Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần III: Phụ lục

17/12/201115:19(Xem: 6683)
Phần III: Phụ lục

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Tác giả: Viên Minh
Đồng tác giả: Trần Minh Tài

PHẦN PHỤ LỤC

(do Trần Minh Tài thực hiện)

* * *

PHẬT GIÁO LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN CHÂN LÝ

(Bài phỏng vấn Hòa Thượng Shanti Bhadra)

Hòa Thượng Shanti Bhadra, sinh trưởng tại Tích Lan, đã chu du nhiều nơi trên thế giới để hoằng dương Chánh Pháp, Hòa Thượng đã lưu lại Việt Nam trong hơn bốn năm để dạy cho chư Tăng tại Phật Học Viện Phật Bảo, Gia Định. Cuộc phỏng vấn sau đây Ngài dành cho tập san Pháp Am (Voice of Buddhism, Singapore, 1972)

HỎI: Thưa HòaThượng, xin Hòa Thượng giới thiệu một lối hay nhất để cho một người mới bắt đầu đi vào đạo Phật.

ĐÁP: Để tìm hiểu giáo lý đạo Phật một cách chính xác, người ta có thể bắt đầu bằng cách đọc những cuốn sách đại cương về những giáo lý căn bản. Và nếu có thể, họ nên gặp những bậc thiện trí thức thông hiểu Phật Pháp để vấn đạo. Đàm luận giáo lý là phương pháp hay nhất để tìm hiểu đạo Phật, về phương diện lý thuyết, nhờ đó người ta có thể chấp nhận Phật giáo qua lý trí chứ không phải qua tình cảm bồng bột hay lòng mê tín.

HỎI:Thưa Hòa Thượng, theo Phật giáo thế nào là tội lỗi?

ĐÁP: Trong Phật giáo không có vấn đề tội lỗi (hiểu theo nghĩa xúc phạm ý trời). Khi một người hành động phi luân lý hay phản đạo đức, Phật giáo gọi đó là hành động không khôn ngoan hay bất thiện. Sở dĩ có hành động sai lầm hay bất cẩn là vì si mê, thiếu sáng suốt. Theo một vài tôn giáo, người ta bị xem là có "tội" khi vi phạm hay bất tuân những điều răn do vị giáo chủ hay Trời, Thần phán định. Trái lại, theo Phật giáo dù là Phật tử hay không phải là Phật tử mà trộm cắp, tà dâm, dối trá... thì đó là hành động sai lầm, bất thiện và hiển nhiên tự chuốc lấy kết quả xấu xa. Như một người ngu si đưa tay vào lửa thì tự nhiên bị phỏng chứ không phải là tội lỗi hay xúc phạm Trời Thần gì cả.

Trong Phật giáo, những hành động không khôn ngoan, sai lầm hay bất cẩn sẽ làm trì trệ tiến trình giải thoát.

HỎI:Thưa Hòa Thượng, Phật giáo có thực dụng đối với thế giới tân tiến ngày nay không?

ĐÁP: Dẫu xưa hay nay, Phật giáo vẫn nhằm mục đích giải quyết những khủng hoảng nội tại. Con người bất cứ thời nào cũng có những xung đột bên trong. Tâm hồn chúng ta gần như luôn luôn ở tình trạng hỗn loạn. Trong cuốn sách Vanity, Fair Theckery có viết: "Mọi người đều có những ước vọng nhưng không bao giờ những ước vọng ấy được thỏa mãn hoàn toàn".Như vậy, chúng ta thấy ước muốn và bất mãn là một trong những cặp nhân tố đưa đến tình trạng bất an trong tâm giới. Muốn cho tâm hồn được quân bình, an tịnh và lành mạnh thì phải áp dụng những nguyên tắc Phật dạy, như thế đạo Phật vẫn thực dụng đối với mọi thời, mọi nơi và mọi cá thể.

HỎI:Thưa Hòa Thượng, tại sao Đức Phật không dạy tất cả những điều Ngài biết?

ĐÁP: Một ngày nọ Đức Phật đi ngang qua một khu rừng, Ngài cầm một nắm lá đưa lên và hỏi các đệ tử nắm lá trong tay nhiều hơn hay tất cả lá trong rừng nhiều hơn. Tất cả các môn đệ đều trả lời lá trong rừng nhiều hơn. Đức Phật nhân đó dạy rằng: cũng vậy, những điều Như Lai dạy các ngươi giống như nắm lá trong tay, còn những điều Như Lai biết giống như tất cả lá trong rừng. Những điều Như Lai dạy đều nhằm mục đích giải thoát giác ngộ. Còn những điều Như Lai biết mà không dạy chỉ vì những điều đó không giúp cho các ngươi giải thoát ra khỏi sinh tử khổ đau.

HỎI:Thưa Hòa Thượng, kinh điển có đưa ra một giải pháp nào cho vấn đề cuộc sống không?

ĐÁP: Có, Niết Bàn là giải pháp cho cuộc sống được đề cập trong kinh điển. Nhưng muốn đi đến giải pháp đó chúng ta phải thực hiện giai đoạn sơ khởi. Cuộc sống của chúng ta cũng như một bài toán phải được giải từ đầu. Dẫu chúng ta biết trước đáp số cũng không có nghĩa là chúng ta đã thành công. Trái lại, chúng ta phải giải hết mọi ẩn số của phương trình bằng nhiều công thức; nếu sai chúng ta phải bắt đầu lại; như thế mới đi đến một đáp số đúng. Cũng vậy, biết Niết Bàn là giải đáp của cuộc sống chưa đủ. Tốt hơn chúng ta để giải đáp đó sang một bên và bắt đầu giải bài toán cuộc sống bằng công thức Bát Chánh Đạo, cuối cùng chúng ta sẽ được một giải đáp thỏa đáng như kinh điển đã đưa ra.

HỎI:Mục đích của Phật giáo là đạt được trí tuệ. Vậy có những loại hay trình độ trí tuệ khác nhau hay không?

ĐÁP: Trí tuệ có ba trình độ khác nhau: một là văn tuệ, tức là trí tuệ phát sinh do học hỏi bằng giác quan. Trí tuệ này bao gồm những kiến thức thông thường. Hai là tư tuệ, tức là trí tuệ có được qua tư duy. Những điều chúng ta học hỏi qua giác quan nghe người khác giảng giải hay đọc sách... chỉ là những kiến thức vay mượn. Chúng ta phải suy nghiệm lại những kiến văn đó để tìm ra sự thật. Những ánh sáng có được qua tư duy như thế gọi là tư tuệ. Ba là tu tuệ, tức là trí tuệ phát sanh do định và thiền minh sát. Chính trí tuệ này mới là trí tuệ có thể diệt tận những hỗn loạn nội tâm để đạt giải thoát hoàn toàn.

HỎI:Tham muốn bị xem như là một trong những gốc của bất thiện, nhưng làm sao con người có thể sống được nếu không có ham muốn gì cả, Thưa Hòa Thượng?

ĐÁP: Chúng ta phải phân biệt hai trạng thái khác nhau là ham muốnnhu cầu. Sống trên đời chúng ta phải có những nhu cầu cần yếu nhu cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, thuốc chửa bệnh, phương tiện giao thông... để cho đời sống được tiện nghi. Ham muốn chỉ đến khi nào chúng ta có những cố gắng thỏa mãn đòi hỏi của thị dục, nghĩa là đã vượt ra khỏi hàng rào tri túc. Chính vì thế con người đau khổ khi những ước muốn của mình không được thỏa mãn. Người Phật tử không hề bị bắt buộc phải xóa bỏ mọi tiện nghi vật chất. Họ có thể có tất cả những gì họ cần, nhưng luôn luôn phải biết đâu là nhu cầu cần thiết, đâu là lòng ham muốn, tham lam.

HỎI:Thưa Hòa Thượng, Thiền Phật giáo có mục đích gì?

ĐÁP: Mục đích của Thiền Phật giáo là loại bỏ tham, sân, si. Đời sống của chúng ta sở dĩ đau khổ và hỗn loạn là do những ô nhiễm này. Bao lâu còn tham, sân, si thì thế giới còn lầm than khốn khổ. Vì vậy chúng ta phải loại trừ những bất tịnh này bằng pháp thiền định và tuệ. Việc này không thể thực hiện được một cách nhanh chóng và dễ dàng vì tham, sân, si đã tập nhiễm sâu xa trong tâm hồn chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải tự biết mình, phải biết những hoạt động ra sao và chúng có thể bị loại trừ như thế nào.

Phật giáo là một đường lối giác ngộ chân lý mà Thiền là một phần của đường lối đó. Thiền để tĩnh tâm và tĩnh tâm là để nhận chân lý. Khi tâm chúng ta bị chi phối bởi tham, sân, si thì chúng ta không thể nhìn vạn pháp đúng với thực tánh của nó. Trái lại, khi các ô nhiễm bị tẩy trừ thì chân lý sẽ hiển hiện. Đó là mục đích của thiền vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567