Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Năm đại khoa mục tu học Phật pháp

02/01/201205:43(Xem: 12413)
08. Năm đại khoa mục tu học Phật pháp

PHẬT GIÁO LÀ GÌ

Nguyên tác: HT Thích Tịnh Không
Việt dịch: Thích Tâm An

8. NĂM ĐẠI KHOA MỤC TU HỌC PHẬT PHÁP

1. Ba phước
Nói đến việc tu học của một người, Phật giáo chia thành năm giai đoạn. Mỗi một giai đoạn trong kinh luận nói rất phong phú. Nhắc đến quá trình tu học của một người, Phật dạy rất rõ. Nên bắt đầu từ đâu? Từ ba phước. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói điều đó. Đây là một đạo lý rất quan trọng, cùng với hệ tư tưởng của Nho gia không bàn mà hợp. Phật nói phước báo thứ nhất là thuộcphạm vi trời người, nói một cách khác chúng ta muốn làm Phật, Bồ tát trước tiên chúng ta phải nhận thức rõ về vị trí đó. Làm Phật, làm Bồ tátlà trở thành một con người có hiểu biết. Vì chư Phật và chư vị Bồ tát đối với vũ trụ nhân sinh này có sự nhận thức rõ ràng. Vì vậy làm Phật, Bồ tát không phải là đi làm thần tiên, làm thần tiên là đã trở thành tôngiáo. Nếu một người hiểu rõ về chân tướng của vũ trụ nhân sinh thì người này được gọi là Phật, là Bồ tát. Phật là một người có hiểu biết giác ngộ viên mãn, Bồ tát tuy giác ngộ nhưng chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Trí tuệ chúng ta cùng với trí tuệ Phật tuy bình đẵng, song Phật, Bồtát là người giác ngộ, chúng ta thì mê, phải có nhận thức chân chính như vậy mới không có sự ngộ nhận sai lầm về giáo nghĩa của Phật giáo. Dođó, chúng ta nên cầu làm Phật, làm Bồ tát, hy vọng trở thành một con người hiểu biết, không muốn làm người hồ đồ. Phàm phu là một người hồ đồ, Phật, Bồ tát là những người hiểu biết. Nói như thế mọi người có thể hiểu một cách dễ dàng. Như vậy, Phật dạy chúng ta nên thực hành từ đâu? Từ hiếu thuận, việc này tương tự như nhà Nho. Vì thế, phước báo thứ nhấtlà thuộc phạm vi trời và người, chúng ta phải làm tròn, làm tốt những điều kiện này mới có khả năng thành Phật. Trong phạm vi này, Phật nói có bốn điều, một là hiếu dưỡng với cha mẹ, hai là phụng sự sư trưởng, ba là từ bi không sát sinh, bốn là tu mười thiện nghiệp. Bốn điều này chính là căn bản, là cội gốc của người học Phật. Yù nghĩa của chữ hiếu có phạm vi rất lớn và sâu mầu, đặc biệt trong văn tự của Trung Quốc, vì ýnghĩa văn tự của Trung Quốc rất đặc thù mà bất kỳ một dân tộc, một quốcgia nào trên thế giới đều không có. Điều đó có thể cho chúng ta tự hào về tổ tiên cha ông của chúng ta. Có thể nói, họ rất có sự chiếu cố, quantâm cho hậu thế. Trí tuệ và kinh nghiệm của họ muốn truyền đạt cho con cháu bằng công cụ gì? Chính là văn tự, qua văn tự chúng ta có thể cảm nhận được điều đó. Đây là một dụng cụ truyền đạt rất viên mãn mà tổ tiênchúng ta để lại cho chúng ta, mà bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới này đều không thể tìm thấy. Trong việc chế tác ra văn tự Trung Quốc, có sáu nguyên tắc được hình thành, còn được gọi là Lục thư. Trong sáu nguyên tắc đó có một nguyên tắc gọi là hội ý, như chữ hiếu chẳng hạn. Chúng ta xem chữ hiếu có ý nghĩa gì? Chữ hiếu bao gồm có hai bộ hợp lại mà thành. Trên là bộ lão, bên dưới là bộ tử, nghĩa là thế hệ trước và thế hệ sau là một thể, tinh thần của chữ hiếu được kiến tạo trên cơ sở này. Hiện tại , người ngoại quốc gọi là đại câu, đại câu nghĩa là không hiếu thuận, thế hệ trước và thế hệ sau không ăn khớp mà tách rời nhau. Thế hệ trước vẫn là thế hệ trước, thế hệ sau vẫn là thế hệ sau, quá khứ vô thủy, vị lai vô chung. Vì không hiểu được đạo lý và không có khái niệm nên họ không có truyền thống hiếu đạo. Nho gia và Phật giáo đều kiến tạo trên nền tảng hiếu thuận. Nói một cách khác, muốn làm Phật, trước tiên chúng ta phải thực hành viên mãn việc hiếu thuận thì mới có thể thành Phật. Nền tảng dạy học của Phật giáo không ngoài việc dạy con người ta phải biết hiếu thuận mà thôi.

Công đức dạy dỗ nên người là nhờ ơn thầy, việc phụng sự thầy phải được xây dựng trên nền tảng hiếu thuận, cho nên hiếu thuận là cội gốc. Một người muốn trở thành người tốtthì người đó phải có sự cống hiến đối với xã hội. Người đó nhất định phải trải qua sự đào tạo trong một nền giáo dục tốt. Một nền giáo dục tốt phải là nền giáo dục có sự gắn bó, phối hợp mật thiết giữa gia đình và trường học, mới có thể cho ra đời những người con đạo đức. Làm cha mẹchúng ta không thể nói với con cái rằng, con là con của cha mẹ, vì thế con phải hiếu thuận với cha mẹ. Giả như đứa con hỏi ngược lại, vì sao con phải hiếu thuận với cha mẹ, thì chúng ta làm sao trả lời! Cho nên, dạy hiếu thuận là trách nhiệm của người thầy, thầy giáo có trách nhiệm đem đạo lý dạy cho học sinh hiểu vì sao cần phải hiếu thuận với cha mẹ? Đồng thời cha mẹ cũng có trách nhiệm dạy cho con mình vì sao cần phải biết tôn sư trọng đạo? Làm thầy giáo, chúng ta cũng không thể nói với học sinh tôi là thầy của các em, các em cần phải tôn sư trọng đạo. Vì vậy, giữa gia đình và nhà trường phải có sự phối hợp qua lại, mới có thểxây dựng nên con người có tài đức cho quê hương đất nước. Thế nên, tu phước là bước khời đầu. Hiếu thuận cha mẹ và phụng sự sư trưởng là nền tảng giáo dục chân chính để tu phước. Từ đó tiến lên một cấp bậc nữa là bạn phải có tâm từ bi, phải có sự quan tâm đối với xã hội, quan tâm với đại chúng, chăm sóc cho cộng đồng xã hội, đó là thể hiện tâm từ bi. Để nuôi dưỡng lòng từ, quan trọng là không được sát sinh hại vật, như vậy chúng ta mới không làm tổn thương bất kỳ một người nào, hay không làm hại bất kỳ một động vật nào. Để nuôi dưỡng tâm từ bi, chúng ta cần phải tu mười thiện nghiệp, mười thiện nghiệp là nền tảng cơ bản để làm người.Thân chúng ta không sát sinh, trộm cắp, tà dâm; miệng không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời ác độc; ýkhông tham, không giận và si mê. Đó là tu ba phước.

2. Lục hòa
Lục hòa hay còn gọi là lục hòa kính, là sáu nguyên tắc, thái độ, cung cách cư xử trong một cộng đồng tập thể, gọi chung là lục hòa.
Một là kiến hòa đồng giải. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là cùng xây dựng hiểu biết chung, đây là một việc quan trọng. Tục ngữ có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”. Sống trong một gia đình, nếu các thành viên có cùng chung phương hướng và nỗ lực, gia đình đó nhất định sẽ được hưng vượng; một quốc gia có sự hòa hợp như vậythì quốc gia đó sẽ phát triển. Vì vậy, kiến tạo sự nhận thức chung là một hình thức được ưa chuộng và phổ biến trong các tập thể hiện nay.

Nguyên tắc thứ hai là giới hòa đồng tu, có nghĩa là tôn trọng và thuân theo pháp luật. Giới là phápluật, quy củ. Như vậy, mọi người ai cũng tôn trọng và tuân theo pháp luật, quốc gia có quốc pháp, nhà có gia quy, công ty xí nghiệp thì có nội quy chương trình. Nếu người người đều tuân giữ, chăm lo hết lòng, tận lực có tinh thần với trách nhiệm được giao thì sự nghiệp mới có thể thịnh vượng.
Nguyên tắc thứ ba là thân hòađồng trụ, thứ tư là khẩu hòa vô tranh, và ý hòa đồng duyệt là nguyên tắc thứ năm. Nói theo góc độ hiện đại, ba nguyên tắc trên là chỉ cách xửsự ăn ở hòa thuận với nhau. Nguyên tắc sau cùng rất quan trọng, là lợi hòa đồng quân, chỉ về phương diện vật chất trong đời sống làm sao đạt đến trình độ quân bình mà không có sự sai khác. Đây là nguyên tắc tối quan trọng mà xã hội ngày nay cần phải áp dụng. Nói đến nguyên tắc này thì cách đây ba nghìn năm, Đức Phật đã có nói đến lợi hòa đồng quân. Chonên Phật pháp chân chính rất tự do dân chủ, đó cũng là lý tưởng cao độ của nhân loài ngày nay.

3. Tam học: Giới, Định, Tuệ
Tam học là trung tâm giáo dụccủa Phật giáo, cũng là khóa trình của Phật giáo. Giáo khoa thư, kinh điển tuy rất nhiều nhưng trung tâm không đi ngược lại với giới, định và tuệ. Nghĩa là bất kỳ một bộ kinh điển, không luận đại thừa hay tiểu thừa, một khi được triển khai không ngoài ba môn tam học. Song sự triển khai hoàn toàn không giống nhau, có kinh chú trọng ở phần giới, có kinh chú trọng ở phần định, có nhiều kinh lại chú trọng ở phần tuệ. Nhưng tấtcả lại có trình tự theo thứ lớp, trước tiên là giữ giới, do giới sinh định, công năng của định sẽ phát sinh trí tuệ. Do đó chúng ta cần phải tuân thủ theo thứ tự, không tuân thủ thì khó đạt được kết quả như ý. Trìgiới nói theo ngôn ngữ hiện đại chính là chúng ta phải tuân giữ khái niệm, giữ gìn tinh thần, chỉ có làm như vậy định mới phát sinh. Định nghĩa là khi đối duyên xúc cảnh không bị ngoại cảnh nhiễu động, dù ai nói ngã nói nghiêng, tâm chúng ta vẫn chủ động và có thể làm chủ được mình, đó chính là định. Từ chỗ có định, trí tuệ sẽ sinh. Nếu muốn làm chủ được mình thì đối với thực tướng, chúng ta cần phải nhận thức cho thấu đáo, viên mãn. Vì thế giới, định và tuệ là ba môn học mà Phật giáo hóa tất cả chúng sinh, đây là cương yếu tổng quát của Phật pháp, ba món này có quan hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời.

4. Lục độ
Lục độ là sáu nguyên tắc đối nhân xử thế trong cuộc sống mà Phật đã dạy cho chúng ta. Nói là nguyên tắc chỉ nhằm giúp cho mọi người dễ hiểu. Sáu nguyên tắc này, chúng ta cần phải tuân theo, bất luận chúng ta thuộc địa vị nào, đời sống sinh hoạt ra sao, xuất gia hay tại gia, chúng ta cũng phải nên theo đó mà thực hành, cho nên gọi là Bồ tát. Chúng ta muốn làm Bồ tát nhất định phải tuân giữ sáu nguyên tắc này. Thứ nhất là bố thí. Bố thí có nghĩa làxả bỏ, phóng hạ, không phải bỏ bê công ăn việc làm, mà buông xả tâm keokiệt, bỏn xẻn, lo âu, phiền não, đó mới là chân chính bố thí. Vì thế, hiện tại mọi người phát sinh rất nhiều nhận thức sai lầm, cho rằng đi đến chùa hay một tự viện nào đó cúng dường tiền tài, hay làm một việc gìthì gọi là bố thí. Đó là một nhận thức sai, tất nhiên, làm như vậy cũnggọi là bố thí, song không đúng với ý nghĩa chân chính của bố thí. Bố thí là chúng ta phải mang những lo âu, phiền não, chấp trước, vọng tưởngmà phóng hạ đi. Đây là phương pháp tự độ. Đối với phương pháp độ tha, Phật giáo dạy bố thì có ba loại: Tài thí, pháp thí và vô úy thí. Bố thí tài là chúng ta đem của cải của mình tạo ra để giúp người, nó tương đối dư thừa. Nói theo nghệ thuật cao độ là đời sống thực tại của chúng ta cótự tại, không bị vướng mắc. Không nhất định chúng ta phải rất giàu, hàohoa mới có thể làm được việc bố thí. Sống trên đời này chẳng có gì có thể làm cho chúng ta thỏa mãn về sự tham muốn, chỉ cần chúng ta biết đủ về sự ăn mặc là chúng ta sẽ có sự tự tại. Của cải của chúng ta không cầnphải dư thừa, ăn làm sao cho đủ no, mặc làm sao cho đủ ấm, ở trong một căn nhà làm sao che mưa che nắng là đủ, sống như vậy chúng ta sẽ cảm thấy thân tâm mình an ổn. Tóm lại, đem vật chất cho người đó gọi là tài thí . Bố thí mà chấp vào tướng, nghĩa là còn để lại trong lòng, dù bố thí nhiều bao nhiêu cũng chỉ được phước báo phổ thông, không thể phát sinh trí tuệ. Chúng ta phải bố thí thế nào mà tâm của chúng ta thanh tịnh, không có mảy may nhiễm trước, không chấp trước, được vậy mới có công đức chân chính. Công đức là giới, là định, là tuệ. Có định tuệ, có giúp đỡ cho người thì mới gọi là công đức, có định tuệ mà không giúp đỡ cho người thì không được gọi là công đức.
Pháp bố thí là chúng ta có trí tuệ, có kỹ năng, đem trí tuệ và kỹ năng mà truyền đạt lại cho người,gọi là pháp thí. Thí như chúng là người học Phật pháp, hiểu biết về Phật pháp, trong công tác hàng ngày tiếp xúc với mọi người, chúng ta đemđạo lý giảng giải cho họ nghe, giúp cho họ giác ngộ đó gọi là bố thí pháp. Bố thí pháp chắc chắn không đòi hỏi thù lao. Cho nên có nhiều người đồng tu, khi có băng và đĩa CD, chúng tôi đều phát hành ấn tống đến tất cả cho họ nghe, đó cũng là bố thí pháp. Sách băng không có bản quyền, ai ấn tống và phát hành được thì tốt, vì nó đem lại lợi ích cho xã hội, cho mọi người. Nếu kinh sách có sở hữu bản quyền thì không còn là bố thí pháp nữa, mà là buôn bán kinh doanh. Vì thế, chúng ta phải trợgiúp cho xã hội, nhiệt tâm mà làm, làm được rồi thì giữ gìn tâm cho thanh tịnh, tự tại, không nên chấp vào việc đó.

Vô úy thí là giải quyết khó khăn, sợ hãi cho chúng sinh. Chúng sinh có lo lắng sợ hãi và tâm bất an,chúng ta giúp họ thân tâm được an ổn, đó gọi là bố thí vô úy. Phật dạy người thực hành vô úy thí được quả báo tráng kiện, trường thọ; bố thí pháp được quả báo thông minh trí tuệ; tài thí được giàu sang. Người thế gian ai ai cũng muốn được giàu sang, trí tuệ, thông minh, mạnh khỏe và sống lâu, nhưng nếu không biết tu nhân, thì những ham muốn ấy chỉ là vọng tưởng, còn cầu Phật, cầu Bồ tát gia hộ nhất định sẽ không được. Vì thế chúng ta đừng quên, mỗi chúng ta ai cũng có thể làm việc bố thí, bố thí không nhất định phải có nhiều tiền, nhiều tài năng mới có thể làm việc bố thí, mà trong chúng ta, ai ai cũng có khả năng làm được việc đócả.
Nguyên tắc thứ hai là trì giới. Trì giới chính là tuân thủ, bất luận chúng ta làm công tác gì đều cần phải giữ gìn quy củ, nội quy và pháp luật.
Nguyên tắc thứ ba là nhẫn nhục. Nhẫn nhục chính là tâm kiên nhẫn, làm bất kỳ một công việc gì, nếukhông có tâm nhẫn nại, công việc chúng ta nhất định sẽ không thành tựu.Việc càng cao, càng đòi hỏi tâm nhẫn nại càng lớn, khi ấy mới có khả năng thành tựu.

Nguyên tắc thứ tư là tinh tấn. Tinh tấn nói theo ngôn ngữ hiện đại đó là sự cầu tiến bộ. Nhất địnhkhông được có tâm bảo thủ, không thể lấy ít mà cho đủ. Thời đại khoa học kỹ thuật hiện tại con người càng đổi mới, nếu chúng ta không chịu tiến bộ sẽ bị xã hội đào thải. Vì thế, Phật pháp chẳng những nói tiến bộtrên mặt trí tuệ, đức hạnh, kỹ thuật, mà còn tiến bộ về cả trong đời sống sinh hoạt, phải không ngừng phát triển và thăng hoa. Như thế, đủ biết Phật pháp là không lạc hậu, không bảo thủ mà luôn luôn phải tiến lên.

Nguyên tắc thứ năm là thiền định. Ý nghĩa của thiền định là nói đến sức mạnh làm chủ của bản thân, không dễ dàng bị ngoại cảnh dao động. Làm thế nào có thể đạt được định lực?
Thiền định là một danh từ thường được sử dụng trong thiền tông. Trong Lục Tổ Bảo Đàn kinh, Lục Tổ Huệ Năng có nói rất rõ ràng và minh bạch. Tổ dạy chúng ta, Thiền nghĩa là không chấp trước vào các tướng, nói theo ngôn ngữ hiện đại cho dễ hiểu đó là không bị ngoại cảnh mê hoặc, cám dỗ; Định là tâm không dao động, luôn ở trạng thái thanh tịnh, không khởi phân biệt, phiền não, chấp trước. Lục Tổ nhờ nghe Kinh Kim Cang mà ngộ đạo, vì thế Tổ giải thích ý nghĩa thiền định cũng y chiếu theo Kinh Kim Cang. Trong Kinh KimCang, Phật có nói hai câu: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Bất thủư tướng là thiền, như như bất động là định. Như vậy đủ biết thiền định không phải là ngày ngày ngồi quay mặt vào tường. Quay mặt vào tường chỉ là một mặt, mà trong các cử chỉ như đi, đứng, nằm, ngồi và trong các hành động sinh hoạt khác, chỉ cần chúng ta bên ngoài không nắm giữ, chấpthủ các tướng, bên trong tâm không điên đảo, xao động, đó chính là thiền định. Vì thế, trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy các vị Bồ tát, họ tu hành ở đâu? Ở chợ. Trong kinh nói là ở chợ. Nói theo thời nay tức là những nơi náo nhiệt, các vị ấy đến những nơi đó để tu hành. Điều này chúng ta cần phải nhận thức cho sâu. Tuy các vị ấy đến nơi đó để tu thế nhưng tâm của các vị ấy vẫn hằng thanh tịnh và không bị nhiễm trước. Tuysở hữu tất cả các thứ nhưng không bị mê hoặc và quyến rũ. Vì thế chúng ta cần phải đạt được như các vị ấy mới có được sự chân thật hưởng thụ. Trí tuệ là sự hưởng thụ tối cao của con người.

Nguyên tắc cuối cùng là trí tuệ. Chúng ta không có trí tuệ thì khi làm bất cứ việc gì khó mà thành tựu viên mãn. Vì vậy, chúng ta cần phải tuân thủ sáu nguyên tắc này, đặcbiệt là chúng ta muốn thực hành Bồ tát hạnh. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta gặp bất kỳ một sự việc gì không vừa ý, có phương pháp gì có thể giúp chúng ta không nổi nóng và tức giận không? Thật ra, chúng ta rất khó giải quyết. Chúng ta thử nghĩ xem, lúc sự việc không vừa ý đã phát sinh, chúng ta liền phát cáu không giải quyết được vấn đề, mà còn tổn hao tâm can, chỉ có uổng phí. Chi bằng chúng ta giữ tâm bình tĩnh, tâm có bình tĩnh thì trí tuệ mới có. Chỉ có trí tuệ mới có thể giải quyết tốt đẹp được vấn đề. Vì vậy, các trạng thái tâm lý như buồn vui, giận hờn, thương yêu, ganh ghét, hơn thua, … chỉ là những tìnhcảm thường tình của thế gian, vì vậy thiền và trí tuệ rất quan trọng. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta phải cố gắng giữ tâm bình tĩnh, thanh tịnh, chỉ có bình tĩnh mới có thể xử lý được vấn đề, chỉ có bình tĩnh mới sinh được trí tuệ. Bình tĩnh là yếu tố quan trọng hơn hết.

5. Mười nguyện
Mười nguyện là mười phương pháp tu học thuộc loại cao đẳng, không phải là những phương pháp tu học thông thường. Người bình thường có thể thực hành được lục độ, khi thực hành viên mãn lục độ có thể tiến lên một bước tu tập nữa là mười hạnh nguyện Phổ Hiền. Điểm đặc sắc của mười nguyện này là tâm bình đẳng và tâm thanh tịnh. Nếu chúng ta không có tâm bình đẳng và tâm thanh tịnh thì không thể tu được mười hạnh nguyện Phổ Hiền. Ví dụ trong mười hạnh nguyện, nguyện thứ nhất là lễ kính chư Phật. Chư Phật là ai? tất cả chúng sinh đều là Phật, mà Phật không phải chỉ cho Phật đã thành. Vì Phật có ba hạng: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai. Phật vị lailà tất cả chúng sinh. Ngoài loài hữu tình, chúng sinh bao quát cả loàithực vật và khoáng vật, đó là cảnh giới được nói đến trong kinh Hoa Nghiêm: “Hữu tình vô tình, đồng viên chủng trí”. Chẳng những con người có khả năng thành Phật mà ngay cả động vật, thậm chí cả khoáng vật và thực vật cũng có khả năng đó. Vì thế, tu hạnh lễ kính là thực tập bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Nếu tâm chúng ta còn khởi phân biệt và chấp trước, còn cao thấp là lục độ, chưa phải là mười hạnh nguyện. Đây chính là điểm khác biệt giữa mười hạnh nguyện và lục độ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]