Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 06: Khi bán cầu não trái ngừng hoạt động

18/04/201301:32(Xem: 6688)
Chương 06: Khi bán cầu não trái ngừng hoạt động

TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ
SỰ PHỤC HỒI

Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm


CHƯƠNG 6

KHI BÁN CẦU NÃO TRÁI NGỪNG HOẠT ĐỘNG

Trong lúc ngồi chờ bạn đồng nghiệp đến chở đi bệnh viện, tôi chợt nhớ là phải gọi bác sĩ gia đình. Tôi ít khi đi bác sĩ vì tình trạng sức khỏe quá tốt và cũng vì tôi rất bận rộn. Bây giờ phải báo cho bác sĩ của tôi biết là tôi phải vào “cấp cứu”. Tôi mới đi bác sĩ cách đây 6 tháng, nên danh thiếp vẫn còn trong xấp trên bàn viết và vì cái dấu hiệu Harvard rất dễ nhớ. Dễ nhớ, nhưng không phải dễ tìm. Tôi quên là tôi không còn khả năng phân biệt chữ nghĩa hoặc con số. Tôi nhìn mãi các danh thiếp nhưng không thể chọn ra tấm nào là của bác sĩ tôi. Tất cả chữ nghĩa và con số trên danh thiếp chỉ còn là những chấm đen dưới mắt tôi bấy giờ. Chán nản lẫn hãi hùng, tôi nhận ra là khả năng tiếp xúc với ngoại vật của tôi đã tồi tệ hơn tôi tưởng. Mắt tôi không còn phân biệt được hình dáng và màu sắc của mọi vật thể xung quanh. Ngay cả thân thể tôi, tôi cũng không phân biệt nó là thể đặc hay thể lỏng, nên không còn dám di động từ chỗ này sang chỗ khác. Và trí nhớ dài hạn hay ngắn hạn cũng không còn.

Thật là một công việc đáng sợ khi phải chỉ ngồi yên đó với một đầu óc im vắng, trống không như lặng chết, trong tay cầm một xấp danh thiếp và cố gắng nhớ xem mình phải làm gì! “Tôi là ai? Tôi đang làm gì đây?” là câu hỏi không có câu trả lời, Bởi đầu óc không còn hiểu được thực trạng của ngoại cảnh. Và tôi cũng mất đi cảm giác phải gấp rút tới bệnh viện. Nhưng cũng kỳ lạ thay, phần tiền đình của não bộ trái vẫn còn giữ được ý tưởng là tôi phải đến bệnh viện. Cơn đau nhói trên đầu thinh thoảng đưa lại những giây phút “sáng suốt” khiến tôi nối kết được với thực tại, biết phải làm gì và làm thế nào. Cuối cùng, tôi đã lựa ra được tấm danh thiếp của bác sĩ riêng nhờ vào dấu hiệu trường Harvard in trên góc trái. Ở thời điểm này, cái ý nghĩ “nói chuyện qua điện thoại” cho tôi cảm giác thật là kỳ lạ. Sao mà khó hiểu quá vậy? Làm sao mà chỉ bấm vào mấy con số mà một người ngồi ở đây lại có thể nói chuyện với một người ở xa trong một không gian khác biệt? Và người này nói mà người kia nghe và hiểu?

Vì tôi sợ sẽ mất sự chú ý về công việc đang làm, tôi đẩy xấp danh thiếp qua một bên. Não bộ tôi đang đi dần vào sự phân hóa trầm trọng, sự hiện hữu của các con số trước mắt tôi dần trở nên kỳ lạ như chưa từng thấy bao giờ. Tôi ngồi đó, im lặng, thần trí như tỉnh như mê. Tôi nhìn nhũng con số lạ lùng trên danh thiếp và trên điện thoại, rồi cố gắng bấm đều đặn từng con số ngoằn ngoèo trên danh thiếp giống với con số ngoằn ngoèo trên điện thoại. Tôi phải lấy ngón tay trỏ của bàn tay trái che lại những số vừa bấm xong, để ngón tay trỏ của bàn tay xụi bên phải không lẫn lộn. Tôi phải làm như vậy vì không còn nhớ được cái gì mới vừa làm. Cảm giác mệt mỏi vì đã làm một việc quá sức khó, tôi còn lo âu là tôi sẽ quên mất mình đang muốn làm gì. Tôi phải lặp đi lặp lại trong đầu: “Đây là Jill Taylor. Tôi đang bị xuất huyết não. Đây là Jill Taylor. Tôi đang bị xuất huyết não”.

Nhưng khi điện thoại đầu kia reo và tôi cố gắng lên tiếng, tôi chết điếng cả người khi khám phá ra tôi không còn nói được. Tôi vẫn nghe được câu tôi muốn nói vang lên trong đầu, nhưng thực tế âm thanh không phát ra ở miệng vì thanh quản đã không còn làm việc. Ngay cả tiếng ồ ồ như dã nhân mà tôi đã gọi bạn đồng nghiệp mới đây, cũng không còn. “Chúa ơi! Con không thể nói. Con không thể nói nữa”. Sợ đầu dây kia nghĩ rằng đây là có người gọi “phá đám” và họ sẽ gác máy, tôi vội cố hết sức bình sinh từ buồng phôn, hét lên: “Đừng gác máy; xin đừng gác máy”. Thì tôi chỉ nghe được: “Uhhhh, ahhh, thhhhhhh, thhhhììzzzzăa...”. Nhưng rồi điện thoại cũng được chuyển cho bác sĩ. Cũng may, bác sĩ của tôi mới vào tới văn phòng. Nghe một hồi, bà cũng đoán được tình trạng của tôi, nên đã bảo tôi đi đến bệnh viện Mount Auburn. Nhưng tôi nghe mà không hiểu được gì. Bà phải ôn tồn kiên nhẫn lặp lại thật chậm mấy lần, tôi mới hiểu. Thì ra, khi nghe tiếng nói của người khác, tôi không còn khả năng phân biệt được âm thanh và nghĩa lý của âm thanh. Tôi có cảm giác càng lúc tôi càng không thể liên lạc được với thế giới bên ngoài. Lần đầu tiên, tôi nhận ra mình không phải là không thể bệnh, là “bất tử”. Không phải như cái máy vi tính bị “yếu” hay “chậm” thì tắt nó đi, rồi “mở” trở lại thì nó sẽ mạnh và nhanh hơn. Tôi nhận ra con người sống không phải chỉ nhờ các tế bào cơ thể khỏe mạnh, mà còn phải có bộ óc với các tế bào thần kinh liên lạc với nhau một cách thích hợp và hữu hiệu.

Bây giờ thì tôi cảm thấy cái chết đã gần kề. Mặc dầu não bộ bên phải cho tôi cảm giác an lành vô hạn, tôi thực sự chưa muốn chết. Tôi vẫn cố gắng trong tuyệt vọng nắm giữ những gì còn cung cấp được cho tôi từ não thùy trái. Tôi biết hiện trạng đã làm tôi không còn là người bình thường. Ý thức của tôi đã trở nên mơ hồ, không còn khả năng phân biệt, phân tích và phán đoán những dữ kiện xảy ra chung quanh. Không còn sự vận hành của não thùy trái để nhận biết ra tôi là một cá nhân với hệ thống sinh học đặc biệt gồm những cơ phận riêng lẻ kết hợp, não thùy phải đã tự do đưa tôi vào một vùng tâm thức “bình an và vui tươi” chưa bao giờ được biết.

Trong khi ngồi im lặng nghĩ đến cái chết trong an lạc, tôi tự hỏi mình có thể trở nên bất lực đến mức độ nào khi bộ óc trái bị hư hại đến không thể cứu vãn được. Tôi thử ước đoán có bao nhiêu mạch thần kinh đã bị hư hỏng, ảnh hưởng đến phần trí tuệ cấp “cao” và liệu có hy vọng gì thiết lập chúng lại. Tôi không muốn bao năm đã bỏ công ra ăn học đến trình độ này, rồi bỗng dưng phải chết ở cái tuổi đời rất trẻ, hoặc bị liệt bại trí năng thành người vô dụng. Nghĩ đến đây, tôi gục đầu vào tay và bật khóc. Rồi tôi cầu nguyện thầm thì trong tâm, “Lạy Chúa, đừng bắt con chết; đừng để con chết!...”. Trong sự im vắng vô cùng đó, tôi nghe văng vẳng lời khuyên, “Hãy bình tĩnh; yên lặng, và chờ đợi...”. Tôi thấy an ổn trong tâm hơn. Ngồi trong phòng khách chờ bạn đến cứu mà tôi tưởng như vô tận. Nhưng rồi anh bạn cũng đến. Tôi không nói được gì, chỉ dùng tay trái đưa ra tấm danh thiếp bác sĩ gia đình. Anh gọi ngay bác sĩ để hiểu rõ lời chỉ dẫn, rồi chở tôi gấp tới bệnh viện Mount Auburn.

Sau một hồi chậm chạp để điền giấy tờ theo thủ tục, tôi được đưa đi chụp hình bộ óc. Bấy giờ tôi vẫn còn tỉnh đôi chút để nghe được kết quả đúng như tôi đã tự chẩn đoán lúc ở nhà, là tôi đã bị một loại tai biến đứt mạch máu rất ít khi xảy ra, ở não thùy trái, khiến não thùy này hiện đang bị tràn ngập trong vũng máu. Tôi được cho uống sơ khởi một thứ thuốc cầm máu và chống sưng, rồi được bỏ lên xe cấp cứu đưa sang bệnh viện lớn chuyên khoa gần bên. Tôi còn nhớ được người y tá theo xe lo cho tôi rất tận tình với tấm lòng của người lương y. Anh ta sửa lại chiếc mền đắp cho tôi ấm và che bớt ánh sáng cho tôi không bị nhức mắt. Anh lại vỗ nhẹ vai tôi và an ủi, “Cô không sao, không sao đâu!”. Những cử chỉ này thật quý giá đối với bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp. Sau đó, hình như tôi đã mê man. Tôi đã thoát khỏi mọi lo âu, phiền muộn. Chuyện chết sống bây giờ là chuyện của bệnh viện và các bác sĩ chuyên khoa ở đó. Tôi đã làm hết mọi sự tôi có thể làm. Tôi chỉ biết rằng suốt buổi sáng này tôi đã chứng kiến từng giai đoạn suy thoái của cơ thể và các mạch thần kinh ở não bộ trái của tôi.

Trong suốt 37 năm nay, lúc nào tôi cũng vui vẻ và hãnh diện vì các DNA của tôi đã tinh vi sắp xếp cho tôi có một cơ thể khỏe mạnh, linh hoạt và đầy sức sống. Nhưng giờ thì hình như các mạch năng lực của khối tế bào cơ thể đang sắp dừng hoạt động. Sáng hôm nay, trước trưa ngày 10 tháng 12 năm 1996, các dòng điện trong cơ thể tôi như tắt dần. Khi cảm thấy năng lượng thoát ra từng khối lớn khỏi cơ thể, thì ý thức của tôi cũng dần dần không còn điều động hay liên hệ gì được với các giác quan và tứ chi. Tôi biết tôi không còn là người đạo diễn của cái thân thể này nữa. Chung quanh tôi bây giờ trở nên thật im lặng. Trong cái vắng bặt của hình ảnh, âm thanh, mùi vị và cảm giác, tôi không còn chút gì lo sợ và đau đớn nữa. Và cũng như phần lớn mọi người sắp chết, tôi ước ao được tỉnh táo trở lại để được chứng kiến mình về đâu trong sự chuyển tiếp trọng đại này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]