Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Lối Thoát Độc Nhất: 1952-1956

01/06/201200:15(Xem: 10354)
Chương 3: Lối Thoát Độc Nhất: 1952-1956

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ÚC ĐẠI LỢI

(History of Buddhism in Australia)


Nguyên tác: Paul Croucher
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Tu Viện Quảng Đức ấn hành 2012
flowerba

Chương 3


Lối thoát độc nhất: 1952-1956


Natasha Jackson, chủ bút tạp chí hai tháng một kỳ “Metta” ( Từ Bi), là tiếng nói hàng đầu trong Phật Giáo Úc Châu từ 1955 tới 1971. Sinh năm 1902 ở Moscow, thủ đô của nước Nga, bà Natasha Jackson được bà mẹ cấp tiến, chống Nga Hoàng của mình đưa tới Úc vào năm lên sáu tuổi. Bà học ngành y tá và làm giáo viên, gia nhập Đảng Cộng Sản (Communist Party)một thời gian ngắn trong thập niên 1930. Cuộc hôn nhân của bà lâu dài nhưng không hạnh phúc, có lẽ vì vậy mà bà chú ý rất nhiều tới lịch sử và triết học. Là người biết nói chuyện một cách quảng bác, nhưng theo con trai của bà và những người khác thì bà không có nhiều kinh nghiệm thực tế về thế giới hàng ngày. Bà là người trí thức về mặt triết học, và không chấp nhận những việc không nghiêm chỉnh. Natasha Jackson dễ gây bất hòa, và lối cư xử thẳng thừng của bà gây ra liên hệ xấu giữa bà và nhiều hội viên của Hội Phật Giáo New South Wales.

Dhammadinna

Ni Sư Dhammadinna

Năm 1953, Natasha Jackson tham dự một số buổi diễn thuyết của Ni Sư Dhammadinna ở Centre Club, đường George. Dù chỉ gặp Ni Sư Dhammadinna trong vài lần này, qua thời gian vị nữ tu đã trở thành gần như một thần tượng trong tâm trí của bà: “Nếu có người nào hỏi rằng tôi coi ai là nhân vật đáng ghi nhớ nhất mà mình đã gặp tôi sẽ trả lời ngay đó là Ni Sư Dhammadinna. Từ ngữ “charisma” hay sức thu hút người khác đã bị lạm dụng tới mức nhàm chán, nhưng dù từ ngữ này hàm ý tính chất gì đi nữa thì Ni Sư cũng có tính chất đó. Sức thu hút này không tùy thuộc vào vẻ bên ngoài, đức hạnh, trí huệ, hay tính kiên định, mà là sự dễ cảm mến. Ni Sư dù đã cạo đầu và không mặc y phục hợp thời trang nào cả, vẫn có một vẻ đẹp siêu phàm với nước da trắng sáng gần như trong suốt, thêm vào là đôi mắt xám đem màu đá phiến. Dù là người thành tâm tu học Phật Giáo, Ni Sư vẫn có một chút vẻ ‘Femme fatal’, (người đàn bà nguy hiểm), mà bà hoàn toàn không lưu tâm tới”.

Ni Sư Dhammadinna là người hùng biện, và nhất là một phụ nữ, vì vậy đây là một sự giới thiệu Phật Giáo mạnh mẽ đối với Natasha Jackson. Sau đó, vì những lý do mà chúng ta sẽ thấy, bà đã hạ giá vai trò tiên phong của Leo Berkeley và Marie Byles rồi đặt ra huyền thoại Ni Sư Dhammadinna đã một mình đưa Phật Giáo tới bờ biển Úc Châu.

Đối với Natasha Jackson thì một phần quan trọng trong huyền thoại Dhammadinna là vị nữ tu này nói rằng mình đã từ chối thừa hưởng một gia tài lớn để đi tu. Sự thật về phần đầu cuộc đời của Ni Sư Dhammadinna là một bí mật. Sinh năm 1881, có lẽ ở San Francisco, và hình như tên là Pearce hay Van Stemn gì đó, bà đã làm cho người ta tin rằng bà là người thừa kế một đế quốc dầu hỏa. Người ta nghe nói bà học ở Thụy Sĩ và ở Đại Học Sorbonne ở Paris, sau đó lấy một Nam tước người Nga, nguyên là một viên tướng trong quân đội của Nga Hoàng. Họ đã đi du lịch khắp Á Châu, và sau khi ông ta qua đời hoặc ly dị gì đó, bà trở thành một Tỳ khưu Ni ở Thượng Hải. Gần như chắc chắn đây là chuyện dã sử, vì thật ra bối cảnh của bà có lẽ rất “trung lưu”, và lần đầu tiên bà tiếp xúc với Phật Giáo là qua những khóa Thiền của Nyagen Senzaki ở San Francisco, bắt đầu vào năm 1922. Người ta được biết là bà thọ giới với một vị Thầy người Âu ở Thượng Hải vào cuối thập niên 1920. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ “Argus” ở Melbourne năm 1952, bà nói rằng vị Thầy này là người Đức, và bà gặp lần đầu tiên năm 1928. Vị này chỉ có thể là Ignatz Trebitsch, có sự nghiệp rất nhiều thăng trầm được Holmes Welch kể lại trong cuốn “Phật Giáo Phục Hồi Ở Trung Hoa" (The Buddhist Revival in China).

Trước kia Ignatz Trebitch đã lần lượt là giáo sĩ thuộc các giáo phái Lutheran, Presbyterian, và Anh Giáo, nhưng công việc cả đời thực sự của ông là gián điệp quốc tế, mà rốt cuộc vào năm 1916 đã đưa ông vào một nhà tù ở Anh Quốc trong ba năm vì tội làm giấy tờ giả. Năm 1925 ông được làm lễ thọ giới ở Tích Lan, và từ năm 1926, ông truyền đạo trong hai năm ở San Francisco. Có lẽ ông đã gặp Ni Sư Dhammadinna ở đây. Sau đó bà đi theo vị Thầy đến Thượng Hải, nơi ông thành lập một “Niệm Phật Đường”(Buddha House) ở Tô Giới Pháp, làm cố vấn cho một số tướng lãnh Trung Hoa, và viết những cuốn sách về những vấn đề quốc tế. Lúc này ông tự gọi mình là Triệu Công (Chao-k’ung). Năm 1933, ông đi khắp Âu Châu để truyền đạo và trở về với tám nữ và bốn nam đệ tử. Nhưng nhóm tu sĩ này dần dần tan rã, khi hai người tự tử, một người qua đời, và những người còn lại bị Trebistch đuổi đi trong những cơn nổi giận của ông. Trong số những người này chắc chắn có Ni Sư Dhammadinna.

Sau năm năm ở Thượng Hải, Ni Sư Dhammadinna đến Ba La Nại (Sarnath) ở miền Bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân. Ở đây bà viết cho tạp chí “Maha Bodhi Journal” và học với một Tăng sĩ người Tích Lan tên là Matiwella Sanghratana. Gần bốn mươi năm sau vị này chỉ có một từ ngữ để mô tả bà: “gàn dở”. Có người nói rằng bà đã cố gắng thiết lập một nữ tu viện ở Los Angeles vào năm 1938, nhưng sau khi việc này không thành, bà đi Tích Lan và ở đó mấy năm. Đại Đức Nyanaponika, đại đệ tử của Đại Sư Nyanatiloka, nhớ lại rằng vào cuối thập niên 1930 bà sống trong một ngôi nhà tranh thuộc một trường Phật Học gần Kanty, rồi đến “Tịnh Thất Rừng” là nơi mà Đại Sư Nyanaponika cũng tới ở vào năm 1988. Ni Sư Dhammadinna biết Ngài Nyanatiloka, nhưng Ngài là người bảo thủ về hầu hết mọi mặt, vì vậy có lẽ Ngài đã xem bà là người mới nổi lên do đòi quyền mặc áo vàng và được đối xử bình đẳng với các Tỳ Kheo. Vì dòng Tỳ Kheo Ni thuộc hệ Theravada đã không còn từ mấy thế kỷ trước rồi nên bất cứ đẳng cấp nào mà bà có thể có cũng là do Phật Giáo Trung Hoa ban cho hoặc do bà tự đặt ra. Bà thường đòi hỏi quyền lợi ngang với các Tỳ Kheo, và người ta còn nói rằng bà tranh đấu để có phòng vệ sinh kiểu Tây Phương ở bất cứ nơi nào mình đến, như vậy có thể bà đã xúc phạm tinh thần bảo vệ truyền thống của người Tích Lan. Sau khi có chuyện bất hòa với người bảo trợ độc nhất của mình là Lady de Silva, bà được Tiến Sĩ Malalasekera, chủ tịch Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới, cung cấp địa chỉ của Ernie Dadswell và Marie Byles. Ông này cũng trả tiền mua vé tàu cho bà và chắc chắn cũng mừng vì đã loại bỏ được một vấn đề khá gai góc.

Khi Ni Sư Dhammadinna đến Úc Châu vào ngày 30 tháng 8 năm 1952, bà được giới truyền thông ở khắp nước này chú ý tới. Bà nói rằng trước đây mình là người hoạt động xã hội, và là cháu của một đại gia dầu hỏa, và bây giờ muốn thiết lập một trung tâm nghiên cứu “Khoa Học Phật Giáo". Nơi đến đầu tiên của bà là Melbourne, bà đã ở đây vài tuần trong ngôi nhà nhỏ của ông bà Dadswell ở Bắc Melbourne, được báo chí phỏng vấn, và diễn thuyết vài buổi ở Hội Thông Thiên Học. Tuy nhiên bà Dadswell không vui lòng vì chế độ ăn uống nghiêm khắc của Ni Sư và lời dạy của bà rằng các cặp vợ chồng người Phật Giáo phải “trừ bỏ sự cám dỗ của xác thịt” và kết quả là ông chủ nhà in Ernie Dadswell không muốn làm một hoạt động Phật sự nào nữa.

Về sau, trong những bài xã luận của bà trên tạp chí “Metta” của Liên Hiệp Phật Giáo Úc Châu, Natasha Jackson viết rằng Ni Sư Dhammadinna đã tới Sydney “không báo trước và không có sự đón rước”. Natashsa Jackson tin rằng vị nữ tu sĩ đã viếng thăm bà Marie Byles mà không cho biết trước, và được cho ngủ trên hai tấm mền trải trên sàn kho chứa đồ. Sự thật là Marie Byles đã biết trước việc Ni Sư Dhammadinna sẽ tới thăm và đã cho một thư ký của mình tới đón bà ở phi cảng. Tuy nhiên, tất cả những năm đọc kinh sách Phật Giáo của Marie Byles đã không sửa soạn tâm trí cho bà đối phó với Ni Sư Dhammadinna và trong cuốn tiểu sử tự thuật của mình bà viết rằng những gì xảy ra tiếp theo là “một màn bi hài kịch”.

Marie Byles có một ngôi nhà nhỏ tọa lạc trên mấy mẫu đất rừng rất đẹp ở Cheltenham. Các ngôi nhà khoảng hai mươi thước bà cho xây “Am Điềm Lành” để làm nơi tham thiền và cũng làm chỗ ngủ cho khách. Tất nhiên bà đã nghĩ rằng đây là chỗ tốt cho một vị Tỳ khưu Ni tới thăm mình, và bà cũng ra công sửa sang con đường đưa tới nhà vệ sinh. Khi Ni Sư Dhammadinna tới, trước hết Marie Byles ngạc nhiên vì “hết va li này tới rương hành lý khác của bà ta, và sau đó bà bất ngờ khi vị nữ tu ngó cái “Am Điềm Lành” rồi “đưa hai tay lên chán ngán”. Dù Ni Sư Dhammadinna nói rằng mình đã sống trong những hang đá ở Tích Lan, ngôi nhà này vẫn làm cho bà e ngại đáng kể. Còn về chuyện Ni Sư đến thăm không có một xu trong túi thì những người láng giềng của Marie Byles nhớ rất rõ bà nói với họ: “Tôi không cần tiền, tôi xài thẻ tín dụng du lịch”. Tuy nhiên Marie Byles đã tôn trọng tuổi tác của Ni Sư, và vì bà ta phải đeo đai sắt ở lưng nên đã dành ngôi nhà nhỏ của mình cho bà, nhưng khi Ni Sư Dhammadinna được mời nói chuyện với các bạn Phật Giáo và Quaker của bà, Marie Byles lại một lần nữa sững sờ: “Bà ta diễn thuyết cho nhóm bạn của tôi nghe với những lời lẽ giống như của một người Thiên Chúa Giáo hẹp hòi nhất và giáo điều nhất. Trước đó tôi đã rất muốn bà ta sẽ gây ấn tượng mạnh cho những người bạn Thiên Chúa Giáo có đầu óc rộng rãi của tôi!”.

Sau đó Leo Berkeley đến cứu Marie Byles bằng cách mời Ni Sư Dhammadinna về nhà của ông và nói chuyện trong những cuộc họp tối chủ nhật. Những cuộc nói chuyện của vị nữ tu từ phương xa tới đã lôi cuốn được khoảng năm mươi người, nhưng Leo Berkeley thấy bà ta là người không thể chịu nổi, vì không những bà ta tìm cách phá hoại cuộc hôn nhân của ông mà còn rất “đòi hỏi”. Ông không tin chuyện “đại gia dầu hỏa”, và nghĩ rằng bà ta đã dùng cái áo vàng của mình để gây ấn tượng rồi “dần mò tới với những người nào mà bà ta biết là có tiền”. Con trai của ông, Hartog, năm 1988 là cố vấn tư pháp tiểu bang Victoria, nói rằng Ni Sư Dhammadinna là một Phật tử thành tâm, nhưng bà ta có một sự “khó hiểu” nào đó, và “nói chung là thiếu tâm bình đẳng”. Tuy nhiên, bà vợ của Leo Berkeley và một số bạn của ông lại thích Ni Sư Dhammadinna, vì vậy ông thu xếp cho bà ta ở trong một căn nhà, nơi độc nhất mà bà ta thấy có thể chấp nhận được: Double Bay. Tất cả những cuộc diễn thuyết sau đó đều được tổ chức ở Centre Club, và Ni Sư hầu như không còn liên quan gì tới Hội Phật Giáo New South Wales – đó là công trình của Leo Berkley, và hai người không ưa gì nhau. Vì vậy những lời nói sau này cho rằng hội được thành lập “dưới sự bảo hộ của Ni Sư” là rất sai lầm.

Đúng hơn, Ni Sư Dhammadinna chọn một nhóm tám đệ tử nhiệt thành của mình, gồm cả vợ của Leo Berkeley, Lummechien, Lyn và Eric Penrose, và Graeme Lyall, rồi dạy họ tụng niệm bằng tiếng Pali. Họ là tám người mà bà ta cho rằng đã “sẵn sàng thọ nhận Giáo Pháp”, nhưng “Giáo Pháp” mà bà dạy họ khá khác biệt với giáo lý Theravada thuần túy mà bà tuyên xưng trong những bài thuyết pháp của mình. Bà thường niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, và nói với các đệ tử ruột của mình là vị Nữ Bồ Tát đã hiện ra trong một số buổi thuyết pháp, cũng như vua trời Đế Thích xuất hiện trong những dịp khác. Bà cũng nói rằng mình có thần thông, và thường la lên trong khi tham thiền để cho các đệ tử thấy là mình đang đạt “chứng nghiệm”. Nhóm đệ tử này tụ họp ở căn nhà của bà mấy lần một tuần, người nào tới trễ sẽ không được vào. Ni Sư yêu cầu họ phải tuyệt đối tuân lời mình, vì vậy họ gọi bà là “Hitler của Phật Giáo". Trong những thư từ gởi các đệ tử, bà viết “Guru của con, tức “Thầy của con”. Graeme Lyall là người quyết định không chấp nhận đường lối độc đoán của Ni Sư, sau khi bị bà khiển trách nặng nề vì vắng mặt cuối tuần mà không xin phép bà trước. Nhưng Lummechien, Berkeley và vợ chồng Penrose vẫn là những đệ tử trung thành, và sau khi Ni Sư Dhammadinna rời Úc Châu vào giữa năm 1953, họ vẫn gửi cho bà một món trợ cấp mỗi tháng trong mấy năm.

Lúc đầu bà trở về Los Angeles, và ở đây Robert Aitken, về sau là “sơ tổ” Thiền ở Úc Châu, nhớ lại là bà đã cãi nhau với vị Thầy cũ của mình, Nyogen Senzaki, trong cuộc tụ họp của các đệ tử kỳ cựu nhất của ông. Sau đó Ni Sư được cộng đồng người Hoa ở San Francisco bảo trợ, và rồi vào tháng 8 năm 1957, Lyn và Eric Penrose đưa bà trở lại Úc. Họ dành một “phòng bà ngoại” cho bà trong ngôi nhà của họ ở Bilgola, và vì bà nhập cảnh bằng hộ chiếu du lịch nên không được diễn thuyết. Lyn Penrose nói rằng trong lần tới Úc này, Ni Sư không tiếp xúc gì với Hội Phật Giáo New South Wales . Bà trú ở Sydney một năm rất lặng lẽ rồi đi Hawaii vào tháng 10 năm 1958. Robert Aitken cũng biết bà ở đó và nhớ lại rằng lối cư xử “khó chịu” làm cho bà gặp khó khăn trong việc tìm người bảo trợ, vì vậy bà không được vui lắm. Năm 1962 bà bị bể xương hông, phải nằm một chỗ mấy năm cho tới khi qua đời vào tháng mười một năm 1967. Những người bảo trợ của bà ở Hawaii nói rằng lúc bà qua đời có những điềm lạ như sấm và chớp xuất hiện.

Ni Sư Dhammadinna là người hùng biện và có cá tính mạnh. Sự hiện diện của bà gây nhiều chú ý trong lúc các hội đoàn Phật Giáo đang nổi lên. Tuy nhiên, theo đa số những người biết về bà thì bà cũng là một người kỳ cục, với những lời khoe về quyền năng tâm linh của mình, về những lễ truyền pháp đáng nghi ngờ, và quá khứ đầy vẻ huyền thoại của bà. Bà sống một loại đời sống mờ ảo của những người đi theo một tôn giáo mà lúc đó vẫn thuộc vòng ngoài ở Tây Phương. Bà đã sống hai năm ở Sydney, nhưng chỉ thu nhận được vài đệ tử, như vậy chỉ có ít ảnh hưởng tới con đường của Phật Giáo Úc Châu.

Trong lịch sử được chấp nhận chung của Phật Giáo ở Úc Châu, Ni Sư Dhammadinna nổi lên lớn như vậy là do bà đã trở thành một nhân vật có tầm vóc huyền thoại trong tâm trí của Natasha Jackson, là người đã không được biết nhiều về bà. Cũng giống như Đại Sư Liên Hoa Sanh, tức Padmasambhava, đưa Phật Giáo từ Ấn Độ tới Tây Tạng, và Bồ Đề Đạt Ma đưa Thiền Tông tới Trung Hoa, Natasha tin rằng Ni Sư Dhammadinna đã “đưa Phật Pháp đổ bộ lên bờ biển của chúng ta”, nơi mà cho tới năm 1952, Phật Giáo đã chưa được biết tới”. Jackson tin rằng Ni Sư là tín đồ Theravada nghiêm khắc, và có lẽ không biết gì về bối cảnh Đại thừa cũng như tính lập dị của Ni Sư. Nhưng cùng lúc Natasha Jackson nói rằng Ni Sư đã kể ra cho bà nghe những chuyện quá khứ của bà, những điều mà bà không bao giờ nghĩ là mình sẽ nói cho ai biết, dù là người đáng tin cậy nhất. Theo lời các bạn của bà thì Natasha Jackson là người rất thành thật, như vậy việc bà nâng Ni Sư Dhammadinna lên địa vị cao nhất của Phật Giáo Úc Châu có thể có động lực mà chính bà đã không có ý thức trọn vẹn tới. Người ta nhận thấy rằng ngay cả những người tinh tế nhất cũng có thể tin vào những điều bịa đặt của chính mình. Nếu không có Ni Sư Dhammadinna thì Natasha Jackson cũng đặt ra một nhân vật giống như Ni Sư để biện minh cho vị trí của mình ở trong Hội Phật Giáo New South Wales, và trong những năm từ 1953 tới 1956, thái độ và lối tiếp cận Phật Giáo rất trí thức của bà đã gây ra bất hòa giữa bà và Leo Berkeley với Marie Byles, là những người chú ý nhiều tới thực hành thiền định. Hậu quả là một sự phân hóa, và vì hầu như tất cả những hội viên kỳ cựu dần dần rời khỏi hội nên chỉ còn lại Natasha Jackson nắm quyền điều khiển hội và được tự do đưa ra huyền thoại Dhammadinna.

Dù dần dần bị đẩy ra khỏi lịch sử “chính thức” của hội, Leo Berkeley là chủ tịch sáng lập và người bảo trợ chính yếu của Hội Phật Giáo New South Wales, và đã hoạt động nhiệt thành cho hội từ 1951 tới 1956. Các hội viên ban đầu đã họp với nhau trong mười tám tháng, nhưng Hội Phật Giáo New South Wales chỉ được chính thức thành lập vào ngày 4 tháng 5 năm 1953. Leo Berkeley dành một căn phòng trong cơ sở kinh doanh của mình ở Oxford Street, Darlinghurst để làm văn phòng ghi danh của Hội, còn vợ ông thì trông coi một thư viện mà về sau trở nên khá lớn. Những buổi diễn thuyết và thảo luận được tổ chức vào tối thứ sáu ở đại sảnh của Hội Thông Thiên Học. Chính sách của hội là “do phép lịch sự thông thường, tránh những lễ nghi hay nghi thức thực hành một cách công khai”, vì vậy những khóa thiền hay tụng niệm được tổ chức cho những nhóm nhỏ ở nhà riêng của Leo Berkeley hoặc của Marie Byles.

Tháng 6 năm 1953, hội quyết định rằng cần phải có một ấn phẩm của riêng mình, vì vậy “Bản Tin Phật Giáo" được ra đời, với vị chủ bút đầu tiên là Gordon Lishman, một nhân vật nổi tiếng của đài phát thanh Sydney. Khuynh hướng của ông này chính yếu là Đại thừa, và những bài viết của ông được điểm xuyến với những tư tưởng Thiền Tông, vì vậy sau một thời gian ngắn ông đã gặp rắc rối với những hội viên đang dần dần có nhiều quyền lực và là những người đã viết vào hiến chương của hội rằng “Hội tập trung và giới hạn việc nghiên cứu của mình vào những văn phẩm và xuất bản phẩm nói về Phật Giáo Nam Tông”. Vì đa số những hội viên đầu tiên của hội cho rằng việc thảo luận về giáo lý của các tông phái Phật Giáo chỉ gây xao lãng mà không có ích lợi gì cả nên chức vụ chủ bút của tờ “Bản Tin Phật Giáo" được giải cứu khỏi bàn cờ của những người trí thức” sau ba số phát hành và được giao cho Leo Berkeley. Gordon Lishman vẫn còn là một hội viện hoạt động trong một vài năm nữa, nhưng mọi tiếng nói Đại thừa trong hội đã bị đàn áp hoàn toàn trong gần hai mươi năm.

Ở Melbourne thì ngược lại, bốn trong sáu hội viên đầu tiên năng động nhất của Hội Phật Giáo ở Victoria là tín đồ Đại thừa, và dù không phải là không có một sự tranh chấp tông phái nào đó, đường lối của hội là chiết trung và khoan dung. Lực phát động đầu tiên cũng là của Len Bullen. Ông cùng với một nhà huyết học trẻ tuổi tên là Syd Hill và vài người nữa họp mỗi tuần một lần, bắt đầu vào ngày 18 tháng 4 năm 1953, ở quán cà phê “The Windjammer” ở Swanton Street, và như vậy đã cho ra đời Hội Phật Giáo ở Victoria. Họ cho đăng quảng cáo ở mục “Church Notices” trong các nhật báo, nhưng chỉ khi Les Oates mới từ Nhật Bản trở về gặp hai nhà tổ chức vào tháng 9 năm đó thì nhóm này mới được tiếp sinh khí mới. Vào ngày 6 tháng 10 cuộc họp công khai đầu tiên được tổ chức ở một phòng họp của giáo phái Presbyterian ở Melbourne, với mười lăm người tham dự. Những cuộc họp được tiếp tục hai tuần một lần vào ngày thứ ba, và trong tháng 11 nhóm này thành lập một ủy ban, với Len Bullen làm chủ tịch, và với mục đích của Hội là “nghiên cứu, thực hành, và chứng ngộ Giáo Pháp”. Len Henderson, nhớ lại rằng trong cuộc họp đầu tiên mà ông tham dự vào tháng 12, có tất cả là hai mươi hai người, trong đó có hai sinh viên du học ở Úc theo kế hoạch Colombo, hai “bà già bé nhỏ thích sưu tầm tôn giáo", và những người khác, đa số là thanh niên. Ông cũng nhớ là người ta đọc những đoạn trích trong cuốn “Lời Đức Phật" của F. L. Woodward.

Từ 1954 tới 1956 là thời kỳ thịnh vượng của Phật Giáo Úc Châu, với các vị khách quan trọng diễn thuyết trong những hội trường đầy chật thính giả và được giới truyền thông chú ý tới, với một số người Úc trở thành Tăng sĩ ở các nước Á Châu, và với các hội đoàn tăng trưởng đáng kể. Không phải ngẫu nhiên mà đây cũng là những năm đánh dấu 2,500 năm Phật Giáo và cuộc Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Sáu. Những tín đồ Phật Giáo Úc Châu gắn liền với cuộc phục hưng của Phật Giáo Á Châu, như những cá nhân, và đặc biệt là Chính Phủ Miến Điện sẵn lòng bảo trợ những chuyến diễn thuyết ở hải ngoại. Như vậy mối liên hệ chặt chẽ nhất đã được thiết lập với hai quốc gia liên quan tới nước Úc về mặt địa lý chính trị và một lịch sử qua Đế Quốc Anh và là hai quốc gia rất có thể có những vị Cao Tăng giỏi tiếng Anh, đó là Miến Điện và Tích Lan. Trong khi đó Phật Giáo ở nước Mỹ vẫn luôn luôn nghiêng về các tông phái Nhật Bản, và trung tâm Theravada đầu tiên ở Mỹ chỉ được thành lập vào năm 1966.

U Thittila tới Úc Châu lần đầu tiên trong ba lần vào tháng 4 năm 1954, mang lại nhiều sức mạnh cho các hội đoàn Phật Giáo vừa mới được tổ chức ở đây. Sinh năm 1886 ở miền Trung Miến Điện, ông đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử Phật Giáo ở Anh Quốc, nơi ông sống trong mười bốn năm, từ năm 1938. Ông đã được nổi tiếng khi làm tài xế xe cứu thương ở London trong thời kỳ có những cuộc oanh tạc dữ dội nhất của không quân Đức. Sau đó ông diễn thuyết trên đài BBC trong hai năm trước khi trở thành giảng viên về Luận Tạng ở Đại Học Rangoon năm 1952. David Maurice, một người bạn thân, đã giúp việc tổ chức chuyến đi Úc của ông, với sự tài trợ của Hội Đồng Phật Giáo (Buddha Sasana Council). U Thittila được tiếp đón nồng nhiệt ở Úc, vì ông biểu lộ sự phối hợp hiếm có của hai phẩm tính khiêm tốn và bác học. Ông là người có lòng khoan dung rộng rãi, những năm sống ở Anh Quốc giúp cho ông có khả năng trình bày Phật Giáo bằng thuật ngữ Tây Phương. Ngay cả Natasha Jackson với khuynh hướng chống giáo sĩ mạnh mẽ của bà cũng có lời khen U Thittila: “Ông mang tới cho chúng ta một tấm gương trí huệ và thánh thiện thực sự”.

Mọi hoạt động của U Thittila trong chuyến thăm viếng này đều được báo chí ghi nhận và được thu vào những cuốn phim thời sự, và ông được coi là tu sĩ Phật Giáo đầu tiên tới Úc Châu; tất nhiên đây là một nhận xét sai lầm. Một sự kiện gây sôi nổi là ông đã một lần thiền định trong hai mươi hai giờ liền. Những bài diễn thuyết của ông có chủ đề là “Phật Giáo Cho Tây Phương” và “Thành Quả Của Thiền Định”, và ông cũng hướng dẫn những nhóm nhỏ thực hành minh sát quán, tức “Vipassana”. Khi một ký giả hỏi tại sao lại cần phải có sự hướng dẫn như vậy, Len Bullen trả lời rằng nếu không được hướng dẫn “hành giả sẽ phát khùng”. Vì vậy đối với những người e ngại việc hành thiền gây ra hậu quả không tốt thì “pháp tĩnh tâm” được công nhận rộng rãi của U Thittila là an toàn.

Số hội viên tăng lên tới khoảng bốn mươi người ở Sydney và một trăm người ở Melbourne, phần lớn là vì có cuộc viếng thăm kéo dài một tháng này. Khác với khuynh hướng chống văn hóa của Phật Giáo Úc trong thập niên 1970, nhóm hội viên này bao gồm những người Úc có giáo dục thuộc loại cao, và việc họ chú ý tới Phật Giáo có những nguyên nhân khác nhau. David Maurice cho rằng “hầu hết những người Tây Phương theo Phật Giáo có lý do là tình cảm chứ không phải lý trí, hoặc chỉ để chứng tỏ mình là người trí thức”. Đây là một nhận xét cực đoan, nhưng như Natasha Jackson cho thấy, đúng là những cuộc thuyết pháp công cộng thu hút những người theo đạo một cách phù du, không ít người trong số đó “thích những gì có tính chất lãng mạn, những người lập dị thuộc vòng ngoài của xã hội”. Thật vậy, khá nhiều người chỉ quan tâm tới “con mắt thứ ba” hay quyền năng tâm linh, và chỉ muốn biết là hành giả Phật Giáo có thể “kích thích tùng quả tuyến (pituitary gland) để mở huệ nhãn” được hay không.

Natasha Jackson là người theo triết lý bình đẳng giữa mọi người trong xã hội nên bà không thích khi thấy Leo Berkeley thường nói với báo chí và với phần nào hãnh diện rằng “các giáo sư ở các trường đại học ở Sydney và Canberra là tín đồ Phật Giáo. Các bác sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng và một số chính trị gia ở Sydney và những thành phố khác cũng bí mật tôn thờ Đức Phật". Như những cuộc khảo sát ở Hoa Kỳ cho thấy, từ trước tới nay những người chú ý tới Phật Giáo và các tôn giáo Đông Phương khác thường là những người có trình độ học vấn cao. Nền móng giáo dục vững chắc làm cho họ chú ý tới những tư tưởng mới lạ và quan tâm hơn tới việc phát triển văn hóa. Vì vậy trong thập niên 1950 nhiều người Úc chú ý tới Phật Giáo là do tính tò mò trí thức, do muốn tìm một phương thức trị phiền não và đau khổ, do muốn chứng tỏ mình là người “giác ngộ", hoặc do thành tâm tìm cầu chân lý. Nhiều người có triết lý hòa bình, duy lý, ăn chay, nhân bản, và bảo tồn thiên nhiên nhận thấy trong Phật Giáo có những tư tưởng giống với những quan điểm mà họ đã có sẵn, và cũng có không ít người dùng Phật Giáo làm một thứ võ khí để chống lại Thiên Chúa Giáo. Đối với nhiều người thì sự hấp dẫn lớn nhất của Phật Giáo là ở một bình diện Phật Giáo có vẻ giống như một tôn giáo, nhưng ít nhất trên giấy tờ Phật Giáo không đòi hỏi người ta phải có điều kiện tiên quyết là niềm tin. Phật Giáo thu hút nhiều người mà đối với họ giáo thuyết Thiên Chúa Giáo đã đòi hỏi niềm tin quá nhiều, những người mà một thế hệ trước có thể đã trở thành tu sĩ Công Giáo, người Quaker, hay hội viên Hội Thông Thiên Học.

Người ta nhận thấy đa số những người tham dự các buổi thuyết pháp của Phật Giáo là đàn ông. Sự kiện này có thể được giải thích là do kinh sách Phật Giáo thường nói tới sự tự lực của cá nhân. Ngoài những điểm nói trên thì có thể nói rằng trong thập niên 1950 các tín đồ Phật Giáo Úc không có khuynh hướng chống lại xã hội truyền thống. Họ thường là những người thán phục một triết lý mới lạ hơn là hạng người muốn làm khác xã hội hay hạng người cấp tiến. Khác với thập niên 1970, nhiều người trong thập niên 1950 chấp nhận Phật Giáo như một thú tiêu khiển, và không ứng dụng Phật Giáo trong mọi mặt của đời sống. Phật Giáo có cùng một sự hấp dẫn đối với cả hai thế hệ này, chính yếu là sự phong phú về triết lý, sự khoan dung, phẩm tính từ bi, và tinh thần tự tu sửa, nhưng trong thập niên 1950, người ta tương đối ít cố gắng thực hành những điều này.

Sự xuất hiện đột ngột của các hội đoàn Phật Giáo làm cho xã hội nghi ngờ, dù không gây ra sự thù địch thực sự nào, thí dụ như trong năm 1954 hai nhân viên của Cục Điều Tra Hình Sự tới hỏi Leo Berkeley là có thật Người Phật Giáo ủng hộ Cộng Sản hay không. Ông liền nhiệt thành trình bày sơ lược giáo lý Phật Giáo cho họ, và theo ông thì họ gần như đã tin theo Phật Giáo. Cũng có lần một người Tin Lành nói với Les Oates rằng không nên theo một tôn giáo nào khác tôn giáo của tổ tiên mình, ông đáp rằng nếu từ xưa tới nay mọi người đều làm theo điều này thì người Úc đã vẫn là những tín đồ của tín ngưỡng Druid có từ thời xa xưa ở Anh Quốc chứ không phải là người Thiên Chúa Giáo. Chắc chắn người Tin Lành kia đã bỏ đi một cách bực bội mà không biết nói gì hơn.

Ngày 1 tháng hai năm 1955, Đại Đức Narada Thera tới Sydney trong một chuyến thuyết pháp ba tháng ở Úc. Năm 1951, Ngài đã khuyến khích Leo Berkeley thiết lập một Hội Phật Giáo. Sinh năm 1898 ở Tích Lan, Đại Đức Narada đã đi khắp thế giới, và dù không kém hùng biện hơn U Thittila, nhưng vẫn có người nói rằng Ngài có những tính chất huyền thoại. Lúc đó báo chí nói nhiều về việc Ngài đã mang mấy nhánh cây Bồ Đề để trồng ở Đại Học Berkeley (Berkeley’s?) và một số “xá lợi” của Đức Phật đựng trong một hộp giấy nhỏ trên đường tới Việt Nam. Ở Sydney, Ngài thuyết pháp về đề tài “Pháp Tu Tâm” và “Nghiệp Quả” cho hơn năm trăm thính giả. Cũng như trong chuyến viếng thăm của U Thittila, đa số những buổi thuyết pháp được tổ chức miễn phí ở đại sảnh của Hội Quán Thông Thiên Học, vì vậy Leo Berkeley đã hết lòng ca ngợi những người “anh em tinh thần” của ông. Đại Đức Narada cũng hướng dẫn thiền định hai buổi mỗi tuần và tổ chức những cuộc tham vấn riêng ở Đại Học Berkeley.

Ở Melbourne, Đại Đức thuyết pháp về Luân hồi, Nhân quả, và thực hành tu tập. Có nhiều tính chất chính thống hơn U Thittila, Ngài bắt đầu mỗi cuộc thuyết pháp bằng việc tụng niệm mà theo một ký giả thì “lần nào cũng dường như sắp trở nên trầm bổng, nhưng không bao giờ như vậy". Ngài cũng dạy tiếng Pali, làm lễ vào ngày rằm, và làm lễ cúng ở một miếng đất ở Templestowe, vừa mới được hiến cho Hội. Trong một buổi lễ, Les Oates đọc mấy câu Kinh Pháp Hoa của Đại thừa, “vì sự thống nhất của Phật Giáo”, hậu quả là Đại Đức Narada trở về Sydney sớm, nơi Ngài “cảm thấy chắc chắn hơn về tính chất nguyên thủy của Hội Phật Giáo".Cuộc viếng thăm Melbourne của Ngài làm nổi rõ thêm một số tranh chấp về giáo thuyết nhân sự và tổ chức trong Hội, đưa tới việc rời bỏ Hội của một số hội viên quan trọng vào ngày 5 tháng 5. Cũng như ở Sydney trong năm sau đó, sự chia rẽ này phát sinh từ việc hưởng dụng đất của Hội, nhưng mức độ thì rất khác. New South Wales vượt xa Victoria về sự tranh chấp giữa những cá nhân, và không bao giờ đạt được sự hòa giải hoàn toàn, còn ở Melbourne thì đây chỉ là một sự ngưng trệ tạm thời.

Với những hội viên mới và năng động như thi sĩ Max Dunn có khuynh hướng Thiền Tông và David McKay; một tín đồ Kim Cương Thừa đã từ lâu liên lạc với W. Y. Evans-Wentz, học giả nổi tiếng về Phật Giáo Tây Tạng, chẳng bao lâu những người thuộc phái Theravada “chính thống” như Syd Hill cảm thấy mình trở thành thiểu số. Dù là người khá chiết trung, Len Bullen cũng cho rằng màu sắc tôn giáo đã xuất hiện ở trong Hội, và thế là hai người đầu tiên vận động việc thành lập Hội tách ra lập một nhóm khác lấy tên là Trung Tâm Thông Tin Phật Giáo. Len Bullen cố gắng giữ cho nhóm này hoạt động như một phần phụ thuộc của Hội cho tới khi ông qua đời vào năm 1984, nhưng nhóm này chưa bao giờ có hoạt động nào đáng kể . Ông tiếp tục tiếp xúc với Hội, nhưng theo một người bạn thì chiều hướng mà Hội đã đi theo là “nỗi đau của đời ông”. Một điều làm cho Syd Hill bất mãn là chỉ có Les Oates và David McKay là được quyền biết danh tánh của vị hiến tặng đất, theo ý muốn của vị này, và điều này làm cho ông quyết định rời khỏi Hội, không bao giờ trở lại. Những người khác rời bỏ Hội vì không đồng ý về lệ phí cố định, nhưng sau đó thì ít có những tranh chấp về tông phái. Một viên chức Miến Điện ở Melbourne có lần ngỏ ý sẽ mua cho Hội một khu đất nếu Hội tuyên bố mình thuộc phái Theravada, nhưng đề nghị này bị từ chối và Hội vẫn làm theo chính sách bao dung đối với tất cả các phái.

Chuyến viếng thăm của Đại Đức Narada cũng đưa tới việc thành lập Hội Phật Giáo ở Tasmania và việc củng cố một hội đã có từ trước ở Brisbane. Ngài tới thăm Tasmania một tuần, kích thích sự chú ý tới Phật Giáo, và để lại đây một nhóm mười bảy người đầu tiên. Họ họp mỗi tháng một lần trong năm năm trước khi giải tán. Vị thủ quỹ đầu tiên của Hội Phật Giáo này là Ken Wriedt, về sau là thủ lãnh Đảng Lao Động ở Quốc Hội trong thời Thủ Tướng Whitlam, và thủ lãnh đối lập ở Tasmania trong thập niên 1980. Ông được biết về Phật Giáo trong khi làm nghề buôn bán đường biển, và sau đó đọc sách của Christmas Humphreys. Ken Wriedt vẫn còn hành thiền và xem kinh sách Phật Giáo. Ông nói rằng trong chính trị của mình có những nguyên tắc khoan dung và từ bi của Phật Giáo: “Tôi thích sự hiền hòa của những ý niệm này - không phải là những điều luật để người ta phải làm theo mà cho phép mỗi người tự tìm hiểu theo cách của mình”.

Cuộc họp công cộng đầu tiên của Hội Phật Giáo Queensland được tổ chức ngày 28 tháng 5 năm 1953. Hội đoàn nhỏ này được tiếp thêm sinh lực bởi chuyến viếng thăm Úc Châu của Đại Đức Narada mà họ đã góp phần tổ chức, nhưng hội sớm suy tàn, và chỉ gồm một nhóm người tự gọi mình là “những người bạn của Hội Phật Giáo". Sau khi vị sáng lập là ông E. V. John Siepen qua đời vào đầu thập niên 1960 thì hội cũng không còn. “Nhóm Phật Giáo Nam Úc” dù không được hưởng một cuộc thuyết pháp nào cũng hoạt động trong một thời gian ngắn vào khoảng năm 1958, và xuất bản một bản tin có tên là “Góp Nhặt Phật Pháp”.

Chuyến đi Úc của Đại Đức Narada được tài trợ bởi một cựu học sinh trường Makinda, Tilak Narayaha, để tưởng niệm vị Thầy của mình, F. L. Woodward. Người ta cũng nói nhiều về một tu viện sẽ được thiết lập ở Sydney trong tương lai gần mà các nhà buôn trà giàu có người Tích Lan đã hứa với Đại Đức Narada là sẽ tài trợ. Leo Berkeley nói với báo “Sydney Morning Herald” rằng: “những thương gia này muốn trả lại cho Úc Châu những gì mà họ đã lấy ra từ xứ này”. Graeme Lyall nhận thấy ý kiến cho rằng người Tích Lan muốn giảm bớt mặc cảm tội lỗi đã trục lợi những người uống trà đáng thương của nước Úc bằng cách xây chùa cho họ là kỳ cục. Phí tổn xây dựng ngôi tu viện được phỏng định là 14,000 bảng, và Anthony Miles, được coi là tu sĩ Phật Giáo đầu tiên của Úc Châu, sẽ là vị trụ trì.

Anthony Miles là một sinh viên y khoa người Anh tới Úc Châu năm 1950, và đã quyết định trở thành Tăng sĩ sau khi đọc một số sách về Phật Giáo. Là hội viên của Hội Phật Giáo New South Wales, ông đi Tích Lan thọ giới Tỳ Khưu với pháp danh là Anoma Mahinda vào tháng 11- 1953. Ông đóng góp đều đặn những bài rất trong sáng cho tạp chí “Buddhist News”, và đã viết cuốn sách được đánh giá cao, “The Blueprint of Happiness”. Sau đó ông đi Miến Điện và Thái Lan, và rất nổi tiếng ở những nước này. Tháng hai năm 1957, tạp chí “People” của Úc đăng một bài về ông với đầu đề “Một Vị Thánh Phật Giáo Người Anh”, nói rằng ông đã “trở thành một trong những vị hiền giả được yêu mến và kính trọng nhất Á Châu”. Tháng 7- 1957, một bản tin của thông tấn xã AAP-Reuter cho biết ông vừa mới chấm dứt một kỳ nhập thất bốn tháng ở “Hang Ẩn Tu” trên “Núi Rắn”, cách thủ đô Bangkok 130 cây số về hướng Bắc, “sống trong hang cùng với năm trăm con dơi, mấy triệu con kiến và một đàn quạ”. Người ta nói rằng Quốc Vương Thái Lan đã đích thân ghé thăm ông. Vì vậy các Phật tử người Úc đã nóng lòng chờ đợi đại hành giả Miles trở về. Nhưng khi ông về tới Sydney thì họ rất bất mãn vì thấy ông đã rời bỏ phái Theravada sau khi gặp một người Mỹ tên là Robert Stuart Clifton, và đã mặc cà sa của “Bộ Phái Tây Phương". Dường như sự thay đổi này chưa đủ, thời gian nhập thất đơn độc ở trong hang có lẽ làm cho ông có phần loạn trí, vì ông tuyên bố với báo chí rằng kiếp trước mình là Vua Chulalongkorn của Thái Lan. Hội Phật Giáo coi đây là “nỗi đau lớn nhất” của mình. Hình như chẳng bao lâu sau Miles thân mật với Rosaleen Norton, họa sĩ “huyền bí” bạn cũ của David Maurice, và có hình chụp trong một bài báo, trên một trang là hình ông mặc áo Tăng sĩ và ở trang kế là hình ông mặc trang phục phù thủy, dưới đầu đề “Phù Thủy Thủ Lãnh Của Hội Đồng Phù Thủy Úc Châu".

Robert Stuart Clifton, “vị Thầy” của Anthony Miles, thật ra đã ở Úc mấy tuần trong tháng 4-1956. Ông đã theo Thiền Tông Tào Động và Tịnh Độ Tông, sáng lập “Western Buddhist Order” hay “Tây Tông” theo đường lối liên phái vào năm 1951. Tuy nhiên ông tới Úc Châu trong màu áo của Phật Giáo Nam Tông Theravada, với pháp danh Phra Sumangalo và đi cùng với một Tăng sĩ cao cấp người Thái Lan là Phra Dhammadhiraraja Mahamuni. Ở Sydney, Clifton diễn thuyết bốn buổi ở rạp Conservatorium, và ở Melbourne ông diễn thuyết ba buổi ở Kelvin Hall, với số thính giả là hơn hai trăm người. Ông cũng diễn thuyết ở Hội Thông Thiên Học Melbourne, kêu gọi các hội viên Thông Thiên Học trở về với chiều hướng Phật Giáo của bà Blavatsky. Khi báo chí hỏi về phương diện “thờ thần tượng” của Phật Giáo thực hành, ông trả lời rằng tượng Đức Phật đối với người Phật Giáo cũng giống như “tượng của Thuyền Trưởng Cook đối với những người Úc yêu nước”.

Robert Stuart Clifton đã tới thăm Sứ Quán Hoa Kỳ một vài lần, vì vậy mà Natasha Jackson cho rằng ông là nhân viên CIA. Theo Natasha Jackson thì còn một điều tệ hại hơn nữa là Clifton đã cấp “giấy chứng nhận thọ giới Đại thừa bất hợp pháp cho các thí chủ nam nữ của mình với vẻ uy quyền”. Đúng là ông đã làm lễ “thọ giới" cho năm người theo Tây Tông, nhưng việc này đã được làm trước khi ông tới Úc Châu, và chắc chắn đã có sự chấp thuận của phái Tào Động ở Nhật Bản. Người ta nói rằng vị Sư trưởng người Thái đã tham dự lễ thọ giới này, hoặc vì không rành tiếng Anh nên đã không biết việc gì đang diễn ra cho tới khi đã ở Úc lâu ngày và khi đó Ngài đột ngột rời khỏi Úc, mang Clifton trở về Bangkok để chịu khiển trách.

Robert Stuart Clifton gây cảm hứng cho Graeme Lyall và Les Oates ở Melbourne thành lập những Hội Thanh Niên Phật Tử, với đa số hội viên là các sinh viên người Á Châu, nhưng mỗi hội đoàn chỉ bền được một hay hai năm.

Một việc đáng ghi nhận khác trong chuyến viếng thăm Úc Châu của Clifton là ông đã có ảnh hưởng dị thường tới Tiến Sĩ Raymor C. Johnson thuộc Đại Học Melbourne trong hai lần hai người gặp nhau ở nhà của ông này. Johnson rất chú ý tới “khả năng tâm linh” (các hội viên của Hội Phật Giáo nghĩ ông thuộc hạng người “quái đản”), và ông ta thán phục “quyền năng dị thường “ của Clifton tới mức hai người đã liên lạc với nhau lâu dài. Kết quả là Johnson viết một cuốn sách “nghiên cứu tính chất" của Clifton có tên là “The Light And The Gate”. Johnson còn xuất bản sáu tác phẩm nữa về nghiên cứu tâm linh và triết học Đông Phương. Cùng với mấy người khác, ông thiết lập giáo phái khét tiếng “The Family” mà sau khi ông qua đời năm 1987 đã bị cảnh sát tới khám xét.

Clifton làm lễ thọ giới cho nhân vật nổi tiếng của đài phát thanh Sydney, Gordon Lishman và vợ của ông ta, cùng với ông bà Chalmers ở Canberra, là hai người vừa mới thành lập một Hội Phật Giáo và một nhóm Thiền Tông. Người thứ năm thọ giới là Max Dunn, tác giả của khoảng mười lăm cuốn sách về tâm lý học, máy bay, kịch và thơ. Cuốn “The Oxford Companinon To Australiaian Literature” mô tả ông là “một người đa dạng bí mật, và trí thức đáng khâm phục, với bối cảnh có phần không rõ ràng". Sinh năm 1895 ở Dublin, Ái Nhĩ Lan, có lẽ Max Dunn đã được biết về Phật Giáo từ thời còn nhỏ qua một vị giáo viên đã từng sống ở Ấn Độ một thời gian. Sau khi phục vụ trong Không Quân Hoàng Gia Anh trong thế chiến thứ I, ông tới Úc Châu năm 1924 sau khi đi qua miền Bắc Ấn Độ, là nơi mà ông nói rằng mình đã được làm lễ truyền pháp của dòng “mũ đỏ” và dòng “mũ vàng” thuộc Phật Giáo Tây Tạng. Ông cũng nói rằng mình đã tham dự “Pháp Hội Nhỏ” với David Maurice vào năm 1925. Về sự thật của những lời nói này thì theo một số bạn của ông, Max Dunn “thường hay thêu dệt quá khứ của mình”, và có lẽ điều này liên quan tới chứng bệnh động kinh của ông. Ông là người “có nhiều tính cách khác nhau", mỗi tính cách có một nét thơ riêng. Người ta biết là sau khi quản lý những phòng triển lãm mỹ thuật, viết bài cho báo chí, và cũng có lần đã tìm cách tự tử, ông dành tất cả cho việc làm thơ vào năm 1945. Công việc này hầu như chỉ đủ sống, và ông phải nương tựa nhiều vào những người bạn lãng tử “bohemian”, những bạn văn chương và những người bạn cũ theo Cộng Sản và theo giáo phái Unitarian. Nếu có những đề tài Phật Giáo trong những bài thơ thuộc thời kỳ đầu của ông thì những đề tài này không được trình bày rõ ràng, nhưng trong bài “Lá Ngọc” làm năm 1952 người ta thấy có ý tưởng hâm mộ thi ca Trung Hoa:

“Những đàn chim bay qua trên trời,
Một đám mây trôi. Tôi ngồi một mình
Với đỉnh núi Chim Ting trên kia.
Chúng tôi không bao giờ chán nhau, núi và tôi”.

Harold Stewart và Max Dunn quen biết nhau vì cùng là hội viên của Hội Phật Giáo Victoria, nhưng về mặt thi ca cũng như tính khí thì họ là hai thái cực, với tính hiện đại và lối sống của Dunn mà Stewart rất kiêng kỵ.

Max Dunn tham dự cuộc họp đầu tiên của mình ở Hội Phật Giáo vào tháng 10 năm 1954, và rồi với sự hỗ trợ của Les Oates và Len Henderson, ông được bầu làm chủ tịch Hội vào cái ngày định mệnh có sự bùng nổ giữa các phái tranh chấp nhau, ngày 5 tháng 5 năm 1955. Có một điều hiển nhiên là ông theo Thiền Tông, và vì vậy mà ông đã đi từ ý thơ kiểu Trung Hoa tới những câu thơ kiểu công án Thiền, thí dụ như “Tôi nhảy múa trước khi có hai chân”. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “Chân Dung Một Xứ Sở” (Potrait of a country) được so sánh với bài thơ “Đất Hoang”(Waste Land) của thi sĩ người Anh, T.S. Eliot, rằng người ta dần dần tiếp nhận những đặc tính của xứ mà mình sinh sống, “cho tới khi đối với nhà địa lý học của linh hồn, đất và người trở thành biểu tượng của nhau”. Giải pháp Phật Giáo của ông dành cho cái mà Patrick White gọi là “Hư Không Lớn Úc Châu" được trình bày rõ nhất trong bài “Chuỗi Ngọc Của Bipankara” và bài “Đi Vào Quang Minh”, được in mỗi câu một trang với số in giới hạn vào cuối năm 1955 để mừng việc ông sắp được thọ giới Tỳ khưu Thiền Tông.

“Hãy coi chân không
Vốn là đất, hạt giống, hoa và trái của vạn vật,
Mà lại không bị giới hạn bởi danh sắc,
Yên lặng hơn núi trước khi bình minh,
Lặng lẽ hơn sự lặng lẽ sau những âm thanh
Hay ý nghĩ yên lặng.
Chỉ có cái không hoàn hảo mới chuyển động:
Hãy coi con người, hạt cát di chuyển trong thời gian,
Vọng tưởng của y,
Sa mạc cô đơn của y.
Nhưng người đã tới thì đã vượt qua
Ảo ảnh của ái, và thủ, của thị và phi.
Quán sát chân không,
Không có sự trống rỗng”.

Ngay cả những người bạn không theo Phật Giáo của Max Dunn cũng nghĩ rằng, việc thọ giới của ông là một sự ổn định hóa, và họ sung sướng khi thấy ông “hoan hỷ bước vào đời sống của một bậc cao trọng”. Ông đã đăng ký tu sĩ kịp lúc để trở thành người đầu tiên được chính thức chỉ định làm tuyên úy Phật Giáo trong một Thế Vận Hội. Báo chí ở Melbourne ghi nhận sự kiện này, vì người ta nhận thấy rằng cứ mười vận động viên tham dự Thế Vận Hội thì có ít nhất một người là tín đồ Phật Giáo. Trong mấy năm cuối đời ông thiết lập “Học Viện Thiền Tông Úc Châu" ở Richmond, gồm một thư viện nhỏ, phòng nghiên cứu, và điện thờ, như một sơ sở phụ thuộc Hội Phật Giáo. Ông diễn thuyết về Phật Giáo cho Hội Đồng Giáo Dục Tráng Niên và các hội đoàn khác, tổ chức những “khóa hướng dẫn riêng”, đi thăm người bệnh và người già như một phần của “Dịch Vụ Phật Giáo Tại Nhà”. Một người bạn gọi ông là người “đã tới nơi”, và điều này được phản chiếu trong một số bài thơ sau cùng của ông:

“Tôi ca tụng chân lý với môi và mắt cười
Âm nhạc của cái hiện tại"

Ông qua đời vào ngày 4 tháng 9 năm 1963.

Vào tháng 5 năm 1956, vài tuần sau khi Clifton đi khỏi, U Thittila trở lại Úc Châu, viết bài phát thanh và diễn thuyết trước những cử tọa có khi đông tới tám trăm người. Cũng như chuyến viếng thăm Úc trước, chuyến này có sự phối hợp công việc của David Maurice, bây giờ là một viên chức cao cấp trong chính phủ Miến Điện. Là người ủng hộ mạnh mẽ “Chủ Nghĩa Xã Hội Phật Giáo" của Miến Điện, Maurice soạn những bài diễn văn cho bạn của mình là thủ tướng U Nu, và ông cũng có một ảnh hưởng nào đó đối với U Thant, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Năm 1954, khi Thái Lan vào giờ chót quyết định không tham dự lễ Phật Đản do thủ tướng U Nu bảo trợ, ông được cử làm sứ giả của chính phủ Miến Điện ở Thái Lan. Người ta cho rằng trong vai trò trung gian, ông đã thuyết phục được vị Tăng Đoàn Trưởng của Phật Giáo Thái Lan thay đổi quyết định của mình. Có lẽ vì thành công này mà cũng trong năm đó chính phủ Miến Điện đã tặng ông huy chương cao quý “Wunnakyawhtin”, có nghĩa là “người hoạt động xuất sắc vì lợi ích của người khác”. Nhưng vai trò chính yếu của ông trong chính phủ Liên Bang Miến Điện là trưởng ban dịch thuật kinh điển Pali sang tiếng Anh cho Hội Đồng Phật Giáo. Với bút danh Miến Điện, U Ohn Ghine, ông cũng là chủ bút của tạp chí “Ánh Sáng Giáo Pháp”, xuất bản tác phẩm Phật Giáo bằng tiếng Anh được phân phối rộng rãi nhất thế giới. Ông còn là phó chủ tịch Hội Phật Tử Toàn Cầu được thành lập ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1950. Khi nhà xuất bản Rider ở London đề nghị ông viết một cuốn hồi ký thì ông từ chối, nhưng ông đưa cho họ xuất bản cuốn “Sư Tử Hống”, gồm những bản dịch kinh điển Pali của ông. Ông trở về Úc Châu năm 1959 và bị cưỡng bách phải rời Miến Điện khi “một cựu nhân viên bưu chính thường bán tem thư cho tôi ở quầy trở thành Tướng Ne Win và giải tán chính phủ”. Người thay ông giữ chức vụ chủ bút tờ “Ánh Sáng Giáo Pháp” là người bạn của U Thittila.

Năm 1954, Maurice khuyên chính phủ Miến Điện tài trợ lộ phí cho một người bạn khác là Syd Hill để Úc Châu có đại biểu của mình ở cuộc Kết Tập Thứ Sáu được tổ chức ở thủ đô Rangoon. Hill giao tiếp thân mật với một số người Cambodia ở cuộc Kết Tập, và vào tháng 8 năm 1955 ông thọ giới Sa Di ở Phnom Penh, thủ đô của Cambodia. Đây là trường hợp có thể được kiểm chứng đầu tiên một người sinh ra tại Úc Châu trở thành tu sĩ Phật Giáo, và ông đã luôn luôn mặc áo cà sa trong một năm. Vì biết nói tiếng Pháp nên ông không gặp khó khăn nào trong việc truyền thông với người Cambodia, nhưng ông chỉ được họ coi như một “màn trình diễn phụ”, với nhiều người từ khắp vùng kéo tới để ngó ông. Ông cũng hơi bất mãn vì bị lợi dụng để dạy tiếng Anh cho sáu trăm tu sĩ ở tu viện. Là người thực tiễn, giống như Maurice, ông có quá nhiều tính độc lập, để làm một người Đông Phương giả hiệu, khác với nhiều người Úc Phật Giáo ngày nay, ông không ngượng vì nguồn gốc văn hóa của mình một chút nào, ông nói rằng việc Mẹ ông gửi cho ông bản thành tích của đội bóng Collingwood mỗi tuần không có gì là kỳ cục cả. Syd Hill luôn luôn là tín đồ Phật Giáo trung thành, dù không có liên hệ gì với các hội đoàn Phật Giáo.

Có ít nhất là bốn người Úc thọ giáo trong năm 1956, tức năm 2500 Phật Lịch. Hai hội viên của Hội Phật Giáo Victoria là Bob Shackleton và Fred Whittle đã làm Tăng sĩ trước khi bị bệnh, một người được năm tháng và người kia được mười hai tháng. Fred Whittle cùng lúc là hội viên của Hội Tâm Linh Học, Hội Thông Thiên Học và các hội Phật Giáo, đã có những lúc làm chủ tịch của những hội này, và như vậy có thể coi con người ông là toàn thể lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu, kể từ W. H Terry trong thập niên 1880. Ông là nơi hội tụ tất cả giáo lý của những hội đoàn đó, và theo lời các bạn của ông thì ông có một khả năng hiếm có là phân loại những ý tưởng của mình tùy theo các loại cử tọa, vì vậy ông rất hân hoan khi diễn thuyết ở Hội Phật Giáo về đề tài con người không có “linh hồn”. Và sau đó diễn thuyết ở Hội Thông Thiên Học về điều người ta có thể có tới bảy lớp hồn vía! Ông thọ giới Sa Di ở chùa của Đại Đức Narada ở Colombo, Tích Lan trước khi đi Miến Điện tham dự khóa thiền của Mahasi Sayadaw. Ở đây, giống như Shackleton, ông cảm thấy một sự dị biệt về văn hóa nào đó, và có lẽ đã mừng khi bệnh tiêu hóa mang lại cho ông một cái cớ để rút lui.

Trong số những người Úc gia nhập Tăng đoàn ở Đông Nam Á thì đáng kể nhất là trường hợp hai vợ chồng Lishman, quyết định bổ túc cho Thiền Tông của họ với việc thọ giới Theravada. Sau khi bán ngôi nhà ở North Shore, họ ra đi vào tháng 10 năm 1956, và được đăng tin trên báo với đầu đề lớn: “Nhân Viên Đài Phát Thanh Trở Thành Tu Sĩ Phật Giáo". Joyce Lishman dự định sẽ hoạt động ở Indonesia trong hai năm, còn Gordon Lishman thì sẽ thọ giới ở miền Bắc Thái Lan. Sau khi thọ giới ít lâu ông làm một “chuyến thuyết pháp tăng tiến” với một thông dịch viên. Nhật báo “Sydney Morning Herald” gọi đây là “Sứ Mạng Phật Giáo Của Cặp Vợ Chồng Người Úc” đầu tiên ở hải ngoại, nhưng hoạt động này chấm dứt trong sự thất vọng sau ba hay bốn tháng. Gordon Lishman nói rằng người Thái Lan chỉ quan tâm tới “lễ nghi và hình thức bên ngoài, như tụng niệm, tranh tượng Phật, những ngôi chùa trang trí cầu kỳ”. Ông cũng thấy kỷ luật tu viện không thích hợp với mình. “Kỷ luật là điều rất tốt, nhưng sẽ có lúc người ta tự trói buộc mình vào kỷ luật”. Vợ ông từ Indonesia tới Bangkok khi ông đang làm công việc quảng cáo cho một công ty sữa.

Tạp chí “Buddhist News” mà Lishman đã có lần làm chủ bút được đổi tên thành “Metta” (Từ Bi) vào tháng năm 1955. Natasha Jackson nhận chức vụ chủ bút trong tháng 11 năm 1955,với số bán giảm dần, năm sau đó có một người bạn từ Queensland tới, đó là Charles F. Knight, người mà Natasha Jackson đã truyền giáo lý Phật Giáo khi bà đi nghỉ hè ở đó vào năm 1954. Cùng với nhau, hai người hoạt động gần như toàn thời gian cho Phật Giáo Úc Châu cho tới năm 1971. Charles F. Knight sinh năm 1890 ở một nông trại ở Gippsland, và trước khi ông đi Âu Châu chiến đấu trong thế chiến thứ I, một người thuộc Hội Tâm Linh Học nói rằng một ông bác đã qua đời của ông nhờ người đó chuyển lời tiên tri rằng ông sẽ bị thương nặng. Về sau, ông thề là điều này đã xảy ra đúng như vậy, vì khi tham dự cuộc đổ bộ ở Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ vào người 25 tháng 4 năm 1915, ông bị trúng mảnh đạn, những mảnh vải áo vùi vào lưng của ông và không được lấy ra bằng giải phẫu cho tới cuối thập niên 1960. Người ta nói rằng vết thương đau đớn này làm cho ông chú ý tới Phật Giáo Theravada với giáo lý chính yếu “đời là khổ”.

Charles Knight còn là đại diện công đoàn Đường Sắt Queensland. Người ta được biết ông cũng có lúc đi truyền đạo ở vùng rừng núi, nhưng ông đã thất vọng với Thiên Chúa Giáo sau khi bị khiển trách vì đã chôn một người tự tử trong nghĩa địa của nhà thờ. Hoặc do việc này hoặc vì bị đau tim nặng vào năm 1946, ông đã để lại tài sản cho vợ và con gái ở Bundaberg rồi sống như một ẩn sĩ ở miền Bắc Queesland. Trong một thời gian ông không sở hữu một vật nào cả và không mặc quần áo, nhưng dần dần ông trở lại với đời sống văn minh, lúc đầu là trao đổi vỏ ốc với những nhà sưu tầm nào đi tới bãi biển cô quạnh của ông. Trong số những nhà sưu tầm vỏ ốc này có một bà tự gọi mình là nhà nhuyễn thể học, vì đã có một số vỏ ốc được đặt tên theo tên của bà, đó là Natasha Jackson. Chắc chắn bà đã nói Charles Knight là theo Phật Giáo thì việc ông từ bỏ đời sống gia đình là việc hoàn toàn tự nhiên. Nhưng nếu vậy thì “hạnh xả ly” này của ông đã thất bại, vì ít lâu sau Natasha Jackson mời ông tới Sydney sống ở nhà của bà ở Anzat Porade, Kensington. Charles Knight là người dễ mến, nhưng ông có “lớp vỏ cứng” trái ngược với cá tính của Natasha Jackson, vì vậy liên hệ của hai người đã luôn luôn khó khăn. Tuy nhiên, ông nhận được tiền trợ cấp xã hội, và với năng lực chung của hai người, họ hoạt động để truyền bá loại Phật Giáo của họ. Họ đánh dấu giai đoạn từ 1956 tới 1971 với cá tính mạnh mẽ của họ để rồi bà trục xuất ông khỏi Hội sau khi một vụ bất hòa nữa xảy ra trong Hội.

Theo cách nhìn của đa số người Phật Giáo Úc thì lối tiếp cận của họ là một giai đoạn mà Phật Giáo Tây Phương phải trải qua trong tiến trình thích ứng về mặt văn hóa của mình. Charles Knight và Natasha Jackson tuyên bố rằng họ còn có nhiều tính chất Theravada hơn những người Theravada của Đông Nam Á, nhưng điều mà họ thực sự cống hiến là diễn dịch Phật Giáo một cách hiện đại. Năm 1957, Knight đã đi xa tới mức viết cho Đại Đức Narada (một trong những người có thẩm quyền nhất thế giới về giáo thuyết Theravada) để nói rằng một trong những tập giới thiệu Phật Giáo của Đại Đức có nội dung “không phù hợp với Giáo Pháp thuần túy” và do đó những bản in của tập giới thiệu này mà Đại Đức gửi cho Hội đã được đưa thẳng tới “nhà máy làm bột giấy”. Malcolm Pearce, chủ tịch của Hội vào năm 1988, mô tả những bài diễn thuyết của Natasha Jackson là “một sự trình bày hấp dẫn về giáo thuyết Theravada cải cách, nhấn mạnh tới những điểm duy lý, vô thần (atheism), và phê bình xây dựng". Giống như nhiều người thời đó, họ coi Phật Giáo là một sự chiến thắng của chủ nghĩa duy lý, và dùng Phật Giáo như võ khí để đả kích Thiên Chúa Giáo. Đây là lối tiếp cận được trí thức hóa một cách mạnh mẽ, ra sức chứng minh rằng Phật Giáo hoàn toàn phù hợp với tư duy khoa học. Nắm vào truyền thống duy lý và thực tiễn trong Kinh Kalama(Kalama Sutra), họ giảm thiểu phương diện tôn giáo của Phật Giáo để làm nổi bật sự khác biệt giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Natasha Jackson coi Đức Phật là một triết gia duy lý, giống như Socrates của Hy Lạp, và một nhà cải cách xã hội. Bà tấn công dữ dội loại Phật Giáo tình cảm, nghĩ tới chuyện từ bi với loài vật trong khi người ta đang phải chịu đau khổ và đang bị bóc lột, và bà tuyệt đối không có liên hệ nào với loại Phật Giáo Thông Thiên Học, không cả với những giáo thuyết “đáng nghi” như thuyết luân hồi.

Tất nhiên, sự hướng ngoại chua chát và sự chú trọng về nhân bản này phát xuất từ chủ nghĩa xã hội của bà. Nhân vật lý tưởng của bà là Ashoka, vị vua Phật Giáo vĩ đại có tư tưởng cải cách, còn lối sống ẩn dật của các Tỳ khưu thì bà không thích, và coi họ là “nhược điểm của Phật Giáo". Vì vậy mà bà chống lại những chuyến viếng thăm của các Tăng sĩ, cho rằng họ sẽ gây xúc động và “sự trổi dậy của những phần tử xấu”. Người Úc có những điều kiện tốt hơn người Á Châu để truyền bá Giáo Pháp, vì “sự hiểu biết của trí năng Tây Phương thì giá trị hơn khả năng tụng Kinh Từ Bi bằng tiếng Pali”. Với khuynh hướng chống giới giáo sĩ như vậy, đối với bà ý tưởng xây một tu viện cho các Tăng sĩ là chuyện vô lý, vì người Úc Châu sẽ “thắc mắc và nghi ngờ những người nào không tự kiếm sống bằng sức lực của chính mình”, và trong bất cứ trường hợp nào các Tăng sĩ cũng có thể thấy mình “bị bắt vì tội vô gia cư, vô nghề nghiệp”. Nếu có những “người sống nhờ tâm linh” ở xã hội tại những cuộc họp của Hội để trình bày những ý tưởng hoa mỹ của mình về Phật Giáo và các tu sĩ Phật Giáo thì bà nghĩ rằng cách tốt nhất để sửa chữa họ là “từ chối”. Bà còn cho rằng giống như mình, “Đức Phật không chịu nổi những kẻ vớ vẩn”. Những bài viết của bà trong tạp chí “Metta” thường ca tụng “những người tiên phong can đảm trong việc vạch trần những sai lầm của xã hội", từ triết gia người Pháp Voltaire cho tới triết gia người Anh Bertrand Russel, so với họ thì nhiều người Phật Giáo chỉ là “những con cừu”. Khẩu hiệu của bà là “Phê Bình Cao Hơn”, và châm ngôn của bà là một câu của thi sĩ triết gia người Mỹ Emerson: “Có hai con đường dành cho tâm trí: sự thật và ngừng suy nghĩ. Mỗi người hãy tùy ý chọn một. Không bao giờ có thể có cả hai”. Tuy nhiên, đa số người Phật Giáo thường cho rằng người ta không thể có điều này mà không có điều kia.

Ban đầu, Phật Giáo phát sinh từ truyền thống chiêm niệm, hay tham thiền trong rừng của Kinh Upanishad của Ấn Giáo. Như vậy, lời dạy của Đức Phật trong Kinh Kalama rằng đừng tin bất cứ điều gì cho tới khi chính mình chứng nghiệm và thấy đó là sự thật, được đưa ra cùng với việc hành thiền một cách tinh tấn. Mặt khác, Natasha Jackson, Charles Knight, và nhiều người Phật Giáo Tây Phương khác nghĩ rằng khi Đức Phật nói “chỉ có người khôn ngoan mới hiểu được Giáo Pháp” thì đó là Ngài muốn nói tới những người đọc sách nhiều. Jackson bắt đầu theo Phật Giáo trong tuổi năm mươi, còn Knight thì trong tuổi sáu mươi, nghiên cứu có lẽ đây là một loại Phật Giáo ngồi ghế bành đọc sách. Natasha Jackson hiểu “chánh niệm” là “suy nghĩ rõ ràng", và bà không có thời giờ dành cho việc hành thiền. Đối với những người cho rằng thiền là đề tài hấp dẫn nhất của Phật Giáo, bà luôn luôn khuyên rằng “muốn vượt lên trên lý trí thì trước hết phải phát triển một lý trí đáng để vượt lên trên”. Bà nghĩ rằng người ta nên thực hành trọn vẹn bảy điều đầu tiên của Bát chánh đạo trước khi thực hành chánh định. Về câu hỏi đã có ai đạt “giác ngộ" chưa thì câu trả lời của bà là “không biết”.

Lối tiếp cận Phật Giáo của Leo Berkeley thì có tính cách trực giác hơn nhiều. Giống như Marie Byles và một số hội viên ban đầu khác, ông quan tâm nhất tới thiền định, phối hợp với một chút đọc kinh sách và đi rừng (bushwalking). Vì vậy vào tháng 6 năm 1955, ông tổ chức một “quỹ tín dụng tu viện” để có tiền xây dựng một Thiền viện. Vào cuối năm đó, Marie Byles tìm thấy một khu đất 1.8 mẫu với cảnh rừng thơ mộng ở Pennant Hills, không xa ngôi nhà của bà. Việc mua khu đất với giá 450 bảng được tuyên bố trong một cuộc họp đặc biệt của Hội vào tháng giêng 1956, và mọi người cảm ơn bà đã làm thủ tục mua đất. Họ nghĩ rằng Thiền viện sẽ được thiết lập ở đó, với Anthony Miles hay một Tăng sĩ trụ trì nào khác tụng kinh và hướng dẫn hành thiền. Nhưng Natasha Jackson đã có ý kiến khác, và khu đất trở thành nơi tập trung những đặc biệt lớn về cá nhân, giáo thuyết và chính trị.

Nói chung thì những người duy lý với đường lối trí thức của họ chống lại những người có khuynh hướng thực hành tu tập quan tâm hơn tới phương diện chứng nghiệm bản thân của Phật Giáo. Natasha Jackson không thích tu viện với những tu sĩ và những khóa thiền, nhưng bà che giấu điều này bằng cách nói rằng Hội chỉ có khoảng một trăm hội viên thì không thể thực hiện một chương trình lớn như vậy. Khi U Thittila báo cáo với Miến Điện rằng Phật Giáo Úc Châu đang phát triển mạnh, bà đã tố rằng lời nói của ông không phải là “chánh ngữ”. Nền móng trí thức của Hội chưa được thiết lập trọn vẹn, vì vậy bà cũng đặc biệt tố Leo Berkeley là “hăng hái một cách sai lầm". Leo Berkeley đã dùng nhiều tiền để mua khu đất, nhưng sự quảng đại của ông chỉ làm cho Natasha Jackson bực bội, vì vào năm 1956 Leo Berkeley đang trở thành người giàu nhất Sydney (năm 1987 doanh nghiệp của gia đình ông thu về ít nhất là bảy mươi triệu đô la Úc), và Natasha Jackson coi ông là một quái vật tư bản. Trong một bài của tạp chí “Metta”, bà đả kích những “Phật Tử gạo” chỉ coi trọng những người giàu có, như vậy bà ám chỉ nhiều người tới họp ở nhà của Leo Berkeley chỉ vì nghĩ tới bữa tiệc mà họ sẽ được hưởng sau cuộc họp.

Có những người trong Hội nhớ rằng bà đã đặt ra những điều luật kiểm duyệt ở những cuộc họp hội đồng trị sự để cấm Loe Berkeley nói với báo chí mà không có sự chấp thuận của Hội trước, và bà thường cố gắng hết sức vận động mọi người chống lại điều mà bà gọi là đường lối độc tài của Berkeley. Bà nói với Berkeley về đời tư của mình với những chuyện luôn luôn làm cho ông khó chịu khi có sự hiện diện của bà, và lại còn buộc tội vợ của ông tự ý dùng tiền trong két sắt của Hội. Leo Berkeley nói rằng vì những “hành vi nhỏ mọn” như vậy, lòng nhiệt thành của ông dành cho Hội dần dần suy giảm. Nhiều năm sau đó Natasha Jackson công nhận là đã có một kế hoạch “loại bỏ Leo”, nhưng không nhận là mình liên can gì tới kế hoạch này. Leo Berkeley vẫn ở trong Hội, nhưng chỉ thỉnh thoảng tham dự một cuộc họp, nhường công việc quản trị Hội cho “nhị đầu chế” Jackson-Knight. Trong một cuộc họp với tính vô chính phủ của bà, Marie Byles đề nghị “cứ để cho Hội suy tàn, còn các hội viên thì họp không chính thức với nhau”. Sự việc đã diễn ra đúng như vậy. Vợ chồng Berkeley, Penrose, Marie Byles, Graeme Lyall, và những người khác, chán ngán những chuyện tranh chấp và lối quản trị độc đoán trong hội, vẫn tiếp tục họp đều đặn ở nhà riêng của họ để tham thiền cùng với nhau. Trong tạp chí “Metta”, Natasha Jackson viết rằng “một số người thuộc thành phần lung lay đã rời bỏ chúng ta để tìm sự an tĩnh tâm trí của họ ở nơi khác”. Tuy nhiên, họ đã mang theo với họ nhiều năng lực vốn đã được tích lũy từ 1952 tới 1956, và trong năm 1957 một kỳ tạp chí “Metta” đã không được xuất bản vì thiếu tài chính. Sự chia rẽ này nặng nề tới mức cho tới ngày nay Hội Phật Giáo New South Wales vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Leo Berkeley vẫn nghĩ tới việc lập tu viện trên khu đất ở Pennant Hills, nhưng Natasha Jackson và Charles Knight đòi ông phải nhường chủ quyền đất cho Hội, và tiếp theo sau đó là một cuộc tranh chấp về pháp lý kéo dài trong năm năm. Rốt cuộc năm 1961 Leo Berkeley đưa giấy chủ quyền cho Hội sau khi họ dọa đưa vụ này ra tòa. Marie Byles đã bảo đảm rằng ông là chủ nhân hợp pháp của khu đất, nhưng ông muốn tránh việc làm xấu danh nghĩa Phật Giáo ở tòa án. Malcolm Pearce lúc đó theo phe Jackson và Knight cũng nói rằng sau mấy năm ông đã nhận ra đây “chính là một hành động ăn cắp” và họ đã tự coi mình có quyền sử dụng khu đất.

Năm 1963, khu đất vốn đã được xếp vào hạng “Vành Đai Xanh” nay được đổi thành hạng “Phát Triển Tạm Thời”, và mọi người tranh luận với nhau là Hội có nên bán khu đất hay không. Marie Bbyles huy động những người bạn đi rừng và bảo tồn sinh thái của mình để chống lại những người thuộc phe phát triển, và Leo Berkeley khuyến khích mọi người gia nhập Hội Phật Giáo để có thêm “nhân số”. Tuy nhiên không việc nào thành, thí dụ như Graeme Lyall đã phải nộp đơn xin gia nhập hội lại. Trong trường hợp của Marie Byles thì Natasha Jackson gửi một bức thư trục xuất bà khỏi Hội. Có lẽ Marie byles là người đầu tiên và độc nhất trên thế giới bị trục xuất khỏi một hội đoàn Quaker cũng như một Hội Phật Giáo. Trong những năm sau đó, như được trình bày trong tạp chí “Metta”, tình trạng của Hội đã đi tới chỗ “bắt buộc phải” bán khu đất cho một công ty phát triển nhà đất. Marie Byles và nhóm bạn của bà đã sửng sốt khi thấy khu đất được bán cho Công Ty Hooker với giá mười ngàn bảng, hơn hai mươi lần tiền mua khu đất của Leo Berkeley. Khỏi cần phải nói là Hội Phật Giáo Victoria đã sững sờ khi trông thấy những hoạt động của Hội Phật Giáo New South Wales.

Natasha Jackson có sức mạnh trí thức đáng kể, và có phong cách xuất sắc không kém Marie Byles, nhưng bà không phải là loại người đảm trách một hội đoàn, càng không thể đảm nhiệm một Hội Phật Giáo. Có một số hội viên khác bị bà trục xuất khỏi Hội chỉ vì đã không cùng ý kiến với bà. Dù bà đã cống hiến hai mươi năm trong đời của mình cho Hội nhưng khi nhìn lại từ thập niên 1980 người ta không thể nào không đi tới kết luận là bà cũng đã làm hại Hội trong nhiều cách.

Tới năm 1975 thì chính bà bị đẩy ra khỏi Hội và như vậy đánh dấu sự chấm dứt một giai đoạn nữa trong lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu. Nhiều người cảm thấy có lẽ đây là nghiệp quả xấu của Natasha Jackson. Trong thập niên 1980, những người giống như bà có khuynh hướng không gia nhập một hội đoàn Phật Giáo nào cả. Một người bạn thân của bà, Paul Boston, bây giờ là Đại Đức Dhammika thuộc Theravada, nghĩ rằng “bà có nhiều cảm tình với một số phương diện của Phật Giáo, nhưng xét cho cùng thì bà không bao giờ thực sự là tín đồ Phật Giáo". Tất nhiên người ta khó có thể xác định “Phật Giáo thực sự” nghĩa là gì, nhưng có điều chắc chắn là Phật Giáo có tổ chức ở Úc Châu trước đầu thập niên 1970, sau khi tự gỡ mình ra khỏi Thông Thiên Học, đã thường trở nên rất giống một Hội Nhân Bản hay Duy Lý.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]