Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Thiền núi

04/02/201213:08(Xem: 10078)
10. Thiền núi
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN HAI
TRÁI TIM CỦA SỰ TU TẬP

10.- THIỀN NÚI

Là núi vững vàng.
Nhất Hạnh.

Trong thiền tập, núi có thể dạy ta rất nhiều. Hình ảnh về ngọn núi có một ảnh hưởng rất sâu đậm trong mọi truyền thống văn hóa. Những ngọn núi là những nơi chốn thiêng liêng. Từ ngàn xưa người ta thường đi vào những ngọn núi để tầm đạo, để tự nuôi dưỡng mình. Ngọn núi là một biểu tượng cho trục quay chính của quả đất (núi Meru), cho nơi cư ngụ của các vị thần (núi Olympus), cho nơi con người đã tiếp nhận những điều răn cũng như khế ước từ thượng đế (núi Sinai). Những ngọn núi thường được coi là thiêng liêng, chúng là hiện thân của một sự khiếp sợ và hòa hợp, khắc nghiệt và uy nghi. Nhô lên cao đồ sộ trên hành tinh này, những ngọn núi mời gọi và áp đảo ta, chỉ bằng mỗi sự hiện diện của chúng. Tự thể của núi vô cùng vững mạnh, cơ bản là đá. Đá tảng, đá rắn chắc. Núi là một nơì ta có thể nhìn thấy bao quát hết tất cả. Ta có thể tiếp xúc được với sự rộng lớn của thế giới thiên nhiên, và giao điểm với cái gốc rễ, tuy mong manh nhưng rất kiên trường, của sự sống. Những ngọn núi đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử, cũng như thời tiền sử của con người. Đối với những người dân lành, núi bao giờ cũng là mẹ cha, là thần bảo vệ, thần che chở và là đồng minh của họ.

Trong thiền tập, đôi khi ta cũng có thể vay mượn những hình ảnh có tính chất kỳ diệu này của núi và xử dụng chúng để tăng cường sự chú tâm của ta, cũng như duy trì giây phút hiện tại trong một sự thanh thản và đơn sơ cơ bản. Hình ảnh một ngọn núi giữ trong tâm và thân có thể làm tươi mới lại con người của ta, nó nhắc nhở ta vì sao mình phải ngồi thiền, việc làm ấy có ý nghĩa gì, mỗi khi ta ngồi xuống và an trú trong thế giới của sự vô hành (non-doing). Núi là một biểu tượng tinh hoa cho một sự hiện hữu và tĩnh lặng vĩnh cửu.

Bạn có thể thực tập thiền quán về núi như sau, hoặc sửa đổi một chút cho thích hợp với ý niệm cá nhân của bạn về núi và ý nghĩa của nó. Bài thiền tập này bạn có thể thực hành trong bất cứ một tư thế nào, nhưng tôi thấy hiệu quả nhất là khi tôi ngồi xếp bằng trên sàn nhà, lúc ấy thân tôi nhìn và cảm thấy giống như một ngọn núi vững vàng, bên trong lẫn bên ngoài. Sống trên một ngọn núi hoặc gần ngọn núi cũng hữu ích, nhưng không là cần thiết. Vì chính cái hình ảnh trong nội tâm mới thật sự là nguồn năng lượng.

Hãy tưởng đến một ngón núi nào đẹp nhất mà bạn biết hoặc nghe nói, hoặc có thể tưởng tượng ra được, một ngọn núi rất thân thiết với bạn. Trong khi bạn tập trung vào hình ảnh hoặc cảm nhận về ngọn núi này trong tâm, hãy ghi nhận vóc dáng của nó, đỉnh núi kiêu hãnh, chân núi ăn sâu vào gốc rễ đất đá của mặt địa cầu, những triền núi thoai thoải hoặc có dốc cao. Bạn hãy ghi nhận tính chất đồ sộ của nó, sự bất động của nó, vẻ đẹp của nó khi đứng gần hoặc nhìn từ xa - một vẻ đẹp tỏa phát từ một dấu hiệu và hình tướng cá biệt, và cùng một lúc biểu hiện được tính chất "núi" của nó, quá vượt lên trên mọi hình tướng khác.

Có thể ngọn núi của bạn có tuyết phủ trên đỉnh và cây xanh mọc trên những triền núi thấp. Có thể nó có một đỉnh nhô cao nổi bật, cũng có thể là một dãy nhiều chóp núi, hoặc một vùng cao nguyên chót vót. Dù có hình dạng nào cũng được, bạn hãy ngồi và thở với hình ảnh của ngọn núi ấy, quan sát nó và ghi nhận những đặc tính của nó. Khi nào cảm thấy sẵn sàng, bạn hãy thử mang thân bạn và hình ảnh ngọn núi trong tâm trở thành một. Đầu của bạn là đỉnh núi cao, vai và hai tay là triền núi và hai chân là chân núi, trụ vững vàng trên tọa cụ. Bạn hãy kinh nghiệm trong thân một cảm giác nâng cao, cột trụ, sừng sững, những đặc tính của núi, sâu xa trong đường xương sống của bạn. Hãy tự trở thành một ngọn núi biết thở, không lay chuyển trong sự tĩnh lặng của mình, có mặt hoàn toàn - vượt ra ngoài ngôn ngữ và tư tưởng, một sự hiện diện vững vàng, có gốc rễ và an trụ.

Và bạn cũng ý thức rằng trong ngày khi mặt trời đi ngang qua bầu trời, ngọn núi vẫn ngồi yên đấy. Ánh sáng, bóng tối và màu sắc thay đổi theo từng giây phút, trong sự tĩnh lặng bất động của núi. Một người bình thường cũng có thể nhận thấy được sự thay đổi ấy qua mỗi giờ. Sự kiện này đã tạo nên những kiết tác của nhà danh họa Claude Monet. Ông đã có sáng kiến dựng nhiều khung vải để vẽ và diễn tả sự sống của một tĩnh vật, theo mỗi giờ, từ khung vải này sang khung vải khác, khi ánh sáng, bóng tối và màu sắc chuyển hóa thành những ngôi thánh đường, dòng sông hoặc ngọn núi, đánh thức được cái nhìn của người xem. Ánh sáng thay đổi, ngày chuyển sang đêm, đêm chuyển sang ngày, và ngọn núi vẫn cứ ngồi yên đấy, đơn sơ hiện hữu. Nó giữ sự thinh lặng, bất động, trong khi bốn mùa chuyển tiếp nhau, thời thiết thay đổi trong từng phút giây, từng ngày tháng. Sự yên tĩnh bất chấp hết mọi đổi thay.

Vào mùa hè, núi không có tuyết, có chăng là trên đỉnh cao hoặc bên những tảng đá lởm chởm che khuất ánh mặt trời. Vào mùa thu, núi phủ một chiếc áo sặc sở đủ màu lá chín; vào mùa đông là một tấm mền của tuyết và băng đá. Ở mùa nào cũng vậy, có nhiều lúc ngọn núi bị khuất trong mây và sương mù, hoặc có những cơn mưa đá đổ trút xuống. Những khách du lịch ghé qua, đôi khi thất vọng vì không nhìn thấy rõ được ngọn núi, nhưng đối với núi thì không có gì khác biệt - dù thấy hay không thấy, nắng hay mưa, nóng cháy hay lạnh căm, nó vẫn ngồi yên đó hiện hữu. Những ngày có trận bảo dữ kéo ngang qua, không gian bị vùi dập trong tuyết, mưa và gió ở một cuồng độ kinh khiếp, dù vậy núi vẫn ngồi yên lặng trải qua tất cả. Rồi mùa xuân về, chim lại hót vang trên cây, những cành khô trổ màu xanh non, hoa nở rộ trên những đồng cỏ cao và bên triền núi, những dòng suối ngập tràn nước mát từ những khối tuyết đang tan. Trải qua hết mọi biến cố, núi vẫn tiếp tục ngồi yên, không hề lay chuyển bởi thời tiết, bởi những gì xảy ra trên bề mặt, bởi thế giới bên ngoài.

Và khi ta ngồi yên với hình ảnh ấy trong tâm, chúng ta cũng sẽ là hiện thân của cùng một sự tĩnh lặng và vững chãi bất lay động, giữa những biến đổi của cuộc đời. Trong cuộc sống cũng như trong thiền tập, chúng ta sẽ luôn luôn kinh nghiệm được bản chất thay đổi của thân tâm và của thế giới chung quanh ta. Ta kinh nghiệm những giai đoạn sáng tỏ và tối tăm, cũng như những màu sắc rực rỡ cùng sự tẻ nhạt vô vị. Chúng ta sẽ kinh nghiệm những cơn bảo dữ với nhiều cường độ khác nhau, của thế giới bên ngoài cũng như trong đời sống và tâm hồn ta. Trong sự vùi dập của cơn gió lớn, sự lạnh căm của những trận mưa ào ạt, chúng ta sẽ chịu đựng những thời gian đen tối và đau đớn, cũng như sẽ nếm hưởng những giây phút an lạc và nâng cao. Và biểu hiện bề ngoài của ta cũng thay đổi luôn, cũng như một ngọn núi theo thời tiết của chính nó.

Khi ta thực tập như một ngọn núi trong khi ngồi thiền, ta có thể nối liền được với sức mạnh và sự vững vàng của núi, cũng như tiếp nhận đó làm của mình. Ta có thể xử dụng những năng lượng đó để trợ giúp cho công phu tu tập, giúp ta tiếp xúc được mỗi giây phút bằng chánh niệm, tĩnh lặng và sáng tỏ. Chúng ta nên nhớ rằng, những ý nghĩ, cảm thọ, những trận bảo cảm xúc và sự khủng hoảng của mình, ngay cả bất cứ một biến cố nào xảy đến cho ta, chúng cũng chỉ giống như là thời tiết trên núi. Chúng ta thường hay có khuynh hướng quan trọng quá, nhận khổ đau là của mình, nhưng thật ra tự tính của chúng hoàn toàn không của riêng một ai. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta nên xem thường hoặc chối bỏ những thời tiết đổi thay trong cuộc sống. Chúng phải được đối diện tôn trọng, cảm nhận, và được soi sáng dưới ngọn đèn chánh niệm, vì nếu không cẩn trọng chúng có thể tiêu diệt ta. Được như vậy, ta sẽ có thể tiếp xúc được với một sự thinh lặng, an tĩnh và trí tuệ rất sâu sắc, ngay giữa những cơn giông tố của cuộc đời. Núi có thể dạy cho ta rất nhiều, nếu ta biết lắng nghe.

Nhưng dù sao đi nữa, bạn cũng nên nhớ rằng, thiền tập về núi chỉ là phương tiện, là ngón tay chỉ hướng cho ta đi. Chúng ta cần phải nhìn, rồi đi tới. Mặc dù hình ảnh một ngọn núi có thể giúp ta được trở nên vững vàng hơn, nhưng con người bao giờ cũng phức tạp và thú vị hơn núi nhiều. Chúng ta là những ngọn núi biết thở, biết di động, biết hát ca. Chúng ta có thể cùng một lúc vừa cứng như đá, rắn chắc bất động, lại vừa mềm mại, dịu dàng và trôi chảy. Trong ta có sẵn một tiềm năng rất rộng lớn. Chúng ta có thể nhìn và cảm nhận. Ta có thể ý thức và hiểu. Ta có thể học hỏi, trưởng thành, và có thể chữa lành những vết thương, nhất là khi ta biết học cách lắng nghe sự hòa điệu của mọi vật và duy trì được tính chất vững vàng của núi qua mọi thăng trầm của cuộc sống.

Chúng điểu cao phi tận,
Cô vân độc xứ nhàn.
Tương khan lưỡng bất yếm,
Chỉ hữu Kính Đình Sơn.
Lý Bạch.

Bầy chim cao bay mất,
Thơ thẩn một áng mây
Ngồi một mình với núi
Chỉ còn Kính Đình Sơn.

Thực tập: Trong khi bạn ngồi thiền, hãy giữ hình ảnh ngọn núi này trong tâm. Thử khám phá công năng của nó, trong việc làm tăng gia khả năng giúp ta an trú trong tĩnh lặng, cũng như giúp ta ngồi thiền lâu hơn, hoặc có thể ngồi đối diện với những khó khăn, khổ đau, bảo tố hay sự tẻ nhạt trong tâm. Bạn hãy tự hỏi, ta đã học được gì từ những kinh nghiệm thiền tập này. Bạn có thể nhận thấy được một chút gì chuyển hóa nơi thái độ của bạn, đối với những sự thay đổi trong cuộc sống không? Bạn có thể giữ được hình ảnh ngọn núi với mình trong đời sống hằng ngày không? Bạn có nhận thấy được những ngọn núi nơi người khác không và cho phép chúng có được một hình tướng riêng, vì mỗi ngọn núi đều cá biệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]