Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 13

18/10/201320:33(Xem: 11463)
Phần 13

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 13


61/ Phật dạy vua Thắng Quang làm chính trị
62/ Ðại bi trì nguyện
63/ Ðức Phật với người nghèo khổ
64/ Cò và cua
65/ Nàng dâu gìỏi

Phật dạy vua Thắng Quang làm chính trị

Bấy giờ vua Thắng Quang ở nước Kiều Tát La đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ dưới chân Phật, chắp tay hướng lên Phật mà bạch rằng:

- Bạch Ðức Thế tôn! Xin Ngài từ bi dạy các pháp làm chính trị cho tôi hiểu biết mà cai trị nước nhà.

Phật dạy rằng:

- Phàm là một vị Thiên Tử, chủ quyền một nước, thống lãnh muôn dân, phải rộng lòng nhân đức, đầy đủ các đức tính từ bi, thương yêu dân như cha thương yêu con vậy, hằng cầu nguyện cho được yên lành. Nếu họ có điều gì độc ác, thì nên dạy bảo khiến họ biết chừa bỏ, còn làm điều gì hiền lành ích lợi thì nên khuyến khích cho họ tin tiến thêm lên.

Nếu Ðại vương thương yêu dân như cha thương yêu con, thì tất cả dân đều trung thành hiếu thuận như con thảo thờ cha mẹ.

Còn cách chính trị phải đủ: Nhân, tình, ân, thứ, khoan hậu, nhu, hòa. Thuế má chớ nên bắt họ đóng nặng, công việc chớ nên sai khiến nhọc nhằn nhiều, chọn kẻ hiền tài mà phong làm quan, mỗi người coi một việc, phải tùy cơ tùy thời, không cần phải dùng nhiều người mà sinh sự phiền phí. Nếu có kẻ nào tàn ác, thì phải trừ khử, còn người nào hiền lành thì phải khuyến thưởng, vả lại kẻ nào sinh điều ác nghịch, không lòng trung lương, tức thì phải phạt trị, chớ nên để lạm dụng mà sinh di họa về sau!

Cần nhất phải tuân theo chế độ chân chánh của các vị Thánh Vương đời trước, chớ nên hà khắc tàn hại những kẻ dân đen, mà mắc phải khổ báo luân hồi, đền trả thân mạng về sau.

Thường phải dốc lòng tôn kính Tam Bảo, chớ sinh lòng tà kiến. Sau khi ta nhập diệt rồi, thì phó thác lại cho các vị Thánh Vương. Ðại thần cùng nhau dương ngọn đèn tuệ cho thường quang minh, bánh xe pháp luân thường chạy, phải gắng sức giữ gìn cho lâu dài, chớ nên để tiêu diệt.

Nếu các Ðại Vương y theo pháp tu hành mà giữ đúng như lời ta dạy dỗ, thì Chư Thiên cũng thấy hoan hỷ, các bộ Long Vương cũng đều vui lòng, trong nước được hưởng mọi sự tốt: mưa thuận gió hòa, lúa đậu được mùa, nhân dân no ấm, tai nạn tiêu trừ, nước nhà an lạc, thiên hạ thái bình, ngôi rồng của nhà vua được bền vững, phúc duyên tăng tấn, tuổi thọ được thêm cao.

Nếu được như vậy, thì tiếng đồn vang khắp gần xa, các nước lân bang đều khâm mộ, đem lễ vật đến mà cống hiến. Nếu Ðại Vương tuyên truyền Chánh Pháp được như thế, thì chẳng những nước trị dân yên mà thôi, và lại sau khi thăng hà, còn được sinh về cõi trời, mà hưởng phần tiêu dao khoái lạc nữa.

Tuân lời Phật dạy vua làm lễ ra về.

TÂM MINH

Ðại Bi trì nghiệm

Xưa ở nước Ma Dà Ðà xứ Tây Thiên Trúc có một người Phật tử tại gia, tánh ưa sắc đẹp. Một hôm nhân xem kinh thấy nói làng A Tu La người nam tuy xấu, song người nữ lại xinh đẹp tuyệt trần, trong lòng sanh niệm mến thích, ước làm sao được cùng kết mối lương duyên.

Không bao lâu, lại nghe nhiều vị bảo trong núi nọ có cung điện A tu La rất nguy nga tráng lệ, báu lạ như Thiên cung, liền quyết tâm trì chú Ðại Bi ba năm, cầu mong được viếng cảnh mầu để thỏa lòng ước nguyện khi trước.

Ba năm đã mãn, người ấy đến từ tạ thân hữu và gọi một tên đệ tử cùng đi theo. Khi thầy trò đi đến trước núi, chí tâm tụng chú cầu nguyện bỗng cửa đá vụt mở, trong ấy lộ ra cung điện có quỷ thần canh giữ cực nghiêm, vị Phật tử liền bước tới nói rõ bổn nguyện mình trì chú muốn kết duyên cùng thần nữ A Tu La xin nhờ thông báo và thỉnh ý giùm. Kẻ giữ cửa vào thưa lại. A Tu La nữ nghe nói tỏ dáng vui đẹp, hỏi: “Ði đến có mấy người?”. Ðáp: “Thưa hai người”. Thần nữ bảo: “Ngươi ra thuật lại ý ta đã hứa thuận, thỉnh người trì chú mau vào, còn đồng bạn hãy tạm đứng ngoài cửa”. Kẻ giữ cửa ra thưa lại, vị Phật tử liền đi vào trong.

Nhìn theo thầy mình đi rồi, người đệ tử còn bàng hoàng, bất giác bỗng tự thấy đã trở về đứng ở phía Nam của nhà mình hồi nào không hay.

Từ ấy về sau, ông nầy đã mấy lần đến chỗ cũ, song chỉ thấy vách đá đứng sững, mây khói mịt mù, không còn được nghe biết tin tức gì bên trong nữa. Nhân đó, người đệ tử phát tâm lìa nhà tu hành, nguyện tròn đời ở nơi Già Lam cúng dường ngôi Tam Bảo.

Khi ngài Huyền Trang sang Ấn Ðộ tu học, trụ ở chùa Na Lan nghe chính người đệ tử này thuật chuyện lại…

LIÊN DU

Ở đâu có nhiều dục vọng, ở đấy có nhiều khổ đau.

Ðức Phật với người nghèo khổ

Một hôm Phật ứng thỉnh ông Cấp Cô Ðộc, đến Tịnh xá ông lập an cư 3 tháng. Phật thuyết pháp giáo hóa nhân dân thành Xá Vệ vô số, ai cũng cảm mến Ngài và được ánh đạo soi sáng đời sống. Nên sau 3 tháng an cư, khi Ngài ra đi, từ quan quân cho đến dân chúng ai cũng khóc thỉnh Ðức Phật ở lại ít nhất là một tuần nữa. Nhưng Ngài không hứa nhận, bấy giờ trong nhà ông Cấp cô Ðộc có người tớ gái tên là Phước Lê, nàng rất nghèo khổ nhưng giàu lòng hướng thượng: Nghe Phật ra đi, nàng cũng như mọi người, lòng buồn tủi vô hạn, nhưng nàng nghĩ Ðức Phật không phân biệt nghèo khổ như ai, nên đánh bạo đến trước Phật đảnh lễ và thỉnh Phật ở lại. Phật liền nhận lời và ôn tồn bảo mọi người:

- Lòng ta không phân biệt, song chỉ muốn làm cho mọi người nghèo khổ mà nàng Phước Lê là một người được tắm gội ánh đạo từ bi. Ta nhận lời để mọi người thấy rằng người nghèo khổ không phải đáng khinh. Trí giác chỉ có ở nơi họ cũng như lửa chỉ có ở nơi cây khô.

Ðược Phật nhận lời và nghe Ngài dạy như vậy, mọi người đổi cái nhìn khinh thị ra cái nhìn biết ơn, nhìn nàng Phước Lê và nói với nhau:

- Người nghèo khổ nhất lại có thể gần đấng Trí Giác nhất.

MINH CHÂU

Không nên căn cứ vào địa vị xã hội hay là gốc tích cha mẹ bà con mà phán đoán một con người nào. Con người sinh ra là tuân theo cái nghiệp của mình. Nó khiến mình vào lòng người đàn bà sau mà đáp sự thừa thiếu ở đời trước vậy.

Cò và cua 

Một ngày kia, ở vườn Trúc Lâm, trước một số đông đệ tử, trong đó có vua (Vimbasana) Bình Sa Vương và Hoàng tử A Xà Thế (Ajâtacatrou) Ðức Phật bố thí Pháp, Ngài nói:

- Hỡi các đệ tử, nghe và suy ngẫm ta nói:

“Dùng mưu mô xảo trá để mưu đồ một việc gì, không bao giờ thành công. Ác nghiệt, bạo tàn, chỉ đem lại kết quả thảm khốc”.

Ðể chứng minh câu hỏi đó, ta kể cho các đệ tử nghe một câu chuyện sau này ta đã chứng kiến.

Trong một tiền thân ta xưa kia, ta là một vị thần ở một cổ đại thụ. Cổ đại thụ mọc trên một khoảng đất, hai bên có 2 cái đầm: một cái nhỏ xấu, một cái lớn nom rất ngoạn mục. Trong cái đầm nhỏ có rất nhiều cá, cái lớn sen mọc che kín mặt nước.

Gặp một năm, trời làm tiêu khô, hạn hán, cái đầm nhỏ nước cạn gần hết, trái lại cái đầm lớn có sen phủ, không bị cạn, nước lúc nào cũng mát rượi.

Tình cờ một con cò đi ngang qua đó, nom thấy trong đầm nhỏ nhiều cá vô kể. Nó đứng lại, co một chân lên suy nghĩ:

“Cá nhiều thế này, tuyệt quá, nhưng giống này lanh lắm, đụng vào, chúng sẽ lủi bằng hết, vị tất đã bắt được con nào. Ta không nên kinh động, phải lập mưu mà tỉa dần”.

Nhưng nghĩ cũng ái ngại cho chúng, chen chúc nhau trong bùn nóng, nếu chúng được sang bên đầm bên kia, chúng được vẫy vùng, sung sướng lắm.

Trong đàn cá, có một con thấy Cò có một dáng điệu kỳ khôi, co một giò, đứng hàng giờ không nhúc nhích, như một tu sĩ quán thiền nhập định bèn hỏi:

- Tôn ông chắc có điều gì thắc mắc mà trầm tư mặc tưởng lâu thế?

- Ðúng thế em ạ, nom thấy các em, anh không khỏi mủi lòng, nghĩ thân phận của các em anh rất lo và ái ngại.

- Tại sao Tôn ông nói lo và ái ngại cho chúng em?

Cò nói:

- Các em không thấy ư? Nước cạn gần hết, nếu trời cứ nắng như thế này, chẳng mấy lúc nước cạn hết, lúc đó các em sẽ ra sao, các em không nghĩ đến điều đó à? Các em sẽ chết khô hết. Nghĩ thế nên ta không cầm nổi nước mắt.

Ðàn cá nghe cò nói, hoảng cả lên, đứng khấu đầu trước vị cứu tinh, năn nỉ:

- Tôn ông ơi, Tôn ông có mưu chước gì tế độ, giúp chúng em thoát khỏi cảnh hiểm nghèo này không?

Cò làm bộ nét mặt rầu rầu, vờ đứng suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi nói:

- Anh suy nghĩ đã nhiều, chỉ có một kế này có thể cứu các em trong tình trạng nguy ngập này.

Ðàn cá chen lấn nhau, lắng tai, cố nghe cho rõ, Cò nói:

- Ở gần đây có một cái đầm tuyệt đẹp, rộng lớn hơn cái này nhiều, sen mọc phủ đầy đầm, nước vì thế không cạn. Các em di cư sang ở bên đó, anh lấy mỏ cắp từng em một chuyển sang, chỉ có cách đó mới có thể thoát được cảnh hiểm nghèo thập phần nguy ngập này.

Ðàn cá nhiệt liệt hoan hô tán thưởng. Bỗng có một con Cua la lớn:

- Thật từ thuở lọt lòng mẹ tôi ra đến bây giờ, chưa bao giờ thấy có chuyện kỳ khôi như thế này!

Ðàn cá nhao nhao lên chất vấn con Cua:

- Chú mày lạ cái gì? Lạ làm sao?

Cua trả lời:

- Từ khai thiên lập địa đến giờ, có thuở nào Cò thương hại bọn Cá, Cua chúng mình. Chỉ khi nào nó đói, nó mới mò mẫm hỏi thăm anh em mình.

Cò làm ra bộ nhân đức, nghĩa hiệp xen vào:

- Chú Cua ơi! Lời nói của chú thất đức, tội quá, chú gieo rắc sự nghi kỵ, để cả bọn này chết thảm, chết nhục hay sao? Anh chỉ tâm tâm niệm, cố làm sao cứu được các em trong lúc này là anh sung sướng, anh không có tà tâm, ác ý nào.

Quay về đàn cá, Cò nói:

- Lòng anh trong trắng, các em không nên nghi kỵ, phụ lòng. Muốn rõ hư thực, hãy cứ chỉ định một em, anh quắp sang bên kia đi chơi ít lâu rồi anh lại quắp về. Em đó sẽ tường thuật lại, các em sẽ rõ, lời anh nói, việc anh làm có đúng không.

Ðàn cá tán thưởng ý kiến đó, đề cử một chú cá già mắt kèm nhèm, cho là chú này khôn ngoan, cho đi công cán để thăm dò đường đất.

Cò lấy mỏ quắp chú cá già sang đầm bên kia, thả xuống. Chú cá già tha hồ tung tăng, vùng vẫy thỏa thuê.

Khi ủy viên công cán trở về với đồng bọn ca ngợi cò hết lời, nó tường thuật đầm bên kia thật là bồng lai tiên cảnh. 

Tất cả đàn cá nghe nói thích quá, suy tôn Cò là vị cứu tinh, nhao nhao xin Cò hoan hỷ chuyển vận di cư sang ngay bên đó, Cò nói:

- Anh xin hết lòng phục vụ các em, anh sẽ chuyển các em sang dần. Chú cá già được Cò quắp mỏ đi tiên phong. Lần này Cò có đem chú cá già sang đầm sen đâu, Cò quăng chú xuống đất, rỉa hết thịt, còn xương vứt ở dưới gốc cây cổ thụ. Ăn thịt cá già. Cò quay về đầm bảo đàn cá:

- Nào em nào muốn đi với anh bây giờ?

Tất cả đàn cá nóng lòng muốn biết cảnh non bồng tranh nhau đi, Cò tha hồ lựa chọn, con nào vừa mắt đem đi ăn thỏa thích.

Dần dần cả đàn cá, con lớn, con nhỏ, con già, con trẻ được định cư vào bụng Cò.

Tất cả đầm chỉ còn xót lại một con Cua. Cua vẫn thắc mắc nghi sự man trá, thủ đoạn của Cò. Nó nghĩ:

- Ta nghi quá, đàn cá được sang bên đầm sen thật là vô lý, không khéo cả đàn, cả lũ chui hết vào bụng Cò gian hùng.

Ở đây đất hẹp nước cạn, ta cũng cần phải di chuyển đi nơi khác, nhưng có đi ta cũng phải tính toán kỹ càng, phòng Cò có manh tâm phản phúc, ta phải có cách đối phó kịp thời. Mình mà có chết nó cũng khó bảo toàn được tính mạng nó.

Cò lại gần Cua, vồn vã, mơn trớn:

- Bây giờ đến lượt chú mày, anh đưa chú mày sang bên đó?

Cua hỏi:

- Thế anh đưa em sang bằng cách nào?

Cò nói:

- Ô hay! Thì cũng như các em cá, anh quắp vào mỏ, chứ còn bằng cách nào?

Cua nói:

- Em nghĩ như thế không được anh ạ. Cái áo (vỏ) của em nó cứng ngắc mà trơn lắm, anh quắp em sẽ bị tuột mất. Nếu anh cho em bám vào cổ anh em cố lựa không để anh đau đâu, như thế có lẽ bảo đảm hơn, chắc chắn hơn.

Cò nghe gật đầu ưng thuận.

Cò đem Cua đi, đến gần gốc cây nó đứng lại. Cua hỏi:

- Sao anh lại đứng lại chỗ này, anh Cò? Anh mỏi chân rồi à? Hai cái đầm cũng chẳng cách xa nhau mấy.

Cò lặng thinh không biết đằng nào trả lời.

Thấy khác ý Cua bè bắt đầu dùng hai cái càng siết chặt cổ Cò:

- À này! Cái đống xương cá ở dưới gốc cây đã tỏ lòng thâm độc, xảo quyệt của mày. Cò ơi! Mày không lừa nổi tao đâu như mày đã bịp tụi cá.

Cò bị đau quá, nước mắt dàn dụa thổn thức:

- Em Cua ơi! Anh đau quá! Anh không hại em đâu, anh sẽ đưa em sang đầm sen.

Cua nói như truyền lệnh:

- Ði, mau!

Cò lủi thủi sang bên đầm sen, vươn cổ đặt ngang mặt nước, để Cua xuống. Nhưng Cua dùng hết sức hai càng siết chặt cức cổ Cò đứt làm đôi.

Vị thần ở cổ đại thụ, được mục kích nói:

- Cua làm thế phải lắm. Ác giả, ác báo! Ðừng mưu mô xảo trá để mưu đồ vị kỷ không bao giờ thành công.

Ác nghiệt bạo tàn chỉ đem lại kết quả thảm khốc.

Con cò gian manh lại gặp phải con Cua mưu trí.

Ðức Phật kết thúc thời pháp, Ngài nói:

- Hỡi các đệ tử, nhất là Hoàng tử A Xà Thế có mặt ở đây, chớ có quên chuyện ta vừa kể.

Vua Bình Sa Vương khấu đầu trước Phật, cám ơn Ngài đã bố thí cho một thời Pháp rất hữu ích, những ai có tánh mang tâm, sâu độc lấy đó làm gương mà sửa mình.

NGUYỄN THẾ VINH

Hại người sẽ bị người hại,

Oán người sẽ bị người oán,

Mắng người sẽ bị người mắng,

Ðánh người sẽ bị người đánh.

Nàng dâu giỏi

Có một thời Ðức Phật ở trong vườn của ông Cấp Cô Ðộc và cây của ông Kỳ Ðà thái tử tại nước Xá Vệ, vua Ba Tư Nặc chủ nước ấy, có một quan đại thần tên là Lê Kỳ Di ông là người rất hiền hậu và giàu có lắm, ông sinh hạ được bảy người con trai, sáu người con lớn ông đã gây dựng cho thành gia thất cả rồi.

Bấy giờ ông tự nghĩ rằng hiện nay mình già sức yếu, sống chẳng bao lâu nữa, mà xem tất cả mấy nàng dâu lớn, không ai là người đủ tài đảm đang giữ gìn được cơ nghiệp này. Nay còn một người con út, cần phải kén chọn một nàng dâu sao cho đủ tài năng đức hạnh để giao phó thì mới an tâm.

Ông nghĩ xong liền cho mời một ông bạn thân tới để bàn về việc đó. Khi ông bạn kia tới ông tiếp đãi rất trọng hậu rồi nói với ông bạn rằng:

- Tôi còn một cháu út, nay muốn gây dựng cho cháu, nhưng chưa tìm được nơi nào xứng đáng, vì cháu là người thông minh đĩnh độ, nên tất cả cơ nghiệp sau này của tôi, tôi định giao cho cháu út chủ trương.

Xưa nay ông là người hay đi lại khắp nước, tôi muốn phiền ông làm ơn giúp cháu việc này, xin ông để ý cho, xem đâu có người con gái hiền hậu tài năng tương đương với cháu xin ông cố làm mối giúp cho.

Ông bạn nhận lời, đi thăm dò khắp cả, khi đến nước Ðặc Xoa Thi Ly thất một tốp con gái rủ nhau đi hái hoa để trang điểm chơi với nhau. Ông liền theo dõi để ý xem xét, một lúc đi tới quãng đường lội thì các cô đều trút guốc và vén áo lội qua. Trong số đó chỉ có một cô người rất xinh xắn, và coi có vẻ thông minh hiền hậu lắm, lúc lội xuống cô để yên cả áo và đi cả guốc lội qua. Lúc đến rừng, các cô kia đều tranh nhau trèo lên cây hái hoa, riêng cô ấy cứ đi xin mỗi người một vài hoa và không bao lâu mà đã được đủ các thứ hoa.

Bấy giờ ông kia liền đến tận nơi hỏi cô ấy rằng:

- Thưa cô, tôi có chút việc hơi thắc mắc cô có thể làm ơn chỉ giúp cho?

- Thưa cụ, cụ cần có điều chi hỏi đến cháu, cụ cứ nói, nếu cháu biết cháu xin trả lời.

- Vì sao lúc nãy lội qua nước, tất cả mọi người đều bỏ guốc mà chỉ một mình cô đi cả guốc là sao?

- Thưa cụ, sở dĩ người ta chế ra guốc cốt để hộ vệ cho bàn chân. Ði trên khô, nếu có chông gai đá sỏi còn có thể thấy được để tránh, chứ ở dưới nước đáy nước là chỗ khuất mắt không trong thấy, thì những thứ chông gai ngói sỏi rắn độc, rất dễ làm hại chân người, vì thế mà cháu không bỏ guốc chứ có chi lạ.

- Mọi người đi qua chỗ lội đều vén áo, riêng cô không vén áo là sao?

- Thưa cụ, thân thể người ta có tốt có xấu, nhất là đàn bà con gái nếu đi chỗ lội mà vén áo lên rất là khó coi, bị người ta chê cười, vì thế cháu cứ để yên.

- Thế sao chỉ có mình cô không lên hái hoa?

- Thưa cụ! Vì sợ gãy cành nên cháu không dám lên.

Người con gái ấy chính là con ông Ðàm Ma Ha Tiện, ở nước vua Ba Tư Nặc, trước vì bị tội trốn sang đất nước này, lấy vợ sanh ra người con gái đặt tên là Tỳ Xá Ly. Ông nghe những lời lẽ trên biết là người hiền lành, liền hỏi lại rằng:

- Cha mẹ cô còn không?

- Thưa cụ, hãy còn cả.

- Nay tôi muốn vào thăm ông bà nhà có được không?

- Xin mời cụ quá bộ lại, cháu xin về thưa ngay với thầy mẹ cháu.

Khi tới nơi người con báo tin cho cha mẹ biết, liền cùng ra đón tiếp thân mật, ông liền hỏi rằng:

- Có phải người con ấy là con của ông bà không?

- Thưa phải!

- Xin lỗi, đã gả cho ai chưa?

- Thưa cháu hãy còn nhỏ chưa dám cho ai.

- Ông bà có biết ở nước Xá Vệ có quan Ðại thần tên là Lê Kỳ Di không?

- Trước tôi đã quen biết.

- Thưa ông bà, hiện nay ông ấy còn một người con út rất thông minh ngay thẳng và cực kỳ khôi ngô, ông muốn nhờ tôi đến thưa chuyện với ông bà để cho cậu út ông ấy được kết duyên cùng cô em nhà, việc đó nên chăng thế nào xin ông bà cho biết ý kiến tôi xin cám ơn.

- Ông ấy cũng là một nhà hào kiệt xứng đáng nếu quả có lòng thương cháu thì chúng tôi cũng vui lòng.

Khi được rồi, may sao lại có người về nước Xá Vệ, ông liền viết thơ gởi cho ông Lê Kỳ Di bảo cho ông biết các việc đã xong xuôi, đúng như ý muốn của ông, vậy sắm sửa sang đón dâu về.

Ông Lê Kỳ được tin mừng, lập tức sắm sửa đủ các lễ vật, xe ngựa, đi sang gần tới nơi, cho người báo tin cho ông Ðàm Ma Ha Tiện biết. Ông liền sắp đặt đón rước rất là long trọng, mời cả họ hàng bạn bè yến tiệc ròng rã suốt bảy ngày. Lúc trở về Xá Vệ cô con gái vào bái biệt cha mẹ, bấy giờ bà mẹ đứng trước mặt mọi người dặn con rằng:

“Từ này về sau lúc nào con cũng mặc áo thật đẹp, thường phải ăn các thứ thật ngon, ngày nào cũng phải soi gương luôn”.

Người con gái quỳ xuống xin vâng lệnh.

Ông Lê Kỳ Di nghe thấy thế, nghĩ thầm trong bụng lấy làm giận lắm, cho người ta sinh ra ở đời những sự khổ sự vui làm thế nào mà ấn định được. Sự ăn ngon, mặc đẹp làm thế nào mà có mãi được, huống chi là soi gương suốt ngày thì lại càng vô lý lắm.

Tuy ông nghĩ như thế, nhưng dù sao ông cũng phải giữ lễ chủ khách cho qua, và đã trót tin ở ông bạn rồi, bây giờ cũng đành cố nhẫn xem sao.

Công việc xong, đôi bên từ giã, cùng nhau thẳng đường về trước. Khi đến giữa đường vào nghỉ nhờ một nhà trọ, rất lịch sự mát mẻ, ai nấy đều lấy làm vui thích, mọi người đến trước đều đã nghỉ ngơi cả. Khi cô dâu đến sau, cô nói với bố chồng rằng: “Xin dời nhà khác, chớ ở đây”.

Ông cũng không trái ý, thu xếp ngay chỗ thoáng đãng rộng rãi nghỉ ngơi, còn mấy người cố ý không nghe ở lại, đến đêm những voi ngựa buộc chung quanh nhà bị ngứa ngáy chúng nó cọ xát đổ nhà cột gãy, đè phải người ở trong, người thì chết người thì bị thương, không người nào thoát cả.

Bấy giờ ông nghĩ rằng: Hôm nay ông thoát chết là nhờ ở con dâu, nên từ đấy ông đem lòng kính nể tin cậy.

Hôm sau lại lên xe ngựa đi đến bên một bờ sông con, mọi người thấy cây cối um tùm mát mẻ liền dừng lại nghỉ, khi cô dâu đến sau, cô cũng lại nói là đi chỗ ngay chỗ khác, không ở đây, phải lên trên chỗ cao ráo mới có thể yên được.

Mọi người nghe lời vừa đi lên trên ngọn đồi nghỉ được một lúc thì bỗng dưng đùng đùng nổi lên cơn dông tố, ầm ầm gió táp, mây kéo nghịt trời, sấm vang chớp giật, mưa xuống như trút, trong khoảnh giây phút mà nước ngập hết cả đường đi lối lại những chỗ vừa qua.

Bấy giờ ông Lê Kỳ lại nghĩ rằng: “Hôm nay lại nhờ con dâu nên tất cả mọi người được thoát chết”. Từ đấy nàng dâu nói câu gì ai ai cũng lấy làm tin cẩn.

Khi về đến nhà, ông cho mời tất cả họ hàng, bạn bè thân thích đến mở tiệc ăn mừng rất là vui vẻ.

Mấy hôm xong công việc, ông liền cho hội họp tất cả các con dâu lại mà bảo rằng:

- Bây giờ cha già tuổi yếu, tất cả công việc và của cải trong nhà, nay cha muốn giao lại cho các con trông coi gìn giữ giúp đỡ cha. Vậy ai có thể đảm đương được thì nhận lấy công việc và cầm lấy chìa khóa các kho tàng.

Sáu người đều từ chối, chỉ có nàng dâu út nhận lời. Khi nhận công việc rồi thì nàng hết sức chăm chỉ, sáng dậy sớm, sai bảo các người ở sửa sang quét dọn nhà cửa, đi chợ nấu ăn, sắp đặt việc dâng cơm lên cha mẹ và dọn cho cả nhà ăn, rồi thu xếp cho các người tôi tớ ăn xong, phân công người nào việc ấy, xong xuôi tất cả công việc rồi nàng mới ăn.

Ngày nào cũng như thế, ông bố chồng thấy nàng khác hẳn người phàm, lấy làm lạ nhất là không thấy nàng làm theo những lời mẹ dặn khi bước chân về làm dâu. Ông liền hỏi:

- Trước khi con về nhà chồng thì mẹ con có dặn là: “Phải ăn ngon, mặc đẹp, ngày ngày soi gương”, việc đó có ý nghĩ như thế nào?

Nàng liền thưa:

- Theo chỗ mẹ con dặn phải mặc áo đẹp, nghĩa là ở trong thân thể phải luôn luôn giữ gìn cho sạch sẽ, còn áo mặc thường chỉ cốt sao cho bền chắc sạch sẽ là đủ. Những lúc hội họp tiếp xúc với tân khách mới cần phải ăn mặc cho xứng đáng.

Còn ăn ngon, không phải là ăn các thứ cao lương mỹ vị béo bổ, mà ý mẹ con dặn nên ăn muộn lại cốt để cho đói thì ăn mới ngon, bấy giờ dù thức ăn thế nào cũng vẫn thấy ngon.

Còn ngày ngày soi gương, không phải các thứ gương soi thường dùng. Mà ý mẹ con dặn phải dậy sớm, chăm chỉ quét dọn, rửa ráy trong ngoài mọi nơi cho sạch sẽ, sửa sang kê lại bàn ghế thẳng tề chỉnh gọn gàng, không được để chỗ nào xiên xẹo bẩn thỉu. Nhất là mỗi ngày phải kiểm điểm trong ngày ấy mình có phạm lỗi lầm gì không để mà sửa chữa… Ðó chính là ý nghĩa những điều mẹ con đã dặn.

Nghe xong, trong lòng ông rất kính phục là bà mẹ có biệt tài dạy con, mà con cũng là người khác hẳn phàm tục, ông liền giao phó tất cả cơ nghiệp cho trông coi, và từ đấy vui vẻ không còn lo ngại gì nữa.

Có một hôm, đàn chim nhạn bay qua sân nhà vua, nó đánh rơi một bông lúa “tám cánh” là một thứ lúa rất quí ở mãi ngoài bể khơi, mọc ở các gò rất xa, khi nó ăn tha về qua đánh rơi. Có người nhặt được đem dâng vua, vua cho là thứ lúa ấy có thể làm thuốc được, vậy không nên bỏ đi, liền chia cho các quan mỗi ông mấy hạt về làm giống cấy để dành.

Ông Lê Kỳ Di được phần đem về cho cô dâu út, nàng liền sai người làm ruộng rất kỹ càng và ở trong thửa ruộng tốt nhất gieo mạ chăm chỉ cấy. Ðến mùa sau, được bao nhiêu lại để giống gieo nàng cho là giống lúa quí nhất mà xưa nay ít thấy, kế tiếp mãi mùa nọ sang mùa kia, số thóc đó trong nhà ông có rất nhiều.

Bấy giờ Hoàng hậu bị bệnh rất nguy kịch, các thầy thuốc đều bảo làm thế nào lấy được thứ lúa tám cánh ở ngoài bể để chế thuốc thì mới chữa được, không thì đành phải chịu.

Vua liền nhớ lại ngày trước có được thứ lúa ấy đã giao cho các quan đem về làm giống cấy. Vua liền triệu các quan vào hỏi việc đó. Ông thì nói nó không nở, ông thì bảo bị chuột ăn, ông thì nói sâu cắn, mỗi ông có mỗi cách, không ông nào còn lại hạt nào.

Ông Lê Kỳ Di về hỏi lại con dâu, thứ lúa ngày xưa cho đem cấy bây giờ thế nào, nay nhà vua cần một ít để làm thuốc cho Hoàng hậu, cần lắm.

Người dâu đáp: “Thứ lúa ấy hiện nay ở nhà có rất nhiều, nếu chỉ làm thuốc thì có thể chữa cho cả nước cũng không hết, chứ chữa cho một người thì có là bao”.

Ông Lê Kỳ Di đưa lúa vào, vua cho thầy thuốc dùng chữa được Hoàng hậu khỏi ngay. Vua rất mừng rỡ, ban thưởng các phẩm vật và vàng ngọc cho ông rất nhiều.

*

Bấy giờ giữa nước Ðặc Xoa Thi Lý và nước Xá Vệ hai bên hiềm khích nhau, thường thường xảy ra những sự xung đột trở nên rối loạn.

Vua nước Ðặc Xoa Thi Lý muốn thử xem nước Xá Vệ có những bậc hiền tài trí tuệ không, liền sai sứ giả mang sang hai con ngựa thật giống nhau như một. Hỏi xem con nào là con, con nào là mẹ.

Vua cho hội họp cả các quan lại bàn, tuyệt không ai biết làm thế nào mà biết được.

Ông Lê Kỳ Di cũng đi họp về, tỏ vẻ buồn rầu lắm, vì nếu không hiểu được thì cả nước sẽ bị khinh.

Ông về tới nhà, người dâu thấy ông có vẻ khác, liền hỏi ngay thì ông nói lại việc trong triều cho nghe.

Nàng nói:

- Việc đó có khó gì phải lo ngại, nghĩa là đem ít cỏ rất ngon bỏ cho cả hai con, thì thế nào mẹ nó cũng nhường cho nó ăn trước, phân biệt rõ ngay.

Hôm sau ông vô vào tâu làm đúng như thế, thử xong gọi sứ giả vào bảo, người kia nhận là đúng. Vua lấy làm mừng lắm, lại ban thưởng cho ông được thăng phâm tước và bổng lộc.

Khi sứ giả về tâu vua nước kia, thì vua nước ấy lại sai mang sang hai con rắn dài bằng nhau, hỏi xem con nào đực con nào cái?

Vua quan bên này lại hội họp cùng bàn, cũng lại không giải quyết được, ông Lê Kỳ Di lại về hỏi con dâu xem như thế nào thì biết được? Nàng bảo:

- Lấy lụa giải xuống đất, rồi đặt hai con rắn lên trên, hễ thấy con cái thì nó nằm yên, còn con đực thì nó cựa quậy luôn. Bởi vì tánh con cái thích trơn nhẵn êm dịu không thích động, còn tánh con đực thì mạnh mẽ hay bạo động, suy đó có thể biết được.

Ông lại vào tâu vua làm đúng như thế rồi bảo sứ giả, cũng chịu nhận là đúng. Vua lại ban thưởng tước lộc cho ông.

- Sứ giả về tâu lại, vua nước kia lại cho mang sang một cây gỗ dài 10 thước, bào nhẵn hai đầu giống nhau, lại cho sơn kín. Hỏi đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn?

Tất cả vua quan bàn nhau mãi cũng không ai nghĩ ra, ông Lê Kỳ Di lại về hỏi con dâu: Nàng bảo:

- Ðem thả xuống nước, đầu nào chìm tức là gốc, còn đầu nào nổi là ngọn.

Hôm sau sứ cũng làm cho đúng như thế, rồi lại trả lời cho sứ giả. Sứ giả chịu nhận là đúng. Vua lại ban thưởng tước lộc cho ông.

Còn vị sứ giả về trình tấu với vua nước ấy mọi sự việc. Vua nước ấy nghe xong rất lấy làm hoan hỷ, cho là ở trong nước bạn có bực hiền tài thực phải tôn kính.

Vua liền cho sắm sửa lễ vật và các thứ châu báu, sai sứ giả mang sang cống hiến và đề nghị từ nay hai nước nên tu chỉnh lễ nghĩa, giữ tình giao hảo tốt đẹp với nhau, vì nước bạn thực đã có bực hiền tài phước đức.

Vua Ba Tư Nặc bấy giờ lại càng mừng rỡ sung sướng, liền cho triệu ông Lê Kỳ Di vào, đồng thời hỏi ông làm thế nào mà trước đây ông quyết đoán được mọi sự thử đố của nước láng giềng.

Ông thành thực tâu với vua, không phải chính ông có những sáng kiến đó, mà chính là do tài trí của người dâu út của ông.

Vua nghe xong hết sức cảm phục, cho triệu nàng vào cung và ban đặc ân nhận nàng là em thứ ba của vua.

*

Nàng dâu Tỳ Xá Ly này sau sanh ra một bọc 32 cái trứng, nở ra 32 người con trai, người nào cũng thông minh anh dũng, văn võ toàn tài, sức một người địch nổi muôn người, cha mẹ rất yêu mến mọi người đều kính sợ. Những người con kia khi khôn lớn lên lấy toàn con gái các nhà hào phú trong nước, thuần là những con nhà phúc đức hiền hậu.

Cả nhà này đều ngưỡng mộ Phật pháp, thường thỉnh Phật và Chư Tăng tới cúng dường và được nghe thuyết pháp, nên người nào cũng đã đắc đạo chứng được bậc sơ quả, duy còn một người con út chưa chứng đạo.

Có một hôm cưỡi ngựa đi chơi ở ngoài thành, lúc đi qua một cái cầu, gặp một chàng thiếu niên con quan Phụ tướng đi tới cầu. Chàng thiếu niên kia đi xe, hai bên gặp nhau, đều cậy vào con nhà hào phú quyền thế không ai chịu nhường bước ai. Lúc đó con bà Tỳ Xá Ly nổi giận, lập tức xuống dùng sức mạnh lôi xe của chàng kia vứt xuống vệ cầu, làm cho thân thể chàng bị thương nặng.

Chàng bị đau bưng đầu khóc, về mách với cha: “Con của Tỳ Xá Ly nó làm nhục nên con bị đau đớn như thế này.

Quan Phụ tướng thấy con bị thương rất lấy làm tức tối và thương con, song ông lại nghĩ: “Lũ con nhà kia có sức khỏe, hiện nay cả nước không ai dám địch với chúng”, nên ông nghĩ kế để báo thù.

Ông liền thuê thợ làm 32 cái roi toàn bằng thép ở trong có lưỡi rất sắc, ngoài bọc kín chỉ nhìn như bao kiếm, đem tặng cho mỗi người một chiếc. Lúc đem tặng nói là các cậu trẻ tuổi nên dùng thứ này để thường cầm tay cho tiện, tất cả đều nhận để chơi, vì thấy nó rất nhỏ rất xinh.

Luật trong nước lúc bấy giờ cấm không ai được mang dao trong mình, sau khi tặng ông thấy các người con của bà Tỳ Xá Ly thường mang roi đi chơi, ông mới vào dèm tâu với vua: 32 người con của bà Tỳ Xá Ly mỗi người sức địch được hàng nghìn người, nay xem như là có ý ám hại vua.

Vua nghe không lấy gì làm tin, ông liền tâu tiếp: Nếu vua không tin cho nghiệm xét sẽ thấy. Hiện nay thường nào cũng mang dao giấu trong roi ngựa, cứ lấy đó suy ra là đúng.

Vua liền đòi vào xem thử quả đúng.

Lập tức vua cho triệu các người lực sĩ vào mai phục ở trong cung rồi cho gọi tất cả 32 người con của bà Tỳ Xá Ly vào, giết chết xong cắt tất cả đầu đóng vào một cái hòm đậy kín, cho mang lại nhà em vua là bà Tỳ Xá Ly.

Ðúng ngày hôm ấy lại là ngày bà thỉnh Phật và Chư Tăng về nhà thọ trai, khi có người mang hòm đến bà tưởng nhà vua giúp thêm thứ gì cho bà, định mở ra, Phật liền ngăn lại, bảo để ăn cơm xong đã.

Khi ăn xong, Phật cho tất cả mọi người cùng ngồi, Phật thuyết pháp cho nghe. Phật nói:

- Tất cả cái thân của người ta đây, đều là vô thường không có chi là bền chắc cả. Phàm đã có thân đều phải chịu những sự đau khổ, không thể kêu ai được. Tất cả muôn sự muôn vật ở đời đều là giả dối, như chiêm bao, như bọt nước, không có chi là có thực. Cái thân này cũng là giả hợp, mượn nhiều nhân duyên họp lại mà thành, đến khi nhân duyên hết lại tan rã, như cây chuối kia khi bóc hết bẹ ra là không thấy cây đâu nữa. Nói tóm lại, phàm đã có sinh ra thân này đều phải chịu những sự lo buồn khổ não nó ràng buộc, những sự lo buồn khổ não nó ràng buộc, những sự đắng cay chua xót nó vẫn ở luôn bên mình, những sự yêu mến nhau tới lúc ly biệt nhau làm cho nhau thương xót ảo não, uổng chịu những nỗi khổ đau làm cho thân tâm nhọc mệt mà không ích lợi gì cho đạo cả, không có gì đứng mãi không đổi thay tàn hoại. Chỉ có những người có trí tuệ mới hiểu các lẽ đó.

Lúc đó bà Tỳ Xá Ly nghe xong liền tỉnh ngộ, chứng được quả A Na Hàm, vui mừng chắp tay bạch Phật:

- Xin Phật thương xót cho con được làm theo bốn điều nguyện như sau:

1. Xin cung cấp thuốc thang cơm nước cho các vị Tỳ kheo bị đau ốm.

2. Cung cấp cho những người trông nom các vị Tỳ kheo bị bệnh.

3. Cúng dường các vị Tỳ kheo ở xa mới tới.

4. Cúng dường lương thực thuốc thang cho các vị Tỳ kheo đi xa.

Bởi vì những vị bị bệnh nếu không có đủ thuốc thang ăn uống, có thể nguy mất tánh mạng.

Những người săn sóc cho các vị bị bệnh, nếu thiếu các sự ăn uống và cần dùng, thì người ấy sẽ bỏ vị bị bệnh, người bệnh khó khỏi.

Những vị ở các phương xa mới tới, còn lạ lùng bỡ ngỡ, đi xin rất khó, hoặc gặp chó dữ hoặc gặp người không tốt, có khi họ làm cho khó chịu sanh lòng căm giận nên con phải cúng dường các vị ấy trước.

Các vị Tỳ kheo đi xa cần nên có bạn, nếu không có bạn hoặc thiếu lương thực, hay không đi kịp bạn, đường lối hiểm trở gặp nhiều thú dữ, có khi xảy ra tai nạn, vì thế nên phải cúng dường cung cấp cho các vị ấy trước.

Khi Phật nghe bà Tỳ Xá Ly phát nguyện như thế, Phật liền khen ngợi: “Hay lắm, hay lắm! Ngươi phát nguyện như thế cũng như cúng dường Chư Phật”. Công việc xong, Phật và Chư Tăng cùng về Kỳ Hoàn Tịnh Xá.

Sau khi Ðức Phật về rồi, bà Tỳ Xá Ly mới mở hòm ra, trông thấy 32 cái đầu, nhưng nhờ bà đã hiểu đạo, dứt bỏ được mối ái dục, nên không đến nỗi áo não lắm.

Về phía họ hàng bên vợ của 32 người con kia, khi được tin đều lấy làm đau khổ vô cùng và căm giận lắm. Cho vua là người vô đạo, giết hại những người lương thiện, nên cùng nhau chiêu tập binh mã kéo tới vây kín cả chung quanh nhà vua định để báo thù.

Vua lấy làm sợ hãi quá, vội vàng chạy tới chốn Phật ở, các người kia lại kéo quân tới, vây kín chung quanh Tịnh Xá Kỳ Hoàn.

Lúc ấy, Ngài A Nan nghe tin vua Ba Tư Nặc giết chết 32 người con của bà Tỳ Xà Ly, nay có người họ hàng bên ngoại đem quân tới báo thù, liền bạch Phật rằng:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Vì cớ gì mà 32 người con kia bị giết một cách đau đớn đến thế?

Phật nói:

- Ai muốn nghe nhân duyên 32 người con Tỳ Xá Ly bị chết thì lặng yên mà nghe rồi ghi nớ lấy:

Ngài A Nan và mọi người đều bạch với Phật:

- Chúng con đều muốn nghe, xin Phật dạy bảo cho.

Ðức Phật bảo Ngài A Nan và tất cả đại chúng:

- Về đời trước kia, cách đây đã lâu lắm, có một bọn 32 người kết bạn với nhau, đi ăn trộm một con bò. Bấy giờ tại địa phương ấy có một bà già, con cái không có, bị nghèo túng, ở trong một cái nhà ở vùng hẻo lánh. Khi bọn kia bắt được bò thì dẫn tới nhà bà lão ấy làm thịt, bà lấy làm mừng rỡ lắm, bà liền đi sắm sửa củi nước, chuẩn bị các thứ thổi nấu.

Lúc sắp giết thì con bò quỳ xuống tỏ ý cầu cứu xin tha mạng. Nhưng các người kia đã quyết định giết, nên đồng bảo: “Không thể nào mà tha cho mi được!”.

Khi con bò bị giết, trong bụng phát lời thề: “Nay chúng mi giết ta, sau này ta sẽ không tha cho chúng mi, dù chúng mi có đắc đạo ta cũng không tha”. Phát lời thề xong thì bị giết, mọi người xúm lại cắt xẻo đem nấu nướng ăn uống cùng nhau, cả bà lão kia cũng ăn, vừa ăn vừa khen vừa cám ơn các người kia là quý hóa.

Ðấy, chính con bò kia ngày nay là Vua Ba Tư Nặc. Lũ ăn trộm bò ấy bây giờ là 32 người con bà Tỳ Xá Ly. Bà lão thưở trước nay là bà Tỳ Xá Ly. Vì quả báo ấy, mà đã 500 đời nay thường bị giết như thế. Cho tới ngày nay cũng vậy, bà lão kia vì trong 500 đời cũng lại thường làm mẹ để đồng chịu những sự khổ não. Nay được gặp ta mới chứng được đạo quả, nên mới đỡ đau khổ một phần nào, vì đã hiểu đạo.

Ngài A Nan lại hỏi ví cớ gì những người này lại được hưởng phúc giàu sang mạnh khỏe? Phật nói:

- Cũng về đời đã qua, trong thời Ðức Phật Ca Diếp có một bà lão tin kính Tam Bảo nhà bà rất giàu có, bà mua đủ thứ hương hoa để cúng dường và bà rất chăm việc làm phúc đức cứu giúp những người cùng khổ. Có một hôm, bà làm các việc phước thiện, đi gặp một lủ 32 người bà khuyên các người kia giúp vào để hưởng phước cùng nhau. Chúng ta sẽ nguyện cùng nhau sanh vào nhà giàu, mà thường được làm mẹ con với nhau, và được gặp Phật nghe pháp tu để tu thành Ðạo quả. Vì thế nên trong 500 đời nay vẫn được sanh làm người giàu sang khỏe mạnh.

Bà lão lúc bấy giờ nay là Tỳ Xá Ly, còn 32 người kia, ngày nay là lũ con của bà bây giờ đấy.

Khi tất cả mọi người nghe Phật nói như thế rồi, những người có lòng phẫn uất đều nguôi hết giận, mà nói với nhau rằng:

- Không phải là vua cố ý giết, đấy là vì kiếp trước những người kia đã tạo ra tội, nên nay phải chịu quả báo. Giết một con bò mà còn bị quả báo như thế. Vậy Vua Ba Tư Nặc là chủ của chúng ta, sao ta nỡ giết hại để gây thành tội báo. Lập tức thu khí giới nộp cho vua và xin lỗi, vua hoan hỷ không chấp những lỗi ấy.

Tất cả đại chúng được nghe Phật nói các Pháp dạy tu nhân tích đức, xa lìa các sự tàn ác. Phật lại nói rõ các pháp Tứ Ðế cho mọi người nghe, ai nấy đều đắc đạo, vui mừng theo lời Phật dạy mà tu hành.

TRÍ HẢI
Tạo một nghiệp nhân gì, dù lâu đến trăm ngàn kiếp cũng không mất, hễ đủ nhân duyên rồi, thì mình phải chịu quả báo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]