Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Tu tâm theo Kim Cương Thừa

11/06/201307:15(Xem: 7945)
11. Tu tâm theo Kim Cương Thừa

GIÁO HUẤN DAKINI

Do YESHE TSOGYAL ghi lại và chôn giấu
Phát lộ bởi: NYANG RAL NYIMA OSER và SANGYE LINGPA

TU TÂM THEO KIM CƯƠNG THỪA

 

Sự Tu Tâm Vô Thượng Trí Của Mật Thừa

Những Giáo Huấn Về Thực Hành Một Bổn Tôn
Với Những Thuộc Tính

NAMO GURU DHEVA DAKINI HUNG.

Đạo sư vĩ đại Padmakara đã thành tựu giai đoạn phát triển và thành tựu, và đã đạt được năng lực phô diễn của tánh giác tự nhiên. Ngài đã đạt đến tất địa an trụ trong thân tướng mahamudra. Trong hư không của sự biểu hiện, Ngài nô đùa với toàn thể hiện tượng và hiện hữu. Vì lợi ích của nhà vua và công chúa đương thời cũng như cho những thế hệ tương lai, Ngài đã ban cho công chúa xứ Kharchen, Công Chúa Tsogyal những giáo huấn chân thật này, Sự tu hành tâm Vô Thượng theo Kim Cương Thừa.

Công Chúa Tsogyal nói: Emaho, Thưa Đại Sư! con khẩn cầu những khẩu truyền của Ngài về sự thực hành Bổn Tôn cùng với những thuộc tính. Vì hành giả sẽ không đạt tất địa nếu không dựa vào một Bổn Tôn Yidam, chúng con nên thực hành một Bổn Tôn Yidam ra sao?

Vị Thầy đáp: Sự thiền quán về Bổn Tôn Yidam với những thuộc tính có hai loại: sự thiền quán tiệm tiến cho một người khả năng tâm thức kém và sự thiền quán về thân bất nhị của người có khả năng lớn hơn.

NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG TÂM THỨC KÉM

Người có khả năng tâm thức kém nên tu hành trong bồ đề tâm, tức sự quý báu của tâm giác ngộ. Khởi đầu, dù ở đâu hành giả nên rửa tay, súc miệng, rửa mặt, với cam lồ bí mật hay nước trong tịnh bình và ngồi kiết già hoặc bán già trên một chỗ ngồi thoải mái.

Sau đó nên hướng tâm con đến chúng sanh trong tam giới luân hồi đã vướng mắc vào khổ đau và những nguyên nhân của đau khổ. Trước tiên hãy hình thành ý nghĩ của bồ đề tâm: Để đưa tất cả chúng sanh ra khỏi luân hồi, con sẽ thực hành thân tướng của Bổn Tôn Yidam! Kế tiếp trau dồi lòng bi thương xót tất cả chúng sanh, tình thương (từ) muốn họ thoát khỏi đau khổ, hoan hỷ muốn họ gặp được hạnh phúc, tính không thiên vị (xả) muốn họ không xa rời hạnh phúc.

Sau đó tụng ba chủng tự OM AH HUNG, kế tiếp đảm đương niềm tự hào mình là vị Bổn Tôn Yidam rồi quán tưởng chủng tử tự riêng của vị đó trên một hoa sen, một mặt trời, và một mặt trăng ở giữa ngực vị Yidam.

Kế đó quán tưởng ánh sáng chiếu ra từ chủng tử tự, tất cả chư Phật, Bồ Tát an trụ trong mười phương cũng như tất cả chư Guru, Yidam, và Dakini đều hiện diện trên bầu trời phía trước con. Hãy đảnh lễ và cúng dường đến các Ngài, sám hối những sai phạm, hoan hỷ trong công đức của các Ngài, thọ quy y nơi Tam Bảo, khẩn thỉnh các Ngài chuyển Pháp luân, khẩn cầu các Ngài đừng nhập niết bàn, phát khởi bồ đề tâm, và hồi hướng thiện căn. Phụng tống vị Thầy và những vị khác, và để sự quán tưởng lắng xuống hay tan hòa vào trong con tùy theo cách nào thích hợp. Những bước này tất cả đều là phương diện tích lũy công đức.

Sau đó, để tích lũy trí tuệ, hãy để thân con trở thành bản tánh của ánh sáng nhờ những tia sáng chiếu ra từ chủng tử tự nơi giữa ngực con. Ánh sáng cũng chiếu vào mười phương nhờ đó mọi sự vật trong thế gian cũng như tất cả chúng sanh trở thành bản tánh ánh sáng. Sau đó, ánh sáng này được tất cả chư Phật và Bồ Tát trong mười phương ban phước.

Về việc hòa nhập lại ánh sáng vào con, thế gian trở thành ánh sáng, thấm nhập vào chúng sanh, họ hóa tán vào con, và ánh sáng của thân con tan hòa giống như sự bốc hơi nước trên mặt gương. Rồi dần dần hóa tán vào tòa ngồi mặt trăng, kế tiếp là mặt trời và mặt trăng, sau đó hòa tan vào chủng tử tự. Kế tiếp tan hòa vào hình lưỡi liềm và bindu (Giọt ánh sáng). Ánh sáng của bindu là của bản tâm, kích thước bằng một phần trăm của đầu sợi tóc. Hãy quán tưởng điều này nhiều lần.

Khi sự quán tưởng của con không rõ ràng, hãy niệm mantra tánh Không (shunyata), v.v.., sau đó hãy để sự quán tưởng tan biến

Quả của hai thân là do hoàn thiện hai loại tích lũy này.

Từ trạng thái của tánh Không này, hãy quán tưởng bản tâm con hiện diện như chủng tử tự của vị Bổn Tôn Yidam hay quán tưởng chủng tử tự chuyển hóa thành một thuộc tính biểu tượng được chạm nổi với chủng tử tự. Từ sự chuyển hóa này, tạo ra đầy đủ vị Bổn Tôn Yidam riêng của con với đầu, những thuộc tính, v.v.., sau đó là chủng tử tự trên một dĩa mặt trời hay mặt trăng trên một hoa sen giữa trung tâm của Bổn Tôn.

Những tia sáng chiếu ra từ đó cầu thỉnh tất cả chư Như Lai, Guru (đạo sư), Bổn Tôn Yidam, Dakini của mười phương trong bầu trời phía trước con. Sau đó dâng cúng các Ngài năm loại cúng dường. Mời thỉnh Bổn Tôn trí tuệ và khẩn cầu chư vị an tọa.

Quán tưởng chư Như Lai ban quán đảnh và trên đỉnh đầu con là vị Phật thống nhiếp của gia đình (bộ). Sau đó khẩn thỉnh phụng tống các Ngài.

Tiếp theo sau, quán tưởng ba chủng tử tự trên dĩa mặt trời ở giữa đỉnh đầu, cổ họng, và ngực của con. Thánh hóa chúng như thân, khẩu, ý. Tập trung chú tâm một điểm vào vị Bổn Tôn Yidam.

Sau đó, khi cảm thấy thiền định mệt mỏi, hãy tụng niệm.

1. Sự tụng niệm vajra lầm thầm là tụng niệm chỉ ở vùng cổ có thể nghe được.
2. Tụng niệm vajra với âm điệu êm tai là tụng niệm với giai điệu như vào lúc thực hành đại hoàn thiện.
3. Tụng niệm vajra bí mật là niệm thầm trong tâm.
4. Tụng niệm như luân xa là quán tưởng rằng âm thanh xuất hiện qua miệng con, đi vào rốn, và tan hòa lại vào giữa ngực.
5. Tụng niệm như tràng hoa là xoay vòng mantra quanh chủng tử tự ở giữa ngực và niệm nhất tâm trong lúc tập trung tâm con vào những chủng tự.
6. Tụng niệm tập trung vào âm thanh là trong lúc niệm chỉ tập trung tâm con vào âm thanh của mantra.

THỰC HÀNH GIỮA THỜI

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Chúng con nên làm gì trong khoảng giữa thời thiền quán về vị Bổn Tôn Yidam?

Đạo Sư khuyên: Khi con không thể trì tụng, hãy cúng dường torma, tán thán sau khi rung chuông. Khi phụng tống Bổn Tôn trí tuệ, hãy an trụ với tư duy ý niệm bình thường của con.

Sau đó, khi con muốn cúng dường để hoàn tất, hãy đặt một bức hình, bức tượng, hay kinh điển phía trước con và làm một mandala với nước thơm và rải hoa. Trong một thoáng, hãy tự hào là một Bổn Tôn Yidam và chiếu ra những tia sáng từ chủng tử tự giữa ngực con. Cầu thỉnh tất cả pháp thân và sắc thân an trụ trong mười phương. Khẩn cầu pháp thân trụ trong pháp khí và kinh điển. Khẩn cầu sắc thân trụ trong tranh, tượng.

Hãy quán tưởng vô số tập hội chư Phật, Bồ Tát, các Tổ, Yidam, và Dakini ở trong mười phương lưu lại trước mặt con. Dâng cúng các Ngài bất kỳ vật cúng dường nào con có, thực hiện bảy tịnh hóa[33] trước sự hiện diện của các Ngài.

Vào lúc này, con có thể cúng dường torma đến vị Bổn Tôn Yidam. Dâng các vị Hộ Pháp torma nước, làm tượng tsa tsa, tượng đất sét hay những thực hành khác như vậy.

Sau đó nếu muốn tụng các lời của chư Như Lai, hãy quán tưởng rằng chỉ trong chốc lát lưỡi con trở thành hư không, từ đó xuất hiện chữ HUNG và chày vajra một chấu. Quán tưởng rằng niệm những bài tụng này xuất ra từ chủng tử tự qua ống của chày vajra. Vô lượng những phân thân của con tràn ngập hàng tỉ vũ trụ, mỗi thân có một chày vajra trong miệng. Quán tưởng rằng tất cả chúng sanh đều nghe được và họ được giải thoát khỏi luân hồi. Đó là nghi lễ niệm kinh.

Tất cả những bước này đều là thực hành Pháp thực hiện trong giữa thời hoặc khi làm những hoạt động hàng ngày.

NIÊM ẤN GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Chúng con nên niêm ấn giai đoạn phát triển với giai đoạn hoàn thiện như thế nào?

Vị Thầy khai thị: Hành giả nào muốn thực hành giai đoạn thành tựu nên quán tưởng tự thân trong tướng Bổn Tôn, khẩn thỉnh Bổn Tôn trí tuệ rời khỏi (phụng tống). Hóa tán nguyện hữu tình thành ánh sáng, trở thành chủng tử tự của Bổn Tôn hoặc một chữ HUNG. Chữ HUNG tan hòa dần thành bindu. Bindu nhỏ dần thành tánh không trong sáng. Từ trong trạng thái này, hãy an trú trong “tính như thị của mọi hiện tượng”, trống không, tự nhận biết vô niệm vượt lên những cực đoan của hiện hữu và phi hiện hữu. Thường xuyên hãy tự nhắc mình tương ứng với những hướng dẫn khẩu truyền về giai đoạn thành tựu mà con nhận được từ Thầy mình.

Nếu con, hành giả làm như vậy, thực hành ba hay bốn thời một ngày, thì ngay trong kiếp này hay không bị gián đoạn bởi những tái sanh khác, con sẽ an trú trong đại yoga trong trạng thái trung ấm và đạt được thân mahamudra của vị Bổn Tôn Yidam. Ngay cả dù năng lực của giai đoạn phát triển của con chưa hoàn toàn viên mãn, trong kiếp tới con sẽ trụ trong trạng thái đại yoga và chắc chắn đạt được cấp mahamudra của Vidyadhara.

Tất cả những bước này là những khai thị về những giai đoạn tuần tự của thiền định cho những người khả năng tâm thức đơn giản.

NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG TÂM THỨC CAO NHẤT

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Người có khả năng tâm thức cao nên thực hành ra sao?

Đạo Sư đáp: Khi một người có tâm thức cao nhất thiền quán về một Bổn Tôn, họ không quán tưởng từng bước. Đơn giản chỉ tụng tâm chú, một câu chú, hay đơn giản chỉ muốn hay nghĩ về vị Bổn Tôn, là họ thấy Bổn Tôn một cách sinh động mạnh mẽ, lập tức, và tự-hiện hữu, giống như một bọt nước xuất hiện từ nước. Đây là sự cầu thỉnh Bổn Tôn từ pháp giới.

Tự quán tưởng chính con như Bổn Tôn là hư không, và Bổn Tôn có thể thấy được nhưng không có tự tánh là trí tuệ. Như vậy, đó là hư không và trí tuệ là bất khả phân.

Chân lý tương đối là xuất hiện bất tận như là Bổn Tôn, trong khi chân lý tuyệt đối là chứng ngộ rằng tinh túy của Bổn Tôn không có tự tánh, là trống không. Do vậy, chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối là bất khả phân.

Vị Bổn Tôn xuất hiện như phái nam là phương tiện, khi xuất hiện như phái nữ là trí tuệ. Như vậy, đó là trí tuệ và phương tiện bất khả phân.

Vị Bổn Tôn xuất hiện trong thân tướng Bổn Tôn là phúc lạc, nó không có tự tánh là tánh Không. Như vậy, đó là cực lạc và tánh Không bất khả phân.

Vị Bổn Tôn xuất hiện trong thân tướng Bổn Tôn là tánh giác, hình tướng xuất hiện của nó không có tự tánh là tánh không. Như vậy, đó là tánh giác và hư không bất khả phân.

Vị Bổn Tôn xuất hiện trong thân tướng Bổn Tôn là quang minh, nó không có tự tánh là tánh Không. Như vậy, đó là quang minh và tánh Không bất khả phân.

Hãy quán tưởng chính con như Bổn Tôn theo cách đó, thân tướng hữu hình nhưng không có tự tánh và do vậy vượt lên tuổi tác và suy hoại. Khẩu thì tụng niệm bất tận do vậy, tinh túy của mantra vượt khỏi sự ngưng dứt. Tâm siêu vượt sinh tử và như vậy là sự tương tục của pháp tánh.

Không lìa Bổn Tôn trong bốn hoạt động hàng ngày – đi, đứng, nằm, ngồi – đó là con đường của người có khả năng tâm thức cao nhất. Điều này cực khó và là lãnh vực của người có nghiệp báo đã từng tu hành trước kia.

NHỮNG GIAI ĐOẠN QUÁN TƯỞNG

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Khi thiền quán về vị Bổn Tôn Yidam, xin Ngài khai thị về cách lưu giữ Bổn Tôn trong tâm.

Đạo Sư đáp: Trước tiên là những hướng dẫn khẩu truyền về sự quán tưởng Bổn Tôn: Dù con thiền quán Bổn Tôn ở trước mặt hay thiền quán chính con là vị Bổn Tôn, sau khi nhận được hướng dẫn khẩu truyền của vị Thầy, Ngài sẽ ban ân phước cho con, đệ tử của Ngài và bảo vệ con chống lại những thế lực gây chướng ngại.

Kế tiếp, hãy ngồi ở nơi thích hợp, thân thể thoải mái. Đặt một bức hình Bổn Tôn thật đẹp trước mặt. Ngồi một lúc ngắn không suy nghĩ rồi nhìn vào bức hình từ đầu xuống chân. Nhìn lần nữa, toàn bộ chi tiết dần dần từ chân lên đầu. Hãy nhìn chăm chú vào bức hình như một toàn thể. Thỉnh thoảng nghỉ ngơi không suy nghĩ về bức hình và hãy tự làm tươi tỉnh. Sau đó theo cách này nhìn lại nhiều lần trong trọn ngày.

Tối đó hãy ngủ suốt đêm. Khi thức dậy hãy nhìn như trước. Vào buổi tối đừng quán tưởng Bổn Tôn mà chỉ an nghỉ tâm con trong trạng thái vô niệm.

Làm theo điều này, Bổn Tôn sẽ xuất hiện sống động trong tâm con dù không thiền quán. Nếu không được như vậy, hãy nhìn chăm chú vào bức hình, nhắm mắt lại và hình dung bức hình ở trước con. Ngồi cho đến khi nào hình ảnh vẫn còn tự nhiên. Khi nó trở nên mờ nhạt và không rõ, hãy nhìn lại bức hình và lâïp lại sự quán tưởng, hãy để hình ảnh hiện diện sống động. Cắt đứt suy nghĩ khái niệm và ngồi (với hình ảnh Bổn Tôn).

Khi thiền quán như vậy con sẽ có năm loại kinh nghiệm: kinh nghiệm chuyển động, kinh nghiệm thủ đắc, kinh nghiệm thói quen, kinh nghiệm ổn định và kinh nghiệm hoàn thiện.

1. Khi tâm con không giữ được an định, lúc đó con có nhiều tư tưởng, ý nghĩ, và hồi ức, đó là kinh nghiệm chuyển động. Qua đó, con tiến gần đến việc kiểm soát tâm. Kinh nghiệm này giống như thác nước đổ xuống vách đá.
2. Sau đó, khi con có thể quán tưởng Bổn Tôn trong một lúc ngắn với hình dáng và màu sắc sống động và rõ ràng cùng lúc, đó là kinh nghiệm thủ đắc. Kinh nghiệm này giống như một hồ nhỏ.
3. Tiếp sau đó, khi Bổn Tôn xuất hiện rõ ràng dù con thiền quán trong khoảng thời gian ngắn hay dài, và khi Bổn Tôn ở yên trong sáu thời công phu của con mà không có niệm tưởng thô nào xảy ra, đó là kinh nghiệm của thói quen, giống như dòng chảy của một con sông.
4. Kế tiếp, không động niệm và con có thể duy trì thời công phu trong lúc vẫn thấy Bổn Tôn rõ ràng. Đó là kinh nghiệm ổn định giống như Núi Tu Di.
5. Sau đó, khi con duy trì được trọn ngày hay hơn mà không mất sự hiện diện sống động của tứ chi ngay cả đến tóc trên thân Bổn Tôn và không khởi niệm, đó là kinh nghiệm hoàn thiện.

Hành giả, hãy áp dụng điều này cho kinh nghiệm của mình!

Nếu ngồi quán tưởng Bổn Tôn quá lâu mà không rõ ràng, thân con sẽ rối loạn. Con sẽ trở nên mệt mỏi và không thể tiến bộ trong sự thiền quán của mình. Con sẽ có nhiều niệm tưởng hơn, vậy trước tiên hãy tự làm tươi tỉnh và sau đó tiếp tục thiền định.

Cho đến khi đạt được quán tưởng rõ ràng, đừng thiền quán vào ban đêm. Nói chung, điều quan trọng là quán tưởng trong thời gian ngắn. Thiền quán trong lúc có ánh sáng mặt trời, khi bầu trời trong sáng, hay với một ngọn đèn bơ. Không nên thiền quán khi vừa thức giấc hoặc con cảm thấy uể oải hay mệt mỏi.

Vào ban đêm hãy ngủ thẳng giấc và thiền quán tám thời ngắn vào ngày hôm sau.
Khi thiền định, nếu xả thiền đột ngột, con sẽ mất tập trung, vậy hãy xả thiền chậm rãi.

Lúc thiền quán khi sự quán tưởng của con trở nên sống động, con có thể thực hành vào ban đêm, lúc hoàng hôn, và bình minh.

Nói chung đừng làm con mệt mỏi, hãy chú tâm vào quán tưởng, lần lần quen thuộc với thiền quán ổn định, và quán tưởng đầy đủ hình tướng Bổn Tôn.

KÉO DÀI SỰ QUÁN TƯỞNG

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Chúng con nên quán tưởng vị Bổn Tôn trụ trong thời gian bao lâu?

Đạo Sư đáp: Sau khi con quán tưởng được rõ ràng và một ít ổn định như đã giải thích ở trên, có thể kéo dài thời gian an trụ. Thường thì sự tụng niệm quyết định dộ dài của thời công phu. Nhưng vì chưa tới lúc tụng niệm, sự kéo dài thời thiền nên theo khả năng an trụ trong quán tưởng của con.

Đối với cách đo lường bên trong của thời thiền, thì khoảng cách của những hơi thở là quan trọng nhất. Tuy nhiên, với sự đo lường bên ngoài thì thời gian và số lượng thời thiền là quan trọng nhất.

Số lượng của thời thiền có thể quyết định là giữ bốn thời trong một ngày và đêm, và kéo dài càng lâu càng tốt. Mục tiêu của việc đo lường thời thiền là không làm xáo trộn thân thể, giữ cho thực hành thăng bằng, gia tăng sự tập trung, và có thể quán tưởng trong một thời gian dài.

Về việc tính đếm, không nên đếm miệng mà dùng chuỗi để đếm bằng tâm. Sau đó gia tăng số lượng; hãy nghỉ một lúc và thiền định một lúc.

Về sự đo thời gian bằng bóng râm, hãy chia một ngày thành mười sáu hay tám thời (chia bóng râm theo đường vạch) và thiền định mỗi hai phần của vạch bóng râm rồi nghỉ một phần. Tóm lại, hãy thiền định trong tám thời ngắn và nghỉ ngơi xen kẽ tám thời.

Khi con đã ổn định theo cách này, hãy thiền quán trong hai thời ngắn rồi dần dần kéo dài thêm. Sau đó con sẽ có thể trụ trong cả ngày, một ngày và một đêm, nửa tháng, một tháng, v.v...

Tóm lại, bất kể thời thiền của con ổn định ra sao, điểm chính là đừng làm thân con mệt mỏi. Hãy giữ những thời thiền cân xứng và kéo dài một cách tự nhiên thời gian trong sáng bất động và vô niệm.

Đây là những giáo huấn khẩu truyền về việc kéo dài sự quán tưởng Bổn Tôn.

SỬA CHỮA NHỮNG LỖI LẦM

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Khi thiền quán về Bổn Tôn, chúng con nên sửa những lỗi biến đổi ra sao?

Đạo Sư đáp: Để sửa những lỗi biến đổi, có hai phương diện: nhận ra lỗi và sửa lỗi.

Về nhận ra lỗi có hai loại: thông thường và đặc biệt.

Những lỗi thông thường là quên quán tưởng, lười biếng, e ngại, hôn trầm, trạo cử (kích động), quá nỗ lực và thiếu cố gắng.

1. Quên quán tưởng là thiền quán bị xao lãng.
2. Lười biếng là suy nghĩ một cách giải đãi, “Tôi sẽ làm sau”.
3. E ngại là sợ mình không thành tựu và sợ sai lạc.
4. Hôn trầm là cảm thấy trì trệ vì hoàn cảnh, một cách ngẫu nhiên hay tự nhiên.
5. Trạo cử là cảm thấy tự nhiên bị kích động do hoàn cảnh hay hoạt động có chủ ý.
6. Quá nỗ lực là không bằng lòng trong lúc quán tưởng Bổn Tôn đã được rõ ràng lại phát sinh ý muốn quán tưởng thêm lần nữa.
7. Thiếu cố gắng là vẫn dửng dưng khi sự quán tưởng Bổn Tôn không được rõ.

Khi quán tưởng Bổn Tôn, có mười hai lỗi đặc biệt như sau: lờ mờ và không trong sáng, trên và dưới đảo lộn, thân thể không cân xứng, trang phục biến đổi, tư thế thay đổi, hình dạng biến đổi, số lượng biến đổi, màu sắc của thân biến đổi, xuất hiện chỉ có màu sắc, xuất hiện chỉ có hình dạng, ngồi nghiêng ngả và dần dần biến mất.

Bây giờ giải thích về phương pháp sửa những lỗi này. Với bảy lỗi thông thường, con nên giữ vững tám áp dụng để sửa chữa chúng.

Áp dụng chánh niệm khi quên quán tưởng. Áp dụng niềm tin, quyết tâm và kiên trì để đối trị lười biếng. Áp dụng chánh tư duy như phương thuốc chống lại lo sợ. Để đối trị hôn trầm, hãy phát triển nhiệt tình, đi tắm và đi dạo. Khi bị xáo động, hãy phát triển sự buồn chán đối với luân hồi, hãy cột tâm của con với sự tỉnh thức, và buộc tâm vào cây quán tưởng. Tóm lại, với hôn trầm và trạo cử, hãy sử dụng sự cảnh giác của người canh giữ. Áp dụng sự bình thản buông xả khi mong muốn nỗ lực quá nhiều. Hãy quán tưởng chuyên cần khi thiếu cố gắng.

Về cách sửa những lỗi đặc biệt của Bổn Tôn, hãy nhìn kỹ những chi tiết khi bị lờ mờ, tối tăm hay không rõ và thực hành thiền định về tánh Không vô niệm. Hãy thực hành luân phiên giữa vô niệm, nhìn Bổn Tôn và thiền định.

Khi sự cân đối của thân, trang phục, hình dáng, hay tư thế biến đổi, hãy quán tưởng rằng thân Bổn Tôn là vật chất cụ thể và rất to lớn, vững chắc. Quán tưởng rằng những con bồ câu bay vào và ra lỗ mũi, những con chim, cừu và nai nô đùa trên tay và chân. Quán tưởng rằng vị Bổn Tôn an trụ như chất liệu cứng chắc giống một bức tượng.

Nếu biến đổi số lượng, hãy hạn chế quán tưởng một hay hai Bổn Tôn. Khi chỉ xuất hiện màu sắc, hãy quán tưởng hình dáng. Nếu Bổn Tôn đổi màu đỏ hay vàng theo sức nóng của thể trạng máu hay mật v..v... hãy nghỉ ngơi. Nếu Bổn Tôn dần dần biến mất, hãy tập trung tâm vào tay và mặt Bổn Tôn. Với lỗi quán tưởng không trọn vẹn, hãy quán tưởng toàn bộ thân thể Bổn Tôn với đầy đủ trang hoàng và những thuộc tính.

Tóm lại, hãy thực hành mà không trở nên mệt mỏi vì bất kỳ những lỗi nào có thể xảy ra. Sau đó, thiền định về tánh Không vô niệm. Kế tiếp thực hành trong lúc nhìn và chú tâm vào thân thể vị Bổn Tôn.

Đây là những giáo huấn khẩu truyền về sửa chữa lỗi lầm khi thiền quán về Bổn Tôn.

TU HÀNH VỚI BỔN TÔN

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Chúng con nên rèn luyện với Bổn Tôn như thế nào?

Đạo Sư khai thị: Giáo huấn khẩu truyền về tu hành với Bổn Tôn là quán tưởng Bổn Tôn bằng thiền định về vô niệm cho đến khi con thoát khỏi những lỗi này. Hãy thiền định luân phiên giữa Bổn Tôn và vô niệm. Khi con có thể quán tưởng Bổn Tôn không bị lỗi, hãy quán tưởng Bổn Tôn đứng thẳng, hay ngồi, nằm ngửa hoặc sấp trên một bình nguyên hay đỉnh núi, gần hay xa, trên đá hay dưới nước. Hãy tu hành việc quán tưởng Bổn Tôn theo những cách này bất cứ khi nào con muốn thực hành.

HÒA NHẬP VỚI BỔN TÔN

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Chúng con nên hòa nhập với Bổn Tôn ra sao?

Vị Thầy khai thị: Một khi con đã tu hành và quen thuộc với Bổn Tôn, hãy hóa tán Ngài vào trong con. Hãy quán tưởng điều đó khi con là một Bổn Tôn đơn hay một mandala với một cõi Phật. Sau đó, để nối kết Bổn Tôn với cái tối hậu, Bổn Tôn được quán tưởng và được ổn định nhờ niệm tưởng của con. Tâm con và tám thức kết tập là cái xuất hiện như thân tướng và trí tuệ của Bổn Tôn. Một cách tuyệt đối, nó là tỉnh giác của tâm giác ngộ, trí tuệ vĩ đại tự-hiện hữu, tinh túy của quả. Vị Bổn Tôn không xuất hiện từ đâu khác. Cho dù Ngài xuất hiện ra sao đều vô tự tánh và do vậy là một thân tướng bất nhị. Xuất hiện trong thân tướng Bổn Tôn là vượt khỏi bám luyến vì Ngài là thân, khẩu, ý như kim cương (thân vajra) xuất hiện nhưng vô tự tánh.

Dù tâm con xuất hiện như Bổn Tôn, nó cũng không có tự tánh. Vì nó không thể khảo sát hay biểu thị bằng bất cứ hình tướng gì, nó là pháp thân.

Hỡi hành giả, con đã tu hành như vậy theo ý nghĩa này,cần tuân thủ và an trú trong sáu samaya của thực hành. Con không nên từ bỏ sự sùng kính vị Thầy, người đã ban cho con giáo lý khẩu truyền. Áp dụng những gì có lợi cho thiền định và tránh những gì không lợi. Đừng để sự tập trung của con bị lãng phí vì những hoạt động hàng ngày. Tiếp tục cho đến khi hoàn thiện mà không từ bỏ Bổn Tôn, hãy giữ bí mật việc thực hành Bổn Tôn riêng của con và không thiền định với suy nghĩ bỏ vị này lấy vị khác. Bất kỳ vị Bổn Tôn nào con thực hành đều tương tự như thiền quán về tất cả chư Phật. Việc thiền quán về chư Phật không gì khác hơn là giúp nhận ra tâm con. Thậm chí việc quán tưởng Bổn Tôn cũng chỉ là một biểu hiện của tâm thức. Ngoài điều này ra thì không có gì để thành tựu và thiền định. Chư Phật và Bồ Tát đều hiện thân trong vị Bổn Tôn Yidam của con.

Đây là hướng dẫn khẩu truyền về hòa nhập với Bổn Tôn và nối kết Ngài với tuyệt đối.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THÀNH TỰU BỔN TÔN

Công Chúa Tsogyal hỏi vị Thầy Hóa Thân: Thưa, người ta lấy một vị Bổn Tôn như con đường và thành tựu Ngài ra sao?

Vị Thầy đáp: Để thành tựu một Bổn Tôn, trước tiên hãy quán tưởng vị Bổn Tôn phía trước con. Sau đó ổn định sự quán tưởng vế chính con như Bổn Tôn. Cho đến lúc này tránh tụng niệm.

Bây giờ, khi sắp thực hành Bổn Tôn, hãy sắp xếp một mandala cho sự thành tựu và bày đồ cúng dường. Hãy đặt những đối tượng thiêng liêng trước mặt và tự làm tươi tỉnh, ngồi xuống trên một chỗ thoải mái.

Cầu thỉnh vị Thầy và tập hội chư Bổn Tôn Yidam, đảnh lễ, cúng dường và tán thán, thực hiện tám chi. Vị Bổn Tôn sau đó tan thành ánh sáng và hóa tán vào trong con, bằng cách này hãy quán tưởng chính con là vị Bổn Tôn Yidam. Hãy vẽ một vòng bảo vệ để nhập thất và thánh hóa sự cúng dường.

Nhờ ba samadhi v.v.., hãy quán tưởng mandala cùng với những Bổn Tôn. Thực hiện sự hiến cúng thánh hóa và quán đảnh. Cầu thỉnh và hòa nhập Bổn Tôn trí tuệ, đảnh lễ, cúng dường và tán thán.

Lập lại sự quán tưởng Bổn Tôn tách biệt phía trước con, và tụng niệm. Khi hoàn tất tụng niệm hãy tán thán.

Thể nhập Bổn Tôn vào thân con và đi ngủ trong lúc duy trì niềm tự hào con là Bổn Tôn.

Sáng hôm sau khi thức dậy lập tức quán tưởng Bổn Tôn và tụng niệm theo nghi quỹ của con như trên.

Hãy thánh hóa thực phẩm và đồ uống và cúng dường như một bữa tiệc.

Theo cách này dù con tu hành với Bổn Tôn như một tập hội Bổn Tôn trong mandala đơn, con vẫn sẽ thành tựu.

Đây là giáo huấn khẩu truyền của sự thành tựu Bổn Tôn.

NHỮNG DẤU HIỆU THÀNH TỰU

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Khi thành tựu một Bổn Tôn, những dấu hiệu và biểu lộ gì của sự thành tựu sẽ xuất hiện?

Vị Thầy khai thị: Có bốn loại dấu hiệu: biểu hiện, những giấc mơ báo hiệu, những chỉ dẫn, và những dấu hiệu trong thực tế.

Bốn loại biểu hiện giống như khói, ảo ảnh, đom đóm, và một bầu trời không mây. Những biểu hiện này được giải thích như những ví dụ cho sự tiến bộ của kinh nghiệm.

Năm loại giấc mơ báo hiệu như sau: thấy chư Phật và Bồ Tát khác với mình, thấy chư Phật và Bồ Tát và mình như nhau, thấy chính mình là Bổn Tôn không có trước sau, thấy tất cả chư Phật và Bồ Tát bày tỏ sự tôn kính và cúng dường cho mình và mộng thấy rằng tất cả chư Phật truyền đạt và giải nghĩa những giáo lý sâu xa.

Ngoài ra, nếu nằm mơ thấy mình nhiều lần khỏa thân là dấu hiệu đã tịnh hóa những tập khí. Mơ đi lên cầu thang vào bầu trời là dấu hiệu đã đi vào con đường. Mơ thấy cưỡi sư tử và voi là dấu hiệu đã hoàn thành các địa (quả vị Bồ Tát). Mơ thấy có vị xuất hiện tươi cười v.v... là dấu hiệu nhận được một tiên tri.

Dù con có những hảo mộng như vậy, cũng đừng vui mừng.

Đây là những chỉ dẫn bên ngoài, bên trong và bí mật của thực hành.

1. Những chỉ dẫn bên ngoài trong khi thiền định là: thấy những đối tượng vật chất như phân tử vi tế, những chủng tử tự, những thuộc tính của tâm, thân tướng vi tế, v..v..., hoặc thấy những lãnh vực tri giác thô của năm màu như lửa và nước, v..v...
2. Những chỉ dẫn bên trong là khi thiền định về Bổn Tôn con không để ý đến hơi thở ra vào, thân con nhẹ như bông gòn và thoát khỏi già chết.
3. Những chỉ dẫn bí mật là khi con thực hành Bổn Tôn một xuất hiện huyễn ảo, thì như chỉ là trí tuệ hiện tiền tự nhiên. Con cảm thấy lòng bi bình đẳng với mọi người và lãnh vực kinh nghiệm của con hé lộ như trí tuệ.

Những dấu hiệu thực tế là những dấu hiệu bên ngoài và trong. Những dấu hiệu bên ngoài là ánh sáng xuất hiện, hình của Bổn Tôn cười, một âm thanh lớn hay mùi hương thơm dịu xuất hiện, một đèn bơ tự thắp sáng, thấy đầu con bay lên, hoặc thấy thân con không có bất kỳ khó chịu nào. Những dấu hiệu bên trong cho thấy lòng bi của con tăng trưởng hơn trước, bám luyến của con giảm bớt, thoát khỏi định kiến, con có samaya thanh tịnh và tình thương với vị Thầy và Pháp hữu, con không còn sợ luân hồi và không bị Mara (Ma vương) đe dọa.

Khi những dấu hiệu như vậy xảy ra, đừng trở nên vui mừng mà hãy tinh tấn.
Đây là cách ù những dấu hiệu và chỉ dẫn của thực hành xuất hiện.

NHỮNG KẾT QUẢ CỦA THỰC HÀNH

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Những phẩm tính nào sẽ là kết quả của việc thực hành Bổn Tôn?
Đạo Sư nói: Những phẩm tính kết quả từ thực hành Bổn Tôn là con tịnh hóa những che chướng và tích lũy công đức.
Vì sự ý niệm hóa của con chấm dứt nhờ thiền quán một Bổn Tôn, con sẽ tịnh hóa những che chướng của nghiệp, những cảm xúc phiền não, và những nơi tái sanh.
Về phần tích lũy công đức, có năm loại kết quả: kết quả của con đường, đó là bốn cấp vidyadhara, và kết quả tối hậu.
Những cấp vidyadhara có hai phương diện: phẩm tính và tinh túy. Các phẩm tính là lục thông và bốn thần lực. Tinh túy là bốn cấp vidyadhara, đó là vidyadhara cấp trưởng thành, vidyadhara cấp làm chủ cuộc sống, vidyadhara cấp đại ấn, và cấp vidyadhara của hiện diện tự nhiên.
Kết quả tối hậu là khi sự thiền quán Bổn Tôn của con trở nên linh hoạt, ngay cả dù con có một ít phẩm tính và chút thông minh, chắc chắn con sẽ đạt được trạng thái Phật quả viên mãn.

NĂM CON ĐƯỜNG

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Trong hệ thống Bát Nhã Ba La Mật đã dạy rằng hành giả phải đi qua các con đường. Chúng con phải làm sao để phối hợp năm con đường với thực hành mandala Bổn Tôn tới viên mãn?
Vị Thầy đáp: Con đường thực hành mandala Bổn Tôn có bốn phương diện: con đường tiếp hợp, con đường của cái thấy, con đường trau dồi (trưởng dưỡng), và con đường hoàn tất.
Những con đường tiệm tiến này có thể nối kết với bốn phương diện của tiếp cận và thành tựu, trong đó sự tiếp cận là con đường của tiếp hợp, tiếp cận hoàn toàn là con đường của cái thấy (kiến giải), sự thành tựu là con đường trưởng dưỡng, và đại thành tựu là con đường hoàn tất.

CON ĐƯỜNG TIẾP HỢP

Con đường tiếp hợp có bốn khía cạnh. Thực hành chân như và những samadhi như huyễn là sức nóng (nỗn địa). Thực hành tập trung vi tế và tướng Bổn Tôn đơn là đỉnh cao nhất (đảnh địa). Thực hành sự biểu hiện trọn vẹn và thân tướng Bổn Tôn chi tiết là sự tiếp nhận (nhẫn địa). Thực hành về tập hội trên con đường liên tục là thế gian tối cao (thế đệ nhất địa).

1. Bằng đại định của chân như, hãy xác định rằng mọi hiện tượng đều là tâm con và thực hành vô niệm trong bản tánh không tạo tác của tâm. Hãy thực hành cho đến lúc con nhận ra nó.

Đại định như huyễn là sự tự-phô diễn của hư không bất sinh. Đó là thực hành sự nhận thức tính bất khả phân có biết nhưng vô niệm của sự biểu lộ hình tướng và tánh Không. Giống như ánh sáng tràn ngập hư không được nhận biết, trong lúc sự nhận biết là biểu hiện và phi khái niệm.

Lúc đã thực hiện được điều này sau khi đạt được sự linh hoạt, con sẽ vượt qua ranh giới giữa những sự giống nhau của Đại Thừa và Tiểu Thừa, sau đó mười một dấu hiệu đạt được sức nóng sẽ xuất hiện:

­ Những côn trùng không sống trên thân con.
­ Những nhiễm ô bên ngoài và bên trong của con được tịnh hóa.
­ Thoát khỏi bệnh tật của thân tứ đại.
­ Đạt được cái nhẫn thuộc về thể lý.
­ Vượt qua những suy nghĩ dựa trên khái niệm của con.
­ Thoát khỏi thực phẩm vật chất, sự tươi sáng rực rỡ huy hoàng của con vượt lên sự tàn tạ.
­ Không phát sinh những tham nuốn thông thường.
­ Thoát khỏi năm cảm xúc phiền não.
­ Tập khí có khuynh hướng thiên về kiến và hành của Tiểu thừa được cạn kiệt.
­ Thoát khỏi tám mối quan tâm thế gian.
­ Nhận được Giáo Pháp thâm sâu.

Đây là mười một dấu hiệu đạt được sự chấp nhận vượt khỏi sự bị rơi trở lại.

2. Thực hành Bổn Tôn đơn và tập trung vi tế ở giai đoạn đỉnh là thiền định về samadhi vi tế và Bổn Tôn đơn cho đến khi nó trở thành biểu lộ trong ba lãnh vực của đối tượng.

Những dấu hiệu của tập trung của giai đoạn đỉnh là năm cảm xúc phiền não không khởi lên theo những đối tượng bên ngoài, và không thể bị hại bởi năm nguyên tố bên ngoài. Đó là những dấu hiệu tâm con đã hòa nhập với hình tướng xuất hiện.

4. Thực hành yoga của tướng thân phức tạp ở giai đoạn nhẫn là tự tu hành với Bổn Tôn phẫn nộ và hiền minh như ba gia đình, năm gia đình hay một số nhóm gia đình.

Con đạt được hoàn thiện điều này khi đã phát triển quen thuộc với nó, con có thể phát ra ánh sáng với một samadhi tức thời và tỉnh giác tự nhiên của con có thể quán tưởng thậm chí một mandala của một ngàn vị Phật.

Những dấu hiệu chứng tỏ đạt được giai đoạn nhẫn và trở nên linh hoạt trong việc biểu hiện những hình tướng là con có thể biến cát thành vàng, tạo ra nước ở nơi khô hạn, làm than củi đâm chồi, và có thể điều khiển mọi vật hữu hình theo con muốn. Đó là những dấu hiệu đạt được sự làm chủ tâm.

4. Hoàn tất tập hội trên con đường liên tục ở giai đoạn cao nhất của thế gian là thực hành ý nghĩa đại lạc của pháp tánh. Khi trở nên cực kỳ ổn định, con được phú cho năm điều, v.v.., và con bắt đầu nghi quỹ vào một lúc cát tường.

Nếu năng lực tập trung mạnh, con đạt được cấp vidyadhara làm chủ cuộc sống, do vậy; trong vòng sáu, mười hai hay mười sáu tháng con sẽ đạt tới bộ thiêng liêng của sự làm chủ. Năng lực sống của con sẽ tương đương mặt trời và mặt trăng và có thể kéo dài tuổi thọ của con mỗi lần một trăm năm.

Nếu năng lực tập trung yếu, con đạt được cấp vidyadhara trưởng thành. Khi rời bỏ thân xác, con đạt được thân tướng dầy đủ của bổn tôn yidam trong trung ấm. Đó là kết quả của sự ổn định trong giai đoạn phát triển.

CON ĐƯỜNG CỦA CÁI THẤY.

Bây giờ Ta sẽ giải thích sự tiếp cận đầy đủ đó là con đường của cái thấy. Sau khi nhận biết thân còn lại của con là một thân tâm thức, những nhiễm ô sẽ cạn kiệt và con đạt được sự bất biến của vidyadhara cấp làm chủ cuộc sống vượt khỏi sinh tử, thậm chí không cần rời bỏ thân xác hiện tại. Đạt được ngũ thông và bốn thần lực, con chứng ngộ những đặc tính của cái tối hậu. Mặc dù chuyển hóa thành vô số vật qua vô số kiếp không thể tính toán được, phô diễn những thần lực huyền diệu của con trên con đường của cái thấy và hoạt động vì lợi ích của chúng sanh, con đi vào hành động mà không bám luyến và nhận được giáo lý từ những vị hóa thân trong thân người. Con sẽ không rơi trở lại khỏi con đường.

CON ĐƯỜNG CỦA SỰ TRƯỞNG DƯỠNG VÀ HOÀN TẤT.

Bây giờ Ta sẽ giải thích sự thành tựu như là con đường trưởng dưỡng. Con đường của sự trường dưỡng là đặt những đặc tính của cái tối hậu vào thực hành, đạt được cấp mahamudra của thân cầu vồng.

Dù trạng thái tâm của con trong trạng thái thiền định không khác với trạng thái tâm của các vị Phật nhưng vì con vẫn còn trạng thái của thức hậu thiền định do vậy phải chủ ý trụ lại trong thiền định. Vì giờ đây con an trụ trong tập trung không lay động, đó là cấp vidyadhara của mahamudra. Đây là kinh nghiệm bất động từ ati yoga. Không rời trạng thái thiền định con lưu xuất vô số xuất hiện như huyễn và hoàn thành lợi ích cho chúng sanh. Bằng tâm thức hay bằng biểu tượng, con có thể tiếp nhận giáo lý từ báo thân.

Về con đường của đại thành tựu, cấp vidyadhara của hiện diện tự nhiên, những phẩm tính của con hầu hết đều ngang bằng với những phẩm tính tối thượng của chư Phật, nhưng vẫn còn có khác biệt giữa trạng thái không có thiền định hay có thiền định khiến nâng cấp những phẩm tính đó. Cấp vidyadhara hiện diện tự nhiên sở hữu sự nâng cao tức khắc.

Tập hợp những vị nhiếp chính và ban giáo lý, con đạt được sự hoàn tất, đại định như-kim cương và thành tựu lợi ích cho mình và người khác nhờ thần lực không cần cố gắng. Đây là hành động biểu lộ của trí tuệ. Hội ngộ pháp thân mặt đối mặt, con tiếp nhận giáo lý qua những ban phước và tịnh hóa những che chướng vi tế của tri kiến nhị nguyên.

Đây là con đường tiệm tiến về việc làm thế nào đạt được bốn phương diện tiếp cận và thành tựu, năm con đường, và bốn cấp vidyadhara.

SỰ NHẢY QUA CÁC CẤP BẬC

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Khi giải thích con đường tắt của Kim Cương Thừa, liệu có thể nhảy qua các cấp bậc trên con đường hay không?

Vị Thầy đáp: Cũng có dạy rằng có sự nhảy qua những cấp bậc. Có thể có một số người đạt tới thành tựu, tiến bộ qua con đường tiếp hợp, con đường của cái thấy, và con đường trưởng dưỡng một cách tức thời. Không đi từng bước, một số người đạt giác ngộ từ con đường của cái thấy, một số đạt Phật quả từ con đường trưởng dưỡng, có người tiệm tiến dần đến cuối đường và đạt tới trạng thái Phật quả. Người ta khác nhau theo mức độ năng lực thông minh và tập trung.

Bốn cách thực hành con đường này tùy theo đẳng cấp của bốn loại người thì không dựa vào việc phải tiếp tục theo con đường sau khi tái sanh ở kiếp tới. Hệ thống quả của Kim Cương Thừa chủ trương rằng con thoát khỏi căn bệnh sinh tử ngay trong kiếp sống này, và đạt được cấp samadhi vượt khỏi tái sanh, con thành tựu ba thân.

Để đạt tới địa Bất khả phân và đắc Pháp thân chỉ trong một kiếp, người thông tuệ được dạy tu hành trong con đường của pháp thân, quen thuộc dần với nó, và lấy như thị làm con đường.

Để đạt Thiện Thệ địa và đắc thân đại lạc, người nhiệt thành được dạy tu hành trong con đường đại lạc, quen thuộc dần với nó, và lấy lạc làm con đường.

Để đạt địa Vòng Đại Tập hội và đắc những thân sắc tướng, người nhiều sân được dạy tu hành trong con đường giải thoát và quen thuộc dần với nó. Người chấp giữ những thuộc tính được dạy để nhận Bổn Tôn làm con đường.

Trong cách này, con tịnh hóa các cõi của ba thân và quen thuộc dần với ba địa. Vì tất cả những kết quả này đều dung chứa trong tâm con nên hãy xác quyết rằng Phật quả không hiện hữu ở đâu khác.

Đây là những phẩm tính siêu phàm của con đường nhảy vượt qua những cấp bậc.

NHỮNG THÂN VÀ NHỮNG TRÍ TUỆ

Công Chúa Tsogyal hỏi Đạo Sư: Thưa, chúng con đạt quả vị của Kim Cương Thừa, năm thân, và ngũ trí ra sao?

Vị Thầy khai thị: Liên quan đến những loại khả năng khác nhau vừa nhắc đến ở trên, khi con tiến hành bốn cách nhận làm con đường, con đạt được quả vô thượng, kết quả hiện diện tự nhiên của năm thân và ngũ trí.

Pháp giới thể tánh trí nghĩa là tướng chung của tất cả chư Phật, tánh vốn có sẵn không tạo tác của con, một tinh túy nguyên sơ vô điều kiện, là bất sinh, vốn thanh tịnh vượt khỏi sinh diệt.

Trí tuệ như gương nghĩa là dù pháp giới không có vật chất cụ thể, bản tính của nó là trong sáng và mọi hiện tượng xuất hiện giống như những phản chiếu trong một tấm gương trong lúc đó không có tự tánh, và được nhận biết trong lúc không có suy nghĩ dựa trên khái niệm.

Bình đẳng tánh trí nghĩa là pháp giới bất tận là tánh giác tự hiện hữu, và lìa khỏi mọi tạo tác. Sự nhận thức là vô sinh, bất nhị, và đại bình đẳng.

Diệu quan sát trí (trí tuệ phân biệt cá thể) là sự kiện không rời trạng thái bình đẳng bất nhị này, những đặc tính của hiện tượng chung và riêng là không lẫn lộn và hoàn toàn đầy đủ, trong lúc những tập khí của vô minh được loại bỏû và trí tuệ toàn giác hiện ra không có khổ đau của sự suy nghĩ dựa trên khái niệm.

Đại viên cảnh trí (trí tuệ của hành động kiên trì)[34] là ngơi nghỉ trong lúc vẫn nhận biết như vừa nhắc đến. Trí tuệ bất khả phân này là để thành tựu và hoàn thiện lợi ích cho chính mình và người khác một cách tự nhiên với sự kiên trì.

Năm trí này biểu lộ riêng rẽ như sự biểu hiện bất tận của giác tánh con, nhưng chúng không bao giờ tách rời trí tuệ nền tảng của pháp giới. Pháp giới thể tánh trí này là nền tảng của tất cả, là sự hiện diện nguyên sơ trong chính con; suốt ba thời, hành giả chưa từng tách khỏi nó.

Bây giờ cách năm thân hiện diện ra sao như sau.

Pháp thân là bản tánh bẩm sinh không do tạo tác, một sự tự nhiên thâm sâu, vượt khỏi sinh diệt và tạo tác.

Báo thân là sự hỷ lạc của trí tuệ tự-hiện hữu của tánh giác, vì thân và trí tuệ đều hiện diện trong sự tương tục của bản tánh bẩm sinh của tâm con.

Hóa thân là lòng bi sinh ra từ trí tuệ, xuất hiện và phô diễn như huyễn trong tất cả cách.

Thân đại lạc là đại lạc bất sinh của tâm giác ngộ.

Thân tinh túy là sự kiện bốn thân này không tách rời như tinh túy của tâm giác ngộ bẩm sinh.

Vì năm thân và năm trí hiện diện tự nhiên, điều này được gọi là sở hữu tổng tướng của tất cả chư Phật. Hành giả thiền định tiệm tiến về tinh túy của năm thân này khi ở trên con đường như bản tánh của tâm mình. Khi rời bỏ thân xác, hành giả đạt được năm thân và năm trí này theo một cách siêu vượt chứng đắc và thấy biết chúng theo một cách siêu vượt thấy biết.

Đây là sự giải thích Phật tánh hoạt động vì lợi ích của chúng sanh ra sao. Rất nhiều sự phản chiếu của mặt trời trên mặt nước mà không để lại dấu vết một vòng mặt trời nào cả. Tương tự, Chân lý và Đấng Giác Ngộ viên mãn, Pháp thân, không lưu lại sự bình đẳng của bản thể bẩm sinh, những xuất hiện huyền diệu qua báo thân và hóa thân tùy theo những khuynh hướng riêng biệt của người cần điều phục nhiều như không gian vô tận. Dù hoạt động vì lợi ích của chúng sanh, pháp thân không có sự suy nghĩ dựa trên khái niệm (vô niệm).

Ví dụ, ánh sáng mặt trời không quan niệm làm lợi ích chúng sanh. tương tự, hai thân không có quan niệm hành động cho lợi ích của chúng sanh. Sự lợi ích của chúng sanh do năng lực ý nguyện của họ.

Đạo sư khai thị: Này Tsogyal, khi chu trình năm trăm năm của thời đại đen tối xảy đến, đa số người đi theo Kim Cương Thừa sẽ chỉ nói mà không thực hành ý nghĩa của chúng. Họ sẽ để Kim Cương Thừa đi lạc vào sự tụng niệm thần chú của phù thủy và sẽ sử dụng sai những chất liệu samaya cho những nghi lễ trống rỗng. Họ sẽ xây dựng nơi ẩn cư ở giữa làng. Tuyên bố là thực hành hợp nhất họ sẽ tự cho phép hưởng thụ những tham dục thường tình. Tuyên bố là thực hành giải thoát họ sẽ dung túng cho sân hận thường tình. Nhầm lẫn giữa thiện và ác, họ đổi chác những giáo huấn khẩu truyền và thậm chí những vị Thầy cũng bán mình cho đệ tử. Họ sẽ biến Kim Cương Thừa thành sự nghiên cứu và sẽ thực hành với động cơ chính trị và tham vọng ích kỷ.

Trong thời kỳ mạt pháp này, Kim Cương Thừa sẽ bị che ám bởi ngôn từ. Ân phước của Kim Cương Thừa sẽ giảm bớt vì thiếu hiểu biết ý nghĩa của nó. Vì chỉ có số ít đạt tất địa, sẽ đến lúc Kim Cương Thừa gần như biến mất. Vì lợi ích của những người có thiện nghiệp đã được định trước vào lúc đó, hãy viết ra dòng truyền nhờ sự nghe này và cất dấu nó như một kho tàng.

Trong Động Phi Cao tại Yerpa, vào ngày 12 tháng cuối thu Năm Thân. Ta, Công Chúa Tsogyal viết ra tràng hoa hướng dẫn khẩu truyền quý báu này, Sự Tu Tâm của Kim Cương Thừa, và cất giấu nó như một kho tàng. Sau khi gặp được một người đã định có thiện nghiệp trước, cầu mong những lời tịnh hóa những che chướng này đến trí tuệ của y, và cầu mong y đạt được cấp độ vidyadhara.

Dấu ấn kho tàng.
Dấu ấn cất dấu.
Dấu ấn sự uyên thâm.
Dấu ấn giao phó.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]