Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 02

19/10/201308:37(Xem: 8272)
Phần 02

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 3
Thích Minh Chiếu
Sưu tập


Phần Hai


6/ Mục Kiền Liên
7/ Bát cơm cúng dường
8/ Vườn Nai
9/ Duyên xưa nghiệp củ

Mục Kiền Liên Tôn Giả

Trong hàng Thánh chúng hay trong mười đại đệ tử của Phật. Mục Kiền Liên là vị thần thông số một. Trong moiï tình huống, Mục Kiền Liên thường hay sử dụng phép thần thông, khi đi truyền giáo Mục Kiền Liên dễ dàng chinh phục được người. Nhưng pháp căn bản của sự giải thoát không phải là thần thông. Với nghiệp lực của con người thần thông không thể giải cứu. Với phép thần thông có thể khuất phục người được dễ dàng, nhưng chưa hẳn lòng người đã chừa oán giận.

Dù bị Phật quở, Mục Kiền Liên vẫn sử dụng phép thần thông để làm phương tiện. Ngày vua Lưu Ly kéo binh đội đến dây hãm thành Ca Tỳ La Vệ, Mục Kiền Liên đã dùng thần thông đến cứu dòng họ Thích Ca bị bách hại, thành Ca Tỳ La Vệ vẫn bị hỏa thiêu.Mục Kiền Liên cũng không cứu được mẹ bằng phép thần thông. Ngay chính Mục Kiền Liên cũng đã không thắng được nghiệp báo để thoát chết bởi bọn ngoại đạo, khi Mục Kiền Liên đến truyền đạo thành Thất La Phiệt.

Một hôm, trên đường đi khất thực, Mục Kiền Liên dừng chân trước một nhà bán bánh ít trần, thứ bánh ngọt mà không bọc lá. Thấy bà không đem vật thực ra cúng dường, đoán biết bà này có tâm keo kiệt, Mục Kiền Liên cố tình đứng lại chờ đợi, để bà gieo công đức phước điền.

Không những không cúng dường, bà còn xua đuổi Tôn giả, bà nói:

- Làm gì mà sáng sớm ông đến đứng án nhà tôi thế? Ông có biết rằng tôi đang hông bánh chưa có bán gì được cả chăng? Xin mời ông đi mau cho với để sáng sớm tôi khỏi mất hên.

- Xin bà cho tôi một nắm cơm, nếu không bà cho tôi một cái bánh cũng được. Mục Kiền Liên năn nỉ.

- Tôi nghèo lắm ông ơi! Bà già nói, ông không thấy nhà tôi đang xiêu vẹo sau trận cuồng phong, chưa sửa được đấy à! Còn cái bánh, tôi đã bảo bánh chưa chín mà, ông này lẩn thẩn thật.

- Nếu bà không cho, tôi hóa phép làm gió thổi sập nhà bà luôn.

- À! Thế ông biết làm phép ư? Nếu thật sự ông có thể biến hóa chết được, tôi sẽ cho.

Với thần thông đãchứng, Mục Kiền Liên rùng mình ba lần rồi lăn ra chết.

Thấy thây chết khiếp quá, nhưng vì tâm keo kiệt bà nói:

- Ðã là xác chết, còn ăn uống gì được mà cho, giờ ông còn lại báo đời, tôi phải chôn cất thây ma, thật đến khổ!

Mục Kiền Liên đứng dậy và nói:

- Giờ này, tôi là người bình thường, ăn uống được, xin bà hãy đem vật thực cho tôi.

- Tôi đã bảo là tôi nghèo rớt mồng tơi mà, xin ông hãy dời gót gấp cho với, để tôi còn lo sanh kế nữa chứ.

- Bà đã biết tôi có phép, Mục Kiền Liên nói: Sẳn có tảng đá bên đường, nếu bà không cho vật thực, tôi sẽ mang tảng đá thả đè bẹp nhà bà ngay tức khắc.

Giận quá, nhưng lại sợ sập nhà, nhân đang hâm bánh (nấu cách thủy) bà mở vung, chọn một cái bánh nào nhỏ nhất để cho, hầu khỏi rắc rối. Lúc này, bà thấy cái bánh nào cũng to lớn, cho thì thiệt hại cả vốn và lời. Dù bánh đã được xoa dầu để khỏi dính nhau, nhưng bà càng xáo tìm cái bánh nhỏ nhất thì bán càng dính chùm với nhau. Giận quá, bà khuân cả nồi để trước Mục Kiền Liên và nói: Ông hại tôi quá, làm bánh tôi dính chùm với nhau hết. Hỏng hết rồi, ông mang luôn cả nồi này về mà ăn cho thỏa. Thấy ý cho bánh trong sự tức giận, nhưng thiện tâm đã bắt đầu nhen nhúm. Mục Kiên Liên gắp một cái bánh để vào bình bát, rồi tạ từ bà già và tiếp tục lên đường.

Một lần khác, nhân đi khất thực, ngang qua một khu vườn rất nên thơ, Mục Kiền Liên gặp một phụ nữ tuổi trung niên rất là kiều diễm. Bà này đón Mục Kiền Liên lại và mời vào rừng nói chuyện. Biết chuyện chẳng lành, chuẩn bị nếu có bị hại khi không chiều ý bà ta, thì sẽ đem sức thần thông chống trả, Mục Kiền Liên từ chối và nói:

- Bà không nên đem sắc đẹp mê hoặc tôi, con người của bà bên ngoài vui tươi, ngọt ngào nhan sắc, nhưng chắc chắn lòng bà không khác một cuộn chỉ rối. Bà đang có một tâm sự uất nghẹn nên mượn sắc đẹp sẵn có để giết thời gian, hầu quên lãng tất cả, xin lỗi, bà chớ phiền, tôi thẳng thắn khuyên bà không nên chơi với lửa, lội vào vũng sình, nguy hiểm lắm! Càng lao vào con đường trụy lạc, tâm hồn càng thêm dơ bẩn. Trong vũng bùn, bà càng cố vẫy vùng thì bà càng lún sâu, khó thoát khỏi tội lỗi. Thiện tâm của bà chưa hẳn đã mất, bà nên quay hướng chưa muộn lắm đâu.

Nghe nói đúng quá, bà ta giật mình khóc sùi sụt và thưa:

- Thưa Tôn giả! Tôi vẫn biết thế, nhưng không có con đường nào hơn. Tôi mượn lạc thú để quên hết uẩn khúc của cuộc đời, quên quá khứ đau thương.

Mục Kiền Liên bình thản khuyên:

Thông thường, với những điều càng cố quên thì càng nhớ, càng nhớ lại càng thấy đau. . . càng đau thì lòng càng căm tức, càng oán tức lại có thể phát điên khùng. Lúc đó, hết biết phương cứu chữa, ở đời có hai con người mạnh nhất.

- Người không có tội lỗi. Người có tội lỗi mà biết ăn năn, sám hối. Thân thể, quần áo dơ bẩn dùng nước giặt rửa. Nước trên sông ô uế khi vào biển cả đều được lóng trong. Tâm hồn nhiễm đầy trần cấu, Phật Pháp có năng lực làm cho trong sạch, thánh thiện.

Nếu biết sám hối bà sẽ hết tội, tăng phước, trở nên con người gương mẫu.

- Những tội lỗi quá nhiều, sám hối bao giờ mới hết tội? ! ! Bà ta nói, tôi đã mượn tiền tài và sắc đẹp làm lung lạc không biết bao nhiêu người đàn ông nhẹ dạ. Tôi đã phá tan hạnh phúc của nhiều gia đình, rồi tôi cũng bị người cùng phái nguyền rủa, có lần tôi suýt toi mạng. Khinh ghét tôi bội phần!

- Với giáo pháp của Phật, khi nghe bà bộc lộ tâm hồn, tôi sẽ tăng thêm từ ái,không có khi dễ gì đâu.

Nghe thế, rất yên tâm, bà kể:

- Tôi là con của trưởng giả ở thành Ðức Xoa Tỳ La, tên là Liên Hoa Sắc, lúc lên 16 tuổi tôi lấy chồng, chẳng may cha chồng chết sớm, mẹ chồng tôi còn xinh đẹp, và sinh lý còn cường thịnh, do đó bà khuynh đảo chồng tôi, phạm tội loạn luân. Quá buồn, tôi xin ly dị, để lại cho chồng tôi một bé gái, rồi tôi đi lang thang như kẻ mất hồn. Vì buồn, tôi lại kết bạn với một chàng thương gia trẻ tuổi. Tôi ở nhà lo việc quản gia, chồng tôi lại đi đó đi đây để buôn bán. Làm ăn phát đạt, lắm tiền của lại sinh tật. Một chuyến đi buôn xa trở về, chồng tôi đem về một hầu thiếp son trẻ, gởi ở nhà một người bạn hữu. Thường mượn cớ đến nhà bạn hàn huyên, chồng tôi ít ngủ ở nhà. Nghe bà con xì xầm, tôi nổi cơn ghen, quyết tìm cho bằng được và ăn thua đủ với con quỉ cái đã ám hại gia đình tôi. Không ngờ khi chạm mặt nhau, hầu thiếp của chồng tôi chính là con gái của tôi với đời chồng trước.

Oan trái gì mà ghê thế! Bà già tôi lại đi cướp chồng của tôi. Rồi con tôi và tôi lại cùng chung một chồng. Xưng hô như thế nào cho phải đạo lý? Uẩn khúc như thế thì hỏi ai còn chịu đựng nổi?

Khi tỉnh lại, không giữ được thăng bằng của tâm hồn, tôi lại bỏ nhà ra đi, mượn những cuộc truy hoan đó đây đùa cợt cho quên sầu. Chuyện đời của tôi quá bi thảm, Tôn giả có đủ năng lực để cứu vớt tôi chăng?

Nghe tâm sự não nùng của Liên Hoa Sắc, Mục kiền Liên đem thuyết duyên sanh, thiện ác, nghiệp báo, nhân quả luân hồi giảng giải cho Liên Hoa Sắc nghe.

Khi thấy Liên Hoa Sắc có thể hồi tâm, Mục Kiền Liên hướng dẫn Liên Hoa Sắc về bái yết Ðức Phật . Liên Hoa Sắc hết lòng sám hối, tinh tấn tu hành, chẳng bao lâu chứng quả A La Hán và có thần thông số một bên phái nữ. Trong khi, Mục Kiền Liên đã là bậc thần thông số một bên phái nam.

Trong hàng Thánh Chúng. Mục Kiền Liên không những là vị thần thông số một, bản tánh rất năng động mà còn là một vị có hiếu đạo hơn hết. Một hôm, nhớ mẹ, Mục Kiền Liên vận dụng thần thông đi khắp mọi nơi để tìm mẹ. Khi vào địa ngục, Mục Kiền Liên thấy mẹ không chỉ ở chốn địa ngục, mà còn đói khủng khiếp, cơ thể vô cùng gầy yếu. Ðể phục hồi sức lực cho mẹ là bà Thanh Ðề, Mục Kiền Kiên đem cơm dâng cho mẹ. Mừng quá, bà Thanh Ðề dùng tay trái che bát để cho tù nhân khác không thấy thức ăn, tay phải bốc cơm đưa vào miệng. Nhưng than ôi! Cơm thành than đỏ, bà không thể nào ăn được. Mục Kiền Liên rơi nước mắt, lòng buồn vô tận! Mục Kiền Liên vận đủ mọi phương tiện để cứu mẹ, nhưng vẫn không có kết quả.

Trở về bạch Phật sự tình và hỏi lý do. Với tinh thần từ ái,Phật nói: Mục Kiền Liên, lúc sanh tiền mẹ ông đã hủy báng Phật, mắng Tăng, bà không tin nhân quả luân hồi. Ðặc biệt bà rất bỏn xẻn, chẳng bao giờ bố thí cho ai, kể cả bố thí cho con kiến hạt gạo. Vì thế, sau khi chết bà phải chịu quả báo như thế. Ông tuy là con người hiếu đạo, thương cha nhớ mẹ, muốn đền đáp thâm ân, nhưng sức của cá nhân giới hạn, dù đã có thần thông, một mình ông cũng không thể giải cứu nghiệp lực của bà Thanh Ðề. Ông hãy đợi đến rằm tháng bảy, ngày chư Tăng mãn hạ, thiết lễ Vu Lan nhờ chư Tăng chú nguyện, mẹ ông mới thoát khỏi cảnh địa ngục.

Theo như lời Phật dạy, ngày Rằm tháng bảy, Mục Kiền Liên sắm sửa trai diên, dâng cúng mười phương Tăng, và nhờ thần lực của chư Tăng chú nguyện.

Quả như vậy, với đạọ nghiệp tấn tu 3 tháng, chư Tăng không những giúp cho bà Thanh Ðề, mà nhiều nhiều người khác trong ngày đó cũng thoát khỏi cảnh địa ngục tối tăm.

Kinh Vu Lan, lễ Vu Lan, và gọi là ngày Rằm xá tội vong nhơn có từ đó. Vu Lan Bồn có nghĩa là mở sợi dây treo ngược cho người có tội. Trung Quốc gọi là giải đảo huyền.

Vào thời Ðức Phật, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai cánh tay đắc lực của đức Phật. Cả hai đã làm cho ngoại đạo kính sợ. Xá Lợi Phất đã dùng trí tuệ biện tài chinh phục bọn goại đạo. Với dũng khí kiên cường năng động. Mục Kiền Liên dùng thần thông lấn lướt bọn ngoại đao. Bởi thế hàng ngoại đạo rất ghét Mục Kiền Liên hơn hết, và tìm cơ hội bức hại.

Một hôm trên đường đi du hóa trở về, Xá Lợi phất và Mục Kiền Liên bị đồ đệ Bảo Lặc Noa, thuộc phái Ni Kiền Tử, thường gọi là phái lõa hình đem gậy gộc ra chận đường gây sự : Bọn này hỏi Xá Lợi Phất: “ Trong chúng cháng mạng ( tự xưng của phái lõa hình) có sa môn không?” Vốn bậc trí tuệ, đoán biết được ý đồ của Bảo Lạc Noa, Xá Lợi phất nói: “Chúng chánh mạng sa môn không. Chúng Thích Ca sa môn có, nếu A La Hán còn tham ái là không có kẻ ngu si”. Không hiểu ý, tưởng đó là lời khen mình, họ để cho xá Lợi Phất đi.

Bọn lõa hình xây qua hỏi Mục kiền Liên. Giọng đanh thép, Mục Kiền Liên đáp: “Trong chúng của các ông làm gì có sa môn”. Cho là giọng trịch thượng, bọn lõa hình tức giận, vác gậy gộc đánh Mục Kiền Liền. Không chịu nổi trận đòn, Mục Kiền Liên bất tỉnh, tưởng là địch thủ đã chết, bọn lõa hình bỏ đi. . . Xá Lợi Phất trở lại tìm xem bạn như thế nào. Thấy Mục Kiền Liên bất tỉnh thân thể tím bầm, máu r a lai láng, Xá Lợi Phất lấy cà sa làm võng đưa Mục Kiền Liên về tịnh xá. Ðại chúng hỏi Mục Kiền Liên: “ Tôn giả là bậc có thần thông, sao lại chịu thua thiệt đến thế?”. Mục Kiền Liên liền đáp:

“Vì bất ngờ, hơn nữa, khi nghiệp lực đến, chỉ một chữ Thần còn chưa thể được, huống là phát Thông”. Nói xong Tôn giả vào Niến bàn. Khi nghe tin Mục Kiền Liên bị ám hại, vua A Xà Thế đã phẫn nộ và đã hạ lịnh truy nã bọn lõa hình. Khi có tên nào bị bắt, nhà vua cho xử bằng cách ném sống vào hầm lửa.

Sau khi hỏa tán Mục Kiền Liên, Ngài Xá Lợi Phất, Mã Túc và Mãn Túc đã đem hài cốt của Mục Kiền Liên về trình Phật. Phật tập họp chúng Tỳ kheo lại và dạy:

Này các vị Tỳ kheo! Hãy chiêm ngưỡng hài cốt của Mục Kiên Liên. Ðã mang sắc thân, chắc chắn còn nghiệp phải trả.Nhục thể phải chịu vô thường. Do đó, sinh tử, trả nghiệp là chuyện thường tình. Không có gì phải hoang mang lo sợ. Khi xã báo thân con người nên giữ tâm hồn không nên mê muội, oán thù, sân giận. Trong các nghiệp, cận tử nghiệp là nghiệp nặng nhất. Mục Kiền Liên vì tuyên dương giáo pháp mà phải tử nạn đó là một vinh dự, đáng cho tất cả noi gương. . .

Minh Tuệ

“Còn thân 5 ấm là còn nghiệp lực phải trả. Người đạo sĩ hơn kẻ thường tình là mỉm cười trước cái chết, không oán hờn, than khóc, tiếc nuối, mê mờ”. . .

Bát Cơm Cúng Dường

Thuở Ðức Phật còn tại thế, hằng ngày Phật và hàng đệ tử đi khất thực để mọi người có duyên gieo hạt giống lành vào thửa ruộng phước của mình.

Trong mùa an cư, Phật thường thọ trai của thí chủ phần đông là hàng cư sĩ, luân phiên nhau mang thức ăn sẵn vào Tịnh xá cúng dường.

Trong giới tại gia của Ðức Phật, có một người học trò tuy của cải không bằng ai nhưng lại khá giàu lòng tốt. Phiên chàng cúng dường thường vào những ngày cuối tháng. Những bữa cơm giản dị không phải quý giá về phẩm chất,mà quý vì chàng đặt đó tất cả lòng thiết tha thành kính của một đứa con thuần hiếu, mà lòng chân thành lắm khi làm cảm động đến chư Thiên. . .

Khi sao mai vừa ló dạng, chàng thức dậy, sửa soạn vớt chất đề hồ cho vào chiếc bình trắng trong, để lên chiếc bàn con bằng gỗ chiên đàn, một gia bảo của mẹ chàng thuộc dòng Bà La Môn để lại cho chàng. Chiếc bàn đã mấy đời dùng làm bàn sắp đồ cúng tế trong các buổi lễ.

Kế đó, những món rau đậu chính chàng trồng lấy ở vườn nhà được tự tay chàng nấu nướng.

Hôm nào cũng như hôm nào, bữa cơm chàng sửa soạn cúng dường Ðức Phật cũng mang trọn tất cả lòng thành kính vui mừng. Chàng khẩn nguyện cho cơm chàng cúng dường là bửa cơm đầy Pháp vị, tuy chàng biết vốn liếng tu học của mình không được bao nhiêu và gia thế lại còn tệ hại hơn cả sự hiểu biết của mình nữa.

Nhưng không biết tại sao tâm chàng thấy hoan hỷ và tin tưởng rằng những bữa cơm đơn giản của mình mang đến cho người thọ dụng tất cả niềm thanh tịnh, hoan hỷ. Và đó cũng là nguồn an ủi lớn lao nhất trong kiếp sống hiện tại của chàng.

Mặt trời lên khá cao, chàng vui vẻ mang thức ăn đi cúng dường Ðức Phật. Con đường đi vào Tịnh xá Kỳ Hoàn thật êm ả trầm lặng. Chàng không bao giờ ngắm mây bay hoa nở, bước chân chàng nhẹ nhàng thanh thoát lướt qua không kịp nhuốm bụi đường, lòng chỉ lo quá ngọ Ðức Phật không kịp thọ dụng. . .

Nhưng có một hôm, ra khỏi nhà một đỗi, mắt chàng dừng lại, bóng dáng một sinh vật thất thểu dưới nắng hè. Ðó là một con chó gầy guộc, lông lá rụng hết, từng mảng lở ghẻ loét hiện rõ dưới ánh mặt trời chói chang. Bốn chân nó khẳng khiu xiêu vẹo không đỡ nổi chiếc thân vốn đã quá gầy còm!

Hình như nó đánh hơi được thức ăn đang xách trên tay nên lấm la lấm lét tiến lại gần. Nó không biết noí, nhưng đôi mắt van nài, bộ tướng ủ rủ tiều tụy của nó, đủ nóí lên được với chàng rằng: “Tôi không được ăn từ lâu lắm”.

Chàng đứng khựng lại. Bấy giờ, trước mắt chàng chỉ có hình ảnh của một sinh vật đói lả, mà trong tay chàng lại có sửa, cơm và thức ăn. Thật may phước cho nó quá! Chàng ngồi xuống bên đường, mở bình bát ra, bày các thức ăn trước mặt nó. Con chó ăn không kịp thở, chàng hồi hộp nhìn con vật cùng chia sớt với nó sự bằng lòng, niềm vui hy hữu đang âm thầm tràn ngập tâm hồn. Trong một thoáng chiếc bình đề hồ, cơm, thức ăn hết sạch. Bây giờ con chó no, thong thả ra đi. Chàng trông theo bước chân của nó, giờ đây chắc chắn vững chải trên con đường và nở một nụ cười thoải mái. Nhưng, khi chó vừa khất dạng sau rặng cây trước cửa Tịnh xá, chàng nhìn lại bình đề hồ và liễn cơm với thức ăn sạch nhẵn, lo sợ kinh hoàng! Mặt trời rọi bóng chàng lùn xủn trên mặt đường vậy là vừa đúng ngọ. Tới thì không dám, lùi cũng không đành, sau một giây, thu hết can đảm, chàng hớn hở rảo bước vào Tịnh xá mà nước mắt lăn tròn theo mồ hôi.

Ðức thế Tôn dùng huệ nhãn soi rõ sự tình. Ngài ngồi yên, đôi mắt như hai vì sao sáng, nụ cười hoan hỷ từ bi nở tươi làm sáng một vùng trời.

Chàng nào dám ngó lên, đôi mắt e dè dán chặt xuống đôi bàn chân tê dại. Tuy nhiên, chàng quyết không dối Phật, quyết thú thật hết tội lỗi của mình, mà cũng không dám mong cầu được Phật tha thứ.

- Bạch Thế Tôn! Hôm nay con có lỗi nặng vô cùng. . . và tiếng chàng rứt lại nhỏ dần như tắc nghẹn. . .

Ðức Phật ôn tồn khuyến khích như thường lệ: Hôm nay phải phiên con đem cơm cúng dường Như Lai đó không?

- Bạch Thế Tôn!. . . Tiếng chàng nức nở trong nước mắt. Xin Ngài thứ tội cho con. Vừa rồi trước Tịnh xá, con gặp con chó ghẻ đói lả con lú lẫn quên mất giờ trai của Thế Tôn, con lỡ đem bình bát thức ăn cho con chó ăn hết. Tội con xuẩn ngốc, vô lễ nặng nề không biết ngần nào.

Nhưng, một vùng hào quang giữa đôi mày Ðức Phật phóng ra ánh ngời Tịnh xá như những hôm Phật lên Pháp tòa khởi điểm nói bài kinh trác tuyệt. Tiếng Ngài ngân vang, từ ái tròn đầy:

- “Mùa hạ này, Như Lai muốn cho các con biết, chỉ có hôm nay Như Lai thọ dụng một bữa cúng dường rất thanh tịnh của một vị đại thí chủ, đầy đủ Pháp vị trong một bữa cúng dường”.

Diệu Chương

“Phụng sự chúng sanh tức cúng dường Chư Phật”.

Vườn Nai

Vào một thuở xa xưa, tại thành Ba La Nại nước Ấn Ðộ, có một khu rừng xanh tốt, rậm rạp. Một đàn nai quy tụ lại đó sinh sống. Lúc mới di cư đến chúng không khỏi phập phồng lo sợ, mỗi ngày chúng phải cắt phân nhau canh phòng, nếu có nguy hại thì lo tầm đường tẩu thoát, nhưng dần dần dọ dẫm, một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng cho đến cả năm vẫn không thấy dấu hiệu gì điềm chỉ một tai biến có thể xảy ra, nên chúng yên lòng sinh sống một cách hiền lành thanh thản, vui vẻ. Nhưng một việc đáng buồn đã xảy ra giữa chúng. Một con nai nay tánh kiêu hãnh, hẹp hòi, nổi máu háo danh đòi lên làm chúa đầu đàn, song lạ lùng gì tư cách, tài năng và tâm địa của hắn, ai mà tôn hắn làm chúa đầu đàn?

Chẳng kể phải quấy, dư luận, con nào theo hay không theo, hắn vẫn mang râu đội mũ xưng là nai chúa đầu đàn. Rồi bằng những mánh khoé dỗ dành, mua chuộc, van lơn dần dần hắn cũng lôi được một số nai nhẹ dạ theo hắn. Thế là đàn nai thuần nhất khi mới đến, bây giờ bị chia ra làm hai. Tuy vậy chúng vẫn sống lẫn lộn với nhau trong khu rừng đó. Năm này qua năm khác, chúng sống và tiếp tục sinh sôi nẩy nở, mới đó mà bây giờ mỗi đàn của chúng đều có tới năm trăm con. Chúng sống ở đây như vậy đã không biết bao nhiêu ngày rồi mà chẳng có điều gì tai biến, nên tâm hồn chúng trở nên giản dị vô tư. Chúng tưởng mọi loài, mọi vật chung quanh cũng đều như chúng nên không đề phòng. Không ngơ,ø trong khi đó, ông vua Phạm Ðạt Ða ở thành Ba La Nạïi đã nghe tin đồn về chúng, ông lập tâm để dành một ngày dò biết chúng tập trung về đó đủ cả, ông sẽ kéo quân đến vây bắt hết để làm thịt. Sớm nọ khi ông biết rõ tình hình đàn nai đã quy tụ như ý ông chờ đợi, ông cắt quân đến bao vây. Cả đàn nai đều không để ý. Lúc đầu tưởng người ta đi chơi hay làm việc gì, không dè vòng vây mỗi lúc một thắt chặt, nhìn phía nào cũng thấy toàn gươm giáo, cung tên, chúng hoảng hốt lên, con này chạy báo con kia, hoang mang nhốn nháo, sợ hãi, khủng khiếp tràn lan, bỗng chốc khu rừng, tổ ấm an lành của chúng trở thành khu rừng lửa, phen này đành phải chết hết không còn cách gì thoát khỏi. Quả vậy, vua đã ra lệnh vây chặt khu rừng rồi châm lửa đốt để bắt thịt lớn bé một lần. Trước cảnh nguy biến cấp bách ấy, một con nai chúa đầu đàn vốn thông minh nhân từ được tôn trọng ngay từ đầu, dõng dạc đứng lên tuyên bố cho cả hai đàn nai biết, nó sẽ đi thẳng tới vua, trình bày ý kiến xin hoãn sự chết cho cả đàn và tưởng thế nào cũng được nhà vua chấp thuận. Khi nghe qua lời tuyên bố, ngoại trừ con nai đầu đàn kiêu hãnh, vì tự ái không biểu lộ vẻ hân hoan, còn con nào con nấy đều sáng cả con mắt lên, lấy lại sự bình tĩnh để chờ đợi. Nai chúa nhân từ một mình mạo hiểm ra đi.

Khi trông thấy nó, thì bao nhiêu mũi tên, giáo mác châu lại. Nhưng, “Ồ! Con nai này hình thù đẹp quá, để bắt sống, chớ bắn, chớ giết”. Nghe một người trong đám quân nói vậy, các người khác hưởng ứng theo, con nai khỏi bị chết, nhưng đã lọt vào tay đám quân. Nó xin đưa trước mặt nhà vua. Vừa đến nó liền quỳ xuống trình bày:

- “Thưa nhà vua, hôm nay nhà vua hạ lệnh vây đốt rừng để bắt chúng tôi làm thịt, dẫu biết mạng sống đã nằm trên dao thớt, chúng tôi không trái lệnh, song thiết nghĩ đàn chúng tôi có tới một ngàn con, nếu chúng tôi phải chết một lần để làm món ngự thiện, thì nhà vua cũng chỉ dùng được đôi ba ngày đầu, đến ngày thứ tư, thứ năm chắc thịt chúng tôi sẽ bị sình thúi ắt phải đổ đi, sau đó nhà vua muốn dùng thịt chúng tôi nữa cũng khó lòng. Vậy điều hay nhất, chúng tôi xin hứa mỗi ngày tự đem thân đến nạp nhà vua một con để nhà vua làm thịt, như vậy món ngự thiện được tươi tắn, ngon lành mà chúng tôi cũng sống thêm được ít lúc, khỏi bị chết một cách oan uổng vô dụng”.

Nhà vua nghe xong tấm tắc khen chí lý, liền truyền lịnh cho nai lui về và không quên dặn phải giữ lời hứa, và hạ lịnh giải vây, kéo quân về. Khi ấy ông liền yết lịnh cho toàn dân biết không ai được phép xâm phạm khu rừng bắt nai. Nếu ai thấy nai đi về phố thì phải dẫn đến cung vua, không được phá phách, ngăn chận hay bắt giết. Còn đàn nai thì lo sắp đặt thứ tự đi nạp mình. Sáng này một con nai xấu số bị thui trên lửa. Sáng nọ lại một con nai xấu số khác bị đưa vào cỗ ăn của nhà vua. . .

Ăn thịt nai vài ba hôm, nhà vua lại hạ lịnh cho hoãn 10, 15 ngày lại tiếp tục con nai khác đến nạp mạng. Lần này đến phiên một con nai đang chửa, nó đến trước nai đầu đàn kiêu hãnh của nó van xin cho nó đi phiên sau, bây giờ chọn con nai khác đi thay, viện lẽ nó sắp sinh. Ðến phiên nó nạp mạng nó không có tránh né, đưa đẩy kêu oan, nhưng nghĩ đứa con trong bụng sắp sinh, chưa đến phiên mà phải bị chết thì rất tội, chi bằng cho nó sinh xong, nó sẽ đi nạp mạng. Ngưng con nai đầu đàn kiêu hãnh khư khư không chịu, nộ nạt mắng nhiếc: “ Mầy không đi, đây ai dại gì đi chết thế cho mầy”. Con nai chửa ríu ríu ra về tìm đến nai chúa nhân từ ở đàn nai kia cầu khẩn. Vừa nghe qua, nai chúa nhân từ chấp nhận liền. Nó suy nghĩ chọn con nào đi thay thế bây giờ dễ gì đã có, thôi ta hãy đi nạp mạng, nếu không thì tức khắc chết rụi hết cả đám, nó liền bình tĩnh ra đi. Khi vừa đến phố thì mọi người xúm lại chỉ trỏ, trầm trồ: “Con nai đẹp quá!”. Có người muốn chận lại, nhưng nhớ lệnh nhà vua nên tức tốc đưa nó đến cung đình.

Vừa thấy nó nhà vua ngạc nhiên hỏi: “Nay tới phiên ngươi sau?” Nai chúa nhân từ đáp: “Không phải” và trình bày đầy đủ lý do mà nó đi nạp mạng sớm như vậy. Nhà vua nghe xong liền đổi ra dáng đăm chiêu nghỉ ngợi: “Không ngờ, không ngờ, trong loài thú mà có con nai đầu đàn này vừa thông minh, vừa nhân từ đại độ, vừa cam đảm thành tín như vậy. Nó là chúa đầu đàn của chúng nó, nó biết thương yêu đùm bọc, biết can đảm hy sinh cho sự sinh tồn của đàn nó như vậy. Còn ta, ta là người, là chúa đầu đàn của một đám thần dân rộng lớn, ta có bằng nó không? Liệu khi thần dân ta bị bao vây sát hại, ta có đủ trí lực thông minh, nhân từ, can đảm để đối phó với sự nguy hiểm như nó không? Có lẽ ta sẽ không bằng! Không bằng! Nếu bây giờ ta chỉ nghĩ đến một chút khoái khẩu trong giây lát mà giết nó, thì khác nào ta tự chôn vùi lương tâm sâu thêm một từng nữa. Ta giết nó tức là ta giết một đạo lý sống cao thượng, giết một tình thương rộng lớn, một lòng quả cảm hy sinh, tức là giết hết những gì cao quí nhất của cuộc đời. Ôi! Nếu cuộc đời không từ bi, thiếu trí tuệ, không dũng cảm, chỉ là cuộc đời trống rỗng tối tăm, ta còn mặt mũi nào để xưng mình là một ông vua trong loài người ở trên chúng nó”.

Con nai chúa nhân từ vẫn đương quỳ yên đợi lịnh, nhà vua sau một hồi chìm đắm trong ý nghĩ miên man, vụt ngồi thẳng mình, lộ vẻ hân hoan như vừa tìm ra chân lý, ông dùng hết lời ca ngợi nai chúa, hạ lịnh đưa nó trả về rừng và truyền cho toàn dân từ nay không ai được phép xâm phạm đến khu rừng, cũng như không ai được phép phá nai, bắt nai, giết nai làm thịt. Từ nay đàn nai trở lại đời sống yên lành như trước dưới sự thương yêu chăm sóc của nai chúa sáng suốt nhân từ ( một tiền thân của Ðức Phật) và cũng từ đây khu rừng này mang tên là Rừng Nai hay Vườn Nai ( Lộc Uyển).

Lúc Ðức Phật ra đời, Vười Nai này lại một lần đặc biệt nổi tiếng, trở thành một trong bốn chỗ động tâm của Phật giáo. Vì sau khi Ðức Phật thành đạo, Ngài liền tìm đến năm ông đạo sĩ nhóm Kiều Trần Như đang tu tại Vườn Nai để chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên cho họ nghe.

Lại một thuở xa xưa khác, có 500 vị tiên vừa đi ngang qua chỗ này thì gặp đoàn cung nữ của nhà vua đi du ngoạn, liền động lòng mê đắm mà bị sa đọa, nên chỗ này cũng có tên là Chư Tiên đọa xứ ( Isipatana – chỗ các vị tiên đọa).

Giới Ðức.

Người biết “đạo” tất không khoe.

Người biết “nghĩa” tất không tham.

Người biết “đức” tất không thích tiếng tăm lừng lẫy.

Duyên Xưa Nghiệp Củ

Câu chuyện sau đã xảy ra ở một nhà giàu tại Trung Quốc ngày xưa.Truyền thống “Cải gia vi tự” (biến nhà thành chùa) bắt nguồn từ đó.

Một gia đình rất giàu sửa soạn nhà cửa đón dâu. Phú ông đang bận rộn với việc đám cưới thì gia nhân vào báo, có một sơn Tăng đến khất thực hóa duyên. Vốn là người mộ đạo, Phú ông vội vàng ra nghinh tiếp, mời sư vào nhà, thỉnh ngồi ở ghế thượng khách. Nhưng vị Sư chỉ chống trích trượng đứng cười ha hả. Lạ lùng trước cử chỉ của nhà Sư, nhưng Phú ông không dám có ý nghĩ đấy là người cuồng. Bởi, trông mọi dáng vẻ Ngài đều có tiêu phong đạo cốt, phú ông quyết đấy không phải là người thường giả bộ. Ngước nhìn đôi mắt sáng như sao của nhà Sư, phú ông bất giác rơi lệ quỳ mọp xuống:

- Bạch Hòa Thượng, đệ tử ngu dốt, nay có phước duyên được người chiếu cố, xin người từ bi dạy bảo!

- Hà hà. Chúng sanh mê muội, làm tội ác tày trời còn hí hửng đánh trống thổi kèn.

Trong khi nhà Sư nói vậy, thì từ nhà sau vọng lên tiếng lợn kêu thống thiết. Vị Sư tiếp:

- Con heo đó là cha ngươi ngày trước. Vì tham tiếc cái gia tài, ông đã tái sanh làm con heo sau chuồng nhà ngươi.

Phú ông đầm đìa nước mắt, bạch:

- Bạch Hòa Thượng, quả đúng như vậy, cha con khi sắp chết cứ thao thức tiếc cái gia tài của cải một đời mồ hôi nước mắt này, và dặn đi dặn lại chúng con phải giữ gìn đừng hoang phí.

Nói rồi, vội bảo gia nhân đình chỉ việc giết heo. Nhà Sư lại nói tiếp:

- Còn đứa con gái ngươi sắp cưới cho con ngươi là ai biết không?

- Bạch Hòa Thượng, đó là đứa con gái nhà láng giềng của con. Hai trẻ có cảm tình với nhau từ nhỏ, nên khi chúng thành niên, con cho tác hợp thì có gì ø sai quấy.

- Hà hà. Mới bà bà cháu cháu đó, mà nay đã vợ vợ chồng chồng. Than ôi, chúng sanh có mắt như mù.

- Bạch Hòa Thượng, xin Hòa Thượng từ bi khai thị cho kẻ ngu muội. Con không được rõ thánh ý.

- Có gì là mờ mịt đâu, chỉ gì ngươi không thấy! Ðứa con gái kia là mẹ ngươi ngày trước. Do vì khi sắp chết, người lưu luyến đứa cháu nội không nỡ rời, nên thần thức đầu thai lại cõi đời để sống gần nó.

Phú ông nhẩm lại, thì quả nhiên cô gái thua cậu con 4 tuổi, nghĩa là cô ra đời đúng lúc bà mẹ ông mất, lúc con trai ông lên 4.

- Bạch Hòa Thượng, quả như Ngài nói, mẹ con khi mất đã cầm chặt tay đứa cháu nội, bà rất yêu cháu vì nó là đứa cháu trai duy nhất. Nay sự tình vậy thì con không dám làm việc ác tày đình thế kia. Xin Hòa Thượng chứng minh cho con được thế phát xuất gia biến nhà thành chùa.

Rạp trang hoành cho tiệc cưới trong chốc lát được sửa lại thành đạo tràng. Phú ông cung thỉnh Sư lên pháp tòa thuyết pháp cho bá tánh đến dự và coi đám cưới. Nghe xong thời pháp, mọi người đều xin quy y Tam Bảo, từ bỏ sát sanh, chú rể xin cha theo vị Hòa Thượng về núi tu hành, còn cô dâu nguyện trọn đời ở vậy phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi hai thân khuất núi, rồi cô cũng xuất gia.

Thích Nữ Trí Hải.

“Cuộc thế tợ rạp cao, con người như kép hát

Ðổi thay nhiều lớp, biết ai mẹ ai con?

Luân chuyển lâu đời, tưởng người dưng người lạ

Ðời nay thù oán, té ra cha mẹ trước không hay!”


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]