Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ ba

25/03/201213:05(Xem: 10073)
Phần thứ ba
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ CHÚA GIÊSU
Nguyên tác: LE DALAI LAMA PARLE DE JÉSUS
Éditions Brepols, Paris. 1996
Người dịch: Vĩnh An

PHẦN THỨ BA


“Nhìn thấy dân chúng, Đức Giêsu leo lên núi. Ngài ngồi xuống và các môn đồ đến bên Ngài. Bấy giờ Ngài mở miệng dạy họ rằng :
“Phúc cho những ai có lòng nghèo khó : nước trời là của họ !
“Phúc cho những ai hiền lành : họ sẽ được đất làm cơ nghiệp !
“Phúc cho những ai khóc lóc : họ sẽ được an ủi !
“Phúc cho những ai đói khát sự công chính : họ sẽ được no đầy !
“Phúc cho những ai có lòng thương xót : họ sẽ được thương xót !
“Phúc cho những ai tinh sạch trong lòng : họ sẽ thấy Thiên Chúa !
“Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình : họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa !
“Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính : nước Trời là của họ !” [Matthêô 5, 1-10]

Đức Đạt Lai Lạt Ma : “Đọc những dòng này về các mối Phúc thật, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là đoạn văn muốn chỉ về việc nhữngai muốn dấn thân vào con đường đạo và chấp nhận những thử thách đau khổtrên con đường đạo sẽ nhận được phần thưởng của sự dấn thân đó. Về vấn đề các bản văn giảng dạy lòng khoan dung đòi hỏi các bạn tự do chấp nhậnthử thách, sẽ sai lầm nếu coi đó là lời khẳng định đau khổ thì tốt, tấtcả chúng ta phải tìm kiếm khổ đau. Khỏi cần phải nói tôi không chủ trương một quan điểm như thế. Tôi nghĩ rằng mục đích của cuộc đời chúng ta là tìm hạnh phúc, tìm cách để được thỏa mãn và sung túc. Tuy nhiên, vì những thử thách và nhọc nhằn là một phần tự nhiên của cuộc sống nên điều chủ yếu là phải có một quan điểm cho phép chúng ta đề cập một cách hiện thực để có thể rút ra một vài lợi ích.

“Khi xem xét bản chất của sự đau khổ, chúng ta thừa nhận rằng có một số hình thức đau khổ mà người ta có thể tìm ra các giảipháp và vì vậy có thể chế ngự được. Một khi người ta có ý thức về đau khổ người ta phải đi tìm giải pháp và phương tiện để chiến thắng đau khổ. Nhưng cũng có những loại đau khổ không thể tránh khỏi và chế ngự được, cũng là những sự kiện tự nhiên của cuộc sống. Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là triển khai một trạng thái tinh thần cho phép tiếp cận sự đau khổ một cách hiện thực. Làm được như vậy, chúng ta có lẽ sẽ đi tới việc chấp nhận những khó khăn ấy một khi chúng xuất hiện. Một thái độ như thế sẽ bảo vệ các bạn không chỉ đối với thực tế vật chất của đau khổ mà còn đối với gánh nặng tâm lý vô ích đi kèm theo vì phải đấu tranh chống lại đau khổ.

“Một trong những cách tiếp cận hiệu quả đối với đau khổ được trình bày trong Bồ tát đạo. Nếu vấn đề đã tìm được cách tháo gỡ, có lo lắng cũng vô ích. Trái lại, nếu không có cách tháo gỡ, lo lắngthì có ích gì !

“Những lời trong các mối Phúc thật, theo tôi cũng đề cập đến nguyên lý nhân quả. Trong ngôn ngữ Sanskrit, thuật ngữ karma (nghiệp) dù không thể sử dụng trong khuôn khổ Kinh Thánh, thì nguyên lý nhân quả tổng quát, nằm bên dưới học thuyết nghiệp báo theo tôi đã được nêu ra ở đây. Lời Phúc thật muốn nói rằng tùy theo cách hành động của bạn, bạn sẽ nhận một hậu quả tương xứng, tùy theo cách bạn không hành động, bạn sẽ không nhận một hậu quả tương xứng. Nguyên tắc nhân quả rõ ràng được bao hàm trong lời giảng dạy đó.

“Mặc dù tất cả các truyền thống tâm linh lớn của nhânloại không đề cập đến vấn đề nhân quả dưới góc độ sinh tử luân hồi (nhưPhật giáo), dù sao cũng có một sứ điệp trọng tâm đặt nền tảng trên nguyên lý nhân quả là điểm chung của mọi truyền thống. Hãy biết rằng nếucác bạn làm điều tốt, bạn sẽ nhận được các kết quả tốt, còn nếu bạn làmđiều xấu, bạn sẽ nhận được các kết quả xấu. Sứ điệp đạo đức nền tảng này dường như nội tại trong tất cả các truyền thống tâm linh lớn.

“Một điểm quan trọng cũng phải ghi nhận – dù chỉ phụ thuộc – là sự giống nhau lạ lùng của văn phong giữa Kinh Chúa và Kinh Phật. Trong lời mở đầu của các mối Phúc thật, Phúc Âm ghi lại rằng khi nhìn thấy đám đông, Đức Giêsu leo lên núi, ngồi xuống… Người ta cũng thấy một sự khởi đầu tương tự trong nhiều sutras (Kinh Phật). Các Kinh Phật đều ghi lại ở một thời điểm đã định, Đức Phật đến thăm viếng một nơi nào đó, có một số đông môn đồ vây quanh, Ngài ngồi xuống rồi bắt đầugiảng dạy. Như thế, có một sự giống nhau lý thú trong việc giới thiệu các bản văn đó.

“Một trong những ý niệm khó khăn nhất đặt thành vấn đề ở đây, nhất là đối với Phật tử, là vấn đề Thiên Chúa, một hữu thể thần thiêng. Dĩ nhiên người ta có thể đề cập đến Thiên Chúa như nói về một hữu thể “bất khả tư nghị”. Nhưng phải thừa nhận rằng trên bình diện lý thuyết, ý niệm về một Thiên Chúa Sáng Tạo (Thượng Đế – Tạo Hóa) là một điểm dị biệt giữa Phật tử và Kitô hữu. Tuy nhiên, tôi tin rằng nhữnglý lẽ và quan niệm dẫn đến một niềm tin như thế thì phổ biến ở cả Phật tử lẫn Kitô hữu.

“Nếu người ta xét kỹ bản chất của mọi hiện tượng tự nhiên, lương tri nói với chúng ta mọi biến cố phải có một nguyên nhân. Phải có những nhân duyên sinh ra một sự cố. Điều này không chỉ đúng cho hiện hữu của mỗi cá nhân chúng ta, mà cũng đúng cho toàn thể vũ trụ. Đốivới lẽ thường, chấp nhận một sự vật không có nguyên nhân – dù cho đó làvũ trụ hay hiện hữu cá nhân – thì không thể chấp nhận được – Từ đó vấn đề tiếp theo là : nếu hiện hữu chúng ta phải có một nguyên nhân và vũ trụ ở bình diện của nó phải có một nguyên nhân, nguyên nhân này từ đâu mà có ? Bởi thế cho nên nguyên nhân này chính nó phải có một nguyên nhân, vậy thì chúng ta thụt lùi mãi đến vô tận.

“Để vượt qua khó khăn phải thụt lùi vô tận, thật có ích khi yêu cầu một sự khởi thủy, một Đấng Tạo Hóa và chấp nhận một số chân lý liên quan đến bản chất của Đấng Tạo Hóa : ngài độc lập, tự hữu, toàn năng và không cần một nguyên nhân nào khác. Chấp nhận một khởi thủynhư thế giúp chúng ta giải quyết vấn đề phải thụt lùi vô tận.

“Nếu người ta yêu cầu có một Đấng Tạo Hóa, và nếu người ta xét kỹ quá trình tiến hóa kể từ vụ Nổ Lớn (Big-Bang) và mọi mầunhiệm của vũ trụ, người ta có thể hoàn toàn tin có một Đấng Tạo Hóa toàn năng. Ngoài ra, nếu người ta xét kỹ bản chất của vũ trụ, người ta nhận thấy vũ trụ vận hành hoàn toàn không có sự lộn xộn hoặc ngẫu nhiên,dường như có một trật tự nội tại, một nguyên lý nhân quả đang làm việc.Bởi thế còn phải tin Đấng Tạo Hóa toàn tri như thể mọi tiến trình, mọi thể thức hoạt động đã được kế hoạch hóa. Nhìn dưới góc độ ấy, mọi tạo vật đều là biểu hiện một cách nào đó sức mạnh của Thiên Chúa. Từ quan điểm đó, người ta còn có thể nói Đấng Tạo Hóa là cùng đích, còn tạo vật thì tương đối, phù du. Theo nghĩa này, người ta có thể nói rằng Đấng TạoHóa là chân lý tuyệt đối và tối hậu. Nhưng tôi không biết các nhà thần học Kitô giáo nghĩ gì về điều đó !

“Cá nhân tôi, khi tôi xem xét ý tưởng về sự Sáng tạo và niềm tin vào một Thiên Chúa Sáng tạo, tôi tự nhủ hậu quả chính của niềm tin ấy là tác động một động lực, một tình cảm khẩn cấp dấn thân vàoviệc hành đạo để trở thành một người tốt, thấm nhuần đạo đức. Khi các bạn được trang bị ý niệm và niềm tin đó điều ấy làm cho cuộc đời các bạncó một mục tiêu và thật là hữu ích để triển khai những nguyên tắc đạo đức.

“Tôi hiểu thần học Kitô giáo như thế đấy !”

Lời chú giải về bài đọc Phúc Âm

Cha Laurence : Thưa Đức ngài, tôi xin chân thành cảm ơn Ngài về sự giảng dạy sáng nay. Tôi nói nhân danh tôi và cũng để thay mặt mọi người có mặt nơi đây. Là một Kitô hữu, tôi rất cảm động được nghe đọc những lời của Đức Giêsu với sự rõ ràng và hiểu biết ý nghĩa sâuxa đến thế. Bây giờ chúng ta bước vào giờ dành cho buổi thảo luận nhóm đầu tiên, tôi muốn giới thiệu với các bạn những vị tham gia góp ý. Robert Kiely là tu sĩ dòng Biển Đức của cộng đoàn chúng tôi và là giáo sư văn học của Đại Học Harvard ; Isabelle Glover cũng là nữ tu sĩ dòng Biển Đức của cộng đoàn chúng tôi, giảng dạy tiếng Sanskrit. Ý hướng của cuộc thảo luận này cho phép lắng nghe kỹ hơn Lời đã đánh động chúng ta sáng nay. Chúng ta không tìm tòi những điểm dị biệt nhưng suy nghĩ một cách đơn sơ trong tinh thần thật quảng đại và cởi mở cả những điểm tươngđồng và dị biệt thú vị giữa hai tôn giáo chúng ta. Tôi xin đề nghị Bob Kiely bắt đầu bằng một vài lời mở đầu kế đó chúng ta sẽ tiếp nối cuộc thảo luận.

Robert Kiely : Thưa Đức ngài, tiếp theo cha Laurence,tôi cũng muốn nói lên lời cám ơn. Được biết rõ cuộc đời ngài và lịch sửdân tộc ngài trong suốt thế kỷ này, tôi đặc biệt cảm động khi ngài đã đọc các mối phúc thật và nhất là : “Phúc cho những ai khóc lóc, vì sẽ được an ủi” và “Phúc cho những người bị bách hại vì sự công chính, vì họsẽ thấy được nước Trời”. Theo niềm tin Kitô giáo nếu lời Chúa được một người có thiện tâm đọc lên, lời Chúa sẽ đem lại sự phục sinh cho mọi người. Đối với tôi cũng như phần đông chúng tôi ở đây, tôi nghĩ những lời mà ngài đọc đã có hiệu quả ấy.

Một vấn đề mà tôi muốn đề cập với các bạn có liên quan đến ý tưởng Do Thái giáo và Kitô giáo về tuyệt đối thể (Absolu) đang bước vào trong lịch sử, trong thời gian. Các bản văn mà ngài đã đọcvà mọi giáo huấn của Đức Kitô một cách tổng quát, các Kitô hữu đặt chúng trong một bối cảnh bao gồm ít nhất ba tiến trình lịch sử. Thứ nhấtlà lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu. Không một Kitô hữu nào tiếp nhận giáo huấn Đức Giêsu mà không nhớ rằng Đức Giêsu sinh ra khó nghèo, là một người Do Thái sống trong một quốc gia bị chiếm đóng cuộc sống công khai,thời kỳ Người giảng dạy công chúng rất ngắn ngủi, Người bị bách hại bị đóng đinh như một tội phạm bởi luật đời và sau đó Người đã sống lại từ cõi chết. Đối với các Kitô hữu đó là bối cảnh đầu tiên.

Trong bối cảnh thứ hai, chúng tôi không tách rời PhúcÂm với lịch sử của dân tộc Do Thái mà sự trần thuật lại là một phần củaKinh Thánh. Đó là một lịch sử được đánh dấu bởi sự nô lệ của dân Do Thái ở Ai Cập, sự giải phóng do Moise lãnh đạo, sự công bố Lề Luật mà chính ông đã nhận từ Thiên Chúa, và sau cùng là sự phân tán dân Do Thái trên toàn thế giới. Lịch sử thứ ba luôn luôn là lịch sử của mỗi cuộc đờichúng ta. Như thế, lời của Đức Giêsu mà chúng ta suy tư đến với chúng ta xuyên qua các trình thuật diễn tiến trong thời gian và trong lịch sử –cá nhân, quốc gia và thần học trong chính cuộc đời Đức Giêsu. Tôi tự hỏi, là một tu sĩ Phật giáo, ngài suy nghĩ gì về khía cạnh thời tính củaKitô giáo, và nếu có thể xin ngài so sánh với Phật giáo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Sự so sánh giữa hai truyền thốngtâm linh cổ xưa như Phật giáo và Kitô giáo làm hiện rõ sự giống nhau đáng ngạc nhiên giữa các trần thuật của những tôn sư sáng lập đạo – Đức Giêsu Kitô trong trường hợp Kitô giáo và Đức Phật đối với Phật giáo. Tôinhận thấy một điểm chung rất quan trọng : chính trong đời sống của các giáo chủ sáng lập, yếu tính của lời huấn giáo được biểu hiện. Như thế, trong cuộc đời của Đức Phật, tứ diệu đế trình bày yếu tính của lời giảngdạy : Chân lý về sự khổ, chân lý về nguồn gốc của khổ, chân lý về sự chấm dứt sự khổ và chân lý về con đường đưa đến sự chấm dứt ấy. Tứ diệu đế hay bốn chân lý cao cả đó rõ ràng và minh thị đã được biểu lộ trong cuộc đời của giáo chủ sáng lập là chính Đức Phật. Tôi nghĩ Đức Kitô cũngthế. Khi quan sát cuộc đời của Đức Giêsu, người ta nhận thấy nó minh họa những thực hành và lời giáo huấn chủ yếu của Kitô giáo. Tôi nhận thấy một sự tương tự khác trong cuộc đời hai vị : Bằng những thử thách, sự chuyên cần, dấn thân và gắn bó chặt chẽ với những nguyên tắc của mìnhmà người ta mới có thể thăng tiến tâm linh và đạt đến sự giải thoát. Điều này đối với tôi dường như tạo nên một sứ điệp chung và chủ yếu.

Isabelle Glover : Thưa Đức ngài, ngài đã nói đến sự “tái sinh”. Có nhiều dấu hiệu làm người ta phải nghĩ rằng trong những thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội Kitô giáo sự đầu thai lại là một niềm tin được chấp nhận, nhưng ngày nay không còn sử dụng trong tư tưởng Kitô giáo. Ngài có thể nói thêm vấn đề này cho chúng tôi không ? Đâu là sự quan trọng của lời giáo huấn về sự tái sinh và nghiệp báo ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Thật vậy, người ta đã nói với tôi rằng trong những lời giáo huấn đầu tiên của Giáo Hội, người ta có thể giải thích một số đoạn của Kinh Thánh theo cách chứng tỏ rằng niềm tin vào sự tái sinh không nhất thiết trái với đức tin Kitô giáo. Từ sự kiện ấy, tôi cảm thấy thoải mái khi tranh luận vấn đề này với các linh mục và các nhà lãnh đạo Kitô giáo – dĩ nhiên tôi đã không có cơ hội để hỏi chính Đức Giáo Hoàng. Tuy vậy, tôi đã hỏi nhiều Kitô hữu hành đạo vàcác linh mục ở mọi chân trời. Tất cả đều đồng thanh cho tôi rằng học thuyết Kitô giáo không chấp nhận niềm tin ấy, cũng không đưa ra lý do đặc biệt tại sao quan niệm đầu thai lại không tìm được chỗ đứng trong bối cảnh cởi mở của đức tin và sự hành đạo. Tuy nhiên, cách đây khoảng hai năm trong lần mới nhất gặp cha Bede Griffiths (tôi đã gặp cha nhiều lần và quen biết cha), tôi cũng đã hỏi cha câu hỏi ấy. Tôi vẫn còn giữ một kỷ niệm chính xác và rất cảm động về cuộc gặp gỡ ấy. Cha mặc một bộ yphục của người saddhu màu vàng nghệ. Cha nói rằng theo quan điểm Kitô giáo, niềm tin vào sự tái sinh sẽ hủy hoại dần đức tin vào sự thực hành đạo Chúa. Khi bạn chấp nhận cuộc đời này, cuộc sống cá nhân của mình do Đấng Tạo Hóa trực tiếp tạo dựng, cuộc đời ấy là một tặng vật trực tiếp, tức thời tạo nên một dây liên kết rất đặc biệt giữa bạn, một tạo vật cá thể với Đấng Tạo Hóa. Mối tương quan ngôi vị trực tiếp đem lại một tình cảm gần gũi, thân mật với Đấng Tạo Hóa của bạn. Tin vào sự tái sinh làm tổn hại đến dây liên kết đặc biệt ấy với Đấng Tạo Hóa. Tôi thấy rằng lờigiải thích ấy hoàn toàn thuyết phục.

Cha Laurence : Thưa Đức ngài, tôi thấy một mối quan hệ giữa câu hỏi của Robert Kiely với câu hỏi của Isabelle, vì rằng đó làquan hệ giữa thời gian và vĩnh cửu, tương đối và tuyệt đối. Đối với cácKitô hữu, Thiên Chúa còn có tên là Chân Lý. Vả lại, mọi người bằng kinhnghiệm, biết rằng chân lý là điều người ta khám phá từng chút một. Chânlý được hiển lộ ; được vén màn từng giai đoạn theo dòng đời của mỗi cá nhân, dù đó là một cuộc đời hay nhiều cuộc đời. Chúng ta cũng thấy rõ tôn giáo có sự tiến hóa trong lịch sử. Có một cái nhân tuyệt đối tồn tạitrong những lời giảng dạy của Đức Phật và Đức Giêsu nhưng chân lý của chúng hiển lộ ra trong lịch sử bằng tư duy. Nếu không, chúng ta không cólý do gì gặp gỡ nhau trong cuộc hội thảo như vầy. Luôn luôn có thêm chân lý cần khám phá. Xin ngài nói cho chúng tôi ngài suy nghĩ gì về ý tưởng chân lý như một cái gì viên mãn ở-đây-và-bây-giờ, nhưng đồng thời,chúng ta thể nghiệm từng chút một, qua nhiều giai đoạn ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Học thuyết Phật giáo cũng quan tâm đến vấn đề chân lý tối hậu biểu hiện qua từng giai đoạn và trong tiến trình lịch sử, đồng thời vẫn là tuyệt đối hay tối hậu. Có một đoạn trong kinh Prajnõaparamitasutra (Kinh Bát Nhã Ba la mật đa) là một phần của các bản kinh gọi là Kinh Trí Huệ viên mãn đặc biệt bàn về ý tưởng đó. Theo đoạn kinh ấy dù các vị Phật quá khứ hay vị lai có đến thế gian hay không, dù có một vị Phật tồn tại ở thế gian hay không, chân lý tối hậu của hữu thể mọi vật và mọi sự cố luôn luôn là một. Chân lý hiện diệnvĩnh hằng và luôn luôn ở đó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi chúng sinh đều sẽ có phần trong chân lý – nói cách khác đạt đến sự giải thoát – một cách tự phát hay không cần một nỗ lực tinh tấn nào, bởi lẽ các cá nhân phải thể nghiệm chân lý theo từng cấp độ. Vậy thì chúng ta phải phân biệt một mặt là sự hiện hữu thật của chân lý và mặt khác là kinh nghiệm về chân lý ấy. Ở đây, người ta có thể tìm thấy điểm tiếp xúcgiữa sử tính và bản chất tuyệt đối của chân lý.

Các bạn đã nêu ra một câu hỏi thú vị. Làm thế nào mà một nguyên lý tuyệt đối như Thiên Chúa Sáng tạo có thể thị hiện trong một khuôn mặt lịch sử là Đức Kitô ? Đâu là bản chất đúng của mối quan hệấy và động lực nào giải thích mối liên kết giữa tuyệt đối vô thời gian và một khuôn mặt lịch sử trong thời gian ? Trong bối cảnh Phật giáo, vấnđề này được đề cập theo quan điểm học thuyết Tam Thân (Kayas), ba biểu hiện của hữu thể giác ngộ. Trong bối cảnh này, các biểu hiện vật lý và lịch sử của các hữu thể giác ngộ, trong một ý nghĩa nào đó được xem như những thị hiện tự phát của trạng thái tối hậu và vô thời gian của dharmakaya hay Pháp thân của một vị Phật.

Robert Kiely : Một phương tiện khác để đề cập vấn đề này dưới góc độ hành đạo và phụng tự mỗi ngày có lẽ đó là nhắc đến các danh xưng mà các Kitô hữu dành cho Đức Giêsu và Phật tử dành cho Đức Phật. Một trong những nghịch lý thấy rõ trong Kitô giáo là ở chỗ chúng tôi gọi Đức Giêsu là Anh và Đấng Cứu Chuộc. Bằng từ ngữ cá nhân, điều đócó nghĩa là chúng tôi được mời gọi yêu mến Đức Giêsu như một con người,một người anh hay một người chồng. Đồng thời, chúng tôi tin rằng Ngài là Đấng cứu độ chúng tôi, chúng tôi tôn thờ Ngài như Thiên Chúa (Thượng Đế). Các danh xưng ấy nhắc chúng tôi rằng Đức Giêsu đã ban cho chúng tôikhả năng yêu mến Ngài theo hai cách trên và đổ rót thiên tính của Ngài vào trong lòng chúng tôi. Điều này có giống chút nào với tình cảm mà cácPhật tử cảm nhận đối với Đức Phật không ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Bởi lẽ có sự khác nhau của các truyền thống trong Phật giáo, nên các bạn đừng tưởng tượng một truyền thống Phật giáo thuần nhất, một con đường độc đạo nếu có thể nói như vậy. Cá nhân tôi, tôi thích gắn bó mình với Đức Phật như một khuôn mặt và một nhân cách lịch sử – một người đã đưa nhân tính của mình lên đến mức hoàn hảo và trở thành Đấng Giác ngộ viên mãn. Tuy nhiên, theo một sốtrường phái tư tưởng Phật giáo, Đức Phật không chỉ là một khuôn mặt lịch sử, mà còn có bản tính thuộc chiều kích vô thời gian và vô tận. Trong bối cảnh đó, mặc dù Đức Phật là một khuôn mặt lịch sử, sử tính củaĐức Phật Thích Ca được coi như một minh chứng khéo léo hành động từ bi của Phật thể hiện từ tình trạng vô thời gian và hoàn hảo của dharma-kayahay Pháp thân. Đức Phật Thích Ca trong vai trò lịch sử là nirmanakaya nghĩa là Hóa thân : một sự hiển lộ được cảm nhận tương ứng với những khuynh hướng và nhu cầu tâm linh của một thời đại, một nơi chốn và một bối cảnh riêng biệt. Sự hiển lộ ấy khởi phát từ một tình trạng thuần khiết gọi là sam-bhogakaya (Báo thân), trạng thái hân hoan viên mãn, chính nó thị hiện từ trường độ vô thời gian của Pháp thân. Tuy nhiên, nếu chúng ta đề cập mọi đặc trưng của tam thân, chúng ta chỉ thêm nhức đầu và bối rối !

Phương tiện đơn giản nhất để quan niệm Đức Phật ThíchCa dưới góc độ lịch sử là như sau. Đối với các Phật tử, nhất là những người xuất gia, Đức Phật là Đấng đã sáng lập truyền thống tu hành. Ngài là cội nguồn của các dòng tu hành trong Phật giáo. Các tăng và ni đã được thọ giới đầy đủ trong các dòng truyền thừa này phải kiên trì tuân thủ toàn bộ các lời nguyện khi thọ giới. Muốn trở thành một tỳ kheo (bhiksu), một vị sư đã thọ đầy đủ giới, hay một tỳ kheo ni (bhiksuni), một vị ni đã được thọ đầy đủ giới, phải là một con người. Vậy thì, khi bạn liên kết với Đức Phật với tư cách một vị sư được thọ đầy đủ giới có nghĩa là bạn liên kết với Ngài như một con người (một nhân cách) trong lịch sử.

Isabelle Glover : Thưa Đức ngài, tôi mong ngài giải thích thêm về một cụm từ ngài thường dùng : “các bạn hãy xem xét bản chất của…” Tôi nghĩ rằng phần đông chúng ta không có phương pháp để “xemxét bản chất của các sự vật”. Ví dụ như bằng cách nào chúng ta có thể “khảo sát bản chất của” lòng từ bi hay sự khiếm khuyết lòng từ bi ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Để cho tiện lợi, cách tiếp cận mẫu mực của Phật giáo sắp xếp và phân chia các hiện tượng thành nhiều lớp và phạm trù khác nhau. Ví dụ như những hiện tượng tâm lý được phân chia thành nhiều lớp : theo ý niệm và không theo ý niệm, biến dạng và không biến dạng và cứ như thế. Do vậy, trong văn chương Phật giáo, các bạn sẽ tìm thấy những bảng danh sách đầy đủ các mô thức và khía cạnh khác nhau của tâm thức, tùy theo những chức năng khác nhau của nó. Để lấy một ví dụ khác, nếu bạn xem xét kỹ bản chất của lòng từ bi, trước tiên các bạn định nghĩa nó để biết người ta hiểu từ bi chính xác là gì. Kế đó các bạn có thể tự đặt những câu hỏi đặc biệt để sự phân loại được tinh tế. Lòng từ bi có những sự phân nhánh nào theo mọi kinh nghiệm khả thể của trạng thái con người, hiện tượng luận của nó ? Đâu là những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình trạng cảm xúc ấy ? Những phản ứng cảm xúc đặc trưng nào khi bạn cảm nhận lòng từ bi ? Những hiệu quả nào của lòng từ bi trên người khác ?… Qua những sự phân tích ấy, bạnbắt đầu hiểu rõ hơn lòng từ bi có thể là gì hay nó đang làm gì.

Khi đi sâu vào văn chương Phật giáo, các bạn cũng tìmthấy những cuộc tranh luận về những loại từ bi khác nhau. Ví dụ như có một loại từ bi làm người ta không chỉ cảm thấy cảm thông đối với đối tượng của lòng từ bi, mà còn có một tình cảm trách nhiệm tức là chính các bạn muốn làm vơi bớt sự đau khổ đó. Đó là một lòng từ bi mạnh hơn sựcảm thông hay đồng cảm đơn thuần. Hơn thế nữa, những mức độ từ bi thay đổi theo những tình trạng tâm thức đi kèm theo. Như thế, trong bối cảnh Phật giáo, nếu các bạn đã hiểu được tính chất tạm bợ của cuộc đời một cách sâu sa thâm trầm thì lòng từ bi của các bạn sẽ càng mạnh hơn lên nhờ tri kiến đó. Cũng thế, nếu trong thân tâm các bạn, sự khống chế của lòng ích kỷ bị hạn chế, thì tự nhiên lòng từ bi của các bạn sẽ mạnh hơn lên.

Để thực hiện những sự phân biệt như thế, trước tiên phải triển khai một mức độ phán đoán lành mạnh đủ để nhận ra những sự khác nhau tinh tế. Hơn thế nữa, nếu các bạn xét kỹ một hiện tượng như lòng từ bi không nên giả định nó là một thực thể đơn nhất. Một điều kiệntinh thần tương ứng với nhiều khía cạnh. Ví dụ như lòng từ bi là một trạng thái cảm xúc, có bản chất là ý thức. Nó không phải là một đối tượng vật lý mà là một trạng thái tình cảm. Vì vậy nó thuộc lãnh vực kinh nghiệm và như thế có cùng bản chất với mọi trạng thái cảm xúc khác.Để lấy một ví dụ khác, chúng ta hãy xem xét tính đồng nhất của một cá nhân cá biệt. Khi các bạn bắt đầu lượng giá, lập tức các bạn nhận ra sự phức tạp của con người đó. Một phần nhỏ của tính thống nhất nơi con người ấy do môi trường văn hóa mà ra có thể là văn hóa Châu Âu hay Châu Mỹ. Trên bình diện giới tính là đàn ông hoặc đàn bà. Tính thống nhất cũng xuất phát từ quê quán hay tôn giáo của người đó. Các bạn thấy đó cónhiều sự phân biệt phải làm để nắm được tính thống nhất của một con người. Người ta cũng làm như thế để khảo sát bản chất của mọi vật.

Cha Laurence : Sự tu hành trong Phật giáo một phần lớn đòi hỏi sự phân tích duy lý và ngài có nói trí óc là tặng vật to lớnmà con người nhận được khi mới sinh ra. Tuy nhiên, người ta có thể từ bi mà không cần phải thông minh. Ngài có thể giúp tôi hiểu được điều đó ?Có cần phải rất thông minh và có một tâm thức được tôi luyện, nhiều kiến thức và chính xác mới đạt đến sự giác ngộ ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Đương nhiên là không. Trong mọi việc, sự cực đoan nào cũng sai lầm. Kinh Phật phân biệt ba loại người tùy theo khả năng thực hành tâm linh của mỗi người, đồng thời chỉ ra loại người nào là ưu việt rút tỉa được ơn ích tối đa trong việc thực hành tâm linh sâu sắc. Xin các bạn bỏ qua nếu tôi không trích dẫn câu văn chính xác, nhưng chủ yếu như sau : Thông thường, những người có tư chất tốt nhất để hành đạo không chỉ được phú bẩm ở bình diện trí thức màcòn có một đức tin và sự tập trung trên một điểm cũng như có sự thông tuệ. Những người này tiếp nhận mau lẹ nhất trong sự thực hành tâm linh. Trong nhóm thứ hai, ta thấy có những người trí tuệ không hẳn cao siêu nhưng có chỗ dựa vững vàng trong đức tin. Thuộc nhóm thứ ba là những người khốn khổ. Mặc dù họ có thể rất thông minh nhưng luôn luôn bị sự hoài nghi ngờ vực tác hại, họ rất cơ xảo nhưng thường tỏ ra ngần ngại, hồ nghi và thật sự không bao giờ có thể định tâm trên một vật. Những người này được coi như tiếp nhận đạo kém nhất.

Khi chúng ta nói về trình độ trí tuệ, chúng ta chỉ muốn nói một hiện tượng tương đối. Một người thông minh hơn so với một số người, nhưng ít thông minh hơn so với những người khác. Nhìn chung, rõ ràng là mọi đức tin hay xác tín căn cứ trên sự lãnh hội bắt nguồn từ lý luận thì rất vững chắc. Một xác tín như thế thì vững vàng bởi lẽ các bạn tin chắc vào hiệu quả và giá trị của ý niệm qua đó bạn đã đặt niềm tin. Và xác tín này bởi thế là một động lực mạnh mẽ của hành động. Chínhvì thế Phật giáo khẳng định rằng trí tuệ rất quan trọng trên lộ trình tâm linh. Trong truyền thống này, trí tuệ cộng tác với con tim tức khía cạnh cảm xúc. Khi đức tin và lòng từ bi – mà bản chất đúng ra là một trạng thái cảm xúc – được nâng đỡ bởi một xác tín mạnh mẽ, hoa quả của tư duy và tìm tòi, thì quả thật chúng bất diệt, còn một đức tin hay lòngtừ bi không căn cứ trên một lý luận vững chắc nhưng nặng về cảm tính vàbản năng, không thật sự vững chắc. Nó có thể bị lung lay khi đối mặt với một số hoàn cảnh hay tình huống. Theo một câu châm ngôn Tây Tạng : “Một người có đức tin không cắm rễ trong lý trí giống như một dòng suối mà người ta có thể khơi dòng hướng nào cũng được.”

Robert Kiely : Để tiếp tục vấn đề tác động của cảm xúc và lý trí, ngài có thể soi sáng cho chúng tôi về vị trí của nghi lễ trong tôn giáo. Trong nhiều thế kỷ, nghi lễ là đối tượng những của bất hòa trầm trọng trong các Kitô hữu. Một số người có ý kiến nghi lễ, lời ca, hương trầm, đèn nến, y phục lóng lánh và sự tôn trọng các tập quán nhất định tạo nên sự khác nhau thật sự trong cách chúng ta tôn thờ ThiênChúa. Những người khác nhìn nghi lễ như một trở ngại của việc tôn thờ. Ngài có thể nói cho chúng tôi biết vị trí của nghi lễ trong truyền thốngcủa ngài ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Khi suy nghĩ về vai trò và sự quan trọng của nghi lễ trong sự thực hành tâm linh, điều quan trọng là xem xét môi trường ảnh hưởng đến con người như thế nào ? Như thế, rõ ràng một số thực hành nghi thức giúp chúng ta tạo được một bầu không khíđặc biệt thuận lợi cho trạng thái tinh thần tâm linh mà chúng ta muốn đạt đến và theo nghĩa đó, chúng có một vai trò quan trọng. Chúng ta hãy lấy một ví dụ có một người mong ước thực hiện một điều gì đó, và một người khác làm nghi lễ tuyên thệ phải hoàn thành công việc sẽ được động viên mạnh mẽ hơn, điều này sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn trong hành động.Cũng thế, bằng các nghi thức, bạn tạo nên khoảng không gian hay bầu không khí tinh thần mà bạn tìm kiếm, phương pháp ấy sẽ mang lại một hiệuquả mạnh mẽ trên cuộc sống của các bạn. Còn nếu các bạn thiếu chiều kích nội tâm của kinh nghiệm tâm linh mà các bạn ao ước, nghi lễ lúc đó đơn thuần chỉ là nghi lễ, những chế tác bên ngoài. Trong trường hợp này,rõ ràng nó đánh mất ý nghĩa và trở thành các tập tục vô ích – một lời bào chữa cho sự phí phạm thời gian. Đại thiền sư Tây Tạng Milarepa đã thường xuyên phê phán nghi lễ và nghi thức. Các bài viết của ngài đầy những lời bình phẩm châm biến nhiều khía cạnh của nghi thức và nghi lễ !

Cha Laurence : Thưa Đức ngài, tôi muốn đặt ra một câuhỏi phát sinh từ việc tranh luận về nghi thức như sự biểu hiện vật chấtcủa đức tin, đồng thời như phương tiện để diễn tả niềm tin bằng giác quan và thân xác. Ngày xưa Kitô giáo Tây phương rất nhị nguyên. Người tathừa nhận thân xác và tinh thần xung đột lẫn nhau ; thân xác phải được tinh thần chế ngự và điều khiển. Ngày nay chúng tôi bắt đầu quay lại tình cảm của Kitô hữu thời sơ khai với sự thân thiện của thể xác và tinhthần. Trong đời sống, chúng tôi không thể tách biệt xác, hồn và tinh thần, chúng phải sống thân thiện với nhau. Ngài có thể giúp chúng tôi hiểu mối quan hệ giữa thân xác và tinh thần theo quan điểm của Phật giáo. Tôi có thể lầm nhưng đôi khi tôi nhận thấy trong Phật giáo sự đối lập giữa tinh thần và thân xác còn căng thẳng hơn trong Kitô giáo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Cha có lý. Trong một số đoạn kinh Phật giáo, người ta thấy có những lời tuyên bố của Đức Phật cho ta ấn tượng về một quan niệm nhị nguyên của thể xác và tinh thần. Trong mộtbộ kinh, Đức Phật khẳng định ngũ uẩn là một gánh nặng và con người phảivác gánh nặng ấy. Vậy thì Đức Phật là người phát ngôn của một thuyết nhị nguyên giữa cá nhân với các thành tố tâm vật lý. Nhưng không vì thế mà nhị nguyên là quan điểm của Phật giáo. Theo cách chú giải truyền thống, đoạn kinh đó gởi đến người bị triết học lôi cuốn tin có một atman(ngã), một linh hồn bất tử và trường tồn. Vả lại quan điểm của Phật giáo về bản chất mối quan hệ thân xác và tinh thần đối với tính đồng nhất của ngã vị là học thuyết anatman (vô ngã). Nguyên tắc này khẳng định ngoài ngũ uẩn hay skandhas tạo thành hữu thể, không có linh hồn hiểu như một thực thể tách biệt, độc lập và trường tồn. Học thuyết này chung cho mọi trường phái Phật giáo.

Mặc dù lời giáo huấn tổng quát ấy, Phật giáo đã kinh qua các trào lưu triết học khác nhau ở quan điểm giải thích cái gì tạo thành bản chất của cái tôi hay ngã vị. Một số trường phái Phật giáo đồngnhất ngã vị với chỉ một trong các uẩn, đó là thức, các trường phái khácđồng hóa ngã vị với toàn bộ các uẩn,… Những trường phái tư tưởng khác nữa, chấp nhận một lập trường duy danh hơn, cho rằng ngã vị hay cái tôi thuần túy chỉ là tên gọi.

Cha Laurence : Có lẽ đến lúc thích hợp cho chúng ta ngừng lại để tĩnh tâm thiền định. Khi Đức ngài đốt nến, chúng ta sẽ đứngdậy. Kế đó, chúng ta sẽ bắt đầu tĩnh tâm thiền định.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]