Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7

15/03/201208:53(Xem: 8147)
Chương 7

NÚI XANH MÂY HỒNG

truyện vừa của Vĩnh Hảo

Khởi viết tại Sài Gòn 1980, hoàn tất tại Long Thành 1982

Alpha xuất bản 1991 tại Virginia, Hoa Kỳ

____________

CHƯƠNG 7

Sài Gòn ngày …

Đức thân mến,

Mây vốn trôi nhưng không biết mình sẽ trôi về đâu. Trông thì có vẻ thảnh thơi thật đấy, nhưng vẫn còn tùy thuộc nơi những ngọn gió ác nghiệt nữa. Thứ tự do mà chúng ta tìm không phải là cái có thể có được giữa xã hội này.

Chuyến tàu hôm đó đưa tôi ra Đà Nẵng chứ không phải vào Sài Gòn. May mà mình đã từng sống ở Đà Nẵng và Hội An gần bốn năm kể từ một chín bảy ba. Từ Đà Nẵng tôi mua vé xe đò vào Sài Gòn bằng giấy thông hành của Tửu. Tôi ghé Nha Trang một đêm vì chuyến xe tôi đi gặp bất trắc, nhưng không đến thăm bạn được. Như dự tính, tôi vào Sài Gòn cho biết xứ người và cũng để xem ngoài khung trời Nha Trang, đất nước và con người có khác gì không, dưới chế độ kỳ quái này. Đến nơi rồi, ngẫm lại mới thấy mình thật là liều lĩnh. Bạn thường nói tôi can đảm chứ tôi thì chỉ thấy mình nông nổi, bồng bột mà thôi. Can đảm không phải là nhảy xả vào cái chết một cách liều lĩnh mà là biết đánh giá đích xác cái chết sẽ xảy ra như thế nào để chọn lựa một thái độ sống thích đáng.

Tôi đang ở nhà người anh ruột, chứ không ở chùa. Mà ở nhà người thế tục, dù là nhà của người thân thuộc, thì bạn cũng biết rồi đó, thật là tù túng và bực bội. Nhà dù có rộng hay tiện nghi mấy chúng ta cũng sẽ không thấy thoải mái bằng ở chùa. Con sãi thì phải ở chùa mà quét lá đa chứ, phải không bạn? Nhưng chùa ở Sài Gòn thì cũng chẳng hơn gì nhà ở bên ngoài. Có lẽ mình chưa biết hết, nhưng qua những chùa tôi đã đến thăm, tôi thấy các chùa trong này đều nằm chen chúc trong các phố, luôn ồn ào và chẳng có chút không khí thiền vị và thi vị của thiền môn. Nhiều chùa không có đất để trồng hoa, nói chi đến trồng cây cảnh lấy bóng mát. Điểm nầy thật là lạ đối với tu sĩ miền Trung phải không? Để tạo cảnh thiên nhiên hoặc để được mát mắt một chút, người ta đặt hai ba chậu kiểng trên lầu thượng hoặc để ghé trước thềm chánh điện. Tu sĩ thì phần nhiều (và chủ yếu) chỉ có mội việc quan trọng là tiếp khách và đi tụng đám suốt ngày. Mong rằng mình đã không vơ đũa cả nắm. Sài Gòn là một chốn phồn nhiệt và náo động, dù đã bị kềm siết từ sau năm 1975, mà Tăng sĩ và chùa chiền cũng không vươn thoát ra khỏi vòng vây bủa đó. Nói đến những việc ấy là thấy buồn khôn tả. Tóm lại, không khí Sài Gòn đã làm cho tâm hồn mình thấy ê ẩm thật. Chúng ta, nếu đã sống quen với vẻ u tịch của núi đồi Nha Trang hay cái êm ả, thiêng liêng của Suối Đổ, Đồng Bò, Đèo Rù Rì, thì chúng ta sẽ dễ phát điên, dễ bị choáng ngộp trong sự náo loạn thường xuyên của Sài Gòn.

Đức à, đôi lúc tôi hơi nhụt chí, thấy rằng, thà cứ ở mãi một chỗ như tảng núi mà hay: mặc tình gió mưa và mây trời qua lại. Nếu bạn có ý định lên đường, để tìm kiếm một cái gì đó như tôi, thì quên nó đi. Ngày nào đó tôi sẽ về, kể lại bạn nghe. Nhưng, hỡi anh bạn hiền của tôi, trước khi tôi về, anh hãy cứ ngâm nga bài thơ của Tô Đông Pha đi:

“Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang

Khi chưa đến đó hận muôn vàn

Đến rồi về lại không gì lạ

Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang.”

Ngẫm lại những ước vọng của chúng ta, tôi thấy sao mà nhẹ nhàng và dễ thương quá. Chúng ta có ước mơ gì cao siêu! Chỉ là những ước vọng đơn giản. Chúng ta chỉ muốn được tự do, không lệ thuộc quá nhiều nơi những bậc cha anh cứ ngồi trên mà phán xuống; không bị câu thúc bởi những kỷ luật đã lỗi thời; không vì cơm ăn áo mặc mà phải quanh co sống dối để vừa lòng tín đồ Phật tử. Chúng ta cũng chẳng mơ ước được chùa to Phật lớn mà chỉ cần một am tranh trên một mảnh đất tự do, nơi rừng sâu núi thẳm, không một người vãng lai, không một sức mạnh nào bên ngoài kềm chế. Chúng ta sẽ thực sự sống trong sự yên tĩnh và thoát tục giữa núi rừng cô tịch. Ngày thì hái quả, trồng rau; đêm thì công phu, thiền tọa. Khỏe thì chống gậy trèo non, mệt thì ngồi chơi bờ suối. Lấy trăng sao làm đèn đuốc mỗi đêm, xem muông chim như bằng hữu thường ngày. Mặc tình thế sự thăng trầm, mặc ai tranh chấp lợi danh. Chúng ta sẽ tự do ca hát và reo vui trên đỉnh ngàn. Chúng ta sẽ làm thơ dâng tặng núi đồi hùng vĩ và những gì thiêng liêng cao đẹp nhất đứng vươn trên ngút ngàn mộng mị, vượt khỏi tầm tay với ô trược của thế gian. Chúng ta sẽ ngồi đốt lửa trong động đá, trong am thiền vào những ngày mưa đông, và chúng ta cũng có thể phanh ngực để đón gió mùa hạ mà không sợ ai bình phẩm, chê cười là mất tư cách. Tư cách của chúng ta không nằm nơi những dáng vẻ bề ngoài, nơi những phép xã giao và lịch sự vô nghĩa, giả dối của khuôn nếp cuộc đời nữa. Tư cách của chúng ta chính là niềm bình an và tâm thái tịch lặng vô biên trước bao nhiêu biến thiên hoán chuyển của trần gian huyển vọng, hư phù. Tư cách của chúng ta chính là nụ cười hào phóng vỡ bờ xóa sạch mọi ưu phiền hệ lụy của cuộc đời. Tư cách của chúng ta là một đời sống trọn vẹn, một tâm hồn hùng tráng, và một trí tuệ rạng rỡ…

Nhưng đó hãy còn là những ước vọng. Bằng chứng là cho đến bây giờ chúng ta vẫn còn là những kẻ đi tìm, những kẻ chạy rông. Chúng ta biết tự do và giải thoát đâu phải là cái gì ở bên ngoài mà ở trong chính chúng ta. Mọi sự tìm kiếm đều vô ích. Nhưng rõ ràng là chúng ta đã không bằng lòng với môi trường sống hiện tại. Chúng ta bị kềm chế, bị đóng khung, bị uốn nắn trong khuôn khổ của những đàn anh thủ cựu bên trong, và một chế độ khắc nghiệt phi luân bên ngoài. Chúng ta càng vùng vẫy, càng muốn ngoi lên thì lại càng bị dìm xuống và bị trói buộc phi lý bởi những áp chế của những chủ thuyết, qui tắc và kỷ luật. Họ thấy hay, thấy mới, họ tin theo, và buộc chúng ta phải ngụp lặn trong xác tín của họ; nhưng, không phải rằng trước ngưỡng cửa giải thoát, và tự do chân thật, mọi luật tắc, tư tưởng, học thuyết và chủ nghĩa đều chỉ là những cặn bã cũ rích và lỗi thời hay sao!

Tuy vậy, khi chúng ta muốn đạp đổ, muốn phá vỡ mọi thành trì của những định kiến và công thức cũ kỹ để đứng lên hít thở không khí tự do, điều này hàm nghĩa rằng chúng ta vẫn mong đợi là sẽ tìm được an lạc và hạnh phúc, tự do và giải thoát từ những điều kiện thực tế được coi là thuận lợi bên ngoài? Chúng ta có đòi hỏi quá đáng không? Chúng ta có nhầm lẫn không, bạn nhỉ? Chứ không phải rằng người ta chỉ có thể đạt đến tự do giải thoát bằng con đường tự do giải thoát sao? Chúng ta nào phải là những tu sĩ lêu lỏng, phóng túng! Sự trầm mặc hiền lành của chúng ta ai chẳng biết. Chúng ta có đòi hỏi gì nhiều. Bạn còn nhớ không, khi đọc mấy cuốn sách về triết học và văn chương v.v… tôi đều bị thầy trụ trì chùa Núi ngăn cấm. Ngay cả những sách học ngoại ngữ cũng bị thầy xé nát cả. Cứ chiếu theo luật, thầy ấy buộc chúng ta chỉ học kinh và Hán văn thôi. Kể ra khi thầy ấy có ý xây dựng chúng ta theo truyền thống cũ đấy. Nhưng xây dựng không đúng cách thì chỉ thành phá hoại. Ai cũng có thể thấy rằng làm một cái hang hay dựng một túp lều cỏ ngay trung tâm thành phố thì thật chẳng mấy thích hợp. Người ta sẽ nói mình điên không sai. Cách sống của chúng ta sẽ do chính chúng ta vạch ra, dựa theo khuynh hướng giải thoát của đức Phật và tùy thuận hoàn cảnh, thời đại và tâm lý địa phương mà chúng ta đang sống. Tất cả những sự kiện xảy ra đều có những phản ứng thích đáng để điều hợp và bố trí lại một môi trường hợp lý. Chúng ta phản đối một vài định thức là vì chúng không còn thích hợp tâm tư và hoàn cảnh chúng ta hiện tại. Và sẽ còn vươn mãi đến tương lai nữa, những khuôn khổ vẫn cứ theo đó mà thay đổi, mà thăng hóa. Chúng ta thiết tha với lý tưởng nhưng phương pháp để thực hiện lý tưởng đó nhiều khi không phù hợp với thời đại hoặc trái ngược với cá tính của mỗi người chúng ta. Sự dồn nén của một tâm tư trong khuôn khổ chật hẹp không vừa vặn với tầm vóc của nó sẽ gây nên sức xung động kịch liệt. Tâm hồn càng ngày càng mở rộng mà nếp sinh hoạt thường nhật cứ mãi chết khô, cố định thì tâm hồn không thể nhẹ nhàng vươn thoát được. Sự phản kháng trong trường hợp này là lẽ tất nhiên không thể ngăn chận.

Chúng ta không phải là những kẻ muốn sống ngoài vòng kỷ luật; nhưng chúng ta ý thức được những kỷ luật nào đem lại lợi ích và những kỷ luật nào là vô nghĩa, lỗi thời. Tâm hồn mở đến đâu, vòng cương tỏa của kỷ luật nới rộng đến đó. Mở ra mà không mất, đó mới là điểm cần yếu. Bởi không mở thì không dung được tất cả, nhưng mở hẳn – mà không có sức kềm chế nào như là một nhận thức sáng suốt về trách nhiệm của mình trước quyền lợi tha nhân – thì cũng mất tất cả. Kỷ luật luôn uyển chuyển để thích ứng với hoàn cảnh và tâm tư của mỗi con người, mỗi thời đại. Chúng ta đi tìm, chúng ta mãi đi tìm vì chúng ta đã quá ngột ngạt trong trói buộc và vì sự trói buộc này, chúng ta biết chắc là không làm nẩy nở được tâm hồn chúng ta, và không còn cần thiết nữa, không còn cần thiết nữa. Có phải vì chúng ta khát khao tự do, tự lập nên không thể ở yên một chỗ mà trong đó chúng ta bị buộc phải rập theo tất cả những công thức và phải bị chi phối bởi nhiều quyền lực từ bên trên chèn ép xuống?! Chúng ta không may mắn, phải không bạn? Chúng ta không được sống trong một môi trường thích hợp. Chúng ta không tìm thấy hạnh phúc.

Tôi nhớ hồi còn ở chùa Núi, trước khi bạn dời qua Thiền thất và tôi dời về chùa Hải Đức, chúng ta đã không được đi đâu ra khỏi chùa. Những lúc chúng ta ra ngoài đều là đi tụng đám ma, đám giỗ; xong đám là tức tốc trở về chùa. Thầy trụ trì không đủ sức dạy chúng ta học, mà chúng ta đi học ở chùa nào khác thì thầy kiểm soát, bắt bẻ gắt gao (có lẽ thầy ấy nghĩ rằng chúng ta chỉ nên học thầy ấy thôi). Rồi thầy lại sợ chúng ta viện cớ đi học để đi chơi. Chúng ta ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chúng ta đúng là những sơn tăng. Chiều chiều ra ngồi bìa núi ngắm trời cao biển rộng cũng bị thầy ấy gọi vào: sợ chúng ta ngắm cảnh một hồi sẽ sanh lòng buông lung muốn vẫy vùng ngang dọc… Chúng ta không có chút tự do nào hết. Bỏ cả thân thuộc, bỏ cả những gì thiết yếu của một con người để xuất gia, chúng ta đổi lấy một đời sống như thế đó, có phải là phi lý lắm không? Vậy thì nơi đâu? Đâu là chốn dừng nghỉ thực sự cho hành trình tìm kiếm của chúng ta? Tôi thấy sự kiện tôi rời Nha Trang không có nghĩa giản đơn như một sự nhàm chán, hay chỉ là sự tác thành của tính hiếu kỳ, muốn phiêu lưu. Trong chốn sâu thẳm nhất của đáy lòng, tôi nhìn ra được một nỗi niềm bi thiết, một thất bại lớn lao, một nguyên lý sâu xa, tất cả những gì đã một thoáng thúc đẩy tôi lên đường không điều kiện, không chần chờ, không thắc mắc, không toan tính, không lo âu; nó nói lên niềm thao thức khôn nguôi của một người trẻ tuổi trong nỗ lực tìm đến một khung trời mới lạ mà hắn tin rằng nơi đó, vòm trời của tự do vô hạn được mở ra.

Bây giờ ngồi viết cho bạn, tôi đã có thể nhìn cuộc đời rõ hơn, thực tế hơn. Như tôi đã nói với bạn trước đây, những truyện tôi viết lúc còn ở Nha Trang đều chỉ là những sản phẩm của tưởng tượng. Thực ra, một tu sĩ sống bưng bít trên núi, không va chạm với xã hội bên ngoài như chúng ta thì chẳng nên bày vẽ chuyện viết văn làm gì. Tôi nhớ lúc đó, trước khi đốt sạch những bản thảo, tôi đã gọi những truyện của mình là những “mộng truyện”, nghĩa là những cái được viết trong mộng mơ, trong tưởng tượng, hay trong một giấc chiêm bao mà thôi. Lên đường, bước gần lại với cuộc sống chen đua của người thế tục, tôi mới hiểu rõ hơn thế nào là cuộc đời và thế nào là sự tương quan của chính ta đối với nó. Tôi vẫn còn là kẻ đứng ngoài lề cuộc đời, chưa tham dự chính thức vào những sinh hoạt phiền tạp của nó, nhưng tôi đã có thể nghe được rằng hơi thở của nó đã phả vào da thịt tôi. Có lẽ tôi đang kề cận cuộc đời hơn bất cứ lúc nào, kể từ trước đến nay.

Vì phải ở tạm nhà người anh ruột, hàng ngày tôi chỉ nghe thấy những chuyện của thế tục. Tất cả những sinh hoạt của người chung quanh đều khác với sinh hoạt của tôi. Tôi không hề nghe được một tiếng chuông, tiếng mõ hay một thời kinh trong suốt nhiều tuần lễ, mà chỉ thường nghe những lời tính toán, bàn bạc về chuyện gạo cơm, chuyện áo quần, chuyện luyến ái, chuyện làm ăn v.v… Tất cả những chuyện ấy được nói lên trong một giọng rất nghiêm trọng; có khi lo âu, có khi đầy háo hức; có khi thỏa mãn, có khi bất bình; có lúc hoạt kê, có khi đứng đắn; nhưng chung qui cũng xoay quanh vấn đề thực tiễn nhất của đời sống là cái ăn, cái mặc và tình ái.

Nghĩ cũng buồn, bạn nhỉ. Nhưng phải chấp nhận thôi. Rồi mình sẽ thấy quen và chịu đựng được. Nghịch cảnh dạy cho ta nhiều bài học hơn thuận cảnh, tôi mong vậy, và tôi cũng mong rằng đó sẽ là những bài học bổ ích cho lý tưởng của tôi. Dù sao, tôi vẫn có cảm tưởng như mình đang bị cuốn phăng trong một cơn lốc đưa xuống vực thẳm. Tôi đang phấn đấu để vươn ra khỏi nó, và quyết chí đi tìm ngõ thoát chung cho chúng ta. Ước mong bạn vẫn bình yên và chờ đợi sự thành công, chờ đợi con đường mới mà chúng ta sẽ là những đồng hành tri kỷ.

Hãy cầu nguyện cho tôi mãi mãi như một hoa sen dù cuộc đời có là một biển lửa. Bạn còn nhớ hai câu thơ của Thiền sư Ngộ ấn chứ?

“Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị can.

Tôi tạm dịch như vầy, chép tặng bạn đọc cho vui:

“Ngọc trui trên núi màu thêm biếc

Sen nở trong lò sắc càng tươi.”

Thân ái.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]