Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Vị trí của định trong Thiền Vipassanā và Thiền Tông

13/12/201115:19(Xem: 5494)
03. Vị trí của định trong Thiền Vipassanā và Thiền Tông

THIỀN PHẬT GIÁO - NGUYÊN THỦY VÀ PHÁT TRIỂN

Tác giả: Viên Minh

IV) So sánh Thiền Vipassanā với Thiền Tông

C) Vị trí của định trong Thiền Vipassanā và Thiền Tông:

C.1) Định trong thiền Vipassanā:

Theo Phật giáo Nguyên Thủy, hành giả có thể hành thiền Vipassanā mà không cần phải trải nghiệm bất kỳ một bậc thiền an chỉ (appanā) nào trong thiền sắc giới hay vô sắc giới, tuy nhiên yếu tố định thì tất yếu phải có mặt trong thiền tuệ, tối thiểu cũng là sát-na định (khanika samādhi). Nếu không có yếu tố định này thì cũng không thể có thiền tuệ. Kệ kinh Pháp Cú dạy rằng “không có trí tuệ nơi người không có định” (Natthi paññā ajjhāyino).

Tuy định là yếu tố không thể thiếu, nhưng cũng không cần phải đi quá xa vào sở đắc các bậc định như sơ định, nhị định, tam định, tứ định sắc giới hoặc vô sắc giới. Định đúng mức, chính đáng, thích ứng sẽ là nền tảng cho trí tuệ. Ngược lại, quá thiên về định hay không biết sử dụng đúng lợi thế và chức năng cho phép của định thì nó có thể trở thành chướng ngại cho tuệ giác, như ham thích hỷ lạc, say mê quyền lực thần thông, hoặc sử dụng vào những lãnh vực bất thiện, ngược với nguyên lý nhân quả v.v...

Trong năm yếu tố công năng cơ bản: Tín, tấn, niệm, định, tuệ, Đức Phật dạy nếu định trội hơn các yếu tố khác, phá vỡ sự cân đối, quân bình, hài hòa thì tâm sẽ nghiêng về tĩnh chỉ, thiếu hoạt dụng, do đó dễ sinh thụ động, tiêu cực đối với tướng dụng của pháp, đồng thời hôn trầm cũng phát sinh ngăn che thực tánh pháp, do đó không học được những pháp cần thiết cho sự giác ngộ toàn triệt mà phần lớn phải học từ cõi dục giới, nhất là cõi người, hơn là cõi hữu sắc hay vô sắc.

Mặc dù Bồ-tát Siddhattha, sau khi xuất gia tầm sư học đạo, đã đạt được những thiền chứng cao nhất mà các bậc đạo sư thời bấy giờ mong ước, nhưng ngài sớm thấy ra rằng đó không phải là cứu cánh của sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, nên cuối cùng ngài đã từ bỏ để tự mình tìm ra con đường tuệ giác.

Chúng ta cần lưu ý một điều là định và tịnh tuy có trạng thái tĩnh chỉ, lắng đọng, an ổn… nhưng không có nghĩa là tâm đã thoát khỏi thế giới ý niệm (paññatti), thậm chí nó còn là sản phẩm của tưởng ở mức độ cao thâm vi tế, chỉ có trí tuệ (ñāna, paññā) chánh niệm tỉnh giác thấy rõ thực tánh (paramattha) mới có thể thoát khỏi sự ràng buộc của thế giới tư tưởng, quan niệm.

C.2) Định đối với Thiền Tông:

Hầu như Thiền Tông không hoan nghinh định, cho đó là thiền của Giáo Tông (điển hình là thiền sổ tức) hay tịnh của Tịnh Độ (điển hình là niệm Phật A-di-đà). Câu chuyện đối đáp giữa Hoài Nhượng và Đạo Nhất biểu hiện khá rõ nét ý hướng này.

Thấy Đạo Nhất, một vị sa-môn, hàng ngày thường tinh tấn ngồi tu thiền, Hoài Nhượng hỏi:
- Ông ngồi thiền để làm gì?
Đạo Nhất nói:
- Tôi ngồi thiền để làm Phật.
Hoài Nhượng nhặt một viên gạch đem mài trên tấm đá trước am. Đạo Nhất ngạc nhiên hỏi:
- Ngài mài gạch để làm gì?
Hoài Nhượng đáp:
- Mài gạch để làm gương.
- Mài gạch sao thành gương được?
- Ngồi thiền cũng đâu thành Phật được?
- Vậy làm thế nào mới đúng?
- Nếu trâu kéo xe, xe không chạy, thì đánh xe hay đánh trâu mới đúng?
Đạo Nhất không nói được. Hoài Nhượng nói tiếp:
- Ông học ngồi thiền hay ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền thì thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật thì Phật không tướng, không trụ, không thủ xả. Nếu ngươi ngồi Phật tức giết Phật, nếu chấp tướng ngồi thì không thể đạt.

Trong câu chuyện trên có vẻ như chỉ bài xích tướng ngồi chứ không nói gì đến định, tuy nhiên chúng ta dễ dàng nhận ra trọng tâm của đối tượng bị chỉ trích chính là định, biểu hiện rõ nét trong các dụng ngữ không tướng, không trụ, không thủ xả.

Trong Pháp Bảo Đàn, Tổ Huệ Năng không những chê tướng ngồi chỉ hành hạ thân xác, làm cho “đầu xương thối” mà còn nói rõ cố gắng định tâm chính là bệnh: “Trụ tâm quán tịnh là bệnh chứ không phải thiền”. Và rõ nhất là khi Tổ đối đáp bài kệ của Ngọa Luân. Ngọa Luân nói:

“Ngọa Luân có biệt tài
Cắt đứt trăm tư tưởng
Đối cảnh tâm không khởi
Bồ-đề ngày ngày tăng”

Tổ Huệ Năng đối lại:

“Huệ Năng chẳng biệt tài
Chẳng dứt trăm tư tưởng
Đối cảnh tâm khởi nhiều
Bồ-đề làm sao tăng”

Biệt tài của Ngọa Luân chính là định (dứt tư tưởng, tâm không khởi) nên có sở đắc (hữu kỹ lưỡng). Còn Tổ Huệ Năng lại không cần định (không dứt tư tưởng, tâm cứ khởi nhiều) nên cũng không có sở đắc (một kỹ lưỡng), không có chỗ trụ, bởi vì ngay khi nghe Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn đọc câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang thì Tổ Huệ Năng đã ngộ rồi.

Thật ra, Thiền Tông chỉ muốn cảnh báo những người quá ham mê tọa thiền chỉ tịnh, rất dễ rơi vào trầm không trệ tịch, làm mất tính linh động của tánh giác tự nhiên, nên không khuyến khích tọa thiền quán tịnh.

Vô niệm của Lục Tổ chính là không còn rơi vào tư tưởng, ý niệm, mà tổ gọi là niệm niệm kế tục, tức là tư tưởng đuổi theo tư tưởng không bao giờ dứt.

Vô niệm được Bách Trượng, Mã Tổ nói một cách khác là “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”. Nhưng cả vô niệm lẫn tâm địa nhược không hoàn toàn không phải là định, đơn giản là vì định phát xuất từ ý niệm. Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếuchính là ý nghĩa đích thực của chánh niệm tỉnh giác mà đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy.

Tâm sự thay lời tạ bạch:

Chúng tôi làm công việc đối chiếu Thiền Nguyên Thủy và Thiền Phát Triển này là việc làm vô cùng mạo hiểm, chỉ vì đáp ứng nhu cầu chính đáng và bức thiết hiện nay của thế hệ Tăng Ni Phật tử trẻ là muốn biết cốt lõi chung của thiền là gì để không còn phân vân khi chọn lựa pháp môn tu tập phù hợp với căn tính của mình. Chính vì vậy Học Viện Phật Giáo Việt Nam Thành Phố Hồ Chí Minh đã đưa vào chương trình giảng dạy môn học này cho lớp cử nhân Phật học bắt đầu từ khoá 6, khoá 7.

Khi được Học Viện mời giảng môn này tôi thật sự không dám nhận nhưng quí thầy trong Hội Đồng Điều Hành Viện động viên khuyến khích nên tôi đành phải khẩn trương biên soạn giáo án cho kịp thời biểu của các khoá học. Vì thời gian cấp bách, nên tôi phải vận dụng trí nhớ nhiều hơn là tham khảo tài liệu. Đó là một khuyết điểm lớn, tuy nhiên tôi tự an ủi rằng thiền cốt ở chỗ thấy chứ không lệ thuộc nhiều vào sách vở, nên cứ chân thành nói ra cái gì mình thấy rồi sẽ tham khảo bổ chính sau.

Có một sinh viên Tăng thành thật hỏi: “Sư đã ngộ chưa? Nếu ngộ chúng con mới tin, còn nếu chưa ngộ làm sao chúng con biết sư giảng đúng hay sai?”

Thật ra, dù người giảng có ngộ, có nói rất đúng, rất tận tình thì cũng không chắc gì có mấy người tin hay ngộ. Ngược lại, có khi người giảng không ngộ, thậm chí còn giảng sai mà người nghe vẫn nhân đó tỏ tường. Chính vì nhân bài kệ chưa ngộ của Thần Tú mà ngài Huệ Năng tỏ rõ thiền cơ. Trong khi đó Tổ Hoằng Nhẫn là người đã ngộ, giảng câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang biết bao lần mà chưa ai liễu giải, chỉ có ngài Huệ Năng mới thấy được tức thì. Tinh thần đại học là cứ khách quan mà nghe trình bày và tiếp thu có sáng tạo, chứ không nên lệ thuộc giáo điều hay uy tín của thầy, như kinh Kalama đức Phật đã cảnh báo.

Tôi thành thật cám ơn những sinh viên Tăng Ni trong các lớp cử nhân khoá 7 đã chân thành nêu lên những câu hỏi rất hữu ích để vấn đề được mổ xẻ rõ ràng và thiết thực hơn.

Trong tập giáo án này, những chỗ đối chiếu còn rất nhiều thiếu sót, chưa nói được hết ý hoặc thậm chí còn lầm lẫn nữa, phạm vi đối chiếu cũng còn rất hạn hẹp, chỉ nói đại cương v.v... vì vậy chúng tôi rất mong được sự góp ý bổ sung của chư tôn thiền đức để cung cấp cho sinh viên Tăng Ni một tài liệu tham khảo tương đối hoàn chỉnh hơn.

Học Viện, ngày 30 – 11 – 2007
Viên Minh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]