Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Nghĩa Chơn Thật Kinh Bồ Tát Thiện Giới

04/08/201113:23(Xem: 10421)
7. Nghĩa Chơn Thật Kinh Bồ Tát Thiện Giới

CỐT TỦY CÁC KINH CĂN BẢN PHẬT GIÁO
Tác giả: Phổ Nguyệt

Tập II: Phát Triển

7. Nghĩa Chơn Thật Kinh Bồ Tát Thiện Giới

Nghĩa chơn thật trong kinh Bồ Tát Giới, quyển hai Bồ Tát Địa là giải nghĩa tướng và tánh của sự vật cũng như các pháp quán không của Bồ Tát. Nghĩa chơn thật còn gọi là đệ nhứt nghĩa. Phật nói: Đệ-nhất-nghĩa là cái sở đắc của thánh-trí tự giác, không phải là cái cảnh-giới do ngôn thuyết vọng tưởng mà biết. Vậy nên ngôn thuyết vọng tưởng không hiển thị được đệ-nhất-nghĩa." (Pháp Trực Chỉ Minh Tâm Kiến Tánh, Phổ Nguyệt). Tức là nói mình phải tự chứng được cái đệ nhất nghĩa, chứ không phải lấy ngôn thuyết mà biết được. Theo Cụ Trần Trọng Kim, "Kinh Lăng Ca - trước trực chỉ nhất tâm chân như để làm cho rõ cái nghĩa tam giới duy tâm, - sau chỉ thị nhất tâm sinh diệt để làm cho rõ cái nghĩa vạn pháp duy thức." Theo Kinh Bồ Tát Thiện Giới, Nghĩa Chơn Thật được diễn tả thể tánh bằng cách nhận thức của Bồ Tát, "khéo biết làm rõ pháp giới chẳng thể tuyên nói, biết tánh pháp giới, biết luôn sự lan rộng thế gian là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Niết Bàn" Sự phân biệt đưa chúng ta biết được tánh chơn thật , tướng thay đổi hay lan rộng theo thế gian và pháp quán không rõ ràng hơn.

I. NGHĨA LAN RỘNG - Tánh Không Thật của Ngôn Ngữ

Ngôn ngữ là một thực tại giả lập. Cái trở thành ngôn ngữ được kiến lập do nhân duyên (căn trần) là cái Thức, là bóng dáng của đối tượng mà chủ thể nhận biết Nhận thức sự vật gọi là cụ thể, được đi đôi với một tên gọi nào đó, không có tên gọi thì đối tượng không là gì cả. Sự vật được đặt tên không phải là đối tượng trực quán của chân trí. Như thế đối tượng của tri thức không là gì khác hơn là giả tượng. Do đó, sự vật được diễn tả mà ta tri giác do cảm giác (Căn trần, nhân duyên kết hợp) thêm kinh nghiệm (Thức) mà có tên gọi khác nhau gọi là nghĩa lan rộng. Tên gọi của sự vật (danh từ hay ngôn ngữ) mà ta nhận biết chỉ là giả danh. Sự vật giả danh là do duyên khởi qua nhận thức của chủ khách. Đã Giả Danh (theo Ngài Long Thọ), duyên khởi thì sự vật nhận thức đó không có tự tính hay là Thực Tại Tùy Thuộc (theo Ngài Vô Trước) hay là Tánh Không.

Cái Trở Nên là cái không thật có, cũng không thật không. Tự tánh giả danh hay tùy thuộc cũng nằm trong phạm trù Tánh không. Tự tánh giả danh được thể hiện tướng sanh diệt do tác động thời gian thì có sanh có diệt, và quan niệm cá nhân chi phối. Thời gian ngưng chuyển, tức thì tự tánh tùy thuộc cũng tuyệt tích, vì nhân duyên không thể phát triển. Chủ thể (Ý) nhận thức được tướng không của sự vật tùy thuộc vào nhân duyên tìm ẩn trong tàng thức. Chủ thể và sự vật tùy thuộc vào nhân duyên mà tri nhận, nên sự tri nhận đó cũng không thật và chắc chắn hay thay đổi tức là nghĩa lan rộng. Tự Tính giả danh hay tùy thuộc của sự vật cũng là vô tự tính hay Tánh Không. Sự vật biến đổi (sanh diệt) làm cho hình ảnh của chúng mà con người trông thấy Sạch Nhơ, Tốt Xấu, Màu Sắc v.v.. tùy theo quan niệm cá nhân. Tự tánh tùy thuộc còn gọi Nghĩa Lan Rộng thế gian. Trong Kinh Bồ Tát Thiện Giới, Phật dạy rõ nghĩa lan rộng như sau:

Bồ Tát khéo biết làm rõ pháp giới chẳng thể tuyên nói, biết tánh pháp giới, biết luôn sự lan rộng thế gian. Sự lan rộng thế gian là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Niết Bàn. Sắc cho đến Niết Bàn chẳng gọi là chơn thật. Tại sao vậy? Vì sắc đây chẳng phải có, chẳng phải không, cho đến Niết Bàn chẳng phải có chẳng phải không. Nếu chẳng phải có chẳng phải không làm sao chơn thật?

Thế nào là chẳng phải có? -Chúng sanh điên đảo kể sắc là ngã, cho đến Niết Bàn cũng kể ngang là ngã. Đó là chẳng phải có.

Thế nào là chẳng phải không? -Vì lan rộng thế gian, vì có thể tuyên nói. Đây gọi là chẳng phải không. Bởi hai nghĩa trên gọi là chẳng phải có chẳng phải không.

Như bất cứ pháp gì được nói ra, bảo rằng có ư? -Nếu có thì trong một pháp lẽ ra phải có vô lượng tên, vì vô lượng tên lẽ ra có vô lượng tánh. Tại sao vậy? Vì mỗi pháp có vô lượng tên. Thế nào là vô lượng tên? -Như một pháp thuộc về sắc chẳng hạn, cũng nói là xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn, vuông, tròn, lớn, nhỏ, có thể thấy, không thể thấy, có rối, trơn, rít, nhẹ, nặng v.v…Thế gọi là có thể nói. Tùy sự nói, lẽ ra trong một pháp vô lượng tướng. Những gì có thể tuyên nói, thật sự không tánh nhất định, bởi lời lẽ mà lan rộng trong đời. Thật ra không có người nói (hay sự nói), cũng như không có tánh chơn thật. Một pháp như vậy, tất cả pháp cũng như vậy. Như sắc cho đến Niết Bàn, nếu là có thật tánh, lẽ ra chẳng nói có xanh, vàng, đỏ, trắng, cho đến nhẹ nặng v.v…Nếu không thật tánh thì khi chưa lan rộng, làm sao có thể truyền? Cũng vì tánh cách lan rộng là có, tánh cách lan rộng này không ba đầu, khởi thỉ, do đó có thể lan rộng.

Nếu lúc chưa có sắc, đã có sự lan rộng, thì do nhân duyên gì lúc không có sắc lại chẳng lan rộng? Như sự lan rộng ấy có thể làm tánh của sắc vì sao lan rộng mà không làm vô lượng tánh của sắc?

II. NGHĨA CHƠN THẬT - Tánh Chơn Không của Ngôn Ngữ

Chân Trí hay Giác Trí Tuệ hay cái Trí Nguyên Sơ được nhận thức ngay nơi thực tại điểm khởi đầu tiến trình của động tác Giác Trí Đang Là, cũng là Nhất Nguyên Tính Tuyệt Đối của Năng Sở song vong và vô Thời Không. Vậy Chân lý tối hậu hay Tự tính tuyệt đối, hay đạo lý Nhất nguyên tuyệt đối là Nhận thức vượt Thời Không, là Tánh Giác hay Tánh Không. Không dùng Ngôn Ngữ, Tư Tưởng suy nghĩ bàn luận mà dùng pháp môn không hai, hay nói khác đi là Thể hiện, là im lặng không dùng ngôn ngữ mà là Hành là Thiền. Đó là pháp "Bất Khả Tư Nghị", là Trung Đạo.

Thế nên pháp tánh chẳng thể tuyên nói. Như sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Niết Bàn cũng vậy.

Có hai hạng người bị cách xa Phật pháp, chẳng phải đệ tử Phật, mất hết Phật pháp.

Một là hạng nói về sắc cho đến Niết Bàn, cho là có tánh chơn thật. Hai là hạng chẳng tin có tánh lan rộng trong đời. Hai hạng người như thế chẳng kham lãnh thọ trì nổi giới cấm của Bồ Tát, như ai truyền trao, người thọ cũng không đắc giới, vị thầy truyền trao phải mắc tội lỗi.

Vì sao không đắc giới? -Vì chê bai pháp chơn thật, chấp chặt điều phi pháp. Thế nên dầu có thọ, rốt cuộc không đắc giới. Nếu không đắc giới, làm sao được gọi là đệ tử của Phật? Vì thế gọi là hạng cách xa Phật pháp.

Giới Bồ Tát đây không phải ở miệng mà được. Tâm và miệng cùng hòa hợp, sau đó mới được. Hai hạng người nói trên không thật tâm làm sao có thể được giới.

III. PHÁP QUÁN KHÔNG

Pháp Không và Tánh Không

Cái không gian dung chứa sự vật và sự vật chiếm cứ không gian là một. Nói gọn là sự vật và dung thể không của nó là một. Pháp không là nghĩa lan rộng là thuộc tâm thức. Tánh không thuộc trí tuê. Thức và Trí là một và cùng ở trong tâm. Chuyển tâm thức thành tâm trí hay giác trí và giác trí tuệ thường pháp quán không.. Sắc không khác không, và không không khác sắc. Không là cái chân lý tự nó, nó chính là nó, không có tự tính nào áp đặt lên nó, không thể dùng ngôn ngữ, công ước để cưỡng ép lên tánh của nó. Nó là nó không có gì ngoài nó. Nó là dung thể không của sự vật nên nó không vượt ra khỏi sự vật. Theo Tử Thư Tây Tạng gọi là chân lý tự nó trống rỗng và trần trụi như Hư Không vô biên và không có tỳ vết. Đó cũng gọi là Chơn Không. Do đó Tánh giác là Thiệt Hư Không hay Hư Không là Thiệt Tánh giác. Tánh Giác là Chân Trí hay là cái dụng của Chơn Tâm. Vậy làm sao nắm bắt được Chơn Tâm? Phương pháp nào? Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy cách hàng phục vọng tâm:

- Độ tất cả chúng sanh vào vô dư niết bàn, mà không thấy chúng sanh nào được độ.

Độ: là làm cho giác ngộ, giải thoát mọi vọng tưởng giả lập để đạt thực tính.

Chúng Sanh: Tất cả các loài, sự và vật có tri giác hoặc không có tri giác ; là những thực tại giả lâp hay tùy thuộc, là Giác Thức.

Vô Dư Niết Bàn: Niết bàn tuyệt đối hay tự tính tuyệt đối, là chơn không hay thiệt hư không.

Vậy câu trên có nghĩa là: Đưa tất cả các các thực tại giả lập vào thực tại tuyệt đối mà không còn thấy các thực tại giả lập đó nữa. Đưa tất cả chúng sanh (Giác Thức) vào Vô Dư Niết Bàn (Giác Trí) mà không còn thấy chúng sanh đó nữa (đã phủ định Giác Thức). Vậy muốn hàng phục vọng tâm, hành giả nên (Tâm) trực nhận thể không của sự vật và ngay đó lìa tướng giả lập.(Ly bốn tướng:Ngả, Nhơn, Chúng Sanh, Thọ giả).

Nếu đối với sắc mà sanh tâm hư vọng, so đo, chấp trước, thì đối với Phật pháp sẽ bị mất mát lâu dài. Nếu đối với sắc mà chẳng tin sắc là sự lan rộng, đó cũng là bài báng tất cả pháp, người này cũng là vĩnh cửu mất mát Phật pháp. Bởi vậy chẳng thể tuyên nói là có hay không.

Vì lẽ gì?

-Như nhơn năm Ấm mà có ta, người, chúng sanh, thọ mạng. Nếu không năm Ấm, những danh từ như thế do đâu mà lan rộng? Sắc cũng như vậy, bởi có sắc nên có các thứ danh từ lan rộng. Pháp chơn thật không có lan rộng, lìa pháp chơn thật cũng không lan rộng, người ngu si nói các pháp là ngoan không, sẽ mang tội rất lớn. Người nào cho rằng trong các kinh Đại thừa nói “Các pháp trống không” cũng mang tội lớn, chẳng thể hiểu đúng nghĩa lý kinh đại thừa mà sanh tâm kiêu mạn bảo rằng ta hiểu đúng nghĩa, tùy tự tâm người đó vọng tưởng suy nghĩ, lại vì người khác nói ra, như thế cũng là mang tội lớn. Nếu lại nói “tất cả các pháp tánh là không, làm sao có sự lan rộng thế gian”. Nói như vậy cũng là đắc tội rất lớn. Tại sao vậy? -Vì chê bai tất cả pháp. Kẻ chê bai tất cả pháp là hạng ngoại đạo, như Phú Lan Na và đám đệ tử của y.

Phú Lan Na cho rằng: Tánh các pháp không là gì cả, nhưng trong Phật pháp là cũng có cũng không. Nếu người nào nói tất cả pháp là trống không, nên biết người đó nói không đúng nghĩa. Đối với người đó chẳng nên cùng ở, cùng nói, cùng bố tát cùng thuyết giới, sẽ mang tội lớn. Tại sao vậy? Vì chẳng hiểu nghĩa KHÔNG, người này chẳng thể tự lợi, lợi tha.

Bởi vậy kinh đại thừa nói “Nếu chẳng hiểu nổi nghĩa KHÔNG, còn thậm tệ hơn là kẻ si mê” vì sao?

-Kẻ si mê nói sắc là ngã, cho đến nói thức là ngã, người có chấp ngã chẳng làm bại hoại Phật pháp, người chẳng hiểu nghĩa Không mãi mãi làm hư hoại Phật pháp, phá diệt làm cho mất mát Phật pháp.

Người chấp ngã, không đến nỗi đọa ba đường ác. Người chẳng hiểu nghĩa KHÔNG lại vì kẻ khác nói rộng, nên biết kẻ đó quyết đến A tỳ.

Người chấp ngã chẳng chê bai Tam bảo, kẻ nói quấy trống không, ắt phỉ báng Tam bảo. Người nói có ngã chẳng dối gạt chúng sanh, chẳng chê thật tánh, chẳng phương hại pháp tánh, chẳng phương hại chúng sanh, được chứng quả giải thoát, chẳng dạy người khác hủy phạm giới cấm.

Kẻ chẳng hiểu nghĩa không, bài báng tất cả pháp, chẳng hiểu thật tánh, chẳng hiểu pháp danh, phương hại đến sự giải thoát, làm ác tri thức cho biết bao chúng sanh, tự họ chẳng giữ giới, còn dạy người khác hủy giới, thường ưa nói rằng “Không có người làm, không có người nhận”, làm cho nhiều chúng sanh thêm lớn tội Địa ngục. Bởi nghĩa đó gọi là xa lìa Phật pháp Vô thượng.

b. Nghĩa "Không"

Khi pháp không phân biệt gọi là pháp không, khi pháp có tên gọi, nghĩa lý, nghĩa lan rộng thì pháp chẳng phải bất không. Riêng pháp không phân biệt là pháp tánh hay pháp không. Thí dụ như trong Đại Kinh Sáu Xứ, "Thấy biết như chơn mắt, thấy biết như chơn các sắc, thất biết như chơn nhãn thức, v.v..." nếu thấy biết như chơn lục căn, chơn lục trần và chơn lục thức thì những hệ lụy và say đắm không xãy ra. Nói cách khác, thấy biết như chơn lục căn, như chơn lục trần, như chơn lực thức là thể cách nhận thức sự vật một cách sáng suốt vô thời không; đó cũng là sự nhận thức của chơn trí. Cái không (vô tri) là chẳng hiểu về chơn không, chẳng hiểu về pháp là sự không hiểu nghĩa không. Hiểu đúng nghĩa không là sự nhận thức các pháp vì không có tánh chơn thật, và các pháp cũng không có không tên. Pháp: tánh thì không , tướng thì giả lập hay tùy thuộc, hoặc nghĩa lan rộng thế gian.

Thế nào là chẳng hiểu nghĩa “Không”?

-Nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam nữ cư sĩ, chẳng tin, nhận lấy cái không (vô tri), chẳng hiểu về Chơn Không chẳng hiểu về Pháp. Đây gọi là chẳng hiểu nghĩa Không. Tại sao vậy? -Vì số kia nói rằng “tất cả pháp bản tánh tự trống không - Cái Không vô nhân duyên” hoặc nói rằng “Tất cả pháp không xứ sở. Nếu không xứ sở thì sao gọi là rỗng rang?”. Đây gọi là chẳng hiểu nghĩa Không.

Thế nào là chẳng hiểu nghĩa “Không”?

Thế nào là chơn thật hiểu nghĩa Không?

-Nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam nữ cư sĩ nói rằng: “Trong tất cả pháp vì không có tánh, đó gọi là Không, nhưng Pháp cũng chẳng không” Phát biểu như đây gọi là hiểu nghĩa không. Hiểu như thế không hại gì đến nghĩa, chẳng chê bai Tam bảo, gọi là hiểu đúng, không bị lầm lạc.

Thế nào là hiểu đúng?

-Như Sắc chẳng hạn, nói Sắc cho đến Niết Bàn, phân biệt không có tướng, tánh gọi là Sắc không. Do sắc chơn thật lan rộng thế gian, gọi là bất không. Bởi nghĩa này cho nên nói một pháp thuộc về sắc cũng là có, cũng là không. Do hiểu hai nghĩa này cho nên Pháp cũng là Pháp cũng là không, đối trong nghĩa đây chẳng vọng sanh so đo vướng mắc. Đây gọi là chơn thật hiểu nghĩa Không. Thế nên trong kinh Đại thừa có bài kệ:

Một pháp có nhiều tên

Trong pháp thật thì không

Vì không mất Pháp tánh

Lan rộng nơi thế gian.

c. Chánh Kiến

Theo Phật, Cảm, Nghĩ, và Làm (Tình năng, Trí năng, và Hoạt năng) như chơn như thật là sự thấy biết vô thời gian, làm cho tâm trở nên trong sáng. Chánh Kiến là cái thấy như chơn pháp ấy. Chánh Tư Duy là sự suy tư như chơn pháp ấy. Chánh Niệm là nhớ (không có vọng khởi) như chơn của pháp ấy. Chánh Định là sự vắng lặng tịch tĩnh như chơn pháp ấy. Chánh Nghiệp là sự chơn chánh nghề nghiệp.Chánh Ngữ là sự lời nó chơn chánh hài hòa. Chánh Mạng là nuôi mạng sống bằng thức ăn tinh khiết. Thánh Đạo Tám Ngành này (Bát Chánh Đạo) được tu tâp và phát triển sung mãn thì thân tâm thường an lạc

Như Sắc cho đến Niết Bàn có rất nhiều tên. Sắc lại không tự tánh, không tự tánh ắt không có nhiều tên. Có nhiều tên gọi là sự lan rộng. Bởi nghĩa này mà trong Tạp Tạng nói: “Các đức Thế Tôn chẳng vướng mắc vào sự lan rộng, hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghĩ ngợi, hoặc xét biết!”. Như tên của sắc cho đến Niết Bàn gọi là lan rộng. Chư Phật không nói có tánh lan rộng để sanh nhiễm mắc. Vì sao? -Vì phá sự điên đảo. Có nhiễm mắc gọi là điên đảo. Như Lai đã dứt tất cả những ác kiến nên không còn nhiễm mắc. Vì chẳng quan niệm, chẳng nói năng, chẳng nhiễm mắc cho nên gọi là chánh kiến. Bởi Như Lai vì Tỳ kheo Ca Chiên Diên mà nói như vầy:

d. Thiền Định

Nếu nhận thức đúng lục căn lục trần và lục thức như chơn như thật thì làm gì có nghiệp quả khổ não. Nên thấy và biết như chơn lục căn, thấy và biết như chơn lục trần, thấy và biết như chơn lục thức, thấy và biết Bát Chánh Đạo (Chánh Định), hay tất cả các pháp nào đều nhận thức theo thượng trí, thì màn vô minh không còn bao phủ tâm trí, nên không có dây nhân duyên nào trói buộc. Vì khi ta thấy và biết chơn thật là ta nhận thức ngay thực thể sự vật, không thêm không bớt; vật là vật, ngoài vật không thêm thuộc từ nào cả. Vì không có thời gian, dòng tâm thức không lăn trôi, nên sự vật không có duyên khởi hay biến thể nào, thì làm gì có xúc thọ ái thủ hữu. Tu tập theo pháp Chỉ Quán là ưu việt nhất để có chơn trí hay thượng trí. Đó là lúc được tâm minh và giải thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử.

Lục Tổ dạy chúng rằng: "Nầy thiện tri thức! sao gọi là tọa Thiền? Trong pháp môn nầy không chướng không ngại, ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là tọa, trong thấy... tự tánh chẳng động gọi là thiền. Nầy thiện tri thức, sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn, bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức là loạn; nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn ấy là chơn định vậy. Nầy thiện tri thức! Ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định. Kinh Bồ Tát Giới nói: Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh. Nầy thiện tri thức! Trong mỗi niệm tự thấy được bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo." (Pháp Vô Niệm: Đón Giáo của Lục Tổ)

-Ca Chiên Diên! Đệ tử Như Lai là người chẳng chấp, chẳng vướng mắc các Định thuộc đất, nước, lửa, gió, không, thức. Không chấp Định Vô sở hữu (xứ), định chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng. Chẳng phải đời này, chẳng phải đời sau, chẳng phải ban ngày, chẳng phải ban đêm, chẳng phải thấy, chẳng phải nghe, chẳng phải nghĩ, chẳng phải lường, chẳng phải lấy, chẳng phải được, chẳng phải giác, chẳng phải quán… Như thế mệnh danh là Thiền Định”.

Tỳ kheo chẳng chấp định về đất như thế nào? -Tỳ kheo đối với đất chẳng khởi tướng Đất cho đến giác quán cũng vậy, chẳng khởi tướng giác quán. Đây gọi là chẳng chấp định về Đất, cho đến Định về giác quán.

Nếu Tỳ kheo nào có thể tu tập Định như vậy tức được chư thiên cõi trời Phạm vương, Đế thích khen ngợi, được chư Phật, Bồ Tát mười phương khen ngợi. Chư thiên đều nói: “Nam Mô Đại Sĩ! Nam Mô Đại Sĩ! Chúng tôi chẳng biết ngài ở trong Định nào, tu tập Định nào?”

e. Quán Không

Quán không nói chung là chẳng nhiễm chẳng dính mắc và danh, tướng các pháp, là thể cách tri nhận tánh không của sự vật.Tri giác của Phật hay Bồ Tát được định nghĩa là vô phân biệt, một thể cách nhận thức vượt trên dự kiến (presupposition), nằm ngoài sự qui kỷ (nonegocentric), tri nhận thực tại như chính nó, nghĩa là trong thực tính của nó. Do đó, Phật- tính- - hay từ một viễn cảnh tri thức luận, Phật-tâm (hay Phật-trí, tức là thể cách nhận thức của sinh linh đã giác ngộ) - - cũng được đề cập đến như là tâm [nhận thức] thực tại chân thực. Trong hầu hết các kinh luận Đại Thừa, tâm (Phật) được mô tả là thanh tịnh và trong sáng tự bản tính.

1. Không về Tánh

Nhận thức nghĩa chơn thật của pháp là pháp không tức không nhiễm không dính mắc hay cháp nơi tướng, hay nghĩa lan rộng. Tháy biết như chơn lục căn, thất biết như chơn lục trần, thấy biết như chơn lục thức thì những hệ lụy và say đắm không xãy ra là thể cách nhận thức sự vật một cách sáng suốt vô thời không; đó cũng là sự nhận thức của chơn trí. Sự tưởng tri là sự nhận thức sai lầm của nghĩa đã lan rộng.

Thế nào là cái lầm về tánh?

-Nếu Sắc, tưởng là sắc, cho đến nặng tưởng là nặng. Đây gọi là cái lầm về tánh.

2. Không về Phân Biệt

Nếu có phân biệt các pháp như là pháp hay pháp không phải là pháp có đối đãi thì không phải là pháp chơn thật.

Thế nào là lầm về phân biệt?

-Nếu phân biệt sắc là sắc hay chẳng phải sắc, là có thể thấy hay không thể thấy, là có đối hay không đối. Đây gọi là cái lầm về phân biệt.

3. Không về Nhóm

Nếu còn dính mắc, hoặc nhiễm trước bốn tướng như có ta, có người, có chúng sanh và có thọ mạng, là có sự lầm lẫn về nhóm.

Thế nào là cái lầm về nhóm?

-Như nơi sắc thấy có ta, có người, chúng sanh, thọ mạng, nhà ở, bốn chúng, binh lính, tộc họ, y phục, ăn uống, hoa sen, ghe chở, cây cối, chất chứa v.v…Trong mỗi cái như thế, mỗi cái là một tướng. Đây gọi là cái lầm về nhóm.

4. Không về Ngã và không về Ngã Sở

Nếu bảo thủ cái ta và sở hữu của ta từ muôn kiếp mà chấp ngã, so đo và ái thủ hữu cho mình, nên lầm về ngã và ngã sở.

Thế nào gọi là cái lầm về ngã và ngã sở?

-Trong pháp hữu lậu mà bảo thủ cái ta và sở hữu của ta, trong vô lượng đời, luôn luôn sanh tâm chấp giữ, so đo về bản ngã và những gì thuộc bản ngã. Đó gọi là cái lầm về ngã và ngã sở.

6. Không về Ái

Nếu đối pháp sạch, tốt hệ lụy đến say đắm là lầm về ái.

Thế nào là cái lầm về ái?

-Đối với vật sạch sanh tâm yêu đắm. Đó là cái lầm về ái.

7. Không về Chẳng Ái

Trái lại đói với pháp chẳng sạch, xấu mà sanh tâm giận, ghét là lầm về chẳng ái.

Thế nào là cái lầm chẳng ái?

-Đối với vật chẳng sạch, sanh tâm giận dỗi. Đó là cái lầm chẳng ái.

8. Không về Chẳng Ái, Chẳng Phải Bất Ái

Đối với các pháp sạch, nhơ, tốt, xấu mà có lòng tham ái , giận dỗi là lầm về chẳng ái, chẳng phả không ái.

Thế nào là cái lầm chẳng phải ái, chẳng phải bất ái?

-Đối với tất cả các vật sạch hay chẳng sạch, sanh tâm tham giận. Thế gọi là cái lầm chẳng phải ái, chẳng phải bất ái.

f. Tu Quán Không

Quán chiếu vạn hữu giai không hay không tướng của các pháp. Lục Tổ dạy, "Vô tướng là như thế nào? Ngay nơi tướng mà lìa tướng đó gọi là vô tướng. Tổ lại định nghĩa thế nào lấy vô tướng làm thể, ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa nơi tướng tức là pháp thể thanh tịnh. Ngay các tướng chúng ta không dính mắc các tướng thì đó là pháp thể của mình lúc nào cũng thanh tịnh."

Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, giả lập hay duyên khởi, nên không thể thấy các pháp bằng thân tướng được. Thân tướng thật không phải thân tướng, vì khi nhận thức thân tướng của đối tượng nào, ta chỉ thấy thể không của nó ở lục căn mà thôi. Khi tri nhận thể không của các pháp (Biết được, Tánh Giác), thể không của thân tướng đã hòa nhập vào hư không, nên thấy các thân tướng không phải là tướng nữa mà là tánh hư không là thật tướng không của các pháp.

Nếu có nhiễm sắc tướng đất, tên đất, nên biết người này chẳng mệnh danh là tu về Không Quán. Nếu đối với Sắc chẳng mắc vào danh, tướng, đây gọi là pháp tu Quán Không.

Vì sự lan rộng nên tuyên nói tướng đất và tên đất. Nếu chấp tướng và tên của Sắc, gọi là tướng tăng trưởng. Nếu diệt tướng và tên của sắc, gọi tướng buông xả, chẳng tăng chẳng xả gọi là Trung đạo, tu tập hai thứ tướng như trên (tức tướng tăng trưởng và buông xả), gọi là Tỳ kheo tu tập về đất cho đến giác quán.

Nếu có Tỳ kheo tu tập về định Trung đạo này gọi là Thật tướng. Do Thật tướng nên Tỳ kheo đối với Pháp, không có lời lẽ nói năng, vì tánh các pháp không thể nói, do đó Tỳ kheo không chỗ ngôn thuyết.

-Nếu tất cả pháp đều không thể nói, vì sao lại nói “Bất khả thuyết”?

g. Tuệ Tri

Tuệ tri là cái biết sáng suốt, cái thường biết rõ ràng. Các pháp do sự kết hợp của căn trần thức nếu kéo dài thời gian thì các pháp ấy sẽ lan rộng thế gian, nên không còn nghĩa chơn thật. Nghĩa chơn thật là cái biết vô thời gian, hay gọi là tuệ tri. Từ cái biết sáng suốt nầy, Bồ Tát biết được tám thứ lầm trên bằng bốn sự suy xét: suy về tên,sự vật, tánh, và phân biệt, để hủy diệt chúng. Vì tám thứ lầm là nhân duyên làm tăng trưởng tà kiến, phiền não. Bồ Tát tu bốn pháp suy xét trên để diệt trừ tà kiến phiền não mà chấm dứt dòng sanh tử luân hồi. Khi mười hai nhân duyên diệt, Bồ Tát chứng tri vô thượng bồ đề và giáo hóa chúng sanh ra khỏi mê làm các pháp (nghĩa lan rộng). Nhờ sức tự tại mà được thần thông, phương tiện, thiền định, nhứt thiết chũng trí (nghĩa chơn thật) rộng lớn, vì cầu được chẳng thoái, chẳng đọa gọi là đại niết bàn.

-Nếu không nói làm sao được nghe? Nếu chẳng nói, chẳng nghe, làm sao biết được tất cả pháp chẳng thể tuyên nói? Do có thể biết cho nên nói ra để lan rộng khắp nơi. Người ngu si chẳng hiểu chẳng biết sự lan rộng. Đối với các pháp, sanh ra tám thứ lầm lạc. Thế nào là tám thứ lầm?

Trong tám sự lầm này, ba thứ đầu (Tánh, Phân biệt, Nhóm) là cái lầm căn bản của tất cả. Chấp tánh, chấp tên, chẳng hiểu sự lan rộng, từ đó lần lượt sinh ra vô lượng sự lầm lạc.

Cái lầm về ngã và ngã sở, gọi chung là Ngã kiến (chấp ngã) ngã kiến lại là căn bản của các chấp. Hai thứ này từ kiêu mạn mà phát sanh, vì thế kiêu mạn là gốc của các chấp. Ba cái lầm sau (ái, chẳng ái, chẳng ái chẳng bất ái) từ ba độc sanh ra. Tám thứ này nhiếp tất cả kiết sử phiền não, làm cho chúng sanh xoay vần luân chuyển trong ba cõi.

Như trên gọi là tám cái lầm.

Đại Bồ Tát làm sao có thể biết được tám thứ lầm này? -Nên suy xét bốn điều:

Một là suy về tên.

Hai là suy về vật.

Ba là suy về tánh.

Bốn là suy về phân biệt.

Thế nào là suy về tên?

-Đại Bồ Tát chỉ gọi là tên là tên, mà không có quan niệm về tên của vật. Đây gọi là suy về tên.

Thế nào là suy về vật?

-Chỉ biết vật là vật, ngoài ra chẳng phân biệt gì khác. Thế gọi là suy về vật.

Thế nào là suy về tánh?

-Biết tên gọi là sự lan rộng. Đây gọi là suy về tánh.

Thế nào là suy về phân biệt?

-Nơi tên chẳng quan niệm về vật. Nơi vật chẳng quan niệm về tên. Thế gọi là suy về phân biệt.

Đại Bồ Tát vì sao suy về tên gọi?

-Vì để biết “cái gọi là tên thật” thế nên Bồ Tát suy xét về tên. Bồ Tát quán kỹ: Nếu không tên của sắc, do đâu mà nói sắc. Nếu không nói đến sắc làm sao mà quán sắc. Nếu không quán sắc làm sao để được Vô thượng Bồ Đề. Do đó Bồ Tát suy tầm biết tên.

Bồ Tát do gì suy tầm về tên?

-Nếu như không vật, cái gì có tên gọi đây? Nhưng cái tên để gọi này, chẳng phải là không thể nói, nếu không thể nói làm sao biết được tánh các pháp. Do đó Bồ Tát suy tầm về vật.

Bồ Tát do gì suy tầm về Tánh?

-Đại Bồ Tát biết về tánh của sắc, cho đến tánh của Niết Bàn. Biết sự lan rộng của sắc cho đến sự lan rộng của Niết Bàn. Thế nào là biết về tánh của sắc? -Biết tánh của sắc đây như hình tượng trong gương, huyễn hoá không thật, như mộng ảo, như bóng, như vang, như tia lửa chớp, hay như ánh trăng dưới nước. Thế gọi là suy về Tánh.

Bồ Tát do gì mà tầm về Phân biệt?

-Đại Bồ Tát hoặc phân biệt về tên, phân biệt về vật, phân biệt về tánh, phân biệt về pháp, phân biệt chẳng phải pháp, phân biệt là có, là không, là sắc, chẳng phải sắc, có thể quan niệm, không thể quan niệm v.v…Đó gọi là Phân biệt. Do phân biệt nên được Vô thượng Bồ Đề, vì thế Bồ Tát suy tầm về phân biệt.

Đại Bồ Tát vì hoại diệt tám thứ lầm mà suy xét về bốn điều như trên.

Vì sao Bồ Tát hoại diệt tám thứ lầm này?

-Vì nhân duyên tám thứ lầm làm tăng trưởng tà kiến. Tà kiến tăng nên phiền não càng thêm lớn. Phiền não thêm lớn sanh tử càng thêm lớn, mười hai nhân duyên càng thêm lớn.

Nếu Bồ Tát tu bốn pháp như thế là trừ tà kiến. Tà kiến chấm dứt, các phiền não bị diệt, phiền não diệt nên sanh tử diệt, vì sanh tử diệt, mười hai nhân duyên diệt. Rõ mười hai nhân duyên diệt cho nên tu đạo Vô thượng, tu đạo Vô thượng nên chứng Vô thượng Bồ đề. Chứng Vô thượng Bồ Đề rồi, luôn luôn hoại diệt tám thứ mê lầm như trên của chúng sanh, luôn luôn giáo hóa chúng sanh rõ biết nghĩa lan rộng thế gian và thuyết minh nghĩa chân thật, hoặc trừ dứt những cái mê lầm như vậy của chúng sanh, mệnh danh là Đại Niết Bàn. Vì hiện đời được sức đại tự tại, vì được thần thông lớn, vì được phương tiện lớn, vì được thiền định lớn, được nhứt thiết trí rộng lớn, vì cầu được chẳng thoái, chẳng đọa, gọi là Đại Niết Bàn.

IV. SỨC TỰ TẠI CỦA BỒ TÁT

Khi Đại Bồ Tát thành tựu được năm điều sau đây thì sẽ đạt được sức tự tại: tâm thanh tịnh, biết rõ việc thế gian, vui vẻ không ngại gian lao mà giáo hóa chúng sanh, thâm hiểu Phật Pháp, và tâm Bồ Đề kiên cố không thoái chuyển. Khi đạt được sức tự tại, Bồ Tát sẽ thể hiện bát tự tại để có phương tiện, thần thông lớn mà điều phục chúng sanh. Bồ Tát có thể:

1. Thị hiện môt thân thành nhiều thân, nhỏ như vi trần châu biến khắp thế giới.

2. Thị hiện một thân vi trần khắp cõ Đại Thiên.

3. Đem thân khắp cõi Đại Thiên ấy bay trên hư không mà không chướng ngại.

4. Thân mình ở một chỗ mà khiến chúng sanh ở các cõi khác đều thấy.

5. Chỉ với một căn, có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm xúc, hay biết.

6. Được mọi pháp mà vẫn xem như không được.

7. Giảng nghĩa một bài kệ trải qua vô lượng kiếp.

8. Thân ở khắp nơi, giống như hư không không thể thấy được. (Đaị Thừa Yếu Lược: Bát Tự Tại)

Đại Bồ Tát được sức tự tại, thành tựu năm điều: Một là tâm được vắng lặng. Hai là biết rõ việc thế, xuất thế gian. Ba là vì chúng sanh mà ở nơi đường sanh tử nhưng tâm không buồn rầu. Bốn là biết rõ ràng tạng pháp bí yếu sâu thẳm của Như Lai. Năm là tâm Bồ Đề không thể nào hư hỏng.

Vì sao tâm của Bồ Tát vắng lặng?

-Vì luôn luôn phá hoại phiền não của chúng sanh, nên tâm được vắng lặng.

-Vì điều phục chúng sanh, làm cho chúng sanh được Phật pháp, cho nên biết rõ sự việc thế xuất thế gian.

-Vì làm cho chúng sanh được căn tánh lanh lợi, cho nên thích ở trong sanh tử mà tâm không buồn rầu.

-Vì thọ trì giải nói nghĩa thậm thâm bí mật của Như Lai, để phá nghi tâm của những kẻ xấu ác muốn hoại diệt Phật pháp, muốn làm ô nhục Phật pháp, phạm nói không phạm, pháp nói phi pháp, nhận chứa tám vật bất tịnh v.v….

Dầu biết nghĩa lý vi tế trong các sách luận lý ngoại đạo mà không bị hư hỏng tâm Bồ Đề.

Năm điều trên đây nhiếp lấy sự nghiệp Bồ Đề của Bồ Tát, cũng gọi là năm công đức.

Những gì gọi là sự nghiệp Bồ Đề?

-Vì có sự tự tại, điều phục chúng sanh, thọ trì Phật pháp, chẳng phá cấm giới của Bồ Tát, tu học tâm Bồ Đề không nghiêng ngả, siêng tu tinh tấn, phá hoại tà kiến v.v… Và thuyết minh về Tam thừa.

Bồ Tát thành tựu năm sự như trên, gồm có ba hạng: Thượng, Trung, Hạ.

Đầy đủ hai thứ(1) gọi là bực hạ. Đầy đủ ba thứ(2) gọi là bực trung. Đầy đủ bốn thứ(3) gọi là bực thượng.

Chú thích:

(1) Đầy đủ hai thứ: Tức là suy về tên và suy về vật.

(2) Đầy đủ ba thứ: Tức suy về tên, suy về vật, suy về tánh.

(3) Đầy đủ bốn thứ: Như ba thứ trên, thêm nữa là suy về phân biệt.

V. KẾT LUẬN

Vạch dòng tâm thức (vọng tâm) đang trôi chảy hay nghĩa lan rộng, tìm gặp vùng chân như bản giác (Nghĩa Chơn Thật) để thể nhập giác trí tuệ (tánh giác) là tri nhận thực tại điểm của giác trí đang là, và xa lìa tứ tướng, là không trụ vào giác trí đó nữa; nghĩa là trực chỉ bản giác để thể nhập (biết) được tánh giác (Quán Không); tức là tánh giác đã hòa nhập vào hư không vô tận, là đạt thành Phật đạo. Giải thoát vọng tâm có nghĩa là tri nhận tánh giác có thực trong dòng tâm thức đang trôi chảy; tức là khôi phục lại thực tính của tâm, đó là chân tâm hay bản giác. Thực hành tánh giác trực chỉ vào bản giác hư không vô tận là tìm về chân nguyên, tức thực tính của tâm. Vượt khỏi đối tượng tìm đến tự tính của nó cũng là đường về minh tâm. Lột xác tri kiến giả lập (tâm thức) để thể hiện tri thức thực sự (kiến tánh) tức tri thứ đúng hay hiểu biết chân thật. Vậy tri kiến như là phương tiện, như ngón tay chỉ mặt trăng. Nhận thấy mặt trăng phải vượt khỏi ngón tay; cũng như vậy, vượt khỏi tri kiến mới nắm bắt được thực tại. Đó là pháp Nghĩa Chơn Thật trong quyển hai Bồ Tát Địa thuộc Kinh Bồ Tát Thiện Giới

Tham khảo

Đại Thừa Yếu Lược. Bát Tự Tại. L.H Tịnh Huệ, sách xuất bản 1998.

KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI. Quyển thứ hai. Bồ Tát Địa: Nghĩa Chơn Thật (Chữ Nghiên). Tam Tạng Pháp sư

Cầu Na Bạt Ma dịch Phạn văn sang Hán văn. Tỳ kheo Thích ThiệnThông Dịch ra Việt văn. Trích trong Kinh

Điển website Quảng Đức: http://www.quangduc.com

Nhát Nguyên Luận: Thể Cách Tri Nhận Tánh Không. Phổ Nguyệt, 2003. đăng trên website Người Cư Sĩ. font Unicode,

tháng 8/2003 : http://www.cusi,free.fr/

Pháp Trực Chỉ Minh Tâm Kiến Tánh Thành Phật. Phổ Nguyệt. Trích trong website Tạng Thư Phật Học. phần tác giả

Phổ Nguyệt: http://www.tangthuphathoc.com/

Pháp Vô Niệm: Đốn Giáo của Lục Tổ. Phổ Nguyệt. Trích trong Tạng Thư Phật Học, phần tác giả Phổ Nguyệt.

Tinh Yếu Đại Kinh Sáu Xứ.Phổ Nguyệt, đăng trên website Trung Tâm Phật Giáo Chùa Việt Nam tại Houston,

phần Phật Học Căn Bản: http://www.vnbc.org/TTPG/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]