Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 10

19/10/201308:57(Xem: 8481)
Phần 10

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 3
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần mười


45/ Nụ cười em bé
46/ Gương mặt hoa mè
47/ Ðoạn đường phải đến
48/ Người dốt giác ngộ
49/ Một chút lửa địa ngục

---o0o---

Nụ cười em bé

Xưa có một vị Sa di lớn tuổi, chuyên tu khổ hạnh, chứng quả A La Hán. Người ở mãi trong núi sâu, không giao tiếp với ai, quyết chí tu luyện các phép mầu và điều phục mọi phiền não để cầu quả vị Vô Thượng Chánh Giác.

Một làng nọ, sát chân núi, có một em bé mới lên bảy tuổi, mặt mày sáng sủa, tư chất thông minh trông có vẻ khác thường lắm. Mặt dù tuổi còn nhỏ, nhưng em rất mến chuộng Phật Pháp, vì vậy mà em đã sớm gỡ bàn tay âu yếm của người mẹ hiền tìm thầy học đạo.

Một hôm, trên đường tìm thầy vất vả trên núi sâu, em gặp một vị A La Hán đương ngồi tham thiền trên tảng đá lớn. Em mừng rỡ quá, tâm hồn bừng sáng lên, em liền đảnh lễ vị A La Hán xin làm đệ tử hôm sớm với thầy học đạo. Thấy em tướng mạo đẹp đẽ phương phi, có chí hướng xuất trần, vị A La Hán thâu nhận làm đệ tử và trong tâm tưởng rằng em bé mai sau sẽ nối sự nghiệp mình để duy trì Phật Pháp.

Trải qua một năm trường học tập, tu dưỡng em bé ấy không lúc nào lãng xao mà mỗi lúc mỗi tinh tấn thêm nữa. Vì vậy mà em sớm được thần thông tự tại, mắt thấy thấu suốt các quốc độ nhiều như vi trần, tai nghe hết mọi thứ tiếng khắp nơi, tùy theo ý mình có thể thay đổi hình dáng bay khắp trong không gian vô biên tự tại. Ðồng thời em có thể biết biết hết các cuộc đời quá khứ của mình, rõ thấu nguồn gốc chân giả trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.

Một hôm em bé ấy ngồi tham thiền, thấy cuộc đời quá khứ của mình nên mỉm cười, trông có vẻ nên thơ lắm.

Thấy em bé cười rất dễ thương, vị A La Hán hỏi:

- Vì sao đương khi tham thiền con lại cười thế?

- Bạch Thầy. Con cười với con, đời trước cũng như đời này làm một người con để lại cho năm người mẹ ngày đêm khóc lóc, buồn rầu, tủi phận tình thương con không một chút nguôi phai. Con là đứa con làm cho năm người mẹ đau khổ, thân thể hao mòn, mất hết hạnh phúc. Bây giờ năm người mẹ ấy vẫn còn và còn nhớ con, khóc vì con quên ăn bỏ ngủ. Thân con như điện chớp, như sương mai, năm bà mẹ con như người nắm hạt châu trong tay, không khổ mà vẫn cứ đi tìm cái khổ. Con ở trong thiền định nhìn lui về quá khứ thấy cuộc đời như thế nên con mỉm cười trước nỗi rắc rối khó tả ấy.

- Người mẹ thứ nhất ấy khi sanh con ra, thì bên cạnh nhà con cũng có người sanh ra đồng thời với con. Con ra đời được ít ngày, vì nhân duyên hết nên con đi qua đời sống khác. Mẹ con thấy đứa bé bên cạnh học đi, học nói, học cười liền liên tưởng đến con, buồn rầu và than thở:

“Nếu như con tôi còn thì bây giờ cũng đã biết học đi, học nói, học cười rồi. Trời ơi, sao con tôi bỏ tôi đi đâu sớm vậy”.

Mẹ con ôm bụng nghẹn ngào không nói nên lời, hai hàng lệ lăn tròn xuống khóe miệng.

Mẹ đứa bé bên cạnh tươi vui ngắm nhìn đứa con vừa cười vừa đi chập chững, còn mẹ con đau lòng khóc nức nở.

- Khi làm con người mẹ thứ hai, con lại từ giã mẹ con rất sớm. Mẹ con thấy đứa bé ôm vú mẹ vừa bú vừa mân mê rồi say ngủ say sưa trong lòng mẹ, bà liền xúc động nhớ đến con rồi khóc.

“Con ơi, mẹ nhớ con quá. Sao con không ở lại bú sữa mẹ, chuyện vãn với mẹ, để cho mẹ bồng ru con ngủ. Con sao không nhớ mẹ mang nặng đẻ đau mà con vội lìa mẹ để cho mẹ nhớ con đến nỗi hao mòn tàn tạ”.

- Khi làm con người thứ ba, năm mười tuổi, con từ biệt mẹ con, chuyển qua đời sống khác. Thường trong bữa ăn, mẹ con khóc lóc và than rằng :

“Tội nghiệp cho đứa con tôi, giờ phút này, không cùng ngồi ăn với mẹ như trước. Nào cơm ngon, nào thức ăn quý, một mình mẹ cô độc như thế này sao mẹ nuốt cho vô, con ơi! Gia tài sự nghiệp lâu nay mẹ dành dụm cho con, sao con không ở lại với mẹ hưởng lấy miếng ngon, con lại ra nằm ngoài gò hoang vắng.”

Nói xong mẹ con lăn ra khóc ròng rã.

- Khi làm con người mẹ thứ tư, tuổi chưa thành niên, con lại sanh ra trong đời này. Bấy giờ bên cạnh nhà con có một người bạn tuổi đã trưởng thành đang làm lễ rước dâu linh đình nhộn nhịp. Mẹ con thấy thế, ra vào than thở:

“Năm nay mà con mình còn thì cũng đã có cháu sum vầy, mình đây cũng hớn hở vui sướng như ai, có đâu đến nỗi cô đơn, tương lai hiu quạnh!”.

Mẹ con buồn bực, khóc than và oán giận cho kiếp số mong manh bể dâu.

- Trong đời này, mẹ con nuôi con được bảy năm, con lại từ biệt quê hương, cắt tình âu yếm của mẹ con, may mắn được gặp thầy học đạo. Hơn một năm tu dưỡng con đã được thần thông tự tại, biết được bao nhiêu con đường gai góc đã qua và nhìn thấy sự cao đẹp huy hoàng suốt đời vị lai không bến hạn. Mẹ con ở nhà nhớ nhung, ngày đêm luôn luôn than vãn.

“Con ơi! Con tìm thầy học đạo ở đâu mà mẹ không nghe tin tức chi đến con cả. Con còn bé quá, rủi ro ai biết, đói lạnh ai hay, lỡ có sơ suất điều gì ai đỡ lời chịu tiếng. Ngày đêm nghĩ đến con mẹ trằn trọc xót xa và đau lòng cho mẹ quá. Mẹ van xin con về để sống có mẹ có con đầm ấm, ngày mai khôn lớn, con đủ lông đủ cánh con hãy tìm thầy học đạo mẹ chả ân hận gì. Nhờ ơn trên xui khiến cho con tôi sực nhớ đến mẹ để trở về núp dưới bóng mẹ hiền che chở, tội nghiệp!”

Trải qua mấy lần tử biệt sanh ly, con đã để lại cho năm người mẹ con một mối thương tâm thống thiết. Giá như thời gian và không gian rút ngắn lại trong một lúc một nơi, con sẽ lần lượt trở về với năm người mẹ con. Nhưng con e việc đi lại đối với con vẫn tự tại an nhiên không mộtchút thêm bớt. Song dù có trở lại, những người mẹ ấy có biết con là ai, rồi chớp nhoáng đời qua càng làm cho người mẹ ấy thêm âu sầu buồn thảm hơn nữa. Năm người mẹ ấy vì tình thương ràng buộc, ngày đêm chỉ cuộc hạn trong vòng nhớ thương chật hẹp, nhưng con vẫn là con, con nào có đắm say lưu luyến trong vòng sanh tử trầm luân. Năm người mẹ ấy, người nào cũng tưởng con sống với cuộc đời ba, bốn, năm năm đâu có biết đời con bao la, sống chan hòa trong muôn nghìn sự vật. Giá như con chỉ sống trong tình lưu luyến ấy thì đời con còn vất vưởng mãi trong vòng tham ái thế gian, có đâu được vươn lên một cuộc đời cao rộng, an vui và giải thoát.

- Bạch Thầy, con xem thấy thế gian phàm phu không nhận chân sự thành hoại, hợp tan, hễ được thì reo mừng, mất thì đâm oán trách, nên cứ mãi tao ra vô số ác nghiệp rồi suốt đời suốt kiếp bị nghiệp ấy chi phối. Mọi chúng sanh sở dĩ chịu lấy bao nhiêu khổ báo cũng đều bắt nguồn từ tham ái ấy mà gây ra. Nếu mọi người ai cũng gạt ra ngoài tham ái triền phược, mở mắt vươn lên các đấng Giác Ngộ tối cao để bắt chước làm theo mọi công hạnh tốt đẹp của Người thì cuộc đời biết bao sung sướng.

- Thầy là cây đuốc đưa đường cho con làm cho đời con được nhìn xa thấy rộng và giao cảm được với các đấng Như Lai trong mười phương tam thế. Hôm nay con xin tạm biệt cùng Thầy để đem ánh sáng của Thầy gieo rắc mọi chân trời đen tối.

Em bé vì Thầy thưa xong liền bay thẳng lên không bao la, lược khuất trong bầu trời thanh thanh huyền diệu.

Minh Huấn

“Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Ðau khổ thay! Kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa! Bao nhiêu rui mè của ngươi đều gãy cả rồi, kèo cột của ngươi đã tan vụn cả rồi. Trí ta đã đạt đến vô thượng Niết bàn, bao nhiêu dục vọng đều dứt sạch cả”.

__________

(Kẻ làm nhà: nguyên luân hồi, ái dục. Nhà: thân thể. Rui mè: các thứ dục khác. Kèo cột: vô minh).

Gương mặt hoa mè

Thuở xưa có một vị tiểu thư xinh đẹp, con quan tri huyện. Nhân một chuyến lễ chùa, nhan sắc mặn mà của nàng, làm động tâm một nhà sư trẻ tuổi.

Vừa trông thấy cô gái, trống ngực sư đã nện inh ỏi. Sư kêu gọi Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm đến líu cả lưỡi mà hình bóng của giai nhân vẫn lảng vãng quanh Sư. Nghĩ mình đã xuất gia đầu Phật, nhất định cắt đức đường tơ mà nghiệp chướng tiền khiên quá sâu nặng. Sư đổi pháp môn tu, nhờ một chàng thư sinh có đôi tay tài hoa, vẽ dùm hai bức tượng: Một bức là dung nhan chim sa cá lặn của giai nhân, còn bức kia thì tô thêm một mặt hoa những nốt đậu mùa để Sư tập quán “bất tịnh”. Chàng thư sinh vui vẻ nhận lời trợ giúp cho nhà Sư đáng thương tha thiết cầu đạo này. Ðể bức họa linh động, chàng tìm cách gặp gỡ giai nhân. Ngờ đâu thần ái tình lại bắn luôn mũi tên còn lại, chàng đâm ra yêu thiếu nữ mê mệt. Và sau khi hoàn thành hai bức tượng, nhờ nhà Sư chúc phúc cho mình, chàng trở về mượn người đánh tiếng xin cầu hôn người đẹp. Sau bao nhiêu lễ lộc rắc rối, chàng thư sinh được giai nhân nhận lời. Hôn lễ được dự định sẽ cử hành vào mùa đông sắp tới. Mọi chuyện tưởng đâu sẽ xuôi chèo mát mái thì…thình lình có dịch đậu mùa bò đến.

Giai nhân vì chưa quá tuổi vị thành niên, nên đã vướng phải bệnh này. Và gương mặt đẹp như ngọc của nàng bỗng trở nên giống hệt bức tranh thứ nhì mà nhà Sư đang quán tưởng.

Ðến cuối đông, chàng thư sinh thở dài cưới cô vợ xấu xí vì một lời đã thốt ra thì dù đến bốn ngựa cũng không theo nổi.

Nghĩ rằng dung nhan của vợ mình từ đây sẽ không gây rắt rối cho ai nhất là chư Sư, nên sau tuần trăng mật, chàng đưa vợ đến lễ chùa và luôn tiện thăm nhà Sư si tình dạo nọ.

Nhác trông thấy “người xưa” nhà Sư sững người kinh ngạc và sau đó Sư vui mừng khôn tả.

Ðêm hôm ấy nhà Sư lúi húi dựng một giàn hỏa và viết một phong thư gởi lại cho Hòa thượng trụ trì báo tin rằng Sư đã đắc đạo nhờ phép quán “bất tịnh”, rằng mối tình si, sự vô minh của Sư đã được giải tỏa… bằng cớ là khi chạm mặt giai nhân, Sư chỉ thấy dung nhan của nàng qua bức tranh mặt rỗ của Sư.Và đó là một bằng chứng hiển nhiên để Sư tin rằng khi bước lên giàn hỏa Sư sẽ vào Niết bàn lập tức. Bức thư được gởi đi trước khi giàn hỏa được nhen nên sau đó, Hòa thượng trụ trì bắt Sư khuân hết số củi dựng giàn hỏa vào nhà trù rồi sắm hành lý cho Sư lên đường tham học…

“Sự tham lam nó làm cho con người chìm đắm mãi trong biển luân hồi. Mà nhứt là cái tham về sắc dục nó đày đọa và vùi lấp con người một cách ghê gởm”.

Ðoạn đường phải đến

Lúc Phật ngụ tại Xá vệ, có một thương gia chở hàng hóa từ thành Ba La Nại đến bán. Vừa đến thành phố, trời đã quá nhá nhem tối, ông thương gia phải dừng xe cạnh một dòng sông, nghĩ bụng: “Ngày mai ta sẽ qua sông”.

Ðêm hôm ấy, một cơn dông thổi qua thành phố mưa như trút. Suốt bảy ngày đêm vẫn không ngớt, nước sông dâng cao, đường sá lấy lội, dân chúng đều tìm chỗ trú mưa nên khách thương không có dịp bán hàng. Ông tự nghĩ: “Ta đã đi một đoạn đường khá dài, nếu phải đổi lộ trình chắc là không kịp nữa. Thôi! Ta đành ở đây hết mùa mưa, mùa đông, và mùa hạ để bán buôn vậy!”.

Lúc đó Ðức Thế Tôn đi khất thực trên đường phố, ngang qua đoàn xe buôn, Ngài mỉm cười. Tôn giả A Nan hỏi lý do, Ngài đáp:

- A Nan, ông có thấy vị thương gia kia không?

- Bạch Thế Tôn, con có thấy.

- Ðời sống của ông sắp hết, vậy mà ông ta còn dự định ngụ tại đây hết mùa này sang mùa khác để bán hàng.

- Bạch Thế Tôn, ông ấy sắp chết sao?

- Này A Nan, chỉ bảy ngày nữa, ông ta sẽ rơi vào bụng cá.

Và Ngài nói kệ:

Hãy tinh cần nỗ lực

Làm những gì cần làm trong hôm nay

Ai biết được ngày mai sẽ chết?

Chúng ta đều bất lực trước tử thần

Hạnh phúc thay cho kẻ nào sống

Từng ngày và đêm không lo lắng

Dù chỉ là một đêm

Ðó là người khôn ngoan thanh tịnh.

- Bạch Thế Tôn, như vậy con sẽ báo tin cho ông ta biết.

- Ðược, ông cứ đi.

Tôn giả đến trại vị thương gia khất thực. Ông cung kính cúng dường thức ăn cho Ngài. Tôn giả hỏi:

- Ông định ở đâu bao lâu?

- Bạch tôn giả, con từ phương xa đến, nếu trở về thì quá tốn kém nên con dự định ở lại đây suốt năm, bao giờ bán hàng xong mới đi.

- Này cư sĩ, ông nên biết rằng đời người thật ngắn ngủi, không biết sẽ chết vào lúc nào.

- Sao? Bộ con sắp chết?

- Phải đó, cư sĩ. Ông chỉ còn bảy ngày nữa thôi.

Quá xúc động, vị thương gia mời Phật đến cúng dường suốt bảy ngày liên tiếp. Ðến ngày cuối, ông xin Phật hồi hướng phước báo cho ông. Phật dạy:

- Này cư sĩ, người khôn ngoan không bao giờ nghĩ rằng ta sẽ ở đây suốt mùa mưa, qua đông sang hạ. Ta sẽ làm việc này việc nọ. Hãy nghĩ đến cái chết của mình.

Ngài nói kệ:

Ở đây ta an trú suốt

Mùa mưa, mùa đông, mùa hạ.

Người ngu tưởng thế,

Không biết rằng mình sẽ chết”.

(Pháp Cú 236)

Nghe xong vị thương gia chứng quả Dự Lưu, chúng hội cũng được lợi ích.

Thương gia tiễn Phật đi một quãng đường mới trở lại. Ông cảm thấy nhức đầu và đi nằm. Chẳng bao lâu ông chết, thác sinh lên cõi trời Ðâu Suất.

Thích Nữ Như Thủy- Như Ðức

“Ðời sống bị tổn giảm theo từng giây phút, trong từng niệm, không được tăng trưởng, cũng như dòng nước dốc không thể đứng một chỗ, cũng như hạt sương mai thế không đọng lâu, cũng như người mù dẫn đến pháp trường, mỗi bước là gần cõi chết”.

Người dốt giác ngộ

Tôn giả Châu Lợi Bàn Ðà Già là một đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, người kém trí tuệ nhất. Tôn giả cũng có tên là Bàn Ðặc được sanh trong một gia đình nghèo khó, mộc mạc và sự cách biệt của cha mẹ. Cha Tôn giả là người vất vả, thiếu học, cuộc đời chỉ biết làm tôi tớ, còn mẹ lại là con gái của vị trưởng giả giàu có, học rộng hiểu xa. Hơn nữa bà còn nhanh nhẹ trước những việc khó khăn. Thế mà cuộc hôn nhân của ông bà vẫn được thành tựu tốt đẹp, âu cũng là duyên kiếp.

Cuộc sống êm ả trôi qua, đôi vợ chồng cách biệt này vui sướng khi sắp sửa làm mẹ. Bà chuẩn bị về quê để chờ ngày khai hoa nở nhụy. Trên đường về lòng bà tràn ngập niềm vui, miên man nghĩ đến đứa con xinh xắn sắp chào đời mà quên đi quãng đường xa. Chẳng mấy chốc đã gần đến nơi chợt bà thấy đau nhói, mỗi lúc càng nhiều. Ðến lúc không chụi nổi nữa, bà phải dừng lại bên vệ đường, tìm vào nơi kín đáo, rồi hạ sanh một bé trai trắng trẻo, mập mạp, ấy chính là Bàn Ðặc. Thương thay cho kẻ sơ sinh phải vương mùi khổ lụy từ khi lọt lòng mẹ.

Thuở nhỏ Bàn Ðặc thật dại khờ, vả lại nhà nghèo nên không được đi học, vì vậy mà càng thêm dốt nát. Sau nhờ quả phước báo may mắn được Ðức Phật độ cho xuất gia tu hành. Ðức dạy ông bài kệ chỉ bốn câu nhưng vì căn tánh ngu độn mà ông học mãi không thông. Bấy giờ Ðứa Phật dung phương tiện thực tế giáo hóa ông, chờ khi Châu Lợi Bàn Ðặc cầm chổi quét nhà Ðức Phật liền chỉ ngay cây chổi mà dạy rằng:

- Này Bàn Ðặc! Khi nào cầm đến cây chổi quét nhà thì con nhớ đọc hai tiếng: “Chổi Quét”. Nếu lòng con giữ vững được chánh niệm hai tiếng “Chổi Quét” thì con quyết sẽ chứng Thánh đạo, giải thoát sanh tử luân hồi.

Lúc đầu, chỉ bấy nhiêu đó mà Bàn Ðặc cũng không nhớ nổi, hễ nhớ tiếng “Chổi” thì quên tiếng “Quét”, mà nhớ tiếng “Quét” lại quên tiếng “Chổi”. Thật con người của ông không có một chút trí nhớ nào hết, đến đỗi ai gặp ông cũng đều cười chê, đùa cợt.

Một hôm Vương tử Kỳ Vực đến cầu Ðức Phật và hàng đệ tử vào cung vua để thọ sự cúng dường, nhưng không mời Bàn Ðặc tham dự. Lúc Ðức Thế Tôn cùng hàng đệ tử đến cung thì Vương tử Kỳ Vực sẳn sàng bưng thau nước trong dâng lên Ðức Phật để rửa chân (theo phong tục Ấn Ðộ, đó là phép lịch sự của chủ đối với khách), nhưng Ngài chẳng tiếp lấy. Thấy vậy, Vương tử ngạc nhiên thưa hỏi:

- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Con kính dâng thau nước trong này để Ngài rửa chân sao Ngài không nhận?

- Này Vương tử! Trong hàng để tử của ta đến nhận sự cúng dường có thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc ở đó không?

- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc chỉ có hai tiếng “Chổi Quét” còn không nhớ nổi, so lại không sánh bằng kẻ chăn dê nên con không có mời đến.

- Này Vương tử! Không phải vậy, Phật pháp phải là bình đẳng, không phân giai cấp cao hay thấp, cũng chẳng có kẻ sang người hèn, tất cả đều như nhau. Nếu Vương tử không mời Thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc đến đây thì ta không nhận lấy thau nước này.

Biết mình lầm lạc, làm trái ý Ðức Phật, Vương tử vội phái quan đại thần đến thỉnh Tôn giả Bàn Ðặc.

Khi tới nơi, Bàn Ðặc vào lãnh thọ sự cúng dường. Ðức Phật bảo Tôn giả A Nan gắp thức ăn để vào bát Bàn Ðặc. Thấy vậy Bàn Ðặc lấy làm mừng rỡ liền đứng dậy một lúc lâu, đúng ra việc này ông phải chờ lệnh của Ðức Phật, bởi vì đem so thì Tôn giả A Nan xuất gia sớm hơn Tôn giả Bàn Ðặc.

Tôn giả Bàn Ðặc ngồi cách xa Ðức Phật nên việc đem bình bát đến bên Ðức Phật khi ăn xong không phải là chuyện dễ, nhưng bình bát của Tôn giả Bàn Ðặc vẫn được đưa đến đây trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ðó là nhờ sức oai thần của Ðức Phật mà đại chúng không được biết.

Thấy vậy, Vương tử Kỳ Vực vội chắp tay đến quỳ trước Tôn giả Bàn Ðặc mà thành tâm sám hối.

Thuở trước Tôn giả Bàn Ðặc vốn ngu dốt, có thể là tâm ông không bền vững. Mặc dù bị người đời chê cười, biếm nhã, nhưng ông vẫn không thối chí, nản lòng, mà quyết chuyên đọc hai tiếng “Chổi Quét” suốt sáu năm dài, để rồi ông được thức tỉnh, tâm không còn rối loạn, đi đến Giác Ngộ và chứng Thánh quả. Từ đó về sau tâm trí phát sanh rộng lớn, ông thấu hiểu nhiều đạo lý mầu nhiệm, lãnh hội nhiều pháp ngữ sâu xa của Ðức Phật.

Những người trước kia khinh thường, chê biếm ông sẽ thay ông tiêu tai nạn. Bấy giờ không còn một ai dám cười chê ông nữa mà lại càng kính trọng hơn.

Có một lần Tôn giả Bàn Ðặc cùng 499 vị Ðại để tử theo Ðức Phật đến cung Long Vương A Nậu Ðạt nhận sự cúng dường. Khi đến bờ ao A Nậu Ðạt, Ðức Phật bảo hàng đệ tử:

- Này các thầyTỳ kheo! Mỗi vị hãy múc lấy nước tám công đức ở trong ao mà uống. Sau đó các vị có thể biết được việc đời trước của mình.

Khi hàng đệ tử thực hành xong, Ðức Phật tiếp:

Bây giờ các vị hãy thuật lại kiếp đời trước của chính mình nghe ra sao.

- Vâng lời Phật dạy, Bàn Ðặc liền tự thuật:

- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Thưa toàn thể đại chúng: Ðời trước con là một người nuôi heo. Một hôm con lùa heo đến chợ bán. Ði được nửa đường thì bị một con sông cản lối, vì muốn đem heo đến chợ sớm nên con không thể dừng lại đó. Con giải quyết bằng cách cột chân heo lại và lấy vải buộc mỏ chúng để khỏi la ồn. Xong xuôi, con cầm dây từ từ kéo bầy heo qua sông. Khi con sang được bờ bên kia thì bầy heo bị ngộp thở mà chết cả. Vốn liếng con bị tiêu tan từ đó. Cuộc sống của con trở nên khổ sở, lắm lúc như điên dại, thường đứng ở bờ sông ngơ ngác không tìm ra lẽ sống. May gặp được một vị cao Tăng rộng lòng thương xót, Ngài khuyên con xuất gia tu học. Sau khi bỏ thân ấy con được sanh lên cõi Trời. Lúc hưởng hết phước ở cõi Trời rồi mới trở xuống nhân gian làm người.

Do vì kiếp trước buộc mỏ heo kéo sang sông làm tổn hại rất nhiều sanh mạng nên kiếp này con mắc quả báo ngu dốt. May nhờ kiếp trước có nhân duyên xuất gia nên đời này con được gặp Phật độ, chứng quả vị A La Hán.

Minh Tâm

“Người tâm không an định, không hiểu biết chánh pháp, không tín tâm kiên cố, thì không thể thành tựu được trí tuệ cao siêu”.

Một chút lửa địa ngục

Thuở xưa, khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, lúc nào Ngài cũng đem giáo pháp nhiệm mầu ban bố cho chúng sanh từ hàng vua chúa quan quyền cho đến lê thứ đều thấm nhuần Pháp Bảo. Do đó, khi bóng Ngài xuất hiện nơi đâu là đem cảnh thái bình an lạc đến đấy.

Ngài thường ngự nơi Kỳ Viên tinh xá, một tòng lâm vĩ đại của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, vùng vườn cây cổ thụ xanh tươi củaThái tử Kỳ Ðà.

Chung quang Ngài lúc nào cũng có đại chúng Tỳ kheo Tăng và các vị Ðại đệ tử uy danh lừng lẫy. Nổi bật nhất là Ðại Mục Kiền Liên thần thông biến hóa vô cùng, có thể di sơn đảo hải hoặc ngự lên cung trời, bay xuống địa ngục dễ dàng như trở bàn tay.

Một hôm Ðại đức Mục Kiền Liên, muốn vào cõi địa ngục để xem chúng sanh thọ hình khổ sở đến mức nào.

Sau khi đảnh lễ từ giã đấng Thiên Nhơn Sư (Phật) xong. Ngài liền dùng thần thông bay thẳng vào cõi địa ngục. Ngài chứng kiến những cảnh tội nhân rên siết rất đau đớn khổ sở từ địa ngục nhỏ cho đến địa ngục lớn như A tỳ.

Khi Ðại đức ngự đến đâu, do oai lực của Ngài, các tội nhân được giảm tội và dừng hình phạt trong giờ phút ấy. Những đống lửa vĩ đại đang cháy ngùn ngụt bỗng dưng khô cạn. Một hoa sen lớn bằng bánh xe hiện ra Ðại đức Mục Kiền Liên đến an tọa trên đóa sen tươi ấy.

Các tội nhân vô cùng mừng rỡ khi nhận thấy hình ảnh uy nghi của Ðại đức Mục Kiền Liên, tất cả chạy đến vây quanh Ngài quỳ xuống thành kính đảnh lễ. Một tội nhân bạch hỏi:

- Bạch Ngài, Ngài từ đâu đến đây?

Ðại đức Mục Kiền Liên đáp:

- Bần tăng từ thế giới loài người đến đây.

Các tội nhân khi nghe Ðại đức đáp như thế, lấy làm mừng rỡ, mỗi người kể trường hợp khổ đau của mình, xin Ðại đức hoan hỷ báo cho thân bằng quyến thuộc của họ được biết họ đang ở trong địa ngục, khổ sở lắm, rất thương nhớ quyến thuộc. Xin thân bằng quyến thuộc hãy vui lòng bố thí, làm phước, trai Tăng cúng dường đến chư Tăng rồi hồi hướng phước báu đến họ.

Ðại đức Mục Kiền Liên hoan hỷ nhận lời, hứa sẽ nhắn lại cho các thân nhân từng trường hợp một. Sau đó Ngài dùng thần thông thử lấy một chút lửa địa ngục bằng hạt cải gói trong chéo y của Ngài rồi Ngài trở về thế gian.

Khi trở về cõi ta bà, Ðại đức Mục Kiền Liên thông báo ngay cho thân bằng quyến thuộc của các tội nhân. Hay tin dữ, các thân bằng quyến thuộc than khóc vô cùng thảm thiết. Khi sự đau buồn lắng dịu một phần nào, họ liền tổ chức một buổi lễ trai Tăng rất long trọng để hồi hướng phước báu cho những thân nhân đã quá vãng, dưới sự chứng minh tối thượng của Ðức Phật và Ðại đức Mục Kiền Liên cùng với chư Tăng.

Do nhờ oai lực chú nguyện của Ðức Phật và chư Tăng, những tội nhân được thọ lãnh phần phước báu, được thoát khổ cùng được thọ sanh nơi tiên cảnh.

Sau đó Ðại đức Mục Kiền Liên, dùng thần thông bay lên cõi Trời, với ý định quán sát sự an vui và hỷ lạc của chư Thiên ở cõi Trời.

Ngài ung dung thưởng ngoạn cảnh vui tươi của cung trời Ðao Lợi. Lúc ấy chư Thiên trong sáu cõi Trời đang sống vui hạnh phúc. Bỗng dưng họ cảm thấy nóng bức khóc chịu phi thường, cất tiếng hết vang rần vì bị sức nóng của lửa địa ngục toát ra do Ðại đức Mục Kiền Liên mang theo trong chéo y của Ngài.

Ðức Thiên Vương thấu hiểu nguyên nhân khiến cho chư thiên nóng bức, khó chịu đến như thế liền đến ra dấu cho Ðại đức Mục Kiền Liên hiểu tình trạng đã xảy ra.

Ðại đức Mục Kiền Liên thầm nhủ rằng: “Chư Thiên lại nóng bức khó chịu, náo loạn thiên cung thế này chỉ do một chút xíu lửa từ địa ngục ta mang đến đây. Bây giờ phải ném lửa nầy vào đâu? Nếu ta ném xuống mặt đất thì mọi vật trên thế gian sẽ bị thiêu hủy hết. Nếu ta ném xuống biển cả thì biển sẽ cạn nước, còn nếu ném vào không gian sẽ bị hạn hán không mưa 12 năm. Như thế thì hãy mau mau trả lửa nầy lại xuống địa ngục.

Ðại đức Mục Kiền Liên lại bay xuống địa ngục một lần nữa, để đem chút lửa nguy hại ấy trả về địa ngục như cũ.

Xong rồi Ðại đức Mục Kiền Liên bay trở lại trần gian, về Kỳ Viên tịnh xá đảnh lễ Ðức Thế Tôn và tường trình lại cho Ðức Phật rõ về chuyện chuyến du hành vào địa ngục và cõi Trời của Ngài.

Nhân cơ hội ấy, Ðức Phật liền dùng đề tài trên để ban bố một thời pháp cho đại chúng nghe, có câu kệ ngôn như sau:

“Hai trạng thái là: Một là Thiện pháp hai là Ác pháp, vì hai pháp này kết quả không giống nhau. Ác pháp đưa chúng sanh vào cảnh khổ, Thiện pháp đưa chúng sanh đến cảnh an vui…”

Khi thời pháp vừa chấm dứt, các hàng Phật tử trong pháp hội ấy đều được đắc quả, vào khoảng ba vạn bốn ngàn người trong cùng một lúc.

Kim Quang

“Ác nào bằng ác sân si,
Lửa nào bằng lửa dục tham lan tràn.
Khổ nào bằng khổ trần gian,
Vui nào sánh kịp Niết bàn thanh cao.”

Diệu Mỹ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]