Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Nhĩ Căn Viên Thông Hơn Hết

23/11/201217:05(Xem: 14020)
04. Nhĩ Căn Viên Thông Hơn Hết

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

Mục 5: Chỉ Pháp Viên Tu


IV. NHĨ CĂN VIÊN THÔNG HƠN HẾT

Kinh:

“Tôi nay bạch Thế Tôn

“Phật xuất cõi Ta Bà

“Phương này, chân giáo thể

“Thanh tịnh tại nghe thanh

“Muốn vào Tam Ma Đề

“Thật do cái Nghe nhập

Thông rằng: Thánh nhân thiết lập giáo pháp, tùy chốn chẳng đồng. Hoặc có chỗ dùng ánh sáng mà làm Phật sự, hoặc có chỗ dùng cây Bồ Đề của Phật mà làm Phật sự, cho đến dùng vườn rừng đài cao, hoặc dùng hư không, hoặc dùng sự lặng lẽ không nói, không chỉ bày, như ở cõi Phật Hương Tích, không có lời nói văn tự, chỉ lấy hư không, khiến cho người-trời được vào Luật, Hạnh. Cái giáo thể ở phương này, độc tại chỗ Nghe tiếng. Chẳng lẫn lộn với trần cấu, cực kỳ trong sạch. Thuần là trong sạch nên dễ dàng khế nhập Tam Ma Đề. Thế giới Ta Bà này dùng cái Nghe làm đương cơ vậy.

Nhà sư hỏi Tổ Huyền Sa: “Kẻ học nhân mới vào rừng Thiền, xin thầy chỉ con đường vào”.

Tổ Sa nói: “Có nghe tiếng nước suối Yển chăng?”

Đáp: “Nghe”.

Tổ Sa nói: “Theo trong ấy vào”.

Đáng gọi là chỉ bày thẳng suốt vậy.

Kinh:

“Lìa khổ được Giải Thoát

“Lành thay Quán Thế Âm

“Trong hằng sa số kiếp

“Vào cõi Phật vi trần

“Đắc sức đại tự tại

“Vô Úy Thí chúng sanh

“Diệu Âm, Quán Thế Âm

“Phạm Âm, Hải Triều Âm

“Cứu thế, yên lành thảy

“Xuất thế, hằng thường trụ

Thông rằng: Lành thay Đức Quán Thế Âm, đã lìa khổ não nên hay cứu đời ắt thảy yên lành, đã giải thoát đó nên hay khiến cho người xuất thế được thường trụ. Trong hằng sa kiếp vào cõi nước nhiều như số bụi nhỏ, ba mươi hai Ứng Thân không đâu chẳng khắp. Bố thí mười bốn pháp Vô Úy, đắc lực Đại Tự Tại, thì bốn diệu Đức không thể nghĩ bàn. Tâm Nghe chí diệu, như tiếng qua vách, thảy hóa thành một Diệu Âm vậy. Diệu ở chỗ Thanh Tịnh, tức gọi là tiếng Phạm Âm, Diệu ở chỗ Hưởng Ứng, tức gọi là Triều Âm, Diệu ở chỗ Tìm Thanh (Cứu Khổ), tức gọi là Quán Thế Âm, âm thanh thế gian chẳng thể so sánh, mà là âm thanh mầu nhiệm của Tự Tánh vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Quy Tông: “Như thế nào là Huyền Chỉ?”

Tổ Tông nói: “Không người hiểu được”.

Hỏi: “Hướng đến thì thế nào?”

Tổ Tông nói: “Có hướng liền sai”.

Hỏi: “Không hướng đến thì thế nào?”

Tổ Tông nói : “Ai cầu Huyền Chỉ?”

Lại nói: “Đi đi! Không có chỗ cho ông dùng tâm”.

Hỏi: “Há không có cửa phương tiện khiến học nhân được vào?”

Tổ Tông nói: “Quán Âm trí lực mầu. Hay cứu thế gian khổ”.

Hỏi: “Như sao là Quán Âm trí lực mầu?”

Tổ Tông gõ nắp đỉnh lư ba cái, hỏi: “Ông có nghe chăng?”

Đáp : “Nghe”.

Tổ Tông nói: “Sao ta chẳng nghe?”

Nhà sư không có lời đáp.

Tổ Tông dùng gậy đuổi xuống.

Hôm khác, thượng đường : “Hôm nay ta muốn nói Thiền!”

Các đệ tử đều đến gần phía trước.

Tổ Tông nói: “Hãy nghe hạnh Quán Âm ứng khắp các nơi chốn!”

Hỏi: “Như sao là hạnh Quán Âm?”

Tổ Tông liền khảy móng tay, nói : “Các ông lại nghe chăng?”

Đáp rằng: “Nghe”.

Tổ Tông nói: “Cái lũ này, hướng Trong Ấy kiếm cái gì?”

Tổ Quy Tông thấy rõ, một đoạn diệu âm an nhiên thường trụ của mọi người, chẳng tiếc mà trùng trùng chỉ ra, thật quá đỗi từ bi.

Kinh :

“Nay kính bạch Như Lai

“Như Quan Âm đã nói

“Ví như người ở yên

“Mười phương đều nổi tiếng

“Mười chốn đồng thời nghe

“Đó là Viên Chân Thật

Thông rằng: Tam Muội vẹn tròn soi chiếu của Đức Quán Âm không khởi không làm, nên như người ở yên lặng, mười phương đánh trống, mười chốn đều nghe. Đâu phải bốn phần thiếu mất nửa phần. Đây là ở cảnh hiện bày đầy đủ cái Viên này vậy.

Thiền sư Hoàng Bá Duy Thắng ngẫu nhiên dùng cây quạt vỗ vào song cửa thành tiếng, bỗng nhớ lại trong kinh nói, “Mười phương đều nổi trống. Mười chốn đồng thời nghe”, nhân đó đại ngộ.

Về sau, Thái Thú Thoại Châu phó thác cho Tổ Hoàng Long chọn lựa người trụ trì chùa Hoàng Bá.

Tổ Long nhóm chúng, nói rằng: “Lên lầu chuông niệm tán [Ca ngợi]. Dưới chân sàng trồng rau”. Người nào nói được, sang đấy trụ trì”.

Ngài Duy Thắng bước ra nói rằng: “Mãnh hổ giữa đường ngồi”.

Tổ Long rất khoái ý, bèn khiến sang đó.

Như Ngài Duy Thắng, có thể nói là tự thân chứng cái Viên Chân Thật vậy.

Kinh:

“Tánh âm thanh, động tĩnh

“Trong (cái) Nghe là có, không

“Không tiếng, gọi (là) không nghe

“Chẳng thật không Tánh Nghe

“Không tiếng, đã không diệt

“Có tiếng cũng chẳng sanh

“Sanh diệt đều trọn lìa

“Đó là Thường Chân Thật

“Dầu cho trong mộng tưởng

“Không nghĩ nhưng chẳng không

“Tánh Nghe ngoài suy nghĩ

“Thân tâm không bằng được

Thông rằng: Âm thanh có động có tĩnh, nên sự Nghe khi có khi không. Tánh Nghe thì thường trụ, chẳng do tiếng mà có sanh, chẳng phải không tiếng mà diệt mất. Lấy đâu mà nghiệm xét? Trong mộng tưởng nghe tiếng chày giã gạo mà cho là tiếng chuông trống, khi ngủ cũng như khi thức, chẳng có mượn đến nghĩ suy. Cái Biết này đối với cái biết chẳng thường hằng có khác, nên trong sự ghi nhớ có thể thấy là nó thường hằng. Năm Căn kia ở trong mộng cũng thấy cảnh rõ ràng, nhưng chưa chắc đối với cảnh trước mắt mà biết, phải có suy nghĩ mới kết thành. Nên năm Căn kia suy nghĩ thì có, không suy nghĩ thì không, khi thức tỉnh đối cảnh ắt có, khi ngủ mộng đối cảnh ắt không, vướng trệ nơi thân tâm, bị Căn Trần trói buộc. Độc chỉ Tánh của Nhĩ Thức chẳng đợi khi thức rồi suy nghĩ mới có, chẳng chờ khi mộng mà chẳng suy nghĩ thì không. Tánh ấy siêu việt khỏi ngoài sự suy nghĩ và chẳng suy nghĩ. Bởi thế, Tánh Giác Quán của sự xoay lại cái Nghe lìa ngoài nghĩ suy và chẳng nghĩ suy, khác hẳn với cái quán chiếu thông thường sử dụng đến suy nghĩ. Đã ra ngoài cảnh giới của nghĩ suy, nên nơi Căn mà lìa Căn, nên thân chẳng đến được vậy. Ở nơi Thức mà lìa Thức, nên tâm chẳng đến được vậy. Đây là “Sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền”, chẳng gọi cái ấy là Phật Tánh Chân Thường sao?

Ông Trương Vô Cấu nói với Tổ Đại Huệ rằng: “Con mỗi khi trong mộng thì thấy đọc Luận Ngữ, Mạnh Tử, như vậy là sao?”

Tổ Huệ lấy từ kinh Viên Giác, nói: “Do bởi lặng dứt, nên Tâm Chư Như Lai mười phương thế giới trong đó hiển hiện, như bóng trong gương”.

Ông Vô Cấu nói: “Chẳng phải là lão sư thì không thể nghe được luận này”.

Ông Vô Cấu trong chiêm bao dường như tập khí chưa trừ. Tổ Đại Huệ chỉ ra Đại Viên Cảnh Trí chẳng ngại gì tập khí lăng xăng khởi diệt. Đáng gọi là thấu suốt rốt ráo cái “Một đường chân thường”.

Kinh:

“Nay cõi Ta Bà này

“Thanh luận được tỏ rõ

“Chúng sanh mê gốc Nghe

“Theo thanh nên lưu chuyển

“Anan tuy nhớ kỹ

“Chẳng khỏi lạc tưởng tà

“Há chẳng tùy chỗ đắm

“Xoay dòng được Thường Chân

“Anan, ông nghe kỹ :

“Tôi nương oai lực Phật

“Tuyên nói Kim Cang Vương

“Như huyễn, chẳng nghĩ bàn

“Phật Mẫu, chân Tam Muội

“Ông nghe hằng sa Phật

“Tất cả pháp bí mầu

“Trước chẳng trừ dục lậu

“Chứa nghe thành lầm lỗi

“Dùng Nghe trì Pháp Phật

“Sao chẳng nghe (cái) tự nghe?

Thông rằng: Luận cái căn cơ của cõi này, nên chẳng rõ Tâm Tánh, phải nương theo tiếng luận giải mà được tỏ rõ, nghĩa là nhân lời nói mà ngộ Đạo, đó là sự thường vậy. Nhưng chúng sanh chẳng thấu đạt bổn nguyên, theo tiếng mà lưu chuyển, gọi đó là mê. Thế đó, chạy theo vật là tà, về gốc là chánh. Nếu có thể ngược dòng đến tột nguồn, đến chỗ chẳng sanh diệt, đó là xoay cái Nghe mà chứng Chân Thường, chẳng theo dòng chìm đắm. Đây là pháp môn một đường Niết Bàn của hằng sa Phật vậy. Tam Muội Kim Cang Văn Huân Văn Tu gọi là như huyễn, vì không nguyện, không làm vậy. Không nguyện, không làm, thông suốt gốc Nghe, Chư Phật đều do đó mà xuất. Nếu có nguyện, có làm là dục lậu chẳng trừ, tuy rộng giữ các pháp môn bí mật, cũng đổi thành lầm lỗi. Chẳng phải chỉ tâm ô nhiễm, tình thức còn mới gọi là dục lậu, mà chỉ lòa mắt khởi lên niệm thấy Phật cũng gọi là tà. Nên xoay cái Nghe, nghe vào Tự Tánh mới là cơ đệ nhất đối trị bệnh đa văn vậy.

Vua Tống Hiến Tông hỏi nhà sư Thiên Trúc rằng: “Đã là “Ngọn núi bay đến [Phi Lai Phong, tên riêng]” sao chẳng bay về?”

Đáp rằng: “Một động chẳng bằng một tĩnh”.

Lại hỏi: “Đức Quán Âm trong tay lần chuỗi niệm gì?”

Đáp rằng: “Niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát”.

Lại hỏi: “Tự niệm danh hiệu mình làm gì?”

Đáp rằng: “Cầu người chẳng bằng cầu mình!”

Có nhà sư hỏi thiền sư Chí Siêu: “Như sao là Phật?”

Tổ Siêu nói: “Ông là người nào?”

Nói rằng: “Há chẳng phải “Bèn là [Tiện thị]” hay sao?”

Tổ Siêu nói: ““Bèn là” tức mất giao thiệp!”

Hai tắc này đều hợp với ý chỉ “Nghe cái tự nghe”.

Kinh:

“Cái Nghe chẳng tự nhiên sanh

“Nhân Thanh có danh tự

“Xoay Nghe thoát khỏi Tiếng

“Giải Thoát đâu có danh

“Một Căn đã về nguồn

“Sáu Căn thành Giải Thoát

“Thấy, Nghe như lòa, huyễn

“Ba cõi là không-hoa

“Nghe lại, gốc lòa trừ

“Trần tiêu, Giác tròn sạch

“Sạch tột, quang thông suốt

“Lặng chiếu trùm hư không

Thông rằng: Dưới đây nói rõ đường vào bằng cách tự nghe cái Tánh Nghe.

Trước cần xét định cái Tánh Nghe này. Từ Nhân Duyên sanh ư? Từ Tự Nhiên sanh ư? Tánh Nghe vốn chẳng phải sanh, nên chẳng phải Nhân Duyên hay Tự Nhiên sanh, đặc biệt nhân có âm thanh thì hiển nên lập ra cái tên “Nghe”. Nếu quay lại với cơ Phản Văn thì đến chỗ chẳng sanh diệt. Đã không có người nghe, tự không có chỗ nghe, hẳn nhiên với âm thanh chẳng quan hệ gì nhau. Cái ấy vốn thoát khỏi âm thanh, không thể trở lại gọi là cái Nghe vậy. Gọi là gì ư? Cái ấy đặt tên cho tất cả mà tất cả không thể đặt tên cho cái ấy. Chỉ có thể ví cái đó như nguồn cội mà thôi. Cho nên quay về nguồn, trở về cội, thì cái Tánh Nghe còn không có tên, lấy gì làm ràng buộc? Tức ngay một Căn ấy, đương thể giải thoát, nên sáu Căn nhất thời trong sạch vậy. Sáu Căn vốn tự trong sạch, bỗng dấy lên cái Thấy, Nghe mà làm cái Năng, giống như trừng mắt nhìn thì sanh lòa huyễn; bỗng thấy ba cõi mà làm cái Sở, như mắt lòa thấy hoa đốm giữa hư không.

Lòa huyễn, không-hoa vốn tự chẳng có, mà đuổi theo dòng quên trở lại, chẳng biết là hư vọng. Giờ nghe trở lại cái gốc nghe, căn lòa trước hết diệt mất, ắt sáu Trần tan biến, mà cái Bổn Giác thường hằng tròn sạch. Như mắt sáng thì hoa đốm chỗ nào nảy sanh? Cái gọi là vẹn tròn trong sạch là chẳng dẹp bỏ muôn tượng mà Căn và Trần đồng đều trong sạch. Trong sạch cùng cực, thấy suốt mười phương, như ngọc lưu ly trong ngần, ngậm mặt trăng báu ở trong, thì ánh sáng có chỗ nào không thấu suốt? Đó là ở trong sáng sạch phát ra ánh sáng, lặng mà khắp soi, tức chỗ gọi là sự chiếu soi của Nguyên Minh. Chiếu soi mà chẳng sanh cái Sở, ắt lặng khắp hư không. Như mảnh mây tại khoảng trời xanh, mà biển Giác toàn vẹn lắng trong, được cái gốc nguyên diệu vậy. Muốn đại giải thoát bèn xoay lại cái Nghe thì xong rồi vậy.

Tổ Hoàng Bá nói: “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, tức là Bồ Đề. Tâm Bổn Nguyên Thanh Tịnh đây cùng với chúng sanh, Chư Phật, núi sông thế giới, có tướng, không tướng, khắp mười phương cõi, cả thảy bình đẳng, không có tướng kia, đây. Cái Tâm Bổn Nguyên Thanh Tịnh này thường tự tròn sáng, soi khắp.

“Người đời chẳng ngộ, chỉ nhận Thấy, Nghe, Hay, Biết làm Tâm, bị Thấy Nghe, Hay Biết ngăn che, vì đó mà chẳng thấy cái Bản Thể thuần túy sáng suốt. Chỉ ngay đấy vô tâm, Bản Thể tự hiện. Như vầng mặt trời lớn mọc lên giữa hư không, soi chiếu khắp mười phương, suốt không chướng ngại. Thế nên, người học Đạo chỉ nhận thức nơi cái Thấy, Nghe, Hay, Biết động tác nhỏ nhặt. Dẹp đi cái Thấy, Nghe, Hay, Biết thì nẻo tâm bặt chẳng có chỗ vào. Chỉ ngay nơi chỗ Thấy, Nghe, Hay, Biết nhận là Bổn Tâm, nhưng Bổn Tâm chẳng thuộc Thấy, Nghe, Hay, Biết cũng chẳng lìa ngoài Thấy, Nghe, Hay, Biết. Chỉ chớ ở trong Thấy, Nghe, Hay, Biết mà khởi kiến giải, chớ ở trên Thấy, Nghe, Hay, Biết mà động niệm, cũng chẳng lìa Thấy, Nghe, Hay, Biết mà giữ pháp. Chẳng Tức, chẳng Ly, chẳng trụ, chẳng bám, dọc ngang tự tại, không đâu chẳng đạo tràng”.

Như lời Tổ Hoàng Bá, liền nơi bệnh lòa cạo chùi hết ráo. Đó cũng là một sự giúp trở lại nguồn.

Kinh :

“Xem trở lại thế gian

“Giống như việc trong mộng

“Ma Đăng Già trong mộng

“Ai giữ được hình ông?

“Như đời, huyễn sư khéo

“Huyễn làm các nam nữ

“Tuy thấy các Căn động

“Cốt do một máy giật

“Máy nghỉ là lặng yên

“Các huyễn thành vô tánh

Thông rằng: Đã là thanh tịnh tột cùng, ánh sáng thông suốt, lặng chiếu trùm hư không thì hư không còn bao trùm được, huống là các sự vật ở trong hư không? Cho nên bệnh lòa hết dứt, thì không chỉ ba cõi hoa đốm xưa nay không tịch, mà nào Căn nào Trần ở trong ba cõi đều như mộng huyễn vậy. Cô Ma Đăng Già trong mộng làm sao bắt giữ hình hài người tỉnh. Tâm dù tỉnh táo, đâu thể nắm được sự vật trong mộng? Đây là một chứng cớ về Căn, Cảnh vốn tự giải thoát vậy.

Bộ Liệt Tử có chép huyễn sư khéo làm nên người huyễn, trong đủ năm tạng, ngoài đủ năm căn, chạy nhảy diễn trò đủ thứ, y như người thật. Trò vui đã xong, người huyễn lại vời ái thiếp của vua, vua nổi giận. Huyễn sư vội tháo người huyễn, toàn là bằng gỗ. Cái giận của vua mới tiêu tan. Cái giận của vua chẳng có ăn nhằm chi người huyễn, vì người huyễn vô tâm. Huyễn vốn không tánh, sao có chuyện vui buồn trong ấy! Đây cũng là một chứng cớ Căn Cảnh vốn tự giải thoát.

Thiền sư Ngũ Tổ Diễn dạy chúng rằng: “Hôm qua sơn tăng vào thành, thấy một rạp hát tượng gỗ múa rối, bèn đến gần trước xem. Hoặc thấy uy nghiêm lạ lùng, hoặc thấy xấu xí không chịu nổi, chuyển động đi, ngồi, xanh vàng đỏ trắng, mỗi mỗi rõ ràng. Khi xem kỹ lưỡng thì trong tấm màn xanh có người. Sơn tăng kìm giữ chẳng được, mới hỏi quý tánh ông ta.

“Người kia nói: “Lão Hòa Thượng xem rồi thôi, lại hỏi tánh nào?”

“Sơn tăng bị một câu ấy, liền chẳng có lời đối lại, không lý lẽ để trải bày. Giờ có người nào vì sơn tăng nói được chăng? Hôm qua trong kia lạc tiết, hôm nay trong ấy bứng gốc!”

Như hiểu được tin tức “Bứng gốc” này thì có thể nói là “Máy nghỉ tức lặng yên” vậy.

Kinh :

“Sáu Căn cũng như thế

“Vốn y một Tinh Minh

“Phân thành sáu Hòa Hiệp

“Một chỗ đã về nghỉ

“Sáu dụng đều chẳng thành

“Một niệm trần cấu tiêu

“Thành Viên Minh Tịnh Diệu

“Còn Trần là Hữu Học

“Sáng tột tức Như Lai

Thông rằng: Tổ Hoàng Bá nói rằng: “Đồng là một Tinh Minh (cái Thuần Sáng), phân làm sáu Hòa Hiệp. Một Tinh Minh ấy là Một Tâm vậy. Sáu Hòa Hiệp là sáu Căn vậy. Sáu Căn này mỗi cái cùng với Trần hiệp : Mắt với Sắc hiệp, Tai với Tiếng hiệp, Ý với Pháp hiệp. Khoảng giữa sanh ra sáu Thức, thành mười tám Giới. Như rõ mười tám Giới không chỗ có, gồm sáu cái hiệp thành một Tinh Minh. Một Tinh Minh là Tâm vậy. Người học đạo đều biết thế. Chỉ chẳng khởi lý giải “Một Tinh Minh sáu Hòa Hiệp” bèn bị pháp buộc, chẳng khế hợp Bổn Tâm.

“Như Lai ra đời muốn thuyết Chân Pháp Nhất Thừa. Chúng sanh chẳng tin, khởi lên bài báng, chìm trong biển khổ. Bằng trọn chẳng nói, thì rơi vào lẫn tiếc, chẳng vì chúng sanh khắp xả đạo mầu. Bèn bày phương tiện, nói có ba thừa. Thừa có lớn, nhỏ; chỗ được có cạn sâu, đều chẳng phải là Bổn Pháp. Nên nói: Duy chỉ có một Đạo Nhất thừa, dư hai thì chẳng phải Chân. Nhưng rốt cuộc chưa bày pháp Nhất Tâm. Nên vời Ca Diếp cùng chia tòa ngồi, riêng phó chúc Nhất Tâm, ngoài lời mà thuyết pháp. Đây là một ngành biệt hành, nếu có thể khế ngộ bèn đến Phật địa vậy”.

Lời của Tổ Hoàng Bá đây trọn chẳng luận đến “Còn Trần là Hữu Học”, đúng là khí trượng Đại Thừa.

Hiệp Luận nói rằng: “Bồ Tát Sơ Hạnh thấy cái Dụng bậc trung, bởi thâm tín Chân Như nên thấy được chút ít, biết thân Như Lai là không đến, không đi, không có chỗ dứt mất, duy tâm ảnh hiện, chẳng lìa Chân Như. Nhưng Bồ Tát này còn chưa lìa phân biệt vi tế vì chưa nhập vị Pháp Thân. Bồ Tát Tâm Tịnh thấy cái Dụng vi tế, như vậy mà vượt chuyển, cho đến Bồ Tát Cứu Cánh Địa cái Thấy mới hết. Dụng vi tế gọi là Thân Thọ Dụng. Vì có Nghiệp Thức, thấy Thân Thọ Dụng. Nếu lìa Nghiệp Thức ắt không gì để thấy. Tất cả Như Lai đều là Pháp Thân. Pháp Thân không có sắc tướng sai biệt kia, đây, mà hỗ tương thấy vậy.

Ôi, phàm lấy cái Dụng vi tế gọi là Thân Thọ dụng, lấy sự hết cái Nghiệp Thức vi tế gọi là trong địa vị Bồ Tát, nên nói “Còn Trần là Hữu Học”. Nếu lìa Nghiệp Thức ắt không gì để thấy, gọi đó là Pháp Thân Như Lai, nên kinh nói “Sáng tột tức Như Lai”.

Kinh :

“Đại chúng cùng Anan

“Xoay cơ nghe điên đảo!

“Quày nghe, nghe Tự Tánh

“Tánh thành : Vô Thượng Đạo

“Có thể thật như vậy

“Đây một đường Niết Bàn

“Cửa vào hằng sa Phật

“Chư Như Lai quá khứ

“Pháp môn này thành tựu

“Hiện tại các Bồ Tát

“Thảy theo, vào Viên Minh

“Người vị lai tu học

“Hãy y Pháp như thế

“Tôi cũng trong ấy chứng

“Chẳng riêng Quan Thế Âm

Thông rằng: Cơ nghe theo ngoài buông tuồng, ắt mê gốc theo ngọn, nên gọi là đảo điên. Quày cái Nghe nên xoay lại cái Cơ ấy vậy. Nghe trở lại Tự Tánh, là ngược Trần hiệp Giác, nên gọi rằng Chánh. Nghe Tự Tánh bèn nhìn thấy mặt mũi xưa nay, thì cái Tánh Nghe này tiện thành Vô Thượng Bồ Đề, Chân Thường Viên Thông; chẳng nhờ ngoài được. Đó là Đốn Môn chứng thành Vô Thượng Bồ Đề của ba đời Chư Phật vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Trường Sa: “Thế nào là Văn Thù?”

Tổ Sa nói: “Tường vách, ngói gạch đó vậy”.

Hỏi: “Thế nào là Quan Âm?”

Tổ Sa nói: “Âm thanh ngôn ngữ đó vậy”.

Hỏi: “Thế nào là Phổ Hiền?”

Tổ Sa nói: “Tâm chúng sanh đó vậy”.

Hỏi: “Thế nào là Phật?”

Tổ Sa nói: “Sắc thân chúng sanh đó vậy”.

Hỏi: “Thể của hằng sa Chư Phật đều đồng, sao lại có đủ thứ danh tự?”

Tổ Sa nói: “Theo căn Mắt trở lại nguồn gọi là Văn Thù. Theo căn Tai trở lại nguồn gọi là Quan Âm. Theo Tâm trở lại nguồn gọi là Phổ Hiền. Văn Thù là Diệu Quan Sát Trí của Phật. Quan Âm là Vô Duyên Đại Từ của Phật. Phổ Hiền là Vô Vi Diệu Hạnh của Phật. Ba Thánh là Diệu Dụng của Phật. Phật là Chân Thể của ba Thánh. Dụng thì có hằng sa giả danh. Thể thì gọi chung là Bạc Già Phạm”.

Thế nên biết, mỗi Vị nhập Viên Minh cùng Chư Phật không khác. Nhưng căn Tai thì tột viên, nên phải lấy Quan Thế Âm làm Pháp.

Kinh :

“Thật như lời Thế Tôn

“Hỏi tôi các phương tiện

“Để cứu đời rốt chót

“Người cầu xuất thế gian

“Thành tựu Tâm Niết Bàn

“Quan Thế Âm hơn cả

“Còn các phương tiện khác

“Đều là Phật oai thần

“Nơi sự bỏ trần lao

“Chẳng phải Pháp học thường

“Sâu cạn đồng nghe Pháp

“Đảnh lễ Như Lai Tạng

“Vô Lậu, chẳng nghĩ bàn

“Nguyện gia bị vị lai

“Trong Pháp này không lỗi

“Phương tiện dễ thành tựu

“Nên dùng dạy Anan

“Cùng đời sau chìm đắm

“Chỉ nơi Căn này tu

“Viên thông hơn tất cả

“Chân Thật Tâm là thế”.

Thông rằng: Đây là Đức Văn Thù trả lời chỗ hỏi của Phật, chọn lựa Viên Thông thì không gì bằng pháp môn xoay lại cái Nghe của Đức Quan Âm, đáng dạy cho Ông Anan để chữa trị cái lỗi chứa lắm chuyện nghe, và cứu được cho đời mạt kiếp, dứt đi cái khổ trôi xoay. Chẳng như các phương tiện khác, tình cờ chạm nhằm một cơ duyên, phát minh việc mình, người sâu thì nhập vào chỗ vi diệu, sơ tâm chẳng bì kịp, người cạn vướng nơi dấu vết, đối với Viên Thông chưa hợp, trước sau đều chẳng phải là chỗ tu học lâu dài. Độc chỉ theo căn Tai mà vào thì sâu cạn đều hợp nên, đáng tu học lâu dài, lại rất dễ thành tựu, phương tiện tột cùng. Thế nên Đức Văn Thù xin Thế Tôn âm thầm gia bị thì cái tâm chân thực vì người của Ngài mới an ổn vậy.

Thiền sư Trung Hội Cừu thượng đường: “Nhân duyên cơm cháo của tôi ở chốn này, vì các anh em xướng nêu, rốt chẳng phải là thường hằng. Muốn Viên Thông chỗ tỉnh yếu, hãy chính nơi núi sông, đất đai cùng ông phát tỏ. Đạo ấy Chân Thường, cũng vốn rốt ráo. Như theo cửa Văn Thù vào thì tất cả đất, cây, ngói, gạch vô vi giúp ông phát tỏ cơ yếu. Như theo cửa Quan Âm vào thì tất cả tiếng tăm, ếch nhái, trùn dế giúp ông phát tỏ cơ yếu. Như theo cửa Phổ Hiền vào thì chẳng động bước mà đến nơi. Ba cửa phương tiện này mở hoác cho ông. Giống như lấy một mũi tên gãy khuấy nuớc biển cả khiến cho loài cá, rồng kia biết nước là sinh mệnh. Hội chăng? Bằng không Trí Nhãn mà thẩm xét chân chánh đó, tha hồ ông trăm thứ khéo hay cũng chẳng là cứu cánh”.

Lại có nhà sư hỏi thiền sư Đạo Phổ: “Kẻ Sơ Tâm hậu học, mới vào tùng lâm, trong cửa phương tiện, xin thầy chỉ bày”.

Tổ Phổ gõ khuôn cửa.

Nhà sư hỏi: “Hướng thượng lại có sự việc hay không?”

Tổ Phổ nói: “Có”.

Hỏi: “Như sao là việc hướng thượng?”

Tổ Phổ lại gõ khuôn cửa.

Ôi! Đức Phổ Hiền nói “Tâm nghe suốt mười phương”. Đức Văn Thù nói “Ta cũng từ trong đó chứng”. Ba vị Thánh thay nhau cổ xướng khiến người theo căn Tai nhập, đều để ứng với cơ yếu của cõi này vậy. Nếu các vị tôn túc phát minh, trước sau tiếp dẫn chỗ hướng thượng, nào từng chẳng tuân lối vết Viên Thông ư? Chỉ sao người đốn chứng ít vậy? Chứng nhập Tịch Diệt Hiện Tiền tự chẳng có dễ.

Nhưng trong Trí Độ Luận nói rằng: “Căn Tai không có sự tỏ biết, nên chẳng có nghe. Nhĩ Thức chỉ chốc lát, nên chẳng thể phân biệt. Tai chẳng nghe, Ý Thức cũng chẳng có nghe. Vì sao thế? Năm Thức trước biết năm Trần, rồi sau Ý Thức biết. Ý Thức chẳng thể biết năm Trần hiện tại, mà chỉ biết năm Trần quá khứ và vị lai. Nếu Ý Thức có thể biết năm Trần hiện tại thì người mù điếc cũng biết được Thanh Sắc!”

Hay thay chỗ luận này! Thật hạp với ý chỉ tịch diệt. Thanh thì vô giác vô căn, nên “Hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng sanh”. Căn thì vô giác, nên “Chẳng trụ ở chỗ hết nghe”. Thức thì không có sắc, không đối đãi, không xứ sở, nên “Giác, Sở Giác không”. Sở không, Năng không, sanh diệt đã diệt, nhất niệm liền chứng. Còn với sự lần hồi thêm, lần hồi hóa, vốn chẳng phải hai đường. Nên xoay lại cái Nghe mà vào dòng, đến chỗ chẳng sanh diệt, thật phải tuân theo vậy.

Kinh: Ngay đó, Ông Anan cùng cả đại chúng thân tâm suốt nhiên, đắc đại khai thị. Thấy rõ Bồ Đề cùng Đại Niết Bàn của Phật, như người nhân có việc đi xa, chưa được trở về, song đã rõ con đường về nhà.

Tất cả đại chúng trong hội, tám bộ Trời Rồng, Nhị Thừa Hữu Học cùng tất cả các Bồ Tát mới phát tâm, số lượng cả mười hằng hà sa đều đắc Bản Tâm, xa lìa trần cấu, được Pháp Nhãn Tịnh.

Tánh Tỳ Khưu Ni nghe bài kệ xong, thành quả A La Hán. Vô lượng chúng sanh đều phát tâm Vô Đẳng Đẳng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ông Anan nghiêm chỉnh y phục, ở trong đại chúng chấp tay đảnh lễ. Tâm tánh trọn sáng, vừa mừng vừa tủi, vì muốn lợi ích cho khắp các chúng sanh đời sau, cúi đầu bạch Phật: “Con nay đã ngộ pháp môn thành Phật, trong đó tu hành, không còn nghi hoặc. Con thường nghe Như Lai nói lời thế này: “Mình chưa được độ, trước đã độ người, đó là sự phát tâm của các Bồ Tát. Tự giác đã tròn, thường giác cho người, đó là sự ứng thế của Chư Như Lai”.

“Con tuy chưa được độ, nguyện độ tất cả chúng sanh đời mạt thế. Thưa Thế Tôn, các chúng sanh ấy cách Phật ngày càng xa, nghe tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng; nếu muốn họ nhiếp tâm vào Tam Ma Địa, làm sao khiến họ an lập đạo tràng, lìa các ma sự, trong Bồ Đề Tâm được không thoái khuất?”

Thông rằng: Vô Đẳng Đẳng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là Tối Thượng Thừa vậy. Không vật gì bằng mà hay bình đẳng cùng vật, nên gọi là Vô Đẳng Đẳng. Đã lìa phiền não nên gọi là Phật Bồ Đề. Đã lìa sanh diệt nên gọi là Đại Niết Bàn. Vô lượng chúng sanh đều biết ở nơi chỗ này phát tâm, rõ biết phiền não chẳng phải là nhà, mà Tánh Giác là nhà vậy. Rõ biết sanh diệt chẳng phải là nhà mà Niết Bàn là nhà vậy. Pháp môn xoay lại cái Nghe, tự vào dòng, mất cái Sở, đến chỗ Tịch Diệt Hiện Tiền, trong đó tu hành, được con đường đạo Viên Thông nhiệm mầu. Thật là rõ ràng như đường chỉ trong bàn tay.

Ông Anan tuy chưa tự độ, chưa dứt hết hai thứ phân đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử mà đến bờ kia, nhưng muốn độ chúng sanh đời sau đều được vào Chánh Định, chẳng bị ma quấy rối. Vì ma sự rất nhiều, phòng ngừa chẳng dễ. Như Tánh Tỳ Khưu Ni, nếu không được thần chú Như Lai làm sao được tâm dâm liền ngừng thành A La Hán. Năm mươi thứ Ấm Ma ở đoạn sau đều để đáp chỗ hỏi này, lại khiến rõ ràng con đường về nhà vậy.

Thiền sư Thủ Sơn Niệm dạy chúng rằng: “Lão tăng định muốn về quê, có người nào theo được?”

Khi ấy có nhà sư hỏi: “Chẳng hay khi nào Hòa Thượng đi về?”

Tổ Niệm nói: “Đợi cho có bạn thì nói với ông”.

Nhà sư hỏi: “Không có bạn việc ấy thế nào?”

Tổ Niệm nói: “Trọn ngày chẳng gặp ai, rõ ràng không biết chỗ!”

Nhà sư hỏi : “Bỗng gặp một người thì lại thế nào?”

Tổ Niệm nói : “Con mê chẳng về nhà, mất rồi đường lúc đến”.

Nhà sư hỏi : “Xin thầy chỉ cái đường về quê”.

Tổ Niệm nói : “Rồng ẩn cây khô, chẳng còn nương dựa”.

Nhà sư hỏi : “Khi nào Hòa Thượng lại trở lại?”

Tổ Niệm nói : “Một đi chẳng tri âm, sáu nước không tin tức”.

Nhà sư hỏi : “Chính lúc đang về thì thế nào?”

Tổ Niệm nói : “Độc xướng khúc nhà Hồ [Ấn Độ, để chỉ dòng Phật], không người hòa cho nổi!”

Nhà sư hỏi : “Lúc ấy bỗng gặp tri âm thì thế nào”.

Tổ Niệm nói: “Đầu non người-đá xúm vỗ tay. Bên suối lão quê cười ha hả”.

Nhà sư hỏi: “Về nhà rồi trở lại, việc ấy thế nào?”

Tổ Niệm nói : “Tám nước dâng áo lễ, bốn tướng không cải đổi”.

Nhà sư hỏi : “Chẳng rõ ở vị thứ nào?”

Tổ Niệm nói : “Văn Thù chẳng tọa Kim Đài Điện, tự có tiêu dao nhánh trúc lay”.

Xem Tổ Niệm Pháp Hoa [Thường niệm kinh Pháp Hoa] tỏ lại chỉ qua, gõ rao tự tại. Thật y cái khí vị của Tổ Ngưỡng Sơn.

Kinh: Bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong đại chúng khen ngợi Ông Anan: “Hay lắm, hay lắm, như chỗ ông hỏi về an lập đạo tràng, cứu vớt chúng sanh chìm đắm trong đời mạt kiếp, nay ông hãy nghe cho rõ, Ta vì ông nói ra”.

Ông Anan cùng cả đại chúng vâng nghe lời dạy.

Phật bảo Ông Anan: “Ông thường nghe trong Luật Tạng của Ta tuyên nói ba nghĩa quyết định của sự tu hành, đó là: Nhiếp Tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định sanh Huệ. Ấy gọi là ba Vô Lậu Học.

Thông rằng: Ở trước nói hai nghĩa quyết định. Một là xét cái Tâm Nhân Địa. Hai là lựa chọn Căn Viên Thông, trở lại cùng tột dòng căn, đến chỗ chẳng sanh diệt; thẳng đến Vô Thượng Bồ Đề, chẳng phải luận gì đến cái học Giới Định Huệ. Đây là một môn siêu xuất, con đường Xa Ma Tha nhiệm mầu của mười phương Như Lai để tiếp người thượng thượng căn vậy. Trong đó nói “Căn và Trần chẳng sánh hợp”, chưa từng không có Giới. “Như lóng nước dơ”, chưa từng không có Định. “Ở trong rực rỡ phát sáng”, chưa từng không có Huệ. Chỉ chẳng dùng Giới Định Huệ tự trói buộc, nên là Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Nay lại trước hết nói rõ nơi Giới, mà nên bày bốn Cấm trong Luật là để tiếp người trung-hạ căn. Để phòng ngừa Ma, không thể không nghiêm về Giới. Tiểu Thừa thì vâng theo Pháp là Giới, đối trị thô thiển, cái ngọn. Đại Thừa nhiếp tâm là Giới, dứt trừ tinh vi gốc rễ. Giới nơi Pháp thì không phạm nơi thân mà thôi, Giới nơi Tâm thì không phạm cả trong tư tưởng. Giới châu (tròn sáng như ngọc) là chuyển Thức thành Trí, không năm Ấm, phá năm Trược vậy. Còn có ma sự nào để lo sợ ư?

Đức Lục Tổ dạy chúng rằng: “Pháp môn này của ta lấy Định Huệ làm gốc. Đại chúng chớ mê, nói Định Huệ khác nhau. Định Huệ một thể, chẳng phải hai. Định là Thể của Huệ, Huệ là Dụng của Định. Ngay trong Huệ, Định ở tại Huệ. Ngay trong Định, Huệ ở tại Định. Như rõ nghĩa này, tức là cái học Định Huệ bình đẳng. Các người học Đạo, chớ nói trước Định mới phát Huệ, trước Huệ rồi phát Định, mỗi cái khác nhau. Thấy ra như vậy hóa ra Pháp có hai tướng. Miệng nói lời lành, trong tâm chẳng lành thì không có Định Huệ, vì Định Huệ chẳng đồng đều. Nếu tâm và miệng đều lành, trong ngoài một thứ thì Định Huệ đồng đều. Tự ngộ tu hành, chẳng vướng nơi tranh cãi. Nếu tranh trước sau là đồng với người mê, chẳng dứt hơn thua là thêm ngã pháp, chẳng lìa bốn tướng. Thiện tri thức, Định Huệ giống như đèn và ánh sáng. Có đèn thì sáng, không đèn thì tối. Đèn là Thể của ánh sáng, ánh sáng là Dụng của đèn. Danh tuy có hai, Thể vốn đồng nhất”.

Ở đây, Đức Lục Tổ tuy bày rõ Định Huệ nhất thể, mà trong đó nói tâm, miệng đều lành, trong ngoài như một thứ, Định Huệ bèn đồng đều, thì Giới cũng đã có trong ấy vậy.

Một hôm, Tổ nói với Chí Thành rằng: “Chỗ thuyết pháp của ta, chẳng lìa Tự Tánh. Lìa Thể thuyết pháp, gọi là Tướng thuyết, vẫn thường mê Tự Tánh. Phải biết hết thảy muôn pháp đều từ Tự Tánh khởi dụng. Đó là pháp Giới Định Huệ chân thật.

Hãy nghe kệ ta:

“Tâm địa không trái (phi) : Tự Tánh Giới

Tâm địa không si : Tự Tánh Huệ

Tâm địa không loạn : Tự Tánh Định

Chẳng tăng chẳng giảm : Tự Kim Cang

Thân đến thân đi : Hằng Tam Muội”.

Thầy Thành nghe kệ tỉnh ngộ, bèn trình một bài kệ:

“Năm Uẩn huyễn thân

Huyễn đâu cứu cánh?

Hướng đến Chân Như

Pháp lại chẳng tịnh!”.

Tổ bằng lòng.

Đó là chỗ thuyết Giới Định Huệ của Tối Thượng Thừa, đều là lời trong nhà, đối với lời khác ở ngoài cửa, cách nhau như trời với đất.

Kinh: “Anan, nhiếp tâm thế nào thì gọi là Giới?

“Nếu chúng sanh lục đạo của các thế giới tâm họ chẳng dâm, ắt chẳng sanh theo dòng sanh tử nối tiếp nhau. Ông tu pháp Chánh Định cốt để ra khỏi trần lao, nếu lòng dâm không trừ thì không ra khỏi cảnh ma được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà không đoạn lòng dâm, hẳn lạc vào ma đạo: hạng trên thành Ma Vương, hạng giữa thành ma dân, hạng dưới thành ma nữ. Các chúng ma kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành Đạo Vô Thượng. Sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, nhiều bọn ma này lẫy lừng trong thế gian, lan rộng hành vi tham dâm, giả làm thiện trí thức, khiến các chúng sanh sa vào hầm ái kiến, bỏ mất con đường Bồ Đề.

“Ông dạy người đời tu Tam Ma Đề: trước phải dứt lòng dâm. Đó là lời dạy rõ ràng trong sạch, chỗ quyết định thứ nhất của Chư Như Lai Tiên-Phật Thế Tôn.

“Thế nên, Anan, nếu không đoạn lòng dâm mà tu thiền định thì cũng như nấu cát đá mà muốn thành cơm, trải trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng. Vì sao thế? Vì nói là cát đá mà thành, chẳng phải gốc là cơm vậy. Ông dùng thân dâm cầu diệu quả Phật, dầu được diệu ngộ cũng đều là gốc dâm, căn bản thành dâm, xoay chuyển trong ba đường sanh tử, hẳn không ra khỏi, đường nào mà tu chứng Niết Bàn của Như Lai? Hẳn phải khiến cho cái cơ dâm, dù thân hay tâm, đều đoạn dứt, cho đến tánh lìa dứt cũng không còn, thì đối trong Bồ Đề của Phật mới có thể trông mong.

“Như Ta nói đây, gọi là lời Phật; chẳng như đây nói tức lời Ba Tuần.

Thông rằng: Chúng sanh trong lục đạo, sanh tử nối tiếp nhau, kia yêu lòng đây, đây mến cái sắc kia, đời đời kiếp kiếp thường bị ràng buộc. Duy cái Dâm là gốc rễ bắt đầu. Cái thấy phát minh thì Sắc phát khởi, thấy có thì Tưởng thành, khác với chỗ thấy thành ghét, cùng với chỗ Tưởng thành thương. Một tưởng niệm, gốc Ái khởi động trước hết nên lấy Cấm Dâm làm đầu. Chẳng bỏ dâm mà tu thiền định, dầu được diệu ngộ chỉ ích cho cơ dâm, nên rốt cuộc chẳng thành Phật mà thành quyến thuộc của Ma. Ma cũng có thần thông biến hoá, cũng có thể nói Đạo Vô Thượng, chỉ vì nghiệp dâm chẳng trừ, phước ma đến lúc hết, rốt lại trôi lăn trong ba đường khổ. Sự dâm phát lên có cơ, mà tâm là cội gốc, nên gọi là Tâm Dâm. Tâm mà chẳng động thì cơ tự chẳng phát, nên nhiếp tâm giữ Giới Luật, trước đoạn dứt lòng dâm, gọi là Tánh Đoạn Dứt. Còn Tánh Đoạn Dứt thì chưa lìa đối trị. Sự đối đãi còn sờ sờ thì cơ dâm còn ẩn phục. Hẳn Tánh Đoạn Dứt cũng không mới là đoạn diệt chân thật vậy. Dâm là căn nguyên phiền não, lìa dứt nó thì Bồ Đề mới có thể trông mong. Chỉ có dâm là gốc rễ sanh tử, đoạn dứt nó thì Niết Bàn có thể chứng. Nói là đoạn lìa như chặt lìa chân tay, chẳng dùng lại được. Cái dâm mà đoạn lìa, tức là lấy cái chẳng sanh chẳng diệt làm Tâm Nhân Địa, nên đắc Chánh Định. Chẳng có như thế, nấu cát mà thành cơm làm sao có chuyện ấy được!

Kinh Pháp Hoa nói rằng “Chẳng thể đối với thân người nữ, giữ tướng hay sanh dục tưởng mà thuyết pháp cho, cũng chẳng ưa thích thấy. Như có vào nhà, chẳng có truyện trò với người thiếu nữ, trinh nữ, đàn bà góa, cũng chẳng gần với năm loại người bán nam bán nữ, rồi thành thân thiết. Chẳng vào nhà họ một mình. Nếu có nhân duyên cần phải vào một mình, chỉ một lòng niệm Phật. Nếu vì người nữ nói pháp, chớ cười lộ răng, chẳng bày hở ngực. Cho đến vì nói pháp còn chẳng thân mật, huống lại có sự gì khác. Chẳng thích nuôi đệ tử nhỏ tuổi, Sa Di ấu thơ, cũng chẳng ưa kẻ đồng môn. Thường thích ngồi thiền, ở nơi vắng vẻ, tu nhiếp tâm mình”.

Đó là phép tắc của Tiên Phật Thế Tôn như vậy.

Xưa, Đức Nhị Tổ thường trà trộn ở chốn thanh lâu quán rượu; người ta cười cợt.

Tổ nói: “Ta tự điều tâm, nào liên can gì việc ngươi”.

Chẳng phải là người thật ra thoát làm sao xuống bùn, vào nước?

Thiền sư Bá Trượng Duy Chính thượng đường: “Hòa Thượng Nham Đầu lấy ba đồng tiền tìm được bà vợ chỉ biết mò tôm vớt ốc, nhưng lại chẳng biết sanh trai nuôi gái! Cho đến như nay môn phong dứt tuyệt. Muốn biết vợ Khoát Công [Thiền sư Nham Đầu Toàn Khoát] chăng? Bá Trượng ngày nay chẳng tiếc môi mép, giải rõ cho các ông: chuyện lấy cây trâm cưới vợ - đời ít có. Quần vải vẫn còn là y phục thuở lấy chồng. Kỳ thay, lại gọi đó là vợ lão Khoát Công, nguyên lai cùng với mặt mũi Khoát Công tương tợ!”

Lại có nhà sư hỏi Tổ Trấn Sơn: “Như sao là gia phong [Thói nhà] Hòa Thượng?”

Tổ Trấn nói: “Túi gấm đầy hương bạc, gió thổi thơm ngập đường”.

Tổ Nham Đầu nghe được, bảo một nhà sư đến nói: “Truyện kể mười tám chị, thờ Phan Lang tốt lắm”.

Tổ Nham Đầu tợ nói thiền-phong-lưu, còn Tổ Duy Chính mượn sự chỉ dấu của Tổ Nham Đầu, phong lưu càng lắm. Đều là hoa sen tháng Chạp vậy.

Kinh: “Anan, lại các chúng sanh lục đạo trong các thế giới lòng chẳng giết hại, ắt chẳng theo dòng sanh tử nối tiếp nhau. Ông tu pháp Chánh Định cốt để ra khỏi trần lao, nếu lòng Sát không trừ, thì không thể ra khỏi trần được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền mà không đoạn dứt sự Giết Hại hẳn lạc vào Thần Đạo, người bậc trên làm đại lực quỷ, bậc giữa thì làm phi hành dạ xoa và các loại Quỉ Soái, bậc dưới thì làm địa hành La Sát. Các Quỉ Thần ấy cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành Đạo Vô Thượng. Sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp nhiều thứ Quỉ Thần này lẫy lừng trong thế gian, tự nói ăn thịt cũng được Đạo Bồ Đề.

“Anan, Ta bảo hàng Tỳ Khưu ăn năm thứ tịnh nhục, thịt ấy đều do thần lực Ta hóa sanh, vốn không có mạng căn. Bà La Môn các ông, đất đai phần nhiều nóng, ướt, lại thêm cát đá, rau cỏ không sanh, Ta dùng sức Đại Bi gia bị, nhân Tâm Đại Từ Bi giả gọi là thịt, các ông cũng nếm được vị ấy.

“Làm sao sau khi Như Lai diệt độ, người ăn thịt chúng sanh mà gọi là Phật tử! Các ông phải biết, những người ăn thịt đó, dầu có được tâm khai mở, giống như Tam Ma Đề, đều là đại La Sát, quả báo hết rồi phải chìm đắm trong bể khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như vậy, giết nhau, nuốt nhau, ăn nhau không dứt, làm sao ra được khỏi ba cõi?

“Ông dạy người đời tu Tam Ma Đề, thứ đến, phải lìa dứt sự sát sanh, đó là lời dạy rõ ràng trong sạch, chỗ quyết định thứ hai của Như Lai Tiên Phật Thế Tôn.

“Thế nên, Anan, nếu chẳng dứt sự Giết Hại mà tu thiền định thì cũng như có người tự bịt tai mình, cất tiếng kêu lớn mà mong người khác không nghe, bọn đó gọi là muốn ẩn thì càng lộ. Hàng Tỳ Khưu trong sạch, cho đến các vị Bồ Tát, đi trên đường rẽ, không dẫm cỏ non, huống lấy tay nhổ. Làm sao trong Tâm Đại Bi mà lấy máu thịt của các chúng sanh làm đồ ăn?

“Nếu các hàng Tỳ Khưu không mặc những đồ tơ lụa, lượt là phương Đông và không dùng những giày dép, áo lông hay các thứ sữa, phó-mát, đề hồ, các Tỳ Khưu đó đối với thế gian thật thoát khỏi sự báo đền nợ nghiệp, chẳng đi vào trong ba cõi. Vì sao thế? Dùng bộ phận thân thể chúng sanh là có duyên nợ với vậy, như con người ăn trăm thứ mễ cốc của đất thì chân không lìa khỏi đất. Quyết phải khiến cho thân tâm đối với bộ phận hay thân thể chúng sanh đều không mặc, không ăn, những người như thế, Ta mới gọi là thật Giải Thoát.

“Như Ta nói đây, gọi là lời Phật; chẳng như đây nói, tức là lời Ba Tuần.

Thông rằng: Trong mười hai năm sau khi Phật thành Đạo thì chưa đặt định Giới Luật, tạm cho Tỳ Khưu ăn năm thứ tịnh nhục. Sau đó, nhân đám Lục Quần Tỳ Khưu cố tình giết hại để ăn, từ đấy đặt định Luật phải vĩnh viễn dứt trừ giết hại. Trong các kinh nói năm thứ tịnh nhục là không thấy, không nghe, không nghi, cùng là chim chết già, tự chết. Ở đây, nói năm thứ tịnh nhục là do thần lực hóa sanh, cũng giống như ở Ngũ Đài Sơn có một loại thịt bằng thảo mộc, vốn không có mạng căn, nên gọi là tịnh. Con người không bỏ đi sự Giết Hại, vì để ăn mặc vậy. Nếu mặc áo lông, tơ, sợi của chúng sanh, và ăn máu thịt chúng sanh, đều vì duyên nợ đó chưa thể giải thoát thật sự, muốn ra khỏi ba cõi sao được?

Như con người trong kiếp ban đầu, hình thể có ánh sáng vàng, chân như dẫm trên mây. Nhân vì ăn chất bổ báo của đất là lúa thơm, nên thân thể cứng nặng, chân chẳng rời đất, cũng vì duyên nợ với đất. Cho nên tu thiền tập định, vốn để tránh tội, trái lại làm điều giết hại, có khác gì bịt tai mà trốn tránh người, đáng ra phải nín hơi thì lại kêu lớn tiếng. Muốn khỏi luân hồi, làm gì có chuyện ấy được. Dầu cho có được thiền định, cũng là tà định của Quỉ Thần. Cái tà định của Quỉ Thần tương tự như cái thiền định, nên nói “Giống như Tam Ma Đề”, rốt lại phải lạc vào Thần Đạo. Thân thể là loại máu thịt, bộ phận thân thể là loại da lông vậy. Thân chẳng ăn, mặc các thứ ấy, đều do tâm ngăn cấm, nên lấy nhiếp tâm làm Giới. Nếu là người đại giải thoát, không tuân giữ Luật này, phải riêng có đầy đủ “Một con mắt lẻ”.

Hòa Thượng Hiện Tử, chẳng rõ người xứ nào, từ lúc được ấn tâm ở Tổ Động Sơn bèn chung lộn với thế tục ở Mân Xuyên, mùa Đông mùa Hạ chỉ mặc một áo; hàng ngày nơi bờ sông lượm lặt tôm sò để nuôi bụng, ban đêm về ở trong miếu-đốt-giấy-vàng-bạc Bạch Mã.

Thiền sư Hoa Nghiêm Tịnh muốn biết chân, giả. Vào ẩn trước trong miếu giấy-vàng-bạc.

Đến khuya, Hiện Tử trở về.

Tổ Nghiêm nắm đứng lại, nói: “Như sao là ý Tổ Sư từ Tây sang?”

Liền đáp: “Đài mâm rượu trước Thần”.

Tổ Nghiêm nói: “Quả thật, đồng sanh căn với ta”.

Không ai biết cuộc đời về sau thế nào.

Đây gọi là Dị loại trung hành [Hành trong loài khác] vậy.

Tổ Nam Tuyền nhân hai bên nhà Đông, nhà Tây tranh nhau con mèo. Tổ Tuyền bắt gặp, rao bảo với chúng rằng: “Nói được thì cứu được con mèo, nói chẳng được thì chém bỏ vậy”.

Trong chúng không có lời đối đáp. Tổ Tuyền liền chém.

Tổ Triệu Châu từ ngoài về, Tổ Tuyền nêu lại chuyện lúc nãy.

Tổ Châu liền cởi chiếc dép cỏ để lên đầu mà đi ra.

Tổ Tuyền nói: “Lúc ấy mà có ông thì cứu được con mèo rồi”.

Lại Tổ Tuyết Phong, đang cùng đại chúng làm ruộng, thấy một con rắn, lấy gậy khêu lên.

Rồi kêu chúng rằng: “Xem đây này!”

Bèn lấy dao chặt làm hai khúc.

Huyền Sa lấy gậy hất ra sau lưng chẳng thèm ngó lại. Cả chúng ngạc nhiên.

Tổ Phong nói: “Tài thay!”

Tổ Tuyết Phong thần dụng y tợ Tổ Nam tuyền. Ngài Huyền Sa chẳng chút gì ngó lại, y cách Ngài Triệu Châu!

Tổ Tuyền thì nói: “Lúc ấy có ông thì cứu được con mèo rồi!”

Tổ Phong thì nói: “Tài thay!”

Cha con hai nhà ấy tiết tấu thành tựu, như một ấn mà ấn ra. Chỗ tụng của hai Ngài Tuyết Đậu, Thiên Đồng cũng là y dạng vẽ hồ lô [Trái bầu].

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

“Hai nhà đều dẹp hết thiền hòa

Dấy lên khói bụi ngại gì phiền

Nhờ được Nam Tuyền đưa cử lệnh

Một đao hai khúc mặc tình nghiêng”.

“Công án nên chăng hỏi Triệu Châu

Trường An thành nội mặc nhàn du

Đầu mang dép cỏ không người hiểu

Về trong nhà núi tức yên thôi”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Hai nhà mây nước lắm phiền hà

Vương lão sư tăng nghiệm chánh tà

Dao bén chặt lìa đều mất dấu

Thiên cổ bảo người mến tác gia”.

“Đạo này chưa mất, tri âm khá khen!

Đẽo núi thấu biển, hề, chỉ tôn Đại Vũ

Đội đá vá trời, hề, riêng hiền Nữ Oa

Triệu Châu riêng có chỗ sanh nhai

Dép rơm đầu đội có chi sai

Đến trong chỗ-khác toàn soi tỏ

Chỉ cái vàng ròng chẳng lẫn sa (cát)”.

Đây là hai, ba lão nhà nghề [Tác gia] dùng sát sanh làm Phật sự. Ấy là cảnh giới bậc đại nhơn, nên người tầm thường chẳng thể đo lường.

Kinh: “Anan, lại các chúng sanh lục đạo trong các thế giới lòng chẳng trộm cắp, ắt chẳng theo dòng sanh tử nối tiếp nhau. Ông tu pháp Chánh Định cốt để ra khỏi trần lao, nếu lòng trộm cắp chẳng trừ, thì không ra khỏi trần được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền mà không đoạn dứt sự trộm cắp, hẳn lạc vào tà đạo: hạng trên là tinh linh, hạng giữa là yêu mị, hạng dưới là người tà bị tà mị nhập vào.

Các đám tà kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành Đạo Vô Thượng. Sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, lắm thứ yêu tà đó lẫy lừng trong thế gian, lén núp gian dối, xưng là thiện tri thức. Mỗi kẻ tự xưng đã được pháp siêu nhân, lừa gạt người không biết, dọa dẫm khiến mất lòng tin, chúng qua đến đâu cửa nhà hao tán.

Ta dạy hàng Tỳ Khưu theo pháp khất thực để bỏ lòng tham, thành Đạo Bồ Đề. Các hàng Tỳ Khưu không tự nấu ăn, gởi cái sống thừa nương tạm nơi Tam Giới, thị hiện một lần đi về, đi rồi không trở lại. Làm sao bọn giặc mượn y phục của Ta buôn bán Như Lai, tạo đủ thứ nghiệp mà đều gọi là Phật pháp, lại chê bai các Tỳ Khưu xuất gia đầy đủ Giới Luật là đạo Tiểu Thừa; do chỗ làm cho nghi lầm vô lượng chúng sanh mà đọa địa ngục vô gián.

Như sau khi Ta diệt độ, nếu có Tỳ Khưu phát tâm quyết định tu Tam Ma Đề, ở trước hình tượng Như Lai, chính mình thắp một ngọn đèn, đốt một ngón tay hay ở trên thân đốt một điểm hương, Ta nói người ấy nợ cũ từ vô thủy trong một thời trả hết, đời đời cáo biệt thế gian, vĩnh viễn thoát khỏi các lậu. Người ấy tuy chưa rõ liền con đường Vô Thượng Giác, nhưng đối với Phật pháp đã có tâm quyết định. Nếu không làm được cái nhân xả thân nhỏ mọn ấy, dầu có thành Đạo Vô Vi, cũng phải sanh lại làm người, trả hết nợ cũ, như chuyện ăn lúa-ngựa của Ta [Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Vua Bà La Môn A Kì Đạt, an cư nhập Hạ trong nước này. Trong ba tháng Phật và năm trăm đệ tử cùng nhau ăn cơm lúa ngưạ. Đây là một trong thập nạn của Phật], thật không sai khác.

“Ông dạy người đời tu Tam Ma Đề, sau nữa phải đoạn dứt lòng trộm cắp, đó là lời dạy rõ ràng trong sạch, chỗ quyết định thứ ba của Chư Như Lai Tiên Phật Thế Tôn.

“Thế nên, Anan, nếu chẳng dứt trừ trộm cắp mà tu thiền định thì cũng như người rót nước vào chén thủng, mong cho được đầy, dầu trải qua số kiếp nhiều như bụi, rốt chẳng thể đầy. Như các Tỳ Khưu, ngoài y bát ra, mảy may không tích trữ, xin bữa ăn có dư thì bố thí cho chúng sanh đói; nơi nhóm hội lớn, chấp tay vái chào đại chúng, có người đánh mắng cũng đồng như khen ngợi, quyết tự buông bỏ thân tâm, máu xương thân thịt chung với chúng sanh, không đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, làm lầm lạc người mới học, thì Phật ấn chứng cho người ấy thật được Tam Muội.

“Như Ta nói đây, gọi là lời Phật, chẳng như đây nói, tức lời Ba Tuần.

Thông rằng: Tham mà chẳng ngừng hẳn đến chỗ lén cắp. Trộm cắp vật của người để nuôi thân mình, hại chỉ ở thân mà thôi, cho nên thắp đèn đốt tay hẳn có thể đền xong. Còn buôn bán lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai, lấy làm chỗ hiểu của mình để lầm lạc người mới học, đó là kẻ trộm cắp pháp vậy, hại này không kể xiết, bởi trong lòng khắn khít cái tự ái, muốn có riêng sở trường, chưa thể tự buông bỏ. Bỏ thân dễ, bỏ tâm khó. Phải khiến thân tâm đều xả bỏ thì tâm trộm cắp ắt trừ, thế mới nói được là thật đắc Tam Muội vậy.

Xưa, có Bà La Môn [Bà La Môn xứ này gọi là Tịnh Duệ, nòi giống trong sạch] họ Hắc vận thần lực, vui vẻ dùng hai tay dỡ lên cao hai cây bông ngô đồng đến cúng dường Phật.

Đức Phật gọi lớn: “Tiên nhơn!”

Người Bà La Môn ứng tiếng “dạ”.

Phật bảo: “Buông bỏ đi!”

Người Bà La Môn liền buông một cành bông bên tay trái.

Phật lại gọi lớn: “Tiên nhơn, buông bỏ đi!”

Người Bà La Môn lại liền buông một cành hoa bên tay phải.

Phật lại gọi: “Tiên nhơn, buông bỏ đi!”

Người Bà La Môn nói: “Bạch Thế Tôn! Nay con hai tay đều không, Ngài còn dạy buông bỏ cái gì?”

Phật nói: “Ta chẳng dạy ông buông bỏ bông đi. Ông phải buông bỏ ngoài sáu Trần, trong sáu Căn, giữa sáu Thức, buông bỏ hết một lượt. Cái chỗ không có gì để buông bỏ chính là chỗ khỏi sanh tử của ông”.

Người Bà La Môn ngay nơi lời ngộ Vô Sanh Nhẫn.

Thiền sư Hoàng Long Duy Thanh được ấn tâm ở Tổ Hối Đường, thường vì người nói: “Người học Đạo ngày nay chưa thoát khỏi sanh tử, bệnh ở tại chỗ nào? Bệnh ở lòng trộm cắp chưa chết vậy. Nhưng đó không phải là tội của người ấy, mà là tội của ông thầy vậy. Như Hán Cao Đế dối gạt Hàn Tín mà giết đi thì Hàn Tín tuy chết mà tâm nào có chết? Người học Đạo đời xưa, ngay lời nói thoát sanh tử. Công hiện tại chỗ nào? Vì lòng trộm cắp đã chết vậy. Nhưng chẳng phải người học tự có thể đâu, chính do ông thầy kềm kẹp đập phá kín nhiệm vậy. Như Lương Võ Đế ngụ tại sân chầu, thấy Hầu Cảnh chẳng động âm hơi, lòng Hầu Cảnh đã khô kiệt không còn gì cả vậy. Chỗ nói của các phương, chẳng phải không đẹp đẽ nhưng nói cho cùng thì như Triệu Xương [Người xứ Kiến Nam, đời Tống, thiện nghệ về nghề vẽ bông, trái, cỏ cây, bướm, ong... sắc màu, nét vẽ trông y như thật] vẽ hoa, hoa tuy giống thật nhưng chẳng phải là hoa thật!”

Đây đáng làm giới răn kẻ buôn bán Như Lai.

Kinh: “Anan, chúng sanh lục đạo trong thế giới như thế, tuy thân tâm không có Sát, Đạo, Dâm ba hạnh đã tròn nhưng nếu có Đại Vọng Ngữ thì Tam Ma Đề không được thanh tịnh, thành ma ái kiến, mất giống Như Lai. Đó là chưa được mà nói được, chưa chứng nói là chứng. Hoặc cầu sự tôn trọng tột bậc của thế gian, bảo người khác rằng “Tôi nay đã đắc quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, đạo A La Hán, thừa Bích Chi Phật, Tam Hiền hay Bồ Tát Thập Địa”, trông mong người kia lễ sám, tham sự cúng dường. Đó là những kẻ nhất-điên-ca, tự diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây Đa La; Phật nói người ấy mất hẳn căn lành, không còn chánh tri kiến, chìm trong ba biển khổ, chẳng thành Tam Muội.

“Ta bảo các hàng Bồ Tát và A La Hán, sau khi Ta diệt độ, Ứng Thân sanh vào đời mạt pháp, đủ thứ hình, độ người chìm đắm. Hoặc làm Sa Môn, cư sĩ áo trắng, vua chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ như thế cho đến người dâm nữ, quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người đồ tể, buôn bán, cùng họ đồng sự, khen ngợi Phật Thừa, khiến cho thân tâm họ vào Tam Ma Địa, nhưng rốt ráo chẳng tự nói ra tôi thật là Bồ Tát, thật là A La Hán, khinh xuất nói với người chưa học, làm tiết lậu mật nhân của Phật. Chỉ trừ ra đến lúc lâm chung, hoặc chăng thầm có lời di chúc. Làm sao hạng người ấy có thể rối gạt chúng sanh để thành Đại Vọng Ngữ.

“Ông dạy người đời tu Tam Ma Đề, sau hết phải đoạn trừ các Đại Vọng Ngữ, đó là lời dạy rõ ràng trong sạch, chỗ quyết định thứ tư của Chư Như Lai Tiên Phật Thế Tôn.

“Thế nên, Anan, nếu không đoạn dứt được Đại Vọng Ngữ thì như khắc phân người làm ra hình cây Chiên Đàn, muốn có hương thơm, thế nào có chuyện ấy. Ta dạy hàng Tỳ Khưu, trực tâm là đạo tràng, trong bốn oai nghi, tất cả hành vi, còn không chút hư dối, huống sao tự xưng đắc pháp thượng nhân, ví như người hèn mạt tự xưng bậy là Đế Vương, tự chuốc lấy sự tru diệt. Huống là bậc Pháp Vương, làm sao đặt bày hư vọng? Nhân địa chẳng chân, quả phải quanh co, thế mà cầu Phật Bồ Đề, như người cắn rốn, muốn thành tựu cái gì? Như các Tỳ Khưu, tâm như dây đàn thẳng, mỗi mỗi chân thật mà vào Tam Ma Địa, vĩnh viễn không có ma sự. Ta ấn chứng người ấy thành tựu Tri Giác Vô Thượng của Bồ Tát.

“Như Ta nói đây, gọi là lời Phật, chẳng như đây nói, tức là lời Ba Tuần”.

Thông rằng: Thân, Khẩu, Ý đầy đủ mười nghiệp. Thân nghiệp là Dâm, Sát, Đạo. Ý nghiệp là Tham, Sân, Si. Khẩu nghiệp là Ác Khẩu, Lưỡng Thiệt, Ỷ Ngữ, Vọng Ngữ. Thân tâm không có hành động Sát, Đạo, Dâm có thể tin là không có Ác Khẩu, Lưỡng Thiệt, Ỷ Ngữ. Duy cái Đại Vọng Ngữ dường là còn đấy. Vì sao thế? Trong không có tâm Sát, Đạo, Dâm, ngoài không có việc Sát, Đạo, Dâm, ba hạnh đã tròn, trong ngoài thanh tịnh, đời chẳng có nhiều. Nhưng xét theo Tối Thượng Thừa, chưa là kỳ lạ. Bởi căn si kia khó trừ, nên trong Tam Ma Địa, vẫn còn ái kiến. Mới bèn nói láo, xưng là đã chứng được Thập Địa, hay Tam Hiền là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, cho đến Bích Chi Phật, Bốn Thánh Quả. Ý đồ tham sự cúng dường, tức là Ái Ma. Cho là vào bậc Thánh, tức là Kiến Ma.

Ở trước nói là hầm Ái Kiến, là tâm vướng mắc nơi cảnh, mất đường Bồ Đề, là chẳng giãy sạch mầm mống vậy. Ở đây nói về ma Ái Kiến, tâm kẹt nơi pháp, mất giống Như Lai, là người giúp cho mầm giống lớn lên vậy. Người chẳng giãy sạch mầm giống mà hồi tâm hướng Đạo, còn được Bồ Đề. Người giúp mầm giống thêm lớn, chiếm ngôi Đế xưng Vương, tự ôm lấy sự tru diệt, nên cái hại thật là quá lắm. Nói rằng yếu chỉ, hiểu biết sai lầm mà cho là cực tắc, khiến cho chúng sanh chẳng còn biết có việc hướng thượng, nên làm tiêu mất hạt giống Phật. Chuyện Đại Vọng Ngữ há không nên răn cấm ư? Như người trong quả vị, Ứng Thân hiển hóa còn chẳng dám coi thường tiết lậu mật nhân, tự nói ra chỗ đắc.

Như Hòa Thượng Pháp Hoa Chí Ngôn [Tổ Thứ Sáu trong phái Thiên Thái ở Đông Độ, hiệu Trí Oai thiền sư. Lập thiền lâm ở Thai Châu, Phổ Thông Sơn nơi có tên Pháp Hoa, kẻ học thiền có 300 người, kẻ nghe giảng có 700 người. Do đó gọi hiệu là Pháp Hoa tôn giả], sắp hóa (tịch), gọi người nói : “Ta từ vô lượng kiếp đến nay, thành tựu qua nhiều quốc độ, phân thân xiển dương giáo hóa, nay trở về Nam!”

Nói xong, nằm nghiêng bên phải mà tịch.

Ông Tập Tiên Vương Chất hỏi Tổ Pháp Hoa: “Như sao là ý Tổ Sư từ Tây sang?”

Tổ nói :

“Trong bóng núi xanh suối lam khởi

Tháp báu cao ngâm lay gió mai”.

Lại nói : “Mời thầy Pháp Hoa đốt hương”.

Tổ nói : “Chưa từ trai-giới kiếm. Chẳng hướng phía Phật cầu”.

Hoặc hỏi : “Sư là phàm ư, là Thánh ư?”

Bèn dở tay lên, nói rằng: “Tôi chẳng trụ trong ấy”.

Xem người ở trong quả vị, lời lẽ riêng khác, nào làm chuyện dối vọng.

Nhà sư hỏi Tổ Dược Sơn: “Như sao là cái rất báu trong Đạo?”

Tổ Sơn nói : “Chẳng cong nịnh”.

Hỏi : “Khi chẳng cong nịnh thì sao?”

Tổ Sơn nói : “Nghiêng (đất) nước chẳng đổi”.

Đức Tịnh Danh nói rằng: “Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả”.

Tâm như dây đàn thẳng tắp, mỗi mỗi chân thật, thì không chỉ vĩnh viễn không có ma sự, mà đối với Tri Giác Vô Thượng cũng như thế thành tựu. Giới Đại Vọng Ngữ này sau khi ba Hạnh đã tròn, thâu nhiếp nó ắt thành Tri Giác Vô Thượng, còn chẳng giữ ắt chìm ba biển khổ. Giới này duyên với thân tâm trong sạch thì sức mạnh cực lớn. Một niệm chẳng giới thì sự trong sạch của thân tâm chẳng thiện dụng, mà là ác dụng, cái ác ấy là muốn khác người vậy. Nên sự Giới Cấm càng phải nhiệm mật.

Trước đã nói “Nhiếp tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ, đó là ba Vô Lậu Học”. Bây giờ chỉ nói rõ ràng bốn Cấm Giới, mà chẳng nói đến Định, Huệ. Sao thế? Ngay trong Giới thì Định Huệ đã tự sẵn, vốn là một thể, vốn không có thứ lớp trước sau.

Như nói rằng “Ông dạy người đời tu Tam Ma Đề”, thì nào không từng lấy Định Huệ làm gốc. Đến chỗ nói, “Phật ấn chứng người ấy thật được Tam Muội”, thì đó là bằng chứng rõ ràng của sự “Nhân Giới sanh Định” vậy.

Lại nói rằng “Ta ấn chứng người ấy thành tựu Tri Giác Vô Thượng của Bồ Tát” thì đó là bằng chứng rõ ràng “Nhân Định phát Huệ” vậy. Cho nên ngay nơi Giới là Định Huệ tự tại, chẳng phải riêng cầu cái gọi là Định Huệ vậy.

Ba Vô Lậu Học này chỉ bậc A La Hán chứng được. Người chứng Đạo này là giết giặc, là Vô Sanh, là Ứng Cúng, là làm Ma sợ, không đủ nói hết.

Ba Tuần là tên của Vua Ma, đây nói là kẻ ác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]