Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

17. Cõi trời Ba mươi ba

24/10/201202:50(Xem: 8981)
17. Cõi trời Ba mươi ba

THANH GƯƠM BA-LA-MẬT
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Cõi trời Ba mươi ba



Ở cái chốn gọi là Đệ nhị Thiên đường, có ông vua trời tên là Đế Thích mà nhân gian hay tôn là Ngọc hoàng thượng đế. Cõi trời ấy được gọi là Đao Lợi Thiên Cung hay là cõi trời Ba Mươi Ba.

Cõi trời này đẹp lắm, kỳ lạ lắm, hấp dẫn lắm.

Kinh kể rằng, kẻ vừa hóa sinh ở đấy là đã bằng một thiếu niên, một thiếu nữ mười sáu tuổi. Rồi họ cứ ở mãi trong tuổi thanh xuân như thế chứ không răng rụng, da nhăn, tóc bạc hay lọm khọm già nua. Dấu hiệu chấm dứt tuổi thọ thường là hoa trang sức bị tàn úa, ánh sáng phai nhạt hay cơ thể rịn mồ hôi. Họ sống trong lạc thú ngũ dục dư tràn kéo dài nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm. Cứ một ngày ở đấy là bằng một trăm năm ở nhân gian. Không ai phải làm công việc gì. Ăn uống, y phục, lâu đài, sàng tọa, vật trang sức cho chí vợ chồng, thê thiếp ... đều tùy theo công năng bước báu của mỗi người trong quá khứ mà hiện ra sai khác. Sắc đẹp, quyền lực hay ánh sáng chiếu tỏa nơi mỗi vị thiên cũng đều do thế.

Cõi trời này được dựng lên trên đỉnh Sineru, giữa hư không bởi Ba Mươi Ba tòa bảo tháp lộng lẫy, huy hoàng. Sao tỏa sáng, bảy báu lấp lánh suốt ngày đêm, đầy mọi nơi, mọi chỗ. Hoa nở rộ đầy rừng, đầy vườn, đầy đất, đầy mây. Những mùi hương kỳ lạ dìu dịu thoảng trong gió, chập chờn khi mất khi còn, khi gần khi xa làm đắm say ngây ngất mọi tâm hồn. Những tiếng nhạc trời vẳng lại, do nghệ sĩ Càn-thát-bà, do gió, do chim, do thiên nữ ca hát như bản hòa tấu bất tận giữa không gian lồng lộng. Những buổi dạ vũ, dạ hội, yến tiệc cao sang, đầy đủ thức ăn vật uống lạ lùng, mỹ vị, mỹ phẩm, muốn gì có nấy ... từ trăm năm này sang trăm năm khác. Và cứ mãi như thế trong cuộc trường xuân miên viễn.

Chư thiên nam thường hay tụ họp đánh cờ, uống rượu trời, làm thơ, luận bàn hoặc vân du đây đó với hàng trăm hàng ngàn thiên nữ hầu hạ, gối tựa vai kề, cợt đùa vui vẻ, bao giờ cũng như tân lang, tân nữ với nhau. Một số thiên nữ khác hái hoa kết thành vòng, thành chuỗi, bay lượn như đàn bướm, trang phục rực rỡ trăm màu, mềm mại thướt tha, với tiếng cười trong như pha lê reo, khi ẩn, khi hiện trong những làn mây ngũ sắc nhẹ nhàng, uyển chuyển.

Đêm thiên cung, ngày thiên cung, mùa xuân thiên cung thanh bình, hoan lạc, vô tận...

Nguyên nhân của cõi trời Ba Mươi Ba này được Đức Phật Thích Ca kể lại ở trong bổn sanh Kulàvàkà như sau.

Thuở xưa, thật quá lâu xưa, trong nước Ma-kiệt-đà, tại thành Vương Xá, Bồ-tát sinh ra và lớn lên ở ngôi làng Macala, tên là Magha.

Thanh niên Magha do phước và huệ sanh nên như một thiên thần bước xuống thế gian. Chàng lập gia đình, có bốn vợ, sinh con, làm các công nghiệp, giữ giới hạnh, lấy thiện sự làm niềm vui tâm hồn thanh cao.

Ngôi làng Macala ấy không được yên vui, không được hạnh phúc vì đầy ác giới. Dân chúng thường hay gây gổ đánh đập nhau, chửi mắng nhau bằng binh khí miệng lưỡi hoặc bằng đao và gậy. Sự xáo trộn, bất an trong mọi gia đình như luôn luôn bị sóng đánh chao đảo hoặc giông bão gầm gào.

Nghề nghiệp của dân làng là săn bắt thú rừng, và kéo cá trong lưới. Một số kẻ bất thiện vô công rỗi nghề khác thì bắt trộm heo gà, ăn nhậu với rượu men, rượu nấu. Khi no nê và say sưa chí tử, không có tội lỗi nào mà chúng không làm, không có giới trọng nào mà chúng không phạm.

Tiếng cười lẫn với tiếng khóc, tiếng than vãn lẫn với tiếng la hét, như đám lửa cháy âm ỉ hoặc cuồng nộ ngày qua ngày, đêm qua đêm.

Thanh niên Magha sống giữa họ như sen mọc trong bùn, thanh sạch, thơm tho cả tâm hồn và giới hạnh. Chàng thương họ, muốn cảm hóa họ, nhưng chàng tự nghĩ:

“- Hướng dẫn đời sống tinh thần đạo đức và hiền thiện cho ngôi làng này, trong lúc này, thật như nước đổ đầu vịt, như hạt cải nằm trên đầu ngọn cỏ Kusa. Khó lắm! Hãy kham nhẫn, từ từ, không phải bằng nói năng, thuyết lý mà phải bằng hành động cụ thể, cả vật chất lẫn tinh thần. Làm thế nào có thể cứu giúp họ, an ủi họ vào lúc mà cơ cực, lầm than, thống khổ, và nước mắt tràn đến họ như một cơn lụt lớn”.

Bắt đầu từ đấy, chàng cùng vợ và các con siêng năng làm các công nghiệp. Trong mười tám môn học nghệ, chàng loại bỏ từ chương, triết lý, thuật số, văn chương, thơ phú... Chàng lại loại luôn các nghề dùng cung tên, giáo mác, nghề sát sanh hại vật, buôn vũ khí, thuốc độc, cất nấu các loại rượu, buôn bán thịt sống và chín v.v.. Chàng cùng vợ, các con chăm lo nông vụ, đồng áng, nghề đan lát, thủ công, nghề mộc, nghề thợ hồ, thợ sơn, ... Rảnh rỗi, chàng và các con lên rừng lấy cây danh mộc, tìm trầm rồi kết bè về bán ở các thị trấn miền xuôi.

Siêng năng, cần kiệm, có đầu óc, có ý chí, một thời gian không lâu, chàng tích lũy được một tài sản lớn.

Khi mà mỗi gia đình năm này sang năm khác sống trong những mái nhà như những cái hang, cái chòi tối tăm, rách nát, muỗi mòng, hôi hám, bẩn thỉu thì Magha đã có được một trang trại rộng lớn, kẻ ăn người ở tới lui tấp nập, với kho thóc, kho vải, kho củi như gia sản của một tiểu triệu phú.

Thời đã đến. Ngôi làng Macala xảy ra một vụ tranh chấp, kiện tụng về quyền lợi nơi đám rừng săn thú. Chúng bị bồi thường và bị phạt vạ. Tiếp đến là nạn cháy nhà. Tiếp đến là nạn hạn hán, mất mùa. Củ sắn, củ mài, rễ cây, lá cây không đủ ăn. Chúng rơi vào một trận đói kinh hoàng cùng với bệnh dịch lây lan, tràn đến mỗi nhà.

Magha từ lâu đã có dự tính, đã tích trữ sẵn mọi thứ cho mối hiểm họa này. Chàng kêu cả làng đến phân phát lương thực, vải vóc, thuốc men, ... với tấm lòng rộng mở. Rồi chàng tụ tập ba mươi chàng thanh niên trai tráng, đại diện cho ba mươi gia đình tương đối đàng hoàng nhất, giáo giới với họ rằng:

- Này các bạn, hãy nghe tôi! Tôi sẽ cứu các bạn và cả ngôi làng này qua khỏi cơn thống khổ. Bắt đầu ngày mai, lương thực của tôi sẽ là lương thực của các bạn. Chúng ta hãy cùng nhau lên rừng, tôi biết đâu có gỗ quý, có trầm, biết chỗ bán chúng để đổi gạo cùng các loại thực phẩm cần yếu khác. Chỉ cần một chuyến như vậy là chúng ta giúp đỡ được cho tất cả mọi người. Chuyến thứ hai là các bạn có đủ lương thực dự trữ. Chuyến thứ ba là các bạn có đủ tài sản để chăm lo nông vụ. Hãy theo tôi, hãy chiến thắng cái đói nghèo.

Như gặp được vị cứu tinh, cả dân làng đều hoan hô và tán dương thanh niên Magha. Ba mươi chàng thanh niên thì phấn chấn vì một tương lai sáng sủa đã bày ra trước mắt họ.

Thanh niên Magha cho mở kho đã chuẩn bị sẵn, lấy đủ mọi dụng cụ đi rừng cho ba mươi chàng thanh niên.

Thế rồi, nhờ theo lời Magha, ngôi làng Macala đã đẩy lùi được đói nghèo, đã có giọng nói hoan hỷ của cụ già, đã có tiếng cười hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ trên lưng mẹ. Ba mươi chàng thanh niên rường cột của ba mươi gia đình, sau nhiều lần theo chân Magha lên rừng, xuống nội đã được Magha trình bày công việc trọn năm như sau:

- Này các bạn, hãy nghe tôi! Chỉ cần bốn tháng lên rừng lấy gỗ, tìm trầm, tìm các hương liệu, mật ong, măng giang, mộc nhĩ... là chúng ta có đủ cơm gạo trọn năm. Bốn tháng tiếp theo, chúng ta làm cho đầy các kho ngũ cốc và làm cho tất cả các vườn xanh tươi rau quả. Bốn tháng còn lại, những mái nhà, những con đường, những cầu cống, những hầm rác, những bệnh xá... đang chờ đợi chúng ta.

Các thanh niên răm rắp tuân theo. Chàng Magha lại mỉm cười với họ:

- Này các bạn, hãy nghe tôi! Hãy biến cái ngôi làng nghèo khổ này thành ngôi làng của cõi trời.

Thế rồi, niềm vui bốc lên mắt, chạy rần rật nơi cái tay, cái chân, nhúc nhích nơi những sợi râu của cụ già ... Người ta tán dương công đức của Magha không tiếc lời. Từ đây, họ gọi thanh niên Magha là “thanh niên sư trưởng”, là “bậc thầy trẻ tuổi”, là “nhà đại bác ái”, là “người bạn chí thiện”!

Một phong trào rầm rộ và toàn diện về chuyện làm ăn, xây dựng, canh tân được bàn bạc từ đầu thôn cho đến cuối xóm. Đèn được đốt thâu đêm. Niềm vui chạy khắp các hàng cùng, ngõ hẻm.

Khi đủ ăn, đủ mặc, có dư dả chút ít, một vài tệ trạng manh nha khởi lên đây đó như biếng nhác, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau, ... xảy ra. Tuy biết mà Magha chưa nói gì vì thấy chưa đúng thời. Trong lúc này, nên làm hơn là nói. Bởi vậy, chàng, vợ và các con luôn luôn dẫn đầu trong các công việc xã hội. Chiếc bóng của Magha bao giờ cũng xuất hiện đầu tiên và cuối cùng, chỗ này và chỗ kia. Ba mươi chàng thanh niên tuyệt đối tuân lời Magha, lấy Magha làm gương, là ngọn đèn, là con mắt của họ. Họ theo chân Magha như hình với bóng. Các con đường làng lần lượt được đắp lên cao ráo với những hàng cây có hoa và tỏa bóng râm mát. Những chiếc hồ công cộng tươi mát được thả sen, thả súng, bơi lội những con cá màu. Những chiếc cầu lót đá hoặc gỗ bắc qua những con kênh, bờ nước có liễu rủ, có bóng tre. Những bệnh xá tương đối khang trang, đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi, thuốc thang dành cho tất cả những người tật bệnh. Không còn một đống rác, những bãi phân, những vũng nước tù đọng, hôi hám. Tất cả chúng đều được chôn lấp, lấy đi, san bằng. Có những nghĩa địa lộ thiên riêng biệt dành cho người và thú. Mọi công trình kể trên đều được làm bởi sự tự nguyện của dân làng, được quản lý, chăm sóc và bảo vệ tốt.

Biết là thời đã đến, Magha giáo giới ba mươi chàng thanh niên thiện chí của mình:

- Này các bạn! Tại sao đầy đủ cơm ăn áo mặc mà trong ngôi làng của chúng ta vẫn có tiếng khóc, chửi mắng, rên than?

- Chúng không biết tuân theo lời giáo huấn của Sư trưởng, tự ý lên rừng săn thú, xuống sông bắt cá, ăn uống nhậu nhẹt say sưa rồi đánh đập nhau.

- Vậy thì có hữu lý không khi chúng ta cố gắng giữ giới “không sát sanh”?

- Hữu lý lắm!

- Các bạn có giữ được giới ấy chăng?

- Thưa Sư trưởng, chúng tôi giữ được.

Magha mỉm cười tiếp:

- Từ khi xẩy ra chuyện cờ bạc, ăn nhậu, ngôi nhà của các bạn ban đêm có mở rộng cửa ngõ? Có phát sanh sợ hãi khi có những kẻ rình trộm với con dao?

- Chúng làm cho chúng tôi sợ hãi, cửa đóng kín, chẳng dám đi đâu khi có tiền, có bạc trong người.

- Vậy thì hữu lý không, muốn giải thoát sợ hãi cho cả ngôi làng, chúng ta cố gắng giữ giới “không trộm cắp”?

- Hữu lý lắm!

- Các bạn hãy nghe tôi, từ rày về sau, giới thứ hai “không trộm cắp”, hãy cố gắng thọ trì!

Bằng cách như vậy, bằng sự thực cụ thể, liên hệ về nhân và quả, sự tai hại và lợi ích, thanh niên Magha đặt ngũ giới trong tâm cho ba mươi chàng thanh niên tiến bộ.

Tin được truyền đi, người thôn trưởng đâm ra lo sợ, tự nghĩ:

“- Trước đây, khi những dân làng này sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu, ... thì ta được hoạnh phát tiền của. Nào là tiền mua hàng trộm cắp, tiền rượu, tiền phạt vạ, tiền bồi thường, tiền cúng tế, tiền ma chay, tiền tranh chấp của cải, tiền giảng hòa, tiền kiện tụng... Nay thanh niên Magha giáo giới chúng, đặt năm giới cấm ở nơi tâm chúng, từ ba mươi gia đình, lan ra bốn mươi gia đình, năm mươi gia đình, ... Cứ lần hồi lan truyền mãi như vậy thì ta sẽ khánh tận tài sản, lợi lộc. Vậy ta làm thôn trưởng để làm gì?”

Tức tối, hậm hực, với mưu chước, người thôn trưởng cụ bị hành lý, đi thẳng đến cung vua xứ Ma-kiệt-đà.

- Tâu Thiên tử! Tại làng của con có một bọn cướp, chúng gồm ba mươi mốt đứa kể cả tên đầu sỏ. Chúng nó phá làng, phá xóm. Chúng thiêu hủy các cuộc vui của nhân dân. Chúng làm cho các am, các miếu thờ thần cây, thần đất, thần lửa, ... vắng lạnh và điêu tàn. Không một bóng người trên sông. Không một bóng người trên rừng. Trống không các buổi hội hè, đình đám, tiệc tùng ... Ôi! Quả thật là một bọn cướp đáng sợ!

Mới nghe thế, Đức Vua đã phán:

- Hãy đem theo lính, bắt trói tất cả chúng và dẫn đến đây!

Thanh niên Magha và ba mươi thanh niên chí nguyện bị bắt trói xếp cánh sau lưng rồi được dẫn đến hoàng thành. Đức Vua xứ Ma-kiệt-đà không điều tra, không hỏi cung mà ra lệnh đem tất cả ra pháp trường cho voi chà cả thảy.

Khi nằm trên đất để nhận chịu sự hành hình oan uổng, thanh niên Magha giáo giới các bạn:

- Này các bạn, hãy bình tĩnh! Nếu quả thật chúng ta bị tử nghiệp do voi chà, thì không ở đâu trốn thoát được dù hang sâu, rừng thẳm. Nhưng nếu chẳng phải thế thì dù bạo lực của Đức Vua, dũng lực của ngàn con voi cũng chẳng làm gì được chúng ta. Vì sao vậy? Vì do thiện pháp bảo vệ, chúng ta sẽ được an toàn.

Này các bạn, chớ có sợ hãi! Hãy hành trì giới, tâm niệm giới. Hãy khởi lòng từ với kẻ ác, với kẻ vu cáo ta. Hãy khởi lòng từ với Đức Vua thiếu sáng suốt. Hãy khởi lòng từ với đàn voi không biết gì sắp dẫm nát chúng ta. Tâm Từ ấy phải được quảng đại, sung mãn, bao trùm đồng đẳng, nhất loạt đối với tất cả chúng sanh, tràn đầy hư không giới. Tất cả hãy mát mẻ, vắng lặng. Tất cả hãy mát mẻ, vắng lặng.

Tất cả ba mươi thanh niên y lời, trầm tĩnh, an nhiên như một rừng thiền định.

Khi đàn voi đi đến, chúng đứng sững lại như gặp một bức tường kiên cố. Chúng co rúm lông và đuôi dựng lên, thối lui, rống to rồi quay lưng bỏ chạy. Đàn voi khác đến, cũng như thế, không vượt được bức tường của Tâm Từ, trở lui và chạy tán loạn.

Đức Vua nghe báo, ra hiện trường xem, tự nghĩ:

“- Chắc trong người bọn chúng có thuốc “trường sanh” nên chúng đã trở nên “bất tử” chăng?

Bèn cho người lục soát nhưng thấy chẳng có gì. Đức Vua lại nghĩ:

“- Hay là chúng có đọc bùa chú?”

Đức Vua hỏi to:

- Này bọn cướp kia! Có phải các ngươi âm thầm niệm chú để chống lại bản án tử hình không?

Magha đã hiểu ra mọi chuyện nên đáp:

- Vâng, có, thưa Thiên tử!

- Ây là bùa chú gì? Đọc lên cho ta nghe thử coi?

- Thưa Thiên tử, hãy lắng nghe, tôi sẽ nói. Tôi và ba mươi thanh niên này trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Chúng tôi khởi lòng từ đồng đẳng đối với mình và các sanh loại. Chúng tôi bố thí, làm các thiện sự, các công ích như dựng trạm xá, làm cầu, làm đường, đào ao hồ, lấp các hố rác, làm các công trình vệ sinh, ... Đấy là bùa chú (manto) của chúng tôi, là sự bảo vệ (parittam) của chúng tôi, là sức mạnh (vadhim) tối thắng của chúng tôi.

Đức Vua ngạc nhiên quá, cặn kẽ hỏi đầu đuôi. Thế rồi tên thôn trưởng đành phải cung khai nhận tội.

Đức Vua hài lòng, mỉm cười sung sướng về việc làm tốt đẹp của những thần dân lương thiện. Đức Vua tịch thu tài sản của tên thôn trưởng, bắt làm nô lệ suốt đời. Còn Magha thì được Đức Vua biếu tặng cả đàn voi và quyền sở hữu cả ngôi làng với quyền lực, uy tín, danh vọng được Đức Vua xuống chiếu bằng văn bản có triện son.

Từ đấy, Magha và ba mươi thanh niên được tự do và an tâm làm các công đức, công ích xã hội, được Đức Vua bảo vệ, tán dương cùng các khoản trợ cấp hào phóng...

Hôm kia, Magha và ba mươi thanh niên khởi tâm làm một giảng đường hội họp rộng lớn tại một bãi trống gần ngã tư đường, trung tâm của làng Macala.

Họ bàn bạc với nhau, rằng nữ nhân nghiệp dày dễ mang đến rối loạn và phiền não, chẳng nên cho đàn bà hùn chung công đức.

Sudhammà, bà chánh thất của Magha bèn mang một số tiền đến gặp người phụ trách tòa kiến trúc, nói rằng:

- Ông hãy giúp tôi, bằng đủ mọi cách, để cho tôi có cơ hội góp phần công đức vào phước sự lớn lao này.

Người thợ cả kiến trúc nể tình, bằng lòng giúp mưu kế, làm một tháp nhọn bằng loại danh mộc, chạm trổ công phu, phơi khô, lấy vải cuộn lại rồi bảo bà Sudhammà cất dấu đi.

Khi ngôi giảng đường to lớn làm xong, đến giờ đặt tháp nhọn, người thợ cả kiến trúc giả vờ hốt hoảng:

- Chết rồi, các tôn giả ơi! Chúng ta đã quên một việc quan trọng.

- Cái gì vậy? Mọi người xôn xao hỏi.

- Chúng ta quên làm một cái tháp, nhọn, làm sao bây giờ?

- Ồ, chẳng hề gì! Có thể làm gấp được mà.

- Không phải vậy - người kiến trúc nói - Thứ nhất là phải có danh mộc để khỏi nứt rạn. Thứ hai là phải gỗ khô, gỗ tươi thì nó không ăn khớp, bị hở và nước sẽ thấm vào. Nay sắp hoàn thành rồi, thời gian không còn kịp nữa, biết làm thế nào?

Mọi người nín lặng, nan giải. Người kiến trúc bèn gợi ý:

- Lạy chư thần gia hộ! Biết đâu một nơi nào đó trong ngôi làng này, có thể có sẵn một cái thắp nhọn đẹp, quý, vừa vặn, in khít đã làm từ lâu bằng loại danh mộc dành riêng cho ngôi giảng đường của chúng ta chăng? Biết bao nhiêu là nhà có nóc nhọn, tháp nhọn, lo gì!

Mọi người phân tán ra khắp làng tìm kiếm. Ngạc nhiên làm sao, họ thấy bà Sudhammà có cất sẵn một cái rất đẹp, đúng tiêu chuẩn yêu cầu. Họ hỏi mua, nhưng bà không bán. Bà nói:

- Tiền bạc chẳng thể nuôi sống ta từ đời này sang kiếp nọ. Vả, chồng ta công đức quá lớn, ta mà thiếu phước báu thì làm sao hy vọng gặp lại chàng trong kiếp lai sinh? Vậy hãy cho ta hùn góp tí công đức, ta chẳng cần núi tiền, núi bạc của các ông. Hãy cho ta dự phần.

Thật là nan giải bởi ba mươi chàng thanh niên đã cương quyết không cho nữ nhân nhúng tay vào công trình này, dẫu đấy là chánh thất của Sư trưởng Magha kính trọng.

Magha cũng tôn trọng ý kiến của anh em nên không xen lời.

Người kiến trúc nói:

- Sao các tôn giả lại quá chấp vậy? Chỉ Phạm thiên giới mới không có nữ nhân, các tôn giả đã là Phạm thiên chưa mà làm oai vậy? Tại sao các tôn giả không nhận chân sự thật rằng, nữ nhân trên đời này đã đem lại niềm vui cho các tôn giả? Cho chí các cõi trời, nếu không có nữ nhân thì lên đó, các tôn giả sẽ sống với ai, vui chơi bầu bạn với ai?

Các tôn giả hãy từ bỏ quan niệm sai lầm ấy đi, hãy chấm dứt tâm phân biệt đầy ngã mạn và kiêu căng ấy đi. Hãy lấy tháp nhọn để bà Sudhammà góp phần công đức kẻo không còn kịp nữa. Và theo ý tôi, chúng ta cũng nên đón nhận tất cả nữ nhân trong làng đến hùn góp công đức về các phần còn lại.

Ba mươi chàng thanh niên cũng không phải là những kẻ cố chấp, họ thầm nhận ý kiến của người kiến trúc là hợp tình hợp lý, bèn đến xin quyết định của Magha.

Chàng mỉm cười nói:

- Đấy là mưu chước của họ, nhưng mưu chước ấy đáng được hỷ xả, tha thứ. Các bạn ạ, chúng ta cũng nên mở rộng cửa trời cho tất cả mọi người cùng được vào, không nên phân biệt nam nữ.

Thế là nóc tháp nhọn được đặt lên vừa vặn, khít khao, tuyệt mỹ. Các nữ nhân trong làng, sau khi được “mở cửa”, họ đua nhau đến góp công, góp của, ca hát, reo cười, vui tươi và sung sướng.

Không bao lâu, một quy mô cực kỳ vĩ đại được hoàn thành.

Trong giảng đường có đầy đủ bàn ghế, đặt nhưng ghè nước ở các nơi. Xung quanh giảng đường, họ làm thêm nhà trọ cho khách lỡ bước, trạm nghỉ chân cho khách thương, cho trẻ nít chăn trâu bò. Đâu đâu cũng đủ phòng ăn, phòng tắm, hố chôn rác, nhà vệ sinh. Ngoài ra, những bức tường dài bao quanh có gắn cửa vuông, tròn cao rộng. Những con đường lót sỏi trắng, những hàng cây sàlà, tre trúc, bồ-đề, dâu da,... xanh tươi và mát mẻ.

Nàng Città, vợ hai của Magha, bắt chước Sudhammà hùn công đức một công viên mỹ lệ, có những thảm cỏ xanh biếc, những tảng đá um rêu kỳ quái dựng nổi bật, hàng trăm cây ăn trái, cây kiểng, cây hoa... lá vàng, lá tím, lá đỏ,... và ngạt ngào hương. Không có cây nào là không có tên tuổi. Không có đường nét nào là không vui tươi, bắt mắt, đầy nghệ thuật.

Nàng Nandà, bà vợ thứ ba của Magha không chịu thua, làm hồ và suối. Hồ xanh thăm thẳm lấp lánh sao trời, phô thắm hoa sen, hoa súng đủ màu. Suối vờn quanh những thảm cỏ, chỗ sâu, chỗ cạn, trong leo lẻo, đủ loại cá đẹp nhởn nhơ, lặng lờ lui tới. Những chiếc cầu đá trắng lơ thơ liễu rủ trông thơ mộng như cõi bồng lai.

Riêng nàng Sujàta, bà vợ thứ tư, trẻ nhất và đẹp nhất của Magha, thì làm biếng, không góp một chút gì vào công trình to lớn nói trên. Suốt ngày cứ nhìn ngắm sắc đẹp của mình, đi tới đi lui, trang điểm, rồi lại đổi thay y phục,... Lại còn ăn món này, món nọ để mong trẻ mãi, mong đẹp hoài!

Rất thương nàng Sujàta, nhưng Magha không khuyên bảo được, chỉ lặng lẽ thở dài mà thôi.

Với công đức như vậy, nhân và duyên như vậy, lúc mệnh chung, thanh niên Magha hóa sanh làm vua trời Đế Thích, cai quản ba mươi ba tòa cung điện, gồm ba mươi tòa cung điện cao sang là phước báu của ba mươi chàng thanh niên cùng thân quyến của họ. Còn ba tòa bảo tháp mỹ miều, tráng lệ là phần của ba bà vương hậu của Đế Thích, đấy là bà Sudhammà, Città và Nandà. Riêng bà thứ tư, bà Sujàta, không biết sanh về đâu, chẳng biết đọa lạc vào cảnh giới nào!

Từ đỉnh Sineru, vua trời Đế Thích đưa tầm mắt xa rộng nhìn Thiên quốc ngọc ngà châu báu của mình. Nó hiện ra như trong một giấc mộng tuyệt vời. Ba mươi ba tòa bảo tháp lấp lánh nhô lên giữa vùng mây huyền hoặc, diệu kỳ!

Và ô kìa! Là thần dân của ngài! Chúng chư thiên nam và nữ thấp thoáng cánh vàng, cánh bạc, xiêm thường tha thướt, rong chơi đây đó. Ôi! Chúng vui chơi hồn nhiên quá! Chúng không biết rằng Thiên quốc này vừa xảy ra một cuộc chiến tranh, nhưng nhờ mưu kế dùng “mỹ tửu”, ta đã dẹp xong cuộc chiến tranh ấy.

Ôi! Cái bọn A-tu-la thiên ấy cứng đầu và ngoan cố lắm! Suốt đời, chúng chỉ thích đánh nhau, đánh nhau là niềm vui của chúng. Dẫu ta tạm thời đuổi chúng đi rồi, nhưng chắc Thiên quốc của ta cũng khó yên với chúng.

Rượu ấy không say được lâu. Tỉnh dậy, chúng không hiểu là bằng cách nào ta đã quăng chúng xuống dưới ấy. Nếu biết, chắc chúng tức giận lắm. Lũ A-tu-la-thiên lúc phẫn nộ thì ghê gớm dường nào? Thần lực của chúng có thể đốt cháy cõi trời của ta chứ ít đâu!

Ôi! Nguyện cầu “thiên pháp” hộ mệnh chúng ta!

Thiên nhạc từ đâu đó đặt dìu, êm dịu vẳng lại. Tiếng nhạc ấy sao mà nhẹ sương, mềm và khinh an như một niềm hoan hỷ! Và ồ! Mùi hương nào đây? Chiên-đàn hay già-la? Hôm trước, Đế Thích đã ngỡ ngàng bước vào rừng hoa mạn-thù và ngài đã ngây ngất trước vẻ đẹp trẻ trung, hồn nhiên của các vì thiên nữ, trước sự dịu mát, khinh khoái lòng người và trước mùi hương ngát ngào kỳ diệu. Hương thơm ấy như nức ra từ không khí, từ những hạt sương lóng lánh trăm màu, từ những nụ cười mê hồn, từ những hạt bụi phấn quyến dụ đắm say của các vì thiên nữ.

Ôi! Thiên lạc! Thiên lạc! Dẫu có trăm lần, vạn lần mộng tưởng cũng không hình dung ra được một phần cái quả lạc thú đem đến nơi đây cho những người miệt mài với công đức. Ta và các bạn ta xứng đáng được hưởng thụ. Các bà vợ của ta cũng xứng đáng được như vậy.

Trời Đế Thích chợt mỉm cười hài lòng khi thấy sự diệu kỳ của nhân quả. Nàng Sudhammà cúng dường một cái tháp nhọn thì giờ đây, cái bảo tháp của nàng được trả lại hàng ngàn cái tháp nhọn bằng thất bảo của cõi trời. Nàng Città làm một công viên chung cho mọi người du thưởng, thì nàng được trả lại không biết bao nhiêu công viên đẹp đẽ, vạn lần diễm lệ hơn xung quanh bảo tháp của nàng. Còn nàng Nandà, nàng dụng tâm làm hồ, suối thì bây giờ, biết bao nhiêu là hồ suối tráng lệ, mỹ miều xung quanh bảo tháp? Và nơi nào cũng bảy báu chói ngời. Nơi nào cũng chim hót, suối reo, hoa nở, trái chín mọng đầy cành. Nơi nào cũng hoa sen, hoa súng thù thắng, mỗi cánh hoa chứa hàng ngàn đóa hoa mà hương sắc thì ngôn ngữ không còn diễn tả được... Rồi nào là từng lớp sóng bảy màu lấp lánh những hạt cuội bảy màu. Những lan can, chuông gió, đàn đá, ghế ngồi, nhạc trời,... ở đâu cũng gặp, ở đâu cũng hiện ra khi muốn dừng chân uống trà, uống rượu.

Thế còn nàng Sujàta, nàng ở đâu? Nàng thác sanh vào cõi nào? Than ôi! Vì giới, thí, tuệ của nàng không đồng đẳng, bị khiếm khuyết nên chẳng có thể hóa sanh lên đây thọ hưởng thiên lạc. Ta phải dùng oai lực của một Thiên Chủ tối cao, tìm kiếm nàng, nhắc nhở nàng tu hành để mong cùng nhau tái ngộ.

Đế Thích ngước mắt lên từ vùng suy tưởng. Một bóng mây lướt nhanh từ phương Đông rồi một chư thiên nam trang sức như một chiến sĩ, sáng ngời vũ khí xuất hiện:

- Tâu Thiên Chủ! Chúng lại đến.

- Ai? Cái gì?

- Thưa, quân đội của A-tu-la Vương, có lẽ chúng lên để phục thù. Chúng như bầy kiến đang từ lưng chừng núi bò lên. Chúng còn xuất hiện ở mặt biển phía Đông, khí thế bừng bừng như vừa uống rượu trời...

- Sao nữa, bình tĩnh lại, cứ trình bày đi!

- Dạ thưa! Ôi! Lửa, khói, những binh khí có răng cưa, có móc nhọn, có những vòng, những khoen, những trục nằm ngang, nằm giữa. Chúng đang giương cao, rầm rộ, bạt sơn, xẻ núi. Kinh khiếp, thập kinh khiếp! Xin Thiên Chủ hãy ban thiên lệnh!

Không lay động như đỉnh Sineru, không lay động như ba mươi ba tòa bảo tháp, Trời Đế Thích nhìn vẻ hốt hoảng của vị thiên nam, là chiến sĩ của ngài. Ôi! Đấy là dũng lực của một chiến sĩ trưởng ư? Nhưng biết làm sao được! Chúng không quen đánh nhau. Chúng chỉ thích trang điểm hoa hòe, hoa sói đủ loại diêm dúa trên người để vui chơi với chư thiên nữ mà thôi. Chúng chỉ quen tiệc tùng, đàn ca, xướng hát. Nay đánh cờ núi tây, mai khiêu vũ biển đông, hôm kia như đám mây bay về thung lũng bạc, thung lũng xanh, đeo các vòng hoa và chập chờn như bướm. Hai mươi vạn chư thiên nam của ta đều như thế. Chúng sinh ra không phải đẻ cầm đao, cầm gậy mà là để gảy đàn, đánh cờ và bưng những ly rượu trời. Bọn A-tu-la Vương và thuộc hạ sẽ bắt làm vợ, làm tỳ thiếp, làm tỳ nữ, làm hoa, làm cảnh, làm các đoàn ca vũ nhạc kịch... Thế là chúng chỉ thù hận ta mà thôi. Chúng muốn thay ta làm quyền Thiên chủ. Nhưng phước báu nào dễ cho phép chúng làm thế? Rõ là bọn ngông cuồng. Mà thôi, tự ta sẽ dùng uy lực của mình, thử sức với bọn chúng xem sao, rồi tùy đó mà liệu!

Nghĩ thế, Đế Thích chợt mỉm cười bao dung, vô sự, điềm nhiên:

- Các ngươi hãy cứ rong chơi đây đó! Ai đàn cứ đàn, ai hát cứ hát, ai với trò tiêu khiển nào cứ tiếp tục với trò ấy. Riêng các vương hậu, thứ phi, ngươi hãy cho quân hộ tống họ tạm thời lánh cư về mặt biển phương nam. Còn tất cả đây, hãy để ta tự lo liệu.

Khi vị thiên chiến sĩ trưởng đi khuất, Đế Thích Thiên Chủ bước ra bao lớn, phất tay ra hiệu. Chốc sau, chiếc xe thù vắng Vejayanta xuất hiện cùng với vị trời đánh xe. Thế rồi, chiếc xe dài một trăm năm mươi do tuần, phút giây như gió nổi cuồn cuộn, vượt hư không, vượt biển, lao trên những đọt sóng chận đứng được đợt tấn công đầu tiên của A-tu-la Vương.

Sau chốc thoáng bị đẩy lùi, bọn A-tu-la như vũ bão lại tiến lên, nổi lửa, xô dạt những làn sóng, ào ạt, hàng hàng lớp lớp bao vây Đế Thích. Vị Vua Trời như lọt vào giữa trung tâm ruột xoáy của đại dương. A-tu-la Vương mặt đỏ như say rượu, hừng hực lao tới với hai chiếc búa bằng lửa, tung ngang bổ dọc trên đầu. Trời sụp. Biển sụp. Trăm năm, ngàn ngàn chiến sĩ A-tu-la khí thế dõng mãnh vọt qua biển, qua sườn đồi, tràn lên, tràn lên...

“- Sức ta chỉ có thể thôi! Đế Thích thầm nghĩ - Địch làm sao nổi bọn A-tu-la hiếu chiến, quen mùi máu, quen đánh nhau? Chặn biển đông, nó sẽ tràn biển tây. Chận núi nam, nó sẽ tràn núi bắc. Khi chúng đã cương quyết trả thù, dành quyền đất đai và bá chủ, thì ta, với địa vị ngôi trời chí tôn, như ngồi trên đầu sóng. Thôi, mất mặt mà làm gì? Thiên Chủ mà làm gì? Nếu ta sử dụng hết thần lực của ta thì tất cả sinh mạng bọn A-tu-la này sẽ biến hành tro bụi, quả thật ta không nỡ thế. Nếu phước báu của ta ngắn ngủi như giấc mộng đầu hôm thì bảo vệ có ích gì? Ta trốn thôi. Ta sẽ bay qua mặt biển phương nam, đón các vương hậu, thứ phi rồi đến tỵ nạn nơi các vị trời Đế Thích bằng hữu”.

Nghĩ thế xong, Thiên Chủ ra hiệu cho vị trời đánh xe. Chiếc xe thù thắng Vejayanta chợt bốc cao từ vùng biển xoáy, thoát khỏi sự bao vây của A-tu-la. Rồi như một cơn lốc vĩ đại, nó quạt trong không gian như cơn bão lớn, bỏ mặt biển, nó bay qua rừng “cây lụa bông” với tốc độ như vết chém. Chiếc xe bay đi nhanh quá, qua rừng cây mà dường như không có vật cản, như một ánh sao xẹt giữa hư không. Đế Thích Thiên Chủ thoáng nghe như có hàng trăm, hàng ngàn tiếng chim kêu đầy tuyệt vọng.

- Này, trời Màkali! Đế Thích hỏi - Chúng ở đâu vậy, những con chim thảm não kia?

- Thưa Thiên Chủ! Vị trời đánh xe tâu - xe của chúng ta xuyên qua rừng như vệt chém, hàng trăm hàng ngàn thân cây lụa bông gãy đổ, đứt lìa rơi xuống biển xanh như một cơn bão lốc. Rừng cây lụa bông này là quốc độ của loài Kim-xí-điểu (Galura). Tổ của chúng bị bắn tung tóe và lũ chim non, số chết, số bị thương, số không còn nơi ẩn náu.

- Thế à? Vậy thì quay lui, tức khắc quay lui! Nghe đâu, một vạn do tuần là rừng cây lụa bông này. Đừng vì mạng sống, vì Thiên quốc của ta mà giết hại sanh mạng, phá hại tổ ấm an lành của chúng sanh khác. Quay lui, ta sẽ nộp mình cho quỷ dữ A-tu-la Vương! Thân ta dẫu có nghiền ra tro bụi cũng không trả nợ hết sanh mạng cho sự lầm lỡ này. Ôi! Hỡi những con chim non vô tội, ta không cố ý, ta chỉ vô tình ngu ngốc mà thôi!

Thế rồi, vị trời Makàli tức tốc quay xe lại, về cung Ba Mươi Ba bằng lối khác.

A-tu-la Vương và quân đội đang uống rượu liên hoan, say men chiến thắng, tâm thần không ổn định, thấy Sakka bình thản trở lại với sắc mặt điềm nhiên, nghĩ rằng:

"- Chắc chắn các Sakka từ thế giới khác hay tin đến tiếp viện. Khi chạy trốn, chúng trốn hướng này, lúc trở lại, chúng đi hướng này. Như vậy rõ ràng là chúng ta đã bị bao vây, không hồ nghi gì nữa".

Vì suy luận như thế nên bọn A-tu-la rần rần bỏ chạy như đàn kiến vỡ tổ, phút chốc không còn một mống, khí giới đủ loại quăng bỏ ngổn ngang.

Đế Thích Thiên Vương đi vào thành với thiên chúng đoanh vây. Trong sát-na ấy, đất nứt ra và địa giới của Thiên quốc trồi lên cao một ngàn do tuần. Sakka Thiên Chủ đứng chiêm ngưỡng phước báu kỳ lạ, tự nghĩ rằng:

"-Có lẽ đây là do nhân vì từ tâm mà ta nhường nhịn chúng A-tu-la, do từ tâm thà nộp mạng sống mình cho ác chủ tể, còn hơn là biết mà vẫn sát hại rừng Kim-xí-điểu".

Do vậy càng có tâm bất thối với thiện pháp, từ đấy, ngài ra lệnh bảo vệ sự an toàn cho loài rồng, loài Kim- xí-điểu, loài Kumbhandà, loài Dạ Xoa trong Thiên Vương bốn cõi. Còn từ nay, Thiên Quốc sẽ hoàn toàn thanh bình vì địa giới của A-tu-la đã trở nên quá xa xôi, không còn sợ bọn chúng quấy nhiễu nữa.

Dưới chiếc lọng trắng, Sakka Thiên Chủ ngồi trên thiên bảo trải một tấm nệm bằng vàng mịn rộng một do tuần. Ngài trị vì Thiên Quốc quang vinh, làm những công việc của vua chư thiên, hỗ trợ loài người trong khả năng, thiện chí và oai lực của mình.

Đã đến lúc Đế Thích thấy mình phải cứu độ Sujatà, người vợ bé bỏng vì thiếu phước nên không cùng lai sanh đồng đẳng.

Trong lúc mọi người sum vầy lạc phúc trên thiên giới thì nàng Sujatà sinh làm con chim Hạc ở rừng sâu. Cha mẹ chết, Hạc sống lạnh lẽo không thân thích, không bè bạn, không có niềm vui.

Khi bình minh vừa ló dạng, ánh quạ hồng vừa nhô lên đầu núi, Nàng Hạc đã bay đậu lên một cành cây cao, phô đôi cánh trắng, cặp mỏ đỏ và đôi chân màu hoàng kim thon thắn. Nàng Hạc nghĩ: Đẹp cho ai? Trang điểm trau chuốt để làm gì khi xung quanh núi rừng bạc bẽo? Nàng nhìn gì vậy? Dòng suối lặng lờ hay dòng lệ âm thầm của một đời xuân sắc? Lá xanh nõn lắm và hoa rừng tỏa hương, nhưng mà để làm gì mới được chứ, có ấp ủ được trái tim khô héo và thê lương này chăng?

Ta cô đơn quá, Nàng Hạc nghĩ tiếp. Thuở xưa, như từ chiêm bao bước xuống, có những Hoàng tử đẹp trai gặp gỡ những công chúa diễm kiều rồi dẫn nhau về những tòa lâu đài san hô. Họ cỡi mây bay lóng lánh giữa miền thủy tinh. Họ như cùng với khói và sương, chập chờn đi vào giấc mộng ngàn năm của tình ái.

Thế còn Hoàng tử của lòng ta?

Khi Nàng Hạc ngước lên thì ánh triêu dương đã bừng những tia rực rỡ. Và kìa! Giấc mơ thành hiện thực. Sujatà, nàng công chúa Hạc của rừng xanh nghe tim mình nhảy mạnh trong lồng ngực. Trên cành cây đối diện, không biết xuất hiện tự bao gờ, một Chàng Hạc thanh niên đẹp đẽ và quý phái lạ lùng. Chàng kìa! Đôi mắt trong xanh vời vợi, sâu thẳm, tròn to, đa tình; chiếc mỏ cong cong óng ánh lân tinh và đôi chân cứng mạnh tràn trề sinh lực.

- Hãy cùng ta bay đến tòa lâu đài san hô - Chàng Hạc nói - Chúng ta cũng sẽ như khói như sương chập chờn đi vào giấc mộng ngàn năm của tình ái, hỡi nàng công chúa Hạc kiều diễm!

Nàng Hạc Sujatà thẹn thùa quá đỗi, khép cánh lại, nép đôi mắt ướt át vào sau một cành cây. Y đọc được ý nghĩ của ta! Ồ! Tinh quái! Kẻ đâu mà bạo mồm bạo miệng đến thế!

- Đi chứ, Sujatà, công chúa hạc? Hãy cùng ta đi xem một cảnh giới huy hoàng!

Với thần lực của mình - Hạc ấy chính là Đế Thích Thiên chủ hóa thân - Chàng Hạc cất đôi cánh trắng, và Nàng Hạc cảm nghe thân mình bị bốc lên, chao đảo, không cưỡng được, đã phải theo Chàng Hạc nhẹ nhàng bay xuyên qua những đám sương mờ.

Đế Thích đem Hạc đến cõi trời Đao Lợi. Và sau khi dẫn Nàng Hạc bay vòng quanh Ba Mươi Ba tòa bảo tháp, nhìn ngắm chư thiên nam nữ lộng lẫy cao sang, rồi cả hai bay đậu nơi các công viên, nhìn xuống đàn cá bơi lội nhởn nhơ giữa những viên cuội thất bảo, giữa những đóa hoa sen, hoa súng nhiều màu vi diệu.

- Vinh quang thay là thiên giới - Chàng Hạc say sưa nói - nàng công chúa hạc mến yêu! Chúng ta đã gặp nhau trong mộng, có bao giờ nàng mơ ước đến một thế giới như thế này: ta với nàng kết nghĩa phu thê, trường sanh bất lão, mãi mãi hạnh phúc trong những tòa lâu đài sáng ngời châu báu, đoanh vây xung quanh muôn triệu thiên nữ mỹ lệ, tươi cười như những đóa hoa vừa hé nụ ?

- Có, em có! Nàng Hạc thẹn thùa gật gật đầu, đôi mắt e ấp ẩn dấu niềm ước mơ cháy bỏng - Nhưng vẫn là mộng thôi, chàng hỡi!

Chàng Hạc bỗng vút cánh lên mây biến thành Đế Thích Thiên Vương, rỡ rỡ uy nghi ngồi giữa hư không với chiếc lọng trắng, xung quanh đoanh vây hằng sa thiên nữ.

Nàng Hạc sợ hãi quá chừng, định cất cánh bay, nhưng Đế Thích đã hiện nguyên hình trở lại, đến gần bên, cất lời rủ rỉ rù rì như mật rót:

- Em yêu! Kiếp trước ta là chồng của em, tên là Magha. Em tên là Sujàta, là vợ thứ tư của ta, ở ngôi làng Macala, quốc độ Ma-kiệt-đà...

Từng lời, từng lời của Đế Thích gợi lên hình ảnh vừa qua trong kiếp trước, phục hồi lại ký ức ngủ quên của nàng Hạc. Sujà ta bỗng nhớ lại tất cả. Nàng thổn thức, bồi hồi, không còn e thẹn gì nữa vì đây là chàng, là người chồng cũ. Sujatà nép mình bên Đế Thích như đặt trọn niềm tin, gửi trọn cả cuộc đời đào tơ liễu yếu.

Đế Thích với cố gắng, với tình nghĩa, nói cho Sujatà nghe tất cả mọi nhân, duyên và quả ; khuyên Sujatà sống đời thiện lương, giữ ngũ giới, những mong phước báu hỗ trợ giúp nàng thác sanh vào cõi trời Ba Mươi Ba để tái ngộ tình xưa. Thấy Sujatà nguyện giữ ngũ giới, Đế Thích mỉm cười hài lòng, đưa nàng trở về rừng cũ.

Tiếng nhạc cõi trời như còn vọng lại sau đôi cánh xa xăm, hương của các loài hoa vi diệu như còn thoảng đâu đây. Hạc tỉnh mộng, bàng hoàng. Sau đó, Hạc biếng ăn, biếng ngủ. Chàng ở trên cao kia do quá nhiều công đức đã làm trong kiếp trước! Còn ta? Ta đã tận hưởng các món ăn cũ, dư phước của kiếp nào. Khi mọi người làm các thiện sự như bố thí, trì giới, các công tác lợi ích xã hội, thì ta chỉ làm cho lấy lệ, làm cho mau qua, mau xong. Rồi cái giảng đường nguy nga đồ sộ cùng với hàng chục công trình phụ, là niềm vui chung cho cả làng, thế mà ta lại không đóng góp được chút gì. Ta chỉ lo trau chuốt, điểm trang, tới lui ngắm nghía để tự mãn, để khinh người. Ta ngồi trong im mát hưởng thụ ngũ dục, làm đẹp nhan sắc với phấn và hoa, với hương cho các đứa nô tì, kẻ làm công trầm trồ, tán thán. Chàng và họ, ba bà vợ đầu, nhờ công đức, nhờ phước báu đã gieo trồng, bây giờ họ ngồi ở thiên đàng mà hưởng phúc quả. Còn ta thì đọa lạc làm thân súc vật xấu xí này thì còn chi nữa mà tự mãn? Than ôi? Phải lo tu tập đi thôi, phải kiên quyết giữ ngũ giới cho tròn như chàng đã dạy!

Bắt đầu từ dạo đó, Hạc không ăn các sanh mạng còn sự sống, lại không quen ăn lá cỏ, các loại hạt nên Hạc gầy yếu rất nhanh. Ít tuần sau là Hạc kiệt lực, ngã gục bên bờ suối. Sương rừng và gió núi làm hạc tỉnh lại. Mệt mỏi, lờ đờ, Hạc lê vài bước. Một chút nước suối làm nàng tỉnh hơn... Và ô kìa! Một con cá béo ngậy nằm phơi cái bụng vàng óng ánh! Nó chết rồi. Đấy chỉ còn là tứ đại. Nó sẽ cho ta sinh lực và sự sống.

Khi ngậm con cá trong chiếc mỏ xinh xắn, Hạc nghe thân cá rung động, uốn cong chiếc đuôi. Hoảng hốt và như một phản xạ trong sạch từ lương tâm có giới hạnh, Hạc nhả con cá ra, thẩn thờ. Hạc còn không quên dùng chiếc mỏ đẩy con cá xuống dòng nước. Thà chết chứ ta quyết không sát sanh. Dẫu cho cái đói có thúc bách ta, hành hạ ta, ta vẫn kiên gan chịu đựng để được lợi ích và tiến hóa lâu dài.

Trước mắt Nàng Hạc chợt rực sáng. Con cá bạc từ suối nước bỗng vút lên hư không như một vệt thủy tinh, hiện thành Đế Thích Thiên Vương ngồi giữa đám mây lành, dịu dàng, rực rỡ.

- Lành thay, Sujatà đáng mến! Nàng đã có giới ở trong tâm. Nàng đã biết nghe lời ta. Thật ra, chỉ chớp mắt là cái kiếp Hạc phù du. Hãy kham nhẫn, chiến thắng vị dục và cái bụng, rồi nàng sẽ được tái ngộ cùng ta giữa cõi Thiên Đường hạnh phúc xán lạn.

Nói xong, Đế Thích biến mất giữa hư không.

Nàng Sujatà nhờ có giới hộ trì, nâng đỡ, nhưng vì chưa đủ công đức nên hết kiếp Hạc, lại tái sanh trong một gia đình nghèo khổ làm nghề thợ gốm ở Ba-la-nại.

Từ đỉnh Sineru, nhờ thiên nhãn, Đế Thích Thiên Vương biết chỗ sanh thú của nàng. Lần này, Đế Thích hóa thành một cụ già đẩy một chiếc xe đầy dưa chuột chín vàng đi vào thành phố.

Ông già bán dưa chuột rao vang cái câu lạ lùng:

- Ai cần dưa, hãy đến lấy! Ai có giới hãy đến lấy dưa!

Màu dưa chuột chín vàng rất thích mắt, thấy là đã muốn ăn ngay. Thật là của hiếm giữa mùa nắng cháy rát da. Người ta đổ xô lại và ai cũng tranh phần muốn mua.

Ông già hét to:

- Các người là ai? Các người có giới không? Ta chỉ cho dưa chuột đến người có giới!

Mọi người nói:

- Tôi chẳng biết giới là gì, nhưng tôi có tiền. Tôi sẵn sàng trả giá cao nhất.

- Hãy đi - Ông già bán rong lấy tay xua - Ta không cần tiền. Tiền bạc có tích sự gì. Ta chỉ cho không đến người có giới.

Với sức mạnh, do thần lực của vị Thiên Chủ, đôi cánh tay gầy guộc của cụ già như hai vòng đai kiên cố bảo vệ xe dưa chuột. Đám đông như chạm phải một bức tường sắt, dạt lui. Ai cũng nghĩ là ông già ấy điên. Mọi người lảng tránh dần.

Tiếng rao của cụ già khàn khàn nhưng vọng từ đường phố này sang đường phố khác, từ khu nhà này sang khu nhà khác. Muôn dân thành Ba-la-nại không hiểu tại sao cứ nghe mãi âm thanh của ông già rao cho dưa chuột vang vang trong lỗ tai. Kể cả kẻ điếc lãng, họ không hiểu tại sao, hôm ấy họ cũng nghe rất rõ ràng.

- Ai có giới, ta cho không dựa chuột. Ai có giới, ta cho không cả xe dưa chuột.

Tiếng rao đến tai, nàng Sujatà bần khổ rung động mạnh. Tiềm thức quá khứ mơ hồ trở về. Nàng biết giới, nghĩ về giới, quen với giới như người bạn thân đi xa lâu ngày gặp lại. Nàng rẽ đám đông bước tới:

- Thưa cụ, tôi biết giới, tôi có giới. Hãy cho tôi dưa chuột!

Cụ già chợt nở nụ cười hóm hỉnh, nhìn Sujatà hỏi rằng:

- Cả xứ Ba-la-nại này có ai biết giới là gì đâu, vậy tại sao nàng biết?

- Thưa cụ, tôi biết từ quá khứ.

- Vậy giới là gì nào, cô bé ?

- Là ngăn giữ những điều ác, thưa cụ.

- Vậy là đúng! Vậy là tốt! Này cô bé, hãy thọ trì ngũ giới đấy nhé!

Rồi Đế Thích trao cả xe dưa chuột cho nàng, chỉ nói riêng cho nàng nghe:

- Đây chẳng phải là dưa chuột đâu mà là cả xe vàng ròng đấy. Hãy dùng của cải này nuôi mạng sống, nuôi cha mẹ già và làm các công đức. Nhớ tích lũy thêm các công đức, bố thí và làm các thiện sự hữu ích đến mọi người.

Sujatà y lời, giữ giới trong sạch, cúng dường các đạo sĩ, bố thí đến người nghèo khổ, xây dựng các trạm phước xá, chẩn bần cho đến mãn đời. Hết tuổi thọ, mạng chung, nàng sanh làm công chúa cõi A-tu-la thiên, mang sắc đẹp quý phái, đôn hậu và thùy mị.

Đến tuổi trưởng thành, A-tu-la Vương cho nàng tự do kén chồng. Các A-tu-la Hoàng tử khắp các cõi A-tu-la đồng đến tham dự. Đế Thích giả làm một A-tu-la hiên ngang, anh tuấn, cưỡi thớt ngựa trời sáng ngời châu báu. Giữa đám thanh niên A-tu-la, Đế Thích đẹp đẽ, phương phi, cao sang như chúa phượng hoàng.

Nhìn thấy Đế Thích, trái tim công chúa A-tu-la rung động mạnh bởi sợi dây luyến ái nhiều đời kiếp. Nàng chọn Sakka làm chồng giữa muôn vàn tiếng reo hò, tán dương của thần dân ngưỡng mộ.

Đế Thích ra mắt nhạc gia, hiện thành thân tướng trang nghiêm đầy uy lực của một vì Thiên Chủ tối cao, trình bày cho A-tu-la Vương nghe rõ nhân, duyên và quả, rồi sau đó muốn kết tình giao hảo giữa hai quốc độ.

A-tu-la Vương ban đầu đùng đùng nổi giận, sau nhìn thấy con gái đang rỡ rỡ hạnh phúc, nghĩ rằng, bây giờ dẫu là ông Vua Trời cao quý nhưng đã hạ mình làm giai tế, thì có lý nào lại cố chấp, chuốc mối oán thù? Điều nên đáng hãnh diện nữa là khác!

Bèn cười ha hả:

- Đế Thích! Ha ha! Rốt lại ngươi là con rể của ta, ha ha...

Đế Thích mỉm cười vui vẻ, sai chư thiên thuộc hạ dâng rượu trời, một số lễ vật cõi A-tu-la không thể có,... rồi vái lạy A-tu-la Vương làm nhạc phụ. Sau đó Đế Thích chào cha vợ rồi dẫn công chúa A-tu-la về cung trời Đao Lợi, tặng riêng nàng một tòa lâu đài, đặt nàng lên địa vị Thứ hậu, xung quanh đoanh vây hai ngàn năm trăm vạn thiên nữ.

Thanh niên Magha, trời Đế Thích là tiền thân Phật Thích Ca vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]