Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Thứ Nhất

16/07/201114:32(Xem: 9513)
Quyển Thứ Nhất

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đổng Minh

Quyển Thứ Nhất

1. GIỚI: DÂM DỤC

[{227a}] GIỚI THỨ NHẤT CỦA BỐN BALADI]

Nếu thiện nam tử có lòng tin thuần thành, muốn được năm việc lợi ích, phải giữ gìn trọn vẹn Luật này. Thế nào là năm việc lợi ích?

1. Nếu thiện nam tử muốn xây dựng Phật pháp, phải giữ gìn trọn vẹn Luật này.

2. Nếu muốn chánh pháp được tồn tại lâu dài, phải giữ gìn trọn vẹn Luật này.

3. Nếu muốn khỏi nghi ngờ, hối hận, khỏi thưa hỏi người khác, phải giữ gìn trọn vẹn Luật này.

4. Vì để làm chỗ nương tựa cho những Tỳkheo, Tỳkheo ni do phạm tội mà sinh lo sợ, nên phải giữ gìn trọn vẹn Luật này.

5. Vì muốn du hóa mọi nơi mà không bị chướng ngại, nên phải giữ gìn trọn vẹn Luật này.

Đó gọi là thiện nam tử có lòng tin thuần thành nhờ giữ gìn Luật này mà được năm việc lợi ích.

Nếu muốn giữ trọn vẹn
Oai nghi do Phật chế
Thành tựu năm công đức
Phải nghe Thế Tôn dạy.
Người giữ gìn Luật này
Khéo nghe rõ ý nghĩa
Nếu giữ được trọn vẹn
Giới Luật của đức Phật
Là xây dựng Phật pháp
Chính danh chân Phật tử.
Phật pháp được lâu dài,
Chánh pháp được truyền bá
Chẳng nghi ngờ điều chi
Khỏi phải hỏi kẻ khác.
Tỳkheo, Tỳkheo ni
Phạm tội có chỗ dựa
Đi du hóa phương nào
Đều không gặp chướng ngại.

Đức Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác từ lúc phát tâm tu tập cho đến nay đã thành tựu, vì muốn độ người nên an trú tại thành Xá vệ. Chư Thiên, nhân loại cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán, danh vang khắp mười phương, xem ngài như bậc tối thắng trong các bậc đáng cúng dường. Chúng sinh nào cầu phước đức, ngài ban cho phước đức. Chúng sinh nào cầu kết quả, ngài ban cho kết quả. Chúng sinh nào khổ não ngài làm cho an ổn. Ngài vì Chư thiên, nhân loại mà mở cửa cam lồ. Thế nên, 16 nước lớn không nước nào là không phục tùng. Những ai chính mình thấy biết cách an trú của Phật thì đều hiểu rằng đó là cách an trú (227b) của chư Thiên, là cách an trú của Phạm thiên, là cách an trú của hiền thánh, là cách an trú cao cả nhất, là cách an trú với trí tuệ tuyệt vời, được tự tại, tùy ý mà an trú. Do đó, đức Như Lai an trú tại thành Xá Vệ.

Lúc bấy giờ tôn giả Xá Lợi Phất đang ngồi kiết già nhập định một mình tại nơi thanh vắng, sau khi xuất định liền suy nghĩ rằng: "Vì nhân duyên gì mà sau khi chư Phật diệt độ, giáo pháp không tồn tại lâu dài? Và vì nhân duyên gì mà sau khi chư Phật diệt độ, giáo pháp được tồn tại lâu dài?". Thế rồi vào lúc xế chiều, sau khi xuất định, tôn giả Xá Lợi Phất đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên. Ngồi xong, tôn giả bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Con ngồi nhập định tại một nơi thanh vắng sau khi xuất định, con suy nghĩ rằng vì nhân duyên gì mà chư Phật sau khi diệt độ, giáo pháp không tồn tại lâu dài? Vì nhân duyên gì mà sau khi chư Phật diệt độ, giáo pháp được tồn tại lâu dài?"

Khi ấy Phật bảo Xá Lợi Phất: "Này Xá Lợi Phất! Có những đức Như Lai không nói rộng cho các đệ tử các Kinh như: "Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Già Đà, Ưu Đà Na. Như Thị Ngữ, Bản Sinh, Phương Quảng, Vị Tằng Hữu. Này Xá Lợi Phất! Có những đức Như Lai không chế giới cho các Thanh Văn, không quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa (giới). Do đó, sau khi đức Như Lai diệt độ giáo pháp không tồn tại lâu dài.

Này Xá Lợi Phất! Ví như thợ làm hoa và đệ tử đem các thứ hoa có nhiều màu sắc để trên bàn, mà không dùng chỉ xâu lại, nếu có gió từ bốn phương thổi đến, thì hoa sẽ bay tứ tán. Vì sao thế? Vì không dùng chỉ xâu lại. Cũng vậy, này Xá Lợi Phất, đức Như Lai nào không nói rộng 9 bộ Kinh cho các đệ tử, không chế giới cho Thanh Văn, không quy định tụng Ba la đề mộc xoa, thì sau khi đức Như Lai diệt độ giáo pháp không tồn tại lâu dài. Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai nào nói rộng 9 bộ Kinh cho các đệ tử, chế giới cho Thanh Văn, quy định tụng Ba la đề mộc xoa, thì sau khi đức Như Lai diệt độ, giáo pháp tồn tại lâu dài. Này Xá Lợi Phất! Ví như thợ làm hoa và đệ tử đem các thứ hoa có nhiều màu sắc dùng chỉ xâu lại, thì dù có gió từ bốn phương thổi đến cũng không bay tứ tán. Vì sao vậy? Vì đã có chỉ xâu, cũng vậy, này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai nào nói rộng 9 bộ Kinh, chế giới cho Thanh Văn, quy định tụng Ba la đề mộc xoa, thì sau khi đức Như Lai diệt độ, giáo pháp sẽ tồn tại lâu dài. Này Xá Lợi Phất! Vì các nhân duyên ấy mà giáo pháp hoặc tồn tại lâu dài, hoặc không tồn tại lâu dài".

Khi ấy, tôn giả Xá Lợi Phất bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Kính xin Thế Tôn nói rộng 9 bộ Kinh, khéo chế giới cho Thanh Văn, quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa, (227c)để cho giáo pháp tồn tại lâu dài. Thế Tôn hãy vì Chư Thiên, nhân loại mà mở cửa cam lồ".

Lúc bấy giờ Phật bảo Xá Lợi Phất: "Nếu chưa có nhân duyên lầm lỗi thì Như Lai chưa chế giới cho đệ tử và chưa quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa. Này Xá Lợi Phất! Ví như Chuyển Luân Thánh Vương chưa đặt ra hình phạt, nếu như Bà la môn, cư sĩ chưa phạm phải lỗi lầm. Cũng vậy, này Xá Lợi Phất! Như Lai cũng thế, nếu chưa có nhân duyên lầm lỗi thì Như Lai chưa chế giới cho đệ tử, chưa quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa. Nhưng này Xá Lợi Phất! Trong tương lai có những thiện nam tử có lòng tin chân chánh đối với Phật pháp, đã bỏ nhà xuất gia, nhưng có người vì tâm loạn điên đảo, khởi lên tịnh tưởng (Tưởng lầm sắc đẹp là trong sạch), do ba độc mãnh liệt mà phạm các tội lỗi. Này Xá Lợi Phất! Chỉ khi ấy, Như Lai mới chế giới cho các dệ tử và quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa. Hãy thôi đi Xá Lợi Phất, Như Lai tự biết lúc nào cần phải làm gì".

Xá Lợi Phất bạch: "Thưa vâng! Bạch Thế Tôn, con hiểu đức Như Lai biết lúc nào cần phải làm gì".

Bấy giờ Xá Lợi Phất
Chắp tay bày vai áo
Tùy đấng chuyển pháp luân.
Thỉnh cầu pháp tối thắng
Cung thỉnh đức Thế Tôn
Nay thực là đúng lúc
Xin vì các đệ tử
Mà chế định Luật nghi.
Để giáo pháp của Phật
Được tồn tại mãi mãi.
Mong mở cửa cam lồ
Khai hóa cả nhân thiên.
Bậc trụ thân tối hậu
Đã thưa thỉnh như vậy.
Bấy giờ Thế Tôn dạy:
- Tôn giả Xá Lợi Phất,
Đệ tử chưa có tội
Tăng chúng đều thanh tịnh
Chư Phật chưa bao giờ
Chưa lỗi mà chế giới.
Ví như Chuyển Luân Vương
Cai trị toàn thế giới
Khi người chưa có lỗi
Mà đặt ra hình phạt.
Đây cũng ví như thế
Phật là thầy trời người
Nếu đệ tử chưa lỗi
Thì chưa chế giới luật.
Khi có người phạm tội
Lầm lỗi đã phát sinh
Thì bậc thầy, trời, người,
Mới chế ra luật nghi.
Quá khứ như vị lai
Mắt Phật đâu chẳng thấy.
Tùy theo việc nặng nhẹ
Mà chế giới nặng nhẹ.
{228a} Pháp này được tuyên thuyết
Tại ngôi rừng Kỳ Hoàn
Xá Lợi Phất cung thỉnh
Thế Tôn dạy như vậy.

Khi ấy các Tỳkheo bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Vì sao các Tỳkheo chưa có lỗi lầm mà tôn giả Xá Lợi Phất lại cung thỉnh Thế Tôn chế giới, quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa?".

Phật dạy các Tỳkheo: "Xá Lợi Phất không những ngày nay chưa có lỗi lầm xảy ra lại thỉnh cầu ta chế giới mà xưa kia, tại một thôn xóm nơi một thành ấp nọ, nhân dân cư sĩ chưa có lỗi lầm mà ông cũng thỉnh cầu Ta chế ra các hình phạt".

Các Tỳkheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, chẳng lẽ ngày xưa đã từng có việc như thế sao?".

Phật dạy: "Đúng như thế".

Các Tỳkheo lại bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn vui lòng kể lại, chúng con muốn nghe".

Phật dạy các Tỳkheo: "Trong thời quá khứ có một thành tên Ba la nại, nước tên Ca thi, vị quốc vương trị vì, lúc bấy giờ hiệu là Đại Danh Xưng, dùng pháp cai trị, không có kẻ thù oán, bố thí, giữ giới, thương yêu dân chúng, nhiếp phục quyến thuộc, trong nước nhân dân đông đúc, giàu có, an vui, thôn ấp xóm làng gà bay gặp nhau. Nhân dân cả nước đều thương kính nhau, dùng đủ thứ nghệ thuật để cùng chung hưởng lạc. Khi ấy, có vị đại thần tên là Đào Lợi, có nhiều mưu kế, suy nghĩ như sau: "Ngày nay tại vương quốc này tự nhiên giàu có mà nhân dân đông đúc, thành ấp xóm làng, gà bay gặp nhau. Nhân dân cả nước đều thương kính nhau, dùng đủ thứ nghệ thuật để cùng nhau hưởng lạc".

Rồi vị đại thần ấy đến tâu với quốc vương rằng: "Ngày nay đất nước này tự nhiên giàu có, nhân dân đông đúc, thành ấp xóm làng gà bay gặp nhau. Nhân dân cả nước đều thương kính nhau, dùng đủ thứ nghệ thuật để cùng nhau hưởng lạc".

Lúc bấy giờ, vị đại thần ấy đến tâu với Quốc Vương rằng: "Ngày nay đất nước này tự nhiên giàu có, nhân dân đông đúc, thành ấp xóm làng gà bay gặp nhau. Nhân dân cả nước đều thương kính nhau, dùng đủ thứ nghệ thuật để cùng nhau hưởng lạc, xin đại vương ngay lúc này hãy chế ra hình phạt, chớ để vui quá mà sinh ra những lỗi lầm".

Vua nói: "Thôi thôi, lời đề nghị ấy không thể được. Vì sao thế? - Vì lỗi lầm chưa phát sinh mà chế ra hình phạt làm chi".

Vị đại thần lại tâu với vua: "Nên đề phòng việc chưa xảy ra, chớ để vui quá mà sinh ra lỗi lầm".

Khi ấy nhà vua suy nghĩ: "Vị đại thần này thông minh, mưu trí, có nhiều bè đảng, không thể kềm chế ngay được, giờ đây nếu ta khiển trách thì y sẽ nảy sinh oán hận". Thế rồi, để bảo ban tế nhị vị đại thần, nhà vua liền nói kệ như sau:

"Người thế lực dễ sân,
Khó mà khiển trách liền.
Dễ khiến họ phạm lỗi
Việc này thật không thể.
Đại nhân giàu lòng từ
Người trí có lỗi thật
{228b} Còn phải xem xét lại,
Thương xót khi trừng phạt.
Người ác làm phiền người
Không xét kỹ lỗi họ
Mà gia tăng hình phạt
Tổn mình tiếng ác tăng
Như vua ưa phẫn nộ,
Hại oan gia lương thiện.
Tiếng ác đồn bốn phương
Khi chết rơi đường ác.
Đem chánh pháp dạy dân
Thân miệng ý thanh tịnh
Nhẫn nhục tu tứ đẳng
Mới là vua muôn dân.
Vua đứng trên mọi người
Phải kềm chế phẫn nộ
Thương yêu kẻ có tội
Tha thứ giảm hình phạt".

Khi vị đại thần nghe vua nói, cảm thấy hoan hỷ, liền đọc kệ:

"Đại vương Bậc tối thắng
Xin mãi che chở dân.
Nhẫn nhục tự điều phục
Kẻ oán sẽ cảm ân.
Đức của vua bủa khắp
Cơ nghiệp vững muôn đời
Dùng đạo trị thiên hạ
Thường làm vua người trời".

Rồi đức Phật bảo các Tỳkheo: "Quốc vương Danh Xưng lúc ấy đâu phải ai khác mà chính là ta đây, và đại thần Đào Lợi là Xá Lợi Phất vậy. Khi ấy các trưởng giả cư sĩ ở các thành ấp xóm làng chưa có lỗi lầm gì mà ông xin Ta chế định hình phạt. Ngày nay các Tỳkheo cũng chưa có lỗi lầm gì mà ông lại xin ta vì các đệ tử chế ra giới luật và quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa".

Sau khi đức Thế Tôn an trú thoải mái tại thành Xá Vệ, liền cùng với 500 đại Tỳkheo vây quanh trước sau du hành trong nhân gian đến nước Kiều Tát La, xóm Canh Điền Bà la môn, khi đến nơi, liền an trú tại rừng Canh Điền. Rồi vào lúc xế chiều, đức Thế Tôn xuất định, quan sát trên dưới, xung quanh bốn phía, nhìn khoảng đất bằng phẳng trước mặt vừa mỉm cười, vừa đi kinh hành.

Bấy giờ, Xá lợi Phất thấy Thế Tôn sau khi xuất định, quan sát trên dưới khắp nơi, nhìn khoảnh đất trước mặt bằng phẳng vừa mỉm cười vừa đi kinh hành. Thấy vậy, tôn giả liến đến chỗ các Tỳkheo, nói với các thầy: "Các vị trưởng lão! Vừa rồi tôi thấy đức Thế Tôn, sau khi xuất định, quan sát khắp nơi... đi kinh hành lui tới. Này các trưởng lão! Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri không khi nào không có lý do {228c} mà lại mỉm cười. Nếu đến thưa hỏi, ắt hẳn chúng ta sẽ nghe Phật dạy về những việc tiền kiếp xa xưa. Ngày nay chúng ta hãy đến thưa hỏi Thế Tôn về ý nghĩa ấy, xem Phật dạy thế nào, chúng ta sẽ phụng hành".

Các Tỳkheo nghe Xá Lợi Phất nói thế, liền cùng Xá Lợi Phất đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đoạn cùng Phật đi kinh hành. Thế rồi, tôn giả Xá Lợi Phất bạch với Phật: "Vừa rồi, con thấy Thế Tôn sau khi xuất định, quan sát bốn phương... đi kinh hành lui tới, con liền đến chỗ các Tỳkheo, nói với các Tỳkheo như sau: "Này các trưởng lão! Vừa rồi tôi thấy Thế Tôn sau khi xuất định, quan sát bốn phương... đi kinh hành lui tới. Này các trưởng lão! Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri không khi nào vô cớ mà lại mỉm cười. Nếu chúng ta đến thưa hỏi, ắt sẽ nghe Thế Tôn nói về những việc tiền kiếp xa xưa. Ngày nay chúng ta phải đến thưa hỏi Thế Tôn về ý nghĩa ấy, xem Phật dạy thế nào, rồi chúng ta sẽ phụng hành". Bạch Thế Tôn, chẳng hay vì nhân duyên gì mà Thế Tôn lại mỉm cười?"

Bấy giờ đức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng, chỉ xuống đất nói với Xá Lợi Phất: "Ông thấy khoảnh đất này chăng?"

Xá Lợi Phất thưa: "Thưa vâng Thế Tôn, con đã thấy".

Phật dạy: "Khoảnh đất này là khu vườn xưa kia của đức Phật Ca Diếp, còn chỗ kia là tinh xá của ngài, nơi kia là chỗ đi kinh hành, và chỗ nọ là nơi ngồi thiền".

Khi ấy, tôn giả Xá Lợi Phất liền lấy y Tăng già lê xếp lại làm tư, rồi đặt vào chỗ đất ấy. Đặt xong, trần vai phải, quỳ gối phải trên đất, chắp tay bạch Phật: "Kính mong Thế Tôn ngồi lên tòa này, để cho khoảnh đất này thành ra hai chỗ ngồi của hai đức Phật".

Đức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu, liền ngồi lên đó. Tôn giả Xá Lợi Phất đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu việc lợi ích mà đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì đệ tử chế ra giới luật và quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa?".

Phật bảo Xá Lợi Phất: "Có 10 việc lợi ích nên chư Phật Như Lai vì đệ tử chế giới, quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa. Mười việc lợi ích đó là:

1.- Vì nhiếp phục Tăng chúng.
2.- Vì nhằm triệt để nhiếp phục Tăng chúng.
3.- Vì muốn cho Tăng chúng an lạc.
4.- Vì để nhiếp phục những người không biết hổ thẹn.
5.- Vì để cho những người biết hổ thẹn cư trú yên ổn.
6.- Vì để cho những người không tin khiến họ tin tưởng.
7.- Vì để cho những người đã tin tăng thêm lòng tin.
8.- Vì muốn dứt hết pháp lậu hoặc ngay trong hiện tại.
9. - Vì để cho những lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi.
10.- Vì muốn cho chánh pháp được tồn tại lâu dài.

Chính vì muốn dùng 10 việc lợi ích này để mở cửa cam lồ cho chư Thiên và nhân {229a} loại, mà đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri chế giới cho các đệ tử, quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa".

Bấy giờ Xá Lợi Phất
Trịch vai phải chắp tay
Tùy thuận chuyển pháp luân
Thưa hỏi đức Tối thắng.
Vị thọ thân cuối cùng
Chắp tay thưa hỏi xong
Bấy giờ đức tối thắng
Nói với Xá Lợi Phất:
- Có mười thứ công đức
Mà Như Lai đã biết
Nên chế ra giới luật
Cho tất cả đệ tử.
Nhiếp tăng, nhiếp triệt để
Khiến tăng trú an lạc
Chiết phục kẻ vô sỉ
Người hổ thẹn yên ổn
Người không tin khiến tin
Người đã tin, tin hơn.
Hiện tại hết lậu hoặc
Lậu chưa sinh, không sinh.
Chánh pháp tồn tại mãi,
Mở cánh cửa cam lồ
Chánh pháp này được thuyết
Ở tại rừng Canh Điền.
Xá Lợi Phất thưa hỏi,
Thế Tôn đáp như vậy.

Sau khi đức Thế Tôn an trú thoải mái tại xóm Canh Điền thuộc nước Kiều Tát La, liền từ đây đi đến nước Bạt Kỳ. Thế Tôn cùng 500 Tỳkheo, sau khi đến nước Bạt Kỳ, thành Tỳ Xá Ly, liền an trú tại một tinh xá có lầu gác trong rừng rậm.

Lúc bấy giờ tại thành Tỳ Xá Ly, nhân dân đói khổ, ngũ cốc thiếu thốn, xương trắng đầy đường, khất thực khó khăn. Tại thành Tỳ Xá Ly này có một người con trai của trưởng giả tên Da Xá, có lòng tin, bỏ nhà xuất gia. Vì thân phụ ông tên Ca Lan Đà, nên các người tu hành đều gọi ông là Ca Lan Đà con.

Lúc ấy bị mất mùa, khất thực khó khăn, nên mỗi khi đến giờ ăn, ông thường về nhà thọ trai. Người mẹ nói với Da Xá: "Này con, con thật quá khổ, cạo bỏ râu tóc, khoác mặc áo xấu, cầm bát đi xin ăn, bị người đời chê cười. Ngày nay trong nhà ta còn tài sản rất nhiều, tiền của cha mẹ con và những của báu của tổ tiên, nay giao hết cho con, con muốn làm gì thì làm. Hơn nữa người vợ yêu của con nay vẫn còn đó, đang cùng sống với gia đình, vậy mà con phải cam chịu những lao khổ như thế làm gì! Con nên về nhà hưởng thú vui ngũ dục, tha hồ bố thí cúng dường Tam bảo gieo trồng các công đức".

Bấy giờ Da Xá thưa với Mẹ rằng: "Xin mẹ hãy thôi đi, con chỉ thích tu phạm hạnh mà thôi". Mẹ ông lại khuyên đến lần thứ hai thứ ba như lần đầu, và Da Xá cũng trả lời như trước. Người mẹ lại bảo một lần nữa:{229b}"Nếu con không thích sống ở nhà thì phải lưu lại giòng giống của nhà ta để nối dõi tông đường, đừng để cho nhà cửa bị tuyệt diệt, của cải bị sung công".

Lúc ấy, Dá Xa thưa với mẹ: "Nếu mẹ muốn con lưu lại giòng giống thì con xin vâng lời".

Mẹ ông rất hoan hỷ, lập tức vào phòng vợ ông, nói với người vợ mới cưới ấy: "Con hãy sửa soạn gấp, mặc những y phục gì mà trước kia Da Xá thích nhất để ra gặp nó".

Người vợ đáp: "Xin vâng", liền trang điểm như mẹ chồng dạy.

Bấy giờ Da Xá cùng với vợ mình giao hoan, như người thế tục. Người vợ liền thọ thai, đủ tháng bèn sinh con. Gia đình cùng bàn bạc: "Trước kia nhân xin để lại giòng giống, vì thế, giờ đây nên đặt tên đứa bé là Tục Chủng. Bởi vậy người đời bấy giờ đều gọi nó là Tục Chủng, người cha cũng gọi Tục Chủng, mẹ cũng gọi Tục Chủng, tổ tiên Tục Chủng kể cả tiền của cũng đều gọi là Tục Chủng. Vì thế mà tiếng xấu truyền đi khắp, kẻ đạo người tục đều nghe tiếng.

Khi ấy Da Xá nghe tiếng xấu loan truyền rằng con mình là Tục Chủng nên rất hổ thẹn về những điều nghe được, liền suy nghĩ: "Trong các Samôn dòng họ Thích chưa từng nghe việc như thế bao giờ. Điều đó đúng pháp hay phi pháp. Nay ta nên đem việc này thưa rõ với tôn giả Xá Lợi Phất, để Xá Lợi Phất đem việc này bạch đầy đủ lên Thế Tôn, tùy Thế Tôn dạy như thế nào, ta sẽ phụng hành". Thế rồi, Da xá lập tức đi đến chỗ tôn giả Xá Lợi Phất, nói rõ việc trên.

Tôn giả Xá Lợi Phất liền cùng với Da Xá đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên. Ngồi xong, tôn giả Xá Lợi Phất đem việc trên thưa đầy đủ với Thế Tôn.

Bấy giờ Phật hỏi Da Xá: "Ông quả thật có làm việc ấy chăng?"

Da Xá đáp: "Thực có! Bạch Thế Tôn".

Phật nói: "Thế là Da Xá đã phạm lỗi nặng. Trong các Tỳkheo tăng chưa có việc ấy. Ông là kẻ ngu si, đầu tiên mở cánh cửa phạm trọng tội, chưa có lậu hoặc mà khởi lên lậu hoặc. Thiên Ma Ba Tuần thường tìm đến chỗ yếu kém của Tỳkheo mà chưa có cơ hội. Nay ông là người đầu tiên mở ra con đường ngắn của ác ma. Nay ông đã phá hủy cây cờ chính pháp mà dựng lên cây cờ của Ma Ba Tuần. Ông là kẻ ngu si, thà dùng dao bén cắt đứt thân sinh (dương vật), hoặc là để vào trong miệng rắn độc, hoặc để trong miệng chó dại, hoặc để trên ngọn lửa dữ, hoặc để trên lò than hồng, chớ không nên cùng giao hoan với phụ nữ. Này Da Xá, ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện để chê trách sự dâm dục hay sao? Nào là dục tức say mê, dục là lửa dữ đốt hết gốc thiện của người, dục là họa lớn. Ta lại dùng vô số phương tiện ca ngợi ly dục, đoạn dục, vượt qua dục. Nay vì sao ông làm điều bất thiện như thế hỡi Da Xá? Điều đó là phi pháp, phi luật, chẳng phải lời Phật dạy, không thể dùng nó để nuôi lớn thiện pháp".{229c}.

Khi ấy các Tỳkheo bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, vì sao trong chúng tăng chưa có lậu hoặc mà Tỳkheo Da Xá này lại khởi lên lậu hoặc, đầu tiên mở ra cửa tội lỗi?"

Phật dạy các Tỳkheo: "Người này không phải chỉ có ngày nay, trong lúc giáo pháp của ta chưa có lậu hoặc mà khởi lên lậu hoặc đâu".

Các Tỳkheo bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, trong quá khứ ông ta đã từng có việc như thế chăng?"

Phật bảo: "Đúng thế".

Các Tỳkheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, chúng con mong được nghe".

Phật nói với các Tỳkheo: "Trong thời quá khứ, lúc thế giới này đã đến giai đoạn kết thúc, các chúng sinh đều lên cõi trời Quang Âm, nên quả đất này được hình thành. Rồi các chúng sinh từ cõi trời Quang Âm trở lại cõi này. Lúc đó, thân của các chúng sinh ấy đều có ánh sáng đẹp, có thần túc tự tại, lấy niềm vui thiền định làm thức ăn, các vật cần thiết (muốn chi có nấy). Ánh sáng của các chúng sinh ấy chiếu qua lẫn nhau, không có mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cũng không có ngày đêm, cũng không tính một tháng, nửa tháng. hay một năm bốn mùa gì hết. Khi ấy, quả đất này, chất đất tự nhiên có mùi vị, màu sắc, hương thơm, ngọt ngon đủ cả, chẳng khác gì vị cam lồ trên cõi trời. Bấy giờ, có một chúng sinh khinh suất, thô tháo, ham muốn, liền nếm thử vị đất, thấy có mùi thơm, dần dần lấy dùng, liền sinh tâm đắm trước. Các chúng sinh khác thấy việc như thế, lần hồi bắt chước, tranh nhau lấy ăn. Lúc chúng sinh ăn vị đất rồi, thân thể nặng nề, ánh sáng liền mất, say đắm ngũ dục, mất tiêu thần túc, vì thế mà thế giới có mặt trời, mặt trăng, tinh tú, tối sáng, nửa tháng, một tháng, xuân, hạ, thu, đông".

Phật lại bảo các Tỳkheo: "Chúng sinh khinh suất, thô tháo ấy chẳng ai xa lạ, mà chính là Tỳkheo Da Xá đó. Lúc ấy chúng sinh chưa có lậu hoặc mà Da Xá khởi lên lậu hoặc đầu tiên. Ngày nay lại ở trong Tăng chúng thanh tịnh mà đầu tiên mở cửa lậu hoặc".

Các Tỳkheo liền bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, Tỳkheo Da Xá này từ trước đến nay đều như thế sao? Vì lẽ gì mẹ ông lại khéo bày phương tiện, dùng sự dâm dục để dụ dỗ, lừa dối con mình?"

Phật bảo với các Tỳkheo: "Không những ngày nay mẹ Da Xá khéo bày phương tiện để dụ dỗ lừa dối con mình, mà trong quá khứ cũng đã dụ dỗ, lừa dối".

Các Tỳkheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, đã từng có như thế sao?".

Phật nói: "Đúng thế".

Các Tỳkheo liền bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, chúng con muốn được nghe".

Phật bảo với các Tỳkheo: "Vào thời quá khứ có một kinh thành tên Ba la Nại, nước tên Ca Thi. Bấy giờ có vua hiệu là Đại Danh Xưng, xa lìa mọi oán thù, bố thí, giữ giới, yêu thương người vật, dùng {230a} chánh pháp cai trị, khéo nhiếp phục quyến thuộc. Một hôm, đệ nhất phu nhân của vua vào lúc sáng sớm, lên lầu cao để xem tinh tú, bỗng thấy một con nai chúa sắc vàng, từ phương Nam đi qua trên hư không và đi xuống phương Bắc. Phu nhân thấy rồi, liền suy nghĩ: "Nếu ta được tấm da của con nai vàng này dùng làm nệm thì không còn gì ân hận nữa, nhược bằng không được thì còn làm đệ nhất phu nhân mà làm chi?". Liền tự nhủ, nếu ta nói với người khác là thấy một con nai chúa sắc vàng thì ai mà tin được. Lại nghĩ như sau: "Nếu bảo là nai thì không thể đi trên hư không; còn nếu bảo đi trên hư không thì không thể nói là nai. Thế rồi, phu nhân buồn rầu, sợ không ai tin, liền cởi bỏ ngọc anh lạc, mặc y phục xấu xí đi vào phòng ưu sầu.

Bấy giờ, vua giải quyết xong công việc triều chính, liền từ cung điện trở về phòng riêng, không thấy đệ nhất phu nhân, liền hỏi người hầu, người hầu đáp: "Phu nhân vừa mới vào nghỉ trong phòng Ưu não". Vua liền đến đó, hỏi phu nhân: "Ai xúc phạm ái khanh thế? Đại thần hay vương tử? Hay các phu nhân và kẻ hầu nào khác? Nếu kẻ nào xúc phạm ái khanh, trẫm sẽ vì ái khanh mà nghiêm trị bọn họ. Nay khanh còn cần thứ gì nữa không? Nếu thích vàng bạc, trân bảo hương hoa anh lạc, trẫm sẽ cung cấp; hoặc muốn trừng phạt ai thì hãy nói. Vua hỏi đủ điều như thế, nhưng phu nhân không trả lời. Vua liền đi ra nói với các phu nhân khác, kể cả đại thần, thái tử và mọi người: "Các khanh hãy đến hỏi xem ý phu nhân thế nào". Mọi người vâng lời, cùng đến hỏi phu nhân đủ điều, nhưng phu nhân vẫn im lặng không trả lời. Vua bèn sai người hầu gái kỳ cựu đến hỏi phu nhân một lần nữa. Vì người hầu này sinh trưởng trong cung vua, có nhiều kinhnghiệm liền đi vào phòng hỏi phu nhân: "Vua là chỗ nương tựa của phu nhân mà sao vua hỏi phu nhân lại im lặng không đáp? Nếu phu nhân có yêu cầu điều chi thì có lý do gì mà không được. Ai xúc phạm phu nhân? Đại thần, vương tử hay các phu nhân khác? Nếu phu nhân muốn trừng trị kẻ nào hãy tâu với đại vương, chứ phu nhân im lặng, oán hận, chẳng thiệt thòi lắm sao? Nếu phu nhân rủi có chết, thời đại vương cũng không thể chết theo, mà âu sầu là cùng. Trong những ngày tháng ấy, trong nước sẽ có các vị Sát Đế Lợi, Bà la môn, trưởng giả, cư sĩ, những ai có con gái đẹp, đoan trang (ắt sẽ đem đến dâng vua), vua sẽ cùng họ hưởng thú hoan lạc, liền quên hết ưu sầu. Rốt cuộc, phu nhân sẽ chết vô ích mà thôi. Nếu phu nhân không nói, có khác nào người câm nằm mộng trong lúc ngủ, ai mà thấy được".

Lúc ấy, phu nhân nghe lời nói của bọn thanh y (người hầu), liền tự suy nghĩ: "Đây quả là lời nói chí lý", liền nói với bọn thanh y: "Không ai xúc phạm ta cả". Ta nhớ một chuyện mà khó nói quá, các ngươi hãy nghe ta nói: "Một buổi sáng sớm gần đây, ta lên lầu xem tinh tú, khi ấy ta thấy một con nai chúa sắc vàng, từ phương Nam {230b} đi đến trên hư không sang phương Bắc. Nếu ta bảo với kẻ khác rằng con nai đi trên hư không thì ai tin. Ta muốn được tấm da của nó để làm nệm mà không được, do thế mà ưu sầu tự nghĩ: "Làm phu nhân của vua mà làm gì!".

Khi nghe xong những lời ấy, các thanh y liền đến tâu với nhà vua. Vua biết được ý của phu nhân nên rất đỗi vui mừng, liền hỏi những kẻ bề tôi bên cạnh: "Ai có thể lấy được tấm da của con nai vàng ấy? Nay ta cần nó để dùng làm tấm nệm". Các quan đáp: "Đại vương nên hỏi các thợ săn". Vua liền bảo các quan hãy truyền lệnh cho tất cả thợ săn trong nước ta, phải tập trung hết về đây, như lời bài kệ:

"Chư Thiên tùy niệm cảm
Vua chúa ban lệnh truyền
Người giàu cậy của cải
Kẻ nghèo cậy sức lực".

Sau khi lệnh vua ban truyền như thế, tất cả thợ săn trong nước đều tập trung về hết, rồi tâu với vua: "Chẳng hay đại vương truyềndạy điều chi?". Vua bảo các thợ săn: "Nay ta đang cần gấp tấm da của con nai vàng để làm chiếc nệm, các khanh hãy vì ta mà gấp rút tìm kiếm nó". Các thợ săn liền tâu vua: "Xin đại vương hãy cho chúng thần về trong ít lâu để chúng thần cùng bàn việc này". Vua nói: "Trẫm chấp thuận". Đoạn các thợ săn trở về cùng nhau bàn bạc: "Các vị săn bắn lâu nay có ai đã từng nghe thấy con nai sắc vàng chưa nhỉ?". Họ trả lời nhau: "Tổ tiên của chúng tôi từ xưa đến nay thường đi săn bắn, mà chưa từng nghe tên con nai sắc vàng, chứ đừng nói là chính mắt trông thấy". Thế rồi các thợ săn cùng nhau lập ước: "Nay chúng ta đến trả lời đại vương, đừng để có những ý kiến bất đồng". Do vậy, khi đến yết kiến vua, mỗi người đều tâu: "Tổ tiên chúng tôi từ xưa đến nay kế thừa nghề săn bắn, mà chưa từng nghe ai nói đến tên con nai sắc vàng, chứ đừng nói chính mắt thấy nó". Rồi nói kệ:

"Vua có quyền tự do
Cầu chi muốn được nấy".

Vua bèn ra lệnh quan hữu ty bắt các thợ săn giam vào ngục.

Bấy giờ có một thợ săn tên là San Xà, sức lực mạnh mẽ, đuổi kịp loài thú, khi bắn chim bay, bách phát bách trúng. Y suy nghĩ rằng: Bọn thợ săn chúng ta vô tội mà bị giam trong ngục, ta phải nghĩ kế gì để thoát khỏi nỗi khổ này. Vậy ta phải tâu vua, xin vua cho đi tìm nai. Nếu tìm được thì tốt, bằng không tìm được ta sẽ giải thoát các bạn bè ra khỏi nhà giam. Nghĩ thế, y liền tâu với vua: "Tâu đại vương, đã có người nào nghe hay thấy con nai sắc vàng chưa?".

Vua nói với người thợ săn: "Ngươi có thể đến hỏi phu nhân". Đoạn, người thợ săn liền đến vương cung hỏi phu nhân: "Thưa phu nhân! Đã có ai thấy hay nghe con nai sắc vàng chăng?".

Phu nhân đáp: "Chính ta đích thân thấy nó".

Người thợ săn hỏi: "Thấy nó ở đâu?"

Phu nhân đáp: {230c }"Vào lúc tờ mờ sáng, ta lên lầu xem tinh tú, bỗng thấy một con nai chúa sắc vàng từ phương Nam, đi qua trên hư không rồi xuống phía Bắc".

Người thợ săn này vốn lành nghề xem tướng cầm thú, nên biết con nai vàng chúa ấy hiện cư trú ở phương Nam, nhưng đi kiếm ăn phương Bắc. Nơi nó cư trú hoàn toàn không thể biết được, phải đến chỗ nó kiếm ăn tìm cách bắt nó mà thôi. Thế rồi, người thợ săn cầm lấy cung tên, đi lần về phương Bắc, đến Tuyết Sơn.

Bấy giờ trong núi ấy có một vị tiên nhân cư trú, xung quanh nơi ấy, có suối chảy, ao hồ và hoa trái sum xuê. Ở đây vị tiên nhân áp dụng hai phương pháp để trừ lòng tham dục: Một là khổ hạnh. Hai là nhàn cư.

Bấy giờ người thợ săn giấu các dụng cụ săn bắn, ăn mặc giả người thường, đến chỗ vị tiên nhân, lễ bái thưa hỏi. Vị tiên nhân này ở trong hốc núi lâu ngày, ít khi gặp ai, nên lúc thợ săn đến thăm, rất đổi vui mừng, bèn mời ngồi, rồi đem quả ngọt, nước ngọt ra thiết đãi ân cần. Người thợ săn liền nói: "Tôn giả ở nơi này đã lâu hay mới đây?"

Tiên nhân đáp: "Từ lúc đến đây tới nay đã trải qua thời gian như thế..."

Thợ săn lại hỏi tiên nhân: "Từ ngày tôn giả đến đây tới nay đã từng thấy có việc gì khác thường chăng?"

Tiên nhân đáp: "Đã từng thấy".

Thợ săn lại hỏi: "Thế, tôn giả thấy chuyện gì?".

Tiên nhân đáp: "Ở phía nam núi này có một cây Ni câu luật, thường có một con nai chúa sắc vàng, bay đến trên cây, ăn lá cây ấy no nê rồi bay đi".

Người thợ săn nghe thế, rất đỗi vui mừng, liền suy nghĩ: "Chắc có lẽ đó là con nai chúa sắc vàng mà phu nhân đã thấy. Ngày nay ta được nghe việc này, thế là nguyện vọng ta sắp thành tựu rồi, bèn nói giả lả sang chuyện khác, chợt hỏi: "Đường đến cây Ni câu luật ở hướng nào?".

Tiên nhân liền trả lời: "Từ đây ra đi, ở khoảng giữa có đoạn đường cong.v.v..."đâu đó nói rõ ràng .

Chàng thợ săn nghe xong, vui mừng, chúc lành rồi ra đi, trở về chỗ cất dụng cụ săn bắn, cầm lấy, rồi thẳng đường đi tới đó. Từ xa, anh trông thấy cây ấy cành lá thưa thớt, nhưng bóng râm che khuất khá rộng. Anh ta đến bên cây, tìm kiếm nai chúa, nhưng không thấy tung tích và chỗ ăn của nó đâu cả. Anh liền ngồi núp dưới cây, lặng lẽ theo dõi. Theo dõi không lâu, anh bỗng thấy con nai chúa giống như con nhạn chúa, từ hư không bay đến, đậu lên trên cây, màu sắc ngời sáng, chiếu rõ hang núi, ăn lá no nê, rồi về phương Nam. Đoạn anh suy nghĩ: "Cây này cao vút, không thể dùng lưới bủa hay cung tên bắn tới được, biết làm thế nào để bắt nó? Nay ta hãy trở về thành Ba la nại, nơi đây có nhiều vị đại thần, vương tử thông minh, trí tuệ, ta hãy vấn kế họ".

Thế rồi, anh trở lại cung đình, tâu với nhà vua: "Tâu đại vương! Đúng như phu nhân thấy, nhưng chỗ con nai trú, không thể dùng lưới bủa hay cung tên bắn tới, không có cách nào bắt được nó".

Vua bảo người thợ săn: "Ngươi hãy đến thưa rõ với phu nhân".

Thợ săn liền đến thưa phu nhân: "Tôi đã thấy con nai chúa sắc vàng, nhưng {231a} không thể dùng lưới bủa hay cung tên bắn tới, không biết làm sao để bắt được nó".

Phu nhân hỏi: "Chỗ ở của con nai ấy tại nơi nào?"

Đáp: "Nó ở trên cây Ni câu luật, ăn lá cây no, rồi trở về phương Nam". Liền nói kệ:

"Sát lợi trăm phương tiện
Bà la môn gấp bội
Vua có nghìn mưu kế
Phụ nữ kế vô lượng".

Phu nhân của vua có nhiều mưu kế như thế nên bảo thợ săn: "Ngươi mang mật đến cây ấy, rồi leo lên bôi vào lá cây. Con nai nghe mùi thơm của mật, sẽ ăn lá cây, ăn hết chỗ ấy, ngươi sẽ bôi lần đến chỗ bủa lưới".

Thợ săn theo lời chỉ bảo, vào lại trong núi, mang mật lên cây, bôi vào lá cây. Con nai ấy bay đến, cứ theo lá cây có mật mà ăn, chỗ nào không có mật bôi thì nai không ăn, chỗ nào có mật thì lần lượt ăn tới, như bài kệ nói:

"Dã thú tin mũi mình
Phạm Chí tin sách tướng
Vua chúa cậy hữu ty
Ai có niềm tin nấy".

Con nai ấy cứ theo mùi thơm mà ăn lá cây, lần lần xuống đến chỗ giăng lưới. Thợ săn suy nghĩ: "Nếu ta giết nó lấy da thì chưa thật là quý, ta phải bắt sống đem về mới được". Thế rồi, thợ săn bắt nai nhốt vào củi, đem đi ngang qua chỗ của vị tiên nhân. Vị tiên nhân từ xa trông thấy, thất kinh than rằng: "Ôi, tai họa thảm khốc! Dù có thể bay trên hư không mà không thể thoát khỏi tay kẻ ác này". Liền hỏi tên thợ săn ác độc: "Ông dùng nó để làm gì?".

Thợ săn đáp: "Vị đệ nhất phu nhân của nước Ca Thi cần da để làm một tấm nệm".

Tiên nhân lại hỏi: "Con nai này sau khi chết màu sắc như thế nào ông có biết không? Vì bên trong còn sinh khí nên màu sắc của nó mới như thế, bắt sống nó đem về ông mới được thưởng".

Lại nói tiếp: "Ông dùng phương pháp nào mà bắt được nó?"

Thợ săn đáp: "Tôi dùng phương pháp như thế mà bắt được nó".

Bấy giờ, tiên nhân tự lấy làm mừng vì mình đã khéo sống ẩn dật, nên mới không phạm những điều ác đó, nghĩ thương phu nhân đã khéo dùng phương tiện ác độc và đau xót cho con nai chúa, vì tham mùi vị mà bị khốn khổ.Thế rồi, tiên nhân đọc bài kệ:

"Ác nhất trên đời này
Không gì hơn tham vị
Nó mê hoặc phàm phu.
Và dã thú trong rừng.
Do tham trước hương vị
Mà phải chịu khổ não".

Lúc ấy, thợ săn hỏi tiên nhân: "Tôi phải dùng phương tiện gì để nuôi dưỡng con nai này hầu đem về đến trong nước mà vẫn còn sống?"

{231b} Tiên nhân đáp: "Lấy mật bôi lên lá cây dùng để nuôi nó, và khi về đến kinh thành, lấy mật hòa với lương khô mà nuôi dưỡng nó". Đoạn thợ săn lần hồi đi ngang qua nhân gian mà trở về nước. Con nai này thân hình thon thả dung sắc như vàng ròng, sừng trắng như ngọc, mắt màu da cam, tất cả những người trông thấy, không ai không cho là tuyệt đẹp.

Khi thợ săn đem nai về gần đến thành Ba la nại, vua nghe nai đã về, liền ra lệnh trong thành sửa sang đường sá, quét dọn, đốt hương, dộng chuông, đánh trống để đón tiếp nai chúa. Người đi xem đông như mây tụ, không ai là không hoan hỷ, chúc mừng nhà vua đã được điềm lành. Từ phương xa đến, lúc phu nhân trông thấy, vui mừng khấp khởi, không thể kềm chế được, liền tới ôm choàng lấy nai chúa.Cũng vì trước đây tâm của phu nhân yêu thích, đắm trước quá nặng, nên sắc vàng của nai chúa biến mất. Vua nói với phu nhân: "Sắc vàng của nai chúa bỗng nhiên biến mất, biết làm sao đây?".

Phu nhân trả lời nhà vua: "Con nai này giờ đây trở thành vật vô dụng, vậy nên thả nó đi".

Bấy giờ Phật nói với các Tỳkheo: "Con nai chúa sắc vàng thuở ấy đâu phải ai khác, mà chính là Tỳkheo Da Xá ngày nay, và phu nhân trước kia là mẹ của Da Xá hôm nay. Từ xưa đến nay bà đã dùng nhiều phương tiện để quyến rũ con mình khiến sinh ra đắm trước, phải chịu nhiều khổ não". Rồi Phật bảo các Tỳkheo: "Những Tỳkheo nào cư trú tại thành Tỳ Xá ly hãy bảo họ tập trung về cả đây".

Khi đó, Thế Tôn nhân sự việc ấy hướng đến các Tỳkheo nói rộng những nhân duyên khiến sinh ra các lỗi lầm, khiển trách những người đã tạo ra lỗi lầm, rồi tùy thuận thuyết pháp cho các Tỳkheo .

Thế Tôn dạy: "Vì mười việc lợi ích mà Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri chế giới cho các đệ tử, quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa. Về mười việc lợi ích như trên kia đã nói rõ. Vì lẽ đó mà Như Lai từ nay trở đi phải chế giới cho các Tỳkheo, để cho những ai chưa nghe, khiến được nghe, những ai nghe rồi nên nghe lại:

- Nếu Tỳkheo nào đã thọ giới giữa chúng tăng hòa hợp mà hành dâm, thì Tỳkheo ấy phạm tội Ba la di, không được sống chung (với chúng tăng).

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Tỳ Xá Ly (nói rộng như trên), lúc ấy tại thành Tỳ Xá Ly có hai người con giòng họ Ly Xa, thuộc gia đình có niềm tin, bỏ nhà xuất gia. Vì ở thành Tỳ Xá Ly này ai cũng biết các ông, nên được cúng dường bốn thứ đầy đủ. Khi đến giờ khất thực, các Tỳkheo này khoác y cầm bát vào xóm làng trong thành khất thực, vì không nhiếp phục thân, miệng, ý, không giữ niệm hiện tiền và không nhiếp phục các căn, nên tâm ý tán loạn, nhiễm trước sắc dục, cho sắc dục là sạch sẽ, lòng dục mãnh liệt, liền suy nghĩ: "Ta mặc pháp phục mà hành dục thì thật là bất tiện. Ta phải cởi bỏ pháp phục, mặc áo {231c} thế tục, không trở về tăng chúng trong vòng 7 ngày, để tự do hành động. Suy nghĩ thế rồi hai thầy cởi bỏ cà sa, mặc áo thế tục và hành lạc thỏa mãn . Qua hết bảy ngày, hai thầy mặc lại pháp phục, về với Tăng chúng. Sau khi về sốâng với tăng chúng hai thầy tự thấy nhờm tởm về những việc mình đã làm, bèn suy nghĩ: "Thật chưa từng nghe thấy một vị Samôn nào lại làm một việc như thế: Nay ta hãy đem việc này thưa với tôn giả Xá Lợi Phất. Nhờ Xá Lợi Phất đi đến Thế Tôn trình bày đầy đủ sự việc ấy. Nếu Phật có dạy điều chi thì ta hãy phụng hành".

Thế rồi hai Tỳkheo đi đến tôn giả Xá Lợi Phất trình bày đầy đủ như trên. Đoạn tôn giả Xá Lợi Phất dẫn hai Tỳkheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem sự việc kể trên bạch rõ với Thế Tôn.

Phật bảo Xá Lợi Phất: "Phải bảo họ rời khỏi đây, đó là những kẻ ngu si, không được xuất gia thọ giới cụ túc trong giáo pháp của Như Lai nữa".

Nhưng Xá Lợi Phất vì lòng thương xót, trịch vai áo phải, quỳ gối chắp tay, bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn, trong tương lai có những thiện nam tử, có lòng tin giáo pháp Thế Tôn, bỏ nhà xuất gia nhưng vì tâm ý mê muội, điên đảo, khởi lên tịnh tưởng (cho sắc đẹp là sạch sẽ), bởi ba nghiệp lừng lẫy đến nỗi không biết hổ thẹn. Kính xin Thế Tôn, mở ra phương tiện để cho các thiện nam tử ấy được xuất gia thọ cụ túc lại trong giáo pháp của đức Như Lai".

Bấy giờ Phật bảo các Tỳkheo: "Hãy gọi các Tỳkheo đang cư trú tại thành Tỳ Xá Ly tập trung cả về đây. Ta sẽ chế giới cho các Tỳkheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

- Nếu Tỳkheo nào đã thọ giới cụ túc giữa chư Tăng hòa hợp, trong khi chưa xả giới mà hành dâm, thì Tỳkheo ấy phạm tội Ba la di, không được cọng trú.

Lại một trường hợp nữa xảy ra trong lúc Phật an trú tại thành Tỳ Xá ly (nói rộng như trên). Khi ấy các Tỳkheo an cư tại nhiều nơi, an cư xong, đi về Tỳ Xá Ly, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ, thăm hỏi. Thăm hỏi xong, theo thứ tự nhận phòng an trú, phòng hết không đủ chỗ, nên có người phải tạm trú nơi hành lang của những thảo am dưới gốc cây ở giữa đàm đất trống. Lúc ấy có một Tỳkheo đang ngồi dưới gốc cây suy nghĩ như sau: "Xuất gia theo Phật giáo thực là quá khổ, tu phạm hạnh cũng quá khó khăn, ban ngày thì gió táp, nắng thiêu, ban đêm thì bị rắn độc muỗi mòng cắn đốt. Tu phạm hạnh trong giáo lý đức Phật thực sự ta không kham nổi". Khi vị Tỳkheo ấy bụng nghĩ, miệng nói như thế, thì các Tỳkheo khác nghe được, họ liền hỏi thầy rằng: "Thầy định xả giới sao?".

Vị ấy đáp: "Không xả giới. Tôi chỉ nghĩ thế, vì sợ mình không kham nổi tu phạm hạnh trong giáo pháp của đức Như Lai mà thôi".

Các Tỳkheo bèn đem nhân duyên (sự kiện) ấy đến {232a} bạch với Thế Tôn rằng Tỳkheo kia định xả giới.

Bấy giờ Phật bảo các Tỳkheo: "Gọi thầy Tỳkheo kia đến đây".

Khi vị ấy đến, Phật hỏi: "Ông xả giới thật sao?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn, không xả".

Phật hỏi: "Vì nhân duyên gì mà đến như thế?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn! Con ngồi dưới gốc cây, lòng nghĩ, miệng nói: Bỏ nhà xuất gia, sống trong giáo pháp của Phật thật quá cực khổ, ta không kham nổi tu phạm hạnh trong giáo pháp của Phật.

Phật nói với Tỳkheo ấy: "Vì sao ông đã có niềm tin, bỏ nhà xuất gia, sống trong giáo pháp của Như Lai mà lại nghĩ rằng ta không đủ kham nhẫn tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai?"

Đoạn Phật nói với các Tỳkheo: "Thầy Tỳkheo ấy không phải là xả giới, đó gọi là giới sút kém; thầy chỉ nói lên những lời nói về giới sút kém của mình, thế nên, phạm tội Thâu lan giá".

Thế rồi Phật bảo các Tỳkheo: "Gọi tất cả Tỳkheo cư trú tại thành Tỳ Xá Ly khiến họ tập trung hết về đây, những ai chưa nghe thì phải nghe, ai nghe rồi thì nên nghe lại:

Nếu Tỳkheo nào đã thọ giới cụ túc giữa chúng tăng hòa hợp, chưa trả giới, giới sút kém, không xả giới mà hành dâm, thì Tỳkheo ấy phạm tội Ba la di, không được cọng trú".

Lại một trường hợp khác khi Phật an trú tại thành Xá vệ. Khi ấy, tại thành Xá Vệ có một trưởng giả tên Nan Đề, thuộc gia đình có tín tâm, bỏ nhà xuất gia; vì ở đây ai cũng biết ông, nên được cúng dường bốn thứ đầy đủ. Có nhiều vị khác cũng tên Nan Đề, nhưng chỉ có trưởng lão Nan Đề này thì khi đi cũng thiền, khi đứng cũng thiền, khi ngồi cũng thiền và khi nằm cũng thiền . Cho nên người thời bấy giờ gọi thầy là Thiền Nan Đề.

Lúc ấy, Nan Đề cất một thảo am trong rừng Khai Nhãn dùng để tu tập. Vào đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm, thầy đều lấy hạnh tu tập làm sự nghiệp, nên được thiền định của thế tục, như vậy trải được bảy năm. Nhưng sau bảy năm, thầy thối thất (mất) Thiền định, nên thường nương tựa dưới một cội cây để tu tập, mong tìm lại thiền định đã mất.

Khi ấy, họ hàng nhà ma thường dùng phương tiện rình rập, tìm chỗ sơ hở của những người tu theo chánh pháp, mới biến thành hình người đoan chính không gì sánh bằng, dùng đủ thứ hương hoa, anh lạc trang điểm thân mình, đến trước Nan Đề, gọi thầy, nói: "Này Tỳkheo, hãy đến đây, cùng ta giao hoan".

Nan Đề lập tức nói: "Loài tà ác, cút nhanh! Loài tà ác, cút nhanh!". Miệng thầy nói, nhưng mắt không nhìn đến.

Thiên nữ lại nói như trên đến lần thứ hai, thứ ba. Và Nan Đề cũng đáp lại hai ba lần: "Loài tà ác, cút nhanh! Loài tà ác, cút nhanh!", mà không nhìn đến. Lúc này thiên nữ bèn cởi bỏ anh lạc, để lộ thân thể, đứng trước Nan Đề, nói với thầy: "Nào, chúng ta cùng nhau hành lạc".

Khi ấy, Nan Đề nhìn thấy thân thể thiên nữ, lòng dục phát sinh, liền đáp: "Được thôi". Đoạn thiên nữ từ từ đi lui. Nan Đề gọi theo: {232b}"Ngươi hãy dừng lại một tí, để chúng ta cùng nhau giao hoan". Nan Đề đi tới, thì thiên nữ rảo bước nhanh hơn. Nan Đề đuổi theo đến bên hào Kỳ Hoàn. Trong hào ấy có một xác chết của con ngựa nhà vua. Thiên nữ đến bên xác ngựa liền ẩn hình không hiện nữa. Khi ấy, Nan Đề vì lòng dục khởi lên quá mạnh, liền hành dâm với xác ngựa, đến lúc lòng dục lắng xuống, liền suy nghĩ: "Ta đã làm một việc rất tệ hại, không phải là pháp của Samôn, ta vì lòng tin xuất gia, mà nay phạm tội Ba la di, thì còn mặc pháp phục, thọ dụng của tín thí làm chi nữa". Đoạn thầy cởi pháp phục vắt lên tay phải, tay trái che thân, đi đến Kỳ Hoàn, nói với các Tỳkheo: "Thưa các trưởng lão, tôi phạm Ba la di, tôi phạm Ba la di".

Bấy giờ, các Tỳkheo đang đi Kinh hành chậm rải trước sân Kỳ Hoàn, suy nghĩ về nghiệp của mình, bèn bảo nhau: "Đó là thầy tọa thiền Nan Đề", người tu phạm hạnh, không phải phạm Ba la di".

Nan Đề lại nói: "Thưa các trưởng lão, không phải thế, tôi phạm Ba la di thật mà".

Các Tỳkheo liền hỏi do nguyên nhân gì mà phạm. Nan Đề bèn trình bày đầy đủ sự việc như trên.

Các Tỳkheo liền đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bèn nói với các Tỳkheo: "Chính thiện nam tử Nan Đề tự nói mình phạm trọng tội, cho nên phải đuổi đi".

Đoạn các Tỳkheo theo lời Phật dạy, đuổi Nan Đề đi, rồi bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, vì sao trưởng lão Nan Đề tu phạm hạnh đã lâu mà còn bị cô thiếu nữ ấy mê hoặc?"

Phật bảo các Tỳkheo: "Không phải ngày nay Tỳkheo Nan Đề mới bị thiên nữ mê hoặc khiến cho thối thất phạm hạnh mà trong quá khứ cũng bị thiên nữ ấy mê hoặc làm cho mất phạm hạnh".

Các Tỳkheo lại bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, đã từng có như thế sao?"

Phật nói: "Đúng thế!". Rồi bảo với các Tỳkheo: "Trong thời quá khứ, có một thành phố tên Ba La Nại, nước tên Ca Thi. Bấy giờ, tại nước A Bàn Đề ở phương Nam có người ngoại đạo xuất gia, thuộc giòng họ Ca Diếp, thông minh, học rộng, lão luyện đối với các điển tịch, tinh xảo mọi nghệ thuật, không gì là không am tường. Vị ngoại đạo ấy giúp vua trị nước. Khi vua nước ấy dùng các hình phạt để trị tội bọn gian tặc như: Chặt tay, chân, xẻo tai mũi, rất là đau đớn. Bấy giờ vị ngoại đạo ấy trầm ngâm suy nghĩ: "Ta đã xuất gia, tại sao lại cùng với nhà vua tham dự việc này?". Liền tâu với vua: "Xin đại vương cho tôi xuất gia". Vua liền đáp: "Thầy đã xuất gia rồi, vì sao còn xin xuất gia nữa?".

Vị ấy nói: "Tâu đại vương, tôi nay tham dự vào các loại hình phạt làm khổ não chúng sinh thế này thì sao gọi là xuất gia?".

Vua liền hỏi: "Nay thầy muốn xuất gia theo đạo nào?".

Vị ấy đáp: "Tâu đại vương, tôi muốn xuất gia để học đạo tiên".

Vua nói: "Được, tùy ý thầy".

{232c}Bấy giờ cách thành Ba La Nại không xa, có một dãy núi hàng trăm ngọn, trong đó có suối chảy, hồ nước, hoa quả sum xuê, ông liền vào núi ấy, cất một tinh xá, rồi tu tập theo pháp môn ngoại đạo, đạt được thiền định thế tục, và đắc ngũ thần thông. Vào tiết tháng tư, ông ăn các quả dưa, do tứ đại không thích hợp, nên lúc đi tiểu, tinh khí theo ra. Lúc ấy có đàn nai đang sống từng bầy, thường đi theo nhau, nhân khát nước đi tìm nước uống, một con đã uống nhầm nước tiểu ấy khiến chất bất tịnh (tinh khí) thấm vào miệng rồi theo đường sinh dục vào trong tử cung - quả báo của chúng sinh khó mà nghĩ nổi - do đó mà thụ thai. Con nai ấy thường ăn cỏ, uống nước bên triền núi, đến khi đủ tháng, tới ngày sinh nở, thì gặp lúc vị tiên nhân đi hái quả. Nhân vì sinh con khó nên con nai kêu la bi thiết, vị tiên nhân ngỡ là nai bị ác thú làm hại, nên đến cứu, liền thấy nó sinh một em bé trai.

Tiên nhân thấy thế, lấy làm quái lạ, liền suy nghĩ: "Vì sao súc vật lại sinh ra người!"Rồi nhập định tư duy, thấy được nguyên nhân, đó chính là con mình, nên đâm ra yêu mến đứa trẻ ấy, bèn dùng y bọc lại đem về nuôi dưỡng, và thường đem nó đến chỗ nai mẹ để nai cho bú, dần dần lớn lên, được đặt tên là Lộc Ban. Vì do mẹ sinh nên trên mình loang lổ giống như mẹ, bởi thế mà đặt tên Lộc Ban. Đồng tử ấy lần lần khôn lớn, đến năm bảy tuổi thì biết kính trọng tôn trưởng, nhân ái hiếu từ, thường hái quả, mang nước cúng dường Tiên nhân.

Khi ấy, tiên nhân thầm nghĩ: "Cái đáng sợ nhất trong thiên hạ không gì hơn là phụ nữ". Liền dạy con rằng: "Cái đáng sợ nhất không gì hơn là phụ nữ, nền chính trị bại vong, đức hạnh bị băng hoại, đều do nó cả". Dạy như thế rồi, ông liền dùng thần thông nhập định, tự hóa, như bài kệ tả:

"Hết thảy mọi chúng sinh
Không ai tránh khỏi chết
Ra đi tùy theo nghiệp
Tự nhận lấy quả báo.
Làm thiện sinh lên trời
Tạo ác vào đại ngục
Hành đạo tu phạm hạnh
Hết lậu, được Niết bàn".

Thế rồi tiên nhân mệnh chung. Bấy giờ đồng tử tịnh tu phạm hạnh, đạt được tứ thiền của ngoại đạo, phát sinh năm thần thông, được đại thần lực, có thể dời núi, chận dứng dòng nước, hoặc rờ mặt trời, mặt trăng.

Khi ấy, Đế Thích cỡi voi trắng du hành trong thế gian để xem ai hiếu thuận cha mẹ, cúng dường Samôn, Bàlamôn, ai bố thí, giữ giới, tu phạm hạnh. Lúc Đế Thích đang tu hành, bỗng thấy đồng tử tiên nhân ấy, liền thầm nhủ: "Nếu đồng tử này muốn cầu Đế Thích, Phạm Vương, đều có thể được, vậy ta cần sớm phá hoại y", như lời kệ:

"(233a) Chư thiên và loài người,
Tất cả mọi chúng sinh
Không ai thoát trói buộc
Bởi hai thứ kiết sử
Keo kiệt và ganh tỵ
Chết phải sinh ác đạo".

Đoạn nói về chư Thiên, họ có ba loại trống dùng trong ba lúc: Lúc chư Thiên và A tu la đánh nhau, thì đánh trống thứ nhất, lúc các loài hoa trong vườn Câu tỳ la nở, thì đánh trống thứ hai, khi tập họp chư Thiên tại giảng đường thiện pháp để nghe pháp, thì đánh trống thứ ba.

Lúc ấy, Đế Thích đánh trống thuyết pháp, vô số trăm nghìn thiên tử đều tập họp về đó. Họ bèn hỏi Đế Thích: "Có điều chi dạy bảo chăng?". Đế Thích nói với họ: "Cõi Diêm phù đề có tiên nhân đồng tử tên là Lộc Ban, y có công đức lớn, ta muốn dùng phương tiện để hãm hại y". Vô số thiên tử nghe nói thế không vui, liền tự nhủ thầm: "Nếu hãm hại người ấy thì chư Thiên sẽ suy giảm, mà chúng A tu la sẽ tăng thêm". Nhưng trong chư Thiên có người bình tĩnh suy nghĩ: "Không nên chủ trương sự thành bại". Lại có hạng người vui lòng tán thán ý đồ hãm hại vị tiên nhân ấy. Đoạn một vị thiên tử hỏi rằng: "Người nào nên đi?"Bỗng có người đáp: "Vị thiên nữ kia nên đi".

Lúc này chư Thiên đang dạo chơi các khu vườn, hoặc tại vườn Hoan Hỷ, hoặc tại vườn Tạp Sắc, hoặc tại vườn Lộc sáp. Thiên nữ phải đến các nơi đó gọi họ về. Tức thì, trăm nghìn thiên nữ đều tập họp về. Có một thiên nữ tên A Lam Phù, vì tóc cô có bốn màu xanh vàng đỏ trắng pha tạp nên gọi là tạp sắc, Đế Thích liền sai thiên nữ này xuống Diêm Phù để phá hoại Lộc Ban đồng tử. Nhưng thiên nữ ấy bạch với Đế Thích: "Tôi từ trước tới nay, đã nhiều lần phá những người tu phạm hạnh, vì vậy mà mất thần thông, xin Thiên đế sai thiên nữ khác đoan chính, đẹp đẽ có thể làm cho người ta vui lòng". Lúc ấy Đế Thích lại đọc một bài kệ để khuyến dụ thiên nữ, đại khái: "Người có sứ mệnh phải đi hủy hoại Câu Xá Tần Đầu (tiên nhân đồng tử)", như trong Kinh Bản Sinh nói. Thế rồi, thiên nữ bèn đi phá hoại tiên nhân đồng tử.

Phật liền bảo với các Tỳkheo: "Tiên nhân đồng tử Câu Xá Tần Đầu thuở ấy nào phải ai khác đâu mà chính là Thiền Nan Đề ngày nay vậy. Còn thiên nữ A Lam Phù cũng chính là cô thiên nữ ngày nay. Nan Đề ngày xưa đã từng bị cô ấy phá hoại, ngày nay làm Tỳkheo, cũng bị cô ta hại nữa".

Rồi Thế Tôn nói với các Tỳkheo: "Tỳkheo nào hành lạc ngay cả với loài súc vật cũng phạm tội Ba la di, không được sống chung".

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương Xá (nói rộng như trên), có các Tỳkheo kiết hạ an cư nơi này nơi khác. An cư xong, họ đi về thành Vương Xá lễ bái, thăm viếng đức Thế Tôn. Mỗi người tùy thích chọn chỗ an trú, hoặc ở tinh xá Tỳ Ba la, hoặc ở tinh xá Bạch Sơn, {233b}hoặc ở tinh xá Phương Sơn, hoặc ở trong động của tiên nhân, hoặc ở trong hang núi Kỳ Xà Quật, hoặ ở trong Biện tài nham, hoặc ở tinh xá trong vườn Câu Lợi, hoặc ở tinh xá trong vườn Lại Tra, hoặc ở tinh xá trong vườn Sư Tử, hoặc ở tinh xá trong vườn Thất Diệp, hoặc ở tinh xá Ôn Tuyền, hoặc ở trong hang Tán Cái, hoặc ở trong hang Am La, hoặc ở trong hang Ty Thi, hoặc ở tinh xá Viên Hầu.

Khi các Tỳkheo khách đến tinh xá Viên Hầu này, liền đến vị Tỳkheo tri thức cựu trú để cùng chúc tụng vấn an. Chúc tụng xong, vị Tỳkheo cựu trú liền cung cấp nước tắm, nước rửa tay chân, nước uống dùng trưa và chiều, chỉ chỗ phòng nghỉ. Do vậy, các Tỳkheo khách đều có chỗ an nghỉ.

Lúc ấy, trên đỉnh núi có một con vượn cái, từ trên núi xuống, đến trước Tỳkheo cựu trú, đứng quay lưng lại, hiện tướng muốn được hành dâm. Tỳkheo cựu trú liền quát tháo đuổi đi. Nó lại đến trước các Tỳkheo khác, đứng quay lưng lại, cũng hiện tướng muốn được hành dâm như thế.

Khi ấy, các Tỳkheo khách suy nghĩ: "Phàm loài dã thú, vốn hay sợ hãi vì sao con vật này bị xua đuổi mà vẫn không đi, việc này ắt có uẩn khúc gì đây; biết đâu ở chốn này lại không có kẻ nào đó dùng con vượn cái này để làm điều bất tịnh (hành lạc)?". Nghĩ thế, các Tỳkheo khách nói với Tỳkheo cựu trú: "Này trưởng lão, giờ đây chúng tôi muốn ra đi, thầy có thể thu lại giường nệm". Vị cựu Tỳkheo nói: "Các Trưởng lão, hiện giờ ở trú này có giường nệm tốt, ngày ăn hai bữa, an ổn, khoái lạc, mong các trưởng lão xem lại, mà cùng an trú nơi đây". Khách Tỳkheo đáp: "Không ở". Vị cựu Tỳkheo ân cần mời đến ba lần, nhưng các Tỳkheo vẫn không chuẩn thuận lời thỉnh cầu của thầy, cứ việc ra đi.

Khi ấy, những Tỳkheo khách nào lòng không nghi ngờ, hễ ra khỏi trú xứ liền đi luôn, còn những Tỳkheo khách nào lòng có ngờ vực, thì ẩn thân một nơi gần đó để theo dõi sự việc. Cựu Tỳkheo thấy khách Tỳkheo đã đi hết, liền thu dọn ngọa cụ, thu xếp xong, rửa chân rồi ngồi nghỉ. Bấy giờ con vượn cái lại từ trên đỉnh núi đi xuống, đến trước Tỳkheo, đứng quay lưng lại. Thế rồi, vị cựu Tỳkheo cùng với con vượn cái này làm điều phi pháp (hành lạc). Các khách Tỳkheo từ xa trông thấy thế, liền cùng bảo nhau: "Những gì ta nghi ngờ, giờ đây đã hiện rõ".

Vì nhân duyên đó, họ liền đi đến bạch lên Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, trong vườn Trường Vĩ (Viên hầu) thầy Tỳkheo cựu trú đã làm một việc tồi tệ như thế...".

Phật dạy: "Hãy gọi Tỳkheo ấy đến đây".

Khi Tỳkheo ấy đến, Phật hỏi thầy: "Ông có làm việc đó thật không?"

Thầy đáp: "Thật có vậy, bạch Thế Tôn!".

Phật nói với thầy: "Ông không biết rằng Ta đã chế giới không được hành dâm hay sao?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn, con biết Phật đã chế giới, nhưng con nghĩ, không được hành dâm với loài người và phi nhân, chớ không phải với súc sinh".

Phật nói: "Tỳkheo hành dâm với súc sinh cũng mắc tội Ba la di. {233c} Các Tỳkheo nên biết, có ba việc phạm Ba la di. Đó là: Tỳkheo hành dâm với loài người, loài phi nhân và súc sinh, như vậy là ba việc".

Lại nữa, khi Phật trú tại thành Xá Vệ (nói rộng như trên), bấy giờ có một Tỳkheo, đến giờ khất thực, khoác y cầm bát vào thành khất thực, tuần tự đi đến một nhà kia, bỗng có một phụ nữ gọi bảo Tỳkheo: "Đại đức hãy vào đây, cùng tôi làm việc như thế (hành lạc)".

Thầy Tỳkheo đáp: "Thế Tôn chế giới không được hành dâm". Người phụ nữ lại nói: "Tôi biết không thể hành dâm bằng con đường thông thường (âm đạo), nhưng có thể hành dâm bằng con đường khác (hậu môn hoặc miệng)".

Thế rồi, thầy Tỳkheo ấy cùng với người phụ nữ hành lạc bằng con đường khác. Hành lạc xong thầy sinh hồ nghi, liền đi đến chỗ Thế Tôn bạch lên sự kiện ấy.

Phật nói với thầy: "Ông không biết rằng Phật chế giới không được hành dâm hay sao?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn, con biết Phật đã chế giới, nhưng con nghĩ là không được hành dâm theo con đường thông thường, chứ không phải hành dâm theo con đường khác".

Phật liền nói với thầy Tỳkheo ấy: "Con đường khác cũng phạm Ba la di".

Lại một trường hợp khác, Phật cũng an trú tại thành Xá Vệ (nói rộng như trên), bấy giờ có một Tỳkheo đến giờ khất thực, bèn khoác y cầm bát đi vào thành, tuần tự khất thực đến một nhà kia.

Lúc ấy có một người con trai từ trong nhà gọi Tỳkheo, nói: "Đại đức, có thể vào đây, chúng ta cùng làm việc như thế (hành lạc)".

Thầy Tỳkheo đáp: "Đức Thế Tôn chế giới không được hành dâm".

Cậu trai ấy bảo: "Tôi biết Phật chế giới không được hành dâm với phụ nữ, còn tôi là nam giới mà".

Thế là thầy liền thuận theo ý đồ của Y (cùng hành lạc). Khi hành động xong, thầy sinh hồ nghi, hối hận, liền đi đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Phật nói với thầy: "Ông không biết Phật chế giới không được hành dâm sao?".

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn, con biết Phật có chế giới, nhưng con tự nghĩ là không được hành dâm với phụ nữ, chứ không phải với nam giới".

Phật nói với Tỳkheo ấy: "Hành dâm với nam giới cũng phạm Ba la di".

Một trường hợp khác, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ (nói rộng như trên), có một Tỳkheo đến giờ khất thực, khoác y cầm bát vào thành, lần lượt khất thực đến một nhà kia, trong nhà ấy có một người hoàng môn (phi nam phi nữ), gọi Tỳkheo ấy nói: "Đại đức có thể vào đây, cùng tôi làm việc như thế". Thầy Tỳkheo đáp: "Đức Thế Tôn chế giới không được hành dâm". Người ấy nói: "Tôi biết Phật chế giới không được hành dâm với phụ nữ và nam giới, còn tôi là phi nam phi nữ mà".

Thế rồi, thầy Tỳkheo liền tùy thuận theo ý đồ của y. Nhưng khi hành động xong, thầy sinh hồ nghi, hối hận, bèn đi đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Phật liền hỏi thầy Tỳkheo ấy: "Ông không biết rằng Phật chế giới không được hành dâm sao?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn, con biết Phật có chế giới, nhưng nghĩ là không được hành dâm với phụ nữ và nam giới còn người hoàng môn này là phi nam phi nữ kia mà".

Phật dạy: "Tỳkheo hành dâm với kẻ hoàng môn cũng phạm Ba la di". {234a}Và Phật dạy tiếp: "Tỳkheo hành dâm với ba đối tượng sau đây phạm Ba la di: Với người nam, người nữ và hoàng môn. Đó là ba đối tượng".

Lại nữa, lúc Phật an trú tại thành Tỳ Xá Ly (nói rộng như trên) bấy giờ có một Tỳkheo đến giờ khất thực, liền khoác y, cầm bát, đi vào thôn xóm trong thành để khất thực, tuần tự đi đến một nhà kia, trong nhà ấy có một phụ nữ gọi thầy Tỳkheo ấy nói: "Đại đức có thể vào đây, cùng tôi làm chuyện như thế".

Thầy Tỳkheo đáp: "Đức Thế Tôn chế giới không được hành dâm".

Người phụ nữ nói: "Tôi biết không được, nhưng thầy có thể mặc y, còn tôi thì khỏa thân".

Đoạn thầy Tỳkheo bèn tùy thuận ý đồ của cô ấy. Hành động xong, thầy đâm nghi ngờ, hối hận, liền đi đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền khiển trách thầy: "Ông không biết Phật chế giới không được hành dâm sao?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn, con biết Phật có chế giới, nhưng ở đây con mặc y, còn cô ấy khỏa thân kia mà".

Phật liền nói với Tỳkheo ấy: "Một đàng mặc y, một đàng khỏa thân, cũng phạm Ba la di".

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Tỳ Xá Ly (nói rộng như trên), bấy giờ có một Tỳkheo đến giờ khất thực, liền khoác y, cầm bát đi vào trong thành để khất thực. Thầy khất thực tuần tự đến một nhà kia, khi ấy có một phụ nữ gọi thầy nói: "Đại đức có thể vào đây, cùng tôi làm việc như thế".

Thầy Tỳkheo đáp: "Đức Thế Tôn chế giới không được hành dâm".

Người phụ nữ nói: "Tôi biết, nhưng thầy để khỏa thân, còn tôi thì che thân".

Thầy liền tùy thuận theo ý đồ của cô ấy. Nhưng sau khi hành động, thầy bỗng sinh nghi ngờ, hối hận, liền đi đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn .

Phật bèn khiển trách thầy: "Ông không biết rằng Phật đã chế giới không được hành dâm sao?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn! con biết Phật có chế giới, nhưng ở đây cô ấy che thân, còn con khỏa thân kia mà".

Phật dạy: "Cô ấy che thân, còn ông khỏa thân cũng phạm Ba la di, thậm chí hai căn (dương vật và âm hộ) chỉ chạm nhau bằng hạt mè cũng phạm Ba la di".

Lại nữa, lúc Phật an trú tại thành Xá Vệ (nói rộng như trên), bấy giờ có thầy Tỳkheo từ phương khác đến, thầy có nam căn (dương vật) dài lớn, liền tự đút vào hậu môn để thỏa mãn tính dục. Hành động xong, thầy sinh nghi ngờ, hối hận liền đi bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Phật bèn khiển trách thầy: "Ông không biết rằng Phật đã chế giới không được hành dâm sao?"

(234b)Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn! con biết Phật có chế giới, nhưng con nghĩ là cấm đối với người khác chứ không phải với chính mình".

Phật dạy: "Hành lạc với chính mình, cũng phạm Ba la di".

Lại nữa, lúc Phật an trú tại thành Xá Vệ (nói rộng như trên), bấy giờ có một Tỳkheo từ phương Nam đến, trước kia thầy vốn là một vũ công, nên thân thể tay chân mềm mại, lúc ấy tình dục khởi lên mãnh liệt, thầy liền đút dương vật vào miệng để hành lạc. Hành lạc xong, thầy sinh nghi ngờ, hối hận, liền đi đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Phật liền khiển trách thầy: "Ông không biết rằng Phật chế giới không được hành dâm sao?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn! Con biết Phật có chế giới, nhưng con nghĩ là không cấm tự đút (dương vật) vào miệng mình".

Phật dạy: "Tự đút vào miệng mình cũng phạm Ba la di. Nếu Tỳkheo hành dâm ở ba chỗ là: Miệng, đường tiểu tiện và đại tiện, đều phạm Ba la di cả".

Lại nữa, lúc Phật an trú tại thành Vương Xá (nói rộng như trên) khi ấy có một Tỳkheo đến giờ khất thực, liền khoác y, cầm bát vào thôn xóm, tuần tự khất thực, khi đến nhà của một dâm nữ, dâm nữ bèn gọi Tỳkheo nói: "Đại đức có thể vào đây cùng tôi làm chuyện như thế". Thầy Tỳkheo đáp: "Đức Thế Tôn chế giới không được hànhdâm". Cô dâm nữ nói: "Tôi cũng biết không được hành dâm, nhưng ở đây hành dâm nơi âm hộ và xuất tinh ở ngoài (thì đâu có sao)".

Thầy bèn tùy theo ý của cô ta. Khi hành động xong, thầy sinh nghi ngờ, hối hận liền đi đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Phật liền khiển trách thầy: "Ông không biết rằng Phật đã chế giới không được hành dâm sao?"

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn! con biết Phật có chế giới, nhưng ở đây hành dâm nơi âm hộ và xuất tinh ở ngoài kia mà".

Phật nói: "Hành dâm bên trong (âm hộ) và xuất tinh ở ngoài, hay hành dâm ở ngoài rồi xuất tinh ở trong, thậm chí hai căn (dương vật và âm hộ) chỉ chạm nhau một tí bằng hạt mè cũng phạm Ba la di".

Lại nữa, lúc Phật an trú tại thành Vương Xá (Nói rộng như trên) bấy giờ có các khách buôn từ phương Bắc xa xôi đến đó, họ suy nghĩ: "Chúng ta từ phương xa đến đây an ổn, không gặp nạn giặt cướp, nên tự ăn mừng, liền bày ra các thức ăn uống, mời các nhạc công đến (múa hát), rồi cùng nhau truy hoan.

Bấy giờ trong thành Vương Xá cũng có 500 dâm nữ cũng tụ tập một chỗ. Lúc ấy các thương khách liền sai một người tín cẩn nói với một dâm nữ tuyệt diệu nhất: "Cô hãy đến truy hoan cùng chúng tôi".

Dâm nữ đáp: "Tôi đã hẹn trước với nhà vua đêm nay phải đến ở lại trong cung. Nếu ông gọi ban ngày, tôi có thể đến với ông".

Thương nhân giận dữ nói: "Không hiểu vật tồi tệ mà cô nhận được khi cô đến chỗ nhà vua là vật gì? Hôm nay nếu cô chịu đến truy hoan với chúng tôi, chúng tôi sẽ tặng cô nhiều món bảo vật".

Vì tham vật báu, dâm nữ liền hứa với thương nhân, rồi gian trá trang điểm một tỳ nữ đoan chánh nhất giả dạng mình, bảo y đến với nhà vua, lại căn dặn: "Ngươi đến chỗ nhà vua, phải khéo dùng phương tiện làm sao cho thật giống với hình dạng của ta, đừng để vua biết là không phải ta".

Lúc đó vua tắm xong, mặc đồ tươm tất, ngồi chờ dâm nữ, mơ tưởng đến cô, thì bỗng chốc cô hiện đến. Nhưng từ xa vua trông thấy, biết đó là đứa đầy tớ chứ không phải dâm nữ, liền chận lại mắng: "Ngươi là ai mà lại đến đây?". Tỳ nữ hoảng sợ liền tâu thực với vua rằng: "Các thương nhân ở phương bắc xa xôi mang bảo vật đến, đã đem nhiều vật quý tặng chủ nhân tôi. Chủ nhân tôi vì thấy nhiềucủa quý, khởi lòng tham, nên sai tôi đi thay để đáp lời hứa trước, nhưng tưởng đại vương không biết". Vua nghe tỳ nữ nói, liền nỗi giận mắng: "Con tiện tỳ kia, {234c } sao ngươi dám coi thường, lừa dối ta". Liền sai lính hầu cắt bỏ hình nữ (âm hộ) của cô.

Đoạn nói về các thương nhân, từ xa trông thấy sứ giả đến, họ biết là do vua sai tới, liền xa chạy cao bay. Sứ giả liền bắt dâm nữ, cắt bỏ hình nữ. Đến khi sứ giả của vua về hết, các thương nhân trở lại chỗ cũ, thấy dâm nữ như thế, ai nấy đều động lòng thương cảm. Họ liền gọi lương y đến, trọng thưởng, nhờ chữa trị vết thương cho dâm nữ. Vị y sĩ này tài giỏi, nên chữa trị vết thương bình phục rất nhanh.

Khi ấy tôn giả Ưu Ba Ly, nhân sự việc dâm nữ như thế, biết đúng lúc bèn hỏi Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, nếu có người cắt nữ hình bỏ đi, rồi Tỳkheo hành dâm nơi chỗ hư hoại ấy, có phạm Ba la di không?"

Phật dạy: "Phạm Ba la di".

Lại hỏi: "Bạch Thế Tôn, nếu nữ hình lìa khỏi thân, hành dâm nơi nữ hình ấy, có phạm Ba la di không?"

Phật dạy: "Mắc tội Thâu lan giá".

Lại hỏi tiếp: "Bạch Thế Tôn, nếu nữ hình ráp lại với thân mà vết thương chưa lành, hành dâm nơi ấy, có phạm Ba la di không?"

Phật dạy: "Phạm Ba la di".

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương Xá (nói rộng như trên), bấy giờ vua A Xà Thế sinh một đồng tử, đặt tên là Ưu Đà Di Bạt Đà La dương vật của cậu bé này bị nhiễm trùng, đã dùng mọi thứ thuốc chữa trị, nhưng vẫn không lành. Thấy đứa bé bị vết thương hành hạ đau đớn, người vú nuôi thường dùng miệng ngậm dương vật, hơi ấm truyền vào, nên giảm bớt sự đau đớn. Bà vú thường ngậm luôn, dương vật được tiếp xúc với hơi ấm, do đó xuất tinh. Khi xuất tinh, vi trùng liền theo tinh khí ra ngoài. Nhờ thế, đứa trẻ dần dần lành bệnh, dứt hết thống khổ. Từ đó trở đi, nó thường sử dụng phương pháp hành dâm nơi đường miệng, lâu ngày thành thói quen, do đó, nó cưỡng bức những bà vú nuôi khác để nó hành dâm nơi đường miệng.

Cậu ta có một người vợ, cô này suy nghĩ: "Chồng ta đã tập quen thói ấy, sẽ không cần đến ta nữa, vậy ta phải dùng phương tiện gì để ngăn chặn những chuyện xấu ấy". Thế rồi, cô khoác y, trùm lên mặt, để thân thể lõa lồ, đi đến chỗ mẹ chồng, lễ bái thưa hỏi mẹ. Mẹ chồng mắng: "Ngươi điên rồi sao? Tại sao làm như thế?". Cô đáp: "Không điên, chỉ vì con của đại gia (mẹ) bỏ con đường thông thường mà sử dụng đường miệng, cho nên con che miệng lại". Rồi cô trình bày đầy đủ sự việc trên cho mẹ chồng nghe.

Bấy giờ trong cung ai nấy rỉ tai nhau, khiến mọi người ở ngoài đều hay biết cả. Do đó, nhiều người bắt chước hành dâm nơi đường miệng.

Biết việc như thế, các Bà la môn, cư sĩ ở thành Vương Xá, cùng đi đến chỗ vua tâu rằng: "Tâu đại vương, trong nước hiện nay đang lưu hành một thói xấu. Vì sao miệng là chỗ ăn uống mà lại dùng làm sự bất tịnh (hành lạc)?"

Vua nghe lời tâu ấy, cho là việc không thể nào chấp nhận được, liền ra lệnh: "Từ nay trở đi, nếu ai làm việc đó, hoặc xúi kẻ khác làm, phải trị tội thật nặng".

Bấy giờ tôn giả Ưu Ba Ly biết đúng lúc, nên hỏi đức Thế Tôn: "{235a}Bạch Thế Tôn, nếu Tỳkheo cùng Tỳkheo hành dâm nơi đường miệng, có phạm Ba la di không?"

Phật dạy: "Cả hai đều phạm Ba la di".

Tôn giả lại bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, Tỳkheo cùng Sa di hành dâm nơi đường miệng, có phạm Ba la di không?".

Phật dạy: "Tỳkheo phạm Ba la di, còn Sa di thì đuổi đi".

Lại bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, Tỳkheo cùng bạch y hành dâm nơi đường miệng thì thế nào?"

Phật dạy: "Tỳkheo phạm Ba la di, còn bạch y thì theo sự quy định của luật pháp thế gian".

Lại bạch Thế Tôn: "Tỳkheo cùng Tỳkheo ni hành dâm nơi đường miệng thì thế nào?"

Phật dạy: "Cả hai đều phạm Ba la di".

Tôn giả lại hỏi: "Bạch Thế Tôn, nếu ngoại đạo xuất gia cùng Tỳ kheo hành dâm nơi đường miệng thì thế nào?"

Phật dạy: "Tỳkheo phạm Ba la di, nhưng ngoại đạo thì theo sự quy định của họ biết làm thế nào được!".

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]