Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Thứ Hai Mươi Lăm

16/07/201114:32(Xem: 9826)
Quyển Thứ Hai Mươi Lăm

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đổng Minh

Quyển Thứ Hai Mươi Lăm

NÓI RÕ PHẨM TẠP TỤNG THỨ BA

TỘI TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ, Tỉ-kheo A Lê Tra hủy báng khế kinh, nói với các Tỉ-kheo như sau:

- Thưa Trưởng lão, theo tôi biết pháp mà Thế Tôn thuyết giảng thì những gì gọi là chướng đạo, khi thực hành chúng không có gì là chướng đạo cả. Các Tỉ-kheo liền khuyên:

- Trưởng lão! Thầy đừng hủy báng khế kinh, hủy báng khế kinh là hành vi ác tà kiến, rơi vào đường ác, đọa xuống địa ngục.

Thầy bèn đáp:

- Đó là cái thấy tốt đẹp, cái thấy thuần thiện, cha mẹ, Thầy dạy của tôi kế thừa từ xưa đến nay, đều thấy như vậy cả.

Các Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-kheo:

-- Nếu Tỉ-kheo A Lê Tra nói rằng: "Thế Tôn thuyết pháp, theo tôi hiểu, thì những gì gọi là chướng đạo khi thực hành chúng không có gì là chướng đạo cả", [427b] thì nên khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần và khuyên can ở giữa chúng Tăng ba lần.

Khi khuyên can ở chỗ vắng, trước hết nên hỏi: "Trưởng lão A Lê Tra, có thật Thầy hủy báng khế kinh, nói rằng: "Thế Tôn thuyết pháp, theo tôi hiểu, thì thực hành những pháp gọi là chướng đạo, không có gì là chướng đạo cả" phải không?".

Nếu đáp: "Thật như vậy", thì bấy giờ nên khuyên can ở chỗ vắng như sau: "Này Trưởng lão, Thầy đừng hủy báng khế kinh, hủy báng khế kinh là ác tà kiến, sẽ rơi vào đường ác, đọa xuống địa ngục. Vì lòng từ, muốn được lợi ích cho nên tôi khuyên can Thầy, Thầy hãy bỏ việc này đi. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa, Thầy có bỏ việc này không?".

Nếu đáp: "Đó là cái thấy tốt đẹp, cái thấy thuần thiện, cha mẹ và thầy dạy của tôi đã kế thừa từ trước đến nay, đều thấy như vậy cả, tôi không thể bỏ", thì nên khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba.

Nếu không bỏ thì nên khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần.

Nếu cũng không bỏ nữa, thì nên đem đến giữa Tăng làm yết-ma. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. "Tỉ-kheo A Lê Tra hủy báng khế kinh, nói như sau: "Theo tôi hiểu pháp mà Thế Tôn thuyết giảng, thì khi thực hành những pháp gọi là chướng đạo, không có gì là chướng đạo cả", rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cũng nên khuyên can ba lần.

Thế rồi, nên hỏi Thầy ở giữa Tăng: "Này trưởng lão, có thật Thầy hủy báng khế kinh, nói rằng: "Theo tôi hiểu pháp do Thế Tôn thuyết giảng, thì khi thực hành những pháp gọi là chướng đạo, không có gì là chướng đạo cả" rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần, mà không bỏ việc ấy phải không?".

Nếu đáp: "Đúng như vậy", thì nên khuyên can ở giữa Tăng như sau: "Trưởng lão, Thầy đừng hủy báng khế kinh, hủy báng khế kinh là việc ác tà kiến, bị rơi vào đường ác, đọa xuống địa ngục. Tăng nay vì lòng từ, muốn làm lợi ích nên khuyên can Thầy. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa, Thầy có bỏ việc này không?" Thầy đáp: "Đó là cái thấy tốt đẹp, cái thấy thuần thiện, cha mẹ, thầy dạy của tôi đã kế thừa từ trước đến nay, đều thấy như vậy, tôi không thể bỏ". Rồi được khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba như vậy mà vẫn không bỏ.

Các Tỉ-kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-kheo:

- Nếu Tỉ-kheo A Lê Tra đã hủy báng khế kinh, rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ, thì Tăng nên làm yết-ma cử tội về việc hủy báng khế kinh mà không bỏ.

Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo A Lê Tra hủy báng khế kinh, nói như sau: "Theo tôi hiểu pháp do Thế Tôn Thuyết giảng, thì khi thực hành những điều gọi là chướng đạo, không có gì là chướng đạo cả", rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần, khuyên can ở giữa chúng Tăng ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay làm yết-ma cử tội Tỉ-kheo A Lê Tra về việc hủy báng khế kinh mà không bỏ. Đây là lời tác bạch. (bạch như vậy xong, làm yết-ma ba lần).

[427c] Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Thi Lợi Da Bà khởi lên ác tà kiến, nói rằng: "Tự mình sát sinh, dạy người sát sinh, cho đến làm ác không có tai họa, làm thiện không có phước báo, không có quả báo thiện ác trong đời này hay đời sau".

Các Tỉ-kheo bèn khuyên: "Trưởng lão Thi Lợi Da Bà, thầy đừng khởi lên ác kiến, khởi lên ác kiến là bất thiện, sẽ rơi vào ác đạo, đọa xuống địa ngục".

Thầy liền đáp: "Đó là cái thấy tốt đẹp, cái thấy thuần thiện, cha mẹ, thầy dạy của tôi kế thừa từ trước đến nay đều thấy như vậy".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo:

-- Nếu Thi Lợi Da Bà khởi lên ác kiến, cho đến nói rằng: "Không có quả báo Thiện ác...", thì nên khuyên can ba lần ở chỗ vắng, khuyên can ba lần ở chỗ nhiều người, khuyên can ba lần ở giữa chúng Tăng.

Khi khuyên can ba lần ở chỗõ vắng, trước hết nên hỏi: "Trưởng lão Thi Lợi Da Bà, có thật Thầy khởi lên ác kiến, nói như sau: "Tự mình sát sinh, dạy người sát sinh, cho đến làm ác không có tai họa, làm thiện không có phước báo, không có quả báo thiện ác trong đời này và đời sau" phải không?".

Nếu đáp: "Đúng như vậy", thì nên khuyên can: "Trưởng lão, Thầy đừng khởi lên ác kiến, khởi lên ác kiến là không tốt, sẽ rơi vào đường ác, đọa xuống địa ngục. Nay tôi vì lòng từ, muốn làm lợi ích nên khuyên can Thầy. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa, Thầy có bỏ ác kiến này không?". Nếu đáp: "Đó là cái thấy tốt đẹp, cái thấy thuần thiện, cha mẹ, thầy giáo của tôi đã kế thừa từ trước đến nay, đều thấy như vậy, tôi không thể bỏ", thì nên khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba. Nếu cũng không bỏ, thì nên khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần cũng như vậy. Nếu vẫn không bỏ nữa, thì nên đem đến giữa Tăng, làm yết-ma cử tội. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Thi Lợi Da Bà khởi lên ác tà kiến, nói rằng: "Tự mình sát sinh, dạy người sát sinh, cho đến... làm ác không có tai họa, làm thiện không có phước báo, không có quả báo thiện ác trong đời này hay đời sau", rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay nên khuyên can ba lần ở giữa chúng Tăng.

Bấy giờ Tăng nên hỏi:

- Này Trưởng lão Thi Lợi Da Bà, có thật thầy nói như sau: "Tự mình sát sinh, dạy người sát sinh, cho đến làm ác không có tai họa, làm thiện không có phước báo, không có quả báo thiện ác trong đời này hay đời sau", rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần mà vẫn không bỏ việc ấy phải không?".

Nếu đáp: "Đúng như vậy", thì nên khuyên can ở giữa Tăng: - Này trưởng lão, thầy đừng khởi lên ác tà kiến, khởi lên ác tà kiến như vậy là không tốt, sẽ rơi vào đường ác, đọa vào địa ngục. Chúng Tăng vì lòng từ, muốn làm lợi ích nên khuyên can thầy. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa, Thầy có bỏ ác tà kiến này không? Nhưng Thầy vẫn đáp: "[428a] Đó là cái thấy tốt đẹp, cái thấy thuần thiện, cha mẹ, thầy giáo của tôi đã kế thừa từ trước đến nay, đều thấy như vậy. Tôi không thể bỏ".

Khuyên can như vậy một lần không bỏ, cho đến ba lần khuyên can vẫn không bỏ.

Do vậy, các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-kheo:

- Nếu Thi Lợi Da Bà khởi lên ác tà kiến, rồi được khuyên can ba lần mà không bỏ, thì Tăng nên làm yết-ma cử tội về việc không bỏ ác tà kiến. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo Thi Lợi Da Bà khởi lên ác tà kiến rồi được khuyên can ba lần ở chỗ vắng, khuyên can ba lần ở chỗ nhiều người, khuyên can ba lần ở giữa chúng Tăng mà vẫn không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay làm yết-ma cử tội Thi Lợi Da Bà về việc không bỏ ác tà kiến. Đây là lời tác bạch. (bạch xong, ba lần yết-ma, cho đến) Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc nay là như vậy.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-kheo Ma Lâu Gia Tử khởi lên biên kiến, nói rằng:

- Thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên.

Các Tỉ-kheo khuyên:

- Trưởng lão! Thầy đừng khởi lên biên kiến, biên kiến này là ác kiến, sẽ rơi vào đường ác, đọa xuống địa ngục.

Thầy đáp:

- Đó là cái thấy tốt, cái thấy thiện; cha mẹ và thầy tôi từng kế thừa và đều thấy như vậy từ xưa đến nay. Tôi không thể bỏ.

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-kheo:

- Nếu Tỉ-kheo Ma Lâu Gia Tử khởi biên kiến, nói rằng: - "Thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên", thì nên khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần và khuyên can ở giữa chúng Tăng ba lần.

Khi khuyên can ở chỗ vắng, nên hỏi:

- Trưởng lão, có thật Thầy khởi lên biên kiến, nói rằng: "Thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên" không?".

Nếu đáp: "Đúng như vậy", thì bấy giờ nên khuyên can: "Trưởng lão, đó là ác kiến, sẽ rơi vào đường ác, đọa xuống địa ngục. Nay tôi vì lòng từ, muốn được lợi ích nên khuyên thầy. Một lần khuyên đã xong, còn hai lần khuyên nữa. Thầy có bỏ biên kiến này không? ".

Nếu đáp: "Đó là cái thấy tốt, cái thấy thiện. Cha mẹ và thầy tôi từng kế thừa và đều thấy như vậy từ xưa đến nay, nên tôi không thể bỏ", thì nên khuyên can như vậy đến lần thứ hai, thứ ba.

Nếu cũng không bỏ, thì nên khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần cũng như vạây. Nếu vẫn không bỏ, thì nên làm yết-ma cử tội ở giữa chúng Tăng. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo Ma Lâu Già Tử này khởi lên biên kiến, nói: "Thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên", rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cũng nên khuyên can ba lần.

Bấy giờ, ở giữa Tăng trước hết nên hỏi:

- Trưởng lão! Có thật thầy khởi lên biên kiến, nói: "Thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên", [428b] rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần, mà không bỏ biên kiến này phải không?"

Nếu Thầy vẫn đáp: "Đúng như vậy", thì bấy giờ nên khuyên can ở giữa chúng Tăng: "Trưởng lão! Thầy đừng khởi lên biên kiến. Biên kiến này là ác kiến, phải rơi vào đường ác, đọa xuống địa ngục. Tăng nay vì lòng từ, muốn được lợi ích, nên khuyên Thầy. Một lần khuyên đã không xong, còn hai lần khuyên nữa, Thầy có bỏ biên kiến này không?"

Nhưng thầy vẫn đáp: "Đó là cái thấy tốt, cái thấy thiện. Cha mẹ và thầy tôi từng kế thừa và đều thấy như vậy từ xưa đến nay, nên tôi không thể bỏ."

Rồi được khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba cũng như vậy mà vẫn không bỏ. Do vậy, các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-kheo:

- Nếu Tỉ-kheo Ma Lâu Già Tử này khởi lên biên kiến, rồi được khuyên can ở chỗ vắng, ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ, thì Tăng nên làm yết-ma cử tội về việc không bỏ biên kiến, như trên đã nói. Đó gọi là yết-ma cử tội.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-kheo Thi Lợi Da Bà thường thường phạm tội Tăng già bà thi sa, liền nói với các Tỉ-kheo:

- Thưa các Trưởng lão, cho tôi pháp Ma-na-đỏa.

Các Tỉ-kheo bèn hỏi:

- Trưởng lão, vì sao thầy xin pháp Ma-na-đỏa?

Thầy đáp: "Vì tôi phạm tội Tăng già bà thi sa.

Các Tỉ-kheo trước đó đã biết Thầy thường phạm tội Tăng già bà thi sa, nên nói:

- Trưởng lão Thi Lợi Da Bà, Tăng tập trung hòa hợp làm yết-ma chất vấn, những gì trưởng lão đã phạm thì nên trình bày tất cả trong một lần yết-ma. Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.

Thế rồi, Thầy đáp:

- Chính tôi vi phạm tội đó.

Nhưng sau khi làm yết-ma xong, thầy suy nghĩ: "Vì sao ta đợi làm yết-ma trở lại? Ta nên nói tất cả trong một lần làm yết-ma", rồi nói với các Tỉ-kheo:

- Thưa các Trưởng lão, cho tôi pháp Ma-na-đỏa.

- Vì sao thầy lại đòi pháp Ma-na-đỏa?

- Vì tôi phạm tội Tăng già bà thi sa.

- Trưởng lão phạm khi nào?

- Phạm vào khi ấy.

- Trước đây chúng tôi đã nói với trưởng lão rằng Tăng đang tập trung hòa hợp làm yết-ma, trưởng lão có phạm những gì thì hãy nói ra tất cả trong một lần làm yết-ma, vì sao không nói?

- Vì tôi hổ thẹn nên không nói ra tất cả.

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Thi Lợi Da Bà đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ sự kiện trên:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Này kẻ ngu si! Khi phạm không biết hổ thẹn, khi cầu Thanh tịnh vì sao lại hổ thẹn? Đây là việc ác, phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.

TRÁCH NHIỆM CỦA TỈ-KHEO ĐOÁN SỰ.

[428c] Thế rồi, Phật nói với các Tỉ-kheo:

- Khi vị Tỉ-kheo trì Luật cho ai pháp xuất tội, thì họ nói có tội cũng biết, không tội cũng biết; che giấu cũng biết, không che giấu cũng biết; phát lồ cũng biết, không phát lồ cũng biết; nên cho biệt trú cũng biết, không nên cho biệt trú cũng biết; như pháp cho biệt trú cũng biết, không như pháp cho biệt trú cũng biết; như pháp hành Ba Lợi Bà Sa cũng biết không như pháp hành Ba Lợi Bà Sa cũng biết,; nửa chừng có tội cũng biết, nửa chừng không có tội cũng biết; đêm gián đoạn cũng biết, đêm không gián đoạn cũng biết; tùy thuận làm cũng biết, không tùy thuận làm cũng biết; nên cho pháp Ma-na-đỏa cũng biết, không nên cho pháp Ma-na-đỏa cũng biết; cho Ma-na-đỏa đúng pháp cũng biết, cho ma-na-đỏa không đúng pháp cũng biết; hành Ma-na-đỏa rốt ráo cũng biết, hành Ma-na-đỏa không rốt ráo cũng biết; nên cho pháp xuất tội cũng biết, không nên cho pháp xuất tội cũng biết; cho pháp xuất tội đúng pháp cũng biết, cho pháp xuất tội không đúng pháp cũng biết; cùng che giấu cũng biết, không cùng che giấu cũng biết; che giấu vô lượng cũng biết, Tỉ-xá-già-cước cũng biết; hoặc có trường hợp tội hợp mà không phải đêm hợp; hoặc là đêm hợp mà không phải tội hợp; hoặc là tội hợp mà đêm cũng hợp; hoặc là tội không hợp mà đêm cũng không hợp; hoặc tội cũ, tội trung gian. (Đó gọi là Tỉ-kheo trì luật).

(Lại nữa) Tỉ-kheo thành tựu bốn pháp sau đây gọi là người giữ luật. Đó là: Biết có tội, biết không có tội, biết tội nặng, biết tội nhẹ. Đó gọi là bốn pháp.

Lại nữa, thành tựu bốn pháp sau đây gọi là người giữ luật: Biết có tội, biết không có tội, không xem tội nặng thành tội nhẹ, không xem tội nhẹ thành tội nặng. Đó gọi là bốn pháp.

Lại nữa, thành tựu bốn pháp: Biết có tội, biết không có tội, không bảo người không có tội là có tội, không bảo người có tội là không tội. Đó gọi là bốn pháp.

Lại, thành tựu bốn pháp: Không xem tội nặng là tội nhẹ, không xem tội nhẹ là tội nặng, không xem người không phạm tội là phạm tội, không xem người phạm tội là không phạm tội. Đó gọi là bốn pháp.

Lại, thành tựu năm pháp sau gọi là người giữ luật: Biết rõ sự tranh chấp, biết rõ nguyên nhân sự tranh chấp, biết rõ cách dập tắt sự tranh chấp, biết rõ cách phân biệt về việc chấm dứt tranh chấp, biết rõ cách dập tắt tranh chấp làm cho ngưng hẳn. Đó gọi là năm pháp.

Lại, thành tựu sáu pháp: tức năm việc trên, thêm việc khéo dập tắt sự tranh chấp đã tích lũy. Đó gọi là sáu pháp.

Lại, thành tựu bảy pháp: Biết có tội, biết không có tội, biết tội nặng, biết tội nhẹ, không đem tội nặng làm tội nhẹ, không đem tội nhẹ làm tội nặng, khéo biết cách làm yết-ma. [429a] Đó gọi là bảy pháp.

Lại, thành tựu tám pháp: Tức bảy việc trên, thêm việc biết rõ tình huống nào nên tụng giới đầy đủ hay giản lược. Đó gọi là tám pháp.

Lại, thành tựu chín pháp: Đó là tám việc trên, tăng thêm việc khéo tụng giới, khéo biết nghĩa, không quên, hiểu rõ, khéo biết pháp yết-ma. Đó gọi là chín pháp.

Lại, thành tựu mười pháp: Tức ngoài chín việc trên, thêm việc khéo điều phục các căn, phạm hạnh viên mãn, hiểu sâu pháp yết-ma. Đó gọi là mười pháp.

Lại, thành tựu năm pháp gọi là người giữ luật. Đó là: Trì giới, biết có tội, biết không có tội, biết rõ tình huống nào nên tụng giới đầy đủ hay giản lược, khéo biết pháp yết-ma. Đó gọi là năm pháp.

Lại, thành tựu bốn pháp. Đó là: Trì giới, biết rõ có tội, biết rõ không có tội, biết rõ pháp yết-ma. Đó gọi là bốn pháp.

Lại, thành tựu ba pháp: Biết có tội, biết không có tội, biết pháp yết-ma. Đó gọi là ba pháp.

Lại, thành tựu hai pháp. Đó là: Biết có tội, biết không có tội. Đó gọi là hai pháp.

Lại, thành tựu một pháp. Đó là: khéo biết pháp yết-ma. Đó gọi là người giữ luật, cho đến thành tựu mười bốn pháp thì gọi là người giữ luật bậc nhất; ngoại trừ đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri (thì không ai làm được). Mười bốn pháp đó như sau: 1/ Biết có tội; 2/ Biết không có tội; 3/ Biết tội nặng; 4/ Biết tội nhẹ; 5/ Biết có che giấu; 6/ Biết không che giấu; 7/ Biết tội có thể trị; 8/ Biết tội không thể trị; 9/ Biết đã được Thanh tịnh; 10/ Biết chưa được Thanh tịnh; 11/ Được công đức của bốn Thiền, hiện được an lạc; 12/ Được Thiên nhãn, thiên nhĩ và túc mạng thông; 13/ Dứt sạch hữu lậu; 14/ Được Vô lậu (hết cấu uế). Đó gọi là mười bốn pháp. Người thành tựu mười bốn pháp này là bậc nhất trong tất cả các người giữ luật, ngoại trừ Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Phật nói với các Tỉ-kheo:

- Tỉ-kheo Ưu-ba-li thành tựu mười bốn pháp kể trên, là người giữ luật bậc nhất, có tội cũng biết, không có tội cũng biết, cho đến dứt sạch hữu lậu, đạt được vô lậu tuệ giải thoát.

Có tội cũng biết: tức biết năm thiên tội: Ba-la-di, Tăng già bà thi sa, Ba-dạ-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Việt-Tì-ni.

Ba-la-di:Dâm, trộm, giết người, tự xưng được pháp hơn người.

Tăng già bà thi sa:Cố ý xuất tinh, xúc chạm người nữ, nói lời ô uế, cho đến làm hoen ố nhà người ở thôn xóm.

Ba-dạ-đề:Gồm ba mươi Ni-tát-kì, chín mươi hai Ba-dạ-đề thuần túy.

Ba-la-đề-đề-xá-ni:Ở nơi A-luyện-nhã, không bệnh mà nhận Thức ăn của Tỉ-kheo-ni, ăn Thức ăn do Tỉ-kheo-ni chỉ điểm, khất thực tại nhà học gia.

Việt Tì-ni:Gồm mười ba việc như sau:

1) A-già-dữ; 2) Thâu-lan-giá; 3) Xú Thâu-lan; 4) Không làm; 5) Không [429b] nói; 6) Đột-cát-la; 7) Ác thanh; 8) Oai nghi; 9) Phi oai nghi; 10) Ác oai nghi; 11) Ác tà mạng; 12) Ác kiến; 13) Tâm sinh hối Tì-ni.

1) A-già-dữ: Như ngoại đạo Thân ma, như Tôn giả Bạt-đà-lợi, như các Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá, các trường hợp như thế đều phải đến Phật sám hối. Đó gọi là A-già-dữ.

2) Thâu-lan-giá: Lấy trộm dưới năm tiền, đụng vào vật đáng giá năm tiền mà chưa dời khỏi chỗ. Đó gọi là Thâu-lan-giá.

3) Xú-Thâu-lan: Dùng tâm nhiễm ô đùa giỡn với nam căn. Đó gọi là Xú-Thâu-lan.

4) Không làm: Nếu Hòa Thượng, A-xà-lê bảo làm việc gì mà đúng pháp thì phải làm; nếu không làm thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu bảo gọi phụ nữ, lấy rượu đến, thì nên nói với Hòa Thượng, A-xà-lê: "Con nghe nói trong giới luật (việc đó) không được làm". Đó gọi là không làm.

5) Không nói: Nếu Hòa Thượng, A-xà-lê cùng gọi, nghe mà không đáp, thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu trong miệng đang ngậm cơm mà giọng nói không thay đổi thì nên đáp. Nếu không thể đáp được, thì nuốt cơm rồi mới đáp. Nếu Hòa Thượng, A-xà-lê hỏi như sau: "Vì sao nghe ta gọi mà không trả lời", thì nên thưa với Hòa Thượng, A-xà-lê: "Trong miệng con đang ngậm cơm, cho nên không đáp được". Đó gọi là không nói.

6) Đột-cát-la: Như Thế Tôn nói với nhóm sáu Tỉ-kheo Ưu-đà-di và các Tỉ-kheo khác rằng: "Làm việc đó không tốt". Đó gọi là Đột-cát-la.

7) Ác thanh: Giả tiếng kêu của voi, tiếng của ngựa, bò, lừa, lạc đà v.v... , tất cả tiếng của loài súc sinh như thế; hoặc kéo dài hơi ra rồi kêu đứt đoạn, hoặc kêu gấp rồi kéo dài ra. Đó gọi là ác thanh ( tiếng kêu chối tai).

8) Oai nghi: Sáng sớm Thức dậy nên rửa dọn sạch nơi đại tiểu tiện, rồi đổ đầy nước tại nơi đại tiểu tiện, lại phải quét tháp, viện, phòng Tăng. Nếu lấy, cho, làm các việc, thậm chí buộc một sợi chỉ mà không bạch với Hòa Thượng y chỉ, A-xà-lê thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là oai nghi.

9) Phi oai nghi: như sửa tóc, trang điểm mắt, làm đẹp mặt mày, giũ y, làm cho giải lụa bóng sáng, buộc lưng, hơ bát làm cho sáng bóng, dùng gương soi mặt. Đó gọi là phi oai nghi (trái oai nghi).

10) Ác oai nghi: Thân có oai nghi xấu, miệng có oai nghi xấu, thân miệng có oai nghi xấu; thân tai hại, miệng tai hại, thân miệng tai hại; thân tà mạng, miệng tà mạng, thân miệng tà mạng. Đó gọi là ác oai nghi (oai nghi xấu).

11) Ác tà mạng: Thân quanh co, miệng quanh co, Tâm quanh co, hiện cử chỉ thân ái để hy vọng người ta cúng dường. Đó gọi là ác tà mạng.

12) Ác kiến: Tất cả các loại kiến giải như thường, đoạn v.v... , gọi là ác kiến.

13) Tâm sinh hối Tì-ni: Pháp chúng học oai nghi, tâm niệm ác, không cố ý mà xúc chạm nữ nhân, đại loại như thế đều gọi là tâm hối. Đó gọi là [429c] Tâm sinh hối Tì-ni.

CÓ TỘI CŨNG BIẾT.

Lại nữa, hoặc có tội từ tham dục sinh; hoặc có tội từ giận dữ sinh; hoặc có tội từ ngu si sinh; hoặc có tội không từ tham dục, giận dữ, ngu si sinh; hoặc có tội do hành vi của thân, không phải hành vi của miệng; hoặc do hành vi của miệng, không phải hành vi của thân; hoặc do hành vi của thân và miệng, hoặc không phải do hành vi của thân và miệng; hoặc có tội từ bản thân mình sinh, không phải từ thân người khác; hoặc từ thân người khác, không phải từ thân mình; hoặc từ thân mình và thân người khác sinh; hoặc không phải từ thân mình, cũng không phải thân người khác; hoặc có tội từ miệng mình sinh, không phải từ miệng người khác; hoặc có tội từ miệng người khác, không phải từ miệng mình; hoặc có tội từ miệng mình cũng từ miệng người khác; hoặc không từ miệng mình cũng không từ miệng người khác; hoặc có tội căn cứ tâm, không căn cứ việc; hoặc có tội căn cứ việc, không căn cứ tâm; hoặc có tội sự nặng, không phải tâm nặng; hoặc có tội do tâm nặng, không phải sự nặng; hoặc có tội sự nặng, tâm cũng nặng; hoặc có tội không phải sự nặng, cũng không phải tâm nặng; hoặc có tội do vật của mình, không phải do vật người khác; hoặc có tội do vật người khác, không phải do vật của mình; hoặc do vật mình, cũng do vật người khác; hoặc có tội không do vật mình, cũng không do vật người khác; hoặc có tội tại một chỗ mà phạm nhiều thứ, hoặc tại nhiều chỗ mà phạm một tội; tại nhiều chỗ phạm nhiều tội; hoặc tại một chỗ phạm một tội; hoặc từ chỗ không có tội dẫn đến có tội; hoặc từ chỗ có tội dẫn đến không tội; hoặc từ chỗ có tội dẫn đến có tội; hoặc từ chỗ không tội dẫn đến không tội; hoặc từ nguyên nhân tọâi nặng dẫn đến tội nhẹ; hoặc từ tội nhẹ dẫn đến tội nặng; hoặc từ tội nặng dẫn đến tội nặng; hoặc từ tội nhẹ dẫn đến tội nhẹ; có khi nhận mà phạm tội, có khi ăn mà phạm tội; sự thành có tội, không thọ thì có tội, thọ thì không có tội; không thực hiện thì bị tội, thực hiện thì không bị tội; hoặc có tội thuộc xóm làng, không thuộc nơi hoang vắng; hoặc có tội thuộc nơi hoang vắng, không thuộc xóm làng; hoặc có tội thuộc xóm làng, cũng thuộc nơi hoang vắng; hoặc có tội không thuộc xóm làng, cũng không thuộc nơi hoang vắng; hoặc có tội đúng thời, không phải phi thời; hoặc có tội phi thời, không phải đúng thời; hoặc có tội vừa đúng thời, vừa phi thời; hoặc có tội vừa không phải đúng thời, vừa không phải phi thời; hoặc có tội thuộc ban đêm, không phải ban ngày; hoặc có tội thuộc ban ngày, không phải ban đêm; hoặc có tội vừa thuộc ban đêm, cũng vừa thuộc ban ngày; hoặc có tội vừa không phải ban đêm, cũng không phải ban ngày; hoặc có tội ở chỗ che khuất, không phải chỗ trống trải; hoặc có tội ở chỗ trống trải, không phải chỗ che khuất; hoặc có tội vừa ở chỗ che khuất, vừa ở chỗ trống trải; hoặc có tội không ở chỗ che khuất, cũng không phải ở chỗ trống trải; hoặc có tội khi đi, không phải khi đứng; hoặc có tội khi đứng, không phải khi đi; hoặc có tội [430a] vừa khi đi, vừa khi đứng; hoặc có tội vừa không phải khi đi, vừa không phải khi đứng; hoặc có tội khi đứng, không phải khi ngồi; hoặc có tội khi ngồi, không phải khi đứng; hoặc có tội vừa khi ngồi, vừa khi đứng; hoặc có tội không phải khi ngồi, không phải khi đứng; hoặc có tội khi ngồi, không phải khi ngủ; hoặc có tội khi ngủ, không phải khi ngồi; hoặc có tội vừa khi ngồi, vừa khi ngủ; hoặc có tội không phải khi ngồi, cũng không phải khi ngủ; hoặc có tội khi ngủ, không phải khi đi; hoặc có tội khi đi, không phải khi ngủ; hoặc có tội vừa khi đi, vừa khi ngủ; hoặc có tội không phải khi ngủ, cũng không phải khi đi; hoặc có tội ở chỗ vắng, không phải chỗ đông người; hoặc có tội ở chỗ đông người, không phải ở chỗ vắng; hoặc có tội vừa ở chỗ vắng, vừa ở chỗ đông người; hoặc có tội không phải ở chỗ vắng, cũng không phải ở chỗ đông người; hoặc có tội ở chỗ đông người mà không phải ở giữa chúng Tăng; hoặc có tội ở chỗ giữa chúng Tăng, không phải chỗ đông người; hoặc có tội vừa ở chỗ đông người, vừa ở giữa chúng Tăng; hoặc có tội không phải ở chỗ đông người, cũng không phải ở giữa chúng Tăng; hoặc có tội ở giữa chúng Tăng mà không phải ở chỗ vắng vẻ; hoặc có tội ở chỗ vắng vẻ, không ở giữa chúng Tăng; hoặc có tội ở giữa chúng Tăng, cũng ở chỗ vắng vẻ; hoặc vừa không ở giữa chúng Tăng, cũng không ở chỗ vắng vẻ; hoặc có tội vào mùa Đông, không phải mùa Xuân; hoặc có tội thuộc mùa Xuân, không phải mùa Đông; hoặc vừa mùa Đông, cũng vừa mùa Xuân; hoặc không phải mùa Đông, cũng không phải mùa Xuân; hoặc có tội về mùa Xuân, không phải mùa Hạ; hoặc tội thuộc mùa Hạ, không phải mùa Xuân; hoặc thuộc mùa Xuân, cũng thuộc mùa Hạ; hoặc có tội vừa không thuộc mùa Xuân, vừa không thuộc mùa Hạ; hoặc có tội thuộc mùa Hạ, không phải mùa Đông; hoặc thuộc mùa Đông, không phải mùa Hạ; hoặc thuộc mùa Hạ, cũng thuộc mùa Đông; hoặc không thuộc mùa Hạ, cũng không thuộc mùa Đông.

Có tội từ dục sinh: Như cố ý đùa giỡn với nam căn, ma xát, ác khẩu, tự khen mình, làm môi giới, nói với tâm hoàn toàn nhiễm ô. Đó gọi là tội sinh ra từ dục.

Có tội từ giận dữ sinh ra: Như vô cớ vu khống, hủy báng, nói hai lưỡi, đánh người, đuổi đi, biết người khác đã ăn no mà cố ý xúc não, xua đuổi người khác ở nơi xóm làng, đánh bằng nắm tay, dơ tay dọa đánh, đứng chỗ khuất lén nghe. Đó gọi là tội từ giận dữ sinh ra.

Có tội từ ngu si sinh ra: Do tâm ngu si mà cho rằng thế giới thực sự là thường hằng, hoặc thế giới là Vô thường, có các loại kiến giải như thế, đó gọi là tội từ ngu si sinh ra.

Có tội không do dục, giận dữ và ngu si sinh ra: Như trường hợp A-la-hán phạm tội. Đó gọi là tội không do dục, giận dữ và ngu si sinh ra.

Có tội do thân không phải do miệng: Như ở cùng phòng với người nữ, ngủ cùng phòng với người chưa thọ cụ túc quá ba đêm, ngủ cùng giường, ngồi cùng giường, ăn nhiều chỗ, ăn riêng chúng, ăn chung một bát. Đó gọi là tọâi do thân không phải do miệng.

Có tội do miệng không phải do thân: Nói chung những tội thuộc về phạm vi miệng. Đó gọi là tội do miệng, không phải do thân.

Có tội gồm cả thân và miệng: Như vô cớ vu khống, hủy báng, nói hai lưỡi, đấu tranh gây rối, đuổi đi, biết người đã ăn no mà cố tình xúc não, đuổi đi khi ở xóm làng, dùng tay đánh người, đưa tay dọa đánh, đứng chỗ khuất nghe lén. Đó gọi là tội gồm cả thân và miệng.

Có tội không do thân và miệng: Như [430b] các tội từ tâm sinh. Đó gọi là tội không do thân và miệng.

Có tội từ thân mình, không phải từ thân người khác: Như nổi giận tự đánh vào mình. Đó gọi là tội từ thân mình không phải từ thân người khác.

Có tội từ thân người khác không phải từ thân mình: Như thấy người khác phạm tội dâm, trộm, giết người mà che giấu. Đó gọi là tội từ thân người khác, không phải từ thân mình.

Có tội vừa từ thân mình vừa từ thân người khác phát sinh: Như ngủ cùng nhà với phụ nữ, ngủ với người chưa thọ cụ túc quá ba đêm, ngủ cùng giường, ngồi cùng giường với người khác, ăn nhiều chỗ, ăn riêng chúng, ăn chung bát. Đó gọi là tội vừa từ thân mình vừa từ thân người khác phát sinh.

Có tội không từ thân mình, cũng không từ thân người khác: Như tất cả những tội thuộc lĩnh vực miệng, ngoại trừ việc dạy người chưa thọ cụ túc đọc bài. Đó gọi là tội không từ thân mình, cũng không từ thân người khác.

Có tội từ miệng mình, không phải từ miệng người khác: Tất cả tội thuộc về miệng, trừ việc dạy người chưa thọ cụ túc đọc bài. Đó gọi là tội từ miệng mình, không phải từ miệng người khác.

Có tội từ miệng người khác không phải từ miệng mình: Nếu Tăng giải quyết sự việc phi pháp mà Tỉ-kheo không gởi dục, cũng không cho người khác biết mình không đồng ý, im lặng lắng nghe. Đó gọi là tội từ miệng người khác, không phải từ miệng mình.

Có tội vừa từ miệng mình vừa từ miệng người khác: Như cùng đọc chung từng câu với người chưa thọ cụ túc. Đó gọi là tội vừa từ miệng mình, vừa từ miệng người khác.

Có tội không do miệng mình, cũng không do miệng người khác: Như các tội từ thân và tâm phát sinh. Đó gọi là tội không do miệng mình, cũng không do miệng người khác.

Có tội căn cứ vào tâm không căn cứ vào sự: Như trường hợp nên hỏi: dùng tâm gì để trộm cắp? Dùng tâm gì để giết người? Dùng tâm gì để xúc chạm phụ nữ? Dùng tâm gì để làm hại cỏ tươi? Dùng tâm gì để đào đất? Đó gọi là căn cứ vào tâm, không căn cứ vào sự.

Có tội căn cứ vào sự, không căn cứ vào tâm: Chẳng hạn không nên hỏi: Dùng tâm gì để hành dâm? Dùng tâm gì để ăn phi thời? Dùng tâm gì để uống rượu? Dùng tâm gì để ngủ cùng nhà với người nữ? Dùng tâm gì để ngủ cùng phòng với người chưa thọ cụ túc quá ba đêm? Nếu phạm thì nên trị phạt đúng pháp. Đó gọi là căn cứ vào sự, không căn cứ vào tâm.

Có tội sự nặng, không phải tâm nặng: Như Tỉ-kheo phi thời mà cho là đúng thời để ăn thì phạm tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là sự nặng, không phải tâm nặng.

Có tội tâm nặng, không phải sự nặng: Tỉ-kheo đúng thời mà cho là phi thời rồi ăn, thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là tội tâm nặng, không phải sự nặng.

Có tội sự nặng, tâm cũng nặng: Như phi thời tưởng là thời để ăn thì phạm tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là sự nặng, tâm cũng nặng.

Có tội sự nhẹ, tâm cũng nhẹ: Như các pháp thuộc chúng học và oai nghi. Đó gọi là sự nhẹ, tâm cũng nhẹ.

Có tội từ vật của mình phát sinh, không phải từ vật người khác: Như Tỉ-kheo cố lấy trộm nhằm vật của chính mình, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Đó gọi là từ vật của mình phát sinh, không phải từ vật của người khác.

Có tội từ vật của người khác, không phải từ vật của mình: Như Tỉ-kheo dùng tâm trộm cắp lấy vật của người khác dưới năm tiền, [430c] thì phạm tội Thâu-lan-giá, nếu đủ năm tiền thì phạm tội Ba-la-di. Đó gọi là từ vật của người khác phát sinh, không phải từ vật của mình.

Có tội vừa từ vật của mình vừa từ vật của người khác phát sinh: như Tỉ-kheo dùng tâm trộm cắp lấy vật chung của mình và người khác dưới năm tiền, thì phạm tội Thâu-lan-giá, đủ năm tiền thì phạm tội Ba-la-di. Đó gọi là tội từ vật của mình và của người phát sinh.

Có tội không phải từ vật của mình, cũng không phải từ vật của người: Như Tỉ-kheo dùng tâm trộm cắp lấy vật không có chủ, thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là tội không phải từ vật của mình, cũng không phải từ vật của người khác.

Có tội tại một chỗ mà phạm nhiều tội: Như Tỉ-kheo xin tại một chỗ mà được tám món ăn ngon, rồi ăn mỗi thứ tại mỗi chỗ, thì phạm tám tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là tại một chỗ mà phạm nhiều tội.

Có trường hợp tại nhiều chỗ mà phạm một tội: Như Tỉ-kheo xin tại nhiều chỗ được tám Thức ăn ngon, rồi ngồi ăn tại một chỗ thì phạm một tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là tại nhiều chỗ mà phạm một tội.

Có trường hợp tại nhiều chỗ phạm nhiều tội: Như Tỉ-kheo xin tại tám chỗ được tám món ăn ngon, rồi ăn tám lần, phạm tám tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là tại nhiều chỗ phạm nhiều tội.

Tại một chỗ phạm một tội: Như tại một chỗ xin được tám món ăn ngon, rồi ngồi ăn tại một chỗ. Đó gọi là tại một chỗ phạm một tội.

Từ nguyên nhân vô tội mà thành có tội: Như Tỉ-kheo vô tội mà xin sám hối về tội phạm thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là từ nguyên nhân vô tội mà thành có tội.

Từ nguyên nhân có tội mà thành vô tội: Như làm phòng lớn, phòng nhỏ, tất cả các loại vải vóc, rồi được ba lần khuyên can. Đó gọi là từ nguyên nhân có tội mà thành ra vô tội.

Từ nguyên nhân có tội dẫn đến có tội: Khi Tăng tụng giới, được hỏi đến ba lần rằng ai có tội thì sám hối như pháp, ai không có tội thì im lặng, mà bấy giờ người có tội không làm đúng pháp, lại không nói cho người khác biết, cũng không thầm nghĩ: "Để rồi tôi sẽ sám hối đúng pháp với người Thanh tịnh và thông cảm", vẫn cứ im lặng, thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là từ nguyên nhân có tội dẫn đến có tội.

Từ nguyên nhân không có tội dẫn đến không có tội: Như trường hợp không làm, không phạm. Đó gọi là từ nguyên nhân không có tội dẫn đến không có tội.

Từ nguyên nhân tội nặng dẫn đến tội nhẹ: Như Tỉ-kheo phạm tội Ba-dạ-đề mà đến sám hối với người ác tà kiến, biên kiến, người bắt buộc phải học (người đang sám hối tội Ba-la-di). Đó gọi là từ nguyên nhân tội nặng dẫn đến tội nhẹ.

Từ tội nhẹ dẫn đến tội nặng: Như Tỉ-kheo phạm tội Việt-tì-ni mà đến sám hối với người hủy báng khế kinh, người bắt buộc phải học, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là từ tội nhẹ dẫn đến tội nặng.

Từ tôi nặng dẫn đến tôi nặng: Như Tỉ-kheo phạm tội Ba-dạ-đề mà đến sám hối với người hủy báng khế kinh, người bắt buộc phải học, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là từ tội nặng dẫn đến tội nặng.

Từ tội nhẹ dẫn đến tội nhẹ: Tỉ-kheo phạm tội Việt-tì-ni mà đến sám hối với người chưa thọ cụ túc, thì không được gọi là sám hối mà còn phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là từ tội nhẹ dẫn đến tội nhẹ.

[431a] Khi nhận phạm tội: Như nhận thịt sống, lúa thóc, vàng bạc, voi, ngựa, lạc đà, lừa, bò, dê, nô tì, phụ nữ, ruộng đất, nhà cửa. Đó gọi là khi nhận phạm tội.

Có trường hợp khi ăn phạm tội: Như ăn riêng chúng, ăn nhiều chỗ, ăn cùng bát, ăn trái cây không hợp pháp. Đó gọi là khi ăn phạm tội.

Việc thành tựu mà có tội: Như làm phòng nhỏ, phòng lớn, được khuyên can đến ba lần. Đó gọi là việc thành tựu mà có tội.

Có trường hợp không thọ thì có tội, thọ thì không có tội: Như khi thọ y Ca-thi-na thì được giải tỏa năm giới là: ăn riêng chúng, ăn nhiều chỗ, đi đâu không cần thưa với người cùng ăn với mình, cất y dư lâu ngày, rời y mà ngủ. Đó gọi là không thọ thì có tội, thọ thì không có tội.

Không thực hiện thì có tội, thực hiện thì không có tội: Khi Tỉ-kheo được y mới mà không dùng ba màu để nhuộm cho hoại sắc, hoặc dùng một màu để nhuộm, tác tịnh rồi thọ dụng, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là không thực hiện thì có tội, thực hiện thì không có tội.

Có tội tại xóm làng không phải tại chỗ hoang vắng: Khi vào xóm làng không mặc y tăng-già-lê, không buộc đai, không cột dây lưng, không cầm bát, không thưa với người cùng ăn chung, vào xóm làng lúc phi thời. Đó gọi là tội tại xóm làng, không phải tại nơi hoang vắng.

Có tội tại nơi hoang vắng không phải tại xóm làng: Tỉ-kheo làm bạn với kẻ trộm, hẹn với phụ nữ, Tỉ-kheo-ni cùng đi chung đường. Đó gọi là tội tại nơi hoang vắng, không phải tại xóm làng.

Có tội vừa tại nơi hoang vắng, vừa tại xóm làng: Đấm người bằng nắm tay, đưa tay dọa đánh người. Đó gọi là tội vừa tại nơi hoang vắng, vừa tại xóm làng.

Có tội không phải nơi hoang vắng, không phải xóm làng: Tội xảy ra ở nơi cửa vua. Đó gọi là tội không phải nơi hoang vắng, cũng không phải tại xóm làng.

Có tội đúng thời chứ không phải phi thời: Như ăn riêng chúng, ăn tại nhiều nơi, ăn chung một bát, moi dưới bát mà ăn, ăn tám món ngon, ăn trái cây chưa tác tịnh. Đó gọi là tội đúng thời, chứ không phi thời.

Có tội phi thời chứ không phải đúng thời: Phi thời đi vào xóm làng mà không bạch, ăn phi thời, đi giáo giới Tỉ-kheo-ni đến chiều tối. Đó gọi là tội phi thời chứ không phải đúng thời.

Có tội vừa đúng thời, mà vừa phi thời: Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh. Đó gọi là tội vừa đúng thời, vừa phi thời.

Có tội vừa phi thời, vừa không phải phi thời: như phạm tội đúng vào giữa trưa. Đó gọi là tội vừa phi thời, vừa không phải phi thời.

Có tội thuộc ban đêm, không phải ban ngày: Như ngủ cùng một nhà với người nữ, ngủ với người chưa thọ cụ túc quá ba đêm, giáo giới Tỉ-kheo-ni cho đến chiều tối. Đó gọi là tội thuộc ban đêm, không thuộc ban ngày.

Có tội thuộc ban ngày, không thuộc ban đêm: Như ăn riêng chúng, cho đến ăn trái cây không hợp pháp. Đó gọi là tội thuộc ban ngày, không thuộc ban đêm.

Có tội vừa thuộc ban ngày, vừa thuộc ban đêm: Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh. Đó gọi là tội vừa thuộc ban ngày, vừa thuộc ban đêm.

Có tội vừa không thuộc ban ngày, vừa không thuộc ban đêm: Như tội xảy ra lúc rạng đông. Đó gọi là tội vừa không thuộc ban ngày, vừa không thuộc ban đêm.

Có tội [431b] tại chỗ khuất, không phải tại chỗ trống: Như ngủ cùng nhà với người nữ, ngủ với người chưa thọ cụ túc quá ba đêm, trải đồ ở giữa phòng, ngồi ở chỗ người ta dùng hành lạc, ngồi ở chỗ khuất kín. Đó gọi là tội tại chỗ khuất, không phải tại chỗ trống.

Có tội tại chỗ trống, không phải chỗ khuất: Hoặc tự mình, hoặc sai người đem giường nệm của chúng Tăng ra trải ở chỗ trống, mà khi đi không thưa với chúng Tăng, đi chừng hai mươi lăm khuỷu tay, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là tội tại chỗ trống, không phải tại chỗ khuất.

Có tội vừa tại chỗ khuất, vừa tại chỗ trống: Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không ở chỗ khuất, cũng không ở chỗ trống?

- Đó là tội xảy ra ở dưới Thềm nhà.

Thế nào là tội khi đi, không phải khi đứng?

- Tỉ-kheo kết bạn với bọn cướp, cùng với người nữ và Tỉ-kheo-ni hẹn đi chung đường; Tăng, Hòa Thượng, A-xà-lê bảo đừng đi mà cứ đi thì phạm tội. Đó gọi là do đi, không do đứng.

Thế nào là tội khi đứng, không phải khi đi?

- Như đứng ở bên dâm nữ, đứng nơi quán rượu, đứng tại chỗ đánh bạc, đứng bên nhà tù, đứng giữa cửa, rồi được Tăng, Hòa Thượng, A-xà-lê bảo đừng đứng mà cứ đứng, thì phạm tội. Đó gọi là tội do đứng, không phải do đi.

Thế nào là tội vừa do đi, vừa do đứng?

- Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không phải khi đi, không phải khi đứng?

- Như khi ngồi, khi ngủ.

Thế nào là tội do đứng, không phải do ngồi?

- Như đứng bên dâm nữ, rồi được Hòa Thượng, A-xà-lê bảo đừng đứng mà vẫn đứng, thì phạm tội.

Thế nào là tội do ngồi, không phải do đứng?

- Như ngồi trên giường lớn quá cỡ, dùng bông dồi làm nệm, dùng da làm tọa cụ và ngồi bên cạnh dâm nữ, bên quán rượu, bên chỗ đánh bạc, bên cạnh nhà tù, rồi được Tăng, Hòa Thượng, A-xà-lê bảo đừng ngồi mà vẫn ngồi thì phạm tội.

Thế nào là tội vừa do đứng, vừa do ngồi?

- Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không phải do đứng, cũng không phải do ngồi?

- Đó là tội xảy ra khi đi và khi ngủ.

Thế nào là tội khi ngồi, không phải khi ngủ?

- Như ngồi trên giường quá lượng, rồi được Tăng, Hòa Thượng, A-xà-lê bảo đừng ngồi mà cứ ngồi, thì có tội.

Thế nào là tội khi ngủ, không phải khi ngồi?

- Ngủ cùng nhà với phụ nữ, ngủ với người chưa thọ cụ túc quá ba đêm, ngồi giường lớn quá lượng, dùng bông dồi vào nệm để ngồi, dùng da làm tọa cụ.

Thế nào là tội khi ngồi cũng như khi ngủ?

- Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không phải khi ngồi, cũng không phải khi ngủ?

- Như phạm tội khi đi, khi đứng.

Thế nào là phạm tội khi ngủ, không phải khi đi?

- Như ngủ cùng một nhà với phụ nữ, cho đến ngủ trên nệm bằng da.

Thế nào là phạm tội khi đi, không phải khi ngủ?

- Như Tỉ-kheo làm bạn với kẻ cướp, với phụ nữ (cùng đi chung đường), rồi được Hòa Thượng, A-xà-lê bảo đừng đi mà cứ đi, thì phạm tội.

Thế nào là phạm tội khi ngủ cũng như khi đi?

- Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh.

Thế nào là phạm tội không phải khi ngủ, cũng không phải khi đi?

- Như phạm tội khi ngồi, khi đứng.

Thế nào là phạm tội không phải chỗ vắng, cũng không phải chỗ nhiều người?

- Như được khuyên can ở chỗ vắng ba lần mà không bỏ.

Thế nào là phạm tội ở chỗ nhiều người, không phải ở chỗ vắng?

- [431c] Như được khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ.

Thế nào là phạm tội ở chỗ vắng, cũng như ở chỗ nhiều người?

- Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh.

Thế nào là phạm tội không phải chỗ vắng, không phải chỗ nhiều người?

- Như ở giữa chúng Tăng.

Thế nào là phạm tội ở chỗ nhiều người, không phải ở giữa chúng Tăng?

- Như được khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần không bỏ.

Thế nào là phạm tội ở giữa chúng Tăng, không phải ở chỗ nhiều người?

- Như được khuyên can ở giữa chúng Tăng ba lần mà không bỏ.

Thế nào là phạm tội ở chỗ nhiều người cũng như ở giữa chúng Tăng?

- Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không ở chỗ nhiều người, không ở giữa Tăng?

- Như được khuyên can ba lần ở chỗ vắng mà không bỏ.

Thế nào là tội ở giữa Tăng, không phải ở chỗ vắng?

- Như được khuyên ở giữa Tăng ba lần mà không bỏ.

Thế nào là tội ở chỗ vắng, không phải ở giữa Tăng?

- Như được khuyên ở chỗ vắng ba lần mà không bỏ.

Thế nào là tội vừa ở giữa Tăng, vừa ở chỗ vắng?

- Như dùng tay đánh người, huơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không phải ở giữa Tăng, không phải ở chỗ vắng?

- Như được can ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ.

Thế nào là tội thuộc mùa đông, không phải mùa Xuân?

- Tỉ-kheo đến ngày 15 tháng 8 mà không xả y tắm mưa tới ngày 16 mới xả, thì phạm tội Việt-tì-ni.

Thế nào là tội thuộc mùa Xuân, không phải mùa Đông?

- Tỉ-kheo thọ y Ca-thi-na đến ngày 15 tháng chạp thì nên xả, nếu không xả, để đến ngày 16 thì phạm tội Việt-tì-ni.

Thế nào là tội thuộc mùa Đông, cũng thuộc mùa Xuân?

- Như dùng tay đánh người, dơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không thuộc mùa Đông, không thuộc mùa Xuân?

- Như thời gian an cư (tức mùa Hạ)

Thế nào là tội thuộc mùa Xuân, không thuộc mùa Ha ï?

- Tỉ-kheo thọ y Ca-thi-na mà không xả để đến ngày 16 tháng chạp thì phạm tội Việt-tì-ni.

Thế nào là tội thuộc mùa Hạ, không phải mùa Xuân?

- Tỉ-kheo đến ngày 16 tháng tư phải an cư, mà không an cư thì phạm tội Việt-tì-ni; đến hậu an cư cũng không an cư, thì phạm hai tội Việt-tì-ni.

Thế nào là tội thuộc mùa Xuân, cũng thuộc mùa Hạ?

- Như đánh người bằng tay, dơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không thuộc mùa Xuân, không thuộc mùa Hạ?

- Như tội phạm vào mùa Đông.

Thế nào là tội thuộc mùa Hạ, không thuộc mùa Đông?

Vào hai thời an cư mà không an cư, thì phạm hai tội Việt-tì-ni.

Thế nào là tội thuộc mùa Đông, không phải mùa Hạ?

- Đến ngày 15 tháng 8 nên xả y tắm mưa mà không xả, để đến ngày 16 thì phạm tội.

Thế nào là tội thuộc mùa Hạ, cũng thuộc mùa Đông?

- Như dùng tay đánh người, dơ tay dọa đánh.

Thế nào là tội không thuộc mùa Hạ, cũng không thuộc mùa Đông?

- Đó là tội vào mùa Xuân, tức là tội không thuộc vào mùa Hạ, không thuộc mùa Đông.

Lại có tội do không kiềm chế thân, không kiềm chế miệng, không kiềm chế thân miệng; thân phạm, miệng phạm, thân miệng đều phạm; thân làm ác, miệng làm ác, thân miệng đều làm ác. Đó gọi là tội.

Trái lại, vô tội nghĩa là kiềm chế thân, kiềm chế miệng, kiềm chế thân miệng; thân không phạm, miệng không phạm, thân miệng đều không phạm; thân không làm ác, miệng không làm ác, thân miệng không làm ác. Đó gọi là không có tội.

Phật nói với các Tỉ-kheo:

-- Tỉ-kheo giữ luật khi cho người xuất tội, thì có tội cũng biết, [432a], không có tội cũng biết, che giấu cũng biết, không che giấu cũng biết.

CHE GIẤU CŨNG BIẾT.

Tỉ-kheo khi hừng đông phạm tội Tăng già bà thi sa, biết đó là tội, không cố ý che giấu, nhưng đến lúc mặt trời mọc lại cố tình che giấu cho đến hừng đông sáng mai. Đó gọi là che giấu một đêm.

Lại có trường hợp che giấu: Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là có tội, không cố tâm che giấu, nhưng đến giờ ăn lại cố tâm che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là che giấu một đêm. Đến lúc giữa trưa, vào buổi xế, lúc mặt trời lặn, đầu đêm, nửa đêm, cũng như vậy.

Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa biết là có tội mà không cố tâm che giấu, cho đến cuối đêm, vẫn biết là có tội nhưng cố tâm che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là hai thời một đêm che giấu.

Lại có trường hợp che giấu: Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa mà không biết là phạm tội, đến lúc mặt trời mọc mới biết là phạm tội mà không cố tâm che giấu, nhưng đến giờ ăn lại cố tâm che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là một đêm che giấu. Vào giữa trưa, buổi xế, lúc mặt trời lặn và đầu đêm, cũng như vậy.

Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa mà không biết là phạm tội, cho đến nửa đêm mới biết là phạm tội nhưng không cố tâm che giấu, đến cuối đêm lại cố tình che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là ba thời một đêm che giấu.

Lại có trường hợp che giấu: Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa mà không biết là có tội, đến giờ ăn mới biết là có tội nhưng không cố tâm che giấu, đến giữa trưa lại cố tâm che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là che giấu một đêm. Vào buổi xế, lúc mặt trời lặn, đầu đêm cũng như vậy.

Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa, không biết là phạm tội, cho đến giữa đêm biết là có tội, mà không có tâm che giấu, đến cuối đêm lại cố tình che giấu cho đến rạng đông thì gọi là bốn thời một đêm che giấu.

Lại có trường hợp che giấu: Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, nhưng do dự không biết nên che giấu hay không, đến lúc mặt trời mọc quyết tâm che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là che giấu một đêm. Cũng vậy, vào giờ ăn, giữa trưa, buổi xế, lúc mặt trời lặn, đầu đêm, giữa đêm, cho đến cuối đêm quyết tâm che giấu đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là hai thời che giấu một đêm.

Lại có trường hợp che giấu: Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa mà không biết phạm tội, đến lúc mặt trời mọc mới biết là phạm tội, nhưng do dự không biết nên che giấu hay không, tới bữa ăn thì quyết tâm che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là che giấu một đêm. [432b]Cũng vậy, giữa trưa, buổi xế, khi mặt trời lặn, đầu đêm cũng thế.

Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa mà không biết là phạm tội, cho đến nửa đêm mới biết là phạm tội, nhưng do dự không biết nên che giấu hay không, đến cuối đêm mới quyết định che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là ba thời che giấu một đêm.

Lại có trường hợp che giấu: Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa, mà không biết phạm tội, mãi đến giờ ăn mới biết là phạm tội, nhưng do dự không biết nên che giấu hay không, tới giữa trưa mới quyết định che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là che giấu một đêm. Vào buổi xế, lúc mặt trời lặn, đầu đêm, cũng như vậy.

Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa mà không biết là phạm tội, cho tới giữa đêm mới biết là phạm tội, nhưng do dự không biết nên che giấu hay không, đêán cuối đêm mới quyết định che giấu cho tới rạng đông hôm sau. Đó gọi là bốn thời che giấu một đêm.

Lại có trường hợp che giấu: Tỉ-kheo lúc rạng đông phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, đến khi mặt trời mọc lại quyết định không che giấu, cho đến cuối đêm lại quyết tâm che giấu cho tới rạng đông hôm sau. Đó gọi là che giấu một đêm.

Lại có trường hợp che giấu: Tỉ-kheo phạm tội Tăng già bà thi sa, rồi lại ở cách vách, cách hào, ở chỗ tối nói nhỏ, xưng tên một Tỉ-kheo mỗ giáp khác phạm tội Tăng già bà thi sa. Đó không gọi là phát lồ, vì biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là che giấu.

Trường hợp không che giấu: Nếu ở chỗ ngăn cách, hoặc cách hào, ở chỗ tối nói nhỏ, tự xưng tên của người khác phạm tội Tăng già bà thi sa, thì được gọi là phát lồ, nhưng xảo trá, phạm tội Việt-tì-ni.

Lại có trường hợp không che giấu: Tỉ-kheo phạm tội Tăng già bà thi sa, không ở chỗ cách vách, cách hào, chỗ tối, không nói nhỏ, không xưng tên người khác mà tự xưng tên mình phạm tội. Đó gọi là không che giấu.

Lại có trường hợp không che giấu: Không phải tội mà tưởng là tội, sinh nghi, nghi không biết nên che giấu hay không, nghi đêm (?). Nếu phát lồ thì gọi là không che giấu.

Lại có trường hợp không che giấu: Không cố tâm che giấu, chưa phát lồ được, rồi hoặc quên, hoặc bỏ đạo, hoặc nhập định, hoặc mệnh chung. Đó gọi là không che giấu.

Phật nói với các Tỉ-kheo:

- Tỉ-kheo giữ luật khi cho ai xuất tội, thì có tội nên biết, không có tội nên biết, che giấu nên biết, không che giấu nên biết, phát lồ nên biết, không phát lồ nên biết; hoặc là che giấu không phát lồ, hoặc là phát lồ không che giấu, hoặc là vừa che giấu vừa phát lồ, hoặc là không che giấu cũng không phát lồ đều nên biết.

Thế nào là che giấu không phát lồ?

- Tỉ-kheo phạm tội Việt-tì-ni, biết là phạm tội mà cố tâm che giấu [432c] không nói với người khác. Đó gọi là che giấu không phát lồ.

Thế nào là phát lồ, không che giấu?

- Tỉ-kheo phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội mà không cố tâm che giấu, nói với người khác. Đó gọi là phát lồ, không che giấu.

Thế nào gọi là vừa che giấu, vừa phát lồ?

- Tỉ-kheo phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, định che giấu, nhưng sau đó nói với người khác. Đó gọi là vừa che giấu, vừa phát lồ.

Thế nào là vừa không che giấu, vừa không phát lo?

- Tỉ-kheo phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, không cố tâm che giấu, suy nghĩ: "Đợi đúng lúc, đúng chỗ, đúng người ta sẽ sám hối đúng pháp". Đó gọi là vừa không che giấu vừa không phát lồ.

PHÁP BIỆT TRỤ.

Phật bảo các Tỉ-kheo:

- Tỉ-kheo giữ luật khi cho ai xuất tội, thì có tội phải biết, không có tội phải biết, che giấu phải biết, không che giấu phải biết, phát lồ phải biết, không phát lồ phải biết, nên cho Biệt trụ phải biết, không nên cho Biệt trụ phải biết".

Thế nào là không nên cho Biệt trụ?

- Không có tội thì không nên cho; không che giấu, không nên cho; tội không quyết định, che giấu không quyết định, đêm không quyết định, đương sự không yêu cầu, không đòi hỏi, thì không nên cho Biệt trụ.

Thế nào là nên cho Biệt trụ?

- Có tội thì nên cho; che giấu thì nên cho; chắc chắn có tội, chắc chắn che giấu, chắc chắn qua đêm, đương sự có yêu cầu thì nên cho.

Cho Biệt trụ không đúng pháp, cho Biệt trụ đúng pháp.

Thế nào là cho Biệt trụ không đúng pháp?

- Tội không chắc chắn, che giấu không chắc chắn, đêm không chắc chắn, đương sự không yêu cầu, không đòi hỏi, chúng Tăng không thành tựu, tác bạch không thành tựu, yết-ma không thành tựu. Đó gọi là cho Biệt trụ không đúng pháp.

Thế nào là cho biệt trụ đúng pháp?

- Có tội, tội chắc chắn, chắc chắn che giấu, chắc chắn trải qua đêm, đương sự có yêu cầu, chúng Tăng thành tựu, tác bạch thành tựu, yết-ma thành tựu. Nếu mỗi thứ đều thành tựu, đó gọi là cho Biệt trụ đúng pháp.

Hành Ba-lợi-bà-sa không đúng pháp, hành Ba-lợi-bà-sa đúng pháp.

Thế nào là hành Ba-lợi-bà-sa không đúng pháp?

- Tại chùa không có Tỉ-kheo, nửa chừng phạm tội bị phát giác, cùng ở chung với Tỉ-kheo khác đồng phòng, đồng có ngăn cách, Tỉ-kheo khách đến không bạch, Tăng tập họp đúng thời, phi thời không bạch. Đó gọi là hành Ba-lợi-bà-sa không đúng pháp.

Thế nào là hành Ba-lợi-bà-sa đúng pháp?

- Tại chùa có Tỉ-kheo đang sống, trong thời gian hành Ba-lợi-bà-sa không tái phạm, không bị cử tội, ở phòng riêng, ngăn cách riêng với Tỉ-kheo khác, khi Tỉ-kheo khách đến có bạch, khi Tăng tập họp đúng thời hay phi thời đều bạch. Đó gọi là hành Ba-lợi-bà-sa đúng pháp.

Đêm không gián đoạn, đêm có gián đoạn.

Thế nào là đêm không gián đoạn?

- Trong chùa có Tỉ-kheo đang ở, cho đến khi Tăng tập họp đúng thời, phi thời đều có bạch. Đó gọi là đêm không gián đoạn.

Thế nào là đêm có gián đoạn?

- Trong chùa không có Tỉ-kheo ở, cho đến khi Tăng tập họp đúng thời, phi thời đều không bạch. Đó gọi là [433a]ø đêm có gián đoạn.

Ngoài ra còn có nửa chừng phạm tội, nửa chừng không phạm tội.

Thế nào gọi là nửa chừng phạm tội?

- Sau khi phát lồ, Tăng chưa cho hành Ba-lợi-bà-sa, bèn phạm lại, hành Ba-lợi-bà-sa nửa chừng rồi tái phạm. Đó gọi là nửa chừng phạm tội.

Thế nào gọi là nửa chừng không phạm tội? -Trong khoảng thời gian ấy không tái phạm. Đó gọi là nửa chừng không phạm tội.

Tỉ-kheo hành Ba-lợi-bà-sa nên tùy thuận hành bảy việc sau đây: 1) Việc thuộc Tỉ-kheo; 2) Việc thuộc Tỉ-kheo-ni; 3) Việc thuộc quyến thuộc; 4) Việc vào làng xóm; 5) Làm việc nhọc trong chúng; 6) Việc nhận người khác lễ bái; 7) Việc vương gia.

1/ Thế nào là việc thuộc Tỉ-kheo?

- Không được nhận sự lễ bái của Tỉ-kheo; không được nói tội của Tỉ-kheo; không được bàn luận với Tỉ-kheo; không được nói tội của Sa-di; không được thưởng phạt Sa-di; không được bàn luận với Sa-di; không được làm sứ giả cho Tỉ-kheo; không được đi trước sau cùng hàng với Tỉ-kheo vào thôn xóm; khi Tăng chúng tập họp không được thay mặt cho chúng thuyết pháp, trừ khi sống một mình. Đó gọi là việc thuộc Tỉ-kheo.

2/ Thế nào là việc thuộc Tỉ-kheo-ni?

- Không được nhận sự lễ bái của Tỉ-kheo-ni; không được nói tội của Tỉ-kheo-ni; không được bàn luận với Tỉ-kheo-ni; không được nói tội của Thức-xoa-ma-ni, Sa-di-ni; không được Thưởng phạt Thức-xoa-ma-ni, Sa-di-ni; không được luận bàn với Thức-xoa-ma-ni, Sa-di-ni; không được ngăn Tỉ-kheo-ni Bố-tát tự tứ; không được chận Tỉ-kheo-ni đứng ngoài cổng; không được đến dạy bảo Tỉ-kheo-ni, dù trước đó Tăng đã sai cũng không được đến. Đó gọi là việc thuộc Tỉ-kheo-ni.

3/ Thế nào là việc thuộc về quyến thuộc?

- Không được độ người, không được cho người thọ cụ túc, không được nhận sự nương tựa của người khác và nuôi Sa-di, không được nhận sự cung cấp của Tỉ-kheo, không được đưa kinh cho người khác, không được theo người khác nhận những bản kinh, khi tụng kinh phải tụng nhỏ tiếng. Nếu trước đó đã có đệ tử nên bảo họ nương tựa người khác, phải cắt đứt sự thân thiết. Đó gọi là việc thuộc về quyến thuộc.

4/ Thế nào là việc đi vào xóm làng?

- Không được đi vào xóm làng quá sớm, trở về quá trễ, không được đi trước hay sau trong hàng ngũ của Sa-môn vào xóm làng, không được đến nhà đàn việt quen biết, không được ở những ngôi già-lam không có Tăng, khi ngồi, khi ăn đều ở dưới Tỉ-kheo, không được sai người đi đón Thức ăn, không được cùng người đi đón Thức ăn, trừ khi đến phiên mình. Đó gọi là việc vào xóm làng.

5/ Thế nào là làm những việc nhọc trong chúng?

- Sáng sớm thức dậy quét Tháp, viện, phòng Tăng, đem nước đến cho Tăng, rửa ráy chỗ đại tiểu tiện của Tăng. Tất cả những việc có thể làm được như thế phải tùy sức mà làm. Không được gởi dục, không được nhận sự gởi dục của người khác, trừ khi đến phiên mình. Đó gọi là làm những việc nhọc trong chúng.

6/ Thế nào là nhận sự lễ bái?

- [433b] Không được nhận tất cả sự lễ bái; bạch nhất yết-ma, bạch tam yết-ma đều không được nhận. Đó gọi là nhận sự lễ bái.

7/ Thế nào là việc thuộc nhà vua?

- Không được ỷ thế lực của vua, đại thần, cư sĩ, kẻ hung ác; không được chê Phật, chê pháp, chê Tăng, chê người làm yết-ma; chỉ tự trách mình, không được chê người khác. Đó gọi là việc thuộc nhà vua.

Tỉ-kheo hành Ba-lợi-bà-sa phải chấp hành bảy việc này. Đó gọi là tùy thuận hành. Nếu không làm thì gọi là không tùy thuận chấp hành.

PHÁP MA-NA-ĐỎA.

Ngoài ra, có các việc: không nên cho Ma-na-đỏa, nên cho Ma-na-đỏa.

Thế nào là không nên cho ma-na-đỏa?

- Không có tội thì không nên cho; che giấu mà chưa cho pháp Biệt trụ thì không nên cho; một nửa che giấu, một nửa không che giấu thì không nên cho; tội chưa quyết định, che giấu chưa quyết định, đêm chưa quyết định, thì không nên cho; Ba-lợi-bà-sa chưa quyết định thì không nên cho. Đương sự không đòi hỏi, không yêu cầu thì không nên cho Ma-na-đỏa.

Thế nào là nên cho Ma-na-đỏa?

- Có tội, che giấu, hành Ba-lợi-bà-sa xong; tội quyết định, che giấu quyết định, đêm quyết định, Ba-lợi-bà-sa quyết định, đương sự có yêu cầu thì nên cho Ma-na-đỏa. Nhưng cho có hai trường hợp cho không đúng pháp và cho đúng pháp.

Thế nào là cho không đúng pháp?

- Không có tội, cho đến đương sự không yêu cầu, không đòi hỏi; chúng không thành tựu, bạch không thành tựu, yết-ma không thành tựu. Nếu mỗi một việc nào không thành tựu thì gọi là cho không đúng pháp.

Thế nào là cho đúng pháp?

- Có tội, cho đến đương sự có yêu cầu đòi hỏi, chúng thành tựu, bạch thành tựu, yết-ma thành tựu, mỗi thứ đều thành tựu. Đó gọi là cho đúng pháp.

Hành Ma-na-đỏa không rốt ráo và hành Ma-na-đỏa rốt ráo.

Thế nào là hành Ma-na-đỏa không rốt ráo?

- Tăng chúng không đủ số thì không gọi là hành Ma-na-đỏa; nửa chừng tái phạm bị phát hiện; cùng ở với Tỉ-kheo trong một phòng, một chỗ có che chắn; không bạch với Tỉ-kheo khách; khi Tăng tập họp đúng thời hay phi thời không bạch; hằng ngày không bạch với chúng tăng trong cương giới. Đó gọi là thi hành Ma-na-đỏa không rốt ráo.

Thế nào là hành Ma-na-đỏa rốt ráo?

- Chúng Tăng đủ số; nửa chừng không tái phạm, không bị cử tội; không ở với Tỉ-kheo khác cùng một phòng, một chỗ có che chắn; Tỉ-kheo khách đến có bạch; khi Tăng tập họp đúng thời hay phi thời có bạch; hằng ngày có bạch với Tăng trong cương giới. Đó gọi là hành Ma-na-đỏa rốt ráo.

Đêm (6 đêm Ma-na-đỏa) bị dở dang, đêm không bị dở dang.

Thế nào là đêm bị dở dang?

- Trong khoảng 6 đêm Ma-na-đỏa chúng Tăng không đủ số, cho đến hằng ngày không bạch với Tăng trong cương giới. Đó gọi là 6 đêm Ma-na-đỏa bị dở dang.

Thế nào là 6 đêm Ma-na-đỏa không dở dang?

- Trong khoảng 6 đêm Ma-na-đỏa chúng Tăng đủ số, cho đến hằng ngày có bạch với Tăng trong cương giới. Đó gọi là đêm Ma-na-đỏa không dở dang.

Nửa chừng phạm tội, nửa chừng không phạm tội.

Thế nào là nửa chừng phạm tội?

- Trong khoảng thời gian chưa cho pháp Ma-na-đỏa mà phạm tội; trong lúc cho Ma-na-đỏa rồi, phạm tội; trong khoảng thời gian gần xong, phạm tội. Đó gọi là nửa chừng phạm tội.

Thế nào là nửa chừng không phạm tội?

- Không có các việc kể trên, đó gọi là nửa chừng không phạm tội.

Tỉ-kheo hành Ma-na-đỏa [433c] phải tùy thuận chấp hành 7 việc như trên đã nói. Đó gọi là Ma-na-đỏa. Tỉ-kheo phải tùy thuận chấp hành, nếu không chấp hành thì gọi là không tùy thuận hành.

PHÁP XUẤT TỘI.

Có trường hợp không nên cho xuất tội, có trường hợp nên cho xuất tội.

Trường hợp không nên cho:

- Không có tội thì không nên cho; che giấu, chưa cho pháp Biệt trụ thì không nên cho; hành Ma-na-đỏa chưa xong thì không nên cho; chưa hành Ma-na-đỏa thì không nên cho; vừa che giấu, vừa không che giấu thì không nên cho; tội chưa quyết định, che giấu không quyết định, đêm không quyết định, biệt trụ không quyết định, Ma-na-đỏa không quyết định, đương sự không yêu cầu, không đòi hỏi, thì không nên cho xuất tội.

Trường hợp nên cho:

- Có tội thì nên cho; che giấu tội thì nên cho hành biệt trú, và khi hành Ma-na-đỏa xong thì nên cho; không che giấu, hành Ma-na-đỏa xong, thì nên cho; tội quyết định, che giấu quyết định, đêm quyết định, biệt trú quyết định, Ma-na-đỏa quyết định và đương sự có yêu cầu, thì nên cho xuất tội.

Cho xuất tội đúng pháp, cho xuất tội không đúng pháp.

Cho xuất tội không đúng pháp:

- Không có tội, không nên cho, cho đến chúng không thành tựu, bạch không thành tựu, yết-ma không thành tựu. Nếu mỗi một thứ không thành tựu thì đó gọi là cho xuất tội không đúng pháp.

Cho xuất tội đúng pháp:

- Có tội, trường hợp nên cho, cho đến chúng thành tựu, bạch thành tựu, yết-ma thành tựu. Nếu mỗi mỗi việc đều thành tựu thì đó gọi là cho xuất tội đúng pháp.

Trường hợp cùng che giấu:

- Tỉ-kheo vào ngày Mồng một trong tháng phạm một tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội mà không cố tâm che giấu, cũng thế, đến ngày Mồng hai, Mồng ba cho đến Mồng mười, tất cả đều biết là có tội, rồi cố tâm che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Đó là mười tội. Tất cả các tội ấy đều có cùng một đêm che giấu, nên làm mười lần yết-ma Biệt trụ, mười lần xuất tội; nhưng cũng được làm một lần yết-ma Biệt trụ, một lần Ma-na-đỏa, một lần xuất tội. Đó gọi là cùng chung che giấu.

Lại có trường hợp cùng chung che giấu:

Tỉ-kheo, ngày Mồng một trong tháng phạm một tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội mà không cố tâm che giấu, cũng thế, ngày Mồng hai phạm hai tội, ngày Mồng ba phạm ba tội, cho đến ngày Mồng Mười phạm mười tội Tăng già bà thi sa. Tất cả đều biết là phạm tội và đều cố tâm che giấu tất cả cho đến rạng đông hôm sau. Đó gọi là 55 tội Tăng già bà thi sa. Tất cả đều có một đêm che giấu, nên làm 55 lần yết-ma biệt trụ, 55 lần Ma-na-đỏa, 55 lần xuất tội; nhưng cũng được làm một lần yết-ma Biệt trụ, một lần Ma-na-đỏa, một lần xuất tội. Đó gọi là cùng chung che giấu.

Lại có trường hợp cùng chung che giấu:

- Tỉ-kheo ngày Mồng một trong tháng phạm một tội Tăng già bà thi sa, không biết [434a] là phạm tội, cũng thế, ngày Mồng hai, ngày Mồng ba cho đến ngày Mồng mười, tất cả đều biết là phạm tội, và cố tâm che giấu tất cả đến rạng đông hôm sau. Đó là mười tội cùng chung một đêm che giấu, cho đến... cũng được làm yết-ma Biệt trụ một lần, Ma-na-đỏa một lần, xuất tội một lần. Đó gọi là cùng chung che giấu.

Lại có trường hợp cùng chung che giấu:

Tỉ-kheo ngày Mồng một trong tháng, phạm một tội Tăng già bà thi sa, không biết là phạm tội, không có tâm che giấu, cho đến ngày Mồng mười phạm mười tội Tăng già bà thi sa, tất cả đều biết là phạm tội, cố tâm che giấu cho đến rạng đông hôm sau. Trong 55 tội ấy đều có cùng một đêm che giấu, cho đến... cũng có thể làm yết-ma Biệt trụ một lần, Ma-na-đỏa một lần, xuất tội một lần. Đó gọi là cùng chung che giấu.

Trường hợp che giấu sai khác:

- Tỉ-kheo vào ngày mồng một trong tháng phạm một tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, tới ngày thứ hai đến nói với người khác, rồi lại phạm tội Tăng già bà thi sa, cho đến ngày thứ mười tới nói với người khác rồi lại phạm tội và biết là phạm tội, nhưng cố tâm che giấu cho đến ngày 11 mới nói với người khác. Như vậy, trong mười tội Tăng già bà thi sa ấy tất cả đều có một đêm che giấu sai khác, nên làm mười lần yết-ma Biệt trụ, mười lần Ma-na-đỏa, mười lần xuất tội; nhưng cũng có thể làm một lần yết-ma Biệt trụ, một lần Ma-na-đỏa, một lần xuất tội. Đó gọi là che giấu sai khác.

Lại có trường hợp che giấu sai khác: Tỉ-kheo vào ngày Mồng một trong tháng phạm một tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, đến ngày Mồng hai nói với người khác, rồi lại phạm tội như vậy, cho đến ngày mười phạm mười tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, đến ngày 11 tới nói với người khác. Trong 55 tội Tăng già bà thi sa này tất cả đều có một đêm che giấu sai khác, nên làm 55 lần yết-ma Biệt trụ, 55 lần Ma-na-đỏa, 55 lần xuất tội; nhưng cũng có thể làm một lần yết-ma Biệt trụ, một lần Ma-na-đỏa, một lần xuất tội. Đó gọi là trường hợp che giấu sai khác.

Trường hợp che giấu vô lượng:

Hoặc nhớ tội, không nhớ số đêm; hoặc nhớ số đêm, không nhớ tội; hoặc vừa nhớ tội, vừa nhớ số đêm; hoặc không nhớ tội cũng không nhớ số đêm.

1/ Nhớ tội, không nhớ số đêm: Nhớ biết có phạm tội nhiều hay ít, nhưng không nhớ là mấy đêm.

2/ Nhớ số đêm, không nhớ tội: Nhớ biết bao nhiêu đêm, nhưng không nhớ tội nhiều hay ít.

3/ Vừa nhớ tội, vừa nhớ số đêm: Nhớ biết số tội nhiều hay ít, đồng thời cũng nhớ bao nhiêu đêm.

4/ Không nhớ tội, cũng không nhớ số đêm: Không nhớ phạm tội nhiều hay ít, cũng không nhớ là bao nhiêu đêm.

Trong trường hợp nhớ tội mà không nhớ số đêm này, nên hỏi:

- Ông phạm tội khi nào, [433b] từ lúc chưa có tuổi (hạ) phải không?

Nếu đương sự im lặng, thì tùy theo năm (thọ giới) mà cho pháp Biệt trụ.

- Nếu đáp: "Không phải vậy", thì hỏi tiếp: "Một tuổi chăng? Hai tuổi chăng? Năm tuổi chăng?". Nên tùy theo họ im lặng ở khoảng nào mà cho pháp Biệt trụ ở khoảng đó. Đó là trường hợp nhớ tội mà không nhớ số đêm.

Trong trường hợp nhớ số đêm mà không nhớ tội thì tùy theo đêm nhiều ít mà cho pháp Biệt trụ vô lượng tội. Đó gọi là nhớ đêm mà không nhớ tội.

Trong trường hợp vừa nhớ tội vừa nhớ đêm thì khi đã nhớ tội nhiều hay ít, tùy theo nhớ đêm bao nhiêu mà cho pháp Biệt trụ. Đó gọi là vừa nhớ tội, vừa nhớ đêm.

Trong trường hợp không nhớ tội cũng không nhớ đêm, thì nên hỏi: "Ông phạm tội khi chưa có tuổi (hạ) phải không?".

Nếu im lặng, thì tùy theo số năm mà cho pháp Biệt trụ vô lượng tội.

Nếu đáp: "Không phải vậy", thì hỏi tiếp: "Từ lúc chưa có tuổi hạ phải không? hay một tuổi, hai, ba, bốn, năm tuổi?".

Tùy theo họ im lặng ở chỗ nào thì cho pháp Biệt trụ vô lượng tội ở chỗ đó. Đó gọi là che giấu vô lượng.

Cùng chung che giấu, che giấu sai khác, che giấu vô lượng, ba loại này đều gọi là che giấu.

Che giấu riêng:

Tỉ-kheo ngày Mồng một trong tháng phạm một tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, không nói với người khác, ngày thứ hai lại phạm, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, không nói với người khác, cho đến ngày thứ mười lại phạm, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, không nói với người khác. Mười tội này mỗi tội đều che giấu riêng, nhưng tội cuối cùng chỉ có một đêm che giấu, như vậy hai đêm, ba đêm tính ngược lên đến tội đầu tiên thành mười đêm che giấu, do vậy nên làm mười pháp yết-ma Biệt trụ, mười Ma-na-đỏa, mười lần xuất tội; nhưng cũng có thể làm một lần Biệt trụ, một lần Ma-na-đỏa, một lần xuất tội.

Lại có trường hợp che giấu riêng: Tỉ-kheo ngày Mồng một trong tháng phạm một tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, không nói với người khác, cho đến ngày thứ mười phạm mười tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, không nói với người khác. Trong 55 tội này mỗi tội đều che giấu riêng, nhưng tội cuối cùng chỉ che giấu có một đêm, như vậy hai đêm, ba đêm, tính ngược lên đến tội đầu tiên thành ra 55 đêm che giấu, do đó, nên cho pháp yết-ma Biệt trụ 55 đêm, 55 Ma-na-đỏa, 55 lần xuất tội; nhưng cũng có thể cho một pháp Biệt trụ, một Ma-na-đỏa, một lần xuất tội. Đó gọi là che giấu riêng.

Hai loại cùng che giấu, che giấu riêng này đều gọi là che giấu.

Tỉ-xá-già-cước:

Hoặc là tội dài không phải đêm dài; hoặc đêm dài không phải tội dài; hoặc tội dài, đêm cũng dài; hoặc không phải tội dài cũng không phải đêm dài.

1/ Có trường hợp tội dài, không phải đêm dài: Tỉ-kheo suốt ngày phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, đến nói với người khác. Đó gọi là tội dài, không phải đêm dài.

2/ Có trường hợp đêm dài, [434c] không phải tội dài: Tỉ-kheo phạm một tội Tăng già bà thi sa, biết là phạm tội, cố tâm che giấu, không đến nói với người khác. Đó gọi là đêm dài, không phải tội dài.

3/ Có trường hợp tội dài, đêm cũng dài: Tỉ-kheo hằng ngày đều phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là có tội, nhưng che giấu một nửa, phát lồ một nửa. Đó gọi là tội dài, đêm cũng dài.

4/ Có trường hợp không phải tội dài cũng không phải đêm dài: Tỉ-kheo phạm tội Tăng già bà thi sa, biết là có tội, không cố tâm che giấu, đến nói với người khác, rồi không phạm nữa. Đó gọi là không phải tội dài cũng không phải đêm dài.

Ở đây hai trường hợp tội dài đêm không dài và tội dài đêm cũng dài thì khi hành Ba-lợi-bà-sa nên cho ăn ít mà bắt làm việc nhiều, nếu cố tình không chấm dứt, thì nên bảo tịnh nhân cột tay chân, đặt trên giường, rồi nói: "Nếu còn tái phạm thì Tăng sẽ trị tội ông nặng hơn nữa". Đó gọi là Tỉ-xá-già-cước.

Hoặc có trường hợp tội hợp, không phải đêm hợp; hoặc có trường hợp đêm hợp, không phải tội hợp; hoặc có trường hợp tội hợp mà đêm cũng hợp; hoặc có trường hợp không phải tội hợp cũng không phải đêm hợp:

1/ Tội hợp, không phải đêm hợp: Tỉ-kheo phạm mười tội Tăng già bà thi sa, tất cả đều che giấu mười đêm. Tăng gom lại làm yết-ma cho một trăm đêm Biệt trụ.

Tỉ-kheo liền thưa: "Thưa trưởng lão, tôi bị bệnh hoạn ốm yếu không thể kham nổi, có thể cho hành tóm lược pháp Ba-lợi-bà-sa được không?". Tăng nên nói: "Được", rồi làm yết-ma gom một trăm đêm Biệt trụ thành mười đêm Biệt trụ. Đó gọi là tội hợp, không phải đêm hợp.

2/ Đêm hợp, không phải tội hợp: Tỉ-kheo phạm mười tội Tăng già bà thi sa, tất cả đều che giấu mười đêm. Tăng gom lại cho mười đêm Biệt trụ. Tỉ-kheo bèn thưa: "Thưa trưởng lão, tôi thấy xấu hổ, muốn hành Ba-lợi bà-sa đầy đủ". Tăng nên nói: "Được". Đó gọi là đêm hợp, không phải tội hợp.

3/ Tội hợp, đêm cũng hợp: Tỉ-kheo phạm mười tội Tăng già bà thi sa, tất cả đều che giấu mười đêm. Tăng gom lại cho mười đêm Biệt trụ. Đó gọi là tội hợp, đêm cũng hợp.

4/ Không phải tội hợp, cũng không phải đêm hợp: (Như trường hợp trên) nhưng tất cả đều làm yết-ma cho pháp ba-lợi-bà-sa riêng. Đó gọi là không phải tội hợp, cũng không phải đêm hợp.

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ hai mươi lăm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]