- Piano Sonata 14 (truyện ngắn của Hòa Thượng Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc))
- Một thời truyền luật (Bài viết tưởng niệm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ)
- Cổ Thụ Trong Rừng Thiền (Bài viết tưởng niệm Hòa thượng Mật Hiển)
- Đạo Phật Với Thanh Niên (bài viết của Hòa Thượng Tuệ Sỹ)
- Sư Thiện Chiếu (truyện ngắn của HT Tuệ Sỹ)
- Gốc Tùng (truyện ngắn của Hòa Thượng Tuệ Sỹ)
- Tánh Không Luận Là Gì? (Bài viết của HT Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Tư Tưởng Phật Giáo Đối Diện Với Hư Vô (Bài viết của HT Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Tham Nhũng Là Một Quốc Nạn (bài viết của Ôn Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Sự Biến Lương Sơn (tường Thuật của Ôn Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Đại lễ Phật đản 2565 Cùng đọc lại Huấn thị An cư của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Trưởng lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang
- Kháng Thư
- Giác Thư
- Hai Vị Thiền Sư: Tuệ Sỹ và Lê mạnh Thát
- Đọc Thơ Tù Của Thầy Tuệ Sỹ
- Đi Vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ
- Giấc Mơ Trường Sơn
- Tĩnh Thất (thơ của HT Tuệ Sỹ)
- Duy Tuệ Thị Nghiệp ( Bài viết của HT Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Dẫn vào thế giới Văn học Phật Giáo (Hòa Thượng Tuệ Sỹ Toàn Tập)
- Thơ: Một Bóng Trăng Gầy
- Tuyển tập những câu đối Thiền Môn của Hòa Thượng Tuệ Sỹ
- 🌺🍀🌸 Những Bài Viết Về Ôn Tuệ Sỹ
- Thầy Tuệ Sỹ – bậc Thạc đức và Nhà giáo dục lớn
Bài viết của Ôn Tuệ Sỹ
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc
Vào khoảng trước hay sau năm 1945 gì đó, nay không nhớ rõ; phải nói thực rằng đấy là thời gian đánh dấu một chuyển hướng quan trọng trong đời sống của tôi. Qua một thời bôn tẩu, lúc này tôi rất thấm thía cái ý nghĩa của sự mệt mỏi. Con ngựa chứng đã đến kỳ mất hết phong độ hung hăng của một dạo. Rừng núi âm u, hùng vĩ, chỉ còn nghe đâu những tiếng vọng mơ hồ. Trong lúc lều tranh của ông cha mấy đời để lại, từng buổi chiều, tôi bắt ghế ngồi nhìn về rặng núi Đâu Mâu ở phía Tây, cảm giác sự thất bại và sự sụp đổ của những ngày nung cái khí phách cuồng vong. Cứ tưởng con mắt mình chẳng còn cơ hội nào để trông thấy những lớp bụi đường, đành để cho thân và danh cùng mục nát với cỏ cây tại chỗ này. Ấy thế mà, sự đời vẫn có những cơn biển dâu kỳ lạ.
Chẳng mấy chốc sau đó, con tàu lạc phách lại lăn bánh nữa. Tự thề rằng, từ nay, dù có đi đâu, cũng sẽ chỉ đi trong một tâm tư tịch liêu. Lời thề này cho đến bây giờ, có lẽ vẫn còn hiệu lực.
Năm đó, gần ngày Tết, tôi ghé lại thăm một người bạn, bấy giờ đang ở vùng Đồng Ông Cộ, tỉnh Gia Định. Cũng là một bọn lỡ vận và thất chí như nhau. Tuy vậy, không ai dám cất tiếng bảo “Trời hại ta rồi”. Bạn già như chúng tôi có lẽ ai cũng muốn nhớ ít mà nên nói nhiều. Cho nên, tâm sự tràng giang đại hải cứ theo gió mà bay mất.
Đó là nói riêng cái tâm sự giang hồ và những cuồng vọng của tuổi thanh xuân. Nhưng tâm sự văn chương có lẽ không phải là chuyện đáng quên hay đáng nhớ. Sẵn dịp đó, tôi làm tặng ông bạn già hai câu đối chữ Nho, để treo coi mấy ngày Tết. Nhờ vậy mà tình già không nhạt nhẽo lắm. Nay xin lục lại mấy câu đó cung hiến chư phương độc giả thưởng thức chơi:
Chích lý thiên trùng ẩn ước triêu huy, tà cốc khẩu
Song kiều tuyệt lãnh mông lông thệ thủy trục vân không.
Ông bạn già tôi rất lấy làm thưởng thức, sai xắp nhỏ chạy ra Lăng Ông Bà Chiểu kiếm coi thầy đồ nào đó viết chữ trông được, thuê viết lên giấy hồng điều, để treo mấy cái cột trống giữa nhà, thêm một chút phong vận cho những cuộc đối ẩm khuya và chiều.
Xắp nhỏ trở về, mang về không những chỉ hai câu đó, mà còn thêm hai câu nữa. Chúng tôi không hiểu ất giáp gì hết. Hỏi ra, mới hay là ông thầy đồ kia có nhã ý tặng thêm hai câu. Coi lại, té ra là hai câu dịch nôm như thế này:
Một chiếc dép đi nghìn trùng, thấp thoáng nắng mai nghiêng cửa động;
Đôi cánh non trên vạn nẻo, mịt mù nước cuộn đuổi trời mây.
Chúng tôi cao hứng vô cùng. Một mặt sai xắp nhỏ chạy ra mời ông thầy đồ về nhà chơi. Một mặt sai sắm sửa thêm ít thức nhắm và mua thêm rượu ngon.
Gần trưa thì khách tới. Chủ khách nhìn nhau sửng sốt. Chả lẽ tuổi già yếu kém hóa ra mắt mờ lệch sao đây? Hỡi ôi, há không phải là cố tri sư Thiện Chiếu đấy ư? Sao lại nông nỗi trong lớp hình hài này?
Sư vốn con nhà trưởng giả ở Kinh thành. Xuất gia từ nhỏ. Cốt cách tài hoa, nên càng lớn càng tự thị. Sở học rộng rãi. Nhất là về kinh điển nhà Phật thì coi như độc bộ vũ lâm.
Thuở đó, bọn tôi dăm bảy người, mỗi người theo một chí hướng. Ai cũng mong mỏi đem cái hùng tâm tráng khí của mình ra mà thi thố trong thời buổi điêu linh nhục nhã của quê hương. Trên những bước đường xuôi ngược Kinh thành là nơi gặp gỡ thường xuyên. Cứ mỗi lần đoàn tụ đủ mặt, chúng tôi kéo nhau đến sư Thiện Chiếu. Sư nói chuyện rất sôi nổi và lôi cuốn. Đời sống vẫn tỏ ra phóng khoáng, nhưng chung quanh sư như đã bao vây sẵn một bức tường kiên cố, chúng tôi không làm sao xuyên thủng được. Có lẽ vì sở kiến quá cách xa nhau.
Cho đến lúc mưu sự chung của chúng tôi bị tan rã, ai nấy tìm đường chạy trốn. Một trong các người bạn của tôi, anh Bát Kî, lúc đào vong đã tìm đến sư, nhờ phương tiện sư, được gởi đi lẩn tránh tại một vùng quê heo hút. Kể từ đó, anh em mỗi người một ngả, mất hẳn liên lạc. Mãi về sau mới biết được tin tức hoạt động của một vài người. Sư Thiện Chiếu thì bây giờ mới gặp lại. Riêng anh Bát Kî, tôi chỉ nghe được qua lời sư Thiện Chiếu nhân lúc tái ngộ này mà thôi.
Bát Kî là đàn anh, thủ lãnh đại ca của chúng tôi trong mưu đồ đại sự. Khi thất bại, đào vong, anh vẫn tin tưởng và chờ đợi một cơ hội khác. Những ngày đào vong, anh lấy khung cảnh nhỏ hẹp của gia đình làm chỗ trú ẩn tinh thần. Con người anh có những đam mê mù quáng. Hoạt động chính trị thì đam mê lý tưởng của mình đến độ quên hết dự đoán trước những gì mà biến chuyển thời cuộc phải có. Đời sống gia đình đưa anh đến các đam mê cuồng loạn khác. Cái đó tôi biết chắc là vì bản tính đam mê, chứ không phải vì thất chí. Chẳng mấy chốc, gia đình đổ vỡ. Anh dành ôm hận bỏ đi. Đó là đi liều, vì phải tránh né đủ mọi thứ. Anh đi từng đoạn đường, lần mò cho đến vào tại Sài Gòn. Rồi một đêm kia, sư Thiện Chiếu bỗng gặp anh trong dáng người đày đọa phong trần, mình đã khoác áo làm sư. Vì anh phải làm như vậy mới tránh được sự theo dõi suốt cả đoạn đường từ Sài Gòn trở ra Huế.
Đêm đó, anh nghỉ lại với Thiện Chiếu, nhưng không hề đả động đến mục đích trở về Huế của mình. Theo lời sư Thiện Chiếu, đó là đêm đầu tiên sư khám phá sức nhẫn nại của một con người đầy chất đam mê mù quáng này. Thất bại và đau khổ làm cho gương mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Có lẽ phải là người đa cảm như sư Thiện Chiếu mới thấy được nét thiên thần trên gương mặt trẻ thơ đầy nước mắt. Cái thất bại lớn, không phải là những dự tính bất thành, hay những khát vọng và đam mê cuồng nhiệt không được thỏa mãn. Sự thất bại chính ở chỗ mình chưa nếm được sự thực của đau khổ. Ước vọng dù đạt được hay không đạt được, luôn luôn vẫn là ước vọng. Phải bị bức bách đến chỗ kỳ cùng khổ lụy, mới thấy rõ cái đam mê cuồng nhiệt của mình nó như thế nào. Sau đêm đó, Bát Kî từ giã ra đi, biệt tích.
Vài tháng sau, Thiện Chiếu lên đường vào Nam. Tôi có cảm giác sư bỏ đi trong con mắt hùng thị cô độc của mình. Tài hoa mà giấu kín, nó chỉ làm khổ mình trong một cõi mộng cô liêu mà thôi. Đem tài hoa ra thi thố, thì nó lại đày đọa mình trong một rừng khổ lụy.
Sư không nói rõ, nhưng qua lời nói, tôi cũng đoán được lần đi đó, sư cũng đã làm nên sự nghiệp đúng như dự tính dưới một danh hiệu khác.
Cái con người này, từ dạo trước, hễ mỗi lần mở miệng là phảng phất lý tưởng giải thoát. Đời sống không chút ràng buộc, ngay cả qui luật nhà chùa cũng không tỏ ra ràng buộc sư, cho nên chúng tôi hồi đó không hiểu sư muốn giải thoát cái gì. Sao sáng suốt như sư mà không giác ngộ trước cái nhục nhã điêu linh của đất nước; để thực hiện lý tưởng giải thoát ở đó, cho chúng tôi nhờ cậy được nhiều?
Tôi hỏi hoàn cảnh hiện tại, và nguyên nhân nào đưa đẩy con người tài hoa xưa kia đến tình trạng như vầy. Bấy giờ, không phải là sư Thiện Chiếu, mà là một cụ đồ Nho viết mướn, mỉm cười. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy mình đau khổ. Ngoài sáu mươi tuổi, ý nghĩa của đau khổ là gì nhỉ?
Sau buổi cơm trưa, chúng tôi cố cầm ông bạn cố tri này ở chơi ít hôm. Nhưng ông nhất quyết từ chối. Hỏi thăm nơi trú ngụ, cũng không nói. Đến nay, cũng đã mấy năm rồi, tôi không biết hỏi thăm ai về sư Thiện Chiếu ngày xưa hay cụ đồ viết mướn ngày nay nữa.
T.S.
Ghi chú: Tác giả là Tuệ Sỹ sinh năm 1943 tại Ai Lao không phải là nhân vật “Tôi” trong chuyện. Người kể chuyện là bạn cố tri của Sư Thiện Chiếu.