Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Vạn Lý Trường Thành

12/02/201216:01(Xem: 7065)
02. Vạn Lý Trường Thành
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT

VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

Việc đầu tiên phải làm khi đến Bắc Kinh là tôi đi xem Trường thành. Ngày nay du khách, thương nhân hay chính trị gia ai đến thủ đô Trung Quốc cũng đều tham quan Vạn lý trường thành vì công trình đồ sộ đó là biểu tượng của xứ sở vĩ đại này. May thay nó không nằm quá xa Bắc Kinh, chỉ cách khoảng 80km nên du khách ai cũng đến được.

Theo nhiều tài liệu, công trình này đã được bắt đầu xây dựng trong khoảng giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 5 trước công nguyên. Đến thời Chiến Quốc (475-221) nó được các nhà vua thời đó tiếp tục tu bổ để phòng vệ chống "rợ Hung Nô" và các "bộ lạc Tây Vực". Trung Quốc được Tần Thủy Hoàng thống nhất năm 221 trước công nguyên, ông là người cho hoàn thành Trường thành thành một dãy liền lạc dài trên 5000km. Dưới thời nhà Hán (khoảng 200 năm trước và sau công nguyên), Trường thành được phát triển đến 10.000km, dài hơn "vạn lý". Trong đời nhà Minh (1368-1644), Trường thành được tu bổ thêm và giữ hình thể đó đến ngày hôm nay. Qua thời gian, Trường thành đã hư hại nhiều nhưng công trình to lớn này cho thấy ý chí ghê gớm của các vương triều cũng như công lao đầy mồ hôi và xương máu của nhân dân Trung Quốc.

Ngày nay Trường thành dài khoảng 6700km, chạy qua Hồ Bắc, Thiên Tân, Bắc Kinh, Sơn Tây, Nội Mông, Ninh Hạ, Thiểm Tây và Cam Túc. Gần Bắc Kinh có một chỗ dễ lên Trường thành, đó là Cư Dung quan. Đây là chỗ Tần Thủy Hoàng kiến lập nhiều làng dân cư sau khi đã hoàn thành Trường thành nhưng ngày nay các thị trấn đó không còn tồn tại. Tôi đến đây, leo Trường thành và cảm nhận cái vĩ đại của một công trình lớn trong một xứ sở lớn. Những bậc cấp ở đây thường cao hơn nửa mét, chỉ việc leo lên một đoạn của Trường thành đã đủ mệt, không cần nói đến chuyện xây dựng chúng. Làm sao người xưa có thể đưa những tảng đá to lớn lên những độ cao như thế và không phải chỉ dài vài chục cây số như tại Vương Xá của Tần-bà-sa-la [3] mà cả vạn dặm trên những sườn núi cao ?

Về sau khi đi khắp Trung Quốc, tôi hay nhớ lại cái vĩ đại của Trường thành để thấy một điều: đây là một nước lớn và dân nước đó không chịu nổi những gì có kích thước nhỏ bé. Đó là một nước có rặng Hy-mã với những đỉnh núi cao nhất thế giới, quanh năm tuyết phủ. Ngay tại Tứ Xuyên mà núi của họ đã cao hơn 7000m. Núi non của Trung Quốc không phải chỉ hùng vĩ, nó là suối nguồn của thơ văn, của nghệ thuật và của đạo giáo. Những bức tranh thủy mặc chúng ta hay thấy không hề là sự hư cấu của các họa sĩ, chúng đúng thực như thế, với mây, với núi và với những căn nhà tí hon trên đỉnh.

Sông của họ là những con sông với nguồn chảy mãnh liệt, nước sông là "thiên thượng thủy", phát khởi từ cao nguyên Tây Tạng, băng núi non chảy về đông hải. Dương Tử Giang (Trường Giang) là sông dài nhất châu Á với 6600km, là nguồn sống của mấy trăm triệu dân từ tây sang đông. Hồ của Trung Quốc kể chung thì lên đến 2000 hồ, từ các hồ nước mặn ít người biết đến ở các vùng cao nguyên Tây Tạng, Thanh Hải cho đến các hồ nước ngọt miền đồng bằng tiếng tăm như Động Đình Hồ, Đại Hồ. Đất của Trung Quốc quá mênh mông nên tuy bờ biển của họ dài đến 20.000km nhưng thực tế toàn bộ đời sống diễn ra trong vùng đại lục với sông và hồ. Đối với Trung Quốc thì "tái xuất giang hồ" đã là hạ sơn về lại với thế giới rồi, họ không cần nói tới biển.

Nền văn hóa Trung Quốc là một cái nôi của văn minh loài người, đó là một quá trình năm sáu ngàn năm, người ngày nay không sao dò tới đáy. Từ bốn năm thế kỷ trước công nguyên ở đó đã ra đời bộ Kinh Dịch với tham vọng tìm hiểu và vẽ nên đường đi của tạo hóa. Cũng từ trước công nguyên, có lẽ cùng thời với đức Thích-ca tại Ấn Độ và Heraclitus tại Hy Lạp, hai thánh nhân vĩ đại ra đời, đó là Khổng Tử và Lão Tử, đại diện hai cực âm-dương tiêu biểu của tư tưởng Trung Quốc.

Người thì luận về hoạt động và trật tự xã hội, kẻ thì ám chỉ đường đi mầu nhiệm của đạo, tập hợp triết học Trung Quốc trong một tổng thể lý tưởng "nội thánh ngoại vương chi đạo". Đó là một đất nước với những con người có những giấc mơ kỳ lạ, dưới tay họ phải phát sinh những công trình vĩnh viễn, những dự án xây dựng ngất trời, những cuộc phá hủy tận gốc mà Tần Thủy Hoàng với Vạn lý trường thành và việc đốt sách, chôn sống học trò chỉ là một thí dụ xưa cũ. "Ngu Công dời núi" không hề là một chuyện đùa với họ, xưa cũng như nay, họ sẵn sàng làm nhiều điều đội đá vá trời. Và trong thời đại ngày nay công trình tiêu biểu cho đầu óc đó là đập thủy điện tại Trường Giang tam hiệp.

Trong lịch sử Trung Quốc có một nhà du khảo nổi tiếng, đó là Từ Hà Khách[4] người đời nhà Minh. Suốt cuộc đời, ông đi được "nửa nước Trung Quốc". Từ đời nhà Minh đến nay Trung Quốc đã rộng hơn nhiều, Từ Hà Khách có sống lại cũng chỉ được được một phần. Ngày nay nước Trung Quốc bao gồm một lục địa khổng lồ vươn dài từ đông hải đến phía tây tận các nước cộng hòa của Liên Xô cũ, từ miền bình nguyên Hoàng hà đến cao nguyên Tây Tạng. Trong đất nước này ngoài Hán tộc còn biết bao dân tộc khác như Mãn Châu, Tây Tạng, Mông cổ. Bên cạnh các nền triết học của Khổng Lão, Trung Quốc đã thu nhiếp Phật Giáo, biến tôn giáo này thành một hệ tư tưởng hầu như đặc thù của họ.

Một dân tộc như thế thì còn lâu mới chấp nhận một tư tưởng ngoại bang làm chủ đạo cho nền học thuật của mình. Làm sao một triết học phương tây, dù mang màu sắc gì, có thể làm họ lung lay. Làm sao một nước láng giềng phương bắc, dù nhất thời giàu mạnh hơn họ, có thể làm họ chịu thua kém. Đầu thế kỷ hai mươi là thời kỳ đánh dấu một giai đoạn đáng đau buồn của họ. Họ mở mắt và xấu hổ nhìn thấy một đất nước bị xâu xé, một ý thức hệ xa lạ lên ngôi, một nền kinh tế nghèo nàn trì trệ, một nền khoa học kỹ thuật lạc hậu.

Không còn nghi ngờ gì, hảo hán của Trung Quốc sẽ đưa nước họ cất cánh trong thế kỷ 21. Nhiều hiện tượng đặc biệt đang báo hiệu sự chuyển biến đó, trong đó có cả sự phục hưng của Phật giáo tại Trung Quốc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]