Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai mươi mốt

14/10/201311:37(Xem: 12564)
Chương hai mươi mốt

coitroi2




Chương hai mươi mốt

Lịch sử thăng trầm của bệnh xá trại tù có cái vẻ gì tương đồng với lịch sử chiến tranh của đất nước tôi. Dường như phải có nhiều người gánh lấy bao tủi nhục đắng cay hoặc bất hạnh nằm xuống để mở ra một lối thoát, một tương lai cho những người còn sống khác.

Trong số tù chính trị ở trại B5 chuyển đến K4, không phải chỉ có anh Vận chết vì bệnh. Ông Trợ còn cho biết là ông Vương có nằm bệnh xá một thời gian vì bệnh bao tử, càng lúc càng nặng, cán bộ tạm tha về nhà để chữa trị; ông về đâu chừng một tuần thì chết tại nhà. Một bệnh nhân chính trị khác mà tôi vừa quen vào dịp nằm bệnh xá đợt trước là ông Phùng Xuân Mỹ, cựu Trung tá Không quân chế độ trước, bị bệnh đường ruột, cũng chết trên giường bệnh ở bệnh xá trong vòng một tuần sau anh Vận.

Đó chỉ là nói những người tù chính trị mà tôi biết. Còn tù vượt biên, hình sự thì khỏi nói, đếm không được. Giống như có một cơn dịch thổi qua bệnh xá. Những bệnh nhân mang các cơn bệnh khác nhau, lần lượt rủ nhau mà chết. Ngày nào cũng có người chết. Ngày nào cũng có cán bộ y tế (cũng là công an) và cán bộ quản trại đến bệnh xá lập “biên bản tử vong” và quy trách đổ lỗi ấy cho ban y tế bệnh xá. Ông Trợ, trưởng ban y tế, được coi là có tay nghề vững vàng hơn ông Nguyên và ông Mậu, nhưng cũng giơ hai tay lên trời, xin đầu hàng. Ông thưa với cán bộ:

“Báo cáo cán bộ, có nhiều lý do khác chứ không phải vì chúng tôi không chữa trị đàng hoàng cho bệnh nhân. Lý do trước nhất là thuốc men không đầy đủ. Lý do thứ hai là khí hậu… vùng này độc địa, gió máy, yếu một chút là trúng gió chết ngay. Thứ ba là có những bệnh quá nặng, cần giải phẫu, cần bác sĩ chuyên môn ở các bệnh viện tối tân bên ngoài, chúng tôi ở đây không làm sao chữa trị được. Xin cán bộ hiểu cho điều đó.”

Viên cán bộ phụ trách quản lý bệnh xá ngồi gật gù, nói rằng để trình lên trên xét xem có cách gì ngăn chận bớt nhân số tử vong của trại hay không. Khổ cái là viên cán bộ này không biết đọc chữ, lại chẳng biết chút gì về y học. Bao nhiêu đơn xin cấp thuốc, đơn báo cáo bệnh, biên bản tử vong, bệnh án v.v… ông đều cầm lên nhìn giống như thầy bói mù xem tranh, rồi gật gù—cái gật gù khó hiểu, không rõ là đồng ý hay không đồng ý—rồi mang đi, nói là để trình cấp trên. Vậy rồi chẳng có gì thay đổi. Có người khác chết, ông lại chạy xuống, nhìn, lắng nghe báo cáo, gật gù, rồi lại cầm biên bản chạy đi. Cứ như vậy, hết bệnh nhân này tới bệnh nhân khác, rơi rụng như lá mùa thu, như gà trong mùa dịch.

Cuối cùng, cán bộ nhận chỉ thị ở đâu từ cấp trên, đưa xuống bệnh xá, bảo lập danh sách các bệnh nhân bệnh nặng không thể chữa trị. Ông Trợ mừng lắm, cùng ban thư ký kê khai một danh sách ba tờ lớn gồm một trăm hai mươi bệnh nhân, trong đó có cả những bệnh nhân không nằm ở bệnh xá (vì bệnh xá đã hết chỗ), và trong đó có cả tôi. Ông Trợ nói nhỏ với tôi:

“Kệ, tôi cứ ghi tên anh vào đây, nếu họ cho về thì tốt, không cho về cũng đâu có sao. Tù chính trị như anh thì khó thật đấy, nhưng biết đâu!”

Tôi nghe vậy thì ngạc nhiên vô cùng, hỏi lại:

“Ủa, danh sách này là danh sách bệnh nhân bệnh nặng… cần được chữa trị, cần được cấp thuốc men đầy đủ chứ có phải là danh sách được trả tự do đâu.”

“Anh khờ quá, trên bảo lập danh sách bệnh nặng không chữa trị được có nghĩa là trên đầu hàng rồi! Trên muốn tống khứ đám tù kiệt sức, bệnh nặng, đã không lợi gì cho công tác lao động mà còn tốn kém cơm gạo, thuốc men, lại thêm mang tiếng cho trên là không chăm sóc cẩn thận để tù nhân chết nhiều quá! Đó, lý do là thế. Cho nên danh sách này cũng là danh sách được về đó anh à!”

Ôi, tôi nghe đến đó thì trong lòng khấp khởi vui mừng biết bao. Té ra cái linh cảm về tự do của tôi cũng đâu có sai. Rõ ràng là tôi vẫn luôn tin tưởng một điều rất phi lý là tôi sẽ được tự do sớm chứ không chết rục trong tù. Bây giờ, dấu hiệu tự do bắt đầu chớm nở từ mấy tờ giấy thô sơ ghi chép bằng tay của ban thư ký bệnh xá.

Danh sách đã lập, đã được ông Trợ, ông Nguyên, ông Mậu, cùng ký ở dưới, xác nhận rằng những bệnh nhân với những căn bệnh nan y ở trên là đúng. Lại có chữ ký của cán bộ phụ trách y tế (ký bằng cách vẽ chữ thập vì ông này không biết chữ). Rồi ba tờ giấy ấy được cán bộ mang đi.

Những thủ tục xét hồ sơ khá lâu của các ban ngành thuộc chế độ xã hội chủ nghĩa vốn cũng là một thứ bệnh nan y khó chữa. Cho nên, trong khi chờ đợi danh sách được chứng nhận, bao nhiêu căn bệnh giết người khác đã hoành hành, cướp đi thêm nhiều mạng người trong bệnh xá, mà căn bệnh giết nhiều người nhất vẫn là căn bệnh thuộc về bộ phận tiêu hoá: kiết lỵ, loét bao tử, đau ruột, trống tràng, đau ruột dư… mà ban y tế chữa mãi (bằng thuốc dân tộc) cũng không sao trị dứt. Đến khi bệnh nhân chết thì khai báo theo sự bàn bạc và quyết định của công nhân hay cán bộ. Một cụm từ bao quát, chung chung, được ban y tế sử dụng để gọi tên những căn bệnh thuộc bộ tiêu hóa mà bệnh xá không chữa trị được: rối loạn tiêu hóa.Trên hai mươi bệnh nhân chết vì bệnh này, trong đó có một trường hợp đặc biệt mà người ta nghĩ là cán bộ trại sẽ hí hửng thông báo cho gia đình người chết và có thể sẽ đăng một tờ báo nào đó của nhà nước để thông tri chế độ ăn uống no đủ của trại cải tạo K4: chết vì bội thực!

Nạn nhân là một tù hình sự, tên là Hùng, mang tội ăn trộm. Anh này chừng hai mươi tuổi. Mặt mày hung dữ, đầu to, mặt tròn, mắt lộ, đôi ngươi trắng dã. Anh nằm ở dãy phía trong của bệnh xá. Dãy này được xỏ cùm bằng cây sắt dài ngang với cây sắt của các phòng giam bình thường—tức là có thể xâu được ba mươi người. Anh nằm ở bệnh xá khá lâu (chẳng rõ bệnh gì) nên được ông Trợ cắt nhiệm vụ rút cùm, xỏ cùm cho đám bệnh nhân nằm chung một sàng gỗ với nhau. Vào ngày thăm nuôi giữa tháng 10, ngày mà tôi được gặp mặt gia đình (sẽ kể sau), không rõ có nhằm quốc lễ hay là một lễ gì đó của riêng trại giam (chẳng hạn sinh nhật ông trưởng trại) mà bỗng dưng mỗi tù nhân được lãnh mỗi người một miếng thịt heo (đúng ra là một “mẩu” thịt) “to” bằng ngón tay út. Thịt được nhà bếp kho một nồi lớn rồi đem phân phát cho cho khoảng một ngàn rưỡi tù nhân ở khắp các phòng giam của Khu C; đặc biệt bệnh xá là nơi được hưởng nhiều ưu tiên nhất theo cán bộ chỉ thị, tức là phải chia thịt nơi đây khá hơn các phòng giam một chút, chẳng hạn thay vì mẩu thịt to cỡ ngón tay út của con gái thì cho cỡ ngón tay út của con trai, thay vì một muỗng thịt kho thì cho hai muỗng. Bấy giờ hai anh nuôi của bệnh xá, một anh đã được trả tự do, anh còn lại được thăm nuôi và gặp mặt gia đình, vui quá không muốn làm công tác chia cơm, bèn lãnh nguyên thùng cơm với xoong thịt đem về bệnh xá, giao cho Hùng chia giúp. Hùng bị giam lâu ngày không có thăm nuôi nên gặp bữa thịt mỡ thì ham quá, chia cho bệnh nhân mỗi người vừa đúng một mẩu thịt nhỏ, số dư lại không chịu chia tiếp, đem trút hết vào ca riêng của mình. Phần cơm Hùng cũng chia nhín nhín để dư lại cho mình thì thầu hết. Một số bệnh nhân dùng cháo, Hùng chia xong, dư lại cũng cất luôn. Đã vậy, bệnh nhân ở bệnh xá lúc ấy có khá nhiều người được thăm nuôi ngay trong ngày đó nên đa phần không nhận phần cơm trại, cũng không thèm nhận phần thịt ít oi, nên Hùng hí hửng gom hết các phần cơm và thịt ấy, đem về một góc phòng, lui hui dồn cơm thịt vào giỏ xách cẩn thận, cho một ít cơm vào tráng cái xoong thịt dính nước mỡ, rồi hăm hở thanh toán từng phần cơm, phần cháo. Buổi tối khi mọi người ngủ ngon, tôi đang ngồi thiền (trong cùm sắt), cũng nghe tiếng Hùng lục đục ngồi dậy, xúc cơm ăn. Sáng mai thức dậy, ban y tế bảo rút cùm cho bệnh nhân ra hồ sen để tắm, ai nấy hồ hởi rời khỏi sàng mà Hùng cứ nằm ngay đơ thẳng cẳng ra đó. Đến nhìn kỹ lại thì thấy Hùng mắt trợn tròng, miệng sùi bọt mép liên tục. Ông Trợ đến xem, gõ cái bụng cứng anh ách của Hùng nghe bùm bụp như trống làng. Ông Trợ lắc đầu, nói:

“Bội thực! Báo lên ban chỉ huy Khu ngay.”

Hùng được khiêng ra khỏi chỗ nằm, đặt ở giường cấp cứu, chờ cán bộ quản lý bệnh xá đến, lập biên bản tử vong, rồi quấn trong một cái chiếu, đưa lên xe kéo, kéo ra khu D (tức nghĩa trang của trại).

Sau cái chết của Hùng, lần lượt có thêm vài tù nhân chết vì kiết lỵ hoặc trống tràng (cái bệnh mà tôi mắc phải lúc ở trại B5). Cái chết bấy giờ trở thành một cái gì rất quen thuộc đối với bệnh nhân của bệnh xá. Ngày nào cũng có người chết thì còn lạ gì nữa. Mới thấy người này người kia hôm qua gây cãi, tắm rửa, vấn thuốc ngồi hút… mà bây giờ đã nằm dưới lòng đất! Tử khí vây bọc khu vực bệnh xá. Có bệnh nhân cho rằng buổi tối thấy những người ấy đi qua đi lại ở khu vực tăm tối thuộc dãy trong bệnh xá.

***

Cho đến ngày thăm nuôi giữa tháng 10 hôm ấy, chân tôi vẫn chưa bước đi được một cách bình thường. Đoạn đường từ bệnh xá đến phòng thăm nuôi cũng khá xa, vì vậy, tôi được cán bộ cắt cho một người khoẻ mạnh cõng tôi đi rồi người này cũng sẽ cõng tôi về lại bệnh xá.

Đây là lần thứ nhì tôi được gặp mặt thân nhân. Đã ở ba trại giam, một năm rưỡi, vậy mà tôi chỉ mới gặp được gia đình có hai lần. Cứ hết chuyển trại tới khai cung, hết khai cung tới tình nghi, hết tình nghi tới biệt giam kỷ luật, hết biệt giam kỷ luật lại tới chuyển trại, rồi vào nhà đá… Những thay đổi liên tục này cắt đứt sự liên hệ giữa tôi với gia đình. Bây giờ, ngồi ở hiên sau của phòng thăm nuôi chờ đợi gọi tên, tôi vừa xúc động, vừa nôn nả hồi hộp. Xúc động là sắp được gặp mặt người thân thay mặt gia đình đến thăm; nôn nả hồi hộp là vì trong tôi, nỗi hoài vọng về tự do đang tràn lấp mọi thứ tình cảm hay lý lẽ thông thường khác. Cái hoài vọng ấy khiến tôi trở nên vô tình và vị kỷ vô cùng trong dịp gặp gỡ người thân hôm nay. Trong đầu óc tôi lúc ấy, chỉ nghĩ đến một điều là làm sao nói gia đình lo làm đơn xin cho tôi được tạm tha về nhà để chữa trị. Ông Trợ cho tôi biết, đó là cách hay để chứng tỏ cho cán bộ trại tin rằng mình bị bệnh nặng thực sự; và cũng là cách để thúc đẩy cán bộ khiến họ không còn ngần ngại trong việc cứu xét việc tạm tha—bởi vì đơn xin bảo lãnh của gia đình cất bớt một phần trách nhiệm cho ban quản trại. Đó là cách nghĩ của ông Trợ thôi, nghĩ rằng làm vậy thì chắc ăn hơn, nhất là đối với một tù nhân chính trị mang trọng án như tôi, chứ trên thực tế, việc lập danh sách bệnh nhân bệnh nặng là do chỉ thị của ban quản trại đưa ra nhằm giải quyết vấn đề tử vong quá cao trong trại. Chính vì vậy, dù có đơn xin bảo lãnh của thân nhân bệnh nhân hay không, ban quản trại vẫn cứ cứu xét danh sách do bệnh xá xác nhận như thường.

Bất ngờ nhất cho tôi là trong buổi gặp mặt thân nhân này, có ba tôi đến cùng chị Thuần, người chị thường lo việc thăm nuôi tôi mỗi tháng. Tôi và ông đã không nói được gì nhiều với nhau vì cha con tôi không quen ăn nói lớn tiếng—mà khung cảnh phòng thăm nuôi thì đòi hỏi người ta phải hét lên. Và tôi chỉ cố gắng nói với ông mỗi một điều mà tôi cho là quan trọng: làm đơn bảo lãnh cho tôi được tạm tha để chữa trị bệnh. Ba tôi có hỏi về cái áo len màu nâu mà gia đình đã gởi cho tôi tháng trước, sao không thấy tôi mặc. Tôi trả lời dối là tôi đã cất trong bệnh xá vì chưa thấy lạnh. Ông nói:

“Áo đó chị Trang bên Mỹ gởi về cho ba, ba nhường cho con đó, ba ở ngoài không bị lạnh như con trong này đâu.”

Sau chuyện đó, chúng tôi trao đổi thêm vài chuyện nhỏ nhặt khác, rồi chia tay. Chiếc áo len ba tôi nhường cho tôi, tôi đã tặng ông Thi. Tôi tặng ông thì đúng, chẳng ân hận gì cả; nhưng chỉ tiếc là tôi đã không mặc nó ít nhất một lần, để khỏi phụ lòng người cha già đã quan tâm nhớ nghĩ đến mình.

Rời phòng thăm nuôi, tôi được anh tù kia cõng về bệnh xá, một anh tù khác thì xách giùm tôi hai giỏ quà. Ba tôi đứng lại ở sân trước, nhìn theo. Hình ảnh cuối cùng tôi còn ghi được lúc đó là đôi mắt lo âu, buồn bã, bất lực kèm theo đôi môi mếu máo của ông khi thấy tôi không bước đi được bình thường. Đôi mắt ấy cũng đã gởi theo tôi tất cả thương yêu của ông, làm ấm tim tôi trong những ngày vào đông năm ấy.

***

Trong khi “danh sách tù nhân bệnh nặng không thể chữa trị” được gửi đi và chờ cứu xét, bệnh xá nhận thêm khá nhiều bệnh nhân từ các Khu khác chuyển về, trong đó có cả Khu Ruộng ở huyện Xuân Phước. Bệnh xá Khu C trở thành một thứ nhà thương thí tập trung tất cả những loại bệnh trạng vô cùng ghê rợn kỳ quái và vô cùng đau khổ của cuộc đời. Nào là anh chàng sưng dái mặc quần lúc nào cũng xẻ đáy để lộ ra cả cái “bọc điều” căng phồng, lớn như quả dừa xiêm; nào là anh chàng bị sạn thận đứng ngồi nhấp nhỏm, vừa tiểu tiện vừa khóc; nào là anh chàng bị bướu cổ; nào là anh chàng bị bướu lưng; nào là anh chàng sắp mù mắt; nào là anh chàng viêm mũi, máu mủ chảy ròng ròng; nào là hai ông già đói nhất, trơ xương nhất, cao trên một mét bảy mươi mà nặng có hai mươi sáu ký; nào là anh chàng bệnh xơ gan cổ trướng, da vàng vàng nhợt nhợt, bụng to như trống chầu… Tất cả những người bệnh trên, có khi cũng không được nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Tuần nào cũng có một vài cuộc “càn quét” của đám cai tù nhằm vào bệnh xá để lùa người đi lao động. Đám cai tù vừa hăng say lập công với cán bộ mà cũng vừa ganh tị với những người bệnh nên cứ tìm hết công việc này đến công việc khác để bắt bệnh nhân làm việc. Bệnh nặng thì làm việc nhẹ! Chủ trương của họ như vậy. Việc nhẹ là xe dây thừng, xúc dòi ở cầu tiêu đem nuôi vịt, quét dọn và nhổ cỏ quanh sân trại… Bệnh nhân cũng bị cai tù đánh đập tàn nhẫn khi cơ thể mệt nhọc làm việc không nổi. Hai ông già kiệt sức lì đòn nhất, bắt mấy ông đập đá, mấy ông cứ cầm búa ngồi đó, lâu lâu dùng hai tay nhấc búa lên rồi thả xuống. Cai tù dùng roi đánh, hai ông nói:

“Đánh nữa đi, đánh đi! Không làm nữa đâu, mệt quá, không làm nổi nữa!”

Roi quất vào người hai ông, nghe côm cốp chứ không nghe bình bịch như người khác. Hai ông lần lượt chết ở bệnh xá vì kiệt sức, và đã chết trước khi danh sách tù nhân bệnh nặng được cứu xét có kết quả.

Một nửa nhân số liệt kê trong danh sách, khoảng gần sáu mươi người, lần lượt được gọi tên lên văn phòng Ban chỉ huy Khu C trong vòng một vài ngày. Không có tên tôi. Những người được trả tự do đều là tù hình sự hoặc vượt biên, án nhẹ. Chưa có tù nhân chính trị nào được thả.

Ông Nguyên, nhân một lúc đưa bệnh nhân đi tắm giặt, ngồi với tôi bên bờ hồ, nói nhỏ:

“Có lẽ tù nhân chính trị thì chậm hơn, nhưng theo tôi thì trước sau gì cũng được thả. Bệnh xá chết nhiều quá, ban quản trại quíu lên rồi!”

Im một lúc, ông Nguyên nói tiếp:

“Này, nhà con ở đâu, cho bố địa chỉ, khi nào về được bố ghé thăm.”

Ông Nguyên vẫn xưng hô thân mật với tôi như thế. Tôi nói địa chỉ hai người chị của tôi ở Sài Gòn. Ông có vẻ ngập ngừng, nghi ngại một lúc, rồi mới lẩm nhẩm học thuộc lòng.

Hai ngày sau, lại thêm mười mấy người được thả, trong đó có ông Nguyên và cả Tính, anh phó thư ký của bệnh xá. Ông Nguyên líu quíu thay áo quần, rồi kéo tôi nhanh vào một góc bệnh xá, nói:

“Tôi sẽ cố gắng lo chạy cho thầy ra, thầy yên tâm.”

Tôi sửng sốt nhìn ông. Ông cười, nói:

“Thầy tưởng tụi này không biết thầy là ai sao? Ông Trợ, ông Mậu cũng biết đó. Thằng Liệt, thằng Sinh cũng biết nữa. Thôi, tôi về nghen, mong có dịp gặp lại thầy ở bên ngoài.”

Tôi không nói được gì với ông ngoài một lời chúc bình an. Liên tiếp nhiều ngày sau, không còn tù nhân nào trong bệnh xá được gọi tên ra về nữa. Dù sao, kể từ khi có bảy chục người được trả tự do, bệnh xá đã được rộng rãi hơn, mau chóng lấy lại được không khí sinh hoạt yên bình, nhẹ nhàng như trước.

Nhưng bẵng đi một tuần không còn thấy ai nhắc gì đến chuyện danh sách bệnh nặng nữa thì tự dưng lại có thêm nhiều người chết. Không những vậy, càng lúc càng có nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y từ các Khu khác chuyển về, hoặc từ các phòng giam xin được vào bệnh xá. Lịch sử tử bệnh vô thường của bệnh xá lại tái diễn chu kỳ cũ. Cán bộ chạy ra chạy vào, hỏi thăm tử số. Công nhân, cai tù cũng lăng xăng chạy tới chạy lui, tìm thêm người bệnh ở các phòng, đưa vào bệnh xá. Ban y tế bây giờ còn ông Trợ, ông Mậu, muốn tìm người phụ giúp thêm. Ông Trợ ngó tôi, hỏi ý:

“Anh ra phụ giúp ông Cảnh một tay được không?”

“Dĩ nhiên là được,” tôi đáp.

Nhưng ông Cảnh nói:

“Tôi có chuyện gì đâu mà giúp. Cần là cần bác sĩ, y tá thôi, chứ thư ký thì dễ ẹt, tôi làm được rồi!”

Vậy rồi ông Trợ và ông Cảnh gây nhau. Tôi tảng lờ, không muốn xen vào.

Nhân số bệnh xá bây giờ lại tăng như cũ. Những chỗ trống bây giờ được lấp. Nhiều bệnh nhân phải nằm tại phòng giam. Hai người bệnh lao ở phòng cách ly cũng lần lượt chết. Phòng cách ly bỏ trống. Tôi và Thành, một anh nuôi của bệnh xá, được cắt công tác làm vệ sinh phòng cách ly sau khi khiêng xác anh bạn tù ho lao về đặt trên giường cấp cứu của bệnh xá để chờ quấn chiếu đem đi chôn. Anh tù ho lao này bị cụt chân, mang tội dùng ma tuý và hiếp dâm đưa con gái ruột mười bốn tuổi của anh. Còn người tù ho lao bị cách ly đã chết trước anh là ông già khoảng năm mươi tuổi, ngoài tội giết người còn phạm cả tội hiếp dâm đặc biệt, gọi bằng cái tên dài dòng là “hiếp dâm người quá cố” (đại khái theo lời khai của ông thì ông đã hãm hiếp và giết đứa con dâu của ông lúc con trai ông đi vắng; giết xong ông đi uống rượu, uống rượu xong trở về lại hiếp dâm cái xác chết của cô con dâu lần nữa). Tôi nghe kể chuyện mà rùng mình. Từ một góc tù, tôi có thể nhìn được tình trạng suy đồi đạo đức trên đất nước tôi đã xuống thấp đến mức nào. Ở trên thì đảng viên cán bộ nhà nước mặc sức tham nhũng, hối lộ, bán tài nguyên đất nước để thủ lợi riêng cho cá nhân, cướp đoạt trắng trợn tài sản của nhân dân với những chính sách rừng rú bất định, sống dối trá với nhau để tồn tại, chia chác quyền lợi mà hưởng thụ; ở dưới thì dân đen nghèo khổ thống hận, cướp bóc giành giựt nhau, rượu chè bài bạc, nghiện ngập xì ke ma túy, không còn tin tưởng nhau, phá hết kỷ cương đạo đức… Chưa có thời đại nào trong suốt nhiều ngàn năm của đất nước lại tàn hại đến mức này.

Trở lại vấn đề của bệnh xá. Người bệnh ở đây càng lúc càng nhiều. Người này vừa chết đã có người khác thay chỗ nằm. Bệnh xá rộn lên. Bệnh nhân chúng tôi cũng bị căng thẳng lây, không sao yên nghỉ được vì mỗi giờ cứ phải nhìn cảnh chết chóc, cảnh cán bộ khiển trách ban y tế, cảnh công nhân đi qua đi lại để nhìn mặt từng bệnh nhân như dò tìm những người khai bệnh dối. Cuối cùng, cán bộ y tế lại đến bệnh xá, bảo ông Trợ cho lập một danh sách mới cho tù nhân bệnh nặng không thể chữa trị. Ông Trợ bấy giờ mặc nhiên trở thành một nhân vật khá quan trọng, có thể gián tiếp ban phát ân huệ tự do cho những bệnh nhân nằm quanh ông. Ông cùng ông Cảnh đi một vòng bệnh xá, ghi tên những người nào xét thấy bệnh nặng. Danh sách đợt này thực ra là danh sách những người đợt trước chưa được cứu xét, bổ sung thêm một số tên mới; và dĩ nhiên là với cảm tình sẵn có của ông Trợ dành cho tôi cộng với sự chẩn đoán của ông là tôi bị bệnh tim, danh sách đợt này cũng có cả tên tôi. Tuy nhiên, với cái khuôn mẫu kê khai rõ ràng danh tính, căn bệnh và kèm theo cả tội phạm kia, tôi không thấy nhiều hy vọng như trước đây nữa. Có lẽ đối với nhà nước, cái tội “phản cách mạng” dù ở tình trạng bệnh nặng thế nào thì cũng đáng đời, khó tha thứ!

Danh sách này lập khá lâu và khá cẩn thận. Cán bộ phụ trách y tế đã xem qua hai ba lần rồi mà vẫn chưa chịu ký, cứ bảo ông Trợ xét kỹ lại, đừng để sót người bệnh nặng nào để rồi phải mất công lập thêm một danh sách khác nữa. Cán bộ muốn đây là danh sách chót, giải quyết toàn bộ tù nhân bệnh nặng, phải cho về hết! Ông Trợ hăm hở kể lại tôi nghe như vậy, và ông nheo mắt với tôi, nói rằng:

“Trước sau gì anh cũng được về, đừng lo!”

Lời ông đem lại cho tôi niềm hi vọng đã mất từ những ngày trước. Tiếp tục chờ đợi. Danh sách đang còn bổ sung.

Một chiều nọ, cán bộ y tế đưa vào bệnh xá hai tù nhân bệnh xơ gan cổ trướng. Bệnh này trước đây đã có một người được trả tự do. Hai người này cùng một bệnh, e còn nặng hơn trước, tưởng là may mắn được đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy tại Sài Gòn để chữa trị nhưng hóa ra là xui xẻo hơn anh tù xơ gan nằm ở bệnh xá. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ giỏi kể cả một vài bác sĩ nước ngoài, khối xã hội chủ nghĩa, cũng đành bó tay với căn bệnh đã tới lúc không còn cứu chữa của hai anh. Bác sĩ Chợ Rẫy cho trả hai anh về trại giam, yêu cầu thả họ về để sống với gia đình những ngày tháng cuối cùng trước khi chết. Nhưng muốn được như vậy cũng phải chờ đơn xin cứu xét, chờ ban quản trại lập thủ tục tha hoặc tạm tha. Vậy là ông Trợ ghi tên hai anh tù xơ gan này vào danh sách bệnh nặng. Trong thời gian chờ đợi hoàn chỉnh danh sách ấy, cán bộ y tế đã bày hai anh hãy viết thư cho gia đình, rồi cán bộ sẽ mang thư đến tận nhà, hướng dẫn gia đình làm đơn xin bảo lãnh gấp để hai anh được ban quản trại cho về, không cần phải chờ Cục Quản Lý Trại Giam của tỉnh Đồng Nai duyệt theo danh sách bệnh nặng đang còn tiến hành. Một trong hai anh đã được về bằng cách đó.

Anh còn lại tên Tuấn, không được gia đình bảo lãnh, đã sống nốt đời anh trên giường của bệnh xá. Mỗi lần đi đại tiểu tiện, anh rất khổ sở, ì à ì ạch mang cái bụng tròn quay và to hơn những cái bụng đồ sộ nhất của bất cứ người đàn bà chửa nào trên thế giới (lời của Thành, anh nuôi của bệnh xá nằm kế tôi đã nói vậy), đi qua đi lại trước mặt chúng tôi mỗi giờ đồng hồ. Có lẽ vì cơn đau thể xác và sự phiền nhọc của cái bụng nặng, anh đâm ra bẳn gắt, cau có, đụng chuyện gì cũng chửi bới, la toáng lên. Anh đi qua đi lại trong bệnh xá để tiểu tiện được vài ngày thì hết sức, nằm liệt luôn trên giường, phóng uế tại chỗ dù rằng anh hãy còn tỉnh táo. Cán bộ y tế, các công nhân và các cai tù vào bệnh xá, thấy tình trạng anh như vậy đều lắc đầu. Ông Trợ báo cáo cán bộ rằng anh Tuấn đang nằm chờ chết. Cán bộ có vẻ lo quắn lên vì chuyện này, lẩm bẩm như trách cứ ai, rồi đột nhiên quay qua Sinh, anh công nhân cố vấn Ban Chỉ huy Khu C, nói:

“Anh phụ trách chuyện lo cho anh Tuấn trong thời gian này nhé. Cần thứ gì thì báo cáo.”

Nói rồi, cán bộ rời bệnh xá ngay. Sinh ngồi lại nơi văn phòng bệnh xá, bàn việc với ban y tế. Sinh hỏi ông Trợ:

“Theo ông, bây giờ anh Tuấn cần thứ gì?”

Ông Trợ lắc đầu, nhỏ giọng nói:

“Cần gì nữa đâu. Nằm liệt đó cho đến khi chết thôi. Chỉ hơi phiền là… chúng tôi lo việc chữa trị cho biết bao nhiêu bệnh nhân khác, không có thì giờ chăm sóc anh ấy như nhu cầu.”

“Như nhu cầu nghĩa là sao?”

“Nhu cầu đòi hỏi một y công ngồi trực bên giường bệnh của anh Tuấn suốt ngày, săn sóc mọi thứ, nhất là chuyện đại tiện tiểu tiện, giặt giũ quần áo, đút cháo, đưa thuốc, v.v… Những công việc này cũng bận rộn suốt ngày chứ chẳng phải chơi. Chúng tôi mà làm việc ấy thì còn thì giờ đâu mà chữa bệnh cho những bệnh nhân khác.”

“Vậy thì cắt một người ra làm y công, bệnh xá đông như vầy mà không có người ư?”

“Thưa anh, ban y tế chúng tôi chỉ còn ba người là tôi, ông Mậu, ông Cảnh; còn anh nuôi thì lấy từ một người từ bệnh nhân. Trên nguyên tắc… bệnh nhân nằm điều trị và chữa bệnh ở đây không bị bắt buộc phải nhận công tác của bệnh xá, chúng tôi đâu có dám cắt cử hay chỉ thị ai.”

“Thì biết rằng vậy, nhưng sao không thử tìm xem có ai chịu tình nguyện làm y công giúp đỡ anh Tuấn?” Sinh nói đến đó thì đảo mắt một vòng, nhìn quanh hai dãy giường cặp hai bên chiếc bàn làm việc của ban y tế.

Tôi định giơ tay tình nguyện nhưng nghĩ lại, thấy chưa đúng lúc, bèn ngồi im. Tôi biết người nào nhận việc chăm sóc cho Tuấn sẽ được tháo cùm suốt ngày, tự do đi lại nhiều hơn trong phạm vi Khu hoặc ngoài bờ ao (để giặt giũ) như các nhân viên của ban y tế. Cái chuyện như vậy tốt nhất là để người ta yêu cầu chứ đừng có dại mà giong tay tình nguyện để rồi bị nghi là có ý đồ trốn trại—nhất là một người tù chính trị có án nặng như tôi.

“Nhưng ngoài chuyện chăm sóc ăn uống, giặt giũ, đưa thuốc uống ra, anh Tuấn còn cần thứ gì nữa?” Sinh hỏi ông Trợ.

“Thưa anh, có lẽ cũng cần chút ít thức ăn hay bột gì đó chứ giỏ đồ của anh Tuấn hình như đã cạn khi mới về tới đây. Gia đình anh ấy đã bỏ mặc, không thăm nuôi anh nữa.”

“Anh ấy vẫn còn ăn uống được bình thường sao?”

“Hiện thời thì có thể ăn cháo và bột.”

“Vậy thì ban y tế cứ viết phiếu xin cấp dưỡng đặc biệt, kê khai những gì cần thiết, đưa lên văn phòng Khu nhờ chuyển lên trên cứu xét như cán bộ đã nói lúc nãy. Vậy há!”

Nói rồi, Sinh ngồi suy nghĩ một lúc, rồi nói tiếp với giọng cố ý lớn để mọi người trong bệnh xá có thể nghe được:

“Nhưng khi anh Tuấn được cấp dưỡng mọi thứ rồi thì cái người y công giúp đỡ chăm sóc anh phải là người y công có lòng, đặc biệt là phải có thăm nuôi, phải không?” Sinh cười một tiếng. “Chứ không thì y công ăn hết đồ của bệnh nhân sao! Cho nên, phải tuyển chọn y công cho kỹ mới được! Không phải chỉ có lòng không thôi mà còn phải có thăm nuôi đầy đủ nữa.”

Tôi nghe vậy thì hầu như không còn ý định tình nguyện giúp đỡ anh Tuấn nữa. Ban đầu, lòng thương của tôi đối với người bệnh liệt giường kia đã bị lý do chính trị ngăn chận; bây giờ, lại lý do kinh tế cản trở. Thôi, tôi thầm nhủ, để người khác làm vậy. Nhưng rõ ràng là khi nói xong những lời ấy, Sinh đã hướng cặp mắt nhìn về phía tôi. Dĩ nhiên đã từng sống chung với tôi một phòng giam ở nhà đá, Sinh thừa biết tôi là tu sĩ. Sinh không muốn công khai yêu cầu tôi làm y công vì làm như vậy có vẻ như là bất kính với một tu sĩ khác đạo với Sinh; nhưng có lẽ anh thấy không thể tìm người nào khác hơn để làm công việc ấy.

Theo hướng nhìn của Sinh, ông Trợ ngó tôi, hiểu ý ngay, bèn đứng dậy, bước về chỗ tôi, hỏi:

“Chuyện này chắc ngoài anh Khang ra, chẳng ai đủ tiêu chuẩn gánh vác. Anh giúp Tuấn được không?”

Tôi không trả lời ngay, chỉ nhìn Sinh dọ ý. Sinh thấy tôi nhìn thì cũng đứng dậy, bước một bước tới chỗ tôi, nói:

“Giúp dùm đi, ở đây không ai khác làm được đâu.”

Tôi gật đầu. Vậy là Sinh bảo anh nuôi rút sắt, tháo cùm, cho tôi ra ngoài.

***

Công việc tôi làm bây giờ là công việc mà ông Mậu và ông Cảnh đã thay phiên nhau làm trong những ngày trước một cách khổ nhọc đến độ hai ông cứ cãi vả, phân bì nhau người làm ít, người làm nhiều. Thấy có tôi đảm nhận, họ vui mừng giao cho tôi một xấp giấy bỏ (loại giấy để viết đơn từ đã xài rồi) như là “dụng cụ” nghề nghiệp căn bản của người y công vậy.

“Giấy này để làm gì?” tôi hỏi.

“Để chùi đít thằng Tuấn,” ông Cảnh mau mắn đáp.

À, té ra là như vậy. Công việc chính trong ngày của tôi đối với Tuấn có nhiều thứ lắm, nhưng chùi đít và giặt áo quần dơ là chuyện chính.

Giường của Tuấn nằm là giường cấp cứu, đặt ở giữa văn phòng bệnh xá, ngay cửa ra vào. Tuấn còn tỉnh táo, biết những gì xảy ra chung quanh, nhưng không ngồi dậy nổi, chỉ nằm tại chỗ. Thời gian ban y tế thay nhau làm y công, Tuấn đại tiện mỗi ngày chừng ba lần. Đến khi tôi lo việc chăm sóc anh thì tình trạng tồi tệ hơn: cứ ba mươi phút anh phóng uế một lần. Phân của anh lúc bấy giờ là một thứ chất lỏng, đo đỏ như máu và nhờn nhờn như đàm, tanh hôi khủng khiếp. Dường như có cái mùi của thây chết phun theo những dòng nước lỏng bầy nhầy ấy. Mỗi lần anh đại tiện, cả bệnh xá nhăn mặt nhăn mày, né đi nơi khác. Tôi xé những trang giấy lớn thành từng miếng nhỏ vừa một bàn tay, vo cho nhàu để giấy được mềm đi một chút rồi lại trải ra, để sẵn bên hông Tuấn. Khi nào Tuấn khều tay tôi, chỉ xuống dưới là tôi lập tức kéo quần anh xuống lót một tờ giấy lớn vào, chờ anh phóng uế xong, lấy những mẩu giấy nhỏ đã vo mềm, lau cho anh. Lau xong, gói gọn lại bỏ vào lon, chờ có dịp ra bờ ao đổ phân thì mang đi.

Hôm ấy, trong thời gian tôi vắng mặt năm phút để đi đổ phân, Tuấn đã đại tiện thêm lần nữa ngay trong quần, tôi phải cởi ra thay cho anh quần khác (anh có hai bộ đồ tù) rồi mang quần kia đi giặt. Giặt quần kia xong, phơi chưa kịp khô thì quần này lại tràn ngập phân lỏng. Tôi lấy một quần xà-lỏn của tôi để mặc cho anh. Nhưng rồi cái quần xà-lỏn cũng dính đầy phân. Đến lúc đó, tôi mới sực biết là anh không còn kiểm soát chuyện đại tiểu tiện nữa, hoặc đã mất cảm giác ở bộ phận bài tiết. Hình như anh còn tỉnh táo ở nửa phần người phía trên. Anh biết tôi đang làm gì, nhưng anh không biết trước là anh sắp đại tiểu tiện. Tuy vậy, điều tôi đoán hình như không đúng lắm, vì rõ ràng là anh biết đau. Anh nổi cáu văng tục chửi tôi một tràng rồi nói:

“Lau nhẹ nhẹ một chút được không mày!”

“Xin lỗi, xin lỗi nghe, tôi không cố ý đâu.”

Tôi biết là do giấy dày cứng quá mà lại lau chùi một chỗ quá nhiều lần trong ngày nên vùng hậu môn bị trầy xước thế nào đó, bây giờ chỉ cần đụng nhẹ vào là đau. Đã vậy, giấy mà ban y tế cung cấp cho tôi chùi hậu môn Tuấn cũng sắp hết khiến tôi đâm lúng túng, chưa biết tính sao. Tôi hỏi ông Cảnh thư ký thì ông này nói:

“Hết giấy chùi đít thì chịu thua thôi chứ biết làm sao bây giờ. Hay là để tôi làm đơn xin trại cấp giấy chùi đít.”

“Dạ, chú nhớ xin vài cuộn giấy vệ sinh đàng hoàng chứ đừng xin ba thứ giấy bỏ như vầy cứng lắm, anh ấy chịu không nổi đâu!”

Ông Cảnh cười, lắc đầu nói:

“Biết giấy cứng đã có chưa mà đòi giấy mềm! Ở tù mà làm như ở cung điện vậy! Bộ không nhớ lâu nay bọn mình chỉ xài lá cây với cành cây thôi sao!”

“Nhưng mà… đây là trường hợp đặc biệt, người ta bệnh nặng… Thôi, trong khi chờ đợi trại cho giấy, ban y tế cũng ráng tìm giúp cho một ít giấy nghe.”

“Hết rồi, bao nhiêu giấy trong văn phòng này đã dồn hết vào cái đít kia rồi, anh không biết sao! Ngày nào cũng vét giấy! Bây giờ chỉ còn hồ sơ bệnh án, đâu có đụng vào đó được!”

“Ơ… vậy chú làm đơn xin giấy dùm gấp gấp một chút nghe!”

“Gấp? Mình làm đơn gấp nhưng người ta cứu xét từ từ thì cũng như không!”

“Thì cứ làm đi mà!” tôi năn nỉ.

Cái ông Cảnh này, thật là bi quan, khó tính! Nói cái gì cũng bàn ra. Ông từng là thư ký của Ủy Ban Nhân Dân xã và bây giờ cũng là thư ký của bệnh xá, vậy mà ông chẳng tin gì vào hiệu năng của đơn xin, của giấy tờ!

Tôi đến ngồi bên giường bệnh của Tuấn nhìn anh ngủ. Ông Trợ nói sơ cho tôi nghe rằng Tuấn có vợ và một đứa con. Anh nghiện ma túy rồi bị bắt vào tù. Ở tù, bị bắt buộc phải cai thuốc, rồi do thiếu dinh dưỡng, anh bị xơ gan (?). Ba người bị cùng chúng bệnh xơ gan cổ trướng phình lên hết mức, đều là người có sử dụng ma túy trước khi vào tù. Tôi không rành về y khoa để hiểu nguyên do nào mà họ đều mắc chứng bệnh nan y và phải đi đến cái chết như vầy. Một cái chết từ từ một cách tàn nhẫn. Hai người kia may mắn hơn Tuấn, đã được trả tự do để sống quãng đời cuối với sự chăm sóc và mai táng của gia đình. Chỉ còn lại Tuấn, không ai bảo lãnh. Cán bộ trại đã nói chuyện với gia đình Tuấn nhưng gia đình anh yêu cầu cứ để anh ở lại trong trại. Họ không muốn nhận anh trở về. Ngay cả mẹ ruột của anh cũng từ chối. Tôi không hiểu đâu là lý do chính của sự từ chối này. Có lẽ họ quá nghèo, không đủ sức lo cho Tuấn; cũng có lẽ là lúc trước Tuấn làm khổ họ quá nhiều, bây giờ họ không muốn nhìn mặt anh nữa…

Tuấn chợt mở mắt ra, nhăn mặt một lúc rồi la:

“Đồ quỉ sứ, còn ngồi đó mà ngó nữa à. Sao không lo lau cứt cho tao!”

Tôi giật mình nhìn xuống phía dưới vùng hạ bộ của Tuấn, thấy phân lỏng đã chảy ra một vũng lênh láng lầy nhầy. Giường nằm của Tuấn cũng được đóng bằng gỗ, chỗ nằm lót ván ép, không có đường cho phân và nước tiểu rút xuống đất. Phân và nước tiểu chảy tràn trên mặt ván, phải dùng giấy cào dồn, túm lại rồi vất vào lon. Mà lau chùi bằng giấy thì không thể nào sạch hết được, phân vương lại, thấm lại trên mặt ván, hôi tanh nồng nặc, ruồi nhặng đánh hơi bay vào từng đàn, đập cánh nghe vù vù. Tôi xin giẻ để lau giường, bệnh xá không có. Muốn dời Tuấn qua giường khác để chùi rửa giường này, bệnh xá cũng không cho, bảo rằng cứ để Tuấn nằm yên đó, không dời đi đâu. Lau chùi cho Tuấn xong, tôi ngồi quạt ruồi cho anh. Cảm thấy bất lực. Cảm thấy như mình không làm tròn trách nhiệm. Trong lòng bứt rứt vô cùng mà chẳng biết phải làm gì. Cứ ngồi đó quạt. Quạt mạnh tay để đuổi ruồi thì bị Tuấn la chửi, bảo rằng lạnh. Quạt hơi thưa thì ruồi bâu vào, Tuấn cũng la mắng, bảo rằng nhột hoặc nóng, bảo rằng tôi làm biếng. Đôi khi bất bình, tôi muốn bỏ cuộc nhưng thấy tội nghiệp anh ta nên không đành. Có khi tôi phải niệm Phật để trấn át cái tâm sân hận sắp bùng nổ trong tôi. Có khi tôi phải quán tưởng rằng mình là một bà mẹ đang chăm sóc đứa con bệnh nặng để vượt qua những tủi nhục uất ức rất bạc bẽo mà Tuấn dành cho tôi. Có khi tôi phải tưởng tượng rằng Tuấn chính là đứa em ruột của tôi đang nằm chờ chết…

Đơn xin cứu xét những bệnh nhân bệnh nặng không thể chữa trị lần thứ hai đã có hiệu quả. Cán bộ vào bệnh xá đọc tên, mấy chục người hí hửng rời giường bệnh tập trung ở văn phòng Khu. Đợt này có cả tên của Tuấn. Tuấn nghe đọc tên, chỉ ngước mặt nhìn cán bộ một lúc rồi nhắm lại. Tổng cộng khoảng bốn chục người được thả trong đợt này. Theo ông Trợ cho biết thì danh sách gởi đi là một trăm hai mươi người; vậy là chỉ mới được cứu xét khoảng một phần ba.

“Yên chí đi, anh sẽ được về mà. Còn khoảng tám mươi người nữa, không lý lại chẳng có tên anh!” ông Trợ an ủi tôi.

Ông Trợ nói rồi tôi mới sực nhớ rằng tên tôi cũng có trong danh sách xin cứu xét của bệnh xá. Hóa ra nhiều ngày nay ngồi bên giường bệnh theo dõi và chia sẻ nỗi đau khổ thể xác lẫn tinh thần của Tuấn, cái bản ngã của tôi và tất cả niềm hoài vọng tự do của nó như thể bị teo rút lại, nhường chỗ cho một thực trạng thống khổ mênh mang giăng ngập trong lòng. Mọi thứ đối với tôi lúc ấy, không quan trọng nữa. Tôi đã quên tất cả. Trước mắt tôi chỉ có Tuấn và cơn đau của anh, những biến thái trên nét mặt và cơ thể anh. Có một cái gì gắn bó tôi với công việc chăm sóc Tuấn. Nó không phải chỉ là trách nhiệm hay bổn phận. Nó cũng không đơn thuần như là lòng thương. Nó dường như là sự cúi đầu của tự ngã xuống niềm đau cuộc đời. Nó dường như là sự hồi hộp bâng khuâng của tâm thức trước ngưỡng cửa của thực tại tối hậu—cái thực tại mà lâu nay tôi ngỡ là phải nhìn lên, cất cao lên để vươn tới, thì bây giờ, nó ở ngay bên dưới, phải cúi đầu, phải nhìn xuống…

***

Tôi thực sự là không còn mẩu giấy nhỏ nào để lau chùi cho Tuấn. Chưa thấy giấy vệ sinh của trại đưa đến, mà bệnh xá cũng không còn bất cứ giấy tờ bỏ nào. Ban y tế lắc đầu, xuôi tay, phó thác chuyện đó cho tôi, coi như Tuấn là cái gì thuộc về tôi, không còn liên hệ gì đến họ. Tôi ngồi cạnh Tuấn một lúc thì bất chợt nẩy ra sáng kiến hay. Tôi vội lôi giỏ xách của mình, lấy ra cái mùng vải và tấm khăn bàn bằng ni-lông (được gia đình tôi gởi vào, dùng làm tấm lót trải dưới chiếu để cản hơi đất khi tôi còn ở trại B5 Biên Hòa), và tấm chăn (cũng bằng vải mỏng). Tôi mượn cây kéo của ban y tế, cắt cái mùng vải của tôi ra thành cả trăm mảnh nhỏ; còn tấm ni-lông thì cắt thành mười miếng hình chữ nhật mỗi miếng lớn bằng cái khăn lau mặt. Vải thì dùng để lau chùi hậu môn cho Tuấn, vừa để thay giấy vệ sinh, vừa khỏi làm đau anh; còn ni-lông thì lót sẵn dưới mông Tuấn để phân lỏng khỏi dính vào ván giường và cũng tiện cho việc giặt rửa; còn tấm chăn thì đắp cho Tuấn, che phần hạ bộ cho anh để tránh chướng mắt người ra kẻ vào ở bệnh xá, vì ông Trợ bảo đừng mặc quần cho anh nữa. (Tấm chăn này cũng thuộc loại chăn vải mỏng, tôi dự định là nếu xấp vải mùng kia thiếu, cũng sẽ cắt nó ra thành trăm mảnh để lau chùi cho Tuấn, hy vọng cầm cự được cho đến ngày có giấy vệ sinh của trại giam đưa tới.)

Đến giai đoạn này thì Tuấn đại tiện khoảng 15 phút một lần, và đang dần dần đi vào hôn mê. Bụng anh xẹp đi khá nhiều so với mười ngày trước. Điều này ông Trợ không nói, nhưng tôi có cảm tưởng là cái bụng phình trướng ấy chứa đầy phân và máu mủ. Tuấn đại tiểu tiện càng nhiều thì bụng anh càng xẹp bớt. Và bây giờ, anh không đi ra phân lỏng nhờn nhờn như đàm dãi nữa, mà đi ra máu, máu tươi. Máu vọt ra khỏi hậu môn như một cái miệng núi lửa phun bắn ra những dòng phún xuất thạch. Máu vừa ra khỏi người anh, tôi chưa kịp lau xong đã thấy khô thật nhanh trên vải. Tôi nói với ông Trợ. Ông Trợ đến nhìn rồi kéo tôi ra nói riêng:

“Giai đoạn cuối rồi đó.”

Ông Trợ không cho Tuấn ăn cháo lỏng từ mấy ngày trước mà chỉ cho uống nước gạo rang. Mỗi ngày tôi theo anh nuôi của bệnh xá xuống bếp rang gạo rồi đổ nước vào nấu một xoong nhỏ đem lên cho Tuấn, đút cho anh húp từng muỗng nhỏ. Ngoài nước gạo rang, tôi cũng cho Tuấn uống thuốc Nam do ông Mậu nấu, mỗi ngày ba lần, từ nhiều ngày nay (vì cả bác sĩ Chợ Rẫy lẫn ban y tế của bệnh xá đều nói là nhà nước không có loại thuốc Tây nào để trị cho căn bệnh này—nhất là đã đến thời kỳ nghiêm trọng, gọi là hết thuốc chữa).

Sau hai ngày hôn mê và đi ra máu tươi, Tuấn bỗng tỉnh dậy vào buổi trưa hôm nay. Nằm im tại chỗ, mắt mở lớn, nhìn tôi đăm đăm, một lúc Tuấn nói:

“Anh tên gì vậy?”

“Khang”, tôi đáp.

“Anh giúp tôi một chuyện được không?”

“Chuyện gì cũng được, anh nói đi,” tôi khích lệ.

“Tôi thèm ngọt quá anh Khang ơi! Anh làm sao nói cán bộ cấp cho tôi bột hay đường gì đó, được không?”

Tôi lúng túng, nói:

“Không rõ họ có cho phép ăn uống như vậy không, vì nghe nói… bệnh của anh phải uống thuốc và chỉ uống nước gạo rang…”

“Xì, nước gạo rang, nước gạo rang, ngày nào cũng nước gạo rang! Người ta chết đến nơi rồi, ăn uống thứ gì vào cũng vậy thôi! Chẳng ăn thua gì đâu.”

Ông Trợ nghe Tuấn nói chuyện với tôi thì bước tới sờ trán, rồi vừa bắt mạch vừa nói:

“Anh muốn ăn gì?"

“Cho xin một ca bột đi bác sĩ ơi!”

“Được rồi, được rồi, để tôi nói anh Cảnh viết đơn xin cấp dưỡng gởi đi ngay.”

Tuấn sáng mắt lên một lúc rồi lại tỏ vẻ thất vọng, nói lầm bầm:

“Lại là đơn xin! Biết chừng nào mới có!”

“Nếu bệnh xá cho phép, để tôi lấy bột của tôi,” tôi nói.

“Anh còn bột không?” ông Trợ quay nhìn tôi, hỏi.

“Còn một ít, để tôi khuấy cho anh ấy nghe.”

“Tốt lắm, anh cho xin đi.” Ông Trợ nói.

Tôi vội đi khuấy bột, đút từng muỗng cho Tuấn ăn.

“Ngon quá, bột của anh hình như chỉ có đậu xanh trộn với sữa bột và đường, ăn khoái lắm! Tôi chưa từng ăn ca bột nào thơm ngon như vậy,” Tuấn nói.

Nói rồi, đâu chừng nửa phút sau anh lịm vào giấc ngủ. Và máu nơi hậu môn anh tiếp tục tuôn ra, từng dòng, từng dòng, càng lúc càng nhiều hơn. Tôi liên tục lau chùi và thay ni-lông trong suốt buổi xế hôm ấy. Đến chiều, khi trời sắp tắt nắng, Tuấn lại thức tỉnh, mở mắt nhìn tôi quan sát một lúc, rồi nói:

“Anh Khang có vợ con không?”

“Không,” tôi đáp.

“Anh bao nhiêu tuổi mà chưa vợ con?”

“Hai mươi bảy rồi.”

Tuấn gật gù, nằm suy nghĩ một lúc rồi tiếp:

“Hai mươi bảy tuổi mà chưa vợ con thì cũng lạ đó chớ. Nhưng không có thì càng tốt đó anh Khang à. Em nhỏ tuổi hơn anh, có vợ con sớm, mà rồi bây giờ nằm xuống có được vợ con nhìn mặt đâu. Em đâu có đòi hỏi gì nhiều! Hôm trước em nhờ cán bộ nhắn về là chỉ xin gặp mặt lần cuối thôi mà vợ em cũng từ chối, không cho gặp. Thực ra thì em cũng chẳng nhớ vợ lắm đâu, chỉ nhớ đứa con, muốn nhìn nó một lần trước khi chết… Vậy mà cũng không cho. Em nhắn xin gặp mẹ em, mẹ em cũng lờ luôn, không trả lời gì hết.”

“Chắc tại gia đình bị trở ngại chuyện gì…” tôi an ủi.

“Không phải đâu, không có trở ngại gì đâu. Đi gặp mặt chứ có phải đi thăm nuôi quà cáp mà trở ngại! Em biết chỉ vì gia đình không ai thương em nữa. Gia đình em mà còn như vậy thì đủ biết tất cả những con người trên đời này, không có ai thương em hết… Mẹ em, vợ em, con em, cả gia đình em đều ghét em, không một người nào còn thương em, cho đến mấy ông cán bộ, bác sĩ, y tá, công nhân, chức năng, bạn tù, bệnh nhân trong bệnh xá này… ai cũng nhìn em bằng cặp mắt khinh bỉ, ghê tởm… Người ta bịt mũi, nhắm mắt, không muốn nhìn em. Tất cả, không một người nào trên cuộc đời này còn chút tình người! Em không hiểu tại sao em lại có mặt trên cuộc đời khốn nạn này để rồi chết cô đơn như vầy…” Nói đến đây, Tuấn bắt đầu khóc, khóc lặng lẽ bằng hai giọt nước mắt lăn nhanh từ cuối đuôi mắt, rơi xuống cái gối bẩn thỉu. Một chốc, Tuấn chớp mắt nhìn tôi, nói, “Không, thực ra có một người thương em, có một người thương em, em biết, đó là anh đó, anh Khang.”

Tôi im lặng không biết phải an ủi Tuấn bằng lời nào. Một lúc, tôi nói được một câu không hay lắm:

“Đừng nghĩ như vậy, lo dưỡng bệnh đi. Một người bệnh nặng, đau khổ như Tuấn, ai lại chẳng thương.”

“Anh đừng bênh vực cho họ nữa anh Khang à. Em biết hết rồi, em hiểu hết rồi. Cuộc đời này là như vậy. Hừ, anh Khang biết không, có một lúc nào đó, tự dưng mình cảm thấy cô đơn kinh khủng, rồi cảm thấy rằng tại sao mình phải gánh chịu cái khổ đau của cuộc đời này một cách thật vô lý… mình nghe lời bạn bè đi tìm vui, mình đốt một điếu thuốc, mình tiêm một mũi thuốc… rồi cuộc đời mình bắt đầu đi xuống, đi xuống đến tận cùng cái đáy khổ đau và cô đơn nhất, ở đó, không còn ai khứng nhận mình nữa. Đời em là như vậy đó. Xoay trước xoay sau, không còn con đường nào để đi.”

Tuấn lại khóc. Một lúc, anh chùi nước mắt, cười với tôi, nói:

“Em khùng quá hả anh Khang, đương không lại đi nói ba cái chuyện như vậy với anh.”

“Không, Tuấn cứ nói đi, tôi thực sự muốn nghe, muốn biết lắm.”

“Em đã nói hết rồi. Đời em chỉ có như vậy, đâu có như anh Khang, phải không anh? Anh Khang à, sao anh có thể thương được em vậy? Em chỉ là con người hư đốn phá làng phá xóm. Em chỉ là người dưng nước lã của anh thôi mà! Thương em, anh đâu có lợi lộc gì đâu! Em có cái gì đâu mà anh thương.”

Tôi lúng túng không biết nói gì. Một khắc sau tôi mới nói được một câu rất nhỏ, không chắc là Tuấn có nghe được không:

“Em có tất cả nỗi đau khổ của cuộc đời.”

Tôi nói đến đó thì mắt tôi cũng rưng rưng và ngay trong giây phút ấy, tôi trực nhận một thứ ánh sáng rực rỡ thanh khiết như bừng tỏa một cách tràn đầy từ tự tâm tôi, mà cửa ngõ hay nguồn cội của nó chính là ở chỗ lấp lánh long lanh của giọt nước mắt chưa kịp tuôn.

“Anh Khang ơi, em thèm nước đá lạnh quá! Anh nói họ cho em xin vài cục đá lạnh đi.”

Tôi nói với ông Trợ. Ông Trợ nói với ông Cảnh. Ông Cảnh chạy qua văn phòng Khu, nói với Ban chỉ huy. Ban chỉ huy cử người qua nhà hàng của trại giam để xin đá lạnh.

“Anh Khang ơi, anh là ai vậy? Anh làm gì ở ngoài đời mà phải vào đây?”

Tôi cười, không nói.

“Anh hiền quá. Đáng lẽ anh đâu có bị tù. Nhưng mà… anh có vẻ là con người không đau khổ, dù anh đang ở tù như em và mọi người ở đây. Anh bình an quá. Làm sao em có được sự bình an như anh? Anh theo đạo gì vậy, anh có thể dạy em nghe vài lời gì đó không?”

Nhìn dấu thánh giá xâm nơi cánh tay của Tuấn, tôi thấy không cần thiết phải nói tôi đạo gì. Tôi im một lúc, nhớ lại đoạn kinh ngắn tôi đã đọc cho Phương, cô nữ công an ở trại B5, tôi nói:

“Đây là điều tôi học được từ người khác, nếu Tuấn muốn nghe, tôi đọc cho Tuấn há: Đừng làm việc ác, hãy làm việc lành, giữ tâm trong sạch. Quan trọng nhất là giữ tâm trong sạch.”

Khi đọc cho Phương, tôi đọc đủ bốn câu vì Phương biết tôi là tu sĩ, và Phương cũng theo đạo Phật. Bây giờ đọc cho Tuấn, tôi bỏ bớt câu cuối “Đó là lời Phật dạy.”

Tuấn nằm im, có vẻ suy nghĩ một lúc, rồi hỏi:

“Làm sao giữ tâm trong sạch khi em thấy rõ những điều lỗi mà em đã làm trong quá khứ?... Càng lúc em càng thấy rõ chúng hơn. Chẳng hạn em thấy em la mắng chửi bới anh… Em xin lỗi nghe anh Khang. Anh tha thứ cho em nghe.”

“Đừng nhớ chuyện cũ, tôi không chấp đâu. Bỏ qua hết đi, cứ nhìn những gì hiện ra trong đầu óc mình như đang xem chiếu phim vậy, đừng tránh né, cũng đừng nhập vai với chúng. Phải biết là chúng không có thật. Nhớ là giữ tâm bình tĩnh, như người ngồi xem phim. Nhớ nghe, chúng không có thật đâu.”

Tuấn gật đầu rồi liền sau đó, chìm vào cơn hôn mê. Tôi buồn bã đứng dậy, đến hỏi ông Trợ về chuyện đá lạnh.

“Thì cho người đi xin rồi, chờ đem đến, chắc là sẽ có ngay. Hờ, thèm gì mà thèm bất nhân quá! Đòi đá lạnh giờ này làm sao mà có, chiều tới nơi rồi. Mà đây là bệnh xá nhà tù chứ có phải bệnh viện Chợ Rẫy đâu chứ!”

Tôi quay ra chỗ Tuấn, ngồi bên giường, lấy quạt xua ruồi. Tuấn có vẻ đang ngủ một giấc ngon, êm đềm. Gương mặt anh bây giờ hồn nhiên như trẻ nít. Bên ngoài, các toán lao động vừa tắm dưới hồ sen lên, xếp hàng đếm số để vào phòng. Bệnh nhân ở bệnh xá lục tục lấy ca ra nhận phần cơm chiều. Ráng hoàng hôn vô tình rực sáng một màu hồng tía ở phía trời tây. Tôi lặng lẽ ngồi đó, cầu nguyện cho Tuấn. Và trong khi mọi người đang lăng xăng chia cơm, lãnh cơm, ăn cơm, Tuấn bừng mắt dậy, nhìn tôi, mỉm cười. Ông Trợ đi ngang thấy vậy bèn ghé xuống tai Tuấn nói:

“Sắp tới rồi, đá lạnh sắp tới rồi, sẽ có ngay, rán chờ một chút nữa đi!”

Tuấn có vẻ không để ý lời ông Trợ, chỉ ngước mắt nhìn tôi đăm đăm một lúc.

“Em không cần gì nữa hết anh Khang ạ. Anh Khang cúi xuống đây em nói nhỏ với anh cái này đi.”

Tôi cúi mặt xuống, kê sát tai vào miệng Tuấn. Tự dưng Tuấn đưa hai tay, bá lấy đầu cổ tôi, kéo xuống thấp hơn, hôn lên má tôi một cái thật lâu, rồi thả tôi ra, nhìn tôi, cười nụ cười đầu tiên mà tôi thấy trên môi anh từ nhiều ngày qua. Tuấn nói nhỏ:

“Anh Khang ơi, sau này anh sướng lắm đó nghe.”

Đó là lời chúc phúc cuối cùng của Tuấn dành cho tôi, nhưng lúc ấy tôi vụng về, không hiểu. Tôi đã không biết nói gì, làm gì để đáp lại lời cuối của anh. Chỉ đưa một bàn tay lên, sờ trán anh, rồi áp nhẹ bàn tay ấy vào má anh như vỗ về một đứa em bất hạnh. Tuấn nhắm mắt, nụ cười giữ lại trên môi một lúc. Từ đó anh đi vào cơn hôn mê thực sự, kéo dài từ khoảng sáu giờ chiều đến tám giờ tối mới hắt ra hơi thở cuối cùng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]