Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 04

06/11/201320:25(Xem: 7701)
Phần 04

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 5
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---


Phần 04

Con thằn lằn chọn nghiệp

Ánh mắt từ bi

La Hán mù

Bảy nàng công chúa

Một đạo sĩ chí hiếu


Con thằn lằn chọn nghiệp

Giữa một con đường truông thăm thẳm, vắng vẻ âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một cái am nhỏ. Am ấy mới cất, độ non ba năm thôi. Trong am chỉ có một cụ sư già, thui thủi một mình quanh năm chẳng được ai thăm viếng. Trước am, nơi giữa sân, chất sẵn một đống củi, vừa lớn vừa cao ngất, củi xếp rất vuông vắn, thẳng thắn, dường như được săn sóc chẳng khác một vườn kiểng do một vị lão trưởng giả chăm sóc.

Một hôm, trời đã tối, nhà sư vừa lên đèn được một chập, thì có hai người khách đến trước ngưỡng cửa, vái và thưa rằng:

- Bạch sư cụ, nhờ ngọn đèn dắt dẫn, chúng tôi mới theo dõi đến đây. Mong chờ sư cụ cho tá túc một đêm, sáng mai chúng tôi sẽ lên đường.

Nhà sư ung dung, chấp tay đáp:

- Mô Phật! Cửa thiền bao giờ cũng mở rộng cho người lỡ bước.

Rồi dừng một phút, dường như để chấn tĩnh nỗi vui đương sôi nổi trong lòng, nhà sư tiếp:

- Ngót ba năm nay, tôi mở am nơi này, không được một ai đến viếng. Ngày nay là ngày thỏa mãn ước nguyện, may được hai ngài quá bước, ghé nghỉ chân. Âu cũng là duyên trước…

Nói xong, nhà sư dọn cơm chay cho khách dùng, và câu chuyện không đề, vô tình dẫn khách đến câu hỏi:

- Bạch sư cụ, chẳng hay sư cụ thích tụng kinh nào?

Vui sướng, vì như gặp bạn tri âm, nhà sư đáp:

- Tôi quy y Phật pháp từ nhỏ bé, rừng thiền có thể nói rằng đã viếng khắp nơi. Cách ba năm nay, lòng huệ được mở ra… Và từ ấy tôi chỉ tụng kinh Di Lặc.

Một người khách hỏi:

- Sư phụ có thể cho tôi biết duyên cớ vì sao chăng?

- Mô Phật! Chỉ có lời nói mà độ được người, tôi sao dám tiếc lời! Vậy tôi xin vui lòng nói cho hai người rõ. Bởi tôi đọc qua các kinh sách, thấy rằng đức Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy: hai nghìn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi ly ấy là hồi mạt pháp. Phật Di Lặc sẽ xuống trần cứu độ chúng sinh và chỉnh đốn lại đạo. Nay kể cũng đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần và độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi lẽ ấy tôi có nguyện tụng đủ một ngàn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được y, ấy là tôi sẽ đắc đạo.

Người khách thứ hai hỏi:

- Sư cụ đã tụng được bao nhiêu lần rồi?

- Đã được chín trăm chín mươi chín lần rồi, bây giời chỉ còn lần thứ một nghìn, lần tụng chót của đêm nay. Chắc hai ngài trước đã có duyên lành, đêm nay đến mà chứng kiến tôi tụng lần thứ một nghìn ấy.

Đến đây bữa cơm chay đã mãn, khách mệt mỏi xin ngả lưng. Nhà sư dọn dẹp trong am cho thanh khiết rồi bước lại trước bàn Phật khêu bấc đèn chậm rãi như nện vào không gian. Thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân vang đánh dấu tiếng mõ dai đằng đẵng.

Trước khi nhắm mắt ngủ, hai người khách còn trao đổi một vài câu:

- Tội nghiệp thay cho cụ sư già, quá mê tín, mất sáng suốt, mà không giác ngộ Phật pháp đã lập ra trên hai nghìn năm trăm về trước, tránh sao khỏi chỗ lỗi thời. Nhận thấy chỗ lỗi thời, các môn đệ phải lo tài bồi phát triển mối đạo. Thế là có tư tưởng này, học thuyết nọ, rồi sinh ra môn, ra phái, ấy là nguồn gốc của sự chi ly. Nay rừng thiền có hơn tám mươi bốn nghìn cội khác nhau, ấy là lẽ dĩ nhiên vậy.

- Tôi cũng đồng ý với anh về chỗ đó và nghĩ thêm rằng: Nếu bây giờ có một vị Di Lặc xuống trần, thì vị ấy có trọng trách cất nhắc Phật pháp, cho cao kịp với sự tiến hóa của mọi sự việc từ hơn hai nghìn năm nay. Và trách nhiệm của mỗi tín đồ của Phật là dọn mình cho sẵn, để đón mời các Pháp sắp ra đời. Chớ mê mải trong việc gõ mõ tụng kinh, há chẳng phải là phụ lòng mong mỏi của đức Thích Ca chăng?

Lời nói của hai người khách, giữa một cái am vắng vẻ, không dè có kẻ nghe trộm. Kẻ nghe trộm này là một con thằn lằn, đến ở am, khi am vừa mới dựng lên và đã từng nghe chín trăm chín mươi chín lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phán đoán. Câu phê bình của hai người khách đã giúp cho con thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư, là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên dàn hỏa mà tự thiêu… rồi nó nghĩ: Nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác ngộ, phỏng có thiêu than thì làm sao nhập được Niết Bàn. Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân. Đợi chừng nào người giác ngộ rồi sẽ hay.

Rồi con thằn lằn quyết định: Phải ngăn ngừa, đừng để cho nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn, nó nghĩ được một kế: ấy là bò lên bàn Phật, đến giữa đèn dầu, ráng sức mà uống cạn đĩa dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.

Một sức mầu nhiệm đã giúp con thằn lằn đạt được ý nguyện: Chỉ trong một hơi mà dĩa dầu đã cạn, bộ kinh chỉ mới tụng quá nửa mà thôi. Đèn tắt, nhà sư ngạc nhiên, nhưng nghĩ:Hay là hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng kiến việc đắc đạo của mình? Âu là xếp kinh ngỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.

Nhưng sau đó, đêm nào cũng vậy, buổi kinh đọc chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần này vào khoảng ban ngày, nhưng nhớ lại rằng khi xưa đã có lời nguyện tụng kinh vào khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.

Và một đêm kia dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn dĩa dầu xem sự thể do đâu? Nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên nhà sư dừng gõ mõ, mà mắng rằng:

- Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!

Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình.

Và cũng đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm Ngài gọi nhà sư mà dạy:

- Nhà ngươi theo cửa thiền từ thuở bé, mà chẳng hiểu bài học vỡ lòng của phát ta là thế nào! Pháp ta đã dạy phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà người dục vọng quá nhiều: Bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là: THAM. Bởi tham mới giận đánh con thằn lằn ấy là
SÂN, bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh rồi đắc đạo, ấy là SI. Có đủ tham, sân, si, tất phải phạm tội sát sinh, thì dầu ăn chay trường trọn đời cũng chưa bù được.

“Tội của ngươi lớn lắm, phải tu luyện rất nhiều mới mong chuộc được. Vậy ta truyền cho Kim Cang La Hán hốt hết đống tro do xác ngươi thiêu mà hóa ra, rồi đem tro ấy tung khắp bốn phương trời. Chừng nào mọi người ấy đắc đạo, đám chúng sinh ấy sẽ được quy nguyên, trở lại nghiệp thành một, thì nhà ngươi sẽ đến đây mà thành chánh quả”.

Rồi Phật cho gọi hồn con thằn lằn mà dạy:

- Nhà sư chưa được giác ngộ mà gây tội, tội ấy đáng giá là một mà thôi. Còn nhà ngươi, được nghe lời hai người khách, được giác ngộ một phần rồi, mà làm tội, tội ấy đáng kể là ngươi.

Hồn con thằn lằn lạy mà thưa rằng:

- Bạch Phật Tổ, lòng của đệ tử vốn là muốn độ nhà sư, dầu nát thân cũng không tiếc. Chẳng hay đệ tử có tội chi?

Phật phán:

- Muốn độ người, kể thiếu chi cách, sao ngươi ngăn chận việc tụng niệm của người? Đã đành rằng tụnh kinh như nhà sư là một việc mê tín, song vẫn là một tín ngưỡng. Cõi Phật vốn là cõi tự tại, nếu phạm đến tự do tín ngưỡng, gọi để dắt ngươi vào, thì làm sao cho được? Bởi ngươi không dùng phương pháp tự do, ngươi là kẻ mất tự do, thì cả hai làm sao được vào cõi tự tại?

Một lần nữa, con thằn lằn được giác ngộ, quỳ lạy mà xin lỗi:

- Xin Phật Tổ mở lòng từ bi, cho đệ tử hóa sanh một kiếp nữa, để dùng phương pháp tự do mà độ vô số chúng sinh do những hạt tro, mà các vị Kim Can La Hán vừa tung ra đó.

Phật đáp:

- Ta cho ngươi được toại nguyện.

Hồn con thằn lằn vừa muốn lạy Phật mà đi đầu thai, thì sực nhớ lại, nên bạch rằng:

- Xin Phật Tổ dạy đệ tử phải hóa sanh làm kiếp chi?

Phật đáp:

- Nhà ngươi đã gần bến giác, phải tự chọn mình chọn hình mà hóa sanh. Tự do chọn lựa mới có thể luyện mình để bước vào cõi tự tại.

Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió không biết trụ vào đâu, để có thể vừa dùng phương pháp tự do mà độ người, vừa có thể độ được đông người, số người đông như số hột tro do một xác thiêu ra. Thật chưa hề lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế.

Một hôm, trong hồi phiêu bạt, nó trông thấy bóng của hai ông khách khi xưa đã đến ngủ ở am. Vội vã, nó bay theo, vái chào và kể nỗi niềm đau đớn:

- Hai ngài đã giúp cho tôi giác ngộ được một ít, có hay đâu tôi phải mang cái nghiệp vô định này. Đã trót làm ơn, xin độ cho tôi đến bờ đến bến.

Hai ông khách đáp:

- Chúng tôi đâu dám lên mặt thầy đời mà dạy người, huống chi lại dám đèo bồng mang lại một giảp pháp cho một vấn đề nan giải. Nhưng đã lỡ gieo trong trí ngươi một ý nghĩ làm cho ngươi phải khổ như bây giờ, thì phải góp ý kiến để cho ngươi suy xét mà gỡ rối. Ấy gọi là chuộc lỗi.

Hồn con thằn lằn gật đầu, cám ơn trước.

Một người khách nói:

- Chúng tôi đây là bọn chơi văn giỡn chữ, quanh năm chỉ lấy việc đem ý hay lời đẹp mà làm cho vui lòng kẻ đọc mình, rồi lấy sự vui của người làm sự sung sướng của mình, cho đó là sự “đắc đạo” của mình.

Nếu phải mong muốn điều gì, thì cố gắng trình bày cho bóng bẩy, văn hoa: được thì tốt, bằng không thì thôi, chớ chẳng hề khi nào phạm đến tự do của người.

Nghe đến đó, thì một điểm linh quanh bắt đầu hiện trong trí con thằn lằn. Người khách thứ hai nói tiếp:

- Xưa nay trong bọn chúng tôi cũng được một vài tay lỗi lạc, kể một chuyện lý thú, hát một bài thơ hay, chuyện ấy thơ này được truyền ở hàng triệu miệng. Vậy, nếu ngươi có lòng muốn độ hằng hà sa số chúng sanh, thì cố gắng trau dồi văn tài cho tương xứng, văn ngươi tung ra là có thể cảm hóa triệu triệu người… Rồi cũng phải luyện văn tâm, để cho văn người có thể nhen nhúm được trong lòng mỗi người một điểm lửa thiêng. Lửa bắt cháy, văn của người như dầu rót thêm vào, làm cho ngọn lửa sáng lên.

Hồn con thằn lằn gật đầu ba cái để tạ ơn và nói rằng:

- Con đường ấy khó đi cho đến hết được, Song chắc chắn là đi cùng đường, ắt có thể đến trước tòa sen mà chầu Phật Tổ. Vậy tôi xin sẽ cố gắng.

Mặc chiếc áo không thành ông thầy tu,

nhưng ông thầy tu không thể thiếu chiếc áo.

Không phải chuyên tụng kinh là thành Phật,

nhưng muốn thành Phật không thể không tụng kinh.

Ánh mắt từ bi

“Kiến Phật liễu sanh tử”

Buổi sớm mùa đông ấy, tiếng guốc của Sudas vang lên một âm thanh mòn mòn, ngái ngủ trên sườn đồi hẻo lánh. Với chiếc gàu tưới trong tay, Sudas rảo bước vừa hát thì thầm, tiến về phía dòng suối dưới chân đồi. Sudas mỉm cười khoan khoái, nghĩ đến những luống hoa đang chờ đợi những giòng nước mát sau một đêm đông dài.

Anh ta đến đây lập nghiệp từ bao giờ, không ai hay biết. Chỉ biết Sudas sống cô độc trên đỉnh đồi, và hoa của Sudas là thứ hoa tốt nhất vùng, có thể làm thỏa mãn những khách hàng đài cát nhất.

Đồi hoa của Sudas ở biệt lập, suốt năm không hề một du khách đặt chân. Và thành thị gặp Sudas mỗi tuần một bận, khi anh đem hoa bán để đổi lấy những nhu cầu cần thiết. Ngoài những hôm ấy ra, quanh năm thui thủi trên ngọn đồi vắng vẻ, Sudas sống một cái đời ở ngoài cuộc đời.

Ngày ngày chăm bón những luống hoa, sáng tưới nước, trưa che nắng, chiều bắt sâu, Sudas tự mãn với công việc ấy. Để hoa tốt, tốt để làm gì, để bán. Bán để làm gì, để mua lương thực, để làm gì nữa?... Rủi thay và may thay, Sudas chẳng bao giờ tự đặt những câu hỏi ấy. Đầu óc giản dị của anh ta chỉ chú tâm đến một việc: trồng hoa, Sudas sống không vui không buồn, không sở thích, không đam mê. Hoa của anh là cứu cánh vừa là phương tiện. Những luống hoa anh đã chăm bón hằng ngày với tất cả trìu mến và say sưa, đến cuối tuần cũng chính anh ta sẽ cắt hoa bó thành bó để đem xuống thành thị làm vật đổi chác. Rồi một thế hệ hoa mới lại được nâng niu và sẽ cùng chung số phận như những luống hoa đã đi qua…

Sudas đứng dừng lại bên bờ suối. Mặt nước xao động, và những gợn song như những bàn tay mềm đang từ từ xóa những dấu chân Sudas in trên cát. Chưa bao giờ mặt nước ban mai lại xao động như hôm nay. Sudas khẽ rùng mình linh tính báo cho anh ta một việc gì khác thường sắp xảy đến. Lập tức, Sudas vụt vội gàu nước xuống suối để lấy nước. Nước băng giá tung toé vào mặt, vào tay anh. Sudas không kịp cảm thấy giá buốt. Anh nóng lòng muốn lấy lại cái luống hoa và vội rảo bước lên đồi. Lá úa phủ đầy lối đi, và cây cỏ phô bày bộ xương thiểu não của mùa đông. Đêm qua hẳn gió thổi nhiều, và biết đâu lại không có bão táp. Bão, Sudas giật mình bước chân lên đồi hoa. Nhưng kìa! Đã đến chân đồi, mà sao nhưng giò hoa thắm sắc vẫn mất hút tăm dạng? Sudas hoảng hốt bước lên thì…Chao ôi! Cả một vùng hoa đã bẹp nát dưới bùn lầy, không còn lấy một giò hoa tươi tốt. Đêm qua đã có bão thật rồi! Cả một sự nghiệp đổ nát, một công trình tan vỡ! Thiên nhiên đã phá mất của ta tất cả lẽ sống còn. Thẫn thờ, thiểu não, Sudas bước những bước chếnh choáng xuống sườn đồi thoai thoải. Anh ngỡ mình đang ở trong một cơn mơ không lành. Có lẽ nào! Những luống hoa tươi vừa mới hôm qua đầy hứa hẹn một buổi chợ đắt hàng, thế mà chỉ qua một đêm…Sudas quay lui và nhìn lại một lần cuối để biết chắc rằng mình không mơ: Đây, ở nơi đã vươn lên nhưng chồi hoa mập mạnh, bây giờ là một khung trời mờ nhạt, lạnh lùng…

Sudas xuống đồi đi lang thang, lòng buồn hơn cả trời đông. Men theo dòng suối, anh đi mãi không mục đích và mặc cho ngọn gió buốt làm cho tay và mặt anh tê cóng, anh đã đến biên giới của miền hoang vu. Qua một cổng thành, anh sẽ bước vào một thế giới của đô thị náo nhiệt. Sudas dừng chân, hoang mang. Nhưng lạ kỳ chưa, dưới chân thành, trong hồ sen tàn úa của tuyết đông, anh bỗng bắt gặp một đóa sen tàn úa của tuyết đông, anh bỗng bắt gặp một đóa sen đang vươn lên, đơn chiếc. Đóa hoa trắng muốt và to lớn một cách dị thường. Anh chưa hề thấy một bông sen to như thế cả đến trong những mùa sen nở. Thế mà giờ đây, đang giữa mùa đông, đóa hoa vương giả ấy lại xuất hiện trong một hồ sen công cộng! Sudas mừng rỡ lội xuống hồ bẻ. Anh cầm chiếc hoa sen đi ra cổng thành, định bán để mua một ít đồ ăn lót dạ. Nhưng bỗng Sudas chóa mắt khi thấy bao nhiêu người đều đổ xô đến anh ta và tranh giành nhau để mua đóa hoa. “Ta phải bán nó với một giá thật đắt” Sudas nhủ thầm trong khi khách mua mỗi lúc một đông và giá trả đang lên như diều gặp gió. Sudas làm cao từ chối tất cả các khách hàng: - “Không bán cho ai hết, tôi sẽ đem bán cho nhà vua”.

Khách mua lảng xa, bằng lòng nhường để bán cho nhà vua vì họ đều biết rằng vua cũng sẽ mua đóa hoa quý ấy để cúng dường đức Phật đang thuyết phát trong vùng.

Sudas đi đến kinh thành, nhưng một hành khách sang trọng dừng bước, anh ta đòi mua cho kỳ được đóa hoa với một giá chưa từng có: hai trăm quan tiền vàng. Sudas gần muốn điên lên vì sung sướng. Hai trăm quan! Cả một đồi hoa tươi tốt của anh ta cũng chưa bao giờ bán được với giá ấy. Và vì lòng tham không hề lùi bước, anh ta quyết đem bán cho nhà vua thật. Nhưng Sudas không phải nhọc công đi vào kinh thành, vì kìa, đức vua đã ngự đến. Vẻ giản dị của ngài vẫn không làm giảm cốt cách cao sang. Ngài dừng lại, ôn tồn bảo hành khách:

- Này du khách, ngươi có thể nhường cho ta mua đóa hoa này chăng? Để ta đem đến dâng cúng đức Thế Tôn.

Cũng như những người mua trước, du khách bằng lòng và bỏ tiền vào túi rồi rảo bước. Nhà vua nói với Sudas:

- Ngươi sẽ bán đóa hoa cho ta với giá gấp đôi giá hành khách kia đã trả, được chứ? Sudas ngẫm nghĩ: Đức Thế Tôn là ai? Nhưng chắc hẳn phải là cao sang và giàu có hơn nhà vua này. Thế nên mọi người, cả đến nhà vua, mới hăm hở mua hoa để dâng ngài như thế. Tại sao ta lại không bán cho chính Đức Thế Tôn ấy? Ta sẽ giàu to chuyến này!

Và Sudas từ chối nhà vua:

- Tâu ngài, tôi sẽ đem hoa này bán cho Đức Thế Tôn. Xin ngài vui lòng chỉ dẫn tôi, ông ấy hiện ở đâu.

Nhà vua vui lòng chỉ lối đi. Sudas rảo bước về tịnh xá, nơi đức Phật đang tĩnh tọa để đợi giờ thuyết pháp cho Tăng sĩ.

Sudas đã đến cõi thanh bình. Đây là vườn Cấp Cô Độc, người đã cúng Phật khoảnh đất để làm nơi thuyết pháp. Tuy là giữa mùa đông mà lá cây xanh rờn, khắp không trung bàng bạc một mùi hương thanh tịnh. Sudas bỗng lạnh người… Dưới gốc cây, đức Phật đang ngồi, uy nghiêm, chói lọi. Sudas đứng dừng và toan lùi bước. Nhưng đức Thế Tôn đã nhìn thấy Sudas…ánh mắt từ bi! Ôi cả một đại dương tình thương chứa đầy đôi mắt ấy!

Sudas từ từ tiến đến đức Phật, bao nhiêu tham lam hèn hạ đã tan biến đâu mất. Sudas quỳ xuống, một nụ cười hiền dịu nhìn Sudas. Ngài đã biết tận can phế của đứa con yêu và dịu dàng khẽ hỏi:

- Con muốn gì nữa?

Sudas cúi đầu ấp úng:

- Bạch Ngài, con muốn hôn chân Ngài.

Tần Xuyên

Đứng yên ngoài hàng dậu

Em mỉm nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Vừa thoảng nghe em hát

Lời ca em thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu.

La Hán mù

Vào một mùa an cư, Trưởng lão Đại Thọ dẫn đầu sáu mươi Tỳ kheo đến một trú xứ để tu tập thiền định. Vì tinh tấn quá mức, Trưởng lão bị chứng đau mắt nặng, nhưng Ngài vẫn không bỏ dở nguyện đã lập ban đầu là chỉ giữ ba oai nghi đi đứng ngồi, không nằm suốt mùa an cư. Với ý chí kiên cường mãnh liệt Ngài tự nhủ: Từ vô lượng kiếp ta đã từng bị mù tối vô minh, đã bao nhiêu đời chư Phật, hằng hà sa số đấng Giác Ngộ đã hiện thân, thế mà ta chưa hề biết đến, mãi đến kiếp này may mắn được đức Thế Tôn dạy ta tu tập, ba tháng an cư này ta quyết không ngủ dù thân ta khô gầy bịnh tật, dù đôi mắt ta tàn lụi, mù lòa. Phát nguyện xong, tâm thái Ngài nhẹ nhàng, siêu thoát.

Chưa hết mùa an cư mà đôi mắt của Ngài như ánh đèn sắp sửa phụt tắt, vào một đêm Ngài thấy toàn không gian một màu đen vô tận, nhưng cùng lúc đó tâm thức Ngài lại sang bừng chân lý nhiệm mầu, tất cả phiền não vô minh đều vén sạch. Ngài đắm chìm trong thiền định quên cả không gian, thời gian cho đến khi chư Tăng vào thăm, họ mới khám phá ra Ngài đã mù.

Từ hôm ấy Trưởng lão Đại Thọ không đi khất thực nữa, dân làng biết Ngài bị mù họ vô cùng xúc động, ngày ngày họ mang cơm cháo, thức ăn đến cúng dường Ngài thật chu đáo.

Sáu mươi Sa Môn được sự hướng dẫn tu tập thiền định của Trưởng lão đều đắc A La Hán quả. Đã hết mùa mưa, ba tháng an cư chấm dứt, các Sa Môn náo nức muốn về Xá Vệ gặp lại đức Bổn Sư, họ xin phép Trưởng lão. Trưởng lão nghĩ thầm: “Năm nay ta già yếu nhiều, trên đường đi rừng rậm hiểm nguy lại có lắm ma quỷ quấy phá. Nếu ta đi với các huynh đệ, lại them bận rộn, mất thì giờ của họ, vả lại ta không thể khất thực được, lại thêm phiền cho họ lắm! Ta cứ để cho các huynh đệ đi trước. Suy nghĩ xong Ngài quả quyết nói:

- Vâng, các huynh đệ, tôi rất đồng ý đề nghị này, nhưng các vị cứ đi trước.

- Nhưng còn Ngài?

- Tôi già yếu, nếu tôi cùng đi sẽ mất thì giờ các vị và gây bận rộn cho các huynh đệ, vì thế tôi muốn các huynh đệ đi trước.

- Thưa Ngài, chúng tôi chỉ đi khi có Ngài cùng đi thôi!

- Đúng, các ông đừng trái lời tôi và đừng lo cho tôi. Vì em trai tôi khi nó trông thấy chư Tăng thế nào hắn cũng hỏi thăm tin tức của tôi, các huynh đệ hãy nói với hắn cho người đến đây đưa tôi về. Thôi! Tôi kính thăm tất cả chư vị Trưởng lão nhé!

Sau cuộc hành trình vất vả chư Tăng đến Xá Vệ, vào tịnh xá Kỳ Viên diện kiến đức Phật, đảnh lễ Ngài và thăm các trưởng lão. Ngày hôm sau họ đi khất thực gần nhà của em Trưởng lão Đại Thọ, nên trông thấy các Sa Môn, Tiểu Thọ hy vọng sẽ gặp lại được anh. Tiểu Thọ vui mừng đón tiếp chư Tăng và lo lắng hỏi thăm: Còn Trưởng lão Đại Thọ anh của tôi bây giờ ra sao?

Chư Tăng thuật rõ mọi việc, Tiểu Thọ bàng hoàng, đau xót thương anh tật nguyền và nóng lòng muốn gặp anh. Qua cơn xúc động Tiểu Thọ vâng theo lời các Sa Môn cho người cháu trai đến rước Trưởng lão về. Nhưng đường đi nguy hiểm nhiều tà ma quỷ quái, theo lời bàn luận của chư Tăng, nên cho chú cháu trai ấy xuất gia thọ giới pháp của Phật rồi đi mới có thể an toàn được, vì dù sao đi nữa ma cũng nể sợ đệ tử của Phật, không dám xâm hại.

Người cháu trai của Trưởng lão được xuất gia thọ giới trong một đêm và trở thành Sa Môn. Chàng Sa Môn bất đắc dĩ lặn lội mấy ngày mới đến nơi Trưởng lão, tìm gặp được Ngài và sau đó dìu Ngài đi về. Lúc cùng đi xuyên qua cánh rừng hoang vu, chàng tu sĩ thoáng nghe giọng hát du dương từ xa đưa lại, như tiếng người con gái đi nhặt củi trong rừng, tiếng hát truyền cảm như xoáy tận tâm thân chàng trai, (vì thế đức Phật đã nói một câu bất hủ về Tâm lý học: “Ta biết không còn một thứ âm thanh nào ngự trị nổi trên trái tim của người nam hơn là tiếng nói của người nữ) bị âm thanh kỳ diệu mê hoặc, chàng ta quên hẳn bổn phận của chàng đối với Trưởng lão. Chàng xin Trưởng lão dừng lại đợi chàng một tí, nói xong chàng chạy thoát đi, tìm xuất xứ của tiếng hát kia. Chàng gặp một thiếu nữ tuyệt đẹp, nàng không hát nữa, nhưng…sắc đẹp của nàng còn quyến rũ gấp trăm ngàn lần tiếng hát của nàng. Nàng im lặng mỉm cười và chàng Sa Môn càng đắm đuối… và chỉ thoáng chốc chàng tu sĩ trẻ tuổi đã vướng vào mùi ái dục.

Vị Trưởng lão chờ lâu không thấy tăm dạng chàng Sa Môn. Ngài băn khoăn: “Ta vừa nghe tiếng hát đàn bà. Có lẽ chú ấy đã bị quyến rũ và lỡ dại phạm giới rồi!”

Chàng Sa Môn trả trở lại, thưa:

- Thưa Ngài, chúng ta cùng tiếp tục đi!

Nhưng Trưởng lão nghiêm nghị hỏi:

- Này Sa Môn, ông đã phạm tội rồi phải không?

Sa Môn trả tuổi xấy hổ im lặng. Ngài lại nói tiếp một cách đanh thép:

- Một kẻ không thanh tịnh như người không thể nào ở trong đoàn thể của ta được.

Sa Môn trẻ vô cùng hối hận, chàng cởi chiếc y vàng xếp lại, khoác lại chiếc áo thế tục và ngập ngừng quỳ xuống thưa:

- Thưa Ngài, ngày hôm qua con là tu sĩ, hôm nay con trở lại làm cư sĩ. Thật ra con đi tu là một sự bất đắc dĩ, chứ không phải vì lòng chân thành tin nguyện, vì sợ hãi những hiểm nguy trên cuộc hành trình nên con phải mượn hình thức Sa Môn để dọa tà ma. Thôi! Xin Ngài thứ lỗi cho con và con xin đưa Ngài đi!

Trưởng lão trả lời chậm rãi, bình tĩnh:

- Dù là Sa Môn hay người thế tục, hễ kẻ hành động xấu vẫn bị xem là kẻ xấu. Ngươi là Sa Môn ngươi không giữ gìn phạm hạnh và khi thành kẻ thế tục biết ngươi có được là kẻ tốt lành chút nào không? Đâu có phải cởi chiếc áo ra là hết xấu? Ta không bao giờ đi chung với một kẻ tội lỗi như ngươi!

- Nhưng thưa Ngài! Đường đi nguy hiểm xa xôi, còn Ngài đã già yếu lại thêm mù lòa, Ngài không thể nào đi tiếp tục một mình, chẳng lẽ Ngài ở lại đây sao?

Trưởng lão cương quyết – Đừng bận tâm, dù ta phải nằm ở đây mà chết nơi đây ta cũng cam lòng, ta không bao giờ đi với ngươi. Ngài lại đọc bià kệ:

Ôi! Đôi mắt ta khép kín

Đường nhọc nhằn dấn bước

Ta sẽ nằm chết rũ

Như chiếc lá khô rơi

Kẻ đồng hành si dại

Thôi! Hãy từ giã nhau.

Chàng trai rợn cả người, xúc động đến run rẩy và sự hối hận khiến chàng đau khổ ăn năn quá sức, chàng ôm lấy đầu khóc nức nở và chạy đi như một kẻ điên loạn.

Âm vang của bài kệ làm cả thế giới chuyển động và trên tầng trời, vua Đế Thích bỗng thấy trên thiên quốc Ngài bị chấn động lạ lùng. Vua trời Đế Thích dùng thiên nhãn xem thấy Trưởng lão mù là người quyết xả thân vì đạo, cảm kích đạo tâm dũng mãnh của Trưởng lão, Đế Thích tức tốc đến hộ trì bậc tu hành chân chánh.

Trời Đế Thích hiện hình người đến gần Trưởng lão, đi tới chạm chân Trưởng lão.

- Ai đấy? - Trưởng lão lên tiếng hỏi.

- Thưa, tôi là lữ khách, tôi muốn đi về Xá Vệ.

- Nhưng thôi, ông đi trước đi.

Lữ khách ôn tồn bảo:

- Như vậy chúng ta cùng đi, vì được đi với Ngài tôi sẽ được chút phước chớ, Ngài đừng phiền chi cả.

Trời Đế Thích dùng thần lực thu ngắn quãng đường nên chỉ trong chớp mắt đã đến thành Xá Vệ, Trưởng lão bỗng nghe tiếng trống, tiếng đàn, âm nhạc rộn ràng, Ngài ngạc nhiên hỏi:

- Đây là đâu lại có những âm thanh này?

- Thưa đã đến Xá Vệ rồi!

Trưởng lão nghe nói như thế thầm biết người lữ khách này không phải phàm phu, có lẽ là thần thánh nào đây.

Đế thích dìu Trưởng lão vào một túp lều tranh do Tiểu Thọ cất để cho Trưởng lão tạm trú. Xong rồi Đế Thích hóa thành người bạn của Tiểu Thọ đến nhà Tiểu Thọ báo tin Trưởng lão Đại Thọ đã về. Báo tin xong người bạn ấy biến mất.

Tiểu Thọ vội vàng chạy đến lều tranh, gieo mình dưới chân anh, ôm chân Trưởng lão kể lể bao nỗi nhớ thương. Tiểu Thọ cắt đặt cho hai người giúp việc đến xuất gia với Trưởng lão và ở lại đó để lo hầu hạ, giúp đỡ những việc lặt vặt cho Ngài.

Chư Tăng được tin Trưởng lão về, cũng rủ nhau đến thăm Ngài. Thình lình sang hôm ấy, có cơn bão dữ dội xảy đến, họ đành hẹn lại ngày thuận tiện sẽ tới thăm. Sau hai ngày mưa, đất ẩm ướt, loài côn trùng chui ra khỏi đất nằm la liệt trên đất, Trưởng lão vẫn giữ thói quen đi kinh hành trong thất như hằng ngày. Ngài bước đi dò dẫm, đạp chết vô số côn trùng mà không biết. Hôm sau chư Tăng đến Thăm Ngài, thấy quá nhiều côn trùng bị dẫm chết trong thất Trưởng lão, họ bất bình quay về bạch Phật.

Đức Phật hỏi chư Tăng:

- Các ông có thấy Trưởng lão sát sanh không?

- Thưa không!

- Rõ ràng là các ông không thấy ông ấy giết và ông ấy mù không thấy côn trùng bị chết, tâm ông ấy không có chứa một chút xíu ý tưởng sát sanh. Sa Môn các ông nào biết vị Trưởng lão này đã dứt sạch tất cả triền phược và sẽ chấm dứt luân hồi sanh tử, thực sự chứng đắc quả A La Hán.

Các Sa Môn ngạc nhiên hỏi:

- Bạch Thế Tôn, nhưng vì saovị A La Hán này lại bị mù lòa?

Phật bảo:

- Các Sa Môn, ta sẽ nói rõ nhân duyên.

Vào thời Phật xa xưa, lúc vua Kasi ngự trị nước Ba La Nại, có một vị y sĩ đi khắp nơi hành nghề. Một hôm, gặp một người đàn bà đau mắt, ông đến hỏi thăm:

- Bà làm sao thế?

Người đàn bà ôm mắt rên siết:

- Mắt tôi sưng đau nhức mấy ngày nay, tôi sợ bị mù quá!

Lương tâm nghề nghiệp khiến cho y sĩ không thể làm ngơ được, ông sốt sắng:

- Tôi thử chữa trị cho bà nhé?

- Ồ quý hóa thay!

Người đàn bà muốn tỏ lòng tri ân nên vội vàng hứa rằng:

- Nếu mắt tôi được lành mạnh, suốt đời tôi xin làm tôi tớ phục dịch cho ông, đến các con tôi, con trai, con gái, cũng đều xin phục dịch cho ông để đền đáp ơn này.

- Vâng, thật quá tốt!

Vị y sĩ chế thuốc và xức thuốc cho người đàn bà, chỉ trong vài hôm sau mắt người đàn bà hết đau nhức, trở lại bình thường.

Người đàn bà thầm nghĩ: “Ta đã hứa làm nô tỳ cho ông ấy và bắt các con cũng phục dịch để trả ơn thật là quá đáng. Ông ấy chữa trị có tốn hao gì đâu, chỉ dùng vài lá cây tán nhuyễn rồi đắp vào mắt là khỏi ngay. Nhưng để khỏi thi hành theo lời hứa vừa rồi, mình phải nói dối, cho ông ta hết mong được thù đáp, trả công.

Vài ngày sau, y sĩ tới thăm bà thân chủ đau mắt hỏi bà có bớt chút nào không, bà trả lời: “Đã không đỡ đau, thuốc dán của ông còn hành nhức nhối thêm nữa”.

y sĩ ngẫm nghĩ: Từ hôm trước ta biết mụ này keo kiệt, không muốn trả tí thù lao cho ta, bây giờ muốn nuốt luôn lời hứa, nên dối gạt ta đây. Thôi ta chẳng cần, bây giờ ta làm cho mụ mù luôn cho bõ ghét!

Ông ta ấm ức lắm nên về kể chuyện này cho vợ nghe, vợ ông không dám bày tỏ ý kiến, để mặc ông cặm cụi chế thuốc. Y sĩ nấu một lọ thuốc dán đặc biệt toàn là những độc tố đem biếu không cho người đàn bà và căn dặn phải xức một ngày ba lần. Người đàn bà thấy có thuốc không mất tiền mua, và nghĩ rằng xức nhiều chắc mau lành bệnh nên bôi thuốc thật nhiều và không bao lâu đôi mắt của bà ta mù luôn. Ông y sĩ đó là tiền nhân của Trưởng lão Đại Thọ.

Này Sa Môn! Nếu đời trước chúng ta tạo nhân không lành, đời này dĩ nhiên chúng ta phải gánh lấy quả xấu, vì nhân quả đi với nhau như bóng theo hình. Và gốc của mọi sự đau khổ hay an lạc cũng đều do tâm thức của chúng ta chủ động. Vì tâm suy nghĩ mới đưa tới hành động, lúc hành động đã là kết nghiệp và nghiệp sẽ đẩy chúng tới sự luân chuyển không ngừng trong các cõi.

Điều quan trọng của chúng ta ngay bây giờ là chuyển hóa nghiệp lực bằng cách nỗ lực quay về hoán chuyển nội tâm. Tâm chúng ta thuần hòa, trong sáng, việc làm chúng ta được hướng dẫn bởi tâm niệm tốt lành, dĩ nhiên sẽ đem lại sự an lạc và lợi ích cho chính mình cũng như cho người khác. Đây là một sự thật hiển nhiên.

Học đạo quý vô tâm.

Làm nghĩ, nói không lầm.

Sáng trong và lặng lẽ.

Giản dị mới uyên thâm

Bảy nàng công chúa

Chính giữa kinh thành Ba La Nại có một hồ sen rộng, nước trong xanh mát, dưới đáy hồ toàn cát vàng, trong hồ rất nhiều thứ cá đủ sắc bơi lội nhịp nhàng, hoa sen thươờg nở bốn mùa, sắc đẹp hương thơm ngào ngạt. Ngoài ra lại còn nhiều thứ cây hoa kỳ lạ, những trái giả sơn cao vút sắp đặt kỳ xảo, có suối chảy, có thông reo.v.v…Đây là một thắng cảnh của kinh đô mà thời xưa khi nhân loại còn man rợ và chưa đông đúc, thì chốn này rất thanh tịnh là nơi “tú khí anh linh” nên các tiên nhân hoặc các vị Bồ Tát thường đến đây tham thiền.

Vì vậy khi vua nước Ba La Nại lên ngôi, vua liền lập đạo tràng ngay tại đấy, để những ngày trai tiết vua và bảy công chúa thường ra đây thọ giới “Bát quan trai”.

Nhà vua là một Phật tử thuần thành, nên khi lên ngôi vua liền lấy Phật giáo làm quốc giáo, lấy năm giới và mười điều thiện làm thước ngọc khuôn vàng để giáo hóa muôn dân. Lại lập nhiều tịnh xá thỉnh Phật thuyết pháp, nhờ vậy trăm họ đều được thấm nhuần pháp lạc. Nhất là bảy nàng công chúa.

Từ khi Hoàng hậu băng hà, các công chúa đã chứng kiến cái cảnh tử thần cướp mất người mẹ hiền thục đoan trang diễm lệ và thân yêu nhất của đời mình. Nhận thấy cảnh vô thường diễn rõ trước mắt làm cho bảy công chúa tỉnh ngộ.

Từ đấy những con người ngọc ấy đã cương quyết không lập gia đình, nguyện đem sắc đẹp khuynh thành và lứa tuổi thanh xuân để phục vụ chúng sanh. Nhà vua tuy không có con trai, nhưng nhờ hiểu sâu giáo lý của đức Phật, nên đức vua cũng không nghĩ đến việc kế truyền mai hậu. Ngài cô đông bao nhiêu tình thương vào bảy cô con gái, vua rất chiều ý con. Đặc sắc của bảy công chúa là thật hành hạnh bố thí. Thường ngày trai tiết bảy công chúa vẫn thọ giới bát quan trai, vua bao giờ cũng tùy hỷ hạnh lành của các con.

Một hôm, sau khi xả giới bát quan trai xong các công chúa liền xin cha lên chốn tha ma để ngoạn thưởng. Vua lấy làm lạ liền khuyên: tha ma là nơi đáng ghê sợ, chỗ ấy là cảnh giới của người chết, nơi ấy xương cốt bừa bãi, thây chết ngổn ngang đầy mùi hôi thối, chim quạ tranh nhau ăn nuốt, sâu bọ rúc ráy, thân nhân than khóc thảm thê có gì mà các con ngoạn thưởng? Trong cung ta có nhiều vườn hoa đẹp, cảnh sắc xinh tươi, muôn hoa đua nở, có hồ nước mát trong, các loài chim quý hót tiếng vui tai… Vậy các con nên vào thượng uyển mà thưởng ngoạn.

Các công chúa tâu: Vườn đẹp, chim hót, hoa nở… phỏng có giúp gì cho nghiệp của các con! Các con vì nhìn thấy tâm niệm vô thường, thân như huyễn hóa dù cho giàu sang như vua chúa, đẹp đẽ của tuổi xanh.v.v…cũng không thoát khỏi già, bệnh, chết. Vì vậy, chúng con muốn quán pháp bất tịnh để trừ tham dục, thì chỗ tha ma thật là cảnh thuận tiện cho các con tu pháp bất tịnh, vậy xin phụ vương chiều con một chút.

Sau khi nghe các con giải thích đúng lý, vua liền thuận cho. Được lệnh vua cha cho phép, bảy công chúa phục sức thô sơ rồi cùng nhau lên chốn tha ma. Đây thật là một cảnh vô cùng ghê sợ, chỗ này thây chết phình to, hơi thối xông lên đến nôn mửa, chỗ kia thây bắt đầu rã, nước chạy lầy lụa, giòi sâu rúc ráy lúc nhúc, và đây một thây chết vừa mới bị vứt vào, trương phình thật là mồi ngon cho chim quạ tha hồ giành giựt…Xa xa người ta đang xúm nhau khiêng một thây ma mới, quyến thuộc theo sau khóc lóc gào thét thảm thê, kêu trời vang đất não nùng, quay quắt để rồi bỏ đấy mà đi. Tất cả thật là một cảnh giới rùng rợn.

Bảy công chúa thấy vậy, mỗi người liền tìm đến một gốc cây ngồi thiền quán: Thân ta rồi đây cũng thịt nát xương tan, cũng hôi hám lầy lụa, thế mà thân ta rồi đây đã không làm mồi cho chim quạ được, lại thêm tốn củi mất công người thiêu đốt…Than ôi! Sắc đẹp tuổi xanh chỉ là một lớp da mỏng bao bọc những đồ nhơ nhớp…

Khi thiền định xong, mỗi nàng ứng khẩu đọc một bài kệ:

Công chúa thứ nhất:

Người đời quý thân mạng.

Điểm phấn lại thoa son.

Khi chết ra mồ hoang.

Điểm trang có ích gì?

Công chúa thứ hai:

Ví như ngôi nhà kia.

Người đi nhà đổ nát.

Thân ta cũng như vậy

Thần đi, thân tan tác.

Công chúa thứ ba:

Khi thần còn tại xác

Như ngựa buộc vào xe

Xe hư ngựa chạy mất.

Mang theo bao tội ác.

Công chúa thứ tư:

Nương thuyền qua bến giác

Đến bờ bỏ thuyền đi

Thần nương thân tu tập

Thân hư, thần an lạc.

Công chúa thứ năm:

Thân xưa vốn tươi đẹp

Nay chết nằm trơ trơ

Phủ lên bao bụi đất

Thân tan hồn dật dờ.

Công chúa thứ sáu:

Như chim ở trong lồng

Bốn mặt đều rào kỹ

Lồng rách chim bay đi.

Thân tan, thần chạy mất.

Công chúa thứ bảy:

Đãy gấm dệt rất xinh

Trong đựng viên ngọc quý

Đãy rách ngọc rơi mất

Thức mang bao nghiệp lực.

Trong lúc các công chúa đàm đạo cùng nhau, tình cờ vua Đế Thích vận thần thông ngang qua nghe được liền khen: Đúng hóa thay, quý hóa thay, các nàng tuổi còn trẻ, đương thời tươi đẹp thế mà đã hiểu được sự vô thường, nhàm chán sắc thân mộng huyễn, như thế là các nàng đã tỉnh trong lúc chúng sinh còn mê, đã ngộ trong lúc chúng sinh chưa tỉnh. Vậy nay các nàng ưa cần gì ta sẽ giúp đỡ.

Các công chúa hỏi:

- Ngài là Đế Thích hay Phạm Vương?

- Ta là Đế Thích, ta có đủ năng lực giúp cho tất cả nhân loại toại nguyện.

Công chúa thứ nhất:

- Tôi nguyện là con thuyền để đưa chúng sanh qua khỏi bể khổ.

Công chúa thứ hai:

- Tôi nguyện làm ngọn đèn để soi sáng đêm tối vô minh.

Công chúa thứ ba:

- Tôi nguyện làm hồ nước trong mát để rửa sạch phiền não cho chúng sanh.

Công chúa thứ tư:

- Tôi nguyện thành Phật để độ chúng sanh.

Công chúa thứ năm:

- Tôi nguyện độ tất cả chúng sanh, mới thành Chánh Giác.

Ðế Thích hoảng hốt:

- Xin thôi! Xin thôi! Nếu các nàng muốn hạnh phúc an toàn, giàu sang tột bậc, sắc đẹp lâu bền, hoặc làm vua trong các cõi trời thì ta tận lực giúp cho. Nhưng than ôi! Ðại nguyện của các nàng rộng lớn như hư không, tôi thật bất lực.

Các công chúa thưa:

- Chúng tôi là Phật tử, biết được lẽ vô thường, dù có làm đến bậc đế vương cũng không thoát khỏi sanh tử. Vậy Ngài không giúp gì cho nguyện vọng của chúng tôi được ư?

Ðế Thích buồn bã:

- Vậng, tôi cũng còn trong vòng sanh tử như các nàng, nên tôi thật không giúp gì được đại nguyện của các nàng cả. Vậy tôi xin cầu chúc các công chúa chóng đạt đại nguyện.

Nói xong, Ðế Thích bay đi.

Dạ Quang

Ðường đời như khúc nhạc

Nghĩa trang nốt cuối cùng.

Một Ðạo Sĩ Chí Hiếu

Thuở đời quá khứ vô số kiếp về trước, có một người đạo sĩ tên là Quang Thiểm, tánh tình thuần hậu, hiếu hạnh đáng khen. Tuy là số phận của chàng hàn vi mặc dầu, song tấm lòng trọng đạo thương người và việc xử thế chẳng chút gì lỗi phạm.

Nhưng rủi thay! Chàng gặp hoàn cảnh rất gian nan, vì cha mẹ của chàng tuy còn sanh tiền, mà tuổi đã già và đui mù bóng quáng.

Vì vậy, chàng phải hết lòng báo đáp, cứ gần gũi một bên cha mẹ, lo bữa sớm bữa trưa và quạt nồng đắp lạnh, đặng đền đáp bồi ơn sanh dưỡng cho trọn phần hiếu hạnh.

Chàng thường thấy phần đông người đời, cứ lo xu danh trục lợi, chẳng chút gì quan niệm đến sự nhân từ, lại còn khinh khi ngôi Tam bảo là khác nữa, nên chàng chán ngán mới vào nơi chốn sơn lâm, cất một túp chòi tranh, rồi đem cha mẹ về mà bảo dưỡng, đêm ngày làm việc không hở tay, sớm tối thăm nom thường bên gối.

Chí như chỗ lập khước của chàng, thì hay kỉnh thờ chư Phật và giữ tròn mười điều lành chẳng khi nào sát sanh hại vật, đến đỗi tấm lòng thanh tịnh, không hề trước nhiễm đến sự ái tình.

Gần chỗ ở của chàng, lại có một mạch suốt nước đầy trong vắt, bông sen đua nở bốn mùa, còn chung quanh thì cây trái sum suê, trái ngon đủ thứ.

Mỗi ngày chàng thường đến nơi mé suối ấy mà kiếm trái cây, và múc nước đem về dâng cho cha mẹ. Vì chàng hiếu đạo như thế, nên loài cầm thú thường lân la gần gũi, chớ không sợ sệt gì cả.

Có một bữa, trời nắng chang chang, khí trời nóng nực, chàng thấy cha mẹ hơi khát nước, nên lần mò đi đến suối ấy mà múc nước. Khi vừa bước chân trở về, thình lình bị một mũi tên trúng bên hông, té nhào xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Số là ngày ấy, vua Ca Di dẫn quân đi săn trong rừng, đương lúc rình mò, bỗng nghe tiếng sột soạt, thì ngỡ là hươu nai, nên giương bắn càn, chừng chạy xúm lại thì thấy một người thanh niên nằm bên triền suối.

Chừng đó kẻ kêu người đỡ, giây phút chàng hồi tỉnh lại, nhìn thấy đông người, biết mình bị bắn lầm, nên than rằng: “Các Ngài ôi! Cái số phận bạc mệnh này, dầu có chết cũng cam tâm, không để tiếng gì oán trách, song ngặt vì còn cha mẹ già, hai con mắt lại bị mờ tối, nếu không có tôi bảo dưỡng, thì chắc phải chết đói. Ôi! Nghĩ lại con voi có cặp ngà là quí, con tây có cái sừng để làm vị thuốc, và con chim súy điểu có đôi lông tốt đẹp. Còn tôi đây, tay không chẳng có cái chi cống hiến cho đời, cớ sao ngày nay lại bị chết một cách rất thảm thiết như vậy! Phật trời ôi! Có rõ thấu nông nỗi này cho chăng?

Vua Ca Di nghe tiếng than thở của chàng, thì động lòng thương xót, bèn lật đật xuống ngựa mà hỏi rằng:

- Ðạo sĩ tuổi hãy còn xuân, sao không lo lập công danh để đặng tiếng thơm muôn thuở, lại ở chi chốn núi thẳm rừng xanh, đến đỗi phải khổ thân tâm như vậy?

Quang Thiểm đáp:

- Bởi vì cha mẹ tôi có tật nguyền và phận tôi lại cô độc, nên đành ẩn nơi chốn này, mà lo nuôi dưỡng song thân và yên bề học đạo!

Vua Ca Di nghe chàng bày tỏ sự tình thì sa nước mắt rồi than rằng: “Ôi! Ta thiệt là bất nhân thái quá, vì ham mê săn bắn, sát sanh hại vật đặng nuôi dưỡng cái huyễn thân, nên mới bắn lầm một người đại hiếu như vậy! Thôi, bây giờ đạo sĩ hãy chỉ chỗ của cha mẹ chàng ở, đặng quả nhân đem về triều thay thế chàng cung phụng cho, cũng là để chuộc một phần nào lỗi lầm của trẫm, xin chàng an tâm.

Quang Thiểm bèn thưa:

- Bẩm Ðại Vương! Cách đây chẳng bao xa, nơi mé đường tắt này có một lều tranh. Ðó là chòi của song thân tôi đang ở, nếu Ðại vương mở lượng hải hà, ra tay tế độ cho cha mẹ tôi được trọn tuổi già thì ơn ấy tôi nguyện đời đời ghi tạc.

Vì mũi tên có thuốc độc đã thấm vào, nên Quang Thiểm nói dứt lời, bèn cúi đầu xuống sa nước mắt dầm dề, phút chót đã trút hơi thở cuối cùng.

Vua Ca Di thương xót vô cùng, bè truyền quân lính ở lại giữ thi hài, còn Ngài lật đật theo dấu đường mòn mà tìm đến lều tranh.

Ðây nhắc qua cha mẹ của Quan Thiểm, ngồi ở nhà cứ nhắc nhở sao con đi múc nước lâu mà chẳng thấy về, thì trong lòng có hơi lo ngại, kế nghe tiếng người đi rầm rộ đến, thì hai ông bà cất tiếng mà hỏi rằng: “Ai đi đó! Có chuyện chi mà đến đây đông vậy?”.

Vua ứng thanh đáp:

- Ta đây là vua Ca Di, nhân đi săn đi lạc vào chốn này, vậy cho ta nghỉ tạm ở đây một lát, rồi sẽ trở về.

Hai ông bà nghe nói, liền lính quýnh thưa rằng:

- Bẩm đại vương, Nhà tôi nghèo hèn, nếu thánh giá có quang lâm, xin ngồi tạm nơi bộ phên tre, chiếc chiếu lác mà nghỉ. Vì tôi bóng quán không thấy đường, cúi mong Ðại Vương miễn chấp, để chút nữa con tôi về sẽ bái yết mà chịu tội.

Vua Ca Di nhìn thấy tình cảnh của hai ông bà thì động tâm bèn nói thiệt rằng:

Ta không giấu chi nhà ngươi, số là ta đương đi săn trong rừng, rủi cho phần đạo sĩ là con của ngươi vừa đi đến, bị ta bắn lầm một mũi tên bây giờ đã thiệt mạng rồi, nên ta đến đây đặng tin cho nhà ngươi biết, rồi ta sẽ đem hai ngươi về triều mà nuôi dưỡng. Còn thi hài của đạo sĩ, ta sẽ truyền quân lính chôn cất tử tế; vậy hai ngươi nên an tâm đừng buồn rầu mà thêm bệnh.

Ôi thôi! Hai vợ chồng nghe nhà vua nói vừa dứt lời, liền lăn xuống đất mà khóc ngất, và kể lể:

- Hai vợ chồng tôi đã đui mù, chỉ có một đứa con sớm hôm nuôi dưỡng mà nay đã chết oan rồi vậy Phật trời có thấu nỗi này cho chăng?

Sau đó, hai vợ chồng xin vua cho người dẫn đến chỗ tử thi của con, đặng tỏ chút lòng yêu dấu.

Vua Ca Di thấy cái tình cốt nhục, nghĩa cha con, kẻ còn người mất như vậy, thiệt là quá thảm não, liền hối quân lính dẫn hai ông bà đến chỗ đạo sĩ lâm nạn.

Thảm thay! Khi hai ông bà đến chỗ tử thi của chàng Quang Thiểm, thì ông rờ rẫm trên đầu, còn bà vuốt ve dưới chân mà than thở rằng: “Trời ôi! Con tôi thiệt là chí hiếu, hết lòng nuôi dưỡng cha mẹ, cứ ban ngày thì đi múc nước và kiếm trái cây, đêm lại trì tụng kinh Phật. Nay rủi vì bị một mũi tên độc mà phải bỏ mạng nơi rừng xanh; từ rầy về sau, bóng ra vào vắng bặt, tiếng thăm nom hết thỏ thẻ bên tai. Tôi vái cùng thiên địa chứng minh và thánh thần soi xét, cho con tôi sống sót lại mà hủ hỉ với thân già; nếu con tôi bạc mệnh mà vội bỏ cõi đời, thì chúng tôi nguyện chết một chỗ cho trọn kiếp.

Linh dị thay! Khi hai ông bà khóc kể, thì tiếng sầu tư cảm động đến Hoàng thiên nên Ðế Thích mới hóa ra một vị thần y ở trên chót núi đi xuống, đến hứa cứu Quang Thiểm sống lại.

Vị thần y liền cạy miệng mà đổ thuốc vào, thì trong giây lát chàng cựa quậy rên la, rồi lần lần tỉnh lại, mở mắt ra thấy song thân ngồi một bên và quan quân đứng kề đông đúc. Chàng bèn lạy tạ ơn vua và mừng rỡ cha mẹ.

Khi ấy cha con mừng mừng tủi tủi, nào dè sự trùng sanh được như vậy, nên đồng lạy giữa hư không mà đáp đền ơn tái tạo.

Sau đó, vua Ca Di từ tạ ra về, còn Quang Thiểm thì dìu dắt thân sanh trở về chòi tranh.

Ðây nói qua từ ngày vua Ca Di đi săn, thấy sự linh ứng như thế, thì ra lệnh cấm không cho ai vào rừng săn bắn nữa; và lại chiêu dụ quần thần phải phụng hành theo Phật giáo, giữ trọn mười điều thập thiện và bắt chước theo gương hiếu hạnh của Ðạo sĩ Quang Thiểm mà phụng thờ cha mẹ.

Nhờ chánh lịnh của vua Ca Di như thế mà cảm hóa đến bốn phương, nên khiến trong quốc độ mưa thuận gió hòa, muôn dân yên ổn. Thiệt là một thời kỳ thái bình an lạc.

Còn chàng đạo sĩ Quang Thiểm cứ giữ mực thường, mỗi ngày lo nuôi dưỡng song thân và tu tập theo Phật giáo, rồi sau cả gia đình theo thời gian đều đặng thiện chung nơi núi ấy.

Nguyên vua Ca Di là tiền thân của ông A Nan; thân phụ của đạo sĩ Quang Thiểm là tiền thân của Tịnh Phạn Vương, và thân mẫu là tiền thân của bà Hoàng Hậu Ma Gia.

Còn đạo sĩ Quang Thiểm có lòng chí hiếu mà bị vua bắn lầm đã nói trên đó chính là tiền thân của Phật Thích Ca.

Thiện Dụng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]