Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11

18/03/201201:48(Xem: 9072)
Chương 11

NGÕ THOÁT

tức Phương Trời Cao Rộng 3

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

flowerba

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Một cái đầu ló vào cửa gió, nhìn thật nhanh rồi nói:

Vĩnh Khang, chuẩn bị đi làm việc!

Tôi vừa mặc xong áo quần đã có tiếng mở ổ khoá lách cách. Cửa sắt lại được mở ra. Ánh sáng bên ngoài lùa vào chói chang. Những người bạn tù ở các phòng chung quanh, sau các song sắt của những phòng tập thể, sau các cửa gió biệt giam, lấp ló nhìn tôi. Tôi muốn đảo mắt thật nhanh để xem có người nào quen không nhưng không kịp vì cán bộ thúc đi nhanh.

Ở đầu dãy hành lang, nơi bàn trực, Hùng và một công an lạ khác đứng chờ tôi. Không có Long. Viên công an lạ mặt ra dấu cho tôi bước theo. Hùng đi phía sau.

Hôm nay thứ Hai, không khí làm việc của trại có vẻ tấp nập, đông đảo. Các phòng vấn cung đều có người làm việc. Tôi được dẫn đi quanh một lúc để tìm phòng trống. Ước tính có khoảng ba mươi phòng vấn cung.

Chờ tôi ngồi vào ghế rồi, viên công an kia mới lên tiếng, giọng Quảng Trị khá nặng:

Tôi là Sơn, cán bộ của Sở công an thành phố Hồ Chí Minh. Tôi phụ trách việc thụ lý hồ sơ của anh, nhưng tuần qua tôi có việc phải đi xa nên đồng chí Long làm việc thay tôi. Bây giờ tôi trở lại nhiệm sở, tiếp tục công việc mà đồng chí Long làm lở dở với anh. Coi nào, tôi với anh Khang cũng có duyên với nhau đó nghe. Không phải à, sao cười? Không tin tôi nói cho nghe, tôi vốn là một phật-tử, phải nói rõ hơn nữa, một sinh viên phật-tử thuần thành. Trước tôi học ở đại học Vạn Hạnh, học về Khoa học Xã Hội, nhưng tôi cũng có lấy mấy lớp về Phật học. Cho nên tôi cũng hiểu Phật pháp chứ đâu phải… không biết chi. Thầy Tuệ Sỹ và cô Trí Hải có biết tôi, thực đó. Anh còn trẻ dĩ nhiên là không biết tôi rồi, nhưng tôi thì nắm vững hồ sơ lý lịch cũng như mọi hoạt động của anh từ mấy năm nay. Cấp trên nghĩ tôi là phật-tử lại có học giáo lý nhà Phật nên đặc trách tôi vụ mấy ông thầy chùa phản cách mạng. Tôi mệt với mấy ông lắm. Phải chi bảo tôi theo mấy ông vào chùa tụng kinh Phật, có phải là lý thú không, đàng này, cứ giao tôi theo dõi những báo cáo phản cách mạng của mấy ông. Phiền quá, tôi không làm sao hiểu nổi. Ờ… anh là ông thầy trẻ quậy nhiều nhất từ mười năm nay. Hừ, làm việc từ thiện, ra báo chí, kết cấu thành phần phản động hải ngoại, vận động tẩy chay các trường Phật học của nhà nước, chống lại giáo hội của nhân dân, tổ chức mặt trận đấu tranh đòi tự do nhân quyền, hợp tác với lực lượng Phục quốc có võ trang… Cũng khá nhiều việc đấy chứ! Hết việc này đến việc khác, thất bại chỗ này lại ló đầu ra chỗ kia, dường như anh chẳng muốn ở không thì phải! Không, nói vậy không có nghĩa là chúng tôi đánh giá cao con người anh hay những việc anh làm đâu. Thực ra, những gì anh làm cũng chẳng ra làm sao cả, chẳng phải cái gì to lớn khiến cho chúng tôi phải kiêng dè hay mất ăn mất ngủ! Có điều, việc anh làm trái với luật pháp hiện hành, cho nên phải có biện pháp với anh cho đúng thủ tục vậy thôi,” Sơn ngừng lại một lúc, tằng hắng, rồi tiếp:

Đồng chí Long đã lấy cung anh hôm qua khá đầy đủ, và anh đã ký vào biên bản, nhận rằng có cọng tác với lực lượng Phục quốc của ông Trần Văn Lương qua một vài công việc như soạn thảo các tài liệu và văn kiện phản động, cố vấn việc làm máy quay ronéo bằng tay để in các tài liệu đó. Anh có muốn sữa chữa, đính chính gì về biên bản do đồng chí Long thực hiện thì cứ nói thật với tôi để hôm nay chúng ta lập biên bản kết cung.”

Tôi im lặng một lúc rồi đáp:

Không có ý kiến gì.

Nghĩa là anh chấp nhận anh có phạm tội?

Tôi chấp nhận là tôi có làm những công việc ấy.

Thì có nghĩa là anh phạm tôi.”

Các anh là cán bộ nhà nước, nắm quyền lực trong tay, nói sao lại chẳng được. Các anh bảo có tội thì có tội. Nhưng bản thân tôi, tôi biết tôi làm đúng, đó là quyền của tôi.

Làm đúng? Anh nói vậy mà nghe được sao?” Sơn xăn hai tay áo lên, gằn giọng nói, “ bây giờ khỏi nói chuyện luật pháp nhà nước, mà cũng dẹp luôn cái chức năng cán bộ nhà nước của tôi qua một bên, tôi với anh hãy đứng ở cương vị những người phật-tử mà nói chuyện với nhau cho ra lẽ đi. Anh nói anh làm đúng, vậy tôi xin hỏi, tu sĩ Phật giáo có được quyền làm chính trị không?”

“Nếu anh muốn đứng ở cương vị hai người con Phật để nói chuyện với nhau, vậy anh khoan hãy cật vấn tôi mà phải biết im lặng lắng nghe tôi trước cái đã, rồi có muốn góp ý gì thì thưa sau, vì tôi là một tu sĩ, còn anh chỉ là một phật-tử, phải không nào? Này nhé, tôi muốn hỏi là anh có quy y Tam Bảo không vậy? Có từ hồi còn nhỏ à? Nhưng đến khi trưởng thành thì anh bỏ Phật để chạy theo Đảng? Vậy thì anh không phải là phật-tử. Anh đâu có tư cách để nói chuyện với tôi như là một người phật-tử nói chuyện với một người phật-tử khác. Cho nên, cứ việc ở cương vị cán bộ nhà nước của anh đi, và muốn kết tội gì tôi đó thì cứ việc. Khỏi cần phải mượn danh phật-tử này, phật-tử nọ, phiền chứ chẳng ích gì.

Ừ thì cho là tôi không phải người phật-tử theo định nghĩa của anh, tức là người có quy y Tam Bảo, nhưng tôi có học Phật pháp ở đại học Vạn Hạnh, có đọc một số sách về Phật giáo, vậy tôi cũng có thể đứng ở cương vị một nguời hiểu biết về Phật giáo để nói chuyện với anh chứ, phải không nào?

Phật pháp là giáo lý thực hành, không thực hành thì sẽ không hiểu gì Phật pháp. Anh đã không quy y Tam Bảo, không thực hành giáo lý Phật, vậy anh lấy tư cách gì để nói chuyện với tôi về Phật giáo chứ?

Sơn nổi sung lên, ngồi chồm hổm lên ghế. Tôi buồn cười thấy hai đầu gối anh đưa khỏi mặt bàn. Sơn xẳng giọng nói:

Anh đừng có ngụy biện tìm cách tránh né hay từ chối nói chuyện tay đôi với tôi về Phật giáo. Được rồi, cho là tôi không đủ tư cách phật-tử để nói chuyện với anh, thì bây giờ tôi lấy tư cách một người thường dân có biết về Phật giáo hoặc có đi chùa nhưng không quy y Tam Bảo, được chưa?”

Tôi cười nhạt:

Xin hỏi anh, trong khi tôi là một tu sĩ đang bình tĩnh, ngồi đàng hoàng ngay ngắn ở đây, có một thường dân đến vung tay vung chân, vắt cả giò lên ghế, nói năng hùng hổ hung tợn, anh nghĩ người thường dân đó lây tư cách nào để yêu cầu tôi tiếp chuyện?

Sơn đỏ mặt ngồi sượng trân một lúc. Tuy vậy, anh không bỏ chân xuống vội, cứ để yên hai chân trên ghế, nói với một giọng mỉa mai, môi nhếch lên:

Anh chỉ đựơc cái tài biện luận quanh co, bắt bẻ người ta để tránh đối thoại thẳng vấn đề.

Nói đến đây, Sơn rút gói thuốc trong túi ra, lấy một điếu. Hùng từ bậc cửa bước vào, bật quẹt lửa cho Sơn. Lợi dụng động tác mồi thuốc, Sơn mới chịu bỏ hai chân xuống khỏi ghế. Sau vài hơi thuốc trong im lặng, Sơn mới nói với giọng rất trầm tĩnh, đứng đắn:

Theo tôi biết, tu sĩ Phật giáo hay của bất cứ tôn giáo nào, nếu xen vào việc chính trị, thì đều sai với giáo luật, phải không vậy anh Khang?

Biết đã đúng lúc có thể nói chuyện, tôi chậm rãi nói:

Nếu anh yêu cầu tôi đứng ở cương vị một tu sĩ Phật giáo để nói chuyện với anh, anh đừng có trách tôi nói những sự thật khó nghe nhé… Xin thưa với anh rằng, có một số giới luật giới hạn hoặc ngăn cấm việc tham dự các sinh hoạt thế tục đối với tăng sĩ Phật giáo. Nhưng giới luật trong Phật giáo không phải là những giới điều cứng nhắc bất di bất dịch. Cho nên, tùy theo trường hợp và hoàn cảnh mà tăng sĩ Phật giáo ứng dụng hành xử của mình. Có khi cũng biết nói dối để cứu người, có khi cũng biết giết một mèo cứu vạn con chuột… Những trường hợp đặc biệt mà một tăng sĩ buộc lòng phải phạm giới để cứu đời đó được cho phép trong Phật giáo, miễn là các hành vi đó đều được bắt nguồn từ lòng từ bi và không đi ngược với mục tiêu giải thoát giác ngộ. Riêng về các phật-tử, tức những người cư sĩ tại gia, họ có quyền tham dự tất cả các sinh hoạt thế tục như những người thường dân khác trong xã hội; tuy nhiên, các sinh hoạt thế tục đó cũng phải phù hợp với tinh thần Phật giáo và không vi phạm vào các giới luật căn bản. Tóm lại, những người con Phật, dù là tại gia hay xuất gia, đều có quyền làm một điều gì đó trong xã hội để giúp đời.”

Vậy có nghĩa là họ có quyền làm chính trị à?

Làm chính trị là làm như thế nào? Có phải anh muốn nói một đường lối hoạt động nhằm nắm chính quyền hay cướp chính quyền thì tôi không ở trường hợp đó, và tăng sĩ Phật giáo không hề có cái tham vọng đó. Còn trường hợp thấy dân bị hà híêp bởi giai cấp phong kiến, cường hào ác bá, địa chủ… hoặc gặp giặc nước ngoài xâm lăng đô hộ, anh nghĩ sao, tăng sĩ Phật giáo có nên ngồi yên mà nhìn không vậy? Không phải rằng lịch sử nước nhà đã từng ca tụng gương anh hùng và nghĩa cử cao đẹp của bao thiền sư Phật giáo trong các công cuộc kháng chiến giành độc lập tự chủ cho quê hương hay sao? Nếu ngồi yên mà nhìn áp bức bất công xảy ra hàng ngày cho những đồng bào vô tội thì lòng từ bi để đâu, thưa anh? Một người dân quê cặm cụi làm việc đồng áng khi thấy bất công cũng muốn ra tay can thiệp, nói gì tăng sĩ Phật giáo…

Sơn ngắt lời bằng cách tuôn ra một tràng lý thuyết thuộc lòng:

Nhưng những thứ mà anh nói: phong kiến, địa chủ, ngoại xâm… bây giờ đã bị nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và nhà nước, đánh bật ra khỏi quê hương từ lâu rồi ạ. Còn những đau khổ, nghèo đói, bất công xã hội hiện nay nếu có và nếu còn, anh biết nó đến từ đâu không? Tất cả đều là cái hậu quả để lại của bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Anh không biết được rằng mười năm nay, chúng tôi ra sức xây dựng, kiến thiết biết bao công trình để hàn gắn lại bao đổ vỡ tang tóc của chiến tranh hay sao? Dù gặp bao khó khăn tàn tích của Mỹ - Ngụy để lại, chúng tôi cũng cố gắng khắc phục, vượt qua, giải quyết được nạn thất nghiệp, đói kém, cơm ăn, áo mặc, nhà ở cho từng tầng lớp nhân dân… Đất nước ta đang trên đà phát triển. Ấm no hạnh phúc chắc chắn phải có, chỉ nhanh hay chậm mà thôi. Trong khi chúng tôi đang nỗ lực xây dựng như thế, các anh đứng lên đấu tranh, đòi cái gì? Độc lập? Tự do? Dân chủ? Ối trời, tưởng đòi cái gì mới lạ! Anh tưởng chúng tôi không biết những thứ đó là quí giá sao? Chẳng phải Bác Hồ từng nói cái câu bất hủ về giá trị của độc lập tự do sao chứ? Anh không thấy rằng nền độc lập và quyền tự do của đất nước, của nhân dân đã được khôi phục từ khi Mỹ-Nguỵ bại trận thê thảm ngày 30/4/1975 hay sao? Thế thì đấu tranh đòi cái gì đây? Chuyện đấu tranh của tăng sĩ Phật giáo trong quá khứ sở dĩ được lịch sử ghi nhận và ca tụng là vì họ làm đúng thời, đúng cảnh. Mất chủ quyền nên đứng lên đòi chủ quyền, giặc ngoại xâm tràn đến nên bỏ chùa mà đi kháng chiến… Còn bây giờ, có thiếu cái gì, có mất cái gì nữa mà đòi, mà đấu tranh? Đấu tranh trong giai đoạn này chẳng khác gì các anh muốn mở cửa cho đế quốc, tay sai quay trở lại mà xâm lược vây! Anh không thấy đó là sự thực à? Sao anh cười?

Chuyện xây dựng đất nước, tất cả người dân đều nghĩ đến và muốn góp phần, đâu phải cần có Đảng và Nhà nước lãnh đạo thì dân mới ý thức. Ba mươi năm trước, đất nước hai miền vừa đánh nhau vừa xây dựng nên cứ ì ạch dậm chân một chỗ, chẳng tiến được xa thì lý do cũng đã khá rõ. Nay chíên tranh chấm dứt, toàn dân giốc lòng muốn kiến thiết xứ sở, xây dựng một quốc gia cường thịnh, ấm no, hạnh phúc… thì chính nhà cầm quyền hiện tại phải lo làm bổn phận là điều động và hỗ trợ nhân tài, vật lực để thực hiện các công trình đó. Đàng này, thực tế cho thấy, từ chủ trương trả thù cho đến hệ thống công an chằng chịt khắp nơi để kiểm soát và trấn áp nhân dân, đã biến đất nước này thành một trại tù khổng lồ giam hãm bao nhiêu nhân tài và ý lực tinh hoa của dân tộc. Các anh nói là đem độc lập tự do đến cho nhân dân, nhưng nhân dân chỉ thấy độc lập tự do ở trên vách tường, trên các tấm biển lớn, phô trương đầy đường phố như những bích chương quảng cáo. Còn hiến pháp ư? Thấy bán đầy ngoài tiệm sách, nhưng chỉ là loại bỏ túi để cán bộ nhà nước tiện bề lôi ra mà chứng minh cái nền tự do tường vách kia mà thôi. Còn những công trình nào anh nói là thành tích xây dựng của mười năm sau giải phóng? Các cơ quan và trụ sở công quyền, các trường đại học, trung, tiểu học công và tư… thì miền Nam đã có sẵn, nhà nước chỉ việc tiếp thu thôi. Rồi từ các công thự của chính quyền trước để lại, nhà nước sửa lại thành viện bảo tàng chiến tranh và tội ác Mỹ-Nguỵ, trại tập trung cải tạo và những nhà giam kiên cố? Những thứ đó có nên gọi là những công trình qui mô đem lại hạnh phúc thiết thực cho nhân dân không vậy? Nắm trọn quyền trong tay mười năm nay các anh chỉ làm được có bấy nhiêu chuyện đó và cho là đáng kể nhất vì chúng chứng minh quyền lực và sức mạnh của đảng và nhà nước? Hay anh muốn kể công về những cửa hàng ăn uống, những trung tâm giải trí văn nghệ và thể thao? Nếu đó cũng là thành tích xây dựng thì các anh coi thường sự hiểu biết của nhân dân quá. Thời Pháp đô hộ, họ cũng chủ trương lập các hội quán thể thao, cổ động các phong trào vui chơi văn nghệ để cuốn hút thanh niên thành phố lao vào đó mà quên đi thực trạng đau thương của một nước thuộc địa nô lệ. Các anh có khá hơn họ chút nào đâu chứ? Lớp sơn bề ngoài dù có nguỵ tạo khéo léo cách mấy cũng chỉ là nguỵ tạo. Các anh sống và làm việc ở Sài Gòn nên cố tình lấy bối cảnh Sài Gòn để chứng minh thành quả mười năm xây dựng của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng thực ra, Sài Gòn vốn là thành phố đã được hình thành và ổn định, có được nét riêng độc đáo của nó từ những năm trước 75. Các anh chỉ tiếp thu và bòn rút sinh lực còn lại của nó để xây dựng thủ đô Hà Nội và các thành phố miền Bắc mà thôi. Anh là dân sống ở Sài Gòn, anh biết rõ mà phải không? Các anh có làm đẹp thêm gì cho Sài Gòn từ mười năm nay đâu! Vậy đó, rồi các anh cứ giả đò, cứ phớt tỉnh, làm như thể các anh tin rằng đất nước đang tiến bộ, đang được xây dựng! Nhìn Saì Gòn, giả đò hãnh diện với Sài Gòn như là thành tích xây dựng của nhà nước xã hội chủ nghĩa, các anh cố tình không biết đến những thực trạng cùng khốn của nhân dân ở khắp trong nước. Hàng ngày, các anh quanh quẩn trong các nhà hàng, các chỗ nhậu nhẹt, bên tách cà phê có nhạc xập xình, bên các cửa hàng ăn uống nguy nga một cách không cần thiết, trên những đường phố ngập xe gắn máy nhập cảng bòn rút từ túi tiền của Việt kiều hải ngoại gởi về, làm sao có thể cảm thông được sự đói lạnh của hàng triệu đồng bào sống lây lất, vất vưởng như những con ma đói, như những con khỉ cụt đuôi man rợ, mót từng củ khoai lót lòng tại các vùng biên địa cằn cỗi mà cỏ dại còn chê xấu không chịu mọc. Kinh tế mới đó, mớitừ mười năm nay mà vẫn còn phải ăn khoai ăn bắp trừ bữa. Mớisuốt mười năm nay rồi mà trẻ em ở đó vẫn chưa đánh vần được hai chữ Việt Nam, không biết cách cầm cây bút, không biết đi xe đạp, không biết bất cứ trò vui chơi nào trên đời; năm này tháng nọ lơ láo đôi mắt mà thèm, mà khát cọng rau với hạt bắp. Các anh làm sao mường tượng ra được thảm cảnh đó trong khi tập đoàn các anh ngày ngày hưởng thụ nền văn minh, tiến bộ nhảy vọt của chủ nghĩa xã hội trên trời, trên mây, xa cách muôn trùng với xã hội ăn mày của nhân dân trơ xương, bụng ỏng nhan nhản khắp nơi trong nước. Họ có ở đâu xa xôi, trước mắt các anh đó thôi. Nhưng các anh làm bộ không thấy, hoặc đã bị cái hào nhoáng vinh quang của chủ nghĩa và đế quốc ưu việt làm cho mờ mắt đi rồi.

Sơn đập bàn, đứng dậy quát:

Anh chỉ nhìn thấy hiện trạng hôm nay mà không xét vấn đề ở những nguyên nhân khách quan. Mỹ-Ngụy rút đi để lại một đất nước tan hoang, với bao nhiêu đổ vỡ, bao nhiêu tệ nạn. Tiếp thu miền Nam, chúng tôi phải đưa vai gánh lấy những đổ vỡ đó. Những gì anh phản ánh cũng chỉlà những hậu quả, những cái sót lại do sự phá sản của bọn Mỹ-Ngụy đấy thôi.”

Nãy giờ anh cứ lập luận đó, vẫn cứ đổ thừa cho Mỹ này Ngụy nọ. Tại sao không bắt đầu mọi việc từ năm 1975? Tại sao không nói về mười năm xã hội chủ nghĩa! Gát bỏ hết những Mỹ-Ngụy gì đó của giai đoạn trước, đất nước hiện nay nằm trong tay các anh, những người cộng sản, các anh đã làm gì? Mà thực ra, vấn đề chính tôi muốn nói, không phải ở chỗ xây dựng kiến thiết những dinh thự, những nhà cửa, đường sá kiều lộ… Đó là những thứ các anh tự hào, hãnh diện khoe khoang như là thành tích xây dựng, chứ tôi và nhân dân chỉ mong đợi sư xây dựng kiến thiết khởi đầu từ mặt tinh thần. Khi tinh thần được ổn định, củng cố và hòa hợp rồi thì có công trình kiến thiết nào mà không làm nổi! Đàng này, từ bốn mươi năm cho miền Bắc và mười năm cho miền nam, các anh chỉ có thành tích lẫy lừng nhất là lấy vũ lực để kiềm tỏa nhân dân, thúc đẩy và cổ xúy những phong trào đấu tố, trả thù, gây sự hoài nghi, dè dặt, thủ thế, co rút trong tâm lý từng người. Cả nước sống trong bất an lo sợ, chẳng ai tin ai, như thế thì còn nói gì đến chuyện xây dựng. Các anh giành hết mọi thứ quyền, từ những quyền tự do căn bản cho đến những quyền tự do thượng đẳng mà chỉ có những ông hoàng bà chúa ở các nước quân chủ thời trung cổ mới có được, từ độc quyền yêu nước theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa cho đến quyền xây dựng đất nước theo ý mình, cho đến quyền thưởng phạt nhân dân một cách tùy hứng và tùy ý. Với cái quyền vô giới hạn đó, các anh giam nhốt tất cả những ai lên tiếng nhắc nhở hoặc muốn trình bày những đường hướng xây dựng đất nước theo cách khác. Vậy đó, hiện trạng đất nước là như thế; và sở dĩ tôi, một tăng sĩ Phật giáo, sớm ngày lo việc kinh kệ công phu ở chùa, lại phải dấn thân vào con đường đấu tranh là cũng vì thế. Nếu anh đã từng là phật-tử hay chỉ là người hiểu biết chút Phật pháp gì đó, hẳn anh phải khuyến khích tôi làm việc nghĩa, phải không? Tôi đâu có làm chính trị. Tôi chỉ làm việc nghĩa. Thấy bất bình thì phải lên tiếng can thiệp, vậy thôi.

Sơn xua tay, nói nhanh:

Thôi đủ rồi. Anh có thành kiến với chúng tôi quá, chẳng làm sao mà nói cho cùng lý được với anh đâu. Tốt hơn cứ để anh có thời gian để suy nghiệm lại.

Tôi cười:

Tôi cũng mong rằng trong khi tôi có cơ hội để suy nghiệm kỹ lưỡng hơn về những vấn đề của đất nước thì ở ngoài xã hội, các anh cũng dành thì giờ để suy nghiệm lại những gì tôi nói. Như vậy thì buổi nói chuyện nãy giờ không đến nỗi vô ích.

Tôi vừa nói đến đó, bỗng thấy Long đến, đứng nơi cửa, đòi nói chuyện riêng với Sơn. Sơn bảo Hùng đứng lại coi tôi, rồi Sơn đi theo Long. Hùng đứng lại một mình với tôi ở phòng vấn cung, có vẻ không yên, duỗi tay duỗi chân, xoay qua xoay lại. Một lúc, anh ngó tôi, cười thân thiện:

Anh Khang hút thuốc không?

Không, cám ơn,tôi đáp.

Hùng đốt thuốc rồi hỏi với giọng tự nhiên:

Chắc anh Khang trước giải phóng đã học đại học rồi phải không?

Không, lúc đó tôi còn là học sinh trung học đệ nhị cấp.

Vậy sau giải phóng thì sao? Anh có đi học ở đâu cho đến khi vào cao đẳng ở Gìa Lam và Vạn Hạnh?

Tôi giật mình vì Hùng biết về tôi khá rõ, nhưng nghĩ lại thấy cũng chẳng có gì lạ: Hùng là công an trinh sát, cùng Sơn, Long và đồng đội khác theo dõi tôi lâu nay, hẳn anh phải biết phần nào đó về tôi. Tôi đáp:

Chắc anh cũng biết cả rồi, mãi đến năm 1980 tôi mới được học tiếp ở Già Lam.

Vậy hả? Anh học cho tới khi lớp Già Lam tan rã vì vụ Tuệ Sỹ?

“Không, tôi đi kinh tế mới trước vụ đó hai năm.

Hùng im lặng một lúc, rồi lại nói:

Xếp Sơn là Trung tá, trưởng phòng chính trị của Sở công an thành phố Hồ Chí Minh. Xếp khó tính có tiếng, vậy mà ông ấy chịu để anh Khang nói chuyện tự do, thoải mái, hẳn là ông cũng nể anh lắm, ông chẳng nói ra đó thôi. Ông ấy cố tình khơi chuyện cho anh Khang nói, chắc anh Khang cũng biết, phải không? Không phải là cạm bẫy gì đâu, chỉ vì bản thân ông ta muốn nghe những ý kiến, những quan điểm gì khác với chủ trương của nhà nước… cho đỡ chán đó mà. Tôi nghĩ, sở dĩ ông ấy cứ khăng khăng nói một chiều nghịch ý với anh Khang, chắc anh cũng biết, là vì ở cương vị một cán bộ cao cấp, ông ấy phải như vậy thôi; phần khác, vì có tôi đứng đây, ông ấy không thể nói gì ngoài chủ trương cả. Thực ra, lâu lâu nổi hứng lên trong một bữa nhậu, ông ấy nói hăng say lắm, có khi chửi tùm lum, chửi từ trên xuống dưới… và nếu có lý luận đôi co với ai, ông ấy chẳng khi nào chịu thua đâu. Khi nãy, ông ấy có vẻ đuối lý với anh là vì ông nói mà không tin những gì ông nói, còn anh thì lại tin tưởng mãnh liệt vào những gì anh nói ra. Khác nhau ở chỗ đó.” Hùng dụi điếu thuốc dưới đất bằng cách lấy gót giầy nghiến tới nghiến lui một lúc.

Tôi lấy làm lạ là Hùng đã nói chuyện thật cởi mở với tôi như thế. Không rõ có phải Sơn giả đò đi ra ngoài để Hùng tự do nói như vậy không. Họ muốn gài cái bẫy gì đây? Hùng thành thật quá thì lại khiến tôi hoang mang, dè dặt.

Hùng vừa dụi thuốc nhưng liền sau đó, anh lại móc gói thuốc trong túi ra, lấy một điếu khác đưa lên môi, bật lửa, rồi nói tiếp, giọng vẫn có vẻ thân mật và hứng khởi:

Anh Khang tuổi trẻ thật nhỉ. Hồi đó nghe nhắc tên anh, tôi cứ tưởng anh cỡ tuổi xếp Sơn hay xếp Long đấy chứ. À, tôi có một thắc mắc này muốn hỏi anh Khang… Không phải chỉ mình tôi thắc mắc không thôi, mà cả mấy đồng chí trong đội trinh sát của tôi nữa, cũng bàn tới bàn lui cái điểm này ghê gớm lắm. Nhưng không ai đoán ra nổi, cứ nói với nhau, khi nào gặp anh Khang rồi thì ra lẽ chứ khó khăn gì. Vậy đó mà tưởng sẽ không gặp anh. Mấy tháng rồi chứ đâu phải chơi! Nhưng cuối cùng thì… anh cũng vào đây, Tôi hỏi anh được không? Cái này chẳng phải vấn cung đâu, tôi không có trách nhiệm vấn cung hay lập biên bản gì hết. Chỉ xin hỏi riêng ngoài lề: anh còn nhớ cái hôm Tết Tàu năm nay anh ở đâu không? Để tôi gợi lại cho anh nhớ nghe. Năm nay chúng ta ăn Tết trước lịch Tàu một tháng. Vào Tết ta, tổ chức Phục quốc của ông Lương bị đổ vỡ ở Long Thành, lúc ấy anh vẫn còn ở Long Thành ăn Tết. Sau đó, anh rời Long Thành về Sài Gòn… ở đâu đó thì tôi không biết, nhưng cuối cùng, vào những ngày cận Tết Tàu, tức là một tháng sau đó, anh đang ở nhà của bà Bạch Mai, anh nhớ chưa? À, nhớ hả. Vào đúng đêm ba mươi Tết của Tàu, cho đến 9 giờ tối, anh vẫn còn ở đó. Nhưng rồi 10 giờ, chúng tôi vào lục soát thì lại không có anh. Chúng tôi bao vây, canh gác nhà bà Bạch Mai từ bốn hướng, cho đến trên lầu của hai nhà hàng xóm, chúng tôi cũng có người trực sẵn ở đó. Canh gác từ sáng sớm ngày ba mươi cho đến tối, không bỏ hở giây phút nào. Vậy, anh đừng cười nhé, xin hỏi, lúc đó anh đang ở đâu, đi ra đường nào, ẩn trốn bằng cách nào mà chúng tôi không thấy? Hay là anh thực sự không có trong nhà bà Bạch Mai?”

Tôi cười:

Cha, anh ép tôi quá nha! Nếu tôi nói ra, tôi được cái lợi gì đây, trong khi đó anh sẽ học được thêm một kinh nghiệm để bố ráp mà bắt người khác?

Hùng xua tay:

Không, kinh nghiệm đó thì nói thiệt với anh, tôi đủ tay nghề rồi anh Khang à. Chỉ hơi thắc mắc là tại sao lúc đó cứ đinh ninh là phen này chắc chắn sẽ mời được anh Khang đi, thế mà lại sẩy! Tôi muốn biết thật đó…

Tôi bỗng nấy ý muốn mặc cả với Hùng, liền nói:

Nếu tôi cũng có một thắc mắc, anh có thể nói tôi nghe Không?

Hùng ngập ngừng một lúc:

Miễn là đừng dính dấp đến… cái vụ của anh là được. Không, ý tôi muốn nói, có những chuyện tôi không thể hứa được, vì nó có thể đi ngược lại chủ trương, trái với trách nhiệm… nhưng anh Khang cứ nói đi, có thể tôi giải đáp được.

Tôi định hỏi Hùng có phải nhờ có Hân báo cáo nên công an biết được tôi ở nhà bà Bạch Mai mà vây bắt, rồi cũng nhờ Hân, với sự cọng tác của ông thầy Tư, mà công an theo dõi bắt tôi ngoài đường vào ngay hôm qua. Nhưng liền ngay sau đó, tôi đổi ý. Tôi không cần muốn biết sự thật nữa. Tôi tự nhủ, “đã bảo là vui vẻ chấp nhận thì còn truy tìm manh mối làm gì nữa. Biết được vấn đề ấy, có lợi gì cho những ngày tù sắp đến?

Thấy tôi im lặng, Hùng khích lệ:

Anh Khang cứ hỏi đi, có thể tôi biết được chút gì.

Tôi xua tay nói:

Không, cám ơn. Không cần nữa. Thôi, anh cứ nói chuyện anh.

Hùng ngập ngừng một lúc:

À, như tôi nói khi nãy, đội trinh sát chúng tôi lúc ấy ai cũng chắc mẩm là sẽ bắt… ờ… chắc mẩm là có anh Khang trong nhà bà Bạch Mai, vậy rồi… khi không mà anh biến dạng. Phải chăng có một sự mầu nhiệm nào đó, ý tôi muốn nói… thời nay có thể những người ở chùa như anh vẫn còn xài một số bùa chú hay pháp thuật gì đó? Nói nhanh đi, ông Sơn sắp trở lại rồi kìa.

Tôi bật cười không nói vội. Thực ra tôi có phép thuật gì đâu. Đêm ấy, biết bị bao vây tứ phía, tôi đánh liều nhờ Lan, một thiếu nữ tá túc tại nhà bà Bạch Mai để học may, đưa tôi đi ra bằng ngõ sau. Ngõ này phải đi vòng vo một lúc qua những hẻm tối rồi mới ngang trước mặt hai anh công an đậu xe gắn máy ngồi gác dưới cột điện. Tôi nói trước cho Lan biết rằng Lan phải đóng kịch là tình nhân của tôi. Lan đỏ mặt nhưng rồi cũng vui vẻ dẫn đường tôi đi. Từ xa, thấy hai anh công an ngồi hút thuốc, tôi nắm lấy bàn tay Lan, nói nhỏ với nàng: Lan nói cái gì cho tự nhiên đi, công an ở phía trước kìa, mình phải đi ngang họ đó.” Lan ừ hử, nhưng cũng chưa nghĩ ra được câu gì hay thái độ nào để đóng kịch. Mãi lúc đến sát trước mặt hai anh công an, nàng mới níu lấy cánh tay tôi, nói giọng thân mật một cách tài tình: “Bây giờ coi xi nê chắc trễ lắm rồi, hay mình đi ăn chè rồi về, chịu không?” Tôi không biết nói gì, chỉ ừ rồi cùng nàng lướt qua mặt hai anh công an. Đi một khoảng xa, tôi cúi xuống vờ sửa đôi giày săn-đan để nhìn lui, thấy hai anh công an vẫn ngồi yên, không chú ý gì. Vậy là tôi thoát.

Tôi tủm tỉm nói với Hùng:

Tôi đi ra cửa đàng hoàng, chỉ tại các anh mờ mắt nên không thấy mà thôi… Nhưng mờ mắt trong chuyện bắt dân chẳng quan trọng gì đâu anh Hùng à, chỉ sợ là mờ mắt trong chuyện trị dân mà thôi,tôi nói với Hùng như thế.

Tôi vừa dứt lời, Sơn và Long cũng vào đến. Vừa ngồi vào chỗ, Sơn nói ngay:

Hành vi phạm tội của anh đối với nhà nước đã quá rõ ràng, tạm thời không có điều gì còn khúc mắc. Bây giờ, tôi lập biên bản kết cung.

Biên bản do Sơn lập, vắn tắt rằng tôi soạn thảo tài liệu cho lực lượng Phục quốc của ông Lương. Lối kết tội của biên bản này cũng không khác gì với biên bản của Long đã lập và tôi ký trước đây. Cũng không thấy Sơn đá động đến các hoạt động khác của tôi trước đó. Có lẽ nội chuyện cọng tác với lực lượng Phục quốc đã đủ để kết tội, nên họ không cần phải lôi vào vụ từ thiện xã hội để rồi làm rộn lên thành vụ án của nhiều Tăng Ni phật-tử khác – vốn là vấn đề tế nhị mà nhà nước cố gắng tránh né được chừng nào tốt chừng đó; còn Hội Lạc Long, họ không ghi vào biên bản kết cung có lẽ là do hội đó có mặt Hân, đặc tình của họ – họ không muốn đưa Hân vào biên bản để rồi lại sinh chuyện rầy rà với công an của tỉnh Đồng Nai và cũng có thể là tránh sự đụng chạm nghi kỵ của tôi với Hân.

Tôi ký tên vào biên bản. Hùng đưa tôi về chỗ bàn trực của dãy C3. Khi cán bộ trực xách xâu chìa khoá nặng nề đưa tôi trở về phòng giam, đi ngang phòng biệt giam số 2 ở đầu dãy, bỗng nghe tiếng một người gọi tôi từ trong cửa gió:

Khang!

Tôi ngước lên, thấy thầy Thiện Đắc, một người bạn tu của tôi, người mà cách đây vài ngày Linh có báo cho tôi biết là đã bị công an đến bắt tại chùa Pháp Hoa gần trường đại học Vạn Hạnh cũ mà chẳng biết bị bắt vì tội gì.

Tôi chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt xương xẩu, khắc khổ của Thiện Đắc. Và tôi chợt nhớ rằng chính thầy ấy là người đã tụng thần chú Lăng Nghiêm hồi khuya. Một mối xúc cảm dâng lên trong lòng tôi. Thiện Đắc đã làm gì để công an phải bắt? Từ Phụng Đạo đến Lạc Long, rồi Phục quốc, chẳng có tổ chức nào Thiện Đắc tham gia cả. Thiện Đắc chỉ là một người bạn của tôi, có lên kinh tế mới sống với tôi ba tháng vào mùa hè năm 1984, vậy thôi. Phải chăng chỉ vì quen biết và giao tiếp với tôi mà Thiện Đắc phải vảo tù?

Tôi thở dài bước vào phòng giam, cảm thấy buồn hơn lúc nào hết.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]