- Thư số 01
- Thư số 02
- Thư số 03
- Thư số 04
- Thư số 05
- Thư số 06
- Thư số 07
- Thư số 08
- Thư số 09
- Thư số 10
- Thư số 11
- Thư số 12
- Thư số 13
- Thư số 14
- Thư số 15
- Thư số 16
- Thư số 17
- Thư số 18
- Thư số 19
- Thư số 20
- Thư số 21
- Thư số 22
- Thư số 23
- Thư số 24
- Thư số 25
- Thư số 26
- Thư số 27
- Thư số 28
- Thư số 29
- Thư số 30
- Thư số 31
- Thư số 32
- Thư số 33
- Thư số 34
- Thư số 35
- Thư số 36
- Thư số 37
- Thư số 38
- Thư số 39
- Thư số 40
- Thư số 41
- Thư số 42
Tác giả: Viên Minh
[Thư số 22]
Ngày ........ tháng ........ năm ........
Con thân mến,
Khi người ta nói “một tâm hồn thánh thiện trong một cơ thể tráng kiện” là người ta lý tưởng hóa đời sống quá, người Tây phương ưa cái gì cũng hoàn hảo như thế đó. Trái lại người bình dân Đông phương có khi thực tế hơn. Họ nói:“Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”.Hai vấn đề tuy không cùng một lãnh vực vậy mà vẫn nói lên hai cái nhìn khác biệt về đời sống, người nói câu “Un esprit saint dans un corps sain”ắt cũng sẽ nói “hai quả tim vàng trong một tòa cung điện”.
Như vậy người Đông phương chú trọng đến quả tim vàng hơn là tòa cung điện, chú trọng đến tâm hồn thánh thiện hơn là một cơ thể cường tráng. Họ có lý bởi vì quả tim vàng hay tâm hồn thánh thiện thì cần gì phải có một điều kiện lý tưởng đến thế! Họ càng có lý hơn vì thực tế đời sống bao giờ cũng có thăng, có trầm, có vinh, có nhục, có được, có mất, có hơn, có thua, có thành, có bại, có vui, có khổ, có lành mạnh, có bệnh tật, có trẻ, có già, có sinh, có chết v.v... Nếu ta cứ mong cái gì cũng tốt cả thì làm sao ta chịu nổi sự biến đổi vô thường?
Chính vì thế trong mười điều tâm niệm mới dạy: “Nghĩ tới thân không cầu vô bệnh vì thân không bệnh tất tham dục dễ sanh”.Thứ nhất khi ta cầu mong không bệnh là tâm hồn ta đã bệnh hoạn rồi. Nếu tâm hồn ta lành mạnh ắt không cần đòi hỏi thân phải cường tráng.
Thứ hai nếu thân không bệnh thì quả là tham dục dễ sanh, như người tham ăn mà không đau bao tử ắt sẽ tham ăn hơn nữa. Người nóng nảy không đau gan thì còn ai chịu được. Vậy bệnh là thiên sứ của vô thường, hay bậc thiện tri thức của ta đó. Người ta cứ xem bệnh như kẻ thù mà không biết rằng nó là bạn thân. Khi đưa tay vào lửa nếu tay không nóng, không phỏng ắt là nó sẽ cháy tiêu mà không hay biết. Vậy nóng, phỏng là bạn của ta chứ sao gọi là thù. Vì thế ta còn phải học hỏi nơi người bạn chí thân này nhiều lắm.
Khi con ăn một chất âm hàn nhiều quá con thấy đau bụng lạnh, vậy là nó dạy con phải dùng một cái gì dương nhiệt để chế lại. Khi con đi nắng bị nhức đầu vậy là nó dạy con lần sau phải đội vào một cái nón v.v... Cho nên ta còn phải học hỏi nơi người bạn này rất nhiều bài học giá trị. Nhưng nếu ta xem nó là kẻ thù, ta tiêu diệt nó thì e rồi ta cũng phải chết theo, vì còn ai báo cho ta biết tử thần sắp tới đâu!
Trong khi bệnh con thấy đau đớn, thế mà một bức thư Thầy lại viết: “Đau chính là tu. Ôi đau đớn mới tuyệt vời làm sao!”.Thầy nói vậy vì trong một cơn đau thập tử nhất sinh Thầy đã giác ngộ lại chính mình, nhờ đó Thầy mới biết tất cả chân lý ở nơi mình, Thầy đã thấy ra bản lai diện mục cũng chẳng là ai khác. Thầy nhớ có một hành giả đến hỏi đạo, bị thiền sư đóng sầm cánh cửa khi ông ta vừa bước chân vào, chân gãy, thiền sinh đại ngộ. Như vậy có tuyệt vời không.
Bây giờ nếu con đau mà con an ổn được trong chính cơn đau thì con còn tuyệt vời hơn khi con lành mạnh mà con lại bị đắm chìm. Con không thấy như thế sao? Lão Tử nói: “Phù duy bệnh bệnh thị dĩ bất bệnh”.Ôi, bệnh chỉ là bệnh thì đâu có gì là bệnh!
Khi bệnh con biết con có bệnh. Khi đau đớn, con biết con có đau đớn. Khi phải uống thuốc, con biết con uống thuốc... Mọi việc đều trầm tĩnh an nhiên, rồi con sẽ học ra mọi lẽ, rồi con sẽ thấy thật là tuyệt vời.
Thầy ngừng bút nhé.
Thân ái chào con.
Thầy.