Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Pháp Môn Tri Ngã

31/10/201205:20(Xem: 7393)
10. Pháp Môn Tri Ngã
HÀNH HƯƠNG TÂM LINH
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

PHÁP MÔN TRI NGÃ

“Con đã có áo cà sa và bình bát rồi. Và đây là bài học đầu tiên: đi khất thực và thực hành pháp tri ngã. Ba tháng hãy trở về. Nếu không tri ngã được thì đừng có trở về nữa.”

Thế là Triết Hựu từ giã tháng ngày hành điệu cực nhọc gian lao, từ giã ngôi đại tự, từ giã thầy và huynh đệ - làm một cuộc lên đường mới, dấn thân mới, đấu tranh mới! Chẳng biết còn định mệnh nào chờ đợi chàng không, ở phía trước?

Một ngày hừng đông chàng đến một thôn làng ven chân núi. Ở đây có con sông nhỏ lượn khúc, có cây lành trái ngọt, vật thực nuôi mạng sẽ được tìm kiếm dễ dàng. Tá túc nơi một miếu hoang, không gần mà cũng không xa xóm, chàng chuẩn bị một chương trình chu đáo để hành đạo.

“Ba tháng dành cho pháp môn tri ngã, nếu không tri ngã được thì đừng có trở về”. Sư phụ nghiêm khắc và khinh thường ta quá. Bài học thật là dễ dàng. Hình như có câu hỏi là có câu trả lời ngay. Những tích lũy của hơn mười năm học đạo đã cho chàng những kiến thức bao la về tri ngã, rốt ráo ở chặng đầu, rốt ráo ở chặng giữa, rốt ráo ở chặng cuối. Nhưng chính những kiến thức hoàn hảo đó ta cũng đã từng xét lại, tra hỏi, cật vấn. Ta gay gắt với từng niệm khởi, ta từng đối thoại tự tâm nội, ta đã từng gạn lọc từng tư tưởng tế vi, như đãi cát tìm vàng, ta đã từng dò tìm và đào bới vào tận cõi miền sâu thẳm nhất của tự ngã, ta đã từng hoài nghi về chính những sở tri, ta đã từng ngồi quên đêm dài chỉ để tìm căn nguyên một niệm bất thiện, một ác pháp. Trên tất cả, ta cũng đã từng viễn ly chúng, đoạn tuyệt chúng bằng cái tuệ giác siêu việt - để đạt những trạng thái thiền định không tầm, không tứ, phỉ lạc, nhất tâm, tắm mát thư thái, no đầy trong cơn ngây ngất tuyệt trần vô hạn của vô duy. Cái "hữu" ta đã từng đầy ắp. Cái "vô" ta cũng đã từng chứng nghiệm. Tất cả nó là gia tài của ta về tri ngã.

Nhưng tất cả những hiểu biết ấy không giải thoát ta ra khỏi những khổ đau và những ràng buộc hữu hạn, Triết Hựu nghĩ. Ta cần phải kiểm soát lại một lượt từ đâu, trước khi bắt đầu đi theo một hệ thống giáo lý khác. Cái biết bấy lâu của ta là cái biết tổng hợp, ta đã đọc quá nhiều kinh sách, nghiên cứu quá nhiều tông giáo; ta đã học quá nhiều ở những chân sư, đạo sư, rồi cuối cùng ta đã đứng giữa ngã ba đường; và trên cái điểm gặp gỡ tổng hợp đó, ta ngồi một chỗ để lý luận rằng, con đường nào cũng giống nhau. Đây là một sai lầm lớn, bây giờ ta phải ôn lại cái kho tri thức Vệ-đà trước khi thực hành giáo lý khác, ôn lại một cách chín chắn, khách quan hơn.

Triết Hựu vươn vai đứng dậy. Đêm rất đỗi dịu dàng. Chàng ngước lên trời nhìn vì sao vừa xuất hiện đầu tiên treo giữa nền xanh ngọc bích. Hương hoa rừng thoảng nhẹ. Một cánh chim đêm vụt tung cánh bay lên cao... Chàng bỗng bần thần trong dạ. Một tình cảm nào đó cũng vừa tung cánh bay lên trong chàng? Từ một thế giới câm lặng, tịch mịch - một cái gì đó chợt nhô lên - như từ chối nhất thể và cũng vừa để gọi kêu nhất thể. Sự hiện hữu của nó vừa phủ định mà cũng vừa xác nhận trong tương quan sinh tồn và hủy diệt. Sự tìm kiếm của con người từ sơ thủy về những nguyên nhân vô hình, ẩn mật, đại đồng tính hoặc phổ biến tính, chân phúc, hoặc trường cửu - chỉ là dấu hiệu sa đọa, phân ly giữa mình và nhất thể. Thế giới ấy chẳng phải được nhận biết từ một tự ngã mà phải được ở yên, vô thức như đứa con nằm trong lòng mẹ... Ý nghĩ ấy thật là vô danh trong lòng chàng, hoặc như là một trực giác xẹt qua không gian rồi chìm khuất, vô tăm... Chàng thấy mình như vừa nhận biết một cái gì không rõ nét, một cái gì vừa thoáng hiện trong màn sương rồi mất đi. Và chàng rơi vào một trạng thái như lao đao, hụt hẫng, đánh mất một cái gì, tiếc rẻ...!

Bất giác, chàng đưa tay với mạnh và chụp được một cọng hoa, vò nát trong tay rồi đưa lên mũi ngửi. Một mùi thơm tươi hoang dã được các đầu dây thần kinh tiếp nhận chuyền sâu vào lục phủ ngũ tạng. Chàng ngây ngất và khoan khoái vô cùng.

“Vô thức hủy diệt”, chàng chợt rùng mình lẩm bẩm, rồi chợt nhớ lại trường hợp của Vọng Việt bên bờ suối dạo nào. Ở yên trong nhất thể - nghĩa là giao phó trọn vẹn mọi sinh hoạt cho một sự câm lặng vô thức, không xác định sự hiện hữu của mình, không tri giác sự hiện hữu của mình - thì có khác gì giao phó sự vận hành cho bản ngã, bản năng điều động? Nhưng nếu phê phán hành động dường như tự nhiên và vô tâm ấy của vô thức thì đánh mất sự an bình linh thánh của tâm hồn? Chàng đang an nhàn giữa trời đất đầy ơn triệu này thì “ý thức” chẳng biết ở đâu lại xen vào, cắt đứt dòng trôi chảy hòa bình của tâm nội?

Có một ngụ ngôn Thiền về trường hợp này, chuyện Cóc hỏi Rết bò chân nào trước, chân nào sau. Nếu Cóc không có hỏi cắc cớ như vậy, thì dù có một trăm chân hay nhiều hơn thế nữa, Rết vẫn bò một cách nhịp nhàng, tuần tự, thứ lớp và suông sẻ biết bao. Nhưng khi mà Cóc đã hỏi, Rết chợt thấy mình lúng túng một cách kỳ lạ, “ừ nhỉ, dĩ nhiên khi bò như vậy hẳn phải có chân nào trước, chân nào sau chứ?”

Sự vận hành nhuần nhuyễn, nhịp nhàng bấy lâu chợt ngưng tắt, Rết thấy mình hiện hữu của một đời sống phân tích, hữu lý, hợp lý, phân biệt - nghĩa là khi mà vô thức hoàn toàn giao phó nhiệm vụ cho ý thức - và nhất là sự nhiệt tình, tha thiết với mọi tương quan đồng loại, đồng chủng và sự sinh tồn - thì chắc chắn chị Rết ta sẽ nằm kềnh ra đấy chứ không còn bò vào đâu được nữa. Ý thức đã hiện diện thì có trăm vạn ngõ ngách cho nó lưu lộ, lần tìm. Nó là cái tạo tác thế gian mà đồng thời cũng là cái hủy diệt thế gian. Nó chính là sinh tử và cũng chính là tên dẫn đầu đi ra khỏi cuộc sinh tử. Đồng ý là “ý thức phải im đi”, nhưng phải im đi theo kiểu nào đó, chứ chẳng phải im đi nghĩa là nhường quyền thao túng cho bản năng. Bản năng là cái thú vật. Ta không thể tìm kiếm thú vật. Bản ngã vừa thần thánh vừa dã nhân, nhưng là hai cái gì thường xung đột - cái đẹp, điều thiện và cái xấu, cái ác - chúng thường hiện hữu thì làm sao chứng đạt trạng thái an bình bằng cách chấm dứt trọn vẹn sự tương tranh của chúng? Bình an đích thực là một cái gì khác thế? Vệ-đà có câu trả lời nào cho trường hợp này không, bằng con đường thực sự chứ không phải luận lý hay mặc khải?

Đêm thứ nhất như vậy là đã qua đi. Chàng chưa có một ánh sáng nào về tri ngã. Buổi sáng, Triết Hựu trở dậy hít thở khí trời tinh sương sau cơn nhập định dài. Chàng thú nhận sự bất lực và yếu đuối của mình khi ẩn trốn trong trạng thái chân không của tâm hồn. Sự quân bình chỉ trở lại khi dứt bặt tất cả mọi câu hỏi - nói đúng hơn là mọi tư duy, tư tưởng. Như vậy, cái bình an kia là cái sinh diệt, trạng thái chân không là cái sinh diệt!

Đêm thứ hai, Triết Hựu ngồi ôn lại các kinh nghiệm và hiểu biết quá khứ về tri ngã. Trí nhớ chàng cũng thật là tinh vi, bài học đầu tiên về tri ngã - hay là không khí, khung cảnh được ghi đậm rõ nét trong ký ức không phai lạt, lần xảy ra câu chuyện liên hệ đến vấn đề tri ngã ấy - đến với chàng gần gũi và linh động làm sao… Nơi khu vườn mùa thu khi tất cả lá cây đã ngả màu vàng úa, thì cây tùng, cây hạt dẻ trước cổng vẫn còn xanh um - là nơi mà chim chóc mười phương tụ về, hát ca và rộn rịp tung lượn. Nơi ấy một thời là của chàng, của một chú bé biết buồn sớm và khóc sớm, biết lặng lẽ, âm thầm với những câu hỏi vẩn vơ, vô căn và quá nhiều trọng lượng. Sự khổ đau đến với chàng từ mọi phía, đôi khi chỉ một lời nói nhẹ nhàng, nhưng như là một cơn gió xao, đi qua mặt hồ tự ngã, là có thể nguyên do những buổi đi thơ thẩn, tìm sự cảm thông, chia sẻ với cội cây, góc vườn, chim, hoa và bướm. Có thể là những khoảng không mênh mông thu hút chàng hơn, bao la, dịu dàng và thân thiết nữa. Tất cả chúng, như kết hợp bởi một tình mẹ bao dung, êm đềm xiết bao! Cá tính này như một cố tật - và Vọng Việt thường nhạo báng chàng là một con người “lãng mạn”. Tại sao thế chứ? Tại sao y dám nói ta là mơ mộng, hão huyền? Ngồi một mình để cho tâm hồn được mở rộng, tung tăng bay nhảy khắp mấy từng trời, là đánh mất thực tế? Trọn đời để tâm loay hoay với những cái trước mặt, những cái nhỏ nhoi ti tiểu như thế gian là kẻ sống thực ư? Lãng mạn cũng là một hình thức “hư vô hóa cuộc đời”, y bảo thế, nhưng ta chưa một lần thấy mình sống với cái không tưởng, mà ta bao giờ cũng sống thực với những tâm niệm của ta. Kẻ tri ngã là kẻ thấy mình tương quan với thực tại, chứ không phải là kẻ chia lìa, cô lập - bạn là kẻ muốn tách lìa ra ngoài thế giới - Y lại còn bảo như thế nữa chứ! Mọi giá trị nhân bản đã nằm khuất sau cánh cửa khi tự ngã được đóng lại. Y lại còn bảo thế nữa chứ! Nhưng quả thật thì ta lúc nào cũng đang mở rộng, có thể là ta mở quá rộng để đón nhận những cái cao viễn hơn mà y không thấy chăng?

Thế nhưng, ta đã tranh luận không thắng nổi y. Và y cũng đã tranh luận không thắng nổi ta. Để giảng hòa, vị thầy khả kính của chúng ta đã bảo rằng:

-“Vọng Việt có cái thực của Vọng Việt. Triết Hựu có cái thực của Triết Hựu. Ai cũng thực cả kia mà! Nhưng nếu đã là thực cả, thì tại sao hai cái thực lại phủ quyết nhau? Ôi! Để mười năm sau các con mới hiểu rằng, cả hai nhận thức cũng không đi ra ngoài tự ngã. Cả hai nhận thức đều tự một huyền môn!”

Cái huyền môn ấy vẫn là đóng kín cửa từ bao lâu. Nhưng lúc đó, khi trở về trong khu vườn thầm lặng của mình, chàng đã buồn xiết bao, buồn như thử thầy đã không cho chàng một ánh sáng nào để rọi chiếu vào tự ngã. Câu trả lời vẫn là một cái gì thâm u và đầy bí mật. Câu trả lời đã trả chàng lại với nguyên vị bế tắc và khổ đau. Và như mọi lần, chàng lại tìm đến khu vườn màu xanh muôn thuở ấy:

“Tiếng vỗ cánh chim đêm dạ trường,

Tiếng vỗ cánh chim đêm triêu dương,

Vĩnh cửu giăng tay thiên địa tuyệt,

Mênh mang hề… mênh mang hề… thiên địa hoàn lương.”

Tiếng vỗ ấy chàng đã bao năm chờ đợi, thiên địa ấy chàng đã bao năm chờ mong! Có một sức quay nào đó đã đẩy bật chàng ra khỏi khu vườn màu xanh và nhiều chim bướm ấy. Nhưng sự huyền nhiệm đôi khi cũng xuất hiện đúng lúc - sự huyền nhiệm tưởng như là một ân sủng cao cả cứu vớt, bởi đức Krishna cũng đã không thường hằng vác thập tự giá chuộc tội cho chúng sanh trong từng khoảnh khắc đó sao? Chàng cũng đã từng hoài nghi một hiện thân siêu thế, những năng lực hoặc bí thuật cho thấy sự vô hạn của xác thân sinh diệt, vì ở đó, tuy là tự ngã hữu hạn trần gian vẫn ẳm ắp ngài, đầy tràn ngài, thở ra hơi thở chân ngã, tuôn ra cái thông linh và thông huyền của vĩnh cửu. Và ngay chính lúc chàng chờ đợi như vậy, thì Đấng ấy đã đến bên chàng trong vóc dáng một dị nhân tóc dài, hoang sơ và đầy quyền lực. Ôi, thật là hoang sơ và nguyên thủy làm sao là con người ấy, lịch sử không hề lưu dấu trên xác thân y - cả văn minh và hiểu biết nữa - nếu gọi được như thế - vào ngay chính nơi “khu vườn mùa thu” của chàng. Y ngồi đó, như từ bao giờ, trong thế kiết già, bụi đỏ, suối khe, thung lũng, dã thú, gió sương, không có đêm, không có ngày - ta có thể ngửi được ở xung quanh y mà không sợ lầm lẫn - ngửi được tất cả những thứ đó. Chàng run lẩy bẩy và hai chân như sắp khuỵu xuống - khi đôi mắt y chiếu thoáng qua chàng. Như một gợn sóng xao rồi mất - đôi mắt y chăm chú nhìn một con bướm từ phía xa - hình như có một tia lửa xanh vô hình - ít nhất là chàng cảm nhận thế - đến vây bọc bướm và kéo bướm về phía y với một đường chỉ thẳng. Qua ánh nắng mặt trời, một đám bụi phấn từ đôi cánh bướm vương vãi ra - như một dấu hiệu bất lực, thua cuộc trước một gọi kêu vô danh bất khả cưỡng chế. Bướm nằm im giữa không gian, đôi cánh đập mệt mỏi, nhưng khoảng cách giữa bướm và người không thể thay đổi. Chàng ngạc nhiên quá, há hốc mồm ra không còn ngậm lại được nữa. Những quyền lực siêu nhiên đã có thật. Chàng sững sờ và kính phục xiết bao.

- Chú nhỏ! Hẳn là chú thích trò chơi này lắm?

Vị dị nhân đã thu tia mắt lại, bướm đảo một vòng rồi lượn mất ra phía bờ rào.

- Trò chơi ư? Chẳng phải thế đâu. Đấy là cả một cái gì huyền nhiệm. Phải chăng ngài là Đấng đã làm chủ được ngoại giới, hoặc là đã tìm ra được bí quyết siêu nhiên của tự ngã, đã nhiếp phục tự ngã hay là một cái gì tương tự như thế?

- Hay lắm, chú nhỏ. Ta sẽ thảo luận với nhau ở điểm này. Làm chủ ngoại giới và nhiếp phục tự ngã nó liên hệ với nhau đến thế ư?

- Tôi không biết một tí gì về những điều tương tự - nhưng những khêu gợi từ nơi kinh điển, thầy học, cha tôi và bằng hữu - cho tôi một chút tư duy như vậy. Ồ! Điều đó sai ư? Hay cả là một sự huyền nhiệm?

- Hay lắm. Thế thì lại khác. Ta lại nói đến huyền nhiệm: Ngoại giới, tự ngã đều là Đấng ấy.

- Quả là điều mới mẻ. Vậy thì Đấng ấy có thể làm được mọi sự. Và là tất cả. Tôn giả là một kẻ đã được biểu hiện từ ngài, nên tôn giả cũng là kẻ làm được mọi sự?

- Không phải ta làm đâu. Khi tiểu ngã linh thông được với đại ngã thì vĩnh cửu, năng lực và chân phúc sẽ đến cho y.

- Vậy là tôn giả đã thành tựu được Đấng ấy?

- Đừng nói thế mà phạm đến ngài. Ta không có. Tự ngã ta không có. Tất cả đều là Đấng ấy.

- Thưa Tôn giả, hình như có một cái gì mâu thuẫn ở đây, vì Thầy tôi nói rằng: “Có vọng tưởng mới sáng hóa trần gian. Đấng ấy không vọng tưởng.” Khi Tôn giả điều khiển bướm hoặc biểu thị những năng lực siêu nhiên qua các hình tướng thế gian - Tôn giả có một mảy may tư niệm, vọng tưởng nào chăng?

Vị dị nhân cau mày, nói khẽ:

- Chú chưa hiểu được, chú nhỏ. Nhưng chú có đồng ý với ta rằng, những việc làm như vừa rồi, chẳng phải thường nhân mà làm được?

- Phải. Đấy là một cái gì không phải người, một cái gì ưu việt và tối thắng.

- Hơn thế nữa, đấy là kẻ mà tự ngã đã làm một với ngài.

- Tự ngã! Tự ngã! Bây giờ ngài hãy nói đến điều ấy: Tự ngã. Tôi thích đề tài này lắm. Vả chăng, tất cả những cái gọi là vĩnh cửu, chân phúc, đấng ấy, năng lực siêu nhiên đều có sự tham dự của tự ngã? Tôn giả ơi! Từ lâu tôi chưa được học, được hiểu nhiều về điều này: Tôi là ai? Tự ngã là gì? Tôn giả có thể có những câu trả lời minh bạch về điều ấy?

- Thầy ngươi chưa dạy cho ngươi ư?

- Phải chăng đây là điều quá trọng đại so với một đầu óc nhỏ bé và đần độn như tôi? Thầy tôi thường nói thế. Cha tôi cũng bảo thế nữa. Và hầu như ở nơi cha tôi, vấn đề tự ngã phải để dành cho những ngôi sao diễm phúc hơn. Nhưng nếu tôi không học được nhiều lắm nơi thầy, nơi cha, thì tôi học nơi bằng hữu, nơi những vị sa-môn, du sĩ, đạo sĩ thường gặp trong rừng, trong miếu, nơi thành phố, hoặc tại đây… nơi “khu vườn mùa thu” thân thiết của tôi! Thưa tôn giả! Tôi không còn bé nữa đâu, quả thật tôi không còn bé nữa đâu!

- Ngươi hãy nói tất cả những điều tương tự như vậy cho ta nghe, những cái gì nó thúc hối bên trong ngươi, để ngươi biết rằng ngươi đã là người lớn!

- Phải rồi! Chắc chắn tôi không còn nhỏ bé nữa. Tôi đã từng lớn với đêm, với ngày. Tôi đã từng lớn lên với sự kêu gọi giục giã của hư vô đi qua thân xác, tế bào, tóc xanh và tuổi tác. Tôi không còn nhỏ bé nữa - khi nhìn những cơn gió viễn du mỗi lần tình cờ lang thang qua ngôi vườn này; qua rặng trúc đầy lá lục; để lại vài cành khô rơi, mùi hương hoang dã, sa mạc, núi lớn và sông hồ…! Chắc chắn là tôi không còn nhỏ nữa, khi đã biết bâng khuâng một ngày sao hoàng hôn lại đến quá sớm, bầu trời sao lại quá đỗi bao la, mùa thu sao lại quá đỗi dịu dàng… và tại sao những thiếu phụ lại nhìn mơ màng bên ngoài cửa sổ? Như thế đó, tôi không còn nhỏ bé nữa, nếu không muốn nói là đời tôi không có sự nhỏ bé, không có tuổi thơ và sự hồn nhiên, chỉ có khổ đau, màu vàng, ưu tư và bất hạnh - khu vườn trong tôi là khu vườn mùa thu khẳng khiu và gầy trơ những xác lá, không có một con chim nào, và hoàn toàn không có một tiếng hát bình minh vui tươi nào của chúng! Tôn giả có thể tưởng tượng đi.Ôi! Đìu hiu và thê lương làm sao, - như một nghĩa địa, như một địa cư cỏ dại mọc đầy, vô chủ và không có cả một vết chân người, một sinh vật sống, dù là một hơi thở dế giun, tĩnh vật…! Tôn giả ơi! Hãy cho tôi được học tự ngã, để tôi được biết tôi là ai, từ cõi hư vô nào mà đến, vì nguyên nhân nào mà có mặt? Lại có mặt ở đây chứ không ở một nơi nào khác, một định mệnh khác? Rồi có mặt để làm gì? Có ích cho ai không? Có hữu dụng hơn một loài rơm rác? Rồi sao lại phải bệnh, phải tử, phải già? Tôn giả ơi! Sách vở, kinh điển không trả lời rõ ràng, dứt khoát. Thầy tôi thì cứ trả lời ởm ờ, hàng hai. Cha tôi cũng thế. Những Đấng, những Vị mà tôi đã từng gặp cũng không trả lời khác hơn. Hay là vì chính họ cũng không biết họ là ai, hoặc là nguyên nhân của mọi hiện hữu! Ôi, tôi tha thiết biết là bao nhiêu về vấn đề tự ngã? Ngài, tôn giả là đấng có nhiều quyền lực, hay là đã linh thông với Đấng ấy, hẳn là tôn giả hiểu rõ hơn ai hết cả chứ? Tôn giả là đấng không phải người, đã ở trên hết, thần thông quảng đại xiết bao, tôn giả hãy cho tôi rõ những điều trên, vì chưng, nó chính là cái hư vô kinh hoàng và khủng khiếp; nó nuốt chửng tôi, và sinh thực cả thiên địa này! Hỡi ngài, hãy cho tôi hiểu tự ngã để tôi chạy thoát hư vô…

- Ngươi đã đem hư vô đến. Quả thật vậy, một ngọn gió hư vô lạnh lùng! - Vị dị nhân dịu dàng nói - Kẻ biết về tự ngã không còn những ưu tư như vậy. Chính những ý thức như vậy tách rời ngưưi ra khỏi vô biên!

- Thưa tôn giả, bởi vậy, tôi muốn tìm về ngài, về với Đấng vô biên ấy.

- Không được. Kẻ nào “dùng tự ngã” để tìm hiểu ngài là tăng thượng mạn. Tự ngã tìm kiếm Thượng đế là tự ngã đã lôi đấng linh thánh trong sạch, thanh tịnh về trong cái trần tục, nhiễm ô của tự ngã. Ngươi thật là phạm thượng!

- Ô hay! Tôi có phạm thượng bao giờ? Tôi chẳng mảy may nào tỏ ra là mình khinh mạn. Tôi thành kính tìm kiếm ngài. Vả chăng, kinh điển cũng dạy rằng, tự ngã là Đấng ấy? Vậy thì muốn tìm kiếm ngài phải cần biết tự ngã hoặc dùng tự ngã chứ!?

- Phải nói ngược lại: “Đánh mất tự ngã thì Đấng ấy mới hiển lộ.”

- Đánh mất tự ngã? Thượng đế ôi! Làm thế nào để đánh mất tự ngã, khi ý niệm đánh mất đã là tự ngã rồi?

- Cái trò lý luận trẻ con. Đây không là lý luận mà là cái gì siêu việt hơn thế. Là thực chứng. Chú nhỏ! Chú có cần thấy rõ cái kinh nghiệm đánh mất tự ngã không?

- Ôi! Tuyệt vời xiết bao! Muốn lắm chứ!

… Triết Hựu chợt rùng mình rồi nhìn ra màn đêm. Và bây giờ thì đêm đã khuya lắm rồi. Những hồi tưởng của chàng bị đứt đoạn do một cái rùng mình từ quá khứ hiện khởi về. Cái rùng mình đã gần mười năm mà cường độ như còn rung động mãnh liệt cả châu thân. Như còn tiếp diễn mãi, vận hành liên lỉ theo dòng trôi chảy ngấm ngầm của vô thức. Chàng không còn nhớ rõ vị dị nhân đã làm gì sau khi bắt chàng ngồi kiết già trước mặt… Rồi đột nhiên, như một luồng điện cực mạnh truyền khắp các tế bào, rồi chàng bất tỉnh - bất tỉnh trong một trạng thái sáng suốt - Và khi ấy, có phải là kinh nghiệm đánh mất tự ngã chăng mà mọi ý thức về ngoại giới hoàn toàn vắng mặt, chỉ có một cơ quan nào đó ở phía bên trong, bật hé một cánh cửa để phát lộ vùng câm nín ngàn đời của vô thức… Một thứ ánh sáng trong và vàng pha rọi trên những hình ảnh những khuôn mặt, những cảnh đời… Thứ lớp, thứ lớp từng chiếc ảnh được trải ra, bức khác kế tiếp, tuần tự thay đổi nhau đi qua, đi qua… Đây là một cuộc đời. Đây là hai cuộc đời… Khi là người cùng đinh, khi vua quan, trưởng giả, con gái, con trai, giữa chiến trường, trong lò thiêu súc vật, trong ngục hình, hoan lạc, tử biệt sinh ly, đầu rơi máu chảy… Mỗi cuộc đời mỗi khác. Mỗi hình thể mỗi khác. Giàu sang, hạ liệt có khác. Nhưng vẫn có một cái gì chung chung, nền tảng, như chỉ từ một chiếc khuôn duy nhất nhưng sự sơn phết, bồi đắp mà dị biệt… Cái ấy nó không hề hủy hoại qua các cuộc diệt sinh, thăng trầm. Cái ấy là gì? Là cái thâm sâu nhất, cái linh hồn, cái chủ tể, hoặc là tự ngã nguyên vẹn sơ thủy chăng?

Sau giây phút ấy, chàng đã ngồi yên, bất động, bàng hoàng… Một tình cảm mâu thuẫn, nửa sợ hãi, nửa bình an - nửa xót đau, nửa hoan lạc trộn lẫn trong đám sa mù hỗn mang. Tuy thế, có cái gì đổi khác và mới lạ quá. Ôi, cái kinh nghiệm ấy quý giá làm sao - nếu không do quyền năng hoặc huyền nhiệm - thì làm sao chàng tìm ra được dù lặn lội một đời?

- Hình ảnh nào cũng là ngươi cả, có phải vậy không? Nhưng không thể xác định rõ ràng cái nào là ngươi cả! Điều ấy xác nhận ngươi không thật hữu - ngươi là những cái gì bao che, cái gì vay mượn từ lục đại, đóng vai các vở tuồng, gỡ khuôn mặt này khoác khuôn mặt khác, có phải thế không? Nhưng trong sự đổi thay, sinh diệt ấy; vẫn có một tồn tại tính; vô diệt, vô sinh, thường hằng, bất biến - cái ấy cũng là tự ngã nhưng không còn tên là tự ngã nữa. Ngươi là cái ấy, là Atman, là chân như! (Tat tưan asi) Vị dị nhân sau tiếng nói thoảng đã đi mất. Triết Hựu bần thần như vừa ra khỏi cơn mơ. Phải, chỉ như là cơn mơ thôi. Y đã đến, đã đi, hiện hữu ở đây, hữu hình, hữu thanh - mà vẫn như chưa hề có mặt! Không còn dấu vết gì ở nơi này cả: khu vườn mùa thu vẫn chim và lá xanh, ngôi nhà nằm khuất phía sau vẫn tịch mịch, lặng lẽ. Không có gì khác. Có gì vừa xảy ra trong tâm chàng, với kinh nghiệm thoáng thấy như thực như hư kia - là khác với cuộc đời cũ xưa trước mặt? Tuy chưa giải đáp cho chàng hết mọi nguyên nhân khổ đau, nhưng ít nhất chàng đã thấy rõ mình: phải bị đày ải qua các kiếp sống, phải chịu luân hồi trong các cõi, trong những xác thân trần tục, phải nhận chịu định luật nhân quả nghiệp báo đắng cay. Niềm tin đã đến với chàng - nhưng là niềm tin xót đau quá! Nếu sự thoát ra, bước ra hoặc cởi bỏ được định mệnh kia là trở về với nhất thể - thì tại sao, trước đó, từ một sơ thủy xa xăm nào, y lại từ chối nhất thể và ra đi? Y phải cần học điều gì, trải qua kinh nghiệm nào, hay chỉ ở trong một thời gian lưu đày hạn lượng? Và mỗi sinh mệnh, trên lộ trình thống khổ kia, có tự chuyển hóa mình một cách tức khắc, quy hồi trong một sát-na quê hương xưa, từ đó y lưu lạc? Cái vọng tưởng nào lôi kéo y ra đi? Hay y bị đẩy bật ra từ sức ly tâm vũ cuồng của dục tính? Nếu đừng đi, đừng về thì có hơn không? Trải qua một cuộc hành trình vào viễn mộng vô ích, vô vọng và đầy máu xương để rồi cuối cùng - lại tìm về sự nghỉ ngơi và an lạc ngay từ điểm mà nó ra đi! Kinh nghiệm mà vị dị nhân cho chàng quý báu quá, nhưng đồng thời lại bóc trần truồng, trải ra trước mặt chàng những sự thật không dám nhìn nhận, tủi hổ, khôi hài và bi thảm làm sao! Nếu bảo Thượng đế sáng hóa trần gian - hàm nghĩa là Thượng đế đã vọng tưởng - thì quả thật, ngài đã bày ra cái trò chơi “bất khả tư nghị”. Cái trò chơi gì kỳ lạ quá! Sáng hóa trần gian rồi lại phải mất công đi cứu chuộc, lặn lội tử sinh để đem cháu con lưu lạc trở về! Khi trở về hết, và có lẽ không có việc gì làm, ngài lại cho chúng ra đi? Và cứ thế, cứ thế - đấy là trí tuệ của ngài, là đại bi của ngài? Cái công của ngài không đủ đền bù cái tội, cái tội là để cho cháu con ăn nuốt nhau, chém giết nhau, thù hận nhau! Cứ thế - cứ thế - và là cái trò luẩn quẩn loanh quanh làm sao?

… Những đêm tiếp theo, Triết Hựu đắm mình trong những câu hỏi tương tự. Rồi Tri Ngã là biết về tự ngã như vậy, biết là nó có vô biên tính, Thượng đế tính, biết là nó vừa diệt sinh vừa trường cửu. Là Atman và Bràhman. Nhưng cái biết này không do luận lý, suy lý - không do tri thức mà do cảm nhận của trực giác. Câu chuyện hạt muối bỏ trong nước của Áo-nghĩa-thư nhằm giải thích trường hợp này, nhưng sự giả thích ấy thiếu sót làm sao, nếu không muốn nói là ngây thơ nữa. Muối bỏ trong nước, muối tan. Muối vẫn có đấy nhưng ta không lấy ra được: Đấng ấy cũng có đấy nhưng ta không tri nhận được. Nhưng khi ta không tri nhận được bằng cảm giác thì ta tri nhận được bằng tri giác. Nếu ta không tri nhận được bằng tri giác thì ta tri nhận được bằng cảm giác. Tri giác và cảm giác chúng có từ một chủ năng. Ta không tri nhận được muối nhưng ta cảm giác được muối: Ta nếm được muối nghĩa là ta vẫn cảm giác được Đấng ấy! Ngay khi chàng thấy rõ mình đi qua từng cuộc đời trong những hình thức khác nhau, quả thật mọi ý thức quan năng đều vắng mặt - thì cái biết ấy là gì? Phải chăng là của một cái gì siêu việt hơn cả lý trí, là trực giác, đôi mắt thứ ba, đôi mắt tâm linh, đôi mắt vô thức? Nhưng dù là đôi mắt nào đi nữa cũng không thoát ra được ngoài tự ngã. Vẫn có sự tham dự của tôi, của tự-ngã-tôi! Sự tìm kiếm của chàng, nỗ lực của chàng rồi để hoàn trả về với chính chàng: Cái tôi, cái tự ngã lung linh, chập chờn, không biết là thực, không biết là hư, ở đây mà không biết là ở đâu, chụp bắt không được, sờ mó không được!

Bao tháng bao ngày tiếp theo, chàng cũng không ngớt kiếm tìm tự ngã. Vị Thầy khả kính của chàng ân cần trả lời:

- Làm sao mà tìm ra được tự ngã hở con, như muối tan trong nước, con có thể lấy ra được đâu!

- Con không tin là con không thể tìm ra được tự ngã, khi biết rằng nó có ở trong con! Vẫn có cái gì như là tự ngã chứ?

Chàng lại lẩn thẩn hỏi. Vị Thầy vẫn nhẫn nại trả lời:

- Cái mà con gọi là tự ngã - đấy là cái mà con vay mượn được của mộng: Nhận thức, ý thức, tư tưởng, trí khôn, kinh nghiệm, thói quen, ký ức, tập quán… Đã là vay mượn thì chẳng phải là cái chân thật, cái có sẵn, đến một lúc nào đó con phải hoàn trả lại. Của mộng thì phải trả lại cho mộng. Của César thì phải trả lại cho César. Địa, thủy, hỏa, phong, hư không và thức là cái cần phải trả về trước khi đến quê hương. Cái mà con không hề trả về, cái ấy là của con, là sơ thủy của chính con.

- Vậy thì vẫn có tự ngã. Cái ấy gọi là tự ngã đó chứ!

- Tùy ý con. Nhưng cái ấy không tên gọi, nó phải được thể hội trong im lặng và vô ngôn. Nó ở ngoài thế giới danh ngôn, biểu tượng.

- Nó phải ở trong cái biết không hở thầy?

- Phải nói như thế này: Cả cái biết và cái không biết cũng không ở ngoài cái ấy.

- Sao kỳ vậy, kể cả cái “không biết” ư? Có ví dụ nào để minh thị điều này không hở thầy?

- Có chứ. Này, con hãy nghe!...

“Có một người con trai bà-la-môn ham muốn sự hiểu biết. Hôm nọ, người cha thông thái, hiền triết gọi y đến rồi cho y mười hai năm lương thực để đi tầm sư học đạo. Người con trai đôi mắt mở rộng, vừng trán sáng ngời tin tưởng, hớn hở lên đường. Và sau mười hai năm, y trở về.

- Sao con? Thế là con đã học hết tất cả mọi trí khôn của nhân loại?

Người con trai từ tốn trả lời:

- Thưa cha! Quả thật, con chẳng dám vọng ngôn để trả lời rằng là không phải.

- Ôi! Quý hóa thay, hiền nam tử. Vậy ra con đã thu trí khôn của nhân loại vào “trong cái biết” của con!

- Thưa cha! Quả thật vậy!

Người cha là bà-la-môn thông thái chợt mỉm cười rồi cất giọng trịnh trọng:

- Nay ta cũng cho con thêm mười hai năm lương thực nữa, để đem “cái biết” ấy - cái biết quán thông kim cổ của con - để học “cái không biết”!

Người con trai ngạc nhiên, lắp bắp:

- Học cái không biết? Thưa cha, đúng là học cái không biết đấy chứ?

- Đầu óc cha cũng chưa đến nỗi lầm lẫn để không biết ý mình muốn nói gì. Phải rồi, đem “cái biết để học cái không biết”, cha cũng cho con thời hạn mười hai năm! Người con trai thông thái im lặng giây lâu rồi trả lời:

- Không những con mà cho chí cả nhân loại này, những đầu óc thiên tài, vĩ đại nhất, uyên thâm nhất hoặc bác học, mẫn tuệ nhất - thưa cha - cũng đành chịu thôi - chẳng thể học cái không biết.

- Thật vậy sao, con trai yêu quý?

- Quả thật vậy, thưa cha, xin cha hãy dạy con. Cha hình như muốn dạy con điều gì?

Bây giờ người cha mới cất giọng ôn tồn, nhỏ nhẹ hỏi con:

- Con học để làm gì? Ý cha muốn hỏi về cứu cánh của sự học?

- Để biết về tự ngã. Để tìm về ngài.

- Vậy thì con hãy ra vườn hái một trái sung! Người con trai y lời.

- Con hãy bổ trái sung ấy ra.

Người con vâng theo.

- Con thấy gì trong đó?

- Những hạt nhỏ lăn tăn.

- Bây giờ con lấy một lưỡi dao nhỏ hơn rồi bổ cái hạt lăn tăn ấy ra làm hai nữa.

Người con ngạc nhiên làm theo.

- Con thấy gì trong đó?

- Con không thấy gì. Chỉ là cái “trống rỗng”.

Người cha hiền triết nhìn con thật là âu yếm:

- Con ơi! Cái ấy! Con chính là cái ấy!”

… Vị thầy kể xong câu chuyện, im lặng. Triết Hựu cũng im lặng. Hồi lâu, chàng dè dặt hỏi:

- Như vậy, cái ấy ở ngoài cái biết?

- Hơn thế nữa, ở ngoài cả cái không biết.

… Câu chuyện được ôn lại của mười năm học đạo đã đưa chàng đến bờ tường, đến vực thẳm! Chàng cứ loay hoay mãi về “cái biết” của mình, về tri ngã, trong lúc cái ấy, Đấng ấy, chân ngã ở ngoài mọi cuộc đuổi bắt. Hầu như cả trọn ngày, trọn đêm - chàng treo sinh mệnh mình ở nơi cái mốc điểm tối hậu đó - ở nơi sợi chỉ mỏng manh không có một điểm tựa nào còn lại giữa hư không. Vật thực chàng dùng rất ít. Và hình như ở giai đoạn này, nhu cầu ăn uống không còn cần thiết cho chàng lắm. Chàng đã đầy ứ ở bên trong. Đã ngột ngạt. Tri ngã là tri cái gì? Câu hỏi vừa là đầu tiên vừa là tối hậu đó, cần phải được lưu thông, cần phải được khai dẫn, không thì chàng sẽ bị vỡ tung ra, như một quả bong bóng mà sức căng đã đến độ chót. Trọn vẹn kinh điển Vệ-đà không có tia sáng nào để chọc thủng qua bức tường đen nghịt tối tăm kia, để chàng liễu thông cái ấy, tìm ra chính mình, tri ngã. Tất cả mọi kho tàng trí khôn của nhân loại đều thuộc về cái biết, cái phải bị trả về, nghĩa là cái tử sinh, luân hồi, vay mượn trong các kiếp đọa đày. Thể hội chân ngã, nghĩa là tri ngã trọn vẹn, phải vượt qua cái biết và cả cái không biết, rồi dung nhiếp hài hòa luôn cả hai thực tại tương xung ấy!

Ôi! Thế nhưng, những điều ấy nó có nằm ngoài cái biết đâu!

Triết Hựu xả thiền và đứng dậy. Thật ra là chàng xả tư duy. Đầu óc chàng lùng bùng khó chịu. Bên trong hình như sắp bung ra, vỡ ra, nứt ra. Chàng thở một hơi dài và theo thói quen, chàng lại tìm về sự an trú trong cõi vô duy. Chàng để tâm nhẹ nhàng trôi chảy, không cố gắng, không tập trung tư tưởng, không phản kháng, không cưỡng bức mình, kiếm tìm, phê phán… Chàng để cho những tâm niệm tuần tự đi qua. Rồi chàng hướng ra phía con đường, bước đi, dưới ánh trăng lung linh. Chàng đi. Thế thôi. Không hề chuẩn bị, mục đích, tác ý. Chàng đi, như một chiếc xác mộng du. Không có một ý chí nào. Cơn gió núi mát lạnh thổi qua, rì rào, rì rào. Chàng hầu như biết mà không biết. Hay có thể là cái biết ấy cũng trôi đi ngay như đám mây đi qua mặt hồ. Cái giây phút vô duy trong chân không khác với cái vô duy của ý thức. Chân không thì toàn vẹn là vắng bặt, ngưng dứt ý thức. Vô duy của ý thức là cái hoàn toàn không có chủ tâm, không có ý thức tư duy về đối tượng, ngoại cảnh và nội tâm đều hiện hữu, nhưng là hiện hữu hòa bình, không phân biệt, nhận thức có duyên cảnh, hiện lên. Nhưng hiện lên rồi diệt, không thử hỏi vì sao, không hề nghĩ đến nguyên nhân và hậu quả. Cả cái biết và cả cái không biết đồng có mặt nhưng nó không kích bác nhau, xâm lăng nhau. Ôi! Chắc chúng đã nhìn nhận ra là chúng cùng một mẹ, một cha, cùng tổ tông, gốc gác. A, kinh nghiệm gì đây, ngay giây phút này, trong chàng có đầy đủ cả cái biết và cái không biết! Chàng ngồi lại. Như một cái gì lóe sáng lên, sáng làm sao, sáng lạ lùng. Màu xanh biếc xẹt qua tâm thức. Cái gì đây? Bầu trời như đổi khác, trong, xanh và cao hơn? Cây cối, vạn vật huy hoàng, rõ nét và gần gũi hơn? Chúng hiện hữu như là “chúng là”, nguyên vẹn, trinh tuyền, sơ khai, không bao che bên ngoài một nhãn hiệu nào cả, chưa ai phết lên đấy một lớp sơn - lớp sơn tên gọi và chữ nghĩa, ý nghĩa - nguyên thủy “như thời tượng”, bởi sau thời tượng là tử sinh:

Ngàn xưa ai gọi danh

Thân gầy con nước trôi

Ngàn xưa ai gọi danh

Bến vàng sinh tử trôi...

Triết Hựu chợt run bắn người lên khi thấy tất cả đều đổi mới, như sau một cơn mưa, mọi sự đều tạnh ráo - câu hỏi, tư duy và sự khổ đau - tất cả đều tạnh ráo. Cả pháp giới đều sạch trơn, bóng lộn. Màn đen của đêm cũng bóng lộn. Các vì sao pha thêm lân tinh, nhấp nháy, mỉm cười, mời gọi… A! Cái gì đây chứ? Kinh nghiệm gì đây chứ? Phải chăng chàng vừa thể hội được cái vẹn toàn?

Triết Hựu mỉm cười sáng láng rồi ngồi im, đầy tròn, no đủ. Chàng nhắm mắt lại. Nhắm mắt lại rất lâu. Rất lâu. Cái gì đây chứ? Mới lạ làm sao? Ta đã thật sự tri ngã chăng? Hay là đã thể ngộ cái ấy? Và cái ấy là trọn vẹn con người chàng? Những thao thức, đau khổ, bất an đầu đời, những thánh thiện, tội lỗi, hối hận… kể cả những giọng nói, tiếng cười, những khuôn mặt khác nhau, kỷ niệm, thói quen… Tất cả như những giọt nước kế tiếp nhau trôi chảy. Và chúng lại liên kết với nhau thành một dòng liên tục. Thế nhưng, ngay giây phút này đây, chúng không mảy may liên hệ gì đến chàng hết, đến chân ngã thâm sâu. Chúng qua lại như đám khách trần. Chúng ở trọ vội vã rồi ra đi. Rồi người khách khác lại đến, phong trần có, phong lưu có, hiệp khách có, thi nhân có, đạo sĩ có, sa-môn có, thiên đường có, địa ngục có, súc sanh có, ngạ quỷ có, hân hoan có, hớt hải có, trầm mặc có, nghiêm trang có… Họ đến rồi họ lại lên đường, vô định và không dấu tích. Đôi khi còn lưu lại một vài giọt lệ, vài tiếng cười, nhưng rồi cũng mất, cũng quên. Chàng là quán trọ bên cầu, chứng nhân còn lại, bất động giữa những bể dâu, an nhiên giữa bão tố, im lặng giữa những loạn động hãi hùng. Như một chứng nhân đời đời vô địch, lạnh lùng như một đỉnh núi đá - thu dọn, vun quén lại chiếc sân đổ nát, sửa sang lại con đường - rồi chờ người khách khác đến. Rồi họ lại ra đi. Chàng đã từng nghe người ta kể - trong đám khách giang hồ ấy - về từng cuộc đời, chí lớn, thành bại, mối tình thiên thu, chén rượu, cuộc cờ, niềm tin, thủy chung và sự phản trắc… - đôi khi cũng ngậm ngùi một chút, chia sẻ với họ một vài cái nhìn cảm thông, cạn với họ một vài chén trà giữa những đêm trường khuya khoắt…

Họ đến rồi họ đi. Chỉ riêng chàng là kẻ chưa hề đến chưa hề đi! Chúng sinh chúng diệt nhưng chàng là kẻ chưa hề sinh, chưa hề diệt! chân ngã chàng vốn đã vĩnh cửu và bất tử từ bao giờ!

Bình minh cũng vừa mới lên. Suốt đêm chàng đã không ngủ được. Không cần ngủ. Chàng hân hoan hướng đến mặt trời, hít mạnh một hơi thanh khí vào buồng phổi… “Ta hít cả phương đông vào cơ thể này. Ta hít một hơi là ta đã thu gọn hằng hà sa số nền minh triết, mặt trời và mặt trăng vào trong một hạt trần vi. Vô lượng hạt trần vi ta kết tụ lại vào trong một mảnh lân hư trần. Và ngay cả một phần triệu của mảnh lân hư trần này cũng không còn dính trong buồng phổi của ta. Ta thổi chúng. Ta thở ra. Ta quẳng hất chúng về với pháp giới như thị. Ta rỗng rang. Ta phản bổn hoàn nguyên. Ta còn lại cái không hề trả về. Ta tự do tối thượng và hoàn toàn giải thoát.”

Và rồi chàng hát. Hát về cái giờ tìm gặp lại cái quê hương đã từng lưu lạc. Hát về cái giờ "hội quy nhất thể" ấy.

Lạc thú thay vũ trụ này dừng lại

Lạc thú thay nỗi tịch mịch khôn cùng

Tiếng hát nay đưa ta về với nhất thể vô chung

Ta hóa hiện thành vô lượng vi trần cõi Phật

Dòng sông lớn chảy trong ta

Cả đại hà ngưng tịch

Sát na tâm hóa hiện chắp tay chào

Ta quỳ xuống và chiêm ngưỡng ngôi sao

Ôi! Vạn trần nguy nga bừng thánh thể

Trái đào tiên cắn say và nhạc trời thiên nữ

Bừng mắt xanh rọi suốt cõi vô cùng

Ôi Phật quang và Như lai hóa thân

Từ không luân về nhất điểm

Từ huyền hữu tuyệt diễm

Có ta chờ thắp sáng cõi trần sa

Nam thiệm bộ châu

Bắc cu lưu châu

Tây ngưu hóa châu

Đông thắng thần châu

Quỳ cả xuống

Nhạc hoa đàm suối sao lưu ly

Ta đã kinh hành qua tám vạn địa ngục a tỳ

Cũng đã kinh hành qua hằng sa thiên đảo

Nơi nào cũng diễm ảo

Nơi nào cũng bồng lai ngọc nữ khúc nghê thường

Hoan lạc trong ta

Mặt trời và triêu dương.

Lớn dậy từng hàng hiện thân Bồ tát

Ta thuyết pháp ở cung trời vô sắc

Tượng đá thành nước mắt

Và hư vô thành lá xanh

Ta xâu ý tưởng thành chuỗi ngọc châu, anh lạc

Cúng dường cúng dường tam thân

Cúng dường cúng dường vô lượng vi trần

Và tam thiên Phật sát

Trời sắc giới ta làm con thuyền nhỏ

Chở mấy triệu kim cang

Về xây thành Phật trí

Ta đã vô ngại dạo chơi trong thánh đế

Rồi cũng vô ngại giã từ

Ta vượt mây chạy qua đông hải thăm diệu âm

Chạy về Đẩu-suất cười Di Lặc

Vũ trụ hãy nghe ta

Giờ là giờ huy hoàng Phật nhật

Ta chống tích trượng gõ cửa Diêm đình

Tuyết làm tan lửa đỏ

Vũ trụ hãy nghe ta

Giờ là giờ ngọ

Từ hội quy để đi đến vô quy

Vô lượng nghĩa cũng là vô lượng bất tư nghì

Bến diệu trạm

Thuyền không tải nguyệt…

Hát xong, chàng cất tiếng hú dài. Tiếng hú như được kết tụ từ vô lượng kiếp tích uất, tăm tối, si mê, đảo điên - nay đã phóng vọt, tuôn trào – thành một cơn lốc mạnh, rì rào… rì rào, xa dần… xa dần… chạy qua rừng, qua suối, qua núi, qua khe - xuống bình nguyên, làng mạc, đại dương - rồi mất tích. Vô thanh. Rồi nhập thể vào mười phương cõi.

Rồi chàng hòa tan. Hòa tan. Không còn một trọng lượng nào về chân không. Những đốm sáng của chân không bắt đầu thu nhỏ lại. Chỉ còn như đầu mũi kim. Rồi mất. Ý thức chìm dần vào vô thức. Một trạng thái ngây ngất từ trung tâm điểm của thần kinh hệ tỏa ra, lan ra, thấm lần đến từng chân tơ kẽ tóc. “Một trạng thái tịch diệt niết-bàn”. Chàng xuất thần, nhập đại định.

Triết Hựu đứng bất động như vậy trước cửa miếu rất lâu. Rồi kéo dài cả hai hôm. Khi chàng mở mắt ra thì một ngày mới đã lên. Tri giác và cảm giác bắt đầu trở lại. Bây giờ, cả vũ trụ như chỉ hiện hữu có một mình chàng. Núi Tu Di nằm dưới thấp. Chân chàng được mọc từ địa ngục a- tỳ mà đầu chàng đụng đến cõi trời phi tưởng. Hai tay chàng sờ Tây cực bên này và Đông cực bên kia… Chàng cao chớn chở, cao uy nghi! Chàng to lớn đứng chật cả ba ngàn cõi!

Chàng nghĩ là mình đã về đến đích, xôn xao đã lắng dứt, tử sinh đã yên nghỉ. Triết Hựu định quay vào miếu để an hưởng trạng thái “giải thoát” thì nghe tiếng gọi liên hồi từ đồi cao đổ xuống…

-Bràhman ơi… ơi! Bràhman ơi… ơi!

Bràhman! Tại sao ai lại gọi Đấng ấy như vậy? Phút chốc, một người thanh niên vận khố, tóc rủ xuống vai, hàm râu quai nón, tay cầm một chiếc roi sồng sộc chạy đến.

- Tỷ-kheo! Người có thấy con Bràhman của ta chạy qua đây không?

Triết Hựu há hốc mồm:

- Con Bràhman? Tôn huynh muốn nói gì?

Gã thanh niên đập mạnh cây roi xuống đất, mắt nhướng lên, hét lớn vào tai chàng:

- Con Brahman! Tỷ-kheo, người có điếc không?

- Nghe rồi. Tôi nghe rồi, thưa tôn huynh. Nhưng tôi chưa hiểu rõ tôn huynh muốn ám chỉ gì khi gọi là con Bràhman?

- Ám chỉ cái gì đâu. Con Bràhman thì ta gọi là con Bràhman...

Nghĩ mình là một con người đã giác ngộ, nên Triết Hựu ôn tồn hỏi lại:

- Tôi hiểu là tôn huynh đã gọi đúng tên con Bràhman không lầm lẫn và chẳng ám chỉ gì. Nhưng tôi xin thưa là, tôi không biết con Bràhman là con gì, vì người ta thường hiểu theo tính cách tượng trưng, quy ước với nhau tự ngàn xưa thì Bràhman là Đấng ấy, Đấng sáng tạo chủ, hóa sanh chủ…

- A! Vậy hả? Vậy hả? - Người thanh niên chợt cười ồ ề - Xin lỗi, xin lỗi ngài tỷ-kheo!

Triết Hựu cũng cười:

- Vậy ra tôn huynh cũng là đạo sĩ, đang đi tìm Đấng ấy, đang gọi kêu Đấng ấy?

Người đàn ông cau mặt lại giận dữ:

- Đấng ấy à, Đấng Bràhman ấy à? Nó đã hành hạ ta khổ sở hơn nửa cuộc đời... Ta giận quá nên ta đã đặt tên cho con cừu của ta...

Triết Hựu lại một lần nữa há hốc mồm ra.

Người thanh niên huơ mạnh chiếc roi giữa không khí:

Ngài tỷ-kheo! Đừng nói tiếng Đấng ấy với ta. Ta không có Đấng ấy. Đấng ấy chính là ta. Ta không cần Đấng ấy. Thôi, ngài tỷ kheo! Ta không nói nữa. Đấng ấy đã làm ta thành nửa điên, nửa dại...

Triết Hựu nhủ thầm: tự chủ, tự chủ. Rồi nói:

- Xin tôn huynh hãy nói nữa đi! Tôi xin rửa lòng để lắng nghe tất cả những điều ấy.

Chợt nhiên người thanh niên cười ha hả, cười hinh hích rồi lại cười khà khà. Cười đến chảy nước mắt.

- Ôi chao ôi, ngài tỷ-kheo, người tốt lắm! Ôi chao ôi, ngài tỷ-kheo, người tốt lắm. Nhưng để ta coi như thế nào đã...

Người thanh niên đứng dậy, chậm rãi phủi những vết dơ dính dưới khố, sau lưng - rồi đến gần bên Triết Hựu. Y đưa mắt nhìn ngắm chàng, từ đầu đến chân... Sau đó, thân thiện kéo chàng ngồi xuống, cặn kẽ hỏi về tất cả mọi kiến thức, tư duy mà chàng đã tích lũy được... Người thanh niên lại càng chăm chú hơn khi nghe đến những sở đắc mà chàng đã chứng nghiệm...

- Bạn lành! Bạn đã đi lầm đường!

Người thanh niên đột ngột cất tiếng, giọng nói không có vẻ gì là bỡn cợt cả.

- Xin tôn huynh cho biết cao kiến? Triết Hựu dịu dàng hỏi.

Người thanh niên lại xẵng giọng:

- Thật may cho ngài đã gặp được tôi... Nhưng bây giờ thì ngài hãy bỏ đi những từ kiểu cách như cái “tôn huynh” và cái “cao kiến” ấy đi!

Triết Hựu lặng người, quả thật là chàng đã sử dụng những từ có vẻ quá khách sáo... Bèn nói:

- Vâng! Vậy thì xin huynh đài chỉ giáo? Huynh đài bảo tiểu đệ đi lầm đường? Quả thật là có thể biết rõ có con đường không lầm và có con đường để lầm?

- Dẹp đi! Xưa lắm rồi. Đừng nhai lại cái luận điệu ấy nữa. Đừng bắt chước cái luận điệu ấy nữa. Thiệt là xưa như trái đất!

- Xin huynh đài…

- Dẹp đi! Cái đó cũng dẹp đi nữa! Nào là huynh ông, huynh đài, tệ sĩ, tiện sĩ, hiền sĩ, tôn giả… Những cái kiểu cách ấy! Những đống phân chữ nghĩa, văn vẻ, khách sáo ấy - vứt đi! Quí nhau lắm thì dùng huynh huynh đệ đệ là được rồi. Nói đi! Muốn nói chi thì nói. Tất cả đều được phép nói, được quyền nói. Nhưng nói sao cho nó dễ nghe, cho nó thảnh thơi, đừng gò bó trong danh từ, chữ nghĩa. Đừng lý luận. Mà nói thật, nói thăng, nói từ trong ruột nói ra. Nói từ tim từ óc. Nói đầy tràn. Nói chất ngất. Nói chân thật. Nói chân tình. Nói tuốt luốt. Nói đi. Nói đi. Ngài tỷ-kheo! Người bạn lành!

Người thanh niên nở nụ cười thật hiền. Triết Hựu nghe mát lòng mát dạ vô cùng. Và cũng gần gũi, thân thiết người thanh niên kỳ lạ này vô cùng. Gần gũi, thân thiết, yêu thương nhau đâu từ trong vô lượng kiếp.

- Huynh bảo rằng tiểu đệ đi lầm đường?

Người thanh niên kéo chàng ngồi xuống:

- Phải. Lầm đường thì chắc chắn rồi... nhưng để đó rồi hẵng hay...

Nói xong y đưa mắt nhìn quanh quất:

- Mà này bạn lành ơi! Đã đến giờ ngọ của tỷ-kheo rồi đấy. Chắc không có gì ăn cả đấy chứ?

- Tiểu đệ nhập định chẳng biết.. đã mấy hôm nay rồi.

Người thanh niên cười lớn:

- Phải mà. Phải mà. Ta nói có sai đâu! Nhập đại định, chứng ngộ nhất thể, thể nhập cái ấy chớ gì? Hỏng. Hỏng. Cái ấy có “xơ múi” gì đâu? Tàn đom đóm mà tưởng mặt trời. Hỏng!

Triết Hựu tuy ngạc nhiên nhưng cũng chỉ mỉm cười thầm thôi, chàng nghĩ “ai ăn, người ấy mới biết no!”

- Người em! Đợi một chút nghe. Để lão huynh đi kiếm cái ăn. Một lát thôi. Cái “ghê gớm” kia chẳng “ghê gớm” gì đâu!

Triết Hựu rùng mình, chưa kịp hỏi thì y đã phóng nhanh vào rừng, khỏe như một loài thú núi. Một hồi sau y mang về rất nhiều trái cây và củ rừng.

- Ăn đi, người em, lão đệ! Những thứ này ở “Cuồng phong lâm” của ta đều có sẵn! A! mà này, lão đệ! Con Bràhman của ta đã trở về, ta đã xiềng nó lại. Ta đã xiềng “Đấng ấy” lại!

Cả hai vừa ăn vừa nói chuyện.

- Thế nào là con Bràhman? Và thế nào là “Cuồng phong lâm”? Lão huynh giải thích đi chứ?

- Í à! Xin lỗi! Xin lỗi người em thật tình - y xuýt xoa - Ta có một con cừu, và ta đang dạy cho nó cách làm sư tử, và ta đặt tên cho nó là Bràhman. Ồ! Giản dị vậy thôi! Giản dị xiết bao! Vả chăng, Đấng ấy cũng có hai bản tính, vừa cừu non vừa sư tử? Trong sư tử có cừu non và trong cừu non có sư tử. A! Mà sao ta triết lý ba xu làm gì vậy cà? Ồ! Con cừu của ta, mỗi lần ta dạy cho nó cách làm sư tử trông nó ngô nghê không chịu được. Ngô nghê quá xá cỡ! Ồ! Là cừu thì y cũng chỉ là cừu thôi, mỗi thứ, mỗi loại vẫn “có cái gì là của chính hắn chứ” Ồ! Sao ta không để cho “hắn là chính hắn?” Đây là chuyện Bràhman. Còn chuyện “Cuồng phong lâm” nữa nhỉ. Người ta thường gọi lão huynh đây là Quái-đầu-đà. “Quái” thì phải ở với “Cuồng” thôi, có phải? Giản dị thế thôi!

- Gọi cừu bằng tên của Đấng ấy là điều khiếm nhã, nếu không muốn nói là xúc phạm đến ngài. Tại sao lão huynh không dùng một cái tên khác?

Triết Hựu thấy mình cũng thích dùng chữ “lão huynh”, “lão đệ”, và dùng lúc nào không hay.

- Tại lão đệ chết nơi danh từ, chữ nghĩa. Còn lão huynh là kẻ đã vượt qua, đã bỏ chúng mà đi. Tại lão đệ còn dính kẹt nơi hình danh và sắc tướng, còn ta là kẻ đã ở ngoại mọi chân trời! Thôi. Mà khoan đã. Chuyện ấy để sau. Lão đệ hãy ăn đi, ăn một bụng cho thiệt no. Cái rồi còn đi tắm nữa. Lão đệ có ngán tắm không? Tắm cho nó sạch sẽ mát mẻ. Mà tắm cũng là tự “tướt mình ra khỏi mối tình đất” hoặc là để cho lỗ chân lông tiếp nhận nguyên khí của trời đất. Tắm không? Bên kia có một con suối. Ồ! Thần tiên làm sao. Ngọt lịm. Ngọt không chịu nổi. Mà trong cũng không chịu nổi. Ồ. Đẹp cũng khiếp đảm. Cứ tưởng tượng là những khi trí óc loạn xà ngầu không chịu ở yên, cứ hỏi và đáp, cứ Thượng đế và nhất thể, cứ tiểu ngã và đại ngã, cứ tinh thần và thân xác, cứ địa ngục và thiên đường, cứ… ỏm tỏi như vậy thì ô-lô-hô... ùm! Đấy! Chúng sẽ đi đời nhà ma!

Lòng của Triết Hựu cũng cảm thấy như mở hội:

- Rồi sau đó, lão huynh còn gỡ giúp cái kẹt cho tiểu đệ với nhé!

- Ồ. Gỡ ngay. Gỡ cứ nhắc nụi chứ lị? Tắm không? Đi tắm một “phát”. Lão huynh cũng có một người em, suýt soát như lão đệ vậy, cuộc đời tầm đạo của y cũng ly kỳ gay cấn thiên địa trăng sao không chịu được. Ồ thiệt là “hậu sinh khả úy” làm sao! Tìm đạo? Ồ! Cứ như là ngao du trong viễn mộng lãng đãng khói sương vậy thôi. Rồi ta sẽ kể cho nghe. Hay lắm. Hay khiếp đảm!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]