Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Giấc mơ cẩm thạch

12/02/201216:01(Xem: 8382)
04. Giấc mơ cẩm thạch
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ NHẤT: DƯỚI CHÂN HY MÃ

GIẤC MƠ CẨM THẠCH

Ấn Độ thật ra là một nước du lịch. Mặc dù đường sá kém mở mang, điều kiện vệ sinh hạn chế nhưng nhờ một nền văn minh lâu đời, một nền văn hóa thâm hậu và những công trình kiến trúc xuất sắc mà Ấn Độ hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch. Người đến thăm Ấn Độ, nhất là khách Âu Mỹ phải chấp nhận cái thực tế, đây là một thế giới hoàn toàn khác, tự nó là một thế giới. Tôi chưa đến Calcutta nhưng nhiều người cho hay, tới đó có nhiều khách phải đâm sợ vì quá nhiều người sống chen chúc và vì sự cách biệt giàu nghèo quá lớn. Có người cho rằng muốn biết địa ngục hình dáng thế nào thì cứ đến Calcutta.

Thế nhưng phần lớn khách du lịch không muốn biết địa ngục, họ đi tìm những lăng tẩm cổ kính, những cung điện huy hoàng, những thành quách vĩ đại của vua chúa trong các thế kỷ trước. Ấn Độ của thời quá khứ không hề thiếu vua chúa, đó là xứ sở của các tiểu vương cai trị nhiều khi không quá “vài vạn nóc nhà“, như cách đếm dân ngày xưa hay nói. Vua chúa Ấn Độ cũng không hề dè sẻn trong các công trình xây dựng, họ cần lâu đài cho mùa hè và mùa đông, cho chính hậu và thứ phi, cho con trai và con gái. Dân Ấn Độ thì đông và sẵn sàng chịu đựng, cát đá thì nhiều và dễ khai thác, nhất là loại cẩm thạch trắng. Nghệ nhân Ấn Độ khéo tay, thông minh, ham tưởng tượng và sẵn sàng quên mình cho các vị thần của Ấn độ giáo. Vì những lẽ đó mà các công trình xây dựng của Ấn Độ ở đâu cũng có, ở đâu cũng là những kỳ quan, thu hút rất đông du khách.

Trong các kỳ quan kiến trúc của Ấn Độ, hẳn Taj Mahal phải là tiêu biểu và đáng chiêm ngưỡng nhất. May thay Taj Mahal không xa Delhi bao nhiêu, khách có thể theo tour du lịch trong vòng một ngày cả đi lẫn về.

Đây là một kỳ quan diễm tuyệt của nghệ nhân Ấn Độ của thế kỷ thứ 17. Ngôi đền được xây bằng cẩm thạch trắng muốt, có một kiến trúc vừa trang nghiêm vừa nhẹ nhàng, vừa uy nghi vừa nên thơ. Nếu nghệ thuật nói chung là sự vật chất hóa của những ý niệm, biến ý niệm thành những gì thấy được như kiến trúc, hội họa; nghe được như âm nhạc; đọc được như văn chương thơ phú thì nghệ thuật xây dựng Taj Mahal là sự kết hợp hoàn hảo của dạng hình và sắc màu, của kiến trúc vĩ mô và lòng cẩn trọng chi li. Theo lời kể lại thì ngày xưa nghệ nhân Ấn Độ hoàn thành công trình này trong những điều kiện tâm lý rất khe khắc và tàn bạo của chế độ phong kiến. Thế nhưng ngắm nhìn công trình này người ta không thể nghĩ gì khác hơn đây là sự hiến dâng quên mình trong nghệ thuật tạo hình.

H 2: Kiến trúc Taj Mahal, người trong hình là tác giả

Taj Mahal là kết quả của một công trình hoàn hảo của những con người không tên, thế nhưng nó được xem là quà tặng của một nhà vua tên gọi là Shah Jehan cho hoàng hậu của mình chẳng may mất sớm. Shah Jahan là nhà vua thứ năm của triều đại Mogul, mà người sáng lập là Babur, một tín đồ Hồi giáo. Sau Babur thì nhà vua xuất sắc nhất của đời Mogul là Akbar. Akbar là người thống nhất Ấn Độ từ vịnh Á-rập phía tây đến vịnh Bengale phía đông, trị nước từ 1556 đến 1605 và là nhà vua rất có công trong nền văn hóa Ấn Độ.

Shah Jehan là cháu của Akbar, lên ngôi trong thời cực thịnh của đời Mogul. Thế nhưng Shah Jehan rơi vào hai thứ đam mê, đó là các công trình kiến trúc và sắc đẹp phụ nữ. Shah Jehan có khoảng 5000 cung nữ mà người ông yêu quí nhất là hoàng hậu Mumtaz Mahal. Bà hoàng này chẳng may mất lúc mới 39 tuổi, sau khi sinh cho ông đứa con thứ 14. Đời của Shah Jehan không còn gì vui thú nữa, ông tự nói và suốt 35 năm sau khi Mumtaz Mahal chết, ông dành hết thời giờ cho các công trình kiến trúc.

Taj Mahal được xây dựng năm 1659 và 16 năm sau mới hoàn thành, gồm toàn đá cẩm thạch trắng. Nơi đây có 20.000 nghệ nhân, kể cả thợ khéo từ Pháp, Ý, làm việc. Khoảng 1000 thớt voi được điều về đây để chuyên chở hàng ngàn tấn đá. Đây là một công trình mà thế giới cho là toàn hảo nhất trong kiến trúc, trong chi tiết thi công và vật liệu xây dựng. Hãy đến gần và nhìn ngắm hàng ngàn chi tiết trên tường vách của điện. Đáng quí thay những đóa hoa bằng đá tí hon với tất cả sự tinh xảo của bàn tay con người. Tôi tưởng tượng hàng ngàn nghệ nhân miệt mài trong cơn rét mùa đông của Bắc Ấn vàø nắng lửa của những ngày hè có khi lên đến gần 50 độ C. Những nghệ nhân khuyết danh đó thật ra đã làm một điều mà Thiền tông hay nói, họ đã hòa làm một với tác phẩm chính mình.

Ngày nay Taj Mahal tại Agra là chỗ không thể thiếu cho mọi ai có dịp đến Ấn Độ, mỗi năm đền tiếp khoảng 2,5 triệu khách du lịch. Số lượng người to lớn đó vô tình đã làm đền hư hại không ít. Chỉ hơi thở của khách đã tạo nên một độ ẩm trong đền cao tới mức có khả năng làm rỉ sét các khung sắt giữ mặt đá cẩm thạch. Các nhân tố môi trường khác như hóa chất và khí thải cũng để lại những vết tích nặng nề. Ngày nay xung quanh Taj Mahal trong bán kính 100km không có nhà máy phát điện hay cơ xưởng cơ khí và hóa chất nào được xây dựng. Nhờ những biện pháp đó mà ngày nay đền vẫn còn giữ được vẻ đẹp vô song, đá cẩm thạch vẫn còn trắng tinh khiết.

Tôi đã đến Taj Mahal hai lần để ngắm tác phẩm kiến trúc dành cho tình yêu vĩnh cửu này, nhưng tiếc thay không có lần nào vào ban đêm có trăng. Người ta cho rằng phải thấy Taj Mahal dưới ánh trăng, lúc đó ngôi đền cẩm thạch trắng này sẽ toát ra một ánh sáng kỳ ảo. Trên đường xe bus về lại khách sạn buổi tối tôi ngồi cạnh một thương nhân người Mỹ. Khuya nay phải lên đường đi châu Âu, ông tận dụng ngày rảnh hiếm hoi hôm nay để thăm đền thờ này. Thấy ông lên đường về nước, tôi bỗng nhận ra mình không còn ham thích lên máy bay về Đức như những ngày đầu nữa, nước Ấn Độ đang hé mở cho tôi nhiều điều kỳ diệu.

Tôi không thiếu những ngày rảnh rỗi tại Delhi vì phải lưu lại dài ngày nơi đó, công việc đã đi vào giai đoạn triển khai công trình. Ngày nọ tôi bỗng nhớ tại sao mình không tìm xem các di tích Phật giáo tại Ấn Độ và hỏi một bạn đồng nghiệp có kinh nghiệm lâu năm tại đây xem sao, người đó nhìn tôi nói: “Phật giáo đâu còn gì tại đây nữa, nếu rảnh thì đi xem Red Fort đi“. Tôi không tin và xem lại các tour du lịch quảng cáo trong khách sạn, quả nhiên không thấy ai nhắc đến Phật giáo cả.

Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ sao nay suy tàn, đó là điều không thể, tôi vẫn không tin là đúng. Ngày trước Huyền Trang qua Ấn Độ thỉnh kinh và ngày nay tôi vẫn nghe các tu sĩ Việt Nam qua Ấn Độ học triết học Phật giáo mà. Nghĩ thế nhưng tôi không biết làm gì hơn là đi xem Red Fort.

Red Fort chính là kinh thành do Shah Jahan xây dựng năm 1638. Đó là một tổng thể một thành quách đồ sộ có diện tích khoảng nửa cây số vuông dựng lên bằng đá ong đỏ nằm ngay giữa Delhi. Tôi nhớ màu đỏ tía Tử Cấm Thành của Bắc Kinh. Đời Shah Jahan tại Ấn Độ chính là triều nhà Minh cũng với những công trình xây dựng đồ sộ tại Trung Quốc. Red Fort có qui mô không thua kém gì Tử Cấm Thành nhưng nếu Tử Cấm Thành là qui mô của triều đình có nhiều cung điện nằm rời nhau thì Red Fort là hành dinh có tính chất quân sự nên có kiến trúc như một thành quách với vô số ngõ ngách thông thương lẫn nhau.

Thế nhưng, phía sau những bức tường thành vĩ đại đó đã diễn ra những âm mưu và tội lỗi, kể cả trong một xứ sùng tín như Ấn Độ. Shah Jahan để lại cho đời sau những kiến trúc tầm cỡ nhưng ông bị chính con trai của mình là Aurangzeb cầm tù đoạt ngôi. Trong tám năm cuối đời ông bị con mình giam ở Agra, cũng trong một thành quách to lớn. May thay ông còn diễm phúc được ngày ngày ngắm nhìn Taj Mahal từ cung điện tù ngục của mình Trong truyền thống vua chúa Ấn Độ ta thấy lịch sử lặp đi lặp lại nhiều lần chuyện con giết cha giành ngôi.

Chuyện con ám ngại cha đoạt ngôi vàng được nhiều biết nhất là Tần-bà-sa-la, nhà vua trị vì nước Ma-kiệt-đà trong thời Phật tại thế. Ông và hoàng hậu về sau bị con trai là A-xà-thế cầm tù bỏ đói đến chết. Tần-bà-sa-la là người theo Phật, ông tôn trọng Ngài đến nỗi khi lên núi Linh Thứu thăm Phật, ông luôn luôn xuống xe đi bộ. Tôi đã từng đến cung điện mà ngày xưa nghe nói Tần-bà-sa-la bị giam ở đây, ngày nay chỉ còn nền đá. Nơi đây tôi thấy vài vòng sắt còn sót lại, người ta cho rằng đó là còng sắt cùm chân nhà vua ngày trước.

Tôi không tin lắm vì thật như thế thì đã có kẻ sớm đánh cắp lưu vật mấy ngàn năm này nằm giữa một sườn núi trơ trọi, không ai canh giữ. Nhưng hề gì chuyện đó đúng hay sai, ai cũng đã chết, vấn đề là mỗi người để lại những gì cho hậu thế. Ngày nay người ta còn nhắc đến Tần-bà-sa-la khi đi thăm vườn tre Trúc Lâm, quà tặng của ông cúng dường Phật. Cả A-xà-thế cũng còn được tôn trọng vì về sau, người con phạm tội ngũ nghịch đó đã tỉnh ngộ và phụng sự Phật pháp. Ông chính là người xây dựng thuyết đường cho hội nghị kết tập lần thứ nhất sau khi Phật diệt độ.

Tội lỗi là điều không thể tránh khỏi của cuộc đời làm người. Nhà thơ lớn Goethe của Đức đã từng nói: “Đời tôi chưa gặp ai mà tội lỗi của họ tôi không thể làm“. Khiêm tốn biết bao và cũng thẳng thắn biết bao ! Con người sinh ra hình như có một xu hướng nhất định sẽ làm những điều này điều nọ, xấu tốt đều có. Nó phải tuân thủ những xu hướng đó và cơ may của nó là qua những hành động hay dở của mình mà ngộ ra vài điều cho đời mình. Vì nếu không thông qua tội lỗi để hiểu ngộ một cách thâm sâu cái thiện mỹ đích thực xuất phát từ trái tim mình thì cuộc đời xem ra không có ý nghĩa gì. Né tránh tội lỗi, tập làm thiên thần, đó là điều đạo lý nên làm, nhưng cũng dễ là bước đường đi vào trong bóng tối của ngu muội và ngã ái. Đó là sự sai lầm chia thế giới làm hai phạm trù tốt xấu, đúng sai, xem sự vật như một hình ảnh đen trắng mà không biết rằng cuộc đời vốn đầy màu sắc và thiện ác là một điều hết sức tương đối và thường có nguồn gốc rất sâu xa.

Có những hành động cực ác nhưng nó phải xảy ra để ăn khớp với một mắc xích nào đó của sự vật, để một biến cố khác xuất hiện. Muốn hiểu những điều đó phải có một tầm nhìn, thấy được những nguyên nhân nằm trong quá khứ xa xôi mà ngày nay nó mới bắt đầu trổ quả. Con người chúng ta chỉ có tầm nhìn của một kiếp người, thậm chí đầu óc không nhớ quá mười năm quá khứ, thế nhưng vẫn ngã mạn dám lên án và đánh giá, tưởng mình là kẻ thấu hiểu mọi vật. Muốn hiểu đích thực sự vật phải hiểu giềng mối của nó mà chỉ có thánh nhân thấy tác động của nghiệp lực qua nhiều đời nhiều kiếp mới đủ khả năng phán đoán. Phật là một người như thế và cũng chính vì thế mà Ngài lại là người không lên án ai cả và chỉ có một nụ cười bí ẩn. Thời A-xà-thế hãm hại cha mình là lúc Ngài còn tại thế nhưng Ngài đâu ra tay giải cứu. Học trò Ngài là Xá-lợi-phất và Mục- kiền-liên bị ám sát thảm khốc nhưng Ngài không can thiệp. Con trai Ngài là La-hầu-la chết rất sớm nhưng Ngài vẫn tự nhiên.

Chỉ có những thánh nhân như Phật mới thấy rõ dòng chảy của nghiệp và vì vậy Ngài không xen vào hành động của A-xà-thế. Người ta biết A-xà-thế phạm tội giết cha nhưng ít người biết chuyện ông là hậu thân của một vị đạo sĩ. Ngày trước, vua cha là Tần-bà-sa-la nghe tiên tri rằng mình sắp có con trai nên cho người đi tìm một vị thánh nhân đạo cao đức trọng, bức tử vị đó để mong thần thức người đó thác sanh làm con mình. Tùy tùng của vua chọn ra vị đạo sĩ nọ, nhưng vị này chạy trốn, hóa thành con thỏ.

Tần-bà-sa-la cho bắt con thỏ treo ngược, bỏ đói đến chết. Thỏ đầu thai làm con trai của Tần-bà-sa-la là A-xà-thế. Cuối cùng A-xà-thế treo ngược bỏ đói vua cha, đúng như nghiệp ác đã gây nên. Ta cũng biết thêm bà hoàng hậu Vi-đề-hi, vợ của Tần-bà-sa-la quá chán ngán cuộc đời làm người với hành động thảm khốc của con mình nên cầu xin Phật dạy cách thác sinh vào một nơi “thanh tịnh“. Nghe lời khẩn cầu của bà, Phật mới giảng kinh A-di-đà và thuyết về cõi tịnh độ. Từ đó ta có thể nói Tịnh Độ tông bắt nguồn từ những hành động ngỗ nghịch của A-xà-thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]