Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Bài thơ kỳ diệu

24/10/201202:50(Xem: 9128)
03. Bài thơ kỳ diệu

THANH GƯƠM BA-LA-MẬT
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Bài thơ kỳ diệu





Dòng họ Xu-đa-xá một thuở xa xưa kia trị vì kinh thành Ba-la-nại. Nhà vua chẳng chăm lo đến đời sống của dân mà chỉ ham mê thú săn bắn, bỏ bê triều chính cho lũ hoạn quan cùng bọn gian thần xu nịnh.

Trong một cuộc săn, vì mải miết đuổi theo đàn nai tơ nên đức vua lạc vào rừng sâu. Đến khi dừng lại, mệt quá, vua ngủ thiếp đi. Một con sư tử cái lông vàng óng ả đến nằm xuống một bên dụi đầu liếm chân, liếm tay đức vua ra chiều luyến ái! Nửa mê, nửa tỉnh, đức vua mơ màng vuốt ve nó một cách thân mật như quen biết nhau từ thuở nào...

Tỉnh dậy, đức vua bàng hoàng, “mỹ nhân” đi rồi nhưng hương tình ái như còn thoảng đâu đây?

Câu chuyện đó, tuy thế cũng dần dà theo thời gian mà cũng xóa mờ đi. Rồi hôm kia, một chuyện lạ lùng khác lại đến. Cả kinh thành xôn xao vì sự xuất hiện của một con sư tử lông vàng, trên lưng cõng đứa bé mới sinh, đi thẳng vào cung điện. Hình ảnh này khêu gợi sự tò mò hơn là sự sợ hãi; người ta đi xa xa sau lưng nó với sự ngạc nhiên kỳ thú.

Bà - mẹ - chốn - rừng - xanh không làm gì, cẩn thận đặt đứa bé dưới chân đức vua rồi lặng lẽ trở lại rừng sâu.

Đức vua không nhớ chuyện cũ, lại không có con nên nhận đứa bé làm con mình và đặt tên Kama. Trẻ Kama lớn lên rất nhanh và được đức vua cho đi học ở Tắt-ká-xi-la. Tại đây, Kama làm quen với một trăm vị Hoàng tử từ khắp các tiểu quốc đến theo học. Thầy họ là một Bà-la-môn lỗi lạc, có khả năng đào tạo nên những kẻ lãnh đạo tài ba, những nhà chính trị, quân sự, thiên văn, địa lý... và cả những bậc hiền đức. Ngôi sao sáng ở trong lớp về mọi lãnh vực là Hoàng tử Xu-ta-ma và kẻ tệ hại nhất là Hoàng tử Kama.

Hôm kia, sau cuộc bế giảng khóa học, Thầy Bà-la-môn trứ danh nhìn một trăm lẻ một vị Hoàng tử, tương lai là một trăm lẻ một đức vua của thiên hạ mà nói rằng:

- Cho đến kẻ tệ nhất của lớp học này cũng đã thành tài. Sau này, tuy còn một vài thử thách của Thượng đế và hiểm họa sẽ đến từ một kẻ thất đức trong chư vị; nhưng kẻ trí đức nhất trong lớp học sẽ đem lại hòa bình và an lạc cho một trăm lẻ một tiểu quốc.

Người ta tò mò đưa mắt nhìn trộm Kama, rồi lại nhìn trộm Hoàng tử Xu-ta-ma - người anh cả của lớp học - rồi bâng khuâng về lời tiên tri kín đáo và kỳ lạ của vị thầy.

Kama trở về quốc độ thì vua cha mất, chàng lên ngôi vua, kế tục dòng họ Xu-đa-xá. Cũng như các vua trước, chàng duy trì tôn miếu, xã tắc, lại sáng suốt hơn cha trong việc loại bỏ các nịnh thần, dùng người thực tài, thực học vào các chức vụ. Vua lại không ham mê săn bắn, không đắm say tửu sắc, chỉ thích đấu võ và ăn thịt. Đấy là hai sở tài vô địch của đức vua. Mười viên hổ tướng cùng hợp lực không đỡ nổi thanh đao của ngài. Đức vua có thể túm chân một con voi con bằng hai con bò mộng quăng đi xa hơn trượng. Còn thịt thì vua ăn rất nhiều. Ngài chỉ cần thịt làm món ăn chính và mỗi bữa tối thiểu cũng phải có cho đức vua chừng hai mươi cân. Đây có lẽ là do bản tính di truyền mà đức vua thừa hưởng của sư tử mẹ.

Vua quan ngự trù biết tính vua nên luôn luôn chuẩn bị các loại thịt rất chu đáo. Món ăn nào dọn ra cũng thịt và thịt; lại kho nướng chiên xào tẩm gia vị ngon lành thơm tho. Cho đến một hôm kia, trước bữa ăn, vì sơ ý, các món thịt bị bọn chó săn trong cung của vua trước, lang thang tìm đến và chén sạch hết. Hôm ấy là ngày lễ tôn giáo của đạo Bà-la-môn nên các cửa hàng đều đóng cửa chẳng tìm đâu ra thịt có sẵn. Và trong cung cũng không thể kiếm thịt cho vua dùng. Tình thế thật là nguy cấp. Vợ viên quan ngự trù chợt sáng dạ, chị ta lén xẻo những bắp thịt đùi của người tử tù vừa bị xử trảm đem vào cho kịp bữa ăn. Vừa ngồi vào bàn, đức vua đã đánh hơi được mùi vị khác thường. Vua ăn một miếng, nhai từ từ từng chút một, thấm sâu vào cổ, vào ruột rồi dường như tan nhanh ra các tế bào. Vua ngất ngây. Rồi miếng thứ hai, thứ ba... Đức vua say sưa tận hưởng món ăn tuyệt vời. Bữa ăn đã xong, bụng đã no nhưng miệng còn thèm, nhà vua hỏi quan ngự trù về món thịt kỳ lạ này. Viên ngự trù ban đầu vì sợ hãi nên nói quanh, nhưng làm sao dấu được ông vua vốn rất thiện xảo về nghề nếm thịt? Cuối cùng y phải nói thật. Y hồi hộp và nín thở chờ đợi sự trừng phạt nghiêm khắc của đức vua mà y đoán chắc không thoát nổi tội chém đầu. Nhưng, hắn ngạc nhiên xiết bao, đức vua mỉm cười khen ngợi hắn. Rồi nhà vua kín đáo ban thưởng, lại dặn dò kỹ lưỡng rằng:

- Từ nay về sau, trẫm chỉ thích duy nhất một món thịt ấy mà thôi!

Ở miền khí hậu nóng của xứ Ấn Độ khó mà giữ được thịt tươi đến sáng ngày hôm sau, nên mỗi ngày phải tìm cho ra thịt mới. Thế là mỗi ngày phải hạ thịt một người. Những tên tù lần lượt bị đem ra chém rồi được bí mật mang về lấy thịt dọn cho đức vua. Nhưng rồi đến một ngày kia nhà tù hết người. Viên ngự trù lo lắng không ngủ được. Vợ y lại góp ý bảo rằng, ở kinh đô biết bao tên bợm rượu say sưa khuya về nằm gục trên các khoảng đường vắng, kéo y vào nghĩa địa, thịt xong rồi dấu xác thì đố ai mà biết được? Viên ngự trù mừng rỡ. Và bắt đầu từ đó y làm nghề săn thịt người.

Nhưng rồi không phải lúc nào cũng có người say, viên ngự trù giờ đây lại rình trong bụi chờ những kẻ đi chơi một mình về khuya, những trẻ lang thang không nhà cửa, hoặc những khách lỡ đường nằm ngủ góc đình, xó miếu. Thế là thời gian sau kinh thành lên tiếng báo động vì đã có quá nhiều người mất tích. Một không khí đe dọa, khủng bố bao phủ mọi nơi, mọi chỗ. Nhà nhà đóng cửa sớm và đường sá, phố phường đêm xuống là trở nên lạnh tanh. Tuy thế, nạn mất tích, bị bắt cóc vẫn còn tiếp diễn. Cơ quan hữu trách bắt đầu làm việc vì bà con họ hàng họ cũng đã có kẻ là nạn nhân. Nhiều toán như những bóng ma được phân bố túc trực các ngả đường, các hóc tối.

Mãi cho đến một hôm người ta bắt được tên sát nhân núp trong lùm cây, đao đang còn vấy máu cùng với đứa trẻ bị xẻo hết thịt chưa kịp chôn xác đi. Tên đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là viên quan ngự trù của đức vua.

Người ta dẫn hắn ra pháp đình với cả xâu thịt đỏ tươi đeo ở cổ. Hắn nhận tất cả tội lỗi bấy nay và cung khai chỉ là kẻ thừa hành mệnh lệnh, thủ phạm chính là đức vua chí tôn. Pháp đình và dân chúng xôn xao. Nhưng rồi họ chợt liên tưởng đến dòng máu sư tử, sức mạnh hùm beo cùng bản tính ưa ăn thịt và ăn khỏe một cách lạ lùng của đức vua... Họ không còn nghi ngờ gì nữa. Mọi người chợt đâm ra phân vân bất quyết. Đây là vụ án cổ kim chỉ có một. Dẫu là đức vua nhưng pháp luật đâu có biệt lệ. Tuy thế, họ đắn đo vô ích, kinh thành đã nổi loạn rồi. Với giáo, mác, gậy họ đã ùn ùn kéo đến cung điện để đòi nợ cha, con và chồng. Lẽ phải tùy thuộc ở đám đông. Binh mã lính tráng rần rần rộ rộ kéo đi. Sự phẫn nộ và giận dữ của bá tánh bốc lên một cách khủng khiếp. Ông vua ăn thịt người bị bao vây bốn phía tám phương với sát khí đằng đằng.

Quả là dòng giống sư tử chính thống, Kama lao ra, vung một đường đao ác liệt, mở một đường máu, cứu thoát viên ngự trù; rồi như một cơn lốc uy mãnh, nó biến dạng vào rừng sâu...

Trong khi ở Ba-la-nại xảy ra những biến cố kinh hoàng như vậy thì vùng lân bang kế cận, kinh thành In-đờ-ra, không khí sinh hoạt lại khác hẳn. Thái tử Xu-ta-ma, ngôi sao sáng ở lớp học Tắt-ká-xi-la thuở nào, thuộc dòng vua Kuru, là bậc hiền đức. Dân chúng sống yên ổn thanh bình. Người ta đọc lên rất nhiều bài thơ ca ngợi hạnh phúc, ca ngợi non sông gấm vóc, cây cỏ, mùa màng, tình yêu cùng đức hạnh vô song của Thái tử Xu-ta-ma.

Mặc dầu chưa lên ngôi trị vì, Thái tử giúp vua cha mở các lớp học về đạo đức và văn học, các bậc đại hiền đều được triều đình dùng lễ quốc sư mời về làm cố vấn hoặc giữ chứ vụ trọng yếu. Hàng trăm thầy Bà-la-môn uy tín lão thành được mời về ở những biệt điện cao sang; và họ sẽ là người giúp sức cho Thái tử đào tạo anh tài lương đống cho tổ quốc. Về văn học, đặc biệt Thái tử đã trao nhiều giải thưởng quý giá cho những tác phẩm văn thơ lỗi lạc. Đã nhiều lần, Thái tử ban thưởng hàng chục ngàn đồng tiền vàng cho những thi phẩm tuyệt tác đến nỗi vua cha phải tìm cách khuyên can. Nhưng Thái tử một mực xin vua cha cho được như nguyện. Vì theo ý ngài thì không có kho của cải nào trên đời này quý giá bằng những ý tưởng cao đẹp thoát lên từ những lời thơ hay! Thái tử nói:

- Thưa Phụ vương! Tư tưởng dẫn đầu mọi sinh hoạt, tư tưởng dẫn đầu thế giới, làm nên thế giới! Tư tưởng thanh cao, siêu phàm, có thể hướng dẫn cho lòng người đến chỗ thanh cao, siêu phàm. Vật chất cơm áo không thể quyết định đạo đức, lương tri, mà chính tư tưởng thanh cao siêu phàm quyết định nhân nghĩa, hạnh phúc, hướng dẫn hạnh phúc và hoàn thiện hạnh phúc. Vậy thì con thiết tưởng, những phần thưởng vật chất kia dành cho những lời thơ cao đẹp, sợ chưa xứng đáng cho công đức mà nó đã ban phát, mà nó đã thấm nhuần vào những mọi ngõ ngách của tâm hồn và cuộc sống. Phụ vương hãy khuyến khích con hơn nữa thì mới phải.

Vua cha hoàn toàn bị thuyết phục; rồi chợt mỉm cười khi nghĩ rằng, tổ tiên dòng dõi Kuru mấy ngàn năm nay cai trị quốc độ bằng võ lực, pháp lý và binh quyền, đến đây chắc phải cáo chung để nhường cho ông vua trẻ, thời đại mới, bằng “văn thơ mà trị vì thiên hạ”!

Một buổi sáng đầu năm, lúc Thái tử đi dự hội hoa xuân thì ngài gặp một người khách lạ. Đấy là lão Bà-la-môn tóc bạc như tuyết, người gầy khô như hạc, chống cậy gậy trúc đứng chờ bên đường.

Lão Bà-la-môn khẽ nghiêng mình:

- Phải chăng ngài là Thái tử Xu-ta-ma đức hạnh?

Thái tử thấy cốt cách tiêu sái, khác phàm của lão Bà-la-môn, đáp lễ rồi hỏi:

- Vậy thầy là ai?

- Là kẻ quê mùa dân dã ở xứ núi tuyết xa xôi - Lão Bà-la-môn nói - đến chốn đế kinh chỉ mong đọc cho Thái tử nghe bốn câu thơ.

Thái tử sáng mắt lên. Khách lạ say sưa nói:

- Lão suốt đời coi thơ như mạng sống của mình. Nghe nơi nào có thơ hay cũng phải lặn lội đến nơi cho kỳ được. Tuy thế, như đáy bể mò châu, dễ gì kiếm được một vài ý thơ hay giữa đống thơ, núi sách của thiên hạ. Lâu lắm lão cũng gặp được một vài câu thơ tuyệt diệu của những kẻ vô danh. Những khi như vậy, lão như gặp được bạn tri âm, niềm hoan lạc có thể kéo dài suốt tuần lễ! Thưa Thái tử! Gần đây tâm hồn con người đã quá khô khan, cằn cỗi, sa mạc hoang hóa, những bài thơ thanh cao siêu phàm không còn có môi trường thích hợp để nảy nở. Thảng hoặc, thế gian là vùng đất quá trù phú cho những thú vui ngũ dục tầm thường, nên lão đã lánh mình lên núi cao, sống đời giải thoát như hư không. Bốn câu thơ mà lão sắp đọc cho Thái tử nghe đây là bốn chuỗi ngọc trinh tuyền của ý tưởng được đúc kết lại; là thành quả mười năm thai nghén trên tuyết sơn...

Thái tử cúi đầu chăm chú lắng nghe, niềm náo nức rộn ràng như muốn nhảy bung cả lồng ngực.

Lão Bà-la-môn làn tóc phất phới, đôi mắt sáng ngời tiếp:

- Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ là quá đủ cho giá trị cũng như thành quả tìm kiếm của một đời người. Của báu, lâu đài, vương tước, mỹ nhân thiên hạ chợt như bó giẻ rách tầm thường trước bốn câu thơ bất hủ vô song này. Thưa Thái tử, lão không nói quá lời. Trước Thái tử là nhà bác học văn chương, bậc đức hạnh mà lão khiêm nhường thì lại trở nên lố bịch! Thưa Thái tử! Mấy ngàn bậc hiền triết, đại thi hào xưa và nay; nếu nghe được bốn câu thơ này, họ sẽ tự động thiêu hủy hết tác phẩm của họ; và sẵn sàng ngửa cổ chịu chết, hy sinh danh dự và tánh mạng miễn là nghe được vài lời, vài chữ...

Thưa Thái tử! Vậy thì ai là kẻ xứng đáng đầu tiên được nghe ngoài bậc hiền đức kinh đô Indra. Không có ai! Lão tìm đến đây, sau khi đọc thơ, đừng tưởng là lão sẽ mong một phần thưởng xứng đáng như mọi người tâm phàm xác tục. Đừng! Đừng đánh giá lão thấp thỏi đến như vậy. Chúng ta đừng nên xúc phạm đến những lời thơ với ý tình cao cả!

Thái tử Xu-ta-ma đáp:

- Nhất định! Nhất định ta sẽ thăng hoa tư cách để không làm cho lão thi nhân phải thất vọng.

Lão Bà-la-môn chợt mỉm cười:

- Nhất định! Nhất định Thái tử sẽ có tư cách ấy, “kiếm báu trao tay người hiệp sĩ, thơ hay hiến tặng bậc thanh cao”. Lão đã tìm đúng người. Vậy thì bây giờ xin Thái tử lựa chọn cho một không gian yên tĩnh và thanh khiết, có cỏ cây sơn thủy hữu tình, có một lò trầm kỳ nam thoang thoảng đưa hương. Khi ấy, lão sẽ đọc cho Thái tử nghe những ý thơ được chắt lọc tinh túy từ vạn vẻ đẹp, từ vạn chân lý của cuộc đời...

Mặc dầu Thái tử nôn nóng muốn nghe lắm nhưng nhìn cuộc hội xuân đã bắt đầu khai mạc, người ta đang chờ đợi ngài; nên hẹn lão Bà-la-môn, hôm sau, vào buổi chiều; Thái tử cũng không quên dặn người nhà mời lão Bà-la-môn về nghỉ ngơi tại tòa lâu đài và tiếp đãi cung phụng cho thật chu đáo.

Buổi lễ khai diễn, người ta chào đón Thái tử bằng những điệu múa tươi vui trẻ trung của muôn ngàn đóa hoa xuân nở rộ; nơi những ca khúc trong lành, tinh khiết của nắng ngọc và sương sớm giao hòa... Bỗng một tiếng gầm lớn! Cuộc vui dừng lại. Ca nhi và vũ nữ hoảng hốt chạy tán loạn. Một kẻ lạ mặt cực kỳ to lớn, thân hình đầy lông lá trông vô cùng man rợ đang bươn bả về phía Thái tử Xu-ta-ma. Nhưng đoàn lính hầu cận Thái tử đã sẵn sàng gươm giáo, hàng rào thép để bảo vệ ngài chống với kẻ lạ mặt. Nhận ra Kama, bạn học cũ ở Tắt-ká-xi-la thuở nào, bình tĩnh hơn bao giờ, Ngài khoát tay bảo thủ hạ dạt ra. Kama rống lên như một con thú rừng rồi nhảy xổ tới, trông khỏe như voi núi và nhanh như gió bão. Thái tử không tỏ ý chống cự. Hắn cõng Thái tử lên vai, rồi hú một tiếng, biến đi như làn chớp.

Kama đã làm gì, đã sống như thế nào trong rừng sâu kể từ khi rời bỏ ngôi vua chí tôn kinh đô Ba-la-nại? Thật khó mà kể hết những hành vi tàn bạo ghê rợn của hắn. Kama đã biến thành dã man và rừng rú kể cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn. Râu tóc hắn mọc dài ra không còn nhận được khuôn mặt người. Áo quần hắn rách bươm bê bết máu đã khô cứng lại. Móng tay, móng chân dài và nhọn hoắc như móng thú. Những sợi gân máu đỏ trong tròng mắt bao giờ cũng long lên dữ dằn. Chỉ cái hình thù khủng khiếp ấy thôi đã đủ làm người ta ngất xỉu mỗi khi trông thấy hắn. Thế là hắn chỉ việc thò tay nhấc con mồi về, sai tên đầu bếp xẻo thịt, nướng quay và ăn một bụng no. Mỗi mạng cả hai thầy trò làm được một ngày.

Hôm kia, hắn săn suốt khắp mấy khu rừng mà không tìm được một kẻ vô phúc nào. Trở về dưới gốc cây to - dùng làm nhà che mưa đỡ nắng bấy nay, thì trời đã hoàng hôn, Kama đói cào ruột. Hắn bỗng thấy một bóng người. Khỏi cần đao và kiếm, hắn thò tay ra và nhảy vồ tới. Móng tay sắt nhọn nắm đúng yết hầu nạn nhân, xớt gọn và nhanh như cánh chim cắt. Những sợi gân cổ đứt lìa, máu tuôn có vòi, hắn quăng xác chết xuống đất chẳng cần biết đàn ông hay đàn bà. Hắn cất tiếng gọi viên quan ngự trù - bây giờ đã trở thành tên đầu bếp chuyên làm thịt người - nhưng gọi hoài cũng chẳng nghe ai thưa, ai hỏi. Hắn gọi đã khan cả cổ. Tức giận hắn định đi tìm thì bỗng nhận ra xác người nằm dưới chân. Đấy rõ ràng là tên đầy tớ trung kiên của hắn, nào phải ai xa lạ đâu. Nhưng không một chút cảm động, hắn tự tay quay thịt tên đầu bếp bất hạnh ngay tại chỗ mà trước đây tên kia đã thịt rất nhiều người. Thế là từ hôm ấy, hắn phải đích thân làm đầu bếp cho mình.

Khu rừng Kama ở, từ đấy người ta gọi là Sát Nhân Lâm. Cái tên gọi thật là khủng bố và kinh hoàng. Trong vòng mười dặm chẳng có ai dám vãng lai. Kỹ thuật giết người của Kama càng lúc càng tỏ ra man rợ và tinh xảo. Hắn có thể xuất hiện từ một chạng cây, một gộp đá, một bờ đất, kẻ bộ hành thoáng nghe động chưa kịp quay lại đã nghe cổ mình bị siết chặt rồi một thanh đao đã xuyên ngọt qua cổ, qua tim, qua bụng từ bao giờ. Chưa có ai chống cự được một phút giây nào.

Càng lúc Kama càng đi làm ăn xa. Mùa nắng thịt không để được lâu nên hai ngày hắn phải kiếm cho ra một người, quay chín rồi ăn dần. Mùa đông và đầu xuân, hắn có thể kiếm một lúc năm bảy người rồi chôn sâu dưới tuyết, nếu chưa chết, hắn cũng có thể cột con mồi ở gốc cây rồi mỗi ngày thịt mỗi mạng.

Hôm kia, nhìn lên tàn cây đa to lớn đã nương náu bấy lâu, hắn khởi lên ý nghĩ là làm một cuộc lễ to lớn. Để tỏ ra xứng đáng, hắn nguyện sẽ bắt sống một trăm vị Hoàng tử, lấy huyết để tế thần cây (một tà thuyết phổ thông thời bấy giờ). Thế là chỉ trong vòng một tháng, hắn đã đi và về chín mươi chín quốc độ - sức hắn còn đi nhanh hơn thần mã - bắt đúng chín mươi chín vị Hoàng tử, đều là bạn học của hắn thời nhỏ ở Tắt-ká-xi-la.

Và Thái tử Xu-ta-ma nữa là người thứ 100.

Vứt Thái tử Xu-ta-ma xuống đất, với phong độ của người thắng trận, Kama cất tiếng cười ngạo nghễ:

- Này hỡi một trăm vị Hoàng tử cao sang tột bực của châu Diêm-phù-đề! Các bạn làm vua thiên hạ, đâu có ngờ hôm nay bại dưới gót chân ta? Các bạn đâu có ngờ được rằng chữ nghĩa, học thức lại trở thành vô nghĩa lý trước sức mạnh của ta? Hà, hà...

Chín mươi chín vị Hoàng tử, đều bị trói và cho ăn uống cầm hơi, riêng Thái tử Xa-ta-ma, con người văn nhược ấy, là ngôi sao sáng của lớp học thời Tắt-ká-xi-la, hắn lại đối xử khác. Nếu Xu-ta-ma chạy trốn mười dặm đường, hắn vẫn tự tin là hắn còn đuổi kịp.

Hắn thân mến trao cho Thái tử một miếng thịt đùi:

- Ăn đi! Ông bạn hiền lành! Đây là phần thịt ngon nhất mà thượng đế dành sẵn cho chúng ta! Hãy cảm tạ ân sủng thiêng liêng ấy!

Thái tử nhìn tình cảnh đã tiên đoán ra mọi sự. Tuy thế, ngài không mất bình tĩnh, từ chối miếng thịt của Kama rồi nói:

- Người thì làm sao mà có thể ăn thịt người hở Kama? Chỉ có người chối từ nhân tính và đồng loại như ngươi thôi, Kama ạ! Đã là người thì từ trong chỗ sâu xa nhất của tâm hồn, phải có cái gì là thanh cao và tinh khiết nhất!

Nói đến ngang đây, Thái tử chợt xúc động và rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến bài thơ tuyệt tác của lão Bà-la-môn mà Thái tử chưa được nghe! Thái tử muốn nói đến cái thanh cao và tinh khiết ấy, nhưng Kama thì làm sao mà hiểu được?

Thấy khóe mắt của Xu-ta-ma rơm rớm ướt, Kama chế nhạo:

- Bạn lại sợ hãi cái chết rồi phải không, Thái tử Xu-ta-ma quý mến? Hay là bạn đang liên tưởng ngai vàng cùng thú vui ca xang, chăn chiếu với mấy ngàn cung phi mỹ nữ?

Phải, trong đầu của Kama chỉ có chừng ấy.

Xu-ta-ma tự nghĩ:

- Một trăm cái đầu tạm bợ này rơi đi cũng chẳng có gì phải ân hận cả. Ta chỉ ân hận là lời hứa với lão Bà-la-môn mà chưa thực hiện được. Ôi! Nếu ta là kẻ thất tín, dẫu cho vì hoàn cảnh nào thì lão Bà-la-môn đáng quý trọng kia sẽ thất vọng và buồn khổ biết bao nhiêu? Với giọng tha thiết, Thái tử bèn trình bày câu chuyện lại cho Kama nghe, rồi kết luận:

- Hãy cho ta trở về thực hiện lời hứa, và sau khi nghe thơ xong, ta trở lại đây chịu chết tức khắc.

Kama không tin là trên đời này có kẻ dám thủ tín với cái chết của mình nên y khăng khăng không thuận. Nhưng kìa! Xu-ta-ma đột nhiên đứng dậy, chỉ vào gươm mình và cất cao lời thề danh dự của người Kuru. Chưa ai đã không thể không tin vào lời thề thiêng liêng của người Kuru, kể cả kẻ đã mất hẳn nhân tính này, nên hắn đã chấp thuận cho Xu-ta-ma trở lại kinh đô để thực hiện lời hứa.

Kể sao cho xiết sự đón mừng của mọi người khi thấy Thái tử an toàn trở lại. Nhưng việc đầu tiên của ngài là đến gặp lão Bà-la-môn; và cũng để cho Kama khỏi phải chờ đợi lâu, Thái tử cho lập ngay một khoảng không gian yên tĩnh ở thượng lâu, ở đấy có cây cảnh và núi non u nhã, đốt một lò trầm hương, rồi chuẩn bị trai lòng đón nghe bốn câu thơ bất hủ. Mọi việc đã xong, lão Bà-la-môn gật đầu hài lòng. Chợt lão lim dim đôi mắt lại, trọn cả thân và tâm dường như đã thu liễm sẵn sàng. Tinh anh của vạn chân lý, của vạn vẻ đẹp sẽ được thoát ra từ óc não, trái tim của bậc vĩ nhân vô tiền khoáng hậu này.

Thế rồi... bốn câu thơ đã đọc xong!

Cả vũ trụ im lặng kỳ dị!

Không gian và thời gian không còn nữa!

Chỉ có hào quang, sự sáng, yên tĩnh, hòa bình và thanh khiết là tồn tại. Nó lại còn có một mãnh lực phi thường là kích động tâm can những đức tính cao đẹp nhất của con người. Nó xuất thế hóa, thanh cao hóa những tâm hồn bẩn chật, tối tăm và ô nhiễm. Thái tử hỷ lạc đến từng chân tơ kẻ tóc, tâm trí như lọt vào một thế giới rực rỡ hào quang cao vời ở đâu thuộc thượng tầng thanh khí. Từng lời, từng chữ, từng âm, Thái tử như uống cả vào lòng.

Lâu lắm. Lâu lắm. Thái tử thành khẩn nói:

- Một kiếp người, vạn kiếp người sẽ vô ích nếu không được nghe bốn câu thơ kỳ diệu kia. Này hỡi lão thi nhân siêu việt! Thầy hãy vui lòng cho ta được đáp tạ trong muôn một. Vì ta là kẻ đã nhận được quá nhiều. Quá nhiều.

Lão Bà-la-môn gật đầu, cười hào sảng:

- Được, lão có thể từ chối vật chất nhưng không có thể từ chối tấm lòng.

Thái tử sung sướng sai người mang ra mười viên bảo ngọc, một trăm tấm lụa trắng xứ Kāsi, hai triệu đồng tiền vàng. Tất cả đều được bỏ trên những chiếc mâm bằng pha lê trong suốt.

Lão Bà-la-môn thành kính thọ nhận tất cả. Nhưng sau đó lão chỉ bỏ vào túi một trăm đồng tiền vàng rồi nói:

- Phần lão chỉ bấy nhiêu là quá dư thừa cho một kiếp thi nhân phiêu bồng lãng đãng. Số còn lại xin Thái tử tùy nghi sử dụng vào những việc ích quốc lợi dân, những kẻ nghèo đói, khốn khổ và tật nguyền. Ôi! Ai là kẻ biết cho thì y luôn luôn là kẻ được nhận!

Lão Bà-la-môn khẽ nghiêng chào từ giã trước đôi mắt khâm phục của Thái tử. Thái tử Xu-ta-ma chép miệng:

- Bậc thiện trí thức đến với ta trong đời này dẫu không nhiều nhưng đã tác động đến ta thật mãnh liệt. Ôi! Dễ gì mà sống một kiếp làm người cho xứng đáng!

Lão Bà-la-môn vừa đi khỏi là Thái tử đến từ biệt vua cha và Hoàng hậu. Mặc dầu trước những giọt nước mắt máu mủ buộc ràng, cản ngăn, Thái tử cương quyết dứt áo ra đi và trở lại Sát Nhân Lâm một mình.

Xu-ta-ma về đúng hẹn làm cho Kama phải kinh ngạc. Sự coi thường cái chết của ngài làm cho hắn kinh ngạc hơn nữa. Kinh ngạc lẫn thán phục, Kama tự nghĩ:

- Trên đời này sao lại có chuyện kỳ quái đến như vậy? Bốn câu thơ kia không lẽ giá trị hơn những miếng thịt đùi của ta? Ôi! Những miếng thịt đùi béo ngậy, ngon ngọt, thơm lựng mới quý giá làm sao. Nó lại còn bổ dưỡng cơ thể, tăng sức khỏe, tăng tuổi thọ nữa chứ. Còn những lời thơ bất quá như gió thoảng ngoài tai! Sao thế gian lại có kẻ ngu si, điên rồ dám đánh đổi bốn câu thơ bằng tính mạng của mình? Vì nghĩ như vậy nên Kama chợt đâm ra tò mò. Hắn cũng có học thức nên muốn biết bốn câu thơ kia hay ho tuyệt diệu đến ngần nào. Bây giờ đến lượt hắn, hắn muốn nghe bốn câu thơ quái lạ. Hắn tỏ ý ấy với Thái tử. Nhưng Xu-ta-ma từ chối, ngài nói:

- Lời thơ hay không xứng đáng để lọt vào tai kẻ phàm phu tục tử; nhất là nhà ngươi, Kama ạ! Kẻ chỉ biết giá trị tôn quý trên đời này ngang bằng những miếng thịt đùi!

Kama chột dạ. Nhưng sự tò mò lại lớn mạnh hơn. Thế là hắn cố nén giận dữ để năn nỉ cho bằng được với những lời và cử chỉ từ tốn nhất, khiêm hạ nhất. Tuy thế, Thái tử Xu-ta-ma vẫn từ chối:

- Một bài thơ dẫu vỏn vẹn có bốn câu, nhưng lão thi nhân kia phải bỏ ra mười năm trường thai nghén trên núi cao. Một bài thơ mà ta còn coi trọng hơn cả tính mạng của mình; rồi sau khi nghe xong, ta lại còn năn nỉ người để hậu tạ bằng mười viên bảo châu, một trăm tấm lụa xứ Kāsi, hai triệu đồng tiền vàng bỏ trên những mâm bằng pha lê. Bài thơ như vậy mà có thể để cho ngươi - một con người đã biến thành thú tính, ăn và uống máu thịt đồng loại - nghe được sao hở Kama? Hãy biết rõ cái cuồng vọng và ngu si của chính mình. Ôi! Hãy chặt đầu ta và ăn gan ta, ăn tim ta đi thôi!

Kama lông tóc dựng đứng, khuôn mặt xanh lè đến ghê rợn, hắn gầm lên một tiếng to chấn động cả ngôi rừng. Nhưng quả là hắn đã có sự trấn tĩnh phi thường hay duyên lành đã hỗ trợ hắn, nên hắn đã phủ phục dưới chân Thái tử:

-Cho nghe! Cho nghe! Hỡi Thái tử Xu-ta-ma quý trọng! Kama này cũng dám đánh đổi mạng sống, hy sinh những miếng thịt đùi để nghe bốn câu thơ kỳ diệu kia cho kỳ được!

Tâm cơ máy động, Thái tử biết nhân duyên đã hội đủ, bèn nghiêm trang nói:

- Kama hỡi! Với lòng chí thành ấy, ta sẽ đọc cho ngươi nghe, nhưng ngươi phải chuẩn hứa với ta vài điều!

Kama giật đầu:

-Vài điều, trăm điều, vạn điều... cũng làm được tất cả nếu trong vòng khả năng của ta.

Rồi hắn chỉ vào gươm mình - bao giờ trên người hắn cũng rất nhiều vũ khí - rồi dõng dạc:

- Kama này cũng biết đến lời thề của người Kuru các ngươi!

Thái tử mỉm cười hài lòng, dẫn Kama đến một tảng đá cao. Ngài ngồi xếp bằng ở trên và bắt Kama quỳ ở dưới. Rồi với tất cả sự nồng nhiệt và bừng bừng từ trái tim, Thái tử đọc to lên; âm thanh bàng bạc như quyện khắp cả núi rừng, cây cỏ; tứ và lời sâu thẳm, bao la, bát ngát... tuôn ra...

Bài thơ có tác dụng kỳ diệu, nó khơi dậy các điều tinh khiết, thanh cao ngủ quên quá lâu xa trong tiềm thức của kẻ đã biến hẳn tính người. Nghe xong, Kama bất động như tượng đá. Hắn nghe tiếng gọi đâu đó từ xa xăm, đưa hắn trở về bầu trời quang đãng, bình yên mà hắn đã đánh mất. Hắn khóc. Những giọt nước mắt cứ tuôn ra, rồi rỏ xuống từ hai khóe mắt yên lặng.

Tiếng Thái tử Xu-ta-ma thoảng bên tai như lời gió thì thào nhắn nhủ:

- Kama! Người bạn hiền! Bây giờ tất cả đã đổi mới. Thay vì vài điều chuẩn hứa thì đây chỉ là vài điều ước nguyện cho bạn thôi.

Thứ nhất ta cầu nguyện cho bạn sức khỏe, hạnh phúc, trường thọ để cùng chín mươi chín vị Hoàng tử kia sống với nhau trong tình nghĩa đệ huynh!

Thứ hai, ta cầu nguyện cho bạn sớm từ bỏ cuộc sống này, trở về lên ngôi vương đế lấy chính pháp trị dân!

Ôi! Chỉ hai lời cầu nguyện mà hàm chứa tất cả. Vô lẽ Kama lại không thích người ta cầu nguyện cho mình? Và như vậy thì Kama phải thực hiện mấy điều ẩn tàng trong lời cầu nguyện: thả chín mươi chín vị Hoàng tử, từ bỏ cuộc đời man dã, sống đời hiền lương.

Kama tự nghĩ:

- Y chẳng xin cho y sống, không hận thù ta mà lại còn cầu nguyện sự hạnh phúc và trường thọ cho ta nữa? Ôi! Tâm hồn y cao cả dường ấy? Mọi điều có thể vì kính nể y mà ta làm được. Nhưng từ bỏ đời sống này! Nghĩa là vĩnh viễn không còn những đùi thịt người?

Trong tâm của Kama lúc bấy giờ đang xảy ra một cuộc tranh chấp dữ dội. Y chẳng thiết gì đến ngôi báu, điện ngọc, lầu vàng, mỹ nữ - chỉ để đánh đổi những bữa ăn thịt người khoái khẩu mà bây giờ đành phải đoạn tuyệt ư?

Một chiến trường khốc liệt cũng không dữ dội bằng sự đấu tranh thầm lặng này. Y đã mấy lần cắn răng, đã mấy lần nuốt nước miếng vào sâu trong cổ họng; đã mấy lần thay đổi sắc mặt từ đỏ, xanh sang trắng... Cuối cùng, y hét to lên một tiếng rồi búng người lên cao, rơi xuống... Y vùng đứng dậy:

- Ta đã thắng! Ta đã thắng! Nghĩa là lương tri đã thắng! Thái tử Xu-ta-ma ơi! Hãy cứu ta!

Nói xong, Kama nghiêng ngả dường như đứng không vững. Thái tử Xu-ta-ma bước xuống nắm tay Kama run run cảm động. Ngay khi ấy trời đất và vạn vật thảy đều rung chuyển vì sự thắng lợi huy hoàng của bốn câu thơ kỳ diệu, của Thái tử Xu-ta-ma; và nhất là sự trở về của một con người!

Cả hai yên lặng bên nhau rất lâu. Niềm cảm thông bao la đã làm mát rượi những cõi lòng và cả cây cỏ. Lát sau, chín mươi chín vị Hoàng tử đều được cởi trói. Kama hổ thẹn và ăn năn đến tội nghiệp.

Bây giờ việc khó khăn khác cần phải giải quyết: Làm sao đưa Kama trở về kinh thành Ba-la-nại? Niềm thù hận của những người mất chồng, con, cha đâu dễ phút giây mà xóa mờ được? Tội ác của tên đầu bếp, hắn đã nhận lấy cái hậu quả ở trong bụng của chủ nó rồi. Còn tất cả tội lỗi của Kama ở kinh thành cũng như sau này ở Sát Nhân Lâm thì ai sẽ gánh chịu? Có thể Kama sẽ chuộc lại một phần nào bằng tất cả việc lành sau này của mình, nếu văn võ bá quan cũng như trăm họ đồng ý như vậy, nhưng ai là người đảm bảo cho sự hoàn thiện của Kama? Giải quyết những khó khăn này người ta chỉ trông cậy vào Thái tử Xu-ta-ma, bậc đức hạnh mà uy tín của ngài đã vượt khỏi mọi biên giới.

Thái tử Xu-ta-ma cùng chín mươi chín vị Hoàng tử đưa Kama về thành. Trước triều đình và dân chúng, Thái tử trình bày câu chuyện và hết lời phân giải. Tin vào ngài, người ta bằng lòng tiếp đón Kama.

Ngày hôm sau, kinh thành mở hội. Trước bá quan văn võ, các hàng trưởng lão đại diện bách tính, Kama hứa cải ác tùng thiện, ra sức làm các công đức hữu ích đến mọi người để chuộc lại lỗi lầm xưa. Họ tin vào một điều: kẻ đại ác có thể trở thành bậc đại hiền nếu biết quy hướng trở về với đạo đức - nên họ bằng lòng suy cử Kama lên làm vua. Hôm ấy quốc độ mở tiệc ăn mừng rất lớn. Họ tin tưởng vào một kỷ nguyên mới an lạc và hạnh phúc sẽ phục hưng trên xứ sở họ.

Và quả thật như vậy, sau khi từ bỏ được máu tham thịt người, Kama không còn một đam mê nào khác, đức vua say sưa vì lợi ích của phần đông, lấy chánh pháp trị dân và giữ yên trăm họ.

Không ai không tri cảm ơn đức Thái tử Xu-ta-ma. Và bài thơ kỳ diệu kia được viết, khắc, chạm rồi sơn son thếp vàng, mạ kền, mạ bạc treo tại những nơi trang trọng nhất trong khắp quốc độ.

Sự an cư lạc nghiệp ở nơi này kéo dài được tám ngàn năm...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]