Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 01

19/10/201319:45(Xem: 7418)
Phần 01

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 5
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 01

Chuyện con ngỗng trời vàng
Ðường lầy
Ô Sào thiền sư
Năm con lừa
Hành động bất khả tư nghì của một bậc đã tu chứng

Chuyện con ngỗng trời vàng

Thuở xưa, tại khu rừng Ða Li Kô bên bờ sông Ðại Hằng, có cây bồ đề đại thọ, ngàn năm tuổi, vươn lên cao, xoè tán rộng, che phủ cả một vùng. Ðây là ngôi làng, là cố hương, là tổ ấm cho muôn chim đủ loại, đủ sắc màu làm nơi tụ hội, hát ca, reo vui hoặc ái ân tình tự…

Chủ nhân của cây đại thọ là vị thần có râu trắng, hỷ xả, nhiều từ tâm. Ngài đón nhận muôn chim như cháu ngoại, như con cưng hoặc như bằng hữu.

Lâu lâu vị Thọ Thần lại xuất hiện, như tiên ông trong truyện cổ tích, với nụ cười và chiếc gậy mây nói chuyện vui với chúng hoặc vài lời dạy khôn ngoan của bậc già cả.

Lâu lâu, vị Thọ Thần râu trắng rớm nước mắt, vì bùi ngùi thương tiếc con chim hoàng oanh kia bị sa lưới mất rồi. Con sáu sậu nọ bị lú bùa mê nên thường đau xót hơn là chết vì bệnh tật hay già yếu. Sau mỗi lần như thế, vị Thọ Thần lại khuyên muôn chim nên sống đời yếm ly đô thị, làng mạc, nơi có loài người. Ôi! Cái loài người kia tâm địa thật khó lường. Sự độc ác, gian xảo và quỷ quyệt của chúng còn ngàn lần ghê gớm hơn cọp beo hay chồn cáo.

Tuy thế, cũng chỉ có chừng mực nào thôi. Ðã nhiều lần, vị Thọ Thần đành phải xuôi tay, trả về chi định luật lạnh lùng của nhân quả nghiệp báo nó vận hành.

Ðã ngàn năm rồi, vị Thọ Thần cùng cây đại thọ chứng kiến sự thạnh suy, còn mất, thời gian, sự già lụn, tử vong, đến rồi đi, đi rồi đến. Cảm than, vị Thọ Thần bước lên đầu cây, thốt một bài ca chưa từng được nghe:

“Ôi vĩ đại thay là sự vô thường của con người!

Ôi! Kinh khiếp thay là sự rỗng không của con người!

Ôi! Khó kham nhẫn thay là trò ảo hóa, ma mị, lá vàng, lá xanh cùng tử vong bên trong mầm sự sống.

Ta đưa cao ngọn cừ Mumja! Ta sẽ chiến thắng ngươi với trò chơi yếm ly trần thế.

Ðời sống của ta, không thỏa hiệp!

Vinh quang của ta, trăng gió giữa bầu khuya!

Niềm vui của ta là sự tĩnh an, ngơi nghỉ của linh hồn!

Ta vẫn còn đây, niềm yêu thương vô biên và sự sống đang trôi chảy đến muôn cùng!

Ta không biết nhận về, chỉ biết cho đi!

Thịnh, suy, còn, mất, ta chưa hề sợ hãi!

Chỉ xót xa xin chúng nhỏ nhoi này!

Chỉ xót xa mật ngọt thấm đầy môi!”

Hôm kia, vào mùa xuân, một con ngỗng trời vàng xuất hiện. Chưa bao giờ vị Thọ Thần thấy được một con chim đẹp đến thế. Những chiếc lông vàng óng ả như được dát bằng một loại vàng ròng tinh chất. Lại long lánh phản chiếu những hạt sương mai, túa ra những tia hồng rực rỡ.

Vị Thọ Thần chiêm ngưỡng một hồi rồi bước ra với chiếc gậy mây, nụ cười hỷ xả làm rung rinh hàm râu tuyết bạch:

“Chào bạn Ngỗng trời thân mến! Ta là Thọ Thần tại vương quốc này. Bạn xuất hiện như phép lạ. Chiếc y vàng nơi thân bạn rực rỡ và tuyệt diệu biết bao. Chẳng hay, bạn từ quê hương nào mà đến đây?”

Con Ngỗng trời vàng vương cao chiếc cổ tua vàng vương giả, thò cái mỏ dát son lấm tấm những hạt ngọc nâu tươi, cất giọng như pha lê reo giữa trời mưa:

“Kính chào vị tiên ông Thọ Thần khả kính! Tôi từ dãy Tuyết Sơn hùng vĩ giáng lâm, sau ngôi rừng của những ẩn giả bện tóc hiền thiện. Chẳng hay ngài có điều gì cần dạy bảo vãn sinh?”

“Không dám! Ta chỉ hiếu kỳ, ngạc nhiên và thích thú thôi! Thấy được bộ lông vàng óng trên thân bạn, ta hoan hỷ vô cùng. Bộ lông vàng óng hy hữu kia, không phải không có nhân duyên, chắc hẳn nó phải được sinh ra từ lòng phước báu nào trong quá khứ? Bạn có nhớ là do nhân gì, duyên gì mà bạn thưởng được phước tướng mỹ miều, sang cả như vậy không?”

Ngỗng trời vàng hốt nhiên trầm tư như nhập định, như cúi nhìn vào vùng mịt mù dày sâu của ký ức tiền kiếp.

“Thưa ngài! Thưa tiên sinh! Ngỗng trời vàng mở choàng mắt ra, vãn sinh đã thấy, vãn sinh đã biết. Ngỗng trời vàng sửa soạn lại dáng đứng để bắt đầu cuộc nói chuyện lâu. Trước đây, một kiếp rất gần thôi, như mới ngày hôm qua, như mới một cái chớp mắt, tôi sinh ra trong một gia đình tiện dân nghèo khổ. Ðến tuổi trưởng thành, tôi lấy vợ rồi sinh ba đứa con, chúng đều là gái. Khi có vợ, có con, tôi tần tảo làm ăn, mong cho chúng có được manh áo lành, bữa cơm no bụng. Nhưng mà khổ thay! Suốt đời cứ phải ăn gạo có trấu, ăn tấm có mùi chua. Áo quần thì vá đùm, vá chụp chẳng có cái nào là lành lặn. Sự đòi hỏi cấp thiết về đời sống, nên đôi khi tôi phải bán rẻ một chút ít linh hồn. Tôi sinh ra nhỏ mọn, giật giành. Bị chi phối bởi sân nhuế và gian tham, tôi làm một vài việc bất thiện. Tuy vậy, tự sâu xa tâm hồn, tôi vẫn là con người hiền lương và vô hại. Cái đó lên án tôi, và bắt tôi quay về với lẽ phải, với đạo đức chung chung giữa người đời với nhau. Ngỗng trời vàng ngước nhìn vị Thọ Thần với tia mắt như thoáng có bóng tối.

- Thưa ngài! Ðời tôi như vậy đó, chẳng có công đức nào, chẳng có phước sự gì. Tâm trí ù lì, đần độn mãi bởi cái mặc, cái ăn, ít khi tâm hồn được quanh minh sáng sủa, như nhật nguyệt, như trời cao, như bầu hư không to lớn. Tâm hồn tôi cho đến lúc lâm chung là cái trì trệ, nặng nề, tối đen, hôn ám. Ngỗng trời vàng lại lắc đầu, có sáng sủa nào đâu, có công đức nào đâu! Thế là si mê kéo tôi đi. Sinh ra cái thân súc vật chẳng tốt đẹp gì? Ngỗng trời vàng nói xong, thở ra, đôi mắt lờ đờ như sương ướt. Vị Thọ Thần yên lặng thông cảm hoàn cảnh của Ngỗng trời vàng, lát sau mới nói:

“- Nhân quả là vậy, bạn ạ! Ta không thể trách được. Phải thấy rõ nhân quả để sống an lạc, hạnh phúc hơn. Nhân quả là ngọn đèn soi sáng, là chỗ nương tựa cho đời mình. Nhưng trong cái nghiệp chung, vẫn có cái nghiệp riêng. Cũng là thân chim, nhưng thân chim như bạn cũng thảnh thơi và an lạc như kiếp Thọ Thần, như tôi chẳng khác. Cái quả ấy là do nhờ bạn đã chu toàn nghĩa vụ gia đình, lo cho vợ, cho con, hy sinh bản thân mình cho ấm no của kẻ khác. Bạn có thấy cái riêng đó không? Ngoài ra, bạn lại có cái riêng khác nữa, cái riêng trội vượt. Cái riêng này chắc hẳn phải do một việc làm hy hữu, một công đức hy hữu tạo thành. Chiếc y vàng vương giả diễm lệ nơi thân bạn không phải là không có nhân duyên vậy”.

Ngỗng trời vàng sực nhớ lại:

“- Cái đó thì có, tôi nhớ rồi. Ngày kia, tôi lên rừng kiếm củi độ nhật. Trên đường về, qua suối, tôi gặp một người. Ôi! Sao trên đời lại có kẻ khổ sở đến thế? Tôi đã khổ, đã ốm o gầy mòn, da lòi xương mà kẻ kia còn hơn. Tôi còn được chiếc áo rách, vị kia lại mặc bằng lá, bằng vỏ cây. Tôi bèn dừng lại và hỏi: Này người ơi! Sao người khổ đến thế? Ðừng nói đến cơm trấu và tấm chua, ngay đến nước vo gạo để uống cầm hơi, người cũng không có, đừng nói chuyện áo rách, áo lành, cái vỏ cây kia cũng đã tơi tả. Người chẳng có họ hàng, bà con quyến thuộc gì cả hay sao? Khi nghe tôi nói thế, vị kia ngước lên nhìn tôi với đôi mắt hiền từ và nụ cười hỷ xả, y nói: “Này người tiều phu tốt bụng! Nghèo đói, cơ hàn là bạn của bậc ẩn sĩ. Chiếc áo vỏ cây là áo giáp thiện hạnh ngăn che sự xâm phạm độc hại của ác uế ngũ trần. Bà con quyến thuộc của ta là vô tham, vô sân, tàm quý và từ bi hỷ xả. Như vậy, đời sống của ta đã quá đầy đủ, đã quá an lạc. Sao ngươi với gánh củi trên vai, với gánh vợ con trên lưng, lại thương xót ta là người đã buông hết mọi gánh nặng? Là người đang sống đời nhàn lạc của bậc Ðại Thiên?”.

Ngỗng trời vàng yên lặng rồi tiếp:

- “Lời nói của vị kia chắc hẳn là hay lắm nhưng tôi không hiểu hết ý nghĩa. Trên đường về nhà, thấy có gió lạnh, tôi biết mùa Ðông sẽ đến, nghĩ rằng vị kia sẽ lạnh lẽo không có một tấm vải nào, tôi động mối từ tâm. Về nhà, giấu vợ, giấu con, tôi mở rương lấy một tấm vải vàng. Ðây là tấm vải bó tử thi mà tôi đã lượm được nơi nghĩa địa đã giặt sạch sẽ. Tấm vải không quý với ai nhưng quý với gia đình tôi. Thế là tôi chạy lên rừng, tìm kiếm vị ẩn sĩ rồi dâng cúng tấm vải đến con người đó với tất cả sự thương xót của mình. Sau này tôi mới biết, đó là một nhà tu khổ hạnh, một Ðại Sa Môn hoặc là một vị Ðộc Giác Phật”.

Vị Thọ Thần gật đầu:

“-Như vậy, chính đó là nhân, là duyên cho bộ lông hoàng kim nơi thân bạn. Cái quả trổ sanh của nó còn vạn lần vi hiệu hơn nữa kia. Rồi bạn sẽ được nương tựa dài lâu. Ta thành thật vui mừng cho bạn vậy”.

Vị Thọ Thần chợt nhìn Ngỗng trời vàng rồi thiết tha nói:

“- Như là bổn phận của một lão niên. Như là kinh nghiệm của người đã sống quá nhiều, quá lâu, đã chứng kiến không biết cơ man nào là chuyện trong đời sống bất trắc và bấp bênh này. Ta có một vài lời khuyên, hỡi bạn ngỗng vàng thân mến”.

“- Ngài cứ nói. Ngỗng trời vàng cúi đầu tỏ vẻ kính trọng chắc hẳn là những lời dạy bảo đầy không ngoan và sáng suốt”.

“- Không dám, ta chỉ nói lên những sự thực thôi. Là bộ lông hoàng kim của bạn, vì nó quá đẹp nên cũng dễ đưa đến tai họa. Vậy thì bắt đầu từ ngày hôm nay, bạn chớ có khinh suất mà đi đến đô thị, làng mạc, ruộng đồng, nghĩa là nơi có loài người. Thấy được bộ lông hoàng kim của bạn, họ sẽ sanh tâm tham muốn, họ sẽ bắt, sẽ bắn, sẽ đặt bẫy. Dẫu bạn có biết, có khôn ngoan cách mấy cũng không qua được sự khôn ngoan của loài người. Và như vậy, tính mạng của bạn sẽ bị đe dọa thường xuyên. Bạn hãy suy nghiệm kỹ về điều đó”.

Ngỗng trời vàng thở dài:

“-Chí lý thay là những lời khuyên tốt. Nhưng biết làm thế nào? Ở chốn loài người, tôi còn vợ và ba con. Có tôi chúng sẽ đỡ khổ một phần. Không có tôi, chắc chúng phải đi ở thuê, ở mướn, làm việc cực nhọc với nước mắt và đòn vọt. Biết là hiểm họa sẽ đến, nhưng tôi không thể từ bỏ ý định về thăm chúng được”.

Vị Thọ Thần lại nói:

“-Thương vợ, thương con là những tình cảm tốt đẹp. Những ái niệm thái quá lại sanh phiền não, đau khổ cho mình. Bạn đã trút bỏ hết bổn phận nơi cõi người cùng với hơi thở của bạn. Bây giờ là nghiệp khác, đời sống khác, bổn phận khác. Hãy nghe lời khuyên của ta mà trở lại rừng sâu, nơi chỗ các ẩn sĩ bện tóc hiền thiện ở Tuyết Sơn. Ở đó bạn sẽ yên lành như trong ngôi nhà của mẹ”.

Ngỗng trời vàng vẫn lắc đầu:

“-Biết là lời khuyên chí tình, chí thiết nhưng tôi cũng không thể nghe theo. Tôi an tâm mà sống đời ẩn sĩ sao được, khi vợ con tôi đang nai lưng làm trâu ngựa cho người, sống đời cơ cực. Tôi phải đến để tìm cách giúp đỡ cho họ”.

Vị Thọ Thần với tâm mình, biết tâm của chúng sanh. Biết nghiệp sẽ đến như thế nào cho con Ngỗng trời vàng này. Nhưng mọi lời khuyên đã trở nên vô ích. Ngài chợt đứng cao mười tầm thốt nốt giữa hư không, cất lời ca hòa lẫn với mây ngàn cũng gió núi:

“-Hỡi đàn chim bay về phương Nam!

Ngươi đã biết phương kia trời nắng ấm!

Hỡi đàn chim bay về phương Bắc!

Ngươi biết rằng nơi ấy tuyết lạnh đã ra đi!

Thế nhưng vẫn có kẻ ra đi trong vô vọng,

Chẳng thấy hướng đến là đâu?

Chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra?

Trái chín phải đợi tiết, hoa nở phải đợi thời.

Vậy này bạn vàng yêu quý!

Hãy thôi đi sự cứu độ vô ích.

Cát bụi quá nhiều làm sao thấy được tấm lòng tốt đẹp của nhau?

Ðêm đen quá sâu, làm sao chỉ lối, dò đường bằng ngọn đèn quá mọn?

Ðôi tay của chút ít phước báu chẳng thể ngăn nổi dòng sông nghiệp lực.

Cõi lòng người tội lỗi kia sẽ vặt trụi lông cánh của bạn mất thôi!”.

Ngỗng trời vàng cúi đầu lắng tai nghe với nước mắt, nhưng tâm ái luyến vợ con quá nặng đành phải lắc đầu từ chối.

Vị Thọ Thần bùi ngùi nói lời cuối cùng:

“-Nơi khu rừng Ða Li Ko, bên bờ sông Ðại Hằng yên tĩnh, nơi vương quốc hòa bình này, có ta luôn luôn mong ngóng sự trở về của bạn. Không những bạn trở về với đôi cánh trần trụi, cho chí những vết thương đau cả thể xác lẫn tâm hồn, gốc Ðại Thọ Bồ Ðề này vẫn là tổ ấm muôn đời của chúng ta!”.

Vị Thọ Thần nhìn theo bóng chim mất hút cuối phương trời xa, nhòa lệ…

Ngỗng trời vàng sau khi chia tay với vị Thọ Thần, đêm đi ngày nghỉ với đôi cánh vàng rực rỡ lướt qua hư không, sợ sự nhòm ngó của loài người, nên chim đi rất chậm vào ban đêm, ngày tìm ẩn trong những bụi cây rậm rạp. Lâu ngày chầy tháng cũng về đến thành phố Ba La Nại. Ðúng như dự đoán của Ngỗng trời vàng, sau khi nó mất, vợ và ba con phải đi ở thuê cho một hào phú cay nghiệt, ăn cơm với gạo tấm chua, mặc áo quần thô như da vỏ cây. Lại còn phải chịu sự chửi mắng đánh đập thường xuyên. Dẫu có thương vợ, thương con cũng chỉ còn biết sa nước mắt. Chim tìm ẩn kín đáo vào một lùm cây đại thọ đầu làng, tìm cơ hội để giúp đỡ họ.

Trong sương mờ đầu xuân, trên quan lộ, dưới tầm mắt của chim chợt xuất hiện những chiếc xe ngựa sang trọng. Con trai, con gái trang sức những chiếc lông ngỗng trên áo, trên mũi, rải rác là một vài đoá hoa.

Ngỗng trời vàng thầm nghĩ.

“-Ôi! Những vật trang sức xấu xí kia thì có gì đáng để hãnh diện? Nếu như chúng mà có được những chiếc lông hoàng kim của ta, thì chúng sẽ còn đẹp hơn, trẻ trung hơn. Sao ta không giúp cho vợ con ta mỗi ngày một chiếc lông, để chúng bán cho người làm vật trang sức tối thượng?

Trời cũng dễ chiều lòng người, chỉ một lát sau là vợ con nó cùng xuất hiện với cày với cuốc trên vai. Ðợi họ đến gần, Ngỗng trời vàng bèn nói vào tai họ bằng âm thanh của một vị thần khuất mặt:

“-Hỡi những kẻ đau khổ đáng thương! Ta không nỡ để cho các ngươi sống đời nô lệ. Vậy mỗi buổi sáng, hãy đến đây, đứng xa dưới cội cây, ta sẽ ban cho các ngươi cái bổng lộc của cõi trời”.

Người nữ tiện dân già cùng ba con nghe tiếng nói chứ không thấy người, bỏ cuốc bỏ cầy, chắp tay hướng đến gốc cây vái lia lịa:

“-Vị Thọ Thần, ngài ở đâu? Ðây là lời hứa thật cho kẻ tội nghiệp chúng con?

Không có tiếng đáp lại. Bỗng, một vật vàng chóe vọt ra từ lùm cây, rơi xuống trước mặt họ. Cả bốn người đồng xửng xốt. Ðấy là một chiếc lông to bằng vàng mười láng mịn, đang lóng lánh dưới mặt trời. Chẳng phải là giấc mơ, chẳng phải mắt họ quáng mờ. Sự thực đang ở trong tầm tay họ đây.

“-Không biết nặng bao nhiêu MaSaRa?”.

“-Có lẽ hơn trăm MaSaRa!”.

Người nữ tiện dân già nói với ba con rằng:

“-Nếu bán làm vật trang sức cho hạng dân giả, nó chỉ là chiếc lông vàng đẹp, không hơn không kém. Nếu bán tại tiệm kim hoàn thì giá trị là phân là lạng. Muốn được giá cao nhất, hãy bán cho các vị tiểu thư, các bà mệnh phụ. Khi mà chiếc lông đã tôn sắc đẹp của họ lên, và chắc hẳn như vậy, thì họ sẽ quẳng cho ta cả nắm vàng không thương tiếc. Tiền bạc đối với họ có nghĩa gì?”.

Thế là bỏ cầy, bỏ quốc, với chiếc lông vàng, họ đi vào thành phố, quay lưng với Thọ Thần, không một lời cảm ơn. Ngỗng trời vàng hân hoan nhìn theo họ, nghĩ rằng: Vì vui mừng quá, khi đi họ quên chào hỏi, cũng là sự thường!

Ngày hôm sau tiếng con Ngỗng trời vàng văng vẳng đến tai họ:

“-Các người đã không ngoan nên bán được giá mà không bị các ông chủ tiệm vàng lường gạt, gian lận. Không bị bọn trọc phú dè bỉu, ỉ ối. Hãy nhận thêm một chiếc lông nữa, bán cho bà Công chúa giàu sang với chiếc xe bốn ngựa xắp đi qua đây. Cộng với số tiền hôm qua, các người hãy mua cho mình những bộ áo quần lành lặn. Và ăn những bụng cơm trắng, có thịt, có rau.”

Thêm một chiếc lông vàng chóe vọt ra từ lùm cây. Chốc sau, quả nhiên có chiếc xe bốn ngựa với bà Công chúa sang trọng đi qua. Sau khi nhìn ngắm kỹ chiếc lông vàng trân quí và đẹp đẽ, bà Công chúa sai thị nữ quẳng cho họ một nắm tiền vàng, lại còn dặn:

“-Ðây là vật trang sức của giai cấp quý tộc. Hỡi bọn tiện dân nghèo khổ! Ta là Công chúa con vua sứ Ma Kiệt Ðà, ta không tiếc tiền đâu. Có bao nhiêu chiếc lông vàng, đem bán hết cho ta!”.

Cả gia đình, vợ con Ngỗng trời vàng, thế là thoát kiếp bần cùng nghèo khổ từ ăn no mặc ấm, họ đã ăn ngon mặc đẹp. Từ màn trời chiếu đất, họ đã có một ngôi nhà, một mảnh vườn. Từ vô sản, họ đã có của nổi, của chìm. Tuy thế người nữ tiện dân già không bằng lòng như vậy, bà ước mơ một đời sống sang trọng hơn, quý phái hơn, với tôi trai, với tớ gái, với thóc đụn đầy kho, với lên xe xuống ngựa, với lầu vàng, cửa bạc. Người nữ tiện dân già đã mấy lần để ý, kia chẳng phải vị Thọ Thần nào cả, mà con Ngỗng trời vàng đã tự ý nhổ từng chiếc lông của mình mà cho họ. Người nữ tiện dân già thầm nghĩ:

“-Giá mà có được cả bộ lông vàng ấy nhỉ!”.

Hôm kia, sau khi cho chiếc lông thứ mười tám, con Ngỗng vàng xuất hiện, và nói với cả bốn người:

“-Này vợ, này con! Ta là chồng và cha của các ngươi đây! Vì kiếp vừa rồi ta sống tối tăm, không tạo được một chút gì công đức, phải mong thân điểu. May nhờ ta có cúng một tấm vải vàng đến vị ẩn sĩ thanh tịnh, ta mới có một bộ lông hoàng kim đẹp đẽ như ngày hôm nay. Nhân quả thật rành rành. Vì lòng thương vợ, thương con mà ta trở lại chốn loài người để giúp đỡ các ngươi. Nay các ngươi đã no đủ, đã có thể có đủ vốn liếng để tự mưu sinh. Vậy hãy sống đời hiền lành, làm các công đức để lấy nơi nương tựa lâu dài về sau!”.

Nữ tiện dân già đã sớm bàn với các con rằng: Phàm sống ở đời là phải biết ơn đền oán trả. Ân nhân của ta giúp ta thoát kiếp tôi đòi nô lệ. Ðã cho ta những tấm vải lụa Kasi mịn màng tươi đẹp, đã cho ta những bữa cơm ngọt với thịt và cá. Vậy chúng ta phải tìm cách thỉnh mời ân nhân về nhà để cung phụng, hầu hạ như đối với một vị Pham Thiên! Nay nghe Ngỗng trời vàng tiết lộ như vậy, một phần vì xúc động, một phần thì sợ Ngỗng trời vàng sẽ bỏ đi, bèn khóc lóc mà rằng:

“-Ông ơi! Thế ra là tình xưa, nghĩa cũ. Ông đã có tâm nghĩ đến vợ con như thế, thì ra trời đất cũng có kẻ thủy chung. Cái lòng tôi đối với ông há lại không được như mảnh trăng tròn vành vạnh hay sao?”.

Rồi chỉ ba con và kể lể:

“-Nay chúng ta nở da nở thịt. Lại được phấn son trang điểm, nhàn hạ, thảnh thơi. Thấy chúng được như vậy chắc ông cũng hởi lòng hởi dạ. Cõi người, cõi chim dẫu hai ngả nhưng tấm lòng nào dễ rẽ phân? Vậy sao ông không trở lại với gia đình, đoàn viên sum họp một nhà, cùng chung ấm lạnh ngọt bùi cho bõ tháng ngày xa cách vì sinh ly tử biệt?”.

Ngỗng trời vàng nhìn vợ, nhìn con, tâm tình súc động. Biết đã bao tháng bao ngày cô đơn, Ngỗng càng thèm cái ấm cúng của hạnh phúc, thèm ngôi nhà và bếp lửa. 

“-Cha ơi cha! Cha nỡ nào lìa bỏ chúng con? Ba cô con gái đồng lòng nức nở. Khi cha còn sống chúng con còn thơ dại. Bây giờ dẫu có thác rồi, thân chim vàng lại chính là thân cha. Sao cha không cho chúng con được đáp trả một phần nào chữ hiếu? Chúng con nào đã có tội tình gì?”.

Không cầm lòng được nữa, Ngỗng trời vàng bay theo họ về nhà. Người nữ tiện dân già dọn một chỗ cao ráo, trang trọng nhất ở trần thượng cho Ngỗng và hằng ngày lo cái ăn cái uống thật tươm tất, cho đáo. Ba cô con gái lúc này có tiền có bạc nên xân xan xe ngựa, điểm trang diêm dúa, rong chơi thị tứ, đô phường nên vắng nhà luôn. Dẫu thế, họ cũng chưa đến nỗi quên bẵng người cha tội nghiệp.

Ngỗng trời vàng cứ theo thường lệ mỗi buổi sáng khi mặt trời vừa lên niệm Ba La Mật, với tâm bố thí, bắn ra một chiếc lông vàng. Nhìn vợ và ba con có đời sống sung sướng. Ngỗng được an ủi rất nhiều. Tuy thế, đây không phải là nơi ở đời ở kiếp. Ngỗng còn có đồng loại và bằng hữu ở rừng sâu, trước sau gì cũng phải từ giã.

Nhưng người nữ tiện dân già đã có manh tâm, chẳng nghĩ đến ân nhân, chẳng nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ, bởi lòng tham đã làm cho quáng mắt. Hôm nọ, vào lúc bất ngờ nhất, bà rình chụp Ngỗng cả hay tay ham hố của mình. Rồi vặt cả bộ lông vàng óng ả. Khi Ngỗng biết ra thì đã muộn rồi. Từng sợi lông bị bứt lìa khỏi thân là nhưng cơn đau xé trời và lẫn với máu và nước mắt. Ngỗng không còn đủ sức để rên la nữa, mà cảm nghe mình như bị tước ra từng mảnh, rồi ngất lịm đi. Chỉ còn trần trụi cái thân đỏ hỏm, máu đọng thành vũng.

Ngỗng tỉnh lại trong đống rác tối đen và hôi hám, nó thử xòe đôi cánh máu ra, như chỉ còn sự run rẩy lẫn cơn đau ngất trời. Nó lại gục xuống trong đống máu bầy nhầy, tanh tưởi. Kiến bắt đầu tìm tới, bò lên những vết thương lở loét mà cắn mà rứt không thương tiếc. Ruồi nhặn nghe mùi, bám đầy như đám đỗ đen. Ngỗng đau đớn và khó chịu thái quá, nhưng ngàn lần đau đớn hơn là vết thương ở trong tâm hồn. Vết thương nơi thân, dẫu kinh khủng nhưng có lúc sẽ lành. Còn vết thương bên trong thì không bao giờ lành được. Vĩnh viễn! Vĩnh viễn vết thương này sẽ mưng độc và sẽ lở lói suốt cả cuộc đời còn lại.

“-Ôi vợ! Ôi con! Ôi nhân tình thế thái!”.

Ngỗng rên than âm thầm, nức nở, nhưng ai có nghe cho.

Còn về phần người nữ tiện dân già, sau khi vặt trụi lông Ngỗng, chuyện gì sẽ xảy ra? Người đàn bà ngạc nhiên quá! Ôi còn đâu những sợi lông hoàn kim óng ả, bằng vàng ròng tinh chất và túa ra ánh sáng, chúng đã nhạt màu và hiện nguyên hình là những chiếc lông ngỗng tầm thường. Người đàn bà đâu biết rằng những chiếc lông sỡ dĩ biến thành vàng ròng tinh chất, đẹp đẽ là nhờ vào nguyệt lực của Ngỗng trời, nhờ vào từ tâm, hoan hỷ cùng sự xả ly bố thí. Nếu dùng sức mạnh ngoài ý muốn của Ngỗng thì phước báu kia sẽ không còn tồn tại! Ôi, ai là người có thể hiểu được: “Tham chính là lửa, sân chính là lửa. Nó sẽ thiêu rụi, đốt cháy ngay tức khắc những đoá hoa diễm lệ thanh tân vốn được sanh ra từ lòng phước báu, từ khí hậu mát mẽ, thanh hương của từ tâm và hoan hỷ?”.

Người nữ tiện dân già với tất cả tâm bực bội và sân hận, quẳng con Ngỗng trời vào một cái thùng rác rồi bỏ đi. Bà vô cùng sầu muộn và tiếc rẻ. Những người con gái đi chơi về, thấy cha chúng như vậy, không nỡ giết bỏ, cố gắng săn sóc vết thương cho Ngỗng. Chúng không thèm hỏi nguyên nhân tại sao. Chúng không đổ một giọt nước mắt. Chút từ tâm cuối cùng này, nếu có, cũng đã hóa đá mất rồi!

Ngỗng trời nằm trong cái thùng, làm bạn với lũ kiến ruồi, nước mắt rỉ máu. Cho đến lúc này Ngỗng mới thấy thấm thía lời khuyên bảo khôn ngoan của vị Thọ Thần nơi khu rừng ÐaLiKo:

“Này bạn vàng yêu quí! Hãy thôi đi sự cứu độ vô vọng! Cát bụi quá nhiều làm sao thấy được tấm lòng tốt đẹp của nhau? Ðêm đen quá sâu, làm sao chỉ lối, dò đường bằng ngọn đèn quá mọn? Ðôi tay của chút ít phước báu làm sao ngăn nổi dòng sông nghiệp lực? Cõi loài người tội lỗi kia sẽ vặt trụi lông cánh của bạn mất thôi!”.

Và đây chính là niềm an ủi cuối cùng của Ngỗng trời?

“-Không những người bạn trở về với lông cánh trần trụi, cho chí những vết thương đau cả thể xác lẫn tâm hồn của chúng ta”.

Thời gian sau, nhờ Tâm xả, các vểt thương cuả Ngỗng đều lành. Rồi lú nhú những lông khác bắt đầu mọc ra. Người nữ tiện dân già lòng mừng khấp khởi, sai người đóng một cái thùng để cho Ngỗng có chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ. Bà tính rằng: lần này ta không còn ham hố nữa. Mỗi ngày chầy tháng cũng đếm được cả trăm, cả ngàn. Vả, các bận khôn ngoan từ ngàn xưa cũng đã từng dạy rằng ăn ít ắt no lâu, ăn nhiều tức bụng! Cái lý nó vậy mà ta không hiểu ư?

Thế là người nữ tiện dân già dành nhiều thì giờ cho việc chăm sóc tẩm bổ Ngỗng. Bà không tiếc tiền mua những thức ngon vật lạ, với hy vọng Ngỗng nở da nở thịt, thì lông cũng sẽ mau dài. Và quả như thế thật, những chiếc lông dài rất nhanh. Bà đếm tới đếm lui và theo dõi hàng ngày.

Nhưng than ôi! Hy vọng quá nhiều thành ra thất vọng quá lớn. Lông của Ngỗng không còn là màu hoàng kim nữa, mà là màu trắng bạc: màu trắng bạc như vôi! Cái lông mà cũng muốn chế giễu nhân tình thế thái đó chăng?

Khi lông cánh đã đủ đầy, nghĩ rằng mình đã đủ sức bay đi, Ngỗng bắt đầu tìm cách thoát thân. Lợi dụng lúc mọi người vắng nhà, Ngỗng xổ lồng, nhắm hướng Hy Mã Lạp Sơn trực chỉ. Bây giờ thì Ngỗng không còn sợ hiểm họa bởi bộ lông hoàng kim nữa nên tung cánh suốt ngày. Không bao lâu, rừng cũ hiện ra, lòng Ngỗng bồi hồi, mừng mừng, tủi tủi.

Ðến gốc cây Bồ Ðề Ðại Thọ, Ngỗng bay ngang ba vòng, nhớ lại lời nói hôm xưa của vị Thọ Thần: “Nơi đây, muôn đời vẫn là tổ ấm của chúng ta”.

Ngỗng rơi nước mắt. Nó đã trở về cố quận.

Minh Ðức

Ðường lầy 

(Truyện cổ Phật giáo Nhật Bản)

Có hai nhà sư cùng thong dong bước xuống một con đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi.

Ðến khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo Kimônô và chiếc khăn quàng cổ bằng lụa, đang đứng bên lề đường vì không thể băng qua đường lầy được.

Lập tức một nhà sư bảo: “Ði nào, cô bé” tức khắc đưa tay nhấc bổng cô gái lên và đưa qua quãng đường lầy.

Nhà sư bạn của anh ta, từ đó không buồn nói một tiếng nào, cho đến khi cả hai dừng lại trong một ngôi đền. Rồi không chịu được nữa, nhà sư bạn lên tiếng nói với anh ta:

- Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là những người đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại làm vậy?

Nhà sư mỉm cười:

- Tôi đã bỏ nàng từ chỗ đó rồi! Anh còn mang nàng theo đấy sao?

Thiền sư Nhật Muju

Ðộ sanh mà không thấy mình độ sanh,

mới thật là độ sanh.

Ô Sào Thiền sư 

Ô Sào là một cao Tăng Trung Hoa vào đời Ðường, khi bà mẹ hạ sinh sư, bà không ưng ý lắm nên đem bỏ con vào một chiếc tổ quạ trên cội đại thọ trước hiên chùa rồi lẩn mất. Sư xuất gia từ đó… và người ta gọi sư là thầy Ô Sào (ô: quạ, sào: tổ).

Tuổi ấu thơ và tráng niên của sư trôi qua bình thản trong bóng mát của các tòng lâm cổ kính… sư thường hành thiền trên quê hương của mình, tức là nơi cháng ba có đặt tổ quạ ngày xưa mà theo năm tháng, cội cây đã to và rộng đầy đủ cành nhánh có thể cho sư đặt một chiếc tọa cụ trên ấy. Cho đến khi ngộ đạo và hành đạo, thiền sư vẫn không rời “quê mẹ”.

Một hôm quan Thị lang Bạch Cư Dị, một thi hào lừng danh đương thời, đi dạo ngang cổng chùa trông thấy nhà sư đang ngồi vắt vẻo trên tang cây, vốn không ưa hạng người “lánh nợ đời” như thế, ông cau mày hỏi:

- Bộ hết chỗ ngồi rồi hay sao mà thầy lựa chỗ hiểm nghèo như thế để ngồi?

Thiền sư bình thản đáp:

- Chỗ của tôi xem ra còn vững vàng hơn chỗ của quan lớn đang an tọa nhiều…

Quan thị Lang nhìn lại chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên:

- Chỗ tôi đang ngồi có gì đáng ngại đâu?

- Thưa, chỗ của đại quan là dưới vua trên các quan và trăm họ, vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua… Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu ghét của vua, sự tật đố tỵ hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì làm sao bì được với sự vững chắc của cội cây này được…Có phải thế không?

Bạch Cư Dị nghe nhà sư nói, chỉ im lặng cúi đầu. Giây lâu, vị quan lão mới cất tiếng hỏi:

- Thầy có thể cho tôi biết thế nào là đại ý của Phật pháp chăng?

Thiền sư đáp liền:

- Không gì dễ bằng câu hỏi này. Ðại quan hãy nghe tôi trả lời đây, đó là:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo”.

Nghĩa là:

Các điều ác chớ làm

Các điều lành vâng giữ

Tự thanh lọc ý mình

Ðó là lời Phật dạy

Bạch Cư Dị nghe xong bảo:

- Những bài thầy vừa đáp con nít lên ba cũng nói được.

Thiền sư mỉm cười:

- Thưa đại quan, con nít lên ba nói được, nhưng ông lão sáu mươi chưa chắc làm xong… Ngài có thấy như thế không?

Bạch Cư Dị lại im lặng cúi đầu.

Ông bắt đầu học đạo với thiền sư Ô Sào từ đó. Người ta kể rằng, dưới sự dẫn dắt của thiền sư “Tổ quạ” không bao lâu vị đại quan này “hoát nhiên đại ngộ”. Chuyện kể chỉ có thế, còn việc ông đại ngộ cái gì chúng ta đành chịu vậy.

Như Thủy

Cảnh tỉnh Ta Bà danh lợi khách

Hoán hồi khổ hải mộng mê nhơn.

Năm con lừa 

Xưa có một anh chàng nọ thuộc hàng danh gia vọng tộc, con nhà giàu có, đẹp trai hẳn hoi nhưng lại ngu ơi là ngu! Vì thế thời nhân gọi anh ta là chàng Ngốc. Một hôm, Ngốc đi chợ phiên mua được năm con lừa với một giá phải chăng. Lòng mừng khấp khởi, anh thót lên lưng một con lừa và dắt bốn con kia về. Dọc đường, Ngốc chợt nẩy ra ý định phải kiểm lại số lừa của mình.

- Một, hai, ba, bốn! Chết cha! Mất đâu một con rồi!

Hốt hoảng, Ngốc tụt xuống lưng lừa, đếm lại cẩn thận.

- Một, hai, ba, bốn, năm. A! Ðủ rồi!

Yên tâm, Ngốc leo lên lưng lừa. Ði một đỗi, anh bắt đầu đếm lại:

- Một, hai, ba, bốn. Lại thiếu một con rồi!

Chàng Ngốc lại nhảy xuống đất đếm:

- Một, hai, ba, bốn, năm. May quá! Ðủ rồi!

Sự tình cứ thế mà diễn tiến, hễ chàng Ngốc cưỡi lừa thì cả bầy chỉ còn lại bốn con, nhưng nếu chàng đi bộ thì bầy lừa đủ cả năm con. Cuối cùng, Ngốc ta đành tụt xuống đi bộ. Khách qua đường thấy anh mồ hôi nhễ nhại, chạy lúp xúp theo bầy lừa, ngạc nhiên hỏi:

- Sao anh không cưỡi một con đi cho đỡ mệt?

Ngốc ta đáp một cách quả quyết:

- Cứ mỗi lần tôi leo lên lưng lừa là mất một con. Vì vậy, thà rằng tôi đi bộ để còn nguyên cả năm con. Cực khổ một chút mà không phải mất mát, mỗi con đến hàng trăm quan đấy, bác ạ.

Như Thủy

Khi đã tỏ ngộ chân lý thì vứt bỏ pháp môn tu tập,

Khi đã qua sông thì không còn tiếc nuối thuyền bè.

Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp.

***

Ra đi tức thị trở về

Biễn phiền não đó, Bồ Ðề khác chi 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]