Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Đạo sư Duy Tuệ: Xin hãy dừng lại

08/11/201212:16(Xem: 9369)
09. Đạo sư Duy Tuệ: Xin hãy dừng lại

Đạo sư Duy Tuệ: Xin hãy dừng lại

Hồng Vân

duytue-12Sau khi báo Phattuvietnam.net có đưa một số luận điểm của đạo sư Duy Tuệ về thuyết lý Phật giáo, về thế giới quan….. tôi có vào trang web Duytuequote.com xem kỹ hơn một số vấn đề. Qua chuyên mục: Những trải nghiệm thông qua thiền định …Tôi đã nhận ra rằng: Sự lệch lạc trong tâm thức của ông hiện nay chính là những ma chướng mà ông đã gặp phải trong quá trình hành thiền phá sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Tôi viết bài này với mong muốn được ông và các đệ tử của ông xem. Những hành giả đang tu tập theo pháp môn thiền định hãy thông qua trường hợp của ông làm bài học tránh lạc lối đi vào con đường tà đạo. 

Việc ông Duy Tuệ sử dụng pháp Phật rồi phủ nhận Pháp Phật… các bạn có thể vào trang web của ông để thấy rõ, nhất là những bạn đọc đã khá thông hiểu về thuyết lý nhà Phật.

Trong bài viết này tôi xin được nêu rõ vì sao một người đã từng hành thiền lại nghiên cứu Phật pháp như ông Duy Tuệ lại bị sai đường lạc lối vào con đường tà đạo.

Thông qua những điều ông nói, ông viết phải công nhận một điều rằng, nó cũng khá hợp lý, logic…và rất dễ quy phục được giới tri thức những nhà nghiên cứu chưa trải qua tu hành thiền định, niệm Phật…

Nếu đọc kỹ ba điều trải nghiệm lớn trong cuộc đời của ông Duy Tuệ ta thấy, ông là đệ tử của pháp môn tu thiền. Ông đã bước vào ngưỡng cửa sắc ấm, thọ ấm. Điều kết luận trên của tôi thông qua từ kinh nghiệm hành thiền và nghiên cứu Kinh Thủ Lăng Nghiêm mà thấy được.

Bài viết này tôi sẽ sử dụng kinh Thủ Lăng Nghiêm để nói về hiện tượng của ông cũng như những tư tưởng, thuyết lý xuất hiện trong đầu ông sau khi ông đạt mức ấn chứng nhất định từ thiền định. Thông qua bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm chúng ta sẽ thấy những điều Đức Phật nói cách đây 2555 năm vẫn chính xác từng câu, từng chữ cho những vị hành giả gặp phải chướng ngại trên con đường tu thiền.

Kinh Thủ Lăng nghiêm được cho là xương sống của những người hành thiền. Nó cho các hành giả biết được họ sẽ gặp những cảnh giới nào và những chướng ngại nào khi phá sắc, thọ, tưởng, hành, thức để thâm nhập vào pháp giới tiến về Cửa không.

Tôi nghĩ rằng, nếu ông Duy Tuệ có một người thầy tốt, hoặc ông hiểu sâu sắc về Kinh Thủ Lăng Nghiêm ông sẽ không bị lạc lối vào con đường ma đạo như hiện nay.

Những biểu hiện bước đầu khi phá sắc ấm của ông đó là : Ông đã nghe được âm thanh từ tánh nghe. Khi vào được tánh nghe (vào được dòng nhĩ căn viên thông) các thiền sinh thường nghe âm thanh Aum, Aum….Với những người niệm Phật thì họ sẽ nghe được danh hiệu Phật như: Nam Mô A Di Đà Phật…, hoặc A Di Đà Phật….

Còn ông, có lẽ do đắc tâm 2 chữ “Hay thay”trong kinh Pháp hoa nên ông nghe được từ này. Ông đã nhìn thấy được (có thể chỉ là thoáng qua) hào quang của ánh sáng chân tâm, tức là nhìn được cái thấy…

Nhưng những cảnh giới ông thấy được, trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật đã chỉ rõ “Đó chỉ là trạng thái tạm thời không phải là chứng Thánh. Nếu không khởi tâm cho rằng mình chứng Thánh thì gọi đó gọi là cảnh giới tốt. Còn nếu nghĩ rằng mình là bậc Thánh, liền rơi vào tà ma”.

Thực tế, các thiền sinh chứng được cảnh giới đó là do “Tứ đại không kết hợp trong một thời gian ngắn, tâm có thể ra khỏi các ngăn ngại, ấy gọi là tinh minh trào ra tiền cảnh. Đó chỉ là do công dụng tạm thời được như thế. Không phải do chứng bậc Thánh”.

Nếu ông tiếp tục hành thiền và không chấp vào bất kỳ một cảnh giới nào thì quá trình vượt sắc, thọ, tưởng, hành, thức của ông sẽ được tiếp tục. Nhưng do cầu vọng quá nhiều nên ông đã gặp ngay chướng ma sắc ấm thứ 10 gọi là vọng kiến và vọng thuyết. Theo HT. Tuyên Hoá thì cảnh giới này gọi là:

“Tà tâm bất chính bị loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào, vô cớ giảng pháp thông suốt diệu lý…Khi Tâm tà không chánh, loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào tâm ông, ông sẽ giống như những người tự xưng là biết nói Pháp, tự xưng là biết giảng Kinh, tự xưng là đã khai ngộ, tự xưng là bậc trưởng lão. Những người này không duyên cớ gì lại biết thuyết pháp, và tự chính họ cũng không biết mình nói điều gì nữa. Họ nói rằng họ đã thông đạt diệu nghĩa (của Phật Pháp) nhưng thật ra không phải là diệu nghĩa hay thông đạt gì hết. Họ cho rằng thuyết pháp nhưng thật sự không phải là thuyết pháp. Họ đã lấy điều sai, cho là đúng rồi tuyên bố rằng Pháp của họ là vi diệu. Họ tự khen mình và hủy báng người, tự xưng mình là đệ nhất, là trưởng lão.”

Trường hợp của ông Duy Tuệ không những bị chướng ma sắc ấm mà còn bị gặp chướng ma thọ ấm. Tâm trạng vui sướng đến mê mẩn khi ông tiếp cận được các cảnh giới lạ trong khi hành thiền là ma thọ ấm. Đức Phật đã nói rằng:

“Lại nữa A Nan, người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái định này thấy sắc ấm tan rã, hiểu rõ thọ ấm. Lúc ấy cảnh giới thù thắng hiện ra, cảm kích quá phần. Trong trạng thái như thế, bỗng sanh dõng mãnh vô hạn, tâm quá mạnh mẽ, cho mình bằng Phật, nói có thể vượt qua ba a-tăng-kỳ kiếp chỉ trong một niệm”.

“Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Khi ở trong chốn thanh tịnh, tâm được an ổn. Bỗng nhiên phát sanh niềm vui vô hạn trong tâm, không thể kềm chế được…. Nếu cho mình đã chứng Thánh, thì có loài ma thích vui (háo hoan hỷ ma) sẽ nhập vào tâm.

“A Nan! Người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái như thế, cảm nhận một ánh sáng rực rỡ, trong tâm sinh khởi một loại cảm xúc. Do bên trong đè nén quá phần, bỗng dưng phát khởi lòng thương xót vô hạn, đến nỗi xem muỗi mòng như là con đỏ. Tâm sanh trắc ẩn, bất giác rơi lệ”.

Đọc những đoạn ma chướng trong 20 ma ấm khi vượt qua sắc ấm, thọ ấm trên không biết ông Duy Tuệ có thấy giống trạng thái của mình khi đang ngồi hành thiền không. Nếu ông nhận ra được nó thì coi như là một cảnh giới tốt còn nếu ông coi mình đã chứng Thánh thì các loại ma ngũ ấm sẽ nhập vào tâm ông. Có lẽ vì không nhận ra điều đó nên ông bị ma cuồng vọng đã nhập vào tâm ông đúng như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói:

Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, tỏ rõ thọ ấm. Tự bảo là đã đủ rồi. Bỗng nhiên, vô căn vô cớ, có tâm đại ngã mạn phát sanh; cho đến tâm kiêu mạn, tâm mạn quá mạn, tâm tăng thượng mạn, hoặc ty liệt mạn đều cùng phát ra một lúc. Trong tâm khinh thường mười phương các Đức Như Lai, huống nữa là những quả vị thấp như Thanh Văn, Duyên Giác”.

Trạng thái này trong hành thiền được gọi là tự xem mình quá cao “Nhưng thiếu trí huệ để tự cứu mình”. Theo HT. Tuyên Hóa thì “ Nếu nhận ra thì không có lỗi. Nếu nhận ra đây là sai lầm thì ma sẽ không có dịp phát huy tác dụng”. Nên nói: Giác tức không mê, mà khi mê tức là không giác. 

Thực sự, chúng sinh đều có tánh Phật, nhưng phải nhờ công phu tu tập mới nhận được ra Phật tánh. Ngay cả khi quyết tâm tu hành, cũng không thể trở thành Phật chỉ trong một niệm mà phải cần thời gian rất lâu xa. Theo HT. Tuyên Hóa thì khi “Người ấy tu hành nhưng không được Thiện tri thức hướng dẫn chỉ dạy mà tự mình lại không có trí huệ; cho nên, dù có tu tập cần khổ, tinh tấn cho mấy đi nữa, ông ta chỉ tăng trưởng tà tri tà kiến mà thôi. Tự thấy rằng trải qua một thời gian tu tập lâu dài như vậy mà không thành Phật, nên tuyên bố mình là Phật, nói là mình đã thành Phật rồi. Đây là tình trạng “sánh mình bằng Phật”. Tình trạng này xảy ra khi thọ ấm tan rã. Y nói rằng y đồng như chư Phật. Thực ra chỉ một niệm sai lầm đó, ông ta đã bị ma nhập vào.”

Để vượt qua được chướng ngại này khi phá thọ ấm, HT. Tuyên Hóa cho rằng chỉ cầnnhận rõ đó là ma thọ ấm và duy trì sự sáng suốt, lâu dần trạng thái ấy sẽ tự tiêu mất. Nhưng nếu nghĩ mình là Thánh thì sẽ liền bị ma cuồng ngông nhập vào tâm. Quý vị thấy đó, nếu quý vị không nhận biết năm mươi trạng thái ngũ ấm ma, thì làm sao mà quý vị thành Phật được? Loại ma này là loại ma ngông cuồng, cống cao, ngã mạn. Khi nó len luồng vào tâm ông, chiếm hữu ông, nó tống khứ linh hồn của ông ra ngoài, thay vào đó là “ma vương tại đường”, ma vương thay thế và trở thành linh hồn của quý vị”. 

Việc bài bác nhân quả của ông Duy Tuệ cũng không có gì là lạ. Khi ông đã bị chướng ngại ma ấm trong quá trình hành thiền thì khó có thể hiểu đúng chánh pháp của Phật đạo. Trong mười ma thọ ấm sau khi phá được sắc ấm, Kinh Thủ Lăng nghiêm có ghi:

“ Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Trong chỗ tỏ ngộ đạt được tánh hư minh. Trong ấy, hành giả bỗng dưng có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả, cho mọi việc đều là không. Tâm chấp không chi phối mạnh mẽ, khiến hành giả có kiến giải rằng: Sau khi chết hoàn toàn đoạn diệt. Đây gọi là “Định tâm phân tán mất đi sự chiếu diệu tương ưng”. Nếu rõ biết được thì không lỗi lầm. Đó không phải là chứng Thánh quả”.

Trong Phật giáo, việc tự nhận mình đã chứng Thánh tự coi mình là Phật bài bác các thuyết lý Nhà Phật được cho là tội đại vọng ngữ sau khi mất thân nghiệp sẽ bị đọa vào ngục Vô gián. Không biết ông Duy Tuệ có biết điều này không?

‘Chúng sanh ngu mê, không biết suy xét tự lượng. Gặp nhân duyên này, mê không tự biết, nói là chứng Thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào địa ngục Vô Gián’.

Đối với các thiền sinh, do nghiệp trong quá khứ nên họ thường gặp những ma chướng trong quá trình hành thiền. Trong một số trường hợp tôi biết thì họ chỉ gặp một đến hai chướng ngại sau khi phá được sắc ấm, thọ ấm. Trường hợp của ông Duy Tuệ, đối chiều với Kinh Thủ Lăng nghiêm tôi thấy ông bị gặp khá nhiều những ma chướng khi mới bước vào ngưỡng cửa phá sắc ấm, thọ ấm. Tôi thật sự tiếc cho ông, một người nghiên cứu Phật giáo khá sâu, kiên trì hành thiền trong thời gian dài lại gặp nhiều chướng ngại như vậy. Gía như ông có một vị Thầy – Vị Thiện tri thức giúp đỡ thì ông sẽ không bị rơi vào con đường tà đạo như hiện nay.

Một điều thấy rõ nơi ông đó là trí biện thông (trí tuệ thế gian) phát triển rất mạnh do kết quả từ việc hành thiền. Chính ông cũng không ngờ là ông có thế đối đầu với bất kỳ câu hỏi và sự chất vấn nào của mọi người. Nhưng có lẽ chính ông cũng không ngờ rằng, cái trí Biện thông đó lại đang phản lại ông. Nó đang đẩy ông vào sự rối loạn của những tri thức mà ông đã tiếp nhận được. Nó chính là bát nạn (tám chướng ngại) cản trở các hành giả tiến sâu vào thiền định 

Nếu ông tiếp tục hành thiền và không chấp vào bất kỳ điều gì, cảnh giới nào diễn ra trong tâm mình thì ông sẽ thấy, hành thức (phần phân tích, bình luận…) sẽ bắt đầu đông cứng lại, trực giác sẽ phát triển và trí bát nhã sẽ hiện tiền. Đó mới chính là trí tuệ của Phật giáo. Lúc đó, ông sẽ tỏ thông rất nhiều điều trong Kinh điển mà đức Phật đã thuyết. Con đường chánh đạo vẫn tiếp tục. Nếu ông tự cho mình đã chứng ngộ thì ông sẽ rơi ngay vào ma đạo, tà đạo.

Một lời khuyên chân thành, khi mọi việc còn chưa quá muộn, xin ông hãy dừng lại, hãy sám hối và tiếp tục hành thiền. Chặng đường giải thoát còn xa vời vợi. Nếu ông không tỉnh giác sẽ rơi vào địa ngục.

Nam Mô Bổ sư Thích Ca Mầu Ni Phật! 

Trong thời điểm hiện nay, có không ít những đạo sư giống như ông Duy Tuệ đã sử dụng thuyết lý Phật giáo để thuyết pháp. Họ thường là những người có một chút dụng công tu hành nên trí biện thông phát triển rất mạnh. Để phân biệt đâu là Phật đạo, đâu là ma đạo. Cơ sở nào giúp chúng ta phân biệt được điều đó, tôi xin được tiếp tục chuyển đến bạn đọc phần hai bài viết Phân biệt Phật đạo và ma đạo.

Hồng Vân (Phật Tử Việt Nam)

Ý KIẾN PHẢN HỒI

Đạo Quangvào lúc 26/02/2012 11:44
Thành kính tán thán lời chia sẻ của Hồng Vân. Tìm thiện hữu tri thức hoặc minh sư thì cũng hơi khó. Vả lại, kinh điển Phát triển (tạm gọi là Đại thừa) đa phần triển khai về chân như, nên tâm phàm phu khó bề lãnh hội. Nhưng mỗi khi có dụng công đi vào tự tâm, thì chính thật nghĩa trong kinh phát triển, nhất là kinh Thủ Lăng Nghiêm là kim chỉ nam giúp hành giả khỏi lạc đường. Rất tiếc cho ông Duy Tuệ!!!

Mai Hươngvào lúc 26/02/2012 12:58 Trong chuyến hành hương khoảng 9 năm về trước, tôi có gặp một số Thầy đang du hoc tại Ấn Độ và cũng gặp ông Duy Tuệ này (còn là cư sĩ) đang ngồi nghe Phật pháp với 2 vị Thầy (một đang ở Ấn Độ, một đang ở Mỹ); và ông đã xuống tóc với các vị này.
Không viết các Thầy này có xem trang web của chúng ta không? Nếu có, tôi tin rằng các vị này có thể "khuyên bảo" ông ta được.

Trí Thành vào lúc 26/02/2012 19:10 Một bài viết rất hay của Hồng Vân, thành tâm tán thán. Thời nay rất nhiều vị có chút "thế trí biện thông" thì "xem trời bằng vung". Họ rất mạnh dạn đưa ra kiến giải của mình, nhưng chẳng biết đó là một sự trở ngại lớn cho sự nghiệp tu học. Cổ Đức từng dạy: "Đêm nằm chiêm bao thấy Phật thì chắc chắn không phải là Phật, nhưng nếu nằm chiêm bao thấy Ma thì đích thị là Ma". Rất mong quý vị để tâm quán sát. A-Di-Đà-Phật!

TC vào lúc 26/02/2012 23:51 Tôi chỉ xin trích dẫn lời KHAI THỊ của HT Tuyên Hóa có đoạn : "...A Di Đà Phật” chỉ có bốn chữ, nhưng bao quát tất cả Phật pháp. Mỗi bộ Kinh do đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra, đều có người thưa thỉnh, chỉ riêng Kinh A Di Đà là không người thưa thỉnh, không ai hỏi mà chỉ tự Phật nói. Tại sao không có người thưa hỏi? Bởi vì không có người hiểu rõ pháp này. Pháp môn Tịnh độ, chúng ta thấy rất đơn giản, nhưng thật tế có bốn chữ “A Di Đà Phật” bao quát tất cả tam tạng Kinh điển, mười hai bộ Kinh. "
Vậy Ông Duy Tuệ đã coi, xem hay nghe HT Tuyên Hóa KHAI THỊ chưa?! mà Ông lại NGẠO MẠN - NGÃ MÃN - Mạnh mẽ vậy!!! 0

sonlamcocvào lúc 27/02/2012 08:02 Thật đáng tiếc cho một người đã từng là hành giả và vô cùng cảm kích tác giả đã chỉ rõ căn bệnh mà người tu thiền không cẩn thận rất dễ mắc phải.

Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết nguyện cầu thần lực của Tam Bảo gia hộ cho vị này sẽ tiếp tục tu tập ở ... các kiếp sau.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!


Bạch Tầm Xuân
vào lúc 27/02/2012 10:44 Xin cảm ơn tác giả Hồng Vân. Chúng tôi xin chờ bài đọc phần hai tiếp theo

duy nghiệp vào lúc 29/02/2012 01:54 tôi cầu nguyện Tam Bảo gia hộ ông Duy Tuệ nghiệp chướng tiêu trừ tinh tấn tu hành. để được trí tuệ sáng suốt trong đường học đạo và hành đạo

Nguyễn Hùngvào lúc 29/02/2012 07:50 Các tiến sĩ, cử nhân ngời ngời trong các trường viện Phật học đâu nhể? Trước sự việc này sao cứ nhắm mắt làm ngơ?

Lang thang
vào lúc 01/03/2012 09:26 luận rất chặt chẽ về câu cú và những lời trích dẫn,tuy nhiên cần góp ý một chút: chữ Đạo sư không phải tùy tiện dùng trong trường hợp ông Duy Tuệ, nếu dùng nên để trong ngoặc kép giống như những bài viết, và dùng từ rất cẩn thận như các bài viết trước của tác giả Minh Thạnh

Nguyễn Hữu Minhvào lúc 02/03/2012 00:03 Cuối tháng trước, tôi tham gia Lễ hội Xuân Hồng thì bắt gặp một cửa hàng sách bày bán kha nhiều sách của đạo sư Duy Tuệ. Tôi thấy đó là những cuốn sách viết theo tư tưởng lệch lạc và tác giả đã vấp phải. Thiết nghĩ, nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời thì ảnh hưởng của ông ấy đến giới trẻ sẽ như thế nào. Đồng thời, các nhà xuất bản nên xem xét kỹ các cuốn sách do ông ấy viết ra.

Văn Khương
vào lúc 02/03/2012 00:14 "Vô Ngã Tính" của con người, chúng sinh và vạn hữu vũ trụ là một trong những giáo lý căn bản của Đạo Phật. Và Đạo Phật lấy "CHÂN LÝ VÔ NGÃ" làm cứu cánh cho lộ trình tu tập. Trên hành trình về chân lý ấy, Đức Phật dạy mỗi hành giả phải phát khởi tứ vô lượng tâm (Từ Tâm vô lượng, Bi Tâm vô lượng, Hỷ Tâm vô lượng, Xả Tâm vô lượng). Và Đức Phật đã từng khẳng định: Bát Chánh (Bát chánh đạo) đường duy nhất, đến bình an bất tử (Vô Ngã). Như vậy, không riêng gì ông Duy Tuệ hay bà Thanh Hải... đã bị rơi vào tà đạo, mà bất cứ ai tu pháp môn nào (Thiền; niệm Phật; trì chú) mà khi hành trì bị lệch ra ngoài CHÁNH ĐẠO ấy thì cũng có nguy cơ rơi vào tà đạo!!!

Quảng Dương
vào lúc 02/03/2012 21:24 Cái gì cũng sẽ có nhân có quả thôi! Mình không dám khinh thường thầy Duy Tuệ. Bởi vì thầy cũng là người hiểu biết rõ thế nào là nhân quả. Cũng chẳng biết thế nào khi thầy Duy Tuệ bị đọa vào địa ngục. Có lẽ Thầy Duy Tuệ muốn làm một giáo chủ 1 tôn giáo và một cõi. Nhưng cái con đường của Thầy đi thì Thầy đi. Đừng nên đi xuyên ngang và chặn con đường của Phật giáo.
Cũng giống như Thầy ăn bát cơm thì có kẻ đến hất bát cơm của Thầy thôi!
Nếu Thầy muốn tiếp tục bôi nhọ Phật giáo thì là việc của Thầy. Nhưng cái nghiệp sẽ chẳng để yên cho Thầy đâu? Rồi cái mà Thầy gọi là chân lý cũng chỉ đáng như đống giấy nháp thôi.
Nam Mô A Di Đà Phật

vô thường
vào lúc 28/03/2012 12:33 Thật tội nghiệp và thương xót cho những người đang hết lòng hết sức hết công hết của phục vụ cho mưu đồ lập đế chế Duy Tuệ của nhà kinh doanh tài ba Duy Tuệ. Ông ta đã lên kế hoạch rất chi tiết cho con đường tạo lập đế chế Duy Tuệ bằng các nước cờ sau:
- Ban đầu, ông ta nghiên cứu rất kỹ các kinh sách và lời dạy của Phật, rồi viết lại các lời dạy của Đức Phật và để tên tác giả là Duy Tuệ. Những ai không có nền tảng căn bản Phật Giáo, rất dễ bị thu hút bởi những lời lẽ cao siêu, mờ mờ ảo ảo của ông ta, bởi ông dùng chính lời của Phật thì làm sao mà không cao siêu cho được.
-Kế tiếp, ông ta tự vẽ ra một Duy Tuệ đắc đạo, thông tuệ, dùng miệng lưỡi ngang ngược để lật ngược mọi điều người khác nói, dùng đòn tâm lý để người học không thể tranh luân với những lập luận không hề có hệ thống, không hề có nền tảng của ông ta.
- Tự khoác một bộ mặt đạo đức, thương người, để đánh vào xúc cảm yếu đuối của số đông, giả vờ thương người để lợi dụng nhân lực, tài lực, trí lực của những người mê muội, cô đơn, không có chỗ dựa tinh thần
- Dùng thủ đoạn tâm lý làm cho người nghe thấy sướng, thấy vui, Ông ta không hết lời khen ngợi, tán dương, tâng bốc bất kể điều gì mà đệ tử ông ta làm, cũng như ông ta tự tang bốc chính mình để tự tạo nên một hào quang mà thu hút những người không biết rõ thấy rõ thủ đoạn của ông ta.
- Đánh vào tâm lý cô đơn và muốn được công nhận, được khen ngợi của con người, ông ta khiến cho người theo ông ta luôn cảm thấy mình là thánh thiện, là Phật, là thông minh, sáng trí hơn người.
- Chiêu dụ sự tham gia của những người có thế lực, tiền của, làm việc trong các ngành truyền thông để họ tự nguyện rao giảng và truyền bá tư tưởng tự do hết sức nguy hiểm của ông ta, tìm mọi cách để bảo vệ ông ta.

Những lý luận của ông ta hết sức là vô căn cứ, hết sức bản ngã, hết sức chủ quan, cá nhân, nhưng vì ông ta thỏa mãn được tâm lý của một số người cô đơn, thiếu căn bản tâm linh, ông ta hô hào ca ngợi một đầu óc tự do, sự tự do tuyệt đối của đầu óc, nên nhiều người thích được nghe ông ta khen ngợi, tưởng ông ta thương mình thật. Điều này là vô cùng tai hại, khi mà một xã hội chỉ toàn những người sống tự do, không tôn trọng bất kỳ luật lệ, trật tự hay chuẩn mực nào, đối đãi với nhau dựa trên tình cảm, cả nể và theo hùa với nhau.


Ông Duy Tuệ dùng mọi thủ đoạn, phương tiện để truyền bá một tư tưởng tự do, dùng các con bài là những người có khả năng nào đó để phục vụ cho ông ta nhưng thiếu căn bản tâm linh, dễ bị mê hoặc bởi số đông do không có chính kiến, không đủ khả năng lý luận, trí tuệ để phân định đúng sai, không thấy được cái hại tư tưởng tự do mà ông ta đang truyền bá.


Phương pháp thiền của ông ta chẳng có gì là mới, vì đó là những kỹ thuật được sao chép từ các phương pháp thiền lâu đời khác như Vipassana, thiền Tứ Niệm Xứ, nhưng được xào nấu lại chút. Người nào không nghiên cứu, chưa học thiền thì tưởng đó là do ông ta sáng tạo, nhưng những ai đã có nền tảng căn bản về tâm linh, về thiền, đều nhận ra những copy của ông ta từ các phương pháp lâu đời và những tư tưởng mà ông ta copy từ nhiều nguồn, sau nhiều năm ông ta đã đầu tư nghiền ngẫm để ngày nay ông khua miệng lưỡi nói rằng do ông ta sáng tạo, do ông ta thông nhận được từ trí tuệ vô biên của ông.


Ông ta tự dùng uy tín từng là một doanh nhân thành đạt để thu hút các doanh nhân bỏ tiền cho ông ta làm đạo. Vậy ông ta đã kinh doanh cái gì, công ty gì, uy tín đến đâu, thành đạt đến đâu, nhân thân thế nào, ông ta không hề nói rõ. Ông luôn dùng cách nói mập mờ để che trí người nghe, giống như các ông thầy bói luôn nói nước đôi để đường nào cũng thấy đúng.


Ông ta chê bai các ông sư lập chùa, dùng của cúng dường của Phật tử cho cá nhân thì ông ta cũng làm điều không khác. Ông ta dùng miệng lưỡi của mình, đóng vai một ông thầy đầy tình thương để tín đồ của ông bỏ công bỏ sức, bỏ tiền phục vụ cho ông, mua sắm cho ông, và ngụy biện cho sự sống xa hoa của ông ta.


Không những thế, ông ta dùng cả những đứa trẻ để lập đạo, đánh vào tình mẫu tử để thu hút thêm tín đồ. Nếu ai tỉnh táo, có trình độ nhận thức, sẽ thấy được tính thiếu hệ thống và thiếu cơ sở khoa học trong các sách, các băng đĩa của ông ta. Hệ thống giáo dục của Việt Nam và thế giới đã có rất nhiều những tài liệu, giáo trình giảng dạy, đào tạo hết sức khoa học và có hệ thống. Thế mà ông ta lại cố gắng đả phá và khuyến dụ tín đồ của ông mê muội đi theo chương trình đào tạo vô căn bản và không phương hướng, từ bỏ những gì thế giới đã nghiên cứu và chứng minh, đã cho thấy giá trị và hiệu quả, để tung hô ca ngợi cái trí tuệ độc tài và đầy bản ngã của ông ta, và tự biến mình thành bản copy của ông ta.


Ông ta rao giảng những điều mà ai nói cũng được, và tự đánh bóng cho nó rằng chỉ có ông ta biết và có khả năng biết và dạy những điều này.


Các em trẻ tuổi nếu mải mê chạy theo sự giáo dục của ông Duy Tuệ, thì thật là tiếc cho các em, tiếc cho trí óc đầy tiềm năng của các em. Tương lai của Việt Nam sẽ ra sao nếu có quá nhiều người bị ông ta thu hút, chiêu dụ, nhồi sọ những tư tưởng độc hại?


Rất mong các cơ quan chức năng tham gia xem xét để có tiếng nói chính thức trên các báo khác, chứ không chỉ trên các báo dành cho Phật Tử. Còn rất nhiều người khác cần được đánh động về tư tưởng và sự giáo dục độc hại này.


Các ngòi bút thật dũng cảm khi viết những bài viết đánh động nhận thức xã hội thế này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]