jhayaka.

Này Vàsettha, một số người khác, không thể tu thiền trong các chòi bằng lá tại khu rừng, liền đi xuống xung quanh làng mạc, thị xã để làm kinh sách. Các người khác thấy vậy bèn nói: “Này các bạn, những người này không thể tu thiền trong các chòi bằng lá tại khu rừng, đã đi xuống xung quanh làng mạc, thị xã để làm kinh sách Veda”. Những người này được gọi là Ajjhàyaka. Này Vàsettha, thời ấy họ thuộc hạ cấp. Nay họ xem là cao thượng nhất. Như vậy, này Vàsettha, là nguồn gốc giai cấp xã hội của các Bà la môn, theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của họ là ở giữa những loài hữu tình và cũng phải tôn trọng luật Pháp, không ở ngoài luật Pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

Này Vàsettha, một số người thích dâm dục, thiết lập các nghề nghiệp sai khác (Vissuta). Những người này được gọi là Vessà (Phệ xá), một giai cấp xã hội khác theo truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của họ là ở giữa các loài hữu tình và cũng phải tôn trọng luật Pháp, không ở ngoài luật Pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

Này Vàsettha, một số người còn lại lựa chọn săn bắn. Những ai theo nghề săn bắn và theo các nghề hèn mọn khác được gọi là Suddà(Thủ đà).Như vậy, này Vàsettha, là nguồn gốc giai cấp xã hội của các Suddà, theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của chúng là ở giữa các loài hữu tình và cũng phải tôn trọng luật Pháp, không ở ngoài luật Pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

Này Vàsettha, một thời có vị Sát đế lợi, có vị Bà la môn, có vị Phệ xá, có vị Thủ đà, tự trách các pháp ác của mình, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, làm người Sa môn. Này Vàsettha, giai cấp Sàmana (Sa môn) được khởi lên từ bốn giai cấp ấy. Nguồn gốc của Sa môn là ở giữa các loài hữu tình và cũng phải tôn trọng luật Pháp, không ở ngoài luật Pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

Này Vàsettha, bất cứ người trong giai cấp nào làm tà hạnh về thân, làm tà hạnh về miệng, làm tà hạnh về ý, có tà kiến, do tà kiến, tà nghiệp làm nhơn duyên, sau khi thân hoại mạng chung đều sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này Vàsettha, bất cứ người trong giai cấp nào làm chánh hạnh về thân, chánh hạnh về miệng, chánh hạnh về ý, có chánh kiến, do chánh kiến, chánh nghiệp làm nhơn duyên, sau khi thân hoại mạng chung đều sanh vào thiện thú, Thiên giới.

Này Vàsettha, bất cứ người trong giai cấp nào làm hai hạnh chánh tà về thân, về miệng, về ý, có chánh kiến tà kiến lẫn lộn, do chánh kiến tà kiến, chánh hạnh tà hạnh lẫn lộn làm nhơn duyên, sau khi thân hoại mạng chung đều thọ lãnh lạc và khổ thọ.

Này Vàsettha, bất cứ người trong giai cấp nào biết chế ngự về thân, chế ngự về miệng, chế ngự về ý, sau khi tu tập Bảy pháp Giác chi, hay Tám Thánh đạo, diệt trừ hoàn toàn các ác pháp ngay trong đời hiện tại đều là bậc A la hán, lậu hoặc đã diệt tận, việc phải làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục tiêu đã đạt tới, hữu kiết sử đã trừ diệt, chánh trí giải thoát. Vị ấy được gọi là tối thượng trong tất cả giai cấp, đúng với Chánh pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cho cả đời sau.

Sau khi Thế Tôn thuyết giảng xong, Vàsettha và Bhàradvàja đều hoan hỉ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Phật giảng cách THÂM NHẬP Giáo Pháp[3]

Một hôm, trong giờ thuyết pháp, Phật nói với các vị khất sĩ :

Này các thầy, hôm nay Như Lai sẽ giảng về sáu điều cần biết rõ để thắng tri, để thâm nhập Giáo Pháp. Các thầy hãy lắng nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng.

Thưa vâng, bạch Thế tôn.

Này các thầy, để thắng tri, để thâm nhập Giáo Pháp giác ngộ và giải thoát, các thầy cần hiểu biết rõ ràng về ái dục, về cảm thọ, về nhận thức, về lậu hoặc, về nghiệp, về khổ. Đó là sáu kiến thức căn bản để thâm nhập Giáo Pháp, để nắm vững cách hành trì các pháp môn tu tập. Sáu kiến thức đó là:

1- Kiến thức về ái dục (ham muốn), ái dục sanh khởi, ái dục sai biệt, ái dục dị thục[4], ái dục đoạn diệt, con đường đưa đến ái dục đoạn diệt.

Này các thầy, có năm dục trưởng dưỡng là các sắc, các tiếng, các hương, các vị, các xúc khả ý, khả lạc, khả hỷ, khả ái, hấp dẫn, lôi cuốn. Sự tiếp xúc giữa căn và trần là duyên khởi các dục. Tác dụng khác nhau của sắc, thanh, hương, vị, xúc vào tâm là các dục sai biệt. Khi ham muốn (ái dục) một cái gì liền có một tự ngã khởi lên bám sát vào vật ấy dẫn đến những hành động tạo nghiệp về thân khẩu ý, đó gọi là dục dị thục (hậu quả của dục). Khi xúc (căn, trần và thức) đoạn diệt là dục đoạn diệt. Bát Chánh Đạo là con đường đưa đến các dục đoạn diệt.

2- Kiến thức về cảm thọ (cảm giác), cảm thọ sanh khởi, cảm thọ sai biệt, cảm thọ dị thục, cảm thọ đoạn diệt, con đường đưa đến cảm thọ đoạn diệt.

Này các thầy, có ba loại cảm thọ là lạc thọ, khổ thọ và phi khổ phi lạc thọ. Sự tiếp xúc giữa căn và trần là duyên khởi các cảm thọ. Có lạc thọ liên hệ đến vật chất, có lạc thọ không liên hệ đến vật chất, có khổ thọ liên hệ đến vật chất, có khổ thọ không liên hệ đến vật chất, có phi khổ phi lạc thọ liên hệ đến vật chất, có phi khổ phi lạc thọ không liên hệ đến vật chất, đó là các cảm thọ sai biệt. Khi cảm thọ một cái gì liền có một tự ngã khởi lên bám sát vào vật ấy dẫn đến những hành động tạo nghiệp về thân khẩu ý, đó gọi là cảm thọ dị thục (hậu quả của cảm thọ). Khi xúc (căn, trần và thức) đoạn diệt là cảm thọ đoạn diệt. Bát Chánh Đạo là con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt.

3- Kiến thức vể nhận thức (perception), nhận thức sanh khởi, nhận thức sai biệt, nhận thức dị thục, nhận thức đoạn diệt, con đường đưa đến nhận thức đoạn diệt.

Này các thầy, có sáu nhận thức là nhận thức về sắc, nhận thức về thanh, nhận thức về hương, nhận thức về vị, nhận thức về xúc và nhận thức về pháp (ý). Sự tiếp xúc giữa căn và trần là duyên khởi các nhận thức. Có sự khác nhau giữa các nhận thức về sắc, về thanh, về hương, về vị, về xúc và về pháp (ý), đó gọi là các nhận thức sai biệt. Sau khi nhận thức một sự vật rồi mới có cảm giác và ý tưởng về sự vật ấy: các nhận thức đưa đến cảm thọ, ý tưởng và lòng ham muốn, đó gọi là các nhận thức dị thục (hậu quả của nhận thức). Khi xúc (căn, trần và thức) đoạn diệt là nhận thức đoạn diệt. Bát Chánh Đạo là con đường đưa đến nhận thức đoạn diệt.

4- Kiến thức về các lậu hoặc (àsava, phiền não), các lậu hoặc sanh khởi, các lậu hoặc sai biệt, các lậu hoặc dị thục, các lậu hoặc đoạn diệt, con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt.

Này các thầy, có ba lậu hoặc là dục lậu[5], hữu lậu[6]và vô minh lậu[7]. Vô minh là duyên khởi các lậu hoặc. Có các lậu hoặc đưa đến địa ngục, có các lậu hoặc đưa đến bàng sanh, có các lậu hoặc đưa đến ngạ quỷ, có các lậu hoặc đưa đến thế giới loài người, có các lậu hoặc đưa đến thế giới chư Thiên, đó gọi là các lậu hoặc sai biệt. Vô minh diệt là các lậu hoặc đoạn diệt. Bát Chánh đạo là con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt.

5- Kiến thức về nghiệp (kamma, karma), các nghiệp sanh khởi, các nghiệp sai biệt, các nghiệp dị thục, các nghiệp đoạn diệt, con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt.

Này các thầy, có ba nghiệp: suy tư là ý nghiệp, nói năng là khẩu nghiệp, hành động là thân nghiệp. Có nghiệp đưa đến địa ngục, có nghiệp đưa đến bàng sanh, có nghiệp đưa đến ngạ quỷ, có nghiệp đưa đến thế giới loài người, có nghiệp đưa đến thế giới chư Thiên, đó gọi là các nghiệp sai biệt. Có nghiệp đưa đến quả báo ở đời hiện tại, có nghiệp đưa đến quả báo ở đời sau, có nghiệp đưa đến quả báo ở đời sau nữa, đó gọi là các nghiệp dị thục. Khi xúc (căn, trần và thức) đoạn diệt là nghiệp đoạn diệt. Bát Chánh Đạo là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.

6- Kiến thức về khổ, các khổ sanh khởi, các khổ sai biệt, các khổ dị thục, các khổ đoạn diệt, con đường đưa đến các khổ đoạn diệt.

Này các thầy, sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, lo sợ buồn rầu là khổ, mong cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ. Tham ái là duyên khởi các khổ. Có khổ ít, có khổ nhiều, có khổ lâu hết, có khổ mau hết, đó là các khổ sai biệt. Có hạng người bị khổ chinh phục, tâm bị ràng buộc, âu sầu, bi thảm, than van, khóc lóc, đi đến bất tỉnh; do đó đi tìm bên ngoài xem có ai biết được một hai câu thần chú hay có cách nào để đoạn diệt khổ này. Ta tuyên bố rằng khổ đưa đến mê loạn, đưa đến tìm kiếm, đây là các khổ dị thục. Tham ái đoạn diệt là khổ đoạn diệt. Bát Chánh Đạo là con đường đưa đến khổ đoạn diệt.

Này các thầy, những điều Như Lai vừa nói là những kiến thức căn bản để hiểu rõ, để thắng tri, để nắm vững, để thâm nhập Giáo Pháp giác ngộ và giải thoát, các thầy nên suy niệm và thực hành.

Phật nói kinh Sư Tử Hống[8]

Trong một buổi thuyết pháp vào mùa an cư năm nay, đức Phật nói Kinh Sư Tử Hống để tóm lược những điểm chính yếu trong Giáo Pháp giác ngộ và giải thoát, và cũng để gián tiếp trả lời những thắc mắc về có ngã hay không có ngã, sau khi nhập diệt sa môn Gotama còn hay mất. Đức Phật nói :

Này quý vị, đạo lý giác ngộ và giải thoát có năng lực công phá những thành trì kiên cố nhất của vô minh, cũng như ánh sáng có năng lực làm tiêu tan bóng tối. Những giáo lý như Bốn Sự Thật, Vô Thường, Vô Ngã, Duyên Sinh, Bốn Niệm Xứ, Bảy Giác Chi, Ba Cửa Giải Thoát[9]và Con Đường của Tám Hành Động Chân Chánhđã được tuyên thuyết trong nhân gian như những tiếng gầm của con sư tử chúa, làm cho hàng trăm hàng ngàn tà thuyết và hý luận phải hoảng sợ bỏ chạy, hoặc lặng im thinh thích.

“Này quý vị, sư tử là vua của các loài thú. Khi bước ra khỏi hang, con sư tử uốn mình, vươn vai. Sau khi uốn mình và vươn vai, nó đưa cặp mắt sáng quắc nhìn ra bốn phía. Rồi nó gầm lên ba tiếng lớn làm rung chuyển cả rừng núi. Sau đó nó mới đi tìm mồi.

“Này quý vị, bất cứ loài thú nào nghe tiếng gầm của sư tử đều lấy làm sợ hãi, có con trốn kín, có con bỏ chạy, có con run rẩy, rã rời cả tứ chi không còn biết làm gì nữa. Loài chim bay bổng lên cao. Loài thuồng luồng, cá sấu hấp tấp lội xuống nước. Chồn cáo chui vào hang sâu. Những con voi trong các xóm làng lân cận, dù là voi của vua có trang sức dây nịt và lọng vàng, đều hoảng sợ bỏ chạy, có khi văng cả phân và nước tiểu. Con sư tử có uy lực lớn như thế.

“Này quý vị, pháp âm của đạo giác ngộ và giải thoát cũng giống như tiếng gầm của con sư tử chúa. Khi pháp âm giác ngộ cất lên thì tất cả các tà thuyết đều run sợ. Khi được nghe tuyên thuyết các đạo lý vô thường, vô ngã, duyên sinh... thì tất cả những ai lâu nay an trú trong vô minh và buông thả đều phải giật mình. Loài người cũng vậy mà loài trời cũng vậy. Khi bừng tỉnh giấc mơ, mọi người thấy được sự thật chói lòa : “Thì ra lâu nay chúng ta đang ở nơi nguy hiểm mà cứ tưởng là an ổn; chúng ta đã nhận cái vô thường làm cái thường, cái vô ngã làm ngã, cái khổ làm vui, cái tạm bợ làm vĩnh cửu, cái giả làm thật”. Đã đến lúc chúng ta phải vất bỏ tất cả các lập trường, thành kiến, cố chấp để tiếp nhận chân lý.

Này quý vị, các học thuyết của nhân gian đều bị ràng buộc vào ý niệm có/không. Đạo lý giác ngộ vượt ra ngoài ý niệm có/không. Nhân gian thường bị vướng mắc trong bốn cạm bẫy lớn của cuộc sống. Cạm bẫy thứ nhất là dục lạc. Cạm bẫy thứ hai là kiến thức. Cạm bẫy thứ ba là nghi lễ. Cạm bẫy thứ tư là ý niệm về ngã. Con người bị lúng túng, ràng buộc trong bốn cạm bẫy ấy, không còn biết đâu là chân lý. Pháp âm giác ngộ đưa con người thoát ra khỏi bốn cạm bẫy lớn này.

“Này quý vị, muốn thoát ra khỏi các thành kiến, cố chấp, cạm bẫy để thấu triệt chân lý, quý vị phải thường xuyên quán sát “tự tánh duyên khởi[10]” trong đời sống hằng ngày của quý vị, nơi thân thể, nơi cảm giác, nơi tư tưởng, nơi hành động và lời nói, nơi muôn vật.

“Này quý vị, một khi đã thành tựu phép quán “tự tánh duyên khởi” quý vị sẽ hiểu rõ vì sao Như Lai nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Như Lai thường trụ không biến đổi. Đó là chân lý, đó là tiếng gầm của con sư tử chúa.



[1]Xem Trường Bộ (Dìgha nikàya) 27: kinh Agganna.

[2]Các kiết sử : Có 5 hạ phần kiết sử là tham, sân, thân kiến, giới cấm thủ, hoài nghi; và 5 thượng phần kiết sử là sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, mạn, vô minh.

[3]Xem Tăng Chi Bộ, chương 6 pháp, kinh 63: Thâm Nhập (Nibbedhika sutta).

[4]Dị thục (vipàka) : Hậu quả; quả báo thiện hay ác.

[5]Dục lậu(kàmàsava) : Phiền não trong cõi dục. Chúng sanh do dục lậu tạo các nghiệp nên bị rơi vào cõi dục, không thoát ra được. Lòng tham dục, tham ái.

[6]Hữu lậu(àsava) : Phiền não trong cõi dục và cõi sắc. Chúng sanh do hữu lậu tạo các nghiệp nên bị rơi vào cõi sắc; nếu còn dục lậu thì bị rơi vào cõi dục.

[7]Vô minh lậu(avijjàsava) : Phiền não trong cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Chúng sanh do vô minh lậu tạo các nghiệp nên bị rơi vào cõi vô sắc; nếu còn hữu lậu thì bị rơi vào cõi sắc.

[8]Xem Trung Bộ 11 và 12; Tương Ưng Bộ, chương 22, kinh 78: Sư Tử; Tăng Chi Bộ, chương 4 pháp, kinh 33: Tiếng Rống Con Sư Tử; Tăng Chi Bộ, chương 10 pháp, kinh 21: Con Sư Tử; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 835; Kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm 23: Sư Tử Hống Bồ tát.

[9]Ba Cửa Giải Thoátlà Ba Pháp Ấn (vô thường, vô ngã, niết bàn), hay Ba Vô Lậu Học (giới, định, tuệ).

[10]QuánTự tánh duyên khởilà tìm hiểu vì sao từ nơi Chơn Tâm thanh tịnh lại vọng sanh ra thế giới và vạn vật. Tức quán 12 nhân duyên: Chơn tâm > Vô minh > Hành > Thức > Danh sắc > ...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]