Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Trường Giang tam hiệp

12/02/201216:01(Xem: 7308)
14. Trường Giang tam hiệp
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT

Trường Giang tam hiệp
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Cữu Hoa Sơn
Ngành sứ Trung Quốc và Cảnh Đức Trấn
Hàng Châu và Tế Điên Hòa Thượng

TRƯỜNG GIANG TAM HIỆP

Trung Quốc có bốn biểu tượng lớn, đó là Hoàng Hà, Trường Giang, Hoàng sơn và Vạn Lý trường thành. Hoàng Hà và Trường Giang có cùng một quê hương là cao nguyên Tây Tạng, đó là suối nguồn của nhiều con sông lớn khác của châu Á, trong đó có sông Cửu Long của chúng ta. Giữa Trường Giang và Hoàng Hà thì Trường Giang có lẽ quan trọng hơn trong đời sống kinh tế và xã hội, lịch sử và văn hóa của Trung Quốc.

Trường Giang (Changjiang) cũng còn có tên là Dương Tử Giang với 6600km là con sông dài nhất châu Á, đứng hàng thứ ba (36) trên thế giới, chảy qua tám tỉnh của Trung Quốc, chia sơn hà xứ này ra hai miền nam bắc. Trường Giang quá rộng nên ngày xưa không có cầu nào bắc qua nổi, người ta chỉ đi bằng thuyền. Người vượt Dương Tử nổi tiếng nhất có lẽ là Bồ-đề Đạt-ma, ông qua sông bằng một chiếc lá con, đi từ Nam Kinh lên núi Thiếu Lâm tại Tung sơn, sau khi truyền ý chỉ cho Lương Vũ Đế không thành. Đó là thế kỷ thứ năm. Ngày nay tại Nam Kinh, Vũ Hán và Trùng Khánh đã có cầu bắc ngang sông.

Bắt nguồn từ một độ cao 5600m, vượt qua bao thác ghềnh núi non để chảy ra biển ở Thượng Hải, sông Trường Giang dẫn nước luồn lách đi qua bao nhiêu miền linh địa kỳ dị, là kẻ chứng kiến biết bao điều đã nằm trong bóng tối của lịch sử, là nguồn cảm khái vô tận của các thi hào. Từ Trường Giang sinh ra khoảng 700 con sông con mà tới nhìn tận mắt tôi mới hay chúng chẳng nhỏ bé chút nào. Những sông hồ đó cũng rất nổi tiếng như sông Mịch La của Khuất Nguyên, Tiền Đường của nàng Kiều, Động Đình Hồ của Lý Bạch.

Sông Trường Giang cũng là chứng nhân của các cuộc chiến đấu trong lịch sử đầy nội chiến và ngoại xâm của Trung Quốc, từ thời Tam Quốc xa xưa đến thời cận đại này. Con sông này với lưu lượng khủng khiếp đã hòa máu của bao người trong dòng chảy của nó, nó đã ghi hình ảnh đầy gió và lửa tại Xích Bích của đầu công nguyên này và với việc Trung Quốc dời đô về Trùng Khánh trên, Trường Giang không quên một nước Trung Quốc suy nhược bị Nhật chiếm cứ và xâu xé.

Thế nhưng vượt lên tất cả những uẩn khúc của lịch sử là phong cảnh lạ lùng của Trường Giang vì dòng chảy từ tây sang đông của nó đã dẫn dòng sông uốn lượn dưới những hẻm núi hiểm trở với những vách đá hầu như dựng đứng tới mây. Đó là những vùng núi non trùng điệp của Vu sơn mà Trường Giang đã tìm đường len lỏi dưới những hẻm sâu. Những đoạn sông nằm giữa hai vách núi dựng đứng được gọi là "hiệp" và từ đó mà sinh ra "Trường Giang tam hiệp", ba hẻm sông nổi tiếng xưa nay đã thu hút hàng thế hệ đến viếng và ngày nay trên thế giới nó đã thành một điểm tụ hội của du khách, chỉ đứng sau Vạn Lý trường thành. Đi qua tam hiệp này cũng là sống lại một thời lịch sử của Trung Quốc, cũng là nơi đọc lại vài trang huyền sử và nhiều bài thơ tuyệt diệu của các thi hào bất tử.

Muốn ngắm Trường Giang tam hiệp ta không có nào khác hơn là đi tàu dọc đường thủy, đó là khoảng giữa Phong Đô và Nghi Xương, đoạn sông dài khoảng 200km. Thế nhưng tôi lên tàu từ Trùng Khánh và về đến Kinh Châu, đoạn dài hơn 500km để được ngắm Trường Giang nhiều hơn và nhớ một thời của Tam Quốc Chí. Đây là con sông hiểm yếu của nước Thục, cả Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đều chết trên bờ sông này cách đây 18 thế kỷ.

Dương Tử Giang ! Con sông ghi dấu trong tôi từ thời thơ ấu là đây. Sông rộng mênh mông, hai bờ xa lắc. Nước sông chảy không mạnh như tôi tưởng, về sau tôi biết ở hạ lưu có đê đập để điều hòa dòng chảy. Màu nước đục ngầu, nước đặc quánh phù sa, nhìn như nước sông Cửu Long. Thế nhưng nếu sông Cửu Long đầy lục bình thì ở đây không có bèo củi trôi sông, chỉ nước và nước. Dọc dòng sông này là vô số chuyện cổ tích.

Trùng Khánh là nơi hợp lưu của hai sông Dương Tử và Gia Lăng, là cảng sông quan trọng, có một lịch sử khoảng 3000 năm. Xung quanh Trùng Khánh ngày xưa có địa danh là Quỳ Châu, nơi Khổng Minh xếp đá lập Bát trận đồ, lạc vào đó thì khỏi ra. Lục Tốn, tướng nhà Ngô cũng chẳng ra được, may nhờ có nhạc phụ của Khổng Minh chỉ đường mới thoát. Ra khỏi Trùng Khánh khoảng hơn 100km ta đến Phong đô, ở đó có một ngôi đền được mệnh danh là "Quỉ thành phong đô" nằm ở bờ bắc sông Dương Tử, được xây cách đây 2000 năm. Tới đây ta sẽ thấy cầu Nại Hà, Quỉ môn quan, Aâm tào địa phủ.

Thần thoại Trung Quốc cho rằng hồn phách con người sẽ đến đây sau khi chết, đi qua cầu và tái sinh lại làm người. Sau Quỉ môn quan khoảng 100km, trên bờ bắc ta sẽ đến Thạch bảo trại. Đây là một kiến trúc được xây trong thời Vạn Lịch nhà Minh, cách đây khoảng 400 năm. Bảo trại là một đền 12 tầng xây trên núi đá, cao 56m, thờ Phật. Nơi đây từ trong một lỗ đá có gạo chảy ra liên tục để nuôi tăng ni. Từ đó mà đền được mang tên "bảo trại". Thế nhưng do tăng ni tìm cách đục đẽo cho lỗ đá rộng ra hầu có thêm gạo, từ đó gạo hết chảy !

Trên bờ nam sông Dương Tử ta sớm đến đền thờ Trương Phi. Đây là nơi vị đại tướng mặt đen bị ám hại năm 220. Đền của ông được xây vào đời Tống (960-1127), nằm trong rừng núi xanh tươi với vô số tranh tượng và bia đá. Xuôi dòng Dương Tử cách đó không đầy 80km nằm trên bờ bắc là Bạch Đế thành, như ta đã biết, là nơi Lưu Bị từ trần hai năm sau khi Trương Phi chết. Đó là chỗ Lưu Bị rút về chốn an toàn của nước Thục sau khi đánh Ngô thất bại.

Vì thế xuôi dòng từ Dương Tử về phía đông, thành Bạch Đế là cửa ngõ bước vào khu vực hiểm yếu của sông, vào "hiệp" thứ nhất, Cù Đường hiệp. Cù Đường hiệp là hiệp hẹp nhất và cũng là đẹp nhật, có nơi sông chỉ rộng 100m. Hai bờ núi đá có độ cao khoảng 500-700m tạo người đi trên sông trong hẻm núi một cảnh tượng vô song của thiên nhiên hùng vĩ. Trong ba hiệp thì hiệp Cù Đường ngắn nhất, chỉ dài chừng 8km, nhưng để lại ấn tượng to lớn nhất. Đỗ Phủ viết về Cù Đường hiệp:

Cù Đường giáp khẩu khúc giang đầu,
Vạn lý phong yên tiếp tố thu
(Cửa Cù Đường ở đầu sông Khúc,
Khói và gió thu liên tiếp muôn dặm)

Sau Cù Đường Hiệp, sông Dương Tử đi vào địa phận của Vu sơn. Vu sơn là một miền núi non mênh mông với 12 đỉnh núi quanh năm mây mù. Chảy dưới chân Vu sơn là Vu Hiệp, dài 46km. Đi trong hẻm núi này khách rời địa phận Tứ Xuyên để qua tỉnh Hồ Bắc. Trong cảnh mây mưa của Vu sơn đó có một chỏm đá cao 7m, đứng mãi với trời đất từ 2000 năm nay. Đó là đỉnh Thần nữ phong. Ngày nọ cáh đây cả hai ngàn năm, vua nước Sở lên Vu sơn để tìm phương án trị thủy vì con sông Dương Tử tâm tư bất thường, thường hay nổi giận dâng nước phá hoại mùa màng.

Trên đỉnh Vu sơn đó có một nàng con gái đến với vua, không ai xa lạ, nàng là con gái của Tây Vương Mẫu. "Thiếp ở phía nam Vu sơn, trên đá Cao Khâu, buổi sớm làm mây, buổi chiều làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở chân núi Dương Đài". Tại Cao Đường trên Vu sơn, nàng chỉ cho vua cách trị thủy và hơn thế nữa, tặng vua nhiều đêm chăn gối. Ngày nay Cao Đường còn đền thờ Thần nữ nhưng nay đã tàn phế. Đi tàu dưới sông, tôi thấy được hình dáng nàng trên cao, nhỏ như ngón tay út, lòng nhớ đến cuộc tình của nàng Lý ngư. Đi thêm một đoạn, tại Vu Hiệp này ta thấy một bia đá tương truyền do Khổng Minh tự tay viết, nét chữ vô cùng mạnh mẽ.

Sau đó, tại một nơi trong Vu Hiệp này có người quả quyết với tôi đây là chỗ trận Xích Bích đã diễn ra. Xích Bích là trận đại thắng của Chu Du, dùng kế hỏa công mà phá "hơn tám mưoi vạn" quân Tào Tháo. Ngày nay không ai biết đích xác Xích Bích nằm ở đâu trên sông Dương Tử vì có đến 4 địa danh mang tên này. Tôi nghe lòng ngẩn ngơ vì lúc đó gió cực mạnh trên bong tàu, hai bên là vách núi. Xuyên qua các "hiệp" ở đâu cũng thế, không nhất thiết chỗ này, gió mạnh đến nỗi người ta khó đứng lâu trên bong tàu được, nó thổi thốc giữa các hẻm núi dài vài chục cây số như một ống bệ khổng lồ.

Dùng kế hỏa công trong các hẻm núi cỡ này thì thật là tàn khốc nhưng cũng thật lợi hại vì chỉ cần gió đổi chiều thì đó mới là Quỉ môn quan. Đây phải là một cảnh tượng long trời lỡ đất mà tại Bạch Đế thành tôi thấy được vẽ lại hết sức sinh động. Ghê gớm thay, mưu trí của người xưa, biết kết hợp cả trời đất trong mưu đồ của mình. Ngày nay trên sông không còn khói mù, cờ lệnh, khí giới, thuyền bè...Xích Bích đã chìm trong lịch sử.

muihuongtram-03-15

H 38: Sơ đồ Trường Giang tam hiệp. 1) Đền thờ Trương Phi; 2) Bạch đế thành; Fengje: Quỉ thành phong đô; 3)4) Cù Đường hiệp; Wusahn: Vu sơn; 5) Thần nữ phong; 6)Vu hiệp; Zigui: Tỉ qui; 7) Khuất Nguyên môn; Xiling: Tây Lăng hiệp; 8) Binh Thư Khổng Minh; Yichang: Nghi Xương

muihuongtram-03-16%2839%29Sau Vu Hiệp ta đến Tây Lăng hiệp, với 80km, là hiệp dài nhất trong cả ba, bắt đầu với Tỉ Qui và chấm dứt với Nghi Xương. Hiệp này có nhiều đá ngầm, nước xoáy và là hiệp nguy hiểm nhất. Nơi đây tương truyền là chỗ Khổng Minh dấu binh thư khi chưa tìm ra người kế vị xứng đáng. Đến Tỉ Qui ta nhớ đến Khuất Nguyên (37) , nhà thơ của thế kỷ thứ tư trước công nguyên mà cảm động thay, đền thờ ông ngày nay vẫn còn. Đây là quê hương của ông, người nước Sở, sống trong thời Chiến quốc. Đó là một con người có chí khí, luôn luôn bị các nịnh thần và thế lực đen tối dèm pha hãm hại, nhưng bao giờ chịu khuất phục.

Một ngày 5.5 nọ, ông quá bi phẫn nhảy xuống sông Mịch La tự tử, đó là một con sông nhỏ chảy vào Động Đình Hồ. Ngày nay bài thơ Ly Tao của Khuất Nguyên vẫn còn được truyền tụng và ngày ông chết trở thành tết Đoan Ngọ. Khoảng 250 năm sau Khuất Nguyên, Tỉ Qui lại sinh thêm một người chịu cảnh oan ức bi thảm nữa, đó là một người đẹp tên là Vương Chiêu Quân. Nàng hay giặt lụa trên bờ bắc của sông Dương Tử. Áo của nàng thơm đến mức cả cánh sông cũng thơm theo. Người đẹp như nàng dĩ nhiên là được tuyển vào cung của nhà vua Hán Nguyên Đế. Nhà vua này có quá nhiều "hậu cung", lười đi xem mặt nên truyền họa sĩ vẽ hình cung nữ dâng lên cho dễ chọn.

Trong lúc các cung nữ đua nhau đút lót cho họa sĩ để được vẽ hình đẹp thì Chiêu Quân quá nghèo không có khả năng nên bị một tên họa công Mao Viên Thọ vẽ xấu. Và nhà Hán hồi đó chỉ lo chuyện mỹ nữ nên hết sức suy nhược, bị "rợ Hồ" phía bắc uy hiếp, đòi cống nạp. Chiêu Quân vì thế mà bị hy sinh cống Hồ, trước khi đi nàng vào cung bái biệt thì nhà vua lười biếng nọ mới hay nàng có nhan sắc khuynh thành. Đó là năm 35 trước công nguyên. Chiêu Quân có tâm tư rất sầu thảm, nàng chỉ biết gửi trong tiếng đàn tì bà và cuối cùng chết ở đất Hồ. Ngày nay tại Tỉ Qui còn Chiêu quân đài tưởng nhớ đến nàng, thơ Đỗ Phủ còn nhắc đến nàng:

Nhất khứ Tử Đài liên sóc mạc,
Độc lưu thanh trũng hướng hoàng hôn
(Ra đi, cung Tử Đài liền sa mạc phía bắc,
Nay chỉ còn nấm mồ xanh trong bóng chiều)

Kinh Châu là trạm cuối cùng của tôi tại Trường Giang. Thị trấn đó đánh dấu thời vàng son của nhà Thục, đó là lúc nhà Thục bành trướng mạnh nhất về nước Ngô ở phía đông. Thế nhưng, như người Trung Quốc cũng nói, sự vật lúc lên tới cực điểm cũng là lúc tàn lụi. Kinh Châu là nơi Quan Công bị quân Ngô giết, cái chết đó làm Lưu Bị quên bài học chiến lược của Khổng Minh, ông đem quân báo thù và thất bại rồi chết tại Bạch Đế. Ngày nay Kinh Châu đã biến mất trên bản đồ, nó được nhập chung với hai thị trấn khác để thành Sa Thị (Shashi ).


Nơi đây người ta cũng không còn mấy quan tâm đến Tam Quốc Chí ngày xưa mà đang xây lên một công trình vĩ đại bậc nhất của Trung Quốc, đó "Tam Hiệp công trình", xây đập ngăn sông làm thủy điện và điều hòa nước sông Trường Giang. Ghé Nghi Xương, tôi thấy một công trường khổng lồ, từ cao nhìn xuống thợ thuyền làm việc tấp nập có lẽ cũng như những ngày của Vạn Lý trường thành của 2200 năm trước. Nơi đây sẽ có một đập nước vĩ đại dài 2km, cao 185m ngăn dòng chảy của sông Dương Tử.

Toàn bộ công trình thủy điện sẽ hoàn tất năm 2009 nhưng đến năm 2003 thì Trường Giang tam hiệp đã được ngăn nước, mực nước sẽ dâng cao ít nhất 75m. Hơn hai triệu dân sẽ phải di cư, kể cả dân Tỉ Qui, số phận của họ cũng bi thảm không kém Khuất Nguyên, Chiêu Quân. Thần nữ phong, Bạch Đế thành chắc chắn không bị ngập vì nằm trên cao nhưng hầu như tất cả những phong cảnh vô song của Trường Giang tam hiệp sẽ chìm trong biển nước. Tôi là một trong những người cuối cùng được thấy tam hiệp. Sẽ không còn ai nhắc đến Xích Bích nữa, nó đã chìm trong lịch sử, nay nó sẽ chìm trong đáy nước. Vị thần nữ đứng trên núi cao nhìn xuống chắc không ngờ bài học trị thủy của mình ngày xưa nay đã được ứng dụng triệt để như thế.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]