Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 02

19/10/201309:53(Xem: 8707)
Phần 02

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 4
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần Hai

6/ Người làm mặt nạ
7/ Người chăn bò
8/ Chồn và sư tử
9/ Chim bồ câu và chàng đặt bẫy
10/ Quả cam oan nghiệt



Người làm mặt nạ

Ngày xưa tại kinh thành có người đàn ông sanh sống bằng nghề chế tạo mặt nạ. Nhà ông bày la liệt những hình vẽ, những khuôn mặt bằng giấy cứng đủ loại tướng mạo màu sắc lòe loẹt, lúc nào sơn mực cũng bừa bãi khắp phòng.

Lúc ấy ông đang nhận làm một mặt nạ ác qủy Dracula cho một ban kịch lớn. Suốt mấy ngày đêm hì hục tô vẽ, cố gắng làm nổi bật những nét đanh ác, ma quái cho khuôn mặt qủy. Tình cờ một người bạn đến thăm, nói chuyện quanh co một hồi. Người bạn ngạc nhiên thấy vẻ mặt chủ nhân có chiều bực bội hắc ám, liền hỏi:

- Dạo này tôi thấy khí sắc anh hơi sút kém, hay anh có việc gì bực mình?

- Không có gì cả.

Người bạn không tin hỏi lại:

- Có thật không anh?

Cuộc nói chuyện mất hẳn hứng thú, nên một lát sau người bạn đứng lên cáo từ.

Bẵng đi một thời gian khoảng nửa năm, người bạn lại đến thăm người làm mặt nạ. Vừa trông thấy chủ nhân, người bạn reo lên mừng rỡ:

- Ồ! Lúc này trông anh hồng hào tốt tướng hơn trước nhiều, chắc hẳn anh đã được nhiều điều may mắn phải không?

Chủ nhân vẫn tỉnh bơ đáp:

- Không có gì lạ bạn ơi.

Chủ nhân thật không hiểu được vì sao người bạn có nhận xét lạ lùng như vậy. Dần dần, ông mới vỡ lẽ ra rằng: Vì nửa năm trước làm mặt nạ quỷ, suốt ngày cứ tưởng tượng hình ảnh nhe nanh, trợn mắt, thè lưỡi, các tướng mạo hung ác dữ dằn để làm mặt quỷ cho thật giống, vì thế vẻ mặt ông cũng biểu hiện những nét sân giận, dữ tợn, người nhút nhát trông thấy đến phát sợ. Sau đó nửa năm, ông nhận làm mặt nạ một vị công thần chánh trực và đức độ. Ông miệt mài tìm những nét thanh cao, khả ái để thể hiện những đức tính đặc biệt này, vẽ làm sao để ánh mắt đầy nhân từ và công chính, tô khéo đến mức nào để có đôi môi hiền hòa nhưng cương nghị, nụ cười độ lượng mà vẫn uy nghiêm. Ngày đêm chỉ liên tưởng đến đề tài sáng tạo này nên tự nhiên bên ngoài nó thoát ra từ thái nhu hòa, khuôn mặt chủ nhân có nét thỏa ái, dễ chịu. Ðến lúc khám phá ra điều này, người làm mặt nạ thầm công nhận: những điều tâm ta nghĩ ngợi, tư duy đều được biểu lộ ra ngoài dung mạo.

Kinh Phật đã nói đến động lực của Tâm trong câu nói hàm xúc: “Tâm như họa sư, khéo vẽ muôn hình tượng”.

Thích Nữ Như Thủy – Như Ðức

“Lòng buồn thì mặt cũng buồn

Lòng buồn thì mặt có vui bao giờ”

Người chăn bò Nanda

Khi còn tại gia Tôn giả Nanda là một thanh niên chăn bò mướn. Ngày ngày, Nanda dẫn bò đến ăn cỏ bên bờ sông Hằng thuộc địa phận xứ Kosambi. Lúc ấy gặp dịp Ðức thế Tôn trú ở Kosambi, cùng với chúng Tỳ kheo 1250 vị.

Một hôm Thế Tôn cùng các Tỳ kheo du hành dọc bờ sông. Ngài thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước và chỉ cho các Tỳ kheo:

- Này các Tỳ kheo, nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ này, không đâm vào bờ kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên đất nổi, không bị người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị lọt vào xoáy nước, không bị mục nát bên trong... thì nó sẽ hướng về biển, xuôi theo biển, nhập vào biển. Vì cớ sao, này các Tỳ kheo, vì dòng sông này hướng về biển, xuôi theo biển. Cũng vậy, hỡi các Tỳ kheo, nếu các con không đâm vào bờ này, bờ kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn, không bị người nhặt lấy, không lọt vào xoáy nước, không mục nát bên trong... thì các con sẽ hướng về, sẽ xuôi theo niết bàn, sẽ nhập vào dòng niết bàn. Vì sao, này các Tỳ kheo, chính vì pháp của Như Lai, giảng nói xu hướng của niết bàn, xuôi theo niết bàn, nhập vào niết bàn.

Khi được nghe nói vậy, một tỳ kheo bạch:

- Bạch Thế Tôn, bờ này là gì? Bờ kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên miếng đất nổi? Thế nào là bị người nhặt? Phi nhân nhặt? Thế nào là lọt vào xoáy nước? Thế nào là mục nát bên trong?

- Các Tỳ kheo, bờ này ám chỉ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Bờ bên kia chỉ cho sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. “Bị chìm giữa dòng” dụ cho hỉ và tham (khoái thích, ham muốn). Mắc cạn trên đất nổi đồng nghĩa với ngã mạn. “Bị người nhặt” là dụ cho vị Tỳ kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui chung buồn, an lạc khi chúng an lạc, đau khổ khi chúng đau khổ, trói buộc mình trong các công việc, chúng xướng xuất. Ðó gọi là vị Tỳ kheo bị loài người nhặt lấy. Và này các Tỳ kheo, “Bị phi nhân nhặt lấy” có nghĩa là vị Tỳ kheo tu phạm hạnh với mơ ước được sanh lên cõi trời, hưởng phước báo chư thiên. “Bị lọt vào xoáy nước” là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng: tài lợi, sắc đẹp, danh tiếng, ăn và ngủ. “Bị mục nát bên trong” ám chỉ vị Tỳ kheo theo các ác pháp có những hành động khả nghi, không giữ giới mà hiện tướng thanh tịnh, nội tâm hủ bại, đầy dục vọng, đó gọi là bị mục nát bên trong”.

Khi ấy người chăn bò Nanda đứng cách Thế Tôn không xa. Chàng tiến lại bạch:

- Bạch Thế Tôn, con không đâm vào bờ này, con không đâm vào bờ kia, con không chìm giữa dòng, con không bị mắc cạn trên đất nổi, con không bị loài người nhặt lấy, con không bị phi nhân nhặt lấy, con không lọt vào xoáy nước, con không mục nát bên trong. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.

- Này Nanda, hãy đem trả bò cho chủ của con đã.

- Bạch Thế Tôn, chúng sẽ tự trở về. Các bò mẹ đang mong gặp lại chúng.

- Tuy vậy này Nanda, con hãy trả lui các con bò ấy cho những người chủ.

Nanda vâng lời dắt bò về trả cho chủ rồi trở lại bên Phật:

- Bạch Thế Tôn, con đã trả lại những con bò. Hãy cho con được xuất gia với Thế Tôn. Hãy cho con thọ đại giới.

Rồi Nanda, người chăn bò, được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Sau khi thọ giới không lâu, Tôn giả Nanda sống một mình an tịnh thân cảm được lạc thọ mà các thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình đã hướng đến. Vị ấy biết “sanh tử đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã được làm xong, không còn phải trở lại đời này nữa” Tôn giả Nanda trở thành một vị A La Hán.

Thích Nữ Trí Hải

“Trải lòng bi mẫn Tâm đồng Phật

Dứt hết vô minh Phật tức Tâm

Phật Phật Tâm Tâm đồng thể tánh

Phật Tâm cũng diệt đến viên thành”.

Chồn và sư tử

Trong thời quá khứ, lúc dòng vua Bra-ma-na trị vì xứ Ba Ra Na Thi, có một gia đình Sư tử gồm cha, mẹ và hai con, một trai, một gái. Cậu trai tên là Mê Năn. Chẳng bao lâu cậu lớn lấy vợ. Gia đình từ đấy thêm một miệng ăn. Mỗi ngày Mê Năn phải ra khỏi hang, đi đông đi tây, săn thú đem về nuôi dưỡng song thân, vợ và em.

Một hôm, trong khi đi tìm miếng ăn hàng ngày, Mê Năn gặp một con chồn nằm sát trên cỏ, đầu cúi rất lễ phép. Bộ hầm hừ, thét như sấm nổ, chàng hỏi:

- Chồn làm gì ở đây?

- Bẩm Chúa Công, chồn khép nép thưa, chúng con biết hôm nay có chúa Công đi ngang đây, nên quỳ đón từ sáng sớm đến giờ để chào mừng.

Bẩm tánh kiêu hãnh, Mê Năn nghe mấy lời tưng bợ của Chồn, lấy làm đắc ý.

- Thế là Chồn biết bổn phận con dân, Chúa Công khen cho đó. Thôi đứng dậy về cùng ta. Chồn vâng vâng dạ dạ, khúm núm đứng dậy và trỗi bước theo sau Sư tử.

Nhưng cha chàng, vừa thoáng thấy người khách lạ vào hang là tỏ ý không bằng lòng ngay:

- Mê Năn con, Chồn là giống quỷ quyệt, xảo trá khôn lường, bất nghĩa bất tín, con nên đề phòng mà đừng thân cận. Hãy đuổi quách nó đi cho cha an dạ.

Mê Năn không trả lời, nhưng không đổi ý. Chàng giữ Chồn ở lại làm bạn tác sớm chiều.

Một hôm, Chồn ngọt dịu bảo Mê Năn là chồn thèm thịt ngựa, Mê Năn hỏi:

- Ở đâu có ngựa?

- Dạ, ở bờ sông Ba Ra Thi. chồn đáp.

- Ngươi hảy dẫn đường ta đi.

Không đợi bảo hai lần, Chồn hối hả làm hướng đạo.

Băng rừng vượt núi, chẳng bao lâu cả hai đến bờ sông, một bầy ngựa nõn nà, lớn có nhỏ có, đang trầm mình dưới nước, hí hú nô đùa. Lẹ như chớp nhoáng, Sư tử phóng mình vồ một con ngựa con rồi lao mình trở lên bờ sông, một mạch chạy về hang, phía sau có Chồn nỗ lực đuổi theo, nét sung sướng lộ trên gương mặt.

Ông lão Sư tử nghiêm nghị:

- Con đã sanh sự rồi đó, Mê Năn. Ai đời lại dám bắt ngựa của vua mà ăn. Coi chừng, một ngày kia, vua nổi trận lôi đình, sẽ truyền cho lính nã tên thì mười mạng con cũng không còn. Sư tử mà ăn thịt ngựa thì sống lâu bao giờ! Hãy nghe ba, từ nay đừng sanh tâm bắt ngựa nữa.

Mê Năn không trả lời. Quá tin ở tài nhảy cao chạy lẹ của mình, phần một bên Chồn cứ nịnh hót, chàng bất kể lời huấn từ, hễ đôi ba hôm là cùng chồn đi đánh cắp một con ngựa về làm tiệc.

Chẳng bao lâu, Vua hay tin, dạy đem ngựa vào nhốt trong vòng thành không cho ra bờ sông nữa. Thế mà Mê Năn và chú quân sư Chồn vẫn lập thế bắt tha được vài con.

Vua dạy làm chuồng nhốt, song cài cửa khóa. Vô ích. Năm mười hôm là có tin ngựa mất.

Vua giận quá, hỏi kế trừ gian ở các quan. Một vị đại thần tiến cử một tay thiện xạ, có tài giết thú dữ. Vua cho đòi vào và phán hỏi. Nhà thiện xạ quả quyết, nếu Sư Tử còn trở lại, thì trong một phát chàng sẽ hạ mãnh thú, đem xác về nạp vua. Hoan hỷ, nhà vua hứa trọng thưởng.

Ðến đêm, nai nịch hẳn hòi, bên đeo cung, bên vắt tên, nhà thiện xạ ẩn mình trong bóng tối, sau một trụ đá. Tiếng trống trên vọng đài vừa sang canh ba, chàng nghe có tiếng sột sạt. Sư tử tới, phía sau có chú Chồn. Nhưng là tay sảo quyệt, chồn không tiến bước mà núp lại phía sau.

Sư Tử phóng mình một cách nhẹ nhàng lên đầu tường, nhảy xuống đất, chạy bay lại chuồng ngựa. Chàng thiện xạ tự bảo:” Sư Tử lẹ lắm, bắt ngay lúc này, e hạ nó không được. Chi bằng đợi nó cõng ngựa chạy ra sẽ hay”. Chàng vừa suy nghĩ xong là Mê Năn đã trở lại mé tường, trên vai nặng trĩu một con ngựa. Chuyển hết thần lực, chàng thiện xạ buông tên.

Rống lên một tiếng, Sư Tử té bạt qua một bên, rồi góp sức tàn, nhảy vượt lên mặt thành, bỏ ngựa, miệng kêu : “Ta bị thương rồi”.

Chồn nghe tiếng la của bạn và hơi gió tên bay, biết chuyện chẳng lành. “Thế là hỏng! Thôi đành tiên bảo kỳ thân. Ai có số nấy, ta phải lo phận ta”. Nói xong, Chồn quặp đuôi chạy một mạch về hang mình, không đoái hoài gì đến Mê Năn.

Tuy máu ra nhiều, Mê Năn vẫn cố gắng la lết về với gia đình, nhưng vừa thấy mặt cha, mẹ, vợ, em là chàng ngã ra tắt thở.

Thấy con mình mẩy đẫm máu, cha mẹ Mê Năn biết chàng đã bị bắn trọng thương và chú Chồn gian xảo kia là nguyên nhân của tai nạn thảm khốc. Tức tưởi, mẹ chàng kể lể: “Mê Năn con ơi! Như thế này cho con biết để trước không nghe lời cha mẹ dạy. Hễ chơi với kẻ ác thì không toàn thân là vậy. Nếu con không nghe lời xúi biểu của Chồn thì nay đâu ra nông nỗi này”.

Cha chàng cũng cảm động: “Cha đã nói mà! Kết bạn với kẻ xấu thì cái chung cuộc bao giờ cũng không hay. Con nghe chi đứa nịnh bợ để cho thân thể phải đầm đìa những giọt máu đào của mẹ con đã chan sớt cho con?

Em gái chàng, sụt sùi: “Anh Mê Năn ơi! Anh thấy chưa, trước kia nếu anh nghe lời cha dạy, thì ngày nay anh em ta đâu có chia lìa như thế này. Anh có ăn năn chăng, hỡi anh? Không bỏ vào tai những lời minh chánh, là tự mình làm cho mình mù quáng, người xưa quả nói không sai”.

Vợ Mê Năn cũng khóc: “Tại mình không khéo kết bạn, nên mới chết oan uổng. Ai đời lại hạ mình thân cận với kẻ lòng dạ bẩn thỉu, để cùng với nó bị đời khinh nhạo, chê bai”.

Trên đây là một câu truyện chính Ðức Phật đã thuật lại để giáo hóa một Sa di thường hay lai vãng với những bạn bè không tốt.

Phật thuyết vừa xong, vị Sa di liền tỏ ngộ, đoạn tuyệt với những bạn xưa và đắc quả Tu đà hoàn.

Thiện Tâm

“Nghe lời chê bai mà giận là làm ngòi cho người dèm pha, nghe câu khen ngợi mà mừng là làm mồi cho người nịnh hót”.

Chim bồ câu và chàng đặt bẫy

“Thuở xưa, lúc nhà vua giòng Bra-ma-na ngự trị tại Bra-ma-na-thi, Như Lai là một con bồ câu sống an vui với cha mẹ, họ hàng trong một cánh rừng nhiều trái ngon nước ngọt. Mỗi ngày, đồng thời với vừng thái dương lố dạng, toàn họ bồ câu đều thức giấc ra khỏi ổ ấm, sè cánh rỉa lông, líu lăng ca hát, rồi chia nhau từng đoàn đi kiếm ăn. Ðến trưa, trời nóng bức, kẻ chui vào những lùm lá tươi mát mẻ ẩn mình, người xuống suối nô đùa trong dòng nước lạnh. Chiều đến, trước sau, các đoàn lần lượt trở về ổ. chờ đêm đến là gác mỏ lên cửa thưởng ngoạn những hột ngọc lóng lánh trên nền trời xanh.

Nhưng bất hạnh thay cho giống bồ câu! Trong xứ có một anh chàng chuyên nghề đặt bẫy chim. Anh ta trét lên cành cây có trái chín một chất nhựa quái quăm. Chim nào dẫm lên đấy là dở chân hết lên, cố đập đến gãy đôi cánh cũng không thế nào thoát nạn. Hớn hở, anh chàng ác độc leo lên bắt từng con đem về nhà, bỏ vào lồng sơn vẽ rất đẹp, nuôi dưỡng như con cưng, đợi đến khi thân tròn thịt béo, anh mang ra chợ bán với một giá rất đắt.

Họ hàng bồ câu nhà ta rất biết cái mánh khóe bất lương của chàng đặt bẫy, thường bảo nhau phải cẩn thận trong khi vào rừng kiếm trái. Nhưng một hôm, quá mê chơi đuổi bắt, ta lại dẫm lên chất nhựa giết chim. Vừa cảm nhận cái rít của nhựa, ta biết nguy, thọc chân trái xuống để lấy chân mặt lên, không dè đôi chân bị giữ ghì lại. Thôi rồi! Còn đâu cảnh đoàn tụ, còn đâu cuộc đời êm ấm trong thanh thoát tự do. Ta cất tiếng thảm sầu kêu to. Cha mẹ, họ hàng vừa bay đến là bóng chàng đặt bẫy lù lù hiện ra dưới gốc cây. Vù một cái, bao nhiêu người thân yêu đều tứ tán, để mình ta trong tuyệt vọng và sợ hãi. Anh chàng thợ bẫy từ từ leo lên, gỡ ta ra khỏi nhựa, ta vùng vẫy muốn bay, nhưng than ôi! Sức con bồ câu non đâu đương với bàn tay lực sĩ. Thôi đành cho số kiếp! Ta được bỏ vào một cái lồng tre, trong đó đã có đôi bà con xa đồng phận.

Chàng thợ bẫy, thấy trời đã gần trưa, quảy lồng ra về. Ðến nhà, anh bốc từng chú câu, bỏ vào một cái lồng lưới lớn. Quả như lời ta đã nghe kể lại trước kho ngộ nạn: trong chốn ngục tù, không thiếu một thức ăn uống nào, lại còn cửa sơn, phòng rộng, kể ra phong lưu không biết gấp mấy lần những cái ổ tranh chốn quê nhà. Nhưng ta biết rồi, tham lấy những cái của này là có ngày đem ra chợ bán. Lập tâm tuyệt thực cho mình gầy vóc hẻo, ta không động đến những hạt thóc no tròn của chủ nhà đặt cạnh bên ta.

Một hôm, hai hôm, ba hôm ta vẫn nén lòng chịu đói. Ðến sáng ngày thứ tư, anh chàng đến thăm. Thấy ta tiều tụy, anh có vẻ lấy làm lạ. Nhẹ mở cửa lồng, anh bắt ta ra và nhẹ nhàng đặt ta lên lòng bàn tay, đưa lên ngang mắt để xem coi vì cớ nào mà ta xanh xao vàng úa. Thấy ta gật gờ, chàng không còn nghi kỵ như lúc đầu, để ta đứng thong thả trên đôi chân run run. Chàng biết đâu rằng ta chỉ đợi chờ phút này. Chàng vừa quay đầu vì có tiếng động sau lưng, ta góp hết tàn lực tung đôi cánh vọt lên cành cao, rồi từ cành này sang cành nọ, ta trở về với núi rừng bao la, để lại tất cả những sung sướng đầy nguy cơ cho anh chàng ác độc”.

Nói đến đây, Ðức Phật thố lộ: “Chàng đặt bẫy kia, chính là Ðề Bà Ðạt Ða ngày nay vậy”.

Thiện Tâm

“Kẻ thù đối đãi kẻ thù

Oan gia đối đãi oan gia

Người nuôi dưỡng tâm ác

Còn tự làm hại mình

Hơn là kẻ thù đối kẻ thù

Oan gia đối oan gia”.

Quả cam oan nghiệt

Dưới triều chúa Ðịnh Vương, tại thành Qui Nhơn có người tàu Quảng Ðông, tục gọi Tàu Dư, cứ mỗi năm đến tháng chạp, chở hàng hóa lên thôn Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Viễn, bán cho người địa phương. Hiểu rõ tâm lý người dân Việt Nam và hoàn cảnh chốn thôn quê lúc gần Tết, Tàu Dư bán hàng chịu, kẻ đáng nhiều thì nhiều, kẻ đáng ít thì ít, rồi đến mùa gặt lúa tháng ba sang năm, mới trở lại thu tiền. Nhờ vậy hàng chú không bao giờ ế, và người địa phương đối với chú rất có cảm tình.

Ở Vĩnh Thạnh có người bán bánh bèo tên là Phan Phiên. Nhà cửa tuy nhỏ nhưng rất ngăn nắp, lại có vườn rộng và quán bánh ở bên đàng. Vì tiện lợi cho sự buôn bán nên mỗi khi đến Vĩnh Thạnh thì Tàu Dư đến ở đậu nhà Phan Phiên. Hai bên rất tương đắc.

Năm năm lui tới yên vui, Tàu Dư bỗng mất tích. Lúc bấy giờ nhằm lúc nhà Tây Sơn khởi nghĩa binh đánh lấy thành Qui Nhơn. Người thì đoán rằng Tàu Dư sợ giặc giã đi lánh cư nơi khác. Người thì cho rằng chú đã gặp rủi ro trong chốn ba quân. Kẻ bàn người tán, xôn xao trong ít lâu, rồi công ăn việc làm xóa mờ dần dĩ vãng.

Rồi noi dấu Tàu Dư, Phan Phiên đi Qui Nhơn mua hàng về bán Tết. Và mỗi năm đi buôn chỉ một lần, mà chưa đầy năm năm, trong nhà đã dư ăn dư để. Chàng dẹp lò bánh bèo, mua trên vài chục mẫu ruộng tốt cho làm rẽ, dỡ bỏ mấy căn nhà cặp nhỏ hẹp, cất lại một tòa nhà mái ba gian, có hồ sen có non bộ, nghiễm nhiên thành một người giàu sang nhất vùng. Ai nấy đều cho rằng nhờ Thần tài phù hộ.

Ðể tạ ơn trên trước, Phan Phiên rước hát bội đến hát. Chàng định hát một đêm một ngày. Rạp hát cất cổ lầu, đồ trần thiết mướn toàn đồ Tàu, vàng thêu rực rỡ. Người đến xem đông như kiến. Chủ nhân lựa tuồng Tiểu Giang San để tôn vương xong là bế mạc.

Mặt trời vừa gác núi, tiếng trống chầu trống chiên đã nổi dậy vang lừng. Và trong nhà cúng tế vừa xong thì ngoài rạp bắt đầu khai diễn. Bao nhiêu con mắt đều dồn lên sân khấu. Trống chầu đôi gióng, trống chiên thúc.

Anh kép đóng vai Khương Linh Tá bước ra giáo đầu. Ðiệu bộ thật khéo. Tiếng chầu thưởng dòn. Nhưng vừa toan cất tiếng xưng danh thì anh kép liền ngậm miệng, mặt dớn dác, chân bước lui... Vừa vào buồng, bị thôi thúc, anh kép trở ra lại, nhưng cũng vừa toan cất tiếng thì liền ngậm miệng lại, và hốt hoảng chạy vào buồng. Anh kép khác ra thay, rồi anh kép khác ra thay nữa, nhưng anh nào cũng vừa muốn cất tiếng thì liền ngậm miệng, hốt hoảng chạy vào buồng. Ông bầu hỏi duyên do, anh nào cũng làm thinh, lấy tay khoát, có vẻ sợ hãi.

Cả rạp đều ngạc nhiên hết sức!

Ông bầu đề nghị cùng chủ nhân cho thay vở tuồng khác, rồi tự mình ra giáo đầu.

Ông bầu đóng vai Quan Công phò nhị tẩu vừa bước ra sân khấu thì liền được khán giả hoan nghênh. Nhưng cũng vừa toan cất tiếng xưng danh thì liền ngậm miệng lại bước lui mấy bước, rồi cũng hốt hoảng chạy vào buồng. Ngoài rạp nhao nhao... Hai vị phụ lão cầm chầu quăng dùi đứng dậy bỏ về. Chủ nhân vừa lo ngại vừa tức giận vào cự bầu hát. Bầu hát không nói không rằng, chỉ hối thúc con em lo dọn gánh rút lui.

Thế là đám hát bị tan rã.

Cho là điềm xấu, Phan Phiên đâm đơn kiện người bầu hát đã làm mất thể diện mình.

Ðể Ly Tuy Viễn lúc bấy giờ là quan huyện họ Tàu, có tiếng là công bình chính trực. Ðêm trước hôm Phan Phiên đầu đơn kiện, Tào Công đang ngồi đọc sách dưới đèn, thì một người Tàu vào đặt ngay thư án một quả sơn đỏ, rồi vái hai vái mà lui. Công mở quả xem thì thấy một trái cam chín thắm. Công toan cầm cam lên ngửi thì một con quạ bay đến, lấy chân quắp tha đi, Công vội đuổi theo thì vấp ngã... Giật mình tỉnh dậy thì là một giấc chiêm bao. Vì vậy sáng hôm sau nhận được đơn của Phan Phiên, Công đoán chắc có sự liên quan giữa giấc chiêm bao và vụ kiện. Công sức trác đòi đoàn hát bội đến và tự mình lấy khẩu cung.

Ông bầu gánh cùng mấy người kép đều khai giống nhau rằng khi ra tuồng, chúng vừa toan cất tiếng thì một người Tàu cầm quả cam chín thắm nhét vào miệng không cho nói. Sợ quá chúng phải bỏ cuộc rút lui.

Tào Công ngẫm nghĩ:

- Thật là kỳ! Cũng chú Tàu, cũng quả cam chín thắm! Nhất định có điều gì bí ẩn chi đây.

Công cho đoàn hát bội về nhà, rồi cùng một viên thuộc hạ lên thẳng Vĩnh Thạnh. Ðến nhà Phan Phiên, Công không đề cập đến vụ kiện chỉ truyền đưa đi xem quanh vườn.

Vườn rộng chừng nửa mẫu, cau chuối xanh tươi, chim se sẻ từng đoàn bay kêu ríu rít. Không thấy chi lạ, Công toan trở vào nhà xét xem, thì nơi góc vườn bỗng nghe tiếng quạ kêu não ruột. Lòng sanh nghi hoặc, Công lần bước theo tiếng quạ kêu. Ði được vài mươi bước thì Công dừng ngay lại: một cây cam xanh tốt đứng choán một góc vườn nhưng trên cành sum sê chỉ có vỏn vẹn một quả chín thắm. Thấy quả cam trên cành giống quả cam trong mộng, Công đứng ngẩn người. Ðương tần ngần suy nghĩ thì một con quạ bay đến đậu nơi cành cam, kêu mấy tiếng não nùng, rồi lấy mỏ mổ vào quả cam đoạn cất cánh bay mất... Liền đó một vòi huyết từ quả cam quạ mổ vụt phun ra... Viên thuộc hạ hết hồn. Phan Phiên sợ run cầm cập. Tào Công lấy làm kinh dị tự nhủ:

- Nhất định có kẻ bị chết oan.

Bèn sai đào gốc cam lên.

Cây cam vừa ngã thì bày ra một bộ xương khô! Phan Phiên hãi hùng, thét lên một tiếng rồi cắm đầu chạy trốn.

Tào Công một mặt cho tẩn liệm bộ xương và chôn cất tử tế, một mặt cho bắt giải Phan Phiên đến huyện đường.

Ðến huyện đường, không cần tra tấn, Phan Phiên qùy cung:

- Bộ xương ấy là của Tàu Dư.

- Tàu Dư đến buôn bán tại Vĩnh Thạnh rất phát đạt. Thấy y chân chất và không vợ con, tôi bèn làm mối cô em vợ tôi cho y. Y bằng lòng, bàn cùng tôi tậu ruộng nương, cất nhà cửa tử tế rồi lo việc gia thất. Tôi tán thành, y về Qui Nhơn lo thu xếp công việc.

Một đêm tôi vừa thiu thiu ngủ thì nghe tiếng Tàu Dư gọi cửa. Lúc bấy giờ vợ con tôi đã ngủ say. Tôi dậy mở cửa. Y gánh vào một cặp bầu cũ kỹ, ngó quanh quất rồi thẳng vào buồng nhà trong. Y chỉ cặp bầu nói cùng tôi:

- Tài sản của tôi có chừng nấy.

Ðoạn mở bầu lấy ra hai chĩnh sành, một chĩnh đựng toàn vàng nén, một chĩnh đựng toàn bạc nén. Chưa bao giờ thấy của giàu như thế, mắt tôi hoa lên! Tàu Dư nói:

- Không nên để trong nhà. Hãy đem chôn ngay ra sau vườn.

Tôi lấy cuốc thuổng rồi cùng Tàu Dư khuân hai chĩnh vàng bạc ra sau vườn. Tôi cuốc đất, Tàu dư xúc đổ. Vừa làm việc tôi vừa nghĩ đến hai chĩnh vàng bạc... Cảnh giàu sang hiện ra trước mắt tôi, lòng tham của tôi tưng bừng nổi dậy. Thấy Tàu Dư đương chú ý vào việc xúc đất thuận tay tôi trở đai cuốc xáng mạnh xuống đầu, y vỡ sọ chết tức khắc. Sẵn hầm đào đã sâu, tôi liền lấp xác chết. Rồi bứng cây cam bên cạnh trồng lên trên. Từ trong nhà đến người ngoài không một ai hay biết.

Rồi để che mắt thế gian, tôi bỏ nghề bánh bèo, bắt chước Tàu Dư đi mua hàng về bán Tết... Tôi trở nên giàu có. Năm năm trôi qua, không còn ai nhắc nhở đến Tàu Dư, cũng không hề thấy ai đàm luận đến sự giàu sang của tôi, tôi liền rước hát bội về hát để tạ ơn kẻ khuất mặt đã phù hộ. Nào ngờ...

Tào Công quăng bút thở dài! Ðoạn truyền đem giam Phan Phiên vào ngục thất. Chợt nhớ đến quả cam, Công sai người thắng ngựa đi lấy. Ngựa chưa kịp thắng, thì một con quạ bay đậu trước huyện đường kêu inh ỏi. Công trông ra: một quả cam chín thắm từ chân quạ rơi xuống mặt sân. Sai lượm lên xem là quả cam nơi vườn Phan Phiên, nhưng ruột trống rỗng, mà nơi quạ mổ vẫn còn vết máu tươi.

Công hội ý, ra lệnh tịch biên gia sản Phan Phiên, trích ra một số tiền làm chay cầu siêu cho Tàu Dư, ba ngày ba đêm. Ðêm thứ ba, giờ tý, hồn Tàu Dư hiện đến, lạy trước bàn Phật ba lạy rồi biến mất, và trên không một con quạ vừa bay vừa kêu.

Quách Tấn

“Chân như cực lạc bởi duyên lành,
Túc trái luân hồi do nghiệp khổ...”..

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]