Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm một Phân biệt giới

11/08/201019:33(Xem: 12106)
Phẩm một Phân biệt giới

ACARYA VASUBANDHU
ABHIDHARMAKOŚABHĀṢYAM
阿 毘 達 磨 俱 舍 論
A-TÌ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ LUẬN I
dịch theo bản Sanskrit
TUỆ SỸ
BAN TU THƯ PHẬT HỌC 2547 – QUÝ MÙI

Phẩm một
Phân biệt giới

PRATHAMAṂ KOŚASTHĀNAM

(Dhātunirdeśaḥ)

I. Quy kỉnh

[1] Vị mà tất cả bóng tối đã bị diệt trừ một cách toàn diện[1],

Đã vớt thế gian lên khỏi vũng lầy luân chuyển;

Sau khi kính lễ vị Đạo sư như lý như vậy,

Tôi sẽ diễn giải luận Abhidharmkośa.[2]

Khi muốn tạo luận, với mục đích hiển dương sự vĩ đại của vị Đạo sư của mình, (Luận chủ) trước hết kính lễ vị ấy.

(Đại từ) vị mà[3]chỉ đức Phật Thế Tôn.[4]Đối với vị ấy, hay do bởi vị ấy, bóng tối đã bị diệt trừ, do đó nói «mà tất cả bóng tối đã bị diệt trừ.»Bóng tối đã bị diệt trừ với mọi hình thái, trong mọi trường hợp, do đó nói, «tất cả bóng tối đã bị diệt trừ một cách toàn diện.» Chính sự vô tri[5]là bóng tối, vì nó ngăn không cho thấy đạo nghĩa chân thật.

Duy chỉ Phật Thế Tôn, do chứng đắc phần đối trị[6], mới diệt trừ sự vô tri ấy một cách toàn diện khiến nó không còn tái sinh trong tất cả mọi đối tượng nhận thức[7]. Do đó nói, Ngài đã diệt trừ tất cả bóng tối một cách toàn diện.

Các vị Bích-chi-phật và các vị Thanh văn tất nhiên cũng đã diệt trừ bóng tối trong tất cả mọi trường hợp. Tuy đã diệt trừ sự ngu si ô nhiễm[8]nhưng chưa được hoàn toàn, do đó, không phải là «một cách toàn diện.» Thật vậy, các vị này còn có sự vô tri không nhiểm ô đối với các pháp của Phật[9], đối với các đối tượng xa vời trong không gian và thời gian, đối với các chủng loại nghĩa lý sai biệt vô hạn.

Sau khi tán thán bằng sự thành tựu phẩm tính tự lợi như vậy, (Luận chủ) tán thán đức Thế Tôn ấy bằng sự thành tựu phẩm tính lợi tha, do đó nói, «đã vớt thế gian lên khỏi vũng lầy luân chuyển.» Vòng luân chuyển[10]thực sự là nơi mà thế gian bị dính mắc, khó vượt thoát, do đó nói là vũng sình. Do vì thương xót thế gian chìm đắm ở đó, không thể vượt qua, đức Thế Tôn, tùy trường hợp thích ứng, bằng sự diễn giải Chánh pháp, giống như chìa ra bàn tay để cứu vớt.

«Sau khi kính lễ» nghĩa là sau khi cúi đầu kính lễ vị đã thành tựu các phẩm tính tự lợi và lợi tha như vậy.

«Như lý sư» (yathārthaśāstra) là vị giảng dạy đạo nghĩa như thực, không điên đảo. Bằng ý nghĩa này Luận chủ nêu rõ phương tiện thực hành lợi tha. Đức Thế Tôn là vị Đạo Sư đã cứu vớt thế gian lên khỏi vũng sình luân chuyển bằng sự thuyết giáo như thực chứ không phải bằng thần thông, ân huệ, uy lực.

Sau khi kính lễ như vậy, sẽ làm gì? Luận chủ nói, «Tôi sẽ diễn giải luận.» Vì để giáo dục các môn đệ nên gọi là «Luận» (Śāstra). Luận gì? Luận Abhidharmakośa.

Abhidharma này là gì?

II. Định nghĩa abhidharmakośa

a. Abhidharma

[1a] Abhidharma là huệ vô nhiễm[11]và những tùy hành của nó.

Huệ (prajñā) ở đây là sự tư trạch pháp[12]. Vô nhiễm (amala) chỉ cho vô lậu (anāsrava). Tuỳ hành[13]chỉ cho tùy tùng của nó[14]. Tóm lại, năm uẩn vô lậu (anāsravaḥ pañcaskandhako) được nói là Abhidharma. Đó là Abhi­dharma theo nghĩa siêu việt[15]. Nhưng nói theo nghĩa thường nghiệm[16]thì

[1b] Và những huệ và luận mà nhằm chứng đắc huệ ấy.

Và những huệ, ở đây chỉ các huệ hữu lậu được tác thành do nghe, do tư duy, do tu tập (śruta-cintābhāvanāmayī), và do bẩm sinh (upa­patti­pratilambhika), cùng với các tùy hành của chúng. Và Luận[17]nhằm mục đích chứng đắc huệ vô lậu ấy cũng được gọi là Abhidharma, vì là tư cụ của nó.

Theo ngữ nguyên, do duy trì yếu tính tự thân (svalakṣaṇa) nên nó được gọi là pháp[18]. Pháp được gọi là Abhidharma là pháp siêu việt tức Niết-bàn, hoặc chỉ cho pháp đối diện[19]với yếu tính của pháp (dharmasvalakṣaṇa).

Đã nói xong nghĩa của Abhidharma.

b. Kośa

Luận này vì sao được gọi là Abhidharmakośa?

[2cd] Theo nghĩa lý của nó mà nó được đưa vào[20]trong đây,

Và nó cũng là sở y của đây, nên gọi đây là Abhidharmakośa.

Luận mà tiêu danh là Abhidharma, theo ý nghĩa đặc sắc thì Abhidharma được đưa vào trong Luận này nên Luận là bao chứa (kośasthānīya) của Abhidharma[21]. Hoặc Abhidharma là sở y của Luận, là xuất xứ của Luận, cho nên Abhidharma là kho chứa (kośa) của Luận[22]. Vì vậy, Luận này được gọi là Abhidharmakośaśāstram.

III. Ý hướng abhidharma

Do ý hướng gì mà Abhidharma được giảng thuyết? Và ai là người đầu tiên công bố mà Luận chủ cung kính diễn giải? Tụng nói:

[3] Ngoại trừ sự giản trạch về các pháp, không có

Phương tiện đặc sắc nào để dứt sạch các ô nhiễm.

Do bởi ô nhiễm mà thế gian lang thang trong biển hữu.

Vì vậy, theo truyền thuyết, Abhidharma đã được Đức Đạo Sư giảng thuyết.

Nếu không do sự giản trạch pháp (dharmapravicaya)[23]thì không có phương tiện ưu việt nào để dứt sạch các phiền não. Chính do phiền não mà thế gian lang thang trong biển hữu này. Do bởi nguyên nhân này, với mục đích là tư trạch pháp, mà, theo truyền thuyết (kila)[24], đức Đạo Sư, tức là Phật, đã giảng nói Abhidharma. Thật vậy, nếu Abhidharma không được giảng dạy thì các đệ tử không có khả năng tư duy giản trạch các pháp. Nhưng Đức Thế Tôn nói Abhidharma một cách rải rác; rồi Đại đức Kātyāyanīputra cùng các vị khác tập hợp lại và ổn định. Cũng như Đại đức Dharmatrāta tập hợp các bài kệ tụng lại làm thành phẩm «Udānavagga.» Các nhà Vaibhāṣika nói như vậy.



[1]Skt. sarvathāsarvahatāndhakāraḥ, Ht. nhất thiết chủng chư minh diệt 一切種諸冥滅 Quang ký 1 đọc là: «nhất thiết chủng minh diệt» chỉ diệt trừ vô tri không nhiễm ô, và «chư minh diệt» chỉ diệt trừ vô tri còn nhiễm ô. Cách đọc này hiểu sarvathā như là hình dung từ; trong khi, trong tiếng Phạn, nó là một bất biến từ hay phó từ, do đó được hiểu là «một cách toàn diện.» Cđ.: nhất thiết chủng trí diệt chư minh 一切種智滅諸冥.

[2]yaḥ sarvathāsarvahatāndhakāraḥ saṃsārapaṅkaj jagad ujjahāra/ tasmai namaskṛtya yathārtha-śāstre śāstraṃ pravakṣyāmy abhidharmakośam //1/ Ht. 諸一切種諸冥滅 拔眾生出生死泥 敬禮如是如理師 對法藏論我當說. Cđ. 一切種智滅諸冥 拔出眾生生死泥 頂禮大師如理教 對法俱舍我當說.

[3]Skt. yaḥ, đại từ liên hệ, số ít: yad ... tasmai. Ht. chư諸; Quang ký (T41n1821 p2c5) hiểu là số nhiều, giải thích: “Chư, biểu lộ sự không bè phái.”

[4]Skt. buddhobhagavān. Sphut., tr.5: các nhà chú giải Vinayavibhāṣāphân biệt bốn trường hợp: 1. Phật nhưng không phải là Thế Tôn; chỉ các vị Pratyekabuddha vốn tự mình giác ngộ nhưng không thể thuyết pháp. 2. Thế Tôn nhưng không phải là Phật; chỉ Bồ-tát tối hậu thân. 3. Phật và Thế Tôn. 4. Không phải Phật cũng không phải Thế Tôn.

[5]Skt. ajñāna, Ht.: tri 無知; Cđ.: vô minh無明. Có hai loại vô tri: nhiễm ô vô tri (kli-ṣṭam ajñānam) và bất nhiễm ô vô tri (akliṣṭamajñānam).

[6]Skt. pratipakṣa, Ht.: đối trị phần 對治分 phần đối nghịch; chỉ các đạo phẩm có năng lực đối trị phiền não ô nhiễm.

[7]Skt. jñeya; Ht: sở tri 所知.

[8]Skt. kliṣṭasaṃmoha. Ht.: nhiễm ô vô tri 染污無.

[9]Phật pháp ở đây chỉ 18 pháp bất cộng (āvenikābuddhadharmāḥ), là những pháp đặc hữu cá biệt nơi Phật. (Sphut., tr.7)

[10]Skt. saṃsāra, luân chuyển hay luân hồi. Ht., Cđ.: sinh tử 生死 .

[11]Skt. prajñā amalā, huệ không cáu bẩn. Ht., tịnh huệ 淨慧; Cđ., tịnh trí 淨智.

[12]Skt. dharma-pravicaya, sự tư duy giản trạch hay tuyển trạch, sự khảo sát, khảo nghiệm về pháp. Ht., Cđ.: trạch pháp 擇法.

[13]sānucara, cùng đi theo; đoàn tùy tùng. Ht., tùy hành 隨行; Cđ., trợ bạn 助伴.

[14]Skt. saparivāra, đoàn tùy tùng, hộ tống. Ht., quyến thuộc 眷屬; Cđ., nhân duyên tư lương 因緣資糧.

[15]Skt. pāramārthiko’ bhidharmaḥ. Ht., thắng nghĩa a-tì-đạt-ma 勝義阿毘達磨; Cđ., chân thật a-tì-đạt-ma 真實阿毘達磨.

[16]Skt. sāṃketika, điều đã được thoả thuận, ước lệ. Ht., thế tục 世俗 Cđ., giả danh 假名.

[17]Luận, Skt. śāstra, hoặc được hiểu là Abhidharma-śāstra, luận A-tì-đạt-ma, tức Luận tạng, Abhidharmapiṭaka. Hoặc đây chỉ cho Jñānaprasthāna, luận Phát trí, và các tùy hành của nó là sáu túc luận (luận chân), ṣad pādā. Sphut., tr.12.

[18]Định nghĩa từ dharma, Skt.: svalakṣaṇadhāraṇād dharmaḥ, theo đó, dharma là danh từ phái sinh của động từ dhṛ: duy trì, gìn giữ.

[19]Luận thích, giải thích tiếp đầu ngữ abhi- là praty-abhimukha, xoay mặt hướng về, đối diện; Ht. diễn thành hai nghĩa: đối hướng 對向 (Niết-bàn) và đối quán 對慣 (bốn Thánh đế); Cđ.: hiện tiền 現前.

[20]Skt. samanupraveśāt. Ht.: nhiếp 攝; Cđ.: nhập nhiếp 入攝.

18 Sphut., tr.13: yatra hy asiḥ praivaśati sa tasya kośaḥ: «cái mà người ta đút kiếm vào, cái đó là bao kiếm.» Theo đây, kośa có nghĩa là «bao kiếm.»

[22]Cf. Chính lý 1, tr.329c1: «Tạng 藏 (chính xác, đọc là tàng), nghĩa là chắc thật 堅實, như lõi cây... Hoặc tạng là sở y, như bao kiếm (đao tàng 刀藏).»

20 Skt. dharmapravicaya, sự khảo sát pháp. Ht.: trạch pháp 擇法 Cđ.: giản trạch pháp 簡擇法. Trong phần luận thích, Cđ. nói rõ: trạch pháp giác phần, một trong bảy giác chi (bodhyaṅga). Sphut., tr.14: (...) rūpaṃ vedanānityaṃ duḥkham ity evam ākārena, «(với) biểu hiện như vầy: sắc, thọ là vô thường, khổ.»

[24]Skt. kila, được nói như vậy. Chính lý 1, tr.329c: «Kinh chủ nói là truyền, chứng tỏ mình không tin A-tì-đạt-ma do chính Phật thuyết.»

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]