Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Cốt Tủy kinh Duy Ma Cật

04/08/201113:23(Xem: 9947)
9. Cốt Tủy kinh Duy Ma Cật

CỐT TỦY CÁC KINH CĂN BẢN PHẬT GIÁO
Tác giả: Phổ Nguyệt

Tập II: Phát Triển

9. Cốt Tủy kinh Duy Ma Cật

I. Đặc Điểm Của Kinh Duy Ma Cật

Để nhận định một số điểm đặc biệt trong kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết qua một số thiền tọa hay hành pháp của các vị Bồ Tát bằng hình thức bên ngoài mà quên mất bản tâm thanh tịnh của mình, mà cư sĩ Duy Ma Cật phản bát một cách hữu lý khó mà chối cải được. Các pháp cốt tủy sau đây do Duy ma Cật phát biểu, không những áp dụng cho các vị Bồ Tát tu tập mà cho cả cư sĩ nữa. Chẳng hạn, Trong phẩm Văn Thù Sư Lợi thăm bịnh Duy Ma Cật, chúng ta phân biệt được, đến và tướng không đến, đi và tướng không đi, thấy và không thấy, nói lên thực tại điểm trong dòng tâm thức đang trôi chảy. Tướng đến (đến từ đâu đến, quá khứ) không thể nắm bắt được, chỉ một điểm đến mới là thực mà thôi. Tướng đi cũng vậy, (đi tới tới đâu, tương lai) cũng không nắm bắt được, chỉ có một điểm đến mới la thật. Cũng như đã thấy (quá khứ) cũng không nắm bắt được, chỉ có điểm thấy mới thật sư nắm bắt (hay biết) được. Thấy và biết như chơn các pháp là thể nhập được thượng trí mà thôi (Xem kinh Nhất Dạ Hiền Giả, Phổ Nguyệt). Pháp bất khả tư nghị là nhận thức thực tướng của sự vật, là giải thoát mọi nhận thức sai lầm của tâm thức; tức tướng "hư không" của sự vât hay hiện tượng biến hóa hay dung thông vô ngại trong "hư không vô tận" của lý tánh. Hư không vô tận là căn bản trí, còn tướng hư không là sai biệt trí. Sai biệt trí biến đổi tùy thuộc vào nhân duyên hình thành của hiện tượng. Cho nên tướng hư không của hiện tượng biến hóa dễ dàng trong hư không vô tận, tức là trong không gian và thời gian. Hiện tượng có thể thâu nhỏ hay làm lớn ra trong không gian, kéo dài thời gian hay làm ngắn lại theo ý muốn, "lý sự dung thông, và sự sự vô ngại" (Xem kinh Hoa Nghiêm, Phổ Nguyệt). Quán chúng sanh là nhận thức các thực tại giả lập. Chúng sanh là hiện tượng giả lập, là quả do các chủng tữ sinh ra từ vô thức, tàng thức, tánh không hay bản chất tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, tự tính của chúng sanh là giả lập và tùy thuộc vào nhân duyên mà thôi. Chúng sanh hay thực tại giả lập là do duyên khởi nên chúng hay thay đổi theo thời gian, tức có sanh có diệt. Tự tánh giả lập của chúng sanh có thể tính không (hư không) và biệt tính không (là hình tướng riêng biệt của chúng sanh), tức là tướng hư không. Đó là pháp bất khả tư nghì giải thoát mọi ràng buộc nhân duyên trong thời không (Xem Tự tính Giả Lập trong Nhất Nguyên Luận, Phổ Nguyệt) Pháp môn bất nhị là năng sở song vong, là thực tại tuyệt đối. Chủ thể (lục căn), đối tượng (lục trần) kết hợp nhờ căn ý mới sanh ra lục thức. Thức và giác thức là tâm thức còn gọi là tâm thức. Tâm thức được hình thành bởi nhị nguyên tính của chủ thể và khách thể.Nhị nguyên đều có tự tính giả lập hay tùy thuộc, nên không thật trong thế giới mê vọng của hư không. Tự tính giả lập hay tùy thuộc là khi sự vật đó tự vượt ra khỏi chính chúng để vạch ra bóng dáng trong không gian. Đã vượt ra khỏi sự vật, là những bóng dáng của chúng, không còn thật là chúng, là giả vọng mà thôi. Cho nên mới dùng pháp môn không hai, tức pháp môn dùng thực tại tuyệt đối, là thực tính có thật trong thế giới chơn thật trong hư không (tánh không). Tự tánh tuyệt đối là tự tính đó vượt khỏi thời không, nghĩa là không vượt ra khỏi chính nó, là thực tại điểm của dòng tâm thứ hay nhị nguyên tính đang trôi chảy. Các pháp trên tiêu biểu cho đặc điểm tạm đầy đủ cho pháp học cũng như pháp hành trong kinh Duy Ma Cật Sở Thuyêt.

II. Ý Nghĩa Cốt Tủy

1.Trong phẩm Văn Thù Sư Lợi thăm bịnh Duy Ma Cật:

.. . Ngài Văn Thù Sư Lợi vào nhà ông Duy Ma Cật rồi, thấy trong nhà trống rỗng không có vật chi, chỉ có một mình ông nằm trên giường mà thôi. Khi ấy ông Duy Ma Cật chào rằng:

_Quí quá thay! Ngài Văn Thù Sư Lợi mới đến! Tướng không đến mà đến, tướng không đi mà đi, tướng không thấy mà thấy.

Văn Thù Sư Lợi nói:

_Phải đấy, cư sĩ! Nếu đã đến thì không đến, nếu đã đi thì không đi. Vì sao? Đến không từ đâu đến, đi không đi đến đâu, hể có thấy tức là không thấy. Thôi việc đó hãy để đó.. .

-- Tướng không đến: Tướng đến từ A 1 đế A 2 theo thời gian huyễn hóa tướng rồi. Ngay lúc đến là khoảnh khắc hiện tại ta nhìn thấy cái đến lúc đó và tại đó (một điểm ở sát na). Nên cái thấy đến thật là ở điểm đến hiện tại đó mà thôi. Còn tướng đến từ A 1 đến A 2 (quá khứ), tướng ấy đã huyễn hóa rồi, không thật. Tánh giác (thấy) đó ở trong trạng thái vô thời không. Cũng như thế, tướng đi, đi đến đâu (tương lai), cũng không thật, chỉ thấy cái đi ngay ở khoảnh khắc hiện tại. Do đó Văn Thù Sư Lợi đáp : Đã đến (quá khứ) thì cái đến không thật, đã đi thì cái đi không thật, đã thấy thì cái thấy không thật. Vì đến không từ đâu đến (không xác định), đi thì không đi đến đâu (không xác định), còn có thấy thì không còn thật thấy đối tượng đó nữa, Sắc tức thị không.

2. Pháp Môn Bất Khả Tư Nghị

Cũng trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Ông Duy Ma Cật nói:

"Ngài Xá Lợi Phất! Chư Phật và chư Bồ Tát có pháp 'giải thoát' tên là 'Bất khả tư nghị'. Nếu Bồ Tát trụ nơi pháp giải thoát đó, lấy núi Tu di rộng lớn nhét vào trong hột cải vẫn không thêm không bớt, hình núi Tu di vẫn y nguyên, mà trời Tứ thiên vương và Đạo Lợi thiên vương không hay không biết đã vào đấy, chỉ có người đáng được mới thấy núi Tu di vào trong hột cải, đó là pháp môn 'bất khả tư nghị giải thoát'...

Lại nữa, "Ngài Xá lợi Phất! Hoặc có chúng sanh nào ưa ở lâu trong đời mà có thể độ được, Bồ Tát liền kéo dài bảy ngày làm một kiếp để cho chúng sanh kia gọi là một kiếp; hoặc có chúng sanh nào không ưa ở lâu trong đời mà có thể độ được, Bồ Tát liền thâu ngắn một kiếp làm bảy ngày, để cho chúng sanh kia gọi là bảy ngày..."

Đó là hai thí dụ tiêu biểu trong kinh trên về Phật và Bồ Tát khi đã đắc đạo thì các Ngài đã vượt khỏi thời không, đạt được chân lý tối hậu, có đầy đủ thần thông để thể hiện mọi sự biến hóa ở mọi cảnh giới, "Bất Khả Tư Nghị."

Phật và Bồ Tát đã Giác ngộ rồi thì thông đạt Thực Tướng của vạn hữu, tức là Tướng Không. Tướng Không của núi Tu di và Tướng Không của hột cải đều đồng một thể; đó là "vạn vật đồng nhất thể". Thí dụ, hình ảnh trong vòng tròn nhỏ với bán kính 1 mm ta vạch trên màn ảnh computer và ta phóng đại nó thành vòng lớn lên 1 dm, rồi ta thâu vào và giảm thiểu hình ảnh núi Tu di vừa trong vòng tròn đó. Ta dùng kỷ thuật điện toán để thiết kế hình ảnh sự vật theo ý muốn. Ở đây, Phật và Bồ Tát đã trực nhận Thực Tướng hay Tánh Không của sự vật, đã giải thoát khỏi sự ràng buộc của nhân duyên và vượt khỏi mọi hiện tượng và Sự Sự Vô Ngại, Chơn Không Diệu Hữu, đó là Bất Khả Tư Nghị.

Trong pháp giải thoát 'Bất Khả Tư Nghị', Phật và Bồ Tát đứng ngoài sự chi phối của thời gian nên có đủ năng lực kéo dài hay rút ngắn thời gian theo ý muốn. Như Bồ Tát có thể kéo dài 7ngày ra làm một kiếp để cho chúng sanh kia gọi là một kiếp, hoặc Bồ Tát thâu ngắn một kiếp làm bảy ngày để cho chúng sanh kia gọi là bảy ngày. Thí dụ như chiếu một cuốn phim của một vụ lúa mùa từ khi làm đất cày bừa chọn giống lúa, gieo mạ, mạ lên cao, cấy lúa, đến khi lúa chín, tới mùa gặt lúa, hoạt động của nông phu thu hoạch lúa v.v..., cả một mùa lúa như vậy hơn ba tháng, chỉ thu hình lại và chiếu ra chỉ ba tiếng đồng hồ mà thôi. Còn như một hình ảnh quang cảnh một người sắp chết tại nhà thương diễn ra chừng 30 phút trước khi chết, ta có thể thâu hình và quay lại thời gian dài hơn gấp mấy lần; có thể năm sau chiếu lại cũng còn thấy cảnh ấy. Thật là tuyệt diệu khi ta có kỷ thuật khoa học để biến đổi sự vật, một đối tượng vật chát thành dụng cụ (phương tiện) để phát huy sự sống của mình ở trong Không gian và Thời gian, nhưng chỉ ở bình diện hiện tượng mà thôi. Hiện tương vật chất thì vô thường do Thời Không chi phối; luật sanh diệt đối với vạn hữu, và sanh tử đối với con người không thể tránh được. Riêng đối Phật và Bồ Tát đã vượt khỏi Thời Không nên chi phối được Thời Không có nghĩa là có thể vượt khỏi ràng buộc của luật sanh diệt. Sự biến hóa, thần thông là điều Bất Khả Tư Nghị của Chư Phật và Bồ Tát trong thế giới Giác ngộ, Niết bàn. Thường hằng. Cũng như chúng ta phát minh kỷ thuật khoa học tuyệt diệu trong thế giới hiện tượng vô thường.

Nghĩa 'Bất Khả Tư Nghị' có thể diễn dịch như sau:

- Nghĩa đen là Không Thể Nghĩ Bàn. Hiểu theo thường tình là Pháp Phật không thể nghĩ bàn được vì nó quá sức tư duy của con người, không thể tưởng tượng được! Nếu xét về chân lý tuyệt đối, thì pháp 'Không Thể Nghĩ Bàn' nầy là pháp diệt đoạn tư tưởng vẫn vơ, những suy tư vô ích hay là hý luận, mà phải thể hiện Giác Trí Tuệ. Pháp bất khả tư nghì của chư Phật và Bồ Tát vượt khỏi thời không. Đã không có thời gian và không có không gian, nghĩa là một thực tại điểm; chính điểm đó ở chỗ nào cũng có trong không gian và luôn hiện hữu theo thời gian, nên thực tại điểm đó có thể khuếch đại hay rút nhỏ như ý muốn, mà không gian thay đổi là kéo theo thời gian vậy. Pháp đó siêu việt thời không, và giải thoát mọi nhân duyên chằng chịt mà đạt đến giác ngộ niết bàn.

3. Pháp Quán Chúng Sanh

- Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng: Đối với chúng sanh, Bồ tát quán chiếu và thấy như thế nào?

Ông Duy Ma Cật nói: Bồ tát quán thấy chúng sanh như nhà huyễn thuật thấy người huyễn do huyễn thuật hóa ra. Lại ví như người trí thấy trăng trong nước, như bóng trong gương, như sóng nắng lúc trời nắng gắt của ngày hè, như vang của tiếng, như mây trong không, như bọt trên mặt nước, như bong bóng dưới cơn mưa, như sự bền chắc của cây chuối, như sự dừng lâu của tia chớp lưng trời, như đại thứ tám, như ấm thứ sáu, như nhập thứ mười ba, như giới thứ mười chín.

Bồ tát quán chúng sanh như thế đấy

Từ sự vật được trông thấy bởi nhãn căn, đó chỉ là hình ảnh của sự vật, là Tướng Không của hình ảnh đó tùy thuộc vào sự vật duyên hợp (không hiện hữu tự nhiên).Sự vật được kiến lập tùy thuộc vào nhân duyên hay thay đổi (sanh diệt) thì tự tánh của chúng cũng là Không. Bóng dáng của sự vật thay đổi bởi quan niệm kết tụ do thọ tưởng hành thức (lục dục thất tình) nên cá nhân nhận thức tốt xấu, thiện ác, màu sắc, sạch nhơ v.v...

Cái Trở Nên là cái không thật có, cũng không thật không. Tự tánh tùy thuộc cũng nằm trong phạm trù Tánh không. Tự tánh tùy thuộc được thể hiện tướng sanh diệt do tác động thời gian thì có sanh có diệt, và quan niệm cá nhân chi phối. Thời gian ngưng chuyển, tức thì tự tánh tùy thuộc cũng tuyệt tích, vì nhân duyên không thể phát triển. Chủ thể (Ý) nhận thức được tướng không của sự vật tùy thuộc vào nhân duyên tìm ẩn trong tàng thức. Chủ thể và sự vật tùy thuộc vào nhân duyên mà được tri nhận, nên sự tri nhận đó cũng không thật và chắc chắn. Tự Tính tùy thuộc của sự vật cũng là vô tự tính hay Tánh Không.

Do đó chúng sanh đây là thực tại giả lập hay đối tượng giả lập hay tùy thuộc, ví người trí thấy trăng trong nước, như bóng trong gương, v.v. Thấy chúng sanh hay đối tượng đây là thấy hình ảnh của đối tượng đó ở võng mạc mắt mà thôi. Hình ảnh sẽ huyễn hóa và thay đổi theo thời không như vậy, thì chúng sanh củng chỉ là một thực tại hư vọng mà thôi.Do đó người trí phải hoc hỏi pháp thể nhập "thượng trí" của đức Thế Tôn (trong kinh "Đại Kinh Sáu Xứ, Phổ Nguyệt)

Chơn Trí.

Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy.

Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc (HT. Thích Minh Châu Việt dịch)

Phật giải về nhãn căn sắc trần và nhãn thức theo chơn trí. Người trí nhìn một vật thì thấy và biết như chơn mắt, thấy biết như chơn các sắc, thấy biết như chơn nhãn thức vì họ đã hiểu được chơn mắt, chơn các sắc, và chơn nhãn thức theo thật tướng của chúng như đã trình bày trên. Chơn mắt, chơn sắc, và chơn nhãn thức là một khi nhìn một vật gì thì sử dụng một lần mà thôi (vô thời gian). Nếu không kéo dài thời gian thì vật đó còn nguyên thủy: nó-lá-nó tại đó và lúc đó, vô thời không hay mắt, sắc (vật), hay thấy (nhãn thức) vẫn còn chơn nguyên, thấy biết không bị xúc thọ ái lăn trôi theo thời gian mà có những khái niệm, nên mắt, sắc, thấy biết không thay đổi, cố định. Nói chung, trong Trí (hay Tâm) chúng ta đều có chứa sẵn biểu hiện Trí Năng, Tình Năng và Hoạt Năng, nên dây thần kinh dẩn truyền lên não hình ảnh của chơn sắc từ chơn mắt để có chơn nhãn thức thì đồng thời đã xúc chạm dây thần kinh thị giác, có nhân nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vì chúng ta thấy biết chơn cảm thọ không có thời gian, nên không có ái trước (trong A Lại Da thức) đối với mắt (mắt không lập lại), không có ái trước đối với các sắc (hình ảnh các sắc có sẵn tích tụ) và ái trước đối với nhãn xúc (Xúc có sẵn trong A-Lai-Da Thức: ký ức). Từ đó do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ , bất khổ bất lạc thọ mà không có ái trước đối với cảm thọ ấy.

Khi người trí nhận thức và quán sát vị ngọt, không chấp vào ái trước (ký ức), không có sự hệ lụy và say đắm nên năm thủ uẩn không được tích trử trong tương lai. Ái ấy không thể tái sanh, và không ưa thích ngũ dục. Không có Thủ Hữu thì lấy gì tìm cầu và giữ lấy những thú vui và tham luyến thì thân không ưu não, thân không nhiệt não, và tâm không khổ não. Nên thân tâm không thủ hữu gì cả. Cảm thọ thân và tâm không có ưu khổ, được an lạc.

Tóm lại, nếu thấy biết như chơn chúng sanh hay chơn lục căn, chơn lục trần và chơn lục thức thì những hệ lụy và say đắm không xảy ra. Nói cách khác, thấy biết chúng sanh, hay chơn lục căn, lục trần, lực thức là thể cách nhận thức sự vật một cách sáng suốt vô thời không; đó cũng là sự nhận thức của chơn trí.

4. Phẩm Vào "Pháp Môn Không Hai" .

Bấy giờ ông Duy Ma Cật bảo các vị Bồ Tát rằng:

- Các nhân giả! Thế nào là Bồ Tát vào "pháp môn không hai"? Cứ theo sở thích của mình mà nói.

Trong Pháp hội có Bồ Tát tên là Quán Tự Tại nói:

- Các nhân giả! "Sanh", "diệt" là hai. Pháp vốn không sanh cũng không diệt, đặng vô sanh pháp nhẫn, đó là vào "pháp môn không hai".

Bồ Tát Đức Thủ nói:

- "Ngã", "Ngã Sở", là hai. Nhân có ngã mới có ngã sở, nếu không có ngã thời không có ngã sở, đó là vào "pháp môn không hai"....

Bồ Tát Đức Đảnh nói:

- "Nhơ", "Sạch" là hai. Thấy được tánh chơn thật của nhơ, thì không có tướng sạch, thuận theo tướng diệt, đó là vào "pháp môn không hai".

Bồ Tát Thiện Túc nói:

- "Động", "Niệm" là hai. Không động thời không niệm, không niệm thời không phân biệt; thông suốt lý ấy là vào "pháp môn không hai"...

Bồ Tát Sư Tử nói:

- "Tội", "Phước" là hai. Nếu thông đạt được tánh của tội, thì tội cùng phước không khác, dùng tuệ kim cang quyết liễu tướng ấy, không buộc không mở, đó là vào "pháp môn không hai"...

Bồ Tát Thiện Ý nói:

- "Sanh tử", "Niết bàn" là hai. Nếu thấy được tánh sanh tử thời không có sanh tử, không buộc không mở, không sanh không diệt, hiểu như thế đó là vào "pháp môn không hai"v.v...

Khi đó Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng:

- Chúng tôi ai ai cũng nói rồi, đến lượt Nhân giả nói thế nào là Bồ Tát vào "pháp môn không hai?

Ông Duy Ma Cật im lặng không nói. Ngài Văn Thù Sư Lợi khen rằng:"Hay thay! Hay Thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là vào "pháp môn không hai". Chân lý thì không phải dùng ngôn ngữ mà được! Tuy vậy, nếu không có ngôn ngữ thì không thể mô tả chân lý. Ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt chân lý. Ngón tay chỉ mặt trăng. Từ ngón tay để thấy mặt trăng, chứ ngón tay không phải là mặt trăng!

* Pháp môn không hai" là lý thuyết hướng dẫn làm thế nào nắm bắt thực tướng của sự vật tác động trong dòng tâm thức của chúng ta, là sự thấy biết đối tượng, là chánh kiến, hướng dẫn để trầm tư tĩnh lặng định tâm hay là thiền, đồng thời cũng hướng dẫn hành động trong sinh hoạt hàng ngày.

Không hai ở đây có nghĩa là không có chủ và khách, năng sở song vong, nhất nguyên tính hay là chân lý tương đối, là Tánh không. Theo kinh Đại Sáu Xứ, thấy biết đối tượng như chơn tức là thượng trí hay Tánh Giác. Đối tượng dù sạch hay nhơ, v.v... hay hai mặt đối lập của một đối tượng, tánh của mặt nào cũng vậy, là tánh không cả.

III. Kết Luận

Thật vậy, kinh Duy Ma Cật là loại tri thức thiết thực cho chúng ta nên tu tập, vì nó có thể làm giàu tư tưởng giải thoát của Phật giáo. Là người trí , Bồ Tát, hay cư sĩ hay mọi chúng sanh khác đều thực dụng được.Chúng ta học được, thực tại điểm trong dòng tâm thức, cái đến, cái đi thực có trong động tác đang đến đang đi (đến, đi chớ tướng không đến, tướng không đi: thực tại tuyệt đối). Thấy biết như chơn như thật là pháp nhập thượng trí. Từ phân tích được chúng sanh là thực tại giả lập, mới có pháp môn không hai, tức là năng sở song vong, không chủ khách là đường đến chân nguyên, hay thực tại tuyệt đối hay giải thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử. Để kết luận, xem các thí dụ sau đây, là gương sáng mà Phật Đã chúc lụy với Bồ Tát Di Lặc và giảng dạy Bảo Tích:

Bấy giờ Phật nói với Bồ tát Di Lặc (Phẩm Chúc Lụy):

“Này Di Lặc, nay ta đem Pháp giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác đã tập thành trong vô lượng kiếp phó chúc cho ngươi.

Cũng trong Duy Ma Cật, Phật dạy Bảo Tích:

- Bảo Tích, ông nên biết, Trực Tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh không dua vạy, sanh sang nước đó. Thâm Tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức sanh sang nước đó. Bồ Đề Tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát, khi chúng sanh thành Phật, chúng sanh có tâm đại thừa sanh sang nước đó .. .

* Trực Tâm là tâm chơn thật, không dua dối, tâm chánh niệm chơn như. Tâm trực nhận ngay thực tướng của sự vật,là thiệt tánh giác. Ngay trong khoảnh khắc hiện tại, tâm không hư dối ấy,là tâm chánh niệm chơn như là lối thắp sáng hiện hữu. Nếu cái hiện hữu được cao thâm bền chắc, nhóm góp gieo trồng không dứt mất tất cả công đức tích lũy, thì kết quả đạt được thâm tâm. Trong thời gian miên mật thắp sáng hiện hữu ấy, đến một ngày kia, sự gieo trồng của Trực Tâm và bền vững của Thâm Tâm, thì đạo quả là Bồ Đề Tâm, Chánh Giác.

Tham khảo

Kinh Duy Ma Cật. Dịch giả Thích Huệ Hưng, 1970

Phổ Nguyệt. Nhất Nguyên Luận, Cốt Tủy của kinh Nhất Dạ Hiền Giả, kinh Hoa Nghiêm, Đại kinh Sáu Xứ trong

website Tạng Thư Phật Học: http://www.tangthuphathoc.com/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]