Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2

15/03/201208:53(Xem: 8724)
Chương 2

NÚI XANH MÂY HỒNG

truyện vừa của Vĩnh Hảo

Khởi viết tại Sài Gòn 1980, hoàn tất tại Long Thành 1982

Alpha xuất bản 1991 tại Virginia, Hoa Kỳ

____________

CHƯƠNG 2

Thật là lý thú khi chúng ta phát giác ra rằng chúng ta lầm lẫn. Và cũng thật là lý thú khi chúng ta biết rõ mình lầm lẫn mà vẫn cứ để cho sự lầm lẫn đó tiếp tục vận hành của nó, đồng thời coi đó như là ý muốn chính đáng của mình vậy.

Mặt trời đã lên khỏi dãy núi phía Đông. Không khí một ngày mới kích thích niềm vui và mở màn cho nhiều câu chuyện trên tàu. Người ta nói với nhau về những chuyến buôn, về vật giá sinh hoạt, về những vụ công an kinh tế tuôn hàng (tịch thu hàng hóa của dân buôn), về những chuyến đi xa của họ nữa. Qua vài câu chuyện, tôi mới vỡ lẽ rằng đây là chuyến tàu ra Trung chứ không phải vào Nam như tôi và Đức nghĩ. Tôi không mua lộn vé nhưng đã lên lầm tàu. Thế mà nãy giờ tôi cứ mường tượng ra một cảnh trí Sài Gòn đang chờ đón mình. Trong trường hợp lầm lẫn một cách nhớ ngẩn như thế, người ta có thể hoảng lên và đòi xuống gấp ở một sân ga nào đó gần nhất. Và sẽ thật là phiền toái nếu người ta mang nhiều hành lý. Tôi thấy có người mang lên tàu bảy cái giỏ, hai thùng mắm và một số đồ linh tinh kềnh càng khác. Tôi đứng như thế, im lặng và bình thản, và cảm nghe một nỗi niềm gí đó ngồ ngộ, kỳ thú. May mà không ai hỏi đến tôi. Nếu họ hỏi và tôi trả lời rằng tôi vào Sài Gòn, chắc họ cười dữ. Và cũng may là chuyến đi của tôi hôm nay, tuy cũng nhắm vào Sài Gòn thật đấy, nhưng không nhất thiết phải là Sài Gòn. Đối với tôi, mục đích chuyến đi này là ĐI, chứ không phải là ĐI ĐÂU. Do đó, con tàu có đưa tôi ra Trung thì cũng được thôi. Ngay trong trí tôi lúc đó, sự phản kháng rất là yếu ớt. Tôi để mặc cho cuộc lữ có thể đưa mình đến bất cứ nơi nào. Bằng quyết định đó, bằng thái độ chấp nhận và không chọn lựa đó, tôi thấy mình thực tự do và hạnh phúc. Bắt đầu từ hôm nay, tôi có thẩm quyền rất lớn về cuộc sống của mình. Bao lâu nay, nhất nhất mọi sự đều do gia đình (khi chưa xuất gia) và thầy bổn sư (lúc đã vào chùa) quyết định. Một chuyến phiêu du không những cho tôi nỗi thích thú vì những mới lạ, những bất ngờ đang chờ đón mà còn cho tôi cái cảm tưởng (hay ảo tưởng?) rằng, tôi đã thực sự cởi hết những trói buộc.

Tàu chạy lúc lâu thì ánh nắng chiếu vào giữa toa. Tôi không có chỗ ngồi. Đúng như lời Đức nói, nếu cứ tình trạng mỗi ga mỗi ngừng để rước khách và bốc hàng hóa thì sẽ có triển vọng rằng chốc nữa tôi sẽ đứng một chân cho mà xem.

Đến ga Tuy Hòa, khách chen lên chật cứng. Người ta dẫm lên chân tôi nhiều lần. Kẻ khác bị như vậy hẳn là đã sừng sộ chửi rủa lên rồi. Như một chị nọ, bị thằng bé bán trà đá dẫm lên chân, chị ta suýt xoa thôi chẳng khác chi như khi người ta bị đau răng vậy, rồi chị ngắt, véo thằng bé bán trà cho hả giận, trong khi đó, chân chị với đôi guốc gỗ rất là bề thế cứ ngang nhiên nghiến trên mấy ngón chân ló ra của tôi. Tôi chỉ biết than thầm mà thôi. Có những bàn chân khác mang bùn non làm nhầy nhụa trên dép và lưng bàn chân tôi. Đó là chưa kể hai thùng nước mắm của ai đó đặt trên sàn tàu, phía sau lưng, sát chỗ tôi đứng. Cứ mỗi bận con tàu xốc mạnh hay thắng rít ở một sân ga nào đó thì từ hai miệng thùng được bịt bằng túi nylon có ràng giây thun, nước mắm lại phì ra y như hai thằng khùng vừa sặc cười vừa phun nước miếng vào tôi vậy. Sự kiện này làm tôi thấy phiền ghê gớm, nhưng tôi vẫn cứ im lìm như một pho tượng. Đã vậy, người ta còn lấn như buộc tôi phải dời gót. Nhớ lời Đức, tôi nghĩ, gì chứ dời gót thì nhất định không được rồi. Mình không nên giành lấn người ta, nhưng ít nhất mình cũng giữ gìn được thế đứng của mình. Tôi bèn “xuống tấn”, rán đứng trụ một chỗ, không co chân lên một khắc nào. Hai bắp chân đã từng được tôi luyện mỗi mùa hè bằng cách gánh nước từ dưới xóm leo một trăm hai mươi tám bậc cấp lên chùa Núi, nay được dịp thi thố cái chức năng thô kệch của nó. Nhưng đó là tôi quá lo vậy thôi chứ thực thì tình thế không đến nỗi nghiêm trọng như Đức nói. Lúc tàu sắp rời ga Tuy Hòa, có hai thiếu nữ trạc tuổi tôi từ dưới sân ga nhảy phóc lên cửa sổ ở khoảng giữa toa, ngay chỗ tôi đứng. Họ lẹ làng đưa lên từ dưới hai bao gạo chỉ xanh rồi đẩy ùn đến chỗ tôi. Nhờ vậy mà quanh tôi, người ta dãn ra, rộng được một chút. Nhưng khổ nỗi, một bàn chân tôi đã nằm dưới bao gạo. Thấy nó cũng chẳng khó chịu bao nhiêu nên tôi cứ việc đứng yên. Tàu chạy. Một trong hai thiếu nữ đến xốc lại bao gạo và khám phá ra cái bàn chân dơ hầy và trường kỳ chịu đựng của tôi nãy giờ bị kẹt ở dưới. Cô ta khẽ xin lỗi: “Sao chú không nói để tôi xích nó qua một bên!”

Tôi trả lời lúng búng chẳng ra câu, rồi chỉ biết cười nhẹ. Cô ta định nói thêm gì nữa đó nhưng thấy tôi nhìn chỗ khác nên thôi. Một chốc, cô lên tiếng mời tôi ngồi. Tôi ngơ ngác chưa hiểu. Cô ta chỉ lên bao gạo: “Chú ngồi lên đây cho khoẻ chân.”

Tôi lại lúng túng. Tôi không biết rõ là một tu sĩ ngồi trên bao gạo như thế coi có được không. Thuở bé, còn ở nhà, mấy bao gạo mẹ tôi mua về để ở góc phòng thường là cứ điểm lý tưởng cho những trò chơi của bọn trẻ chúng tôi. Nhưng mỗi khi thấy một đứa trèo lên bao gạo, mẹ tôi đều quở. Bà chỉ cho phép chúng tôi nấp sau bao gạo (để chơi trò cút bắt hay cao bồi bắn súng) chứ không cho dẫm đạp lên nó. Mẹ tôi không nói rõ lý do, chỉ nói rằng làm như thế mang tội nặng lắm và có thể mắc quả báo là không có gạo mà ăn. Chúng tôi không sợ bị đói vì ba mẹ chúng tôi chưa bao giờ để cho chúng tôi phải đói, nhưng chúng tôi rất sợ chữ “mang tội” hay chữ “trời phạt” nên nghe theo răm rắp. Bây giờ, tôi đã hiểu lý do vì sao mẹ tôi cấm. Hạt gạo là của Trời cho, không nên vung vãi phung phí và tỏ ý bất kính mà phải trân quí như những hạt ngọc. Lý do đó không gây cho tôi chút băn khoăn hay sợ hãi tội lỗi trong trường hợp ngày hôm nay nữa. Nhưng liệu rằng khi tôi đồng ý ngồi trên hai bao gạo, những người chung quanh có thầm trách tôi chăng? Tôi thì tôi cho phép mình ngồi rồi đó (vì tôi đã quá thèm ngồi), còn họ thì sao? Tôi đưa mắt lướt nhanh qua những khuôn mặt gần đó xem thử họ có ý gì phản đối không nếu tôi vén áo dài ngồi xuống. Thật may là vài người khác cũng đồng thanh mời tôi ngồi nối lời thiếu nữ kia. Họ đều có vẻ quan tâm đến tôi, cảm thương cho tôi, một tu sĩ hiền hòa, câm lặng và có hơi ngây ngô, đứng im từ hồi khuya đến giờ. Thấy họ có vẻ thành thật và ân cần, tôi mới yên tâm ngồi xuống. Hai bao gạo chồng lên nhau cao hơn băng ghế gỗ trên toa. Tôi có vẻ cao ngất so với những người ngồi quanh.

Và hạnh phúc thay khi được ngồi xuống! Bao gạo mới thật là êm ả làm sao! Tôi chợt thấy hạnh phúc là một cái gì thật giản đơn, dễ hiểu như thế thôi. Buồn ngủ mà được ngủ, đói bụng mà được ăn, khát nước mà được uống, mỏi chân mà được ngồi. Hạnh phúc có nghĩa là vậy. Nhưng tôi cũng có thể nhìn thấy trong hạnh phúc và khổ đau, sự cảm nhận cái này không thể tách rời khỏi cái kia. Và cả hai đều có tính cách tương đối. Khi người ta cướp của tôi tất cả gia sản mà tôi đã gầy dựng được rồi cho tôi lại một ít cơm gạo hay một túp lều nhỏ để sống thì cái hạnh phúc mà tôi có thể có lúc ấy chỉ là một ảo tưởng. Khi người ta bóp cổ tôi, tôi nghẹt thở rồi người ta thả tôi, tôi hết nghẹt thở; nhưng sự hô hấp bình thường của tôi là cái tôi đã có sẵn chứ không phải là ân huệ của kẻ bóp cổ ban cho tôi. Trong cuộc sống, người ta thường bị lừa lọc đến nỗi có thể an phận và hài lòng vì những hạnh phúc giả tạo cỏn con tương tợ như vậy.

Tôi đang miên man trong những suy tư về hạnh phúc thì thiếu nữ buôn gạo đang đứng gần đấy, nghiêng về phía tôi, nói thấp giọng: “Có ai hỏi chú nói gạo chú mua cho chùa nghe. Làm phước cho tôi chú há.”

Nói xong, cô ta chen qua toa khác. Tôi chỉ biết than thầm trong bụng chứ chẳng biết phải làm sao. Tôi hiểu rằng đó là cách cô ta trốn thuế. Một tu sĩ mang gạo đi sẽ không bị nghi ngờ là một con buôn và gạo đó có thể được miễn thuế, hoặc khỏi bị trưng thu nếu gặp những nhân viên hỏa xa có đức tin. Tôi nghĩ tôi có thể giúp cô ta được đấy, bằng cách nói dối như cô ta bày. Nhưng tôi chẳng có chút hiểu biết gì về chuyện gạo cơm, buôn bán thì làm sao tôi có thể ứng đối rành rẽ nếu nhân viên quan thuế gặn hỏi một cách kỹ lưỡng, gắt gao! (Chẳng hạn, gạo loại gì? Mua ở đâu? Bao nhiêu tiền một kí? Bao nhiêu kí tất cả? Đem gạo đi đâu? Tuôn gạo lên ngõ nào, ga nào mà chưa đóng thuế?) Càng nghĩ, tôi càng lo lắng, bồn chồn.

Sau năm 1975, hình như mọi thái độ chống lại Nhà Nước đều được mặc nhiên công nhận như là những hành vi hợp lý và đạo đức. Giúp cho một người dân qua mặt Nhà Nước để sinh sống bằng cách bao che, nói dối cho họ, tôi nghĩ tôi có thể làm được mà không thấy ray rứt gì bao nhiêu dù rằng hành vi đó khiến tôi bị phạm vào hai giới cấm căn bản của một người theo đạo Phật (trốn thuế thuộc giới thứ hai: ăn cắp; nói dối thuộc giới thứ tư: vọng ngữ). Nhưng không phải đây là việc “làm phước” như thiếu nữ kia nói đó sao! Tuy vậy, điều này cũng làm tôi khổ tâm không ít. Vì tôi, một tu sĩ đang bắt đầu một cuộc lang thang, hành lý đơn giản, sao lại phải cưu mang làm gì hai bao gạo “ác ôn” kia kìa!

Nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng buồn cười. Lại buồn cười ở chỗ người ta không những không cấm mình ngồi trên bao gạo mà còn mời mình ngồi trên đó một cách tử tế; không những mời ngồi mà còn nài nỉ mình hãy coi (dù tạm thời) như mình là chủ nhân của hai bao gạo ấy. Đời thật nhiều nỗi rối rắm! Nhưng ta phải chấp nhận vậy.

Ga Diêu Trì ở Bình Định là ga chót của chuyến tàu này. Hai thiếu nữ kia đến, trả tự do cho tôi và xin nhận lại hai bao gạo. Tôi thở phào nhẹ nhõm và cũng trả tự do cho hai bao gạo. Hai cô đều ngỏ lời cám ơn tôi. Tôi im lặng xuống tàu, nhưng cũng thầm nói rằng: “Cám ơn hai cô đã cho tôi một chỗ ngồi thật thoải mái. Và nếu hai cô có ý muốn làm ơn làm phước cho tôi thì xin đừng để tôi có cơ hội cám ơn hai cô lần nữa về những bao gạo khác.”

Tôi thức trắng một đêm tại sân ga rồi đáp chuyến tàu khuya ra Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, tôi lại đón xe đi Hội An (Faifoo). Đây là thành phố nhỏ mà quãng đời hành điệu (làm chú tiểu) của tôi đã gắn liền với nhiều kỷ niệm thơ mộng, dễ thương. Tôi vào chùa Long Tuyền, vì đây là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh mà tôi nghĩ rằng thích hợp với tôi hơn cả.

Tôi đã học và sống ở đây ba năm. Lúc đó, chùa Long Tuyền còn là một Phật Học Viện. Sau biến cố ba mươi tháng tư, Phật Học Viện giải tán. Anh em trong lớp chia tay nhau ai về quê nấy. Đầu năm 1976 tôi mới rời nơi này để về Nha Trang tiếp tục học. Nơi đây còn lại một vài huynh đệ thường trú ở chùa. Họ là những tu sĩ nhiệt huyết, trong sạch và làm việc đồng áng rất giỏi.

Tôi đến chùa nhằm lúc mọi người trong chùa đều ra ruộng cả. Phải đến trưa tôi mới gặp đủ mặt. Trong số những bạn bè của tôi ở đây, người tôi mong được gặp nhất là Tửu.

Thuở trước, chú là người thân nhất, vừa như anh, vừa như bạn tri âm của tôi vậy. Tuy nhiên, sau thời gian xa cách, chừ gặp lại, tôi thấy Tửu không hợp với tôi như trước nữa. Không hiểu rằng do Tửu thay đổi hay tôi đổi thay mà sự thân mật và thông cảm như xưa không còn. Tôi tạm cho rằng có lẽ chúng tôi đều đã lớn. Tuổi thơ không còn nữa. Tôi đã bắt đầu là một chàng trai có chiều cao, có thể lực và một ít kiến thức về đời sống. Nhưng cũng có thể là do sự so sánh, dù là so sánh một cách vô tình, giữa Tửu và Đức, mà tôi có cảm giác đó. Tửu và Đức ngang tuổi nhau và lớn hơn tôi sáu tuổi. Cả hai đều kết thân với tôi trong tình bạn chứ không phải vai vế anh em. Tôi đã có thể chơi thân với Tửu và Đức, nhưng trên thực tế, tôi thấy Tửu và Đức khác nhau rất xa trong cách cư xử lẫn tính tình. Tửu không hợp với tôi nhiều như Đức. Trong vài khía cạnh khác cũng thế. Tửu thẳng thắn, Đức cũng thẳng thắn, nhưng cái thẳng thắn của Tửu thường làm mất lòng kẻ khác còn sự thẳng thắn của Đức thì được lòng họ. Tửu là người chịu khó, có sức chịu đựng nhưng lại hay than thở (chẳng hạn nhức đầu thì rên hừ hừ khiến kẻ khác phải nhức đầu theo), còn Đức thì chịu đựng trong im lặng. Tửu trung thực bằng thông minh, Đức trung thực bằng tình cảm. Tửu còn khác Đức ở chỗ là mỗi khi người khác muốn trình bày một vấn đề gì, Tửu cũng đồng lúc trình bày vấn đề của Tửu. Tửu hay có tật nói chung với người khác trong cùng một thời điểm. Nghĩa là khi người ta nói thì mặc người ta, Tửu ít chịu nghe, Tửu thích nói. Thành thử người ta thường cụt hứng ngưng lại để nhường lời cho Tửu. Riêng về Đức, khi người ta nói, Đức lắng nghe hoàn toàn làm cho người nói thêm say sưa mà nói, đồng thời cảm thấy bao nhiêu tâm sự buồn bực, nếu có, được trút đi mất.

Dù sao, tôi cũng không thể quên được bao kỷ niệm buồn vui đã có với Tửu. Trong tôi, tình bạn vẫn còn đó. Người ta có thể thay đổi, có thể quên đi nhiều thứ, nhưng tình bạn và những kỷ niệm của nó thì không làm sao gột rửa. Tửu có một đời sống gian khổ đáng thương đeo bám từ thuở bé và một tâm hồn vừa cứng rắn, vừa mênh mang tình cảm. Tửu thích âm nhạc, làm thơ hay mà không khoe khoang. Tửu là mẫu người luôn luôn phấn đấu, cầu tiến. Và dù sao, Tửu vẫn hiện hữu trong tôi, dù mờ nhạt hay sáng chói, như một dấu vết thiêng liêng của tình bằng hữu bất tuyệt.

Sống nơi chùa xưa với bạn cũ khoảng một tháng, tôi bắt đầu tính chuyện lên đường, mặc dù tôi rất thương cái đời sống thiền vị, đạm bạc và lặng lẽ nơi đây. Tôi rời xứ này không phải vì nhàm chán mà vì tiếng gọi hôm nào lại vang lên trong tận cùng đáy tâm tôi. Tửu đưa tôi đi. Lại một lần vẫy tay. Buồn vời vợi.

Con đường cát trắng chạy dài. Hàng dương cao vút, gió reo. Ráng chiều, mây trắng và trời xanh bao la nâng hồn tôi đến những mộng tưởng vô cùng đang mở ra trước mắt. Ngôi chùa Long Tuyền lưu dấu trong tôi tất cả những gì êm đẹp và hiền hòa không sao tả xiết. Nhưng phải bỏ lại phía sau. Vì, nước phải trôi vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]