Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Sự ràng buộc của sợi cỏ xanh

31/10/201205:20(Xem: 6796)
03. Sự ràng buộc của sợi cỏ xanh
HÀNH HƯƠNG TÂM LINH
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

SỰ RÀNG BUỘC CỦA SỢI CỎ XANH

Nắng đã chênh chếch về hướng nam, bây giờ thì vị sa-môn đang đứng ở ngõ nhà Hựu. Chàng thu rút mình lại trong một góc sợ người thân bắt gặp. Chiếc cổng sắt hé mở và cha chàng bước ra với một gói vật thực trên tay. Cha chàng cung kính nghiêng mình xá vị sa-môn trước khi để bát.

Hựu như không còn tin ở mắt mình. Nơi bóng tối có ánh sáng, chàng nghĩ. Nhưng ở nơi ấy ánh sáng quá ít ỏi. Con người đã từng được thế nhân trọng vọng, tôn kính lại chẳng thể tha thứ một lỗi lầm “rất người” của vợ. Có lẽ là vì đời sống suy tưởng trong ông quá mạnh, nên ông đã quên đi hoặc què quặt khả năng sinh lý - để đến nỗi không đáp ứng được sự thèm muốn của người đàn bà? Sao cha chàng, với khả năng kiến thức của một người thông thái lại không đánh giá được đời sống bản năng và nhục dục ở nơi người nữ – bản chất là một động vật đang phôi thai về lý trí? Điều mà kẻ ít kiến thức cũng hiểu rằng đàn bà là thú vật, trẻ con, hy sinh, ích kỷ, vừa phản trắc vừa chung tình – lại không được cha chàng hiểu đến? Đàn bà là đóa hoa thơm mát dịu dàng nhưng cũng là chiếc gai độc rướm máu… lẽ nào ông không hiểu? Hay ông chỉ là kẻ thâu thập kiến thức để đổi chác lợi lộc và danh vọng, hoặc làm một món điểm trang thời thượng? Đời sống vốn đã được rào che chung quanh bởi những lớp hào quang giả dối, nay bị bóng tối bức phá - bóng tối điếm nhục của mẹ chàng - làm sao ông không cuồng điên lên, lồng lộn lên, hoặc hiện mặt trần truồng là một con thú tàn bạo mà bấy lâu được giấu kín sau lớp vỏ trí thức và minh triết? Hựu đã nhìn thấy cha chàng. Đôi kính trắng trinh nguyên thuở đầu đời bị nhuộm màu từ lúc chàng thấy rõ bộ mặt thực gớm ghiếc sau những lớp ngụy trang. Tình yêu của thế nhân dù cao thượng cách mấy cũng là những hình thức trá hình của dục vọng và bản ngã. Trong tình chồng vợ thì là sự chiếm hữu và cưỡng đoạt nhau. Cả hai đàng đều là kẻ thủ lợi. Nếu không thế thì tình yêu thương ban đầu sớm biến thành nghĩa vụ, rồi cả hai phải mang vác cả trăm năm. Đấy có nên gọi là giá trị của vạn cuộc đời?

Bóng vị sa-môn đã khuất sau một góc phố mà Hựu còn đứng chôn chân một chỗ để tư duy. Chàng nản quá. Chàng chẳng biết rồi mình sẽ thế nào? Đời mình sẽ trôi dạt về đâu? Đi đâu? Nương gá đâu? Cuộc đời đầy hôi tanh và hạ liệt kia chẳng thể thỏa hiệp được rồi. Trong cuộc đời thì không thể mà ngoài cuộc đời thì chỉ có hư vô. Vị sa-môn là nơi nương tựa cuối cùng thì chàng cũng đã bị xua đuổi. Còn cơ hội nào nữa ở nơi Đấng ấy để chàng khai thông cho nỗi bế tắc khôn nguôi này? Chỉ có ngài. Phải, chỉ có thứ tiếng nói ấy, nhân cách ấy, ánh sáng ấy mới đưa chàng đến được cõi trời sao mai và chân phúc.

Phải lên đường. Phải ra đi. Phải thoát ly. Xin lễ độ từ giã gia đình, “tổ ấm”, niềm chắt chiu đầu đời của mẹ và sự khổ đau của cha cùng sự dưỡng nuôi khôn lớn, thành người. Nếu chẳng có mặt trên cuộc đời này lại quý hơn. Nếu chẳng có sự hiểu biết và ý thức thì lại càng quý hơn nữa! Các ngài cho con thân xác và tư tưởng để làm gì? Có gì khác hơn là bệnh hoạn và khổ nhục?

- A! Anh đây rồi. Lạy Thượng đế. Mong rằng chẳng phải anh vĩnh biệt gia đình để làm một sa-môn không cửa không nhà.

Một người con gái chạy tới và ôm siết cánh tay chàng trong tiếng khóc nức nở. Hựu nhìn Triết Nguyệt, em gái chàng, mà lòng chùn lại. Cái nhìn chợt như mềm ra và như rỏ từng giọt dài theo mái tóc của em.

- Về đi anh! Anh đi thì cha mẹ buồn đến bao nhiêu. Tuổi già của người, niềm cô đơn của người, sự hối hận của người, anh ơi!

Hựu đưa mắt âu yếm nhìn em rồi lấy khăn lau những giọt nước mắt. Đôi mắt của Triết Nguyệt vừa to vừa sáng vừa xanh - ở nơi ấy - Hựu thấy phản chiếu màu hồng của tuổi trẻ, mùa xuân, bướm hoa và những dòng sông bình lặng. Chàng không thể nói gì, chỉ im lặng nhìn em với một tình yêu mông mênh, vô danh. Sự quằn quại bao ngày bao đêm chợt rã tan tăm bóng, chỉ còn đọng lại, nếu được gọi thế - trong tâm hồn: một giọt nước xanh. Bất giác Hựu nắm tay em và bước đi với từng bước nhỏ.

Hựu hy vọng nói với em một vài điều, có thể là sự chia sẻ, có thể là sự phân trần, biện minh. Nhưng có một điều chẳng biết là chàng có nên thú nhận với em không, nói thẳng với em không, là, vòng tay của em chàng quá yếu ớt, quá mỏng manh, chỉ như là một sợi tơ trời hay như là một ngọn cỏ xanh mọc trên tâm hồn hoang phế chàng. Một sợi cỏ xanh đơn độc, đìu hiu có đủ để làm một thảo nguyên trù mật, một đồi xuân diễm lệ không? Cái vòng tay ấy và giọt nước mắt ấy làm sao có đủ sức để níu kéo chàng ở lại với cuộc đời này - cái cuộc đời không nên còn để dính lại dù một gót chân. Sự cay nghiệt của hoàn cảnh và nỗi thao thức khôn nguôi về chân phúc đã đẩy chàng đi quá xa. Xa cho đến nỗi tất cả tình cảm thân quyến chỉ còn là một bóng mờ ở sau chân trời tư duy đầy bụi khói. Hựu quên bẵng quá lâu rồi, rằng chàng còn có một người em khác cha, một người em gái rất mực thương yêu chàng. Một người em gái hầu như không biết băn khoăn là gì, niềm tê tái tuyệt đối ra sao. Ở nơi nàng chỉ có sự sống hồn nhiên và sự tin yêu. Ở nàng toát ra mùa xuân, tuổi trẻ, con chim nhỏ với đôi cánh bay và đôi chân hồng cùng chiếc mỏ xinh xắn hát ca bài ca diễm phúc cuộc đời. Hựu biết nói gì với thực tại ấy? Thực tại cách biệt nhiêu khê với thực tại chàng. Có nên tung rải bóng tối của tư duy ta lên vầng trán mịn màng bình yên thanh thản? Phân trần cũng là hình thức của chia xẻ, là một nỗ lực tác động tạo sự hòa điệu, cảm thông, mở hé cánh cửa tâm hồn để cho cơn gió vô cực giao thoa từ hai miền câm nín. Mỗi hiện hữu thường cô lập mình lại, tự vây nhốt êm ái trong một bản ngã vị kỷ, nhỏ nhen - thì làm sao rung động nhịp nhàng được với ngoại giới? Chàng muốn khác đi, nhưng hai tầng số vốn khác nhau thì coi chừng sự lạc điệu. Đôi khi chàng nên nói chuyện với hư không còn hơn nói với em chàng. Hoặc là chàng sẽ nói khác đi, bắt một tầng số khác? Nói về sự tuyệt vời của đời sống? Nói về giá trị ngàn đời trên những sinh hoạt hỗn mang vô căn vô cội này? Chúng cũng có một cái gì như là vĩnh cửu làm nền tảng cho mọi sinh thành và hủy diệt đấy mà! Cái gọi là sinh khí của sự sống, cái mầu nhiệm của sự sống vẫn tỏa ra từ những xác chết, những cống rãnh, những dục vọng, những cái đẹp úa tàn, những nỗ lực phù phiếm... đã được chàng mơ hồ nhìn thấy, ngửi được ở công viên dạo này. Do vậy, sự tìm kiếm của anh, sự ra đi, cuộc dấn thân vô đích - nếu được gọi là thế - cũng là dấu hiệu quá yêu thương đời sống này đó thôi! Yêu thương đến quằn quại xót xa. Yêu thương đến độ ghét bỏ. Hựu nói điều ấy với Triết Nguyệt, hy vọng nàng sẽ sống an phận với những gì đang có, với cuộc đời tuổi trẻ hồn nhiên của mình. Trong cái đầu óc nho nhỏ xinh xinh ấy, không phải nhét cho thật đầy kiến thức - mà hãy làm cho nó rỗng đi - có rỗng đi mới dung chứa hài hòa muôn vạn nghịch lý của cuộc đời.

- Em không biết rõ lắm nhưng bất hạnh của anh, của gia đình - Triết Nguyệt nói - Em không cân lường được cái mức trầm trọng của vấn đề ra sao. Nhưng em chẳng muốn có sự bất hòa hoặc rạn nứt nào. Em sợ sự bủa vây của nghịch cảnh. Em ao ước mọi người trong đó có cha mẹ, anh em nên quây quần đoàn viên dưới chân Thượng đế. Anh hãy cho em niềm tin ấy Triết Hựu ạ!

Hựu nắm bàn tay xinh xắn của em, mỉm cười:

- Em là vị tiên nhân từ của anh, vậy là quá đủ.

Em là vì sao thánh thiện cho anh, vậy là quá đủ!

“Nhưng đồng thời em cũng chính là quyến niệm, là buộc ràng, là sinh tử…” Hựu không dám nói thêm như vậy. Làm thế nào để Triết Nguyệt hiểu được sự băn khoăn siêu hình từ một định mệnh đầu đời? Sự rạn nứt của gia đình chỉ là một nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất quyết định. Nó là giọt nước cuối cùng để cho bát nước tràn. Trên tất cả nó chính là “cái gì”.

Cái gì nó tạo nên đời sống, mọi sinh hoạt? Cái gì làm cho người mẹ thương con, người cha làm việc để nuôi gia đình? Cái gì làm cho con bò kéo dốc, chiếc thuyền căng buồm ra giữa bể khơi? Cái gì làm cho dòng sông chảy và cuốn trôi lá vàng, lá xanh, phù sa cùng những xác chết người và sinh vật. Cái gì làm cho những đạo sĩ lên non và những vị vua chễm chệ trên ngai vàng; những cung nữ, cô gái trang sức diễm lệ, hát ca và nhảu múa? Cái gì làm cho mũi tên xuyên qua mình một con chim đang đậu nhởn nhơ trên cành? Cái gì làm cho con trâu lê mình trên luống cày dưới sức lửa thiêu đốt của mặt trời? Cái gì làm cho hàng ngàn súc vật bị giết để hy sinh trong những cuộc tế lễ lớn? Cái gì làm cho những vị cô nương thao thức trong phòng the để mộng mơ một chàng hoàng tử tài cao và anh tuấn? Cái gì làm cho người ta tuy ghét nhau mà vẫn mỉm cười tay bắt tay siết chặt? Cái gì làm cho con người mòn hơi kiệt sức để bôn ba săn tìm, chạy đuổi một đời? Cái gì làm cho con người khi mở mắt ra là tích lũy, chở mang của cải, địa vị, sự nghiệp, danh vọng, tiền tài? Cái gì làm cho con người tưởng là mình sẽ sống ngàn năm, sống vĩnh cửu?

Hựu cũng vậy, chàng cũng vậy chứ có khác chi? Cái ấy. Cái ấy! Hằng ngàn cái ấy thúc đẩy cuộc đời đi tìm “cái ấy”! Hựu cũng bị “cái ấy” săn đuổi, điên đảo chạy đi tìm “cái ấy”. Để bây giờ nhìn ở đâu chàng cũng băn khoăn siêu hình về “cái ấy”. “Cái ấy” ở trước mặt, sau lưng, ám khói cả vạn cuộc đời, vạn thời đại, kỷ nguyên. Hựu muốn ở ngoài “cái ấy” để nhìn ngắm, để khỏi bị nó cuốn lôi và điều động. Vì là ở ngoài nên không liên hệ gì với đời sống này, nên đang trú giữa hư vô, nên đang chới với giữa thinh không chẳng có một điểm tựa nào. Đã thế, thân xác quá nặng nề đang trì xuống và tinh thần đang đổ dồn mọi sinh lực cuối cùng để bay lên. Sự giằng co của chúng làm cho chàng bị rách nát tả tơi. Ánh sáng thì không nhìn thấy mà bóng tối thì đang bủa vây. Càng ngày càng bủa vây dày đặc. Một giọt sáng của em, trong bóng đen địa ngục đó - chẳng thể cho ta thấy cửa sổ cao của thiên đường.

Hựu nói với Triết Nguyệt:

- Anh sẽ bằng lòng kham nhẫn ở trong hoàn cảnh hữu hạn trói buộc cho đến bao giờ cảm thấy bất kham. Anh bằng lòng ở lại để chiến đấu trơ lì gan góc cho đến lúc nào hiểu rằng đấy chỉ là những nỗ lực vô ích, tuyệt vọng. Anh bằng lòng tạm thời thỏa hiệp với cuộc đời vô vị, hy sinh anh cho niềm vui của cha, mẹ và nhất là em, nếu gọi được thế. Nhưng tạm thời không phải là vĩnh viễn, rồi anh cũng phải lên đường, mệnh lệnh của chân lý bắt buộc như vậy, các giá trị cao vời hét to bên tai anh như vậy. Ngai vàng, đế vương, bảy báu, tình yêu thương thế gian hãy quẳng đi như đôi dép bỏ, tiếng gọi cao cả tối thắng của tự do còn vọng lại từ ngàn xưa như vậy. Em ơi, do vậy, anh chẳng thể hứa khác hơn, anh chẳng thể phản bội anh. Còn em thì chẳng nên bị đầu độc bởi suy tư, chẳng nên tra hỏi về Thượng đế mà nên sống bình nhiên với mọi ân sủng của ngài.

Triết Nguyệt mỉm cười:

- Anh quả là người chân thật và thẳng thắn. Phải vậy. Minh triết cũng dạy rằng, chân thật là cái cao quý của mọi cao quý. Trong nhân gian cũng có truyền tụng một dụ ngôn: có kẻ trí tuệ kia chỉ kết một chiếc bè nhỏ bằng mấy cọng-cỏ-chân-thật thế mà y đã vượt qua được biển lớn. Nhưng anh ơi, cuộc đời này chưa hẳn là phải bị bỏ đi. Có cái bỏ tất có cái không bỏ. Có màu trắng ắt phải có màu đen. Có tình thương do dục vọng thối tha thì cũng có tình thương do tâm từ vô lượng. Có mùa đông ắt có mùa xuân. Có ác đảng tất có thiện hữu!

Triết Hựu ngạc nhiên nhìn em.

Triết Nguyệt lẳng lặng nói tiếp li:

- Anh đi bằng đầu óc mà vào cuộc đời nên mọi cái nhìn của anh đều bị đảo ngược! Ôi! Sao sông mà không nhìn là sông? Ôi! Sao núi mà không nhìn là núi?

- Ai dạy cho em như vậy? Ai?

Triết Hựu vừa hỏi dồn dập vừa lắc mạnh vai em. Triết Nguyệt cười ròn rã:

- Anh sợ những ý nghĩ như vậy ư? Anh muốn khỏa lấp sự thực bằng lý luận hay bằng những khổ đau chủ quan? Chỉ có kẻ đi bằng đầu óc mà vào cuộc đời thì mới suy tư và tra hỏi. Suy tư và tra hỏi đồng nghĩa đảo ngược. Kẻ đi bằng hai chân thì nhìn mọi sự trong giá trị nguyên vị của nó. Nên y chỉ sống. Như Vọng Việt!

Vì tức giận quá nên Triết Hựu chỉ cười:

- Hay! Chỉ có Vọng Việt mới dạy cho em những điều kỳ diệu như vậy. Hay! Nhưng hãy coi chừng!

- Coi chừng sao ạ?

- Sự thông minh quá mức đã là điều nguy hiểm, mà nô lệ vào sự thông minh của kẻ khác lại là điều nguy hiểm hơn. Giá trị nguyên vị? Ôi, đây là chiếc bẫy sập êm ái, cái nhà ngục bằng vàng mà các nhà trí thức thường tình nguyện đi vào. Em ơi, kẻ vô văn phàm phu cũng nhìn cuộc đời trong giá trị nguyên vị, nguyên vị với tham, với sân, với hạ liệt, với nhiễm ô, với cái gì thật là thân xác. Chúng đã không suy tư và tra hỏi, chúng vẫn sống với những gì mà chúng “đang là”. Bậc giác ngộ cũng nhìn dòng sông là dòng sông mà kẻ phàm phu cũng nhìn dòng sông là dòng sông.

Đừng nhồi bóp trí, ngu làm một. Đây là sợi tóc ngăn chia địa ngục và thiên đường, tinh thần và thân xác, ánh sáng và bóng tối. Em ôi! Thật là nguy hiểm làm sao khi em đã nói những điều mà em không thật hiểu. Vọng Việt, y là cái gì? Y là một con-thú-trí-thức. Chỉ có con thú được ngụy trang trí-thức mới dã nhân và tàn bạo. Bóp nát một đọt lá xanh thì có khác gì hủy diệt một sự sống? Y đã không biết tôn kính và lễ độ đến một sự sống thì làm sao biết lễ độ, tôn kính hoặc yêu thương mọi loài. Trong Vọng Việt, cái vô-thức ấy, cái vô-thức-hủy-diệt, luôn luôn tìm cơ hội thò móng vuốt ra để chiếm hữu ngoại giới, bóp nát ngoại giới, nghĩa là tiêm nọc độc mọi sinh mệnh, nghĩa là cào cấu hiện tính, hiện thể. Sự hiện hữu của y chỉ tạo thêm hỗn loạn và xấu xa cho cuộc đời này mà thôi. Y là kẻ khai chiến với Thượng đế. Ta là kẻ tìm về ngài. Nếu khai chiến với Thượng đế một cách minh bạch và công khai, như sa tăng thì cũng nên đấng mày râu và khí phách lắm. Ở đây, y núp trong chéo áo của ngài, y lấy nhãn hiệu của ngài để ngụy trang. Y là tên phản bội. Y là tên tiểu nhân. Phải có đôi-mắt-rừng-rú, đôi-mắt-không-phải-mắt-người mới nhìn thấy được cái bên trong của Vọng Việt… Triết Hựu lại miên man nói về điều ấy, trong lúc Triết Nguyệt càng nghe càng chẳng hiểu gì.

- Y thường nói về chân thể, về Thượng đế, về ngài. Y cũng hiểu rằng đấng ấy sáng hóa muôn loài nhưng lại đứng ngoài cuộc tự sinh tự hóa. Ngài dung nhiếp mọi hỗn loạn, hỗn tạp, hỗn mang nhưng ngài bất động. Ngài là kẻ bất động nên ngài là kẻ “nhập lâm bất động thảo, nhập thủy bất lập ba” (Vào rừng không động cỏ, vào nước không dậy sóng). Vậy thì kẻ tìm về ngài, muốn được như là ngài thì phải đi qua cuộc đời không một lưu tích, lưu ảnh. Như mây trên trời, không lưu, không luyến. Như cơn gió ngàn không trụ, không vương. Muốn hoàn toàn được như ngài thì phải trang bị một nội tâm trống rỗng, đôi cánh nhẹ như mây và mỏng như sương. Nếu khác thế, nếu không là thế, nếu chôn cứng hai chân mình dưới đất, cột trói đời mình trong những danh vị, bạc tiền, áo cơm, thường tình nhi nữ - nghĩa là bằng đôi chân và thân xác mà vào cuộc đời thì ...

Triết Hựu chợt lắc đầu rồi thở ra một hơi dài ngao ngán:

- Cái bóng mát mà y cho cuộc đời không đủ để đền bù những dưỡng chất mà y tước đoạt, cưỡng nuốt từ lòng đất. Y sinh thực đồng loại. Y là loài thú bạo tàn, man dã. Y là cái hủy diệt.

Triết Nguyệt nghĩ thầm: Ôi, ông anh của ta đã có định kiến sâu nặng với Vọng Việt rồi...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]