Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 04

19/10/201310:00(Xem: 7623)
Phần 04

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 4
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 4


16/ Mượn cớ xin sữa hàng phục ngoại đạo
17/ Gieo gió gặp bão
18/ Chuyện chàng Lương Cầu
19/ Hạt cơm cúng Phật
20/ Vakkali 

Mượn cớ xin sữa hàng phục ngoại đạo

Tại nước Duy Da Ly, có một người Phạm Chí tên là Ma Da Lợi, nhà rất giàu có mà theo ngoại đạo, hàng ngày công kích Phật giáo. Một ngày kia, Phật muốn làm cho tên Ma Da Lợi sanh lòng kính ngưỡng, mới sai ông A Nan đến nhà ông ấy mà xin sữa.

Ma Da Lợi tự nghĩ rằng: “Ta với Phật khác hẳn tôn giáo, nếu ta cho sữa thì người ta tưởng rằng ta đã tùng phục, chi bằng ta chỉ con bò cái dữ mà có tính hay húc người cho A Nan vắt lấy sữa để nó húc chết cho nhục đạo chơi”. Nghĩ như vậy rồi, Ma Da Lợi sai con dẫn ông A Nan đến chỗ con bò dữ hay húc người.

Khi ông A Nan đến gần con bò cái, ông tự nghĩ rằng: “Thầy ta đã dặn rằng phàm đã là Sa Môn không nên dùng tay vắt sữa, nay ở đây không có ai vắt giúp thì ta biết liệu làm sao?”.

Ðương lúc ông A Nan ngẫm nghĩ như vậy, bỗng đâu có một vị Ðế Thích hóa làm người Phạm Chí tuổi trẻ đứng bên con bò cái, ông A Nan liền nói: “Xin ông nặn giùm tôi thì tôi cảm ơn!”. Phạm Chí tức thì tiếp lấy cái bình bát, lại bên con bò dữ mà nặn lấy sữa, con bò đứng yên không dám làm gì cả.

Ông A Nam được sữa, cám ơn Phạm Chí, từ tạ Ma Da Lợi rồi vui mừng cầm bình sữa đem về dâng Phật.

Ma Da lấy làm lạ nghĩ rằng: “Bò của ta lâu nay thật là dữ tợn, vì sợ nó húc nên không ai dám lại gần nó cả, cớ gì mà nay lại hiền lành như vậy, đây chắc là nhờ đức của mấy môn đệ Phật cảm hóa nó ra thế hẳn. Ðạo đức của môn đệ mà còn như vậy, huống chi là cái đức thần thông của Phật chắc còn rộng lớn biết là nhường nào?”. Từ đấy về sau, Ma Da Lợi mới vui mừng tín ngưỡng theo Phật.

Khi Phật dùng sữa rồi mới giảng rằng: “Con bò mà A Nan mới lấy sữa về cho ta đó, nguyên ngày trước là người si mê chẳng tin Phật pháp, thường khinh rẻ các Sa Môn, nên khi chết rồi, phải đọa làm thân con bò trải đã 16 kiếp rồi, nay mới nghe danh hiệu của Phật mà chịu cho người vắt sữa để cúng Phật. Do nhân duyên ấy, rồi nó sẽ thoát khỏi mọi sự khổ báo trong ba đường ác, và được làm người tu hành, tinh tiến trải qua nhiều kiếp rồi sẽ thành Phật hiệu là Nhũ Quang Như Lai.

TÂM MINH

“Hạnh phúc thay cho chúng ta, sống không hận thù giữa những người hận thù”.

Gieo gió gặt bão

Hồi ấy, cách đây hơn 2500 năm, người ta tính trên trái đất Ấn có đến 96 học thuyết và giáo phái. Tôn giáo nào cũng tự hào lý thuyết mình là đúng, là hay rồi tìm mọi phương để bành trướng. Trong số có một phái tôn thờ quỷ thần, thủ lãnh là một bà mập mạnh, có giọng nói oang oang, lại thêm có tài hùng biện. Nhờ thế mà phái ấy làm chủ được một vùng khá rộng.

Hôm nọ, một tin rúng động từ xa đưa đến: Thái tử Tất Ðạt Ða đã chứng thành đạo quả ở gốc cây Bồ Ðề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Hiện Ngài đã bắt đầu đi truyền giáo. Người theo Ngài rất đông. Lý thuyết Ngài dạy là hễ gây nhân nào là hưởng quả ấy. Cuộc sống của mọi người đều do bàn tay của họ sáng tạo. Con người không thể là trò chơi của các đấng thần linh. Hay tin ấy, bà thủ lãnh rất đỗi lo sợ. Bà lo vì ảnh hưởng của đức Phật càng lan rộng tất đạo của bà sẽ hết người tôn thờ. Am đền của bà sẽ trở nên “hương tàn bàn lạnh”. Bà sẽ hết đất để sinh nhai. Nhưng lo cũng không khỏi, cái gì đến tất sẽ đến, tín đồ của bà hướng về đức Phật mỗi ngày mỗi đông. Ăn ngủ không yên, bởi dòng suy tưởng chi phối. Bà mong có phương pháp thần hiệu để hạ uy tín đức Phật.

Ðêm hôm ấy, trằn trọc mãi không ngủ, bà đánh thức các môn đồ dậy lo cho bà ăn thật sớm.

Thấy nỗi thắc mắc và lo toan hiện rõ trên nét mặt của bà, các môn đồ hỏi lý do. Bà cho hay là sáng ngày bà sẽ đi sỉ nhục đức Phật. Bà khuyên môn đồ giữ vững đức tin. Bà hứa với họ rằng, bà sẽ cầu xin đấng thần minh ban phước cho bà triệt hạ uy tín đức Phật.

Cơm nước xong, không gian đang mù tỏa ban đêm, bà hăm hở lên đường trong niềm hy vọng. Vài giờ sau, mặt trời vừa xuất hiện, soi sáng trần gian bà đã đến nơi đức Phật thiền định, bà la rầy khiêu khích dùng lời thô tục mắng nhiếc đức Phật.

Mặc cho bà quát tháo, đức Phật vẫn ngồi yên lặng. Thật là hai thái cực!

Thấy Phật không trả lời, bà nghĩ là Ngài đã thua cuộc và chứng tỏ rằng ngài quá ương hèn trước áp lực của người khác. Như thế, Ngài là người không đáng cho mọi người kính trọng và tôn thờ. Do đó bà càng làm già hơn nữa. Nhưng lúc mặt trời vừa đứng bóng, bà mệt lả, vì bụng đói, khát nước và rát cổ. Bà ngồi phịch xuống đất và suy gẫm. Sau cùng thua buồn thua kiện, bà đến hỏi đức Phật:

- Ông kia, sao tôi la rầy ông từ sáng sớm đến giờ mà ông không nói gì cả. Thường thường tôi mắng ai, tôi một thì họ mười. Trái lại tôi chưa gặp ai như ông, mặc cho người khác nguyền rủa.

Cơ duyên đã đến, đức Phật xuất định, dịu dàng cất tiếng:

- Ta xin hỏi ngươi một điều này: một hôm nọ, nhà ngươi có giỗ, ngươi mang bánh cho hàng xóm, nhưng họ không nhận, thế thì bánh ấy về ai?

- Ồ! Nghe thiên hạ đồn, ông là bậc giác ngộ, trí tuệ tuyệt vời, song giờ đây nghe ông hỏi, tôi nghĩ buồn cười quá, tôi mang cho hàng xóm, nhưng họ không nhận vậy thì tôi mang về. Tôi giữ lại cho gia đình tôi ăn chứ nó về ai nữa mà hỏi. Ông thật là điên rồ!

Vẫn bình tĩnh, dịu dàng, đức Phật lại nói:

- Ngươi mang bánh cho hàng xóm nhưng họ không lấy thì ngươi mang về, cũng như thế, từ sáng đến giờ ngươi biếu ta không sót một tiếng gì nhưng ta không lãnh, vậy những cái ấy tự trở về với ngươi tất cả. Ðiều ấy có khác gì kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất sẽ cháy tay, kẻ đứng ngược gió vãi bụi tất sẽ lấm mình, hoặc kẻ ngửa mặt lên không trung mà nhổ nước miếng tất nước miếng sẽ rơi vào mặt.

Suy gẫm một hồi, bà ta xác nhận rằng, mình hại người, tội lỗi về sau phải chịu đó là thứ vô hình mình không thể thấy, song hiện tại mình quá ư lỗ lã. Xưa nay mình không ăn sáng, nay phải mất một bữa cơm, đó là điều lỗ thứ nhất. Sáng nay bỏ mất một buổi làm ăn, đó là điều lỗ thứ hai. Khát nước, bụng đói, rát cổ, nhưng trưa nay về không thể nuốt được cơm nước, đó là điều lỗ thứ ba. Với sự mệt mỏi, dầm sương phơi nắng từ khuya đến giờ, thế nào cũng mang bệnh. Nếu bệnh tất phải bỏ làm ăn tốn thuốc men, phiền lụy đến thân thuộc, đó là điều lỗ thứ tư. Sau phút suy gẫm bà cảm thấy đức Phật là một bậc có sức mạnh vô song khôn hơn mọi người, bà hết sức khâm phục và trở nên hòa dịu. Bà đến qùy trước đức Phật cầu xin sám hối lỗi lầm, xin quy y làm môn đệ và nguyện sau khi trở về sẽ dẹp thần tượng, hướng dẫn môn đồ trở về con đường chân chánh.

Trên đường về, người đệ tử của đức Phật – bà thủ lãnh của đạo quỉ thần miên man nghiệm lời Phật dạy. Ðể dằn sự hung bạo quen thói của mình, đồng thời để nói lên ý nghĩa của lời Phật dạy, bà ta lặp đi lặp lại:

“Gieo gió, gặt bão”.

MINH TUỆ

“Mặt trời còn mọc, quả đất còn xoay, thì Ðức Từ Bi Trí Tuệ bao giờ cũng thắng bạo tàn độc ác... Chân lý sẽ đánh tan tà thuyết, bóng tối sẽ tiêu diệt trước ánh sáng huy hoàng của bình minh”.

Truyện chàng Lương Cầu

Ðời nhà Minh, ở tỉnh Quảng Ðông, làng Huỳnh Cang, có một danh sĩ tên là Lương Cầu, cha mẹ mất sớm, gia tư chỉ có hai khoảnh đất đủ tự cung cấp.

Ngày đêm ông chuyên đọc kinh sử và dạy học, kiếm được bao nhiêu tiền thì mua chim cá phóng sanh, cư xử đúng câu châm ngôn của ông là “HÀNH THIỆN CHỈ ÁC, GIỚI SÁT CẤM DÂM” mà ông viết trên giấy và dán bên chỗ ngồi.

Có người bảo ông theo đạo Phật. Ông cãi nói: “Ðạo nho cũng giới sát và cấm dâm như đạo Phật vậy”. Xưa vua Thang đi săn, mở lưới một mặt cho cầm thú, vua Văn Vương vét ao thả cá và lập vườn nuôi chim, Ðức Khổng Tử chỉ câu làm vui chớ không thèm móc lưỡi, còn Thầy Mạnh cấm lưới chài, chẳng cho bắt cá trong hồ ao. Ðó là về giới sát, còn về cấm dâm, thì sách nho há không nói: “Vạn ác dĩ dâm vi thủ”, “Lên án tội dâm, tức là cấm đó”.

Có người lại hỏi vặn: “Không gần đàn bà thì không con nối hậu” nhà Nho không sợ bất hiếu sao ? Lương Cầu đáp: “Xưa Sào Phủ, Bá Di, Thúc Tề, Hứa Do đều vô hậu cả” nhưng đến nay thiên hạ còn khen, hoặc xưng “Tỵ thế cao nhơn” hoặc xưng: “Thanh phong thiên cổ”. Còn vua Nghiêu, vua Thuấn có con mà là những con ngỗ nghịch, thì thử hỏi chỗ nào hiếu, chỗ nào không hiếu”.

Ðến đời Khương Hi năm thứ 9, tháng 6, đêm mồng 8, ông chiêm bao thấy quỉ sứ đến bắt. Ông nói: “Tôi không sợ chết và cũng chẳng tiếc thân”. Nhưng sách có nói: “Nhân Từ giả thọ” người có lòng nhân từ thì sống lâu tôi là người dứt ác làm lành, không sát sanh mà còn lại phóng sanh, cớ sao tuổi tôi mới 41 mà phải chết? Vậy xin phiền hai ngài về tấu với Diêm Vương coi ngài định lẽ nào?”.

Hai quỉ sứ nghe lời ra về, rồi cách vài bữa sau trở lại cho Lương Cầu nằm mộng và đáp rằng: “Diêm Vương phán thế gian chỉ biết lẽ “Thiện ác quả báo” trong một đời hiện tại mà thôi, chớ biết lẽ “Thiện ác quả báo” trong ba đời là quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì chỗ đó cho nên Phật có dạy: “Muốn biết kiếp trước tạo nhân thế nào, thì xem quả báo đời này, còn muốn biết quả báo kiếp sau thế nào, thì xem những nhân tạo ở đời này”. Lương Cầu kiếp trước không có làm lành, chỉ tạo những tội sát sanh, nên kiếp này chỉ hưởng thọ chừng đó thôi”.

Lương Cầu nghe mấy lời, bèn theo quỉ sứ đi. Trong chốc lát thấy đường gai gốc, chỗ cao chỗ thấp, thực nguy hiểm gập ghềnh, ông hỏi quỉ sứ có đường nào khác dễ đi hơn không? Quỉ sứ đáp chỉ có một đường dễ đi mà lại gần, tên là “Báo oan cảnh”, nhưng người có tội đến đó sẽ bị cầm thú làm trở ngại và sách nhiễu, e không tiện. Nghĩ mình vô tội, Lương Cầu xin dẫn đi đường ấy. Quả thật, khi đến nơi, cầm thú trông thấy Lương Cầu thì lật đật nhường đàng tránh, con thì ngoắt đuôi, con thì chớp cánh. tỏ vẻ hoan nghênh còn những ai phạm giới sát sanh thời bị chúng lấy sừng mà chém, lấy chân mà đạp, hay mổ mắt, xé da, rứt thịt, v...v...

Qua khỏi nơi đây là một cái chợ, kẻ bán người mua nhộn nhịp như cảnh thế gian. Quỉ sứ dẫn ông vào quán và mời ông ăn gỏi uống rượu. Ông từ chối nói không quen uống rượu. Quỉ sứ khen ông là bực thiện sĩ.

Ra khỏi chợ là trời vừa tối, chợt thấy một tòa cổ miếu rất tôn nghiêm, bông hoa rực rỡ, thực là thắng cảnh. Trước cửa có treo một bảng vàng khắc mấy chữ “Sắc phong Long Mẫu miếu”.

Quỉ sứ dắt Lương Cầu vào đó nghỉ. Ðến độ nửa đêm ông thấy một nàng ngọc nữ, tay trái xách một lồng đèn, ngọn sáng ngũ sắc, tay phải cầm một cái kim bài đề hai chữ “Thỉnh nhập”. Ngọc nữ cất tiếng truyền “Lịnh Thánh Mẫu mời thiện sĩ vào hậu viện dạy việc”. Lương cầu vâng lời đi theo vào đến sau thì thấy một vị Thánh Mẫu cho phép ngồi và hỏi : “Bình nhật thiện sĩ ở trên dương thế học đạo nào và tập nghề gì?”.

Lương Cầu thưa: “Tôi học đạo nho và dạy học trò, làm điều lành lánh điều dữ và giới sát cấm dâm, chỉ bấy nhiêu đó thôi”.

Long Mẫu khen nhưng hỏi tại sao đã giữ giới được như thế mà không qui đầu về Phật pháp. Lương Cầu xin cho biết lợi ích của Phật pháp.

Long Mẫu đáp: “Ðạo Phật là một đạo tối tôn vô thượng, kẻ nào không biết qui về Phật pháp ví chẳng khác con voi lội xuống bùn, càng lội xuống càng sâu. Còn người nào biết theo về với Phật thì chẳng khác mặt trời mọc trên biển, càng cao càng sáng, chẳng những khỏi đọa vào nghiệp Tam đồ, mà còn thoát khỏi miền Tam giới”.

Lương Cầu bèn than: “Nay Diêm Vương đã tróc mạng tôi xuống đây, làm sao trở về dương thế mà tu hành cho được?”.

Long Mẫu dạy: “Như người có lòng quy đầu về Phật pháp thì đứng giữa đây, chấp tay niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật, nguyện cho kiên cố, rồi đến điện Diêm Vương phải trần tình thiệt tấu, thì chắc Ngài hoan hỷ mà cho ngươi cải tử hoàn sanh”.

Lương Cầu nghe lời, bèn đứng dậy chắp tay niệm Phật. Long Mẫu khen và lấy chén vàng, rót nước trong bình lưu ly, sai thị tỳ phụng cho Lương Cầu uống. Bà lại khuyên: “Ngươi uống chén nước đó thì tâm thần khỏe khoắn trí tuệ mở mang, coi đâu nhớ đó, thiệt nên lợi ích”. Lương Cầu tiếp chén nước uống vào quả nhiên tinh thần sảng khoái, quên đói quên mệt.

Khi ấy, trước viện đã rựng sáng, quỉ sứ vào giục đi. Ông đứng dậy từ tạ Long Mẫu, rồi theo chân quỉ sứ. Ði một hồi lâu, thấy một tòa thành quách nguy nga, lâu đài quảng diệm. Quỉ sứ dắt ông vào thì đây là điện vua Diêm Vương, hai bên tội nhân chật ních, kẻ gông người xiềng, ra dáng khổ cực không kể xiết.

Bỗng đâu ông nghe có tiếng dạy dẫn ông đến trước Diêm Vương, bảo tra sổ bộ thì Phán Quan thưa Lương Cầu được 41 tuổi, trong bộ ác thì chỉ có hai việc nhỏ nhất, còn trong bộ thiện thì đủ 10 điều lành. Vua khen: “Như thế thì thật là người thiện nhân đáng sanh về thiên giới. Vậy dẫn chàng đến tạm trú nhà Thiên Ðường, đợi trên Ðao Lợi sai tiên Ðồng, Ngọc nữ xuống rước”.

Lương Cầu nghe phán, quì xuống tâu rằng: “Nay tôi chưa được 41 tuổi thì tôi cũng được an mạng, nhưng tôi còn một đại nguyện chưa xong, xin Ðại Vương mở lượng từ bi cho tôi cải tử hoàn sanh đặng về dương gian làm cho mãn nguyện, rồi tôi sẽ xuống. Vua hỏi chuyện chi, Lương Cầu đáp: “Nguyện quy đầu Phật Pháp”.

Vua cười: Ngươi ở dương thế đã 41 năm, sao không tu, để nay xuống âm ty rồi lại xin trở về? Lương Cầu đem sự thật trình bày là lúc ở thế chỉ học đạo Nho mà chư hiền đều công kích đạo Phật, chỉ mới đây nhờ Long Mẫu dạy bảo mới hiểu Phật Pháp là con đường duy nhất nên theo.

Vua phán: “Thế thì phúc đức nhà ngươi lớn lắm. Ngươi đã phát nguyện quy đầu Phật Pháp thì chư Phật và Bồ Tát đều hoan hỷ. Ta đây cũng hoan hỷ luôn, tăng thọ cho ngươi một giáp nữa đặng về dương gian mà tu học”.

Lương Cầu tạ vua rồi theo Phán Quan dạo khắp các tư hình, lật án này, dở bộ nọ, xem đâu nhớ đó, không quên một chữ, không sót một câu. Xong xuôi, Phán quan giao ông cho quỉ sứ dắt về dương gian.

Hồn nhập vào xác, Lương Cầu ngồi dậy, tinh thần khỏe khoắn, dường như chiêm bao mới tỉnh.

Cách vài bữa sau, ông sắm đủ trầm trà và hoa quả, bèn thiết một đàn tràng giữa nhà mà tạ ơn bà Long Mẫu, rồi cạo đầu nhuộm áo, bỏ nhà vào núi ẩn tu. Sau ông thành một vị Cao Tăng, sống thêm được 52 năm nữa, ở tu tại tỉnh Quảng Ðông. Do việc của ông mà trong làng Huỳnh Cang, nguyên quán của ông, có câu tương truyền: Bỏ nho theo Phật.

MINH TỊNH

“Ta đã chết nhưng chẳng bao giờ mất

Theo luân hồi cũ, mới bấy nhiêu thân?

Trong lục đạo nghiệp duyên qua xứ xứ

Lành hay hung tùy những nghiệp xoay vần”.

Hạt cơm cúng Phật

Ngày xưa, ngoài thành Xá Vệ có một nhà nữ Phật tử thuần thành, nhưng bà ta lại gặp một người chồng, không tin có đạo đức, nhân quả, tội phước, dù bà ta nhiều lần giảng giải.

Một hôm Ðức Thế Tôn, mang y ôm bát đến nhà bà khất thực, gặp lúc chồng bà vắng nhà, bà mang đồ ăn ra cúng dường Ðức Thế Tôn, rồi đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, Ðức Phật chú nguyện cho bà: “Gieo một gặt mười, gieo mười gặt trăm, gieo trăm gặt ngàn. Nhờ công đức bố thí bát cơm này, thí chủ sẽ được vô lượng phước báu”.

Trong lúc Thế Tôn đang thuyết giáo, thì người chồng từ thành Vương Xá trở về. Nghe Ðức Phật nói như vậy, chẳng hiểu nghĩa lý gì cả, anh sấn tới trước Ðức Phật:

- Này Sa Môn Cù Ðàm, làm gì mà được nhiều như vậy? Sa Môn nói láo, Sa Môn nói không thật! Sa Môn hãy đi khỏi chỗ này đi.

Dù anh ta ăn nói lỗ mãng, nhưng Ðức Thế Tôn vẫn mỉm cười. Ngài ôn tồn bảo:

- Này anh, anh từ đâu, mà về đây?

- Từ trong thành về.

- Anh đi ngang qua khu rừng, có thấy cây Ni Câu Loại không?

- Thấy.

- Anh thấy nó bao cao?

- Cả hàng trăm thước.

- Mỗi năm nó cho được bao nhiêu trái?

- Ồ không kể hết, chỉ có đem thúng mà lường thôi.

- Này anh, đầu tiên chỉ có một hạt bé tí mà sanh ra cây Ni Câu Loại cao hàng trăm thước, cành lá sum suê chiếm một khoảng rừng rộng lớn, mỗi năm nó cho ta hàng trăm ngàn quả. Này anh, đó là loài vô tri còn như vậy huống là thí chủ hoan hỷ cúng dường cho Như Lai một bữa ăn, phước đức ấy không thể đo lường được.

Nghe Ðức Thế Tôn thuyết giảng, anh chàng hồ đồ ấy trong tâm bừng tỉnh, rất lấy làm ăn năn hành động thô ác của mình vừa rồi, liền đến quỳ dưới chân Thế Tôn cầu xin sám hối.

- Kính bạch Thế Tôn, kính mong Thế Tôn từ bi tha lỗi cho con, từ đây con xin quy y Phật, Pháp và Tăng mong Thế Tôn nhận cho con làm Ưu Bà Tắc.

- Lành thay cư sĩ.

Ngay tại chỗ, hai ông bà đều chứng quả Dự Lưu.

GIỚI ÐỨC

“Cái gì tôi đã tiêu xài, bây giờ không còn nữa.

Cái gì tôi đã mua sắm, bây giờ tôi phải để lại cho ngườI khác.

Chỉ có cái gì tôi đã cho là còn thuộc về của tôi”.

Vakkali

Vakkali là một thanh niên Bà La Môn ngụ tại thành Xá Vệ. Thời niên thiếu và thanh xuân của chàng trôi qua bình thản trong tình yêu của cha mẹ và các bạn hữu đồng trang lứa. Cho đến một hôm, tâm tư của chàng trẻ tuổi bỗng dưng bị xáo động vì hình bóng của một Sa Môn áo vàng. Tư thái uy nghiêm, cốt cách cùng tướng hảo vô song của vị tu sĩ khiến chàng trai vô cùng kinh ngạc. Vakkali đứng ngây người ra chiêm ngưỡng phong cách vị tu sĩ và cảm thấy lòng nhen nhúm một niềm yêu kính vô bờ đối với con người xa lạ đó. Chàng nghĩ thầm:

- Quái lạ! Không ngờ trong cõi đời này, lại có người đẹp trai lạ lùng đến thế. Ôi! Ước gì ta được ở kề cận bên người để nhìn cho thỏa thích.

Vakkali dọ hỏi và được biết rằng vị Sa Môn ấy xưa kia là một ông Hoàng vương giả, đã từ bỏ ngai vàng đi tầm đạo và đã giác ngộ. Người ta thường gọi Ngài là Sa Môn Cồ Ðàm và hàng đệ tử thì cung kính gọi Ngài là Thế Tôn.

Vakkali bèn xin xuất gia vào Tăng đoàn sống đời khất sĩ. Vì mục đích xuất gia của chàng không lấy gì làm cao xa cho lắm nên hàng ngày, ngoài những giờ đi bát cần thiết, Tỳ kheo Vakkali luôn luôn tìm một chỗ ngồi thuận tiện để được chiêm ngưỡng từ dung đức Ðạo Sư cho thỏa thích. Thầy chẳng quan tâm gì đến việc học kinh tọa thiền hay những bổn phận của một chú tiểu sơ cơ. Ðấng Ðạo Sư biết rõ tâm niệm của Vakkali nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi, như chờ đợi ngày trăng đến rằm thì tròn vậy. Và ngày ấy đã đến.

Một hôm đức Ðạo Sư quay lại bảo Vakkali, khi chàng đang say đắm nhìn Ngài:

- Này Vakkali đâu có gì thích thú khi nhìn ngắm một hợp thế bất tịnh gọi là thân ta? Chỉ khi nào Vakkali nghe lời Như Lai dạy, thấy được pháp sinh diệt thì mới được gọi là thấy Như Lai.

Nhưng bất kể lời khuyên của Phật, Vakkali vẫn giữ nguyên tâm niệm và thái độ cũ, chàng không thể nào buông tầm mắt khỏi đức Ðạo Sư. Cuối cùng đức Ðạo Sư đành rời Xá Vệ và cấm không cho Vakkali đi theo.

Ba tuần trăng trôi qua, Vakkali không được nhìn thấy hình bóng và nghe pháp âm của đấng Ðạo Sư lòng sầu khổ vô hạn, chàng tự nghĩ rằng:

“Mình đã từ bỏ gia đình đổi lớp áo cao sang của một chàng công tử danh gia để vào cuộc sống bần hàn khất sĩ, chỉ với một mục đích duy nhất là được gần gũi chiêm ngưỡng đấng Ðạo Sư. Thế mà Ngài lại hất hủi ghét bỏ mình, trong khi Ngài rất mực từ bi dịu dàng đối với tất cả chúng sinh chí đến con sâu cái kiến.”

Một hôm quá sầu não, Vakkali nảy ra ý định quyên sinh. Chàng leo lên một đỉnh núi cao, định buông mình xuống vực sâu cho rảnh nợ đời. Biết được ý định ngông cuồng của người đệ tử trẻ tuổi, đức Ðạo Sư hiện thân đến gần Vakkali và cất tiếng gọi:

- Nầy Vakkali hãy đến đây với Như Lai.

Vakkali run lên vì vui mừng:

- Có thật chăng ? Có thật là Thế Tôn gọi con, Ngài không xua đuổi con nữa ư?

Và dưới bóng mát của một cội cây rừng bên tảng đá, đức Ðạo Sư ôn tồn bảo:

- Nầy Vakkali! Tại sao con có ý định quyên sinh?

- Bạch Thế Tôn! Vì con cảm thấy quá sầu não, quá phiền muộn. Con không tìm thấy niềm vui nào trong đời sống khất sĩ đạm bạc nầy, ngoài việc chiêm ngưỡng tướng mạo phi phàm của Thế Tôn.

- Nầy Vakkali! Niềm vui nào rồi cũng phải úa tàn. Sắc thân của Như Lai, dù là phi phàm đi nữa rồi cũng phải chịu sự chi phối của già, bệnh, chết. Bất cứ pháp gì trên đời nầy có sinh đều phải có diệt. Ðó là một định luật đương nhiên. Nếu biết rõ điều ấy, ta có nên đặt hết lòng hy vọng bám víu vào những sinh diệt ấy, để mưu cầu một hạnh phúc vĩnh cửu không bị tàn phai chăng?

Vakkali im lặng cúi đầu, đấng Ðạo Sư giảng trạch thêm cho chàng về tính chất phù du, tạm bợ của cái hợp thể gọi là sắc thân Ngài. Sau thời pháp Vakkali xúc động thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu rồi. Từ lâu con đã chạy theo những bóng dáng phù du do tâm thức con phóng chiếu ra, lấy đó làm niềm vui độc nhất của mình. Khi nguồn vui ấy bị cản trở con đâm ra buồn phiền, sầu khổ. Con quá si mê không biết rằng cái gì có sinh cũng phải có diệt. Sắc thân Như Lai tuy đẹp đẽ vô song thật, nhưng trước kia không, nay có thì thế nào cũng sẽ trở về không. Nguồn vui của con cũng chỉ là một cảm xúc nhất thời nếu không được nuôi dưỡng thì nó cũng phải lụi tàn. Con đã hiểu rồi và con cũng xin hứa với Thế Tôn là từ nay Vakkali chỉ thực hành những lời giáo huấn của Như Lai thay vì chiêm ngưỡng từ dung của Ngài như dạo trước.

- Hay lắm! Nầy Tỳ kheo! Nếu lòng con đầy hỷ lạc đầy niềm tin nơi lời dạy của Như Lai thì chẳng bao lâu con sẽ đạt được hạnh phúc tối thượng.

Và thế rồi, Vakkali từ giã đức Ðạo Sư độc cư thiền định ngay trên đỉnh núi mà chàng định quyên sinh dạo nọ. Ðúng như lời tiên đoán của đấng Ðạo Sư, chẳng bao lâu Vakkali đắc quả A La Hán. Từ đó đức Thế Tôn xếp Vakkali vào hàng môn đệ có lòng tin chân thật nhất. Lời dạy của Ngài cho Vakkali trên đỉnh núi dạo nọ cũng được kết tập vào Kinh tạng, thành câu Pháp Cú 381, lưu truyền cho đến ngày nay:

“Thầy Tỳ kheo nào tâm đầy hoan hỷ,

Thành tín theo lời Phật dạy

Sẽ đạt đến cảnh giới an lạc

Giải thoát khỏi các hành”.

Bởi giấc mơ tiên con lỡ say

Lòng con mến Phật tự bao ngày.

Ðêm nay chuông gọi hồn con tỉnh

Phủ sạch trần ai con đến đây”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567