Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 00-08

12/06/201020:47(Xem: 7215)
Chương 00-08

KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
Thích Viên Giác dịch và giảng

Chương 00-08

Chương Ðầu

I. Chánh Văn

Sau khi Ðức Thế Tôn thành đạo, Ngài suy nghĩ rằng: "Ly dục và thanh tịnh là tối thắng, an trú trong Ðại thiền định mới hàng phục được chúng ma."

Ở tại vườn Lộc Uyển, Ngài chuyển bánh xe pháp về 4 chân lý độ cho 5 anh em Kiều Trần Như đều chứng được đạo quả.

Mỗi khi có thầy Tỳ kheo nào nêu lên những điều chưa rõ, cầu Phật chỉ giáo, Ðức Thế Tôn giảng giải làm cho tất cả đều được khai ngộ, chắp tay cung kính theo lời Phật dạy.

II. Ðại Ý

Giới thiệu con đường tu tập của Phật là Giới, định, tuệ và giải thoát.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích các từ ngữ, thuật ngữ:

Thế Tôn: Người được thế gian tôn kính, là một trong 10 danh hiệu của Ðức Phật. Tiếng Phạn là Bhagavat, Trung Hoa phiên âm là Bạt Già Phạm.

Thiền định: Thiền, tiếng Phạn gọi là Dhyana, Trung Hoa dịch là Tư duy tu hay Tịnh lự, có thể dịch là Quán chiếu; Ðịnh, tiếng Phạn là Samadhi, nghĩa là tập trung tâm vào một đối tượng, không bị phân tán và dao động; Thiền định nói chung là phương pháp định tâm và tư duy bản chất của đối tượng. Trong Chánh Văn gọi là Ðại thiền định là để phân biệt Thiền định của Phật với Thiền định của ngoại đạo và các loại Thiền định đương thời.

Tứ đế: 4 chân lý, là bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, cũng là bài pháp nền tảng của Giáo lý Phật giáo. Gồm có: Khổ Ðế là chân lý về sự khổ (Dukkha), nói lên bản chất của đời sống là bất an, khốn đốn, vô thường, giả tạm...;Tập Ðế (Samudya, samudaya) là chân lý về nguyên nhân của sự khổ, chính là vô minh và lòng tham ái ; Diệt Ðế (Nirodha) là sự chấm dứt khổ, hay là chấm dứt vô minh và tham ái ; Ðạo Ðế (Marga, magga) là con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Bát chánh đạo được coi là tiêu biểu cho Ðạo Ðế.

2. Giải thích nội dung:

Như phần đại ý đã nói, bài kinh này khái quát nội dung giáo lý Phật Ðà và tiến trình tu tập gồm có Giới - Ðịnh - Tuệ và Giải Thoát. Qua kinh nghiệm tu chứng, Ðức Phật thấy rõ ly dục là con đường đưa đến sự thanh tịnh, và thiền định là con đường khắc phục phiền não.

a) Giới: Giới thường được hiểu là "Phòng phi chỉ ác" tức là ngăn ngừa các điều xấu, đình chỉ các việc ác. Các điều xấu, điều quấy đều xuất phát từ sự ham muốn bất thiện. Như vậy, mục đích của Giới là ly dục, ly bất thiện pháp. Nhờ từ bỏ tham dục và hành động bất thiện, tâm lý mới ổn định, làm nền cho sự phát triển tâm linh để đạt đến chỗ giải thoát. Sự náo động của tâm thức do sự đun nóng của tâm tham dục. Ly dục là rút củi ra khỏi bếp đang đun sôi nồi nước. Chỉ có ly dục mới làm cho tâm yên tĩnh, nên Ðức Phật dạy: "Ly dục tịch tịnh thị tối vi thắng"

b) Ðịnh: Phần Ðịnh được tiêu biểu ở câu kinh: "Trú đại thiền định hàng chư ma đạo" cũng là kinh nghiệm của chính Ðức Phật. Trong quá trình tu tập, Ngài thấy rõ chỉ có tâm an trú sâu sắc và hoàn mãn trong thiền định thì các phiền não vô minh vi tế mới có thể được đoạn trừ; chính trong Thiền định này trí tuệ mới sắc bén. Như đã nói, Thiền định của Phật giáo luôn bao hàm trí tuệ, tuệ quán là Thiền định, do đó mới hàng phục các loại ma. Sự khác biệt giữa thiền định Phật giáo và thiền định ngoại đạo ở chỗ:

1. Thiền định Phật giáo luôn quân bình chỉ và quán không rơi vào thuần túy định tâm (chỉ), mà định tâm là điều kiện tốt cho sự quán chiếu sâu vào lòng sự vật.

2. Vì vậy, Thiền định Phật Giáo không dừng lại ở các trạng thái của định mà luôn luôn vượt qua, không vướng vào các giai đoạn của tâm định.

3. Thiền định Phật giáo gắn bó với đời sống thực tiễn và nó có công dụng cải hóa cá nhân và xã hội, Ðịnh với Tuệ là một.

Do vậy mà gọi là Ðại Thiền Ðịnh có công năng hàng phục chúng ma.

c) Tuệ: Tiêu biểu cho phần Tuệ là đoạn gần cuối của kinh: "Ở nơi vườn Lộc Uyển chuyển pháp luân Tứ Ðế...". Tuệ, theo Phật giáo là sự hiểu rõ bản chất của cuộc sống, được diễn tả đầy đủ trong 4 chân lý. Ai thấy được 4 chân lý này người ấy giải thoát. Tứ Diệu Ðế được coi là giáo lý căn bản và bao trùm toàn bộ kinh tạng Phật giáo. Trong kinh Tượng Tích Ðại Dụ Kinh (Trung bộ kinh), Xá Lợi Phất đã đưa ra nhận xét sau: "Chưhiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là lớn nhất trong tất cả dấu chân. Cũng vậy, chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ Thánh Ðế". Ðức Phật thuyết giảng về Tứ Thánh Ðế suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài. Cho đến nay, Tứ Thánh Ðế vẫn là giáo lý căn bản, biểu tượng cho trí tuệ siêu việt của một Thánh giả. Ðức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, ai thấy khổ người ấy cũng thấy nguyên nhân của khổ, thấy khổ được đoạn diệt và thấy con đường đưa đến khổ diệt".

d) Giải thoát: Phần cuối cùng của bài kinh trình bày việc đệ tử của Ðức Phật đã theo Ngài và tất cả những ai quyết học hỏi tu lập đều được khai ngộ. Ðiều này nói lên tính hiệu quả của giáo lý, ai có tu có học và có nỗ lực đều đạt đến mức độ cuối cùng là giải thoát. Ðó cũng là mục đích của giáo lý Phật giáo, là niềm ước mơ của bao hành giả Phật tử.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1- Phần mở đầu giới thiệu cho bộ kinh. Phần này đã giới thiệu 3 ngôi Tam Bảo đầu tiên của Giáo hội Phật giáo gồm có Ðức Phật, Giáo pháp của Ngài là Tứ Ðế, đệ tử đầu tiên là 5 anh em Kiều Trần Như. Lời mở đầu này ở trong bản cũ không có, bài này được thêm vào sau.

2- Giới thiệu con đường tu tập mà chính Ðức Phật đã kinh nghiệm, gồm có: Giới tức là ly dục tịch tịnh, Ðịnh là trú Ðại Thiền định hàng phục phiền não, Tuệ là pháp Tứ Ðế, Giải thoát là hiệu quả của sự liễu ngộ pháp Tứ Ðế.

3- Từ những giới thiệu trên cho ta thấy tiến trình tu tập truyền thống là Giới – Ðịnh - Tuệ và mục đích cuối cùng là Giải Thoát được coi là cốt lõi của bộ Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Ðây là tiến trình tu tập chung nhất cho các hệ tư tưởng Phật giáo.

Chương 1

I. Chánh Văn

Từ giã Cha Mẹ đi xuất gia học Ðạo, thấu rõ nguồn tâm, hiểu vô vi pháp, được gọi là bậc Sa môn. Thường giữ gìn 250 giới, sống đời thanh tịnh, thực hành 4 chân đạo, thành tựu quả vị A La Hán.

Vị chứng quả A La Hán có thể phi hành, biến hóa, kéo dài mạng sống, ở đời động cả đất trời. Thứ đến là quả Anahàm. Vị chứng Anahàm, khi tuổi thọ hết, thần thức sẽ sinh lên cõi trời thứ 19 thì chứng quả A La Hán. Thứ đến là quả Tư Ðà Hàm, người chứng quả Tư Ðà Hàm, một lần sinh lên cõi Trời, một lần sinh xuống cõi Người thì chứng quả A La Hán. Kế đến là quả Tu Ðà Hoàn, người chứng quả Tu Ðà Hoàn phải 7 lần sinh, 7 lần tử mới chứng quả A La Hán. Người chứng quả A La Hán là người đã đoạn tận ái dục, như chân tay bị chặt không thể sử dụng trở lại được.

II. Ðại Ý

Chương này nói về tiêu chuẩn và công hạnh của một vị Sa môn, nói về 4 Thánh quả mà 1 vị Sa môn nỗ lực và khéo tu tập có thể đạt được.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích các từ ngữ, thuật ngữ:

Xuất gia: ra khỏi nhà để đi tu, có 3 ý nghĩa:

- Xuất thế tục gia
- Xuất phiền não gia
- Xuất tam giới gia

Trong kinh Tăng Chi có 3 hạng xuất gia:

- Thân xuất gia, tâm không xuất gia
- Tâm xuất gia, thân không xuất gia
- Thân và tâm đều xuất gia

Sa môn: (Samana; Sramana) Hán dịch là Cần giả: người nỗ lực tu tập, Tức giả: người dứt phiền não, Bần giả: người nghèo, tu hành là nghèo, ví dụ như xưng là bần đạo.... Sa môn là từ ngữ chỉ cho tu sĩ ở Ấn Ðộ nói chung ; về sau chỉ cho tu sĩ Phật giáo. Cư sĩ Thuần Ðà sau khi cúng buổi cơm cuối cùng đã hỏi Ðức Phật có mấy loại Sa môn. Phật dạy có 4 loại Sa môn.

1) Thắng đạo Sa môn: Sa môn chứng A La Hán.
2) Thuyết đạo Sa môn: là hữu học Sa môn, hiểu rõ Giáo lý, khéo thuyết giảng cho mọi người được lợi ích.
3) Hoạt đạo Sa môn (hay Mạng đạo Sa môn):chưa được chứng quả nào, còn phàm phu, tuy nhiên vẫn sống đúng theo giới luật, nỗ lực tu học.
4) Ô đạo Sa môn (hoặc Hoại đạo Sa môn): Sa môn không giữ giới luật, không chánh tín, lười biếng, làm ô uế đạo.

Pháp vô vi: pháp không tạo tác, không sinh diệt, không biến đổi, không có điều kiện. Ở đây muốn nói đến Niết Bàn hay Diệt đế.

Chân đạo: 4 Thánh đạo (4 Diệu đế), cũng có thể là 4 niệm xứ.

2. Giải thích nội dung:

Chương 1 định nghĩa về Sa môn, và nêu lên tiêu chuẩn của một vị Sa môn là biết tự tâm và ngộ pháp vô vi còn nêu lên mục tiêu của người xuất gia là chứng 4 Thánh quả, nêu lên những điều kiện để chứng các Thánh quả, nhất là quả vị A La Hán. Ðiều kiện đó là giữ giới (250 giới), để cho đời sống được thanh tịnh và tu tập Tứ đế thì thành tựu quả vị A La Hán.

Quả vị A La Hán được coi là quả vị cao nhất theo kinh tạng nguyên thủy ; quả vị này đoạn trừ được 10 kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham, Sân, Sắc ái, Vô sắc ái, Mạn, Trạo cử, Vô minh. Ðức Phật đôi khi cũng được gọi là bậc A La Hán. A La Hán chữ Phạn là Arahat có 3 nghĩa:

- Ứng cúng: xứng đáng cho thế gian tôn kính và cúng dường.
- Sát tặc: giết hết giặc phiền não.
- Bất sinh: đã thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Sau quả vị A La Hán là quả A Na Hàm, tiếng Phạn là Anagamin dịch là Bất lai, tức là không có tái sinh ở dục giới nữa mà an trú ở cõi Trời thứ 19 tức là Tịnh cư Thiên thuộc Sắc giới, tiếp tục tu hành để chứng quả A La Hán. Từ quả vị A na hàm trở xuống gọi là Thánh hữu học. A La Hán được gọi là Thánh Vô học. Ðạt được quả vị A na Hàm phải đoạn trừ 5 thượng phần kiết sử là Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân.

Sau quả Anahàm là quả Tư đà hàm, tiếng Phạn gọi là Sakrdagamin, dịch là Nhất lai, nghĩa là một lần sanh lên cõi Trời Dục giới, một lần xuống cõi Người mới đắc quả A La Hán. Người chứng quả Tư đà hàm phải đoạn trừ Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi và làm yếu đi Tham và Sân.

Quả vị Thánh thấp nhất là Tu đà hoàn, tiếng Phạn gọi là "Srotappanna, Srotappanni" dịch là Nhập lưu hay Dự lưu (vào dòng Thánh hay dự vào dòng Thánh) cũng gọi là Thất lai, 7 lần sinh 7 lần tử mới chứng quả A La Hán. Người chứng quả Tu đà hoàn phải đoạn trừ 3 kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này đưa ra định nghĩa về Sa môn theo tiêu chuẩn khá cao là chứng Thánh vị mới gọi là Sa môn.

2) Ðưa ra mục tiêu của người xuất gia là các Thánh quả cần phải đạt được.

3) Trong 4 Thánh quả, quả vị Tu đà hoàn được coi là giai đoạn "Kiến Ðạo", quả Tư đà hàm, Anahàm coi là giai đoạn "Tu Ðạo", chỉ quả A La Hán mới được coi là "Chứng Ðạo".

4) Chỉ có quả vị A La Hán, ái dục mới thực sự được đoạn trừ như một người chặt dứt tay chân không có thể sử dụng lại được nữa.

Chương 2

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Người xuất gia làm Sa môn thì phải từ bỏ ái dục, biết được nguồn tâm, thấu triệt giáo pháp của Phật, hiểu pháp vô vi. Bên trong không có cái để được, bên ngoài không có chỗ để cầu. Tâm không chấp thủ nơi Ðạo, cũng không hệ lụy bởi nghiệp, không có suy tưởng, không có tạo tác, không có tu, không có chứng, chẳng cần trải qua các Thánh vị mà tự thành cao tột, gọi đó là Ðạo".

II. Ðại Ý

Phật dạy về tiêu chuẩn của một vị Sa môn, về công hạnh tu tập để thấu suốt chân lý và đạt đến chỗ tột cùng của Ðạo.

III. Giảng Nghĩa

1. Giải thích các từ ngữ, thuật ngữ:

Nguồn tâm:Tâm sinh ra vạn pháp (nhất thiết duy tâm tạo) ; về mặt hiện tượng mà nói, nguồn tâm là vọng tâm là vô minh ; về mặt bản thể mà nói thì nguồn tâm là chân tâm, là Phật tánh, tánh thanh tịnh vắng lặng thường trụ của tâm. Biết được nguồn tâm ở đây, có thể là hiểu biết rõ và làm chủ tâm lý của mình.

Sở đắc, sở cầu: Chấp thủ các tiến bộ tâm linh gọi là có chỗ được, ví dụ chấp thủ vào các trạng thái thiền chứng như Sơ thiền, Nhị thiền... có các đối tượng để mong cầu đạt đuợc gọi là có chỗ để cầu (sở cầu), ví dụ mong ước tu hành để được lên thiên đường ...

2. Giải thích nội dung:

Trong chương 1 đã nói đến tiêu chuẩn của một vị Sa môn là biết được nguồn tâm và ngộ pháp vô vi. Chương này cũng nói đến tiêu chuẩn ấy, nhưng bổ sung thêm dứt bỏ ái dục và thấu triệt giáo lý của Ðức Phật, để hoàn bị hơn về tiêu chuẩn của một vị Sa môn. Về mặt công hạnh tu tập của một Sa môn, thì chương 1 cho rằng giữ gìn 250 giới, sống đời thanh tịnh và thực hành 4 chân lý là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, hay 4 niệm xứ là Thân, Thọ, Tâm, Pháp, để chứng đạt được quả vị cuối cùng trong 4 Thánh quả là quả vị A La Hán. Nhưng qua chương này, công hạnh tu tập của một Sa môn có khác là nội tâm không có sở đắc, ngoại cảnh không có đối tượng để mong cầu... Qua đó, ta thấy sắc thái của tư tưởng Bát Nhã và Thiền Học được sử dụng, tức là mang màu sắc tư tưởng Ðại thừa, trong khi đó chương 1 mang màu sắc tư tưởng Nguyên thủy. Với công hạnh như vậy, sẽ đạt được chỗ cao tột của Ðạo, không nói là quả vị A La Hán, ta có thể hiểu đó là quả vị Phật Ðà. Như vậy, chương này cũng nói về tiêu chuẩn, công hạnh và mục tiêu của một vị Sa môn, nhưng nói theo quan điểm của Ðại thừa, bổ sung cho hoàn chỉnh theo 2 hệ tư tưởng Phật học là Nguyên thủy và Ðại thừa.

Kinh Bát Nhã nói rõ "Thị chư pháp không tướng", tướng của các pháp là vô tướng, vì vô tướng nên vô đắc vô cầu. Các pháp tồn tại tương đối, được mất, có không, thiện ác... là những khái niệm tương đối, thay đổi không ngừng, không có gì cố định. Vì vậy, tinh thần vô chấp là phù hợp với thực tại khách quan, là con đường vượt qua sự trói buộc của nhị nguyên, các khái niệm về các cặp phạm trù đều là giả tạo, là mê cung huyễn hoặc. Những lời dạy tiếp theo như không ràng buộc nơi Ðạo, không kết nghiệp, không suy tưởng, không tạo tác, không tu, không chứng... chỉ triển khai thêm tinh thần vô tướng mà thôi ; trên tinh thần đó, các vị Tổ sư cũng đã từng nói: "Ðoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh, xu hướng chân như tổng thị tà". Nghĩa là đoạn trừ phiền não chỉ làm tăng thêm bệnh, theo hướng chân như vẫn là tà đạo.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương thứ 2 này cũng đưa ra tiêu chuẩn của 1 Sa môn, bổ sung cho hoàn chỉnh tiêu chuẩn Sa môn của chương 1. Ðiều bổ sung là dứt bỏ ái dục, thấu triệt giáo pháp Phật Ðà. Chữ thâm lý ở trong nguyên văn ám chỉ giáo pháp Ðại thừa.

2) Về công hạnh của 1 vị Sa môn, chương này lấy 3 pháp ấn của Ðại thừa làm căn bản. Ðó là Không - Vô Tướng - Vô Tác (Vô Nguyện).

3) Quả vị hay là mục tiêu của một vị Sa môn ở chương này hàm ý quả vị Phật Ðà, chứ không phải là A La Hán như chương 1.

4) Qua nhận xét trên cho thấy công hạnh và mục tiêu của một vị Sa môn theo quan điểm Ðại thừa có khác với Nguyên thủy. Tuy nhiên, dù theo quan điểm nào, thì vị Sa môn cũng phải dựa trên nền tảng chung là Giới hạnh thanh tịnh, thấu rõ nội tâm, thông suốt ngoại giới và mục tiêu là thoát ly sinh tử.

Chương 3

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Cạo bỏ râu tóc để trở thành một vị Sa môn, lãnh thọ giáo pháp của Phật thì phải xả bỏ của cải thế gian, mong cầu vừa đủ, giữa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ở một đêm, cẩn thận không trở lại lần thứ hai. Ðiều làm cho người ta ngu muội là ái và dục".

II. Ðại Ý

Phật dạy về hình thức và sự sinh hoạt của 1 Sa môn.

III. Giải Thích Nội Dung

Những chương trước nói về nội dung của 1 Sa môn. Chương này nói về hình thức và sinh hoạt của 1 vị Sa môn. Về hình thức của 1 vị Sa môn là phải cạo bỏ râu tóc, ngoài ra ăn mặc của vị Sa môn cũng khác biệt thế gian. Mục đích của sự khác biệt này là để xả bỏ trang phục đẹp đẽ ; và để phân biệt với người thế gian như Cảnh sách có dạy: "Người xuất gia phải tâm hình khác tục". Nếu không khác với người thế gian thì dễ hòa lẫn với thế gian, sự hòa lẫn ấy sẽ sinh ra các phiền não lậu hoặc, trở ngại cho con đường tu tập chánh đạo. Câu "Thọ lãnh giáo pháp" ở đây hiểu là theo giới pháp, như thọ Tỳ kheo giới để trở thành vị Tăng thực thụ. Xả bỏ của cải để trở thành Sa môn, vì nghĩa của Sa môn là Bần giả: người nghèo, biểu hiện sự buông xả đầu tiên của người cầu giải thoát. Sự mong cầu vừa đủ nghĩa là nhu cầu của 1 vị Sa môn đủ để sống mà tu hành. Trong kinh Phật dạy 4 nhu cầu của 1 vị Sa môn là y phục, thực phẩm, chỗ ngủ, thuốc men. Ðối với 4 nhu cầu này không cầu nhiều và cầu tốt. Giữa ngày, ăn 1 bữa là ăn vào giờ Ngọ. Ăn như vậy đủ để sống mà tu tập, ăn nhiều bữa và ăn ngon làm cho người ta bị lệ thuộc vào món ăn, bị ràng buộc vào món ăn thì khó mà giữ được khí tiết của một nhà tu hành. Dưới gốc cây ngủ một đêm là không lệ thuộc vào nhà cửa, phòng xá, chùa chiền ; lệ thuộc vào đâu cũng phương hại đến công hạnh tu tập giải thoát, sự không lệ thuộc cao đến nỗi ở gốc cây cũng không quá 1 đêm, e rằng sẽ lệ thuộc vào gốc cây đó.

Cách thức sinh hoạt của 1 vị Sa môn như vậy là hết sức đạm bạc và cao thượng. Mục đích của lối sống đơn giản ấy là để có điều kiện hỗ trợ công phu đoạn trừ ái dục, thực hiện hạnh nguyện của một vị xuất gia như chư Tổ đã dạy: "Hủy hình thủ khí tiết, cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng Phật đạo, thệ độ nhất thiết nhân", nghĩa là:

Bỏ hình giữ khí tiết,
Lìa ái, xa người thân,
Xuất gia truyền Phật Ðạo.
Nguyện độ hết chúng nhân.

III. Nhận Xét Và Kết Luận

Chương này Ðức Phật dạy về hình thức của một vị Sa môn, sự sinh hoạt của một vị Sa môn. Các chương 1 và2 nói về nội dung của một Sa môn. Hình thức và sự sinh hoạt của một vị Sa môn có 6 điều:

1. Cạo bỏ râu tóc.
2. Lãnh thọ giới pháp.
3. Xả bỏ của cải.
4. Nhu cầu vừa đủ.
5. Ăn đúng ngọ.
6. Gốc cây ngủ 1 đêm.

Mục đích của lối sống ấy là để hỗ trợ cho công phu tu tập đoạn trừ ái và dục.

Chương 4

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Chúng sinh do 10 điều mà thành thiện, cũng do 10 điều mà thành ác. Mười điều ấy là gì? Thân có 3, Miệng có 4, Ý có 3. Thân có 3 là: Giết hại, trộm cắp, dâm dục. Lưỡi có 4 là: Nói 2 lưỡi, nói độc ác, nói dối trá, nói hoa mỹ. Ý có 3 là: Tật đố, sân hận, ngu si. Mười điều ấy không phù hợp với con đường của bậc Thánh, gọi là hành vi ác. Nếu 10 điều ác này được đình chỉ thì gọi là 10 điều thiện vậy".

II. Ðại Ý

Ðức Phật dạy về 10 điều ác và 10 điều thiện.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích các từ ngữ, thuật ngữ:

Chúng sinh: Tiếng Phạn là Satta (Tát đóa, Bộc hô Thiện Na), dịch là hữu tình (thường gọi là sinh vật). Mỗi một chúng sinh là một tập hợp của 5 uẩn, đều trải qua nhiều lần sinh tử nên gọi là chúng sinh (chúng đa sinh tử). Có 4 phương thức tái sinh: Thai sinh, Noãn sinh, Hóa sinh, Thấp sinh. Theo chủng loại, chúng sinh được phân biệt ra làm 6 loài: Trời, Người, Atula, Súc sinh, Ngạ quỷ và Ðịa ngục. Trong bài này chúng sinh chỉ cho loài người. Theo Ðạo Phật, tất cả chúng sinh dù thuộc loài nào thấp hay cao đều có Phật tính.

Thiện: tiếng Pali là Kusala, nghĩa là lành, tốt có đạo đức.

Ác: tiếng Pali là Agha, tức là xấu, độc, dữ.

Ðịnh nghĩa truyền thống thiện và ác trong Phật giáo như sau: Ðiều gì đem đến lợi ích cho mình, cho người ở hiện tại và tương lai gọi là Thiện. Ác thì ngược lại.

2. Giải thích nội dung:

Chương này nói về hành vi Thiện Ác để phân biệt con đường nào đưa đến hạnh phúc, con đường nào đưa đến khổ đau. Sự hiểu biết và phân biệt Thiện Ác đối với Ðạo Phật được coi là có Trí tuệ, có mắt sáng. Trong kinh Tăng Chi Phật dạy: có 3 hạng người:

1) Hạng mù cả 2 mắt: là hạng người không có khả năng sinh sống về mặt vật chất, và cũng không hiểu biết được pháp nào thiện, pháp nào bất thiện. 
2) Hạng người chột mắt: là hạng người có khả năng sinh sống về mặt vật chất, nhưng không có khả năng hiểu biết pháp nào thiện, pháp nàp bất thiện. 

3) Hạng người đủ hai mắt: là hạng người đủ khả năng đem đến cho mình đời sống vật chất sung túc và cũng hiểu biết rõ pháp nào thiện để hành trì, pháp bất thiện để từ bỏ. 

Thân có 3 điều bất thiện là giết hại, trộm cướp và dâm loạn. Dâm loạn nghĩa là tà dâm, và dâm dục quá độ, bừa bãi. Ðối với người xuất gia thì chỉ sự dâm dục. Miệng có 4 điều bất thiện: nói 2 lưỡi tức là nói lời kích động khiến hai bên đấu tranh chém giết lẫn nhau. Tục ngữ Việt Namnói: "Ðâm bị thóc thọc bị gạo" là ý này. Nói hung ác hay độc ác là nói những lời thô bạo ác độc như: "Ðánh cho mày bể sọ", hoặc nguyền rủa: "Kiếp sau mày làm thân chó"... bình thường hơn thì chửi thề... đều là ác khẩu. Nói dối gạt: có nói không, không nói có để làm cho kẻ khác phải bị tán gia bại sản, thân thuộc chia lìa... Nói lời hoa mỹ có nghĩa là nói lời chải chuốt, hay ho nhưng nội dung không có gì, mang tính phù phiếm đưa đến tác hại cho kẻ khác. Những lời nịnh bợ cũng thuộc điều này. Kinh Tăng Chi, Phật dạy có 3 hạng người:

1) Hạng nói như phân: là hạng nói ra điều nào đều có tác dụng đau khổ, phiền muộn cho kẻ khác, luôn gây bất hòa, đi đến đâu gây rối đến đó.

2) Hạng nói như hoa: nói những lời chân thật không dối gạt.

3) Hạng nói như mật: là những người trước khi nói luôn suy nghĩ. Ðiều này có đáng nói hay không, có những sự thật nói ra chẳng lợi ích cho ai thì vẫn không nói, là người luôn nói ôn hòa, êm dịu, dễ nghe.

Ý có 3: tật đố, sân hận, ngu si. Theo Phật giáo tất cả những hành vi bất thiện của thân và miệng đều bắt nguồn từ tâm ý. Bởi vì tâm mới là chủ của hành vi. Kinh Pháp Cú Phật dạy: "Trong các pháp, Tâm dẫn đầu, Tâm làm chủ, Tâm tạo tác tất cả. Nếu đem Tâm ô nhiễm để nói năng hay hành động thì quả báo khổ đi theo, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe...".

Thường thì Ýù có 3, dẫn đầu là Tham, nhưng trong chương này nói là Tật đố thay cho tham. Tật đố là ganh ghét đố kỵ, nhất là đố kỵ sự thành công của kẻ khác. Có lẽ muốn nhấn mạnh về mặt biểu hiện vi tế của tham, để cho người tu hành cần tránh. Người Sa môn đối với tham, thông thường có thể vượt qua, nhưng đối với tật đố khó vượt qua hơn, tật đố gây sự khó khăn cho đời sống tập thể hơn.

Lòng sân là mặt trái của lòng tham. Lòng tham không thỏa mãn thì sinh sân tâm, bất mãn, bực bội. Lòng tham có khuynh hướng ôm giữ, lòng sân có khuyng hướng đẩy ra. Lòng sân mới là chủ nhân của đau khổ, tàn phá và đổ vỡ. Cho nên Cổ đức dạy "Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai" (một niệm sân hận khởi lên, trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra).

Tâm si là tâm mờ tối, không nhận rõ bản chất của sự vật, do tâm lý mê mờ mà Tham và Sân có mặt. Nếu tâm hồn được ổn định sáng suốt thì những tâm lý tham lam, sân hận sẽ được chế ngự hay hóa giải, Cổ đức có dạy: "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì" (Không sợ lòng tham khởi lên, chỉ sợ sự sáng suốt không có mặt). Si là tên khác của vô minh, mà vô minh là cội nguồn của sinh tử luân hồi, của đau khổ.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận :

1) Trong 10 điều bất thiện chia thành 3 nghiệp: Thân, Miệng và Ý, nhưng ý nghiệp là quan trọng nhất.

2) Trong 3 điều của Ý, Si là quan trọng nhất.

3) Chỉ cần chấm dứt 10 điều ác thì gọi là 10 điều thiện, chứ không phải là làm 10 điều thiện mới gọi là thiện.

Chương 5

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Người có lầm lỗi mà không tự sám hối để mau chấm dứt tâm tạo tội ấy, thì tội lỗi càng chồng chất vào thân như nước chảy về biển, dần dần trở nên sâu rộng. Nếu người có tội mà tự nhận biết tội, bỏ ác làm lành thì tội lỗi tự diệt, như bệnh được đổ mồ hôi dần dần sẽ khỏi bệnh".

II. Ðại Ý

Ðức Phật dạy người có tội phải sám hối thì tội mới tiêu diệt.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ:

Sám hối: Sám là âm của chữ Sanscrit là Ksamayati. Ksamayati dịch là hối lỗi. Chữ Hối là chữ Hán, nghĩa là ăn năn về tội đã phạm. Ghép 2 chữ Phạn và Hán thành chữ Sám hối. Trong Phật học giáo khoa thư, Trung Hoa thường dịch là Sám ma (Ksama), nghĩa là Hối quá (hối lỗi), thực ra Ksama là thứ lỗi, tha thứ.

2. Giải thích nội dung:

Ðã là người thì không ai không có lỗi, điều quan trọng là người ấy có thấy được cái lỗi của mình và ăn năn hối lỗi hay không. Phật dạy có 2 hạng người cao thượng ở đời là: 1- người không có tội lỗi ; 2- người có tội mà biết hối lỗi. Có lỗi mà không biết hối lỗi thì tội lỗi càng tăng trưởng, bởi vì khi không biết hối lỗi thì mình yên chí mà tiếp tục lầm lỗi, còn biết lỗi thì hành vi tội lỗi sẽ dừng lại.

Như đã nói ở chương 4, ác nghiệp có 10 điều nhưng đều xuất phát từ ý nghiệp tức là từ tâm thức. Nếu ý được chuyển hóa thì thân và miệng sẽ chuyển theo. Tội đã do tâm tạo thì cũng do tâm mà diệt. Ðây là điều quan trọng và đặc biệt của Phật giáo. Tội lỗi là do con người tạo ra và cũng do con người diệt trừ, không do đấng thần linh nào có thể xóa tội cho con người.

Sám hối trong Phật giáo là điều tự giác tự nguyện và thay đổi tận gốc rễ, chứ không phải sám hối là để xóa đi lỗi cũ, mà cứ tạo thêm tội mới. Một người gây nên tội lỗi mà không sám hối về mặt tâm lý sẽ bất an, dẫn đến bất an về sinh lý và hoàn cảnh. Kinh Tăng Chi nói lên lộ trình của tâm thức của một người gây tội mà không hối lỗi như sau:

1. Có một người nghèo khổ.
2. Do nghèo khổ nên mắc nợ.
3. Mắc nợ không trả nổi nên tiền lời gia tăng.
4. Tiền lời gia tăng chưa trả nên chủ nợ hối thúc.
5. Bị hối thúc mà vẫn chưa trả nên chủ nợ phải theo sát gót, sợ con nợ bỏ trốn.
6. Cuối cùng, không có khả năng chi trả nên bị bắt trói.

"Người nghèo khổ" dụ cho người không biết Chánh pháp, Tà pháp điều nào thiện, điều nào ác. "Mắc nợ" tượng trưng cho người vì không biết tu thiện mà làm 10 điều ác. "Tiền lời gia tăng" nghĩa là khi làm ác, tâm muốn che giấu để đừng ai biết, tâm càng nặng nề thêm. "Bị thúc hối" bị mọi người xung quanh chỉ trích, xã hội ruồng bỏ. "Bị theo sát gót" nghĩa là chính nội tâm của mình ngày đêm bất an, lương tâm cắn rứt. "Bị bắt trói" nghĩa là bị hình phạt của xã hội hay bị hình phạt của địa ngục.

IV. Nhận Xét và Kết Luận

1) Người có tội lỗi mà tự biết tội để sám hối, đó là hạng người tốt.

2) Tội do ý nghiệp sanh, chuyển ý nghiệp thì tội diệt.

3) Oscar Widle: "Sự khác nhau giữa ông Thánh và kẻ phạm tội là mỗi ông Thánh có một quá khứ, mỗi kẻ phạm tội có một tương lai".

Ðiều quan trọng là biết Sám hối thì tâm thức sẽ thăng tiến, đạo nghiệp sẽ thành tựu.

Chương 6

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy rằng: "Người ác nghe nói ai làm điều thiện thì đến để phá hoại. Khi gặp người như vậy, các ông phải tự chủ, đừng có tức giận trách móc. Bởi vì, kẻ mang điều ác đến thì họ sẽ lãnh thọ điều ác đó".

II. Ðại Ý

Phật dạy đừng giận trách những người phá hoại thiện pháp của mình.

III. Giảng Nghĩa

Giữa điều thiện và ác, giữa người thiện và người ác có một khoảng cách rất xa như sự chết với cái sống, như đau khổ với hạnh phúc, như chiến tranh với hòa bình. Trong kinh Tăng Chi Phật dạy:

"Xa thật là xa giữa trời và đất,
Bờ biển bên này và bờ biển bên kia,
Chỗ mặt trời mọc và mặt trời lặn,
Xa hơn hết là pháp của người thiện và pháp của người bất thiện".

Người ác thường muốn phá người thiện vì nhiều lý do. Lý do về tâm lý là người ác không chịu được người khác nghịch ý của mình, nhất là nghịch 180o. Mặt khác, họ dù là ác vẫn bị mặc cảm tội lỗi, sự hiện diện của các thiện làm cho tâm lý của họ bị dao động hơn. Về lý do xã hội, người thiện càng nhiều thì người ác càng bị lộ diện, và người thiện càng rõ thì người ác càng bị lên án. Muốn cho điều ác được coi là bình thường thì những người xung quanh phải ác.

Vì những lý do đó, nên người ác luôn tấn công người thiện. Người làm điều thiện sẽ được mọi người thương yêu, kính mến; bên cạnh những người đồng cảm với mình, có khá nhiều người đang rình rập, chờ sơ hở của mình mà tấn công. Nếu người thiện buồn phiền giận trách thì thiện pháp tổn giảm, nếu trả đũa thì mình trở thành người như họ. Theo luật nhân quả, ai gieo gió thì gặt bão; người ác phá mình họ sẽ tự hại bản thân họ.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Người ác luôn phá hoại thiện pháp của người hiền.

2) Người hiền thật sự là người không phẫn nộ khi bị người ác phá hoại, không ghét người ác.

3) Người làm ác sẽ bị quả báo ác.

Chương 7

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Có người nghe ta giữ đạo, thực hành tâm đại nhân từ, nên đến mắng ta; ta im lặng không phản ứng. Người kia mắng xong, ta liền hỏi: "Ông đem lễ vật biếu người khác, người kia không nhận thì lễ vật ấy trở về với ông không?". Ðáp: "Về chứ". Ta bảo: "Nay ông mắng ta, ta không nhận thì tự ông rước họa vào thân, giống như vang theo tiếng, bóng theo hình, rốt cuộc không thể tránh khỏi. Vậy, hãy cẩn thận, đừng làm điều ác".

II. Ðại Ý

Phật dạy: "Không nên phản ứng khi gặp người mắng chửi".

III. Giảng Nghĩa

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ:

Ðại nhân từ: lòng thương rộng lớn, một từ khác của chữ Từ Bi, hay Ðại Từ Bi. Chỉ cho lòng thương của bậc Giác ngộ đối với chúng sinh.

2. Giải thích nội dung:

Ðức Phật dạy đệ tử không nên mắng lại kẻ mắng mình. Và Ngài minh họa ý đó bằng trường hợp cụ thể của mình. Lời dạy của Ngài ở đoạn cuối là cảnh cáo những kẻ làm ác, thường ưa mắng chửi người khác sẽ gặt lấy tai họa.

Kinh Tương Ưng I (trang 352) mục Phỉ báng, có câu chuyện tương tự chương này: Ðức Phật đang ở tại rừng Tre, thành Vương Xá. Bà la môn Akkosaka Bhàradvàja rất bực tức khi thấy một số vị Bà la môn trong dòng họ mình đã từ bỏ gia đình để theo Ðức Phật.Ông ta phẫn nộ đến gặp Ðức Phật và phỉ báng, mắng nhiếc Ngài thậm tệ. Ðức Phật vẫn bình thản rồi hỏi ông ta rằng nếu có khách đến nhà ông, ông có tiếp đãi cơm nước không? Ðáp: Có. Nếu họ không nhận thì món ăn về ai? Ðáp: Về lại chúng tôi. Cũng vậy, này Bà la môn, nếu ông phỉ báng chúng tôi, mắng nhiếc chúng tôi, gây lộn với chúng tôi nhưng chúng tôi không thâu nhận sự mắng nhiếc từ ông. Vậy này, Bà la môn sự việc ấy về lại ông. Này Bà la môn, nếu ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, mắng nhiếc lại khi bị mắng nhiếc, gây lộn lại khi bị gây lộn, như vậy, người ấy đã hưởng thọ, đã san sẻ với ông, còn chúng tôi không cùng san sẻ, hưởng thọ sự việc ấy với ông thì sự việc ấy về lại ông.

Chương này triển khai rộng hơn ý của chương 6, người ác luôn luôn muốn hại người hiền. Thái độ của người hiền là không nên phản ứng lại.

Thông thường, người ta khi bị chửi mắng thì nổi nóng mắng lại, đó là điều dễ hiểu và thông cảm. Nhưng đối với người Phật tử tu tập thì phải làm chủ tâm lý của mình, đừng phản ứng theo thói thường. Sự khác nhau giữa người tu tập Thánh đạo với người thường là ở chỗ đó.

Người ta mắng mình, khiêu khích mình là mong cho mình bị đau khổ, phiền muộn thì người mắng mình đã thành công, nếu mình không mắng lại, không tức tối thì họ thất bại. Kinh Tăng Chi nói về 7 pháp mà kẻ thù của ta ưa thích.

1. Kẻ thù của ta mong cho ta trở thành xấu xí, nếu ta nóng giận nhan sắc của chúng ta sẽ xấu xí.

2. Kẻ thù của ta mong cho ta ngủ một cách khổ sở, nếu ta giận hờn thì giấc ngủ của ta khổ sở không yên

3. Kẻ thù của ta mong ta không đạt được lợi ích gì, nếu ta nóng giận thì ta chẳng đạt được lợi ích gì cả.

4. Kẻ thù ta mong ta không có tài sản, nghèo hèn, nếu ta nóng giận sẽ khó có tài sản hay sẽ đánh mất tài sản trở nên nghèo hèn.

5. Kẻ thù ta mong ta không có danh tiếng, nếu ta nóng giận thì ta chẳng có danh thơm tiếng tốt gì.

6. Kẻ thù ta mong ta cô độc, không có bạn bè, nếu ta nóng giận thì ta sẽ cô độc không có bạn bè.

7. Kẻ thù ta mong ta chết trong đau khổ và đọa vào địa ngục. Nếu ta thường nóng giận thì ta sẽ chết trong đau khổ và rơi vào địa ngục.

Người tu hành phải làm chủ tâm lý của mình, không phản ứng theo tự nhiên là đánh lại người đánh mình, chửi lại người chửi mình như những người bình thường khác.

Hơn nữa, người nào thường chửi mắng kẻ khác, họ tự đào hố chôn mình, ta không cần mắng chửi lại làm gì

IV. Nhận Xét và Kết Luận

1) Chương này tương tự với bài kinh "Phỉ báng" trong kinh Tương Ưng bộ I (trang 352, Ðại Tạng Kinh Việt Nam).

2) Chương này minh họa thêm cho chương 6 về người ác thường muốn hại người hiền. Thái độ của người hiền là không nên phản ứng theo thói thường khi bị người khác mắng chửi, phải làm chủ tâm thức của mình. Sự mắng chửi chỉ đem đến tai hại, chứ không đem đến một ích lợi nào.

3) Người thường nóng giận mắng chửi kẻ khác sẽ gặt lấy hậu quả xấu.

Chương 8

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Kẻ ác hại người hiền giống như ngước mặt lên trời mà nhổ nước miếng, nhổ không tới trời, nước miếng rơi xuống mặt mình. Ngược gió tung bụi, bụi chẳng đến người khác, trở lại dơ thân mình, người hiền không thể hại được mà còn bị họa đến bản thân".

II. Ðại Ý

Kẻ ác muốn hại người hiền nhưng không thể hại được, mà còn nguy hiểm cho chính mình.

III. Giảng Nghĩa

Chương này một lần nữa nói lên sự đối chọi của người ác đối với người thiện. Nhưng đã thiện thì không có gì phải sợ, tâm lý và hành vi của mình trong sạch thì chẳng ai hại nổi. Bởi lẽ, chánh bao giờ cũng thắng tà. Sự chánh trực sẽ đem đến sức mạnh để chiến thắng cái tà vạy. Người tu hành thường bị ma phá hoại, nhưng trong lòng mình không có ma, thì chẳng có ma nào phá được.

Mặt khác, theo luật nhân quả, gieo nhân thì gặt quả. Hại người bất thiện có thể quả báo đến chậm; nhưng hại người hiền, quả báo đến nhanh hơn, bởi vì sự tai hại rộng lớn hơn, thậm chí quả báo đến ngay lập tức, như trong kinh văn đã thí dụ ngước lên trời phun nước miếng, nước miếng sẽ rơi xuống mặt mình, ngược gió tung bụi, bụi không đến người kia mà trở lại dính vào thân. Trong sách có kể câu chuyện: "Có một người thợ săn dắt bầy chó vào rừng săn bắn, gặp một vị Tỳ kheo. Sau khi săn, chẳng có con thú nào, thợ săn cho là xui vì gặp vị tu sĩ, nên người thợ săn xua chó cắn vị Tỳ kheo. Vị Tỳ kheo hoảng sợ trèo lên cây tránh bầy chó. Người thợ săn chưa hả tức, lấy cung tên nhắm vị Tỳ kheo mà bắn trúng vào bàn chân của vị Tỳ kheo. Vì hoảng sợ và đau, nên vị này đánh rơi tấm y xuống, chụp lên đầu người thợ săn. Bầy chó dữ thấy một người đang lúng túng trong tấm y vàng, tưởng là vị Tỳ kheo té xuống, liền tập trung cắn xé chủ mình cho đến chết

IV. Nhận Xét và Kết Luận

1) Kẻ ác không thể hại được người hiền.

2) Người hiền không nên sợ kẻ ác, không trách mắng kẻ ác, mà còn thương họ phải chịu hậu quả do chính họ gây ra.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]