Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Tánh Thấy Không Có Phải Hay Chẳng Phải

23/11/201217:05(Xem: 11739)
05. Tánh Thấy Không Có Phải Hay Chẳng Phải

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM


Mục 3: Phật Nêu Ra Tánh Thấy Ngoài Các Nghĩa “Phải” Và “Chẳng Phải”


V. TÁNH THẤY KHÔNG CÓ PHẢI HAY CHẲNG PHẢI

Kinh: “Văn Thù, nay ta hỏi ông: “Như ông chính là Văn Thù, vậy thì còn có Văn Thù nào tức là Văn Thù nữa hay không?”

- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Tôi chính thật là Văn Thù, không có cái gì tức là Văn Thù nữa. Tại sao thế? Nếu có cái Tức Là nữa thì thành ra hai Văn thù, nhưng giờ đây tôi chẳng phải không là Văn Thù. Trong đó, quả thật không có hai tướng Tức Là hay Chẳng Phải.

Thông rằng: Câu “Tôi chính thật là Văn Thù” trả lời nghĩa thứ nhất, bày ra cái Tâm Thể Bồ Đề sáng sạch, nhiệm mầu.

Câu “Không có cái gì tức là Văn Thù nữa” trả lời nghĩa thứ hai, phá cái chấp Sắc Không là cái Thấy.

Câu “Chẳng phải không là Văn Thù” trả lời nghĩa thứ ba, phá cái chấp Sắc Không chẳng phải là cái Thấy”.

Nếu bảo rằng “Sắc Không là Chơn Kiến”, thế là từ Vọng mà biện Chơn, do đó, đối với Cái Chơn của không Vọng thành ra hai nghĩa, nên nói: Nếu có Tức là Văn Thù thì thành ra hai Văn Thù.

Nếu bảo rằng “Sắc Không chẳng phải là Chân Kiến”, thế mà toàn thể vọng cảnh là chân, nên mới nói “Giờ đây tôi chẳng phải là không Văn Thù”.

Tổ Lạc Phổ bảo với đại chúng: “Nay có một việc muốn hỏi các ông: nếu nói là Phải tức là trên đầu chồng thêm đầu, nếu nói là Chẳng Phải, tức là chặt đầu mà cầu sống”.

Thầy Đệ Nhất Thủ Tòa nói: “Núi xanh thường cất bước, dưới mặt trời chẳng khêu đèn”.

Tổ Phố nói: “Đó là thời tiết nào mà nói lời ấy?”

Khi ấy, có thầy Thượng Tọa Ngạn trả lời rằng: “Lìa hai lối ấy, xin Hòa Thượng chớ hỏi!”

Tổ Phố nói rằng: “Chưa đúng trong đó. Nói lại đi!”

Thầy Ngạn đáp: “Ngạn này theo thì nói không cùng tận!”

Tổ Phố nói: “Ta chẳng kể ông cùng tận hay chẳng cùng tận!”

Đáp: “Ngạn theo hay không theo ấy, chỉ đối với Hòa Thượng”.

Tổ Phố bèn thôi.

Ngài Tu Sơn Chủ kệ rằng :

“Tức là cột, chẳng thấy cột

Chẳng phải cột, chẳng thấy cột

Thị [Tức là], Phi [Chẳng phải] đã bỏ hết

Trong Thị Phi, mời dùng”.

(Thị trụ bất kiến trụ

Phi trụ bất kiến trụ

Thị Phi dũ khứ liễu

Thị Phi lý tiến thủ).

Đối với hai tắc trên mà thấu thoát, thì Thị, Phi có thể tiêu tan hết!

Xưa, Ngài Phong Can muốn đi chiêm bái Ngũ Đài Sơn, hỏi Ngài Hàn Sơn và Thập Đắc rằng: “Các ông cùng ta đi thăm Ngũ Đài, tức là đồng lưu của ta; nếu chẳng cùng ta đi thăm Ngũ Đài thì chẳng phải là đồng lưu của ta!”

Ngài Hàn Sơn hỏi: “Ông đi Ngũ Đài làm gì?”

Ngài Phong Can đáp: “Lễ bái Văn Thù”.

Ngài Hàn Sơn nói: “Ông chẳng phải là đồng lưu của ta”.

Ngài Phong Can một mình đi vào Ngũ Đài, gặp một ông lão, bèn hỏi: “Chẳng phải là Văn Thù ư?”

Đáp: “Há lại có hai Văn Thù?”

Ngài bèn lễ bái, chưa kịp đứng lên, bỗng nhiên chẳng còn thấy.

Tổ Triệu Châu nói thay rằng: “Văn Thù, Văn Thù, lại Văn Thù! Ba phen bỏ Hạ, Ông Ca Diếp muốn bạch chùy đuổi ra. Vừa cầm dùi lên thì thấy có trăm ngàn, vạn, ức Văn Thù. Ông Ca Diếp dùng hết thần lực mà chùy không dỡ nổi. Đức Thế Tôn bèn hỏi Ông Ca Diếp: “Ông định đuổi Văn Thù nào?” Ông Ca Diếp không đáp được”.

Tổ Thiên Đồng nêu ra rằng: “Ông Đầu Đà sắc vàng [Ca Diếp] có tâm mà không có mật. Cứ hết lệnh mà làm! Chớ bảo trăm, ngàn, vạn, ức Văn Thù. Ngay cái Lão Cù Đàm mặt vàng ấy cũng phải đuổi ra! Nếu có thể như vậy thì không những dựng thẳng Chân Phong mà cũng khiến người sau biết rằng học trò của thầy tu ta khỏi cho rằng ông ngăn cản Phật Tổ chẳng được!”

Khoái thay! Khoái thay! Phải nên như vậy mà thấy. Ắt là cái Tâm Thể Bồ Đề sáng sạch nhiệm mầu cũng không có chỗ bám níu, làm sao mà có được hai tướng Thị, Phi?

Kinh: Phật dạy: “Tánh Thấy mầu sáng này cùng các thứ Không, Trần cũng lại như thế. Vốn là Chân Tâm Bồ Đề Vô Thượng, tròn sáng, mầu sạch mà lầm nhận cho là Sắc, Không cho đến các thứ Thấy, Nghe. Như mặt trăng thứ hai. Hai mặt trăng ấy, cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng ? Văn Thù ! Chỉ có một mặt trăng thật, trong đó tự không có cái Tức Là mặt trăng hay cái Chẳng Phải là mặt trăng!

Thông rằng: Câu “Vốn là Chân Tâm Bồ Đề Vô Thượng, tròn sáng mầu sạch mà lầm nhận là Sắc, Không cùng với các thứ Thấy, Nghe” cùng với câu ở đoạn trước: “Mê muội thành ra hư không, trong cái hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành ra có Sắc, Sắc xen lẫn với vọng tưởng, tưởng tướng làm thân, nhóm các duyên lay động bên trong, rong ruổi theo cảnh vật bên ngoài, rồi lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng đó làm Tâm Tánh”, thì chỗ sanh khởi giống nhau, đều do lấy vọng tưởng làm chỗ sùng mộ vậy. Vọng tưởng là gốc bệnh, như dụi mắt mà thấy vậy. Vốn là một Chân Tâm Mầu Sáng mà lấy cái thấy vọng tưởng phân biệt để nhìn, bèn có cái thấy sắc không, nghe-thấy. Cái vọng thấy và cái vọng-được-thấy này há có thể lìa Chân Tâm mà có tự thể sao? Đã gọi nó là Sắc, Không, Nghe, Thấy thì cách Chân Tâm xa rồi vậy. Ví như vốn một mặt trăng chơn thật, mà dùng cái thấy phân biệt của sự dụi mắt mà nói là có mặt trăng thứ hai. Cái mặt trăng thứ hai này há có thể lìa ngoài mặt trăng thật mà có tự thể sao? Đã gọi nói là mặt trăng thứ hai thì cách xa mặt trăng thật rồi đó. Cho nên, ở nơi Sắc, Không, Nghe, Thấy mà vọng làm chuyện đo lường mò mẫm rồi cho Sắc, Không, Nghe, Thấy tức là Chân Tâm cũng không được, mà cho rằng chẳng phải Chân Tâm cũng không được! Lấy Vọng tìm Chơn : Chơn theo Vọng mà chuyển! Cũng như ở nơi mặt trăng thứ hai mà vọng làm chuyện tính toán mò mẫm, lấy đó cho rằng tức là mặt trăng thì không được, mà cho là chẳng phải mặt trăng cũng không được! Lấy cái dụi mắt tìm trăng, trăng tùy theo dụi mắt mà chuyển!

Cái Tâm này vốn Chơn, bởi tùy Vọng Tưởng mà đổi. Như mặt trăng vốn thật, bởi do dụi mắt mà dời. Chỉ dứt trừ vọng tưởng ắt chỉ còn một Tâm Thể tròn sáng nhiệm mầu, không thấy có sắc, không, không thấy cái thấy-nghe, thì Phải, Chẳng Phải do đâu mà lập? Chỉ trừ sự dụi mắt, ắt độc một mặt trăng, xưa nay vẫn thế, có đâu mặt trăng thứ hai mà Phi mà Thị?

Chỗ này tức là đoạn văn trước nói “Tôi chính thật Văn Thù... Trong đó thật không hề có hai tướng phải cùng chẳng phải”, nên đoạn này nói “Cũng lại như thế”.

Xưa, Ngài Vân Nham đang quét sân.

Tổ Đạo Ngộ nói: “Việc nhỏ mọn quá”.

Vân Nham nói: “Cần biết có cái chẳng nhỏ mọn”.

Tổ Đạo Ngộ nói: “Như thế ắt có mặt trăng thứ hai vậy”.

Ngài Vân Nham đưa chổi lên, nói : “Cái này là mặt trăng thứ mấy?”

Tổ Đạo Ngộ bèn thôi mà bỏ đi.

Tổ Huyền Sa riêng nói rằng: “Đích thị là mặt trăng thứ hai!”

Tổ Trường Khánh rằng: “Bị người ta xây ngược chổi che đến mặt, còn làm quái gì nữa!”

Tổ Sa bèn thôi.

Tổ Vân Môn nói: “Tôi thấy tớ thì ân cần”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Nhờ nhau như thế rõ môn đầu

Được dụng, tùy nghi cũng tiện thôi

Xương voi trước hang tay rắn múa

Chỗ làm hồi nhỏ, già biết thẹn”.

Tổ Tuyết Phong từng khai thị chúng rằng: “Núi Nam có một con miết tỵ xà [Con ba ba lỗ mũi rắn], tất cả các ông cần phải xem cho kỹ”.

Tổ Vân Môn cầm cây gậy ném ra trước mặt, làm bộ sợ hãi.

Chỗ này há chẳng phải là “Tôi thấy tớ thì ân cần” sao? Cùng với Tổ Vân Nham đưa cây chổi lên nào có khác! Cho nên mới nói “Già biết thẹn” vậy.

Thiền sư Tây Viên Tạng một ngày kia tự nấu nước tắm. Có nhà sư hỏi: “Sao chẳng sai Sa di?”

Tổ Viên vỗ tay ba lần.

Vị sư kể lại với Tổ Tào Sơn. Tổ Sơn nói: “Cái vỗ tay, tựu trung là việc kỳ quái của Tây Viên. Một-ngón-tay-Thiền của Câu Chi, cũng vì chỗ thừa đương mà chẳng chịu kham nhận vậy”.

Vị sư lại hỏi: “Ngài Tây Viên vỗ tay, há chẳng phải là chuyện một bên mé của con tôi, cái tớ [Nô nhi, tỳ nữ] sao?”

Tổ Sơn nói: “Phải”.

Hỏi: “Hướng thượng [Từ ngọn chỉ gốc] lại có chuyện hay không?”

Tổ Sơn rằng : “Có”.

Hỏi: “Như thế nào là chuyện hướng thượng?”

Tổ Sơn nói: “Cái đồ con tôi, cái tớ”.

Xem cái lối đề xướng ấy của các vị lão túc, chính là sợ cho người nhận “Tớ làm chồng”, sa vào trong kiến giải mặt trăng thứ hai.

Kinh: “Vậy nên, hiện nay các ông phát minh các thứ Xem Thấy và trần cảnh đều là vọng tưởng, thì không thể ở trong đó mà chỉ ra Phải hay Chẳng Phải. Nhưng do tất cả đều là Chân Tâm nhiệm mầu sáng suốt nên có thể làm cho các ông ra khỏi các nghĩa Chỉ được và Không chỉ được”.

Thông rằng: Nếu chưa thấy Tánh thì Tánh ở trong cái Thấy, cùng tên là Kiến Tinh, đủ các thứ vọng tưởng phân biệt thì làm sao ra khỏi Tức là hay Chẳng Phải được. Nếu thấy Tánh, thì Tánh thoát ngoài cái Thấy, nên chẳng gọi là Thấy, Nghe, Hay, Biết. Tất cả phân biệt đều không, nên thoát ra ngoài sự Chỉ được hay Không chỉ được.

Câu “Không thể ở trong đó chỉ ra các nghĩa Phải và Chẳng Phải”, thì như mặt trăng thứ hai: cái nào Tức là mặt trăng ? Cái nào Chẳng Phải mặt trăng?

Câu “Nên có thể làm cho các ông ra ngoài các sự Chỉ được và Không chỉ được”, thì như một mặt trăng thật, trong đó tự nhiên chẳng có thật hay giả.

Vật là cái được chỉ ra, như đoạn trước nói “Những cái chỉ ra được đều là Vật”. Cái Thấy không có chỗ nào để chỉ ra, như đoạn trước nói “Chứ không phải là cái Thấy”. Ông Anan tuy có thể phát minh được hai nghĩa “Tiền trần chẳng phải là cái Thấy” và “Tiền trần tức là cái Thấy”, nhưng còn bị Thị, Phi trói buộc, chẳng thể thoát ra, cũng do bởi vì không biết chỗ quy về của cái nghĩa này, chỗ đó là Thấy Tánh vậy.

Nếu thấy cái Chân Tánh tròn sáng, nhiệm mầu vốn hằng hằng giác ngộ, thì cái Thấy cùng cái Được Thấy vốn không chỗ có, chỗ nào có cái “Chỉ ra”? Cái Thấy này cùng cái Được Thấy vốn là Tâm Thể Bồ Đề sáng sạch nhiệm mầu, thì chỗ nào mà chỉ ra chẳng được? Trong Thể Bồ Đề ấy, không có cái gì gọi là Phải hay Chẳng Phải, mới là con đường thoát thân (xuất thân). Chữ Xuất (thoát ra) ở chánh văn rất có ý vị. Sở dĩ ra được phải do chỗ này, nên kinh nói “Do thị”, chỉ rằng phải vào trong Kiến Tánh mới có thể ra được.

Có nhà sư hỏi Tổ Thiều Sơn: “Chỗ thị phi không đến, còn có câu biện luận không?”

Tổ đáp: “Có”

Nhà sư hỏi: “Đó là câu gì?”

Tổ Sơn nói: “Một mảnh mây trắng chẳng lộ bày vẻ xấu”.

Tổ Thiên Đồng nêu ra rằng: “Khắp thân che chở, chẳng phạm tôn nghiêm. Bỏ địa vị lui về, ở một bên nâng đỡ. Cần nên uyển chuyển. Có thấy hình tướng của Thiều Sơn ở chốn nào? Nếu tận lực tìm cha, hãy hướng vào trong ấy!”

Tổ Động Sơn kệ rằng:

“Núi xanh: cha mây trắng

Mây trắng: con núi xanh

Mây trắng suốt ngày dựa

Núi xanh vốn chẳng hay”.

(Thanh sơn bạch vân phụ

Bạch vân thanh sơn nhi

Bạch vân chung nhật ỷ

Thanh Sơn tổng bất tri)

Tổ Thiều Sơn nói: “Một mảnh mây trắng chẳng lộ bày vẻ xấu” vốn là đây”.

Có vị tăng hỏi thị giả Cổ Phong Kiền: “Như thế nào là nối bề ngoài?”

Ngài Phong nói rằng: “Chẳng nhờ việc trong nhà người khác”.

Hỏi: “Như thế nào là nối bề trong”.

Ngài đáp : “Nếu tìm cha, hãy hướng vào trong ấy!”

Tổ Thiên Đồng nói: “Tận lực tìm cha, hãy hướng vào trong ấy, vốn là chỗ này”.

Lại Tổ Đầu Tử tụng rằng :

“Mây trắng không hề đến đỉnh non

Mắt đầy khói, ráng, cảnh muôn ngàn

Một câu ngâm lạnh, ngàn xưa điệu

Muôn trùng xanh biếc, mọc trăng non”.

Phải biết rằng cái Tánh mầu sáng vốn hằng hằng Giác Ngộ, vượt ngoài Phải cùng Chẳng Phải, như mặt trăng thứ nhất. Phải rốt ráo được tông chỉ của Tông Tào Động mới được chỗ vi diệu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]