VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
THÍCH NHẬT TỪ
Dịch và chú thích
GIỚI SA-DI NI, OAI NGHI, LUẬT NGHI VÀ
LỜI KHUYẾN TU CỦA TỔ QUY SƠN
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
Dịch phẩm “Giới Sa-di-ni, Oai nghi, Luật nghi và Lời khuyến tu của Tổ Quy Sơn” do Thượng tọa Nhật Từ dịch và chú thích là bản dịch mang tính học thuật, giúp cho các Sa-di-ni hiểu rõ hơn về những nguyên tắc đạo đức mà họ phải thọ trì, những oai nghi và điều luật mà mình cần phải thực hành. Đặc biệt là “Lời khuyến tu của Tổ Quy Sơn”được dịch bằng thể thơ song thất lục bát cùng phần giải thích rất cặn kẽ, rất cần thiết đối với hàng sơ cơ vừa mới bước chân vào đạo.
Trong nhiều chục năm qua, quý Tôn đức đại dịch giả như Trưởng lão Thích Hành Trụ, Trưởng lão Thích Trí Quang, Trưởng lão Thích Nhựt Chiếu đã dịch các bản văn này (thông thường gọi là “bốn cuốn Luật tiểu” dành cho các vị xuất gia trẻ mới bước vào nhà Phật) rất chuẩn mực, làm nền tảng cho các vị học và hành trì trong các sơn môn, tự viện.
Mỗi bản dịch có sắc thái và dấu ấn riêng. Chúng tôi vô cùng trân quý công trình dịch thuật của các bậc tiền hiền, đồng thời cũng ghi nhận sự đóng góp của các bản dịch mới. Các bản dịch mới này, ngoài việc làm mới lại các khái niệm bằng cách giải thích theo văn phong hiện đại, còn chú thêm từ gốc để làm cơ sở tra cứu. Thông qua đó, cho thấy sự quan tâm của dịch giả về Luật tạng Phật giáo đối với các Tăng Ni trẻ, cần phải hiểu đúng từng khái niệm Luật học để định hướng và bước đi không sai lệch trên con đường tu học lâu dài.
Tôi tán thán và trân trọng dịch phẩm này. Chúc các Sa-di-ni và các Ni sinh trẻ siêng năng học tập, nghiên cứu và ứng dụng hành trì giới luật trong việc tu học để tự thân mình luôn kiến tạo một đời sống Phạm hạnh gương mẫu và cao đẹp ngay từ buổi ban đầu.
Trân trọng!
Pháp viện Minh Đăng Quang, TP. Hồ Chí Minh
Mùa Phật đản PL. 2565 – DL. 2021
Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Hòa thượng Thích Giác Toàn
LỜI NÓI ĐẦU
Các Sa-di-ni thân mến,
Chọn “đi tu” làm Sa-di-ni (P. Sāmaṇeri, S. Śrāmaṇeri, 沙彌尼), sau đó, làm Thức-xoa (P. Sikkhamānā. S. Śikṣamānā, 式叉摩那),[1] Tỳ-kheo-ni (P. bhikkhuni, S. bhikṣuṇī, 比丘尼), các con đang đi theo lý tưởng cao cả và hạnh nguyện độ sinh của đức Phật, các bậc Bồ-tát, các Thánh tăng trong lịch sử hơn 2.600 năm của đạo Phật. Đó là diễm phúc lớn của các con và gia đình các con ở đời này.
Sa-di-ni có nghĩa đen là “Sa-môn tử” (沙門子), tức người đang tập hạnh làm Sa-môn (P. Sāmaṇa, 沙門). Các Sa-di-ni tuổi thiếu nhi được gọi là “cô tiểu” ở miền Nam, hay “cô điệu” ở miền Trung hoặc “sư bác” ở miền Bắc. Sa-môn là từ chỉ cho các tu sĩ vô thần tại Ấn Độ trong thời cổ đại, không chấp nhận đạo Bà-la-môn đa thần, không chấp nhận Thượng đế, không chấp nhận số phận, cách tu tín ngưỡng và ép xác của đạo Bà-la-môn. Đạo Phật do đức Phật Thích-ca sáng lập là một trong các trường phái Sa-môn, mở ra con đường tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát cho nhân loại khỏi tất cả nỗi khổ và niềm đau.
Sa-di-ni là thuật ngữ chỉ cho các vị xuất gia theo truyền thống Phật giáo, đang trong giai đoạn tập sự để sau đó trở thành Tỳ-kheo-ni, tức chính thức làm Sư cô. Có duyên lành được đi tu từ tuổi ấu niên, hay giác ngộ chân lý, đi tu ở tuổi thanh niên hoặc tuổi trưởng thành, các Sa-di-ni chọn lựa con đường và lý tưởng sống cao quý và có giá trị chuyển mê, khai ngộ cho con người. Để trở thành người xuất gia có giá trị lớn cho mình và cho cuộc đời, các Sa-di-ni cần cam kết ba điều quan trọng sau đây:
i) Nỗ lực cắt bỏ đời sống ái dục, trọn đời sống độc thân nhưng không cô đơn, giữ giới hạnh trang nghiêm và thanh tịnh;
ii) Nỗ lực học Phật và thực hành Phật pháp, vượt qua các thử thách và chướng duyên, không dể duôi trong các khoái lạc giác quan, không đắm nhiễm thói đời, không chạy theo danh lợi thấp kém, không tham gia chính trị, không phản bội lý tưởng Phật pháp, quyết chí đạt được giác ngộ và giải thoát;
iii) Làm lớn mạnh các đức tính từ bi, trí tuệ và không sợ hãi, sống bằng thái độ, hành động vị tha cao cả để hoàn thành chí nguyện xuất trần, nối gót con đường độ sanh của đức Phật và các bậc tổ sư.
Quyển sách “Giới Sa-di-ni, oai nghi, luật nghi và lời khuyên của tổ Quy Sơn” này do tôi phiên dịch, biên tập, xuất bản, như tên gọi, gồm có 4 nội dung chính: (i) Giải thích vắn tắt 10 điều đạo đức của Sa-di-ni, (ii) 22 oai nghi làm nên cốt cách của người xuất gia, (iii) 43 bài thiền kệ chánh niệm và tỉnh thức trong đi, đứng, ngồi, nằm và sinh hoạt thường ngày, (iv) Lời khuyến tu của tổ Quy Sơn. Chương 3 và 4 của sách này, tôi dịch và xuất bản trong quyển “Cẩm nang thực tập chánh niệm và khuyến tu” năm 2012.
So sánh 10 điều đạo đức thì giới bổn Sa-di và Sa-di-ni giống nhau. Chỉ khác nhau về cách diễn đạt, nội dung minh họa. Mười đạo đức Sa-di-ni gồm: (i) Không được giết hại, (ii) Không được trộm cắp, (iii) Không được dâm dục, (iv) Không được nói dối, (v) Không được uống rượu, (vi) Không đeo hoa thơm, không bôi hương liệu, (vii) Không được ca múa, chơi các nhạc cụ, không đến xem nghe, (viii) Không được ngồi giường lớn cao rộng, (ix) Không ăn trái giờ, (x) Không được cầm giữ vàng bạc đồ quý.
Về số lượng, Sa-di có 24 oai nghi, trong khi Sa-di-ni chỉ có 22 oai nghi. Giới bổn Sa-di và giới bổn Sa-di-ni giống nhau 21 điều. Chỉ riêng có trong giới bổn Sa-di-ni gồm: Kính trọng Tam bảo (điều 1). Chỉ riêng có trong giới bổn Sa-di gồm: Đến chùa Ni (điều 17), đi du phương (điều 23) và tên gọi, hình tướng của y và bát (điều 24). Học thuộc và thực tập các oai nghi, tế hạnh này giúp các Sa-di-ni vượt qua nghiệp đời, thói phàm, có đạo phong của Sa-môn, nhẹ nhàng, an lạc, thanh thoát, thảnh thơi.
Về “Tỳ-ni nhật dụng”, có 43 bài thiền kệ, giúp các Sa-di-ni trải nghiệm sự chính niệm, tỉnh thức trong đi, đứng, nằm, ngồi và các sinh hoạt hằng ngày. Tôi phân chia các bài kệ này thành sáu nhóm chủ đề: (i) Thực tập hạnh phúc buổi sáng, gồm các bài 1-7, (ii) Thực tập chuyển hóa bất tịnh, gồm các bài 8-13, (iii) Lễ bái trên điện Phật, gồm các bài 14-20, (iv) Chánh niệm trong ăn uống, gồm các bài 21-26, (v) Chánh niệm trong sinh hoạt, gồm các bài 27-35, (vi) Chánh niệm trong đời sống, gồm các bài 36-43.
Bài khuyến tu của tổ Quy Sơn Linh Hựu giúp người xuất gia giữ gìn lý tưởng xuất gia, thôi thúc tinh tấn hành trì, trở thành người tu hữu ích và giá trị. Tôi phân làm các chủ đề: (i) Nhận thức vô thường, (ii) Làm người thong dong, (iii) Vượt thói phàm tục, (iv) Không hoang phí cuộc đời, (v) Gương hạnh thoát tục, (vi) Căn bản thiền tập, (vii) Tâm nguyện người tu, (viii) Giúp nhau thoát khỏi sinh tử, (ix) Tóm tắt bằng bài Minh.
***
Thái tử Cồ-đàm Tất-đạt-đa (P.Siddhattha Gotama, S. Siddhārtha Gautama) giác ngộ viên mãn và trở thành đức Phật ở tuổi 35. Suốt 45 năm sau đó, đức Phật tuyên giảng chân lý (P.dhamma, S. dharma, 法, pháp) khắp miền bắc Ấn Độ và hình thành hệ thống giới luật (P=S. vinaya, 戒律), dành cho người xuất gia bao gồm giới Sa-di và giới Tỳ-kheo (đối với Tăng sĩ nam) và giới Sa-di-ni, giới Thức-xoa và giới Tỳ-kheo-ni (đối với nữ tu).
Giới luật xuất gia trong tạng Luật (vinayapiṭaka) quy định về cách sinh hoạt tu học và phận sự (vinayo kiccagambhīro) của các thành viên Tăng đoàn. Về giới luật, các vị Sa-di-ni và Thức-xoa chưa phải là thành viên chính thức của Tăng đoàn (Saṅgha) nên không được tham dự đọc giới bổn Tỳ-kheo (P. Pātimokkha, S. Prātimokṣa, 戒本) trong ngày Bố-tát (P. Uposatha, S. Upavasatha, 布薩), không được tham dự và không được biểu quyết (karma, 羯磨, yết-ma) các công việc của Ni đoàn.
Giới luật cùng với giáo pháp được đức Phật sánh ví ngang hàng với đức Phật sau khi Ngài qua đời: “Giáo pháp và giới luật là thầy của các đệ tử, sau khi Ta qua đời” (mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto so vo mam). Do đó, các Sa-di-ni hãy học thuộc giới, giữ giới; học thuộc các kinh quan trọng và ứng dụng kinh trong cuộc sống để thánh thiện hóa bản thân ở hiện tại và cứu độ con người về sau.
Trong Đại phẩm(Mahā-vagga) thuộc Luật tạng (律藏) của Thượng tọa bộ (Theravāda, 上座部), đức Phật quy định Luật Sa-di-ni (Sāmaṇeravinaya) bao gồm: (i) Những điều cần học (Sikkhāpada), (ii) Hình phạt đối với Sa-di-ni (Daṇḍa-kamma) vi phạm “những điều cần học” và (iii) Tội trục xuất (Nāsanaṅga) được áp dụng đối với các Sa-di-ni phạm các tội sau đây: Giết người, trộm cắp, hành dâm, nói dối, uống rượu, phỉ báng Phật, phỉ báng giáo pháp, phỉ báng Tăng, tà kiến.
Sau khi đức Phật qua đời, nhằm giúp các vị Sa-di-ni trưởng thành về giới đức và trở thành người xuất gia hữu ích, các tổ sư của tông Luật đã bổ sung các quy định của Tỳ-kheo-ni trong Giới bổn Tỳ-kheo-ni (P. Pātimokkha, S. Prātimokṣa, 戒本) vào Luật Sa-di-ni.
Các điều nên học đối với Sa-di-ni trong Thượng tọa bộ bao gồm: (i) Giữ trong sạch mười điều đạo đức Sa-di (sikkhāpada), (ii) 75 điều nên tuân thủ (Sekhiyadhamma, sekhiya-vatta, 應学法, ưng học pháp),[2] (iii) 14 điều thực hành (kiccavatta).
Mười bốn điều thực hành của Sa-di-ni bao gồm: (i) Đối với khách Tăng (āgantu-kavatta), (ii) Đối với người tu ở trụ xứ (āvāsikavatta), (iii) Đối với người tu di chuyển chỗ ở (gamikavatta), (iv) Chúc phúc lễ trai tăng (anumodanāvatta), (v) Đến trai đường (bhattagga-vatta), (vi) Đi khất thực (piṇḍacāri-kavatta), (vii) Ẩn cư trong rừng (āraññikavatta), (viii) Ở trong phòng (senāsanavatta), (ix) Ở nhà bếp (jantaghara-vatta), (x) Ở nhà vệ sinh (vaccakuṭivatta), (xi) Đối với bổn sư (upajjhā-yavatta), (xii) Đối với đệ tử xuất gia (saddhiṃvihārikavatta), (xiii) Đối với thầy giáo thọ (ācariyavatta), (xiv) Thầy giáo thọ đối với môn sinh (antevāsikavatta).
Vào thế kỷ XVI, Đại sư Châu Hoằng (蓮池袾宏, 1535-1615),[3] của Trung Quốc, dựa vào Luật tạng của các trường phái Luật Phật giáo trong Đại tạng kinh chữ Hán, nhất là các quy định về Sa-di-ni, vốn tương đương với 14 điều thực hành (kiccavatta)[4] của Sa-di-ni trong Đại phẩm(Mahā-vagga) của Luật tạng Thượng tọa bộ để biên tập thành “Luật nghi” (律仪) gồm 22 oai nghi, vốn là phần 2 trong quyển “Sa-di-ni luật nghi yếu lược (沙弥尼律仪要略)” dành cho Sa-di theo Luật Tứ phần (四分律), tức Luật Pháp tạng (Dharmagupta-vinaya, 法藏部戒律).
Mặc dù số lượng các oai nghi, cách đặt tựa đề, vị trí các quy định giữa Luật Sa-di-ni trong Thượng tọa bộ và Pháp tạng bộ có khác nhau nhưng trên tổng thể, nội dung phù hợp nhau, đề cao văn hóa ứng xử của người xuất gia trở nên lịch sự, trang nghiêm, thanh thoát, chứ không đơn thuần là những điều không được làm.
Thầy chúc các Sa-di-ni tinh tấn học giới, giữ giới, học kinh điển, áp dụng trong cuộc sống để trong trung bình 5-10 năm xuất gia, trở thành người chuyển hóa thành công nghiệp phàm và thói quen phàm, trở thành chân sư, giải thoát giữa đời thường, góp phần xây dựng xã hội an lạc và hòa bình.
Chùa Giác Ngộ,
Ngày rằm tháng 2 năm 2021
THÍCH NHẬT TỪ
[1] Thức-xoa-ma-na (式叉摩那), Hán dịch là học giới nữ (學戒女), chánh học nữ (正學女), học pháp nữ (學法女).
[2] Xem Giới bổn Tỳ-kheo của Luật Tứ phần của Thích Nhật Từ dịch (NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2021): Xem mục “Đối chiếu Giới Tỳ-kheo của Thượng tọa bộ với năm trường phái Luật Phật giáo,” đặc biệt là mục“Điều nên học” để hiểu rõ chi tiết của 75 điều nên học này.
[3] Ngài Châu Hoằng (袾宏) tự là Phật Huệ (佛慧), pháp hiệu Liên Trì (蓮池), thường được gọi là Đại sư Liên Trì (蓮池大師). Vì ngài hành đạo tại chùa Vân Thê (雲棲寺) nên ngài còn được biết đến là Vân Thê – Liên Trì (雲棲蓮池) hay Vân Thê – Châu Hoằng (雲棲株宏). Về tông phái, ngài Châu Hoằng là tổ sư đời thứ 8 của tông Tịnh độ, Phật giáo Trung Quốc. Năm 31 tuổi, sau khi làm lễ an táng cho thân mẫu, ngài quyết chí xuất gia với Hòa thượng Thiên Lý (天理和尚). Trong quá trình học đạo, ngài từng học Phật pháp với hai trưởng lão Biến Dung (遍融) và Tiếu Nham (笑巖). Các tác phẩm nổi tiếng của ngài gồm có: (i) Tự tri lục (自知錄), (ii) Truy môn hành lục (錙門崇), (iii) Trúc song tùy bút (竹窗随笔), (iv) Di-đà sớ sao (彌陀疏鈔), (v) Thiền tông ngữ lục (禪宗語錄), (vi) Thiền quan sách tấn (禪關策進). Ngài là người biên tập của Sa-di luật nghi yếu lược (沙彌律儀要略), tóm tắt về [giới] Sa-di và oai nghi [của Sa-di].
[4] Xem chi tiết của 14 pháp hành này từ sách của Giác Giới, Luật nghi Sa-di. Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1997. Ấn bản vi tính có thể truy cập tại đây: https://www.budsas.org/uni/u-luat-sadi/sadi-nt-00.htm
04-gioi-sa-di-ni-oai-nghi-va-luat-nghi-thich-nhat-tu-final-may30-2021