Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Cạm Bẫy Tinh Thần

31/10/201205:20(Xem: 6288)
09. Cạm Bẫy Tinh Thần
HÀNH HƯƠNG TÂM LINH
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

CẠM BẪY TINH THẦN

Triết Hựu đứng bất động trước sân ngôi đại tự. Đôi chân nhức mỏi, chàng đứng như vậy cho đến lúc hết nhức mỏi. Trong cơn nóng như đổ lửa, mồ hôi chảy ra như tắm; chàng đứng như vậy cho đến lúc khô ráo mồ hôi. Đôi mắt chàng nhìn thấy những ảnh tượng quay cuồng, chàng trừng trừng nhìn mãi cho đến lúc ảnh tượng hết quay cuồng.

Cơn nhức buốt nội tâm đến một lúc nào đó cũng vọng bặt, chỉ còn tượng đá, chân không và chàng!

Sự chìm đắm không thể cưỡng lại của một đêm ngủ hoang trong căn nhà lạ với thiếu phụ đang xuân là dấu hiệu sa đọa tột cùng, không thể nào tha thứ được. Con sư tử trong chàng sau đó mới thức dậy, đã lên án chàng mãnh liệt: “Xin đừng, xin đừng”. Xin đừng làm chi nữa, muộn lắm rồi. Bùn đen đã ngập sâu phía bên này khối óc; còn một nửa bên kia đang còn tỉnh thức đây; tỉnh thức để miệt thị, khinh bỉ. Và rồi để tê tái đến tận cùng da thịt. Còn đâu niềm tự hào và hãnh diện đầu đời? Còn đâu sự trong sáng của những thiên thần cánh trắng; đã biết bao lần tung bay trên cõi trời tinh thần cao đại, xanh mây và hoằng viễn? Ôi! Thiên thần đã gãy cánh, hay đôi cánh đã gởi lại trên kia, đành đoạn cho thân xác rơi tuột vào lòng hố thẳm để cùng vọng âm với vô thức tăm tối ngàn đời?

… Hình như đã lâu xa lắm rồi, buổi sáng thức dậy kinh hoàng, … rằng thế là hết, rằng thế là đã đánh mất thiên đàng, rằng thế là đã ăn trái cấm. Và thế là Thượng đế trong chàng đã xua đuổi chàng xuống trần gian để tạo tác, để lao lực, để khổ, để vui…!

- Tôi cân lường được giá trị hữu tính và hư vô của một đêm vui thú với nàng. Tôi sẽ không chạy trốn trách nhiệm - chàng nhấn mạnh, trịnh trọng và chân thành - Bởi vậy, nàng hãy cho tôi biết nguyện vọng thiết tha nhất của đời nàng, dĩ nhiên là trong khả năng mà tôi có thể đáp trả. Nàng hỡi, là nam nhi đại trượng phu, tôi sòng phẳng và minh bạch về nhân quả. Tôi đang sẵn sàng, hãy nói đi, nàng hỡi!

Thiếu phụ lại đến bên chàng, nhỏ nhẹ, âu yếm, hơi thở thơm như mùi hoa lan. Chàng rùng mình, tất cả đều như mới. Như mới. Khuôn mặt kiều mị, diễm lệ, sạch như một tấm gương, rạng rỡ như đã qua đi ngày tháng đông dài. Đang xuân. Chàng lại rùng mình, lách ra xa người thiếu phụ.

- Xin nàng hãy ban cho tôi một đặc ân: một khoảng cách để tôi có đủ sự khôn ngoan, tỉnh trí, sáng suốt. Thú thật, bên nàng, sự ngạo nghễ của lý trí phải đầu hàng, sự kiêu hãnh của trí năng phải khuất phục. Nàng đừng so kiếm với một chiến sĩ đã ngã ngựa. Hãy thương hại tôi, nàng hỡi…!

Triết Hựu van lơn. Ôi, yếu đuối quá. Sỉ nhục quá. Canh bài này chàng đã thua đến láng tẩy. Đã trắng túi. Một cuộc đời đã rụng. Ôi sao mai! Ôi bình minh! Ôi sương sớm!

- Chàng sợ? - lại cười, nụ cười chết người - Thiếp cũng sợ. Thiếp phạm tội với Thượng đế là đã trở ngăn chàng giữa đường, làm chiếc lồng son để nhốt con chim xanh. Kia là bầu trời, kia là thượng giới… Chàng hãy bay!

Triết Hựu đưa mắt nhìn với vẻ biết ơn, đầy cảm kích.

- Nhưng chàng ơi! - Thiếu phụ lại tiếp - Cả trần gian này có sự lỡ lầm nào mà không làm cho ta khôn lớn và trưởng thành? Sự ban ân nào mà không nhằm vị ngã? Niềm vui nào mà không có nước mắt? Chàng là một thanh niên ưu tú, trí thức há không chiêm nghiệm rằng, nhờ tối mới biết sáng? Nhờ tử sinh mới có niết-bàn? Nhờ nếm lạc thú ái ân mới biết được sự thanh cao của người thoát tục? Ôi, “nếu chẳng có địa ngục thì thiên đàng buồn tẻ biết bao nhiêu?” Thiếp cảm ơn chàng đã cho thiếp một đêm xuân trọn vẹn. Chàng thấy đó, chàng đã không mất mát gì mà còn được lợi. Cho đi ít, nhận về nhiều; chàng còn than thở, hối hận cái nỗi gì?

Ta không mất mát gì ư? Có thật thế không? Một sự đổi chác mà cả hai bên đều là kẻ có lợi? Nàng được sưởi ấm giấc xuân, còn tôi, nhận biết thêm cái cuồng dục cảm giác làm nền tảng cho mọi cuộc sinh tồn? Triết Hựu thấy mình không thể trả lời cho ổn thỏa về điểm này. Nhưng chắc chắn là phía thân xác đang gật đầu đồng ý mà bên tinh thần thì đang khẳng khái và cường liệt phủ nhận. Cả đúng sai lưỡng nghịch đồng hiện hữu trong chàng. Chúng làm một cuộc chiến tranh. Và tôi là một bãi sa trường. Ai sống, ai chết không biết, nhưng tôi khổ đau. Điều này là thực nhất. Nàng lợi hay tôi lợi, cái đó không biết; nhưng nàng đang rạng rỡ, đã thỏa mãn. Điều này cũng thực nhất.

Triết Hựu trình bày điều đó cho thiếu phụ nghe. Nàng ôm chàng thân yêu rồi cười ròn rã:

- Ôi, sự ngây thơ của lý trí! Chàng vì hiểu quá cao nên thành ấu trỉ, thiếp nhờ hiểu thấp cho nên đã nói đúng với sự thật đời thường. Có phải chàng nhờ nếm trải được lạc thú ái ân nên mới biết thế nào là sinh tồn và địa ngục. Cả sự huyễn hóa của mộng nữa. Vậy có phải là nhờ đau khổ - ví dụ vậy - mà chàng sẽ thành tựu được hạnh phúc to lớn sau này sao? Còn thiếp có phải vì hạnh phúc một chút - hạnh phúc phù du - mà sau này phải vò võ năm canh để nhớ, để thương, để hờn, để tủi? Đây là chưa kể phải kiêng, phải cữ để bảo dưỡng thai nhi chín tháng mười ngày, nếu lỡ…!

Ừ! Quả thật như vậy thì sao? Ta đau khổ đồng thời ta cũng hiểu rõ sức mạnh của bản năng. Còn nàng? Phải. Nàng đã thiệt thòi quá nhiều, đau khổ quá dài ngày.

- Đã biết vậy sao nàng còn bày ra chi chuyện…?

- Vì nghiệp chướng - thiếu phụ bình thản trả lời - Vì không sợ quả cho nên cứ thích gieo nhân. Thiếp có đủ can đảm để chấp nhận hậu quả. Ồ, Giản dị quá!

- Đừng lý luận “địa ngục” với tôi - chàng tức giận nói - Ôi thuyền quyên! Ôi thục nữ! Nàng đừng làm cho tôi nhìn cuộc đời bằng đôi mắt ghê tởm…

Thiếu phụ khẽ thở dài:

- Thôi, chàng hãy ra đi đi, đừng nói đến bổn phận và trách nhiệm nữa. Bổn phận và trách nhiệm hãy để cho những người ở trong cuộc đời... May ra...

Thiếu phụ bỏ lửng câu nói. Dù chàng đã gặn hỏi mấy lượt, thiếu phụ vẫn không trả lời. Nàng chỉ cười, yên vui, bình tịnh, trong sáng! Cuộc tiễn đưa rồi cũng xảy ra giữa ba người. Một chén rượu say… để nhớ. Lại cười! Triết Hựu thảng thốt nhận chân rằng, không còn dấu vết gì ở nơi thiếu phụ cả. Dấu vết là ở nơi chàng thôi, chàng mang theo bên mình không rời phút giây ấy, hình ảnh ấy, nụ cười ấy, hơi thở ấy. Tất cả. Tất cả. Kể cả ám ảnh tội lỗi nữa. Chàng không đi mà chàng chạy. Cánh tay lụa trắng vẫy vẫy sau hàng dậu xanh. Ôi, một đêm bằng cả cuộc đời. Chàng học được nhiều quá. Nhưng còn điều gì thiếu phụ chưa nói hết? Sao lại là... trong cuộc đời? Và may ra là gì? Chàng sẽ bằng lòng ở trong cuộc đời với những tầm thường và vô vị ấy ư? Chàng sẽ thỏa hiệp với đời sống mà nếu lặp đi lặp lại mãi sẽ đọa làm thú vật? Dĩ nhiên, là một con người với ánh sáng trong tâm, chàng đã cương quyết lễ độ chối từ. Và ra đi. Khi ra đi chàng cũng đã không dám hứa hẹn điều gì nhưng nguyện thầm với lòng là bao giờ tìm ra con đường, chàng sẽ nghĩ đến hai nàng.

Những nơi đã đi qua, những thánh tích, những hang động, những rừng già - không hề thấy bóng dáng các bậc chân sư. Cuộc đời chỉ có hai hạng người: Danh và lợi. “Người xin lửa”, đấng Guru của chàng cũng đã du hành về phương trời nào mất hút. Cuối cùng chỉ còn lại một mình chàng, giữa cuộc đời, lộ trình vô định và vô vọng trước mặt cùng với Thượng đế trên cao.

May mắn thay, ý chí chàng vẫn còn tồn tại. Nhờ ý chí kiêu hùng và kiên định này chàng sẽ nhảy qua được hố thẳm của kiếp người.

Một ngày kia chàng đến một ngôi đại tự, nhìn nụ Cười bình an, che chở và bao dung của đức Phật, chàng nẩy ra ý định xuất gia. Vết nhơ tâm hồn và thể xác may ra nhờ đời sống thanh cao phạm hạnh sẽ tẩy sạch đi chăng? Đấng Guru của chàng không xuất thân là sa-môn Thích tử đó sao? … Với ý định như vậy, bây giờ chàng đứng đây, chàng xin nhập viện. Chàng hy vọng lập lại cuộc đời trong sạch và thánh thiện.

Một ngày lên. Mặt trời đỏ hừng hực từ phương đông, thiêu đốt chàng khi lên hướng chánh nam và làm chàng như bốc lửa trên quỹ đạo về phương tây. Đêm xuống, cơn lạnh tràn vào thấm dần từng lớp da thịt bên ngoài rồi len lỏi vào xương tủy. Chừng nửa khuya thì bên ngoài bên trong là một: một khối băng duy nhất. Tuy thế, vị sư già không cho chàng nhập viện.

Từ lâu xa rồi, những du tăng muốn xin nhập chúng, họ ngồi khom lưng với khăn gói tay nải suốt ngày này qua ngày khác ngoài huyền quan, mặc dầu bị cự tuyệt, nhưng những vị sư hành cước ấy vẫn ngồi mãi trong tư thế “đình cật” (Ngồi cúi gập đầu xuống) như vậy; với cái kiên cố bất động như vậy, không ăn, không uống, không nắng, không mưa, không ngày, không đêm, không nóng, không lạnh… Có một lúc nào đó họ thắng được vị chủ trì, giám viện chăng?

- Người tuổi trẻ còn đợi đến bao giờ?

Vị tri khách ái ngại hỏi.

- Cho đến bao giờ ngài phương trượng đổi ý.

- Nếu ngài không đổi ý?

- Thì đệ tử còn đứng nữa.

Vị tri khách gật gật đầu:

- Hy vọng cái hữu hạn của ý chí người thắng được cái cương quyết vô hạn của đức phương trượng.

Tiếng chuông công phu sáng đổ hồi. Tiếng kinh vẳng vào tai chàng tưởng như kéo dài đến vô tận. Từng vùng sáng từ các cửa sổ nhảy túa ra tràn lan trên bực thềm.

Cửa chánh điện được mở ra trong màu sắc huy hoàng: Đại sư phương trượng khoan thai từng bước một đi ra, dáng dấp to lớn của ngài chiếm một khoảng lớn trong mắt chàng. Đến sân, đại sư đưa mắt nhìn ra bóng đêm: người tuổi trẻ vẫn còn đứng bất động ở đấy.

Đại sư lạnh lùng hỏi:

- “Ngài” có lạnh không?

- Đệ tử chiến thắng được cái lạnh.

- Đói?

- Đệ tử coi thường.

- Mệt mỏi?

- Chúng chỉ là pháp sanh diệt.

- Một nhân cách phi thường. Tốt lắm.

Nói xong, đại sư phương trượng quay lưng đi thẳng sau khi ra dấu đóng cửa chánh điện lại. Bóng ngài khuất hút trên hành lang dẫn về hậu điện. Và Triết Hựu còn lại một mình. Rồi một ngày mới lại lên. Mặt trời lại bắt đầu thiêu đốt. Đến trưa, chàng cơ hồ không còn nước để bốc hơi nữa. Đã khô kiệt.

Một chú tiểu chạy ra mang theo một đĩa cơm. Triết Hựu liếc mắt nhìn rồi nghe bụng đói cồn cào. Đã ba ngày ba đêm rồi chàng chưa ăn gì cả, lại không có một giọt nước. Chắc là đại sư phương trượng sai người đem đến cho ta chăng? Ngài cho ta ăn, thế nghĩa là ngài đã đổi ý? Ý chí ta đã chiến thắng được ngài? Chợt dưng chàng nghe hân hoan vô cùng. Ta sẽ được nhập chúng. Ta sẽ được ngày ngày y bát trang nghiêm đi theo vết chân của đấng Guru ta, làm một sa-môn khổ hạnh cao thượng, đồng thời lại được sống dưới bóng dáng đại bi, bao dung của đức Phật. Và ta sẽ dần dần soi thủng được bóng tối nội tâm kinh khiếp.

- Ngộ Không! Ngộ Không!

Chú tiểu đã đến bên chàng với đĩa cơm trên tay. Chàng vừa định mở miệng hỏi thì một con chó đen lù lù từ lùm cây chạy ra - sủa ăng ẳng rồi quấn quít bên chân chú tiểu.

- Ngộ Không là không cả tiếng kêu nữa nghe mày?

Chú tiểu một tay để đĩa cơm xuống đất, một tay cầm chiếc roi nhỏ đưa lên cao. Con chó đen vẫy đuôi nhưng thấy bóng dáng chiếc roi lại dợm chân thối lui, vừa vẫy vẫy vừa kêu ăng ẳng.

- Ngộ Không là không vẫy đuôi, không kêu, không chạy tới, không chạy lui, không roi, không gậy, không cơm, không đói, không ăn. Không cái gì hết nghe mày. “Ngay chữ không cũng không luôn”.

Chú tiểu chăm chăm nhìn vào mặt chó, nhịp nhịp roi dặn dò. Chó nằm phục xuống, bò từng bước ngắn.

- Cả không nằm, không bò, không lết, nghe không? Đồ chó! Mày chẳng Ngộ Không gì ráo trọi.

Chó nằm im. Thè lưỡi ngước mắt nhìn chú tiểu. Thở. Yên lặng.

- Ờ, được đó. Coi được đó. Mày đã nhận được “tâm ấn” của tao rồi. Ngay khi mày “ngộ không tất cả” là mày sẽ có “được tất cả”. Đây, cơm đây, canh đây, ăn đi nào!

Triết Hựu quay mặt đi và nuốt nước bọt, nhưng chàng chỉ nuốt được hơi và cái gì chát đắng như muối làm ran rát cả cổ họng. Họ muốn làm cụn nhụt ý chí của ta đây. Nhưng ta sẽ thắng, chàng tự nhủ. Đồng thời con sư tử bên trong chàng lại rống lên: “Hãy kiên cường. Hãy cứng. Hãy mạnh.”

Và chàng lại nhìn bất động về phía trước.

Ngộ Không ăn xong, chú tiểu liếc nhìn Triết Hựu nở nụ cười dí dỏm rồi chạy khuất vào bên trong.

Loáng thoáng bên tai chàng, hai vị sư nói chuyện với nhau:

- Y không đói chăng?

- Chắc không.

- Y có khát không?

- Chắc không.

- Đố đại huynh, cái gì giống hình người mà không đói, không khát?

- Dễ ợt - cái tượng đá.

- Sai rồi, sai rồi. - Giọng cười ha hả rồi hinh hích đầy đắc ý - Cái vị du hành giả kia!

Không sao. Chàng nghĩ. Làm một tượng đá bất động giữa trời cao cũng ngạo nghễ lắm chớ. “Trong tiếng nói vô ngôn của tượng đá chứa đựng tám muôn bốn nghìn tòa sư tử, và nơi này là cõi tráng lệ, tịch mặc của đạo ca, của huyền tính” Triết Hựu mỉm cười thầm lặng. Các người biết gì về cái tượng đá đó không? Mây chiều nắng sớm ru ta ngủ. Ngàn năm trước, ngàn năm sau ta chưa một lần chợp mắt nhìn cuộc thiên diễn bể dâu, hoa tàn, nguyệt khuyết, thu úa, lệ dòng...

“Bên ni bờ đá đứng, lệ dòng trôi,

Cánh bèo non héo hắt đường ra khơi…”

Cái tĩnh là mẹ, là người tình mẫu của muôn vật.

Đá bơ ngơ ủ mộng đứng bên lề, Cầu cũ nhớ một lần qua vĩnh biệt."

(”Tảo mộ lênh đênh” thơ của Trần Đới.)

Nguy nga ở đó, hoằng viễn ở đó. Nhưng trong cõi mê mung này, ai một lần thâm ngộ rằng “mình đã là tượng đá tự bao giờ?” - Từ chữ "tượng" của kinh dịch, từ chữ "atman" của Vệ-đà, từ chữ "dhamma" của Gotama – cõi linh thiêng của mỗi người - từ tượng xuất, tượng sinh, từ tượng hữu! “Hốt hề hoảng hề kỳ trung hữu tượng” (Lão Tử Đạo Đức Kinh.). Trong không có tượng. Vì thế nên Lão Tử cỡi ngược con trâu xanh về rừng. Về rừng là không muôn làm một đám bèo trôi trên sông, không làm một “anh hùng rơm” với thời cuộc, vỗ tay hát ca với phường ma say chén tục…

“Vô bồn ca những chuyện vong tình,

Tương ngộ hỡi, anh hùng tứ chiếng,

Kiếm so tài đoạn tóc mỹ nhân.”

Chàng đã không đoạn được, bây giờ phải đoạn. Trò chơi đó không thể lặp lại nhiều lần. Thời gian qua, tử vong đến, ai thương cho ta tuổi già, tóc bạc? Ôi cái tượng đá thân yêu. Chàng gọi thầm. “Gõ tượng trời vô ngã ca hoang”, chàng lại cười.

Đã mấy lần đầu gối chàng sắp khuỵu xuống, nhưng nhờ nụ cười thầm lặng ấy nó tạo thành một nội lực sung mãn, nó tạo nên ý chí bất khuất nhấc bổng thân xác chàng lên. Ta phải là “con-người-tinh-thần” với đầy đủ tất cả mọi đức tính cao quý và khiêm hư của nó. Chỉ có trang bị bằng cái tinh thần thiêng liêng ấy mới bay lên được với miền cao, mới hội diện được với chân phúc. Còn thân xác là cái nặng nề trì kéo ta ở lại. Đã một lần ở lại rồi. Đã một lần làm đạo sĩ yếu đuối trong câu chuyện Nữ vương khoái lạc. Dù chết, ta cũng không ở lại nữa. Cái chết ấy là cái chết quang vinh, chết cho chân lý, chết cho Thượng đế. Dù chết nhưng tinh thần ta vẫn đến được bên ngài nhờ khát vọng hướng thượng không nguôi đó. Ôi, ý chí của ta còn đây; còn tràn trề sinh lực, nó đang bò rần rật, đang hiện hữu khắp nơi: trong dòng máu, trong tủy, trong xương, cả ngoài làn da, cả trên đầu những sợi tóc. Ôi, ta còn đang giàu có quá!

- Phúc thay cho kẻ nghèo. Chỉ có kẻ nghèo mới vào được nước đức Chúa trời.

Câu kinh của Tân ước, đâu từ trên cao chợt rơi xuống như một gáo nước lạnh dội tắt ý chí chàng. Phải nghèo toàn triệt mới về được với nhất thể. Ta còn giàu ý chí quá. Giàu toàn triệt chính là rỗng không nội tâm. Ý chí chính là khát vọng thành tựu. Nó là tham dục và tử vong. Nó tạo ra biến động và chiến tranh đẫm máu thế gian. Ý chí luôn luôn chống đối, xung đột cái hiện thể để hắt cái bóng tối tham dục của nó đến các đối tượng chiếm hữu, ở tha thể.

Nó đóng kín cục bộ các chân lý đối tượng, chân lý ước lệ, chân lý giả định. Ý chí đánh mất tự quy. Là đại ngã mà vong ngã. Ý chí phản bội hiện tính, ôm chữ “da” trong Dasein của Đức triết, ôm vật mà quên tâm, ôm phương mà quên viên trong Trung triết, chạy theo sự sa đọa vật dục của nhị nguyên luận tây phương.

Còn gì nữa không, ý chí? Ngươi đã làm cho con trâu đen rừng rú bản năng thú vật nguyên thủy trong “thập mục ngưu đồ” phải tối tăm, xấu xí. Trên bến cội quê nguồn, có biết rằng “trâu người cùng quên”?

“Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không

Bích thiên liêu quách tín nan thông

Hồng lô diệm thượng tranh dung tuyệt

Đáo thử phương năng hiệp tổ tông.”

(Thập mục ngưu đồ – Tuệ Sỹ dịch :

Người trâu roi vọt đều không

Trời xanh vời vợi mù trông chốc mòng

Tuyết khoe trắng giữa than hồng

Cội nguồn quê quán tao phùng một phen.).

"Tạn thuộc không" chính là rỗng không, tánh không. Có “tận thuộc không” mới thấy được “trời xanh vời vợi”, mới “tuyết khoe trắng giữa than hồng”, mới “hiệp tổ tông”, mới về được “cội nguồn quê quán”, với nhất thể, bên chân Thượng đế.

Ngộ Không! Tên con chó đen rừng rú nguyên thủy đó nó đã thấy được tên gọi của nó chưa? “Chính danh vô danh tướng” đó chưa? Cái “bản lai diện mục” đó chưa? Ngộ được rồi, ngộ không rồi là có được tất cả. Được ăn, nghĩa là được nhập chúng.

Nghĩ đến đây chàng như một thân chuối đổ, ngã xuống đất. Rồi mê man. Ý chí chàng không kiệt quệ, nhưng đã bị tánh không đánh một đòn cuối cùng, kiệt quệ. Ý chí chàng đã bị cái “chiêu vô chiêu” vô hình, vô ảnh của tánh không vỗ một đòn chí tử và không còn dậy được nữa. Con sư tử bên trong chàng cũng im thin thít luôn.

“Ngay giây phút ấy, thể xác lẫn tinh thần đều vắng bóng nhưng không phải là hoại diệt, là hư vô.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567